Tuesday, January 31, 2023

Mấy Người Bạn Quảng - Phan

 

Suốt tuần qua Dallas lạnh lắm, chỉ may là những ngày âm độ C thì trời không mưa nên đường không đóng đá, nhờ vậy mà còn đi làm, đi chợ, đi đây đi đó được. Cũng tuần qua, từ đầu tuẩn tôi đã nhận được tin nhắn cho hay một người bạn cũ vừa qua đời vì bạo bệnh. Tôi cho người bạn cũ khác từ những ngày mới qua Mỹ hay tin, vậy là ba người bạn quen biết nhau từ những ngày mới đến Mỹ thì nay còn hai. Hồi đó, ba đứa cộng lại chưa được trăm tuổi, bây giờ cộng tạm đã lót ngót hai trăm. Còn hai đứa thì hai đứa con nhà người Bắc di cư đi viếng tang thằng bạn người Quảng.

Nói tới người Quảng nói riêng hay người miền trung nói chung trong đầu óc trẻ nhỏ của tôi vẫn còn nhớ được vài người bạn nhỏ chạy giặc từ ngoài trung vào Sài gòn những năm chiến cuộc leo thang trước biến cố tháng tư năm 1975. Các bạn cũng đi học những lớp tiểu học với chúng tôi ở Sài gòn. Nhớ lại, các bạn ngoài trung vào thường nổi bật bởi giọng nói khó nghe, nhưng tính tính vui vẻ và quậy phá cũng có hạng không thua bọn trẻ Sài gòn.
Rồi hình ảnh những bà mẹ Quảng buôn thúng bán bưng sau hoà bình, lam lũ hoà chung với những bà mẹ miền nam sau biến cố lịch sử là nét đậm trong tôi. Nhớ điếu thuốc Cẩm lệ, vấn bằng lá chuối tươi mà mệ hút giữa chiều gió mưa ế ẩm; chiếc nón lá rách, cái bao ny-lon lớn khoét ba lỗ làm thành áo mưa, mệ ngồi với gánh hàng rau ế ẩm chiều mưa nơi tôi bắt đầu biết suy nghĩ sau biến cố đổi đời ở quê tôi đã ít nhiều có hình ảnh bà mệ Quảng trị, mệ đã hình thành cho tôi từ nhỏ một tình cảm thương mến và thấu hiểu với người miền trung.

Giờ đứa bé đã xa mù cố thổ đến đoạn bước vào tuổi già nơi xa xứ nhưng hình ảnh cũ về quê nhà trong ký ức vẫn có mệ như tả ở trên, là người bạn của mẹ tôi ở cái chợ chiều ven sông sau tháng tư năm 1975. Mệ cạo gió cho mẹ tôi dưới tấm bạt che mưa che gió, nhớ chai dầu để cạo gió mệ cũng phải đội mưa đi mua chịu. Mẹ tôi nói mệ gánh gánh rau nép vào mái che cho đỡ mưa, rồi cũng mẹ tôi không chịu được mùi thuốc Cẩm lệ nên ho sặc sụa. Nhưng mẹ tôi biết uống rượu vang của Pháp; những hôm nhà có tiệc (trước 1975), đôi khi mẹ tôi cũng uống đỡ cho cha tôi ly rượu mạnh mà hồi đó tôi chỉ biết gọi chung là rượu tây.

Nhớ mệ Quảng năm xưa chạy giặc vào nam lam lũ chung với mẹ tôi sau hoà bình nên ký ức tôi còn mãi hình ảnh một chiều mưa ế ẩm ngoài chợ chiều vào hôm khác. Tôi xách cơm chiều ra chợ cho mẹ tôi ăn để ráng bán đến tối mà hòng cứu vãn một ngày gió mưa ế ẩm. Mẹ tôi xớt cơm làm hai phần để mời mệ ăn chung cho vui. Chắc mệ cảm khái tấm lòng mẹ tôi nên mệ lỡ ế, lỡ nghèo… thì chơi cho mạt luôn. Mệ bảo mẹ tôi chờ chút, rồi mệ lủi lủi đi một lát. Mệ quay về tấm bạt che mưa đã thiếu trước hụt sau của mẹ tôi lại còn cho gánh rau của mệ Quảng tá túc một thời. Mệ về với chai rượu đế. Hai bà ngồi nhậu với mấy con còng ram mặn do tôi tự nấu ở nhà, có rau ngổ luộc là mẹ tôi đã mua giúp mệ một bó. Cơm thì cơm trắng nhưng chỉ lưng bát cơm trước khi tôi trộn bo bo luộc vào nồi cơm để anh em tôi ăn ở nhà. Thực tâm lúc ấy tôi thương mẹ mình cũng chỉ làm được vậy, mẹ ăn ít thì cho mẹ ăn cơm không độn để có sức buôn bán, vậy thôi.

Hình ảnh hai bà mẹ ngồi nhậu giữa chợ đời trong bước đường cùng của lịch sử đã in đậm vào tôi một tình cảm vô bờ theo thời gian vì càng lớn lên càng hiểu được tâm trạng của bà mẹ chiều mưa ế hàng thì vẫn không biết chồng con trong trại tù cải tạo còn sống hay đã chết? Bà làm gì để nuôi sống mấy đứa con còn nhỏ.

Mệ càng thê thảm hơn với giặc giã đến thất lạc chồng con, rồi ai còn ai mất cũng không biết! Ngày ngày mệ qua ngày với gánh rau mà nuôi hy vọng đoàn tụ gia đình hơn là nuôi thân vì hôm nào buôn may bán đắt thì mệ cũng ăn rau thôi  để dành tiền cho chồng con thất lạc còn chưa gặp lại...

Tôi lớn lên ta bà thiên địa. Chiều mưa biên giới Việt-Trung, chiều mưa rừng bên Miên mù trời xám đất, rồi mưa biển mịt mù khi đi đánh cá ngoài khơi… những chiều mưa trong đời lại thấp thoáng hình ảnh hai bà mẹ uống chung chai rượu đế như nước mắt quê hương; đến những chiều mưa lãng mạn bên  u châu mà tôi ưa thích, che chung cây dù với bạn gái năm xưa như đi trong mộng thường; sống đời với mưa Mỹ trói chân buộc gót ở nhà… lại nhớ mưa chiều nơi cái chợ chồm hổm ven sông. Đi thắp nén hương cho mẹ trên bệ lò sưởi, lại thắp thêm nén nữa cho mệ…

Chiều nay mưa mưa như mưa phùn xứ bắc, lạnh thì lạnh bên Mỹ lạnh hơn quê nhà mình nhiều. Đi viếng tang thằng bạn người Quảng ra, tôi rủ thằng bạn già con nhà người bắc di cư như tôi… đi nhậu. Nó không ăn nhậu gì hết vì người muốn bệnh, chỉ muốn về nhà nằm nghỉ. Nên tôi ghé chợ một mình, chỉ mua bó rau răm về ăn miến gà có sẵn trong tủ lạnh.

Lại gặp một người Quảng chơ lơ ngoài bãi đậu xe của chợ. Trời thì lạnh nhức mũi, ù tai. Ông không nghèo như mệ năm xưa, ông ăn mặc chỉn chu, cái xe ông lái cũng bộn tiền. Thế mà ông mở bửng xe, đứng bán ít rau cải, rau thơm héo lạnh. Ông mời tôi mua giúp… Bó rau răm bằng ngón tay cái trong chợ bán hơn một đồng thì bó rau răm bằng ngón chân cái ngoài bãi đậu xe, ông bán chỉ có năm mươi xu. Tôi thật lòng thưa ông, tôi vào chợ chỉ mua mỗi một bó rau răm. Nên ông tặng không cho tôi vì không có tiền thối, lại còn vui vẻ nói: “Chúc anh có bữa chiều ngon miệng, vì rau nhà trồng không bón phân hoá học nên tuy nhỏ lá nhưng thơm lắm…”

Tôi nhận nơi ông tấm lòng người Quảng. Người miền trung chịu thương chịu khó nên thời tiết mùa này vẫn tìm cách che chắn ở nhà thì mới trồng được rau cải, rau xanh, rau mùi. Rồi ăn không hết thì đem ra chợ bán. Kiếm được vài đồng không bõ tiền xăng, tiền nước tưới rau và công sức. Nhưng ông này thương vợ dãi lạnh giầm mưa nên ông thay vợ ra chợ cầu may vào một chiều mưa lất phất, lạnh nhức mũi, trời đất âm u…

Số tôi hên hay sao vì người trong nam thường nói người trung keo kiệt, trong khi tôi toàn gặp những người miền trung hào sảng. Thằng bạn phiêu bạt năm xưa, nhà nó ở Lăng cô. Cứ mỗi lần chúng tôi chở hàng trong nam ra là ghé ngang nhà nó ăn nhậu sò huyết cho đã đời rồi mới đi Trung quốc. Chuyến về cũng y chang. Vợ chưa cưới của nó nhưng đã sống với mẹ chồng và đàn em chồng thơ ngây vì cô ấy không còn thân nhân sau chiến cuộc 1975. Nhà nghèo rớt mà hiếu khách và rộng lượng vô bờ…

Đến tên bạn chết hôm nay vì bạo bệnh, như vợ hắn kể, “Anh ấy không ngờ Chúa gọi anh ấy sớm. Tôi nghiệp ông xã em cực khổ từ nhỏ, mười tuổi đầu đã vượt biên, xa gia đình, thân một mình cực khổ tới giờ mấy đứa con mới lớn thì ảnh đã ra đi…”

Ôi cái thằng trọ trẹ, nhỏ con ,mà chơi lớn cách, lúc nào cũng chơi hết mình với anh em. Hồi nó chưa vợ con, đụng tới bạn bè nó thì nó không từ cái gì không dám làm… Nay nằm đó, miệng cười cười trong quan tài vài hôm rồi đóng nắp, lấp đất. Ai rồi cũng sớm hay muộn như nhau, khác chăng sự kết thúc trong thương tiếc của vợ con, bạn bè. Một người sống không lâu nhưng trọn nghĩa vẹn tình. Người chịu thương chịu khó nên ra đi mỉm cười…

Tôi về tới nhà không thiết đến ăn chiều, ăn tối gì nữa. Ngồi tưởng nhớ đến những người bạn Quảng, bạn miền trung hào sảng của mình trong đời. Bác Phạm Cây Trâm là nhà thơ xứ Quảng, cứ mỗi lần về lều thơ thăm bác là bác trai ân cần ly rượu thuốc do bác tự ngâm, bình trà mộc đậm tình quê hương chia chắt cho anh em những ngụm trà thương về xứ Quảng như thơ của bác; bác gái lúc nào cũng tươm tất nhiều món ăn xứ Quảng trên bàn, tô mì quảng không đâu sánh nổi tình thương, tấm lòng của bác gái gởi anh chị em về lều thơ thăm hai bác. Tôi thường ra về với gói ớt nhà trồng, trái bầu, trái bí mà cuống quẹt vôi để để được lâu, bác gái luôn cho tôi cả tấm lòng đôn hậu của người cô giáo xứ Quảng với tên học trò phương nam phiêu bạt giang hồ.

Lần nào về lều thơ thăm bác Trâm cũng có anh luật sư Phước ở Dallas. Anh đã ra người thiên cổ vài năm qua nhưng tinh thần chống cộng, sinh hoạt cộng đồng và đặc biệt là ủng hộ những phong trào dân chủ trong nước thì có thể nói anh là lá cờ đầu nơi địa phương tôi ở. Người anh rộng rãi, hào sảng, hành nghề luật sư nhưng nổi tiếng nấu phở cho mấy chục người ăn một lúc tại nhà, một mình anh ngồi đồ bánh xèo với ba cái chảo một lúc khi có anh chị em thân hữu ở xa về thăm Dallas. Anh để lại cho tôi kỷ niệm ngọt ngào như tâm tình người Quảng, xứ Quảng…

Lần đó, trời lạnh cuối năm. Sau nhà anh lại là hồ, hồ to như cái biển nhỏ. Mấy anh em ngồi đốt lửa sưởi ấm trong cái lò bằng kim loại. Hồi hết củi thì anh ôm ra một đống giấy tờ từ toà án mà anh không có thời giờ tiêu hủy nó đi vì không còn giá trị.

Văng vẳng tiếng đàn thùng của ca nhạc sĩ Đức Duy, Duy chơi lại tình khúc UTD mà anh đã viết trong những năm anh theo học đại học UTD. Vài bạn hữu bên Văn hoá khoa học hát cùng cho vui. Riêng tôi không biết nguyên do gì mà tôi hỏi luật sư Phước, “Anh Phước. Em sanh đẻ ở Sài gòn, nên nghe ai nói giọng trọ trẹ thì em biết là người miền trung. Sau này chơi chung với anh em ngoài trung nhiều nên em phân biệt được tiếng Huế với tiếng Quảng. Nhưng làm sao để phân biệt được người Quảng trị với người Quảng nam thì em chịu…”

Anh Phước trả lời tôi, “Em cứ thấy ai nói giọng Quảng thì hỏi anh ta một câu, cái lốp xe đạp ngoài anh gọi là gì? Nếu anh ta nói là: cái láp xe độp, thì anh chắc chắn với em: Anh ta là người Quảng nam.”

Giờ anh Phước đi xa lắm rồi! Nhưng tính khí hào sảng, con người rộng rãi, hóm hỉnh và tình nghĩa của anh còn mãi trong tôi…

Nhắc nhớ tới những người bạn Quảng của tôi mới biết là mình có duyên vớ người xứ Quảng. Nhớ anh Tuấn - Thủy Quân Lục Chiến, vợ là chị Lộc. Hai anh chị lúc nào cũng nhiệt tình với cộng đồng. Với Hội Quảng Đà ở Dallas thì anh chị như bậc tiền bối. Hôm Hội Quảng Đà ăn tết, anh đứng trầm ngâm bên cánh gà sân khấu để theo dõi năm đầu giao hết quyền hành cho ban tổ chức là lớp trẻ con em trong Hội Quảng Đà. Anh lọt vào ống kính nhà báo tôi một gương mặt chứng minh được cả cuộc đời gắn liền với lịch sử đất nước cận đại, một người lính già chỉ còn đôi mắt mệt mỏi nhưng niềm vui dâng tràn khi thế hệ thứ hai đã tiếp bước được cha anh. Từ lần đó, anh chị lui về hậu trường với vai trò cố vấn trong mọi sinh hoạt của Hội Quảng Đà. Ông lính già tóc bạc, có bà vợ tóc còn bạc hơn ông, thỉnh thoảng anh chị lại dìu nhau trên sàn nhảy của những buổi tết lễ trong cộng đồng… Tôi như nhìn thấy được vạt áo dài tím của chị đã buộc lại bên hông để nuôi con suốt những năm tháng anh tù đày cải tạo, nhưng giờ hai vạt áo dài của chị lại thướt tha theo âm nhạc bềnh bồng; bái phục chị… người yêu của lính.

Nhắc nhớ tới mấy người anh xứ Quảng thì không thể thiếu anh Phan Xuân Sinh, tôi thích mấy câu thơ của anh từ trước khi quen biết anh… “nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu/ bày làm chi trò chơi xương máu/ để đôi bên nuôi mầm mống hận thù/ ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu/ chỉ có bạn, có ta là thua cuộc…” trong bài thơ “uống rượu với người lính bắc phương” của anh.

Rồi trời thương cho anh dọn nhà từ Boston về Dallas để anh em được gặp nhau thường. Tôi muốn ăn cơm nếp trắng với sườn ram, rắc mè rang và cải chua thì cứ nói là anh nấu liền. Anh ram sườn mặn mà như tình nghĩa của anh, của người con xứ Quảng đối với bạn hữu. Nhưng hôm đó nắng hè gay gắt. Anh đi đâu về đỏ gắt mặt mày. Anh ghé nhà tôi với quà trên tay, “Em coi làm món gì nhậu chơi. Buồn quá! Coi anh em có ai đang rảnh thì gọi hết đến đây. Nhậu chơi.”

Tôi mở quà ra là một con thỏ to ơi là to. Người ta không những đã làm lông sạch mà còn thui sẵn nữa. Vàng ươm. Hấp dẫn…

Nửa tiếng sau đã có món thỏ xào lăn trên bàn nhậu ngoài patio. Nhà kiến thức trẻ - Đinh Yên Thảo lò dò tới, “em đi làm đêm về, mới ngủ được có mấy tiếng… nhưng nghe anh Sinh kêu…”

Vậy là tôi với Đinh Yên Thảo được nghe câu chuyện chết cười với người Quảng do chính một người Quảng kể - là anh Phan Xuân Sinh, “Nè nha! Anh nói cho tụi em nghe: Cái người Quảng của anh thích cãi, cái gì cũng cãi. Anh kể cho hai em nghe câu chuyện chính anh chứng kiến. Nhà anh ở cạnh sông Hàn - Đà Nẵng từ hồi anh còn đi học. Rồi anh đi lính, xa nhà xa quê tới khi bị thương, giải ngũ… anh vào Sài gòn lập nghiệp thì biến cố tháng tư. Anh đi vượt biên, sang Mỹ mấy chục năm rồi. Mấy chục năm anh mới về lại nhà xưa, ngồi bên sông Hàn bồi hồi kỷ niệm lúc nhỏ.

Đà nẵng bây giờ khác xưa nhiều, anh ngồi uống cà phê sáng có một mình tại sớm quá, chưa có bạn bè, người thân nào ra quán để trò chuyện. Anh ngồi ngoài quán chứ không ngồi trong quán nên thấy rõ con đường một chiều mà thằng kia lại chạy xe ngược chiều. Anh hốt hoảng vì sợ xảy ra tại nạn cho người khác.

Đúng như anh lo lắng, tai nạn xảy ra trước mắt anh. May là cô kia chỉ rách đầu gối quần, lác cùi chõ, xe hư hại nhẹ. Nhưng cô ấy xông tới anh chàng nọ ngay, không biết đau hay lo lắng cho mình gì hết! Cãi trước cái đã, ‘Anh lái xe tầm bậy. Đây là đường một chiều, sao anh chạy ngược chiều, đụng tôi. Anh phải bồi thường cho tôi.’

Anh không thể tưởng tượng nổi câu trả lời của anh kia, ‘Ai mà không biết là đường một chiều. Nhưng đường một chiều mà cô thấy người ta chạy ngược chiều thì cô phải biết là người ta có chuyện gấp lắm! Sao cô không tránh. Cô lỗi rồi!’

Anh ngồi anh nghĩ về cái người Quảng của anh. Chuyện như thế mà còn cãi được… thì đúng là người Quảng.”

Dòng nhớ tôi trôi về xứ Quảng. Không phải nơi chôn nhau cắt rốn hay nguyên quán của cha ông gì tôi. Nhưng ngẫm lại may mắn đã song hành cùng tôi từ nhỏ trong quan hệ với người Quảng, toàn những bạn hữu chí nghĩa chí tình, hào sảng và vui vẻ. Không chừng trong cái lỗi hay cãi của người Quảng có phần trách nhiệm của người Việt ở những vùng, miền khác đã không đủ kiên nhẫn để hiểu người Quảng cho đúng cái địa phương tính của người Quảng là hào sảng, chịu chơi, và chí tình với bằng hữu… nên người Quảng mới hay cãi tới cùng.

Nhìn tổng thể hơn thì cũng con một nhà, một mẹ Việt nam. Bàn tay có ngón dài ngón ngắn nên con cái một mẹ nhưng tính khí trời ban đứa hay nói, đứa trời gầm cũng không mở miệng, thì đứa hay cãi cũng chỉ cho vui cửa vui nhà thôi. Nhìn ở góc độ khác thì người hay cãi phải cực kỳ nhạy bén và thông minh thì mới đủ lý luận kịp thời theo dòng thời sự. Nên đang buồn thật buồn trong lòng vì vừa mất một người bạn quen biết từ hồi mới sang Mỹ, lại là bạn thân vì hợp tính ý nhau. Buồn thật lòng, buồn lắm khi nhớ tới lời vợ anh ta kể lể trong nước mắt. ‘tội nghiệp ông xã em, mười tuổi đầu đã vượt biên, xa nhà, xa gia đình, cực khổ tới giờ. Con cái mới vừa lớn thì anh đã ra đi…” Có lẽ người vợ nam bộ cũng rộng lòng, dễ tha thứ nên không bao giờ nhớ chuyện anh bạn Quảng này đã từng tặng vợ một cành bông hồng nhưng không có bông, chỉ có cành với lá trong ngày lễ tình yêu năm nào, đến em gái của anh còn bất bình, “Sao anh ác vậy! Valentine’s mà tặng vợ cành hoa không có hoa?” Hắn trả lời em gái hắn, ‘Chứ tháng trước sinh nhật tao, vợ tao tặng tao chai rượu… đâu có nước bên trong đâu!”

Bây giờ nó nằm đó. Miệng mỉm mỉm cười. Nắp quan tài mở thêm hôm nữa cho thân nhân, bạn hữu viếng thăm. Nắp quan tài sẽ đóng lại một đời người biệt xứ từ tấm bé. Vợ càng khóc than, các con cứ đến nắm tay cha thêm lần nữa, thêm lần nữa…

Ngày mai. Cửa Giáo đường mở rộng hai cánh đón quan tài nó như hai cánh mở rộng đón vợ chồng nó hôm đám cưới hai người.

Đời người.

Mỉm mỉm cười ra đi khi người thân, bạn hữu rơi lệ. Đúng như câu nói, “Khi sinh ra. Ta khóc, mọi người cười. Khi chết đi. Ta cười, mọi người khóc.”

Tạ ơn trên đã giữ gìn cho bạn tôi một đời không có gì hổ thẹn.

Phan

Mấy Người Bạn Quảng 

1 comment:

  1. Truyện hay quá TN. Cám ơn nhe . Happy New Year !

    ReplyDelete