Wednesday, October 31, 2018

Halloween Nhớ Xa Vời - Trầm Vân

“Hỏng” Gan Vì Uống Atiso, Trà Suốt Ngày - BS Lương Lễ Hoàng


Từ quan điểm “mát gan”, nhiều người đang dùng một số loại nước có pha dược thảo như nước uống suốt ngày. Việc sử dụng như thế là không đúng cách nên chẳng những đã không mát gan mà có khi còn hại gan một cách oan uổng. Dưới đây là hai thí dụ cụ thể:

 

Gan chưa mát, bụng đã trướng

Không thiếu người uống nước atisô cả lít mỗi ngày vì nghe nói uống như thế vừa bổ gan vừa đẹp da vừa trị đau bao tử nhưng sau đó lại bị đầy hơi khó chịu, đến bữa ăn bụng đói cồn cào nhưng mới ăn vài miếng thì đã no, trong khi con mắt còn thèm.

Atisô đúng là vị thuốc rất tốt để nhuận gan, lợi mật và để phục hồi nhu mô gan nên được dùng để giải độc cho cơ thể, nhất là ở đối tượng hút thuốc, uống rượu, làm việc trong môi trường ô nhiễm, người bị tăng mỡ máu… Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng cũng nên dùng atisô hỗ trợ chức năng biến dưỡng chất béo nhằm giảm bớt gánh nặng cho lá gan, trái thận và khung ruột. Nên nhớ là vết loét trên niêm mạc dạ dày, tá tràng sẽ rất lâu lành ở người cao mỡ máu, béo phì.

Nhưng không nên vì thế mà tự đầu độc bằng lượng atisô quá cao. Bởi cũng vì tác dụng tiết mật và co thắt túi mật để đẩy mật từ gan xuống ruột mà atisô nếu lạm dụng vì dùng quá thường xuyên hoặc mỗi lần dùng quá nhiều thì có thể gây co thắt toàn bộ cơ trơn của đường tiêu hóa. Cứ co vào dãn ra thì vết loét khó lành đồng thời nạn nhân sớm muộn cũng đầy hơi trướng bụng.

Táo bón như chơi

Nhiều người có thói quen chỉ uống trà thay nước trắng. Cũng như atisô, trà, dù là trà xanh hay trà đen, cũng là thuốc tốt vì hoạt chất kháng ôxy hóa trong trà (cụ thể là chất ECPG) có công năng phòng chống xơ vữa mạch máu, ngăn ngừa ung thư cho đối tượng phải tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, với hóa chất công nghiệp, nông nghiệp… Bằng chứng là các nhà nghiên cứu gần đây đã khuyên nên uống trà xanh khoảng 30 phút trước khi ra nắng để hoạt chất trong trà rải đều khắp cơ thể nhằm phong bế tác hại của tia tử ngoại trong ánh nắng gay gắt.

Nhưng bên cạnh đó, có hai điểm bất lợi thấy rõ khi chúng ta uống hơn 1 lít nước trà trong ngày. Đó là: Chất chát trong trà khiến khung ruột co thắt rồi đến lúc thành co cứng. Ẩm khách vì quá yêu trà sau đó sẽ trở thành nạn nhân của chứng táo bón; lượng sắt trong trà bao giờ cũng chiếm ưu thế khi tương tranh với các khoáng tố khác. Người yêu trà vì thế tuy thừa sắt nhưng lại thiếu nhiều khoáng tố vi lượng khác như kẽm, crôm, mangan… Đây lại là những nhân tố cần thiết cho hệ miễn dịch, biến dưỡng, thần kinh giao cảm. Lạm dụng nước trà vì thế có thể dẫn đến mệt mỏi, biếng ăn, buồn chán…



Tăng gánh nặng cho gan

Không chỉ riêng với atisô hay trà mà với cây thuốc nào cũng thế, người bệnh và ngay cả người chưa bệnh nhưng muốn phòng bệnh cũng không nên tự ý dùng thuốc theo lời đồn. Đừng quên là hoạt chất nào muốn nên thuốc cũng thế, phải được lá gan chuyển hóa mới triển khai được tác dụng như mong muốn. Gan thậm chí phải làm việc đến hai lần vì hoạt chất nào cũng vậy, dù là hóa chất tổng hợp hay dẫn xuất từ nguồn gốc thiên nhiên, sau khi tác dụng đều phải được gan biến thể lần nữa thành dạng không độc cho cơ thể trước khi theo đường bài tiết.

Mang hoạt chất vào cơ thể với liều lượng thái quá trong trường hợp không cần thiết thì chỉ tăng thêm gánh nặng giải độc cho lá gan. Tệ hơn nữa, nếu lá gan trước đó đã mệt nhoài vì gia chủ vướng một bệnh mãn tính nào đó.

Ngay cả khi dùng thuốc bổ cũng phải cân nhắc lợi hại. Không có thứ thuốc nào như thiên hạ thường đồn thổi là nếu không bổ chiều dọc cũng bổ chiều ngang. Vì đã là thuốc thì chỉ có thuốc tốt hay thuốc độc.

BS Lương Lễ Hoàng

Bao Nhiêu Đủ Đầy - Đỗ Công Luận

Năm Tháng Hoàng Hôn - Thái Anh QNA


Trước khi đề cập tới nước Mỹ, tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện của một gia đình người Nhật, ở tại nước Nhật.  Đây là câu chuyện hết sức đau lòng về cụ Shigezo, một tư chức về hưu đã 20 năm, goá vợ và ở chung với gia đình con trai tên Nobutoshi, con dâu Akiko và cháu nội trai Satoshi.

Con dâu Akiko vừa đi làm, vừa lo việc nội trơ, lại vừa chăm sóc đứa con trai còn học trung học. Ông cụ Shigezo, 85 tuổi đang tiến dần đến tình trạng suy nhược của tuổi già, là một gánh nặng hết sức to lớn mà Akiko phải gánh vác, một cuộc sống hết sức căng thẳng mà Akiko phải lãnh đủ, không có một sự cảm thông nào của chồng, dù chồng cô là con trai trưởng của cụ Shigezo.

Ông cụ đang từ từ quay về tuổi ấu thơ, Akiko phải xem  cụ như à một đứa trẻ mà cô phải bảo vệ và chăm sóc bằng  những cố gắng phi thường.

Cụ Shigezo bị bệnh lãng trí của người già ngay từ khi cụ bà còn sống. Rất nhiều lần cụ đã đi ra ngoài và không nhớ đường về nhà, có lần cảnh sát chở về hộ. Ông cụ lẫn đến nỗi lúc bà vợ bị té nằm chết trong nhà, có thểà là do bị stroke thình lình, ông cũng không hề biết, lại bỏ đi ra ngoài.  Akiko đi làm về thấy bố chồng đứng ngoài trời lạnh không áo khoác, cô đưa ông về nhà mới phát giác bà mẹ chồng đã nằm bất động từ lúc nào và, thảm kịch bắt đầu từ đây….

Sau khi vợ mất, bệnh lãng trí của cụ Shigezo càng trở nặng, Akiko phải chăm sóc cho cụ mọi việc, đến nỗi buổi tối cô phải ngủ cạnh để canh chừng. Nhiều lần trong đêm ông đã ra ngoài lúc trời có trăng sáng, vừa đứng tiểu tiện vừa nhìn trăng Akiko đi tìm gặp đưa ông vào nhà. Chính vì Akiko gần gũi chăm sóc cho cụ Shigezo nên trong gia đình cụ chỉ quen mặt và nhớ tên một mình Akiko thôi, sự kiện nầy đã khiến một đôi lần chồng và cô em chồng đã có vẻ ganh tị với Akiko, vì họ cho họ là con ruột lại không được bố nhớ mặt nhớ tên, trong khi Akiko là con dâu lại khiến cụ Shigezo nghe lời và còn luôn gọi tên cô nữa.

Người ta không biết rằng người bị bệnh lãng trí thì mọi việc đối với họ như một thói quen, một sự lập đi lập lại nhiều lần, y hệt như một đứa trẻ lúc nào cũng ở gần bên mẹ, mẹ cho ăn chăm sóc lo lắng đủ điều thì việc đứa trẻ quen  thuộc với mẹ hơn với bố là lẽ thường thôi. Thoạt đầu Akiko rất khó chịu, phiền hà khi phải chăm sóc cho bố chồng, cô không còn chút thì giờ nào cho riêng mình, cả ngày đi làm; chiều về đến nhà thì cả trăm công ngàn việc đang chờ cô; tối đi ngủ cũng chẳng yên giấc lại phải trông chừng ông cụ. Theo thời gian qua, bệnh tình của cụ Shigezo càng nặng hơn, đến nỗi cụ ăn rất nhiều mà chẳng biết ngừng nếu không có ai thấy mà cản ngăn. Trong đám tang của vợ, cụ ông vào bếp ăn cả nồi súp nấu cho khoảng chục người ở lại đêm trong tang lễ dùng. Tai hại kinh khiếp hơn là trong một đêm Akiko tỉnh giấc , cô rất đỗi kinh hoàng khi thấy bình tro cốt của mẹ chồng từ lâu vẫn đặt trên bàn thờ lại nằm dưới đất, nắp bình mở ra và trên hai tay cụ Shigezo cầm một vật mà Akiko nhìn như là mảnh xương lấy từ trong bình. Thật là khiếp đảm không thể tưởng tượng nỗi!  Akiko nghĩ không biết ông cụ đã có ăn miếng xương nào của vợ chưa ? Cuối cùng một sự kiện không tưởng nữa là cụ Shigezo đi vệ sinh trong tả, cụ cởi tả rồi bóc phân quẹt đầy tường, đầy thảm trong phòng. Thế là Akiko một phen vất  vả tắm rửa cho bố chồng, vừa phải dọn dẹp, tẩy uế phòng. Akiko không chịu đựng nổi nữa, cô đề nghị với chồng phải gửi cụ vào nhà dưỡng lão.

Vấn đề chưa được giải quyết thì cụ Shigezo đã trở bệnh nặng, dường như lúc nào bệnh có  những biểu hiện kỳ lạ chính là dấu hiệu những ngày cuối cùng của bệnh, và sau một lần rời nhà đi lạc được tìm về, cụ bị cảm nặng nằm liệt mấy ngày rồi trút hơi thở cuối cùng sau đó không lâu.

Akiko trong đêm khuya, ngồi một mình bên thi hài của cụ Shigezo chưa tẩm liệm, tay cô ôm chặt chiếc lồng nhốt con chim mà lúc sinh thời cụ Shigezo rất ưa thích, cô chợt thấy một nỗi trống vắng cô độc vô cùng. Lúc nầy cô mới cảm thấy bố chồng đã là một hình ảnh rất thân thuộc với cô;  nhưng khi cô cảm nhận được điều nầy thì hình ảnh thân quen đó từ nay đã xa rời cô mãi mãi, bất giác cô bật khóc nức nở. Cô khóc vì thương cụ Shigezo, khóc vì hối hận những lần cô đối xử không tốt với cụ, hay cô khóc cho chính số phận mình không biết ngày sau sẽ ra sao?!

Câu chuyện kể trên dựa theo bản dịch tiếng Việt từ nguyên tác bằng tiếng Pháp “Les années du crépuscule” của nhà xuất bản Stock, Paris 1986 (tiếng Mỹ tựa là The Twilight Years), một trong những tiểu thuyết bán chạy nhất của Nhật. Ngay năm 1972 là năm đầu tiên tác phẩm đã bán trên một triệu bản. Tác phẩm đề cập dến một vấn đề xã hội nóng bỏng ở Nhật, cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới đó là cuộc sống của người già, vị trí xã hội và quyền lợi mà họ xứng đáng được hưởng sau nhiều năm cống hiến công sức làm việc của mình cho cộng đồng xã hội.

Tác giả của quyển truyện nổi tiếng trên là nữ văn sĩ Nhật Sawako Ariyoshi, sinh năm 1931, mất năm 1984 ở Tokyo.

Thảm kịch trong câu chuyện trên không chỉ xảy ra ở nước Nhật, mà chính là một thảm trạng chung của nhân loại. Các trường hợp mất trí nhớ trên toàn thế giới sẽ gia tăng gấp 3 lần vào năm 2050 với 135 triệu người bệnh theo phúc trình mới nhất của Alzheimer’ s Disease International, được công bố trong cuộc họp G8 về bệnh Alzheimer’ s tại London.

Riêng tại Hoa kỳ được báo động hơn 5 triệu người Mỹ đang mắc bênh nầy, người ta ước đoán trong năm 2013 ở Hoa kỳ có 450,000 người chết  vì bệnh trên (theo tài liệu của Alzheimer’ s Association Hoa kỳ ). Các thống kê chính thức về bệnh lãng trí Alzheimer’ s cho thấy bệnh nầy là nguyên nhân làm chết người nhiều thứ 6 tại Hoa kỳ, với khoảng 83,000 người chết mỗi năm. Nhưng nghiên cứu mới nhất cho thấy con số thật có thể nhiều gấp 6 lần, theo tin CNN.

Cuộc nghiên cứu đăng trên tạp chí Neurology ước tính rằng bệnh lãng trí Alzheimer’s làm chết 503,000 người mỗi năm, và con số nầy là nguyên nhân làm chết người nhiều thứ 3 tại Mỹ, chỉ sau bệnh tim (600,000), và bệnh ung thư (575,000). Các nhà nghiên cứu hướng dẫn bởi Bryan James, giáo sư dịch tể học tại Alzheimer’s Disease Center ở Chicago nói rằng giấy chứng tử báo cáo thiếu sót về bệnh lãng trí Alzheimer’ s  thường ghi nguyên nhân chết vì bệnh trực tiếp hơn, như là bệnh hoại huyết (pneumonia). Cuộc nghiên cứu kéo dài 8 năm về người tuổi 65 trở lên, những người đồng ý cho thử nghiệm về bệnh mất trí nhớ và đã tặng não bộ để nghiên cứu khi chết.

Bệnh Alzheimer’ s là một căn bệnh của tuổi già, là hình thức phổ  biến nhất của chứng bệnh mất trí nhớ mà nhân loại đang đối diện, bệnh phá huỷ tế bào não và chức năng của não bộ rồi làm người bệnh thiệt mạng.  Căn bệnh nầy được đặt tên theo Bác Sĩ Tâm Thần và Thần Kinh Học người Đức tên Alois Alzheimer khi ông đã nghiên cứu và xác định căn bệnh bất trị nầy

Bệnh có những dấu hiệu như  sau:

- Trí nhớ sụt giảm, ảnh hưởng đến công việc hàng ngày.

- Mất định hướng về thời gian và không gian.

- Có vấn đề với cách dùng ngôn ngữ như xáo trộn từ ngữ thông thường.

- Để lạc đồ đạc và mất khả năng nhớ lại.

- Thay đổ tính tình hay tâm trạng.

Rồi dần dần bệnh nhân không còn biết tự kiểm soát mình nữa, đến nằm liệt và  chết dần.

Từ trước đến nay y khoa vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị dứt bệnh ngoài những khuyến cáo nên làm đối với người mới nhuốm bệnh, như tập thể dục, chữa mất ngủ, chữa bớt quên sót. Giới y khoa chỉ biết là bệnh liên quan đến việc thoái hóa những mảng xám của thần kinh não (neocortex), nơi điều hành những suy nghĩ và lý luận của con người.

Từ sự thoái hóa nầy, bệnh Alzheimer’ s sẽ đem đến một cái chết khổ sở, kéo dài, và đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần cho cả người bệnh và thân nhân…

Theo tin AP, ở Decatur, Alabama ( AP), có một cụ bà mắc bệnh Alzeimer’s đã sống cạnh xác của ông chồng suốt một tháng sau khi ông qua đời mà không biết việc gì đã xảy ra.

Ngày 10 tháng 3 năm 2014, thi thể cụ ông Jesse Kirby, 76 tuổi, được tìm thấy trưa ngày thứ sáu tuần trước trên giường, sau khi cảnh sát đến nhà để xem xét tình trạng của hai vợ chồng.

Cùng sống trong nhà là bà vợ, Doris Kirby, 78 tuổi, được đưa vào bệnh viện sau đó. Ông chồng có nhiều căn bệnh khác nhau, kể cả bệnh tim, và có vẻ đã chết trong khi ngủ khoảng 4 tuần trước đó, theo giám đốc văn phòng giảo nghiệm tử thi, ông Jeff Chunn. Ông Chunn cho hay cánh cửa dẫn vào phòng ngủ của người chồng đã đóng; và người vợ tiếp tục sống trong phía khác của căn nhà và vẫn có đồ ăn đầy đủ.

Ông Chunn cho biết hai vợ chồng có hai người con đều trưởng thành, sống ở vùng Decatur, nhưng không ai biết chuyện gì vì ông bà Kirby sống rất khép kín. 

Bệnh Alzheimer’s cũng từ lâu không còn xa lạ với cộng đồng Việt tại hải ngoại. Theo báo chí Việt ngữ tại miền Nam Cali, trước đây có hai vợ chồng Giáo Sư Bác Sĩ Lương Vinh Quốc Khanh và Nguyễn Hoàng Lan, đã nghiên cứu dùng sinh tố D (loại bắt buộc có toa bác sĩ chứ không phải loại tự do bán ngoài thị trường) để chữa trị bệnh Alzheimer’s. Tạp chí Y Khoa chính thức của giới Y Sĩ Hoa Kỳ “American Journal of Alzheimer’ s Disease & Other Dimentias “, Volume 26(7): 510, đã cho đăng bài khảo cứu  nầy.

 Bác sĩ Khanh là cựu Giáo Sư Bác Sĩ Y Khoa tại University of Southern California (USC), Keck Medical School, Los Angeles, California. Ông còn là Chủ Tịch sáng lập VAMA (Vietnamese American Medical Research Foundation).

 Nhưng thật trời không chìu lòng người, số phận vô cùng trớ trêu vì Bác Sĩ Khanh, người đã từng đạt danh hiệu “Khoa Học Gia Thế Giới Hàng Năm” (International Scientist of the Year) đã đột ngột từ trần ngày 02 tháng 10 năm 2013, trong khi công trình nghiên cứu về cách chữa trị bệnh Alzheimer’s của Ông đang tiến triển. 

*                                    
Theo mẹ tôi kể về ông cố, mới đầu ông ở dưới quê đi ra khỏi nhà mấy lần rồi quên đường về nhà. Lúc bà ngoại mất trước 75 vì bệnh, bà cô tôi (em ông ngoại) đưa ông cố từ dưới quê lên Sài gòn dự tang lễ, ông cố cứ ngồi kế bên quan tài  con dâu, đốt hết cây nhang nầy đến cây nhang khác.

Sau ngày 30/4/75 ông cố lên Sai gòn ở nhà người con trai lớn là ông ngoại tôi; Sau đó, người em ruôt của ông ngoại tôi đi theo miền Bắc từ năm 1954, gọi theo tiếng  miền bắc là “đi tập kết” trở về.  Ông chú ‘’cách mạng” này khẳng định bố mình mất trí như người điên, nên đưa ông vào bệnh viện tâm thần Biên hòa. Ông cụ bị nhốt chung phòng với những người điên thật sự, chỉ thời gian ngắn ngủi sau, tinh thần cụ bị khủng hoảng sa sút trầm trọng, cụ bỏ cả ăn uống kiệt sức dần dần. Ông ngoại tôi hay tin đến xin đón cụ về nhà, cụ nằm mê man, chỉ môt ngày sau là qua đời, có thể vì kiệt sức cả về tinh thần lẫn thể xác.

Sau nầy ở Hoa kỳ, lúc tôi còn nhỏ học tiểu học, bà nội của tôi cũng mất vì bệnh nầy năm 2004. Lúc ấy bà nội về ở chung nhà với bố mẹ và tôi, tôi chỉ nhớ bố hay bảo tôi lại gần nói chuyện, rồi ôm bà cho bà thấy vui; mà nào tôi có thấy bà cười đâu. Cô út tôi có hai con gái rất xinh, ba mẹ con cô đến thăm bà cuối tuần rồi ở lại nhà tôi chơi mấy ngày. Tôi và hai đứa em họ cứ vây quanh bà, đứa nắm tay, đứa hôn má bà, rồi lại làm trò hề cố chọc bà cười, vậy mà sao thấy bà vẫn dửõng dưng, ánh mắt bà như ngó tận đâu đâu xa vắng. Lúc đó tôi mới học lớp 2, nên cũng chẳng biết gì về bệnh của bà, bố tôi chỉ nói bà lớn tuổi rồi nên mắc bệnh hay quên của người già. Sau đó tôi chỉ nhớ mơ hồ bà không ở nhà tôi nữa, mẹ nói bà bệnh nhiều nên phải vào bệnh viện để chữa bệnh. Rồi một hôm đi học về tôi thấy nhà tôi có các bác, anh chị của bố từ các tiểu bang xa về, mẹ khóc nói với tôi bà mất rồi, con sẽ không bao giờ thấy được bà nữa đâu.

Mẹ tôi không phải là một bác sĩ, cũøng không phải là một chuyên gia nghiên cứu y khoa; nhưng bà hay để ý tìm hiểu và đọc những tài liệu nói về bệnh  Alzheimer’s, bà cũng là một thành viên của nhóm hổ trợ người bệnh và người nuôi bệnh (Alzheimer’s Vietnamese Caregiver Support Group). Bà sinh hoạt hàng tháng với nhóm nầy vào mỗi ngày thứ năm trong tuần lễ thứ nhì.

Công việc của mẹ tôi cũng có gần 4 năm săn sóc cho một bà cụ bị bệnh lú lẫn. Lúc đầu mới tiếp xúc với bà, mẹ gặp rất nhiều khó khăn do phản ứng lần đầu tiên gặp người lạ, bà la lối, xua đuổi, có khi còn mắng, còn nói nặng lời với mẹ.

Mẹ nói thời gian đầu nầy mẹ bị rất nhiều stress, có lúc mẹ tưởng phải bỏ việc ngang, nhưng rồi mẹ hiểu là bà cụ bị ảnh hưởng của căn bệnh Alzheimer’ s; không hề ý thức được việc làm của mình, cũng giống như ông cố hồi đó hay giống như bà nội của tôi lúc bệnh, và cũng giống y như ông cụ Shigezo trong truyện Nhật kể trên. 

 Mẹ nói mẹ rất buồn vì phải chứng kiến bệnh bà cụ ngày một nặng thêm. Cuối cùng, bà cụ đã từ trần sau mấy ngày hôn. Vậy là chỉ tới khi chết, bà cụ đã được giải thoát khỏi căn bệnh Alzheimer’ s quái ác

Cũng như mẹ, tôi không có ý định thành một bác sĩ, hay một nhà nghiên cứu y khoa, nhưng lớn lên trong gia đình có ông cố, bà ngoại là bệnh nhân Alzheimer’s, tôi muốn  theo gương mẹ góp một phần nhỏ vào  việc vận động mọi người mở lòng nhân ái, đóng góp chút công sức và vật chất vào những buổi đi  bộ gây quỹ của hội Alzheimer’s.

 Cùng với các bạn học, tôi đã nhiều  lần tham gia vào những buổi đi bộ gây quỹ của Hội. Khi nắm tay nhau trong những cuộc đi bộ, chúng tôi cùng quyết tâm thực hiện như lời kêu gọi của Ông Jim McAleer, President/CEO của Hội Alzheimer’s, “Cùng nhau, chúng ta hy vọng ở một thế giới không còn bệnh Alzheimer’s.”   

Còn nhớ, mỗi lần đi bộ, tôi lại được phát một áo T-shirt màu tím có chữ trắng tên của Hội. Tôi từng nói với mẹ, “Sao Hội lại chọn màu tím buồn quá vậy!” Mẹ nói màu tím giống như buổi hoàng hôn của tuổi già, buồn như căn bệnh Alzheimer’s  thời kỳ cuối cùng. Mẹ nói mẹ cũng cố gắng tham gia sinh hoạt Hội mỗi tháng, góp mặt đi bộ mỗi năm theo hội, thường vào tháng 10 hay 11, đó cũng là chút thiện chí nhỏ cuả mẹ.

Mẹ kể trong mỗi kỳ sinh hoạt hội mỗi tháng, mẹ đã tận mắt chứng kiến hay tận tai nghe kể những câu chuyện thật cảm động, thương  tâm: có ông đã kiên nhẫn nuôi vợ bệnh ở nhà gần chục năm; có bà cũng đã kề cận ông chồng bệnh trên mười năm, tưởng đã có lúc kiệt sức chết trước người bệnh rồi…

Trong câu truyện về cụ  Shigezo lú lẫn, có đoạn kể là Nobutoshi, cháu nội của cụ đã thốt ra trong một  lúc bực dọc chán nản khi cuộc sống bình thường của gia đình bị xáo trộn vì  hệ lụy do ông nội bị bệnh gây ra, đã nói “Bố mẹ đừng bao giờ sống già như thế!”

Tôi cầu mong các nhà nghiên cứu về Y Khoa trên thế giới sớm tìm ra thuốc khống chế được căn bệnh Alzheimer’ s  quái ác, để con cháu không bao giờ phải  không phải bật lên  câu nói bất hiếu đau lòng, để rồi  phải ân hận, như Nobutoshi cuối cùng nói lời hối tiếc muộn màng với mẹ Akiko “Giá mà ông nội sống thêm vài năm nữa!”

(Bài viết từng được phổ biến hạn chế, ký tên Phạm Duy An. Đây là một bút hiệu khác của Thái Anh/QNA).

Thái Anh/QNA
vietbao.com

Tuesday, October 30, 2018

Tôi Gọi Thu Về - Trầm Vân

Top 10 Oldest Cities In The World - HD - Youtube Long Kangaroo

Bài Thơ Từ Viện Dưỡng Lão Được Lan Truyền Khắp Nước Úc


Một ông lão ở Úc đã ra đi trong hiu quạnh tại viện dưỡng lão. Nhưng điều ông để lại lấy đi nước mắt của biết bao người.

Nhiều nơi trên thế giới, sự quan tâm của con cái đối với bố mẹ già đơn giản chỉ là gửi họ vào viện dưỡng lão, như làm tròn trách nhiệm và bổn phận của người con. Cuộc sống hiện đại đầy biến động, những người trẻ tuổi bị cuốn theo xu hướng sống nhanh, sống gấp khiến người thân bên cạnh vô tình bị lãng quên. Ông Mak Filiser chính là một trong những người không may như vậy.

Bước sang tuổi xế chiều, ông được đưa vào sống ở viện dưỡng lão ở Úc. Không gia tài đồ sộ cũng chẳng con cái đầy đàn, tài sản duy nhất ông có chỉ là tấm thân gầy gò và già nua. Đến cả những cuộc hẹn của người thân ông cũng ít lần được nhận. Ai cũng cho rằng, Mak là người bất hạnh, mảy may không có chút gì để đời, con cái thì hờ hững lãng quên. Thế nhưng, cái ngày ông từ giã cuộc sống ngay chính nơi cô đơn nhất này, người ta mới phát hiện ra một kho báu vô giá. Đó không phải là vàng bạc, đá quý mà chỉ là một tờ giấy nhàu nát với những dòng thơ nguệch ngoạc, được cô y tá vô tình thấy lúc dọn phòng.

Tưởng chừng như những câu chữ của một ông lão sẽ ngắn ngủi và chẳng mấy hay ho. Thế nhưng sau khi các cô y tá đưa bài thơ "Cranky Old Man" của ông lên mạng xã hội, tác phẩm này đã lan truyền khắp nước Úc, đăng trên mọi tạp chí trong lễ Giáng Sinh. Bài thơ nhanh chóng trở thành một hiện tượng toàn cầu không phải bởi nghệ thuật ngôn từ mà cốt là vì trái tim của ông lão ngoài 80 tuổi gửi gắm trong từng con chữ, từng câu thơ. Cảm động hơn cả không phải là những người bạn già khác ở viện dưỡng lão mà chính là những cô y tá, những người đã từng chăm sóc và luôn nghĩ rằng ông lão thật bất hạnh vì chẳng có trong tay thứ gì.

"Ông lão gàn dở
Hỡi những cô y tá, cô thấy gì?
Cô nghĩ điều gì khi nhìn vào tôi?
Một ông lão ốm yếu, già nua và ngớ ngẩn
Tính tình thật kì quặc với đôi mắt xa xăm
Luôn rơi vãi thức ăn, chẳng mấy khi lên tiếng
Khi cô lớn tiếng quát: “Ông hãy cố một lần
Dường như ông không thấy, mọi điều mà tôi làm”
Người luôn mãi bỏ quên... một chiếc giày hay tất?
Chẳng bao giờ lên tiếng, để mặc cô làm việc
Tắm rửa và ăn uống, suốt cho một ngày dài
Đó là điều cô nghĩ, nhìn thấy, có phải không?
Nhìn kĩ hơn cô hỡi, cô chưa thấy tôi đâu
Hãy ngồi đây tôi kể, câu chuyện của đời mình
Khi tôi lên mười tuổi, sống với cha và mẹ
Với anh và với chị, những người yêu thương nhau
Rồi khi lên mười sáu, với đôi cánh trên chân
Luôn mơ mộng mỗi ngày, về tình yêu đích thực


Và chú rể đôi mươi, với trái tim rực cháy
Sống với lời nguyện thề, trọn đời xin gìn giữ.
Bước vào tuổi hai lăm, nuôi nấng đứa con mình
Luôn cần sự chỉ bảo, bên mái ấm yêu thương
Người đàn ông ba mươi, khi sức trai bùng cháy
Che chở cho mọi người, gắn bó mãi dài lâu
Tuổi bốn mươi ập tới, đàn con cất cánh bay
Người phụ nữ bên tôi, giúp vơi đi nỗi sầu
Năm mươi năm trôi qua, những đứa trẻ lại về
Một lần nữa trong tôi, hạnh phúc lại đong đầy
Bóng tối bỗng che phủ, khi vợ hiền đi xa
Tôi nhìn vào tương lai, run rẩy và sợ hãi
Những đứa trẻ của tôi, chẳng thể nào gặp chúng
Năm tháng đã trôi qua, cuốn mất đi tình yêu
Giờ đây đã già nua, thiên nhiên thật tàn nhẫn
Tuổi già đến nhanh chóng, cứ ngỡ như trò đùa
Thân xác bỗng suy tàn, sức sống cũng ra đi
Tuy trái tim ngừng đập, chỉ còn là đá lạnh
Nhưng trong thân xác này, nhiệt huyết vẫn bùng cháy
Để rồi một ngày kia, trái tim bừng sống dậy
Tôi nhớ những niềm vui…tôi nhớ những nỗi buồn…
Tôi yêu và tôi sống, bắt đầu một lần nữa
Dù giây phút còn lại, ít ỏi và ngắn ngủi
Người ơi có biết chăng, chẳng có gì vĩnh cữu
Hãy mở mắt và nhìn
Chẳng phải lão già đâu
Hãy lại gần và thấy… một TÔI thật trẻ trung."

Bài thơ đầu tiên là những lời nhắn nhủ của Mak đến những cô y tá. Đừng chỉ nhìn ông như một lão già ngớ ngẩn và lẩm cẩm, đừng chỉ mãi tất bật chăm lo và quên rằng thứ họ cần hơn là một người bạn tâm sự sẻ chia.
Nếu hời hợt và thoáng qua ta sẽ chỉ thầy bề ngoài khắc khổ và già nua. Phải đến khi thẩm từng câu chữ ta mới thấy được kho báu tâm hồn vô giá nằm ẩn sâu bên trong Mak.

Bài thơ cũng là lời nhắc nhở tới những người trẻ tuổi. Đừng mải chạy theo cuộc sống cơm áo gạo tiền mà quên dành thời gian ở bên cha mẹ. Cứ mỗi ngày lãng phí trôi qua, bạn đã mất đi 24 giờ được ở gần họ. Vì thế, hãy biết trân trọng và chăm sóc bố mẹ khi còn có thể.

Nguồn: http://kenh14.vn

Halloween Ấm Tình Nồng - Đỗ Công Luận

18 Triết Lý Nhân Sinh Giúp Bạn Trở Thành Người Hạnh Phúc


1. Người bình thường bại bởi chữ lười, người có tài bại bởi chữ kiêu
Trên đời này có hai loại người ắt phải đối diện thất bại, loại thứ nhất là lười biếng, loại thứ hai là kiêu ngạo. Loại người đầu tiên thì gặp bất kể việc gì cũng “để ngày mai” rồi tính, kết quả sau cùng chẳng thể làm lên việc gì. Loại người sau thì thường không để ai trong mắt, cho mình là người thông minh tài giỏi hơn người khác nên thường chiêu mời sự oán ghét của người khác. Kết quả sau cùng cũng lại thất bại nặng nề.

2. Sống không cần phải lấy lòng người khác
Để lấy lòng tất cả mọi người đó là điều không thể và cũng không cần thiết phải thế. Lấy lòng tất cả mọi người cũng đồng nghĩa với việc đắc tội với tất cả mọi người, làm người mà cố ý đi lấy lòng người khác không những không mang lại kết quả tốt đẹp mà ngược lại chỉ khiến người khác chán ghét.

Thân cận người khác phải là tình cảm tự nhiên, chứ không thể dụng tâm cố ý, thời gian mà để lấy lòng người khác thì chi bằng làm tốt việc mình nên làm. Lấy lòng người khác thì chính là dựa vào người khác, vậy chi bằng dựa vào thực lực bản thân, nỗ lực thực hiện mục tiêu chính mình.

3. Tâm thái tốt do chính mình tạo ra
Chúng ta thường không thể nào thay đổi được cách nhìn của người khác về mình, điều có thể thay đổi chính là thay đổi chính mình mà thôi. Cuộc sống xấu không bởi sự hành ác của người khác mà do tâm cảnh bản thân không còn thiện lương ước chế. Chìa khóa để giúp cuộc sống trở lên tốt đẹp cũng không nằm trong tay người khác mà nằm ở chỗ chúng ta buông bỏ sự oán hận, than thở của chính mình.


Muốn có một cuộc sống tốt thì không thể dựa vào người khác mà thay đổi mà phải dựa vào bản thân không ngừng đổi thay, ngày ngày thêm phần hướng thiện tạo phúc đó mới là con đường ngắn nhất giúp mình thay đổi cuộc sống.

Vui buồn tại thân, vậy nên có nghịch cảnh đến mấy thì lạc quan sẽ chuyển biến hoàn cảnh. (Ảnh: Youtube)

4. Dụng tâm làm tốt những việc nên làm
Đời người tuy dài mà lại ngắn, thay vì dùng thời gian để lãng phí vào chuyện không đâu thì nên dành thời gian làm những việc có ý nghĩa tốt hơn.
Có vị tăng nhân đã từng nói: “Trên đường có người mắng ta, ngay cả quay đầu nhìn lại ta cũng chẳng màng, nguyên do là ta không muốn biết người nhàm chán đó là ai”.

Chúng ta làm người thì không nên làm tổn thương người khác và cũng không muốn người khác bình phẩm về mình. Làm người trước tiên hãy học cách lĩnh ngộ cuộc sống cho riêng mình rồi hãy nghĩ đến việc khác. Đặc biệt là những người trẻ lại càng cần phải cố gắng học tập, trải nghiệm nhiều hơn nữa. Có câu: trẻ không cố gắng, già hối hận.

5. Đừng tự làm khó cho chính mình
Học cách thưởng thức được chính mình đó chính là chìa khóa mở cánh của hạnh phúc trong tâm hồn chúng ta, thưởng thức chính mình không phải là chúng ta đơn phương tự hưởng, thưởng thức chính mình không phải là “duy ngã độc tôn”. Và thưởng thức chính mình cũng không phải là tự say chính mình mà là: tự cho mình có được niềm tin, có được sự vui vẻ, cho chính mình một vẻ mặt vui tươi. Dẫu sao, cuộc sống lo âu buồn tẻ sẽ chẳng khi nào bằng được sự vui vẻ lạc quan.
Tự tìm niềm vui cho mình cũng là một cảnh giới không phải ai cũng có được.

6. Đừng nên truy đuổi vinh quang thế tục
Làm người mà chỉ sớm chiều truy đuổi những thứ được người khác tán đồng thì cuối cùng điều nhận được chính là mất đi niềm vui, sự hạnh phúc của chính mình. Bình phẩm của thế tục khiến ta mất đi cá tính, chỉ điểm của thế tục khiến ta mất đi nhận thức đúng sai. Sống vì tiền bạc thì tiền bạc sẽ khiến cho ta sáu thân không nhận, sống vì quyền thế thì quyền thế sẽ khiến cho ta lớn gan làm bậy, sống vì danh vọng thì danh vọng sẽ khiến cho ta vì danh mà bại.

Học cách thưởng thức được chính mình đó chính là chìa khóa mở cánh của hạnh phúc . (Ảnh: Pinterest)

7. Mỗi người đều có cách sống riêng của mình
Tự thân vui buồn, tự thân biết, tự mình vui vẻ tự mình hay, đôi khi trong mắt ta nó là địa ngục, mắt người khác lại là chốn thiên đường. Và cũng đôi khi trong mắt mình là thiên đường mộng ước, mắt người khác lại địa ngục trần ai.
Cuộc sống chính là như vậy, thế nên đừng để tuổi xuân của chính mình phụ thuộc vào người khác, đừng để cuộc đời lên xuống bởi định kiến người đời.

8. Biết trân trọng chính mình mới có được một cuộc sống chân chính
Làm người hiểu được chính mình còn khó hơn hiểu được người khác gấp vạn lần, cũng như trân trọng chính mình khó hơn muôn phần so với việc trân trọng người khác. Có được một sức khỏe thích đáng và một tâm lý tự tôn đủ đầy, kiên cường đối diện với sóng gió cuộc đời. Không vì những mê hoặc bề ngoài của xã hội mà mất đi bản thân, không vì khó khăn nhất thời mà phủ định chính mình ấy mới là điều trân quý.

Thời thời khắc khắc tâm bình, khí hoà mà nhìn lại bản thân, nếu như ngay cả chính mình còn không thể chấp nhận thì nói gì đến người khác. Vậy nên, làm người sống sao mà có thể khiến bản thân trân trọng được chính mình trước đã.

9. Trong họa có phúc, trong phúc có họa
Cuộc đời có được có mất, vạn vật trên đời cũng luôn tương sinh tương khắc, hoạ là căn nguyên của hạnh phúc, và phúc cũng chính là mầm mống tạo lên tai hoạ. Vậy nên khi vui vầy trong hạnh phúc cũng chớ quên đi tu sửa chính mình, cũng như khi trong tai ương hoạ nạn cũng đừng chán chường buông bỏ, bởi sau điều tai hoạ ắt là điều hạnh phúc.

Làm người trân trọng chính mình khó hơn muôn phần so với việc trân trọng người khác. (Ảnh: Pinterest)

10. Điều quan trọng là sống sao cho một đời thực tế
Sống cuộc sống của mình sao cho mỗi ngày đều là ngày hạnh phúc nhất, mỗi ngày đều cảm nhận được hạnh phúc, an lạc đong đầy mới đúng là thực tế.
Nếu như mỗi ngày lo lắng cho tương lai, u sầu về quá khứ, vậy chúng ta sẽ chẳng có được một ngày hôm nay vui vẻ, an lạc. Cũng như sống mà suốt ngày cứ mải bận tâm suy nghĩ những điều xa với thực tế, không thể thực thi thì sao tâm thân có thể thanh bình?

11. Gốc rễ của niềm vui do chính mình tạo ra
Thông thường nhiều người luôn đem niềm vui cuộc sống của chính mình ủy thác vào những sự việc bên ngoài, phụ thuộc vào sự tán đồng của thế tục. Đa phần đều là vì tiền tài địa vị, đãi ngộ, một khi họ đã mất đi những thứ đó thì cũng coi như mất đi niềm vui, sự hạnh phúc để rồi đau buồn tột độ. Suy cho cùng, thứ hạnh phúc, niềm vui mà họ có được cũng chỉ là điều tạm bợ không bền vững.
Nếu như một người sống vui vẻ bởi sự ước chế của những điều bên ngoài thì một khi những thứ đó mất đi, họ cũng coi như mất tất cả. Suy cho cùng, thứ hạnh phúc, niềm vui mà họ có được cũng chỉ là điều tạm bợ không bền vững.

Vậy nên chỉ khi nào một người có thể tìm được ý nghĩa chân chính của cuộc đời mình, tìm thấy niềm vui thực tại trong chính nội tâm của mình, người đó mới là người nắm chắc được chìa khóa của hạnh phúc chân chính.

12. Cảm giác hạnh phúc chính là hạnh phúc
Rất nhiều người luôn đêm ngày suy nghĩ và kiếm tìm những thứ được cho là hạnh phúc, có người có thể tìm được, có người không. Tuy nhiên cũng có những người có được thứ họ muốn nhưng cuối cùng cái được chẳng bằng cái mất.

Kỳ thực, hạnh phúc chỉ là những điều giản đơn, đôi khi chỉ là một buổi sớm mai thức giấc được ngồi nhâm nhi ly cà phê một mình trong không gian tĩnh lặng. Hoặc giả được chuẩn bị bữa sáng cho người mình thương yêu, hay như ngắm nhìn vợ trẻ, con thơ vui đùa trong tổ ấm. Và cũng có thể, hạnh phúc đó là được một cái khoác vai của hai người bạn lâu ngày gặp lại. Tất cả đều có thể, bởi hạnh phúc chính là cảm giác của chính mình, người biết đủ thì sẽ luôn hạnh phúc, người không biết đủ thì hạnh phúc mãi chỉ là điều xa quá tầm với của họ.

Đôi khi chỉ là một buổi sớm mai thức giấc được ngồi nhâm nhi ly cà phê một mình trong không gian tĩnh lặng.(Ảnh: Noizz)

13. Làm người thì phải biết ghi nhớ ân đức với người khác
Làm người mà không thể nhớ đến ân đức người khác thì ắt chỉ biết quên ân, phụ nghĩa, khi có việc thì thề non hẹn biển, lúc xong rồi thì thì trở mặt làm ngơ. Sau này có khó khăn sẽ chẳng có ai ra tay tương trợ. Đây là loại người sẽ khiến người khác chán ghét nhất.

Người sống vong ân phụ nghĩa sẽ khiến cho bạn bè tổn thương, người thân đau khổ, mọi người xa lánh, loại người này thường có biểu hiện tranh công, đoạt lợi, ham muốn những cái lợi trước mắt. Vậy nên cuối cùng họ chỉ được cái nhất thời mà mất đi cái bền vững.

14. Phàm làm việc gì cũng cần để lại con đường lui cho chính mình
Mỗi người đều có con đường và vận mệnh riêng của chính mình. Trên đường đời, mỗi người ta gặp, mỗi việc ta thấy đều không phải chuyện ngẫu nhiên mà đều là duyên phận. Tất cả việc ta làm, người ta gặp đều không nằm ngoài 3 loại người này:
– Là người có thể thấu hiểu mình, người có thể hòa hợp và coi trọng mình.
– Là người không những không hiểu mình mà còn làm tổn thương, bài xích mình.
– Là người không liên quan đến cuộc sống của mình, không liên quan đên đau buồn sướng khổ của mình.
Đối với loại người thứ nhất, là người có ân với ta, cần phải tôn kính, trân trọng như một người thầy, người bạn dẫn dắt mình, có cơ duyên thì cần báo đáp.

Đối với loại người thứ hai, tuy là người mang tổn thương cho mình, nhưng cũng không cần phải ghi thù báo oán. Nếu không thể bao dung và tha thứ cho họ thì hãy dùng trí huệ mà tránh xa họ. Nhưng đứng trên một góc độ nào đó, người làm tổn thương mình chính là người mang cho mình sức mạnh, giúp mình kiên cường và trưởng thành hơn.
Đối với loại người thứ ba, cần phải dùng lễ tương kính mà đỗi đãi, hai bên hòa ái đồng tồn.

Làm người thì phải biết ghi nhớ ân đức với người khác. (Ảnh: Girly)

15. Điều mình không muốn, chớ làm cho người khác
Khổng Tử nói: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân“, nghĩa là: Điều gì bản thân mình không muốn thì chớ làm cho người khác. Người quân tử chính là như vậy, không ép buộc, cưỡng chế người khác, chỉ một lòng lấy thiện đãi người. Một đoàn thể có thể hài hòa ổn định hay không, then chốt chính là việc mỗi cá thể trong đoàn thể đó có thể tôn trọng, bao dung, lấy tấm lòng từ bi để đối đãi với nhau hay không. Nếu hãy còn tính toán, trách móc lẫn nhau thì khẳng định người ta sẽ không thể sống thanh thản dù chỉ một khắc.
Vậy nên làm người thì cần phải biết luôn suy xét hành vi và lời nói của chính mình xem có hòa ái hay không? Có như vậy mới có thể nhận được sự chấp nhận của người khác, trở thành một người lương thiện chân chính và cũng không nên xem mình là trung tâm của mọi vấn đề.

16. Khi đắc ý không quên hình, khi thất ý không quên thái
Con người khi đắc ý dễ đánh mất đi hình tượng của mình, quên đi bản thân mình là ai, dễ dẫn đến lời nói hành động không hợp với lễ, không đúng với đạo, đi đến chỗ sai lầm.
Thân trong nghịch cảnh chính là lúc cần đến sự nhẫn nại, nếu không ắt sẽ sớm muộn thất bại.
Khi thất ý con người dễ quên đi thái độ của mình, một khi thái độ không còn sẽ chẳng biết tương lai ra sao, khiến cho tư duy tuyệt vọng, hành động sai lầm.
Thế nên khi đắc ý phải giữ mình, khi thất ý cần phải giữ thái, thái độ trầm tĩnh, bình lặng mới không dẫn đến sai sót.

17. Làm người thì cần phải hỉ lạc có độ
Có câu vật cực tất phản, vui chơi giải trí có chừng mực sẽ giúp điều tiết tâm lý, giải tỏa áp lực, giúp người thoải mái. Còn vui chơi quá độ không có điểm dừng ắt sẽ khiến thân tâm tổn hại, đầu óc hoang mang, tinh thần mệt mỏi mất đi sức lực và sự thanh tỉnh vốn có của mình.
Cổ nhân nói: “Đại phàm khoái ý xử, tức thị đa bệnh xử” (Chỗ vui vẻ nhất cũng chính là chỗ nhiều bệnh tật đau buồn nhất), thường thì những nơi khiến ta vui vẻ, hưng phấn tột độ lại là nơi khiến ta mất đi ý chí, dẫn đễn chỗ thống khổ, hối hận.
Đời người có hỉ có lạc mới gọi là kiếp nhân sinh, tuy nhiên làm người thì phải biết buồn vui có mực như vậy mới có thể đi được bền, đứng được vững.

18. Làm người đối nhân dùng tình cảm, đối việc dùng lý tính
Xử lý công việc thì không thể cứ dựa vào tình cảm của mình mà làm, nếu không ắt sẽ gặp phiền phức. Có đôi khi cảm giác của con người là sai trái, sự việc nó không nhất định là đơn giản như những gì chúng ta nghĩ, như những gì chúng ta nhìn thấy ở bề mặt.
Chỉ khi một người khi có thể dùng lý tính mà làm việc mới có thể tránh khỏi những sai lầm đáng tiếc xảy ra. Xử lý công việc một cách có lý trí mới giúp ta không phải ôm hận và nuối tiếc.

Theo: book.idv.tw
Minh Vũ biên dịch

Monday, October 29, 2018

Phận Mại Dâm Và Chế Độ - Huy Phương


Nhân đọc bản tin, hiện nay có khoảng 5,000 phụ nữ Việt Nam đang hoạt động mại dâm trá hình ở Malaysia!

Theo quan niệm dân gian những phụ nữ hành nghề mại dâm, hay gái đĩ là loại gái bán thân vì tiền. Dưới mắt đàn ông họ là dụng cụ giải khuây, trong mắt đàn bà là sự hư hỏng, là một vết nhơ đáng khinh bỉ và xa lánh. Trong bài này, tác giả không có ý miệt thị một nghề, nếu nó được xem là cái nghề. Tôi cũng không biết ai là tác giả cái câu “nếu không có những con đĩ,  làm sao có con gái nhà lành.”

Nhưng sao cái đất nước khốn nạn của chúng ta lại có nhiều phụ nữ sa chân vào bùn nhơ như vậy.
Tình hình mua bán phụ nữ tại Việt Nam càng ngày càng tồi tệ.
Nguyễn Văn Thuận, phó giám đốc Công An Cần Thơ, cho rằng: “Rất khó kiểm soát tình hình mua bán người ra nước ngoài vì tội phạm hoạt động ngày càng tinh vi. Nạn nhân bị dụ dỗ ra nước ngoài sẽ có việc nhẹ, thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài có kinh tế khá giả, hoặc nạn nhân được mời đi du lịch nước ngoài rồi tìm cách lừa bán vào các lầu xanh.”

Theo Cục Tham Mưu Cảnh Sát, Bộ Công An, phần lớn nạn nhân bị bán sang Trung Cộng, Malaysia, Indonesia, Singapore và cả Cambodia để làm gái mại dâm. Xót xa hơn, hiện nay có khoảng 5,000 phụ nữ Việt Nam đang hoạt động mại dâm trá hình ở Malaysia.
Con số 5,000 do chính quyền Cộng Sản đưa ra, hẳn là con số khiêm nhường chưa dám nói sự thật, nhưng con số này đối với một người Việt Nam đã là một con số kinh hoàng, nhức nhối cho thân phận con người dưới chế độ này!
Con số 5,000 “khiêm tốn” này chỉ dành cho một xứ Malaysia, nếu như cộng với Singapore, Thái Lan, Cambodia, Indonesia, Singapore, Âu Châu; tội nghiệp kể cả Phi Châu nữa, thì con số này lên đến bao nhiêu?

Là người Việt, chúng ta thử nhìn lại, con cái chúng ta được học hành, chăn ấm nệm êm, có một cuộc hôn nhân tử tế, sống ra con người thì những phụ nữ khốn khổ này cũng là đồng bào, ruột thịt của chúng ta phải làm nghề bán thân, như những món hàng để kiếm miếng ăn.


Không phải ai cũng tin lời bọn buôn người, tin rằng mình sẽ có một cuộc hôn nhân hợp pháp, có công ăn việc làm, có thu nhập giúp đỡ cha mẹ, người thân. Cũng như những người vượt biển ngày trước ra đi, ai cũng nuôi hy vọng được đến bến bờ tự do, nhưng họ đã chấp nhận trước những tình huống có thể xẩy ra như chết vì tàu chìm, bị cướp bóc, hiếp dâm.

Hội nghị tổng kết về mại dâm năm 2013 của Việt Nam cho thấy: cả nước ước tính có gần 33,000 người bán dâm. Con số này hẳn là một con số quá ít, chưa tính đến đoàn quân “xuất khẩu lao động trên giường” hiện nay. Tuổi bán dâm ngày càng trẻ, từ 16-18 tuổi chiếm 15.3%, từ 25-35 tuổi chiếm 35% và đông nhất là từ 18-25 tuổi chiếm 42%. Về học vấn, 17.1% chỉ tốt nghiệp tiểu học, 39.3% đã tốt nghiệp trung học và đáng lưu ý là khoảng 10.3% đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng. Quan niệm cho rằng gái mại dâm do “học vấn thấp” thực tế không còn đúng nữa, như Bộ Công An xác nhận đối tượng bán thân là những người học vấn thấp, kinh tế khó khăn, không có việc làm, mâu thuẫn với nguồn tin sinh viên, hoa hậu, người mẫu… hành nghề mại dâm rộ lên ở Việt Nam hiện nay.

Xưa kia, nói đến những cô gái hành nghề “buôn phấn bán hương” thường cho số phận phải bán mình là vì hoàn cảnh gia đình, biến động cuộc sống, hay bị mưu mô, lừa lọc, sa bẫy của những tầng lớp phong kiến, như cảnh nàng Kiều bán mình chuộc cha… Hầu hết những cô gái lỡ sa chân vào nghề này đều có một câu “xuống xề” như nhau: nhà nghèo, anh chị em đông, cha mẹ đau ốm, học hành dở dang, bị lừa mất trinh tiết, sa chân vào bùn dơ rồi không thoát ra được!

Nhưng bây giờ, phần lớn “nạn nhân” là những loại người thích hưởng thụ, muốn đổi đời, giàu có, chưng diện. Hoa hậu đứng đầu đường dây “bán dâm” tuyên bố “cat-xê” chỉ đủ mua son phấn. Sinh viên sẵn sàng lên giường vì xe đẹp, phone đắt giá để tranh hơn thua với bạn bè. Tất cả chỉ vì tiền. Châm ngôn này được Hoa hậu Đồ lót Ngọc Trinh khẳng định: “không tiền thì cạp đất mà ăn!”

Không có gì dễ kiếm tiền bằng nghề “lên giường!” Trong khi mức lương của giáo viên từ 3-10 triệu đồng, thu nhập của người lao động khoảng trên 5.5 triệu đồng một tháng, thì hoa hậu lên giường mỗi lần 1.2 tỉ tiền Việt (hơn $50,000) Và nếu có “cầu” từ những cấp cán bộ đảng có quyền thế, tham những, hối lộ, cướp đất, cướp ruộng của dân, giàu có, trác táng vung đồng tiền qua cửa sổ, thì tất nhiên phải có “cung,” vì đây là nghề không vốn, trong xã hội băng hoại này lại là nghề ăn nên làm ra!

Động lực và hoàn cảnh nào đã khiến cho hàng trăm nghìn phụ nữ Việt Nam dấn thân vào con đường mại dâm trên ba miền đất nước và ra cả hải ngoại? Chính quyền chịu trách nhiệm gì trong việc này, ngăn chận, khuyến khích hay vô cảm, vô tâm vì lợi nhuận?
Một nàng Kiều của Nguyễn Du đã làm xúc động, mủi lòng bao nhiêu người từ năm này qua năm khác trên quê hương Việt Nam, ngày nay, có hàng trăm nghìn nàng Kiều bán thân, ai sẽ là người thương cảm cho họ.

Chọn đề tài này, tôi không có ý bêu rếu hay xát muối vào những vết thương của con người khốn khổ trong một đất nước khốn nạn này, mà cảm thấy chạnh lòng, vì cũng đầu xanh, máu đỏ, cùng một quê hương, cũng một phận người!

Xã hội có những nghề thường tình được công nhận, tôn trọng nhưng cũng có những nghề bị xem thường, ghét bỏ như là kỹ nữ bán thân xác. Nhưng trong tình người, dưới tinh thần dung thứ, một người làm kỹ nữ, một tên cướp đường, hay bất cứ nghề nghiệp nào cũng đều được nhìn trong cặp mắt hiểu biết, cảm thông.

Vì ai? – “Bạn ơi, nguồn thảm sầu kia bởi. Số phận hay do chế độ này?” (Tố Hữu).

Huy Phương

Thơ Chẳng Muốn Già - Trầm Vân

Reflection Photography

















[Fun Funky]

Ways To Know God / Cách Nhận Biết Chúa


In his book “Grand Design”, Stephen Hawking wrote: “Because there is a law such as gravity, the universe can and will create itself from nothing. Many atheists use this quote to prove that God is not necessary, or God does not exist. In fact, we can logically disprove Hawking’s arguments and prove that God exists by many ways. Dr Peter Kreeft show us 12 ways to know God…

Trong cuốn “Thiết kế Vĩ đại”, Stephen Hawking viết: “Vì có một định luật như luật hấp dẫn, vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra bản thân nó từ hư không”. Nhiều nhà vô thần sử dụng câu nói này để chứng minh Chúa không cần thiết, hoặc Chúa không tồn tại. Thực ra, chúng ta có thể bác bỏ luận điểm của Hawking một cách logic và có nhiều cách để chứng minh Chúa hiện hữu. TS Peter Kreeft chỉ ra 12 cách để nhận biết Chúa…

Trong một cuộc họp mặt trao đổi với một nhóm các trí thức trẻ gần đây, tôi nói: “Chứng minh Chúa hiện hữu dễ hơn chứng minh không có Chúa”. Thoạt nghe điều này, một số bạn có vẻ ngạc nhiên. Nhưng chỉ cần tĩnh tâm suy ngẫm một chút, các bạn sẽ hiểu ngay tại sao.

Thật vậy, để chứng minh không có Chúa sáng tạo nên vũ trụ ban đầu, bắt buộc bạn phải giải thích được tất cả mọi hiện tượng. Nhưng thực tế cuộc sống và khoa học hiện đại ngày càng chỉ ra rất nhiều hiện thực không thể giải thích được. Chẳng hạn, như tôi đã trình bày trong bài báo Science Can’t Crack Consciousness / Khoa học không thể phá vỡ bí mật của ý thức, trên PVHg’s Home ngày 03/08/2017, nhà khoa học giỏi nhất thế giới hiện nay là Edward Witten cũng phải thừa nhận ý thức là một hiện thực không thể giải thích được. Bạn chỉ có thể thừa nhận sự hiện hữu của ý thức nhưng bạn không thể giải thích được bản chất  của ý thức.

Ngay trong thế giới vật chất hữu hình cũng có vô số hiện tượng không thể giải thích được. Càng hiểu sâu vật lý càng biết nhiều hiện tượng như thế, đặc biệt là thế giới lượng tử. Tất định luận của Laplace (Laplace’s Determinism) đã vĩnh viễn lùi vào dĩ vãng như một kỷ niệm vang bóng một thời của tinh thần lạc quan ngây thơ của các nhà khoa học, và sẽ không bao giờ còn có thể hồi sinh trên các diễn đàn khoa học và triết học nữa.
Định lý Bất toàn của Kurt Gödel khẳng định Toán học bị giới hạn ─ tồn tại những cái ngưỡng mà toán học không thể vượt qua (chẳng hạn, tồn tại những mệnh đề bất khả quyết định, không thể chứng minh và cũng không thể phủ nhận). Toán học là khoa học logic chính xác nhất, đáng tin cậy nhất mà còn như vậy, suy ra hệ quả tất yếu là toàn bộ nhận thức của con người cũng bất toàn ─ luôn luôn tồn tại những thế giới, những sự thật không thể giải thích được.

Kurt Gödel, người mà Albert Einstein ngưỡng mộ đến mức nói công khai rằng ông đi đến Viện nghiên cứu (Princeton) chỉ cốt để được đi bộ về nhà cùng, tuyên bố không úp mở: “Materialism is False” (Chủ nghĩa Duy vật là sai lầm).
Vậy nếu bạn không thể giải thích được nguồn gốc của thế giới, của vũ trụ, của sự sống,… thì còn lựa chọn nào khác để bạn chối bỏ sự hiện hữu của Chúa?
Có người lập luận, “nếu Chúa sáng tạo ra vũ trụ thì cái gì hay ai sáng tạo ra Chúa?”

Xin nói ngay rằng đó là một lập luận ngây thơ, không hiểu nguyên lý logic. Tôi đã trả lời thắc mắc này trong bài viết Who created the Creator? Ai tạo ra Đấng Sáng tạo? trên PVHg’s Home ngày 19/09/2016
Tóm lại, chính logic và hiện thực cuộc sống dẫn chúng ta đến với Chúa, hoặc nhận biết Chúa. Tiến sĩ Peter Kreeft nêu lên 12 cách nhận biết Chúa như sau. Tôi nhận được bản dịch tiếng Việt bài báo của Kreeft từ một người bạn ở Mỹ, thạc sĩ vật lý Đoàn Văn Phụng. Xin chân thành cảm tạ TS Văn Phụng và xin trân trọng giới thiệu với độc giả bài báo này (Nguyên bản tiếng Anh ở cuối bài viết).

MƯỜI HAI CÁCH NHẬN BIẾT CHÚA

Peter Kreeft
(bản dịch của Đoàn Văn Phụng)
Chúa Giêsu định nghĩa cuộc sống vĩnh cửu chính là việc nhận biết Ngài (John 17:3). Bằng cách nào? Có bao nhiêu cách để chúng ta nhận biết Chúa, và nhờ đó mà biết được cuộc sống vĩnh cửu? Khi tôi kiểm đếm lại, tôi thấy có mười hai cách.
  1. Đương nhiên cách chung cuộc, đầy đủ và xác tín nhất là Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa trong thân xác con người.
  2. Giáo Hội của Chúa là thân thể của Người, vì thế chúng ta có thể nhận biết Chúa qua Giáo Hội.
  3. Các Thánh Ký (hay Kinh Thánh) là sách của Giáo Hội. Sách này cũng giống như chính Chúa Giêsu, được gọi là “Lời của Chúa”
  4. Sách Thánh cũng dạy rằng chúng ta có thể nhận biết Chúa theo Tự Nhiên ( Thư Roma 1 ). Đây là một nhận thức tự nhiên, tức thời và bẩm sinh. Tôi nghĩ rằng không ai sống kề biển cả hay cạnh một dòng sông nhỏ lại có thể là một người vô thần.
  5. Nghệ Thuật cũng phát hiện Chúa. Tôi biết ba người, trước đây là vô thần, nói rằng “Đã có dòng nhạc của Bach vậy thì hẳn phải có một Thiên Chúa”. Điều này cũng là kế cận.
  6. Lương Tâm là tiếng gọi của Chúa. Nó nói lên một cách xác quyết, không chấp nhận có những bào chữa nào hết. Đây cũng là kế tiếp. (Ba cách sau ở trên để nhận biết Chúa từ 4 đến 6 đều là tự nhiên, trong khi ba cách đầu tiên là siêu nhiên. Ba cách sau phát hiện ba thuộc tính của Thiên Chúa – ba điều mà tâm trí con người ước muốn nhất : sự thật, cái đẹp và điều thiện. Thiên Chúa đã đổ đầy ba điều này trên các sáng tạo của Người. Sau đây là sáu cách nữa chúng ta có thể dùng để nhận biết Chúa)
  7. Sự suy luận dựa trên phản ánh của thiên nhiên, nghệ thuật, hoặc lương tâm chúng ta có thể nhận biết Chúa bằng các biện luận triết học đúng đắn.
  8. Kinh nghiệm cá nhân, cuộc sống, chuyện đời bạn, cũng có thể phát hiện Chúa. Bạn có thể thấy bàn tay Quan phòng của Người ở đó.
  9. Kinh nghiệm tập thể về nòi giống, ẩn chứa trong lịch sử và truyền thống, được diễn đạt qua văn chương cũng có thể phát hiện Chúa. Bạn có thể biết Chúa qua các câu chuyện của người khác, qua các tuyệt tác văn chương.
  10. Các Vị Thánh phát hiện Chúa. Họ là các quảng cáo, các tấm gương, các Giêsu nhỏ. Có lẽ họ là cách hiệu quả nhất trong các phương cách để chinh phục và hồi cải con người.
  11. Các kinh nghiệm thường ngày của chúng ta trong việc làm theo ý Chúa sẽ phát hiện Người. Chúa sẽ trở nên dễ thấy hơn khi con mắt của tâm hồn được tinh luyện: "Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được xem thấy Chúa".
  12. Cầu nguyện thì gặp Chúa – sự cầu nguyện thường ngày. Bạn biết Chúa nhiều hơn do ít phút sám hối nguyện cầu hơn là suốt một đời (tìm kiếm) trong thư viện.
Chẳng may là các tín hữu Thiên Chúa giáo đôi khi có những tranh cãi trong gia đình về các cách thức này như là phải chọn lựa một trong hai thay vì là cả hai. Tất cả chúng đều bổ túc cho nhau và thật là ngớ ngẩn nếu xem chúng là những điều đối chọi nhau – chẳng hạn, việc tìm Chúa trong giáo hội đối chứng với việc tìm Chúa trong thiên nhiên, hay lý luận đối lại với kinh nghiệm, hoặc Chúa Giêsu với nghệ thuật.

Nếu bạn đã bỏ qua cách nào trong những cách này thì khuyên  bạn nên dò xem lại. Thí dụ bạn hãy cầu nguyện qua âm nhạc tuyệt vời. Hay bạn bỏ ra một giờ đồng hồ để kiểm điểm đời sống của bạn đôi lúc để xem Chúa có vai trò gì trong quá khứ của bạn. Hãy đọc một cuốn sách hay để gặp, để biết  và vinh danh Chúa nhiều hơn. Trước hết hãy cầu nguyện về việc đó.

Nếu có thể xin bạn hãy bổ sung thêm vào danh sách này. Không bài viết nào có thể ghi nhận được hết những phương cách để tìm kiếm và hiểu biết Chúa. Không đời nào cả.

Bình luận của PVHg’s Home

Tôi xin bổ sung vào bản danh sách trên hai cách khác để nhận biết Chúa:
1/ Dùng logic toán học để chứng minh sự hiện hữu của Chúa. Đó chính là việc Kurt Gödel ĐÃ LÀM. Công trình của Gödel đã được tôi giới thiệu trong bài báo Gödel chứng minh Chúa hiện hữu / Gödel proved that God Exists trên PVHg’s Home ngày 17/09/2014

Xin lưu ý rằng chứng minh của Gödel nói trên đã được xem như một KIỂU MẪU cho một dạng triết học mới, thần học mới, mà chính ông mô tả như một dạng triết học, thần học chính xác, tương tự như toán học hay vật lý vậy. Ông khuyên chúng ta hãy dùng phương pháp này ─ phương pháp logic toán học dựa trên một hệ tiên đề được khoa học thừa nhận ─ để xây dựng những lý thuyết cho phép mô tả những hiện thực siêu hình hoặc vượt ra ngoài, vượt lên trên thế giới vật chất. Ông tiên đoán một dạng triết học và thần học chính xác như thế sẽ ra đời trong vòng 100 nữa (ông mất năm 1978) để xử lý các vấn đề siêu hình một cách hiệu quả tương tự như hiện nay khoa học đang xử lý các bài toán vật chất thuần túy. Tôi cho rằng con đường do Gödel vạch ra là con đường hiệu quả nhất giúp chúng ta đến với Chúa trong một thế giới thiên về duy lý.
Phương pháp của Gödel có ưu điểm vượt trội so với các phương pháp của khoa học vật chất là ở chỗ nó không đòi hỏi phải có một công cụ vật lý hỗ trợ nào cả, mà chỉ cần một tư duy logic sắc bén mà thôi.

2/ Khiêm tốn học hỏi và suy ngẫm về tư tưởng của những bộ óc vĩ đại nhất mọi thời đại như René Descartes, Blaise Pascal, Gottfried Leibniz, Isaac Newton, Louis Pasteur, Lev Tolstoy, Lord Kelvin, Albert Einstein, Werner Heisenberg, Kurt Gödel,… Tất cả những vị này đều là những nhà khổng lồ về trí tuệ, có niềm tin tuyệt đối vào sự hiện hữu của Chúa.

Trong con mắt của tôi, những vị vô thần nổi tiếng ngày nay như Richard Dawkins, Jacques Monod,… chỉ như những chú bé con cố leo lên đầu những vì khổng lồ nói trên. Nhưng leo sao nổi, và cứ leo lên một chút rồi lại ngã. Họ thật đáng thương vì không có cái trực giác ─ cái “quà tặng thiêng liêng” mà Einstein từng nhấn mạnh, để khám phá chân lý.

Riêng tôi, tôi rất thích quan điểm của Peter Kreeft khi ông nói rằng: “Có âm nhạc của Bach, do đó có Chúa”. Ai đã từng mê nhạc của Bach thì không thể không nhận thấy Chúa ở đó. Chẳng hạn như bản “Jesu, Joy of Man’s Desiring”, tôi nghe mãi không chán. Giai điệu của nó đưa ta vào một cảnh giới thiêng liêng, thoát tục, cho ta cảm nhận được cái thiêng liêng, đẹp đẽ, cao thượng trên đời này, để rồi ta tự hỏi: “Ôi, con người, nếu chỉ là một động vật như Darwin nói, cho dù là động vật cao cấp, thì cớ sao nó lại cảm nhận được cái thiêng liêng? Con người mà không cảm nhận được cái thiêng liêng thì liệu có còn là con người không?”.

Có bạn nói với tôi: “Cảm xúc về cái thiêng liêng không nhất thiết dẫn tới Chúa. Có thể đó chỉ là tình cảm tôn thờ tổ tiên thôi chẳng hạn,…”. Tôi quá ngạc nhiên và hỏi lại: “Bạn ơi, nếu bạn tôn thờ tổ tiên thì tại sao bạn không cảm thấy còn có những vị thánh cao hơn tổ tiên của mình? Và còn có vị Thánh của các thánh nữa, cứ thế mà lên đến thượng tầng, bạn sẽ thấy Chúa…”.

Blaise Pascal, nhà toán học và triết gia vĩ đại người Pháp, nói: “Từ chỗ nhận biết Chúa đến chỗ yêu kính Chúa còn xa lắm” (The knowledge of God is very far from the love of Him). Nhưng những người yêu kính Chúa lại luôn luôn muốn mọi người trước hết hãy nhận biết Chúa.

PVHg 29/09/2017

NGUYÊN BẢN TIẾNG ANH BÀI BÁO CỦA TS PETER KREEFT
“There is the music of Bach, therefore there must be a God”.
Jesus defines eternal life as knowing God (Jn 17:3). What are the ways? In how many different ways can we know God, and thus know eternal life? When I take an inventory, I find twelve.
The final, complete, definitive way, of course, is Christ, God himself in human flesh.

His church is his body, so we know God also through the church.
The Scriptures are the church’s book. This book, like Christ himself, is called “The Word of God.”
Scripture also says we can know God in nature see Romans 1. This is an innate, spontaneous, natural knowledge. I think no one who lives by the sea, or by a little river, can be an atheist.
Art also reveals God. I know three ex-atheists who say, “There is the music of Bach, therefore there must be a God.” This too is immediate.

Conscience is the voice of God. It speaks absolutely, with no ifs, ands, or buts. This too is immediate. [The last three ways of knowing God (4-6) are natural, while the first three are supernatural. The last three reveal three attributes of God, the three things the human spirit wants most: truth, beauty, and goodness. God has filled his creation with these three things. Here are six more ways in which we can and do know God.]

Reason, reflecting on nature, art, or conscience, can know God by good philosophical arguments.
Experience, life, your story, can also reveal God. You can see the hand of Providence there.
The collective experience of the race, embodied in history and tradition, expressed in literature, also reveals God. You can know God through others’ stories, through great literature.
The saints reveal God. They are advertisements, mirrors, little Christs. They are perhaps the most effective of all means of convincing and converting people.
Our ordinary daily experience of doing God’s will will reveal God. God becomes clearer to see when the eye of the heart is purified: “Blessed are the pure of heart, for they shall see God.”
Prayer meets God—ordinary prayer. You learn more of God from a few minutes of prayerful repentance than through a lifetime in a library.

Unfortunately, Christians sometimes have family fights about these ways, and treat them as either/or instead of both/and. They all support each other, and nothing could be more foolish than treating them as rivals—for example, finding God in the church versus finding God in nature, or reason versus experience, or Christ versus art.
If you have neglected any of these ways, it would be an excellent idea to explore them. For instance, pray using great music. Or take an hour to review your life some time to see God’s role in your past. Read a great book to better meet and know and glorify God. Pray about it first.

Add to this list, if you can. There are more ways of finding and knowing God than any one essay can contain. Or any one world.

https://viethungpham.com/2017/09/29/ways-to-know-god-cach-nhan-biet-chua/