Saturday, April 27, 2024

Để Giày Ở Ngoài Đi Con!


 Lượm trên mạng

Dư Luận Viên - Loc Duong

 
Hình internet

Hắn đang nằm dài người nghe lãnh tụ đọc diễn văn trên ti-vi để quên đi cái đói thì chuông điện thoại reo.

- Sao, có việc làm chưa mày?

- Chưa, vẫn đang đói dài ra đây.

- Tao kiếm được việc cho mày làm rồi. Chuẩn bị thay quần áo, tao tới chở mày đi xin việc ngay, để trễ thằng khác nó xin mất.

- Thiệt hả? 

Hắn mừng rơn: 

Có cần mang theo bằng cấp gì không?

- Khỏi cần. Công việc này chỉ đòi hỏi mày biết đọc, biết viết, và biết chửi thề thôi.

- Gì chứ chửi thề thì mày yên tâm. Từ nhỏ tao đã dám chửi tay đôi với mấy con mẹ chửi mất gà kìa...

Bạn hắn chở hắn đến một quán cà phê vườn, nhưng bọn hắn không uống mà đi sâu vào phía sau quán. Ở đó, dưới gốc cây mít là một cái bàn dài. Người đàn ông ngồi đầu bàn có dáng dấp giống như công an đang “làm việc” với một người phụ nữ ăn mặc hở hang, gương mặt cực kỳ hung dữ. Cách xa một chút, bên cạnh bụi chuối, có hai thanh niên đang ngồi chờ bên chiếc bàn nhỏ, xiêu vẹo, bẩn thỉu. Hắn là người thứ ba gia nhập vào cái bàn đó.

Lúc hắn vừa đặt đít xuống thì một người dáng bặm trợn, trên bắp tay trái có xăm câu “Chúa cứu đời con”, bên bắp tay phải xăm hình mũi tên xuyên qua trái tim nhỏ máu với hàng chữ “Xa quê hương, nhớ chị dâu”, đang nói với người bên cạnh:

- ĐM, tao chửi tụi phản động riết rồi đứa nào cũng bờ-lốc tao. Mấy ổng nói tao phải làm lại nick khác để chửi tiếp. Mỗi lần làm nick mới phải đi phỏng vấn lại mới được ăn lương. Cực quá mày ơi. ĐM, bữa nay là nick thứ 16 của tao rồi đó.

Người bên cạnh là một thanh niên gầy gò, hai vai rụt lại trong chiếc áo sơ mi cũ nát, nhìn là biết ngay dân hút chích, lên tiếng phản đối, trong miệng anh ta thiếu hẳn hàng tiền đạo:

- ĐM, mới 16 nick đã khoe. Tao nè, tao làm dư luận viên chửi tụi nó từ hồi tao lấy đĩ về làm vợ, bây giờ vợ tao bỏ đi làm đĩ lại rồi, mà tao còn chưa khoe đây...

Đang nói dở dang, thấy người phụ nữ hở hang đã làm việc xong, anh ta chạy vụt lại bàn phỏng vấn, để lại anh chàng “nhớ chị dâu” ngồi nheo mắt hỏi người phụ nữ vừa đi tới:

- Bộ rớt rồi sao cái mặt như đưa đám vậy?

- Ừa, rớt rồi. ĐM, gặp thằng cô hồn này phỏng vấn khó như Hà Bá. ĐM, nó nói tui không chịu thức khuya để chửi tụi Mỹ, tại bên đây mình khuya, ở Mỹ là ban ngày. Tui nói ĐM, khuya tui còn phải tiếp khách. Tui chỉ rảnh ban ngày để chửi Mỹ thôi, mấy ông trả lương bèo mà đòi hỏi quá trớn. Nó nói, vấn đề không phải là lương, mà là nhiệm vụ chính trị. Tui nói, ĐM chính trị cái quần què. Chính trị gì toàn xúi tụi tui hả họng ra chửi Mỹ, còn con cái mấy ông lớn thì nhào hết qua Mỹ du học, vậy là sao? Nó quạu: Chị phát biểu linh tinh tui còng đầu chị à. Tui quay đít vô mặt nó: Dám còng hông, bày đặt hù kao hả...

Nghe tới đây hắn chán nản đứng lên. Hắn nói với bạn hắn: 

- Thôi thà để tao ăn mì gói qua ngày chứ làm nghề này tao thấy không khá nỗi. Mày còn tiền cho tao mượn mua ít ký gạo với gói bột ngọt đặng ăn cho nó có chất. Mai mốt chỗ phụ hồ kêu đi làm, tao trả.

Trên đường về, gió thổi lồng lộng. Hứng tình, hắn khe khẻ hát : Quê em trồng khoai lang, đào lên thấy khoai mì....


Loc Duong

Chúc Mạnh Khỏe Vui Tươi - Minh Lương

Những Ngày Tháng Tù Đày Không Thể Quên - Thanh Thương Hoàng


Tôi bị bắt ngày 5 tháng 4 năm 1976, trong cái trò bắt người mà cộng sản gọi là “chiến dịch X2 đánh Văn Nghệ Sĩ phản động”. Chiến dịch X1 trước đó “đánh” tư sản mại bản (tức những nhà tỷ phú người Việt và người Việt gốc Hoa, đa số ở Chợ Lớn). Có 3 nhà tỷ phú người Việt bị bắt là cụ Hoàng Kim Quy (cựu Thượng Nghị Sĩ đệ nhị VNCH), 2 anh em vua tàu thủy Phạm Quang Khai và Phạm Quang Hoa. Trước và sau tôi bị bắt vài ngày có hơn trăm người gồm đủ bộ môn văn nghệ Miền Nam (Văn, Thơ, Báo chí, Nhạc, Kịch, Đạo diễn Điện ảnh, Đạo diễn Cải lương có đôi chút tên tuổi). Đa số giam ở T20 (số 4 Phan Đăng Lưu bên hông chợ Bà Chiểu, Gia Định) vài người đi khám Chí Hòa.


Khoảng mười tháng sau một số lớn được tha về, chỉ còn mươi người bị quy kết tội “có nợ máu nhân dân” và “chống cộng ở thượng tầng kiến trúc” bị giữ lại. Đây là những “tội” có thể đưa tới tử hình. Sau 2 năm tra vấn hỏi cung xong, họ đưa bọn tôi lên trại Gia Trung (xứ sương mù Pleiku) nằm trong khu rừng già, nghe nói trước đây là mật khu của Việt cộng, để lao động khổ sai. Tưởng cũng nên kể ra đây tôi là người trong giới Văn nghệ đầu tiên, mới nhập trại đã bị tống ngay vào “biệt giam” (cachot) khu B1, phòng 11 trại Phan Đăng Lưu. Có lẽ họ tưởng tôi là nhân vật quan trọng, là tay sai của CIA được dựng lên làm Chủ tịch Nghiệp Đoàn Ký Giả Việt Nam hoạt động trong báo giới. Vì ngoài Bắc chức vụ này “to” lắm, do đảng đưa ra và quyền hạn cũng như quyền lợi ngang bộ trưởng.


Trong cùng dẫy biệt giam khu B1 có những nhân vật tên tuổi như Thượng Tọa Thích Huyền Quang, Thượng Tọa Thích Quảng Độ, Linh mục Đỗ Bác Ái, Tiến sĩ Mai Văn Lễ (cựu Khoa trưởng Khoa Luật đại học Huế), Luật sư Nguyễn Hữu Doãn, Luật sư Nguyễn Khắc Chính, Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ, Nhà báo Hồ Văn Đồng, Nhà báo Như Phong Lê Văn Tiến,Nhà Văn Nhà báo (nguyên dân biểu) Hồ Hữu Tường. Những người này lần lượt vào biệt giam sau tôi 1, 2 tuần. Đầu dẫy khu biệt giam buồng số 1 là “tướng phục quốc Nguyễn Việt Hưng”. Tôi rất tiếc khi đó không biết nhiều về nhân vật này. Ông là người đầu tiên cầm đầu một số dăm bẩy người trấn trong nhà thờ Vinh Sơn (đường Trần Quốc Toản) đánh CS với vài vũ khí thô sơ, khi CS vào Saigon mấy tháng. Sau đó ông bị CS xử bắn.Vụ “vùng lên” khởi đầu chống đối CS này đã gây tiếng vang rộng lớn làm trấn động dư luận khắp nước khi đó. CS phải điều động bộ đội công an cảnh sát vây hãm quanh khu vực Nhà Thờ mấy ngày liền mới trấn áp được. Tôi nghĩ chúng ta thật vô tình khi ở ngoài này, trải qua mấy chục năm, không thấy một ai nhắc nhở tới ông (người được gọi là tướng Nguyễn Việt Hưng mà dư luận khi đó đồn đãi là biệt danh của Tướng NCK hoặc Tướng cảnh sát NNL ở trong mật khu lãnh đạo cuộc chiến đấu với rất nhiều “hồ hởi phấn khởi”). Theo tôi đây là người chiến sĩ quốc gia can trường bất khuất, dám đứng ra chống CS ngay từ ngày đầu, chúng ta nên tỏ bày lòng ngưỡng mộ và khâm phục. Phía sau dẫy biệt giam B1 là dẫy biệt giam B2 có giáo sư Vũ Quốc Thông, ông chủ nhiệm nhật báo Lẽ Sống Mới Ngô Công Minh (vào đầu năm 1975 làm phụ tá Tổng Trưởng Thông Tin), ông Tống Đình Bắc, Trưởng ty Công an nổi tiếng sát cộng Miền Tây, ông chủ Nhà sách Khai Trí và một vài người nữa từng giữ chức vụ cao chế độ cũ. Riêng ông Ngô Công Minh sau khi lên trại tù lao động Gia Trung với chúng tôi hơn tháng thì CS đưa ông đi nơi khác. Từ đó không ai biết tin tức về ông. Có dư luận nói ông bị đem thủ tiêu vì mấy tay tổ văn nghệ, báo chí CS (từng quen biết ông trước kia) muốn cướp không ngôi nhà lớn của ông ở Saigon và vàng bạc của cải. Theo tôi, ông không phải nhà hoạt động chánh trị, chỉ là nhà báo thuần túy nên không thể bị sát hại vì lý do chánh trị. Khi tù về tôi có dò hỏi tin tức ông nhưng không ai biết một cách chính xác.


Trong thời gian “nằm” biệt giam tôi cũng có vài việc để nhớ xin kể ra đây. Cứ mỗi tháng tù biệt giam được cho ra ngoài cắt tóc. Bọn “thế nhân” chúng tôi tất cả đều bị “gọt” trọc đầu kể cả vị Linh mục, nhưng với 2 vị Thượng Tọa Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ thì cai tù lại bắt để tóc. Hai cụ phản đối, cai tù thản nhiên: “Đó là chính sách Nhà nước!” Việc thứ hai là vì biệt giam mới làm chưa lắp ống dẫn nước nên mỗi ngày chúng tôi chỉ được từ 2 tới 3 phút vòi nước ở ngoài thọc vào để làm vệ sinh. Tôi không biết nên thản nhiên chà xà bông gội đầu (bằng xà bông giặt). Đang làm nửa chừng vòi nước rút ra mặc cho tôi nài nỉ. Báo hại đêm đó đầu tôi bị xà bông làm ngứa ngáy khó chịu không tài nào nhắm mắt ngủ yên được. Cũng vì “nước” tôi phải tự “tranh đấu” với mình mãi mới nuốt xong phần cơm tù. Tôi chỉ có 2 cái tô nhựa: một dùng đựng cơm, một dùng đựng canh. Vì phải chứa nước làm vệ sinh (khi đi cầu) tôi nhịn tắm lấy nước chứa vào cái tô lớn màu xanh. Trong khi đi “làm việc” (hỏi cung) tôi viết mấy chữ bằng bút chì dặn anh tù hành sự để cơm vào nửa tờ giấy báo cũ, còn canh để vào tô nhựa màu đỏ. Nhưng anh ta đổ hết nước trữ đi, để cơm canh vào 2 cái tô và đặt ngay trên bệ cầu tiêu chưa được dội nước còn nồng nặc mùi phân của mình.Tôi ngồi hơn nửa tiếng đồng hồ nhìn 2 tô cơm canh muốn ứa nước mắt tự “tranh đấu” với mình. Ăn hay nhịn? Nếu ăn, khó nuốt trôi miếng cơm vì tởm lợm. Nhưng nếu không ăn sẽ bị đói tới trưa hôm sau. Tôi lại mắc chứng đau dạ dầy từ ngày CS chiếm Saigon nên sẽ khốn khổ lắm. Cuối cùng tôi đành nhắm mắt nuốt vội chút cơm canh lạnh ngắt với hai hàng nước mắt.

Tôi bị nhốt biệt giam hơn 10 tháng, vào một buổi sáng trời âm u, được gọi tên mang đồ ra khỏi buồng giam. Phía chéo buồng giam, tôi liếc nhìn thấy nhà văn Duyên Anh để mặt sát ô vuông cánh cửa sắt phòng giam tập thể hướng về phía tôi nói khá lớn: “Nhớ ghé nhà tao nói với vợ tao...” Tôi chỉ nghe được tới đây thì bị viên cai tù nạt nộ cấm nói. Thì ra Duyên Anh tưởng tôi được tha về nhờ tôi tới nhà nhắn tin vợ.


Khi đi đến trước sân “nhà khách” trại giam tôi thấy vài người quen ngồi đó với đồ đạc cá nhân lỉnh kỉnh.Chúng tôi chỉ đưa mắt chào nhau. Mấy phút sau họ điểm danh từng người xong còng tay lại đưa lên chiếc xe hơi bít bùng chuyển về cơ quan An ninh nội chính (Nha Công an thành phố Saigon cũ đường Trần Hưng Đạo). Cùng trên chuyến xe có tiến sĩ Mai Văn Lễ, thạc sĩ Vũ Quốc Thông, ông Tống Đình Bắc và một vài người nữa (giờ tôi quên mất tên). Trong lúc ngồi ngoài sân cơ quan chờ làm thủ tục gì đó, các bạn tù của tôi bàn cãi sôi nổi về dự đoán chúng tôi được đưa lên đây làm giấy tờ tha. Có vị còn “cá” một chầu ăn uống linh đình ở Chợ Lớn. Rồi lần lượt từng người được gọi tên đem hành lý đi vào phòng... biệt giam! Tôi được gọi tên sau chót (may mắn cho tôi vì biệt giam hết chỗ (?) – viên công an tiếp nhận tù nói vậy) nên được nhốt vào khu tập thể A (làm từ thời Pháp). Gần 100 người đủ thành phần già trẻ lớn bé, tư sản, chính trị gia, Linh mục, Mục sư,Thượng tọa, Đại đức, trộm cắp, buôn lậu, nhốt chung trong 1 phòng dài trên 10 mét, bề ngang nhỏ hẹp, u tối, ẩm ướt, thiếu ánh sáng và khí trời. Phòng có 2 “sàn”, sàn trên cao khoảng 1 mét. Mỗi người được cấp manh chiếu rách cáu bẩn, nồng nặc mùi chua mồ hôi người tích tụ lâu năm đã kết thành “cao”. Ở trên tôi nói may mắn không phải vào lại biệt giam vì mấy tháng sau anh Mai Văn Lễ được thả khỏi biệt giam vào phòng tôi kể cho nghe thảm cảnh trong buồng biệt giam anh đã “chết trong cõi sống” mấy tháng qua. Buồng biệt giam Sở An ninh nội chính được xây từ thời Pháp thuộc có tuổi đời trên mấy chục năm. Tường bẩn thỉu lam nham đầy cáu bẩn đen đúa, sàn xi măng ẩm ướt quanh năm. Mùi mồ hôi, mùi phân, nước tiểu người tích tụ bao năm tạo thành một thứ mùi hôi hám khó tả, ngửi phải muốn nôn ọe ngay. Khủng khiếp nhất là cái cầu tiêu đã nứt nẻ và vỡ nhiều mảnh, mỗi khi trời mưa nước từ trong lỗ cầu dâng lên tràn lan khắp buồng với những cục phân chưa tiêu hủy. Nếu mưa lâu khoảng một giờ, nước cầu tiêu dâng ngập buồng giam hơn gang tay, tù chỉ còn biết đứng dựa vào tường chờ cho nước rút hoặc ngủ đứng. Và khi nước vừa rút hết, sàn si măng còn ẩm ướt, tù mới ngả lưng nằm thì một hai chú chuột cống khá to, lông lởm chởm ghẻ lở khắp mình trông dơ dáy khủng khiếp chui lên từ miệng cầu, thản nhiên gặm bàn chân tù, đạp đuổi nó cũng cứ gan lỳ không chạy! Có lẽ từ lâu nó sống bằng xương thịt tù bị chết chưa kịp mang đi. Anh Mai Văn Lễ kết luận: “Đúng là tầng chót địa ngục trần gian, có một không hai trên thế giới!” Tôi được biết Linh mục Hoàng Quỳnh,người lãnh đạo giáo dân khu Bùi Chu Phát Diệm nổi tiếng chống CS bằng vũ lực hồi còn ngoài miềnBắc. Linh mục bị bắt từ ngày đầu tháng 5/1975, bị giam và chết trong “tầng chót địa ngục trần gian” này. Khi họ đem xác Linh mục đi trên cái băng ca, thân thể teo tóp gầy đét bé nhỏ như đứa trẻ lên 10.


Sau 2 ngày đêm 15 chiếc xe vận tải lớn,trước đây dùng chở heo, chở mấy trăm tù ngồi bó gối trên sàn xe chật cứng nhúc nhích cánh tay cũng không được. Với bao gian khổ đói khát trên con đường dài mệt lả người, chập choạng tối chúng tôi tới trại tù lao động cải tạo Gia Trung (thuộc tỉnh Pleiku) nằm trong khu rừng núi hoang vu. Nghe nói nơi này khi trước là mật khu của CS. Trại Gia Trung lúc bọn tôi tới đã có 3 trại giam, mỗi trại cách nhau khoảng cây số. Trại nào cũng đầy nhóc người: từ 700 tới 1000. Tù đa số là các viên chức cấp nhỏ, địa phương quân, nhân dân tự vệ và đông nhất vẫn là tù hành sự từ các nơi đưa tới, có án hoặc chưa có án. Có cả tù chưa đến 10 tuổi, đói quá liều ăn tô bún riêu ở chợ không tiền trả bỏ chạy bị bắt.

Những nỗi đói khổ nhục nhã, sống cuộc đời trung cổ, sách báo đã nói nhiều từ hơn 30 năm, tôi xin miễn kể ra đây. Sự khổ sở nhục nhã chúng tôi còn có thể chịu đựng được. Nhưng cái khủng khiếp nhất đối với chúng tôi là sự vô vọng ngày trở về đoàn tụ với gia đình, với đời sống ngoài xã hội. Bọn cai tù bắt chúng tôi “học tập” chính sách Nhà nước là đem vợ con lên vùng đất tù đày này cuốc đất trồng khoai sinh sống (như ngoài Bắc đã thực hiện). Tất nhiên chúng tôi không thể làm theo họ. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh đời mình chứ không thể để vợ con đã khốn khổ ngoài đời lại phải gánh thêm cảnh tù đày.


Trong những năm tháng không tên dài dằng dặc như bao thế kỷ sống như cây cỏ, như súc vật, chúng tôi hết cả hy vọng, hết cả chờ mong thì có những tin tức như những làn gió mát mang theo hơi sống tới: tin đồn về chương trình HO, người Mỹ sẽ cứu chúng tôi đem sang Mỹ. Trong thời gian này các con tôi gửi thư cho tôi nói bóng nói gió là 2 hội Văn Bút QuốcTế và ViệtNam đang ráo riết can thiệp vận động cho anh em cầm bút chúng tôi. Và các con tôi cũng báo tin có nhận được “quà” của 2 hội gửi. Thời gian này bọn tù chúng tôi “hồ hởi phấn khởi” lắm. Chỗ nào cũng bàn tán về chương trình HO (mỗi người tán một kiểu toàn có lợi cho mình) với bao hy vọng tốt đẹp. Và chúng tôi cũng hết lời ca ngợi Tổng Thống Carter– vị ân nhân vĩ đại– sẽ lập cầu Không vận đưa chúng tôi từ VN qua Mỹ sống một đời ấm no tự do tươi sáng. Tôi cũng nghe nói tới tên một bà lúc ấy còn rất xa lạ với chúng tôi: bà Khúc Minh Thơ. Biết bao giai thoại đồn đại thêu dệt về bà được dựng lên. Qua câu chuyện và lời bình luận của anh em tù,tôi có cảm tưởng bà Khúc Minh Thơ như một bà tiên đang cầm cây đũa thần giúp chúng tôi từ vực thẳm lên. Rồi ngày tháng tiếp tục lặng lẽ trôi qua, tất cả mọi việc vẫn như cũ không có biến chuyển gì xẩy ra, chúng tôi lại tiếp tục buồn nản thất vọng lê cái thân tù đày mòn mỏi héo hắt trong quốc nạn khổ sai. “Mong nhưng không đợi không chờ” như câu thơ của Giáo sư Vũ Quốc Thông làm và đọc cho tôi nghe.

Sau gần 10 năm thân thể rã rời hư hao chỉ còn bộ da bọc xương, tinh thần suy sụp chán nản chẳng còn gì để mong để chờ và cũng hết cả “cú” tha bất ngờ thì anh Doãn Quốc Sỹ được gọi tên tha, năm sau anh Hồ Văn Đồng rồi thời gian sau nữa là giáo sư Vũ Quốc Thông. Những người này được tha về làm sự hy vọng tưởng tắt ngấm trong chúng tôi lại lóe lên, dù là ở cuối đường hầm mù mịt.


Có lẽ do nguồn từ gia đình ký giả Cao Sơn lên thăm nuôi nói đài VOA vừa loan tin tôi và họa sĩ CHÓE (Nguyễn Hải Chí) hiện bị giam tù ở trại Gia Trung, Pleiku. Thế là ầm cả trại đến nỗi viên quản giáo đội tôi cũng tò mò hỏi anh tù nấu nước có biết tôi không và hiện ở đội nào (vì đài VOA chỉ loan bút hiệu của tôi nên anh ta không biết). Báo hại tôi từ khi có tin này không được tự động đi gánh phân người từ trại ra ngoài đồng nữa, phải về đội cuốc đất chặt cây đào mương như mọi anh em tù khác. Gánh phân tuy có vất vả bẩn thỉu hôi hám mất vệ sinh thật nhưng chỉ nửabuổi là “thanh toán” xong các hố xí. Thời gian còn lại thoải mái xuống suối tắm giặt và đi “va tạt linh tinh” kiếm củ khoai mì hay vài cọng rau lang “cải thiện”cho “ấm” cái bụng thường trực rỗng. Nếu tôi nói đã hơn mt lần “tự động” ăn... phân người, có lẽ nhiều người không tin cho là tôi nói quá để kể khổ thân phận tù đày dưới chế độ cộng sản. Lần thứ nhất quãng hơn 10 giờ, tôi vừa đói vừa khát ghé vào chỗ chòi đun nước uống của đội để uống nước. Anh bạn được phân công đun nước, nguyên đại úy cảnh sát quốc gia, vốn quý mến tôi, thấy tôi đến, anh mắt nhìn chỗ khác nhưng miệng nói nhỏ: “Bác đi tới phía bụi cây bên trái”. Tôi biết là “có gì” rồi. Tới nơi nhìn vào trong bụi cây tôi thấy nửa trái dưa chuột nhỏ. Tôi cầm lên bỏ vào miệng nhai liền. Có lẽ trong đời tôi chưa bao giờ ăn miếng dưa chuột ngon đến thế (tôi vốn không thích ăn dưa chuột).Vừa nuốt xong nửa phần dưa chuột tôi chợt nhớ ra, ngừng nhai, tiến lại chỗ anh bạn đun nước, nói: “Này ông ơi, có phải trái dưa này “tẩm” phân người?” Anh bạn gắt nhẹ: “Đã bảo, bác cứ ăn đi, không chết đâu mà sợ!” Nghe anh bạn nói, tôi biết mình đã lỡ ăn rồi (hơn nữa cũng tại đói) nên tiếp tục cố nhai và nuốt nốt phần dưa chuột còn lại. Nguyên do thế này: Trong vườn ươm giống của đội trồng rau có 1 giàn dưa chuột. Khi dưa mới kết trái to hơn ngón tay đã bị tù (và cả cai tù) hái trộm ăn hết nên ban giám thị trại tù ra lệnh lấy phân tươi của người hòa với nước rồi hàng ngày quết vào những trái dưa chuột cho hết bị trộm. Nhưng tù vẫn hái trộm ăn sau khi rửa sơ qua. Thế là lần thứ nhất tôi ăn phân người. Lần thứ hai thì chính do tôi (và mấy ông bạn) chủ động ăn phân người. Tôi và mấy “đồng sự” được “bố trí” dọn phân cầu tiêu các phòng giam. Một số anh em tù hình sự ra ngoài đồng làm việc đã hái và ăn tươi nuốt sống các trái bắp. Vì ăn trộm nên không kịp nhai (sợ cai tù thấy) các bạn tù hình sự cứ thế mà nuốt. Bắp già hạt cứng dạ dầy không tiêu nổi, hôm sau đi cầu ra nguyên cả hạt. Chúng tôi lúc đầu còn sợ bẩn sợ hôi và bệnh nhưng sau khi sôi nổi “bàn thảo”, chúng tôi đi tới việc lấy những hạt bắp này đem ra suối rửa, luộc hai ba lần cho hết mùi hôi rồi ăn một cách ngon lành thoải mái! Nhiều bạn tù biết chuyện cũng xin ăn ké. Tôi được “ấm bụng” ít ngày thì bị “ngưng công tác” (vì tin đài Voa loan)? Đó là hai dấu ấn khủng khiếp trong trại tù cho tới ngày hôm nay, mỗi khi nghĩ tới tôi vẫn không khỏi rùng mình tự hỏi không hiểu sao mình lại có thể “ghê gớm” đến thế!


Còn một chuyện nhỏ nữa mà tôi cũng khó quên. Tôi vốn bị quy kết “học tập cải tạo” xấu, tư tưởng không ổn định và trây lười lao động nên thường xuyên bị ăn 13 ký một tháng (5 ký gạo, 8 ký khoai mì, nhưng bọn cai tù và bọn nhà bếp đồng lõa ăn chặn mất 2 ký gạo nên chỉ còn 3 ký). Trong 7 năm sống ở trại Gia Trung tôi được gia đình “thăm nuôi” có 3 lần. Đáng nhớ nhất là lần hai con tôi (còn vị thành niên: một trai 15 tuổi và một gái 13 tuổi) đi xe đò hơn ngàn cây số lên thăm bố với gói quà khoảng 10 ký. Khi đến cây số 25 (quốc lộ 18) thì xuống xe, lúc đó là 2 giờ đêm. Trời rất lạnh lại ở chốn rừng thưa hoang vắng không biết đường vào trại, hai anh em phải ngồi dựa lưng vào nhau chờ sáng trong lòng vừa sợ vừa lo mọi thứ, nhất là với thú dữ và kẻ cướp.


Sáng hôm sau tôi được gọi thăm nuôi. Tôi cố làm nét mặt lạnh lùng vô cảm để tránh trận nước mắt của 2 con tôi khi nhìn thấy thân thể tiều tụy mòn mỏi hết sinh lực của bố chúng. Như đã viết ở trên vì tôi học tập cải tạo xấu, lao động kém nên chỉ được nhận 2 ký đồ thăm nuôi.Tôi nhìn thấy 1 gói bột trắng khoảng 1 ký,tôi tưởng là bột gạo hoặc bột sữa nên lấy gói này và 1 gói xả xào mắm ruốc vừa đủ 2 ký. Hai con tôi đứng trước cửa nhà thăm nuôi nhìn theo, tôi biết chúng đang khóc nhưng không đủ can đảm quay lại nhìn:tôi sợ không cầm được nước mắt và òa khóc. Tôi nghe tiếng con gái tôi nói trong nước mắt: “Bố ráng gi gìn sức khỏe để còn sống trở về với các con”. Vào tới buồng tôi mở ngay gói bột ra pha nước vào cái tô nhựa và ngoắng cho tan bột. Bột bị ngoắng sủi bọt lên trắng xóa. Đang đói đang khát tôi đưa lên miệng uống liền một ngụm lớn. Nhưng chất bột vừa trôi vào cổ họng, thấm vào lưỡi đắng chát và nóng rát, không có mùi vị gì có thể gọi là sữa cả, dù là sữa quá “đát”, tôi muốn nôn ọe vội nhổ ra ngay. Thì ra đó là xà bông bột (mà tôi cứ đinh ninh là bột gạo hay bột sữa). Kể lại cho anh em trong trại nghe ai cũng ôm bụng cười. 2 con tôi thật ngây thơ đem xà bông bột cho tù giặt quần áo! Sau này tù về tôi mới biết hai con tôi cũng vô cùng khốn khổ trong chuyến về này. Vì xe đò hết chỗ chật cứng, chủ xe bảo 2 con tôi muốn đi thì lên mui xe mà “nằm”. Bát đắc dĩ chúng phải làm theo. Mấy lần suýt chết khi xe chạy qua nhng cái “cầu” thấp nhỏ bắc ngang đường, chỉ sơ sẩy một chút là bị vướng gạt ngã xuống đường chỉ có chết, nếu không thì cũng vỡ đầu gẫy chân tay.

Đầu năm 1985 tôi bất thần được gọi tên tha về cùng một số anh em quân nhân. Ngoài tôi không có thêm tên anh bạn văn nghệ sĩ nào. Các anh mừng cho tôi thì ít, lo lắng chán nản thất vọng cho mình thì nhiều. Viên quản giáo trở nên tử tế với tôi, gã chạy vào phòng nói: “Mừng cho anh nhé. Có thuốc men gì cho tớ xin”. Tôi cho gã mấy viên thuốc cảm, gã đòi lấy hết nhưng tôi không cho để cho anh em tù nghèo không thăm nuôi.


Trại tù phát cho chúng tôi 50 đồng tiền đi xe, trong khi giá xe về Saigon 150 đồng. Đi bộ từ trại tù ra tới quốc lộ 25 gần 5 cây số. Chúng tôi phải nài nỉ mãi bà chủ xe đò mới “thông cảm” lấy 50 đồng. Xe đy nhóc người ì ạch chạy như rùa bò trên con đường vòng vèo dốc núi cheo leo đầy bất trắc, nguy hiểm. Tôi và 3 anh tù đi cùng chuyến xe không một đồng bạc dính túi, phải nhịn đói nhịn khát 2 ngày đêm liền cho tới khi về tới nhà ở Saigon. Một anh có “sáng kiến” đem bộ quần áo tù mới tinh được trại tù phát khi tha, gạ bán cho mấy người trên xe để lấy tiền ăn, nhưng đều bị từ chối vì ai cũng sợ xui khi mặc đồ tù.


Rời nhà tù nhỏ ra nhà tù lớn sống mấy năm thì “phong trào HO” nở rộ và tên tuổi bà Khúc Minh Thơ được anh em tù về hết lời ca ngợi công đức. Bà là ân nhân của tù cải tạo. Tôi vì nghèo, tiền ăn không có lấy đâu ra vàng đút lót hối lộ để được đi HO. Nhưng nghe theo lời các bạn đồng nghiệp cũ may mắn thoát sang Mỹ trước, viết thư về khuyên tôi cứ đến đường Nguyễn Du nộp đơn kèm theo những giấy tờ can thiệp (từ trước tới nay) của các tổ chức như Hội Văn Bút Quốc Tế,Hội Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, Liên Đoàn Ký Giả Quốc Tế, Hội Nhân Quyền..v..v... Nhưng tất cả đều vô vọng. Lần nào cũng vậy, 2 lần, tôi “ôm” hồ sơ xin xuất cảnh tới Sở Ngoại Vụ đường Nguyễn Du đều được các viên chức hữu quyền (công an CS) trả lời dứt khoát: “Nhà Nước không có chính sách cho anh xuất cảnh. Bọn lính cũ không có súng ống đâu còn đánh được chúng tôi nhưng với bọn anh chỉ 1 cây viết vẫn có thể chống phá chúng tôi như các anh đã làm trước đây. Anh nên biết bên đó bọn báo chí phản động nhiều như nấm”. Thế là con đường sống bị triệt. Hết hy vọng, hết chờ mong. Tôi đành sống kiếp mạt rệp – một thứ công dân hạng bét – ngay trên quê hương đất nước mình. Nhưng tới cuối năm 1998 tôi được anh bạn nhà văn Hoàng Hải Thủy từ Mỹ gửi thư về báo cho biết tôi và Nhà văn Uyên Thao được bà Khúc Minh Thơ, chủ tịch Hội Bảo Vệ Gia Đình Tù Nhân Chính Trị Việt Nam đã tận tình can thiệp với Bộ Ngoại Giao Mỹ để chúng tôi được sang Mỹ định cư. Chính Hoàng Hải Thủy sốt sắng giới thiệu 2 chúng tôi với bà Khúc Minh Thơ và cộng tác mật thiết với bà trong công việc vận động. Con đường hy vọng, con đường sống, lại mở rộng trước mắt tôi.

Buổi tối ngày 18 tháng 5 năm 1999 tôi lên máy bay giã biệt quê hương tăm tối sang Mỹ định cư. Tôi lại được sống lại dưới bầu trời tự do dân chủ như tại Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Tuy nhiên nhiều đêm vẫn giật mình thức giấc vì những ám ảnh não nề thê thảm khốn cùng của những năm tháng tù đày./.

 

Thanh Thương Hoàng

Hình Ảnh Quê Hương Việt Nam Tuyệt Vời (Vietnam From Above) - Thắng Sói

Friday, April 26, 2024

Người Mỹ Già Homeless - Vĩnh Khanh


Ở một ngã tư trên đường từ hãng làm về nhà mỗi khi ngừng xe chờ đèn xanh, mấy lúc gần đây tôi thường thấy một ông già người Mỹ đứng đó xin tiền, chờ khi đèn đỏ tất cả xe ngừng lại thì đi ngược theo đoàn xe dọc lề đường cầm một tấm carton có mấy chữ nguệch ngoạc trên đó: "I am hungry. Will work for food. God Bless". Những hình ảnh tương tự như vầy tôi vẫn hay thấy ở những ngã tư đèn xanh đèn đỏ rải rác trong thành phố, nên gần như tôi không chú ý gì tới người Mỹ già này. Một vài lần dừng xe ở một ngã ba, ngã tư nào đó, khi thấy một người homeless nào đến gần xe tôi đậu, nhìn dáng vẻ khổ sở tôi cũng động lòng cho ông ta 1 dollar. Rồi thôi! Xe chạy và tôi không mảy may để ý gì tới người đó nữa. Người Mỹ già homeless này cũng vậy. Xe tôi chạy qua ngã tư này hàng ngày và đậu chờ đèn xanh không biết bao nhiêu lần rồi. Tôi nhìn thấy ông Mỹ này chắc cũng 5,7 lần gì đó… nhưng có bao giờ tôi để ý tới ông ta đâu và có lẽ sẽ chẳng bao giờ để ý đến ông cho tới một hôm…
 
Hôm đó là một ngày tháng Năm, như mọi lần tôi đậu xe ngay sát lề chờ đèn xanh, nơi ông già Mỹ đang đứng. Tháng 5 là mùa Hè ở Texas, trời rất nóng. Bên ngoài cũng khoảng 92, 93 độ F chứ không ít. Ông già Mỹ cũng vẫn cầm tấm carton giơ lên trước ngực. Trời nóng như vậy mà ông ta mặc một cái áo lính rằn ri 4 túi kiểu của quân đội Mỹ. Nhưng cái đập vào mắt tôi ngày hôm đó là, trên ngực áo của ông ngoài mấy phù hiệu binh chủng, còn có huy hiệu một lá cờ vàng ba sọc đỏ. Chính điều này làm tôi chú ý. Khi ông bước đến cửa xe, tôi không cưỡng được nên hạ cửa kiếng xuống móc ra tờ giấy 1 dollar đưa cho ông:
Hello, hình như ông là cựu quân nhân?

Ông nhận tờ giấy bạc:
Cám ơn ông. God Bless. Phải! Tôi là cựu quân nhân đã từng tham chiến ở VN trước đây. Ông là người Việt hả? Bắc Việt Nam hay Nam Việt Nam? Tôi cười, nheo mắt với ông:
Đúng. Tôi là người Việt. Nam Việt Nam chớ không phải Bắc Việt Nam.
 
Ông giơ một ngón tay cái lên, mỉm cười qua hàm râu quai nón xồm xoàm lâu ngày không cạo:
God Bless you. Good! Good! Nam Việt Nam tốt lắm.

Ông ta chào tôi và tiếp tục đi qua xe khác.
 
Chỉ có thế! Đèn bật xanh. Xe tôi lại chạy nhưng đầu óc tôi cứ lưu lại hình ảnh người Mỹ già này suốt con đường về nhà. Không hiểu tại sao một cựu quân nhân Mỹ lại sa vào cuộc sống khó khăn đến thế? Ở xứ này, người dân vẫn tôn trọng cựu quân nhân lắm mà? Lần đầu tiên tôi thắc mắc về một người homeless. Có lẽ chính vì cái huy hiệu lá cờ vàng ba sọc đỏ đeo ở trước ngực áo ông ta cứ lãng vãng trong đầu óc tôi hoài.
 
Hai hôm sau, cũng tại ngã tư quen thuộc. Tôi gặp lại ông Mỹ này vẫn đang mặc chiếc áo trận rằn ri đi tới khi tôi đậu xe chờ đèn. Tôi hạ kiếng xe xuống:

Chào ông. Tôi có thể hỏi thăm ông một chút được không?
Ông già nhìn tôi với một thoáng ngạc nhiên:

Chào ông. Được chứ. Ông muốn hỏi gì?

Ở đây không tiện. Đèn xanh rồi, xe tôi phải đi ngay đây. Tôi sẽ qua cây xăng bên kia đường. Tôi gặp ông ở đó trong vài phút nữa. Được không?

Được chứ. Được chứ. Tôi chờ ông bên đó nghe. Tôi quay xe ngược trở lại và tắp vào cây xăng Shell bên kia đường nơi ông già Mỹ đang đứng chờ. Tôi xuống xe bắt tay ông:

Chào ông. Tôi tên là Khanh. Tôi có gặp ông trước đây. Ông có nhớ tôi không?

Ông già Mỹ cười làm rung động hàm râu quai nón xồm xoàm. Gương mặt ông trông giống như một tài tử xi nê nào đó mà tôi đã có dịp xem qua:
Chào ông Khaan (Ông chào tôi bằng tiếng Việt và phát âm tên tôi như 2 chữ Kha An ) Nhớ chứ, nhớ chứ. Ông là người Việt tôi gặp hôm trước đây mà… Nam Việt Nam.
Ông lại cười, giơ ngón tay cái lên khi nói đến chữ Nam Việt Nam và nói tiếp:

Tôi tên là Bill. Ông muốn hỏi tôi chuyện gì.

Ồ! Cũng không có gì quan trọng. Thật ra… thật ra…
Tôi bỗng trở nên lúng túng, ấp a ấp úng khi thình lình nhận ra chính mình cũng không biết tại sao lại muốn nói chuyện với ông già Mỹ này. Có lẽ một sự ràng buộc vô hình nào đó với cái phù hiệu ông ta đeo trên ngực áo đã khiến tôi không cưỡng lại được và có lẽ sự thắc mắc trong lòng hai hôm nay cộng với thời gian đứng chờ đèn xanh quá ngắn ngủi có thể sẽ bỏ lỡ một dịp may hỏi ông ta vài câu mà mình thắc mắc. Nhưng khi cơ hội đến thì mới biết là tôi đã chẳng chuẩn bị gì hết, vì thế đâm ra lúng túng. Cuối cùng tôi cũng nói lên được một câu:

Tôi cũng là lính ở trong thời chiến tranh VN.

Vậy hả! Tốt! Tốt! Anh cũng là cựu chiến binh chiến tranh VN hả. Tốt! Tốt!
Tôi nhìn gương mặt ông, thấy toát lên một vẻ rất chân thật khi nói lên câu trên. Hình như những hình ảnh về thời đi lính xa xưa ở VN vẫn còn để lại trong lòng ông nhiều kỷ niệm. Buổi chiều ở Round Rock mùa này trời nóng kinh khủng. Tôi chỉ mới đứng bên ngoài nói mấy câu với ông già Mỹ mà đã thấy khó chịu rồi. Vậy mà ông ta đứng ở ngoài trời cả ngày như thế thì thiệt là… Một thoáng xót xa dấy lên trong lòng tôi:

Này Bill, ông có bận quá không? Nếu ông không bận, tôi muốn mời ông đi đến một nơi nào đó, chúng ta vừa ăn uống vừa nói chuyện. Được không?

Không. Tôi không bận gì cả. Tốt. Tốt. God Bless.
Bill xách theo cái túi đeo vai đựng những vật dụng cá nhân của ông lên xe. Tôi chở Bill đi ngược lại đường May, con đường chính của thành phố Round Rock và sau đó rẽ trái qua đường 620:

Mình ghé vào tiệm Fried Chicken phía trước được không?

Tốt! Tốt. Fried Chicken ngon lắm.

Tôi nheo mắt nhìn Bill, cười:

Nhưng ở đây không có bia đâu nhé.

Không sao. Cám ơn ông. Ăn Fried Chicken tốt lắm rồi.

Chúng tôi ghé vào tiệm Golden Fried Chicken gần đó, gọi phần ăn cho hai người và chọn ngồi vào góc khuất trong tiệm. Buổi chiều giờ này quán còn vắng vẻ lắm. Không khí mát dịu của máy điều hoà bên trong làm tôi khoan khoái, dễ chịu hẳn lên sau khi vừa từ bên ngoài bước vào. Nhìn Bill làm dấu thánh giá trước khi ăn, tôi thấy ở ông toát ra một điều gì đó hiền hoà khác hẳn cái bề ngoài có vẻ "dữ dằn" qua quần áo, râu tóc rối tung của ông, tôi nói để bắt chuyện:

Ông cứ ăn tự nhiên nhé.

Tốt. Tốt. Cám ơn ông.

Vừa nhai ngồm ngoàm miếng gà chiên, ông vừa hỏi tôi:

Khaan. Trước đây trong chiến tranh VN, ông đi binh chủng nào? Đóng ở đâu?

Tôi hả? Tôi ở trong binh chủng Không Quân. Trước đây đơn vị tôi đóng ở Phan Rang. Tôi ở trong quân ngũ không lâu, chỉ từ 1972 cho đến ngày miền Nam nước tôi rơi vào tay CS miền Bắc. Còn ông?

Tôi là lính Thủy Quân Lục Chiến sang VN năm 1966. Ở tại căn cứ Long Bình một thời gian. Sau đó đơn vị tôi chuyển ra Đà Nẵng và cuối cùng đóng tại Khe Sanh.
 
Ông vừa ăn vừa kể tôi nghe về một vài kỷ niệm ở VN trước đây, ông nói một vài tiếng Việt còn nhớ được với cách phát âm lơ lớ như những từ: "Chào ông, chào bà, chào cô… con gái VN đẹp lắm, nước mắm… đi đi…mau…cám ơn ông…"
Chúng tôi vừa ăn vừa nói cười thật cởi mở. Tôi cũng kể cho Bill nghe về đơn vị của tôi trước đây và một vài kỷ niệm vui thời lính tráng. Trong thoáng chốc, chúng tôi nói chuyện, cười đùa với nhau như hai người bạn hồi nào không hay. Bill kể tôi nghe thêm nhiều kỷ niệm về đời lính của ông và trận đánh ông tham dự lần cuối ở Khe Sanh:

Trong trận đánh ngày 21 tháng Giêng năm 1968, tôi bị thương nặng và được đưa về bệnh viện Dã Chiến chữa trị tạm thời, sau đó họ đưa tôi về bệnh viện ở Đà Nẳng tiếp tục chữa trị. Cuối năm 1968, tôi được giải ngũ và về lại Mỹ.

Bill giở áo lên chỉ cho tôi thấy những vết sẹo còn để lại sau mấy ca phẫu thuật. Nhìn những vết sẹo dài còn để lại trên ngực và bụng của Bill, tôi có thể đoán vết thương của ông lúc đó chắc là ghê gớm lắm. Lấy tay chỉ chỉ vào những vết sẹo đó, ông nói:

Những vết sẹo này từ năm 1968 đã là một phần cơ thể gắn bó thân thiết với tôi. Tôi tự hào đã có những vết sẹo này, tuy nhiên rất lấy làm tiếc là chúng ta đã không đạt được mục đích. Cái giá tôi trả và phần thân thể tôi để lại ở chiến trường VN đã không được đền bù xứng đáng. Tiếc thật!

Bill cho tôi biết trong lần bị thương đó, để cứu ông các bác sĩ quân y đã phải làm nhiều cuộc phẫu thuật lấy mảnh đạn trong người, cũng như cắt bớt và may vá nhiều khúc ruột. Ngoài ra các bác sĩ còn phải đặt một thanh sắt, bắt vít nối xương ống chân phải của ông.
 
Tôi nhìn gương mặt Bill, cặp mắt ông không biểu lộ một nét thù hận hay bực bội nào cả khi nói về những vết thương cũ! Hình như thời gian đã phôi pha và xoa dịu đi những đớn đau, mất mát mà ông đã trải qua. Chúng tôi im lặng tiếp tục ăn, không ai nói với ai thêm lời nào nữa một lúc khá lâu. Có vẻ như Bill đang nhớ lại một vài kỷ niệm cũ trước đây. Tôi nghe thấy ông lẩm bẩm hai chữ Khe Sanh, Khe Sanh... vài ba lần trong khi đang ăn và đôi mắt ông hình như đang mơ màng về một cõi xa xăm nào đó. Đầu óc tôi ngập tràn nỗi xúc cảm không tả được. Trước mặt tôi là một người Mỹ già xa lạ. Một người mà nếu không có chiến tranh xảy ra ở đất nước tôi, có lẽ ông ta sẽ không hề biết tới VN là gì, nói chi tới những địa danh như Long Bình, Đà Nẳng, Khe Sanh… vậy mà cho tới bây giờ, sau mấy chục năm ông vẫn còn nhớ và phát âm khá chuẩn tên những địa danh này bằng tiếng Việt. Chiến tranh đã tình cờ mang ông đến với một quốc gia có cái tên gọi Việt Nam nghe thật xa lạ, nơi ông đã chiến đấu để bảo vệ lý tưởng Tự Do cho người dân nơi đó và ngay cả đã hy sinh xương máu cho một đất nước mà trước đó ông không hề biết tới. Trước mặt tôi, người Mỹ đó giờ đây lại là một người không nhà cửa, sống một cuộc sống lây lất không có ngày mai. Còn tôi, một kẻ tị nạn đang ăn nhờ ở đậu nơi xứ sở của chính ông, lại là người may mắn hơn ông nhiều. Ít ra tôi có được một ngôi nhà xinh xắn, một mái ấm gia đình, một công việc đàng hoàng và con cái tôi đang thọ hưởng nền giáo dục tốt đẹp nơi xứ sở của ông… Tôi không thể nào ăn được nữa, một điều gì đó đang dâng lên trong lòng khiến tôi nuốt không vô nữa:

Này Bill. Tôi có thể hỏi ông một vài câu liên quan tới cá nhân ông được không?

Bill ngước mắt lên nhìn tôi, ngạc nhiên:

Cá nhân tôi? – Ông cười – Cá nhân tôi thì đâu có gì đâu mà không hỏi được.

Sau khi ông giải ngũ, ông đã làm gì? …và tại sao …tại sao ông lại trở nên… thế này? Xin lỗi Bill. Ông không cần phải trả lời câu hỏi này, nếu ông không thích. – Tôi hỏi và cảm thấy không được tự nhiên lắm với câu hỏi đường đột này –

Với tay lấy tờ giấy napkin lau miệng, Bill cười:

Ồ! Không sao cả. Lâu lâu có dịp ôn lại chuyện cũ cũng thú vị lắm. Ông hỏi tôi sau khi tôi giải ngũ hả?? Tôi làm lặt vặt một vài việc để kiếm sống rồi quyết định quay lại college lấy cho xong bằng 2 năm, sau đó vào làm việc cho một hãng chế biến đồ nhựa. Tại đây tôi gặp một người đàn bà và sau một thời gian quen biết đã kết hôn với người này. Năm đó là năm 1974 và lúc đó tôi đang ở Houston. Vợ chồng chúng tôi có một đứa con gái và sống hạnh phúc lắm. Nhưng sau 6 năm chung sống hạnh phúc, sóng gió bắt đầu nổi lên khi tôi bị laid off. Những cuộc cãi vã xảy ra, ban đầu thì còn ít và còn có lý do chính đáng, nhưng sau đó thì xảy ra gần như mỗi ngày mà toàn là những cuộc cãi vã không đâu ra đâu! Chuyện gì chúng tôi cũng có thể gây gổ với nhau được. Cuối cùng vợ tôi lấy cớ tôi hay uống rượu không lo kiếm việc làm và nộp đơn ly dị. Toà án phán mọi chuyện lỗi ở nơi tôi. Như ông biết đó, ở xứ này cứ 100 vụ ly dị là gần như 99 vụ đàn ông là người gây ra lỗi. Thế rồi vợ tôi được phép giữ đứa con gái và tôi phải trợ cấp nó cho đến khi nó đủ tuổi thành niên. Từ đó những việc làm kế tiếp của tôi bao nhiêu lương lãnh về, sau khi trừ chi phí trợ cấp cho con gái, còn thì chỉ đủ để tôi sống qua ngày mà thôi. Dù vậy tôi cũng cố gắng làm tròn bổn phận của mình và trợ cấp con gái tôi cho đến khi nó trưởng thành. Bây giờ nó đã có chồng và nghe nói đang sống tại một nơi nào đó ở Florida thì phải.

Thế ông không gặp con gái thường xuyên sao? – Tôi hỏi chen vào khi thấy ông ngưng lại nửa chừng.

Lần cuối tôi gặp nó lúc đó nó chưa có chồng, cách đây cũng hơn 10 năm rồi. Từ đó tôi không gặp nó nữa. Nhiều năm trước tôi nghe có người nói nó đã lập gia đình với một tay nào đó bán insurance và di chuyển về Florida. Như vậy cũng tốt. Xin Chúa ban phước lành cho vợ chồng nó.

Con gái ông có biết ông gặp khó khăn như thế này không? Và có giúp đỡ gì cho ông không? – Tôi tò mò hỏi -

Không. Nó hoàn toàn không biết - Bill nhún vai nói tiếp – Tôi cũng không cần nó phải giúp tôi. Nó cứ lo cho thân nó với chồng con nó là tốt rồi. Tôi nghĩ tôi OK.

Tôi không khỏi ái ngại nhìn Bill, gương mặt ông vẫn bình thản khi nói về người con gái duy nhất của mình:
Ngoài cô con gái và người vợ trước ra, ông còn người thân nào không?

Người thân của tôi hả? Còn chứ. Nhưng xin ông chờ tôi một chút, để tôi lấy thêm nước uống rồi trở lại kể tiếp cho ông nghe.

Không đợi tôi trả lời, Bill cầm ly giấy nước ngọt đã uống hết, đứng dậy đến chỗ mấy bình nước ngọt bày sát vách tường và bắt đầu "refill". Nhìn ông ta đang đứng lấy thêm nước ngọt và nghĩ về câu chuyện dở dang ông vừa kể, tôi thật khá ngạc nhiên với lối sống của người Mỹ. Tôi cứ tưởng ông ta không còn ai thân thuộc nên mới sa vào cảnh khó khăn đến thế. Đâu ngờ ông ta còn có con gái và người thân khác. Còn đang suy nghĩ lang mang thì Bill quay trở lại:

Xin lỗi đã bắt ông đợi. Tôi đang kể đến đâu rồi nhỉ?

Về người thân của ông….

À. À. Người thân của tôi. – Ông chậm rãi uống nước ngọt – Chà! Hôm nay thật là thoải mái. Cám ơn ông Khaan. God Bless. Về người thân của tôi hả? Tôi hiện còn cô em gái đang sinh sống với chồng con ở Kentucky. Gia đình cô ta cũng OK. Thỉnh thoảng đi đâu ngang qua, tôi cũng có tạt qua ghé thăm vợ chồng cô ta. Ngoài ra, tôi có mấy cousins ở rải rác đâu đó tôi cũng không biết rõ nữa. Lâu quá rồi không gặp họ.

Xin lỗi cho tôi hỏi thẳng câu này. Tại sao ông không kiếm một việc làm để đỡ phải vất vả?

Đâu có ai muốn mướn tôi mà làm. Chắc ông nghĩ là tôi làm biếng không chịu đi kiếm việc làm phải không? Để tôi kể cho ông nghe tiếp. Sau cuộc hôn nhân lần đầu và sau nhiều năm trợ cấp cho con gái tôi đến khi trưởng thành. Cuối cùng tôi cũng thoát được sự ràng buộc của luật pháp để lo cho mình tôi thôi. Vào khoảng năm 1995- 1996 gì đó, tôi kiếm được một công việc tài xế xe tải lương rất khá, lại hợp với sở thích đi đây đi đó của tôi nữa. Cuộc sống của tôi sung túc dần và tôi nghĩ tới chuyện sống chung với một người đàn bà khác lần nữa. Cuối năm 1997, tôi gặp Christina trong một Country Club ở Dallas và chúng tôi mau chóng say mê nhau. Thú thật chưa có người đàn bà nào mà tôi chết mê chết mệt như Christina. Nàng có hai đứa con trai với một đời chồng trước. Hai đứa con trai này sống riêng với bạn gái, thỉnh thoảng mới về gặp nàng một lần. Sau một thời gian hẹn hò, chúng tôi quyết định chung sống với nhau. Chúng tôi mua một căn nhà nhỏ và sống thật hạnh phúc bên nhau ở một khu ngoại ô Dallas. Tôi vẫn còn giữ chân tài xế xe tải và Christina đang làm thư ký cho một kho hàng. Với lợi tức của hai chúng tôi phải nói là sống khá thoải mái. Tôi nghĩ là sau bao vất vả, cuối cùng Chúa cũng ban cho tôi một tình thương và mái ấm gia đình như ý muốn. Dự tính của hai đứa chúng tôi là ráng làm thêm vài năm nữa thì tôi sẽ thôi không lái xe tải và sẽ mở một cửa hàng nhỏ nào đó sống yên bình bên nhau. Nhưng…

Kể tới đây, giọng của Bill như chùng lại, lần đầu tiên tôi thấy đôi mắt ông biểu lộ một nỗi buồn man mác. Ông ngưng lại nửa chừng, nhìn ra ngoài qua khung cửa kính tiệm Fried Chicken nơi có mấy con chim bồ câu từ đâu đang sà xuống trước bãi đậu xe tìm thức ăn. Nắng ở bên ngoài đã bớt đi cái gay gắt khi nãy. Một vài thực khách bước vào gọi những phần gà chiên mang về nhà cho buổi ăn chiều. Tôi nhìn Bill, biết ông đang xúc động, nên không dám làm kinh động ông. Thú thật cá nhân tôi như bị cuốn hút vào câu chuyện của ông già Mỹ này. Ở ông có một nét gì đó tôi thấy cảm thông lắm, điều này phải chăng do buổi nói chuyện ngày hôm nay có sức thuyết phục tôi về một câu nói ai đó đã từng nói: "Đằng sau mỗi một người, ai cũng đều có một tâm sự riêng." Tôi rất tò mò muốn biết câu chuyện của ông ta như thế nào, nhưng nhận thấy ông đang xúc động nên đành nén lại:

Bill? Ông có sao không? Ông có muốn về chưa? Tôi sẽ chở và thả ông xuống bất cứ nơi nào ông muốn trong thành phố.

 Ồ không. Tôi không sao. Xin lỗi ông. Lâu quá không có dịp nhớ về chuyện cũ nên cảm thấy hơi xúc động. Tôi chưa kể ông nghe hết mà. Tôi sẽ kể ông nghe nếu ông không có bận gì. Rất cám ơn ông đã đối với tôi tốt đẹp thế này. Thật là một buổi chiều tuyệt vời. Đã lâu rồi tôi không có được một buổi chiều đẹp và cũng lâu lắm rồi không có ai đối tốt với tôi như vậy. Cám ơn ông. God Bless.

Tôi nói mấy câu khách sáo lại với ông và hỏi ông có muốn dùng gì thêm không. Ông cám ơn tôi lần nữa và bắt đầu kể tiếp câu chuyện dở dang:

Tôi những tưởng sẽ có cuộc sống an lành bên Christina suốt cuộc đời còn lại với những dự tính tương lai rất bình dị như bao người dân lương thiện khác. Nhưng không ngờ những gì tôi tính toán chỉ là trong mơ mà thôi vì thực tế không bao giờ tôi có được những gì tôi đã mơ ước. Ông biết không. Tôi đâu có bao giờ ngờ vì cứ hay xa nhà trên những chuyến xe tải giao hàng xuyên bang… mỗi tuần chỉ về nhà 1, 2 ngày rồi lại đi tiếp. Khoảng thời gian trống vắng ở nhà một mình, Christina đã có bạn trai khác bù đắp vào. Khi tôi về thì nàng tiếp tôi ra điều yêu thương tôi lắm, nhưng hễ khi tôi xa nhà thì nàng lại có người khác đến. Tôi vẫn cứ một mực làm ăn và không hề hay biết gì về chuyện này cho đến một hôm… vì chuyến xe tải đi giao hàng của tôi bị đình hoãn theo yêu cầu của khách hàng, nên tôi trở về nhà… và bắt gặp ngay tại trận Christina với nhân tình của nàng ở trong phòng ngủ đang làm chuyện mà họ muốn làm. Tôi thật choáng váng với những gì phác giác được và thế là tôi điên tiết lên quất cho đôi gian phu dâm phụ một trận nên thân. Christina lúc đó chống cự lại tôi và lên tiếng bênh vực cho bạn trai của nàng nên càng làm cho tôi nổi điên hơn lên. Sau một cú tát của tôi Christina đã ngã vào con dao do chính nàng cầm lên hăm dọa tôi. Gã bạn trai của nàng lúc đó cũng nằm ngất ngư dở sống dở chết. Nhìn hiện trường, cõi lòng tôi hoàn toàn tan nát, nhưng đầu óc thì lại tỉnh táo vô cùng. Tôi gọi điện thoại 911 báo cáo sự việc xảy ra … Xe cảnh sát và cứu thương tới. Họ bắt tôi ngay sau đó và không may cho Chirstina đã chết trên đường đưa tới bệnh viện, còn thằng bạn trai của nàng thì chỉ bị thương nặng. Sau đó ra tòa… tôi bị khép vào tội cố ý hành hung người gây thương tích, kèm theo tội ngộ sát. Cuối cùng nhận bản án 9 năm về hai tội trạng này.

Tôi được thả về sau hơn 7 năm thụ án với hạnh kiểm tốt, tuy nhiên cuộc đời tôi thay đổi hẳn từ đó. Việc làm chẳng những khó kiếm vì ai nấy khi thấy lý lịch của tôi cũng đều né tránh. Tôi đã nộp đơn xin việc ở nhiều nơi, nhưng không chỗ nào nhận! Những việc làm tay chân họ cũng chỉ mướn tôi khi cần thiết 1, 2 ngày rồi thôi. Cuối cùng chính bản thân tôi cũng không còn muốn phấn đấu hoặc tha thiết đến chuyện kiếm việc làm nữa. Để làm gì? Khi người ta đã không muốn thuê mướn mình thì có đi van nài cũng vô ích! Từ đó, nếu ai cần mướn tôi làm gì thì tôi làm nấy. Còn không thì mỗi ngày với số tiền khách vãng lai bố thí cho, tôi cũng đủ sống rồi. Hoặc cùng lắm thì cũng có những nơi từ thiện giúp chúng tôi thực phẩm lây lất qua ngày cũng không sao. Bây giờ thú thật tôi không nghĩ gì nhiều cho bản thân nữa hết. Chúa muốn tôi thế nào thì tôi vâng lời thế đó, không bận tâm làm gì cho mệt. Xin ông đừng tìm cách khuyên lơn tôi. Nếu ông có lòng tốt hoặc thương hại, giúp tôi được chút gì, tôi hoan hỉ nhận lấy và cầu ơn Chúa ban phước cho ông. Nhưng xin đừng cố gắng khuyên tôi vì tôi sẽ không nghe đâu. Tôi tự biết tôi đang làm gì và bằng lòng với những gì mình đang làm.

Tôi im lặng nghe ông kể hết câu chuyện mà trong lòng cảm khái vô cùng. Thành thật mà nói, không đợi ông dặn trước. Nếu muốn khuyên một câu, tôi cũng không biết phải khuyên như thế nào nữa. Tôi nghĩ nên im lặng và tôn trọng ý của ông thì hơn. Có thể vì mình là người ngoài cuộc, nên không cảm nhận được hết cái phẫn uất của cuộc đời và những bất hạnh dành cho ông. Chúng tôi ngồi yên một lúc thật lâu. Sau khi kể xong câu chuyện đời mình, đôi mắt Bill có vẻ đăm chiêu hơn. Tôi nhìn ông và lái sang chuyện khác:

Này Bill. Tại sao ông vẫn còn mang trên ngực áo huy hiệu lá cờ VNCH của chúng tôi?

Bill cúi xuống nhìn ngực áo của mình, miệng nở lại nụ cười hiền hoà như trước:

Khi tôi đến VN tuổi còn rất trẻ, khái niệm về độc lập, tự do, chiến tranh, hoà bình tôi chưa rõ ràng lắm. Là một người lính, lệnh bảo như thế nào thì làm theo như thế đó. Quân đội mà! Nhưng thời gian chiến đấu tại VN, tôi đã thực sự hiểu rõ ý nghĩa của những điều này và thực sự trưởng thành nhiều. Tôi thấy rõ bản chất hiền hoà của người dân miền Nam ở đây và tại sao người dân miền Nam phải chiến đấu để bảo vệ cho sự Tự Do của họ. Tôi hiểu và thấy rõ ý thức hệ của hai miền Nam, Bắc ở VN khác nhau như thế nào và dần dần tôi ý thức được nhiệm vụ của mình và rất tự hào đã góp phần vào công cuộc bảo vệ Tự Do cho miền Nam VN. Ngay cả khi tôi bị thương suýt bỏ mạng tại Khe Sanh và mãi cho tới bây giờ, tôi không mảy may hối tiếc chút nào cả vì tôi nghĩ tôi đã phục vụ cho đất nước tôi khi chiến đấu bảo vệ lý tưởng Tự Do tại chiến trường VN. Chỉ tiếc là chúng ta đã thất bại. Chúng ta đã thất bại bởi vì những dị biệt chính trị của các chính khách ở đất nước tôi cuối cùng đã thay đổi và nhượng bộ luôn chính sách ở chiến tranh VN. Chúng ta đã thất bại vì đường lối và ý muốn của các cấp lãnh đạo, nhưng những người lính chiến như tôi và ông thì không hề thất trận. Tôi không nghĩ thế. Cho tới giờ phút này, tôi vẫn hãnh diện về những gì đồng đội và cá nhân tôi đã làm ở VN. Chúng tôi chiến đấu vì một lý tưởng tốt. Tôi mang phù hiệu lá cờ VNCH như một tự hào đã có lần chiến đấu cho sự Tự Do của quốc gia này.

Tôi không tránh khỏi xúc động với những lời của Bill. Đây đúng là lời nói chân tình của một đồng minh đã từng sát cánh với quân đội VNCH trong lý tưởng bảo vệ Tự Do cho quê hương tôi:

Cám ơn ông đã nói lên những lời nói khẳng khái vừa rồi. Lời nói của ông làm tôi kính phục và cảm thấy chúng tôi đã nợ ông và đất nước của ông quá nhiều trong nhiệm vụ bảo vệ lý tưởng Tự Do qua cuộc chiến ở VN trước đây. Ông nói đúng. Chúng ta thất bại vì có những dị biệt trong chính trường ở nước ông nhưng quả thật quân đội của Hoa Kỳ và quân đội VNCH của chúng tôi không hề thất trận.

Đột nhiên gương mặt Bill trở nên buồn bã và giọng nói chùn hẳn xuống:

Tuy thế, chiến tranh VN đã để lại cho chúng tôi nhiều đau buồn mãi cho tới hôm nay. Trong trận đánh Khe Sanh mà tôi đã bị thương và may mắn được cứu sống, có hai người bạn thân thiết nhất của tôi đã tử trận. Mỗi năm vào ngày lễ Memorial Day, tôi đều về Washington DC nơi có tấm bia tưởng niệm các chiến sĩ đã bỏ mình trong chiến tranh VN. Tên hai người bạn nằm xuống của tôi được khắc trên đó. Mỗi năm vào ngày lễ này, tôi đều đến tưởng niệm hai người bạn tôi dưới tấm bia đó. Sắp tới lễ Memorial Day nữa rồi, nhanh thật. Gần tới ngày này là tôi mặc lại chiếc áo trận ngày xưa để tưởng nhớ tới những người đã ngã xuống và để chứng tỏ trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi vẫn là một Veteran trong chiến tranh VN.

Lời nói của Bill làm tôi sực nhớ sắp tới ngày lễ cựu chiến binh rồi. Ở Hoa Kỳ, ngày lễ này được tổ chức mỗi năm vào ngày thứ Hai cuối cùng của tháng 5. Memorial Day năm nay sẽ rơi vào ngày thứ Hai, 29 tây tháng 5 năm 2006. Tôi nói:

Ông nói đúng. Chiến tranh đã để lại biết bao mất mát, đau buồn cho những người còn lại. Tôi cảm thông sâu sắc những gì ông vừa nói và thành thật chia buồn về sự mất mát hai người bạn thân của ông. Bao giờ ông sẽ đi Washington DC? Ông có đi diễn hành trong ngày lễ này không?

Hai hôm nữa tôi sẽ đi. Ông nói diễn hành hả? – Bill lúc lắc đầu - Không. Tôi không cần những thứ đó. Trước đây tôi có tên trong hội Cựu Chiến Binh nhưng lâu rồi không còn liên lạc, sinh hoạt gì với hội nữa. Tôi chỉ mang đến cho hai bạn tôi hai cành hoa đặt dưới chân bức tường lưu niệm có khắc tên họ và ngồi tưởng nhớ lại những kỷ niệm xưa giữa tôi và họ khi còn ở chiến trường VN. Thế thôi! Tôi tự hứa sẽ đến thăm họ mỗi năm một lần nếu sức khoẻ tôi cho phép.

Tôi nhìn Bill, càng lúc càng kính phục ông hơn qua những gì ông nói:

Hai hôm nữa ông sẽ đi à! Ông đi Washngton DC bằng phương tiện gì? Ông có trở về lại đây không?

 Bill cười lớn, hàm râu quai nón rung rung theo tiếng cười:

 Dễ mà. Tôi sẽ đi bằng bất cứ phương tiện nào tôi có thể kiếm được. Quá giang, xe bus… đi tới đâu cũng sẽ có người giúp đỡ tôi cả. Ông đừng lo.

Ông nheo mắt nhìn tôi một cách hóm hỉnh rồi nói tiếp:

Tôi đi đâu cũng sẽ gặp người tốt như ông mà, lo gì. Ông tin tôi đi. Tôi sẽ tới Washington DC đúng vào dịp lễ Memorial Day. Ở đó một vài ngày, sau đó lại lang thang. Ông biết đấy. Homeless như tôi thì ở đâu chẳng được. Có thể tôi sẽ về lại đây. Có thể sẽ đến một nơi nào đó tôi cũng chưa biết được.

Chúng tôi ra khỏi quán Golden Fried Chicken thì đã chiều lắm rồi. Nắng gần như tắt hẳn mặc dù mặt trời tháng Năm ở Texas như vẫn còn tiếc nuối chút ngày hè và còn lãng vãng đâu đó ở chân trời xa chưa chịu chìm xuống hết. Những con chim bồ câu tìm mồi trên bãi đậu xe lúc nãy đã bay đi đâu mất. Tôi hỏi Bill nơi ông muốn tôi chở trở về khi hướng xe ra phía xa lộ 35. Ngồi bên cạnh, Bill có vẻ thoải mái với không khí mát dần lên của máy lạnh trong xe. Ông luôn miệng cám ơn tôi về "một buổi chiều đẹp tuyệt vời" và lập đi lập lại nhiều lần hai chữ God Bless. Tôi tắp vào bãi đậu xe của một siêu thị ở góc ngã tư North Lamar và Braker Lane nơi Bill muốn tôi thả ông xuống. Tôi bước xuống xe, đặt vào tay Bill tờ giấy bạc $20 và bắt tay từ giã ông:

Bill. Cám ơn ông. Hôm nay chính ông mới là người đã cho tôi một buổi chiều đẹp tuyệt vời qua câu chuyện của ông. Tôi xin chúc ông đi Washington DC được bình yên và gặp nhiều may mắn. Hy vọng chúng ta còn có dịp gặp lại nhau.

Hình ảnh Bill với cái túi đeo trên vai bước xa dần, lẩn khuất giữa những hàng xe trong bãi đậu xe của siêu thị Albertson khi màn đêm từ từ buông xuống và câu chuyện đời ông vẫn cứ bám theo tôi trên đường lái xe về nhà. Từ hôm đó đến nay, tôi không gặp lại Bill nữa. Ở ngã tư trên đường tôi đi làm về mỗi ngày, bây giờ có một người Mễ đứng bán hoa hồng cho những xe qua lại. Tuy nhiên như một thói quen, hễ gần đến ngã tư này là tôi lại đưa mắt tìm xem Bill có đứng đó không.

Hình ảnh người Mỹ già homeless ngày nào và câu chuyện của ông ta vẫn là một kỷ niệm khó phai mờ trong tôi. "May God Bless you, Bill."

                                                                                                    Vĩnh Khanh

Tháng Tư Nỗi Nhớ - Đỗ Công Luận

Nước Mắt, Nước Biển Và Thuyền Nhân Việt - Trần Mộng Tú


Chúng tôi may mắn có ba Linh Mục , Cha Nguyễn Hùng đến từ Đài Loan, cha Phạm Hồng từ Úc và Phạm Tâm (cũng còn là Bác Sĩ Y Khoa) đến từ Houston, Hòa Thượng Thích Huyền Việt đến từ Houston, Thầy Tây Tạng Geshe Gawa đến từ Úc.

Trong nhóm còn một Bác Sĩ trẻ nữa là Kenneth Nguyễn đến từ California.


Trại Tỵ Nạn Songkla 

Chuyến hành hương đầu tiên của chúng tôi, bắt đầu trở lại thăm nền trại tỵ nạn Songkla. Từ thành phố ra tới địa điểm đó khoảng một tiếng lái xe.

Xe đi ra ngoại ô qua những vùng trồng mía, xoài và rất nhiều cánh rừng trồng cây cọ (Palm) dùng cho việc thủ công nghệ. Nhà cửa giống hệt những vùng quê Việt Nam thời chưa đổi mới. Cũng nhà tôn, nhà lá, thỉnh thoảng chen vào một ngôi nhà ngói, bên cạnh bụi chuối, cây hoa sứ. Cũng những con chó trước cửa sủa bâng quơ, những con gà trống nghiêng đầu ngơ ngác, thằng bé ở trần vừa chạy vừa ngã. Chiếc xe như mang chúng tôi trở về quê xưa ngày cũ.

Chiếc xe ca chở hơn 50 người đậu lại, biển xanh trước mặt, nắng gắt trên đầu. Mắt mở to, mọi người xôn xao chỉ tay về phía bên phải.

  • Cứ đi vào đây, hướng này đúng rồi. Sẽ thấy cái giếng.
  • Cái giếng mấy năm trước tôi trở lại còn thấy, bây giờ đã bị biển xâm thực rồi. Biển đã mang thêm cát vào, đã chôn mất miệng giếng, nhưng còn cây đa. Chính nơi này là trại tạm cư cho thuyền nhân chờ được định cư ở đệ tam quốc gia. (mặc dù cây đó trông giống một cây thùy dương hơn là cây đa. Có thể họ muốn gọi như thế để có một chút hơi hướm quê nhà) .

Vùng bờ biển, nền lều trại dựng ngày trước đã được dọn sạch không còn vết tích, một con đường trải nhựa, chạy song song với biển đã như có sẵn tự bao giờ. Chúng tôi tới gốc cây đa đó, vẫn thấy dấu thờ cúng chưa cũ lắm, có bát cơm đổ nghiêng ngả, hạt cơm vừa khô, có nhang đèn vứt lăn lóc, những bức tượng đổ vỡ, những đồ thờ cúng kiểu Thái cái gẫy, cái bể.

Tác giả và Miếu Thờ ở Songkhla


Ba linh mục và nhà sư kêu gọi mọi người tụ họp lại cùng thay nhau đọc kinh, tụng niệm.

Nhang được thắp lên, nước mắt thi nhau ràn rụa. Tên Chúa, tên Phật được thốt trên môi mọi người, để cầu cho người chết, kẻ lưu vong. Sau phần tụng niệm, cha Hồng bắt đầu giọng cho mọi người hát theo.

Giữa buổi trưa nắng chang chang, không một ngọn gió, tiếng hát của hơn năm mươi người hát vang vang như muốn át tiếng sóng biển đang đập vào bờ:

Tự Do ơi Tự Do, tôi trả bằng nước mắt

Tự Do hỡi Tự Do, anh trao bằng máu xương

Tự Do ơi Tự Do, em trả bằng thân xác

Vì hai chữ Tự Do, ta mang đời lưu vong

(Nam Lộc)

Mọi người xúm lại chụp hình. Các anh, chị làm phát thanh, truyền hình bắt đầu công việc của mình. Có người đi tách ra riêng một chỗ thì thầm với biển, với dĩ vãng, với kỷ niệm.

Bao nhiêu người đã được định cư ở nơi êm ấm? Bao nhiêu xác đã trôi giạt vào bãi bờ này?

Nước mắt, nước biển, trôi đi hai hàng oan nghiệt

Tóc bạc, tóc xanh, chìm sâu một khối tủi hờn.

Tôi cúi xuống vốc lên một nắm cát, nhặt một chiếc vỏ ốc đã vỡ, quay lưng lại với biển, chân thấp chân cao, vừa đi vừa lau nước mắt.

Nơi đây cũng đã dánh dấu bao cuộc tình tỵ nạn. Gặp nhau như rong rêu giạt vào bờ, bám lấy nhau rồi lại phải buông nhau ra vì mỗi người phải đi định cư ở hai nơi khác nhau, hay người đi người vẫn ở lại ngóng trông. Tương lai là một trang giấy trắng chờ tay ai vẽ xuống.

Chúng tôi rời bãi này để tới một bờ khác.

 

Tha Sala và 11 Cô Gái Việt

Trưởng nhóm, anh Hùng Lê cất tiếng:

  • Bây giờ Hùng đưa các cô chú đến thăm đền thờ Mười Một Cô.

Đó là chuyện 11 cô gái Việt, không một mảnh áo quần, bị trói cổ vào nhau, thả nổi trên biển. Xác các cô trôi tới bãi Tha Sala này, được người địa phương thương tình vớt vào chôn cất. Ai nghe cũng phải xót thương, rùng mình, uất hận.

Những nàng thiếu nữ như hoa đỏ

Một sớm theo nhau bước xuống thuyền

Hoa bỗng rơi ra từng cánh mỏng

Thả vào lòng biển máu oan khiên 

Tha Sala không chỉ vớt Mười Một Cô, Tha Sala còn vớt thêm bao nhiêu cái xác trôi đơn lẻ, trôi hai ba, trôi năm bẩy, giạt vào bờ.

Người đàn bà Thái khoảng 60 tuổi, gia đình hiện sống trên bãi đã lập một miếu thờ cho những vong linh này. Mỗi ngày bà mang ra miếu một bát cơm trắng, một chén nước lạnh và mấy cây nhang.

Đây là câu chuyện của bà: Khi gia đình bà tới ở trên bãi này thì vẫn còn rất hoang vu. Họ đào đất dựng nhà, chạm phải nguyên một chiếc thuyền chôn sâu trong cát. Họ tin là thuyền của người vượt biển bị đắm, sóng đánh vào và cát phủ lên. Bà cũng theo người lớn tuổi hơn ra biển mỗi lần có xác giạt vào. Khi đó tuổi của bà, khoảng tuổi các cô con gái Việt này. Gia đình bà dựng một ngôi đền nhỏ thờ vong linh của thuyền nhân và 11 cô gái. Chiếc thuyền cứ thế để nguyên trước cửa đền. Theo năm tháng, biển xâm thực và bão tố, ngôi đền chỉ còn lại cái nền vỡ và cái thuyền chỉ còn lại một mảnh ván dài, nhưng bà vẫn cơm trắng, nước lạnh và thắp nhang mỗi ngày.

Người Việt bị người Thái giết, thì cũng chính người Thái thờ cúng những oan hồn người Việt. Có phải đó là sự đền bù của đất trời không?

Sau Tha Sala, chúng tôi được đưa tới một địa điểm gần bờ biển phía lên đảo Koh Kra.

Nơi dừng chân là chùa Wat Samphreak, trong chùa còn có một ngôi trường Tiểu Học. Tối hôm đó chúng tôi được ngủ lại trong chùa. Chúng tôi trải chiếu của nhà chùa, nằm bình an trong chánh điện, dưới chân những tượng Phật. Tôi trăn trở vì nóng, vì muỗi hay vì câu chuyện thương tâm của mười một cô gái bất hạnh. Nghe nói tuổi của các cô khoảng từ 19 tới 23. Ôi cái tuổi tinh khôi, mơ mộng và tràn đầy ước vọng!

Biển gọi em hay em gọi biển

Sóng đang reo sao bỗng khóc gọi hồn.

Nước mắt tôi ứa ra, trái tim tôi thổn thức. Tôi thương các em, thương cha mẹ các em, thương cho dân tộc tôi quá đỗi! Chúa ở đâu? Phật ở đâu?


Lên thuyền ra đảo Koh Kra

Bốn giờ sáng ngày mồng 1 tháng 4, từ bãi của làng chài lưới Hua Sai, thuộc Nakhar Si Thammarat, cách đảo Koh Kra 80 cây số, chúng tôi lên thuyền ra biển đi tới đó.



Tại bãi biển.

Trên bãi biển tiếng gọi nhau khe khẽ, tiếng chân trên cát, ánh đèn pin lóe lên, dắt tay nhau, chúng tôi leo lên những chiếc thuyền tam bản của dân đánh cá Thái Lan, thuyền không mui, chạy bằng máy đuôi tôm.

  • Sao đi sớm thế?
  • Giờ này biển êm, không có sóng
  • Chạy bao lâu thì tới?
  • Khoảng hơn 3 tiếng

Ngồi sát vào nhau, tám người một thuyền. Bắt đầu tách bờ tiến về đảo Koh Kra.

Có tiếng nói khẽ cất lên:

  • Hồi đi vượt biên, chúng em đi bằng thuyền nhỏ như thế này, gọi là taxi, đưa ra ngoài có thuyền lớn hơn đón.
  • Nhưng hồi đó phải ngậm miệng, không được nói, và rất sợ bị bắt lại, cộng thêm nỗi sợ bão biển, sợ hải tặc và chúng em chẳng ai có áo phao mặc như thế này.

Tôi ngồi co rúm người lại, thuyền đang chạy, nước biển bắn tung tóe lên mặt, những hạt muối mặn trên môi. Trời vẫn tối chưa nhìn tỏ mặt nhau. Biển mênh mông, biển tối om, tôi bắt đầu hiểu mang máng thế nào là nỗi sợ của người vượt biển. Nếu thuyền lật bây giờ, cũng khó lòng mà tìm cứu được nhau trong bóng tối. Đây thực ra mới là vịnh chưa ra tới biển.

Trời dần sáng. Lên tới bãi san hô của đảo Koh Kra thì sáng hẳn. Bờ biển này không có cát, chỉ toàn những mảnh san hô, nên không thể đi chân trần được. Năm 1979 đã có tới hơn 2000 thuyền nhân bị hải tặc nhốt giam ở đây. Vợ chồng chị Vũ Thanh Thủy và anh Dương Phục cùng nhóm gần 200 người đã trốn hải tặc 21 ngày đêm ở đây. Những con thú mang hình người đã hành hạ thuyền nhân Việt ở mức độ dã man ngoài sự tưởng tượng của một đầu óc bình thường.

Hàng ngàn người đã bị hải tặc giam cầm trên đảo này, con số người chết ở đây không ai biết rõ là bao nhiêu? Bao nhiêu phụ nữ đã bị hãm hiếp, bao nhiêu người chồng, người yêu, cha mẹ, anh trai, bất lực và bất hạnh trước thảm nạn dưới tay hải tặc. Chỉ có Trời mới biết con số chính xác này.

Những cô gái nạn nhân này chịu nhiều khổ hạnh khác nhau. Có người bị bắt đi luôn không biết còn sống hay đã chết. Nếu sống, họ có còn muốn tìm về gặp lại những người thân yêu nữa hay không? Hay họ tự coi như cuộc đời cũ đã chấm hết, đã xóa tên họ. Họ đã chấp nhận sống hai đời trong một kiếp.

Có người khi được cứu đã mang thai nhưng họ can đảm không bỏ đi giọt máu oan khiên đó, nó là một phần xương thịt họ. Họ mang con đến một nơi khuất lấp, xa lánh cộng đồng Việt, không gặp những người thân và tự nuôi con. Họ là những người mẹ vượt lên trên tất cả mọi thử thách mà định mệnh đã đặt vào họ.

Có cô gái chọn nhảy xuống biển chết thay vì bị hải tặc hiếp, nhưng số phận không cho cô chết, cô sống kẹt trong một khe đá, cô đói, khát, lạnh và bị cá tôm rúc rỉa hai chân cô trong 21 ngày. Khi cứu được cô ra, người ta nhìn thấy hai ống xương chân không da thịt.

Tôi đau đớn tự hỏi: Nước mắt nào khóc rửa được những vết thương này.

Nghe bước chân mình trên đá nhọn

nghe trăm gai sắc nhói trong tim 

nghe sóng biển đập vào lồng ngực

nghe em gào khóc nỗi oan khiên.

Còn bao nhiêu câu chuyện nữa chưa được kể ra. Những người sống sót không ai muốn nhắc lại ký ức đau thương ấy. Họ im lặng, lãng quên đi hay thậm chí đã mất trí nhớ sau những tai nạn khốc liệt cho cả tâm hồn và thể xác ấy.

Tác giả Dương Phục và Vũ Thanh Thủy đã ghi lại trong hồi ký cả ngàn trang “Tình Yêu, Ngục Tù và Vượt Biển” của anh chị một phần nào những thảm cảnh trên đảo Koh Kra, những thảm cảnh mà Việt Nam và Thái Lan ngày nay đều cố tình phủ nhận và lẩn tránh. Tinh thần trách nhiệm và liêm sỉ của một quốc gia là chiếc hộp đen cả hai nước đều né tránh không muốn mở ra, nhìn lại.

Mỗi người bắt tay vào mỗi việc. Căng lều tập thể, căng lều cá nhân. Người lo dựng tượng Phật, tượng Đức Mẹ, Thánh Giá . Chúa thì phải lắp từng mảnh vào với nhau. (Những tượng này và vật liệu cần thiết đã được anh trưởng nhóm và một vài anh mang tới trước mấy hôm). Người lo mắc võng cá nhân, người lo treo những chiếc đèn lồng từ thân cây này sang thân cây kia. Sửa soạn sẵn cho một đêm hoa đăng trên đảo.

Chúng tôi xếp ra từ trong hộp những tấm mộ bia có khắc ghi tên tuổi thuyền nhân và những tấm khắc lời tưởng niệm (Được anh trưởng nhóm đặt mang từ Việt Nam sang), sửa soạn gắn những bia này chung quanh một bức tường tượng trưng cho khu nghĩa trang.

Buổi trưa nắng qua nhanh. Mỗi người được ăn trưa một tô mì gói, trước khi gạch, xi măng được chuyền tay nhau vác lên đồi tôn giáo. Một số người xuống tắm biển, có người leo lên thuyền trở về đất liền mua thêm vật dụng.

Công việc dựng tượng mới làm được một phần.

Buổi chiều, mọi người còn đang tất bật thì có hai chiếc thuyền tuần duyên từ đâu rẽ sóng tới, bốn năm người lính Thái có vũ trang nhảy vào bờ. Cô bé Nhung thông ngôn thiện nguyện (sống ở Thái) được gọi ra để trả lời những câu hỏi. Lính Thái bắt chúng tôi chia ra làm hai hàng, bên nam, bên nữ. Chúng tôi vội cho người đi mời mấy vị sư Thái (hiện tu hành trên đảo) xuống, cắt nghĩa rõ ràng là chúng tôi đến dựng tượng và thăm mộ thân nhân. Đất Thái là đất Phật, đi đến mỗi góc đường đều có am, miếu, thờ cúng, nên người dân Thái rất nể trọng các vị sư. Họ bắt chúng tôi cầm thông hành của mỗi người lên ngang mặt để họ chụp hình trước khi họ xuống thuyền. Sau khi nói chuyện với các nhà sư xong họ mới chịu xuống thuyền, rời bãi.

Khi họ đi rồi, một nỗi hoang mang dậy lên trong lòng những cựu thuyền nhân: Họ nói, không ai có thể biết được hải tặc có thông đồng với lính tuần duyên hay không? Nhưng chúng ta nhờ có các sư và hiện mang thông hành ngoại quốc nên tương đối an toàn.

style="background: white; text-align: justify;">Buổi chiều, cơn mưa to ập xuống, dù lều được dựng dưới những tán lá cây, nước mưa vẫn làm ướt đầm chúng tôi. Khổ nhất là công việc dựng tượng và gắn bia cho người đã chết không tiến hành được, cả những tấm ghi dòng tưởng niệm, cũng phải xếp vào thùng. Nhang đèn, gạch, xi măng, phải che chắn lại. Đêm “Hoa đăng tưởng niệm” như dự tính đã không thành.

Buổi tối vẫn còn mưa. Trong tình cảnh, dưới lưng là những mảnh san hô lớn, nhỏ, mấp mô, rồi nước chảy vào thành từng vũng, quần áo, dày dép ướt sũng. Nhưng các anh em cũng kéo nhau ra lều tập thể hát dưới những giọt mưa.

Tiếng hát hòa đồng với tiếng mưa. Trong ánh lửa nến nhỏ nhoi xoi không tỏ mặt người, họ hát cho nhau nghe, cho hồn ma bóng quế cùng nghe.

Có hay không! Những hồn ma bóng quế đang rủ nhau cùng về ngồi trong lều với những người đồng hương của mình?

Đêm vẫn rào rào đổ mưa xuống, nhóm 8 người chúng tôi, nằm giữa một tấm bạt to, gấp đôi lại, nửa trải dưới đất, nửa căng trên đầu, buộc hai góc bạt vào hai thân cây. Frank nằm sát ngoài cùng phía bên phải lều, rồi Tú, Trâm, Nguyệt, Trùng Dương, Thủy, Phục và ngoài cùng là Cha Tâm bìa bên trái. Tội nghiệp Cha Tâm và Frank là hai người nằm ngoài bìa lều, ướt như chuột từ đầu tóc, quần áo, đến giày dép.

Chắc chắn những nhóm khác, trong những chiếc lều nhỏ kiểu cắm trại, cũng ướt không kém gì chúng tôi. Nhưng may, sáng ra trời tạnh, phải dậy thu dọn và ra lều tập thể ngay để làm lễ liên tôn cho các vong linh trên đảo.

Lễ Cầu Siêu Trên Đảo Koh Kra


Các vị chủ tế cùng mọi người cùng quay lưng ra biển, mặt hướng về phía trong đảo, nơi có những nấm mồ của hơn 100 thuyền nhân được biết và thêm bao nhiêu mồ không được biết đích xác, được chôn vùi từ những ngày tháng đó của mấy ngàn thuyền nhân bị hải tặc lùa vào đây.

Chương trình hành lễ được Cha Tâm đề nghị, bắt đầu làm lễ với các Sư Thái đang ở đảo được mời tới cử hành đầu tiên bằng tiếng Phạn, sau đó đến Hòa Thượng Thích Huyền Việt và phần cuối là Cha Hùng, Cha Tâm Cha Hương chia nhau dâng lời nguyện.

Vừa xong hai phần về Phật Giáo, tiếng các Cha bên Công Giáo chưa cất lên thì có tiếng hốt hoảng gọi vào lều.

  • Xin chấm dứt và sửa soạn ra về ngay, vì có tin báo bão sẽ tới lúc 3 giờ.

Mọi người hấp tấp đứng dậy chạy ra khỏi lều để thu dọn hành lý, riêng các Cha, Hòa Thượng và những người Công Giáo vẫn ở lại.

Cha Hùng vừa cất tiếng lên đã nghẹn ngào:

Giữa biển khơi lồng lộng gió bốn phương

Chúng tôi những người sống sót trong cuộc chiến tranh huynh đệ đau thương, cùng nhau về đây chiêu hồn lưu xứ. 

Xin những đấng tối cao mở lòng đón nhận, vớt lên giữa bọt sóng lênh đênh những oan hồn, uổng tử.

Xin hãy mang hồn vào giấc ngủ ấm yên

Vòng tay Đức Mẹ, vòng tay Phật Bà xin hãy là những tấm khăn mềm thấm khô ngàn máu lệ.

Chúng tôi cúi đầu gửi lời kinh tiếng kệ

Tiếng chuông tiếng mõ gọi hồn về.

Giọng Cha trầm trầm, bi thương, nghẹn ngào, Cha đọc hết bốn trang bài “Văn Tế Muộn Màng.”

Rồi các Cha thay nhau đọc tên từng người trên những mộ bia mới làm. Sóng cứ nhô cao, bão cứ tới, mọi người vẫn bình tâm với những dòng kinh nguyện.

Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ

Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời

(Kinh Hòa Bình-Thánh Francis)

Chiếc lều cuối cùng được kéo xuống, gấp lại, gấp cả những giọt nước mưa còn đọng đêm qua. Tôi lấy tay quẹt trên giọt nước, nếm thấy mặn như những giọt lệ.

Những chiếc thuyền tam bản, không mui, rẽ sóng trở lại đất liền. Trời không nắng, âm u, nước biển bắn tung từng đợt lên mặt mũi, quần áo. Trưởng nhóm Hùng khóc rưng rức nhìn hòn đảo Koh Kra chìm dần vào những đám mây đen đang từ từ kéo tới. Anh khóc vì nhiệm vụ chưa hoàn tất. Chúng tôi phải mỗi người nói một câu an ủi anh, nhưng thật sự trong lòng chúng tôi cũng đang thổn thức. Mây đen kéo mỗi lúc một dầy sau lưng chúng tôi, hòn đảo như chìm từ từ xuống biển, tiếng kêu của những vong linh không vọng được lên trên tiếng sóng. Hòn đảo như biến mất, giữa kẻ chết và người sống một đường vạch dài và đen chia đôi.


Bidong và Những Ngôi Mộ Tập Thể Ở Mã Lai

Xe ca đi từ Thái Lan sang Mã Lai, mất 8 tiếng, qua những chặng đường biên giới, phải làm thủ tục nhập cảnh. Chúng tôi tới Mã Lai thì đã trời chiều.

Phụ nữ ở đây đa số mặc quốc phục nhiều màu sắc, khăn chùm đầu của họ rất đẹp, đủ màu, đủ kiểu quấn khác nhau chung quanh khuôn mặt. Bạn tha hồ ngắm mắt môi và nguyên khuôn mặt thân thiện, hay cười của họ. Hiếm hoi lắm mới thấy một vài bà đứng tuổi quấn mình kín mít trong tấm vải đen chỉ để lộ hai con mắt đủ nhìn bước chân mình. Đàn ông cũng thân thiện không kém, ông tài xế taxi hay nói về đời sống gia đình cho bạn nghe, về việc họ vẫn cầu nguyện năm lần một ngày, mỗi lần bảy phút.

Mã Lai là nước đã nhận gần 300 ngàn người tỵ nạn Việt Nam trong hai thập niên 1975-1995. Những thuyền nhân đi trong nhóm kể lại: nạn hải tặc Mã ít hơn hải tặc Thái rất nhiều. Lính Mã ban đêm có vào trại kiếm những cô vừa mắt mang về làm vợ, không ai can thiệp được. Nhưng lính Mã không hiếp phụ nữ và giết người ngay trước mặt mình.

Mã Lai cũng là nơi có nhiều xác thuyền nhân tạt vào bờ nhất nên cũng là nơi duy nhất có nhiều mộ tập thể. Những người bạn thuyền nhân trong nhóm nói có khi thuyền gần vào tới bờ vẫn bị lật như thường, người đến trước trên bờ có thể nhìn thấy người chết chìm trước mặt mà không làm gì cứu được. Về sau được người địa phương cho biết là khúc biển gần vào đến bãi, dọc biển đó có nhiều vũng xoáy, có khi thuyền vào trúng chỗ xoáy mà không biết, gặp biển êm thì thoát, khi biển lúc đó động thì chỗ xoáy hút thuyền vào, thuyền lật, không cách nào cứu được. Đó là trường hợp của rất nhiều chiếc thuyền đã nhìn thấy bờ mà không vào được bến.

Viếng Ngôi Mộ Tập Thể Đầu Tiên Ở Kelanta.


Mã cũng là quốc gia duy nhất có nhiều mộ tập thể của thuyền nhân, có đầy đủ lý lịch, vì họ chết gần bờ.

Ngôi mộ tập thể số 1 chúng tôi tới ở Balai Bachock thuộc tỉnh Terengganu, mộ đó có 46 người, trong đó có 3 em nhỏ.

Lần đầu tiên trong đời người, đứng trước một ngôi mộ tập thể. Ngôi mộ chơ vơ trên đồng đất nước người với những cái tên Việt Nam, tôi không cầm nổi lòng mình, nghe nôn nao, quặn đau trong ruột, nước mắt ràn rụa. Từ bao lâu nay chỉ nghe tiếng “Thuyền Nhân” chỉ nhìn “HìnhThuyền Nhân”, cái thương cảm đó có đấy, nhưng chỉ thoáng ngậm ngùi như vết xước ngoài da. Phải tới đó, trên một đất nước xa lạ nhìn thấy nấm mộ đó mới hiểu được tình người trong một nước nó sâu đậm đến đâu, mới hiểu rõ hai chữ “Đồng Bào” cùng một cội nguồn dân tộc với nhau. Mình bỗng chốc thấy thương dân, thương nước mình quá đỗi! Vì đâu, vì ai , vì nghiệp lực nào mà chết thảm, chết khổ, đến thế này! Cá nhân mình có lãnh một phần trách nhiệm nào trong đó không?

Nhang, nến, thắp lên, lời kinh hòa đồng, Phật, Chúa có nhìn xuống chúng sinh không?

Tôi nghĩ tới lời Sư Huyền Việt nói với tôi: Nghiệp lực làm khổ nhau. Cái khổ phải xảy ra một lần trong cuộc đời và cái khổ vẫn tiếp tục xảy ra.

Ngôi mộ thứ hai tại Cherang Ruku, cách nơi này không xa còn to hơn nữa, còn nhiều người hơn nữa, nó cho ta cái cảm tưởng đây là một cái nghĩa trang nhỏ chứ không phải là một nấm mồ. Mộ chôn 123 người, sau nhận thêm 5 người nữa chôn ở nơi khác được đưa về. Tổng cộng là 128 người. Những ngôi mộ tập thể đã được chôn chung như thế nào? Đây là lời kể của bà vợ ông Alcoh Wong Yahao (Sẽ nói đến vị ân nhân này sau)

“Chúng tôi xếp xác từng lớp, không phân biệt nam nữ, tuổi tác. Cứ một lớp xác người xếp lên một lớp khăn liệm, rồi lại tiếp một lớp xác người khác, trên cùng chúng tôi đặt một lớp ván ép, rồi xúc đất đổ lên. Thế là thành một ngôi mộ lớn.

Ngôi mộ thứ hai này và ngôi mộ thứ nhất với 46 người, cộng thêm 5 người mang tới sau, họ cùng đi với nhau trên chiếc tàu khởi hành từ Mỹ Tho, tên tàu là MT- 065, khỏi hành ngày 1 tháng 12, tới gần biển Mã Lai ngày 4 tháng 12 thì bị lật chìm. Tổng số người đi trên thuyền là 300 người.

Mộ Tổng Cộng 128 Người


Chúng tôi cúi đầu khấn nguyện Chúa, Phật, cầu xin các vong linh về chứng giám cho lòng thành của chúng tôi. Chúng tôi, những phụ nữ dựa vào vai nhau mà đẫm lệ.

Sau đó cha Tâm đề nghị mỗi người cầm nhang đi chung quanh ngôi mộ cắm xuống. Mỗi nén nhang có mang theo những giọt nước mắt.

Hỡi hồn bập bềnh trên biển

Về đây nghe lời kinh an

Trăm ngàn mảnh hồn ướt sũng

Muối nào trong lệ không tan.

Mắt Nào Không Lệ Chảy


Đừng khóc vội, tôi xin kể một câu chuyện liên quan đến nấm mộ to như một nghĩa trang nhỏ này.

Trong mấy ngày hôm sau khi chúng tôi đi thăm những nghĩa trang có chôn rải rác thuyền nhân, tôi thấy xuất hiện trong đoàn một thanh niên rất trẻ, tôi hỏi chuyện làm quen, khi em giúp nắm tay tôi dắt bước qua những mô đất. Em tên là Alex Trần, 28 tuổi, em đi thăm mộ ông bà ngoại và các chú, bác, của mẹ em. Vì thời khóa biểu không trùng hợp với nhóm nên em đến chậm một đôi ngày, em phải đi thăm ông bà ngoại một mình.

  • Tại sao mẹ không đi với con?
  • Mẹ sợ , mẹ không dám nhìn lại.

Em nói tiếng Việt rất giỏi, rất lễ phép, chứng tỏ em được lớn lên trong một gia đình tốt. Em kể:

Gia đình của mẹ con, tất cả 18 người đi trên chiếc tàu MT-065 này. Lúc đó mẹ con là một cô bé 12 tuổi, dì của con lên 10. Khi tàu lật, họ kẹt trong khoang, dì con 10 tuổi dùng đầu đập vào cửa kính thuyền, hai chị em chui được ra bên ngoài. Cả hai chị em cùng không biết bơi, ngất xỉu. Sóng đánh họ giạt vào bờ, được cứu sống. Cả gia đình chết 13 người, còn lại 5 người trong đó có mẹ con, dì con và ba người họ hàng.

Em thơ dại sao mà em may mắn

Cả một thuyền chết hết chỉ còn em

Sau đó hai chị em được một gia đình Mỹ bảo trợ, nuôi ăn học, cho tới lúc lập gia đình. May mắn gia đình đó ở Orange County, California ngay trung tâm của người Việt nên hai cô bé đó đã vẫn giữ và nói tiếng Việt. (Khi làm mẹ, cô cũng cho con đi học tiếng Việt).

Hai chị em cô bé này quả thật trong bất hạnh có lồng may mắn. Hai cô được cha mẹ Mỹ cho đi học tiếng Việt và lớn lên với cộng đồng Việt.

Nhìn cậu thanh niên khôi ngô, đĩnh ngộ, lớn lên ở Mỹ, nói tiếng Việt rõ ràng, lễ phép trong một gia đình có hoàn cảnh như thế, tôi thấy mình không khóc được nữa. Tôi đứng sững nhìn cậu, nghe cậu kể lại câu chuyện nhiều lần (vì nhiều người hỏi). Tôi hình dung ra mẹ và dì của cậu như những viên ngọc lăn rơi xuống từ những mỏn đá cao và sắc mà không hề xây xát. Không có viên ngọc nào có thể đẹp hơn nữa.

Tôi nghĩ đến đôi ngày vừa qua, khi cậu một mình đứng trước ngôi mộ tập thể, cậu chạm tay mình lên trên tên ông bà ngoại, tôi biết chắc cậu đã khóc bằng đôi mắt của mẹ mình.

Một Mộ Bia Tập Thể Của Người Việt Trên Đất Mã Lai

Người Chủ của Những Ngôi Mộ Thuyền Nhân
Một khu nghĩa trang của người Hoa cũng ở Terengganu với những ngôi mộ xây theo hình vòng cung như cái bào thai của người mẹ (Người Hoa nói đó là tượng trưng cho ta trở về nơi ta đã từ đó ra đi) Trong nghĩa trang này có 4 khu A, B,C,D. Khu A có hơn 400 thuyền nhân được chôn ở đây. Khu B,C,D có hơn 200. Mộ chôn rải rác, khi thì một người, khi thì ba hay bốn người, tùy theo có bao nhiêu giạt vào bờ lúc đó. Có mộ thấy lên tới bảy người, mười người.

Hỏi anh Lưu Dân, một thuyền nhân ở Úc đã tổ chức tới đây nhiều lần, có gia đình nào về lại Mã Lai cải táng thân nhân đem đi không? Anh nói, có một người đã làm được. Nhưng người Mã ở thành phố này, không muốn cho người Việt đến cải táng mang đi. Họ nêu ra ba lý do:

Thứ nhất, đã chết ở Mã là người Mã.

Thứ hai, mộ ở đây lâu năm đã thành mộ bạn.

Thứ ba, nếu người Việt ai cũng cải táng thì đâu còn ai tới thành phố này (Terengganu là một thành phố cần du khách)

Cha Tâm mặc áo lễ, dâng bánh Thánh ngay trong nghĩa trang này. Tôi và Vũ Thanh Thủy, Ngọc Hân cùng cất tiếng hát: Chúa nhân từ xin lắng nghe linh hồn con tha thiết. Ăn năn kêu van, lạy Chúa xin dủ thương, ban xuống niềm tin ấp ủ cho tâm hồn.

Hình Cha Tâm Dâng Lễ


Nắng rát da, trời cao vời vợi, những hạt nước mắt rơi trong tiếng hát, rơi nhòe trên trang giấy hát.

Hòa Thượng Huyền Việt đã rời Thái lan sau khi ở Koh Kra về, nên anh Ngô Đức Hữu từ Úc đại diện Phật Giáo mỗi lần tới các phần mộ, anh phụ trách khấn nguyện. Tiếng Việt miền Nam của anh nhẹ nhàng, ấm áp, bài kinh anh rút ra từ đạo Ông Bà, nghe thật cảm động, xin trích một đoạn:

"Cầu Thượng đế từ bi hỉ xả. Cho linh hồn ổn thỏa nghe kinh. Cầu xin giảm bớt tội tình. Cho vong nhàn hạ nhẹ mình thảnh thơi. Cảnh ly biệt hỡi ôi thê thảm. Đức Thần Minh phất phưởng tràng phan. Cho hồn noi đó nhẹ nhàng. Trở về cứu vị an nhàn hưởng vui"…..

Sau lễ chúng tôi đi thắp nhang trên các ngôi mộ, không phân biệt Hoa, Việt, người địa phương hay thuyền nhân. Nghi thức hóa vàng mã tiếp theo rất phong phú, các anh chị trong nhóm mua ngay tại địa phương nên mua được rất nhiều (Theo thống kê năm 2010 Mã Lai có 19.8 % theo đạo Phật).

Chúng tôi hóa vàng xong thì xuất hiện một người đàn bà Hoa, được những người trong nhóm giới thiệu đó là bà Alice Wong, vợ của ông Alcoh Wong một vị ân nhân chôn cất gần như là hầu hết những xác thuyền nhân trôi vào bờ bãi Mã Lai.

Chân Dung Ông Wong 


Ông chính là người đã chôn cất những ngôi mộ Tập Thể, hơn thế nữa bao giờ có xác táp vào bờ là người ta đi gọi ông. Ông in ra cuốn sách The Vietnamese Boat People (VBP) along The East Coast Of Malaysia Peninsula để hướng dẫn những người đi tìm mộ thân nhân dọc theo bờ biển phía đông vùng biển Mã Lai. Vùng biển phía đông Mã Lai đối diện với mũi Cà Mau là nơi thuyền nhân tới đông nhất và cũng chết đắm nhiều nhất.

Chân Dung Ông Wong và Bia Công Đức.


Ông để hết thời gian của mình chỉ để lo cho những cái xác của thuyền nhân Việt Nam trôi giạt vào vùng bãi biển Mã Lai, gần nơi ông cư ngụ. Chiếc thuyền đầu tiên của người Việt tỵ nạn ông Wong được nhìn thấy vào ngày 23 tháng 11 năm 1978 đã vào gần tới bãi nhưng chưa được lên bờ. Ông nhìn thấy những khuôn mặt hốc hác, sợ hãi nhưng tràn đầy hy vọng. (Về sau ông được Hội Hồng Nguyệt Red Cresent cho biết, chiếc thuyền đó đã bị lật trong khi được hướng dẫn vào bờ ngay trong cùng ngày. Cả thuyền 137 người bị chết đuối).

Ông và những người bạn của ông ngoài việc chôn cất, còn đi tìm những phần mộ của thuyền nhân rải rác trên đất Mã đem về gần nhau.

Những nấm mộ thuyền nhân tập thể được nhìn như “Mồ vô chủ” thì trên một ý nghĩa nào đó, ông Wong chính là “Chủ” những nấm mồ này.

Cho tới khi ông mất, năm 2006 trước đó một tuần ông vào nghĩa trang thăm mộ thuyền nhân ông đã hát bài “I will follow you forever.”

Nói theo nhà Phật, kiếp trước ông có nợ người Việt Nam hay chính ông là một người Việt Nam trong tiền kiếp?

Tấm lòng của ông Wong đối với thuyền nhân từ năm đầu tiên 1978, khi ông nhìn thấy chiếc thuyền tị nạn 137 người kéo vào vùng vịnh Kuala Terengganu, tới năm ông qua đời 2006 là 28 năm dài.


Đảo Bidong và Những khu mộ

Chúng tôi cũng tới đảo Bidong bằng thuyền. Thuyền này chạy bằng máy cao tốc và từ đất liền ra tới đảo khoảng 20 phút. Đi giữa trưa nắng gắt.

Từ năm 1975- 1991 đã có 250,000 thuyền nhân sống sót tạt thuyền vào sinh sống ở đây. Nhiều người chờ bảo lãnh có thể ở trên đảo từ hai tới bốn năm, nhiều người bị trả lại. Có người bệnh chết, có người tự tử. Họ được mang lên đỉnh đảo chôn cất.

Mộ chia ra từng khu A, B, C… Khu cho trẻ em riêng. Khu F được coi là đông nhất tới hơn 200 ngôi mộ. Chúng tôi kéo nhau lên đó. Bước thấp, bước cao, chống gậy, cầm dao, vừa leo vừa phạt cây rẽ lối. Cuối cùng cũng lên tới tấm bia có ghi 151 người (có bia mộ) Thật ra số mộ ở đây trên con số 200.

Đồi Tôn Giáo nơi trước đây có nhà thờ Công Giáo, Tin Lành, Cao Đài và Chùa thì nay đã vừa bị phá, vừa xụp đổ theo thời gian, trông vô cùng hoang phế. Đau lòng hơn nữa những tượng Phật, tượng Đức Mẹ đều bị chém cụt đầu (vì một số người cuồng tín tin là mất đầu thì không còn linh thiêng nữa) Thánh giá Chúa thì chỉ còn dấu vết trên tường mà thôi.

Tôi và Thái hai chị em đi lang thang chung quanh đồi, Thái lo chụp hình, tôi lo… buồn. Tôi đứng trên cao nhìn mông lung bao quát bãi cát dưới chân đồi.

Nơi đây bao nhiêu người dân Việt của tôi giạt vào, giạt vào bằng thân xác còn thở được, còn hy vọng sẽ được chuyển tới một quốc gia nào đó để gây dựng lại cuộc đời cho con,cháu hay chính bản thân mình? Bao nhiêu người chỉ còn là những cái xác bập bềnh giạt vào bờ? Bao nhiêu cảnh chia ly của những mối tình vừa nhận được sau những đau thương mất mát? Bao cảnh đời uất hận bị gửi trả về nơi mình đã không sống được phải bỏ đi? Bao nhiêu người đã phải ở đây cả ba, bốn năm trong hy vọng, trong tuyệt vọng trước khi được rời nơi này?

Biển dưới kia đang ập vào từng đợc sóng, nước mắt của mấy mươi năm về trước còn giọt nào pha trong muối đại dương?

Biển phải làm gì để giữ mãi được những giọt lệ, những tiếng khóc, tiếng cười, hy vọng và tuyệt vọng của một dân tộc luôn luôn “Đi không yên ổn, ngồi không vững vàng” ngay trên chính đất nước mình.

Chúng tôi xuống đồi để sửa soạn quay về đất liền. Xuống đến chân đồi ngoái đầu nhìn lại, một cánh bướm đen thật lớn từ trên đồi bay xuống lượn vòng ngay sau lưng tôi. Một thoáng rùng mình, một thoáng rưng rưng, tôi dừng lại, nói thầm trong cuống họng mình. “Thôi nhé, tôi về, nhớ mãi hôm nay.” Giơ tay áo lên, quẹt ngang dòng nước mắt. Cánh bướm bay mất hút lên đồi.

Sau một đêm mắc võng, chùm chăn (cho khỏi muỗi) ngủ lăn lóc trên cầu tàu, chúng tôi trở về đất liền, tiếp tục cuộc hành trình tìm mộ thuyền nhân.


Rải Rác Mộ Thuyền Nhân Dọc Đường

Trên đường sang Kuala Lumpur, trong tỉnh Dungun có hai nghĩa trang. Hai nghĩa trang này có biển trước mặt nên khi xác thuyền nhân giạt vào được vớt lên chôn ngay tại đây. Khi họ vớt được 1 xác, khi được 2,3, khi được 5,7. Có khi cả trên 10 xác vào một lúc.

Nghĩa trang thứ nhất lối vào có đền thờ với hàng chữ Tao Yan Dian Temple, có 80 ngôi mộ thuyền nhân, trong đó 38 mộ có tên. Một ngôi mộ tập thể nằm dưới gốc một cây bàng lớn, chôn trên 100 người, được khắc chung một tấm bia. Bia được Văn Khố Thuyền Nhân xây ngày 23 tháng 3 năm 2007.

Những ngôi mộ trong khu thứ hai được đặt trong một nghĩa trang đặc biệt do nhà thờ Công Giáo St.Thomas trông coi. Những thân xác thuyền nhân được bao quanh bởi ba ngôi thánh đường của: Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo và Hồi Giáo. Còn được gọi là Migrants Cemetery.

Những linh hồn này thật được chúc phúc an ủi biết bao!

Nhang được thắp lên, lời kinh được cất lên, nước mắt lại chảy xuống, Chúa, Phật trên cao được mời xuống dự tiệc bi ai của nhân loại.

Viết tới đây. Tôi tưởng tượng ra, tôi là người dân Mã Lai sống dọc theo miền đông biển Mã Lai, mỗi sáng trở dậy nghe tiếng gọi nhau ơi ới bên ngoài cánh cửa: Ra vớt xác thuyền nhân Việt đang giạt vào bờ. Không phải một xác, hai xác, mà vô số xác. Rồi cùng nhau tẩm liệm, chôn cất, có khi lập miếu thờ.

Tôi tưởng tượng ra trong những cái xác bất hạnh đó, một cái xác của chính mình.

Những cái xác của đồng bào mình (hay của chính mình) đã được những người không cùng chủng tộc xót thương, được ghi lại in thành sách (như sách của ông Wong) để sau chính những người Việt về tìm lại.

Chôn cất cả trăm, ngàn, nấm mộ không phải là chuyện giản dị. Việc xây cất làm sao chu đáo được. Theo thời gian, mưa nắng những ngôi mộ không tồn tại được.

May mắn thay Văn Khố Thuyền Nhân của người Việt (Do ông Trần Đông, từ Úc-Sáng lập 2004), đã tới Mã Lai, Thái Lan, Nam Dương trùng tu lại hầu hết những nấm mộ này. (Theo VKTN-Trong vùng Đông Nam Á có hơn 2000 nấm mộ vừa tập thể vừa cá nhân).

 

Tôi Đọc Tên Tôi 

Hội Hồng Nguyệt (Malaysian Red Cresent Societ - Hồng Thập Tự Mã Lai) đã lưu trữ hai trăm ngàn (200,000) hồ sơ của những người sống sót. Để hôm nay những thuyền nhân trong nhóm chúng tôi đến tìm lại. Mỗi khi tìm được tên của mình hay thân nhân mình, họ òa vỡ ra cùng một lúc tiếng cười và giọt lệ:

Tôi vừa đọc tên tôi trên tấm thẻ

Có phải tôi không trên lý lịch này

Ngày tháng đó tưởng vùi chôn đáy biển

Bỗng sóng đánh vào bờ sáng hôm nay

 

Khi chúng tôi tới viếng Hội, câu chào hỏi đầu tiên của ông Dato’ Sayed A. Rahman,Tổng Thư Ký hội Hồng Nguyệt là: “Chúng tôi không cần biết anh là người nước nào, chúng tôi chỉ biết giúp đỡ một con người.” Nghe mà ứa nước mắt.

Ông Misnan, nhân viên điều hành của Hội, nói được vài câu bằng tiếng Việt rất thân tình. Đặc biệt là ông hát cho chúng tôi nghe bằng tiếng Việt, bài hát “Bài Tình Ca Cho Em” của Vũ Thành An thật hay. Hay một cách bất ngờ!

Thế gian đầy quỷ dữ, nhưng Trời cũng ban phát xuống những thiên thần cứu trợ.

Sau 42 năm nhìn lại, chúng ta có rất nhiều những trang Sử mới. Trên hết, mỗi một cái chết của thuyền nhân, của tù cải tạo, của người Quốc Gia chết cho Tự Do là một trang Sử mới được cộng vào.

Tất cả con dân Việt đều phải học Sử Việt.


Trần mộng Tú

Ngày 20 tháng 4 năm 2017

Viết trong cuộc hành trình về Trại Tỵ Nạn Songkhla, đảo Koh Kra và Trại Tỵ Nạn Bidong từ 30 tháng 3 tới 16 tháng 4-2017

(*) Những câu Thơ trong bài của tác giả Trần Mộng Tú