Saturday, November 30, 2019

Nhân Ngày Lễ Tạ Ơn Thanksgiving - Trầm Vân

Biển Sâu Với Những Sinh Vật Lạ Lùng Kỳ Dị

Thường Lạc Tâm An - Đỗ Công Luận

Trung Quốc Ngày Nay Qua Cái Nhìn Của Một Người Tàu - Nguyễn Thị Cỏ May (Danlambao)


Thật may mắn – thật tình phải nói như vậy – còn không ít người Việt nam nơm nớp lo sợ nước Việt Nam rồi đây sẽ mất để trở thành một nước Tàu. Thế giới đang lo đối phó nạn bành trướng hết tốc lực và toàn diện của Tàu nhằm làm chủ thế giới. Vụ bắt bà Meng Wanzhou, Giám đốc tài chánh của Công ty Huawei, đúng là một cú đá giò lái quá nặng của Mỹ đối với Tàu trong chánh sách chạy đua thực hiện bá quyền của Tàu.

Tựa quyển sách của 2 nhà nghiên cứu người Pháp chuyên về chánh trị Tàu, Sophie Boisseau du Rocher và Emmanuel Dubois de Prisque (Odile Jacob, Paris, 2019) được tác giả trình bày dưới dạng chơi chữ “Tàu v(L)à thế giới” (La Chine e(S)t le monde – La Chine ET=VÀ nhưng có thêm S, đọc nguyên chữ EST=LÀ, động từ).
Nếu có người Việt Nam muốn viết một cuốn sách về sách lược bành trướng của Tàu, tưởng cuốn sách đó cũng nên có cái tựa viết giống như vậy, cùng cách chơi chữ, là “Việt Nam v(L)à Tàu” để báo động cho những người chưa thấy, chưa biết quốc nạn, không đọc sách mà chỉ thấy cái tựa thì cũng hiểu chuyện. Hiểu mối nguy sanh tử của Tàu đối với Việt Nam.

Tàu dưới con mắt thế giới
Huawei không chỉ là nhà sản xuất thứ hai trên thế giới về trang thiết bị viễn thông và smartphone mà đó thật sự là võ khí hàng đầu của chiến lược bá quyền của Tàu. Huawei nuôi tham vọng sẽ thay thế công nghệ Mỹ và, với tất cà phương tiện, sẽ nắm giữ vai trò chủ đạo của ngành này. Và đang tập trung vào 5G, không chỉ chiếm thị trường, mà nhằm chủ động và kiểm soát được thông tin về kỹ nghệ, về hoạt động của chánh phủ các nước, các thành phố, giao thông, các dịch vụ, ngân hàng,… Và nhứt là vũ khí. Tóm lại, kẻ thắng sẽ làm chủ thế giới. Giữa Mỹ và Huawei là cuộc chiến sanh tử. Nhưng với Bắc Kinh không chỉ có 5G phải đạt cho được mà là quyết tâm làm chủ trọn vẹn thế giới.

Sách lược tấn công thế giới của Tàu thật sự đã bắt đầu từ mười năm qua. Trước đây, Bắc Kinh còn giữ lời dạy của Đặng Tiểu-bình “Từ từ và giữ thế khiêm tốn” nhưng cuôc khủng hơảng kinh tế năm 2008 đã làm cho Tây Phương chao đảo, Bắc Kinh vội nắm ngay thời cơ, leo lên ngôi vị bá chủ.

Năm 2012, Xi Jinping nắm quyền, thay đổi chiến lược. Xi muốn kết hợp 2 nền độc tài – ngàn năm quân chủ và triều đại cộng sản – tiến lên tuyên bố nay là thời điểm “phục hưng nước Tàu”, một chánh sách xâm chiếm không giới hạn: chiếm Biển Đông, Bắc Cực, kiểm soát mười hải cảng có khả năng đón tiếp hải quân Tàu, tạo mười quốc gia chư hầu do ràng buộc về thương mại như thời đế quốc Tàu.

Trên mặt trận ngoại giao và đối với những cơ chế quốc tế, Tàu đã thoát khỏi cách ứng xử củ, sai khiến những chánh phủ chịu ảnh hưởng của mình để lũng đoạn những nguyên tắc nền tảng của Liên Hiệp Quốc, xâm nhập vào khối Liên Âu, mua chuộc một số quốc gia nhỏ bị kinh tế khủng hoảng để phá thế đoàn kết của Liên Âu, bảo vệ quyền lợi của Tàu, chống lại những tấn công nhơn quyền,…

Để thực hiện kỷ niệm 100 năm ngày lập đảng Cộng Sản và 100 năm ngày khai sanh nước Công Hòa Nhơn Dân Trung Hoa, Bắc Kinh bắt đầu bằng cách tỏ ra mình là một cường quốc hào phóng, có một hệ thống quyền lực vượt trội hơn những chế độ dân chủ Tây Phương, có khả năng đem lại sự tăng trưởng và sự ổn định. Tàu sẵn sàng mời những nhà lãnh đạo chánh trị các nước tới tu nghiệp, đều được hậu đãi, thanh niên ưu tú, ký giả, tới làm việc, tu nghiệp, được thù lao rộng rãi. Đồng thời, họ còn tài trợ cho hàng ngàn trung tâm nghiên cúu (think tank) trên thế giới. Hiện tại, Tàu có 350 000 sinh viên học ở Huê Kỳ và 35 000 ở Pháp, số tiền sinh viên đóng cho các đại học sẽ có khả năng làm cho các đại học ấy phải bỏ những môn mà Xi Jinping không hài lòng.

Một người Tàu nhìn Trung Quốc
Dưới cái nhìn của thế giới, Tàu không còn là một thách thức mà là mối nguy đang thật sự hăm dọa an ninh thế giới, nhứt là đối với Tây Âu và những giá trị của nó. Thế mà trong lúc đó, Tàu khoe khoang sự phát triển của họ hoàn toàn hòa bình và nhứt là trong DNA của họ không có chứa mầm chiến tranh. Nhưng ngân sách quốc phòng của Tàu tăng trưởng mau hơn sản lượng nội địa (PIB).
“Một người Tàu” nhìn Trung Quốc muốn nói trên đây là nhà văn Dai Sijie hiện ở bên Tàu để vận động tài chánh thực hiện bộ phim của ông, đồng thời ông cũng cho ấn hành ở Paris quyển truyện nói về cuộc đời của ông nội của ông.

Trong cách mạng văn hóa, ông là cậu bé mười tuổi và đã bị mọi người ghét, coi ông là người tội hình sự vì có ông nội là mục sư Tin Lành. Năm 1949, khi Cộng Sản chiếm trọn nước Tàu, ông nội của ông làm mục sư đang điều hành một cô nhi viện. Đó là trọng tội.
Sau năm 2011, Dai biến mất khỏi Pháp. Ông trở về Tàu nơi ông mô tả như một nước dễ thương một cách trung bình. Nhận xét nổi bật của ông là ở Tàu có lối “1% những người sống không sống chỉ vì tiền. Ngày nay, tiền trở thành cái đạo của người Tàu. Ông thấy một tỷ người Tàu thay đổi: trước kia, mọi người đều là cách mạng và ông đã sống trong xấu hổ vì ông thuộc gia đình một mục sư trong lúc những người khác thuộc gia đình thợ thuyền, nông dân, binh sĩ,… Nhưng ngày nay, nếu ai không kiếm được tiền mới là người đáng lấy làm xấu hổ”.

Ở Tàu, Dai có thể chạy ra tiền để làm phim nhưng ông không thể xin được giấy phép để in và phổ biến những tác phẩm của ông ở đó. Từ nhỏ đã mang đức tin Thiên Chúa Giáo, ông cứ nghĩ tới đời sống của Christ và ông nội của ông, người giúp đỡ rất nhiều cho người nghèo khổ và bản thân cũng bị đau khổ nhiều. Vậy phải chăng đó là hai điều song song với nhau? Ông nhớ lại cảnh bị đấu tố, người trong gia đình tố nhau với Hồng Vệ Binh,… Ông nhớ lại cha mẹ của ông, nguyên là y sĩ, bị cách mạng giam ở một nơi khác. Cảnh tịch thâu nhà cửa, của cải, khám xét, vô cùng khủng khiếp.

Một hôm vừa đi học về, Dai nghe những tiếng hò hét lớn, sỉ vả ông nội của ông là một tên nô lệ Tây Phương, tên phản quốc, một tên gián điệp. Ông còn nhớ ông nội của ông quì trên một bục cao, rồi có một Hồng Vệ Binh đá ông nội của ông làm cho ông té nhào xuống. Ông ngất liệm đi như chết. Mọi người chỉ đứng nhìn, không ai tới giúp đỡ. Rồi bỏ đi.

Cơn ác mộng hết sau khi Mao chết. Ngày nay, ở Tàu, Dai nhận thấy một điều lạ, không biết có phải là sự nghiệp của Mao để lại hay không, đó là ở Tàu có cả 100 triệu người Thiên Chúa Giáo. Không phải như ở Pháp, mà đó là những người giáo dân thuần thành, thật sự hành đạo, sống đời sống đạo nghiêm túc.

Trước kia, dưới thời Mao, ông nội của Dai cầu nguyện, đọc kinh trong bóng tối vì không dám đốt đèn. Ngày nay, tín đồ đi nhà thờ, nhà nguyện. Nhưng vẫn còn điều bị chế độ, tuy không còn Mao, cấm kỵ, đó là không được phép truyền đạo.
Dai không xin được phép in sách của ông ở Tàu vì sách viết bằng tiếng Tàu và trong sách, nhắc lại ông nội là một mục sư. Như vậy là phạm tội tuyên truyên tôn giáo.
Truyện của Dai đem thực hiện phim. Nhờ nhiều bạn bè làm điện ảnh, tài tử nổi tiếng vận động xin phép. Việc xin phép có thể được chấp thuận nhưng với điều kiện nhơn vật là mục sư phải thay đổi, như làm giáo viên, cán bộ, …

Ngày nay, nước Tàu phát triển, là cường quốc thứ nhì của thế giới. Dân Tàu đông đảo đi ra nước ngoài. Nhưng những thứ cộng sản đặc sệt vẫn còn nguyên và ở khắp nơi. Đó là tổ chức và quyền lực. Người ta thât sự không ai nói tới “độc tài” nhưng mọi thứ quyền lực đều nằm trong tay của một đảng duy nhứt.
Mọi người ai cũng đều có thể làm giàu nhưng, với điều kiện phải được đảng Cộng Sản ok. Mọi người đều có thể làm chuyện mình muốn, nhưng trước hết phải chờ đảng quyết định. Trong những xí nghiệp tư, phải có những đơn vị đảng dòm ngó dùm.
Tàu là nước tư bản nhưng đảng Cộng Sản mạnh hơn, nó kiểm soát tất cả, cả tư tưởng, cả mọi phản ứng tâm lý của dân.

Tuy nhiên có những chuyện mà cái đảng cực mạnh đó không thể kiểm soát được, không can thiệp được, nó chịu bất lực, đó là bịnh hoạn, chết. Những người lãnh đạo đảng như Xi, như Lý, như bịnh, chết, đảng Cộng Sản toàn quyền, triệt để, toàn diện, cũng chịu thua thôi.  


Cần Gì Tới Xe Kút Kít !

Lúc Trẻ Cứ Tưởng


1. Lúc trẻ, tưởng khóc là buồn. Bây giờ phát hiện buồn nhất là không thể khóc được, cứ trống rỗng, tỉnh táo và vô hồn.

2. Lúc trẻ, tưởng cười là vui. Bây giờ nghĩ lại, có những giọt nước mắt còn vui hơn cả một trận cười.

3. Lúc trẻ, tưởng đông bạn là hay. Bây giờ mới biết vẫn chỉ có mình mình.

4. Lúc trẻ, tưởng cô đơn ở đâu xa lắm, chỉ đến ở những chỗ không người. Bây giờ mới hiểu, lúc bên nhau, sự ấm áp mới thật mong manh, mà nỗi cô đơn sao lại gần gũi thế.

5. Lúc trẻ, tưởng yêu là tất cả, là mọi thứ. Lớn lên mới biết, sau yêu còn có chia tay.

6. Lúc trẻ, tưởng thành người lớn là lớn, bây giờ đã thấy có nhiều người lớn mà vẫn chưa thành người lớn, và đến khi thật sự thành người lớn thì người ta sẽ biết không bao giờ bé trở lại được.

7. Lúc trẻ, tưởng đóng đinh thì đóng đinh, không thích thì có thể nhổ. Bây giờ cảm nhận được đinh có thể nhổ nhưng vết sâu vẫn còn.

8. Lúc trẻ, tưởng mình có thể thay đổi cả thế giới. Giờ đây thấy được ngay cả một người còn chẳng có khả năng, có chăng vẫn chỉ là tự thay đổi mình.

9. Lúc trẻ, tưởng yêu một người thì dễ, quên một người mới khó. Giờ thấy mình quên đi nhiều người cũng dễ dàng,nhưng để yêu mới khó làm sao. 

10. Lúc trẻ, thích định nghĩa về tình yêu, tình yêu là X, là Y, là A,B,C,D. Bây giờ lớn rồi lại cuống cuồng vì hoang mang không biết tình yêu thật sự là gì cả.

11. Lúc trẻ,vẫn nghĩ rằng tình yêu là mãi mãi,tình yêu là thứ quan trọng nhất trong cuộc đời. Giờ thì biết yêu đến đó rồi đi đó, như mưa bóng mây,hay dù có như chớp bể mưa nguồn thì cũng vậy,có đó rồi mất đó. Và thực sự cũng chẳng biết thứ gì là quan trọng nhất. 

12. Lúc trẻ, tưởng chỉ có kẹo là ngọt. Giờ lớn lên mới biết có nhiều thứ còn ngọt ngào hơn cả kẹo.

13. Lúc trẻ, rất sợ phải chết. Nhưng bây giờ lớn khôn mới biết, sự lãng quên còn đáng sợ hơn cái chết rất nhiều.

14. Lúc trẻ, tưởng tượng rất nhiều. Giờ đây khi lớn lên mới biết chuyện cổ tích không bao giờ có thật.

15. Lúc trẻ, Mẹ nói yêu thương cho đi là yêu thương nhận lại. Giờ lớn lên chợt nhận ra, có những yêu thương chỉ cho mà không nhận.

16. Lúc trẻ, mong mình lớn. Giờ đây lớn lên rồi sao mong mình bé lại quá chừng.

17. Lúc trẻ, tưởng yêu một người là sống vì người đó. Giờ mới biết yêu một người là phải biết tự yêu lấy mình.

18. Lúc trẻ, tưởng sự sống và cái chết ở cách xa nhau lắm. Giờ mới biết nó chỉ cách nhau một lằn chỉ mong manh.

19. Lúc trẻ, tưởng nói dối là xấu, giờ mới biết lời nói dối đôi khi cũng giúp ích rất nhiều. 

20. Lúc trẻ, tưởng trung thực là điều tốt. Giờ mới biết sống trung thực với mình thôi cũng là điều khó khăn biết bao.

21. Lúc trẻ, tưởng những gì đến rồi sẽ đi. Giờ mới biết niềm vui đến thì qua mau,còn nỗi buồn đến thì cứ ở bên ta mãi.

22. Lúc trẻ, tưởng sau tình yêu sẽ là hôn nhân. Giờ mới biết có những cuộc hôn nhân không cần tình yêu. 

23. Lúc trẻ, cứ nghĩ "tiền bạc, tình yêu rồi mới đến sức khỏe ". Về già rồi mới khám phá ra sự đảo ngược "sức khỏe, tiền bạc rồi mới đến tình yêu "

24. Lúc trẻ, tưởng hạnh phúc là điều gì đó xa xôi lắm. Giờ mới biết hạnh phúc chỉ đơn giản là những thứ bình dị xung quanh ta,có chăng là mình đã không nhận thấy.

25. Lúc trẻ, tưởng nói quên là quên được. Giờ mới biết,có những chuyện càng muốn quên thì nó lại càng ở mãi trong lòng.

26. Lúc trẻ, cứ mơ ước lớn lên rồi sẽ trở thành người này người kia. Về già mới biết "được trở thành chính mình mới là điều hạnh phúc nhất "...

Sưu tầm

Friday, November 29, 2019

Ru Em Phương Trời - Trầm Vân

Mảnh Đời Phiêu Bạt! - Đoàn Xuân Thu


Bãi đậu xe khu công nghiệp Waterglade ở Grays phía Đông thủ đô London nước Anh, lúc 1giờ 40 phút sáng, ngày 23, tháng Mười, năm 2019, các nhân viên cấp cứu đã tìm thấy thi thể của 31 người đàn ông và 8 phụ nữ trong một ‘container’ dùng để chở hàng đông lạnh.

Khi mở cửa ‘container’, nhiệt độ xuống đến trừ 25 độ C, nhân viên cấp cứu thấy ‘hàng chục xác người nằm chồng chất lên nhau’. Những người bị nhốt trong container, có thể đã đập tay dữ dội vào cánh cửa muốn được thoát ra đã để lại những dấu tay đẫm máu.

Cảnh sát Anh được gọi tới để mở cuộc điều tra. Thi thể 39 người xấu số nầy được chuyển tới Broomfield Hospital ở Chelmsford để khám nghiệm hậu tử, xác định nhân thân và tìm ra nguyên nhân chết trong cái thảm kịch đã làm cả thế giới rúng động suốt cả tuần nay.

Cảnh sát Anh cho biết tiến trình nầy phải mất khá nhiều thời gian nhưng rất quan trọng. Nhằm bảo vệ danh dự của các nạn nhân và tôn trọng nỗi buồn đau của thân nhân những người đã khuất.
Viên tài xế đầu xe kéo, chỉ mới 25 tuổi, và 3 người nữa ở Bắc Ái Nhĩ Lan, đã bị Cảnh sát thẩm vấn, sau đó được tại ngoại hầu tra, chờ ra Tòa về 39 tội ngộ sát và tội buôn người.

***
Thủ tướng Anh, Boris Johnson, gọi đây là “thảm kịch kinh hoàng”. Và Amos Kyahurwa, 40 tuổi, người đã bị bức hại về giới tính thứ ba, đã trốn khỏi đất nước Uganda của mình, vượt bao khó khăn bằng cách trốn trong thùng xe đông lạnh may mắn vào được nước Anh để xin tị nạn. “Khi nghe tin, tôi đã khóc khi nghĩ về những người đã thiệt mạng!”

Ngay ngày hôm sau, người dân Anh chắp tay cầu nguyện dưới ánh nến lung linh để tưởng niệm. Họ mang những bó hoa, những tấm thiệp ghi lời chia buồn gửi tới gia đình những người xấu số. Và kêu gọi đừng đổ lỗi cho những người tầm trú.

Trước những cái chết thương tâm nầy, họ không có lỗi gì cả. Vì ai cũng trân quý một đời để sống, có quyền được chọn cách sống thế nào, và sống ở đâu; nên đừng phán xét, ngưng trách móc hoặc dạy bảo những người đã khuất tại sao không như làm thế này hoặc làm như thế kia!

***
Câu hỏi đặt ra là: “Tại sao nước Anh lại là miền đất hứa của những mảmh đời phiêu bạt?” Có lẽ vì dân Anh tôn trọng sự riêng tư, ít chỏ mũi vào đời tư của người khác, cư xử bao dung với người nhập cư, ít khi mật báo với Cảnh sát để bắt họ.
Dân Anh (cũng như dân Úc) không có căn cước, chỉ cần có bằng lái xe xài trong nước; ra nước ngoài mới cần đến sổ thông hành! Và luật pháp nước Anh không buộc người dân phải mang bất kỳ giấy tờ tùy thân nào khi ra đường; nên sống bất hợp pháp cũng không phập phồng lo lắng như những nước khác thuộc khối Liên Âu.

Thường thường thì người tị nạn, người nhập cư, từ khắp nơi trên thế giới bằng nhiều cách khác nhau, đến những bãi xe hàng ở thành phố cảng Calais, nước Pháp, đầu bên này của đường hầm xuyên qua eo biển Manche, nối liền Anh với đại lục Châu Âu. Nơi đó, họ sống lay lắt, tạm bợ trong những lều lán trong rừng để chờ cơ hội vượt biên vào Anh.

Đêm xuống, từng tốp người lẻn vào, tìm các chuyến xe sẽ sang Anh, rạch bạt chui vào nằm im lẫn giữa hàng hoá; hoặc cắt kẹp chì chui vào những thùng ‘container’.
Nếu có tiền trả cho tài xế và may mắn vượt qua trạm kiểm soát biên giới, sang đến đất Anh, tài xế sẽ dừng ở một cây xăng hay một trạm nghỉ chân nào đó cho hành khách xuống.
Mỗi ngày có hàng trăm ngàn ‘container’, nước Anh không thể đủ nguồn lực để kiểm tra tất cả. Cho dù dùng công nghệ tiên tiến để phát hiện khí CO2 do con người thở ra hay dùng cảnh khuyển để đánh hơi người.

***
Khi mở chiếc ‘container’ tử thần, cái quan tài di động kia ra, Cảnh sát và giới truyền thông Anh quốc căn vào tóc đen, da vàng mà tạm thời nhận định các nạn nhân (không có một mẫu giấy tùy thân) là người Trung quốc!
Vì hình ảnh kinh hoàng đó gợi nhớ cái thảm kịch tương tự đã xảy ra vào ngày 18, tháng Sáu, năm 2000 tại hải cảng Dover làm chết 54 người đàn ông và 4 phụ nữ!

Phóng viên của CNN hỏi: “Tại sao Trung quốc, một đất nước có nền kinh tế hung mạnh đứng hạng nhì, chỉ sau nước Mỹ, mà người dân lại tiếp tục bỏ nước trốn ra đi?” Thì thay vì phân tích câu hỏi để trả lời một cách thuyết phục công luận thế giới, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại nói: phóng viên của hãng truyền thông CNN kiếm chuyện.

Tờ Hoàn Cầu Thời Báo của nhà nước CS Trung Quốc nhảy vô, đổ lỗi: nước Anh phải chịu phần nào trách nhiệm về những cái chết này!
Tàu cộng, theo truyền thống xưa giờ, là chối bỏ ngay cái trách nhiệm của chính mình!

***
Việc xác định nhân thân của 39 người xấu số nầy vẫn phải chờ Cảnh sát nước Anh chánh thức công bố. Tuy nhiên một số làng quê ở Nghệ An và Hà Tỉnh đang chìm trong tang tóc!
Những bàn thờ vọng; những chân dung của người trẻ tuổi có đính ngang một dãi băng tang; những buổi cầu nguyện trong giáo đường vì có nghi vấn rằng trong số 39 người đã chết đó có rất nhiều người Việt Nam.

Nỗi đau thương ngập tràn, ràn rụa nước mắt trên những khuôn mặt héo khô, trong phập phồng lo lắng đợi hung tin; vậy mà nỡ lòng nào trên những tờ báo quốc doanh trong nước lại đăng nhưng lời phê phán rất tàn nhẫn là: “Ở Việt Nam thiếu gì cơ hội học tập và làm việc để kiếm sống thì việc gì phải khổ cực và chui lủi vậy?Vì cơm áo gạo tiền mà phải đánh đổi cả mạng sống như vậy có đáng không?

Rồi có người nói: “Đau xót quá! Mong có sự nhầm lẫn nào, hy vọng không phải người Việt ?”
(Người nước nào cũng là con người; cũng là nạn nhân mà đã là nạn nhân thì không có lỗi, ai cũng đáng thương xót như nhau cả mà thôi!).
Có người còn nhẫn tâm hơn, phê phán rằng: “Đi bất hợp pháp, trả giá bằng tính mạng, rồi làm ảnh hưởng tới uy tín của người Việt (?).
(Trời ạ! Uy tín của người Việt nào ở đây?)

***
Theo ông Gareth Ward, Đại sứ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland, cho biết người Việt là nạn nhân của tội ác mua bán người và nô lệ hiện đại cao nhất tại Anh, chỉ xếp sau nước Albania.
“Những người nước khác do bị dụ dỗ, chèn ép, áp bức để tới nước Anh làm nộ lệ thì người Việt Nam lại tự nguyện ra đi bất hợp pháp; giao phó số phận của mình vào tay bọn tội phạm quốc tế với giấc mơ về một miền đất hứa, kì vọng về cơ hội đổi đời về kinh tế cho bản thân và gia đình mình!”

Đã làm tới chức Đại sứ một nước lớn, dĩ nhiên ông biết nhiều hơn thiên hạ. Lý giải của ông cũng đúng chớ hổng phải sai. Nhưng chỉ đúng có phân nửa. Nhưng nửa ổ bánh mì là bánh mì; còn phân nửa sự thực, còn hơn là dóc tổ, vì định hướng sai công luận”. Hay là vì làm nghề ngoại giao, dẫu có những điều ông biết mà không thể nói thẳng ra chăng?

Những người đang độ tuổi thanh xuân đó, vốn là rường cột của gia đình, của xã hội, là tương lai của một đất nước tự do. Một đất nước mà người dân làm việc chăm chỉ rồi mong thành quả đạt được, đem phân phối lại cho mình một cách công bằng, (dù chỉ là tương đối), thì chắc là không một ai nỡ lòng, cam tâm bỏ nhà, bỏ cửa, bỏ làng quê, xứ sở, nơi có cha mẹ, anh em, vợ con, người yêu hoặc bè bạn để dấn thân vào còn đường gian nan ít may nhiều rủi.

Hành trình ác mộng từ Việt Nam qua Trung Quốc, rồi cả hằng tháng trời lang thang trong cái lạnh giá ở Nga, Ba Lan, Đức, Pháp và cuối cùng là trốn trong thùng xe tải vượt biên giới từ Pháp sang Anh để rồi chết vì quá lạnh, vì thiếu không khí trong thùng xe.
Nếu may mắn đến được nước Anh, thì bị giới chủ nhân, các băng đảng, dựa nỗi lo sợ bị chính quyền bắt bớ, để bốc lột tàn tệ sức lao động, trả cho họ những đồng lương rẻ mạt và ép họ làm việc quần quật, vì biết không ai dám kêu ca hay tố giác!
Những di dân bất hợp pháp nầy trở thành nô lệ thời hiện đại (theo cách nói của phương Tây)!

***
Những người bỏ nước đã ra đi nầy có biết không? Biết nhiều và biết rõ hơn các chánh trị gia phương Tây nhiều. Vì họ là người trong cuộc. Thời buổi của ‘internet’, của thông tin toàn cầu nầy, và dựa vào kinh nghiệm của những người đi trước thì những điều mình cần biết đâu có khó khăn chi?

Nhưng tại sao họ lại chọn cách ra đi? Trong chín từng địa ngục, ông Đại sứ đang ở tầng cuối cùng, nếu có thể đi đến một tầng địa ngục khác đở hơn thì ông Đại sứ có đi không? Họ ra đi; vì không còn mảy may còn sót lại chút lòng tin nào về chế độ đang cầm quyền. Họ ra đi vì tuyệt vọng ở tương lai!
Xin đừng lập lờ đánh lận con đen giữa chế độ và đất nước. Cứ ra rả là: “Đừng hỏi đất nước đã làm gì cho bạn mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho đất nước?” Câu hỏi nầy nên dành giới cầm quyền cai trị dân mới phải.

***
Khuya đêm thứ Ba, ngày 23, tháng Mười, năm 2019 định mệnh đó, có một người còn rất trẻ, mới 26 tuổi, tên Phạm Thị Trà My ở thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, Việt Nam, qua ‘facebook’, gởi những lời trăn trối bi thương trong giờ phút cuối cùng là: “Con xin lỗi Bố Mẹ nhiều Mẹ ơi. Con đường đi nước ngoài đã không thành. Con thương Bố Mẹ nhiều. Con chết vì không thở được!”

Lời trăn trối bi thương của một người con gái Việt Nam, một trong những mảnh đời phiêu bạt, làm rúng động thế giới, mà có người cứ hỏi nhưng cái chết tức tưởi nầy là do lỗi tại ai?
Tại nhà cầm quyền CS chớ còn tại ai vô đây nữa?

Đoàn Xuân Thu 
Melbourne

Tạ Ơn Đất Nước Tổ Tiên - Đỗ Công Luận

Điệu Buồn Phương Nam - Hàn Thiên Lương

Người Việt Và Triết Lý "Giàu Nhanh, Đi Tắt, Gồm Cả Phá Hoại" - Vương Trí Nhàn

Người lao động VN - hình minh họa                 

Qua câu chuyện 39 người thiệt mạng tại Anh, tôi thấy nổi lên nhiều vấn đề có liên quan đến đến toàn thể cộng đồng Việt hiện nay, trước tiên là câu chuyện cách kiếm sống của con người và triết lý ẩn sau cách kiếm sống đó.
Cụ thể là người Việt hiện rất kém về mặt nghề nghiệp để tạo nên năng suất lao động cần thiết trong khi đó nhu cầu có một cuộc sống tiện nghi lại quá mạnh mẽ và quyết liệt, khiến cho người ta sẵn sàng làm bậy kiếm tiền, những người vốn ngại ly hương thì sẵn sàng ra đi tìm cách kiếm ăn ở nước ngoài dù đôi khi phải đổi lấy mạng sống.

Mà có thoát chết chăng nữa thì tuy có một cuộc sống bề ngoài đầy đủ về mặt vật chất nhưng thật ra trong đó bao giờ cũng không thiếu những yếu tố của sự đau khổ .
Nên biết thêm tình trạng kém cỏi về mặt nghề nghiệp là tình trạng của người Việt trong lịch sử nó khiến cho một quyển sách như "Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn" đã viết đại ý 1/3 ba người dân ở đây là kẻ cướp, 2/3 còn lại sống dưới mức nghèo khổ

Qua đó cho thấy chiến tranh đã tàn phá xã hội Việt Nam như thế nào cụ thể là làm hỏng con người Việt đi như thế nào.
Tôi cũng cần thấy thêm là trong việc kiếm sống hiện nay có một triết lý phổ biến ngấm ngầm chi phối người Việt "chỉ có những việc không làm được chứ không có những việc không được làm"
Đây cũng là dấu hiệu của sự tàn phá con người về mặt đạo đức do chiến tranh mang lại.
Nó khiến chúng ta rất khó hội nhập với thế giới hiện đại.

Về trình độ kiếm sống của người Việt và cái triết lý đi kèm với tình trạng này tôi đã từng viết nhiều lần, lần cuối là trên blog của tôi tháng 2/2018:
Kiếm sống chỉ là cách nói nôm na của khái niệm " trình độ sản xuất " của một xã hội. Trong bài này tôi muốn đi từ hoạt động của những người dân mà nghĩ dần lên tới các vấn đề tồn tại của xã hội. Đề tài quá rộng và cũng là quá sức với bản thân, tôi đưa ra ở đây với ý nghĩ" nếu không phải chúng ta thì ai sẽ nghĩ thay ta đây" và rất mong các bạn cùng nghĩ.


Kiếm sống bằng mọi giá

Thời tiết oi ả, đang nóng bỗng lạnh đang lạnh bỗng nóng, nhiều nhà đêm trước vừa mở điều hoà, đêm sau đã phải lôi chăn mùa rét ra đắp, khí trời năm nay ở đồng bằng sông Hồng độc quá!
Chẳng những con người nhoai ra mà đến cả các giống vật cũng khó sống: ở vùng ngoại ô tôi đang ở, sáng sáng trên mặt hồ vô khối cá chết nổi lềnh bềnh.
Có cá chết là có người đi vớt, bởi thứ cá này đun lên còn cho lợn cho chó ăn được.
Mấy người dạy sớm lại chuẩn bị sẵn vợt, cá vớt được dễ đến cả rổ.
Đến lượt một ông già nọ, lộc giời chẳng còn bao nhiêu, đi lui đi tới ngắm nghía mãi mới thấy một hai con sót lại.
Cá thì nằm khá xa mà trong tay ông không có lấy một cái que cái sào nào cả. Nhưng ông không chịu.

Thoạt đầu thấy ông nhặt gạch hòn to hòn nhỏ vun thành đống lùm lùm tôi chưa hiểu để làm gì. Bỗng nghe tũm tũm gạch ném xuống nước, thì ra ông lấy gạch để lái cho cá trôi dần vào bờ. Liên tiếp, có đến vài chục viên gạch được sử dụng. Khi mùi cá chết nồng nặc xông lên thì cũng là lúc tôi nghe cái túi nilon trong tay ông gìa sột soạt.
Có thế chứ. Thoát làm sao được khỏi tay ta, hỡi những chú cá không biết mới chết đêm qua hay từ hôm kia mà thân hình đã mủn cả ra trên mặt nước.
Tôi đứng nhìn ông già lấy gạch dồn cá mà nghĩ đến cách kiếm sống của con người hiện nay. Nào ông có khác với nhiều thanh niên trai trẻ háo hức vào đời, nhất là những thanh niên nông thôn đang đổ lên đô thị:
  • Tay trắng lập nghiệp.
  • Nghề ngỗng chẳng có.
  • Đồ nghề không tức là công cụ không.
  • Có miếng ngon miếng sốt thì lớp người đi trước dành hết cả rồi.
Thành thử có gì là lạ khi họ chỉ còn cách lăn xả vào bất cứ việc gì người ta thuê mướn dù là mồ hôi đổ ra nhiều mà đồng bạc thu về chẳng khác mấy con cá trôi nổi trên mặt hồ.
Trách họ thì oan cho họ quá.
Thế nhưng cái đáng sợ nhất vẫn là cái "triết lý" toát lên từ cái việc kiếm sống đơn giản này.
Nhìn đống gạch được ném xuống nước, tôi cứ định nói với ông già rằng như thế tức là trực tiếp phá huỷ môi trường.

Vụ nước máy ô nhiễm tại Hà Nội gần đây nêu lại vấn đề ý thức và trách nhiệm                 

Ai cũng thích thì làm, hôm nay mươi viên mai vài chục viên ném xuống hồ, hỏi còn gì là cái mặt nước thân yêu?
Chẳng phải là chỉ mấy năm nay nước hồ đã đen dần vì nước cống, lòng hồ đã bồi cao lên vì các loại phế thải xây dựng và rác rưởi ?
Nhưng tôi không mở miệng nổi.

Từ cái việc mà ông già thản nhiên và hào hứng theo đuổi, tự nó đã toát ra một lời tuyên bố: để kiếm sống, con người ta có quyền làm bất cứ việc gì họ có thể làm, bất kể là có hại cho người chung quanh hoặc tàn phá môi trường sống chung quanh đến như thế nào.
Lại nhớ nhà văn Nga Anton Chekhov (1860 - 1904) từng có một đoản thiên kể chuyện một người mugich hồn nhiên tháo đinh bù loong trên đường sắt về rèn mấy cái đinh thúc ngựa. Sắt ê hề ra đấy mà làm gì, tháo một vài cái có sao, không tàu hoả thì đi bộ đã chết ai? -ông ta lý sự.
Còn ở ta những năm chiến tranh có những người coi kho phá cả một cỗ máy để lấy mấy cái vít.
Xét về mặt lý lẽ mà người trong cuộc đưa ra để biện hộ, giữa cái hành động của người mugich Nga thế kỷ XIX với việc người Việt thế kỷ XXI đã và đang làm:
  • rải đinh trên đường cao tốc,
  • bán đủ các loại rau quả vừa phun thuốc trừ sâu,
  • đá bóng vào lưới nhà để thực hiện hợp đồng bán độ,
  • rồi chặt phá rừng vô tội vạ,
  • rồi mua bán bằng cấp và chức sắc,
  • rồi kê đơn cho bệnh nhân toàn những thuốc đắt tiền để ăn hoa hồng,
  • rồi đưa ma tuý vào trường học rủ rê con nhà lành vào con đường nghiện ngập cốt bán được ít hàng quốc cấm...
Các hành động ấy bắt nguồn từ những ý nghĩ có khác nhau là bao?
Ở đâu thì cũng cùng một lý lẽ ấy, lý lẽ của ông già ném gạch dồn cá, vốn đã bắt rễ trong tiềm thức nhiều người chúng ta hôm nay.
Khi độ nguy hiểm của nó ta còn chưa cảm thấy rõ ràng thì làm sao đủ sức để chống lại?

Vận tải thô sơ                 

Từ kiếm sống đến hình thành tính cách

Từ trường hợp của những ông già ném cá ở phần trên, tôi xin thử nêu lên một vài đặc điểm làm nên cách kiếm sống dân ta xưa và nay:

1. Từ thời tiền hiện đại trong cuộc mưu sinh, dân ta còn đang dừng lại ở tư duy hái lượm tức là sẵn có cái gì của thiên nhiên thì nhặt lấy mang về.
Con người trong xã hội đa số là vô nghề nghiệp và không đạt tới đỉnh cao trong việc làm nghề.
Các ngành nghề không được chăm lo cải tiến nên chỉ có giậm chân tại chỗ.
Khi tiếp xúc với các nền kinh tế khác chúng ta lại không chịu học hỏi đàng hoàng kỹ lưỡng nên cứ kém mãi.

2. Chiến tranh là nhân tố chủ yếu chi phối khuôn mặt của xã hội Việt Nam trong suốt trường kỳ lịch sử.
Trong các thế kỷ trước, nhất là hai thế kỷ XVII - XVIII sa vào nội chiến, ở ta, việc sản xuất nông nghiệp chỉ phát triển trong mức độ bảo đảm cho các cuộc chiến tranh giữa các phe phái được duy trì. Vậy mà nạn đói vẫn luôn luôn xảy ra. .
Điều này càng rõ nếu xét tình hình từ 1945 tới nay.
Trong chiến tranh bao nhiêu con người giỏi giang đổ hết cả ra mặt trận.
Đến cả lương thực cho người dân miền Bắc cũng phải nhập của nước ngoài.
Súng ống đạn dược xe pháo dùng trong chiến tranh là của ngoại nhập tất.

Năm 1975: tác giả nói về người Việt Nam rằng 'sau chiến tranh hầu hết chúng ta là những kẻ vô nghề nghiệp' AFP Photography, LLC            

Ở hậu phương mọi công việc như xây dựng nhà cửa đường xá hoàn toàn ngưng trệ.
Sau chiến tranh hầu hết chúng ta là những kẻ vô nghề nghiệp.
Để đắp điếm che giấu sự thiếu thốn này xã hội chỉ tổ chức ra một nền giáo dục "thiếu tháng", "bất thành nhân dạng", còn cả việc học hỏi về nghề nghiệp lẫn học kiến thức cơ bản đều chắp vá qua loa.
Trong khi không biết xấu hổ trước trình độ sản xuất nội địa ở mức lè tè thì ta lại đang lao đầu hưởng thụ, lấy việc kiếm được hàng hóa sản xuất từ các nước khác làm niềm vui thích.

3. Có lần trên mạng thấy loan tin các cơ quan khoa học quốc tế người ta đánh giá rằng nước mình là một xứ mà việc quản lý các tài nguyên khoáng sản là loại đội sổ, kém nhất thế giới.
Không cần có mặt ở các loại mỏ, chỉ từ tình hình chung cũng đoán ra hết.
Những người chủ trì công việc làm ăn ở các vùng tài nguyên đó, theo sự nhìn nhận của tôi thật cũng chẳng khác gì mọi người dân thường.
Ta chỉ trách những quan chức này là họ tham nhũng.
Ta quên rằng họ cũng đang là những người kiếm sống không có nghề ngỗng gì hết, và kiếm sống với bất cứ giá nào.
Trong khi khai thác tài nguyên theo kiểu thổ phỉ vậy, tự họ đã tước đi khả năng tồn tại và phát triển của cái nguồn lực đáng lẽ nuôi sống cộng đồng và chính họ trong một thời gian lâu dài. Họ cũng từ bỏ luôn cái cơ hội tốt để họ và con cháu họ tử tế nên người.

4. Một đặc điểm khác chi phối việc kiếm sống của người mình, nhất là con người hiện đại.
Là ta có lối suy nghĩ rất thiển cận, trong khi phấn đấu để vượt lên số phận nghèo khó đã không chịu tự nhận lỗi về mình không chịu thành tâm học hỏi theo hướng chuyên môn hóa…mà lại chỉ muốn đi tắt đón đầu nhăm nhăm tính toán sao cho có thể đạt đến mọi mục đích tầm thường của mình bằng Con đường Ngắn nhất.
Nhân danh nghèo khó, cho là mình có quyền làm mọi điều xấu xa và sẽ chẳng có thần phật nào trừng trị chúng ta cả.
Tiếp đó là bày ra đủ thứ lý luận để cãi trắng cho sự hư hỏng của mình.
Cả một đội quân tuyên truyền góp phần vào việc tự biện hộ này.
Chúng ta đã đi tới sự tự lừa dối tự lúc nào không biết.
Đến lúc này thì người ta nói rằng cả con người và xã hội đã vô phương cứu chữa.

Vương Trí Nhàn
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-50425379

Thursday, November 28, 2019

Giáo Dục Dưới Thời XHCN


Lượm trên mạng

Một Thuở Xa Người - Trầm Vân

Chuyện Đi Chữa Bệnh Ở Việt Nam - Sài Gòn Cô Nương


Có bệnh đương nhiên đi chữa bệnh. Có rất nhiều cách điều trị. Chữa bằng thuốc Bắc, thuốc Nam, thuốc Tây là những phương cách chính thức không kể đến chích lể, tàn hương, nước thải, bùa phép…

Hiện nay thuốc Bắc và thuốc Nam không thông dụng lắm. Thuốc Bắc đi lậu qua biên giới, gần đây mang tai tiếng nhiều do báo chí phanh phui đa số đã bị chiết xuất hết hoặc hầu hết hoạt chất, khi vào đến lãnh thổ VN thực chất chỉ còn là rác. Thuốc Bắc rất đắt lại đòi hỏi theo lâu dài nên người bình thường khó kham nổi; thuốc Nam chỉ trồng một phần, còn thì hái cây cỏ mọc sẵn nên nguyên liệu không ổn định và cũng chưa được nghiên cứu, hệ thống đến nơi đến chốn. Cả hai loại thuốc này nấu sắc rất mất công và chưa đáp ứng được vô số căn bệnh khoa học tìm ra. Vì thế đi chữa bệnh thường bao giờ người ta cũng theo Tây y.

Những bệnh thông thường có thể tự chữa trị bằng cách xem quảng cáo trên báo và TV, loại thuốc nào mô tả giống như triệu chứng của mình thì ra tiệm thuốc tây mua về uống hết bệnh ngay, thật đơn giản và nhanh chóng. Còn như không thông thạo thuốc men thì sai thằng nhỏ ra tiệm tạp hóa của bà Sáu cứ hỏi thuốc ho kèm sổ mũi mua hai viên đầu đỏ đầu đen hay đầu xanh đầu vàng gì đó quên mất; nói bán viên thuốc nhức đầu có hình cái búa tạ là bà biết ngay, đưa đúng thuốc uống xong hết nhức đầu liền.

Nếu bà Sáu không đủ tin tưởng thì chữa bệnh tại nhà thuốc tây. Mỗi tiệm thuốc đều buộc dược sĩ đứng tên. Nếu đó là tiệm nhà thì chính dược sĩ đứng bán thuốc nhưng thường thì các nhà thuốc chỉ thuê bằng cấp của một dược sĩ nào đó, hoặc chủ nhà là dược tá học một khóa sáu tháng đứng ra kê toa, bán thuốc luôn. Việc này chẳng chút gì khó khăn, nghề dạy nghề dễ thôi, vài tháng là chữa bệnh trơn tru. Sau khi bình thản nghe bệnh nhân khai, bất kỳ bệnh gì trên cõi đời này, cô bán thuốc đều chữa tuốt luốt. Câu đầu tiên cô hỏi: Uống mấy ngày? Ý là túi tiền bệnh nhân chịu được mấy ngày; câu hỏi thứ hai: Thuốc nội hay ngoại? Chẳng biết thực chất ra sao mù tịt nhưng chữ “ngoại” bao giờ nghe cũng có phần… kêu hơn “nội”! Nội xem chừng… kém cỏi gì đâu. Nếu có tiền thì tốt hơn hết nên xài đồ ngoại cho mau hết bệnh!!!

Loại người đi khai bệnh tại nhà thuốc tây dĩ nhiên chỉ lấy một ngày thuốc, cùng lắm là hai. Cô bán thuốc rất cẩn thận chia sẵn cho bệnh nhân mấy bịch nylon nhỏ đựng lẫn lộn đủ viên trắng, viên cam, viên dẹp, viên tròn, viên dài, viên ngắn, viên rời, viên vỉ… Cứ ba bịch uống ba lần một ngày, hai bịch uống hai lần, cầm nguyên bịch dốc vào miệng là xong. Nếu hết bệnh thì tốt, không hết thì mai quay lại để cô điều chỉnh thay đổi thuốc hoặc tiện trên đường đi làm ghé vào tiệm thuốc nào cũng được khai bệnh tiếp. Việc chữa bệnh như thế không mất thời giờ, vô cùng thuận tiện. Thậm chí chỉ cần nói má con đau bụng bán dùm viên thuốc giống kỳ rồi là bà Sáu và cô dược tá đáp ứng ngay không thắc mắc, dù cho “kỳ rồi” đó cách đến hàng tuần, hàng tháng.

Đúng “đường lối chính sách” hơn là ra y tế phường, có bác sĩ khám đàng hoàng, phải tội hơi rắc rối một chút là mua cuốn sổ khám bệnh và đóng tiền khám. Bác sĩ cấp phường đều thuộc thành phần bất mãn kinh niên. Trong lúc bạn đồng môn lẫm liệt ở các bệnh viện danh giá cấp trung ương, cấp thành phố, cấp chuyên khoa như Chợ Rẫy, Nguyễn Trãi, Chấn thương chỉnh hình, Tai mũi họng… hay các bệnh viện tư Vạn Hạnh, Pháp Việt… thì anh chúi mũi vào trạm y tế phường hiu quạnh hay trạm y tế xã heo hút cạnh đám ruộng, chuồng bò… nhằm trú chân tránh việc thuyên chuyển đi xa. Vả người có những căn bệnh hay ho nằm ở tim gan phèo phổi đều đi bác sĩ hay bệnh viện chuyên khoa. Chỉ toàn cảm mạo, ho gió, sổ mũi… mới chịu ra phường. Một phần cũng sợ trách nhiệm nên sau hai, ba kỳ cho toa không hết sổ mũi, ho gió, cảm mạo… thì bác sĩ đẩy ngay lên bệnh viện trên cho rảnh chuyện.

Bà Thị không biết mình bị mắc bệnh tiểu đường biến chứng sang mờ mắt, ra y tế phường kể lể lúc nào tôi cũng thấy có con ruồi bay qua. Thế là bác sĩ định bệnh ngay vào sổ khám bệnh là “ruồi bay”, cho thuốc bổ mắt để sau đó nếu phường chán bà thì phường chuyển bà lên bệnh viện, nếu bà chán phường thì bà bỏ ra đi bác sĩ ngoài. Riết rồi bác sĩ áo bỏ ngoài quần, lê dép lẹp xẹp với bộ mặt thường trực cau có, không biết từ lúc nào trở thành lang vườn, lang phường, nghề dần lụt đi mau chóng, hoàn toàn không có khả năng phát hiện bệnh là điều cần thiết của một bác sĩ cơ sở. Ngoài kê toa thuốc cảm thì còn mỗi việc họp hành, lâu lâu có đợt chích ngừa trẻ em cũng được một buổi rộn ràng, vui vẻ.

Có tiền đi bác sĩ tư khá tiện, không phải chờ đợi, xếp hàng, đăng ký này nọ mất thời gian. Đi bác sĩ tư giống cô dược tá ở chỗ lại nhận bịch thuốc không nhãn hiệu về uống ngày mấy bận; hơn cô dược tá ở chỗ ông có văn bằng chứng nhận bảy năm đại học đàng hoàng; khác cô ở chỗ ông đủ thẩm quyền gửi bệnh nhân đến các cơ sở xét nghiệm quen có chia hoa hồng để xét nghiệm đủ thứ, sau đó bệnh nhân nhận kết quả trao lại cho bác sĩ mà chẳng hiểu tờ giấy nói gì trong đó, tùy nghi bác sĩ giải thích trăng sao; thua cô dược tá ở chỗ cô bán thuốc đắt rẻ theo đúng giá thị trường, còn bác sĩ bán thuốc có thể đắt hơn hàng chục, hàng trăm lần, thậm chí nhiều trường hợp còn bị nghi ngờ cho thuốc ầu ơ để “nuôi bệnh”. Không có toa thuốc, ngay cả có trường hợp thuốc bị xé vỉ xoá dấu nên bệnh nhân mù tịt, cũng không biết mình đau bệnh gì mà lần. Rất hiếm bác sĩ chỉ lấy công khám mà không bán thuốc kèm.

Tình trạng này bắt nguồn từ những ngày tháng khó khăn sau 75. Thuốc tây hiếm hoi, phần lớn nguồn thuốc do những người có thân nhân từ ngoại quốc gửi về. Bác sĩ dù cho toa, ra nhà thuốc cũng không có nên sau khi khám bệnh, bác sĩ bán luôn thuốc có nguồn gốc gom từ chợ trời về. Từ đó thành thông lệ, hễ khám bệnh thì đương nhiên bán thuốc, lợi cả đôi đàng, bác sĩ lấy công khám lẫn lãi thuốc, bệnh nhân có thuốc uống ngay, khỏi cần đi lùng kiếm. Cách kiếm ăn dễ dàng bất ngờ khiến một số bác sĩ đưa việc cung cấp thuốc thành công nghệ. Một y tá giúp việc, thường là bà vợ ngồi kế với ngăn kéo gồm các lọ thuốc chính chung chung hay đơn giản hơn là đóng bịch sẵn. Chị này đau bụng cầm bịch thuốc một trăm ngàn đồng, ông kia lỏng gối trăm rưỡi, bé nóng đầu nhận bịch bảy chục ngàn thôi… Khi đau ốm bệnh hoạn, đứng trước bác sĩ là đứng trước ông thần nắm giữ sức khỏe, sinh mạng, ai nấy kính cẩn bác sĩ nói sao cũng dạ dạ, đâu dám có dám ý kiến, ý cò sợ bác sĩ phật lòng…

Chẳng khác gì cô dược tá ngoài tiệm, bác sĩ cũng chỉ dặn miệng bởi toa thuốc giấy trắng mực đen làm sao ghi được những câu đại loại: mười hai viên đỏ uống ngày ba lần sau bữa ăn, bịch này chín viên tròn hòa tan trong nước âm ấm, ba viên hạt dưa buổi tối trước giờ đi ngủ nhớ đừng “xơi” sớm quá. Rõ chưa, cứ lẩm nhẩm như thế từ phòng mạch về đến nhà cách nào cũng thuộc. Có người tức mình quá từng mang bịch thuốc trần trụi đi khảo giá mới hay bịch một trăm ngàn chỉ đáng giá ba chục, bịch hét hai trăm ngàn gồm những viên thuốc nội hóa giá chỉ tám mươi… Thế là mò đến bác sĩ kèo nèo ì xèo gây phiền phức quá thể. Bác cũng bực mình không kém. Cuối cùng bác bỏ bao bì, xé vỉ thuốc, tháo vỏ con nhộng… Trộn thuốc bột, giã nhuyễn thuốc viên, chế thêm ít nước lọc… bào chế thủ công thành thứ hỗn hợp -giống như phù thủy Gà mên trong thế giới Xì trum làm… thuốc tễ- được gọi là “thần dược của bác sĩ XYZ”. Chỉ uống thuốc của bác sĩ XYZ mới mập tròn, trắng da, mát thịt. Rồi trong đó có chất gì không biết mà bệnh nhân đâm mê bác sĩ, cứ nhất định phải đi khám, uống thuốc của chính ổng mới khỏe ra…

Đó không hề là chuyện hài hước vì mấy hôm nay, báo chí đăng tải tin về hai vợ chồng bác sĩ nhi khoa bán thuốc chuyên trị trẻ em biếng ăn, còi cọc. Dùng đều đặn loại thuốc này thì con nít tròn trịa, ú na ú nần, nhưng hễ nghỉ thuốc là ốm o, da trở nên xạm đen. Phụ huynh cứ phải cầu cạnh vị bác sĩ đó cho con mình được mũm mĩm như búp bê. Phân chất thuốc chẳng qua chỉ gồm kháng sinh có tác dụng phụ giữ nước và muối nên cơ thể bé bị phù thôi. Trong lúc phòng mạch và tủ thuốc của hai vợ chồng bác sĩ bị nhà nước khám xét, thì bên ngoài vẫn túc trực hơn bốn mươi người bế con cháu đứng ngồi ngổn ngang chực chờ mua bằng được loại thần dược rỉ tai nổi tiếng, để lũ trẻ có thể mập mạp mà không cần ăn cơm, uống sữa. Nghe tin phòng mạch bị hỏi thăm, sợ bị đóng cửa, một bà ngoại khóc ròng vì sợ con cháu thiếu thuốc không chịu ăn, xuống cân liền. Bà thấp thỏm mua trữ mấy bịch thuốc để dành có người sắp đi gửi qua “bển”.

Thôi thì người giàu đi bệnh viện tư, nơi đó đúng theo câu khẩu hiệu “Khách hàng là thượng đế” đón tiếp niềm nở, đon đả, tiện nghi đầy đủ. Các bệnh viện tư mở nhiều loại xét nghiệm. Thời buổi tối tân, hễ vào bệnh viện thì thủ tục đầu tiên là xét nghiệm đủ thứ. Chán bệnh viện này qua nơi khác, bao nhiêu xét nghiệm làm lại từ đầu vì rất kỳ cục là kết quả của các bệnh viện thường không giống nhau. Dù gần kế nhưng mỗi bệnh viện đều đua nhau mua sắm máy móc riêng và bắt bệnh nhân xét nghiệm lu bù để chóng thu hồi vốn, kiếm lãi to.

Hầu hết dân chúng vẫn phải đi bệnh viện công. Tội nghiệp các bệnh viện công xây cất từ đời xửa đời xưa vẫn bấy nhiêu đó, vừa xuống cấp, vừa còng lưng quá tải gánh số lượng dân thành phố cứ tăng cao đều đều. Tuy nhiên bệnh viện công không phải là bệnh viện miễn phí như trước kia. Nếu là công chức thì đương nhiên buộc đóng bảo hiểm y tế (BHYT), tư chức cũng thế nhưng đôi khi bị ăn quỵt. Hàng tháng dù đã bị trừ lương đóng đủ bảo hiểm không thiếu một xu, nhưng đến khi hữu sự, đau ốm, sinh đẻ… nhiều người mới tá hỏa là công ty gom tiền đóng bảo hiểm của nhân viên mang gửi vào… ngân hàng kiếm lãi!!

Muốn có thẻ bảo hiểm y tế cũng trần ai. Trước đây, chỉ ai có đi làm cho cơ quan, xí nghiệp mới được đóng bảo hiểm y tế  và bảo hiểm xã hội. VN bắt nhịp được nền xã hội tiên tiến nên mở rộng lãnh vực này bằng cách cho dân chúng -tức những người không đi làm hay hành nghề tự do- được mua gọi là “bảo hiểm y tế tự nguyện”. Một hai năm đầu, thể thức mua loại bảo hiểm này không được phổ biến rộng rãi và người dân cũng mơ hồ về nó nhưng rồi dần dần thức ăn, không khí, vệ sinh môi trường ngày càng ô nhiễm, bệnh tật gia tăng nhất là ung thư… Dân chúng hiểu ra lợi ích nên ùn ùn kéo nhau đi mua bảo hiểm y tế. Chỉ có điều toàn già cả, đau ốm chứ người trẻ trung, khỏe mạnh nhất định không đóng một xu. Thế là quỹ BHYT chỉ sau một, hai năm âm mấy ngàn tỷ, trong đó phải kể tới nhiều người thông đồng tuồn thuốc bảo hiểm y tế ra ngoài bán hàng chục triệu đồng. Nhà nước hoảng hốt vội vàng ban hành chính sách mới xiết chặt lại.

Trước đây thẻ BHYT bán lẻ cho từng người nhưng kết quả chỉ toàn người già, người mắc bệnh mãn tính tới lúc vào bệnh viện mới mua. Thanh niên trai tráng chẳng tội tình gì bỏ tiền ra mua BHYT, chưa kể có người sợ xui, đang mạnh khỏe lại mua cái thẻ… trị bệnh giống như leo lên đò phải mặc áo phao giữa lúc trời quang sóng lặng.  Chẳng khác nào trù ẻo!

Quỹ BHYT có nguy cơ bị vỡ. Nhà nước phải xiết lại. Toàn bộ người có tên trong một sổ hộ khẩu phải cùng lúc mua BHYT.
Lại đi khiếu nại. Nhà hơn chục người, làm việc ăn lương công nhật lại chưa kịp tách hộ khẩu thì kiếm đâu ra cùng lúc mấy triệu đồng để mua BHYT mà thực tế chỉ có một, hai ông bà già sử dụng.
L
ại uyển chuyển sửa đổi. Mức đóng bảo hiểm của từng người trong hộ gia đình giảm dần: Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương; người thứ 2 đóng bằng 70% mức đóng của người thứ nhất… cho tới người thứ 5 trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Và nếu kẹt lắm thì có thể đóng từng quý thay vì đóng một lúc cả năm..
Rắc rối quá. Tới đó là chấm dứt câu chuyện đi chữa bệnh!

Saigon cô nương
http://vietluan.com.au

Chậm Bước Đông Ơi!! - Đỗ Công Luận

Wednesday, November 27, 2019

Vinh Quang cho HongKong - Lời Việt: Công Giáo: Đạo vào Đời

Phiếm: Nếu Có Kiếp Sau, Xin Được Làm Đàn Bà...

Tôi thường nghe các bà, các chị ca thán “sinh ra đàn bà là đã mang khổ vào thân”. Nhưng bằng kinh nghiệm ba mươi lăm năm làm kiếp đàn ông của mình, tôi xin khẳng định: Làm đàn ông không hề sung sướng như đàn bà vẫn tưởng.


Từ nhỏ tôi đã thấy làm con trai không có gì vinh quang: Con trai khóc nhè là xấu, con trai sợ ma bị chế giễu, con trai phải thế nọ, thế kia.Và nỗi khổ thấm dần cho đến khi là thanh niên, nhưng nỗi ám ảnh thân phận lớn nhất bắt đầu từ khi lấy vợ.

Tôi thực sự không biết sống sao cho vừa lòng vợ tôi. Ngày yêu nhau cô ấy nói “Em thật may mắn khi gặp được anh”. Vậy mà càng sống chung, cô ấy càng cố chứng tỏ cho tôi thấy rằng gặp tôi chính là bất hạnh lớn nhất đời của cô ấy.
Tôi tiết kiệm thì cô ấy kêu rằng “đàn ông mà ki bo, đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”, đến khi tỏ ra hào phóng thì lại bảo rằng “tiêu xài hoang phí”.
Tôi ăn mặc giản dị thì bảo “để người ta cười vào mặt vợ không chăm lo cho chồng”, nhưng hễ trước khi ra đường mà đứng trước gương ngắm vuốt một tý thì y như rằng “hò hẹn với đứa nào mà trau chuốt thế?”.
Không đụng tay vào việc nhà thì cô ấy bảo “về nhà như khách trọ” mà mó tay vào việc gì thì hét lên “Hôm nay mặt trời mọc đằng Tây sao?”.
Con cái khó bảo, cô ấy đánh con thì được, nhưng tôi mà lăm le doạ nạt con tý thì cô ấy bảo rằng “anh có mang nặng đẻ đau đâu mà xót”.
Cô ấy suốt ngày nói xấu mẹ chồng nhưng chồng mà có phản ánh gì về bên ngoại thì ngay lập tức nhảy dựng lên bảo chồng phân biệt, coi thường.

Mỗi lần tôi bảo “em quan tâm đến mẹ chồng một tý, dù em không hài lòng với mẹ thì đó cũng là người đã sinh và nuôi dạy chồng em đấy”. Ngay lập tức cô ấy đáp trả “có bà mẹ nào không phải sinh đẻ và nuôi dạy con cái. Chẳng lẽ em tự dưới đất chui lên, tự hít khí trời mà sống à. Sao anh lúc nào cũng chỉ mẹ anh, mẹ anh?”. Mà nào tôi có phân biệt nội ngoại gì đâu, mà hễ nhắc đến vấn đề đó là cô ấy cứ nóng lên như dầu gặp lửa.
Nếu tôi lo kiếm tiền, vợ sẽ nói tôi coi trọng tiền bạc hơn gia đình, vợ con. Nếu tôi dành nhiều thời gian cho vợ con, cô ấy lại bảo tôi dễ bằng lòng, an phận.
Những lúc tôi buồn than thở đôi câu, cô ấy bảo tôi yếu đuối. Cô ấy buồn mà tôi cố làm cho cô ấy vui, cô ấy trách tôi “máu lạnh, vô cảm”.

Tôi làm gì mà không hỏi vợ thì cô ấy nói “không tôn trọng vợ”, mà hỏi thì lại bảo “đàn ông không biết chủ động, tự quyết”.
Nếu tôi mua hoa tặng vợ, cô ấy kêu lãng phí. Còn nếu không mua thì bảo rằng khô khan, không lãng mạn.
Nếu nói những lời ngọt ngào, cô ấy nghi ngờ tôi làm gì có lỗi nên nịnh bợ. Nếu không cô ấy bảo tôi ngày càng cộc cằn, thô lỗ, hết yêu cô ấy rồi.

Từ ngày có vợ, tôi như biến thành một con người khác, không còn là mình nữa. Tôi còn không phân biệt được thế nào là đúng, thế nào là sai. Vì làm gì vợ cũng bảo không được, làm gì cô ấy cũng chê, làm gì cô ấy cũng tìm được lý do để than phiền chê trách.
Có lần vợ bảo tôi: “Nếu giờ cho anh một điều ước, anh sẽ ước gì?”, Lúc đó tôi không ngần ngại trả lời “ước sau khi ngủ dậy mình đã biến thành đàn bà”. Nghe xong, vợ tôi liền hét lên: “Anh hâm à, làm đàn bà khổ lắm”.

Vâng! Làm đàn bà khổ lắm, còn làm chồng đàn bà thì tận cùng của khổ.

Theo Dân Trí