Monday, February 28, 2022

Giải Độc Hay Đầu Độc Gan? - BS. Wynn Tran

Bạn Thời Chơi Nhà Chòi - Nguyễn Văn Sâm

Hình minh họa 

 1.

Khi em đưa cái Thẻ Kiểm Tra, mình chưa đọc tên đã biết ngay là em. Nhưng mình cứ làm tỉnh ngồi ôn lại những kỷ niệm ngày xưa. Em thì tình thiệt không biết mình. Nhớ hồi nhỏ hai đứa cũng quyến luyến nhau, dầu chưa tới mười tuổi. Em hay giận hờn khi thấy mình thân thiện với con Bình khi cả bọn chơi nhảy cò cò. Mình cũng thấy ghét thằng Bé sứt môi khi thằng nầy tỏ ra săn sóc hay nhường nhịn em. Thường thì mình xô đẩy thằng Bé, nhiều khi còn cười ngạo cái bất hạnh của anh ta nữa. Nghĩ cũng kỳ cho tuổi trẻ ác tâm và không biết suy nghĩ. Mình không ưa má em. Thím hỗn hào với chồng, Thím khinh khi mọi người, tối ngày chỉ nằm dài ca hát nghêu ngao. Đàn ông thì kêu bằng thằng cha tuốt: Thằng cha thầy giáo, thằng cha thầy chùa, thằng cha y tá, thằng cha góp tiền đất. Đàn bà thì con hết thảy: Con mẹ Ba cho vay tiền ngày, con mẹ Bảy Mập bán bánh mì, con mẹ vợ thằng cha Hiệu Trưởng, con mẹ Tư gánh nước mướn. Chỉ có cậu Út là được thím nể nang và thân thiện một điều cậu Út, hai điều cậu Út mà thôi.


Mình thích nhứt là được Chú Ba Huê chở vợ con với lại mình đi ra An Lạc ăn cháo đầu cá lóc với rau đắng. Xe chật, ngồi dựa hông vô nhau nghe hơi nóng của em truyền qua mình chắc đâu còn nhớ tới giờ. Nhưng mà rau đắng họ trồng cả đám lớn bên hè, người ta đi đái vô đó tỉnh queo... Ghê quá! Biết họ có rửa rau sạch không nữa! Mình cũng thích bữa nào chú Ba rủ đánh cờ tướng với chú, khoái là được khen mình cao cờ. Khoái là em bị chú sai lấy nước cho anh, khoái là em bận áo quần xích xác lòi cái ngực chưa nẩy nở mà mình con nít quỷ ưa dòm vô đó kiếm kiếm điều gì mà mình tưởng tượng là rất lạ lẫm. Hình như mình mê em sau cái lần cùng nhau chơi nhà chòi khi con Bình giận bỏ về ngang mình phải thế chỗ. Em bắt mình làm con em làm má. Mình đòi làm chồng em làm vợ. Em lưỡng lự cuối cùng rồi cũng đồng ý. Mình nói chồng thì nắm tay vợ đi chợ. Em đỏ mặt rồi cũng rụt rè đưa tay cho nắm…

Sau khi thi đậu vô Đệ Thất mình bị bắt ở trọ không gặp em nữa. Có về nhà vài ba lần nhưng đều mất tích biệt tăm.


Trời hơi chạng vạng. Xóm nhà lá khu Bà chủ Phát đã lốm đốm lên đèn. Mùi cơm sôi, mùi cá kho hòa với mùi củi cành cây cao su chưa khô cháy tươm dầu quyện lên trong không khí thành nét đặc trưng buổi trời sắp tối của xóm. Chú ba Huê bẻ mạnh tay lái lách tránh mấy đứa nhỏ đương mảy mê chơi trò Thiên Đàng Địa Ngục Hai Bên rồi quanh cua từ từ chạy xe vô con đường nhỏ đầy bông bụp của sân nhà. Khi tiếng nổ lịch bịch phát ra từ chiếc cần câu cơm của chú còn vang dội ở xóm nhà thằng Bé sứt môi thì thằng Dần từ nhà dưới đã đi chậm chậm ra tới cửa buồng. Tay nó níu tấm ri-đô để vạch ra một lỗ nhỏ nhìn coi chuyện gì sẽ xảy ra. Nó ngó lấm lét chú Huê trong khi chú sửa lại cách đậu chiếc xe cho ngay ngắn. Trong nhà, vợ chú, má con Én, trở mình trên cái giường tre nhưng cũng chưa chịu ngừng bài hát còn đương dang dở. Thím tay cầm cuốn bài ca đưa thẳng trước mặt, cố lấy hơi hát lớn hơn bản Vọng cổ trong tuồng Hạnh Nguyên Cống Hồ của thời xa xưa:

Nhìn dòng sông đen hắc,

Nhớ xứ thể cắt can trường.

Thầm suy trách thay vua Đường.

Xui nên dở dang chỉ hường.

Rồi thím chuyển giọng của con a hoàn, cũng Vọng cổ lối thời năm nẳm gì đâu mà thím học theo trong dĩa hát Pathé:

Ghen ghét chi ông Tạo,

Để người phòng khuê phải hòa giặc Phiên.


Chú Ba Huê lòn tay xuống cái hộc dưới đệm xe rút ra một gói giấy lấm tấm ướt mỡ thấm từ bên trong ra, thủng thẳng đi vô nhà. Chú hỏi vợ liền như đã ôm trong lòng từ lâu lắm, sau khi ngó lướt qua vợ, nhíu mày tỏ ý không bằng lòng chuyện gì đó:

‘Má con Én có nghe chuyện gì lạ trong xóm sáng nay không vậy?’

Chị vợ lõ mắt ếch ngó chồng không trả lời, một phút sau đủng đỉnh lồm cồm ngồi dậy. Cái áo cánh màu hồng điểm bông tấm li ti gợi cảm của thím rộng cổ trễ tràng xệ rộng trước ngực. Chú nói mau:

‘Hồi sáng sớm, xe ra tới đầu ngõ tôi thấy hai ông bị bắn đâu chừng hồi hai ba giờ khuya gì đó, máu miệng trào ra, còn ri rỉ chảy chưa đông lại hết. Cả hai tướng tá coi nho nhã, trẻ măng, áo quần cũng tươm tất lắm. Không biết phe nào. Tay bị trói thúc ké sau lưng. Tôi vái họ phò hộ được đắt mối. Bây giờ giữ lời hứa, mua con gà quay về cúng.’

Mình cúng họ cũng phải. Có thể họ là người của phe mình trước kia. Cũng có thể họ là những người bị phe mình trước kia giết oan như bao nhiêu trường hợp mình từng chứng kiến. Bên nào thì cũng là đồng bào. Bên nào thì họ cũng đã chết quá sớm, cuộc đời hưởng có bao nhiêu lâu đâu. Tội nghiệp thì thôi!

Chị vợ phán thẳng băng làm cụt ý chồng:

‘Tưởng chuyện gì, chuyện bị xử bắn lén xảy ra hà rầm. Thời buổi chiến tranh mà. Mình dân làm ăn thì đừng để ý tới chuyện ai giết, ai bị giết cho mệt thân. Cúng kiến gì cho hao tiền. Họ có bà con gì mình đâu nè!’

Chú Ba chống chế:

‘Thì cúng chút híu có tốn bao nhiêu đâu! Bữa nay chạy được nhiều mối ngon. Được giá!’

Chị vợ xốc lại cái vai áo xệ, lầm bầm:

‘Muốn nhậu thì nói mẹ nó đi. Đừng qua mặt con nầy. Bày đặt nầy nọ như là người tin thần tưởng thánh lắm. Hồi xưa ông quả quyết là chẳng có linh hồn, không có thần thánh, cũng không có Địa Ngục Thiên Đàng gì hết mà!’


Tuy không vừa ý với lời dè bỉu của vợ, Chú Tư Huê cũng làm thinh không thèm trả lời trả vốn gì hết. Chú đặt gói gà lên bàn nước, đi ra nhà sau lui cui soạn đem lên hai cái dĩa bàn thang, bày biện cúng kiến. Vợ chú bây giờ mới đủng đỉnh bước xuống giường, miệng vẫn ỷ ê ỷ a mấy câu ca một bài Tứ Đại Oán thảm sầu.

Bực mình chú Tư phê bình nhẹ nhàng:

‘Má con Én ca bản xưa không à! Đời bây giờ người ta ca Vọng cổ tân thời sáu câu 32 nhịp theo cách của Bảy Cao, Thanh Tao, Năm Phồi không ai còn ca kiểu xưa như kép Từ Anh, Tám Thưa hay cô Ba Soạn nữa đâu.’

Chị vợ nổi hứng cất giọng thân mật:

‘Nghe chị ca Máu Nhuộm Phụng Hoàng Cung nè em! Em mà phán là chị ca dở tối nay chị nhịn cơm cho em biết.’

Chú Tư ngó vợ bằng cặp mắt của người tình.

Và Má con Yến nói lối dài trước khi vô giọng cổ xuống xề nghe ngọt lịm kiểu tài tử đẹp trai Năm Phồi.

Người chồng đưa tay bẹo má vợ. Thưởng.

Con Én, ở đâu chạy vô xem giữa hai người, nó thở hào hển mà vẫn liếng thoắng:

‘Ba ơi, ba mét cho thằng Dần bị đòn nứt đít đi ba. Đi đi ba, ông Huế về rồi đó!’

‘Chuyện gì mà dữ vậy?’ Tay chú xoa mạnh đầu con, làm rối tóc con nhỏ, khiến nó xụ mặt.

‘Nó là con nít quỷ đó ba. Nó dòm nách má rồi ra ngoài nói tùm lum tà la là má có lông nách dài.’ Con nhỏ vừa nói vừa chu mỏ dài sọc.

Thím Tư bịt miệng con không kịp, thím đưa mắt lừ con gái. Chú Tư lừ lại vợ mình:

‘Cũng không nên bận quần áo lôi thôi quá. Nhà cửa trống hếch trước sau. Nít nhỏ chạy vô chạy ra hà rầm. Thằng Dần nói vậy còn đỡ. Cậu Út nói vậy thì…’

Chú ngưng ngang vì thấy mình không nên khơi sâu điều vợ không muốn nghe.

Con Én nắm tay ba nó giựt giựt:

‘Ba mét ông Huế để thằng Dần bị đòn nghe Ba! Hôm bữa nó ăn hiếp con. Nó còn nói nữa lớn nó cưới con làm vợ rồi đánh nhừ tử cho bỏ ghét. Đánh như ba thằng Bé sứt môi đánh vợ. Đánh như ba thằng Dần đánh má nó đó.’


Cách vách, thằng Dần nghe hết mấy câu trao đổi của người bên kia, nó nuốt nước miếng cái ựt như nuốt cơn giận lớn cành hông.

Nhang được thắp lên. Chú Tư cắm ba cây lên mình con gà. Chú rót nước vô mấy cái chén chun. Tự tay chú ra khạp gạo lấy một nắm gạo bỏ lên cái dĩa nhỏ rồi trút muối lên kế bên. Chú nói với vợ:

‘Chết như vậy oan ức sẽ thành cô hồn, mình phải rải muối gạo để vong linh họ đỡ tủi.’

Mình không chết là may! Đi theo họ có hai năm mà xuýt chết mấy lần do Tây phục kích hay là xung phong công đồn mà phá không thủng phải chém vè. Còn cái thằng Đại Đội Trưởng nữa, nhiều khi nó ngó mình bằng cặp mắt quỷ như muốn ăn tươi nuốt sống vì mình can thiệp thả mấy người dân biết rõ ràng là bị bắt oan. Cũng may mình rút kịp ra ngoài nầy. Ở lại thì thấy ông bà ông vãi lâu rồi. Bởi vậy tội nghiệp hai người nầy quá chừng.

Chú thành kính rót rượu vô ba cái ly nhỏ đặt ngang hàng trước con gà. Chú lâm râm vái.

Vợ chú vô buồng lấy áo bà ba bận tề chỉnh. Thím cũng đốt ba cây nhang, xá xá rồi đem ra trước cửa xá trời. Thằng Dần ở trong nhà dòm ra thấy hết cử chỉ của thím. Nó vái thầm trong bụng là ưng ai thím nổi từ tâm bỏ qua chuyện đó, không cho chồng mét ba nó. Nó cũng tự hứa là nếu được như vậy thì từ rày sẽ tử tế với con Én hơn, không ăn hiếp nó nữa. Và nó đứng dựa cửa buồng, lim dim ngủ gà ngủ gục…

Bốn năm chiếc xe cảnh sát ngừng ở con đường độc đạo trải đá, dựa bờ sông. Mỗi chiếc cách nhau chừng trăm thước, đủ để trấn giữ cả khu yên hoa nổi tiếng bình dân hoạt động mấy năm nay. Khi máy xe vừa tắt, khi những người cảnh sát nhảy xuống xếp hàng dài bắt đầu làm phận sự thì hầu hết những ngọn đèn lờ mờ trong dãy nhà lụp xụp bên kia đường dựa bàu nước đồng loạt tắt. Tiếng la ơi ới, tiếng kêu nhau ầm ĩ, tiếng chạy thình thịch và tiếng ùm ọc, bì bõm của vài người nhảy xuống nước, lội trốn vang dội trong đêm. Đàn ông từ những căn nhà tắt đèn đổ ra đường giả bộ thanh nhàn thơ thẩn như người đi hóng gió sông. Đàn bà thì chẳng thấy ai. Mấy ghe thương hồ bật đèn lên sáng một khúc sông, người trên ghe ra trước mũi ngồi hút thuốc bàn tán…


Sau một hồi bao vây và lục lọi, lính bắt được vài chục gái, một số chịu trận trốn trong buồng, trong nhà tắm, trong cầu tiêu bị lôi ra. Một số ôm cột xi măng dưới nước bị rọi đèn pin vô mắt, ngoắc lên. Ướt loi ngoi, chậm chậm bước lên bờ cỏ.

Tiếng một mụ chủ chứa than với người lính quen mặt:

‘Trời ơi, bộ mấy ông ghét dân Cầu Hàn lắm sao mà suốt ba tuần liền tuần nào cũng bố. Điệu nầy tụi em chắc dọn đi chỗ khác làm ăn chớ ở đây đói hết sao sống?’

Người lính trẻ cười hiền:

‘Thì kiếm nghề khác mà sống. Nghề nầy dơ quá! Rồi mấy cổ lây bịnh tùm lum…’

Một má nuôi chõ mỏ vô:

‘Nói thì dễ thầy ơi. Bỏ nghề rồi biết làm gì ăn đây. Với lại còn nhà cửa nữa. Sang lại cho ai rồi mua nhà mới ở đâu? Dính ăn dính thua ráo nạo rồi. Thôi thì lỡ đâm lao phải theo lao thôi. Mấy thầy thương thì nhờ ghét thì chịu.’

Người lính không muốn nghe tiếp, đưa cây ba-trắc dang ra thẳng tay lùa từng tốp vô một căn nhà được lấy làm Đại Bản Doanh tạm thời. Ai vô tới cửa cũng để lại Thẻ Kiểm Tra trên bàn. Ai không có thì là giấy cớ mất kiểm tra, không có gì hết thì vô ngồi một góc chờ tính sau.


Các cô gái, ái ngại ngó qua ngó lại những người đồng cảnh rồi chiếu tướng người lính để đoán coi anh ta hiền hay dữ. Cô nào mặc quần áo phong phanh thì quơ quào gì đó của bạn che chắn đỡ. Cô nào ướt thì mượn nhờ khăn của bạn lau được chút nào hay chút nấy. Áo ướt, dính vô da thịt, phơi bày khiến nhiều cô mắc cỡ co ro hay lấy tay che ngực, mặt bí xị như giẻ rách.

Có tiếng cười diễu, hơi lớn:

‘Tới nước nầy mà còn e lệ gì nữa! Bộ chưa từng cho ai coi sao mà che.’ Cả bọn cười ồ, không khí buồn bã sợ sệt hình như đã bớt chút đỉnh.

Người lính trẻ ngồi trước bàn để đống Thẻ Kiểm Tra buồn tình giở ra coi từng thẻ. Bỗng anh sửa lại thế ngồi, chăm chỉ ngó vô tấm thẻ cầm trên tay nãy giờ, đọc lại lần nữa rồi ngước mặt lên với đám đông. Anh đọc tên người mang thẻ và kêu lên ngồi trước mặt để hỏi chuyện:

‘Cô tên nầy? Hay là mượn thẻ của ai? Sao không giống hình trong thẻ?’

‘Dạ thẻ của em. Em là Hồng thị Én! Ai ở đây cũng đều biết là thẻ của em.’

‘Cô lúc nhỏ ở khu Vườn Lài?’

‘Sao thầy biết?’

‘Nghiệp vụ mà. Chúng tôi có cách riêng.’

‘Đâu cô nói về thời gian lúc nhỏ của cô ở đó rồi tại sao cô đi khỏi xóm. Làm gì để sống. Có vô Khu không mà bỏ đi bí mật vậy?’

Cô gái lấm lét ngó vô mặt người đối thoại:

‘Thầy đừng nói vậy tội nghiệp em. Làm gái ở đây đã khổ lắm rồi. Mắc vô cái tội đi Khu có mà chết.’

‘Cô nói đi! Tại sao ba cô bị bắt!’

‘Ba em nói sao thì em nói lại với thầy. Bữa đó có người mang một gói gì đó, ông ta nói là trái cây người bà con ở Cai Lậy biếu khi đi thăm. Ổng đi xe ba em. Sợ trái cây dập, mà ôm thì mỏi tay, ông ta kêu ba em mở thùng xe dưới chỗ ngồi, bỏ vô, ông ta ngồi trên cho dễ dàng thoải mái. Chạy gần tới một chốt xét xe vừa mới được dựng lên, ông ta nhảy xuống băng qua đường lẻn vô hẻm, xe ba em bị chận lại xét. Có chứa lựu đạn. Ông bị giam mấy tháng, sau họ thấy tình ngay lý gian nên thả ra.’

‘Chuyện nầy thì chúng tôi biết rồi.’ Người lính mặt lạnh như tiền trả lời rồi lơ đãng ngó ra ngoài sân. Lính tráng vẫn láo nháo với một số người vừa bị bắt thêm khi trốn trong những nhà có cửa bí mật. Khách thương hồ trên ghe được dịp đứng lên chỉ chỏ, cười nói.

‘…Má em lúc ba em bị tù có lùm xùm sao đó với Cậu Út cháu nội bà chủ Phát nên bị bà ấy chưởi mắng thậm tệ. Má mắc cỡ bỏ nhà đi. Em ở đó vài ba ngày thì bà Ngoại lên đem về Trà Ôn sống với ngoại… Khi ba được thả về và mướn được nhà kha khá thì xuống dưới đó đem em lên Sàigòn. Em chưa bao giờ gặp lại má. Bả đi biệt từ đó. Có thể là đi theo gánh hát cải lương như đã tuyên bố nhiều lần khi còn ở với ba em.’

‘Xin lỗi. Cô đưa bóp cho tôi xét giấy tờ. Coi có gì khả nghi không.’

Cô gái rụt rè đưa cái bóp cầm tay cho người lính. Coi đẹp mà chẳng có bao nhiêu tiền trong đó. Cô gái chăm chăm ngó từng cử chỉ của người cảnh sát. Coi bộ hơi mắc cỡ vì mình nghèo. Người lính lục từng ngăn một hồi rồi rút ra một tấm hình. Một người đàn ông ốm yếu, mình trần môi sứt lòi răng dưới lỗ mũi bên trái, tay anh ẵm đứa con gái chừng ba tuổi coi bộ cũng tong teo. Cả hai chụp hình mà không vui.

Cô gái nhìn cử chỉ của người lính. Cô nhín mày suy nghĩ.

‘Anh chàng sứt môi nầy là chồng cô?’

‘Dạ ảnh tên Bé! Mà bây giờ ảnh hết sứt môi rồi. Năm ngoái có tàu Bịnh Viện Hoa Kỳ ghé Bến Tàu vá môi cho ảnh. Lúc nhỏ em và bạn em ăn hiếp ảnh hoài. Nhưng bạn em lên học trường Petrus Ký rồi ở trọ gần đó luôn em không bao giờ gặp nữa.’ Cô vừa nói vừa quan sát sự biến đổi sắc mặt người đối thoại. Người lính cảnh sát vẫn lạnh lùng, nghiêm trang như từ trước tới giờ.

‘…Em về thăm chỗ cũ vài ba lần, không gặp người quen nào ngoài anh Bé rồi hai đứa nghèo khổ dựa nhau mà sống. Thầy coi, có còn quen ai đâu?’

Người trước mặt bây giờ mới nhếch mép cười:

‘Chú ba Huê lúc nầy còn chạy xích lô máy không?’

Người con gái trả lời như máy:

‘Dạ còn! Nghề nghiệp bao nhiêu năm biết làm gì ăn?’

‘Anh Bé có đánh vợ như ba ảnh không?’

Người con gái hai mắt sáng lên. Cô đưa tay lấy lại tấm hình, tự tiện bỏ vô bóp, không trả lời thẳng câu hỏi mà tuôn ra tràng tâm sự dài.

‘Lúc nhỏ em có người bạn cùng lứa, chơi với nhau thân mật lắm. Lớn lên cũng mong gặp ảnh để được làm vợ ảnh, để được ảnh đánh mà không bao giờ gặp. Tới bây giờ nếu có gặp lại nhau thì cũng lỡ làng rồi. Chẳng có duyên số với nhau thì dành chịu. Chịu thua ông Trời chơi ác!’

Người lính trả Thẻ Kiểm Tra cho đương sự, nói lớn với người bạn lính khác mới vừa bước vô:

‘Anh coi giùm mấy cô nầy, tôi phải hướng dẫn cái cô nầy đi cầu, cổ đau bụng máu mà không dám đi một mình.’ Anh nheo mắt với bạn.

Cô gái năn nỉ nho nhỏ nhưng giọng đã có hơi dạn dĩ:

‘Cho con bạn em theo với. Nó mới có 17 tuổi thôi, bị gạt bán vô động cả tháng rồi. Hồi vô nó còn gin. Tiếc thân nó khóc hoài.’

Cả ba bước ra cửa, đi về vùng bóng tối phía xa xa.

Một lúc sau anh lính một mình về lại căn nhà làm Tổng Hành Dinh cuộc ruồng bố. Người bạn ngó anh gật đầu. Anh nheo mắt và mỉm cười nói nhỏ: ‘Bạn thời chơi nhà chòi.’                                         


Victorville, CA, 20 April 2019

Nguyễn Văn Sâm 

Mùa Xuân Trở Gót - Đỗ Công Luận

Tôi Là Người Nước Nào ?! - Đỗ Chiêu Đức

Dĩ nhiên, tôi là Đỗ Chiêu Đức, được sanh ra ở xã Thường Thạnh và lớn lên ở xã Thường Thạnh Đông, chợ vườn chồm hổm ở Cái Chanh, 5 giờ sáng nhóm đến khoảng 9-10 giờ sáng thì tan chợ. Cái Chanh cách Thị Trấn Cái Răng khoảng 5 cây số đường đất với cầu ván đóng đinh cũng có, mà cầu tre lắt lẻo cũng nhiều, như câu hát ru em mà tôi thường nghe :

Ví dầu cầu ván đóng đinh,

Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi....

Nên mặc dù là người Việt gốc Hoa (Triều Châu), tôi chỉ biết gọi Cha Mẹ Anh Chị bằng Pá Má Hia Chế và các từ thông dụng như Ăn cơm, ăn cháo là " Chìa bừng, chìa múi..." ra, thì toàn bộ sinh hoạt gia đình đều bằng tiếng Việt của Nam kỳ Lục Tỉnh. 7 tuổi vào trường làng học lớp Đồng Ấu, học đánh vần với quyển Con Gà Con Chó, với các thành ngữ sau khi đã qua vần ngược là : 

* Dùi đánh đục, đục đánh săng.

* Ách giữa đàng , mang vào cổ.

* Ăn bữa giỗ, lổ bữa cày.

* Đặng buồng nầy, xây buồng nọ.

* Ăn thì có, ó thì không...


Tôi lại nổi tiếng đánh Cờ Nhào giỏi nhất đám con nít ở Cái Chanh. Một hôm, có Bác Ba ở xóm Ông Cò Nhỏ nghe tiếng tôi tìm đến đánh thử, Bác ghìm với tôi chừng nửa tiếng đồng hồ, rồi cũng bị tôi lừa thế nhào đôi một cái, bác chỉ còn có 8 con cờ, đang tìm cách gở gạt, đi lầm một nước, tôi lại được dịp nhào ba, còn có 5 con cờ thua là cái chắc. Bác Ba xô bàn cờ đứng dậy, xoa đầu tôi và khen : " Con Tùa Hia thông minh thiệt !". Tôi nổi tiếng " thông minh" từ đó ! 10 tuổi ( 1958) ra chợ Cái Răng học chữ Hoa, cậu tôi mới dạy cho tôi đánh cờ Tướng, và câu chuyện bắt đầu từ đây...


Trước 10 tuổi, lớn lên và học chữ Việt ở xã Thường Thạnh Đông, chợ Cái Chanh. Tôi là một đứa bé nông thôn nhà quê Việt Nam thuần túy. Khi ra đến Thị Trấn Cái Răng học chữ Hoa ở Trường Tiểu học Tân Triều của người Hoa sáng lập, tôi mới thấy được chiếc xe hơi Traction chạy đưa khách từ Cái Răng đi Cần Thơ, phố xá nhà lầu hai ba từng, và điều làm tôi ngạc nhiên nhất là một hôm đang trên đường đi tới trường, thì có mấy đứa nhỏ cũng đi học ở một trường Việt gần đó, chỉ trỏ và nói rằng : Mấy đứa "Ba Tàu" giàu hơn mình, đi học phải mang giày, còn mình thì đi chân không thôi ! Tôi không biết "Ba Tàu" là gì, nhưng rồi cũng phải biết, vì 2 tiếng "Ba Tàu" nầy theo tôi suốt thời gian niên thiếu, như khi chuyển sang học luyện thi bằng Tiểu Học ba tháng, lớp tôi 11 đứa đậu được 10 đứa, thì các bạn ở trường Việt lại khen : Mấy đứa "Ba Tàu" nầy giỏi thiệt. Một tháng sau, tôi đậu luôn vào Đệ Thất của trường Trung học Phan Thanh Giản Cần Thơ, thì lại nghe : Cái thằng "Ba Tàu" đó giỏi qúa ! Hai năm sau (1964), tôi đi thi ẩu ... và đậu luôn bằng Trung Học Đệ Nhấp Cấp. Mấy anh học Đệ Tứ thi rớt lại mĩa mai một cách thán phục : Cái thằng "Ba Tàu" đó mới học Đệ Lục mà, sao mà đậu bằng Trung Học được ?!

 

16 tuổi (1964), Tôi và ông bạn Liêu Chương Cầu lên Chợ Lớn làm lao công trong trường Phước Đức ở số 226 đường Khổng Tử (nay là trường Trần Bội Cơ). Chợ Lớn là nơi kinh doanh buôn bán của người Quảng Đông, cả người Việt vào Chợ Lớn buôn bán cũng biết nói tiếng Quảng Đông. Tôi là người Tiều Châu, tiếng Tiều còn nói không rành, làm sao biết tiếng Quảng Đông mà nói. Tôi và ông bạn Cầu chỉ lỏm bỏm được vài câu Quan Thoại cà chật cà vuột, nên nhiều khi văn phòng hoặc thầy cô giáo sai biểu hoặc nhờ cậy điều gì, phải nói tới nói lui mấy lần hoặc phải ra dấu thì mới hiểu được, nên các thầy bà đó gọi chúng tôi là "Ón Nàm Chẩy 安南仔" (tiếng Quảng Đông có nghĩa là "Thằng An Nam"). Và không chỉ ở trong trường, đi mua đồ, hay đi ăn cơm ở các sạp cơm bình dân, vì đang tập nói tiếng Quảng Đông nên phát âm không chuẩn, họ vẫn gọi chúng tôi là "Ón Nàm Chẩy" như thường.

50 tuổi (1998), định cư ở Mỹ, rồi phải chạy theo cuộc sống ở đây, đâu có thời giờ để mà đi học tiếng Anh. 56 tuổi (2004) nhập quốc tịch Mỹ, nhưng nói chuyện với Mỹ vẫn "mõi tay" như thường ! Và mấy người Mỹ làm chung ở trường học vẫn gọi tôi bằng Vietnamese mặc dù tôi đã là công dân Hoa Kỳ rồi, nghĩ có tức không ?! Nhưng nếu nói mình là người Mỹ, thì mình có nói rành tiếng Mỹ đâu mà câu mâu !? Nhưng, đây cũng là một điều bất công rất tự nhiên trên nước Mỹ : Người Đức, Người Ý, Người Pháp, người Anh... nói chung là người da trắng, khi nhập tịch Mỹ là thành ngay Mỹ Trắng. Người Châu Phi bất kể nước nào, nhập tịch Mỹ, thì thành Mỹ Đen. Nhưng người "da vàng mũi tẹt" nhập tịch Mỹ, không có ai gọi là "Mỹ Vàng" cả ! Ngay cả người da vàng với nhau, gặp nhau cũng hỏi : where do you come from ?( Bạn từ đâu đến đây ?) Ý muốn hỏi, bạn là người đến từ Đài Loan, Nhựt Bổn, Việt Nam, Đại Hàn, Phi Luật Tân...

Dưới 10 tuổi ở Cái Chanh, tôi là em bé quê Việt Nam, khi ra đến chợ Cái Răng thì thành "Ba Tàu", lên đến Chợ Lớn thì lại thành "Ón Nàm Chẩy". Qua đến Mỹ, mặc dù đã nhập tịch rồi vẫn bị gọi là Vietnamese !!! Việt Nam chê, gọi tôi là "Ba Tàu", nhưng họ chưa chắc đã giỏi tiếng Việt bằng tôi. Cũng như Tàu chê tôi, gọi tôi là "Thằng An Nam", nhưng họ cũng đâu có giỏi tiếng Tàu bằng tôi đâu ! Chỉ có Mỹ chê, gọi tôi là Vietnamese thì tôi chịu, vì tôi nói tiếng Mỹ rất " mõi tay". Rốt cuộc, Đỗ Chiêu Đức là người gì đây ?!

Nhờ các tiền bối, thân hữu "xử" dùm xem, Đỗ Chiêu Đức là người nước nào ? ( Chinese, Vietnamese or American ?)

Nay kính,

Đỗ Chiêu Đức

TB: Hỏi chơi thôi ! Chớ tôi là người Việt Nam chính hiệu mà ! Sanh ra và lớn lên ở VN, nơi chôn nhau cắt rún là VN, mồ mả ông bà tổ tiên ở VN, cha mẹ còn ở VN, anh em con cháu còn ở VN ... Chỉ có cái "gốc Hoa" mà thôi ! Mà đã là "gốc" thì mình đâu có chọn lựa được ! Qua Mỹ 20 năm (1998-2018) tôi không có về thăm "gốc" lần nào cả, vì có biết ai bên đó đâu mà "thăm", có thăm thì cũng có ai biết mình là ai đâu mà "viếng"! Nhưng, tôi lại về VN đến 10 lần, cứ chắc mót 2 năm đủ tiền mua vé máy bay là vợ chồng tôi lại bay về VN thăm Cha Mẹ, em út, con cháu và bà con cô bác .... Đặc biệt năm 2013 về VN đến 2 lần vì Ba tôi mất ... Không phải chỉ riêng tôi, mà tất cả người Việt gốc Hoa đều như thế cả ! Về thăm Trung Quốc chỉ là để du lịch khi dư dả, còn về thăm thân nhân ở VN mới là chánh ...

Người Hoa ở VN cho con cái học tiếng Hoa vì sợ mất gốc, cũng giống như người Việt Nam chúng ta hiện nay ở Mỹ cho con cái học tiếng Việt Nam cũng chỉ vì sợ mất gốc mà thôi ! 

Hỡi ôi ! Buồn thay cho " Cái thứ Ba Tàu !"

 

Đỗ Chiêu Đức

Tại Sao Ukraine Lại Quan Trọng?



Bạn có biết vì sao lúc nào Nga cũng muốn thôn tính Ukraina?
Đó là bởi vì:
Ukraina là quốc gia lớn thứ hai theo diện tích ở Châu Âu theo diện tích và có dân số trên 40 triệu - nhiều hơn Ba Lan.

Đứng thứ nhất ở Châu Âu về trữ lượng quặng uranium có thể phục hồi được

Đứng thứ 2 Châu Âu và đứng thứ 10 thế giới về trữ lượng quặng titan

Đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng quặng mangan đã thăm dò (2,3 tỷ tấn, chiếm 12% trữ lượng thế giới)

Đứng thứ 2 thế giới về trữ lượng quặng sắt (30 tỷ tấn)

Đứng thứ 2 Châu Âu về trữ lượng quặng thủy ngân

Vị trí thứ 3 châu Âu (vị trí thứ 13 thế giới) về trữ lượng khí đá phiến (22 nghìn tỷ mét khối)

Thứ 4 thế giới về tổng giá trị tài nguyên thiên nhiên

Vị trí thứ 7 thế giới về trữ lượng than (33,9 tỷ tấn)Ukraine là một quốc gia nông nghiệp quan trọng

Đứng đầu Châu Âu về diện tích đất canh tác; Đứng thứ 3 thế giới về diện tích đất đen (25% thể tích thế giới)

Đứng thứ nhất thế giới về xuất cảng hướng dương và dầu hướng dương

Đứng thứ 2 thế giới về sản xuất đại mạch và đứng thứ 4 về xuất khẩu đại mạch

Sản xuất lớn thứ 3 và xuất cảng ngô lớn thứ 4 thế giới

Sản xuất khoai tây lớn thứ 4 trên thế giới

Nhà sản xuất lúa mạch đen lớn thứ 5 trên thế giới

Đứng thứ 5 thế giới về sản lượng mật ong (75.000 tấn)

Vị trí thứ 8 thế giới về xuất cảng lúa mì

Đứng thứ 9 thế giới về sản lượng trứng gà

Vị trí thứ 16 thế giới về xuất khẩu pho mát (cheese).

Ukraine có thể đáp ứng nhu cầu lương thực cho 600 triệu người.

Ngoài ra Ukraine là một quốc gia kỹ nghệ phát triển quan trọng

Đứng đầu Châu Âu về sản xuất amoniac

Hệ thống đường ống dẫn khí đốt tự nhiên lớn thứ 2 của Châu Âu và thứ 4 thế giới

Lớn thứ 3 ở Châu Âu và lớn thứ 8 thế giới về công suất lắp đặt của các nhà máy điện hạt nhân

Đứng thứ 3 Châu Âu và thứ 11 thế giới về chiều dài mạng lưới đường sắt (21.700 km)

Đứng thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Pháp) về sản xuất máy định vị và thiết bị định vị

Nước xuất cảng sắt lớn thứ 3 thế giớiNước xuất cảng tua bin cho nhà máy điện hạt nhân lớn thứ 4 trên thế giới

Nhà sản xuất bệ phóng hoả tiễn lớn thứ 4 thế giới

Vị trí thứ 4 thế giới về xuất cảng đất sétVị trí thứ 4 thế giới về xuất cảng titan

Vị trí thứ 8 thế giới về xuất cảng quặng và tinh quặng

Đứng thứ 9 thế giới về xuất cảng các sản phẩm công nghiệp quốc phòng

Nhà sản xuất thép lớn thứ 10 thế giới (32,4 triệu tấn).

Một Ukraine như vậy thử hỏi tại sao mà Nga không thèm muốn tài nguyên của Ukraina


Nguồn: https://www.facebook.com/Gocnhinanam/posts/497595178579894

Trời Chiều Bóng Xế - Minh Lương

Sunday, February 27, 2022

Ngày Xuân Phiếm Luận Chữ Đồ - Trần Thị Nhật Hưng


Phóng tác theo ý tưởng của cụ Đồ Gàn

Trong “Phiếm Luận Về Chữ Đồ” của cụ Đồ Gàn, theo cụ, trong tiếng Việt không có chữ nào có nhiều nghĩa và nhiều ứng dụng bằng chữ “Đồ.” Chữ này chiếm một địa bàn rộng lớn vì nó được dùng để chỉ tất cả những dụng cụ tiện nghi mà con người sáng tạo ra để đáp ứng đời sống vật chất cho chính mình. Ví dụ như: Cái bàn, cái tủ, cái giường, cái ghế là… đồ đạc trong nhà. Cái cày, cái cuốc, cái xẻng là… đồ làm vườn, làm ruộng. Cây súng, lưỡi gươm, cung nỏ là… đồ binh khí. Con búp bê, trái banh, cỗ bài là… đồ chơi.

Cụ Đồ Gàn còn cho rằng, ngay đến những giai đoạn văn minh loài người cũng được mệnh danh qua chất liệu của đồ dùng chẳng hạn thời đại đồ đá, đồ đồng. Sở thích con người cũng đa dạng qua các món đồ: Đồ sứ, đồ vàng, đồ cổ… sưu tầm cả đồ phế thải.

Chữ đồ trong phạm vi ẩm thực thì có đồ ăn, đồ uống. Qua đó sở thích của con người cũng khác nhau. Có người thích đồ Tàu, kẻ thích đồ Tây, nhiều người chỉ muốn thưởng thức cây nhà lá vườn từ đồ Ta của ta thôi, nhưng tựu trung thì ai ai cũng chỉ thích ăn đồ nóng, uống đồ lạnh. Gấp quá, lười, hay không có thời gian nấu thì tạm thời ăn đồ nguội. Muốn dự trữ phòng bão lụt, chiến tranh thì dùng đồ khô. Rồi trong món ăn kẻ thích đồ cay, người thích đồ mát. Không muốn nấu chín thì ăn đồ sống. Thích nhậu thì ngoài bia, rượu còn có đồ nhắm mà khoái khẩu nhất phải kể là nhắm với đồ biển (hải sản).

Chữ đồ còn được dùng trong lãnh vực y phục. Khi ra ngoài, không ai phô trương đồ lót hay đồ cộc, mà phải mặc đồ tề chỉnh còn gọi là đóng đồ vía, có kẻ muốn lập dị còn chơi kiểu đồ quái dị nữa. Ngoài ra, đồ trang sức cũng không kém phần quan trọng, cần có để tăng thêm vẻ đẹp bên ngoài. Khi chưng diện tiệc tùng xong, về nhà, bao đồ dơ đem bỏ máy giặt. 

Ý nghĩa chữ đồ, không giới hạn ở thiết bị, ẩm thực hay nói chung vật dụng vô tri mà còn tiến lên bình diện con người. Người mổ heo thì gọi đồ tể, kẻ dạy học thì gọi thầy đồ, ông đồ hay cụ đồ. Tuy nhiên khi dùng chữ đồ nói về con người, thường hàm ý xấu. Không ai nói đồ tử tế, đồ thánh hiền, đồ đạo đức, đồ quân tử, đồ tốt bụng, đồ hiền lương hay đồ thủy chung mà chỉ nghe khi chửi nhau, thiên hạ ong óng lên, mày là đồ ba que, đồ xỏ lá, đồ sở khanh, đồ quạ mổ, đồ mất dạy, đồ khốn nạn, đồ lưu manh, đồ tiểu nhân, đồ chó đẻ, đồ dị hợm, đồ đểu cáng, đồ ba nhe, đồ mất nết, đồ mọi rợ, đồ phải gió, đồ nham nhở, đồ thối tha, đồ ăn cướp, đồ trộm cắp, đồ bê bối, đồ phản động, đồ phản quốc, đồ ác ôn, đồ nhỏ nhen, đồ bần tiện, đồ bủn xỉn, đồ bất nhân, đồ bất hiếu, đồ bất nghĩa, đồ hết thuốc chữa, đồ… đồ… đồ… Trời đất! Sao trong văn học Việt Nam lắm câu chửi thế. Hèn gì, lời tốt lành dành cho nhau thì quá khan hiếm nên khiến đất nước ta chiến tranh, đau khổ triền miên. Lời thị phi nhân ngãi cũng phát sinh tràn lan đến nỗi nhà văn Võ Hồng đã thốt lên:

“Thiên hạ luôn bủn xỉn lời khen mà hào phóng lời chê bai, chỉ trích…”  Hà!

Một nghĩa tự đồ thường thấy nữa liên quan đến khái niệm giáo dục chỉ về học đường, người ta thường nghe nhóm chữ quen thuộc đồ đệ, tông đồ, môn đồ, cao đồ. Từ khi còn bé ai cũng được học vẽ bản đồ, địa đồ. Lớn hơn một chút, qua các môn khoa học lý thuyết hay thực hành thì học đồ thị, đồ biểu, thiên văn đồ, sơ đồ, giản đồ, lược đồ, họa đồ. Khi đã học hết mọi thứ, những học trò giỏi trưởng thành có ý chí vươn lên trong quá trình học tập thường vạch ra cho mình những đồ án để thực hiện làm nên cơ đồ vẽ vang. Nhưng để ám chỉ những học trò hư hỏng, luôn có những ý đồ, mưu đồ không tốt, đã không làm nên trò trống gì cả còn phản thầy thì người đời gọi là đồ nghịch tử hay loạn đồ.

Nói chung chữ đồ theo cụ Đồ Gàn không chỉ rất nhiều nghĩa, nghĩa bóng, nghĩa đen như tôi vừa trình bày ở trên, mà nó còn góp phần đánh dấu từng giai đoạn lịch sử và văn hóa nước ta qua các bài thơ, phú, ca dao, hát nói.. v..v… Chẳng hạn qua bài:

Thầy đồ 

Thầy Đồ là người tài bộ

Quẩy cầm thư sang giáo thọ phủ Vĩnh Tường

Trước nha môn thiết lập học đường

Trò dăm đứa “chi, hồ, dã, giả…

Một hôm thầy Đồ nhàn hạ

Đồ ra hồ xem ả hái hoa

Ả hớ hênh ả để đồ ra

Đồ thấy đồ ngâm nga tức khắc

Xuân tiền lạn mạn hoa sinh sắc

Thủy diện vi mang bạng thổ thần

Đồ ngâm rồi, đồ đứng tần ngần

Đồ nọ tưởng đồ kia thêm thắc mắc

Đêm năm canh Đồ nằm khôn nhắp

Những mơ màng Đồ nọ tưởng đồ kia

Đồ ơi, gặp gỡ làm chi!

(Khuyết danh)

Chúng ta hình dung được phần nào về chiếc váy rất thuận lợi với khí hậu nóng bức vùng nhiệt đới và sinh hoạt đồng áng, trồng lúa, tát nước nhưng vô cùng hấp dẫn khêu gợi (nếu hớ hênh) cách trang phục của phụ nữ Việt Nam thời xưa đơn giản chỉ bằng mảnh vải quấn thân hoặc khâu kín thành ống mà trong dân gian đã ví von với niềm tự hào, hãnh diện về bản sắc văn hóa của dân tộc:

Cái ống mà thủng hai đầu

Bên ta thì có bên Tàu thì không.

Rồi cũng từ tự đồ, chúng ta nhìn lại lịch sử của dân tộc, trải bao năm bị đô hộ: Hết Tàu, Tây, cộng sản, chữ đồ đã được dùng trong một cuộc đối thoại để thấy tinh thần đấu tranh bất khuất của dân ta thể hiện dưới mọi hình thức, ở mọi từng lớp chống bọn ỷ thế phương Bắc, bọn cường quyền xâm lược một cách tài tình thâm thúy.

Một Đoàn Thị Điểm giả cô hàng nước đón tiếp sứ Tàu, đã dùng tài năng văn học đối đáp bén nhạy khi sứ Tàu đọc câu:

Nam bang nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh.

(An Nam một tấc đất không biết bao nhiêu người cày) có ý xấc xược, chòng ghẹo.

Bằng lời lẽ nghiêm trang, tác phong lịch sự, bà đáp ngay rằng: 

Bắc quốc đại trượng phu, giai do thử đồ xuất.

(Đại trượng phu nước Tàu cũng từ chỗ đó mà ra) đã khiến bọn ỷ thế phương Bắc khâm phục nước ta về mọi phương diện.

Tuy nhiên trong cuộc sống, bên cạnh các anh tài hào kiệt, vẫn không thiếu những bọn hèn nhát dù là bậc khoa bảng, muối mặt làm tay sai cho kẻ thù của dân tộc để cụ Nguyễn Khuyến vào thời Pháp thuộc đã phải than lên trong bài:

Ông Nghè Tháng Tám 

Cũng cờ cũng biển cũng cân đai

Cũng gọi ông nghè chứ kém ai

Mảnh giấy làm nên khoa giáp bảng

Nét son điểm rõ mặt anh tài

Tấm thân xiêm áo coi mà nhẹ

Cái giá khoa danh ấy mới hời

Ghế chéo, lọng xanh ngồi bảnh chọe

Tưởng rằng đồ thật hóa đồ chơi.

Nhìn chung, những kinh nghiệm đau thương đó, mãi đến nay vẫn chưa thức tỉnh được mọi người luôn luôn đắm chìm trong đau khổ, hết bị dày xéo bởi Tàu, Tây, Nhật, nay còn quằn quại dưới ách thống trị của cộng sản. Một lần nữa, chúng ta không quên được những biến cố xảy ra tại miền Bắc vào thập niên 50 đã phá hủy mọi truyền thống văn hóa dân tộc khi cộng sản du nhập lối sinh hoạt nhảy múa loạn cào cào “son, đố, mì” từ quan thầy Mao Trạch Đông lôi kéo thanh thiếu niên thoát ly khỏi hệ thống nề nếp gia đình đã khiến vô số chị em phụ nữ là nạn nhân của những vụ chửa hoang rồi tự tử để lại trong nhân gian những câu chửi rủa chế độ:

Đồ mi là đồ phá đồ!

(Nhại theo nốt nhạc của điệu nhảy múa trên).

Hoặc:

Người ta vì nước vì non

Cô ta lại chết vì “son, đố, mì.”

Thêm vào đó, gần đây nhất, biến cố 30.4.75, cộng sản thôn tính miền Nam đưa cả nước vào thảm trạng nghèo đói. Người dân thắt lưng buộc bụng chỉ trông ngóng vào những thùng quà từ nước ngoài do thân nhân vượt biên gởi về. Trong giai đoạn nghiệt ngã của chính trị và kinh tế như vậy, những bài ca dao phát xuất từ văn chương bình dân là bằng chứng hùng hồn nhất để tố cáo chế độ, một sự phản kháng âm thầm nhưng mạnh mẽ, đã in sâu, truyền bá rộng rãi trong tâm khảm của mọi người. Mới nghe qua, tưởng là những bài tiếu lâm thông thường, nhưng nếu đọc kỹ, xét kỹ ta mới thấy được thảm trạng đắng cay cười ra nước mắt của thời đại:

Hôm qua anh đến thành Hồ

Anh ra bưu điện lãnh đồ em cho

Đồ em vừa đẹp, vừa to

Vừa đã con mắt, vừa no cái mồm.

Trước tình cảnh đó, cộng thêm bài học chua cay từ sự sụp đổ chủ nghĩa xã hội của Đông Âu và Liên Xô, người cộng sản Việt Nam buộc lòng phải thay đổi chính sách để cứu vãn chế độ. Gọng kèm được nới ra. Đô la tư bản đầu tư ồ ạt tuôn vào giúp nền kinh tế Việt Nam có đà phát triển nhưng cùng lúc tệ nạn xã hội vốn dĩ đã trầm trọng lại càng trầm trọng hơn. Ngành giáo dục bị tuột dốc, trường học, nhà thương thì khan hiếm, thay vào đó, khách sạn, nhà chứa, ăn chơi đàng điếm tham nhũng trồi lên như nấm. Cái vẻ phồn vinh giả tạo của nền “kinh tế thị trường theo định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa” chỉ là cái vỏ ốc bóng loáng không còn ruột được trưng bày trong tủ kiếng hay như một khúc gỗ mục bị mối mọt đục khoét được sơn son thép vàng. Ca dao lại có dịp cười lên ha hả:

Đi chơi cho biết Đồ Sơn

Đi rồi mới biết không hơn đồ nhà

Đồ nhà tuy có hơi già

Nhưng là đồ thật hơn là Đồ Sơn!

(“Đồ Sơn” là một thắng cảnh ở miền Bắc).

Thôi, xin phép các bạn được ngừng tại đây. 

Trân trọng kính chào quí vị. Thân chúc quý vị một năm mới:

Sức khỏe dồi dào

An khang thịnh vượng

Vạn sự như ý.


Trần Thị Nhật Hưng

Khúc Vọng Buồn - Đỗ Công Luận