Từ ngày tôi cầm bút viết báo làm báo cho đến nay cũng trên 60
năm, tôi đã từng viết về công đức sinh thành của Mẹ không biết bao nhiêu lần.
Nay, đến tháng tám trăng tròn Trung thu, ngày giỗ của Mẹ sau Rằm đúng chín
ngày, là dịp tôi nhớ Mẹ nhiều nên lại viết qua ký ức của một đứa con trai yêu
quý của Mẹ cũng đang chuẩn bị hành trang đi tìm lại Mẹ ở thế giới khác, tình mẫu
tử, mẹ con có dịp trùng phùng bồi đắp thêm.
Mẹ tôi sanh năm 1898
(năm Tuất - năm nay 2023 - 126 tuổi). Mẹ mất lúc 84 tuổi khi tôi còn "du học
cải tạo" ở "miền bắc xã hội chủ nghĩa giàu đẹp". Gia đình biết
tôi luôn hiếu kính với cha mẹ, nhứt là Mẹ. Qua thư gia đình cho biết Mẹ vẫn còn
khoẻ mạnh, thường nhắc nhở nhớ thương, van vái cầu nguyện các đấng bề trên cho
tôi được về sớm để Mẹ con trùng phùng sum họp, trong khi đó Mẹ đã ra đi về thế
giới cực lạc miên viễn an bình rồi.
Trong tù, tôi chỉ biết
tin Mẹ còn sống khoẻ mạnh, thêm an tâm còn ham sống và hy vọng ra tù về gặp lại
Mẹ. Ngày nhận được thư cũng là ngày tôi thường nghêu ngao hát bài Lòng Mẹ của
nhạc sĩ Y Vân khi đi rừng, lên núi cao chặt vầu hay chặt cây đúng cở kích thước
để trại tù bán cho hợp tác xã. Nhớ Mẹ, đi lang thang một mình hay đi cùng vài bạn
thân tha hồ mà hát bài Lòng Mẹ của Y Vân. Còn ở lán trại hay ban đêm khuya vắng
lặng tôi chỉ hát thì thầm đủ cho tôi cảm nhận tình cảm rạt rào trào dâng qua bản
nhạc Lòng Mẹ. Nhiều lúc quá cảm xúc nhớ thương Mẹ, tôi không cầm được nước mắt,
khóc, rồi cũng ngủ thiếp vì mệt mõi vất vả khổ cực cả ngày và thường thấy hình ảnh
Mẹ trong những giấc ngủ cô đơn, thức dậy lại càng thương nhớ Mẹ.
Mẹ tôi có lòng nhân
ái bao la, có tâm bồ đề. Từ hồi gia đình còn nghèo, Ba tôi làm tá điền, trong ấp
Bà Bài, có vợ chồng son nào sanh con đầu lòng vì thường còn quá trẻ, 16, 17,
18, bà hay tin thường đến thăm. Trong nhà còn gạo, cá khô bà mang làm quà như
vài ký lô gạo, vài con khô cá lóc cá sặc hay cá tra cá vồ, tôi thường xách giỏ
giúp Mẹ, bà chỉ mang theo giỏ trầu. Bà mẹ chồng của nàng dâu thường thông báo
cho bà biết con dâu sanh đẻ khó dễ ra sao. Mẹ tôi vào thăm sản phụ, tôi ở ngoài
phòng sanh, khói than củi vừa nóng vừa có khói để các sản phụ nằm mau lại sức,
mình mẫy, tay chân mặt mày sản phụ thường thoa nghệ, có mùi khói than, mùi nghệ
"hăng hắc" cũng làm giảm sự ham muốn xác thịt của người chồng trẻ.
Tôi đi tới đi lui ở ngoài phòng nên cũng có nghe đôi điều Mẹ tôi chỉ dẫn bà mẹ
trẻ cách chăm sóc mình, chăm sóc con trẻ và một điều tôi nghe Mẹ nói đến là tôi
lắng nghe. Mẹ chỉ rõ, mới sanh còn yếu, các vết thương chỗ sanh chưa lành, phải
tuyệt đối tránh cho chồng ham muốn xác thịt gần gũi trước một tháng ở cử. Vì vậy,
ông bà mình truyền lại có làm lễ cúng đầy tháng mẹ tròn con vuông, một tập tục
vô cùng quý hoá cũng là thời điểm báo hiệu cho người chồng có thể gần vợ được rồi
vì các vết đứt, cắt vùng sanh con nay đã lành hẵn, tránh cho vợ bị bịnh xuất
huyết hay đau ốm sau khi sanh và cũng tránh đựợc sanh con năm một...
Khi tôi đi dạy học xa
nhà, ở Sài Gòn trước năm 1962, vào Quân Đội tháng 3/1962, sau có gia đình phục
vụ ở Cần Thơ hay về Sài Gòn cho đến ngày nghiệt ngã mất nước 30.4.1975 đi vào
tù, Mẹ luôn ở cùng gia đình chúng tôi.
Khi vợ chồng chúng
tôi "rủ nhau" vào tù cho vừa lòng kẻ thắng cuộc - đòi hỏi bắt buộc.
Lúc bấy giờ 1975, Mẹ cũng lớn tuổi, ngoài 70 không thể quán xuyến việc chăm sóc
bốn con nhỏ chúng tôi từ 3 đến 9 tuổi. Chúng tôi may mắn, có bà ngoại, ngoài
sáu mươi cùng với hai dì của các cháu, một dì có chồng đang du học ở nước ngoài
và một dì út độc thân qua ở nhà chúng tôi lo giúp chăm sóc bốn con còn nhỏ dại.
Mẹ tôi thấy có gia đình bên ngoại tận tình lo cho các cháu, bà không thể đảm
đang chăm sóc các cháu nội nên bà trở về quê hương Châu Đốc chung sống cùng với
gia đình anh tôi, có dịp vợ con anh lại lo chăm sóc Mẹ già.
Hình
Mẹ Tôi - trên dưới 80 tuổi mà tóc chưa bạc nhiều
Mẹ tôi thật đau buồn
tiễn con trai cưng cùng con dâu vào trại tập trung cải tạo. Tôi "hân hạnh
du học" trên đất Bắc: Sơn La, Yên Bái, Vĩnh Phú, được nhà nước cộng sản
chiếu cố ưu ái cấp bằng tiến sĩ cải tạo phải mất 8 năm ở đất Bắc và 2 năm ở miền
Nam học sau đại học ở Rừng Lá Hàm Tân Z30D. Còn bà xã tôi cũng học tròn ba năm ở
miền Nam. Khi "ra trường" có bằng cử nhân cải tạo lại không được ở
Sài Gòn với các con mà phải về Châu Đốc, quê của chồng, để được quản chế.
Lúc bấy giờ, tỉnh lỵ Châu Đốc là vùng
địa đầu chiến tuyến với quân Khơ me đỏ trong tầm pháo kích tấn công của chúng từ
đất nước Chùa Tháp Kampuchia. Mẹ đã "di tản chiến thuật" về Tây Ninh
trước khi con dâu về Châu Đốc nên mẹ chồng và nàng dâu chưa có dịp gặp lại nhau
sau ba năm xa nhà "học tập cải tạo".
Gia đình hai chị gái
tôi ở trong khu vực an ninh Thánh Địa Cao Đài - Toà Thánh Tây Ninh, đi về
Châu Đốc đón Mẹ đưa về sống với gia đình, hai chị luôn gần gũi tình mẹ con và bảo
trọng an ninh sức khỏe của mẹ cho đến ngày Mẹ tôi về đất Phật thiêng liêng tại
vùng Thánh Địa Cao Đài.
Mẹ tôi giữ trường
trai gần ba mươi năm. Thỉnh thoảng khi đau ốm, con cháu nấu cháo cá hay cháo thịt,
hột gà cho bà dùng được thêm sức, mau hết bịnh. Khi khoẻ mạnh lại, các con ăn mặn,
Bà không nói con cháu phải lo cho Bà ăn chay. Mẹ tự động dùng nước tương hay
tương hột hoặc chao ăn với một hai trái chuối lá xiêm là xong một bữa ăn chay rất
đơn giản của Mẹ. Khi Mẹ ở với chúng tôi, tôi thường thưa với Mẹ, Phật tại tâm,
tâm tức Phật - lòng thành có Phật (Chúa) và Mẹ đã cao tuổi có thể chỉ còn giữ
chay mười ngày một tháng cũng đủ rồi. Mẹ thương yêu vợ chồng tôi nên khi đau ốm
bà ăn mặn theo gia đình và cũng giữ đúng mười ngày chay trong tháng.
Đến nay, Mẹ đã quy
tiên trên bốn mươi năm, đến ngày giỗ hay chợt nhớ đến Mẹ, tôi cũng thường
nghêu ngao hát bản nhạc Lòng Mẹ. Nay, tôi còn thường mở computer tìm giọng hát
của ca sĩ Cẩm Loan, một ca sĩ trẻ đẹp đang "hót" ở trong nước
hát bài Lòng Mẹ có hồn quá hay, với tân nhạc của Y Vân và giao duyên với cổ nhạc
qua bốn câu vọng cổ của Loan Thảo. Lời bài ca vọng cổ lại còn mượt mà, súc tích
đánh động con tim làm lòng tôi thêm se thắt khi nghe trọn hai bài Lòng Mẹ tân cổ
nhạc giao duyên, khó cầm được nước mắt.
Những ngày đầu
định cư trên đất Mỹ, tôi thích nhứt giọng hát bản nhạc Lòng Mẹ qua giọng trầm
buồn ngọt ngào mượt mà sâu lắng của Hương Lan và sau này Hương Lan cũng có hát
bài Lòng Mẹ tân nhạc của Y Vân giao duyên với cổ nhạc của Loan Thảo lại càng
quá hay, tuyệt vời. Và mới đây, tôi lên Youtube thưởng thức giọng hát của nhà
sư Phật Giáo, Đại Đức Thích Nhuận Thanh. Với giọng hát của Thầy rất trầm buồn
man mác rạt rào chất Thiền của giọng nam lại tạo thành một ấn tượng khó quên Nhớ
Mẹ của Trường Sơn, Khóc Mẹ của Hà Sơn, hai ca nhạc sĩ trẻ. Thầy Nhuận Thanh còn
hát nhiều bài về Mẹ vô cùng cảm động, tôi thường chảy nước mắt khi nghe Thầy
hát nói lên công đức sinh thành dưỡng dục bao la vĩ đại của Mẹ.
"Lòng mẹ
bao la như biển Thái Bình rạt rào - Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền ngọt
ngào...". Những bài hát tân nhạc và bài ca cổ nhạc về Mẹ, tôi thường thưởng
thức hằng ngày cả một tháng tám qua nhiều tiếng hát của nhiều ca sĩ thời danh
vì Mẹ tôi mất vào ngày 24 tháng 8 âm lịch và cúng giỗ Mẹ phải có một mâm chay,
còn các mâm mặn chỉ để cho con cháu dùng nhớ ngày giỗ chạp của Mẹ tôi. Bài Lòng
Mẹ của Y Vân đã ngự trị trong lòng tôi hơn nửa thế kỷ nay:
Lòng Mẹ bao la như biển Thái Ɓình rạt rào - Tình Mẹ tha thiết như giòng suối hiền
ngọt ngào - Lời Mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào - Tiếng ru bên thềm trăng tà
soi bóng Mẹ уêu.
Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu - Tình Mẹ уêu mến như làn gió
đùa mặt hồ.
Lời ru man mác êm như sáo diều dật dờ - Ɲắng mưa sớm chiều vui cùng tiếng hát
trẻ thơ.
Thương con thao thức bao đêm trường - Ϲon đà уên giấc Mẹ hiền vui sướng biết
bao.
Thương con khuуa sớm bao tháng ngàу - Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngàу lớn
khôn.
Ɗù cho mưa gió không quản thân gầу Mẹ hiền - Một sương hai nắng cho bạc mái đầu
buồn phiền.
Ɲgàу đêm sớm tối vui cùng con nhỏ một niềm - Tiếng ru êm đềm mẹ hiền năm tháng
triền miên...
Ɓao năm nước mắt như suối nguồn - Ϲhảу vào tim con mái tóc trót đành đẫm sương.
Ɗù ai xa vắng trên đường sớm chiều về đâu - Ɗù khi mưa gió tháng ngàу trong đời
bể dâu.
Ɗù cho phai nắng nhưng lòng thương chẳng lạt mầu. Vẫn mong quaу về vui vầу dưới
bóng mẹ уêu.
Bản nhạc viết về
Mẹ mà tôi thưởng thức đầu tiên từ hồi đi học cách nay cũng 60,70 năm, không đậm
đà khi đó tôi còn nhỏ và Mẹ còn sống. Nay Mẹ đã ra đi, tôi lại già, bản tân nhạc
của nhạc sĩ Y Vân và cổ nhạc của soạn giả Loan Thảo càng làm cho lòng tôi thêm
nhiều xao xuyến, se thắt, nhớ thương kính yêu Mẹ.
Gần đây, tôi thường
lên Youtube thưởng thức nhiều bản tân nhạc viết về Mẹ có thêm nhiều cảm xúc đi
sâu vào lòng về tình Mẹ. Đặc biệt tôi quan tâm nội dung một bản tân nhạc đánh động
tâm can về công sinh thành mang nặng đẻ đau của Mẹ, cũng qua giọng hát của nữ
ca sĩ Cẩm Loan: 9 Tháng 10 Ngày, sáng tác của Mai Quốc Huy, một sáng tác nói về
công đức của Mẹ mà những ai còn Mẹ mà không hay thiếu yêu kính hay làm cho Mẹ
buồn phiền là một trọng tội vì Mẹ là một vị Bồ Tát thương yêu và hy sinh cho
con vô bờ bến "không tính tháng tính ngày". Không có Mẹ làm sao có
ta, ca dao, tục ngữ cũng có câu:
Không
có gì bằng cơm với cá,
Không
có gì bằng Má với con.
Trong trại tù cải tạo
cộng sản ở Miền Bắc, từ năm 1976, những dịp tôi lên cao lưng chừng núi vùng Sơn
La với chỉ tiêu mỗi ngày lao động mang 20 cây vầu cũng khá dài về trại (vầu,
tương tự cùng họ với cây tầm vông của miền Nam, nhưng nhỏ hơn). Khi bó chặt lại
cẩn thận và kéo nhô ra khỏi đầu bó vầu hai hoặc ba cây, chừng sáu tấc, dùng đặt
tì lên vai, hai tay giữ chặt cho các cây vầu còn lại đụng vào lưng khi đem bó vầu
xuống từ trên núi cao. Với cách xuống núi nhanh dù khá nguy hiểm, chúng tôi học
lóm của người Mường người Mèo địa phương. Với bó vầu tì trên vai và lưng, chạy
lúp xúp theo con đường mòn dốc gần như thẳng đứng ở nhiều đoạn đường vừa nhẹ vừa
nhanh, không thể dừng lại được. Muốn ngừng nghỉ phải có thế đất bằng phẳng,
chúng ta lách sang trái hay sang phải để cho cả bó vầu phải xoay ngang, vướng
vào các cây rừng hai bên đường mòn cản, thắng lại mới dừng được. Vì di chuyển
cây rừng từ trên cao đi từ từ thì an toàn hơn mà lại mất nhiều thì giờ, không
có thì giờ hoàn toàn "thư giản", nghỉ ngơi để còn lục tìm các loại
rau rừng, nấm mèo, hay bấp chuối rừng... cải thiện linh tinh, mưu sinh. Những
lúc đã đạt chỉ tiêu lại có nhiều thì giờ thư giản, tôi thường đi lang thang
trong rừng núi, tha hồ hát bài Lòng Mẹ cho đã, tôi cảm thấy hạnh phúc dù mong
manh trong chốc lát lại còn muốn sống. Có nhiều khi quá buồn chán muốn tự tử mà
lại nhớ mẹ già, nhớ gia đình, vợ con, lại cố gắng phải sống.
Chúng tôi, những người
thua cuộc bị đày đoạ lao cải nghiệt ngã ở tù không bản án, không biết ngày nào
ra khỏi trại tù. Và lại quá đói khổ triền miên, đau không thuốc chỉ có
"xuyên tâm liên" bá láp trị bá bịnh của cộng sản làm cho người bịnh
chết nhanh mà thôi. Vì vậy, nhiều khi tôi cũng thường có ý nghĩ thà tự tử chết
cho xong. Còn sống chỉ khổ thân lao tù khắc nghiệt, cơm không đủ ăn, áo quần
không đủ mặc, đau không có thuốc trị bịnh. Thân xác bị đày đoạ đói lạnh triền
miên, lao động khổ sai, làm ngày (thường) không đủ phải tranh thủ làm thêm ngày
nghỉ, rồi cũng sẽ chết rục trong trại tù. Tối còn bị "ngồi đồng" học
tập, kiểm điểm, một hình thức trại tù khuyến khích tố cáo lẫn nhau và nhiều
hình thức tẩy não khác... Các tù nhân "Mỹ nguỵ" cầm chắc cái vé đi
tàu suốt, nếu thời cuộc, chánh sách cai tù không đổi thay, đầu của chúng tôi
cũng lần lượt phải quay về núi.
(H:
Bốn con chụp trước năm 1975)
Hoàn cảnh của gia
đình tôi lại quá ngặt nghèo với bốn con nhỏ từ ba đến chín tuổi, vợ tôi là nữ
quân nhân cũng có cấp chức nên cũng bị tù như tôi.
Trong một gia đình,
cha bị tù thì còn mẹ ở nhà tão tần chăm nom nuôi nấng con cái, còn cả hai vợ chồng
tôi đều đi tù lao cải nghiệt ngã, bốn con nhỏ dại, mẹ già thì làm sao sống an
lành?. Khi nghĩ nhớ đến hoàn cảnh này, mà ở tù không biết ngày nào ra, chỉ có
chết rục trong tù nên tôi có ý muốn tự tử chết sớm cho thoát nợ đời sao quá cay
đắng nghiệt ngã tàn ác đối với tôi.
Sau này định cư ở Mỹ,
tôi có dịp nghe qua giọng hát của ca sĩ Hương Lan lần đầu tiên tôi lại bật khóc
và thương nhớ Mẹ vô ngần. Mẹ tôi qua đời ở tuổi 84, năm 1981 khi tôi còn trong
tù cải tạo cộng sản ở liên trại Tân Lập - Vĩnh Phú. Tôi tưởng đầu đã quay về
núi từ năm 1978, ở trại K1 Tân Lập. Với tuổi 43, tôi đi đã phải chống gậy, từ
65 ký lô trước khi đi tù. Tôi ngồi trong sọt cân rau, hai bạn tù trẻ, còn khoẻ
nâng sọt lên, còn gần 43 ký lô, kể như trại tù lấy đi mất 22 kí lô thân xác tôi
sau đúng ba năm du học ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa "giàu đẹp". Tôi
càng bị đày ải nghiệt ngã trong trại tù, ngoài thương nhớ vợ con, tôi lại càng
nhớ Mẹ hiền bao năm tháng tôi sống sát cạnh Mẹ khi Ba tôi vì hoàn cảnh phải bỏ
xứ ra đi...
Ba dự định vài năm sẽ
quay về với gia đình vì công an tỉnh Châu Đốc (quốc gia) đã ghi vào sổ bìa đen
là Ba tôi giữ chức Chủ tịch xã Vĩnh Nguơn của Việt Minh (1946-1947). Đợi có sự
thay đổi thời cuộc và có sự chứng minh rõ ràng là Ba tôi vì sợ nhận chức Chủ tịch
xã của Việt Minh mà phải tản cư bỏ quê hương ấp Bà Bài ra tỉnh lỵ định cư sinh
sống. Thật trớ trêu, ông lại vướng vào tội hoạt động cho Việt Minh phải vào tù,
vì ông có nhiều tiền của?. Ra tù, Ba ngậm đắng nuốt cay, một thân một mình đi về
thánh địa Tây Ninh lánh nạn và ông không thể ăn chay theo luật đạo bắt buộc,
mãi mãi. Ông phải rời Tây Ninh đi tìm kế sinh nhai ở Sài Gòn, không biết chay lạt
là gì và hoàn cảnh đưa đẩy ông có thêm người vợ thứ hai.
Mẹ tôi hay tin Ba tôi
có vợ bé, bà vô cùng đau khổ, mùng ngủ của tôi gần mùng của Mẹ, đêm khuya
vắng lặng, tôi nghe tiếng khóc thút thít của Mẹ dù nhỏ, tôi vẫn nghe được, qua
mùng Mẹ, ôm Mẹ an ủi. Mẹ ôm chặt tôi càng khóc ngất thêm. Lúc bấy giờ, tôi đã gần
15 tuổi thi đậu vào trung học trường tỉnh - Collège de Chaudoc - 1950 (sau này
là trường trung học cấp 3 Thủ Khoa Nghĩa cho tới nay, 2023). Mẹ và đại gia
đình, chòm xóm, khen tôi học giỏi, làm cho Mẹ thêm vui, hãnh diện, bà lại càng
yêu thương tôi nhiều. Tôi có cảm nhận tình yêu thương của Mẹ dành cho tôi hơn tất
cả anh chị em trong gia đình đông con. Bà ôm chặt tôi trong một lúc, tôi nghe
tiếng ngáy nho nhỏ của Mẹ đang ngon giấc, tôi gỡ tay Mẹ ra và chui qua mùng
tôi, ngủ tiếp.
Gia đình nghèo thiếu thốn triền miên mà tôi đang đi học trung học, có thể nói, tôi khôn trước tuổi, biết cách làm ra tiền giúp gia đình trong hoàn cảnh vừa đi học vừa đi bán số đề - loại đề 40 con như sòng bạc đại thế giới ở Sài Gòn (do bộ đội Hoà Hảo bảo trợ tổ chức đủ thứ các loại cờ bạc, ngoài tỉnh lỵ Châu Đốc chỉ cách có một con sông - sông Hậu, Cồn Tiên, ngang chợ cá Châu Đốc, khoảng hơn 100 mét). Cũng là cơ may, cả trong châu vi đạo Cao Đài, ai cũng biết gia đình tôi có mặt sớm nhứt tại đây, từ đại gia nay xuống tận cùng chỉ còn "da - gia". Ba là trụ cột gia đình nay lại ở xa, có thêm vợ bé bỏ mẹ con thiếu thốn đủ mọi thứ. Ai cũng thông cảm hoàn cảnh cay nghiệt nên ủng hộ mua vé số đề do tôi bán thay vì mua người khác, tôi có tiền hoa hồng khá tốt, cùng với tiền lời chị tôi làm tương chao, bánh cưới và các loại bánh khác bán tại nhà. Vì vậy về mặt sinh hoạt đời sống, gia đình tôi cũng khá ổn định.
Nhưng, Mẹ tôi vẫn buồn hoàn cảnh Ba tôi có vợ bé, bà tìm nguồn sống mới về tâm linh, mỗi ngày Mẹ đến Điện Thờ Phật Mẫu, cách chỗ ở vài chục thước, với bốn thời cúng của Đạo Cao Đài: 6 giờ sáng, 12 giờ trưa, 6 giờ chiều và 12 giờ khuya. Mẹ luôn hướng lòng thành về các đấng thiêng liêng, "Đức Chí Tôn và Phật Mẫu" tìm sự bằng an trong lòng và Mẹ còn ăn chay trường. Tôi tìm cách an ủi kính yêu Mẹ cũng quyết ăn chay trường theo Mẹ dù còn nhỏ, suốt nhiều năm, làm cho Mẹ thêm vui, bà lại càng cưng yêu tôi.
Khi tôi đi dạy tiểu học ỏ Núi Sam - Châu Đốc, tiền lương lãnh hàng tháng, tôi đưa hết cho Mẹ cất giữ làm cho Mẹ rất vui, khi nào tôi cần dùng xin lại. Mẹ dành dụm cùng với tiền dạy học của tôi đủ tiền mua một cái nhà khá lớn (17.500 đồng năm 1954) nằm ngay trên đường Louis Pasteur của tỉnh lỵ Châu Đốc, hiện nay vẫn còn do con anh thứ bảy của tôi đang ở.
Những ngày lao lý nghiệt ngã ở Sơn La, Yên Bái, Vĩnh Phú, gia đình cũng có thư từ cho tôi, vài tháng cũng nhận được tin nhà qua thư mà hoàn toàn dấu nhẹm tin Mẹ ra đi về thế giới khác. Trong đại gia đình và dòng họ nội ngoại, ai cũng biết Mẹ cưng tôi nhiều nhứt từ còn tấm bé, ở nhà quê, ấp Bà Bài Châu Đốc. Và tôi cũng kính yêu Mẹ nhiều hơn Ba và hơn tất cả mọi người trong gia tộc.
Khi tôi đi dạy học ở Sài gòn và xin được chỗ dạy cho cô em gái út cùng ở chung, có thuê nhà, tôi rước Mẹ từ Châu Đốc lên ở với chúng tôi và Mẹ lo cơm nước cho hai anh em và cả mấy cháu, con bà chị, con của cô ruột gởi theo tôi đi học ở Sài Gòn cho đến khi tôi thi hành lệnh tổng động viên năm 1962, nhập ngũ. Em gái có chồng, Mẹ tôi trở về quê sống ở tỉnh lỵ Châu Đốc.
Khi tôi ra đời, đi dạy học thay vì tình nguyện vào học Thủ Đức khi tôi đủ 18 tuổi (1953), chưa tới tuổi tổng động viên học khoá sĩ quan trừ bị, có thể tình nguyện xin vào học khoá 4 phụ hay khoá 5, khoá cuối cùng Thủ Đức tạm ngưng một thời gian khá lâu mới mở khoá 6. Nhưng, khi mới bước vào trường đời, tôi lại thích nghề mô phạm hơn bất cứ nghề nào khác cũng có thừa tiền sinh sống.
Sau gần tròn mười năm
lao cải, được thả ra còn bị quản chế khắc khe không được đi ra khỏi Sài Gòn, mỗi
cuối tuần phải đến công an phường trình diện, ghi vào sổ trong tuần đi đâu, tiếp
xúc với ai, làm gì... Sau một thời gian quản chế (mấy năm tôi quên), tôi được
"phục hồi quyền công dân", có Chứng minh nhân dân, tôi mới dám đi xa,
lên Tây Ninh thăm và tu sửa lại mộ Mẹ. Tôi về quê
hương xứ mắm Châu Đốc thăm bà con dòng họ và cải táng mộ của Ba xây trên triền
núi Sam mà các mộ chôn ở khu đất núi đó bắt buộc phải cải táng vì là vùng khai
thác đá đang đến gần mộ. Lo thủ tục cải táng, hài cốt Ba tôi đưa về Nhà Bàng, đất
của đứa cháu ruột lập một nghĩa trang nhỏ để chôn cất xây mộ khang trang cho
cha mẹ anh chị và em, cháu. Tôi có dự kiến sẽ cải táng đưa hài cốt Mẹ từ thánh
địa Tây Ninh về "đoàn tụ" với Ba tôi, nhưng chưa có cơ hội.
Khi chị tôi còn sống chị không đồng ý cho tôi cải táng Mẹ về Châu Đốc, chị nói Mẹ đang được chôn cất ở chỗ linh địa, đất Thánh của đạo Cao Đài, mồ yên mả đẹp, nay còn phải tốn công của di dời về Châu Đốc. Chị tôi có lý lẽ xác đáng, còn tôi chỉ muốn, Mẹ Ba tôi khi còn sống hai ông bà phải sống xa nhau mấy chục năm. Nay cả hai đều về đất Phật có dịp sống chung bên nhau, tôi chỉ nghĩ đơn giản vậy thôi.
Khi gia đình tôi được sang Mỹ định cư theo diện HO từ năm 1993, mười lăm năm sau chị tôi qua đời, tôi có về phúng viếng và biết tin chánh quyền tỉnh Tây Ninh có thông báo sẽ lấy khu Thánh Địa nghĩa trang của đạo trong kế hoạch xây dựng khác của tỉnh. Như vậy, hàng mấy chục ngàn ngôi mộ, trên một thửa đất rộng hàng trăm mẫu tây ở trước và gần cửa vào Toà Thánh Cao Đài, là đất vàng trong xây cất nhà mới hay xây dựng một cái gì có tính công ích. Tôi có đọc thông báo của chánh quyền cho phép mọi gia đình có thân nhân chôn cất tại đây có quyền cải táng từ ngày ra thông báo. Tôi nói thầm cũng là cơ may cho tôi muốn cải táng Mẹ về cạnh bên Ba "hủ hỉ" thêm an lành cho hai ông bà ở cõi trên. Hơn nữa, chị tôi đã qua đời và chị cũng biết rõ khu đất Thánh này sẽ bị phá bỏ, chắc chắn chị cũng đồng thuận để tôi cải táng Mẹ về Châu Đốc vì nơi đây không còn là nghĩa trang của đạo Cao Đài nữa, nên tôi đã toại nguyện sẽ đưa Mẹ về sum họp với Ba.
Từ Mỹ, tôi và hai cháu ngoại đi về Việt Nam - Tây Ninh lo công việc cải táng Mẹ về Nhà Bàng - Châu Đốc. Các con tôi ở Mỹ và các cháu ở Việt Nam hợp sức cáng đáng hết mọi công việc cải táng, mướn xe khách lớn chở cả đại gia đình ở Tây Ninh, Sài Gòn cùng về quê hương Châu Đốc.
Hình:
ngôi mộ Mẹ, bốc lên lấy di cốt còn lại - tôi đứng nhìn ảnh Mẹ
Tại khu đất dành cho cho xây các phần mộ ở Nhà Bàng, các cháu từ Tây Ninh về đây tổ chức cúng Bà Ngoại đúng lễ đạo Cao Đài trước khi đặt hủ cốt của Mẹ trong một ngôi mộ xây rộng lớn như mộ của Ba tôi cạnh bên. Bây giờ Ba Mẹ tôi mới thật sự là chim liền cánh cây liền cành mãi mãi bên nhau.
Sau khi hoàn tất việc
cải táng, các thân nhân từ các nơi xa kể cả ở Long Xuyên và đại gia đình chúng
tôi tụ hội tại nhà các cháu gọi Mẹ là Bà Dì ruột (chị của Bà Nội các cháu) dự một
buổi cơm trưa, cách chợ Nhà Bàng cũng không xa, trên tỉnh lộ đi vào quận Tịnh
Biên.
Tôi đã có nhắc nhở
trước, nên các cháu có nấu nhiều món ăn mà Mẹ tôi rất thích khi bà ăn mặn như
cá trê vàng nướng, chiên ăn với nước mắm gừng hay kho tiêu. Những món ăn kế tiếp
mà Mẹ tôi ưa thích, cá lóc nướng trui, gõi sầu đâu, thịt bò nấu lá dang với nước
cốt dừa, thịt chuột đồng rô ti... Bữa cơm hôm đó có đến tám bàn, các cháu tôi
đã thực hiện nhiều món ăn mà Mẹ tôi ưa thích từ ở nhà quê Bà Bài và bà mang
theo ra Châu Đốc, Cần Thơ, Sài Gòn và nay nếu Bà chứng kiến có những món ăn lúc
còn sanh tiền mà Bà ưa thích chắc Mẹ tôi vui lắm...
Mẹ và tôi có nhiều thần
giao cách cảm, trong tù tôi nhớ thương, trong lòng cứ nơm nóp lo sợ Mẹ mất sớm.
Tôi van vái cầu nguyện Mẹ tôi khoẻ mạnh để gặp lại con yêu của Mẹ sau cuộc đổi
đời bi thảm. Trong nhiều giấc ngủ mê tôi thường thấy Mẹ tôi têm trầu, tôi
ngồi cạnh bên Mẹ nhặt bã trầu rơi ra khỏi "ống ngoáy" - cối giã trầu,
tôi cho lại vào ống ngoáy giúp Mẹ hay làm thức ăn chay giúp Mẹ...
Trong khi đó, Mẹ ở
nhà chị Chín, cửa số 4 Thánh địa Cao Đài Tây Ninh cũng thường nhớ đến tôi, bà
nói sao lâu quá không thấy thằng Ngà nó về thăm Mẹ. Khi qua tuổi 80, Mẹ có triệu
chứng quên quên nhớ nhớ. Nhiều lần Mẹ ăn cơm xong trước, bà ra sân, các con
cháu tưởng bà đi ra ngoài cho mát, mọi người còn tiếp tục ăn cơm không để ý nhiều
đến Mẹ đang làm gì.
Khi cả nhà ăn cơm
xong mới "tá hoả" không thấy Mẹ trong nhà hay ra trước cửa hóng mát.
Chị chín tôi kể lại:
- Cả nhà vội lấy xe đạp hay đi bộ nhanh trên bốn con đường, cạnh
nhà - nhà chị tôi ở gần ngã tư và trước cửa số 4 của Tòa Thánh Tây Ninh, đi vài
trăm thước, chị tôi đang gặp Mẹ thơ thẩn đi chậm rãi trên lề đường, cách nhà
cũng hơn cây số. Chị tôi dừng xe và bước xuống dẫn xe lên lề đường, nắm tay hỏi
Mẹ đi đâu?
- Tao đi tìm thằng Ngà, tao nhớ nó quá mà nó không về thăm
tao...
Các cháu tôi cũng
nói Bà Ngoại không những bỏ nhà ra đi tìm kiếm Cậu Mười một lần mà rất nhiều lần
cũng chỉ nói tao đi kiếm Cậu Mười các cháu, bà nhớ nó quá.
Tôi nghe các cháu kể
lại mà tôi khóc như một đứa bé. Nay Mẹ đâu còn để con báo hiếu Mẹ...
Hai cháu ngoạị của
tôi là Mỹ con, sanh ở Mỹ cũng là lần đầu tiên biết ăn các món mà Bà Cố ưa
thích, chúng cũng biết thưởng thức món ăn thịt chuột rô ti, một món ăn truyền
thống của ấp Bà Bài, cháu tôi cũng OK.
Để kết thúc bài hồi ức
viết về Mẹ, tôi có nhớ đại khái đến các câu ca dao nói về Cha Mẹ:
Còn
cha còn mẹ thì hơn,
Mất
cha mất mẹ như đờn đứt dây.
Đờn
dứt dây còn thay còn nối,
Cha
mẹ mất rồi, bao nỗi nhớ thương!
*****
Tôi có nhiều tham vọng
và ước mơ nhưng đều tan biến theo vận nước nổi trôi sau cuộc đổi đời buồn thảm
từ 30.4.1975. Sau ngày ra tù tôi lại có ba ước mơ mới trước khi tôi thuyên chuyển
về Vùng V Chiến Thuật:
1 - Cải táng
hài cốt ba mẹ về một chỗ. Ba tôi chôn cất ở Núi Sam, Châu Đốc gần chỗ tôi dạy học năm
xưa, Mẹ tôi mất được an táng tại Thánh địa Cao Đài ở Tây Ninh năm 1981, hai nơi
cách xa nhau. Tôi vô cùng may mắn thực hiện được ước mơ thứ nhứt đưa Mẹ từ Tây
Ninh về Nhà Bàng Châu Đốc sum họp trùng phùng với Ba tôi, hai ông bà chia lìa
xa cách nhau tính chung trên nửa thế kỷ.
2 - Ước mơ thứ
hai, tôi sẽ "đi thăm" lại chiến trường xưa 16 tỉnh miền
Tây với 92 quận trước năm 1975. Khi việc cải táng xong, tôi có dịp đi thêm lần
thứ hai các tỉnh sát biên giới Việt Miên. Mấy năm trước khi tôi về dự lễ tang
chị ruột tôi ở Tây Ninh, vợ chồng cháu Chí Bửu là con trai trưởng của chị tôi
đã đưa đi về Miền Tây qua các tỉnh nằm ở ven biển Nam Hải - Biển Đông. Như vậy
cũng tạm đủ cho ước mơ thứ hai của tôi, đi gần đủ 16 tỉnh Miền Tây.
Ba ông cháu còn đúng
một tuần bay trở về Mỹ, hai vợ chồng cháu Thoại Hoa tình nguyện giúp đưa ông
cháu chúng tôi đi một vòng du lịch bằng xe van của hai cháu đi Hà Tiên Phú Quốc
trước, tiếp theo đi một vòng qua nhiều tỉnh gần biên giới Việt Miên, đến Bến
Tre, ngủ lại ở Bến Tre và có cháu từ Sài Gòn xuống cùng chúng tôi thăm viếng và
phát quà cho một cô nhi viện nhỏ ở trong một ngôi chùa ở địa phương, quê của
cháu rể.
Tôi tự nhủ có dịp viếng
lại chiến trường xưa mà tôi đã từng phục vụ ở Sư Đoàn 21 Bộ Binh và Quân Đoàn
IV suốt bảy năm đầu đời quân ngũ (1963-1970). Tôi đã có dịp chiến đấu tại mặt
trận, thực hiện phóng sự chiến trường hay viết các phóng sự, tin tức về nhiều
lãnh vực của 16 tỉnh, 92 quận ở Miền Tây thuộc Vùng IV Chiến Thuật vì nhiệm vụ
là chiến sĩ của Trung đoàn 33 Bộ Binh hay Trưởng Ban Phát Thanh & Thông Tin
Báo Chí Quân Đoàn IV & Vùng IV Chiến Sĩ suốt bảy năm. Lần trước, tôi dự đám
tang chị ruột tôi tại Tây Ninh, hai vợ chồng cháu Chí Bửu có đưa cậu mười di du
ngoạn một vòng từ Cần Thơ đi Sóc Trăng, Bạc Liêu đến tận mũi Cà Mau... Tôi nhớ
lại chiến trường xưa vang bóng một thời, đơn vị hành quân ở rừng U Minh Thượng,
vùng nhà máy xi măng Kiên Lương và Hà Tiên. Trung đoàn 33 từng đóng chốt dài hạn
như là một căn cứ hoả lực bao vùng ở Thất Sơn, rừng U Minh. Đơn vị đóng quân
lâu dài tại Chà Là - Giá Ngựa, cạnh con sông Bảy Háp, từ Cà Mau đi Năm Căn cách
khu trù mật của cha Hoá trong tầm yễm trợ hoả lực đại bác 105 ly của Trung
đoàn.
Từ Bến Tre về Sài
Gòn, hai ngày sau ba ông cháu trở về Mỹ vừa hoàn thành ý nguyện cải táng mộ Mẹ
và có dịp tôi trở lại chiến xưa Miền Tây năm 1963 - 1970 và cũng thoả nguyện có
dịp đi ngang qua thêm hai cầu mới hiện đại Cao Lãnh và Rạch Miễu.
Trước năm 1970, có nhiều lần tôi hướng dẫn báo chí đến đảo Phú Quốc khu An Thới là nơi tập trung giam giữ nhiều ngàn tù binh cộng sản và tôi chỉ ở quanh quẩn trong khu vực này rồi về lại Cần Thơ, cũng có lần tôi ở lại qua đêm với cố vấn báo chí Mỹ của Quân Đoàn IV trong "cam-bao" và tắm biển gần sân bay quân sự, trước năm 1970 tôi chưa đến quận lỵ Dương Đông. Biết Phú Quốc mà chỉ có đến An Thới chưa biết Dương Đông thật là thiếu sót lớn, nay tôi thoả nguyện, rất vui cùng chung hưởng không khí biển đảo Phú Quốc.
Thành phố Phú Quốc
hoàn toàn thay đổi bộ mặt mới thành địa điểm du lịch quốc tế, đến nay cả chục
năm qua, các công trình xây dựng trọng điểm quy mô có thể đã đưa vào hoạt động
rồi. Tôi có dịp du ngoạn từ Dương Đông tới An Thới, trại tù binh năm xưa cũng
chưa dở bỏ, thăm viếng nhiều danh lam thắng cảnh, cơ sở làm đồi mồi, sản xuất hạt
trai, hảng nước mắm nổi tiếng, công viên mới khá đẹp... và có đi cáp treo ra một
đảo nhỏ vui chơi, tắm biển.
Cả một bầu trời kỷ niệm
bay về làm tôi mê say ngắm biển nhớ lại một thời vàng son trai trẻ đã qua, sau
gần 70 năm biến thiên của lịch sử, thời oanh liệt nay còn đâu...? Hai mùa hè của
niên học 55-56 và 56-57, tôi được tuyển chọn làm huấn luyện viên thể dục thể
thao Trại hè học sinh toàn quốc Vũng Tàu do Bộ Quốc Gia Giáo Dục tổ chức tưởng
thưởng các học sinh xuất sắc của các tỉnh miền Nam. Gần 70 năm trôi qua nhanh
như một giấc mộng, thời vàng son của một thanh niên trai trẻ huấn luyện viên
khá bô trai, nay là ông già U90 gần đất xa trời.
3 - Ước mơ thứ
ba là
tôi muốn có một hành trình đi đến những nơi cái gọi là trại tập trung học tập cải
tạo mà các nơi đó chỉ là những trại giam tù khổng lồ khắc nghiệt, nay như thế
nào?
Từ thành ông Năm ở Hóc Môn Gia Định,
Suối Máu Biên Hoà cho đến các trại tù cùng hung cực ác của miền Bắc xã hội chủ
nghĩa ở Sơn La, Yên Bái, Tân Lập Vĩnh Phú và trở về miền Nam ở trại tù Z30D Hàm
Tân Rừng Lá. Tới nay, ngấp nghé 90, tuổi gìa sức yếu, tôi đang chờ thuyên chuyển
về Vùng V Chiến Thuật mới có hy vọng toại nguyện ước mơ thứ ba thực hiện nghiêm
túc.
(Hình:Tôi (21t) hướng dẫn học sinh xuất sắc
Châu Đốc tham dự Trại Hè học sinh toàn quốc)
Vũng Tàu
1956. Em cựu trại sinh Vũng Tàu Huỳnh Ái Tông cung cấp, đứng thứ
5 từ phải)
Anh Phương Trần
Văn Ngà (11.11.2023)
No comments:
Post a Comment