Friday, September 30, 2016

Hết Sảy!!

Người Nhật Sống Lâu Nhất Thế Giới Chỉ Nhờ… Ngón Tay!!!


Không phải bỗng nhiên người Nhật sống thọ đến vậy…

Bí kíp giúp người Nhật sống khỏe, sống thọ nhất thế giới!

Tất cả bạn cần chỉ là 1 bàn tay!!!

Nếu bạn bị căng thẳng, chỉ cần giữ ngón tay cái thật chặt và đếm 20 giây; muốn ngăn chặn sỏi và suy thận, giữ ngón tay trỏ một thời gian ngắn để cân bằng nước trong cơ thể.

Tại Nhật Bản tồn tại một nghệ thuật chữa bệnh đã 5.000 năm tuổi. Đó là cách chữa lành cơ thể bên trong hoàn toàn bằng cách nắm giữ các ngón tay trên bàn tay. Khi nắm chặt ngón tay cái, cơ thể giải phóng những căng thẳng trong não bộ, giúp bạn thoát khỏi căng thẳng về thần kinh. Tương tự như vậy, các ngón tay còn lại cũng có khả năng chữa bệnh khác nhau.*
Dưới đây là cách giữ ngón tay để thoát khỏi bệnh tật của người Nhật, theo*Boldsky.

Ngón tay cái
Nếu bị căng thẳng, bạn chỉ cần giữ ngón tay cái thật chặt và đếm đến 20 giây. Việc đơn giản này lại có tác dụng giúp giảm căng thẳng cũng như làm dịu hệ thống thần kinh của bạn. Bạn đang bị rối loạn tiêu hóa cũng nên thực hiện theo bài tập này bởi ngón tay cái được kết nối với lá lách và dạ dày.

Ngón tay trỏ
Ngón tay trỏ được kết nối đến thận. Có thể ngăn chặn sỏi thận và suy thận bằng cách giữ ngón tay trỏ trong một thời gian ngắn để cân bằng nước trong cơ thể, ngăn ngừa sỏi hình thành.

Ngón tay giữa
Tức giận, thất vọng và mệt mỏi đều được kết nối với ngón tay giữa. Nếu bạn đang trải qua một cơn đau đầu nhẹ, hãy nắm chặt ngón tay giữa, nỗi đau của bạn sẽ biến mất. Mặt khác, các ngón tay giữa được kết nối với gan, túi mật và bàng quang, vì vậy bạn có thể điều trị bệnh liên quan đến các bộ phận kia một cách tự nhiên bằng cách giữ ngón tay ba lần trong ngày.

Ngón tay đeo nhẫn
Ngón tay này được kết nối với trung tâm, đến phổi. Khi nắm chặt, massage ngón tay đeo nhẫn giúp bạn thở tốt hơn. Bài tập này có lợi cho những người đang bị khó thở hay các vấn đề về hô hấp.

Ngón tay út
Nắm chặt và ấn nhẹ ngón tay út giúp làm dịu dây thần kinh trong cơ thể. Đồng thời, những ngón tay nhỏ được kết nối với trung tâm còn giúp ngăn ngừa cơn đau tim và bệnh về tim mạch.*

Lòng bàn tay
Lòng bàn tay được kết nối với cơ hoành và rốn. Áp sát hai lòng bàn tay của bạn với nhau có lợi cho chăm sóc sức khỏe tổng thể.*

Theo*Boldsky

Mời xem video hướng dẫn

Lan Lừa Kiến Cánh 2 - Phong Lan

Thursday, September 29, 2016

Khi Những Giòng Sông Không Còn Lơ Đãng - Đặng Chí Hùng

Tôi không quen biết gì Thu Phương nhưng biết đến Huy M.C và Thu Phương từ khi còn Làn Xóng Sanh. Thu Phương được biết đến với : Cô gái đến từ hôm qua, Thôi anh hãy về, Đêm nằm mơ phố vv…Nhưng để lại ấn tượng nhất trong tôi vẫn là Dòng Sông lơ đãng. Chất giọng của Phương hợp với bài hát này và tôi thích cả nội dung của bài hát mà tác giả Việt Anh sáng tác:
Từ chốn nào giòng sông đã hòa cùng đại dương
Cạn bến bờ chiều nay thẩn thờ nhìn hoàng hôn
Rồi chúng ta sẽ đôi lần nuối tiếc
Để một giòng sông lơ đãng trôi qua …
Có nhiều người hát bài hát đó, nhưng phải thú thật là Thu Phương hát bài đó rất truyền cảm, đi vào lòng người với chất giọng của riêng cô – một người con gái gốc Hải Phòng.
Những tưởng Thu Phương định cư tại Mỹ với Huy MC thì mọi chuyện coi như êm thấm. Nhưng không…họ chia tay nhau sau 14 năm chung sống. Thu Phương có gia đình mới. Chuyện tình cảm, gia đình của Phương là chuyện cá nhân. Người viết không bao giờ đề cập và bình luận. Đó là nguyên tắc của tôi.
Câu chuyện ở đây là cả một sự tiếc nuối cho cá nhân Phương và cho rất nhiều nghệ sĩ ở Hải Ngoại. Khi Phương qua Mỹ, thì cô xin tị nạn chính trị. Rất nhiều đồng bào Việt Nam đều ra tay tiếp đón và cưu mang. Những tình cảm đó, chắc hẳn Thu Phương, Bằng Kiều và nhiều người nghệ sĩ sẽ nhớ. Và lúc đó giòng sông cứ lơ lãng trôi theo tiếng hát của Thu Phương…
Nhưng cô đã không đi hết trọn con đường của một người tị nạn. Cô trở về Việt Nam ca hát với những hợp đồng béo bở từ các đại gia đỏ và CSVN. Cô trở về để khoác lên mình chiếc áo dài mang lá cờ lấy về từ Phúc Kiến bên Tàu. Cô phản bội chính lá cờ đã cho cô cơ hội được định cư tại xứ xở tự do, đã nâng đỡ cô lúc cô còn bỡ ngỡ nơi xứ người. Và thế là giòng sông đã đỏ phù sa của những ngày bão lũ…
Nhưng Thu Phương không phải là cá biệt, rất nhiều nghệ sĩ tị nạn cộng sản đã trở về Việt Nam hát với cộng sản. Mỗi một nghệ sĩ, họ là những giòng sông nghệ thuật lơ đãng ru hồn người thưởng thức. Nếu biết dùng nó để đánh thức những tâm hồn yêu nước thì đó chính là điều tuyệt vời. Thật tiếc, nó lại trở nên đỏ ngầu như chính những bàn tay vấy máu đồng bào mà CSVN đang chìa ra bắt tay của văn nghệ sĩ Hải Ngoại.
Rất nhiều trong nghệ sĩ đó, chính tác giả cũng một thời yêu mến như: Lệ Thu, Ý Lan, Thanh Tuyền, Giao Linh đến Tuấn Vũ, Chế Linh, Khánh Ly…Nhưng rồi, đã cảm thấy buồn vì họ đã phản bội lại những gì mà người tị nạn trân trọng nhất: Sự trung thành với Quốc Gia.
Nếu đơn thuần chỉ là những người nghệ sĩ bình thường, chúng ta chẳng có gì để trách họ bởi vì hát, biểu diễn là nghề của họ. Sống với nghề, đi với nghề chẳng có gì đáng trách. Nhưng những người nghệ sĩ mà tôi muốn nói ở đây là những người đã từng một thời gắn bó với VNCH, với người lính VNCH, đã tới nước ngoài định cư theo diện tị nạn, đã đứng trên sân khấu của người Việt tị nạn để hát lên những nỗi căm hờn cộng sản. Vậy mà, họ đã quay về Việt Nam để giao lưu với CSVN – những kẻ đã giết cha ông họ, đẩy gia đình họ lên con thuyền mênh mông ngoài biển, chửi bới họ là “đĩ điếm, đồi trụy, phản động”…Nhưng cao hơn cả, CSVN đã và đang giết cả một dân tộc, bán đứng một dân tộc cho giặc Tàu. Vậy mà nhiều nghệ sĩ tị nạn lại quay về hát hò tưng bừng với chúng. Quả là đáng buồn…
Vẫn biết rằng, cái vòi bạch tuộc của nghị quyết 36 luôn tìm cách len lỏi cộng đồng. Nhưng nếu trong mỗi chúng ta có một sự tự trọng nhất định về danh dự người Quốc Gia thì chắc chắn chúng ta không làm những việc có lợi cho cộng sản, bắt tay với cộng sản. Tiếc rằng, rất nhiều người thiếu cái điều cơ bản đó.
Tôi còn nhớ, Du Tử Lê đã viết “Khi tôi chết hãy đem tôi ra biển”, vậy mà ông chẳng ra biển, ông đã nuốt lời về với cộng sản những năm tháng cuối đời. Đáng buồn vì những điều mà ông thất hứa. Nó cũng giống như rất nhiều văn nghệ sĩ đã quên đi lời thề chống cộng năm nào…Họ đã để những giòng sông không còn lơ đãng….
Những người làm nghệ thuật, họ có thể biện minh cho mình “Nghệ thuật của tôi là nghệ thuật vị nghệ thuật” để tìm cách đi về ăn chơi, nhảy múa với cộng sản.. Các vị đúng, nhưng chưa đủ vì nghệ thuật thì phải vì nghệ thuật. Nhưng khi đã mang trong mình căn cước tị nạn, nhất là tị nạn cộng sản, thì các vị phải biết rằng các vị có trách nhiệm trong mình để làm một thứ nghệ thuật của người tị nạn.
Hơn thế nữa, những người nghệ sĩ này có biết hàng ngày có hàng trăm nghìn tên Tàu đang ung dung trên đất Việt Nam ? Từ bộ chính trị đến quan chức địa phương đều bị Tàu cộng sai khiến ? Hàng nghìn tàu cá bị giặc Tàu phá nát mỗi năm trên chính biển đảo quê hương ? Hàng trăm nghìn km2 mặt nước và đất liền bị cắt cho Tàu ? Hàng mấy trăn km bờ biển bị nhiễm độc bởi thảm họa Formosa ? Đó chính là tội ác của cộng sản. Hợp tác làm ăn, nhảy múa với cộng sản đó chính là phản bội lại dân tộc Việt Nam.

Có những giòng sông, khi nó chảy qua những miền quê hương êm đềm thì rất mơ màng và gợi tình. Nhưng nếu nó bị lạc đường qua những miền đất dữ với những con người không biết giữ lấy tình yêu với quê hương thì nó sẽ trở thành những giòng sông nhuộm máu đồng bào. Khi mà những giòng sông không còn lơ đãng nữa thì cũng là lúc thính giả tắt đài, tắt tivi và quay lưng lại với những người đứng trên sân khấu.. Còn nỗi buồn nào cho người nghệ sĩ bằng chính nỗi buồn bị khán giả quay lưng? Vì thế, người nghệ sĩ hãy sống để cho những giòng sông mãi còn lơ đãng.
Đặng Chí Hùng
23/09/2016

Ký Ức Rong Rêu - Trầm Vân

Xà Phòng


Chúng tôi tham dự một số cuộc thi và được giải là 4 con cá vàng tuyệt đẹp! Đây quả là thời điểm thích hợp để đi tìm một chiếc bể cá dễ thương. 

*** 

Những chiếc bể cá hào nhoáng đều có giá quá đắt! Rồi cuối cùng tôi tìm thấy một chiếc bể cá cũ nhưng còn cả cái lọc nước, mà giá thì rất rẻ. Tất nhiên, trông hơi bẩn một chút, nhưng cái giá của nó cũng xứng đáng với 2 giờ cọ rửa đấy chứ! - 

Bốn con cá vàng có vẻ rất khoái "ngôi nhà" mới. Chúng lội tung tăng trông rất đẹp, ít nhất là trong ngày đầu tiên. Nhưng đến chiều Chủ nhật, một con lăn ra chết, sáng thứ 2, chúng tôi phải tiễn đưa con cá vàng thứ hai và đến tối Thứ 2, con cá vàng thứ ba cũng đi theo hai con trước.

Quá hốt hoảng và thương mấy con cá, chúng tôi phải mời một bác sĩ thú y tới. Chẳng lâu sau, ông ấy phát hiện ra ngay vấn đề: Chúng tôi đã cọ rửa cái bể bằng xà phòng – một giải pháp hãi hùng với bọn cá. Những cố gắng của chúng tôi thế là trở thành một nhân tố hủy hoại cuộc sống của chính những thứ chúng tôi cố gắng bảo vệ.
Đôi khi, vì cố gắng "làm sạch" cuộc sống của mình và của người khác, có thể không may, chúng ta sử dụng đến những thứ "xà phòng nguy hiểm" như vậy: Sự nghi ngờ, buộc tội, chỉ trích, cáu giận...đều có tác động tương tự.
Chúng ta nghĩ là chúng ta làm đúng và làm điều tốt cho họ, nhưng có thể điều đó là quá mức họ có hiểu không?




Nguồn: TriThứcSống.com 

Tứ Thời - Đỗ Công Luận

Wednesday, September 28, 2016

Lời Người Ra Đi - Bùi Thanh Hiếu


Hơn 3 năm xa quê hương đến Châu Âu, tôi đã quên cái cảm giác mở cửa xe hơi bước vào gặp hơi nóng dội bật ra. Nhiệt độ Houston tháng 8 như mùa hè của Việt Nam.
Buổi tối hôm đó tôi gặp hai người phụ nữ, họ đều là gái Hà Nội gốc, cả hai đã đều lên chức bà từ lâu. Họ đều đến nước Mỹ vài năm trở lại đây, khi rời đất nước đi, họ đều là những doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực đầu tư bất động sản. Những cơn sốt bất động sản của những năm đầu và giữa thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 đã giúp họ tạo dựng được một tài sản kha khá. Đồng tiền kiếm được của họ không hề có bóng dáng của gian lận, tham nhũng....đó là những đồng tiền kiếm được nhờ sự nhanh nhạy, quyết đoán , nhờ vận may và nhờ cả chính sách bong bóng của chính quyền Việt Nam.

Một người đến Mỹ ở dạng đầu tư, người kia thì lấy chồng quốc tịch Mỹ. Lý do họ ra đi thật đơn giản, nước Mỹ là nơi đáng sống. Một phần rất lớn số tiền họ kiếm được từ cuộc bong bóng bất động sản năm xưa ở Việt Nam dành cho chi phí đến Mỹ ở. Số tiền đó thật lớn, với số tiền đó họ có thể sống ung dung và nhàn nhã đến già ở quê hương mình. Thế nhưng họ chọn cách bỏ số tiền đó để mua tấm vé đến nơi khác tít bên kia bờ Thái Bình Dương để ở nốt phần đời còn lại của mình.

Môi trường, y tế , văn hoá, pháp luật. Đó là bốn nguyên nhân chính khiến những người lớn tuổi như họ phải rời khỏi quê hương mình.
- Ra đường bây giờ ô nhiễm không thở nổi, ăn cái gì cũng sợ, đụng đến vào viện hay dây cái gì với pháp luật là cũng sợ em à. Lúc nào cũng lo phấp phỏng, thôi ở đây làm qua loa cái gì sống qua ngày cho đỡ phải nghĩ nữa. Mình già rồi không còn sức mà đối phó với những việc như thế. Ở đây tạo dựng cái chỗ để con cháu mình nó cần còn sang được dễ. Cái đứa con nhà chị ý, vợ chồng nó còn thích sĩ diện nên chưa chịu sang. Ở nhà chúng nó đi BMW còn vênh mặt được, sang đây thì vênh với ai. Chúng nó ở lại vì sĩ diện thế thôi, mai kia mấy đứa cháu nó lớn đi học chắc cũng phải sang đây thôi.

Không phải ai rời xa quê hương cũng là mang ước mộng làm giàu, đổi đời. Nước Mỹ có những người Việt Nam đến để tìm sự bình yên, con số đó không phải là nhỏ trong những người Việt ra đi.
Đất nước không có chiến tranh, không có xung đột chính trị...người dân ra đi để tìm sự yên bình. Thật chớ trêu.

Ở Hung, một nước nhỏ ở Châu Âu mà nền kinh tế cũng thuộc loại nhỏ như vậy. Mức thu nhập của người Việt ở đây chỉ bằng già nửa thu nhập của người Việt tại Đức, bằng một nửa ở Na Uy, Đan Mạch. Tôi gặp cậu em đang tất bất mở thêm một gian hàng. Rất ngạc nhiên vì vợ chồng cậu đã có một gian hàng lớn nay lại mở thêm một gian hàng trong khu siêu thị lớn kinh doanh mặt hàng khác. Tôi hỏi mở làm gì , cái cũ làm không đủ sao.

Cậu em lắc đầu cười, cái cũ làm còn chưa hết việc. Em mở để làm giấy tờ đón vợ chồng thằng em sang, cả hai đứa con nó. Cho mấy đứa cháu được đi học ở đây, sống ở đây cho lành anh ạ.
Cậu em mở gian hàng như thế, mất tầm 6 tỷ tiền Việt Nam. Số tiền cậu bỏ ra làm gian hàng là số tiền sạch mà cậu chắt chiu kiếm được ở đất Hung. Chẳng phải tiền mờ ám từ trong nước đổ ra. Với 6 tỷ VNĐ ấy nếu cậu gửi về Việt Nam cho vợ chồng đứa em bay, kinh doanh gì đó đơn giản như xây nhà cho thuê thì một tháng cũng kiếm thêm khoản tiền rất ổn, bù đắp thêm cho cuộc sống gia đình em trai mình, mà không bị ảnh hưởng bấp bênh đến vốn liếng như mở gian hàng này.

Nhưng không, cậu không chọn cách gửi tiền về làm ăn trên quê hương. Cậu chọn cách đầu tư tại đây và đưa gia đình em trai mình sang. Dù như thế sẽ vất vả hơn. Nhưng như cậu nói, cái được lớn nhất là hai đứa con của em trai mình sẽ được học và ở đây, nước Hung này. Dù có nghèo hơn các nước khác trong Châu Âu, nhưng gấp chán vạn lần ở Việt Nam.

Ở Mỹ và Hung tôi gặp bố và mẹ những người bạn tôi, tôi không ngờ ở lứa tuổi quá 80 như họ chẳng thiếu thốn gì ở quê hương. Giờ cũng theo con cái sang Mỹ , Âu để ở nốt phần đời còn lại.
Tôi quay về Berlin, gặp bà chị gần nhà ở Hà Nội đang làm nghề cắt tóc, móng tay bên này. Bà chị đang quay cuồng tiền để mở thêm một cửa hàng ở khu trung tâm. Vẫn ngạc nhiên như chứng kiến cậu em bên Hung, tôi hỏi chị làm cửa hàng kia hết việc đâu, thiếu người làm sao còn mở thêm. Bà chị cười thầm thì, chị mở để đón vợ chồng đứa em sang làm, ở Việt Nam bây giờ chán lắm em ạ. Cho chúng nó sang đây ở cho lành.
Đi, ra đi, ra đi là tiếng gọi thôi thúc trong lòng bao nhiêu người Việt Nam. Đi khỏi đất nước mình.

Mùa hè năm 2014, Tí Hớn nghỉ hè sang thăm bố. Khi hai bố con tôi đang đi trên hè đường ở một con phố vắng. Tí Hớn hỏi.
- Bố có định ở đây không.?
Tôi không biết trả lời sao, tôi hỏi sao con hỏi vậy. Tí Hớn nói.
- Nếu bố ở đây, con cũng được ở đây, con sẽ có một cái xe đạp và đi ở phố này. Ở đây thanh bình, sáng ra chim hót, đi xe đạp ở đường phố này không sợ như ở Việt Nam.

Cuối năm đó Tí Hớn trở lại nước Đức, cậu sang ở với tôi theo diện ăn theo học bổng của bố. Tấm visa của tôi là điều khó hiểu ngay với cả những người ở sở ngoại kiều và cảnh sát Đức, hải quan Đức. Mỗi tấm visa ở đây đều có ký hiệu riêng để người kiểm tra biết được người đó ở nước Đức theo dạng gì. Ở sở ngoại kiều có nhiều bộ phận họ tiếp nhận hồ sơ gia hạn cho người ở Đức, 4 lần tôi gia hạn visa, lần nào cũng xảy ra cãi nhau giữa những người ở sở ngoại kiều với nhau, chỉ quanh mỗi việc ai là bộ phận chịu trách nhiệm cấp visa cho tôi. Bộ phận phụ trách sinh viên, di dân, việc làm....cứ đùn đẩy nhau nhưng rồi cũng có một bộ phận cấp với lời càu nhàu là lẽ ra ở chỗ kia chứ không phải họ làm việc này.

Đã sang năm thứ tư tôi ở nước Đức này, visa lại đến năm sau, tức năm 2017.
Tí Hớn nhanh chóng đã trở lại tốp đầu trong những học sinh giỏi, cậu sang đây học chậm một năm, chả biết một tẹo tiếng Đức nào. Giờ thì cậu liên tục được nhà trường khuyên phải lên lớp 6 học. Danh tiếng học giỏi của cậu không chỉ trong lớp, mà còn đến các lớp bên cạnh. Mặc dù cậu chỉ thấy cậu chơi là nhiều. Năm học vừa rồi tất cả các môn cậu đều được điểm xuất sắc, duy môn nhạc cậu được điểm 2 ( điểm 1 ở Đức là cao nhất).

Thật oái ăm, ở Việt Nam, môn nhạc là môn cô giáo khen ngợi cậu là năng khiếu nhất và cậu đi học thêm về nhạc. 7 tuổi cậu có thể ngồi piano chơi những bản thông thường như Thư Gửi Elly, Jingle Bells...và trong lớp nhạc ở Việt Nam cậu học có một nửa chừng đã hiểu bài.
Sang đến đây cậu bị một vố nhớ đời, cái mà cậu tưởng giỏi nhất lại là cái khiến cậu đau nhất. Ở Việt Nam người ta dạy cho cậu nốt nhạc trong bài như kiểu thuộc lòng, thuộc phím đàn, và khi thuộc thì cậu cứ thế mà táng bàn phím thành bản nhạc và chỉ cần có trí nhớ là cậu thành giỏi giang. Còn ở đây bị cấm sờ vào đàn, học nhạc ở Đức là cậu tự cầm cốc, thìa hay cái thước kẻ gõ thành nhịp nào đó mà cậu thích, thành giai điệu, thành những âm thanh....vì quá xa lạ với cách học này, cậu rất bực bội và chỉ được điểm 2. Nhưng cậu chống chế lẽ ra cậu được điểm 1, tại vì có những giai điệu phải ba bạn cùng nhau thực hiện, bạn J không chịu làm nên cả nhóm bị điểm chia ra như vậy. Thật phức tạp, ở Đức dạy nhạc đã khác rồi, lại còn bắt cả tốp làm chung và chịu trách nhiệm với nhau. Cậu và cậu bạn còn lại chỉ còn cách chơi thân với J hơn ngoài thời gian học, để có gắn kết với nhau. Có lẽ vì thế cậu được điểm cao trong cái môn đại loại như là có trách nhiệm với mọi người.

Hoá ra lằng nhằng cái này lại ra cái kia, bố cậu chỉ nghe một bác giải thích cái điểm cao môn trách nhiệm với mọi người, tinh thần trong cái chung là môn rất quan trọng ở Đức. Cũng chả biết môn đó là thế nào, ở Việt Nam bố cậu học chỉ có hạnh kiểm cá nhân tốt, khá, trung bình, kém...mà bố cậu thì chưa bao giờ được mức khá cả.
Ở Việt Nam bố mẹ cậu luôn phải ngóng tình hình ở trường, thái độ cô giáo, nhà trường có chính sách hoặc chủ trương gì. Thật mệt là ở Việt Nam giáo viên và nhà trường liên tục có thông báo đề nghị này nọ, nếu chậm trễ thực thi. đứa con của mình sẽ đi học về trong nước mắt vì bị giáo viên bêu ra giữa lớp do bố mẹ chưa đáp ứng thông báo này, thông báo kia của nhà trường.

Ở đây thì không, hầu như bố cậu chả biết cậu đến trường làm gì, học gì, nhà trường ra thông báo gì. Sáng cậu dậy tự lấy đồ ăn sáng, lấy đồ ăn trưa và rót nước cho vào cặp, đi đến chiều về. Không thấy thông báo nhà trường đóng tiền này, nộp tiền kia bao giờ cả.
Tí Hớn ở Việt Nam đi học, xếp hạng học giỏi thứ 6 hay thứ bảy trong lớp. Trước cậu là con của giáo viên lớp A, con của ban phụ huynh, con của cán bộ trên sở....cậu xếp xa tít tắp như vậy. Nhưng lúc nhà trường cử di học thi học sinh giỏi ở quận thì ở lớp mỗi mình cậu được đi. Lúc đó cậu về nhoẻn miệng cười rất ý nhị nói với bố.
- Buồn cười bố nhỉ, các bạn ở lớp xếp hạng giỏi hơn con, toàn được cô giáo khen, mà con lại được đi thi chứ không phải các bạn.
Ở Đức không có con ai sẽ được ưu tiên cả, chỉ có học sinh nào học giỏi và hoà đồng, thân ái và có trách nhiệm với các bạn khác là được quý mến và khen ngợi. Bạn nào học không giỏi, khó tính với bạn bè thì những bạn được khen kia phải chơi thân và động viên bạn mình học giỏi và quan tâm đến mọi người.

Tuần trước Tí Hớn đi học về, cậu cất cặp và nói rất khoát.
- Hôm nay con ra quán ăn với các bạn, các bạn chờ con ngoài quán rồi.
Sự quả quyết như việc nó phải thế của cậu khiến không ai dám hỏi. Cậu lấy tiền của cậu ra 10 euro và đi.
Đến tối cậu về, bố mới hỏi vì sao. Cậu kể.
- Hôm nay ở lớp con bầu cử cho trẻ em, thấy giáo giới thiệu các đảng ở Đức, lời hứa của mỗi đảng và mình thích đảng nào bầu đảng đó. Có một đảng họ bảo họ lấy thuế cao, nhưng tiền thì sẽ dành cho những người có thu nhập thấp hay thất nghiệp. Con bầu cho đảng đó. Sau bầu cử ở lớp thầy giáo nói các bạn nên gặp nhau và nói lý do vì sao mình bầu cho đảng nào, thuyết phục các bạn khác nghe theo. Nên chúng con ra quán ăn để bàn tiếp chuyện này.
Cậu ngừng lại một lát rồi hỏi.
- Ở Việt Nam mình có một đảng thôi bố nhỉ ? Một đảng thì bầu cái gì cơ chứ.
Bố hỏi.
- Con có muốn về Việt Nam không.?
Cậu lắc đầu dứt khoát.
- Không, bố về thì về, con ở đây học thích hơn.

Nếu Tí Hớn học ở đây đến hết trung học , tiếng Đức của cậu như người bản xứ đã đành, tiếng Anh của cậu cũng tốt gần như vậy. Nếu cậu duy trì mức học tập khá và giỏi không cần quá xuất sắc...thì kết thúc đại học cậu tự nộp hồ sơ xin việc dễ dàng ở công ty nào đó. Bố mẹ không phải lo lắng, không phải chạy chọt. Người Đức đang dạy cậu tự xử lý số phận của mình ngay từ bây giờ, lúc cậu còn đang học lớp 5.
Các bậc cha mẹ ở Việt Nam lo cho con mình học hàng ngày, lo cho con mình công việc đến tận lúc con trưởng thành. Thế nhưng một ngày nào đó con cai của mình sa ngã, cờ bạc nghiện ngập... họ ngậm ngùi than
- xã hội làm nó thế.
Nhiều người lên án họ là đổ trách nhiệm cho xã hội, là do chính họ không dạy bảo được con.

Nghĩ cho cùng cũng oan cho họ, chả bố mẹ nào dạy con làm điều xấu cả. Nhưng đứa con của họ đâu phải chỉ đóng khung trong giáo dục của bố mẹ. Chúng còn tiếp thu ở nhà trường, bạn bè, xã hội nữa. Sức giáo dục của bố mẹ Việt Nam quá nhỏ bé và mong manh trước những cơn thác lũ đủ màu sắc lối sống của xã hội, cuộc đời , nhà trường. bạn bè...và cả văn hoá trên truyền thông nữa.
Hầu hết những thanh niên Đức khi học xong đều bươn chải đi tìm công việc cho mình, không nhờ cậy đến bố mẹ, đại đa số chúng có lối sống lành mạnh, tiết kiệm, không sĩ diện, thực tế và không ỷ lại người khác. Đó chẳng phải là bố mẹ dạy chúng, phần lớn là
- xã hội làm nó thế.

Là một người bố, trên cương vị ấy tôi xin gửi lời khuyên đến các bậc bố mẹ khác. Nếu lo được cho mình rời khỏi Việt Nam hãy cố gắng lên làm. Hãy để cho chúng được sống và học một cuộc sống tốt đẹp. Sẽ có nhiều người bảo tôi tại sao không có ý xây dựng quê hương, không hướng con mình đến việc xây dựng quê hương, yêu đất nước, dân tộc được như mọi nơi trên thế giới .mà lại xúi bỏ đi như thế. Ai cũng nghĩ như thế thì ai là người xây dựng quê hương, đất nước, đấu tranh với những cái sai trái của xã hội.
A ha, câu hỏi rất đạo đức... thật là khó trả lời.

Bùi Thanh Hiếu (Người Buôn Gió)

Hoa Của Mùa Thu - Đỗ Công Luận

Cám Ơn - Trầm Vân

Philosophy Of 70%



*The day we pass away, our money will still be in the bank.
   *When we are alive, we feel we don't have enough money to spend.
   *When we are gone, there is still a lot of money  not spent”.
   *A Chinese tycoon passed away. He left for his widow $1.9 billion in the bank.
   The widow remarried her young Chauffeur.
   The Chauffeur said,
   "All the while I thought I was working for my boss. Now only I realize that my boss was all the time working for me!"


  The Moral?
   It is more important to live longer than to have more wealth.
   •      Strive to have a strong and healthy body.
   •      In a ‘high end’ mobile phone, 70% of the functions are useless.
   •      In an expensive car, 70% of the speed is not needed.
   •      In a luxurious villa, 70% of the space remains unoccupied or un-utilized.
   •      In a whole wardrobe of clothes, 70% of them are seldom worn.
   •      Out of whole life’s earnings, 70% stays behind for other people to use.
           70% of talent is not utilized.
 
   *So, How to make full use of our 30%.?
   •      Go for medical checkup even when you feel fit.
   •      Drink more water even if you’re not thirsty.
   •      ‘Let go’ your ego, whenever you can.
   •      ‘Give in’ even if you are ‘right’.
   •      Be humble even if you are very powerful.
   •      Be contented even if you are not rich.


[Fun Funky]

50 Tuổi Về Sau, Chuyện Đời Như Đá Mòn Trong Nước…


50 tuổi về sau, đã trải qua hơn nửa đời người, cuộc sống hãy nên là an tĩnh. Cả đời vốn đã vì tranh tranh đấu đấu mà chẳng lúc nào yên. Lúc này,  chỉ cần sống bình thường không cần quá nổi trội, thoải mái, bình an là tốt nhất.

Lấy lòng người khác, không bằng tự mình sống hạnh phúc!
Con người, thà rằng cô độc, cũng không dối lòng; thà rằng nuối tiếc, còn hơn tranh đấu thiệt hơn.
Chuyện quá khứ, như đá mòn trong nước, như gió thổi mây trôi, ta nên xem nhẹ.
Trải qua nhiều thăng thầm cuộc sống, nhiều tâm phàm đã yên xuống.
Thời gian quá nhanh, cuộc đời quá ngắn, nếu hiểu như vậy, hãy nên trân trọng nó!
Người hay phiền muội chính vì 12 chữ: Không buông được, nghĩ không thông, không nhìn thấu, không quên được.

Đã đi qua hơn 50 năm cuộc đời bão táp, đừng để người khác khuấy động tâm an tịnh của bạn.
Chúng ta ưa thích niềm vui và sự nhiệt tình của một số người, nhưng cũng có người sinh ra đã tính tình an tĩnh. Bạn là ai thì hãy là như vậy!

50 tuổi về sau, yên tĩnh một chút cũng tốt, không cần phải chen nhau vào những cuộc tranh luận đúng sai, cũng không cần vui cười một cách miễn cưỡng.
Chúng ta muốn làm một người ôn hòa hiền lành, không cần phải sống tủi thân, bạn muốn trở thành người nào thì hãy trở thành người đó.

Chúng ta thường ao ước được sống như những người nào đó, nhưng không phải họ cũng luôn vui vẻ, hãy sống theo cách của bạn.
50 tuổi về sau, ai ép buộc chúng ta phải sống thật hoàn mỹ?
Ta chỉ cần sống bình thường không cần quá đặc sắc nổi trội, chỉ cầu thoải mái, bình an là tốt nhất.

50 tuổi về sau, những gì trước đó bạn chưa tha thứ được thì nên làm từ bây giờ.
Hãy giang rộng đôi tay, hãy mở rộng tấm lòng, bởi vì ai ai cũng nên được hạnh phúc.

Tiến thoái cũng đã nhiều rồi, cũng không cần tranh đấu với đời, chịu thiệt thòi không có gì là không tốt, chỉ cần tâm an tĩnh, tâm hồn thanh thản là được rồi.
50 tuổi về sau, cuộc đời đã quá nửa, còn sống, đừng làm người khác mệt mỏi, càng quan trọng hơn là, sau này hãy sống thật thoải mái.

Vậy nên, thời gian về sau cố gắng sống giản dị hơn, tự làm cho bản thân mình hạnh phúc hơn, nhẹ nhàng hơn, thanh tĩnh hơn, đó chính là điều quan trọng nhất.
Bạn nói xem có đúng không?

Theo Daikynguyenvn

Lan Lừa Kiến Cánh 1 - Phong Lan

Làm Gì Ở Mỹ - Phan Ngọc Vinh

 

Bạn từ Việt Nam đi du lịch sang Mỹ. Bạn bằng tuổi mình, năm nay được 65 cái xuân xanh, nhưng nhà nước ở VN cho  Bạn về  đuổi gà  chăn vịt  từ lúc tuổi mới 55, trong  khi mình vẫn  còn mài đũng quần, ngồi  "dũa"  móng cho các bà già Mỹ.

Từ  hồi học Trung học, Bạn là người Bạn tốt đối với mọi người, nên  bạn bè của Bạn  bây giờ ở khắp  năm  châu. Bạn được các  bạn  mời đi thăm các nơi  khắp nước Mỹ  và đây là chặng dừng chân cuối cùng, đó là tệ xá của mình .

Ông Xã mình nhường chỗ cho Bạn  ngủ  với mình,  và  câu đầu tiên khi ngã đầu nằm  cạnh nhau, Bạn hỏi mình  "Làm gì  ở Mỹ " .
Chỉ  4 chữ thôi, nhưng  nó trải dài  22 năm ở Mỹ. Mình ngồi  dậy,  cầm chai nước  ở đầu giường, uống một hơi để lấy giọng, và bắt đầu kể ....

*****
Từ phi trường  Philadelphia  gia đình   mình gồm 4 người, được người bảo trợ  đưa đến  một căn nhà Twin,  nhà  7 phòng nhỏ xíu, mỗi phòng  là một gia đình  từ 2, đến 3 hoặc 4 người, mà mỗi người, ông chủ nhà  lấy 100 đô, không kể người lớn  hay con nít. 
Đêm đầu tiên nghĩ  dưỡng sức, đến đêm thứ nhì  mình  đã có việc rồi .

Căn phòng kế bên  có  2 vợ chồng HO,  mới sanh Baby  chỉ 1 tháng, người vợ phải đi làm trở lại , cả 2 vợ chồng làm hãng thịt  vào ca đêm, nên độ 10 giờ đêm là bế đứa  bé qua phòng mình ngủ,  sáng đi làm về thì bỏ trên bàn  trong phòng  mình 5 đô.

Căn  phòng  share  nhỏ xíu,  2 vợ chồng  thì ngủ dưới đất,  hai đứa nhỏ  5 và 7 tuổi  thì   được ngủ trên 2 giường  nhỏ, thêm đứa bé  babysit, thì nằm dưới chân. Phòng chật đến  nỗi  mình  và  Ông Xã  nằm ở dưới đất, một người nằm ngữa, một người nằm nghiêng, nếu cả hai cùng nằm ngữa  thì không vừa. Tối ngủ mơ màng,  cảm giác  như có con  gì bò nhột nhột, mình lấy tay đè bẹp dí  thì  nghe mùi  gián. Ngồi dậy bật đèn lên thì  gián mẹ, gián con,  hàng trăm con chạy búa xua, tìm chỗ trốn dưới thảm.

Ở  Việt Nam  nhà cửa  đóng  bợn,  góc nhà bụi bậm  bám đầy, mình chỉ quét, xem  là thường  không có gì  để  gọi là  quan trọng, khi sang đây  thấy nhà lót thảm đỏ, cứ tưởng  sạch sẽ, quý phái,  sang trọng, nên  mình chỉ lót cái mền  rồi  2 vợ chồng nằm ngủ,  cứ nghĩ là  sướng quá rồi, không ngờ  mình nằm trên ổ gián . Bây giờ  mỗi lần nhớ lại vẫn còn cảm thấy rùng  mình.       

Giữ đứa  bé độ một tuần,  một  hôm Ông chủ nhà  đi ăn Buffet ở  tiệm ăn tàu đầu ngõ, về nhà  cho hay ngoài đó cần  một Waitress,  tức bưng đồ ăn  cho khách,  sau  khi  khách  order. Với  trình độ  tiếng Anh  "ba xí, ba tú " từ thời trung học, mình nghĩ: Đây là  "xứ cơ hội", nghề gì cũng làm thôi, chỉ sợ  người ta không mướn  mình.

Ông Chủ người Tàu, cỡ 70 tuổi , nói tiếng Anh. Ông nói  ông nghe,  mình  lấp bấp làm như hiểu, nhưng thật sự chả hiểu  con  khỉ khô gì ca. Ông  cầm  cái menu ,  gần 300 món.  Ông  dắt mình vào  bếp, chỉ  các thứ  rau  và nói tiếng Anh  các  lọai  rau,  giời ơi, coi bộ không dễ .

Ngày  đầu  tiên đi làm thì Ông chủ nhà  chở ra giới thiệu  với chủ nhà hàng, mình chả biết họ nói gì, nhưng  Ông chủ nhà hàng  cứ gật đầu  coi bộ ưng ý. Tối về nghe nói lại là  "Tôi giới thiệu chị  cùng gia đình  sang đây tị nạn CS,  Ông chủ nhà hàng người tàu Đài Loan nên cũng  sợ CS, tôi nói chị cũng có nhà hàng ở VN  nên Ông có vẻ nể chị lắm, Ổng nghĩ là chị biết  mọi thứ trong nhà hàng, chỉ sợ tiếng Anh còn  dở thôi, nhưng  ông ấy nói sẽ  huấn luyện cho chị."

Nhà hàng buổi trưa thì bán  Buffet, nên  mình chỉ  thay mấy cái khay  đồ ăn trên quầy,  rồi để ý lau bàn, lau ghế dọn chỗ khi khách đứng dậy, cứ ấm ớ... Thankyou, goodbye, chào khách về...you have nice day , hoặc khi khách nói Thankyou, thì phải nói lại you' re welcome....,  rắc rối quá, ở VN  mình đâu có quá lịch sự như vậy,  à quên đây là nước Mỹ mà..

Sợ nhất là buổi tối, khách  tới ăn,  mình chưa lấy order  được vì trở ngại tiếng Anh. Lương  bắt đầu là 150 đô một tuần ,  làm  6 ngày, mỗi ngày 10 tiếng,  Ông chủ nói, nếu mình lấy được  order,  ổng  sẽ  trả thêm mình 100 đô/ 1 tuần. Bạn thử tưởng tượng  ở VN mới sang,  vốn tiếng Anh đã  ít, mà sau 22 năm  ở với VC, lo chạy ăn bở hơi còn đói lên đói xuống, còn thời giờ đâu  mà học tiếng Anh,  mà cũng  đâu nghĩ  rằng có ngày mình  được đi Mỹ  mà học tiếng Anh, vì vậy được trả  lương như vậy  thì đúng  là có nằm mơ cũng không  thấy.

Ông Tàu già nầy tốt bụng vô cùng, mỗi buổi trưa  vắng khách  Ổng  cứ kêu mình tới quầy để học  cái menu. Ông đọc trước biểu mình đọc sau, rồi kêu mình xuống bếp chỉ tên từng món.  Vùng nầy ở miền Đông  HK, năm 1994 tuyết  nhiều lắm, tuyết cao tới thắt lưng,ban ngày  buổi sáng  đi làm, mình lấy bịch nylon  bịt  chân lại, cột tới mắt cá, rồi mang vớ  cao vào, mặc quần ấm ở trong, quần Jean  ở ngoài, áo thì  độn 2, 3 lớp, thêm cái áo Jacket dầy. Đầu thì  bịt  cái mũ ni mua ở VN, có  2 dây cột  quấn cổ, mình quấn ngang mũi, và cột  lại sau gáy, xong  xuôi thì đi bộ  ra nhà hàng. Nói là đầu ngõ, chứ đi  bộ cả giờ mới tới. Khi đi phải đạp lên tuyết xốp mà đi, chứ giẫm lên tuyết láng là bị "chơi  một đường lã lướt" liền.
Buổi tối  về thì  Ông Chủ  lái  xe van  cũ chở  2 đầu bếp, một  tài xế delivery  đồ ăn  và mình  chất lên  xe, chạy  quanh co  trên đường tuyết, lúc xuống dốc,  khi lên đồi, Ổng kềm chặt tay lái,  có hôm thầy trò tưởng chừng bay xuống  ruộng bắp.

Khoảng chừng 3 tháng, một hôm cuối tuần lúc phát lương  mình nói với Ổng, "Tôi lấy được  order  rồi, Ông  lên lương tôi chứ!" Tội nghiệp  ông già, Ổng nói gì đó một hơi  mình chả hiểu  rồi móc túi  đưa thêm  100,  khoảng 2 tuần sau thì  nhờ người thông dịch  mới biết là  ổng nói nhà hàng ế quá, ổng  lại già rồi, con ổng  biểu bán đi để về hưu, còn vài tuần nữa thì nhà hàng sang cho người khác rồi.

Thế là  cũng tới ngày phải  ở nhà. Thời gian nầy  ông xã  mình  có đến  Đại Học Cộng Đồng để học ESL. Tụi nầy cũng đưọc một Ông HO tốt bụng  ở chung nhà dạy lái xe nên đậu và đã mua được  chiếc  xe cũ.

Nghỉ ở nhà được 2 hôm,  thì có người  cùng  xóm  chỉ cho một gia đình  VN  có con nhỏ mới đẻ một tháng đến nhờ mình tới nhà babysit, cho ăn, tắm rửa  em bé  rồi canh cho nó ngủ. Mình chờ những lúc bé ngủ thì đọc báo hay xem  phim  gì đó, sợ bé thức nên vặn nhỏ TV,  riết thành thói quen, xem TV chỉ xem hình, vì sợ tiếng động  làm bé thức. Chính vì điều nầy làm  mẹ cháu lo, sao mà ban đêm cháu không chịu ngủ, cứ bò lên bò xuống. Mẹ cháu bế cháu đi Bác  sỹ  khám thì BS cho biết cháu chả bịnh gì cả, thằng nhỏ bú sữa Mỹ, nên mạnh như thần, chả hề thấy bệnh, hì hì,  Bố mẹ thắc mắc sao nó không chịu ngủ , mà vẫn mạnh cùi cụi thế kia.

Mình  giữ em bé nầy  đến 4 giờ chiều  thì  lái xe  khoảng 8 mile  để đến nhà  một gia đình Mỹ, chở 2 đứa nhỏ: đứa  trai 9 tuổi, đứa gái 10 tuổi, đứa trai thì đi Boyscott, đứa gái  học  múa  bale. Ngày nào  sau giờ học  cũng phải chở 2 đứa nầy, bữa thì học guitar, bữa thì học vẽ... học gì mà đủ thứ.  có bữa lái vòng vòng chở đi đầu nầy đầu nọ, về nhà xem lại số mile, có hôm khoảng 30 mile. 

Bà chủ nhà nầy  là Trưởng học khu, họp hành liên miên, ông chủ là Bác  sỹ làm nhà thương trực buổi tối, nên coi như  buổi chiều là mình tới "thầu" luôn,  chở  2 đứa  đi học. Sau khi bỏ tụi nhỏ ở trường, rồi trở về nhà đó  làm  đồ ăn,.quét dọn, chùi rửa....clean nhà, clean cửa, ở VN  lúc xưa gọi là làm đầy tớ, bây giờ gọi là Osin,  ở Mỹ có từ hoa mỹ hơn, gọi  là Housekeeper, chung quy là đi ở đợ.

Bà  chủ nầy người Ireland, nghe nói dân nước nầy hà tiện lắm,  bả sang Mỹ mấy đời rồi mà còn  cái gốc hà tiện,  khi họp đồng miệng lúc nhận việc là 5 đô/1 giờ cộng với tiền  xăng,  thì tuần đầu Bả trả  tiền  xăng  khoảng 5 đô cho cả tuần, lúc ấy  con bả học thêm  ít, nhưng từ tuần thứ nhì trở đi  thì bả lấy thêm giờ cho con bà ấy học  thêm nữa, nên chở đi nhiều hơn. Vậy mà có tuần trả 5 đô, có tuần không. Tính người Việt mình tự trọng không mè nheo đòi hỏi, Bả lại càng lấn tới, có hôm  mới tới làm chỉ 1 giờ,  cuộc  họp  ở sở bả bị cancel , thì từ sở bả gọi điện về, bảo về đi.

Thành thử, lái đi, lái về, tất cả 16 mile,  khoảng 25 cây số, làm chỉ 1 giờ được  5 đôla thì  bị kêu về đi.Con gái bả mới 10 tuổi nghe Mẹ kêu điện thoại về, lúc mình sửa soạn ra xe, tiễn mình, nó còn dùng 4 ngón tay úp lại trong lồng bàn tay, rồi chĩa ngón cái lên, dấu hiệu là "bà chịu về tốt quá..hết xẩy "  
Sau nầy, về bàn lại với ông xã, bắt bả phải chịu  trả ít nhứt 3 giờ  mỗi tối, từ thứ hai đến thứ  sáu, lễ thì con bả nghỉ, mình cũng nghỉ.

Ngày thứ bảy và chủ nhật  thì mình lái xe tới tiệm  dunkin donut  đứng bán  bánh, loại bánh tròn, vị ngọt  mà người Mỹ hay đến mua  ăn sáng và uống cà phê, đôi khi cuối tuần cũng có vài nhà nhờ mình tới nhà coi con để vợ chồng họ rảnh  rỗi đi chơi với nhau.
 Nhà bà Mỹ mình làm ở trên núi,  lúc  quẹo xe ra lái độ 3 mile thì  ra tới ngã tư. Ngã tư nầy phải nói là ngã tư  "tử thần" vì không có đèn đỏ, đường ngang trước mặt thì  đông đảo, xe cộ nối đuôi nhau, nhưng chỉ đông có  một lane bên về núi, còn lane  xuống núi thì vắng ngắt, mình về nhà  phải lái trên lane xuống núi. 

Một bữa kia, sau giờ babysit, lúc ngừng  để chờ quẹo trái chạy xuống  núi,    các xe ngừng lại cho mình quẹo, khi quẹo  được rồi thì bỗng đâu... khịt... khịt...pựt pựt...pựt...... Trời hỡi, xe hình như chết máy! Tình huống nầy từ hồi cha sanh mẹ đẻ chưa biết, nên không biết làm sao đây. Mình đem hết sức  đạp thắng,  nhưng nó cứ bon bon  không chịu dừng lại, nhìn kim đồng hồ thì  từ 50  vọt lên....vọt lên mãi. Vì xe đang  xuống núi mà ! Sau nầy  biết  ra nó  hư  bugy,  xe hiệu Buick, đời 82, xe tự động, nên khi máy  không nổ, thì thắng không hoạt động.  Mình liền nghĩ " Thôi  rồi  mạng mình đến đây là chấm dứt! "

Nhìn kim đồng hồ tốc độ,  thấy số  75,  may là  xe cộ  đổ xô lên núi (nhà giàu thường lên núi ở), phía bên mình là chạy xuống  đồng bằng, nơi có nhiều hãng xưởng, giờ nầy  ít xe đổ xuống. Trước mặt  không có xe nào, cũng chưa tới đèn  xanh  đèn đỏ. Bây giờ làm  sao đây ?  Nếu liều mạng  kéo cần số về chữ P, rủi  xe  nó lộn tùng phèo thì cũng chết, mà  lủi  đại vô hàng  cây bên đường cũng chết, bên đường lại là thung lũng. Miệng mình lâm râm niệm  Phật, mà đầu thì  suy nghĩ  lung tung. Thôi thì đàng nào cũng chết,  mở mắt  để thấy  đường quẹo cua, tay thì giử vô-lăng  cho chặt.  Kim đồng hồ  từ 80  lùi  lại 70... lùi từ từ mãi. Thì  ra  xe đã xuống đồng bằng, nên tự  nó giảm tốc độ.  Vừa tới đèn xanh đèn đỏ  thì mình  quẹo vào lề, và  rồi  không thắng  mà nó ngừng lại. 

Trời xui đất khiến, Ông  Bà phù hộ, phật Bà phổ độ, nên mình đã không có những hành động vội vàng mà không biết hậu quả thế nào. Nếu ở VN thì đã cạo đầu  ăn chay vì vừa thoát chết trong đường tơ kẻ tóc. Ở Mỹ  thì  sợ người ta tưởng mình  làm  ki-mô  vì bị  cancer, không ai dám mướn  làm  thì lại khổ..
Tuần ấy, mình  cho Ông  Bà  Bác  sỹ ấy biết tin dữ, và... không trở lại "con đường  tử thần" ấy nữa.

Ông Xã mình vẫn còn học ESL, mỗi khóa học  kéo dài  3 tháng,  lúc nầy  anh ấy vẫn còn ESL. Vào giờ con đi học thì ảnh delivery ở tiệm bán hoa,  rồi về chờ con đi học về, tối mình về thì làm ca đêm ở Hãng gần nhà, 
Trong cái rủi có cái may,  ngày  mà mình  suýt bị  lộn xe xuống núi, cũng  khoảng  thời gian ấy,  cô  bán  bánh full time ở tiệm  Donut  xin nghĩ việc, vì có Job khác khá hơn. Ông chủ tiệm đề nghị  mình làm  fulltime  thế chỗ cô ấy. Còn gì bằng ! Thế là mình trụ trì  cả ngày ở  tiệm bánh, mỗi ngày tiếp  xúc bao nhiêu là khách Mỹ.  Ban đầu ấm ớ, riết rồi  nghe,  nói mãi cũng thông, trước khi  đi Mỹ, sau khi đến Mỹ  mình chả qua trường lớp ESL nào. Tthánh nhân đãi kẻ khù khờ, rồi thì  việc nào cũng xong cả.

Công việc của mình là đứng bán hàng từ  10 giờ sáng  đến  10 giờ đêm, nghỉ ngày Chúa nhật. Bán  đủ thứ bánh  trên quầy,  thường thường  khoảng 8 giờ đêm  thì  hai đứa  làm bánh  sẽ  đến, mình phụ  đem bánh mới bỏ lên  kệ và đổ bánh cũ. Có hôm đứng  sau quầy chờ mãi mà  không thấy  tụi ấy tới, trời mùa  đông lạnh thấu xương, mặc  3, 4 áo  vẫn lạnh vì hệ thống heat  cũ, xưa, nên  máy heat vẫn chạy  mà lạnh thì vẫn lạnh, lại thêm  cái lỗ dột  to tổ bố trên trần  mà ông chủ  lại không muốn  sửa vì tốn tiền nhiều quá.

 Một tối nọ, tuyết rơi đầy đường,  mình đứng  chỗ quầy để cân  cà  phê, bỏ vào từng túi, mỗi túi 1 pound để mai bán lẻ cho  khách , lúc nhìn ra đường thì xe cộ vắng ngắt. Điệu nầy  hai  đứa thợ không biết  có tới  được hay không, vì từ nhà  tụi ấy lái đến tiệm cỡ 50 mile  mà đường trơn như vầy lái rất ư là nguy hiểm 

Đúng lúc ấy, đằng trước  tiệm  đỗ xịch một chiếc xe  màu tối thui, trên xe bước xuống ba anhMỹ đen. Tụi nó vào,  đứa thì mua cái bánh, đứa thì hỏi  mượn quẹt  diêm,  đứa thì vào cầu tiêu xin đi tiểu..rồi hỏi đường xá lung tung. À, mình phải nói thêm  là trong tiệm có cái  casset, tụi thợ mỗi lần tới  hay mở radio nghe để đỡ buồn ngủ trong lúc làm bánh, còn mình  thì  có thu âm các tiếng động như  tiếng chày đập bột, tiếng người nói chuyện, để  khi đứng một mình trong đêm ở tiệm  thì mở lên, giống như có người   ở bên trong  đang làm bột và đang nói chuyện 

Ngừa  thì chỉ ngừa vậy thôi, chứ  kẻ gian muốn giết mình để lấy tiền , thì có ngừa gì  thì nó cũng giết. May mắn  hôm đó không có gì xẫy  ra cho mình, nhưng khi 3 đứa đi rồi thì mất  4 bịch cà phê, và hủ tiền  khách  donation cho  "chó mèo " biến mất. Hú hồn hú vía ! Lại phải tin là có Ông Bà Trời Phật gì đỡ cho mình, nên xui khiến chúng nó không giỡ trò gì, chứ thường những  buổi tối như vầy là tụi  cướp nó  đi quầng kiếm chỗ làm ăn đấy !

Ông  chủ tiệm bánh nầy đã làm  10 năm rồi, cực quá,  con còn nhỏ, không có thì giờ lo cho con, khi thợ làm bánh nghỉ Ông phải ra làm thế,  cơ sở vật chất thì hư hỏng quá nhiều, hơn nữa quy định mới  của Franchise là tất cả các tiệm cũ trên 10 năm phải  Remodel theo  kiểu mới, nếu tiếp tục. Ông phải bỏ ra cỡ  200 ngàn đô  sửa chửa,  thôi thì ông bán quách đi cho xong.
Và Ông bán thiệt, ngày  tiệm  đóng cửa, mọi người bùi ngùi, từ nay vĩnh biệt cái  tiệm Donut  đầy  "thân thương "

Hôm  cuối cùng chia tay, còn tuần  lễ nữa là đến ngày  Lễ  Ma,  tối ấy mình chở 2 con vào Mall xin kẹo, mà lòng buồn rười rượi. Đang dắt 2 con đi vòng vòng  thì  ba mẹ con dừng trước một tiệm bán  đồ ăn  Tàu dạng Fastfood, họ cho nhân viên ra  phát kẹo, nhìn bên góc tiệm  họ đề bảng "Help wanted", thằng nhỏ nhà mình nhanh nhẹn nói  “Mẹ ơi họ cần người". "À, con xin cho Mẹ  đi".

Thế là  nó vào  nói  với ông chủ tiệm,  năm ấy  nó khoảng  7 tuổi, thằng kia  9 tuổi,  2 đứa vào cùng deal với chủ tiệm, lương bổng, giờ làm việc... Ông chủ OK liền, ngày mai  bắt đầu vào làm, vì   thời gian nầy là những ngày Lễ cuối năm, khách vào Mall mua  sắm, rồi tạt vào ăn uống  nên tiệm  rất cần người. Không dè ba mẹ con đi chơi  mà hai nhóc  kiếm được việc làm cho Mẹ.

Năm ấy, qua Mỹ đã được ba năm, ông xã mình vẫn đi làm hãng buổi tối ca ba ,   Tuổi mình  lúc ấy đã 45, đứng bán hàng từ 10 giờ sáng đến 10 giờ tối, lúc ra khỏi cửa Mall thì chân tay  dỡ lên muốn hết nổi, trưa thì nghĩ ăn cơm chỉ 15 phút, trong tiệm thì toàn người Tàu, nói tiếng Tàu chí chóe, tụi ấy kể lại câu chuyện Đặng tiểu Bình  đã dạy  Cộng sản Việt Nam một bài học, nó đánh  VC nhừ tử, tụi nó  đánh tới đâu chiếm đất tới đó.....,....hoặc  chỉ cần 200 đô là lấy được gái VN. ........

Mình biết qua lời  kể lại của  con  Tàu bán  hàng với mình,  lúc vào trong lấy đồ ăn để đổi khay mới, tụi bếp người Tàu nhìn  mình  rồi cười hô hố,  thằng Tàu con  nhỏ hơn mình vài tuổi  nói  tiếng  Anh  "You look good", tức quá mình chỉ xuống  " háng " ( sorry ), nói tiếng Anh  " Hey ! Tao đẻ mầy ra còn được"  làm tụi bếp Tàu tái mặt, không dám chọc nữa, mình còn méc ông chủ  đám  thợ Cook và thằng bán hàng Tàu mất dạy, làm Ông chủ la chói lói, đám Tàu câm hết.

Nhưng cứ đứng thế nầy mãi, vài ba năm nữa còn đứng nỗi hay không" Con càng lúc càng lớn, nhu cầu càng nhiều, biết làm gì nữa bây giờ" 

Một bữa nọ, một  cô cũng  sồn sồn, nói tiếng Anh nhuyển lắm,  order đồ ăn. Mình không  muốn nhìn  là người  VN, vì thói thường người đến Mỹ trước xem thường người đến sau, xem người đến sau  như nghèo khổ ngu dốt  hơn mình, nên chả bao giờ mình nhìn trước  là người VN với nhau. Cô ấy tới  order  đồ ăn vài ba lần, một hôm tự nhiên cổ hỏi  "Chị có phải là người VN không", đến chừng ấy mình cười tươi như hoa và nói đúng rồi! Từ  ấy trở đi mỗi lần đến thì cô ấy và mình hỏi thăm thêm đôi chút, được biết , cô sang Mỹ năm 75, hiện là kỹ sư, nhưng  cô ấy cũng là chủ một tiệm Nail  gần đó. Một hôm  cổ hỏi "Sao chị không đi học Nail đi, nghề  ấy  vừa có lương  vừa có  tip , nếu chị thích em chỉ trường chị học,  rồi về làm với  em, bảo đảm lương cao hơn đây."

Tối ấy về nhà bàn với Ông Xã, thì  Anh ấy trả lời  "Đúng vậy chứ sao, ở Mỹ nầy  một thời gian   mình thấy :thứ nhất là đàn bà, thứ nhì  là con nít, thứ ba là chó mèo, thứ tư mới là  đàn ông, vậy  em nên nhín thời giờ đi học lấy bằng Nail đi, có tương lai hơn là đứng mãi như thế!  " (Ảnh cũng có ý định  học  nurse về  thú vật, nhưng ảnh xin làm được ở hãng  có đầy đủ  benefit vào ban ngày, nên  bỏ ý định đó ) ảnh phải  đi làm kiếm thêm tiền, chứ nếu đi học nurse cũng phải mất 2 năm, sau nầy cũng hơi tiếc nhưng chuyện đã qua rồi.
Thế là mình nghe lời, vẫn làm  ở đây, vẫn đứng bán fastfood, nhưng  cứ 4 giờ chiều thì  xin  ông chủ  đi học ESL (chứ  không nói  học Nail),  vì mình  muốn giữ job nầy cho đến khi lấy được bằng Nail. 
Mỗi chiều mình lái xe gần 2 giờ đồng hồ để đi đến trường dạy  Nail, học 3 tiếng, rồi  lại lái  về  2 giờ nữa, vì đường đi lúc nào  cũng bị kẹt xe. Có những lúc buồn ngủ quá phải ngừng xe bên đường để ngủ, xong thức  dậy  chạy tiếp.
Nếu học  fulltime thì chỉ  một tháng là xong, nhưng mình phải mất 6 tháng mới xong, vì "cơm áo gạo tiền, nặng  gánh  đôi vai "  về nhà còn lo cơm nước cho chồng con nữa.

Sau những thăng trầm trong nghề  Nail, mình  leo lên  "làm chủ" gần 16  năm nay,  giấc mộng có job ngồi đã thành. Sau vài năm làm chủ mình mua được nhà, chạy được  xe mới, không còn lo sợ  xe chết máy dọc đường, hai con  thì  đã xong  Đại học. Mỗi lần vui vẻ, mình và các con cứ kể chuyện  “Con  xin  Job cho Mẹ"  ôi  sao vui ơi là vui.
Quá khuya rồi bạn, thôi ngủ đi chứ !

Phan Ngoc Vinh 

Tuesday, September 27, 2016

Bún Bò Xào, Món Ăn Ngon, Hấp Dẫn, Dễ Làm


Ngày nào cũng ăn cơm thế nào cũng ngán, vả lại nấu riết không biết nấu món gì trở bữa. Vì vậy hôm nay bà bếp đổi goût cho ăn bún, bún bò xào, rất đơn giản, dễ chế biến mà tin chắc cả nhà sẽ rất khoái khẩu.

Vật liệu :
- 1 kg thịt bò (mua chỗ thịt mềm) xắt mỏng. 
- 200 grs sả bằm
- 5 tép tỏi bằm nhuyễn
- 2 củ hành tây xắt múi
- Rau thơm, xà lách, dưa leo xắt nhỏ trộn chung làm rau ghém
- 100 grs đậu phọng rang giã nhỏ
- Nước mắm chua ngọt 
- Dầu ăn 
- Muối - Đường - Nước mắm 
- 2 gói bún khô 

Cách làm :
Ướp thịt bò với sả, tỏi, 1 muỗng cà phê muối, 3 muỗng cà phê đường, 1 muỗng canh nước mắm, 4 muỗng canh dầu ăn (dầu nhiều cho thịt mềm và đỡ khô). Khi gần ăn, bắc chảo lên bếp, đảo sơ củ hành, xúc ra dĩa để đó. Xào thịt bò với lửa lớn, nếu thấy khô quá thì cho thêm vài muỗng dầu, khi thịt gần chín, nêm nếm lại cho vừa ăn rồi trút hết củ hành vào hòa chung với thịt. Tắt lò ngay đừng để củ hành mềm ra nước ăn không ngon.
   

Thịt ướp sả

Bò xào sả, củ hành

Rau ghém

Khi ăn, bắc bún vô tô, xúc thịt từ dưới đáy dĩa vừa có dầu vừa có củ hành cho vào tô bún, để thêm rau ghém, đậu phọng rang lên mặt, chan nước mắm ớt chua ngọt, trộn đều. Bảo đảm ăn no vẫn còn muốn ăn thêm tô nữa.



Bon appétit! 

  Người Phương Nam

Bạn Bè Còn Đây - Đỗ Công Luận

Quá Đúng!

Càng Nói Càng... Dốt - Bùi Bảo Trúc


Hồi học tiểu học ở Hà Nội tôi có một người bạn ngồi cạnh bị cụ giáo dạy chúng tôi ở lớp Nhì ghét thậm tệ. 

Trong suốt mấy tháng đầu của niên học, người hàng xóm của tôi bị ăn bao nhiêu là roi mây, cho đến khi bạn tôi bỏ hẳn cái thói quen thay tất cả “ph” bằng “f,” thói quen không biết chàng học ở đâu, có thể là chàng mang từ hậu phương về Hà Nội không chừng. Tôi chắc chàng học của bác Hồ của chàng, vì bác là người đã nghĩ ra cái lối viết mà thầy giáo của chúng tôi rất ghét đó.

Nhiều năm sau, trong bản di chúc anh già này viết để lại cho đàn em với ghi chú “tuyệt đối bí mật,” ai cũng đọc thấy tận mắt lối viết ấy.
Ngay ở đầu, là hai hàng chữ “Việt nam zân chủ cộng hòa độc lập, tự zo, hạnh fúc,” rồi trong suốt 7 trang di chúc viết tay đó, là những lối viết quái đản gọi là cải cách đó.

Cách viết đó hình như về sau cũng không có được bao nhiêu người bắt chước làm theo. Người ta không thấy (mấy) ai dùng “f” thay cho “ph,” dùng “k” thay cho “c.” Nhưng mới đây, lối viết ngớ ngẩn đó lại được thấy trong một tấm bằng do một trường bách khoa cấp cho các học viên tốt nghiệp. Trong tấm bằng này, trường đã ghi môn học của học viên là “Major in Farmacy Technician.”
Có tới hai lỗi trong hang chữ vừa dẫn ở trên.

Thứ nhất là danh từ “Pharmacy” bị viết sai là “Farmacy” với “f.” Không thể thay “Ph” bằng “f” được. Tiếng Anh cũng không được, mà tiếng Pháp cũng không được. Khi cái lỗi này được báo chí nêu ra, thì một anh cóc nhái của trường giải thích rằng đó là cách viết tắt nên không có gì là sai cả.
Nói vậy là nói láo, là dốt mà là cãi chầy cãi cối. Nếu viết tắt (abbreviate hay shorten) thì Pharmacy phải viết là “Pharm.” Không bao giờ là “Farmacy” cả.

Lỗi thứ hai là chữ “technician.” “Technician” là chuyên viên kỹ thuật, là kỹ thuật viên. Môn học là “technology.” “Technician” là người nghiên cứu hay theo học môn “technology.” Không thể có môn học “technician” bao giờ.
Những sai sót như thế không phải là ít. Trên một số văn bằng cấp cho các sinh viên người ta thấy rất nhiều những lỗi rất sơ đẳng như vậy. Cả những chữ giản dị như tên tháng ghi “July” thành “Yuly”; “Hiệu Trưởng” ghi là “Hệu Trưởng”; “Information” thành “Infomation” (thiếu chữ “r”; “very” thành “verry” thừa chữ “r”…
T
hí dụ văn bằng Bachelor of Engineer do trường Đại Học Kiến Trúc cấp chẳng hạn. Không bao giờ có thứ bằng cấp này cả. Nếu đó là bằng kỹ sư thì phải ghi là Bachelor of ENGINEERING. Không bao giờ là Bachelor of ENGINEER . Danh từ ENGINEERING là môn (học) kỹ sư trong khi ENGINEER là (người) kỹ sư. Học thì học môn ENGINEERING. Không ai học ENGINEER cả.

Những sai sót như thế là những sai sót không thể chấp nhận được khi nó xuất hiện trên những văn kiện của những cơ sở cao cấp trong lãnh vực giáo dục. Các sinh viên, học viên tốt nghiệp của các trường đó khi xuất trình các văn bằng do các cơ sở cấp phát chắc chắn sẽ gặp phải những thái độ nghi ngờ về khả năng của họ, và cơ hội được tuyển dụng chắc chắn cũng giảm đi không ít. Một cơ sở giáo dục cao cấp mà để lại những sai sót ngu xuẩn như thế thì trình độ của những người được các cơ sở đó đào tạo như thế nào thì người ta không cần phải tìm hiểu lâu la gì cũng biết.
Vậy thì cách hay nhất là đừng xuất trình những thứ bằng cấp như thế làm gì. Cứ khai phứa phựa là có bằng nọ bằng kia là đủ. Như trường hợp của tên y tá chích đít nọ rồi cũng làm tới chức thủ tướng mà không ai biết nó học ở đâu mà vẫn nhận là có bằng cử nhân luật vậy.

Đúng là “nói láo mà chơi, nghe láo chơi” như câu thơ của Bồ Tùng Linh vậy.

Bùi Bảo Trúc