Sunday, July 31, 2022

Chuyện Như Đùa - N.Nguyễn

                      Phi trường quốc tế Tân Sơn Nhất. (minh họa: WiNG/Wikipedia)

Bà Nguyệt chất hành lý lên chiếc xe đẩy đến băng ghế trong sảnh ngồi chờ thằng cháu đến đón. Bà từ Mỹ mới về đến Sài Gòn trưa nay, nhà cha mẹ bà ở Sa Đéc, thằng cháu mướn xe từ dưới quê miền Tây lên đón.

Trưa mùa hè trời Sài Gòn nóng hừng hực, bà Nguyệt bước đến cửa hàng định mua một chai nước lọc, bất chợt bà nghe một giọng nói quen thuộc từ đoàn người mới đến từ trong bước ra, bà ngoái cổ lại nhìn, người đàn ông có giọng nói thân quen ấy cũng vô tình bất chợt nhìn thấy bà, ông ta có vẻ hơi ngỡ ngàng đôi chút, rồi cùng con cháu bước ra ngoài gặp người thân đang chờ.

Bà Nguyệt nhìn dõi theo, người đàn ông này chính là người chồng cũ của bà, người chồng mà bà đã bỏ rơi khi ông đang trong tù “cải tạo”, bà theo nhân tình trẻ đi vượt biên. Bà cũng đã nhẫn tâm bỏ lại thằng con trai cho bên nội nó nuôi lúc nó mới vừa năm tuổi. Bữa nay nó cao lớn có vợ con cùng đi về. Nó lăng xăng cùng mấy đứa con nhỏ, chắc không nhìn thấy bà, mà có thấy chưa chắc nó nhận ra người mẹ đã bỏ cha con nó đi theo nhân tình, mấy mươi năm không một lời thăm hỏi.

Bà Nguyệt ngồi thẫn thờ như người mất hồn, thằng cháu đến đón tưởng bà đi đường xa mệt lại thêm phần trời nóng. Suốt chặng đường về, bà ngồi làm thinh không nói một lời nào. Về đến nhà bà nằm rã rượi mấy hôm liền, lòng buồn buồn không muốn ăn, không muốn uống, không muốn gặp ai, bao nhiêu chuyện xưa giờ trở lại bà nhớ từng chi tiết, một nỗi buồn tha thiết dâng lên trong lòng.

***

Ngày đó, cô Nguyệt là nữ sinh lớp Đệ nhất trường “Trung học công lập Sa Đéc”. Cô nổi tiếng xinh đẹp, là một trong những hoa khôi ở cái thành phố nhỏ bé này. Cô lại có khiếu văn nghệ, hát hay cả tân nhạc lẫn cổ nhạc, các chương trình văn nghệ lớn nhỏ gì cũng có cô tham gia, nếu không hát thì cũng múa phụ diễn, hoặc đóng vai phụ trên mấy vở kịch vui.

Cô Nguyệt quen biết Trung úy Thiện hôm đi dự lễ Quốc Khánh. Cô là một trong các nữ sinh được chọn để choàng vòng hoa cho chiến sĩ. Trung uý Thiện được người đẹp choàng vòng hoa thì hồn xiêu phách lạc ngày nhớ đêm mơ. Chàng tìm cách làm quen và từ đó ngày đêm săn đón. Chàng là sĩ quan trong tiểu khu, nhà cha mẹ chàng cũng ở tại thành phố Sa Đéc này.

Cô nữ sinh hoa khôi nổi tiếng hát hay múa giỏi nhưng cô học không giỏi, cuối năm đó cô thi rớt tú tài, cô học lại thêm một năm nhưng rồi cũng thi rớt, buồn tình cô lấy chồng, năm đó cô vừa 21 tuổi.

Khi cô sinh con đầu lòng thì Trung uý Thiện được thăng đại uý và được đổi về làm chi khu phó Chi khu quận Châu Thành. Và rồi một biến cố xảy đến không ai ngờ, miền Nam mất vào tay Cộng sản, Đại uý Thiện cũng như bao người khác vô tù “cải tạo”, cô ôm con mọn về nhà cha mẹ, thằng con vừa hơn một tuổi.

Sông Sa Đéc. (minh họa: Wikipedia.org)

Bà Nguyệt đi ngang nhà cha mẹ chồng cũ, len lén nhìn vào trong mong thấy thằng con trai. Từ lúc nhìn thấy nó ở phi trường, mấy ngày nay lúc nào bà cũng nhớ đến nó. Bà thấy thật là có lỗi. Bà muốn nói với nó đôi điều cho nhẹ tấm lòng. Bà đi qua lại mấy lần, nhưng ngại không dám vào. Ông bà cha mẹ chồng cũ đã qua đời, nhưng bà sợ bà chị và cô em chồng hơn ai hết. Bà cũng biết cả bên gia đình người chồng cũ không ai ưa gì bà, từ lâu mọi người đều nói bà đã bỏ chồng bỏ con theo trai.

Bà Nguyệt nhờ người nhắn với ông Thiện là bà muốn gặp ông, bà có nhiều điều muốn nói với ông.

Ông Thiện đúng hẹn đến gặp bà Nguyệt. Cả hai gặp nhau ngỡ ngàng, ngượng ngùng không biết mở lời như thế nào. Bà Nguyệt lấy nước trà mời ông, ông cũng làm thinh không nói gì.

– Ông về đây với con cháu đông vui quá há.

– Còn bà, bà về đây có một mình, chồng bà đâu? Nghe nói bà có nhiều chồng lắm mà, hết người này tới người khác.

Bà Nguyệt nhìn ông chồng cũ.

– Ông còn lời nào độc địa hơn cứ nói hết ra đi, nói cho nhẹ lòng ấm ức bấy lâu nay, tôi đã chờ đợi cái ngày này mấy mươi năm rồi.

– Nếu tôi muốn chửi rủa hay trách móc bà, tôi đâu chờ đến ngày hôm nay, nhưng tôi không làm vậy, tôi để cho cái lương tâm của bà nó nguyền rủa bà.

Bà Nguyệt cúi gầm mặt xuống đất không nói gì.

– Hôm tôi gặp ông và thằng Hiếu ở phi trường tôi thật bất ngờ tim đập thình thịch tay chân run rẩy. Hôm tôi ra đi nó mới năm tuổi, mấy chục năm không liên lạc, không thấy nhau, vậy mà vừa gặp mặt, tôi nhận ra nó liền, nó giống tôi như đúc.

– Bà thương nó sao bà bỏ nó lại không dẫn nó đi theo, bà cũng biết lúc đó cha nó đang ở tù kia mà! Rồi bà đến Mỹ chạy theo vật chất, chỉ biết ăn chơi, đâu có nghĩ gì đến nó, mấy chục năm nay sao bà không đi tìm nó, đứa con trai của bà.

Bà Nguyệt nhìn ông Thiện nói như phân trần.

– Mọi người đều chửi rủa là tôi bỏ chồng bỏ con theo trai, thật ra tôi ra đi chỉ là một sự tình cờ không tính trước. Qua Mỹ được vài năm thì tôi nghe tin ông được ra tù và lấy vợ khác. Có nhiều lúc tôi muốn hỏi thăm thằng Hiếu nhưng còn hơi ngại gia đình ông, phải nói là sợ mới đúng, tôi sợ má ông và bà chị ông dữ lắm, bởi vì lúc nào tôi cũng mang mặc cảm là đã bỏ chồng. Thằng Hiếu từ lâu sống bên nội, nay có cha về lo chăm sóc vậy cũng tốt. Phần tôi thì lông bông rồi vướng vào đam mê này tới đam mê khác, ngày tháng trôi qua tôi đã phung phí cả một quãng đời thanh xuân. Tuổi già ập đến thì tôi cũng te tua tiền bạc nướng sạch vào sòng bài.

– Hôm mà lần đầu trại tù cho thân nhân thăm nuôi, tôi có hơi ngỡ ngàng một chút khi người đi thăm tôi là bà chị, tôi hỏi chị tôi, bà và con sao rồi, chị tôi nói không biết bà buôn bán cái gì, ngày nào cũng đi sớm về trễ, giao thằng Hiếu cho má tôi nuôi. Lần thăm nuôi sau, má tôi nói bà theo nhân tình đi vượt biên rồi. Trại tù nằm giữa Đồng Tháp Mười, mùa nước nổi nhìn xung quanh thấy đâu cũng nước mênh mông, lòng tôi buồn vô hạn nghĩ cuộc đời mình giờ đây lênh đênh chẳng thấy đâu là bờ.

– Để tôi kể hết cho ổng nghe đầu đuôi câu chuyện như thế này.

Lúc ông đi tù “cải tạo” tôi ôm con về nhà ba má tôi sống, hoàn cảnh nhà tôi lúc đó cũng khổ, hồi nào tới giờ sống nhờ đồng lương hàng tháng, giờ mọi người mất việc rơi vào một cơn khủng hoảng kinh hoàng. Tiền bạc dành dụm bấy lâu đem ra xài, hết tiền bán tới vòng vàng nữ trang, hết vòng vàng bán tới đồ đạc trong nhà, cái gì có người mua thì đem ra bán lấy tiền ăn sống đấp đổi cho qua ngày đoạn tháng.

Khoảng năm 78 có mấy người bạn rủ tôi đi buôn chuyến, sáng sớm ra chợ mua gạo, thịt heo dấu đem lên Sài Gòn bán kiếm lời. Tôi không biết làm gì ăn nên tập tành theo mấy nhỏ bạn đi “buôn lậu”. Đi buôn lâu ngày tôi quen thằng Hiền lơ xe đò cũng là con ông chủ xe. Nó thấy tôi tội nghiệp nên giúp đỡ tôi mọi điều. Sáng sớm hôm đó như thường lệ, tôi thức sớm ra chợ mua thịt heo để đi bán, thằng Hiền đi tìm tôi ngoài chợ, nó kề tai nói nhỏ: “Bữa nay không có đi thành phố, đi xa”. Ba nó hùn hạp với người ta mua ghe tổ chức đi vượt biên, nó thương tình dẫn tôi đi theo, tôi nghĩ người ta đóng vàng để được đi, nay có người cho mình đi không, còn chần chờ gì nữa.

Tôi theo nó đón xe lam qua Vĩnh Long rồi xuống Vũng Liêm ở đó chờ, tối hôm sau thì xuống ghe tới chỗ hẹn lên ghe lớn theo dòng sông Cửu Long ra cửa biển đi vượt biên.

Tôi đã ra đi một cách tình cờ như vậy đó, ra đi âm thầm không một lời từ giã. Mấy ngày đầu ở trại tỵ nạn tôi như người mất hồn, như người chết chưa chôn. Phần lo gia đình ở Việt Nam, phần lo tương lai vô định bấp bênh biết trôi nổi về đâu, phần vừa trải qua một chuyến vượt biên kinh hoàng thừa chết thiếu sống, (ai đã đi vượt biên qua một lần rồi không bao giờ đám đi lần thứ hai). Thằng Hiền có anh nó ở Mỹ bảo lãnh, chắc sẽ được đi Mỹ, tôi đánh liều ghép hộ với nó để được đi định cư. Kể từ đó, tôi mới bắt đầu dính líu với nó. Kể từ đó, cuộc đời tôi bước sang một lối rẽ khác, đưa tôi tới con đường mãi mãi lìa xa quê hương xứ sở, mãi mãi lìa xa người chồng tù tội và đứa con còn nhỏ dại chưa biết gì.

Tôi theo thằng Hiền đến Mỹ về tiểu bang Pennsylvania. Chỗ đó thành phố nhỏ buồn lắm. Ngày đó rất ít người Việt. Tôi vô làm nhân công hãng thịt gà, thức khuya dậy sớm mà đồng lương chẳng bao nhiêu. Ở đó được hai năm, một hôm ngày mùa Đông giá rét, đường mưa tuyết trơn trợt tôi lủi xe đâm gốc cây, chỉ bị thương nhẹ nhưng tôi bị sảy thai. Những ngày sau đó tôi luôn hoang mang buồn khổ, cảm thấy cuộc đời ngày càng bế tắc, dính líu với nó chỉ là một sự chẳng đặng đừng. Sau cùng tôi nói với nó, tôi muốn chia tay.

Thằng Hiền rất thương tôi nhưng biết tôi đã muốn vậy nên để tôi ra đi không ngăn cản.

Tôi có người bạn sống ở San Jose, tiểu bang California, tôi liên lạc và dọn về đó. Tôi xin vô làm nhân công trong hãng điện tử, mặc dầu chỉ là một nhân công hạng bét trong hãng, tôi lại lọt vào cặp mắt xanh của ông manager building. Ông này là người Mỹ gốc Nhật. Cha mẹ ổng là người Nhật sống lâu đời ở Hawaii. Không biết tôi có điều gì hấp dẫn mà ổng đi hỏi cưới tôi. Ổng lớn hơn tôi mười tuổi, ly dị vợ, có hai thằng con trai chừng mười tuổi sống với ổng. Lúc đó tôi cô đơn buồn bã, vừa trải qua một đoạn đời đầy sóng gió, tôi ưng đại, mong là lấy ổng cho yên một đời lênh đênh như con thuyền không bến.

Về ở với ổng tôi nghỉ làm, nhưng ở nhà một mình buồn lắm, ổng đi làm từ sáng tới tối, có khi tới khuya mới về đến nhà. Hai thằng con ổng đi học về là rút vô phòng, tụi nó chỉ ăn đồ Mỹ, ba cha con ăn riêng, tôi nấu đồ ăn Việt Nam ăn một mình. Tôi ghi tên vô trường community college học tiếng Anh. Đi học để khuây khỏa nỗi buồn. Đi học, tôi quen một số bạn người Việt, rồi tụ họp thành nhóm, khi thì đi chơi chỗ này chỗ kia, khi thì đi ăn uống, có khi về nhà xúm nhau nhậu nhẹt đàn đúm. Rồi cuối tuần rủ nhau đi nhảy đầm, tôi biết hát lại ham vui, tôi mê cái không khí của vũ trường, weekend nào cũng đi nhảy đầm.

Ông chồng Nhật này cũng dễ tánh không nói gì, ổng lại bận bịu công việc cả ngày, mạnh tôi tôi đi, mạnh ổng ổng đi, mạnh ai nấy đi, cuộc sống vợ chồng thật là tẻ nhạt, vợ chồng ngày mỗi cách xa, đến một lúc thì chia tay.

– Cái kiểu bà sống như vậy, trước sau gì cũng bị chồng bỏ.

Bà Nguyệt cười khúc khích.

– Thật ra tôi bỏ ổng, chớ không phải ổng bỏ tôi.

– Cái ông này thiệt là xui gặp bà.

– Ly dị ổng tôi chia của được mấy trăm ngàn và một căn nhà để ở. Lúc đó tiền cũng còn có giá, nhiêu đó cũng nhiều lắm. Tôi đi làm bậy bạ cho có chớ không cần tiền, muốn làm thì làm muốn nghỉ thì nghỉ. Tuần nào cũng đi nhảy đầm. Ngày đó tôi mê cái không khí vũ trường ghê lắm, hễ đến cuối tuần là rủ bạn bè đi nhảy đầm, vừa đến cửa nghe tiếng nhạc xập xình là lòng tôi chộn rộn như con thiêu thân chỉ muốn lao vào ánh đèn màu vui đùa thâu đêm suốt sáng.

Ở chốn vui chơi ấy tôi quen một người đàn ông Việt Nam. Ông này vốn là sĩ quan không quân qua đây từ năm 75, ổng cũng khoảng tuổi của ông. Ổng cao ráo bảnh trai lịch lãm và có nhiều tiền. Có nhiều bà thích ổng lắm nhưng không hiểu sao ổng lại thích tôi. Tôi cặp với ổng một thời gian thì dọn về nhà ổng ở, sống chung nhưng không làm hôn thú.

Ông này giỏi lắm, làm về tài chánh ngân hàng, chuyên chơi stock và đầu tư địa ốc. Ở với ổng mấy năm mà ổng cứ tránh không muốn có con. Lúc đầu tôi không hiểu, sau mới biết là ổng có vợ con còn kẹt ở Việt Nam. Lúc vợ con ổng sắp qua thì tôi với ổng chia tay. Tiền của tôi ổng đầu tư địa ốc và chơi chứng khoán dùm, lấy ra đâu cũng được gần một triệu. Cũng đỡ khổ, hết tình, nhưng còn tiền.

– Bà giỏi quá! Kế tiếp ông này rồi còn ông nào nữa kể hết ra đi.

– Thôi! Nhiêu đó đủ rồi, hồi nào tới giờ đàn ông mê tôi chớ tôi đâu có mê đàn ông. Vừa lúc đó ở San Jose mở sòng bài, tôi theo bạn bè lên đó chơi, lúc đầu thỉnh thoảng sau đi riết mê cờ bạc lúc nào không hay. Ai mà vướng vào cờ bạc thì biết, mê “Tây Đầm” còn hơn mê đàn ông gấp trăm ngàn lần. Từ đó tôi như con nghiện chỉ biết casino chớ chẳng biết gì, tôi đã mang tiếng bỏ chồng nay mang tiếng cờ bạc nên chẳng muốn gặp người quen, chẳng muốn tiếp xúc ai.

– Thằng con bà còn không nhớ, bà nhớ tới ai. Cả triệu đồng bà thua sạch hết?

– Người ta nói ngồi không ăn núi cũng lở huống hồ gì cờ bạc.

– Mấy căn nhà bà cũng làm tiêu luôn?

– Bán sạch sẽ, giờ tôi chẳng còn gì, không có cả chiếc xe đi coi cho được.

– Hết ý kiến! Tôi nghe người ta nói qua tới Mỹ bà đá đít thằng lơ xe đò về Cali cặp đại gia giàu có, ăn chơi nhảy đầm cờ bạc, đâu có ngờ bà quá tệ như thế này. Hôm tôi gặp bà ở phi trường, thấy bà xơ xác thân tàn ma dại đến không ngờ.

Bà Nguyệt cúi gầm mặt xuống không nói gì.

– Rồi bây giờ bà sống ra sao?

– Tôi ở với gia đình nhỏ em, con Thuý ông biết đó. Anh Lân thì ở Florida, thằng Thọ em tôi ở San Diego, chị Trang ở cách chỗ tôi ba mươi phút đi xe.

– Bà lãnh tiền hưu đủ sống?

– Thời gian tôi đi làm thì ít mà lương lại thấp, tiền hưu đâu có bao nhiêu, cỡ như người ta lãnh tiền già. Lãnh ra trả nợ mấy cái thẻ tín dụng đủ hết. May mà dì Thuý nó cho tôi ăn ở free, chớ nếu không chắc tôi xuống ở gầm cầu.

– Tôi cũng có nghe nói sau này bà sanh tật ăn chơi cờ bạc, đâu có ngờ bà tệ dữ vậy.

– Lúc về già hết tiền hết bạc, đôi lúc cô đơn tôi nhớ lại thời đã qua tôi thấy mình thật là có lỗi, nay tôi cũng đã bảy mươi tuổi rồi, biết còn sống bao lâu, nhiều lần tôi muốn gọi phone cho ông, nói cho ông hiểu rõ hoàn cảnh nó đưa đẩy như vậy, tôi xin ông tha thứ cho tôi để tôi an lòng mà sống cho tốt những ngày còn lại trên cõi đời này.

– Lúc tôi nghe tin bà bỏ tôi theo người ta đi vượt biên, tôi buồn lắm, nhưng rồi ở tù ngày này qua ngày khác, biết thân phận sống chết ra sao. Thằng con, ông bà nội nó nuôi, tôi cũng an tâm phần nào. Tôi nghĩ giờ gia đình tan nát, người nào đi thoát được đỡ người đó, còn hơn cả gia đình phải khổ. Lúc tôi ở tù về rồi đi cưới vợ khác, cuộc sống từ từ trở lại bình thường, tôi dần quên chuyện cũ, không còn oán hận hay trách móc gì bà.

– Thằng Hiếu có khi nào nó nhắc tới tôi không?

– Lúc tôi đi tù nó mới có một tuổi, vậy mà lúc tôi ở tù về nó mừng rỡ theo tôi suốt ngày thấy tội nghiệp lắm. Lúc tôi quen Trâm là vợ của tôi bây giờ, một hôm nó hỏi tôi có phải má bỏ ba theo người ta đi Mỹ rồi phải không, tôi không bao giờ quên được vẻ mặt buồn bả của nó lúc đó.

Bà Nguyệt ôm mặt khóc nói kể trong nghẹn ngào.

– Hồi nhỏ nó thương tôi lắm, theo tôi nói chuyện đỏ đẻ suốt ngày, tôi đi buôn hàng chuyến sáng hừng đông đã ra khỏi nhà, chiều tối mịt mới về, vậy mà hôm nào nó cũng ngồi ở cửa chờ tôi về, bữa nào có quà cho nó, nó mừng lắm, ôm tôi hôn nói con thương má, lớn con đi làm nuôi má. Nhiều lúc tôi muốn liên lạc hỏi thăm nó, nhưng nghĩ phận mình giờ chẳng ra gì, nó đã khôn lớn nên người, tôi sợ nhắc đến chuyện dĩ vãng rồi làm xáo trộn cuộc sống an vui của nó mấy chục năm nay. Hôm tôi gặp nó ở phi trường, tôi hối hận lắm. Tôi muốn gặp nó, nói lời xin lỗi, là má đã bỏ con, thật lòng lúc nào má cũng thương con.

– Nó ngoan hiền dễ bảo dễ dạy, trong nhà mấy anh em nó học giỏi nhất. Nó làm trong ngành tài chánh ngân hàng, nó giỏi đầu tư địa ốc chứng khoán nên giờ cũng khá giả, có của ăn của để. Nó có hiếu lắm, năm nào Tết cũng có phong bao lì xì cho ba cho má, không bao giờ quên ngày Father’s Day, nhưng có một lần trong ngày Mother’s Day tôi thấy nó có vẻ buồn buồn, hình như nó vẫn chưa quên, nó có một bà mẹ khác đang ở đâu đó.

Nghe tới đó, bà Nguyệt ôm mặt khóc như mưa.

***

Bà Trâm đứng dựa hàng rào nhón chân ngó vào trong, định bấm chuông thì bà Huệ từ trong nhà chạy ra mừng rỡ:

– Dữ hôn! Nghe tin bồ về cả tuần bữa nay mới thấy mặt.

Bà Trâm bước vào trong ngó dáo dác:

– Anh Hiệp có nhà không, mấy đứa nhỏ đi đâu hết sao nhà vắng hoe vậy.

– Ảnh ở ngoài sau vườn, tối ngày chăm lo ba cái cây kiểng làm niềm vui tuổi già, mấy đứa cháu nội đi học chưa về, vô nhà uống nước, nghe nói bồ về kỳ này có con cháu đông lắm phải không.

– Có vợ chồng thằng Hiếu với hai đứa con của nó, cùng với vợ chồng thằng Tâm, con Thu thì dẫn hai đứa con nó về cho biết Việt Nam, mấy bữa nay tụi nó đi chơi ngoài Nha Trang chưa về, chỉ có mình với anh Thiện ở nhà.

– Sao bồ với ảnh không đi chơi với tụi nó cho vui, Nha Trang giờ đẹp lắm.

– Thì cũng tính trước là lần này về đi du lịch đủ chỗ Nha Trang, Phú Quốc rồi đi chơi ở Campuchia nữa kìa, nhưng có một việc bất ngờ xảy ra…

Bà Trâm nói nhỏ: “Mình ra ngoài sân nói chuyện.” Hai bà dẫn nhau ra sân vườn phía trước nhà.

– Mình nói cho bồ nghe chuyện này mà bồ phải giữ kín không nói cho ai nghe, kể cả anh Hiệp cũng đừng nói cho ảnh nghe.

– Chuyện gì mà ghê gớm vậy?

– Bồ còn nhớ bà Nguyệt là vợ cũ của anh Thiện không?

– Sao không nhớ, Nguyệt hoa khôi ai mà không biết, bả cũng có về phải không, hôm trước đi chợ gặp mình ngó lơ, bửa nay thấy già lắm xuống sắc lắm.

– Hôm mình về gặp bả ở phi trường, chắc bà ta thấy thằng Hiếu nên nhắn anh Thiện tới nói chuyện, bả muốn nhìn thằng Hiếu.

– Biểu bả đi chết cho rồi, bỏ con mấy chục năm không một lời thăm hỏi, người ta nuôi tới lớn thành danh giờ muốn nhìn.

– Chuyện bả muốn nhìn con thì mình không có ý kiến, còn chuyện khác kinh khủng hơn nữa kìa.

– Chuyện gì?

– Giờ bả nghèo khổ lắm không có một chiếc xe để đi, thiếu nợ mấy chục ngàn không trả nổi. Mình đang đi chiếc xe Lexus tuy đã cũ mười năm rồi, nhưng còn rất tốt, anh Thiện nói cho bả chiếc xe đó, mua chiếc xe mới cho mình.

– Trời đất!

– Ảnh còn nói giúp bả mấy chục ngàn trả nợ, bả giờ khổ lắm, giúp bả một lần này thôi.

– Đâu có được, ai chịu, sao lại bắt bồ đi lãnh nợ của bả, rồi bồ tính sao?

– Mình nói với anh Thiện ai gây nợ thì người đó trả, không ai lãnh nợ cho ai được.

– Khổ, ai làm cho bả khổ, đúng là quả báo!

– Mình nói với anh Thiện chuyện này phải họp mặt gia đình bàn tính, nếu mọi người đồng ý thì mình nghe theo. Anh Thiện cũng biết nói chuyện này ra chắc mọi người phản đối, đâu ai chịu, nên ảnh làm thinh. Mấy ngày nay mình với ảnh không nói chuyện, ai rủ đi đâu ảnh cũng không đi, thiệt mình rầu quá không biết tính sao đây.

– Về Mỹ rồi từ từ ảnh sẽ quên, bồ ngó chừng đừng để ảnh liên lạc với bả, bồ kiểm soát tiền bạc đừng để ảnh lén lút giúp bả.

– Vợ chồng mình sống mấy chục năm nay hiểu tánh nhau hết, anh Thiện rất tốt luôn lo lắng gia đình, hồi nào tới giờ mình giao ảnh giữ tiền, chi tiêu trong gia đình một mình ảnh lo. Nếu bây giờ ảnh lén giúp bà Nguyệt mình cũng không biết, nhưng ảnh không làm vậy, ảnh hỏi ý mình trước, anh Thiện được chỗ đó. Thôi thì… kệ, mình làm theo lời ảnh muốn cho nó yên nhà yên cửa. Mình tính khi nào mấy đứa đi chơi ở Nha Trang về, mình làm một bữa tiệc nho nhỏ tại nhà, mời bà con lối xóm đến chung vui nhân dịp bà Nguyệt nhìn con.

– Trời đất!

– Hôm đó bồ qua chơi.

– Qua chớ! Qua để coi cho trọn một vở tuồng, một câu chuyện có thật giống như một chuyện đùa.

– Gặp bà Nguyệt, bồ làm như chẳng biết gì, đừng nhắc chuyện xưa.

– Nể tình bồ mình sẽ không có cử chỉ hay lời nói nào làm mất mặt “con mẹ đó”, nhưng biểu mình vui vẻ với con mẻ thì xin lỗi, mình không hứa.


N. Nguyễn

https://saigonnhonews.com/muon-neo-duong-doi/chuyen-nhu-dua/

Thế Gian Vô Thường - Minh Lương

Đi Tìm Biểu Tượng Quốc Gia Cho Việt Nam - Thạch Thảo


Chọn con vật làm biểu tưng quốc gia, chẳng hạn con chuột túi ở Úc hoặc gấu trúc ở Trung Quốc. Việt Nam cũng có một con vật rất gần gũi với đời sống hàng ngày, xứng đáng được chọn là con vật đại diện cho quốc gia để giới thiệu với bạn bè năm châu. Đó là con cò. Tại sao chọn con cò?

Đơn giản vì cò xuất hiện ở mọi ngóc ngách đời sống Việt Nam. Cò bay tứ tung. Chỗ nào cũng thấy cò… Và không như cò trong thế giới tự nhiên, cò trong “thế giới người” ở Việt Nam có vô số loại và con nào con nấy cũng mập ú. Chỉ riêng “chủng loại” “cò bệnh viện” thôi, đã có nhiều thứ cò:

Cò bóc số

Khi chuẩn bị đi khám bệnh, người dân ngán ngẩm nhứt là việc xếp hàng. Người bệnh không thể đủ sức khỏe đứng chờ mỏi mòn hàng mấy tiếng đồng hồ, nên trước khi đến bệnh viện, người bệnh cần gọi điện thoại cho cò bóc số – thường là nhân viên y tế – để lấy giùm số thứ tự xếp hàng. Khi người bệnh đến bệnh viện, cò sẽ ra tận nơi trao thẻ lấy tiền. Thẻ có ghi số thứ tự khám bệnh hàng đầu để người bệnh được vào khám trước, không mắc công chờ.

Cò bác sĩ

Khi vào khám ở bệnh viện công, sẽ có một số người, thường là hộ lý, điều dưỡng, hoặc nhân viên y tế bất kỳ, đến rỉ tai bệnh nhân, rằng: “Bệnh viện điều trị không hết bệnh đâu, uống thuốc của Bảo hiểm y tế toàn thuốc dỏm; vì vậy, nên ra khám ở phòng mạch của bác sĩ XYZ ở địa chỉ…”. Đó là cò bác sĩ. Cò bác sĩ có khi là chính bác sĩ đang điều trị trong bệnh viện. Tay bác sĩ tử tế và thương người này sẽ cho địa chỉ phòng mạch tư của chính mình. Cò bác sĩ nhiều nhất là ở bệnh viện phụ sản. Em gái nào vào bệnh viện phá thai sẽ được cò bác sĩ đón tiếp niềm nở ngay tại cổng, dẫn đi đến các phòng khám sản phụ khoa có dịch vụ nạo phá thai. Các em gái lỡ lầm thường không muốn vào bệnh viện vì ở đó buộc phải làm hồ sơ, khai tên tuổi địa chỉ. Do đó, cò bệnh viện phụ sản là “mập” nhất, trong khi những cái chết thương tâm do tai biến trong nạo phá thai xảy ra hàng ngày hàng giờ.

Cò thuốc

Ở bệnh viện công, thường trong giờ nghỉ trưa, có những cô gái đẹp len lỏi vào phòng khám tiếp cận với bác sĩ để giới thiệu thuốc. Đó là các trình dược viên của các công ty dược phẩm, gọi là cò thuốc. Họ chào mời thuốc đồng thời tặng quà cáp cho bác sĩ, đưa ra mức hoa hồng hậu hĩnh. Thậm chí họ biết rõ sinh nhật, ngày giỗ chạp trong gia đình bác sĩ; tới ngày đó, họ mang quà tới tận nhà tặng. Để “trả ơn”, bác sĩ phải kê toa cho bệnh nhân dùng dược phẩm của hãng dược đó.

Cò thuốc của hãng dược có nhiệm vụ thống kê số lượng, rồi trả hoa hồng cho bác sĩ. Tất nhiên tiền hoa hồng cùng mọi chi phí quà cáp đều đã tính đúng tính đủ vào giá cả. Bệnh nhân là người phải chi trả tất cả chi phí đó, kể cả lương của cò. Để được “bồi dưỡng” nhiều nhất có thể, bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc đắt nhất, có tỷ lệ hoa hồng cao nhất. Hệ thống bất nhân này hoạt động công khai. Ai cũng biết. Chỉ có “cơ quan thẩm quyền” là “không biết”.

Cò xe

Xe ở đây là xe cấp cứu chuyển viện, xe chở xác về nhà. Khi người bệnh nặng được chỉ định chuyển lên “tuyến trên” (tức bệnh viện tốt hơn) hoặc bệnh nhân mất cần chở xác về nhà, thì bệnh viện thường thiếu xe cấp cứu do… hết xe. Nhân viên y tế ở bệnh viện sẽ “giới thiệu” cho gia đình xe cấp cứu tư nhân. Gọi là “tư nhân” nhưng xe này đều do hầu hết y bác sĩ, cán bộ lãnh đạo trong bệnh viện bỏ tiền đầu tư, không có “chân” trong bệnh viện đừng hòng làm ăn lĩnh vực này. Những mạnh thường quân tốt bụng bỏ tiền mua xe cứu thương 0 đồng để giúp cho người bệnh nghèo thì xe từ thiện không được phép vào bệnh viện. Cứ mỗi chiếc xe cấp cứu lăn bánh thì cò xe sẽ được nhận một khoản hoa hồng, nhiều khi còn hơn tiền lương nhân viên y tế mà không phải cực nhọc gì.

Cò mai táng

Khi người bệnh mất, bệnh viện chuyển thi thể vào nhà xác hoặc nhà quàn. Bên cạnh khoản phí cố định mà bệnh viện thu, còn có khoản “bồi dưỡng” cho người quản lý nhà quàn. Ở một số bệnh viện, người nhà bệnh nhân còn phải hợp đồng với một cơ sở dịch vụ mai táng tại chỗ, do cò mai táng giới thiệu. Nếu từ chối thì đừng hòng mang được xác người thân ra khỏi! Trong lúc tang gia bối rối thì cò muốn “mổ” giá bao nhiêu cũng được. Cò này chắc phải gọi là “cò ma” mới đúng.

Nói tóm lại, “sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân” đã trở thành cái tổ nuôi nhiều cò nhứt. Bầy cò của VN Pharma còn ăn cả xác chết khi bán thuốc ung thư giả cho người bịnh. Giúp người bịnh chết sớm có lẽ là điều y đức thứ 13 – bất thành văn – trong bảng quy định 12 điều y đức của ngành y tế nước nhà?

Ngoài bọn cò y tế, còn có vô số cò khác.

– Cò nhà-đất, phòng trọ.

– Cò thẩm mỹ viện, spa. Loại này hiện hoạt động rất mạnh. Ngay bản thân người viết, gần như ngày nào cũng có 1-2 cuộc điện thoại gọi đến để “tư vấn thẩm mỹ”, giới thiệu dịch vụ làm đẹp đủ các kiểu. Mới đầu cũng ngạc nhiên: Ủa, hoàn toàn xa lạ sao tụi nó biết mình… xấu mà biểu mình đi làm đẹp cà? Nhưng nhiều cuộc gọi quá rồi cũng hiểu ra, rằng các công ty viễn thông Việt Nam đã bán số điện thoại của tui cho bầy cò. Chúng tha hồ gọi làm phiền bất cứ lúc nào. Chỉ có các công ty viễn thông như Vinaphone hoặc Viettel mới biết thông tin tên tuổi, giới tính khách hàng, chứ bầy cò đâu bao giờ gọi điện thoại cho… ba tui để tư vấn sửa sắc đẹp đâu nà.

– Cò PR quảng cáo trên báo chí. Đây là đám phóng viên hoặc lực lượng người đẹp chân dài do cơ quan báo chí tuyển dụng. Các người đẹp này cầm thẻ phóng viên nhưng không biết viết một cái tin nào. Các cô chỉ trình thẻ phóng viên để được vào gặp giám đốc, bẹo hình bẹo dạng, rồi móc ra tờ hợp đồng quảng cáo: Anh ký hợp đồng quảng cáo trên báo của em đi… Công việc nặng nhọc vất vả này gọi là làm “kinh tế báo chí”. Dĩ nhiên, cò cũng được ăn hoa hồng trên phần trăm giá trị hợp đồng quảng cáo.

– Cò chạy trường, chạy điểm, chạy bằng cấp, cò viết luận án.

– Cò chạy việc chạy chức, tức là chạy hợp đồng lao động vào cơ quan nhà nước; cò chạy hồ sơ xuất khẩu lao động; cò chạy “quy hoạch” cán bộ lãnh đạo (nói trắng ra là chạy chức chạy quyền).

– Cò visa du lịch, du học; cò kết hôn giả đi định cư nước ngoài. Một người cần đi nước ngoài (du học, du lịch, lao động…) sẽ có cò là các công ty dịch vụ lo hết mọi thủ tục. Thậm chí nếu bạn không có đồng bạc hoặc thứ tài sản nào để cam kết về mặt tài chính, cò cấp luôn cho bạn một bảng xác nhận tài khoản ngân hàng, từ vài trăm triệu tới vài mươi tỷ đồng, đủ để làm thủ tục du học, du lịch. Tất nhiên đó là tài khoản ảo, do cò visa “đạp chân” với cò ngân hàng làm giả, và bạn phải trả tiền “cò” cho dịch vụ đó (“đạp chân” là tiếng lóng thời đại, có nghĩa hai bên móc ngoặc nhau để thực hiện phi vụ ăn chia).

– Tài xế chạy xe khách ghé quán cơm hoặc shop bán hàng lưu niệm, đưa khách đến hotel, điểm tham quan nào cũng ăn tiền cò nơi đó. Cò này vặt vãnh, gọi là cò con vậy.

– Cò đứng bến dắt khách cho xe nào thì chủ xe phải trả tiền cò. Cò này cũng là loại cò con linh tinh lang tang, kiếm ba đồng ba cắc đủ để lai rai ba xị đế.

– Cao cấp và tàn nhẫn nhất là cò chạy án, cò chạy nhà tù. Khi ra tòa, luật sư bên nguyên và bên bị “đạp chân” với thẩm phán để chạy án. Bên nào chi tiền cò nhiều hơn thì bên đó thắng. Bởi vậy nhiều thân chủ phẫn nộ khi luật sư ra tòa không cãi một tiếng, dù đã nhận tiền hợp đồng. Cãi làm gì cho mệt khi luật sư thừa biết bên kia chi tiền nhiều hơn và họ chắc chắn thắng “bên mình” rồi. Thậm chí có trường hợp chính tay luật sư còn ăn tiền cả hai bên tranh tụng: Nhận tiền hợp đồng một bên, đồng thời nhận tiền bên kia để không cãi hoặc cãi như thế nào để cho thân chủ của mình… bị thua kiện.

Khi một người chịu án tù, sẽ có cò liên lạc với gia đình. Tôi biết một người do sai phạm trong hoạt động ngân hàng mà phải chịu án tù và gia đình tù nhân đã chi tiền cò để anh ta được ở nhà ăn Tết, qua Tết mới phải vào trại giam thụ án; lại được ở trại tù gần nhà, dễ thăm nuôi. Cò nhà tù chỉ làm ăn trong các vụ án kinh tế.

Còn nhiều nữa nhưng kể vậy chắc cũng đủ để chứng minh rằng cò xứng đáng là biểu tượng quốc gia của Việt Nam chế độ XHCN. Nói chung là nhờ môi trường Việt Nam ngày càng “trong sạch” nên ngày càng nảy nòi ra nhiều chủng loại cò. Chúng nhan nhản khắp nơi. Ở một đất nước mà công an, thẩm phán cũng làm cò thì lĩnh vực nào mà chẳng có cò! Bọn cò béo nhất, ăn bạo nhất, tàn nhẫn nhất, là bọn cò treo trước ngực cái thẻ đảng.


Thạch Thảo

https://saigonnhonews.com/thoi-su/viet-nam/di-tim-bieu-tuong-quoc-gia-cho-viet-nam/

Tháng Bảy Vẫy Chào - Đỗ Công Luận

Saturday, July 30, 2022

Những Câu Nói Bất Hủ, Đọc Sẽ Không Buồn Ngủ


1.      Anh tiểu thương thương chị tiểu thương, thương đúng chỗ tiểu mà tiểu đúng chỗ thương

2.       Già người, già tóc, già râu. Bộ phận chiến đấu còn lâu mới già
3.     Mình ngu nhiều kẻ ngu hơn, cho nên được gọi là khôn hơn người. Em xinh đâu phải nụ cười, em xinh là bởi nhiều người xấu hơn!
4.       Tái dê chấm với tương gừng, ăn xong rồi lại phừng phừng như dê
5.       Ở giữa 2 cái chân thật là 1 cái chân tình
6.       Yêu nhau cởi áo cho nhau. Ghét nhau trợn mắt: Áo đâu? Mặc vào!
7.       Phải bình tĩnh trước gái xinh và không giật mình trước gái xấu!
8.       Nhan sắc có hạn, mà lựu đạn thì có thừa
9.       Muốn ngủ ngon thì đừng lấy vợ. Muốn không nợ thì đừng có yêu. Muốn cao siêu thì đừng dại gái. Muốn thoải mái thì vào nhà tu
10.     Buổi sáng thức dậy. Thể dục thể thao. Da dẻ hồng hào. Hứng khởi tuôn trào. Lại vào ngủ tiếp
11.     Hội trường yên ắng ngủ say. Thuyết trình vừa dứt... vỗ tay ra về
12.     Ăn hột mít luộc có thể gây mất đoàn kết nội bộ và nghi ngờ lẫn nhau!
13.     Sống tình cảm mà không tiền cũng khổ. Yêu hết mình mà không được thì thôi
14.     Không có gì làm anh em ta xa cách. Chỉ ... hôi nách là xa cách anh em
15.     Con nhà gia giáo, huýt sáo theo liền
16.     Văn hay chữ tốt sao bằng thằng dốt lắm tiền
17.     Con là cái nợ, vợ là kẻ thù, thầy u là gián điệp
18.     Bò không ăn cỏ bò ngu. Trai không  hú gái,trai ngu hơn bò!
19.     Nếu tiền không làm bạn hạnh phúc thì hãy đưa nó cho tôi
20.     Cell phone thuê bao mà bạn vừa gọi, nó nằm ngoài vùng phủ sóng. Thật ra nó đang nằm trong vòng tay kẻ khác đang phủ mền
21.     Thúy Kiều ôm chiếc Iphone. Gọi cho Kim Trọng khôn hồn tới ngay. Trọng lấy laptop xách tay. Mail cho bà tú tới ngay tóm hàng
22.     6 năm trời không bia, không rượu, không thuốc lá, không đi chơi đêm không đàn bà. Và thế là... tôi vào lớp 1
23.     Ngu còn tỏ ra mình phong phú
24.     Vì một người đi cố làm cả phố tắc đường
25.     Em đen nhưng tâm hồn em trong trắng, vì nhà em nghèo em dang nắng ... em đen
26.     Mai sau về với ông bà, ăn chuối cả nải ngắm gà khỏa thân
27.     Bia độc hơn rượu, bằng chứng trên thế giới chỉ có bia mộ chứ nào thấy rượu mộ ở đâu
28.     Mập không phải là cái tội. Mập là để thể hiện sự vượt trội về thể xác hơn người
29.     Những câu nói bất hủ, đọc sẽ không buồn ngủ.

 

Sưu tầm

Màn Đồng Diễn Thể Thao Thật Tuyệt Vời Của Các Sinh Viên Nhật Bản - Precision Marching

Tài Liệu Về Quả Dưa Leo

 

Tài liệu về quả dưa leo này đã được đăng tải trên tờ The New York Times vài tuần trước đây, một tờ báo thường giới thiệu những phương pháp khá sáng tạo và lạ lùng, để giải quyết những vấn đề thông thường. Sau đây là những khám phá thú vị về quả Dưa leo : 

1/ Dưa leo chứa rất nhiều loại sinh tố mà chúng ta cần mỗi ngày như Vit. B1, B2, B3, B5, B6, Calcium, Iron, Magnesium, Phosphorus, Potassium, and Zinc. 

2/ Khi cảm thấy mệt mỏi vào buổi trưa, quí vị hãy để qua một bên các loại thức uống có cà phê, và hãy chọn lấy một quả dưa leo. Dưa leo có các loại Vitamin B, và Carbohydrates, có khả năng làm quí vị hưng phấn trở lại được vài giờ đồng hồ.

3/ Khi chiếc gương trong phòng tắm bị mờ đi vì hơi nước, quí vị hãy dùng một lát dưa leo, thoa dọc theo gương, chỉ trong chốc lát, gương sẽ trong lại và tỏa ra một mùi thơm tựa như quí vị đang ở trong phòng tắm hơi.

4/ Khi loài ấu trùng và ốc sên đang hủy hoại những luống cây ngoài vườn nhà, quí vị hãy đặt vài lát dưa leo vào trong một lon đồ hộp nhỏ, vườn của quí vị sẽ không còn những loài sâu ay ốc sên phá hoại trong suốt vài tháng trời. Lý do là vì những hóa chất trong dưa leo phản ứng với chất nhôm của lon đồ hộp, sẽ tỏa ra một mùi hương mà con người không thể cảm nhận được, nhưng lại khiến cho các loài côn trùng khiếp sợ và bỏ chạy khỏi vườn.

5/ Quí vị đang muốn tìm một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất để loại trừ những tế bào mỡ trên da (cellulite) trước khi vào hay bước ra khỏi hồ tắm ? Hãy thoa một hay hai lát dưa leo trên những vùng da quí vị muốn. Các hóa chất thực vật sẽ khiến cho lớp collagen trên da trở nên săn chắc và do đó, khiến cho cellulite trên da khó nhìn thấy. Cách này cũng tác dụng rất tốt trên các nếp nhăn nữa.

6/ Quí vị muốn tránh cảm giác choáng váng hay nhức đầu dữ dội sau khi uống rượu chăng ? Hãy ăn vài lát dưa leo trước khi đi ngủ. Khi thức dậy, quí vị sẽ thấy tỉnh táo và hết nhức đầu. Dưa leo chứa một lượng đường vừa đủ, các loại vitamin B, và các chất điện giải để tái bổ sung những tinh chất sinh tố cần thiết mà cơ thể đã bị mất đi, hầu tái lập sự cân bằng, xua tan cảm giác choáng váng hay nhức đầu.

7/ Quí vị muốn tránh một bữa ăn trưa, hay ăn tối thịnh soạn chăng ? Dưa leo đã được dùng hàng thế kỷ nay, ngay cả bởi những người giăng bẫy thú rừng, các nhà buôn, các nhà khai phá Âu châu khi muốn có một bữa ăn nhanh, họ đã ăn dưa leo để không còn cảm giác đói bụng nữa.

8/ Quí vị sắp có một cuộc họp quan trọng, hay một cuộc phỏng vấn tìm việc làm, nhưng lại không đủ thời gian để đánh bóng đôi giầy của mình. Hãy thoa một lát dưa leo tươi lên giầy, hóa chất của dưa leo sẽ khiến giầy bóng lên, tuy không thật hoàn hảo nhưng cũng có tác dụng chống thấm nước.

9/ Trong nhà quí vị không có loại dầu chống rỉ sét WD 40, nhưng lại đang cần loại trừ tiếng kẽo kẹt từ bản lề của cửa ra vào. Hãy dùng một lát dưa leo chùi chung quanh bản lề đó, cửa sẽ không còn tiếng kẽo kẹt nữa.

10/ Quá căng thẳng nhưng lại không có thời gian để massage hay ghé vào spa, quí vị hãy cắt hết một quả dưa leo, cho vào một bình nước sôi, rồi hé mở nắp đậy, để cho hơi nóng thoát ra ngoài. Các hóa chất và dưỡng chất từ dưa leo sẽ tác dụng với nước sôi và tỏa ra một làn hương làm dịu đi sự căng thẳng, và tạo ra một cảm giác rất thoải mái.

11/ Quí vị vừa xong một bữa ăn trưa với các đồng nghiệp, và chợt nhớ mình không có chewing gum hay kẹo the. Hãy cắt một lát dưa leo, rồi đặt sát vòm miệng trên chỉ độ 30 giây thôi, hơi thở sẽ thơm tho như ý muốn, vì các hóa chất thực vật của dưa leo sẽ tiêu diệt các loại vi trùng, vốn là nguyên nhân gây nên bệnh hôi miệng.

12/ Quí vị muốn lau chùi muỗng nỉa, sinks, hay các đồ dùng kim loại không rỉ sét ? Hãy dùng một lát dưa leo lau chùi các vật dụng trên, không chỉ làm mất đi những vết lu mờ lâu năm và làm sáng bóng trở lại, mà còn không để lại các vết sọc, và cũng không làm hư hại ngón tay cũng như móng tay của quí vị vì việc lau chùi nữa.

13/ Quí vị đang viết bút mực và bị lỗi khi viết. Hãy lấy lớp vỏ dưa leo, và nhẹ nhàng tẩy vết mực muốn tẩy. Cũng rất công hiệu khi tẩy vết bút chì, và những vết mực mầu trang trí mà các trẻ em vẽ lung tung trên tường. Đây là những phương cách hiệu quả và an toàn, giải quyết được những vấn đề hàng ngày. Qúi vị hãy áp dụng và giới thiệu cho những người quen biết của mình nhé.


Hồng Thúy chuyển 

Đêm Trăng Thanh Tịnh - Minh Lương

Đừng Cố Học Giỏi Ở Việt Nam - Hoàng Huy


 "Ăn thì phải no, học thì phải giỏi, yêu là phải cưới, cưới là phải sinh con, sinh con thì con cũng phải học giỏi, học giỏi là phải trường chuyên, trường chuyên nhưng còn phải lớp xịn, lớp xịn là phải đỗ đại học, đại học là phải top đầu, top đầu là phải……không thất nghiệp, và không thất nghiệp…..rất có thể phải “chạy” – điều mà những người Giỏi thực sự không bao giờ làm. Bạn thấy đấy, rất nhiều nghịch lý luẩn quẩn hiện có trong xã hội của chúng ta đều ít nhiều liên quan đến một từ: GIỎI. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn nghĩ chúng ta chẳng nên cố bằng mọi giá để học quá giỏi? Dưới đây là 4 lý do mà bạn có thể sẽ cực kỳ “phản đối” !

1. Để học giỏi ở Việt Nam cần phải tốn quá nhiều thời gian cho việc học, học trên lớp, học ở nhà, học thêm, học phụ đạo……trong khi một ngày mãi mãi cũng chỉ có 24 giờ do đó, thời gian dành cho những thói quen lành mạnh như chơi thể thao, thư giãn rèn luyện thân thể không có nhiều và càng học lên cao càng bị cắt ngắn, dẫn đến nguy cơ lâu dài: sức khoẻ yếu. Sức khoẻ yếu, học giỏi vô nghĩa!

2. Để học giỏi ở Việt Nam, bạn cần phải “học đều” – một khái niệm đặc sản nhưng không hề thơm ngon của nền giáo dục Việt Nam, tức là phải học giỏi tất cả các môn, đầu tư thời gian dàn trải để giỏi tất cả các môn đồng nghĩa là rất khó cho bạn để có chặng nghỉ nghĩ về những gì mình yêu thích nhất và có tiềm năng phát triển nhất. Rất nhiều học sinh giỏi cái gì cũng giỏi nhưng chẳng thật sự giỏi cái gì. Rất nhiều học sinh khi được hỏi “Em thích làm gì nhất?”, trả lời “Em không biết.” Một hành trang quá cồng kềnh và bị nhồi nhét chỉ làm cho cuộc hành trình của bạn thêm mệt mỏi. Hãy biết chọn lọc!

3. Để học giỏi ở Việt Nam, bạn cần phải hấp thụ rất nhiều kiến thức bạn học xong không biết để làm gì? Không là kỹ sư, không theo nghiệp kỹ thuật, bạn sử dụng đạo hàm, sử dụng hàm số, sử dụng tích phân để làm gì……….? Mà muốn sử dụng, bây giờ có vô số phần mềm và ứng dụng làm thay con người những tính toán đó. Bạn có định tự kéo cày trong khi nhà có trâu và có máy? Người ta hay nhắc bạn tiết kiệm điện, tiết kiệm nước, nhưng không ai nhắc bạn tiết kiệm tài nguyên não của chính bạn.

4. Để học giỏi ở Việt Nam, cuộc sống của bạn rất dễ bị mẻ, bị nứt, bị lệch và rất có thể bị vỡ nữa. Bạn còn quá trẻ và non nớt, vì thế nên bạn cần đi học để trưởng thành lên theo năm tháng, nhưng bố mẹ và thầy cô luôn cần bạn phải là số 1, không được là số 2, nhất định phải là số 1, và họ thi nhau chất lên lưng bạn những áp lực nặng nề mà chính bạn cũng không thể biết được đâu là tới hạn. Đến khi bạn kém giao tiếp, ứng xử lúng túng, không biểu đạt ngay cả những gì mình muốn nói, không tự tin giữa đám đông chỉ vì ngoài giờ học bạn không còn người bạn thân nào hơn Facebook, Zalo và máy tính và điện thoại, không có thời gian để quan sát cuộc sống tươi đẹp xung quanh. Coi chừng! Rất có thể, đấy là cách những tờ giấy khen Học sinh giỏi âm thầm đánh cắp tuổi thơ của bạn.

Bố mẹ Việt đang nhầm lẫn tai hại giữa: học Tốt và học Giỏi, nhiều phụ huynh cứ có niềm tin mù quáng là con cứ học giỏi là chắc chắn là có vé đi ga "Tương Lai Hạnh Phúc" thế là cứ cố nhồi con học cho đến khi họ nhận ra sự thật bẽ bàng: học giỏi mà không hạnh phúc thì còn bất hạnh hơn học dốt mà biết cái gì là tốt.

Vấn đề không nằm ở Bộ Giáo dục, mà nằm ngay trong chính tâm thức mỗi ông bố bà mẹ: có dám để cho con mình học dốt - học theo đúng năng lực của mình hay không, hay sợ dư luận chê cười? Sợ đến chết!
Bên cạnh quyền được Khổ, quyền được Dốt cũng là một trong những quyền của học sinh đang bị phụ huynh Việt xâm phạm thô bạo.
Nếu con bạn là cây Tùng xin đừng trồng trong chậu, chăng đủ thứ đồ trang trí lên và gọi nó là cây Thông Noel".


Hoàng Huy

Friday, July 29, 2022

Chia Gia Tài

 

Trong bệnh viện, một ông sắp chết, kêu vợ đến giường bệnh dặn dò, và có nhờ bác sỹ làm chứng.

• Những khu apartment ở Newport beach giao cho thằng Hai.

• Còn khu shopping ở Hollywood thì giao cho thằng Ba. 

• Còn bà thì lớn tuổi rồi, thì đừng đi xa, mấy cái appartment vùng Little Saigon thì giao cho bà.

Bác sỹ quá sững sờ nói: không ngờ bác trai là đại gia.

Bà vợ nói:

- Không phải đâu bác sỹ, ông chồng tôi chia và giao khu vực để tụi tôi đi lượm lon đó.


Lượm trên mạng

Chiến Sĩ Áo Đen - Người Lính Không Số Quân - Ngư Sĩ

 

Tiếng điện thoại reo lúc 10 giờ tối. Tôi đang lim dim, chợt bừng tỉnh ngồi dậy bắt điện thoại:

- A-lô, xin lỗi ai đầu dây?

Tiếng người bên kia đầu dây:

- Dạ, em đây! Anh còn nhớ em không?

Tôi ngập ngừng vì chưa nhận ra người gọi:

- Em là ai mà gọi anh giờ này?

Tiếng cười lanh lảnh bên kia đầu dây:

- Dạ, em là Bình đây, Bình “Nhân Dân Tự Vệ” ở ấp Phú Cường đó. Anh nhớ chưa?

Tôi ồ lên một tiếng vì hình ảnh cậu “Nhân Dân Tự Vệ” tên Bình ngày xưa hiện rõ mồn một trước mặt. Không giấu vẻ ngạc nhiên, tôi hỏi:

- Ủa Bình! Em đang ở đâu mà sao biết số điện thoại anh?

Trong câu chuyện trao đổi với Bình, cậu NDTV gợi lại trong tôi bao kỷ niệm u hoài ray rứt mà cho đến bây giờ, sau bao thăng trầm vẫn còn dằn vặt.

Lúc ấy, cậu bé Bình mới độ tuổi 15 nhưng có vóc dáng to cao như một chàng thanh niên cường tráng. Tình hình chiến sự leo thang, cấp độ phòng thủ an ninh xã ấp rất là nghiêm ngặt. Bọn du kích Việt cộng đột nhập về thôn xóm thường xuyên. Cậu bé Bình đã thân lên tận Quận xin được vào gặp tôi. Lý do là cậu ta xin tình nguyện nhận khẩu Trung Liên BAR, vũ khí liên thanh cả trung Đội NDTV chỉ có một khẩu. Tôi ngập ngừng suy nghĩ vì Bình chưa đủ tuổi để được cấp phát loại vũ khí này. Với vai trò Chỉ Huy Trưởng NDTV, tôi giải thích với Bình loại vũ khí này có tầm sát hại nhanh, tôi ngại là em xử dụng không cẩn trọng có thể đưa đến cái chết cho rất nhiều dân thường.

Đêm nào có Việt cộng về ấp, nơi nào có tiếng súng nổ, là Bình có mặt, Bình vừa khóc vừa kể lể về cái chết bi thương của cha cậu là một Xã Trưởng bị Việt cộng sát hại. Tiếng khóc của Bình khiến tôi não lòng xao xuyến, bồi hồi nhớ lại một kỷ niệm đau lòng mà trong đó tôi là người có dự phần trách nhiệm.

Ông Xã Trưởng Hòa cha của Bình là một cán bộ xã ấp ưu tú, có thành tích xuất sắc ngăn chận du kích Việt đột nhập vào đốt phá sập trụ sở xã ấp. Tình hình an ninh ở xã của ông đặt trong tình trạng báo động đỏ. Trước ông, đã có hai ông xã trưởng và một ấp trưởng bị Việt cộng sát hại thế nên ngoài ông ra không có cán bộ nào dám nhận lãnh vai trò xã trưởng. Là một xã trưởng có tinh thần chống cộng cao độ, ông Hòa có sáng kiến “Dĩ độc trị độc”. Cứ đêm đến, ông cho tập trung những thân nhân của bọn Việt cộng thoát ly vào ngủ trong trụ sở xã ấp rồi rào lại bên ngoài. 

Kể từ đó, bọn du kích Việt cộng không dám mò về đặt chất nổ giựt sập trụ sở xã ấp nữa. Những lần “mũi công tác Việt cộng cơ sở” mò về xóm đều bị toán NDTV do ông chỉ huy chặn đánh phải rút lui bỏ lại vài ba xác chết. Chịu nhiều thiệt hại và không hoạt động được, Việt cộng đã rải truyền đơn lên “Án Tử Hình” ông xã trưởng Hòa.

Trước đe dọa cho an nguy bản thân, ông Xã Hòa đã lên Quận gặp tôi xin phép được cho nghĩ việc. Là một cấp chỉ huy, tôi bị đặt trong tình thế khó xử. Làm thế nào có thể lấy một quyết định đúng giữa một bên là trách nhiệm giữ gìn an ninh xã ấp một bên là sự an nguy của một cấp thừa hành mà tôi rất trân trọng kính mến? Tôi phân vân không biết lấy quyết định nào. Kiểm điểm lại những năm tháng học ở nhà trường, không có môn học nào dạy tôi phải lấy một quyết định khó khăn đến thế. 

Lúc này, nhận chức hành xử quyền chỉ huy tôi phải tự mình quyết định mà không có vị thầy bên cạnh để tham vấn khi gặp khó khăn. Lúc bấy giờ tôi mới thấy thực tế trường đời có những điều khó khăn phức tạp mà mái trường Hành Chánh không cung cấp đủ hành trang để tôi có thể ứng phó với thực tế.

Thấy tôi suy tư do dự, ông Xã Trưởng Hòa tiếp một đòn tâm lý:

- “Ông P. thương giùm hoàn cảnh của tôi với chín đứa con nhỏ. Nhỡ tôi có bề gì thì tội nghiệp cho bầy con nhỏ dại...”

Vốn là người giàu tình cảm dễ cảm xúc, tôi lại càng nao núng. Cuối cùng tôi kỳ hẹn với ông ta là trong vòng ba ngày, tôi sẽ cho ông biết quyết định sau khi tôi tham khảo với ông Trung Tá Quận Trưởng. Hiện thời tôi yêu cầu ông ráng nhận trách nhiệm thêm ba ngày nữa.

Ông Xã Hòa bắt tay tôi cám ơn và quay lưng bước ra khỏi văn phòng Quận. Nhìn từ phía sau lưng, dáng đi của Ông Xã Hòa, tôi chợt bị ám ảnh của khoa Tướng Mệnh Học mà từ nhỏ đã được đọc trong tủ sách của ông chú. Ông Xã Hòa vóc người mập mạp chắc nịch rắn rỏi nhưng nếu nhìn từ phía sau lưng ta có cảm tưởng cái đầu ông gắn lên giữa đôi vai mà không có cổ. Đây là điểm kỵ khắc tướng trong Khoa Tướng Mệnh có thể đưa đến cái chết bất đắc kỳ tử. Ý nghĩ này khiến tôi đâm ra lo ngại cho sự an nguy của ông ta.

Hai ngày sau, tin ông Xã Hòa tử nạn trong đêm Việt cộng tấn công vào xã sau khi đã dũng cảm chỉ huy anh em NDTV chống cự. Ông đã bị một quả mìn Claymore Việt cộng gài nổ ngay cổng trụ sở với cái chết không toàn thây. Tôi và ông Quận Trưởng hôm sau đến tận nhà đang khâm liệm viếng tang. Vừa bước vào với một nhà khăn tang trắng, tiếng khóc của vợ con ông Xã Hòa não nề, lòng tôi như chết lặng. Tay run run đặt lên quyển Thánh Kinh trước quan tài người quá cố, nước mắt tôi tuôn rơi không thể nói được một lời nào phân ưu với gia đình. 

Oan nghiệt thay! Quyết định của tôi đã đưa tới cái chết đau thương không những của một chiến hữu đáng kính mà còn gây đau khổ cho cả một gia đình với bầy con chín đứa nheo nhóc! Tôi tự trách mình đã làm một quyết định sai lầm đưa đến cái chết oan nghiệt của một người cộng sự mà tôi mến thương nhất. Nỗi niềm ân hận này cứ dày vò dằn vặt đeo đuổi theo tôi cho mãi cho tới tận bây giờ...

Nghĩ tới đây, tôi mới hiểu lý do mà Bình, với tuổi đời 15 đã tự nguyện xin nhận lãnh khẩu Trung Liên BAR. Tôi đồng ý sau khi cậu ta nài nỉ nhưng lại đâm lo. Cha cậu đã hy sinh vì chính nghĩa giữ gìn an nguy làng xóm. Bây giờ giao súng liên thanh nhỡ cậu ta có mệnh hệ nào thì sao?

Tôi lại phải chọn một quyết định khó khăn nữa trong vai trò chỉ huy và không biết chắc rằng quyết định lần này đúng hay sai. Với khẩu trung liên BAR trong tay, đêm nào có Việt cộng về ấp, nơi nào có tiếng súng nổ, là Bình có mặt, xông xáo bắn rát khiến bọn chúng phải rút lui để lại một hai xác chết. Với thành tích của Bình, tôi và ông Quận xuống tận nơi gắn huy chương cho cậu NDTV dũng cảm gan dạ. 

*****

Với thành tích “diệt Cộng” vang dội, cậu NDTV 15 tuổi phải gánh những năm tháng lao tù cải tạo, chịu đựng những gian khổ đời tù kéo dài nhiều năm cũng như các sĩ quan chỉ huy chúng tôi. Dù được phân phối ở khác đội trong nhà tù nhưng Bình luôn tìm dịp ghé qua chào tôi. Có lúc tôi bị cơn sốt rét hoành hành, trông tiều tụy xanh xao, Bình đã đến ôm tôi vỗ nhẹ vai, ghé tai nói nhỏ khích lệ:

- “Ông P. ráng cố gắng lên... mình không sao đâu.”

Bị giam giữ trên vùng mật khu âm u chướng khí, hằng ngày phải chứng kiến rất nhiều anh em bạn tù lần lượt ngã gục vì sốt rét cấp tính. Tôi bệnh ngất ngư chỉ nằm thoi thóp vì không thuốc men chữa trị. Lúc bấy giờ, Việt cộng đã tiến chiếm thủ đô Sài Gòn nên chúng tôi được lệnh di chuyển xuống đồng bằng. Chúng ra lệnh cho nhiều anh em bệnh nhân đang nằm la liệt là tất cả mọi người phải tự đứng lên dời trại, không đi nổi cũng phải ráng đi. Ai không đi được sẽ bị bỏ lại nơi rừng thẳm làm mồi cho thú dữ.

Trong lúc mọi người sửa soạn hành trang khăn gói lên đường, cậu NDTV Bình lại đến ghé tai tôi nói nhỏ:

- Ông P. ráng đứng lên cố gắng đi, em sẽ dìu ông xuống núi.

Tôi thều thào nói với Bình:

- Anh chắc không đi nổi đâu em. Thôi, em cứ đi theo mọi người đi, đừng bận tâm đến anh.

- “Không không”, Bình nói: 

“Dù thế nào em cũng phải dìu ông đi.”

Thế là Bình xốc tôi đứng dậy, một vai mang ba lô một tay choàng qua vai dìu tôi từng bước. Đường núi đá gập ghềnh gai nhọn, hai chúng tôi không theo kịp đoàn người phía trước, có lúc tưởng như lạc giữa rừng già. Trời nắng chát, áo Bình ướt đẫm mồ hôi nhưng tội nghiệp Bình mệt thở dốc mà vẫn cố dìu tôi khập khễnh nặng nhọc xuống núi, miệng khuyến khích:

- “Ông P. ráng lên!”

Cuối cùng hai chúng tôi ra khỏi đường núi xuống đồng bằng mới biết là đoàn người đã đến hạ trại từ lâu. Lần này, nhờ có Bình mà tôi thoát chết không bị bỏ lại giữa rừng già... 

*******

Cú điện thoại đột ngột của Bình đưa tôi về quá khứ cách đây gần bốn mươi năm. Tôi nhớ lại như in khuôn mặt của cha con ông Xã Trưởng Hòa đã để lại trong tôi dấu ấn không quên. Tôi đã mang món nợ xương máu với gia đình, vợ con ông Xã Trưởng vì quyết định của mình. Đúng hay sai tôi chưa biết nhưng dù sao tôi đã có can dự vào cái chết thê thảm của “một cán bộ dũng cảm trung kiên hào hùng với chính nghĩa Quốc Gia”. Nỗi ám ảnh về cái chết của ông luôn trở về dằn vặt đeo đuổi theo tôi bao năm tháng khó quên!

Riêng với Bình, người em NDTV, Tôi đã nợ em nhiều lắm. Lực lượng NDTV không được hưởng bỗng lộc gì của chính thể Cộng Hòa, không số quân, không cấp số. Chỉ với tấm lòng “BẢO QUỐC AN DÂN”, em và lực lượng NDTV đã chiến đấu đơn độc để bảo vệ sự bình yên cho thôn xóm. Phải gọi lực lượng NDTV như em là “người chiến sĩ không có số quân.”

Một cán bộ dũng cảm trung kiên hào hùng với chính nghĩa Quốc Gia.

Để rửa mối thù Việt cộng giết cha mà em đã dũng cảm chiến đấu, nơi nào có tiếng súng nổ là em ôm súng Trung Liên BAR lao vào trận chiến. Em đã lập được chiến công. Em không được sự tưởng thưởng nào của chính phủ Cộng Hòa ngoài tấm huy chương và 5,000 đồng bạc mà tôi và ông Quận Trưởng đã móc tiền túi tưởng thưởng cho em.

Lúc tàn cuộc chiến, em lại gánh món “NỢ TÙ” thời hạn ngang với hàng sĩ quan cấp Đại Úy. Lúc vinh thì em không được hưởng cấp bực bổng lộc gì của chính quyền nhưng khi hoạn nạn sa cơ thì em lại trải qua những đày đọa trả thù đắng cay của kiếp tù như bao chiến sĩ khác. Em đã tận lòng trung dũng với nước non và là thành phần chịu nhiều thiệt thòi nhất.

Cuối cùng rồi trời không phụ người. Theo lời em kể lại, em được ra khỏi tù sau sáu năm bị trù dập trong trại cải tạo. Thời hạn sáu năm tù của em là cấp bậc để em được đi theo diện H.O. và đã định cư ở một tiểu bang miền Nam. Em đã có vợ và hai con đều đang học trung học. Bình và vợ đều có công ăn việc làm ổn định.

Tôi rất mừng khi được biết em đã thoát khỏi sự trả thù và tìm được cuộc sống bình yên ở xứ người.

Bình em, người chiến sĩ Nhân Dân Tự Vệ!

Anh không thể nào trả được “món nợ ân tình” của em và “món nợ xương máu” đối với gia đình em. Nhưng anh luôn ghi khắc tấm lòng thủy chung với đất nước mà ba em và em đã đóng góp và đã chịu hy sinh. Anh cầu chúc cho Bình- người chiến sĩ NDTV không số quân- và gia đình em luôn được cuộc sống an lành./.

 

Ngư Sĩ

Phật Độ Trần Ai - Đỗ Công Luận

Chuyện Xưa Tích Cũ: Cứu Vật, Vật Trả Ơn. Cứu Nhân, Nhân Trả Oán


Ngày xưa, có một anh chàng không có tài nghề gì cả, chỉ được cái hiền lành hay thương người. Từ lúc vợ chết, anh ta trở nên túng bấn tợn. Có dạo phải ngửa tay ăn xin. Thấy nghề này hèn hạ lại không nuôi nổi tấm thân, anh chàng mới xoay sang đi làm thuê. Nhưng chỉ làm được một ngày anh đã thấy nhọc mệt và bị chủ la mắng nhục nhã, nên lại dự định làm nghề đi câu là nghề anh cho là thong thả tự do hơn. Chiều hôm đó, người ta trả công cho ba mươi đồng kẽm. Anh chàng bèn lấy số tiền đó làm vốn, mua lưỡi mua dây quyết chí làm ăn bằng nghề nghiệp mới. Sáng hôm sau, anh ra ngồi ở bờ sông câu cá. Nhưng mãi đến trưa chả kiếm được một tý gì. Mồi cứ mất toi. Mãi đến chiều mới thấy phao chìm xuống, anh giật lên thì được một con rắn nước. Lấy làm bực mình, anh chàng gỡ con rắn ra rồi quẳng xuống sông. Lần thứ hai giật lên thì lại chính con rắn nước hồi nãy mắc vào lưỡi. Anh than thở với rắn: “Rắn ôi! Tao nghèo lắm, chỉ được ba mươi đồng kẽm thôi. Mày đừng hại tao hết cả mồi, rồi đây biết lấy gì kiếm ăn”. Anh chàng lại quẳng rắn xuống nước. Lần thứ ba cũng lại con rắn đó mắc lưỡi câu. Lần này hắn giận lắm không thả rắn xuống nước nữa mà nắm lấy cổ rắn định mang đi giết. Qua cửa đền bà thần Khai Khẩu, tự nhiên con rắn nước kêu lên:

-Đừng giết tôi. Tôi là con vua Thủy phủ, vì muốn đánh bạn với anh nên mới tự cắn câu nhiều lần như thế. Hãy cho tôi đi theo, tôi sẽ giúp anh vượt qua cảnh nghèo. Anh nghe lời, cho rắn theo mình. Từ đó hắn câu được nhiều cá: thứ ăn, thứ bán, cuộc sống rất dễ chịu. Anh chàng với rắn ngày một tương đắc. Một hôm rắn cho anh biết chỉ ba ngày nữa sẽ có một trận lụt lớn xưa nay chưa từng có. Anh nghe lời rắn đóng một chiếc bè nứa để phòng tai nạn. Anh lại còn loan báo cho mọi người xung quanh biết. Nhưng chả một ai thèm nghe. Ba ngày sau, quả nhiên gió bão nổi lên đùng đùng, mưa to như trút, nước dâng lên như biển cả. Người, vật, đồ đạc và mùa màng, v.v… đều trôi băng băng mất tích. Mãi đến ngày cơn bão tạnh, anh mới dám chống bè tìm về chốn cũ. Thấy một cái tổ kiến đang lênh đênh trên dòng nước, con rắn bảo anh chàng:

-Anh hãy cứu chúng nó một chút. Anh trả lời:

-Vớt làm gì bầy kiến nhỏ mọn ấy để nó bò khắp bè. Nhưng rắn khẩn khoản:

-Không, anh hãy nghe lời tôi đi. Rồi chúng nó sẽ trả ơn anh. Nghe lời rắn, anh chàng vớt cái tổ kiến lên bè của mình. Đi được một đoạn, lại gặp một con chuột đang lội bì bõm sắp chết đuối. Rắn lại giục anh vớt lên. “ồ -hắn đáp

-Con chuột thì cho nó chết chứ cứu nó mà làm gì?” “Không, anh hãy nghe tôi đi. Rồi nó sẽ trả ơn anh”. Nghe lời rắn, anh chàng vớt con chuột lên bè của mình. Đến một chỗ khác họ lại gặp một con trăn đang nằm cuộn tròn trên một ngọn cây giữa dòng nước đợi chết. Rắn cũng giục anh giúp trăn thoát nạn: “ồ -hắn đáp.

-Con trăn kinh lắm, cứu nó mà làm gì? “

-“Không. Anh hãy nghe tôi đi. Rồi nó sẽ trả ơn anh”. Nghe lời rắn, anh chàng lại giúp cho con trăn lên bè. Sau cùng họ gặp một người đàn ông đang bám vào một cây gỗ nổi bập bềnh giữa dòng nước. Anh không đợi rắn bảo, định vớt lên bè, nhưng con rắn cản lại:

-Anh đừng vớt nó lên làm gì. Nó sẽ làm hại anh đấy. Anh đáp:

-Người ta thường nói cứu một người dương gian bằng một ngàn âm ti. Sao lại chỉ cứu vật mà không cứu người kia chứ. Nói đoạn, mặc kệ lời rắn can ngăn, anh nhất định thực hiện ý nghĩ của mình, vớt người sắp chết đuối đó lên bè, cho sưởi lửa ấm và cho ăn uống tử tế. Sau mấy ngày nước rút đi hết, anh thả tất cả những con vật lên bờ. Còn người nọ vì gia đình phiêu bạt, nhà cửa trôi mất cả nên anh cho ở lại với mình cùng câu cá nuôi nhau và coi như em ruột.

* * *

Đến lúc con rắn nước trở về thủy phủ thì nó mời anh cùng đi theo xuống giang sơn của cha mình. Dọc đường, rắn bảo bạn: “Nếu cha tôi có cho gì thì anh nhớ đừng nhận, mà chỉ xin lấy cây đàn thất huyền. Đàn ấy nếu có giặc, gảy một bài là có thể làm cho giặc phải tan”. Vua Thủy thấy có bạn của con tới chơi lấy làm mừng rỡ, đãi anh chàng rất hậu. Khi vua Thủy sai quân hầu mang vàng bạc châu báu đến biếu, anh nhớ lời rắn cố khước từ, chỉ xin có mỗi một chiếc đàn thất huyền. Vua Thủy nể chàng, thuận cho ngay. Anh trở về cõi đất, quý chiếc đàn vô hạn. Một hôm anh có việc phải đi xa. Trước khi đi, anh giấu chiếc đàn thần dưới cót thóc, dặn người bạn chớ có bén mảng đến chỗ cót thóc đó. Nhưng người kia nghe dặn, đồ rằng dưới ấy tất có vật quý bèn cố tâm kiếm tìm, quả bắt được cây đàn. Hắn đã biết sự mầu nhiệm của chiếc đàn ấy bèn lấy trộm rồi trốn đến kinh đô để lập công danh. Hồi ấy quân đội nhà vua phải đối địch với một nước láng giềng luôn luôn kéo quân sang quấy nhiễu bờ cõi. Hắn vào xin vua đi tiễu trừ giặc dữ. Nhờ có chiếc đàn thần, hắn đã làm cho quân đội của đối phương thua liểng xiểng. Lúc thắng trận trở về, hắn được nhà vua hết lời khen ngợi, phong làm đại tướng, ban lộc rất hậu. Được giàu sang, hắn không còn nghĩ gì đến ân nhân của mình nữa. Nhà vua toan gả công chúa cho đại tướng nhưng vừa hứa hôn thì bỗng dưng công chúa bị câm. Vì thế hôn lễ đành phải hoãn lại chờ lúc công chúa lành bệnh mới cử hành.


* * *

Lại nói chuyện anh chàng câu cá khi trở về thấy mất bạn lại mất cả cây đàn thất huyền thì vội bỏ nhà đi tìm. Vào đến kinh đô, một hôm anh gặp người kia bây giờ đang ngồi trên kiệu sơn son thiếp vàng, có quân gia theo hầu đông nghịt. Anh đón kiệu lại, cất tiếng hỏi thăm bạn cũ. Nhưng người kia vừa gặp ân nhân của mình đã vội thét lính bắt trói lại. Thế rồi, để khỏi lộ chuyện, hắn vu cho anh làm giặc, sai nhốt một chỗ kín đáo, không cho ăn, để chờ ngày đưa ra pháp trường. Trong ngục tối, giữa khi anh chàng đang than thân trách phận thì bầy kiến ngày xưa đã tìm được cách lọt vào hỏi thăm: “Tại sao ông bị giam ở đây?”. Anh chàng ngơ ngác không hiểu tiếng ai hỏi mình, bèn hỏi lại: “Ai đó? Tại sao tôi chỉ nghe tiếng mà không thấy người?”

-“Chúng tôi là bầy kiến mà ông cứu khỏi nạn lụt ngày xưa, hiện đang ở dưới chân ông đây!”. Anh chàng cúi xuống tìm kiến rồi kể chuyện cho kiến nghe nông nỗi của mình. Kiến nói: “Chúng tôi không thể làm được gì nhưng để chúng tôi đi kiếm con chuột ngày ấy, may chuột có kế gì chăng”.

Lũ kiến bèn chia nhau mỗi con một phương đi kiếm chuột và báo tin không may của ân nhân cho chuột biết. Chuột bảo: “Bây giờ chắc ông ấy đói lắm, để tôi mang vào ngục một ít thức ăn đã. Rồi tôi sẽ đi kiếm con trăn xem thử nó có mưu mẹo gì chăng”. Chuột liền đưa khoai và bánh lấy trộm được của một nhà hàng vào ngục cho anh chàng ăn. Anh tỏ lời cám ơn. Rồi cả gia đình nhà chuột lại kéo nhau đi tìm trăn. Lúc sắp đến nhà trăn, cả bầy chuột sợ trăn ăn thịt bèn trèo lên cây cao gọi xuống: “Bác trăn ơi! Bác trăn ơi!”. Khi trăn ra, một con chuột già đánh bạo xuống kể chuyện cho trăn biết. Trăn nhả ra một viên ngọc bảo chuột đưa về cho ân nhân mà rằng: “Viên ngọc này mài ra thành bột có thể chữa lành câm. ‘Ân nhân của chúng ta có thể đem chữa bệnh cho công chúa rồi nhờ đó mà thoát nạn”. Khi được ngọc, anh chàng gọi người cai ngục đến nói mình có phép cứu công chúa khỏi câm. Người ta dẫn anh đến trước vua. Quả nhiên sau khi công chúa uống nước ngọc mài bỗng nói được, và câu đầu tiên của nàng là đòi lấy người cứu mình làm chồng. Vua rất 85 86 khen ngợi, hỏi anh ta vì sao có thứ thuốc thần diệu đến thế. Anh chàng kể lại đầu đuôi câu chuyện, từ lúc câu được rắn, cứu được các con vật và người, cho đến lúc bị người phản bội, còn các con vật lại tìm cách trả ơn, trong đó có con trăn cho mình viên ngọc quý. Vua nghe xong tắc lưỡi: “Thật là bụng dạ con người sâu hiểm hơn cả những con vật nguy hiểm!”. Lập tức vua sai lính bắt giam tên đại tướng bất nghĩa kia để chờ ngày phán xử. Còn anh chàng đi câu được vua cho làm quan và gả công chúa. Anh ta sống một cuộc đời sung sướng hơn trước.


Sưu tầm

 

Khúc Tương Tư - Hàn Thiên Lương

 

(Nhớ đêm nghe Tiếng Tơ Đồng dạo khúc tương tư)


Đàn ai đang dạo khúc tương tư

Vẳng nỗi tình xa đã biệt mù

Đôi mắt vẫn còn in cõi mộng

Lạc đời nhớ mãi đến thiên thu!

 

Một khối tình sầu cách núi sông

Nhớ thương vương víu mãi tơ lòng

Chập chờn lẻ bóng mơ tương ngộ

Mịt mùng sương gió cõi mênh mông.

 

Mãi ngát trong hồn hương dạ lý

Người đang ẩn hiện giấc tương tư

Đêm đêm dõi ánh viền trăng ngọc

Tìm dấu người xưa cõi mịt mù!

 

Cứ tưởng chân người vừa bước qua

Ngờ đâu lá rụng động thềm nhà

Tương tư hiu hắt hồn lưu lạc

Canh cánh bên lòng người chốn xa!

 

Cô đơn chiều bước giữa rừng thu

Sương khói hoàng hôn tỏa mịt mờ

Lại ngỡ dìu nhau về cõi mộng

Gió rừng vi vút tiếng đàn thơ!

 

Nhưng đó chỉ là mộng mị thôi

Cố nhân xa biệt mãi bên trời

Tương tư trong giấc sầu đêm lạnh

Thương nhớ bao mùa lệ đắng môi!

 

Hàn Thiên Lương