Saturday, February 2, 2019

Giọt Lệ Đêm Giao Thừa - Nguyễn Thanh Dũng


1.
Bảo trả tiền bác xe ôm. Cậu móc túi lấy tờ giấy ghi địa chỉ, theo cầu thang chung cư Nguyễn Kim lên lầu 1. Dân trong chung cư, người lau chùi lư hương, kẻ quét dọn nhà cửa chuẩn bị đón Tết.

Thoáng trông những khuôn mặt hân hoan chờ đón ngày thiêng liêng nhất trong năm của các ông già bà lão đến lũ trẻ em, Bảo nghĩ có lẽ tại chính quê nhà mới có hiện tượng và bầu không khí đặc biệt này. Bảo hòa mình với niềm vui nhộn chưa bao giờ xảy ra với cậu. Những cái Tết tại Mỹ, nơi cậu ở, là những ngày tẻ nhạt với thời tiết rét buốt âm 0 độ C, tuyết ngập phố phường…

Nhìn vào căn phòng tối om om, Bảo đưa tay gõ nhẹ lên cánh cửa sắt. Một cô gái ngoài hai mươi tuổi bước ra cúi đầu chào. Bảo hỏi:

– Xin lỗi, có phải đây là nhà chú Tường, lúc trước làm ở Liên Ðoàn 83 Quân Cụ không?

Cô gái nhìn Bảo một lúc. Cô hỏi:

– Có chuyện chi không anh?

– Ba tôi là người quen với chú Tường, có quà biếu chú nhân dịp Tết Nguyên Ðán.

Ngần ngừ một chút, cô gái mời khách ngồi trên tấm phản gỗ. Cô vào buồng trong. Lát sau, cô dìu một ông già ngoài sáu mươi, thân hình tiều tụy, mặt mày hốc hác, chầm chậm bước ra. Cô đỡ ông ngồi trên ghế nhựa ọp ẹp.

Bảo đứng dậy cúi đầu chào. Cậu chậm rãi nói:

– Thưa chú, ba cháu tên Nguyễn Văn X.Y., làm ở xưởng Vũ Khí Tiểu Ðoàn 230, đường Trần Quốc Toản Sài-gòn. Sau khi LÐ 83 YTQC dời về Long Bình, ba cháu thuyên chuyển đến đơn vị khác.

Mặt chú Tường lộ vẻ vui vui:
– Ờ… ờ… Sao chú quên ba cháu được. Hồi đó ba cháu là sếp của chú mà… Sau năm 1975, chú có dò hỏi bạn bè nhưng không ai biết ba cháu và gia đình ở đâu.

Chú Tường ngừng nói, ngồi thở. Cô gái vuốt ngực ông…

Bảo trả lời:
– Khi ra tù năm 1979, ba cháu và gia đình hồi hương về quê ngoại ở Vĩnh Long. Năm 1980, lúc đó cháu mới 1 tuổi, gia đình vượt biên và được định cư tại Mỹ.

Nhìn cô gái, Bảo hỏi:
– Chú bị bịnh sao vậy cô?

Cô gái cúi xuống nhìn cha, không trả lời. Nét mặt thoáng buồn.

Chú Tường chầm chậm kể:
– Cách nay hơn năm năm, má sắp nhỏ bị tai nạn giao thông mất. Chú phải làm việc quá nhiều để nuôi bốn anh chị em tụi nó. Năm ngoái, đang chạy xe ba gác ngoài chợ Nguyễn Tri Phương, chú bị xỉu. Bạn hàng ngoài chợ xúm nhau giúp chuyển chú vào bệnh viện Bình Dân cấp cứu. Hai con trai lớn của chú đã lập gia đình và sống dưới miền Tây. Ở nhà chỉ còn con Loan đây và em trai nó thay phiên túc trực chăm sóc chú trong nhà thương. Con Loan làm ca ba tại một xí nghiệp giày da Ðài Loan ở Gò Vấp, vừa lo cơm nước cho thằng Mạnh học ôn thi vào Ðại Học Sư Phạm nên nó cũng khá cực nhọc. Sau ngày xuất viện, chú muốn đi làm cũng không đủ sức, càng ngày càng yếu, thêm gánh nặng cho hai chị em nó…

Bảo lặng lẽ nhìn quanh nhà. Loan rót nước mời khách.

Hai tay cầm phong bì, Bảo đưa chú Tường và nói quà của ba cậu biếu. Chú Tường từ chối mãi không được, sau vài lời cám ơn, chú đưa phong bì cho Loan cất. Chú Tường mời Bảo chiều mốt – chiều Ba Mươi Tết – chú cúng ông bà, Bảo ghé nhà dùng bữa cơm gia đình. Bảo nhận lời.

2.

Tối 28 Tết, Bảo rời khách sạn, lân la đến các phòng trà ca nhạc để tìm sinh khí sinh hoạt đêm của Saigon, thủ đô cũ miền Nam Việt Nam. Qua báo chí hải ngoại, cậu biết tuổi trẻ Việt Nam bây giờ – nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, Ðà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Saigon – tiêu tiền như nước.

Dĩ nhiên giữa những tầng lớp có tiền và kẻ có nhu cầu cần tiền nẩy sinh biết bao hoàn cảnh oái oăm. Tình cảm con người với con người biến dạng từ từ. Tình yêu trong sáng của thế kỷ trước – như ba Bảo thường nói – nhường chỗ cho yêu cuồng, sống thử trước hôn nhân.

Bảo có dịp đọc bài báo của một phóng viên trong nước đăng trên tuần báo ở Mỹ, viết về việc phá thai của giới nữ. Càng ngày, người đến bệnh viện càng nhỏ tuổi dần chứng tỏ nhà trường, cha mẹ và xã hội đã không quan tâm đến con cái để cho giới trẻ tự do luyến ái, tự do sống buông thả. Trong giới lao động, cha mẹ đầu tắt mặt tối kiếm sống không kịp thở để lo cái ăn, cái mặc, tiền sách vở, tiền trường cho con cái. Trong thành phần giàu có, cha mẹ chạy theo vật chất để hưởng thụ cho bõ thuở hàn vi, con cái cũng “ăn theo” sa đọa, xài tiền không tiếc…

Saigon dường như không ngủ hoặc ngủ rất ít. Chỉ nhìn dòng lưu thông cuồn cuộn theo đuôi nhau, xe gắn máy nối tiếp xe hơi, Bảo cảm tưởng như say sóng. Muốn băng qua đường – đối với Bảo – không phải là chuyện dễ dàng vì không còn quãng hở nào trên đường để cậu bước đi. Xe cộ không biết từ đâu cứ nườm nượp, nườm nượp từ nửa đêm hôm trước đến nửa đêm hôm sau trên các trục lộ chính…

Bảo tạt vào một quán trên đường Phạm Hồng Thái, quận 1. Hai người bảo vệ nhìn Bảo thoáng qua, đoạn mở cánh cửa nặng trình trịch để cậu bước vào. Bên trong, các cô tiếp viên, lờ mờ dưới ánh đèn màu, dắt Bảo đến một ghế trống cạnh sàn nhảy. Từ ngoài sáng lần mò giữa vùng âm u, phải vài phút sau cậu mới nhận định cảnh vật bên trong, dù tai cậu muốn vỡ tung với âm thanh xập xình của điệu Lambada sóng nhồi hết lượt này đến lượt khác. Thanh niên nam nữ ôm eo ếch nhau, lắc lư theo nhịp điệu dồn dập, thỉnh thoảng rú lên như bị ma ám quỉ đuổi.

Bàn bên cạnh, ba cặp lim dim khóe mắt khi phê vài hơi thuốc trắng. Những chai rượu nặng ngoại quốc đắt tiền cạn nhẵn, nằm lăn lóc bên cạnh những đĩa thức ăn nguội ngắt, có đĩa còn nguyên vẹn chưa đụng đũa. Liếc thoáng, Bảo biết chúng là con các đại gia hoặc con giới có quyền có chức, ăn chơi sa đọa, bất cần đời.

Một đứa trong bọn khoác tay, tất cả lảo đảo đứng dậy. Ðứa con gái tóc nhuộm vàng khè, móc bóp trải ra bàn năm tờ giấy xanh xanh loại một trăm đô-la. Cô hầu bàn từ góc khuất vội vàng chạy ra, gom tiền. Trước khi rời quán, chúng dúi vào tay cô hầu bàn tờ giấy mười đô.

Bảo gọi một chai Heineken. Cô chiêu đãi đem bia ra và sà xuống ngồi bên cạnh Bảo. Cô cất giọng õng ẹo:

– Anh cần mồi gì, em gọi.

Bảo cười ỡm ờ:

– Chút nữa, em. Anh chưa nóng máy mà…

– Anh cho em một chai há?

Không đợi Bảo trả lời, tự động cô vào quầy đem ra một chai và mở nắp nghe một tiếng “bộp.” Cô cụng vào chai của Bảo, cười ỏn ẻn, tu một hơi cạn tận đáy. Tự nhiên Bảo chợt nghĩ đến Loan, đến xóm chung cư nghèo hôm nay cậu ghé thăm. Hình ảnh người con gái gầy gò, ăn uống thiếu thốn, lo chăm sóc cha già đau yếu, người em học thi vào đại học, bất giác anh thở dài. Hai cảnh đời xã hội: một ăn chơi phè phỡn, vung tiền như nước – một còng lưng vất vả suốt ngày vẫn không đủ sống. Bất công nơi nào cũng có nhưng trước mắt Bảo, ngay tại quê hương mình, giai cấp giàu nghèo chênh lệch quá xa…

Bảo kêu cô gái tính tiền. Cô gái ngạc nhiên nhìn ông khách khác thường này, lẩm bẩm:

– Lại thêm một thằng khùng. Cứ tưởng vớ được khách bở mời đi “vui vẻ”, ai dè…

Sau khi lấy tiền hai chai bia, cô gái xòe tay xin “bo.” Bảo dúi vào tay cô tờ giấy bạc hai mươi ngàn Việt Nam và lặng lẽ rút lui. Trong tiếng nhạc đinh tai, Bảo nghe cô gái vói theo:

– Ðúng là “Hai Lúa” mới lên thành phố.

3.

Hai Mươi Chín Tết, Bảo thuê xe ôm lên đường Thích Quảng Ðức gần ngã ba Nguyễn Kiệm Phú Nhuận, trao tiền cho một viện mồ côi mà ba cậu cùng bạn bè ông quyên tặng. Viện do một Việt kiều ở Cali bảo trợ, gồm ba dãy nhà tạo hình chữ U, một trệt một lầu. Bảo vào viện, gặp người đại diện, ông Dương, là người bà con bên ngoại Bảo, trông nom khoảng 20 trẻ mồ côi. Ngoài bảy mươi nhưng ông Dương còn rất khỏe. Sau khi đọc thơ và nhận tiền của ba Bảo, ông dẫn Bảo thăm các nơi. Ông nói:

– Hầu hết các cháu này, dượng xin ở bệnh viện Từ Dũ. Từ Dũ cũng có viện mồ côi gọi là Làng Hòa Bình. Làng dành cho các cháu tàn tật từ lúc chào đời, đứa mất tay, đứa sứt môi, đứa không thấy đường… Mấy cháu vô phước đó cần ở trong bệnh viện để tiện chăm sóc hàng ngày. Ở đó không đủ chỗ nuôi dưỡng nên dượng đón các cháu khỏe mạnh về đây như san sẻ phần nào sự mất mát tình thương của trẻ thơ vô tội. Khoảng sáu, bảy tuổi, ban tổ chức sẽ chuyển các cháu đến viện khác đủ tiện nghi và phương tiện hơn để các cháu học văn hóa tại nhà trường. Theo dượng biết, các cô gái trẻ người non dạ, sau khi sanh, bỏ con chạy lấy người, trốn tránh trách nhiệm và tội lỗi. Cũng may, mẹ các cháu bé ít có đứa bị vướng bệnh Sida, nếu không may bị bệnh chết người này, tội nghiệp cho một kiếp sanh linh nhỏ bé. Cũng có một số bà mẹ quá nghèo, đông con nhưng lỡ có bầu, khi sanh xong cũng bỏ con lại…

Ði ngang nhà bếp, đến một sân rộng, Bảo thấy hai cô gái đang giặt giũ quần áo cho các cháu. Ông Dương dừng lại giới thiệu hai cô tình nguyện mỗi ngày vài giờ, giúp viện điều hành một cách suôn sẻ. Bảo trố mắt nhìn cô gái đứng e thẹn, hai tay đầy xà-bong xoa xoa vào nhau:

– Loan…

Ông Dương hỏi:
– Ủa, cháu quen Loan à?

– Dà… Ba cháu với ba Loan cùng chung đơn vị trước năm 75. Hôm qua ghé thăm gia đình Loan nên cháu mới biết Loan.

Bảo chào hai cô gái, tiếp tục lên lầu. Ông Dương cho biết Loan làm ca đêm, sáng nào cũng ghé viện giặt giũ quần áo, mền mùng cho các trẻ, sau đó mới về nhà. Hôm nay là ngày cuối năm, Loan cố gắng giặt xong tất cả quần áo dơ và chăn màn của các cháu. Biết Loan có lòng nhân ái, thương xót trẻ em mồ côi mà không nghĩ đến sức khỏe của mình, Bảo thấy lòng se lại. Bảo không thể so sánh tấm lòng bác ái của Loan với các cô gái ích kỷ khác. So sánh như vậy vô tình hạ thấp phẩm giá cao thượng của một người biết hy sinh thời gian, sức khỏe cho xã hội, mặc dù sự hy sinh chưa phải là vĩ đại. Tuy nhiên, tấm lòng này không ít thì nhiều cũng gây cho Bảo một ấn tượng sâu đậm mà càng nghĩ, Bảo càng thấy tôn trọng người con gái mới biết mặt.

Trong một căn phòng lớn, hai người đàn bà đứng tuổi đang chăm sóc các cháu mồ côi. Tiếng cười, tiếng khóc trẻ em vang từng chặp. Ðến dãy nôi giữa phòng, những đôi mắt tròn xoe ngây thơ nhìn ông Dương và Bảo. Một cháu buột miệng “Ba… ba…” khi Bảo cúi xuống ẵm cháu. Bảo lấy tay vỗ nhè nhẹ vào chiếc lưng nhỏ xíu, tự dưng niềm đau xót tràn ngập tâm hồn. Ông Dương nói với Bảo:

– Có nhiều khách đến viếng, họ thường xưng là ba má hoặc ông bà khi nựng nịu các cháu. Có lẽ cách xưng hô này ăn sâu vào tâm hồn thiếu thốn, thèm khát tình thương của những trẻ bất hạnh theo thời gian. Vì vậy, cháu đây gọi cháu là ba cũng không lấy gì làm lạ.

Bảo siết chặt cháu bé, tự nhủ không biết phải làm gì để bù đắp tình thương mất mát của những trẻ không may này. Những tâm hồn thơ dại, những tấm thân bé nhỏ rất cần sự che chở, bảo bọc của ông bà cha mẹ như bóng cây che mát cuộc sống non nớt mới hiện diện trên thế gian. Vậy mà cha mẹ chúng lại nhẫn tâm thả trôi các thân xác sơ sinh cho dòng đời đầy bụi bặm…

Trên đường về khách sạn, Bảo ghé chợ Phú Nhuận mua những thứ cậu cần phải mua.

4.

Trời càng về chiều, dường như mọi người càng thêm hấp tấp. Xe hơi, xe gắn máy, người đi bộ, người dân sinh hoạt nhanh nhẹn hơn, vội vàng hơn. Ai cũng muốn trở về nhà sớm để bày biện thêm nhánh mai mua rẻ, cặp dưa hấu bán hạ giá hoặc những chậu bông nở tòe loe. Ai cũng nấu nướng, dù nhà nghèo, vài món ăn đơn giản cúng ông bà và đón giao thừa, khi con cháu từ xa về, sum họp bên gia đình đón Xuân. Không khí này khiến Bảo liên tưởng đến những người không nhà, sống đầu đường xó chợ, những trẻ em bị bỏ rơi không nơi nương tựa, những ông già bà lão bệnh tật không có con cháu phụng dưỡng. Bảo xóa bỏ bi quan khi đến nhà chú Tường. Ít ra trong lúc này, Bảo cũng có một nơi để chia sẻ bầu không khí thiêng liêng khi xa gia đình. Thực tế tại Mỹ, Tết Nguyên Ðán chỉ nhộn nhịp và ra vẻ ngày Tết ở những nơi có đông người Việt như Cali, Texas, Atlanta Georgia hoặc khu Eden, miền Ðông Hoa Kỳ…

Chú Tường hôm nay trông khỏe hơn. Khi Bảo đến nhà, mâm cơm trên bàn thờ đã cúng xong, Loan và em trai chuyển xuống bàn ăn. Mùi nhang thoang thoảng trong căn phòng được dọn dẹp tươm tất.

Bảo trao cho Loan cây mai đầy búp để cắm vào bình hoa bên cạnh bàn thờ. Cậu mở hộp giấy, trịnh trọng tặng chú Tường bộ âu phục mua trong tiệm An Phú tại ngã sáu Saigon, tặng Mạnh chiếc cà vạt màu rượu chát, tặng Loan mấy xấp vải may áo dài và chiếc điện thoại di động đời mới nhất.

Bảo nói:

– Loan à. Ði làm ca ba, Loan rất cần điện thoại này để phòng thân. Việc chi phí sử dụng, anh đã trả tiền cho dịch vụ trọn một năm rồi.

Quay qua chú Tường, cậu cười:

– Ở Mỹ ba con sẽ dễ dàng liên lạc với chú. Chú và các em đừng gọi qua Mỹ vì mắc tiền lắm, cứ để ba con gọi về. Thỉnh thoảng chú cho phép con hỏi thăm chú và các em.

Bảo trải lòng mình, mong mỏi giúp gia đình bạn của ba Bảo những phút giây vui vẻ và thoải mái trong ngày cận Tết, dù các món quà không nói lên được hết chân tình của Bảo với những người mới biết mặt. Chú Tường thay mặt gia đình cám ơn Bảo. Chú nói Bảo và hai con ngồi vào bàn. Ðã lâu Bảo mới thấy tô canh măng hầm giò heo, khổ qua nhồi thịt băm với nấm mèo và đĩa giò thủ cắt chéo cạnh. Bảo lấy chai rượu chát từ trong bọc to đặt góc nhà mà cậu khệ nệ vác khi tới lúc nãy. Mạnh vào bếp lấy ba cái ly “xây chừng”, loại ly uống cà phê ngoài các tiệm ăn Tàu.

Bảo cười:

– Em lấy thêm một ly nữa cho chị Loan. Thời buổi bây giờ nam nữ bình đẳng mà em.

Loan xua tay từ chối. Mạnh nhìn ba. Chú Tường gật đầu.

Bảo mở chai rượu rót ra bốn ly. Cậu vừa nói vừa chỉ cái bọc to:

– Thưa chú, cháu rất cảm động được hưởng một cái Tết ấm cúng tại quê nhà với gia đình chú. Sáng nay cháu có ghé viện mồ côi, cháu cũng đã mua hai mươi bộ quần áo trẻ con để tặng các em trong đó. Sáng mai mồng một, xin chú, Loan và Mạnh đến thăm viện và trao quà cho các trẻ. Quà này là của gia đình chú tặng cho viện.

Chú Tường từ chối:

– Ðâu có được, cháu.

– Dà, cháu đã đại diện ba cháu và bạn bè bên Mỹ có tặng quà cho viện rồi. Phần này của chú và hai em. Sáng mai gia đình chú và cháu sẽ đi taxi đến đó. Có hai em và cháu, chú yên tâm xuất hành đầu Xuân…

Tiếng chuông reo. Bảo móc túi lấy máy di động ra nghe. Ðầu bên kia văng vẳng giọng nói đàn ông. Nghe nửa chừng, mặt Bảo bừng bừng dù chưa hớp ngụm rượu nào. Bảo trả lời đứt quãng:

– Dạ chưa lập gia đình… Dạ đang ngồi trước mặt con… Dạ tùy ba và chú Tường quyết định… Con… Con…

Bảo đưa điện thoại cho chú Tường:

– Thưa chú, ba cháu muốn nói chuyện với chú…

Chú Tường vui vẻ chào hỏi người quen thân cũ. Sau khi nghe câu chuyện, chú Tường nói:

– Cám ơn ông thầy nghĩ tới đàn em và có nhã ý với cháu Loan. Chuyện đó… chắc tùy cháu Bảo và Loan quyết định…

Bảo đưa mắt nhìn Loan. Loan cúi gằm, im lặng. Loan thừa thông minh biết hai ông già đang đề cập đến chuyện gì. Cả nhà vui vẻ bên mâm cơm cuối năm.

Bảo nói với chú Tường:

– “Con” mong một ngày rất gần, Loan không còn chịu cực nhọc nữa. Tuy con mới về Việt Nam lần đầu nhưng con cũng nhận định được toàn cảnh xã hội ngày nay. Cái quý nhất của con người là lòng bác ái, tính chân thật và biết an phận. Tâm hồn cao thượng, sự giúp đỡ xã hội của Loan ở viện mồ côi khiến con rất cảm kích. Con rất vui mừng được ngồi ăn uống đêm nay với chú và hai em. Mấy bạn về Việt Nam chung với con, giờ này chắc đã chui vào các quán bia ôm hoặc vũ trường rồi…

Nghe Bảo xưng “con” với ba mình, Loan len lén nhìn Bảo nhưng cô vội quay mặt đi để che giấu hai giọt lệ lăn dài trên đôi gò má xanh xao. Chính Loan cũng không hiểu tại sao mình lại khóc. Giọt lệ bắt nguồn từ niềm buồn tủi cho thân phận nghèo nàn hay vui mừng vì một căn nguyên nào khác, cô bối rối không kịp phân tách được tâm trạng mình.

Nguyễn Thanh Dũng

No comments:

Post a Comment