Sunday, March 31, 2019

Thân Tâm An Lạc - Đỗ Công Luận

Đàn Ông Ngốc & Đàn Ông Thông Minh


Đàn ông thông minh và đàn ông ngốc khác nhau thế nào?
Quen và kết hôn với một người đàn ông thông minh là mơ ước của mọi cô gái. Thế nhưng, rất nhiều cô đã bị lừa, sống chung rồi mới phát hiện ra chàng ta ngốc. Để giúp các thiếu nữ đề phòng thảm họa này, xin thống kê ra vài đặc điểm phân biệt:
1. Đàn ông thông minh thường không chọn phụ nữ thông minh. Vì vậy, nếu bạn có bằng cấp cao, bạn phải đề phòng những anh chàng tới chỗ mình.
2. Đàn ông ngốc hay khen bạn đẹp. Đàn ông thông minh hay khen bạn đáng yêu.
3. Đàn ông ngốc dẫn bạn gái về thăm cha mẹ. Đàn ông thông minh dẫn đi chơi.
4. Đi ăn tiệm, đàn ông ngốc hỏi bạn: “Có ngon miệng không?” Đàn ông thông minh hỏi bạn: “Có vui không?”
5. Đàn ông ngốc hay kể về thời đi học. Đàn ông thông minh hay kể về những thời bỏ học.
6. Đàn ông ngốc hay khoe những thứ sắp mua. Đàn ông thông minh hay khoe những thứ không mua.
7. Đàn ông ngốc hay hỏi bạn đi với ai. Đàn ông thông minh chỉ hỏi bạn đi đâu.
8. Đàn ông ngốc hứa yêu bạn suốt đời. Đàn ông thông minh hứa lo cho bạn suốt đời.
9. Đàn ông ngốc cái gì cũng biết. Đàn ông thông minh chỉ biết những thứ không liên quan tới mình.
10. Đàn ông ngốc hay nhớ. Đàn ông thông minh hay quên.
11. Xem thi hoa hậu, đàn ông ngốc xem tới cùng. Đàn ông thông minh xem xong phần áo tắm là thôi.
12. Đàn ông ngốc ăn nhiều. Đàn ông thông minh ăn ít. Đàn ông cực kỳ thông minh chả biết mình ăn gì.
13. Đàn ông ngốc thích nhìn bạn làm. Đàn ông thông minh thích nhìn bạn chơi.
12. Đàn ông ngốc dẫn bạn vào hiệu sách. Đàn ông thông minh dẫn bạn vào rừng.
15. Đàn ông ngốc thích phim tình cảm. Đàn ông thông minh thích phim hình sự.
16. Đàn ông ngốc treo bằng cấp trên tường. Đàn ông thông minh để nó dưới gầm giường.
17. Khi bạn ra khỏi nhà, đàn ông ngốc hỏi: “Bao giờ về?” Đàn ông thông minh hỏi: “Bao giờ em đi nữa?”
18. Khi bạn có áo mới, đàn ông ngốc hỏi: “Mua bao nhiêu tiền?” Còn đàn ông thông minh hỏi: “Chọn trong bao nhiêu giờ?”
19. Thấy một cô gái đẹp đi ngang, đàn ông ngốc nhìn và khen đẹp. Đàn ông thông minh cũng nhìn và không nói gì. Nếu vợ hỏi thì bảo: “Cô ta xấu”.
20. Đàn ông ngốc hay khoe cha mẹ hiền. Đàn ông thông minh khoe cha mẹ cho mình tự do.
21. Đàn ông ngốc hay ăn mặc đẹp. Đàn ông thông minh hay ăn mặc kỳ quái.
22. Đàn ông ngốc hay bán hớ. Đàn ông thông minh hay mua hớ.
23. Đàn ông ngốc tắm nhiều. Đàn ông thông minh gội đầu nhiều.
24. Đàn ông ngốc đến nhanh. Đàn ông thông minh về nhanh.
25. Đàn ông ngốc đọc những gì báo đăng. Đàn ông thông minh đọc những gì báo không đăng.
26. Đàn ông ngốc lái xe hơi. Đàn ông thông minh thuê tài xế.
27. Đàn ông ngốc hay béo. Đàn ông thông minh hay gầy.
28. Đàn ông ngốc hay tập thể thao. Đàn ông thông minh hay cười chuyện đó.
29. Sau khi ly dị, đàn ông ngốc nói xấu vợ. Đàn ông thông minh nói xấu mình.
30. Về nhà vợ, đàn ông ngốc tỏ ra sắc sảo. Đàn ông thông minh tỏ ra hiền lành.
31. Đàn ông ngốc hay uống rượu. Đàn ông thông minh hay ăn kem.
32. Đàn ông ngốc hay nghe nhạc một mình. Đàn ông thông minh chỉ nghe nhạc khi có cô gái ngồi bên cạnh.
33. Đàn ông ngốc sợ vợ đẹp. Đàn ông thông minh sợ vợ ngoan.
34. Đàn ông ngốc nhiều người yêu. Đàn ông thông minh nhiều người ghét.
35. Đàn ông ngốc sợ cô đơn. Đàn ông thông minh sợ chỗ đông người.
36. Đàn ông ngốc hay ăn con gì mình nuôi. Đàn ông thông minh ăn con gì đứa khác nuôi.
37. Đàn ông ngốc gọi vợ là “bà xã”. Đàn ông thông minh gọi là “em”.
38. Đàn ông ngốc yêu nhiều. Đàn ông thông minh ly dị nhiều.
39. Đàn ông ngốc sợ mình già. Đàn ông thông minh sợ đứa khác già.
40. Đàn ông ngốc luôn tỏ ra thông minh. Đàn ông thông minh luôn tỏ ra ngốc.
Sưu tầm

Cuộc Đời Ngắn Ngủi - Trầm Vân

"Thà Ta Phụ Người Hơn Để Người Phụ Ta" - Chu Tất Tiến


Có hai câu chuyện để suy nghĩ:

Chuyện thứ nhất: Ngày xưa, có một làng kia đang sống yên lành thì một bầy hổ dữ từ đâu kéo đến ăn thịt người hằng đêm. Dân làng bầy mưu chống lại nhưng vì bầy hổ đông quá, càng ngày càng nhiều người chết nên mới chạy sang làng bên, cầu cứu. Dân làng bên mới đầu cũng giúp hăng lắm, sau thì thấy dân mình cũng chết, nên chán nản, bỏ đi. Bầy hổ kia thấy thế càng hung tợn, làm cho một nửa số dân phải bỏ làng chạy sang làng bên, trú ngụ. Trong đám hổ dữ, có một con hổ con, hiểu được tiếng người, thấy gia đình hổ tham lam quá, bèn đứng giữa đường, can gián. Bầy hổ dữ kia thấy bị chặn đường, bèn xúm vào cắn hổ con gần đứt lìa chân. Hổ con buồn bã, lết sang làng bên, tưởng được trị thương. Đâu ngờ, dân làng cũ thấy hổ con bò vào làng, thì giật mình. Tuy biết là hổ con không cắn được mình, nhưng vì mối thù với cha mẹ hổ, nên kiếm đủ lý lẽ để hè nhau đập hổ con một trận thừa sống thiếu chết. Bầy hổ dữ ở nhà nghe tin hổ con bị đập, bèn cười lớn: “Đáng đời mi! Ai bảo dám chống lại ta, thì đi đâu cũng chết.”

Chuyện thứ hai: Trần Cung, tự Công Đài là một mưu sĩ thời Đông Hán. Khi làm huyện lệnh, ông đã cứu mạng Tào Tháo từ nhà giam, và đi theo Tào Tháo để làm chuyện lớn. Dọc đường, hai người vào nhà một người bác của Tào Tháo đối đãi rất hậu, và sai người làm thịt con heo để đãi Tào Tháo, nhưng vì bản tính đa nghi nên khi nghe người nhà ở phía sau nói “Trói vào rồi mới giết!”, Tào vội vàng rút kiếm ra đâm chết hết. Đến khi nhận ra là người nhà chỉ định giết heo thôi, thì Tào sợ, kéo Trần Cung chạy. Ra đến đường, gặp ông bác đi mua rượu về, Tào làm bộ đến chào rồi rút dao giết chết luôn. Trần Cung hoảng hốt hỏi tại sao lại giết ông ta, Tào nói: “Thà ta phụ người còn hơn để người phụ ta!” để giải thích rằng nếu để ông bác sống, ông sẽ đi thưa và mình sẽ bị bắt. Trần Cung từ đó chán nản, bỏ Tào Tháo và sau này giúp Lữ Bố đánh Tào Tháo.

Tháng 11 năm 2014, Nhà Báo Tự Do Điếu Cầy được Mỹ đưa từ nhà giam sang thẳng Hoa Kỳ. Điếu Cầy, một người can đảm, đã chấp nhận bỏ hết quá khứ, gia đình, vợ con, tài sản, tiện nghi để đứng lên chống lại Việt Cộng bán nước cho Tầu Cộng và đã bị Việt Cộng giam giữ bằng 2 bản án cực kỳ bất công. Nhưng Điếu Cầy không sợ, dù sức khỏe yếu, đã tuyệt thực 2 lần, đòi hỏi Cộng Sản phải chấm dứt việc tra tấn tù nhân và phải tôn trọng nhân phẩm của tù nhân cũng như phải hủy bỏ bản án bất công dành cho ông. Trước áp lực quốc tế, và của cộng đồng hải ngoại, và qua sự trao đổi của Mỹ với Việt Cộng, Việt Cộng phải chấp nhận trả tự do cho ông tống ông sang xứ sở Tự Do.

Nhưng một điều mà Điếu Cầy không thể tiên đoán được là ngay sau hơn 6 năm tù liên tiếp, bị hành hạ hàng ngày, bị bưng bít thông tin, không hiểu được bất cứ chuyện gì xẩy ra bên ngoài nhà tù, rồi bay môt mạch hơn 20 tiếng đồng hồ (một tiện nghi mà chưa bao giờ Điếu Cầy được hưởng), đang bị ảnh hưởng xây xẩm của chuyến đi (Jet Lag), đầu óc lụ mụ, Điếu Cầy bị du vào một tình thế hoàn toàn bất công cho anh. Một người nào đó, nhét một lá cờ Việt Nam Cộng Hòa vào tay anh, khi anh đang trong tình trạng bất ổn định, cực kỳ xúc động, cả thể xác lẫn tinh thần đều lao đao, vào lúc mà tay phải của anh được nhiều bàn tay nắm lấy đưa ra xa, anh đã không biết đến việc một người khác đã lấy lá cờ ra khỏi tay anh. Đó là giây phút định mệnh đã kết thúc sự hoan hỷ của anh! Một người có tính thích chẻ sợi tóc làm tư, làm tám, (hay là tay sai của Cộng Sản nằm vùng?) hô hoán lên là Điếu Cầy TỪ CHỐI KHÔNG NHẬN CỜ VIỆT NAM CỘNG HÒA, rồi phân tích một cách bất công cho anh về sự liên hệ giữa Nhân Vật Điếu Cầy và Lá cờ Tổ Quốc, mặc dù anh chưa hề biết tiểu sử và giá trị của lá cờ đó bao giờ, cũng như anh không hề có ý định phủ nhận lá cờ đó. Điều hô hoán có dụng ý phá hoại này đã tạo được một phản ứng dây chuyền với một số người chống Cộng cực đoan và từ đó, “con châu chấu đá xe Cộng Sản” tên là Điếu Cầy đã bị dìm chết trong dư luận, hoàn toàn thích hợp với điều mong muốn của Cộng Sản Việt Nam là “không diệt được Điếu Cầy về thể xác thì mượn tay người khác, lấy đi tinh thần của anh, vô hiệu hóa mọi hoạt động của anh tại hải ngoại”. Một số người viết thư kêu gọi “tẩy chay Điếu Cầy”, không chấp nhận cho anh một chỗ đứng trong cộng đồng tị nạn. Vài người còn lục lọi lịch sử gián điệp để so sánh và biến anh thành kẻ thù của cộng đồng, thành môt “tên mang sứ mạng của Cộng Sản” sang Mỹ, với dự tính là “lãnh đạo Cộng đồng” dẫn dắt cộng đồng làm tay sai cho Cộng Sản. Sự “vô hiệu hóa Điếu Cầy” mà Cộng Sản mong muốn đã trở thành sự thực khi một nhân vật cộng đồng tại thủ đô Mỹ tuyên bố là “cộng đồng sẽ không gặp gỡ, không trao đổi, không đối thoại với Điếu Cầy!” Điều nguy hiểm nhất cho  cộng đồng tị nạn Cộng Sản là cộng đồng bị xé ra làm hai: bên bênh, bên chống, bên nào cũng lý luận, phân tích, tổng hợp đủ thứ chuyện để rồi tấn công lẫn nhau, náo loạn! Mới đầu thì còn sử dụng ngôn ngữ lịch sự, nhưng dần dần, hai bên dùng những lời lẽ khích bác nhau, đưa đến việc mạ lị nhau, dù cả hai bên đều chống Cộng, có nghĩa là cộng đồng chống Cộng giờ chống lẫn nhau.

So sánh chuyện Điếu Cầy với câu chuyện giả tưởng thứ nhất thấy không có gì khác biệt. Chuyện thứ hai là chuyện thực, xẩy ra tận bên Tầu, nhưng bây giờ tại cộng đồng Việt cũng chẳng khác là bao vì có những người muốn “thà ta phụ người trước, còn hơn để sau này, người phụ ta!” nghĩa là chấm dứt hậu hoạn ngay từ khi bắt đầu nghi ngờ, không cần chờ đợi một thời gian theo dõi nào hết.

Vậy, tóm lại, qua câu chuyện Điếu Cầy, người ta thấy kết quả như thế nào: cộng đồng chia ba (chống, bênh, thầm lặng), một “nạn nhân Cộng Sản” lại biến thành “nạn nhân cộng đồng”, dư luận người Việt trên toàn thế giới hoang mang, sự đoàn kết chống Cộng nứt rạn, không có hy vọng gì hàn gắn được, và như thế thì ước vọng ngày trở về quê hương “phục quốc” đã tan tành, trong khi đó thì Việt Cộng vỗ tay cười khoái trá! Tất cả những điều đã xẩy ra chỉ vì một người vô ý thức (hay là cố tình?) đã hô hoán lên một sự kiện không có thực, và bất công với một “anh hùng quên mình vì nước, vì dân” xẩy ra trong một cộng đồng có tính “quên chuyện lớn, nhớ chuyện nhỏ” và tính thích “đánh con dế đá trước mặt, mà quên con cọp sau lưng!”

Chuyện lớn là gì?
Thứ nhất: tất cả những người Việt di tản, (trừ những người đi vì kinh tế), đều phải kinh hoàng chạy trốn Cộng Sản bằng bất cứ giá nào, dù phải bỏ lại cha mẹ, vợ con, anh chị em, chấp nhận để trinh tiết của mình bị dầy vò bởi cướp biển, cũng như chấp nhận phải bỏ mạng trên biển hay trong đường mòn. Những người trẻ thì hát: “Con nuôi má hay con nuôi cá!”. Những người lớn tuổi, thuộc thế hệ từng phục vụ cho chế độ Cộng Hòa thì luôn tâm niệm: “phải quang phục quê hương!” Mà muốn “quang phục quê hương”, giành lại đất đai Tổ Tiên, thì những điều kiện tiên quyết là phải “Đoàn Kết, Thêm Bạn Bớt Thù, Lôi kéo được càng nhiều người theo Cộng Sản trở về với Chính Nghĩa Quốc Gia càng tốt, và hậu thuẫn cho Dân Oan vùng lên lật đổ chế độ.

Thứ hai: Hầu như toàn bộ những người đang đấu tranh cho Tự Do, Độc Lập Dân Tộc đều là những người sinh trưởng và lớn lên trong chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa. Nếu ta coi tất cả những người đã từng phục vụ cho Cộng Sản đều là Cộng Sản muôn đời, thì chắc chắn tất cả những người đang ở tù Cộng Sản vì tranh đấu cho Nhân Quyền, Tự do, Độc Lập của xử sở đều phải bị tẩy chay khỏi cộng đồng, một khi họ có cơ hội sang Mỹ hay đâu đó. Thí dụ như Tạ Phong Tần, một cựu Đại Úy Công An Hình Sự và cũng là một luật gia, Bùi thị Minh Hằng là con một Thiếu Tướng Việt Cộng, Huỳnh Thục Vy từng là Thiếu Nhi Khăn Quàng Đỏ, Trần Anh Kim là một Trung Tá bộ đội… Trong khi đó, có được bao nhiêu người Sĩ Quan, Viên Chức chế độ Cộng Hòa (trừ Nguyễn Hữu Cầu…) đang chiến đấu như Điếu Cầy và các bạn anh đang chiến đấu mãnh liệt tại quê nhà? Có mấy người thuộc chế độ Cộng Hòa đang dõng dạc lên tiếng trước họng súng và còng số 8 của Công An Cộng Sản?

Thứ ba: Trong vài thập niên trở lại đây, hàng trăm người đang về Việt Nam hợp tác với Việt cộng. Điều đáng nói là đại đa số đều có bằng cấp như Bác Sĩ, Kỹ Sư, Giáo Sư, Tiến Sĩ, Luật Sư, Thương Gia… nghĩa là số “TRÍ THỨC MÊ SẢNG” rất nhiều và ở khắp mọi nơi trên thế giới. Ngoài ra còn số người về quê “hưởng lạc” thì đông vô số kể. Vậy tại sao không tìm ra phương pháp nào tẩy chay họ ra khỏi cộng đồng cũng dữ dội như đã tẩy chay Điếu Cầy? Có thể trong số người đang la hò to tiếng đòi tẩy chay Điếu Cầy cũng nằm trong danh sách này hoặc thoát được vì che dấu khá kỹ lưỡng.

Thứ tư: Nhóm Dân Oan ở Việt Nam cũng như những nhà tranh đấu cho Dân Chủ và Độc lập, đòi Hoàng Sa và Trường Sa trả lại cho Việt Nam, lúc nào cũng ngóng chờ tin tốt từ hải ngoại, mong được yểm trợ tinh thần cũng như vật chất cho họ tiếp tục chiến đấu thay cho hải ngoại. Họ có phương tiện để tiếp xúc cũng như chuyển tin qua hệ thống email, cho nên chuyện gì xẩy ra ở nước ngoài, họ đều biết hết. Khi họ biết tin Điếu Cầy, Cù Huy Hà Vũ, Trần Khải Thanh Thủy.. bị dí đánh tơi bời, liệu họ có còn tinh thần mà chiến đấu nữa không? Hay bắt đầu buông xuôi, mặc cho Cộng Sản hoành hành, vì chiến đấu bằng tay không với Cộng Sản là lũ vượn người vũ khí tận răng, đã rất mệt mỏi, mà lại phải chiến đấu để tự vệ trước những cái loa phóng thanh của cộng đồng hải ngoại thì làm sao họ chịu đựng nổi?

Chuyện nhỏ là gì?
Chỉ có một: việc Điếu Cầy cầm cờ hay không cầm cờ Việt Nam Cộng Hòa khi anh vừa đặt chân lên nước Mỹ! Một điều tức cười và mâu thuẫn là khi Điếu Cầy không cầm cờ thì chỉ tay ngay vào Điếu Cầy và la lên: “Đúng nó rồi! Tên Cò Mồi Cộng Sản!”. Nhưng khi thấy Điếu Cầy đứng nghiêm chào cờ Quốc Gia thì lại hô lên rằng: “để khỏa lấp âm mưu của mình, Điếu Cầy đã giả bộ chào kính cờ Quốc Gia!” Như vậy thì rõ ràng là “không chào cờ cũng chết, mà có chào cờ cũng chết!”  Trước sau gì, những người anh hùng chiến đấu cho Độc Lập của nước nhà, hễ cứ bước chân ra hải ngoài là tên tuổi bị giết chết thê thảm!

Như thế, thì những người đang đòi tẩy chay Điếu Cầy có phải là người chống Cộng thực hay chỉ là háo danh, thích nổi tiếng là người chống Cộng chân chính, hoặc thích lấy lòng những người chống Cộng cực đoan? Hoặc nhát sợ dư luận?

Lịch sử cho thấy, muốn làm việc chính trị phải có hai yếu tố: Trí Tuệ và sự Dũng Cảm! Nếu chỉ có Trí Tuệ mà không có can đảm thì lại có thể trở thành Ông Đồ Gàn, hoặc là những người Mũ Ni Che Tai, thích đứng vào hàng ngũ những người Thầm Lặng, đứng nhìn nước chẩy qua cầu. Ngược lại, nếu chỉ có dũng lược mà không Trí Tuệ thì lại là kẻ phá hoại. Điều đau lòng khôn xiết là những người có trí tuệ mà thiếu dũng lược lại quá nhiều, tức là số đông thầm lặng thì có hàng triệu, còn thiểu số những kẻ phá hoại, thiếu trí tuệ thì chỉ rất nhỏ nhưng lại hung hãn khống chế hàng triệu người thầm lặng kia, chỉ bằng…BÀN TAY NĂM NGÓN CHẠY TRÊN KEYBOARD mà thôi. Thiểu số này chẳng đóng góp thực tế gì cho xứ sở đang rên xiết dưới gót giầy Việt Cộng, không hề yểm trợ chút nào cho Dân Oan và những nhà Dân Chủ, khi cộng đồng biểu tình chống Việt Cộng thì nằm nhà, biểu tình chống Trung Cộng xâm lăng thì ngồi xem tivi, nghe kêu gọi đóng góp cho Thương Phế Bình thì hờ hững. Lại còn một thiểu số nữa, lúc nào cũng núp sau cờ vàng mà tấn công những người đang làm công việc chống Cộng bằng những ngôn ngữ cực kỳ thô bỉ.


Ôi! Như thế thì Đất nước tôi bao giờ hết bóng Cộng Sản? Bao giờ thì dân tôi được tự do? Giang Sơn Tổ Quốc tôi bao giờ mới lấy lại được từ tay Tầu Cộng? Bao giờ? Bao giờ? Hay là hết kiếp này, những người yêu nước chân chính ở hải ngoại vẫn là kẻ lưu vong, mất gốc, ngồi ở phương trời xa, nhìn về quê mà nước mắt dàn dụa? Trời ơi!


Chu Tất Tiến

Saturday, March 30, 2019

Chân & Giả Cuộc Đời - Youtube Marian Tran

Tân Tây Lan, Quốc Gia Hải Đảo Đáng Thăm Viếng - Youtube Long Kangaroo

Hoàng Hôn Màu Tím - Đỗ Công Luận

Người Đến Tuổi Trung Niên Tối Kỵ Làm 8 Việc Này

Thời gian không đợi người, vì vậy hãy làm những gì mình muốn làm, hay mua gì muốn mua, muốn ăn gì thì hãy ăn… (Ảnh: shutterstock.com)

Cổ nhân có nói: “Tứ thập bất hoặc, ngũ thập tri thiên mệnh, lục thập nhĩ thuận” (Tạm dịch: 40 tuổi thì không bị nhầm lẫn, 50 tuổi hiểu được mệnh Trời, 60 tuổi nghe điều gì cũng thấy thuận tai).

Sau khi bước vào tuổi trung niên, chỉ muốn dùng cái tâm bình thường để làm những việc bình thường. Bài viết dưới đây là một bức thư mà một người trung niên viết cho chính mình, lời nói ra chỉ là những câu chuyện bình thường trong nhà, trong cuộc sống, đơn giản nhưng hàm ý thâm sâu mà từng câu từng chữ đều thật thấm thía.
Nhất định phải đọc hết. Hãy ghi nhớ thật kỹ, đối với các bậc trung niên đều rất có ích.

1. Hãy thôi nghĩ về quá khứ
Chúng ta vào thời thanh thiếu niên chịu khổ bao nhiêu so với những người trẻ hiện nay. Cũng may, cuộc sống bây giờ càng ngày càng tốt, cũng có cho mình một ít tiền tiêu, có một chút nhàn rỗi để làm những việc mình thích.

Vậy nên, các bậc trung niên đừng nhất mực chìm đắm trong những hồi ức quá khứ, hãy lạc quan, nhìn về tương lai, dù sao chúng ta cũng đã có 20 năm hoàng kim trong cuộc đời rồi.

2. Đừng nên tức giận
Lúc còn trẻ chúng ta có bao nhiêu là cáu gắt, đặc biệt là lúc con cái không nghe lời, khó tránh khỏi quát nạt nó, thậm chí dùng cả đòn roi. Nhưng hôm nay con cái đã trưởng thành rồi, đã có cách nghĩ cho riêng mình rồi, và chúng ta cũng không giống như trước đây.

Chúng ta có thể vận dụng trí tuệ và kinh nghiệm tích lũy, cung cấp cho chúng tham khảo, đồng thời bảo trì thái độ yêu thương và hóm hỉnh của mình. Không được vì con cái không tiếp thu ý kiến mà không ngừng phàn nàn hoặc sinh tức giận để tránh hình thành căng thẳng cho hai thế hệ.

3. Hãy thôi phàn nàn, oán trách
Tục ngữ có câu: Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi người đều có lúc có phiền não, có khi cũng muốn cùng người khác thổ lộ hết. Điều này có thể lý giải, nhưng phải chú ý không nên phàn nàn nhiều quá.
Nếu như bạn bè luôn phàn nàn với bạn về một việc, mỗi ngày mỗi ngày đều đang truyền đi những năng lượng trong lời nói, tin rằng bạn sẽ không muốn có một người bạn như vậy.

4. Đừng lãng phí thời gian
Thời gian trôi qua chỉ như một chớp mắt, giờ ta đã bước vào hàng bậc trung rồi. Thời gian không đợi người, chúng ta càng không nên lãng phí thời gian. Muốn làm cái gì thì hãy làm, muốn mua gì thì hãy mua, muốn ăn gì thì hãy ăn. Đừng nói là: “Hãy đợi sau này”, “Đợi khi có thời gian”, “Đợi qua mấy hôm nữa”.

Người có thể đợi thời gian, nhưng thời gian quyết không đợi người! Vậy nên, đừng phụ bạc chính bản thân mình.

5. Hãy thôi cô độc, cô đơn
Cho dù là ở cùng với con cái, cuối cùng thì cũng là hai vợ chồng già sống với nhau, đều muốn làm được độc lập về tinh thần và không muốn suốt ngày sinh hoạt quẩn quanh trong nhà từ sáng đến tối.
Người già phần đông muốn đi đây đi đó, nên có bằng hữu xung quanh, có một số thú vui tao nhã, như vậy cuộc sống mới thêm phần phong phú.

6. Đừng xen vào việc của người khác
Làm người lớn tuổi, có một bí quyết, chính là đối với một số việc nên nhìn cho rõ, với một số việc không nên nhìn và cũng nên bỏ qua.
Không nên bất kì điều gì cũng lấy mình làm trung tâm, nên cho con cái không gian sinh hoạt và một khoảng trời riêng, không nên can thiệp vào cuộc sống của chúng.
Về vấn đề giáo dục con cháu, hết sức không lấy “kinh nghiệm” mà cho rằng mình đúng, cũng nên hiểu bố mẹ chúng là ai, cố gắng chiểu theo quan điểm của bố mẹ chúng để dạy dỗ chúng.

7. Không nên càm ràm
Sức khoẻ, tình yêu hôn nhân và công việc là chủ đề yêu thích khi trao đổi cùng con cái lúc về già, nhưng người trẻ lại không muốn người lớn nhắc nhiều về những vấn đề đó. Vì vậy, không nên hỏi nhiều về chuyện đó, có một số việc, bọn trẻ trong tâm tinh tường, tự chúng biết phải làm gì, chúng ta cũng chớ dông dài.

8. Đừng nên tồn nhiều tiền
Những người bằng hữu tuổi trung niên, nên dừng lại việc tích trữ tiền. Tiền dù tồn thành từng xấp, bất quá chỉ là con số. Chúng ta khổ cực cả đời, thật sự muốn đối đãi với mình tốt một chút. Trong phạm vi năng lực của mình, đừng quá quan tâm một bộ y phục bao nhiêu tiền, một món ăn bao nhiêu tiền, muốn mua, muốn ăn thì cứ chi thôi!

Tiền mình tiêu đó là tiền của mình, tiền tồn trữ sau này chỉ là di sản mà thôi.

Nguồn: phunugiadinh.vn 

Tức Chết Đi Mất!

Tôi Và Cô Em Vợ Xinh Đẹp


Tôi và vợ kết hôn tính đến nay đã được 5 năm, con trai tôi bây giờ đã 4 tuổi. Gia đình vốn dĩ đang hạnh phúc yên ấm, nhưng bây giờ lại xảy ra một sự việc khiến vợ tôi nghi ngờ. Bây giờ tôi thực sự rất mệt mỏi không biết nên làm thế nào đây?

Việc là như thế này, vợ tôi có một cô em gái, đang độc thân. Cô em gái rất xinh đẹp, trước đây cũng đã từng yêu một vài người, nhưng sau khi bị bạn trai cũ đá, kể từ đó đến nay không thấy em vợ yêu thêm một ai nữa.

Sau khi vợ tôi sinh con trai chưa được bao lâu, em vợ đột nhiên mang thai, cũng không chịu nói ai là bố của đứa bé. Chỉ biết cô ấy nhất quyết sinh đứa bé ra, nên cả nhà cũng đành nghe theo.

Thời gian thấm thoắt trôi qua, em vợ cũng làm mẹ đơn thân được 3 năm rồi. Đứa bé đã được 3 tuổi nhưng em vợ cứ thoái thác không chịu đặt tên cho con. Có một lần, cả nhà đang quây quần ăn cơm, vợ tôi giục cô ấy đặt tên cho con, em vợ cười phá lên và nói: “Con lấy họ gì bây giờ nhỉ? Hay là lấy họ con em theo họ của anh rể đi”. 

Lúc đó, vợ tôi chỉ mỉm cười nhẹ nhàng, nhưng suốt bữa cơm cô ấy cứ nhìn chằm chằm vào cháu mình, nét mặt vô cùng khó hiểu.

Buổi tối, chúng tôi đang nằm trên giường chuẩn bị đi ngủ, đột nhiên vợ lại nói thấy cháu trai giống tôi, hỏi tôi có phải giấu cô ấy chuyện gì không? Tôi lắc đầu và nói: “Anh làm sao biết được”. Câu trả lời này càng khiến cô ấy tức giận, quay lưng vào tường không thèm đoái hoài gì đến tôi.

Nửa đêm tôi giật mình tỉnh giấc nghe thấy âm thanh kỳ lạ phát ra từ phía ngoài phòng. Âm thanh phát ra từ phòng con trai, tôi nhìn thấy vợ đang nhìn chằm chằm vào con trai rồi nhìn sang bức ảnh đứa cháu trong điện thoại. Tôi phát hiện vợ đã bắt đầu nghi ngờ tôi là bố đứa con của em vợ.

Tôi cũng không biết rốt cuộc đứa bé đấy có phải là con tôi hay không. Bởi vì có một lần tôi và em vợ đã làm chuyện có lỗi với vợ tôi. Do hôm đấy chúng tôi uống quá say, không tự chủ được hành động của mình, với lại vợ tôi sinh con chưa lâu nên không thể làm khó cô ấy, mà tôi cũng nhịn quá lâu rồi. Thế là…

Mấy hôm sau, tôi lén lút giấu vợ và em vợ đi làm xét nghiệm ADN, xem rốt cuộc tôi có phải là bố đứa bé không....

* 7 ngày sau đến nhận kết quả, 2 đứa đều không phải con tôi. 

Không biết tác giả

Nỗi Nhớ Chòng Chành - Trầm Vân

Friday, March 29, 2019

Suy Nghĩ Vớ Vẩn Về Nước Mắm - Từ Thức

Hình: Nước mắm tại một siêu thị Pháp, Paris

1. Nước mắm, trong bối cảnh một xã hội băng hoại, môt quốc gia không biết còn mất lúc nào, chỉ là một chi tiết, một chuyện vặt. Nhưng nếu coi đó là một vấn đề văn hóa – bởi vì ẩm thực là một khía cạnh của văn hóa – đó là một chuyện quan trọng. Nhất là khi nó liên hệ tới sức khoẻ, tới mạng sống của cả một dân tộc.

2. Nước mắm là một đặc sản Việt Nam, ngày nay được cả thế giới biết tới. Ở bên Pháp chẳng hạn, ít có người Pháp nào không biết nước mắm là gì. Hầu hết các siêu thị đều bán nước mắm, cũng như bánh cuốn, chả giò (cho khách người Pháp). Việc người ngoại quốc liên tưởng tới bánh cuốn, chả giò (gọi là nem) mỗi khi nghe nói tới Việt Nam là điều đáng hãnh diện, hay ít ra không phải xấu hổ, như khi họ nghĩ tới bạo quyền, bạo hành, tới rác bẩn, tới môi trường ô uế, tới một vùng đất không có quyền làm người ở thế kỷ 21.

3. Nước mắm là hình ảnh của Việt Nam, không giữ gìn, một ngày nào đó, nhìn thấy nước mắm, người ta sẽ nhăn mặt, le lưỡi sợ hãi, như ngày nay mỗi lần thấy thực phẩm của người Việt hay người Tàu.

4. Với 3 ngàn cây số bờ biển, ngày nay Việt Nam không còn đủ cá để làm nước mắm, phải nhập cảng muối, phải làm nước mắm hóa học. Formosa, tham nhũng, quản trị ngu dốt, sự hèn nhát để Tàu kiểm soát biển cả, đã mang tới hậu quả là cá chết trước, người chết sau, hay cả hai chết cùng một lúc. Hình ảnh những con cá nằm chết trên bãi biển là hình ảnh của dân tộc Việt.

5. Tại khắp nơi trên thế giới, người ta tìm mọi cách để bảo vệ những đặc sản của địa phương, của quốc gia. Đó là tài sản kinh tế, văn hóa của một cộng đồng. Với thế giới hóa, biên giới hầu như xóa bỏ, đó là những nét đặc thù còn lại của một dân tộc.

6. Ở Pháp, cũng như ở các nước Âu Châu, mỗi đặc sản được cấp một nhãn hiệu, gọi là AOC (Appellation d’Origine Controlée) hay AOP (Apellation d’Origine Protégée) dán trên mỗi món hàng. Những sản phẩm tương tự sản xuất ở nơi khác, dùng nguyên liệu nơi khác không có quyền dùng.
Tòa án phạt nặng những người phạm luật. Thí dụ: rượu chát Bordeaux, Bourgogne, Beaujolais, pho-mát Normandie, gà Bresse, cừu Mont St. Michel, táo Limousin, hành Cévennes, mận Agen v.v… Đó là niềm kiêu hãnh địa phương, là ”gia tài của mẹ, để lại cho con”, người ta bảo vệ, trân trọng, ấp ủ.
Một sạp bán thịt cá ngoài chợ cũng phải ghi rõ cá biển hay cá nuôi, gà heo nuôi theo truyền thống (bio) hay công nghệ, đến từ vùng nào.
Có người sẽ nói đó là chuyện nhà giầu. Nhưng ngày nay, ngay cả những nước ngoài Âu Châu như Maroc, Tunisie, Algérie cũng thi hành thoả ước này.
Trong khi đó, nước mắm làm ở Thái Lan, ở Malaysia, Singapour đều ngang nhiên mang nhãn hiệu Phú Quốc, không ai bận tâm.

7. Kỹ nghệ gia, hay thương gia có quyền chế tạo nước chấm mới, nhưng gọi là “nước mắm” là một sự lường gạt trắng trợn. Treo đầu heo bán thịt chó, ở một nước bình thường là một tội trước pháp luật. Nước chấm hóa học có độc hại hay không là một chuyện khác.
Tại Pháp gần đây có một chuyện được coi là “scandale” gây sôi nổi, chỉ vì người ta tìm thấy một chút thịt ngựa trong các hộp hay gói thịt bò đông lạnh, nhập cảng từ Đông Âu. Những người liên hệ sắp bị giải tòa về tội lường gạt, sẽ lãnh tiền phạt nặng, nếu không đi tù, và hãng xưởng bị đóng cửa, mặc dù thịt ngựa không có gì hại cho sức khỏe.

8. Chế tạo thực phẩm mới tự nó không phải là điều xấu. Xã hội tiến bộ nhờ sáng kiến, nhờ những người mở đường. Với điều kiện những sản phẩm đó phải được kiểm soát chặt chẽ, với phương pháp khoa học và kỹ thuật, kiến thức hiện đại.

9. Muốn kiểm soát thực phẩm, phải có các chuyên viên có khả năng, luật pháp rõ rệt, tòa án công minh, cảnh sát lương thiện, báo chí tự do, và các hội đoàn dân sự, đặc biệt là các hội đoàn đại diện người tiêu thụ, hoạt động tích cực và hữu hiệu.

10. Những cơ cấu trên bổ túc nhau. Nếu nhà chức trách vô trách nhiệm, báo chí sẽ phanh phui sự thực. Tại Pháp, các hội đoàn tiêu thụ phân tích, kiểm tra từng món hàng. Một nhóm trẻ đã sáng chế một “application” gài trên iPhone. Chỉ cần đưa số mã của gói hàng trên iPhone, nếu mầu xanh là thực phẩm tốt, mầu da cam: thực phẩm trung bình, mầu đỏ: có hóa chất độc hại.
Tất cả những cái đó không có, không thể có, ở một xứ độc tài. Mạng người không bằng súc vật. Tham nhũng khiến tất cả những biện pháp chế tài chỉ là trò hề, nếu không là phương tiện để làm tiền.

11. Tại các nước Âu Châu ngày nay, nhiều nông dân tụ họp với nhau thành lập những nhóm nhỏ, chuyên môn sản xuất hoa quả, rau trái, gà heo, theo phương pháp cổ truyền, không phân bón, không hóa chất. Họ cung cấp cho những khách quen thuộc, dần dần lan rộng. Cuối cùng thấy sản xuất ít, nhưng phảm chất cao có lợi cho cả người tiêu thụ lẫn người sản xuất. Chuyện đó có thể thực hiện được ở Việt Nam hay không, hay chỉ là chuyện viển vông, mặc dù ở Việt Nam ngày nay chắc chắn đã có nhu cầu ăn đồ sạch?

12. Chế độ độc tài dư lực lượng an ninh, đủ cứng rắn nếu không nói tàn bạo để giữ kỷ luật, để trừng trị những người phạm luật. Nhưng quyền lợi, sức khỏe của dân không phải là ưu tiên. Ưu tiên là việc lùng bắt, trừng trị những người không cùng chính kiến hay có hành động đe dọa quyền lợi của tập đoàn cầm quyền. Người ta đã hành hạ những người đếm xe qua BOT, người ta sẽ hỏi tội những người thắc mắc chuyện nước mắm.

13. Có người mỉa mai: nước mất không lo, lo chuyện nước mắm. Nhưng lo chuyện mất nước, không có nghĩa là bỏ qua tất cả những tệ hại khác của xã hội. Giữ nước để làm gì, nếu dân bệnh hoạn cả tinh thần lẫn thể xác?

14. Phải bảo vệ nước mắm. Nhưng những người chế biến, sản xuất cũng phải bảo vệ quyền lợi của chính mình. Bằng cách lên tiếng, phản đối những lạm dụng. Bằng cách cương quyết giữ phẩm chất của nước mắm, không vì lợi trước mắt mà pha chế để làm mất lòng tin của khách hàng, như quá nhiều sản phẩm, nông phẩm ở Việt Nam. Đừng tự mình giết mình.

15. Nhiều người thờ ơ, không muốn làm “chính trị”, nhưng tất cả là chính trị. Không để cho thức ăn độc hại vào nhà bếp của mình, lên mâm cơm của vợ con mình cũng là một thái độ chính trị. Không lẽ bạc nhược tới độ không lưu tâm đến sức khỏe của vợ, con?

16. Việc làm khẩn cấp và cụ thể là cấm không được dùng chữ “nước mắm” cho những sản phẩm không phải là nước mắm. Bô Y Tế, Quốc Hội có thể làm chuyện này qua một đạo luật. Đó là cơ hội chứng tỏ Bô Y Tế cũng lưu tâm đôi chút tới sức khỏe của dân, chứng tỏ các dân biểu, ngoài chuyện ngủ trưa và khi thức dậy biểu quyết những luật lệ hại dân, bán nước, thỉnh thoảng cũng biết làm chuyện có ích.

Từ Thức
(Paris, 12/3/2019)

Cây Cầu Đặc Biệt Nhất Thế Giới, Xây Chỉ Để Cho 45 Triệu Con Cua Bò Qua

Cua không phải là loài động vật quá xa lạ với nhiều người, nhưng một cây cầu chứa hàng triệu con cua đỏ như thế này quả là chuyện hiếm gặp.

Gần đây, trên đảo Giáng Sinh ở Úc đã xây dựng một cây cầu dành riêng cho cua đỏ địa phương. Nhiều người nhận xét rằng đây là cây cầu được yêu thích nhất thế giới.

Hằng năm, cua đỏ sẽ có một cuộc di cư lớn, những con cua trên hòn đảo này sẽ di chuyển xuyên qua rừng, băng qua đường, cuối cùng tập trung hết tại bãi biển. Tại đây, chúng sẽ thực hiện việc giao phối, sinh sản và các hoạt động khác. Tuy nhiên, việc chúng băng qua đường gây cản trở cho người dân địa phương, đồng thời khiến cho chúng gặp rất nhiều nguy hiểm.  
   

Theo thống kê, có khoảng 45 triệu con cua trên hòn đảo này. Đây thật sự là một con số lớn, những con cua này sẽ băng qua cây cầu dành riêng cho chúng, tạo nên một cảnh tượng rất ngoạn mục.




Để hạn chế bớt tình trạng cua đỏ băng qua đường, người dân địa phương đã xây dựng rất nhiều hàng rào chắn, sau đó là một cây cầu rất cao ở giữa đường. Theo cách này, những con cua sẽ không phải gặp nguy hiểm và người dân cũng cảm thấy yên tâm hơn khi di chuyển trên đường.

Theo SOHU (Dân Việt)

Kiếp Tù - Duy Xuyên Tacoma


Tôi sinh ra là một ngôi sao xấu trong những ngôi sao xấu nhất của bầu trời đất Việt.
Cha mẹ tôi nghèo lại phải sinh sống trong một miền quê hẻo lánh gần một vùng núi rừng heo hút, xa xôi, đất cày lên sỏi đá.

Tôi chưa bao giờ được cắp sách đến trường. Do đó, từ lúc mới lên bảy, tôi được một nhà phú hộ mướn chăn dê.

Với đàn dê 40 con, hằng ngày tôi phải lùa chúng vào các triền núi đá từ sáng sớm tinh sương đến chạng vạng tối mới về. Cả ngày chăn đàn dê gặm cỏ. Chiều đến tôi phải gom dẫn chúng về nhà phú hộ. Công việc chỉ đơn thuần như thế. Còn việc trả công, tôi không hề hay biết. Đó là việc của người lớn: – Của cha mẹ tôi và nhà phú hộ.

Sáng sớm được mẹ đánh thức, tôi rửa ráy qua loa rồi rủng ra rủng rỉnh dẫn đàn dê vào núi cho chúng tự tìm thức ăn.
Sáng nào cũng vậy, mẹ trao cho tôi một nắm cơm vắt, đựng trong mo cau với một ít muối ớt, gói trong miếng lá chuối khô. Đó là bữa cơm trưa hàng ngày của tôi.
Tôi chưa bao giờ biết ăn sáng hay lót lòng bao giờ. Ngay cả buổi cơm cũng chỉ có muối ớt. Họa hoằn lắm mới được thay đổi bữa cơm với một con cá lép khô muối mặn bằng hai ngón tay. Đó là bữa ăn khá thịnh soạn, ngon miệng nhất đời chăn dê mà tôi đã hoan hỉ lắm rồi.
Ngồi ăn nghe tiếng lục lạc rủng rẻng trên cổ của bầy dê cũng vui tai quá đỗi.

Đời tôi thăng hoa hơn, năm 1973, vừa đúng 18 tuổi, tôi xin đăng vào Nghĩa Quân, được tuyển mộ và thăng chức ngay là Nghĩa Quân Viên-một cấp bậc nhỏ nhoi nhất trong hàng ngũ Nghĩa Quân. Tôi hãnh diện được xúng xính trong quân phục ‘lính áo đen’.
Đời tôi bắt đầu sáng lạn hơn thằng chăn dê rồi đó!
Tôi được dạy cho biết cách sử dụng súng trường Carbin M1 và trong khi đó, “Em Một” (Carbin M1) là ‘người tình’ đi theo tôi trong suốt quãng đời lính tráng này.

Tôi được phục vụ ngay tại địa phương nơi tôi chào đời và lớn lên trong đói nghèo, cơ cực. Tiểu đội của tôi gọi là ‘tiểu đội thám báo’.
Nói ‘thám báo’ cho oai, chứ thực ra, nhiệm vụ chính của tiểu đội là ban ngày canh gác trụ sở Xã, ban đêm tiểu đội thường xuyên di chuyển từ địa điểm này đến địa hình khác với mục đích tránh sự dòm ngó, quan sát theo dõi của địch, để khỏi bị tấn công sát hại.
Tuy tránh giao tranh với địch song anh tiểu đội trưởng gọi nhiệm vụ đó là ‘phục kích đêm’ để phá vỡ đường dây liên lạc của Việt Cộng.

Vào đầu tháng tư năm 1975, tiểu đội di chuyển đến một bờ ruộng. Tuy nói là ẩn núp, ngụy trang, che dấu để tránh sự quan sát của địch, song chúng tôi cũng phải chia phiên ra canh gác cẩn mật. Khi phát hiện địch, chúng tôi cố ý ẩn nấp để tránh giao tranh và sáng hôm sau sẽ báo cáo để thỉnh thị quyết định của thượng cấp.

Nào ngờ đêm hôm đó, cái đêm định mệnh của đời tôi và cũng là một đêm tận cùng của tên du kích Việt Cộng, từ rừng núi rình mò về thôn xóm để nhận tiếp tế. Đêm hôm đó, chẳng may hắn lơ đễnh thế nào mà đi lọt vào ổ phục kích của chúng tôi. Lúc đó là phiên gác của anh Cường nhưng anh ta ngủ gà ngủ gật, mắt nhắm mắt mở, khi tỉnh giấc anh thấy một bóng đen xuất hiện quá gần chỗ anh đang gác. Giật mình, anh Cường nổ súng bắn một băng tiểu liên và tên du kích ngã gục sau phát đạn khai hỏa đầu tiên của anh ta.

Sáng hôm sau, chúng tôi lật xác tử thi địch để nhận dạng và biết rõ tên du kích là một người dân trong xã vừa thoát ly gia đình theo Việt Cộng, khoảng vài tháng trước. Hắn ta theo du kích vào rừng và làm liên lạc viên cho đám du kích.
Sau đó chúng tôi được lệnh mang xác anh du kích về Xã để cho thân nhân anh ta nhận xác về chôn cất.
Đây là một chiến thắng đầu tiên kể từ ngày thành lập tiểu đội mang tên ‘thám báo’ của chúng tôi.
Lẽ dĩ nhiên một tiểu đội ‘áo đen’ làm gì có phương tiện tải thương để chuyên chở tử thi địch như các đơn vị Chủ Lực Quân hay Địa Phương Quân.Vì thế, hôm ấy chúng tôi phải dùng 2 cây sào tre, rồi lấy áo đi mưa cá nhân, kết hợp làm băng ca, khiêng tử thi tên du kích về xã. Chúng tôi thay phiên nhau, hai người một, kẻ trước người sau, ì ạch khiêng cái xác từ bờ ruộng này đến bờ đê khác. Gần đến trụ sở Xã, chúng tôi được lệnh của anh trung đội trưởng cho đặt tử thi trước trụ sở Xã.
Rủi ro cho tôi khi khiêng tử thi về gần đến nơi, người bạn khiêng phía sau vừa bảo tôi vừa thả buông băng ca xuống:
– Đặt xác nó tại đây đi!
Anh bạn vừa thả băng ca thì trời bất chợt đổ cơn mưa rào.
Tôi đem lòng thương hại kẻ xấu số nên cố nắm chặt hai cáng băng ca, lôi xác tử thi vào thẳng trong chợ để xác khỏi bị…mưa ướt.
Đó là lòng nhân từ của bất cứ ai cũng phải cư xử với người chết như thế.
Tôi vừa đặt tử thi xuống, bất ngờ một người đàn bà đập thình thịch vào lưng tôi, nhục mạ, chửi rủa om sòm:
– “Cái quân trời đánh! Chồng tao đi thăm ruộng về khuya. Bọn mày giết chồng tao!!” rồi lôi xác xềnh xệch như lôi kéo một con chó. “Trời ơi là trời!”
Tôi định giải thích nhưng nghĩ lại bà ta cũng có cái đau khổ của người vợ bị mất chồng, nên tôi đành cắn răng chịu đựng, bỏ đi mà không cần giải thích cặn kẽ cho bà ấy.

Một tháng sau, tháng tư đen năm 1975, đổ sụp về, tất cả các sĩ quan từ thiếu úy trở lên phải trình diện học tập cải tạo tại các trại tập trung lao động khổ sai.
Các anh em hạ sĩ quan, binh sĩ và Nghĩa Quân được học tập tại địa phương 20 ngày thì được cho về sinh hoạt với gia đình. Riêng tôi lại bị vợ của tên du kích, nay là chủ tịch Ủy Ban Quân Quản kiêm Ủy Viên Chính Trị Xã, ra lệnh chuyển tôi từ địa phương ra trại cải tạo Lam Sơn với tội danh: Thành phần ác ôn, nguy hiểm, có nợ máu với nhân dân…

Những ngày đầu ở Lam Sơn, tôi cố tìm các anh em nghĩa quân khác mà tôi quen biết. Tôi đã không tìm thấy bất cứ ai, kể cả anh Cường, người Nghĩa Quân đã bắn chết anh du kích. Các ông trung đội trưởng, tiểu đội trưởng, tôi cũng chẳng thấy ông nào. Thậm chí ngay cả các anh ‘linh áo đen’ đã đi phục kích đêm hôm đó, cũng chẳng có ai!
Tôi bị phân bổ vào nhà H.22 gồm 50 thiếu úy, chỉ có một mình tôi là Nghĩa Quân Viên.
Những ngày đầu, các ông thiếu úy cũng quá đỗi ngạc nhiên và hỏi tôi:
– Mày là thằng nghĩa quân quèn, sao lại trình diện vào đây để ngồi tù?! Ủa, mày muốn tình nguyện học tập hả?
Có người thì nói ôn tồn, thương hại. Có ông thì nhìn tôi sòng sọc, gặng hỏi:
– Chứ bộ mày muốn mấy ổng trả lại cấp bậc nghĩa quân quèn cho mày hay sao?
Tuy bị hạch hỏi nhưng lúc nào tôi cũng ôn tồn, nhã nhặn trả lời:
– Dạ em đâu dám mơ ước như thế đâu thiếu úy!
Dù sao đi nữa, đời tôi cũng đã thăng hoa lắm rồi.
Ngày xưa, có bao giờ tôi được ăn chung, ngủ chung với các vị sĩ quan trẻ này đâu. Thiếu úy, ít ra các ông ấy cũng là trưởng ban, trưởng phòng, cuộc trưởng … gì đó trong chi khu, nên lúc nào tôi cũng kính nể, tôn trọng các vị sĩ quan ấy.
Lao động trong trại tù chừng gần hai năm, các ông thiếu úy lần lượt ra về.
Tôi lại bị dồn vào ở tù chung với trung úy và đại úy. Đời tôi sao được thăng cấp nhanh quá. Không bao lâu, chúng tôi bị chuyển ra trại Củng Sơn, Phú Yên. Khoảng 3 năm có rất nhiều trung úy và đại úy lần lượt ra về. Trại lại nhốt chung tôi với các ông thiếu tá mà ngày xưa tôi chưa bao giờ dám xuất hiện gần các vị ấy vì các ông này ít ra cũng là các cấp chỉ huy của đại úy Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng của tôi.
Đời tôi lại thăng hoa, thăng cấp nhanh như chớp. Càng được sống gần các vị thiếu tá, tôi càng kính phục họ nhiều hơn. Các ông ấy hiền, đạo đức, xem tôi như em út trong trại tù.
Sau đó, chúng tôi lại bị dời về A.30.

Ở tù hơn 5 năm, hầu hết ai ai cũng được về đoàn tụ với gia đình. Cá nhân tôi lại được thăng cấp ở chung với một đại tá và 12 người tù chính trị khác mà trại gọi là ác ôn, có nhiều nợ máu với nhân dân.
Đời tôi tuy thăng hoa, thăng cấp nhanh, nhưng càng thăng bao nhiêu thì ngày về lại càng xa tít mù khơi bấy nhiêu. Tôi hết trông mong có ngày trở về gặp lại vợ con.
À, mà tôi quên kể cho quý vị nghe về gia đình, sự nghiệp, thân thế của tôi…
Năm 18 tuổi tôi cũng đã lập gia đình với con Nại. Cô gái này nhà cũng nghèo, cũng được phú hộ mướn chăn dê như tôi. Cả hai chúng tôi thường xuyên gặp nhau ở chỗ thả dê gặm cỏ. Không biết trời xuôi đất khiến thế nào khi tôi gia nhập ‘quân áo đen’ dưới ‘cờ vàng ba sọc đỏ’ thì Nại cũng vừa lớn, nó mắc cỡ không chịu chăn dê nữa. Mẹ tôi thấy nó siêng năng, hiền lành như búp măng bụ bẫm nên mẹ tôi đem Nại về và nó trở thành vợ tôi hồi nào tôi cũng chẳng hay biết gì!
Vợ chồng quê rất đơn giản, khỏi cần học những câu văn chương lãng mạn để trao cho nhau làm gì cho mất thì giờ.
Tôi cũng không nhớ rõ, cái đêm động phòng hoa chúc ấy … ra làm sao..Tôi đã nói với Nại những gì… âu yếm Nại như thế nào..nhưng sáng ra, tôi thấy Nại nằm trọn trong vòng tay tôi. Tôi biết ngay, bây giờ tôi đã có vợ. Gần một năm sau, Nại cho tôi hai đứa con trai sinh đôi rất khoẻ mạnh. Một năm sau, Nại lại sinh đôi nữa. Đứa con gái chăn dê, nay là người mẹ 4 con. Hồi đó, ‘quân áo đen’ không được hưởng phụ cấp gia đình như anh em Chủ Lực Quân và Địa Phương Quân. Bản thân tôi, chỉ được lãnh lương 1.200 đồng mà phải nuôi sáu miệng ăn. Khi tôi đi tù, Nại một mình nuôi cha mẹ già tôi và bốn đứa con thật vất vả.

Suốt thời gian tôi bị tù, Nại thăm nuôi tôi được 3 lần: lần đầu khi tôi mới bước chân vào trại Lam Sơn, lần thứ nhì tại trại A.30. Hồi đó, trại cho tôi được ngủ đêm với Nại trong nhà ‘thăm nuôi” và Nại sinh thêm đứa thứ năm. Lần thứ ba, khi được báo có người nhà thăm nuôi, tôi vội vàng ra cổng trại thì được biết một thảm kịch đã xảy ra lôi thôi cho gia đình tôi. Chiếc xe chở vợ của các tù nhân đi thăm nuôi chồng bị lật và có hai người chết, trong đó có Nại. Xác Nại vì không có thân nhân nhận nên địa phương nơi xảy ra tai nạn đã chôn xác Nại ven rừng.
Và năm đứa con tôi đưọc một người quen biết sinh sống cùng địa phương của Nại cũng đi thăm nuôi chồng, mang giùm mấy đứa nhỏ vào trại giao cho tôi.
Nại chết để lại 5 đứa con với một ràng bánh tráng, một ít mắm ruốc kho…

Năm đứa con, ngồi khóc vì không có mẹ, nên trại cho tôi dẫn chúng vào trại để ở tù chung với tôi. Đời tôi bắt đầu rẽ một khúc quanh.
Nại chết, để lại hai đứa 7 tuổi, hai đứa 6 tuổi và một đứa chưa đầy hai tuổi. Lúc đầu sáu cha con tôi được anh em cùng tù giúp đỡ. Anh em bớt phần ăn ít ỏi của chính mình, chia sớt cho tôi để nuôi năm đứa nhỏ. Sau đó trại thấy bất tiện nên cho tôi một cái lều tranh cũng trong khuôn viên của trại tù và cấp ba tháng thực phẩm đầu tiên để tôi tự túc nuôi con sau này.
Cảnh gà trống nuôi con. Tình cảnh hụt hẫng. Thức ăn thiếu thốn. Cuộc đời dở khóc dở cười.

Một thời gian sau, nỗi sầu cũng đã lắng xuống nhiều, song hình ảnh của Nại vẫn còn lắng đọng trong tâm trí tôi. Ngày ngày tôi cuốc đất trồng khoai, trồng mì. Ba đứa con đầu cũng lẳng lặng theo sau tôi để phụ giúp công việc lắt nhắt. Còn lại một đứa sáu tuổi ở nhà trông em hai tuổi. Tối đến tôi bắt các con đi ngủ sớm. Tôi đã mất hẳn sự trầm tĩnh và muốn bỏ cuộc. Ban đêm, năm đứa co rúm lại trong một cái mềm rách trùm kín đầu ở một xó lều như muốn tránh những âm thanh dị kỳ, thét gào của gió mưa bên ngoài. Tuy làm lụng rất vất vả nhưng hoa màu thu hoạch cũng không đủ ăn. Thỉnh thoảng vào ban đêm, tôi dẫn con Thanh đi đào mì và hái bắp trộm của trại về cho bầy con ăn thêm để tránh cái đói đang hành hạ chúng.
Nào ngờ một đêm, tôi giật mình thức giấc thì thấy vắng mặt con Thanh -đứa con gái đầu lòng mà thỉnh thoảng tôi dắt nó đi hái trộm bắp.
Tôi nhìn ra ngoài, bầu trời đen nnư mực. Mưa gió đang gào thét…
Tôi nghi ngờ là con Thanh đang đi bẻ bắp trộm. Tôi vội vã lách mưa đi tìm Thanh.
Sau một hồi tìm kiếm khắp các ruộng bắp, tôi cũng chẳng thấy nó ở đâu.
Trời tối thui như mực. Mưa rơi xào xạc, át hẳn tiếng kêu của tôi: “Thanh! Thanh! Con ở đâu?” Nhưng tiếng kêu của tôi bị mưa gào, gió cuốn mất hút trong không gian vô tận. Một chặp lâu sau, tôi nghĩ chắc giờ này con Thanh cũng đã về nhà rồi nên tôi trở về. Quần áo xài xạc, nhưng con Thanh vẫn chưa về nhà.
Đánh thức bốn đứa con, tôi gặng hỏi, mắng chửi cho một mẻ nhưng các con chỉ ngơ ngác không biết chuyện gì đang xảy ra.
Tôi bảo các con đi ngủ tiếp và một mình ngồi chờ con Thanh về.
Một chặp lâu sau, tôi nghe tiếng súng bắn inh tai…Không biết chuyện gì đã xảy ra thì khoảng nửa giờ sau, có tiếng la hét, hối hả của các ông cán bộ đang đứng giữa nhà.
– Đêm hôm khuya khoắt mà mày sai con đi bẻ trộm bắp… Anh em công an đi tuần tra, tưởng nhầm con mày là tù trốn trại nên đã bắn chết nó rồi… Khẩn trương theo tụi tao nhận xác nó về.
Điếng cả người, ruột gan tôi rối bời. Rụng rời tay chân, tôi vội chạy theo họ. Đến nơi, tôi thấy con Thanh nằm chết thê thảm bên vũng máu. Quanh bụng nó cột một sợi giây và nhét quanh mình chừng mười trái bắp và hai củ khoai mì mà nó vừa mới nhổ. Trong môi miệng nó còn đang nhai mấy hột bắp non. Do đó, tôi biết ban đêm vì đói, con Thanh ngủ không được nên lén tôi đi bẻ bắp về cho các em nhai, không ngờ bị bắn chết thê thảm như vậy.

Sáng hôm sau, tôi chôn Thanh mà lòng buồn rũ rượi. Tôi không còn một chỗ nào trong tâm trí để căm thù. Ngôi mộ của Thanh nằm ngay trong mảnh đất do cha con tôi khai phá. Ba ngày sau, tôi cúng mở cửa mả cho Thanh bằng hai trái bắp và hai củ khoai mì đã đổi sinh mạng của nó.

Suốt đời Thanh là một chuỗi ngày dài bất hạnh vì thiếu tình thương của cha, trong đói nghèo cơ cực của mẹ, và chết trong đói khát của cảnh tù đày mà trẻ thơ mới có bảy tuổi đã phải nằm tù, gỡ lịch từng ngày với cha. Thanh chỉ mong được ăn no, mặc cho đủ ấm, nhưng hoàn cảnh xã hội đã hất hủi, không thương yêu nó.

Ngay cả trước 1975, vợ con của anh em lính Chủ Lực Quân và Địa Phương Quân được lãnh phụ cấp gia đình, nên vợ con lính ai ai cũng đủ cơm ăn, áo mặc. Còn vợ con của ‘quân áo đen’ thì đi chân đất, đầu trần, quần áo tả tơi không một cấp lãnh đạo nào thèm quan tâm đến.

Hồi đó, anh em Nghĩa Quân chúng tôi cũng thuộc Q.L.V.N.C.H mà! Sao lại phân biệt đối xử với anh em chúng tôi như thế?!
Sau 1975, tôi cũng bị ghép vào ‘ngụy quân’, cũng bị tù, bị hành hạ như các anh em khác. Sao các ông ‘đỉnh cao của nhân loại’ không biết phân biệt hành xử để ‘quân áo đen’ như tôi không bị dẫn con vào trại tù và bị chết thảm như vậy?!

Bảy ngày sau, đúng vào ‘thất thứ nhất’, vào khoảng một giờ khuya, khi tôi đang ngồi buồn và nghĩ đến hoàn cảnh của gia đình và cái chết thê thảm của con Thanh …
Mưa đang rơi từng giọt như tiếng ai đang rên rỉ và sau đó tôi nghe tiếng khóc của con Thanh. Tiếng khóc uất nghẹn, não nuột. Tôi mở cánh cửa sổ bằng liếp tre nhìn ra ngoài. Mưa càng lúc càng to. Gió thổi ào ạt. Dưới gốc một thân cây chồi, ngay chỗ chôn con Thanh, một vệt trắng hiện lên…Tôi toát mồ hôi, tay chân lạnh ngắt. Tôi cố nhìn kỹ thì ra đó là hình dáng của con Thanh. Nó đang đứng trước mộ, khóc sướt mướt. Quanh lưng cũng đang buột một sợi dây và treo tòn ten vài trái bắp như lúc tôi nhận xác nó về. Tôi mất bình tĩnh và khóc nấc lên từng cơn. Có bàn tay ai đó đang bám vào vai tôi. Con Nhàn, đứa con gái sanh đôi với con Thanh, hai chị em giống như hai giọt nước. Con Nhàn đã đứng sau lưng tôi tự hồi nào. Nó khóc ấm a ấm ức thật to tiếng. Tất cả các con tôi đều thức dậy đang ở chung quanh tôi. Ngoài trời đang mưa. Con Thanh vẫn còn đứng đó, nó khóc ngậm ngùi. Tôi hoảng hốt vừa nói với các con tôi :”Để cha ra bồng con Thanh vào nhà” tôi vừa đẩy tấm liếp; con Nhàn cũng chạy theo.

Nhưng khi ra đến mả thì hình dáng con Thanh không còn nữa. Tôi ngơ ngác không biết chuyện gì đã xảy ra nhưng tôi vẫn còn bình tĩnh và biết ngay rằng con Thanh đang bị chết oan, chết lạnh và chết đói trong nỗi oan ức mà linh hồn của nó cũng chẳng có nơi nương tựa. Không biết nghĩ sao tôi vừa khóc vừa vái trước mộ nó: “Ba đưa con vào nhà. Ba sẽ luộc bắp cho con ăn.”
Sau đó tôi bồng con Nhàn vào nhà như thể tôi đã bồng con Thanh.
Vào nhà, tôi lấy một miếng gỗ nhỏ, tựa vào vách, rồi dùng bốn thanh tre, chôn dưới đất làm bốn chân bàn để làm tạm bàn thờ cho con Thanh.
Trong khi đó, con Nhàn nổi lửa luộc hai trái bắp đẹt làm thức ăn cúng cho con Thanh.
Tôi thấy trên bàn không có nước, tôi bảo con Nhàn lấy ly rót nước cúng con Thanh.
Nhàn đi qua đi lại trong cái nhà tranh như đang tìm kiếm vật gì? Sau đó nó lấy một cái gáo dừa đưa lên hỏi tôi: “Ba ơi! Nhà không có ly, mình dùng cái chén này rót nước cúng chị Thanh được không ba?”
Nước mắt lưng tròng, tôi khẽ gật đầu.
Thế cũng xong, cũng qua một tuần cúng vái. Các em của Thanh vừa lạy vừa khóc nức nở với tất cả lòng yêu thương người chị.

Tôi nhớ ra. Từ ngày vợ tôi đi thăm nuôi, xe bị lật chết. Nại chết tức tưởi để lại năm đứa con cho tôi. Kể từ ngày ấy đến giờ tôi cũng chưa có cơ hội lập một cái bàn thờ cho Nại. Tôi vội tìm trong mớ giấy tờ có cái chứng minh nhân dân của Nại. Tôi trang trọng vuốt hình vợ mình trong Chứng Minh Nhân Dân; rồi nhẹ nhàng đặt hình của Nại lên miếng gỗ mỏng làm bàn thờ. Tôi thờ chung hai mẹ con Nại và Thanh trên một manh gỗ mỏng của thời phồn vinh giả tạo còn sót lại.

Từ hôm đó, Thanh cũng không về khóc nữa. Nó cũng biết an phận trong cảnh lưu đày của một chế độ mà người bóc lột người… Thỉnh thoảng tôi vẫn có những đêm ác mộng: “Nại bị chết kẹt dưới những đống hàng chồng chất, máu me lênh láng còn Thanh thì đang nằm sóng soài trên một vũng máu mà miệng vẫn còn nhai ngấu nghiến chưa nuốt xong mấy hạt bắp sống..”

Duy Xuyên,
Tacoma