Monday, January 31, 2022

7 Loài Cây Hoa Được Mệnh Danh Là "Cây Phú Quý", Càng Trồng Nhiều Càng Giàu


Những ai thích trồng hoa luôn trồng một vài chậu cây ở nhà để trang trí nhà cửa và làm cho không gian sống trở nên xanh hơn. Đặc biệt một số gia đình giàu có thường trồng nhiều cây mang ý nghĩa phong thủy, thu hút tài lộc và vận may.

Trên thực tế, bạn không cần mua những chậu cảnh quá đắt tiền nhưng vẫn mang ý nghĩa tốt lành, tăng thêm vượng khí cho mái ấm. 7 loài cây hoa phong thủy dưới đây là lựa chọn hàng đầu được giới nhà giàu ưa chuộng.

1. Cây đại quân tử (quân tử lan)

Từ thời cổ đại, cây đại quân tử đã rất được giới quý tộc yêu thích. Lá của đại quân tử dày, nhìn từ phía bên giống như một chiếc quạt khép, khi nhìn trực diện thì như một chiếc quạt mở đều. 

Khi hoa lan quân tử nở, trông cứ như một tài tử điềm đạm, tài nhưng không kiêu, trí nhưng không ngạo. Dù là đặt ở vị trí nào cũng toát lên vẻ thanh tao, sang trọng. Cây đại quân tử thích hợp đặt trong nhà, nếu phối cùng chiếc chậu mang hơi hướng cổ điển thì càng đẹp hơn.

2. Măng leo (măng bàn tay, thủy tùng)


Măng leo có hương nồng, thường được đặt trong phòng làm việc. Nếu phải chọn một chậu cây nhỏ xinh để đặt trên bàn, cây măng leo sẽ là lựa chọn hàng đầu. 

Măng leo có kích thước nhỏ, cành nhánh rủ xuống tự nhiên, lá có hình dạng như những đám mây bồng bềnh, thân cành mảnh nhưng vẫn chắc chắn, ngụ ý tinh thần vươn lên vững vàng. 

Đặt một chậu măng leo xanh tốt trong phòng làm việc có thể làm giảm mỏi mắt sau những giờ làm việc căng thẳng, đồng thời tạo cho gia chủ động lực để không ngừng tiến bộ, giống như những khớp tre của măng leo vậy, không ngừng vươn cao.

Nếu được nuôi trồng tốt, măng leo có thể sinh trưởng đến vài mét. Tuy nhiên, để trưng trong nhà, bộ rễ của cây thường được cố định trong một chậu hoa nhỏ, không nên để bộ rễ của cây phát triển tự do.

3. Cây sen đá đô la


Cái tên sen đá đô la rất may mắn, hơn nữa giá thành lại rẻ. Loại cây này khi được tạo dáng bonsai kết hợp với chậu cây cổ sẽ càng thanh tao, sang trọng.

Tuổi thọ của cây sen đá đô la có thể lên đến vài chục năm, nuôi trồng rất đơn giản, lại mang ý nghĩa tốt đẹp. Đây là loại cây mọng nước rất đẹp, bạn có thể cắt tỉa thành nhiều dáng bonsai khác nhau để tô điểm cho không gian sống.

Cây sen đá đô la phải được nuôi trong môi trường nhiều ánh sáng hoặc ngoài trời, bạn có thể đặt chậu cây ngoài ban công, đừng quên cắt tỉa cành thường xuyên để giữ dáng cây đẹp. 

4. Cây phát tài (cây kim ngân)

Cây phát tài thường được trồng trong phòng khách và cửa ra vào ở nhiều trung tâm thương mại. Cây phát tài tượng trưng cho tài lộc dồi dào, mang ý nghĩa tốt lành nên đương nhiên được nhiều người lựa chọn. 

Hơn nữa, dáng cây đặc biệt cao và đẹp, tỏa ra những tán lá tươi tốt. Loài cây này vừa được trồng để thanh lọc không khí, vừa để trang trí nhà cửa.

Lý do khiến cây phát tài bán chạy hàng đầu là vì tên cây mang ý nghĩa hút tài lộc và may mắn đến cho gia chủ. Cách chăm sóc cũng rất đơn giản, bạn hãy đặt cây ở nơi có ánh sáng chiếu, thường xuyên tưới nước và phun sương để giữ ẩm cho lá.

5. Cây lưỡi hổ

Cây lưỡi hổ cùng là loài cây được giới nhà giàu ưa chuộng. Lá mọc thẳng, phiến lá có viền vàng và sọc hổ, trông rất độc đáo. Loại cây này rất dễ chăm sóc, dễ dàng chia và ghép chậu, khả năng chịu nóng và chịu râm tuyệt vời, dù là đặt ở đâu cũng rất xinh xắn. 

So với những loại cây khác thì lưỡi hổ dễ nuôi trồng hơn rất nhiều, bạn có thể trồng trong phòng ngủ, phòng khách, phòng làm việc, bất cứ nơi nào có ánh sáng tán xạ.

6. Cây phong lan

Cây phong lan được mọi người yêu thích nhờ dáng cây thanh lịch, tao nhã. Trong thế giới loài hoa, phong lan vốn là biểu tượng của sự thanh bình, hoa lan không bao giờ đua nhau khoe sắc, dáng lá thanh tao, thế cây tự tại, hương thơm thanh tao. Vì vậy, phong lan là loài cây trang nhã nhất trong tất cả cây cảnh.

Việc chăm sóc cây lan thực ra cần có kỹ thuật nhất định. Để lan sinh trưởng tốt bạn cần có môi trường tốt và ẩm ướt, cấu hình đất và tưới nước tốt thì cây mới có thể phát triển được.

7. Hòn non bộ


Thời xưa, những gia đình giàu có thường trồng những chậu non bộ đắt tiền. Hòn non bộ chủ yếu là cây tùng bách hoặc cây bụi. Một chậu non bộ chỉ nằm trong một lọ hoa nhỏ, nhưng thân và cành cây đều săn chắc, căng tràn sức sống.

Nhiều người giàu thích chơi hòn non bộ chứ không thích những loài cây cảnh khác, ngày xưa một chậu non bộ rất đắt tiền, chỉ người giàu mới mua được.

Hơn nữa, người đam mê hòn non bộ phải cắt tỉa, vun đắp thường xuyên và cần phải tìm hiểu sâu về văn hóa chơi cây cảnh, bù lại, họ là những người tương đối có tính nghệ thuật và thẩm mỹ. Tất nhiên, người chơi hệ bonsai như thế phải có nguồn tài chính nhất định, thế nên đây cũng là một trong những loại cây ưa thích của giới nhà giàu.


https://cafef.vn

Hoa Nở Sau Giao Thừa - Trần Hữu Hội

 

Khi hai đứa con gái cho nổ máy chiếc xe tay ga, ông Hoán còn dặn với theo:

- Mấy ngày trước thì chậu vừa vừa khoảng ba, bốn trăm, giờ này chắc chỉ một trăm, trăm rưởi thôi con nhé. Nhớ lựa búp có chớm vàng mới kịp.

Tiếng “dạ” thật to của hai cô con gái làm ông Hoán yên tâm, ông kéo cái bàn xa cầu thang thêm một chút, nơi ông định sẽ đặt cây mai chưng mấy ngày Tết.

Từ ngày bán cái nhà ở quê, cơ ngơi mà vợ chồng ông tằn tiện dựng gầy hơn nửa đời mới có, ông vào Sài Gòn mua một căn nhà, không to, nó chỉ dài hơn cái phòng ăn ở nhà ông một chút, được cái là có thêm lửng và lầu, cũng tạm đủ cho cả gia đình ông ta túc cho ba đứa con gái và một thằng con trai. Năm ngoái có thêm thằng rể rồi đứa cháu ngoại ra đời, lại chuyển nhà, cũng được hai phòng. Gọi là phòng nhưng chỉ đủ cho hai cái nệm thước tư, ở giữa có cái ngăn bằng gỗ.

Tự cho mình là tằn tiện là vì khi vợ chồng ông lấy nhau, hai người không có lấy một đôi nhẫn cưới. Những đứa con gái ra đời trong thiếu thốn, xoay chạy cũng chỉ sữa “ông Thọ” pha thêm chút đường, đứa nhỏ thì thế, mấy đứa lớn ăn thịt nhưng là thịt “bàng nhạng”, không mỡ mà không nạc, tội chúng nó, nhai mãi mà không nhuyễn được đành phải nuốt chứ nhổ thì uổng! Cũng may là ông bỏ dạy sớm, ra làm nghề chụp ảnh. Lương của vợ ông một tháng không bằng ông chụp một cuộn phim đen - trắng. Bù qua sớt lại gọi là đủ ăn, có dư ra đôi chục ngàn chơi cái huê cái hụi, để dành khi ốm đau.

Cách nay bốn năm, một cơn đột quỵ đến với ông, tưởng khó qua khỏi, vậy mà đưa vào tới Sài Gòn, hai ba người hàng xóm lên xe theo ông, ông trở về yên ổn, ca phẫu thuật đặt cái “Xì Ten” gọi là thành công. Lúc lên xe, vợ ông lận lưng lối chỉ chín triệu bạc, cầm cái “lắc” vàng mới mua được nhờ tiền hưu. Khi bệnh viện đòi đóng chín chục triệu cho ca phẫu thuật thì cái chết cầm chắc trong tay. Tiền đâu có mà mổ. Hàng xóm, bạn bè… thông báo cho nhau, tin bay tới bên Mỹ, bên Canada… Rồi như có phép lạ, đứa con lên phòng dịch vụ bệnh viên đóng cái rụp! Hai mươi ngày nằm lại, lúc về, con ông nói còn thừa cả chục triệu, sữa và quà không tính! Toàn tiền giúp của bà con bạn bè, không nợ ai một đồng.

Giờ thì ông đang chuẩn bị đón cái tết nơi cái chốn gọi là đắt đỏ nhì thế giới, sau Hà Nội! Đó là người ta nói vậy chứ ông mới vào chưa tới hai tháng nên cũng chưa biết gì!

        oOo

Hai đứa con trở về, khi nó thắng xe trước ngỏ, nụ cười trên môi ông Hoán tắt hẳn. Hai chậu mai chúng mua về làm ông thất vọng, không có một búp nào ra hồn, búp lá cũng chỉ lèo tèo:

- Hết rồi hay sao con mua mai gì kỳ vậy? Xấu thế này mà rước tới hai chậu!

Hai cô con gái cùng trả lời:

- Hết rồi ba, con có mua bông giả về gắn thêm!

- Thì thôi, về mua hoa tươi cắm cũng đẹp mà. Mai thế này thì chưng làm gì! Bao nhiêu vậy?

- Dạ… ba trăm.

Ông Hoán buồn rười rượi, giận nữa, nhưng vì cận tết cận nhất, ông im lặng. Ngồi xuống xoay xoay xem kỹ hết cây mai này tới cây mai kia, ông tính chuyện ghép cả hai cây làm một chậu!

Từ cái ngày các con ông lớn lên, học ra trường rồi đi làm, gia đình ông cũng qua cái túng thiếu, khỏi nuôi chúng cái ăn cái ở, ông cho chúng tự chi tiêu, nhiều khi ông giật mình vì chúng tiêu pha khá rộng! Có hôm vào thăm, chúng chở ông đi ăn nhà hàng Hàn Quốc, trả một triệu ba cho bữa ăn làm ông choáng váng! Khi chúng hỏi “ngon không ba?”Ông cười:

- Nhiều tiền quá, cho ba tô phở thì ngon hơn!

- Ba, ăn cho biết thôi mà, mai ăn mì tôm với tụi con ba ạ.

Ông biết con ông rất thương cha thương mẹ. Nhưng từ cái bữa ăn đó, ông hơi lo vì chúng tiêu pha không như ý ông, không như ông muốn! 

Vợ ông cũng như ông, nhưng thấy ông không vui an ủi:

- Con nó làm được thì cứ cho nó tiêu pha, ngày còn nhỏ tụi nó khổ rồi!

Có một điều an ủi ông, ngày ông vào thăm con nơi xóm trọ, người ta ai cũng chào ông thân tình.

Ông thấy lạ, hỏi các con:

- Sao họ biết ba mà chào hỏi thế, nghe nói “dân Sài gòn” không ai quan tâm tới ai mà…

Chúng cười:

- Tụi con cũng sống như ba vậy, quan tâm họ thì họ thương mình. “Mình ăn thì hết, người ta ăn thì còn.”

Chúng lại nhắc cái câu ông thường nói.

Gặng hỏi ông mới biết. Tháng lương đầu tiên của mỗi đứa, chúng mua sữa hết, đem biếu cho người già nghèo khổ trong xóm, rồi sau này thỉnh thoảng chúng mua quà cho họ, ai ốm đau thì cho tiền mua thuốc… Ông thích lắm, nhưng lâu rồi ông cũng quên.

Giờ nhìn hai chậu mai, ý nghĩ “xem nhẹ đồng tiền” lại lẩn quẩn trong tâm trí ông!

Thường thì khi nào thấy ông buồn hay có điều gì phật ý là các con hoặc vợ ông an ủi, lần này cả mẹ lẫn con im re, có phần vui hơn nên ông càng buồn! “Thôi thì tết nhất, cứ có hoa là đẹp rồi”. Ông cho cả hai gốc vào một chậu rồi đứng ngắm nghía, gắn thêm vài cái bông, lá, búp giả… Chậu mai tươi lên. Đứa gái út đi chơi về lôi trong túi ra một nắm những trái cầu xanh, đỏ, vàng… Phúc Lộc Thọ với tua tua… gắn lên trông cũng rực rỡ tết nhất, tuy có hơi màu mè!

Thấy cả nhà vui ông cũng vơi buồn.

                 oOo

Nhà có lệ thường là sau khi cúng giao thừa, thắp nhang bàn thờ… thì ông lì xì cho các con gọi là tài lộc đầu năm. Năm nay, vợ ông không chuẩn bị gì cả, ông hỏi thì bà nói:

- Mình lớn tuổi rồi, cứ để con cái nó mừng tuổi mình thôi.

Có lẽ đã chuẩn bị sẵn, sau giao thừa chúng kéo nhau trên lầu xuống, đứa nào phong bì đó, đến trước ông và vợ:

- Chúng con mừng tuổi ba mẹ.

Ông cảm động lắm, quên hết muộn phiền. Người ta nói: “Nước mắt chảy xuống”. Ông chưa hề đòi hỏi gì các con, cũng chưa khi nào chúng đem tiền về cho ông bà, mặc dù chúng làm ra khá tiền… Nhưng mua chiếc xe, cái máy tính, ông nói với bà: “Cứ cho con đi em…”.

Xong thủ tục mừng tuổi, đứa con gái lớn nói:

- Ba, hai chậu mai không phải giá ba trăm đâu ba!

Ông nhăn mặt hỏi:

- Vậy chớ bao nhiêu?

- Dạ… bảy trăm!

Ông muốn lớn tiếng la con, nhưng:

- Khoan đã ba, nếu là ba, ba cũng mua giá đó mà có khi hơn, nếu trong túi ba có nhiều tiền… Mai thì vô số chậu đẹp, chỉ giá hai, ba trăm, búp nhiều… nhưng có bà già ngồi với hai cây mai này, bên cạnh là đứa cháu đang vốc cơm ăn. Hai bà cháu ở Tây Ninh, hai gốc mai này là mai nhà, nghe người ta kháo nhau đem mai lên Sài Gòn bán được nhiều tiền nên nhờ người bứng hộ, đem lên bán kiếm tiền về mua thuốc cho ba đứa bé bị bệnh. Không biết chăm nên không ra búp ra hoa chi cả, bốn ngày rồi không ai mua! Khi con thấy đứa bé vốc nắm cơm đã khô trong cái hộp xốp, con quyết định mua hai gốc mai, hỏi giá, bà nói:

- Một trăm ngàn cũng được, đủ tiền xe cho nội về Tây Ninh thôi! Nội lỡ dại nghe người ta nói mà tham…

- Con gởi bà hai trăm cho hai cây mai, lì xì đứa bé năm trăm. Hai đứa con biết là có thể bị lừa, nhưng nếu không thế thì chắc chắn là mấy ngày tết cứ ray rứt không yên! 

Ông lặng người, mắt ông đỏ lên rồi bên khóe lăn xuống môt giọt nước mắt, giọng ông nghèn nghẹn:

- Ba cảm ơn các con, là ba, ba cũng sẽ như thế, có bị lừa cũng được! 

Ông hạnh phúc lắm, trong ông như vừa rộ lên một rừng hoa! Những gì ông dạy con cái bấy lâu nay đã đơm hoa và nở rộ. Ông nhìn chậu mai, nó như đã nở hoa thật, ông lại lẩm bẩm: “Ba… ba cảm ơn các con!”

Trần Hữu Hội

http://trachan-tranhuuhoi.blogspot.com/2017/12/hoa-no-sau-giao-thua-tap-tuyen-ngan-do.html

Ly Rượu Mừng XUÂN Nhâm Dần 2022 -HD - Youtube LK

Một Chút Thôi... - Như Nhiên Thích Tánh Tuệ


Một chút của những bước chân
Cố hương ngàn dặm cũng gần một khi..
Một vài đá sỏi li ti
Hẹn nhau thành núi Tu Di có ngày.

Một chút tình thương mở bày
Người vui - mình cũng đong đầy niềm vui.
Một chút nhường nhịn, bước lui
Nghe hồn thanh thản biển trời bao la

Một chút tha thứ, bỏ qua
Ngày mai vẫn đậm chung trà đệ huynh
Một chút cử chỉ chân tình
Khổ đau.. gửi lại ánh nhìn Tạ ơn.

Một chút xoa dịu nỗi buồn
Khô khan dòng lệ tủi hờn bấy lâu.
Một chút lời hỏi han nhau
Lòng biên giới bỗng.. nhịp cầu bắt sang.

Một chút thôi, giọt nắng vàng
Cũng làm ấm buổi Đông sang lạnh lùng
Một chút nến giữa gian phòng
Bóng đêm muôn thuở bàng hoàng, lặng thinh..

Một chút tiếng Kệ, lời Kinh
Chiều kia rơi vỡ tâm tình u mê.
Một chút gieo hạt Bồ Đề
Vị lai hoa Giác xum xuê đầy cành.

Một chút là ý niệm lành
Đâu ngờ.. giọt nước viên thành cơn mưa..
Một chút ni chớ hững hờ
Đời nghe an lạc từng giờ gọi tên.
Một chút này chẳng bỏ quên
Con đường hạnh phúc bước thênh thang hoài.

 

Như Nhiên Thích Tánh Tu

Chiều Xuân Xưa - Điệp Mỹ Linh


Kéo seat belt xong, nghe tiếng hát từ CD, bà Vân ngạc nhiên, hỏi Kimberly – con gái của Bà  – bằng tiếng Anh; vì Kimberly sinh tại Mỹ:

-Kim! Con nghe nhạc Việt à?

Vừa cho xe chạy từ từ Kim vừa “dạ”.

-Làm thế nào con hiểu được?

-Hiểu lời ca hay không, không thành vấn đề; vấn đề là nhạc hay thì con nghe.

-Con nói đúng. Nền âm nhạc Việt Nam trước năm 1975 là một kho tàng nghệ thuật.

Kim im lặng lái xe. Bài hát dứt. Tình khúc kế tiếp được bắt đầu bằng dòng nhạc rất quen thuộc; rồi bà Vân nghe tiếng hát ngọt ngào:

“Mây cuốn mịt mù che khuất ánh sao.

 Lạnh lùng sương xuống đã lâu...” 

Bà Vân thở dài, nhìn ra khoảng không gian mênh mông của một chiều Xuân nhạt nắng, như muốn tìm lại hình ảnh Quân – người yêu thời thơ dại của Bà. Tiếng hát vẫn thiết tha: 

“… Nhìn sao thề rằng yêu mãi người ơi! 

Dù nhiều giông tố trong đời; 

Dù cho ngàn sao đổi ngôi!...” 

Bà Vân xoay mặt sang phải để Kim không thấy mắt Bà đang nhòa lệ. Theo dòng lệ hoen mờ, bà Vân tưởng như thấy được hình ảnh Quân lung linh trong nắng chiều. Không gian đã khác, thời gian đã lâu, nhưng hình ảnh của Quân vẫn hiên ngang – pha chút ngạo mạn –

Bìa rừng tại kinh tế mới Xuân Hưng là nơi con cháu của “Ngụy” mỗi ngày phải vào, tìm bất cứ vật gì để phụ vào kinh tế gia đình.

Thời bao cấp, Vân chỉ là cô gái thành thị, vừa chớm tuổi dậy thì. Vân chẳng hiểu tại sao “bỗng dưng (!)” Ba phải vào tù, Mẹ và ba chị em của nàng phải vào sống nơi rừng thiêng nước độc, để Mẹ và chị phải “buôn đầu ngược, bán đầu xuôi”, Tuấn – em của nàng – và nàng phải trở thành hai đứa trẻ mót củi/mót khoai.

Vân, Tuấn và nhóm người mót củi/mót khoai thường ăn trưa chỉ với củ khoai lang hay một khúc khoai mì luộc. Như thường lệ, Vân bảo Tuấn ăn xong nên tựa bao cát đựng khoai để nghỉ trưa và cũng như canh chừng khoai để người ta khỏi ăn cắp; rồi nàng đi xa xa khỏi nhóm người, tìm nơi vắng vẻ, ngồi ăn một mình và suy gẫm về những điều mà khối óc non nớt của nàng không thể hiểu được!

Vì không hiểu được những uẩn khúc của dòng đời nghiệt ngã, Vân cảm thấy buồn thương và tiếc nhớ những ngày tháng sum vầy, hạnh phúc đã qua. Đôi khi buồn quá, Vân “ngân nga” những câu hát chợt đến trong hồn. Một hôm, đang “ngân nga” đến đoạn:

“… Giờ đây ngoài trời im vắng mình tôi, 

Tìm vì sao khuất bên trời,

 Thầm mơ một tinh tú rơi…” 

Vân chợt nghe tiếng lá khô xào xạc từ phía sau. Quay lại, Vân thấy một thanh niên cao, da sậm màu, mặc quần đùi, áo thun rách, đang nhìn nàng và cười một cách rất thân thiện. Vân im lặng, nhìn người thanh niên. Thanh niên vừa bước đến gần vừa khen: 

-Cô bé hát hay lắm. Mấy hôm nay anh nghe văng vẳng hoài mà không biết ai hát.

-Sao chú không nghĩ đó là tiếng hát từ radio?

Thanh niên ngồi đối diện với nàng, đáp:

-Khắp vùng kinh tế mới này ai còn được cái radio nào đâu mà nghe nhạc! Thêm nữa, nhạc “Ngụy” bị tụi Việt cộng cấm, đâu ai dám nghe! Còn nếu tiếng hát từ radio thì phải có tiếng đàn hòa theo.

-Bộ chú biết nhạc sao?

-Biết chút chút. Còn cô bé, chắc cô bé chơi đàn? Đàn gì, nói anh nghe đi!

-Sao chú biết em chơi đàn?

-Thấy ngón tay của cô bé dài và suông đuộc thì đoán vậy. Em chơi đàn gì?

-Dạ, hồi đó em chơi piano.

-Bây giờ cơm còn chưa có mà ăn, làm sao còn piano để em đàn. Tội nghiệp em!

Vân cười buồn. Thấy nét mặt và ánh mắt của Quân có vẻ như xa vắng, Vân  hỏi:

-Hồi trước chú làm gì?

-Anh học Dược. Ồ, xin lỗi, chưa tự giới thiệu với cô bé. Anh tên Quân. Em tên gì?

-Dạ, Áng Vân. Nhưng ai cũng gọi em là Vân.

-Nhà anh ở ấp 11. Nhà em ở ấp mấy?

-Dạ, ấp 5.

-Gần mà. Hôm nào em “mót” được nhiều củi/nhiều khoai, cho anh biết, anh xách về giùm. Anh đi rừng chặt cây bán cho lò hầm than mỗi ngày.

-Chú xách củi và khoai cho em rồi ai vác cây cho chú? Em vác không nổi đâu!

-Người xinh như cô bé ai nở bắt vác cây đâu mà lo! À, anh đâu đã già, tại sao em gọi anh bằng chú?

Vân nhăn mũi, cười tươi, lộ chiếc răng khểnh rất dễ thương. Quân cũng cười, tiếp:

-Cho anh làm anh cô bé, được không? Anh không có anh em gì hết.

Vân cúi mặt, lặng im. Chỉ một thoáng sau, Vân đưa tay che mặt. Quân bối rối:

-Vân! Tại sao tự dưng Vân buồn quá vậy? Anh không cố ý làm em buồn. Cho anh xin lỗi, nha!

Im lặng. Nghe tiếng Vân “thút thít”, Quân lúng túng:

-Cho anh xin lỗi. Nếu em không cho anh làm anh của em thì thôi, đừng khóc!

-Không phải lỗi của chú; chú đừng xin lỗi nữa!

-Thế thì tại sao Vân khóc?

Vì tâm trạng bất an, Vân vô tình đáp:

-Tại vì anh làm em nhớ anh của em!

-Ô, anh của em vượt biển rồi, phải không?

-Dạ. Ông anh vượt biển, bị công an biên phòng bắn chết! Hai người anh khác bị Việt cộng nhốt trong trại cải tạo; một người trốn trại, bị bắn chết!

Vân cúi mặt, khóc tức tưởi. Quân thở dài:                       

-Bố của anh cũng bị Việt cộng nhốt tù rồi, cô bé ơi!

Như được dịp thố lộ nỗi niềm, Vân vừa quẹt nước mắt vừa kể:

-Ba em cũng bị Việt cộng nhốt tù! Khi Ba em khiên tre, ngã, đầu đụng đá, chết, Mẹ em và gia đình không biết tin! Lúc Mẹ em đi thăm thì không ai biết mộ của Ba em chôn chỗ nào! Sao Việt cộng ác quá vậy, Trời!

-Thôi, đừng khóc nữa, cô bé!

Vân quẹt nước mắt, nhìn Quân như dò xét. Quân cười:

-Làm gì mà quan sát anh kỹ vậy?

-Em nghĩ, có lẽ chú cũng cỡ tuổi với ông anh thứ ba của em.

-Thế à? Thế hồi trước anh ấy làm việc ở đâu?

-Dạ, anh ấy là trung úy Không Quân.

-Ô, sĩ quan cỡ đó thì Việt cộng không tha đâu!

-Còn chú? Tại sao Việt cộng lại tha chú?

Chợt nhớ tiếng “anh” mà lúc nãy Vân gọi chàng, Quân nghịch:

-Gọi anh bằng anh đi rồi anh trả lời.

Vâng e thẹn, cúi mặt. Quân tiếp:

-Cô bé đoán anh cỡ tuổi với người anh trung úy Không Quân của cô bé mà tại sao cô bé không ­­gọi anh bằng anh?

Vân chỉ cười. Quân lại hỏi:

-Cô bé tập cho anh hát bài mà em thường hát đó, được không?

-Dạ, tựa của bài đó là Tìm Một Ánh Sao; dễ hát lắm.

-Dễ thì tập cho anh đi!

-Em tập cho chú hát thì chú phải cho em biết tại sao Việt cộng không bỏ tù chú, nhen?

-Rồi. Cô bé hát trước từng câu, anh hát theo.

Sau khi Quân biết cách hát, Vân nhắc:

-Bây giờ chú trả lời em đi.

Quân lập lại câu nói lúc nãy:

-Gọi anh bằng anh đi rồi anh trả lời.

Vừa khi đó Tuấn chạy nhanh đến:

-Chị đi đâu em tìm quá chừng! Trở ra rẫy, không thôi họ lượm hết, còn đâu mà mót.

Vân bảo Tuấn:

-Tuấn! Chào chú Quân đi, em!

Tuấn cúi đầu:

-Dạ, chào chú Quân.

-Chào em Tuấn…

Quân chưa dứt câu, Vân vội  đứng lên, giã từ:

-Thôi, chú không nói thì thôi. Em chào chú. Em phải trở ra rẫy khoai mì.

-Sao dễ giận quá vậy? Anh trả lời cô bé nè! Vì anh là con trai duy nhất trong gia đình, được miễn quân dịch. Đó là luật của chính thể Việt Nam Cộng Hòa.

Vân chậm bước theo Tuấn rồi quay sang hỏi Quân:

-Thật không, chú?

-Thật mà! Không bao giờ anh dối em đâu. Ô, mai cô bé có đến chỗ hồi nãy để ăn trưa hay không?

Như ngầm hiểu sự thừa thãi về sự hiện diện của mình, Tuấn vừa chạy vừa nói vọng lại:

-Em ra rẫy trước, nhen, chị!

Vân nhìn theo Tuấn,  cười rồi đáp lời Quân:

-Dạ, em chưa biết.

-Trưa mai cô bé tới chỗ đó đi. Mình ăn trưa/nói về âm nhạc/về ca hát, nhé! Anh chờ.

Nhìn nụ cười đôn hậu và ánh mắt trìu mến của Quân, Vân cảm nhận được những rung động thần tiên trong lòng. Nàng e thẹn, “dạ” nho nhỏ.

Từ đó, mỗi ngày, sau khi ăn trưa, Quân và Vân ít nói về nhạc; Quân dành thì giờ dạy Anh văn cho nàng.

Gần Tết, đến chỗ ăn trưa, thấy Quân đang săm soi cây mai nhỏ nhưng đầy hoa, được trồng trong cái “soon” lủng, Vân ngạc nhiên:

-Cây mai ở đâu mà đẹp quá vậy, chú?

-Anh gieo hột, lâu rồi. Đây là lần đầu tiên cây mai trổ hoa. Anh tặng em làm quà Tết.

Vân thật sự xúc động, quên “giữ kẻ”, reo lên:

-Làm thế nào anh trồng được cây mai đẹp “dữ” vậy?

Quân cười thầm khi nghe tiếng “anh”; nhưng chàng giả vờ không biết để Vân khỏi ngượng:

-Anh đem cây mai đến cho cô bé thấy trước. Chiều anh sẽ đem cây mai đến nhà cho em; vì chậu hoa nặng, anh không muốn em bưng.

-Làm sao anh biết nhà em mà đến?

-Biết mà! Thôi, lo ăn trưa đi để anh còn dò bài cho em.

Trong lúc hai người ăn trưa, Vân hỏi:

-Có khi nào anh nhớ thời gian anh đi học hay không?

-Có! Nhớ nhiều lắm. Còn em?

-Từ ngày Việt cộng vô đây, họ đã cướp tất cả mọi thứ quý hóa trong đời em rồi!

-Cả miền Nam mình ai cũng bị như vậy chứ không phải một mình em hay là một mình anh. Mà thôi, chính trị không phải là chuyện của cô bé. Nói về ca hát đi!

-Anh muốn nói về nhạc phẩm nào?

-Anh muốn em và anh nên chọn bài Tìm Một Ánh Sao làm “nhạc hiệu”.

-Nhạc hiệu là một phân đoạn của một bản nhạc, được dạo lên trước một chương trình nào đó; còn bài Tìm Một Ánh Sao làm nhạc hiệu cho cái gì?

Quân muốn đáp “nhạc hiệu của tình yêu”, nhưng nhận ra thời gian chưa thuận tiện, vội nói khác:

-“Nhạc hiệu” của em và anh để chúng ta nhận ra nhau. Khi nào em nghe tiếng chàng nào hát bài Tìm Một Ánh Sao, em biết rằng anh đang tìm em. Ngược lại, khi nào cô bé muốn tìm anh, cô bé cũng hát bài đó, anh sẽ nhận biết và tìm em. Đồng ý không?

Vân im lặng, cúi mặt, cười.

Hôm sau, Vân đang dùng cơm chiều – bằng bo bo – chợt nghe tiếng Quân hát văng vẳng/xa xa:

“… Tôi muốn tìm về vang bóng lúc xưa, 

Mà lòng sao mãi ngẩn ngơ.

Tàn đêm qua tôi nằm mơ …” 

Nhận ra “nhạc hiệu”, Vân vội xin Mẹ đến nhà bạn chơi. Mẹ dặn:

-Con phải về trước khi trời tối.

Quân Vân gặp nhau, cùng đi chầm chậm trên con đường mòn dẫn ra đường cái quan. Quân cũng chỉ nói những điều vui vui làm Vân cười. Thấy nhiều nhà lên đèn, Vân tỏ ý cáo từ. Quân cầm tay nàng, đắm đuối nhìn vào mắt nàng:

-Trưa mai anh có chuyện quan trọng muốn nói với em, nơi chỗ mình thường ăn trưa, trong bìa rừng!

Vân chưa kịp hỏi “Tại sao anh phải chờ đến mai” thì Quân đã kéo nàng vào lòng. Vân lã người trong vòng tay của chàng. Quân hơi khom xuống, đặt lên môi nàng nụ hôn thật dịu dàng. Quân từ từ buông nàng ra, khẻ nói:

-Em về đi, kẻo Mẹ trông.

Vân vẫn còn ngơ ngác, tưởng như nàng còn ngầy ngật/bềnh bồng trong giấc mơ tuyệt vời!

Đêm đó Vân ngủ không được! Lòng nàng cứ lâng lâng trong niềm hạnh phúc vô bờ, nhờ dư vị của nụ hôn đầu đời.

Trưa hôm sau, theo lời Quân dặn, Vân đến chỗ cũ, chờ cả buổi cũng vẫn không thấy Quân. Vân tủi thân, khóc! Bất ngờ nàng thấy một mảnh giấy được cuộn nhỏ, gắn nơi cành cây, ngay chỗ lần đầu tiên Quân ngồi đối diện với nàng. Mở cuộn giấy, nàng thấy nét chữ của Quân:

“Áng Vân thương yêu!

Rất tiếc, anh không thể gặp em như đã hứa! Anh chỉ mong em hiểu rằng anh thương em nhiều lắm; nhiều hơn thương bản thân anh nữa!…”

Dòng hồi tưởng của bà Vân vừa đến đây, điện thoại cầm tay của Bà “rung”. Nhấn nút, thấy số điện thoại của Danny Trần – chồng của bà Vân, đang sống bên Việt Nam – giọng Bà không vui:

-Ông cần gì?

-Gọi thăm em với mấy đứa nhỏ chứ cần gì đâu.

-Mấy đứa nhỏ “mạnh khù”, tôi chưa chết! Còn gì hỏi nữa không?

-Mỗi lần điện thoại thăm em, em cứ nói “xóc họng” không hà!

-Vậy thì đừng gọi. Tôi đâu bảo ông gọi tôi.

-Anh ở bên này vì muốn giữ gìn tài sản của mình để khỏi bị gạc đến trắng tay vì cái nạn nhờ bà con đứng tên nhà cửa giùm chứ có phải anh ham chơi bời đâu.

-Giờ này mà ông còn bảo tôi tin lời ông hay sao?

-Vợ chồng gì nói chuyện với nhau cứ như “dùi đục chấm mắm nêm”!

-Ông là thợ mộc, không cần “dùi đục” thì cần cái gì?

-Bye!

Bà Vân thở mạnh như vừa trút được gánh nặng! Lúc nãy, nhớ đến Quân, tình cảm của bà Vân lênh láng, tràn ngập yêu thương. Bây giờ, chỉ sau vài phút điện đàm với Danny, lòng bà Vân lại dâng lên không biết bao nhiêu niềm cay đắng!

Không cay đắng sao được khi mà, suốt bao nhiêu năm dài, nhiều thanh niên – ngay cả cán bộ/bộ đội/công an – trong các ấp ở Xuân Hưng đều để ý đến Vân nhưng vẫn bị nàng chối từ. Thấy chị của Vân và Tuấn đều lập gia đình, có cháu cho Mẹ bế mà Vân cứ lủi thủi một mình, Mẹ rất buồn!

Rồi “phong trào” người Việt từ ngoại quốc về Việt Nam tìm vợ cho con hoặc mấy ông già về Việt Nam thụ hưởng trên thân xác của những cô gái chỉ đáng tuổi con/cháu của mấy ông ấy thì Danny về hưu “non” và cũng muốn “gặm cỏ non”. Để cho oai, mỗi lần về Việt Nam, Danny đem theo danh thiếp, in bằng tiếng Anh: Mr. Danny Tran, chuyên thầu xây cất. Sau nhiều lần khuyên giải/cản ngăn không được, vợ của Danny đưa đơn ly dị.

Khi người quen giới thiệu Danny với gia đình Vân, Mẹ bằng lòng ngay; vì Mẹ nghĩ, Mẹ không có tiền để “chạy” cho Vân xuất khẩu lao động hoặc lấy chồng Đại Hàn/Trung cộng; do đó, bất cứ ai đem Vân thoát khỏi cảnh sống cùng cực ở Việt Nam, Mẹ cũng nhận lời!

Vân khóc rất nhiều. Nhưng rồi nàng nghĩ, Quân không còn nữa, vậy thì, nếu tấm thân của nàng có thể đem đến cho Mẹ và gia đình đủ cơm ăn/áo mặc thì nàng chấp nhận; chỉ với điều kiện là phải đưa nàng sang Mỹ; vì nàng kỳ vọng rằng nàng sẽ từ từ đem được gia đình sang sau.

Sau đám cưới, Danny đưa Vân về Mỹ để khoe. Nhưng, sau khi Vân sinh hai đứa con, Danny lại ở Việt Nam sáu tháng, về Mỹ chỉ vài tuần. Lúc này Vân mới vô tình biết rằng, tờ giấy bằng tiếng Anh mà Danny kèm theo, buộc nàng ký khi làm hôn thú với Danny là tờ  Prenuptial Agreement (1). Vân không còn lý do gì để sống với Danny nữa; nhưng nàng muốn chờ hai con học hành/đỗ đạc xong, nàng sẽ lìa xa Danny…

Đang miên man trong dòng hổi tưởng, tiếng của Kim đưa Bà Vân trở về hiện tại:

-Mommy! Mommy okay chứ?

-Ờ! Bài hát đó gợi lại trong lòng Măng thời gian đói khổ ở kinh tế mới cho nên Măng buồn.

Cho xe dừng ngay chỗ dành riêng cho khách, Kim nhấn nút, lấy CD ra, bỏ vào hộp nhựa có tên bản nhạc, trao cho bà Vân:

-Tặng Mommy đó! Mommy vào lấy xe đi; con trở lại trường.

-Cảm ơn con.

-Kiếm được tài xế như con khó lắm đó! Bye, Mommy!

Sau khi trả tiền, lấy hóa đơn, bà Vân thấy chiếc xe của Bà được lái đến, đậu cùng hàng với những xe đã sửa xong.

Cho xe nổ máy xong, bà Vân lấy CD Tìm Một Ánh Sao do Kim mới tặng, cho vào máy. Khi tiếng hát đến đoạn:

“… Năm ấy mình thường đi dưới ánh sao. 

Hẹn rằng khi thấy nhớ nhau, 

mình ra bên song tìm sao...”

Bà Vân vừa quẹt nước mắt vừa nhớ lại tâm trạng của Vân kể từ buổi trưa Quân lỗi hẹn với Vân.

Từ khi Quân lỗi hẹn, không biết bao nhiêu lần Vân muốn đến ấp 11, hỏi thăm nhà của gia đình Quân để dò tin tức xem điều gì đã xảy ra cho Quân. Nhưng vì biết tính Mẹ nghiêm khắc, nàng không dám. Cuối cùng, Vân nghĩ rằng, có thể Quân cùng với gia đình đã vượt biên. Ý nghĩ này làm cho nàng buồn nhưng lại giúp nàng bình tâm và nàng thầm cầu nguyện cho Quân cùng gia đình chàng được đến bến bờ Tự Do.

Chiều 27 Tết, năm 1977, đang săm soi cây mai do Quân tặng, Vân nghe “loa phường” yêu cầu đồng bào, đúng ba giờ chiều, đến “tòa án nhân dân” xem “xử ný” tên “phản động”! Vân chẳng để ý. Nhưng không hiểu tại sao Mẹ lại lo lắng, gọi Tuấn nhiều lần, vẫn không nghe Tuấn lên tiếng. Mẹ than:

-Tình hình chính trị chưa yên. Tụi Việt cộng chưa hoàn toàn kiểm soát được vấn đề an ninh. Nghe đồn kháng chiến nổi lên “rần rần”, bây giờ loa phường lại kêu đi xem xử án. Không biết xử con ai mà thằng Tuấn đi đâu mất biệt!

Nghe Mẹ nói, Vân cũng cảm thấy lo cho em:

-Để con đi tìm xem Tuấn đang ở đâu.

Mẹ chưa kịp cản, Vân đã chạy ra sân. Vừa qua khỏi bụi chuối, Vân thấy Tuấn – với vẻ hoảng hốt tột cùng – chạy “như bay” về phía nàng, kéo tay nàng:

-Đi! Mau lên, chị! Tới xem. Tụi Việt cộng dã man thiệt!

Từ xa, Vân thấy dân chúng đứng thành vòng tròn nơi sân đá banh. Đến gần, Vân thấy một người đàn ông bị còng tay, mắt bịt kín bằng tấm vải, bị “tống” từ trên xe Lam xuống đất. Sau khi gượng đứng lên, ông ấy bị hai tên công an kẹp hai bên, đưa đến cọc gỗ – đã được dựng sẵn – rồi cột tay của ông ấy vào cọc gỗ. Mọi người nghe giọng sang sảng của ông ấy:

-Yêu cầu đừng bịt mắt. Tôi không sợ chết!

Một cán bộ đến mở băng bịt mắt cho người đàn ông. Chiếc băng bịt mắt của ông ấy vừa được lấy đi thì... Vân hoa mắt, tay chân run rẩy và khối óc tưởng như muốn vỡ tung trong nỗi hãi hùng !

Cán bộ quát lớn:

-Ai có “niên hệ” với tên Quân phản động này thì bước ra khỏi đám đông, nhìn hắn “nần” cuối.

Với ánh mắt lạc thần và nét mặt ngơ ngác như trong cơn mê, Vân lừng lửng bước ra. Trong khi Tuấn không biết phải phản ứng như thế nào thì Quân cong người, vừa giật giật cọc gỗ như muốn nhổ cọc gỗ lên, vừa gào lớn:

Một tên công an chạy đến, bịt miệng Quân lại; một

Vân nhìn Quân chăm chăm như nhìn vào một hiện tượng kỳ bí của thiên nhiên! Nàng hoàn toàn bị phân tâm, đứng im, chỉ nghe lao xao mơ hồ như ai nói gì đó – rất lớn và rất lâu – rồi một cán bộ rút súng lục, đến bên Quân. Quân vừa hô lớn “Việt Nam Cộng Hòa muô…” thì tiếng đạn nổ! Quân gục xuống trong tiếng thét hãi hùng của Áng Vân!...

Mỗi khi niềm đau thương/nỗi thống hận sống lại trong hồn bà Vân thì lòng vị tha của Bà đối với cộng sản Việt Nam cũng bị xén đi một mảnh! Bà Vân thở dài, quẹt nước mắt. Vừa khi đó, với hành động vô thức, bà Vân lái xe chầm chậm ngang một ngôi chùa. Nghe tiếng chuông vang vọng, bà Vân quẹo xe vào sân chùa, với ý niệm cầu nguyện cho linh hồn của những người thân yêu!

Quỳ nơi góc chánh điện, bà Vân chấp hai tay, hướng tâm về Phật Bà Quan Thế Âm, niệm danh hiệu Phật Bà. Sau một lúc lắng lòng cho đau thương tràn về, bà Vân rời chánh điện.

Đi ngang phòng ăn, bà Vân chợt thấy chậu mai vàng rực rỡ được để cạnh hồ nước nhỏ. Bà Vân dừng bước, nâng niu từng cành mai, lòng ngậm ngùi nhớ đến người xưa. Trong niềm thương nhớ vô bờ, bà Vân tưởng như thấy được nhân dáng hiên ngang/ngạo mạng của Quân – vào buổi chiều Xuân xưa nơi kinh tế mới Xuân Hưng – chờn vờn trên mặt hồ phẳng lặng.

Chiếc lá vàng từ đâu bay đến, chao lượn, rồi rơi xuống mặt hồ. Bóng Quân giao động, lung linh, rồi tan loãn. Vừa khi ấy, bà Vân tưởng như tiếng hát của Quân văng vẳng trong sân chùa và trong lòng Bà:

“… Tê tái lặng nhìn năm tháng lướt mau. 

Nghẹn ngào như mới vắng nhau,

Hồn mênh mang mơ về đâu? 

Mộng xưa tàn rồi tôi vẫn còn mơ…” (2)

 

Một cách kín đáo, bà Vân vẫy tay tạ từ hình bóng Quân. Cung cách của bà Vân lần này cũng đầy quyến luyến/tiếc thương chẳng khác chi ngày xưa, khi bà Vân thăm mộ của Quân lần cuối, trước khi Bà theo Danny sang Mỹ!

 

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

 

1.- Giấy thỏa thuận trước khi kết hôn.

2.- Tất cả lời ca trong truyện này được trích từ Tìm Một Ánh Sao của Hoàng Trọng.