Khi quân Pháp tràn vào xâm chiếm đất phương Nam,
biết bao nghĩa sĩ dấy lên . Ở dất Long An có quản Thành trong binh đoàn
triều đình chạy về đất Đức Hoà ( Long An) chiêu quân lập trại huấn luyện nghĩa
binh để chống giặc.
Trại thiết lập trên vùng đất cao rộng gọi là Gò Sao, chung quanh là rừng nguyên sinh rậm rạp đổ ra khu rừng tràm rau râm chừng chục cây số là tới bờ sông Vàm Cỏ Đông.
Trại chiêu tập đươc hơn bốn mươi môn sinh , nổi bậc tài giỏi nhất là Quốc Nam, phải nói là tài kiêm văn võ, chẳng bao lâu Quốc Nam được bầu làm đội trưởng phụ tá cho quản Thành, thường các môn sinh gọi là huynh trưởng. Trong trại chỉ có một người nữ mười tám tuổi là Tiểu Mai mồ côi mẹ luôn bên cha quản Thành, được cha huấn luyện nên võ nghệ của nàng rất khá, rành bài Quyền, bài Mai Hoa, bài Đường roi nàng đi vun vút, đang tập bài Kiếm, dưới sự chỉ dẫn của Quốc Nam.
Hằng ngày Quốc Nam huấn luyện cho các nghĩa binh, Tiểu Mai phụ trách hậu cần, cứu thương. Tuy bận rộn nhưng Quốc Nam luôn quan tâm hổ trợ Tiểu Mai hoàn thành trách nhiệm. Nhiều đêm đi lấy gạo miền Lộc Giang, trên chiếc thuyền nan lướt trên rạch nhỏ ánh trăng soi tỏ bóng dáng chàng, Tiểu Mai nhìn chàng lòng có cảm giác rạt rào bâng khuâng nhưng nén lòng vì bao nhiêu nỗi lo cho quê hương, không dám mơ mộng tình yêu!
Một lần Quốc Nam dẫn toán nghĩa quân đi thám sát vùng phụ cận So Đo, Trại Bí đụng độ với bọn thảo khấu, năm tên thảo khấu bị sát hại riêng Quốc Nam bị thương cánh tay, Tiểu Mai săn sóc chàng tận lực ngày đêm, nhờ đó mau bình phục và tình chàng ý thiếp càng lúc càng quyện lấy nhau. Tuy chưa có lời hẹn thề nhưng ai cũng biết đó là đôi uyên ương! Tuy không ngăn cản nhưng quản Thành lo ngại nên có lời nhắc nhở: -Thầy không cấm cản hai con, nhưng phải lo việc nước, đuổi được giặc thì hạnh phúc của toàn dân bền vững , hạnh phúc của các con mới là hạnh phúc thật. Quốc Nam cúi đầu khe khẻ nói: dạ con xin nghe lời.
Tiểu Mai chấp tay xá cha : dạ con xin nghe lời cha. Nàng quay sang Quốc Nam nói nho nhỏ:”Chàng đi theo nước, thiếp cũng theo chàng!” nàng mĩm cười.
Hai người bước vội ra vườn sau, lúc đó là hai mươi chin Tết, hoa mai nở rợp vàng, dưới mé rạch hoa mù u nở trắng rợp không thua hoa mai,Tiểu Mai vin vào vai của Quốc Nam nói :-Thầy nói như vậy là hiểu được mình đó huynh : thấy Quốc Nam nghiêm không đáp lời, tiểu Mai tản lờ qua chuyện khác . Nàng nói:- Anh ơi sao hoa mù u đẹp không thua gì hoa mai?
- Ừ hoa mù u ở miền Tây gọi là Nam Mai, Quốc Nam đáp.
- Chà!- Ai xuôi chi mà tên huynh và tên em kết lại thành một loài hoa ít ai để ý mà trường sinh vậy anh?
Cây mù u tuy mọc ở biền nước cũng đậm nét trong ca dao như:
“Lá dày xanh lớn mù u
“Nhụy vàng hoa trắng hương mùi dễ thương
“ Trái xanh tròn giữa đời thường
“Cây cao thân lớn cành vươn quê nghèo”
Quốc Nam nói tiếp, có câu thì buồn lắm như :
“Nhánh mù u con bướm vàng không đậu
“ Vì xa em mà điệu nhớ nao lòng”
Tiểu Mai nói nhẹ : Trời sao mà buồn quá vậy,! buồn đến nao lòng!
Quốc Nam tiếp lời :- thôi đừng suy nghĩ nữa, cái gì cũng tùy duyên
Tiểu Mai dồn dập hỏi :-tùy duyên là sao huynh?Huynh nói cho Tiểu Mai biết đi.
Quốc Nam ngưng giọng một lúc chậm rải nói:
Tiểu Mai nắm lấy bàn tay quốc Nam kêu lên khe khẻ : -trời ơi sao hay quá vậy, Thầy nói với em huynh đã đậu thi hương, vì giặc đến, huynh bỏ tất cả đi theo nước!
Nam đáp:- chuyện tùy duyên nầy huynh có nói với nghĩa binh mấy hôm trước, lúc đó em bận cất nhà không nghe được.
Sau đó tình hình rất căng, giặc Pháp tràn vào nhiều nơi, các tàu tiến vào các sông rạch Long An, nghĩa binh quyết lòng chống giữ nhưng không sao ngăn được. Theo lệnh của Quản Thành, Quốc Nam dẫn một đội nghĩa binh tăng cường cho quân của tướng quân Nguyễn Trung Trực. Đêm xuất quân Tiểu Mai theo Quốc Nam đến cuối ngõ Gò sao, nàng siết bàn tay Quốc Nam nói nghẹn ngào:- Huynh ơi khói lửa mịt mù biết bao giờ mình gặp lại?
Quốc Nam đáp:- đừng buồn em , hãy cố gắng rồi quê hương sẽ thanh bình, ta sẽ hạnh phúc. Quốc Nam ôm nàng sát vào ngực mình và hôn lên tóc đoạn thả tay ra , nước mắt ướt đẳm áo chàng. Chàng vội bước đi.
Nàng cắn môi nhìn theo đôi mắt nhoà lệ, chẳng mấy chốc bóng chàng lẫn mất trong màu sương đục.
Cuộc chiến càng lúc càng dữ dội, nghĩa quân luôn tập kich các đồn binh theo các vàm sông Tân An ( Long An). Quốc Nam đã tham gia trận đánh tàu Esperance trên sông Nhựt Tảo, sau chiến thắng hào hùng đó, quân Pháp phản công ác liệt, nghiã quân lui dần về miền Tây. Tướng quân Nguyễn Trung Trực được phong làm lãnh binh, sau đó triều đình phong cho ông là Hà Tiên thành thụ úy trấn thủ đất Hà Tiên
Qua mùa xuân rừng mai nở rợp vàng, rặng mù u hoa trắng xoá, hương toả ngạt ngào, lòng Tiểu Mai nhớ Quốc Nam vô cùng! Nhưng cánh chim trời biền biệt mờ khuất trong khói lửa chiến chinh,Tiểu Mai thẩn thờ luôn cầu nguyện cho chàng được bình an! Quốc Nam theo đoàn quân của tướng Nguyễn Trung Trực chiến đấu và trụ lại giữ thành Hà Tiên, chẳng bao lâu thành thất thủ, tướng quân Nguyễn Trung Trực rút quân về Rạch Giá lập căn cứ Hòn Chòng. Ngày 16 tháng 6 năm 1868 Quốc Nam trong đoàn nghĩa quân Nguyễn trung Trực đánh úp đồn Rạch Giá, giết chết nhiều tên giặc và làm chủ tình hình một thời gian.
Sau đó, quân Pháp phản công, Quốc Nam theo Tướng quân rút ra đảo Phú quốc , lập căn cứ chống giặc lâu dài. Nhưng Pháp huy động lực lương ra tấn công, khiến nghĩa quân thiệt hại nhiều. Để nhân dân không còn bị giết hại, Tướng quân Nguyễn Trung Trực chịu ra hàng, chúng chiêu dụ ngài hợp tác nhưng Tướng quân không chịu nên bị chúng hành hình tại chợ Rạch giá , một số thuộc hạ như Quốc Nam bị đày biệt xứ sang Miên.
Trong khi đó, Giặc Pháp đánh phá các nơi, trại Gò Sao của Quản Thành một đêm chìm trong khói lửa, vì lực lương quá yếu thất thủ mau, Quản Thành tử trận, vài nghĩa binh và Tiểu Mai thoát trốn được. Riêng Tiểu Mai một mình chạy qua động bưng Đồng Lớn vào ấp Gò Gió, nàng té xĩu trong sân chùa Giác Tâm, nhờ các ni sư tận tình nên nàng đã hồi phục.
Sáng hôm sau , nhìn Tiểu Mai, Sư Bà biết ngay là một nghĩa binh nên bà dìu vào hậu liêu, ân cần nói:- để tránh tai mắt của giặc con nên mặc nâu sòng và xuống tóc…Nàng cam sống đời ni cô lúc mười chin tuổi, hằng ngày làm việc vất vả: vào rừng lấy củi, quét lá, đốt lá sân chùa, nấu cơm, có lúc ra bến sông chèo đò đưa khách phật tử sang sông trong ngày rằm. Lòng nàng nặng nỗi sầu thương, mất cha, mất chiến hữu, xa vắng Quốc Nam người yêu tài hoa anh dũng. đời nàng theo thời gian lặng lẽ trôi theo mùa hạ thu đông xuân. Mỗi độ hoa mai nở trước sân chùa, hoa mù u trắng dọc bờ sông nàng nhớ rõ lại kỷ niêm ngày đưa Nam đi, nàng lẩm nhẩm mấy câu thơ thật buồn:
“Xuân trước chàng đi chẳng trở về
“Nghe theo tiếng gọi của hồn quê
“Mỏi mòn trông ngóng tin hồng nhạn
“Tan nát lòng son trót não nề”.
Dần dần nàng cũng cố gắng học tập Phật pháp và sớm thuận thành phụ tá cho sư bà, với pháp danh là Thích nữ Diệu Mai quán xuyến mọi việc trong chùa. Đến lúc nàng hai mươi chín tuổi thì sư bà viên tịch, nàng trở nên ni sư trưởng của chùa Giác Tâm
Trong khi đó Quốc Nam, sau khi Tướng quân Nguyễn trung Trực bị sát hai thì Quốc Nam bị phát vãng sang Cao miên, chàng lao động khổ sai trên sông nước Biển Hồ, lòng luôn hướng về cố quốc, nhất là mỗi độ xuân về, lòng khoắc khoải thương nhớ những đồi mai vàng, những rặng nam mai trắng phau như tuyết ở khu Gò sao, nhớ thời oanh liệt với thầy Quảng Thành , với người yêu Tiểu Mai, tất cả đọng lại thành giọt lệ sầu vong quốc!
Sau hai mươi năm Quốc Nam được tha trở về, chàng đi theo ghe giang hồ mong tìm gặp người xưa, chàng cũng rõ Quản Thành bi giặc giết tại Gò Sao còn Tiểu Mai bặt vô âm tính. Chàng làm đủ nghề để sống, lúc là thợ rèn , lúc đánh xe thổ mộ, sau cùng qua vùng Trảng Bàng nhận chiếu đội đi bán khắp quận Đức Hòa , có lúc vào vùng sâu cố tìm tông tích của Tiểu mai. Hai mươi năm bị lưu đày chốn biển hồ, nay ba năm dầm nắng gió, dáng vấp tuấn tú thuở nào nay chừng bốn mươi lăm mà như một ông già tiều tụy.
Một buổi trưa trời hanh nắng, từ vùng Hiệp Hoà, đội chồng chiếu nặng, chàng định qua ngã tắt Gò Gió theo Suối sâu đến Trảng Bàng, nhưng đến con sông nhỏ băng ngang lại không đò, chàng quá mệt thấy sẵn ngôi chùa Quốc Nam ghé vào bỏ chiếu xuống ngồi dưới hiên nghỉ. Chỉ sau mười phút một ni cô trẻ đi ra , cô nhìn Nam cười hỏi : Ông bán chiếu hả?
-Dạ , Nam đáp.
-Để tôi vào gọi sư trưởng , vì chiếu của chùa rách hết rồi
Phút chốc một ni sư khoản bốn mươi tuổi nhưng nét thì già hơn , đôi mắt thật buồn ra, bà nhìn chăm chú Nam và bà thở hổn hển nói lập cập: -Có phải là… là.. Quốc …quốc …Nam không?
-Nam nói không ra lời:-Anh…anh…đây Quốc Nam, Tiểu …Tiêu…Muội, Tiểu…Muội
Một phút sau hai người tỉnh hồn nhìn nhau chăm chăm , mắt đầy lệ, bất thình lình, Nam bước lẹ tới ôm ni sư, nhưng bà lùi mau lai chấp tay khe khẻ :- mô Phật …mô Phật! không được thiện nam ơi! Sự đời Tiểu mai đã tắt lửa lòng!
Quốc Nam ngậm ngùi nói: Mấy mươi năm ly biệt đau thương, nay thì nhịp cầu lòng Nam Mai đã đứt, mùa xuân không còn nữa, hai ngõ đạo đời cách biệt.
Hai người cùng khóc!!
Tiếng chuông trong chính điện âm vang vọng ra, các ni cô lâm râm tụng niệm, con sông quanh chùa đang nước lớn, tiếng chim bìm bịp kêu thật buồn, nghe như: tội nghiệp! tội nghiệp!... tội nghiệp! ../.
2022
Hàn Thiên Lương
No comments:
Post a Comment