Tuesday, June 30, 2020

Cột Điện Hoa Kỳ Đang Trực Chỉ Việt Nam - Thầy Giáo Làng (Danlambao)


Chiều 8 tháng Sáu, 2020, Ngài Thủ tướng nước ta phát biểu trước Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2019 và những tháng đầu năm 2020, nguyên văn như sau: 

"Trước đây, sau năm 1975 một thời gian dài, người ta nói: Nếu cái cột điện biết đi thì chạy sang Mỹ hết. Còn bây giờ, thực tại nước Mỹ những tháng qua và nhiều nước khác thì ‘Nếu cột điện ở Mỹ biết đi thì sẽ về Việt Nam'."

Lời nói của Ngài Thủ tướng lập tức gây “bão mạng”. Kẽ không biết suy nghĩ thì vỗ tay đồm độp, cười khoái chí, khen hay. Người có chút suy tư thì "rụng rời tay chân" vì lối phát ngôn cẩu thả, hay nổ sảng của người đứng đầu chính phủ nước CHXHCN Việt Nam. Thêm một lần nữa, Ngài Thủ tướng làm trò cười cho thiên hạ. Các comment tràn ngập mạng xã hội mấy ngày qua là những lời giễu cợt. Trước đây đã có các biệt danh: Thủ tướng "Cờ Lờ Mờ Vờ", Thủ tướng "Ma dze in Vietnam", nay có thêm Thủ tướng "Cột Đèn".

Có người nói, câu “cây cột đèn cũng muốn ra đi” là của cố nghệ sĩ Hùng Cường sau mấy chục lần vượt biên tới Mỹ. Cũng có người nói quái kiệt Trần Văn Trạch chế ra câu này trong những lần biểu diễn văn nghệ tại hải ngoại. Dù tác giả là ai thì nó cũng đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam, và là bằng chứng cho sự thất bại toàn tập của chế độ XHCN trên toàn cõi đất nước sau 1975.

Lãnh đạo Việt Nam luôn né tránh sự thất bại này. Cố Thủ tướng cộng sản Phạm Văn Đồng đã nhiều lần gọi những thuyền nhân trốn chạy khỏi Việt Nam là thành phần xì ke, đĩ điếm, căn bả của xã hội. Nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dùng lai hình ảnh “cây cột điện” với mục đích ca ngợi những thành tựu của Việt Nam đạt được sau 45 năm “giải phóng”, nhưng cũng vô hình trung chấp nhận hiện tượng “cột điện cũng muốn ra đi” sau 1975 là sự thật. Và ngày nay những cột điện này có muốn trở lại Việt nam như Thủ tướng ví von hay không thì cần nhìn vào con số thống kê.

Theo Đài RFA:

Bộ Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc (United Nations Department of Economic and Social Affairs) ước tính từ năm 1990 đến 2015 có tới 2,6 triệu công dân Việt Nam rời đất nước đến sống ở một quốc gia phát triển hơn, tức trung bình mỗi năm có gần 100.000 người bỏ nước ra đi.

Viện Chính sách Di cư (Migration Policy Institute) thống kê cho thấy năm 1980, số người Việt Nam cư trú ở Mỹ là 231.000; năm 2000 lên đến 988.000 và năm 2017 đã là 1.343.000 người.

Con số du học sinh mới nhất được Student and Exchange Visitor Information System cập nhật vào tháng 3 năm 2019 là có 30.684 sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ ở tất cả các cấp, tăng 3% so với tháng 8 năm 2018.

Ngoài ra, hơn 90% du học sinh tìm cách ở lại Mỹ bằng cách này hay cách khác mà báo chí lề Đảng đã nhiều lần kêu gào "chảy máu chất xám".

Chưa hết, thử gõ vào Google thì sẽ biết bao nhiêu cô dâu Việt Nam lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc, Mã Lai...? Bao nhiêu thanh niên, thiếu nữ Việt Nam đi xuất khẩu lao động sang các nước tư bản? Bao nhiêu người rời bỏ Việt Nam đi đoàn tụ gia đình ở nước ngoài? Bao nhiêu người nhập cư lậu (bất hợp pháp) vào các nước Châu Âu, Châu Mỹ để tìm miếng cơm manh áo?

NHƯ VẬY NHỮNG CÂY CỘT ĐIỆN NÀO Ở MỸ MUỐN QUAY LẠI VIỆT NAM THEO LỜI NGÀI THỦ TƯỚNG?

Vài ngàn người đi du lịch qua Hoa Kỳ, gặp trúng mùa dịch Covid, không được thăm viếng đó đây, kẹt lại quá lâu, chán nản, hoặc hết tiền... nôn nóng muốn về.

Trường học đóng cửa, một số du học sinh chẳng biết làm gì, ăn không ngồi rồi lâu quá, hết tiền … nôn nóng quay về.

Một số du học sinh khác sang Mỹ không phải để đi học mà chỉ để đi làm kiếm tiền, chờ cơ hội lập gia đình với công dân Mỹ, nay vì các cơ sở thương mại đóng cửa, không đi làm chui được nên hết tiền... nôn nóng muốn về.

Còn cây cột điện nào ở Mỹ muốn về nữa hay không? Mong Ngài Thủ tướng liệt kê ra và cho con số thống kê rõ ràng!

Sao Ngài Thủ tướng mau quên quá? Mới tháng 10 năm ngoái, 39 "thùng nhân" chết cứng trong xe đông lạnh trên đường vượt biên vào nước Anh làm rúng động thế giới. Linh hồn của 39 nam nữ thanh niên Nghệ An - Hà Tĩnh đang giận, không siêu thoát được vì lời phát ngôn hớ hênh của Ngài, hớ hênh đến nỗi các báo nhà nước không làm sao có thể lấp liếm được, đành phải đục bỏ nguyên con lời vàng ngọc của Thủ tướng.

Bài hát "Nỗi Hờn Chưa Nguôi" được sáng tác tháng 10 năm 2019 để tưởng niệm 39 nạn nhân chết trong thùng xe đông lạnh. Xin được đăng lại để nhắc nhở những ai mắc căn bệnh mau quên rằng thì là người Việt Nam vẫn tiếp tục ra đi, hết Thuyền nhân, rồi tới Thùng nhân, rồi Phi cơ nhân như trường hợp 9 người tháp tùng chuyên cơ của bà Chủ tịch Quốc Hội công du Hàn Quốc vào tháng 12 năm 2018 bỗng dưng mất tích cho đến bây giờ.


Tháng Sáu Qua Mau - Đỗ Công Luận

Bài Học Cuộc Sống: Ai Hơn Ai?


Trong một khu vườn tuyệt đẹp kia có nhiều loại hoa đua nhau khoe màu tranh sắc: Hoa Hồng, hoa Hướng Dương, hoa Vạn Thọ, hoa Cúc, kể cả vài cụm bông Móng Tay và bông Mười Giờ.

Một ngày kia, có người đến nhìn ngắm những bông hoa đẹp, rồi lấy một cây thước ra đo chiều cao, chiều dài cũng như đếm số các nụ hoa. Xong ông ta bỏ đi.

Ý thức về chiều cao và độ lớn của mình, hoa Hướng Dương càng vươn cổ lên cao và nói: “Trong khắp khu vườn, không hoa nào lớn mạnh như chúng tôi”. Nghe nói thế, hoa Hồng lên tiếng: “Nhưng không hoa nào đẹp và tỏa hương thơm ngát như chúng tôi”. Không chịu thua ai, hoa Vạn Thọ góp lời: “Hai người nói thế nghe sao phải, to lớn và thơm tho nào có ý nghĩa gì. Hai người làm gì có được nhiều bông hoa như chúng tôi”.

Nghe những loại hoa trên tranh luận, các loại hoa Cúc, hoa Móng Tay và hoa Mười Giờ cảm thấy tủi phận. Hoa Móng Tay tìm lời an ủi hoa Mười Giờ: “Bọn mình không đẹp, không thơm, nhưng được cái là dễ trồng nên được nhiều người ưa thích”.

Sau đó, khu vườn trở lại yên lặng trong khoảnh khắc. Nhưng hoa Cúc phá tan sự im lặng nặng nề với những phát biểu sau đây: “Sao các anh, các chị lại có thể suy nghĩ thế? Bởi đâu các anh các chị lại tranh nhau về chiều cao, về độ lớn, về vẻ đẹp, về hương thơm. Anh chị quên rằng: Dù lớn hay nhỏ, dù mạnh hay yếu, dù đỏ hay vàng, mọi bông hoa đều nhận lãnh hình hài, vẻ đẹp và hương thơm từ bàn tay của Ðấng Tạo Hóa và dưới mắt Người chúng ta đều như sau. Mỗi chúng ta đều được Người ban cho đồng đều ánh sáng và hơi ấm của mặt trời. Mỗi bông hoa đều được Người cho mưa rơi xuống gốc và sương sa trên mình như nhau. Ðó là Mầu Nhiệm của lòng quảng đại và khoan nhân của Đấng Tạo Hóa”.

Sự phân bì, ghen tuông đã và đang làm khổ đau cho con người cũng bằng tính tự cao, tự đại hay ít ra tính phân bì, ghen ghét cũng làm cho chúng ta không được thư thái, bình an. Vì thế, có người đã đề ra những phương pháp sau đây như những điều kiện để được hưởng sự bình an trong tâm hồn:

– Nếu tôi không muốn so sánh mình với người khác, tôi sẽ cảm thấy hạnh phúc với những gì tốt đẹp nơi tôi.

– Nếu tôi không làm nô lệ cho sự thành công, tôi có thể sản xuất những thành quả tốt đẹp kẻ khác chờ đợi nơi tôi.

– Nếu tôi không để mình bị vướng vào mạng lưới của sự cạnh tranh, tôi sẽ thông phần và chia sẻ được những cái tốt đẹp hàm ẩn trong tất cả mọi người.

Theo: Lẽ sống
https://vntaiwan.catholic.org.tw/lesong/20lesong6.htm

Monday, June 29, 2020

Mưa Chiều Tháng Sáu - Đỗ Công Luận

Công Nghệ Deepfake Là Gì?- Lê Tấn Tài


Trí tuệ con người đang dần dần bị “trí tuệ nhân tạo” (AI=Artificial Intelligence) thay thế trong khá nhiều lãnh vực như chơi cờ vua, dịch thuật, y tế trị liệu, xử lý dữ liệu để tự học hỏi… Bài viết sau đây nói về một khả năng khác của AI đang làm con người hoảng sợ.

Bạn có thể nào tin cựu tổng thống Mỹ Barack Obama nói trước hàng triệu khán giả trên Internet “Donald Trump là một kẻ ngốc”, hay Mark Zuckerberg, ông chủ Facebook, khoe khoang “Tôi đang toàn quyền kiểm soát dữ liệu của hàng tỷ người dùng trên toàn cầu”? Chuyện giả mà không giả. Năm 2017, video giả mạo cựu Tổng thống Mỹ Obama được nhóm nghiên cứu đại học Washington dùng trí nhân tạo AI để ghép mặt của Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama với một giọng đọc giả, khiến cả thế giới kinh ngạc vì độ chân thật của video. Khái niệm Deepfake bắt nguồn từ thời điểm này.


Deepfake là gì?

Deepfake (tạm dịch là “Giả Hình”) là kết hợp của “deep learning” (học kỹ, sâu) và “fake” (giả mạo), đề cập đến các video bị thao túng, hoặc các sản phẩm công nghệ được tạo ra bởi Trí tuệ nhân tạo một cách tinh vi, cụ thể là “học sâu” (deep learning), nhằm tạo ra các hình ảnh và âm thanh bịa đặt nhưng rất giống thật. Công nghệ này được xây dựng trên nền tảng machine learning, mã nguồn mở của Google. (“Học máy” là một ngành khoa học nghiên cứu các thuật toán (algorithm) cho phép máy tính có thể học được các khái niệm (concept) như con người). Deepfake sẽ quét video và ảnh chân dung của một người sau đó hợp nhất vào một video riêng biệt, nhờ AI thay thế các chi tiết trên gương mặt như mắt, miệng, mũi với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật. Càng có nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều dữ liệu để “học”. Deepfake có thể gán khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngạc.


Ứng dụng tích cực.

Có thể nói các hình thức ứng dụng trợ lý giọng nói bắt chước các yếu tố thân mật của con người trong lời nói, bao gồm ngắt nghỉ và tín hiệu bằng lời nói như “hmmm”, có tính thực tế cao, như các cuộc gọi điện thoại trực tiếp, tạo cảm giác với người đối thoại rằng họ đang nói chuyện với một người thực.. Một ví dụ khác, cho thấy sử dụng âm thanh giọng nói để tái tạo giọng nói của người thân yêu đã qua đời là một điều mà mọi người cảm thấy kết nối tốt hơn với người đã khuất. Deepfake giả giọng nói còn có một công năng khác là khôi phục giọng nói của một người khi họ bị mất giọng vì bệnh, hỗ trợ giáo dục bằng cách tái tạo âm thanh của các nhân vật lịch sử, như CereProc tạo ra một phiên bản bài diễn văn cuối cùng của cựu Tổng thống Mỹ John F. Kennedy, người đã bị ám sát năm 1963.

Video deepfake có thể làm sinh động các phòng trưng bày và bảo tàng.. Đối với ngành công nghiệp giải trí, công nghệ có thể được sử dụng để cải thiện việc lồng tiếng cho các bộ phim tiếng nước ngoài, v.v… Sự phổ biến của Amazon Alexa và Google Assistant làm cho chúng ta sống thoải mái trong một thế giới hòa trộn giữa thật và giả. Các ứng dụng hứa hẹn nhất của AI đều nằm trong lĩnh vực giải trí. Từ nhiều năm nay, các đạo diễn phim ảnh đã hao tốn rất nhiều trong việc giúp phim hoàn hảo hơn nhờ kỹ xảo đồ hoạ, hay đơn giản là cắt ghép một khung hình, cảnh vật, con người vốn dĩ không hề ở đó nhưng vẫn xuất hiện trên màn ảnh. Chuyện vào năm 2013, khi nam diễn viên Paul Walker đóng phim “Fast and Furious” qua đời vì tai nạn ô-tô sau một buổi tổ chức từ thiện. Bộ phim lúc ấy chưa đóng xong, tuy nhiên hàng triệu người trên toàn thế giới hào hứng bất ngờ khi gương mặt của anh xuất hiện trong phần phim tiếp theo ra rạp. Ngày nay, AI tái tạo lại hình ảnh của nữ diễn viên quá cố Carrie Fisher trong vai Công chúa Leia trong “Chiến tranh giữa các vì sao”. Như vậy khi một diễn viên nổi tiếng qua đời, đạo diễn chỉ cần tạo ra một người giả tiếp tục xuất hiện trong các bộ phim khác. Vấn đề đạo đức ở đây là khả năng tái sinh những người nổi tiếng có thể khiến họ trở thành con rối cho các công ty, được tái tạo để quảng cáo sản phẩm hoặc nhãn hiệu, quyền tôn trọng bản thân của các nhân vật nầy cần phải được xét đến.


Ứng dụng tiêu cực.

Ba mươi năm trước, Photoshop xuất hiện và làm thay đổi cách con người tiếp nhận các dữ kiện vì các hình ảnh nhìn thấy có thể là sản phẩm của một quá trình cắt ghép kỳ công. Người ta nghi ngờ vào độ chân thật của hình ảnh và đặt niềm tin vào video, ghi âm vì đây là những thứ gần như không thể giả mạo. Nhưng Deepfake xuất hiện và phá vở thành trì của thế giới Internet.. Người ta có thể ‘đưa’ bất kỳ chính khách nào tới đâu, làm bất cứ điều gì, khi các video được phổ biến để hủy hoại ai đó. Việc áp dụng Deepfake là một điều thú vị, nhưng cần cảnh giác với nó. Trong thực tế, không nên tạo bất kỳ một video giả mạo nào dù chỉ đề mục đích cho vui! Nó có thể khiến chúng ta gặp những rắc rối pháp lý và ảnh hưởng đến danh tiếng của bản thân. Salvador Dali, người áp dụng thuật toán vào ảnh của Marilyn Monroe viết: “Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng đều là những phát minh mang tiềm năng lớn lao để phát triển vô tận, ẩn giấu nhiều chương sách mới còn chưa được khai phá nhằm mục đích chia sẻ, kết nối con người lẫn nhau trên toàn cầu. Dẫu vậy, vạn vật đều mang những thái cực đối lập song hành lập nhau, đi kèm với viễn cảnh tươi sáng vẫn luôn là những mặt tối phức tạp, trong đó có vấn nạn fake news, lừa đảo bằng tin tức giả mạo.”



Những nhân vật tiếng tăm rất dễ có nguy cơ bị tấn công bằng video giả mạo. Ngay cả những người phụ nữ bình thường cũng có thể bị người xấu dùng công nghệ này tạo ra những video khiêu dâm, khỏa thân giả mạo, xúc phạm đến danh dự và phẩm giá của họ. Một khi video đã bị phát tán trên Internet thì gần như không thể ngăn chặn nổi. Hơn nữa, rất khó để phân biệt tính thật giả của những nội dung này. Những nội dung sai sự thật sẽ hướng dẫn dư luận, làm hại đến uy tín và danh tiếng của các quan chức chính trị, nhà lãnh đạo doanh nghiệp, diễn viên, nghệ sĩ…, bào mòn niềm tin của mọi người với báo chí, cơ quan, tổ chức xã hội… Một vài ví dụ sau đây:


Đầu năm 2019, một nhóm tội phạm mạng đã lừa giám đốc điều hành công ty có trụ sở tại Anh trả cho họ 243.000 USD bằng cách sử dụng âm thanh deepfake giả giọng ông chủ của doanh nghiệp này qua điện thoại.


Tháng 6/2019, bộ trưởng chính phủ Malaysia bị cáo buộc xuất hiện trong một video quan hệ tình dục với người đồng giới. Hành vi này là bất hợp pháp ở Malaysia, dù những người ủng hộ ông tin rằng hình ảnh đó là giả mạo nhưng các chuyên gia lại không tìm thấy bằng chứng video bị cắt ghép.


Một ví dụ khác về sự kiện ở Gabon cuối năm 2018. Khi đó, Tổng Thống Ali Bongo Ondimba của nước này đã không xuất hiện trước công chúng trong vài tháng. Dư luận cho rằng tổng thống Ondimba bệnh nặng, thậm chí đã chết. Nhằm dập tắt tin đồn này, chính phủ đã công bố một video cho thấy tổng thống đọc diễn văn chức mừng năm mới. Trong video, ông Ondimba xuất hiện trông cứng nhắc với nét mặt thiếu tự nhiên. Video lập tức gây nghi ngờ và tranh cãi trên mạng xã hội. Các nhóm chống đối khẳng định video là sản phẩm của Deepfake và tổng thống đã qua đời. Ông Ondimba sau đó xuất hiện trở lại và tiếp tục lãnh đạo Gabon. Cho đến nay, giới chuyên gia vẫn chưa thể khẳng định đoạn video của ông có phải là giả mạo hay không?


Deepfake ngày nay hiển nhiên trở thành vũ khí hữu hiệu nhất trong chính trị.. Thông tin giả mạo có thể dẫn đến biểu tình, bạo động, gây bất ổn…Chuyện gì sẽ xảy ra, nếu trên mạng bỗng dưng xuất hiện một video deepfake mô tả ứng cử viên tổng thống đang quấy rối tình dục trẻ em, hoặc một cảnh sát trưởng đang xúi giục nhân viên thực hiện hành vi bạo lực với người dân tộc thiểu số, hay những người lính có hành động tàn ác trong chiến tranh…


Một giải pháp được nhiều nước cân nhắc là đưa ra luật quy định việc tạo và phát tán nội dung Deepfake là bất hợp pháp. Vào tháng 10, 2019, California quy định rằng việc tạo hoặc chia sẻ video, hình ảnh, giọng nói của các chính trị gia bằng công nghệ Deepfake trước cuộc bầu cử là phạm luật. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn không hiệu quả, do tính ẩn danh và không biên giới của Internet. Trong giai đoạn này, các hãng công nghệ lớn như Facebook, Google và Twitter phải hành động để hạn chế sự lan truyền của những video giả mạo.


Nghị Sĩ Marco Rubio nhận xét: “Ngày xưa, nếu muốn đe dọa Hoa Kỳ, đối thủ cần có 10 hàng không mẫu hạm, vũ khí hạt nhân và hỏa tiễn tầm xa. Ngày nay, tất cả những gì bạn cần là khả năng sản xuất một video giả mạo nhưng trông như thật, để gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử, đẩy nước Mỹ vào khủng hoảng và làm suy yếu chúng ta.”

Thông thường, các tin xấu và gây tranh cãi luôn lan truyền rất nhanh, nhưng các tin đính chính sau đó lại ít người biết tới. Tuy nhiên, nếu mọi người có xu hướng hoài nghi mọi video họ xem, kể cả thông tin chính thống, ông Hani Farid, một trong những chuyên gia hàng đầu thế giới về deepfake, nói: “Nếu bạn không còn tin những video hay những đoạn âm thanh mà bạn xem, đó thật sự là nguy cơ an ninh quốc gia nghiêm trọng.” Ông dự đoán trong tương lai gần, công nghệ Deepfake sẽ phát triển từ một hiện tượng lạ trên Internet thành một công cụ tàn phá xã hội, công kích chính trị. Ông cũng cho rằng mọi người cần có sự chuẩn bị để đối mặt với vấn đề này.


Ảnh ghép phim khiêu dâm.

Ác mộng mà Deepfake mang lại là sự giả mạo ghép ảnh phụ nữ khoả thân. Ghép mặt người khác vào nhân vật phim khiêu dâm đang ngày càng phổ biến, đặt ra những câu hỏi mới về vấn đề “lạm dụng công nghệ” tại Trung Quốc. Cuộc điều tra của tờ The Beijing News đã phát hiện ra nhiều dịch vụ làm việc nầy với giá chưa tới 1 USD.

Theo thống kê, tính đến tháng 9/2019, có 96% video deepfake chứa nội dung khiêu dâm. Có một số trang web chuyên phát những nội dung này và thu hút rất nhiều lượt xem trong suốt hai năm gần đây. Những nội dung trong đó hầu hết được tổng hợp từ những video với sự ghép mặt của những người nổi tiếng.

Ai cũng có thể là nạn nhân của Deepfake. Nếu một ngày nào đó bỗng nhiên bạn thấy mặt mình xuất hiện trong một bộ phim khiêu dâm và được lan truyền trên mạng, với tốc độ lan truyền nhanh như hiện nay thì việc một video khiêu dâm sẽ nhanh chóng đến tay bạn bè và người thân của bạn. Khi đó danh dự và mọi người sẽ nhìn và đánh giá bạn ra sao? Đây là ví dụ rõ ràng nhất cho thấy sự xuất hiện của công nghệ Deepfake đã khiến công chúng càng khó phân biệt đâu là thật giả. Và những người có ý đồ dẫn dắt dư luận sẽ cố gắng khai thác điều này, làm cho tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.


Cách tạo một Deepfake.

Mọi sản phẩm sử dụng trí tuệ nhân tạo đều trải qua hai bước chính: nạp dữ liệu đầu vào, sau đó dựng lên mô hình và lựa chọn một thuật toán để liên tục xử lý, “học” từ các mô hình đó.

Theo Reddit, dữ liệu đầu vào để tạo nên một video ghép mặt giả mạo rất đơn giản, nó chính là những bức ảnh công khai của diễn viên có trên mạng từ Google, những clip video có sẵn từ Youtube. Cách làm và công cụ cũng có sẵn, người dùng “deepfakes” chỉ cần thực hiện vài thuật toán mã nguồn mở như Google TensorFlow hoặc Keras để cho cỗ máy “học” và ghép khuôn mặt với độ giống cao. Quá trình “học” chính là đóng góp mấu chốt của trí tuệ nhân tạo.


Nhóm nghiên cứu Samsung hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo đã phát triển được một phương thức để hoạt họa hóa các bức chân dung cổ điển, khiến chúng trở nên sống động hơn bao giờ hết, phát triển một hệ thống dựng hình mặt người sử dụng với nguồn hình ảnh tĩnh cực ít, kể cả chỉ duy nhất một tấm hình gốc cũng có thể giúp nó hoạt động và làm giả được.


Rất khó tạo một deepfake nếu chỉ sử dụng một chiếc máy tính thông thường. Hầu hết các sản phẩm deepfake được làm nên từ các máy tính cao cấp với card đồ họa (hay còn gọi là card màn hình – Graphics card) mạnh mẽ, hay cao hơn nữa là sử dụng điện toán đám mây (cloud computing).



Deepfakes chất lượng kém dễ dàng bị phát hiện. Những khuôn mặt trên deepfake không thể chớp mắt như bình thường, vì thuật toán không bao giờ thực sự “học” về việc chớp mắt. Đồng bộ môi xấu, hoặc màu da loang lổ có thể giúp nhận ra đâu là video giả. Các chi tiết như tóc đặc biệt khó để deepfake có thể “render” (kết xuất đồ họa hay quá trình tập hợp các mô hình thành một hình ảnh) một cách mượt mà. Đồ trang sức hay răng làm ẩu cũng là một điểm cần chú ý, hay các hiệu ứng ánh sáng kỳ lạ, chẳng hạn như chiếu sáng không nhất quán và phản chiếu trên mống mắt sẽ là một căn cứ quan trọng để phân biệt. Các nhà nghiên cứu đã giới thiệu một công cụ cho phép nhận diện các video deepfake. Công cụ này còn có thể phân tích được những chi tiết mà mắt người không thể nhận ra, như phân tích phổ hoặc ánh sáng của bức ảnh để nhận ra vị trí khác biệt. 


Tuy nhiên, họ cũng thừa nhận phải liên tục phát triển để chạy đua với những kỹ thuật làm giả mới nhất. Đáng sợ hơn, Deepfake đang ngày càng được cải tiến và hoàn thiện vượt qua trí tưởng tượng của người thường, những video deepfake xuất hiện ngày càng nhiều và gia tăng với tốc độ chóng mặt trên mạng Internet. Theo thống kê của Deeptrace, tính đến đầu năm 2019, có 7.964 video deepfake xuất hiện trực tuyến. Chỉ sau 9 tháng, còn số này đã tăng lên đến 14.678 và tất nhiên vẫn tiếp tục tăng một cách nhanh chóng.


Đạo đức khoa học.

Phát minh nguyên tử năng hay Deepfake không mang lại lợi ich cho nhân loại bao nhiêu mà tai họa thì rất lớn.

Năng lượng hạt nhân là giải pháp mới để sản xuất ra điện năng so với các nguồn năng lượng khác và được cho khá an toàn, nhưng trong lịch sử đã chứng kiến nhiều sự cố về các nhà máy điện hạt nhân. Chất thải của nhà máy nguyên tử rất độc hại và tồn tại cả ngàn năm. Khả năng rủi ro rò rỉ phóng xạ cao là một hiểm họa cho sự sống muôn loài. Chưa nói đến vũ khí hạt nhân thật sự là một đại thảm họa cho nhân loại. Tính cho tới nay, chỉ có hai quả bom hạt nhân đã được sử dụng trong Thế chiến II tại Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản), đã cho thế giới thấy sức công phá và hủy diệt khủng khiếp của chúng. Ngày nay cả thế giới có trên 15.000 loại vũ khí hạt nhân và hãy tưởng tượng nếu có một lánh tụ điên khùng nào ra lệnh nhấn nút khai hỏa thì loài người sẽ tuyệt chủng, những người còn lại mức sống và tuổi thọ chỉ tương đương với thời kỳ trước Trung cổ. Ngoài ra, nó cũng sẽ hủy diệt hệ sinh thái và tác động khủng khiếp đến khí hậu Trái Đất.
Vũ khí hạt nhân tiêu diệt thế giới vật chất. Vũ khí Deepfake tiêu diệt giá trị tinh thần.


Sự giả mạo và dối trá.

Con người ngày nay sống trong một thế giới đầy sự giá mạo, dối trá, không ai còn tin những giá trị thật của lời nói, con người thật, sản phẩm hàng hóa thật. Các bộ phận trong con người như tóc, tai, mắt, mũi, chân mày, lông mi, đến cả ngực, mông đều có thể làm giả. Các sản phẩm mỹ thuật như cây, hoa, thú vật kiểng cũng được làm giả bằng các loại nhựa. Các mặt hàng giả, phẩm chất kém, đa dạng, đầy dẩy, gây thiệt mạng cho người tiêu thụ như phụ tùng an toàn xe hơi, mỹ phẩm… Thực phẩm giả ẩn chứa nhiều rủi ro cho sức khỏe như trứng giả chứa nhiều thành phần gây hại; mì giả làm bằng ngũ cốc hư thối; nước mắm giả được chế từ nước lã, muối, chất hóa học tạo màu, hương vị; thuốc chữa bệnh giả chứa độc chất nguy hiểm, kim loại nặng, hoặc gây chết người. Từ những thứ giả mạo đó, xã hội sinh sản ra những hạng người giả: bác sĩ giả (học dõm, trường dõm), giáo sư giả (bằng cấp dõm), thể tháo giả (dùng thuốc cường lực), tu sĩ giả (khẩu phật tâm xà) v.v…


Tương tác giữa người với người.

Mối quan hệ giữa người với người luôn tồn tại hai hiện tượng song hành đó là thật và giả. Thật, giả có lúc rất rõ ràng, dễ nhận biết, nhưng cũng có lúc lẫn lộn, phức tạp, khó nhận biết. Sự thật khách quan được hiểu cái gì đó là đúng hoặc có thể được chứng minh với bằng chứng cụ thể. Sự giả dối có thể nhận thức được từ ý chí chủ quan của một người. Người tạo ra sự giả dối đều có mục đích riêng của nó. Bà Vian Bakir, giáo sư truyền thông chính trị và báo chí tại Đại học Bangor Xứ Wales, viết: “Điều đặc biệt tồi tệ về thời điểm hiện tại là một số chính trị gia nổi bật… và các nhà lãnh đạo chuyên quyền trên khắp thế giới đã biến việc nói dối trơ trẽn trở thành thói quen và đương nhiên họ không quan tâm liệu họ có bị phát hiện hay không.” Bà nói thêm: “Tôn giáo trở thành tồi tệ khi người ta dùng nó làm chính trị – để bảo vệ quyền lợi của giáo hội, để tấn công “kẻ xấu”, để ủng hộ chiến tranh và xâm lăng, để tận diệt các văn hóa và tôn giáo khác, để bảo vệ giáo pháp, để thay trời hành đạo… nói chung là mọi việc có tính cách chính trị – dù các từ ngữ dùng nghe cao siêu đến thế nào.”


Quan hệ xã hội, kế cá các quan hệ thân thuộc như cha mẹ , vợ chồng, con cái , anh em, bà con , thầy trò, chủ tớ… phần lớn đều được giao tiếp qua sự giá dối. Phải nhận rằng, con người hiện nay sống theo quan niệm người khác, suy nghĩ theo người khác, nói theo người khác, hành động theo người khác, rất hiếm cái nào là thực tế khách quan, chân thật. Deepfake làm mất niềm tin, làm người ta không phân biệt phải trái, chân giả, cuốn vào guồng quay điên cuồng của nó. Phải nhận biết được sự thật, chấp nhận và đối diện với sự thật, lên án, bài trừ sự giả dối thì xã hội loài người mới phát triển theo quy luật tiến hoá của nhân loại. Nuôi dưỡng sự giả dối, tư tưởng dễ mất phương hướng, thiếu niềm tin chân lý, chìm ngập trong mơ hồ, ảo tưởng, làm nghiêm trọng thêm căn bệnh chủ quan, đưa đến hoang tưởng, cực đoan. Chừng nào con người trở về với chân tâm của mình thì chừng đó tâm mới an, xã hội mới bình. 


Lê Tấn Tài

(Tài liệu Internet)

Những Giống Chim Lạ

1. The Secretary Bird



2. Victoria Crowned Pigeon


3. The Harpy Eagle


4. Cock of the Rock


5. Blue Tailed Tit


6. Inca Tern


7. Strawberry Finch


8. Taiwan Blue Magpie


9. Mountain Blue Bird


10. South Philippine Dwarf Kingfisher


11. Blue Crowned Pigeon


12. Sword-Billed Hummingbird


13. The Black-Throated Bushtit


14. Crested Duck

15. Malaysian Large Frogmouth And Her Baby

16. Plate-Billed Mountain-Toucan


17. Mandarin Duck


18. Grandala


19. Bearded Reedling


Sưu tầm

Khi Tôi Nói Tôi Là Phật Tử( When I Say I’m A Buddhist) -Richard Gombrich


Link để đọc chi tiết -- > https://en.m.wikiquote.org/wiki/Richard_Gombrich

Huỳnh Chiếu Đẳng (Quán ven đường)

Tìm Lại Quê Hương - Hàn Thiên Lương

Sunday, June 28, 2020

Chuyện Thằng Lai - Phạm Phát

Phố cổ Hội An (hình internet)

Hắn là thằng con lai. Mẹ hắn là một phụ nữ ở vùng cát Quảng Nam bị Mỹ hiếp, dính bầu đẻ ra hắn.
Ông ngoại hắn chỉ có mình mẹ hắn, ngoài ba mươi mà chưa chồng. Thương con gái mồ côi mẹ, chừ lại gặp chuyện éo le, ông khuyên nhủ con gái:
- Thôi, xấu hổ chi con, tại chiến tranh chớ tại chi mình, ai nói chi kệ họ, con ráng giữ rồi đẻ ra để cha nuôi cho. Hắn cũng là con người, lại cũng là hột máu của mình, nhà mình lại đơn chiếc một cha một con, biết đâu ông trời ổng cho mình đó con…
Nghe lời cha, cô gái cúi mặt che bụng chịu đựng. Ơn Trời, mẹ tròn con vuông, tọt ra thằng cu gần bốn cân, khóc oang oang.
Ông ngoại ngồi ngoài phòng sinh nghe thấy, cười hề hà, bảo:
- Thấy chưa, hắn khóc tiếng Việt mình đó, oa... oa, cha tổ thằng cu, ha ha...

Tới ngày đầy tháng, đích thân ông ra chợ mua sắm đầy đủ lễ vật về, áo dài khăn đóng cúng vái rất kỹ lưỡng, cầu xin mười hai Bà mụ phù hộ cho cháu ông lanh ăn lẹ lớn, lớn lên thành người Việt mình đàng hoàng. Rồi ông đặt tên cho hắn là Phan Lai. Phan là họ nhà ông. Ông bảo với con gái: ngoại của hắn là đây mà nội của hắn cũng là đây. Con ráng nuôi hắn, sau này về già con nhờ. Rồi ông mà trăm tuổi thì hắn bưng nồi hương cho ông chứ còn ai vô đây?

Rồi đúng như lòng mong ước của ông ngoại và mẹ hắn, hắn lớn như thổi. Và càng lớn hắn càng giống một lính Mỹ nào đấy. Da trắng như bạch tạng, tóc râu ngô, mắt xanh lơ lơ, mỗi khi hắn nhìn ai thì người đó thấy như hắn dò xét họ điều gì. Được cái là từ ăn mặc cho chí chơi bời thì không khác sắp nhỏ hàng xóm. Thương nhất là lúc ngồi trong mâm ăn, mới tí tuổi đã biết gắp miếng ngon bỏ chén ngoại, cơm ghế khoai, rau lang luộc chấm mắm cái cứ bưng chén lua ào ào. Buồn cười nhất là khi nói chuyện với hắn, mặt mũi thì rặt thành phố mà giọng nói thì nhà quê một cục, ngó như một thằng bé giả.

Ngày đầu đi học, ông ngoại đưa tới lớp. Cô giáo sợ cháu mặc cảm, e dè, ra tận cửa đón vào. Không ngờ mới thả xuống đã sà vào giành đồ chơi của bạn. Rồi mẫu giáo, cấp I, cấp II cứ mỗi năm một lớp, còn được chọn vào đội học sinh giỏi toán của trường. Đi học một buổi, một buổi ở nhà quơ củi, chăn bò. Một lần để bò ăn lúa bị người ta dắt bò. Nghe lời ông hắn đến nhà người giữ bò vòng tay cúi đầu:
- Con xin lỗi ông. Con gửi bò cho thằng bạn ngó dùm chạy về nhà coi chừng siêu thuốc cho mẹ. Không ngờ thằng nớ ham chơi, để…
- Thôi thôi, biết thương mẹ rứa là tốt, ông tha cho… Rồi ông vào nhà lấy hai cái bánh, bảo: Hôm nay nhà ông có giỗ…
Lai ngửa hai tay nhận bánh: - Con cảm ơn ông. Rồi dắt bò về.

Cho đến một hôm…
Hôm đó, đi học về, vừa bước vào nhà, hắn thấy khang khác. Ông thì ngồi nhà trên lặng lẽ hút thuốc, mẹ thì ngồi dưới bếp thút thít, thấy hắn bước vào thì khóc to thành tiếng. Hắn hoảng sợ, quăng cặp sách chạy đến ôm mẹ: - Mẹ ơi, có chuyện chi rứa mẹ?
Một chặp lâu, mẹ hắn mới lau nước mắt, hỏi chậm rãi: - Con ơi, con muốn đi Mỹ không?
- Đi làm chi mẹ?
- Đi tìm cha con…
- Không, không! Không đi mô hết!
Hắn vừa dậm chân sừng sộ vừa khóc rồi vùng vằng ra ngồi dưới gốc cau ở góc sân. Bỏ cơm.
Tối hôm đó, hai ông cháu lên giường một lúc thì ông bảo hắn: - Con nè, chừ chính phủ Mỹ muốn đưa những đứa con lai về Mỹ. Có một nhà ở Sài Gòn muốn đưa mẹ con ba cây vàng để xin con về làm con, cho học tiếng Mỹ để cùng gia đình họ sang Mỹ. Ông thương hai mẹ con đứt ruột. Nhưng con nè, họ biểu: con có đi luôn đâu, cũng tỉ như đi du học, lâu lâu lại về. Nhà họ cũng rứa ngại chi. Với lại con tính, nhà mình đang khó, mẹ con lại đau ốm, không tiền thuốc thang.
Thằng bé nghe ông nói, nghe chừng xuôi xuôi, không nói gì, rồi cũng lăn ra ngủ.
Sáng hôm sau, hai vợ chồng nhà Sài Gòn đến. Hết vợ đến chồng dịu dàng thuyết phục hắn. Hắn cũng chỉ im lặng. Nhưng mọi việc sau đó diễn ra suôn sẻ.
Và quyển sách đời hắn từ đó, mở qua một trang mới. Năm đó hắn 15 tuổi, đang học dở lớp 9.

***
Vợ chồng nhà Sài Gòn chẳng ai xa lạ, chính là vợ chồng nhà Kim, bạn thân của gia đình tôi, đã mua Lai về làm con, cho học tiếng Anh trong hai năm trước khi qua Mỹ.
Qua Mỹ được vài ba năm chi đó, vợ chồng Kim về Sài Gòn, ra thăm tôi.
- Ông biết không - Kim kể - Hồi mới qua, vợ chồng tôi cứ phập phà phập phồng lo. Thiếu chi những đứa lai, lúc còn ở nhà cứ má má con con, khi qua đến bên nớ rồi, hắn dở quẻ “bà nớ mô phải má tôi”. Rứa là xôi hỏng bỏng không. Còn thằng này thì thương lắm. Ở nhà ăn ở với nhà tôi răng thì qua bên nớ vẫn y rứa. Hắn nói với bà xã tôi: “Ở nhà con có mẹ, qua đây con có má, má với mẹ bằng nhau. Ở nhà con không có em, chừ con có đến năm đứa em, ai sướng bằng?”.

Vợ chồng tôi cũng không phân biệt con nuôi con đẻ, phân theo tuổi nó là anh cả, và sắp con tôi cũng “chịu” anh cả lắm. Qua đến đó chúng tôi về định cư ở Houston bang Texas, cho gần gia đình bà xã tôi.
Vừa ổn định chỗ ở xong, cả nhà xáp vô làm ăn luôn: tôi nhận đi cắt cỏ cho các nhà vườn, bà xã làm neo(1), thằng lớn đi bỏ báo, sắp nhỏ đi học. Thằng Lai lúc thì phụ ba, khi thì giúp mẹ. Hắn í à, khéo tay lắm, mới mấy tháng đã được khách hàng khen, chẳng mấy chốc đã thành thạo. Khi đã thành thợ chính rồi, má hắn lập cho hắn một cuốn sổ giao hắn tự ghi công, đến cuối tháng trả lương sòng phẳng. Hắn cũng thích vậy, bảo: “Ba má cho con tập tự lập nhé. Rồi còn phải cưới vợ nữa chứ”.

Tưởng hắn nói chơi, không ngờ mới hơn một năm, một hôm hắn ngỏ ý với vợ chồng tôi muốn xin ra ở riêng.
“Chớ con định ở chỗ nào?” - má hắn hỏi. Hắn chỉ nói hai tiếng “có chỗ” rồi dẫn cả nhà ra xem. Một ngôi nhà nhỏ xiêu vẹo bỏ hoang giữa một khu vườn rộng. Mọi người nhìn ngôi nhà sắp sụp trố mắt nhìn hắn. Chưa kịp hỏi thì hắn đã nói con tìm hiểu kỹ rồi. Nhà này là của vợ chồng một người Mỹ, nửa đêm không hiểu vì sao người chồng lăn đùng ra chết, người vợ bỏ đi mấy năm nay không thấy trở lại.
Mấy đứa em hắn lè lưỡi: “Anh định đến ở đây? không sợ hả?” - “Sợ gì?”. Mấy đứa em gái la lên: “Sợ ma!?” - “Không có ma! Mà có anh cũng chẳng sợ!”.
Má hắn bảo: “Con đã suy nghĩ kỹ chưa?”. Hắn nói chậm rãi: “Con đã tính rồi. Ở đây về nhà mình chỉ vài tiếng xe đạp. Lúc rảnh rỗi, con tranh thủ đạp xe đến sửa sang dọn dẹp, trồng rau… Con sẽ làm cho ngôi nhà này hồi sinh. Chỉ xin ba má liên hệ nhà chức trách xin phép cho con, xin các em ủng hộ anh”.
Kim bảo:
- Bà xã tôi quá bất ngờ, thậm chí hơi sốc vì lâu nay thấy hắn làm ăn ngon lành, cũng có ý định giúp hắn vừa làm nghề vừa tập quản lý shop, đợi đến lúc đủ lông đủ cánh thì giao hẳn cho nó lập nghiệp.
Nhưng tôi thì không quá bất ngờ như bả. Lâu nay, cứ chiều chiều hắn một mình đạp xe ra ngoại ô, tưởng hắn đi chơi. Không ngờ hắn đã lặng lẽ chuẩn bị trước. Tôi chú ý hắn ngay từ hồi còn ở nhà, trong cái vóc dáng vị thành niên của hắn đã bắt đầu chớm nở, những ý tưởng vượt tuổi tác.

Vì thế tôi bàn với bà xã và các em, hết sức giúp hắn. Nhưng hắn bảo: “Con chưa ra ngay đâu, con sẽ làm cho ngôi nhà đó không còn là nhà hoang nữa mới đến ở”.
Và không phải đợi lâu, khoảng năm sáu tháng sau, nhà cửa tinh tươm, vườn tược tươi tốt. Sướng mắt nhất là cái giàn bí trước nhà, ngó y chang cái giàn bí của ông ngoại hắn ở quê, những quả bí mập mạp, xanh bóng chen nhau thòng xuống, ăn không hết hắn mang cho những nhà lân cận.

Đến cuối năm đó hắn mới đến ở. Đến hôm trước, hôm sau treo biển làm neo, lấy tên shop neo FANLAI. Chưa bao lâu, khách đến nườm nượp, phần lớn khách quen, còn có vẻ nhộn nhịp hơn shop neo của má hắn.
Chừ thì ngon lành rồi. Chưa đầy hai mươi mà ngó cung cách làm ăn của hắn đã khác mình. Tuồng như có sẵn trong máu hắn một cái gì đấy của xã hội công nghiệp. Hắn bảo với tôi: “Ba thấy con làm ri được không, các bà các chị các em ở Mỹ đến làm móng, con học tiếng của họ, khách hàng nhất là các cô trẻ thích học nghề, con dạy nghề cho miễn phí luôn, nhưng cứ mỗi tháng phải đến làm cho con một ngày, mà cũng chỉ trong năm đầu thôi”. Tôi hỏi: “Có ai học không?” - “Khối đứa, có đứa đã thành nghề đến làm cho con rồi đấy”. Ông tính hắn có ghê không? Lại còn ri nữa: Khi đã có người đến làm rồi, hắn giao shop cho họ coi, tranh thủ làm việc khác. Trồng rau, nuôi gà, đi nhặt vỏ đồ hộp. Một bao tải khoác vai, mũ lưỡi trai hất ngược ra sau, lúc đi bộ lúc đạp xe, lượm vỏ lon về đổ dồn đống ở góc nhà. Không khác chi một thằng ve chai Việt Nam trên đất Mỹ. Các em hắn chê “Bôi bác quá ông ơi”, hắn chỉ cười. Hắn rỉ tai tôi: “Dưới đống vỏ đồ hộp là cái “két” của con đấy, hằng ngày kiếm được đồng nào con bỏ vào một hộp bánh nhét dưới đó, cuối tuần mang về gửi má giữ hộ”.
Kim còn kể nhiều chuyện về thằng con lai của anh ta. Cứ sau mỗi chuyện thú vị, Kim lại lắc đầu kêu: - Cái thằng kỳ cục hết chỗ nói!

***
Bẵng đi trên chục năm. Trong thời gian đó, nhà Kim có về nước đôi lần nhưng chỉ ở Sài Gòn rồi đi.
Tết vừa rồi, hai vợ chồng về ăn tết ở Hội An có ra thăm tôi. Chuyện thằng Lai ngày trước Kim kể với tôi, tưởng đã quên đi, nay gặp lại Kim, bật nhớ. Tôi hỏi: - Thằng Lai răng rồi?
- Kỳ cục lắm, Kỳ cục lắm! Chừ không ai gọi thằng Lai nữa mà là David Phan.
- Vẫn làm neo chứ?
- Chuyện neo niếc để bà xã tôi hôm nào ở Huế vào bả kể. Còn David bây giờ thì… kỳ cục lắm ông ạ - Rồi Kim kể say sưa, phải súc bình trà đến mấy lượt.

Trước hết là chuyện vợ con của hắn. Ra ở riêng không bao lâu, một hôm hắn về bảo “Xin ba má cho con lấy vợ” - “Thiệt hay giỡn mi?” - “Dạ thiệt” - “Có sớm không?” - “Dạ, con quá hai mươi rồi. Với lại con cần có vợ sớm, vì mẹ con đau yếu, ông ngoại già quá rồi, con lại ở bên này, phải có người chăm sóc ông và mẹ” - “Vợ nào mà chăm sóc…!” - “Dạ, vợ Việt Nam, cưới xong vẫn ở Việt Nam, thỉnh thoảng con về” - “Bao giờ cưới?” - “Lúc nào ba má về được, con theo về cưới!” - “Cái thằng này! Vợ đâu mà sẵn rứa?” - “Dạ, con đã chuẩn bị một năm nay. Con ra tiêu chuẩn cho mẹ con ở nhà kiếm” - “Tiêu chuẩn thế nào?” - “Dạ, đơn giản thôi, ba điều: Một là: không cần đẹp nhưng đừng xấu, phải khỏe để đẻ và nuôi con. Hai: biết giữ tài sản, biết làm cho tiền đẻ ra tiền. Ba: biết thương mẹ và ông ngoại. Dạ chỉ rứa thôi”.
Tôi và má hắn ngã ngửa nhưng phải nghe hắn, chứ biết răng chừ.

Cuối năm đó cưới, cưới là vợ có bầu. Đến chừ hắn đã có ba đứa: hai trai, một gái. Bốn mẹ con hắn chưa một lần qua Mỹ. Hắn bảo: “Sẽ qua nhưng chừ chưa phải lúc”.
Vợ hắn từ một cô bạn học cùng học một trường, cùng đi chăn bò hồi nhỏ nay trở thành một nàng dâu đảm đang, quản lý cơ ngơi bạc tỉ mà hắn bảo “đáng điểm 10”.
Tôi nghe cũng bắt “ngã ngửa”, hỏi chen:
- Hắn làm gì mà giàu nhanh rứa?
- Thì ông tính: ở bên nớ hắn có tiêu chi, tích cóp được đồng nào gửi về nhà, mua đất ở Hội An. Lúc đầu mua miếng nhỏ, được giá bán mua miếng to hơn, đến nay hắn đã có một miếng đất lớn, ở một nơi đắc địa, không bán mà ký hợp đồng cho thuê 10 năm lấy tiền trước, bỏ ngân hàng. Chưa kể đất chung quanh nhà ông ngoại hắn, hắn đã mua thêm nay rộng rãi, vuông vức lắm!
Tất cả hắn chỉ đạo vợ hắn gần như hằng ngày, tiền bạc phải có sổ sách, chứng từ, chi tiêu theo đúng tiêu chuẩn cho người lớn cả trẻ con. Đúng là đâu ra đấy.
À, có một chuyện này tôi quên nói: Sau việc cưới vợ đẻ con, hắn làm gì ông biết không? Sửa nhà cho ông và mẹ và…làm luôn nhà thờ tộc Phan. Lần đó hắn về, ra Hội An thuê người vẽ kiểu, có ý kiến đến từng chi tiết - Có một đôi liễn treo trước bàn thờ, theo mẫu: “Ân quốc, ân gia, ân phụ mẫu/ Tạ thiên tạ địa tạ tiền nhân”(2). Hắn bảo sửa lại: “Ân quốc, ân gia, ân… hiền mẫu”. Chứ hắn có cha mô mà… phụ mẫu? Không biết hắn học ai mà rành vậy!
- Thật hết bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Nghe tôi bình luận vậy, Kim bảo, rồi còn bất ngờ với hắn dài dài. Ông tính: hắn văn hóa chưa hết cấp II mà trí thức của mình chừ nói chuyện với hắn phải cẩn thận. Ban ngày làm "neo", lượm lon bia, đêm vào máy đọc sách!
Thấy tôi cứ lắc đầu một cách thích thú, Kim bảo:
- Chưa hết. Nghe đây rồi coi có tin được thì tin. Từ hồi qua Mỹ, hắn về nước nhiều lần, nhưng có ba lần gần đây nhất, trước khi lên máy bay hắn đưa cho vợ chồng tôi giữ, cái gì ông biết không, di chúc!
- Trời, di chúc?
- Đúng, di chúc của hắn để lại cho vợ con, ngộ nhỡ…
Đến mức này thì tôi không còn ngạc nhiên nữa mà… tá hỏa! Kim bảo khi nhận cái di chúc đầu tiên, má hắn la dữ và khuyên hắn không nên làm chuyện xui xẻo. Hắn bảo: “Tổng thống mà có lúc còn bị nạn, huống chi... Cái gì cũng phải phòng trước là hơn”.
- Có nhớ nội dung các di chúc của hắn? - Tôi hỏi dồn.
- Hai cái trước thì không. Cái gần đây thì nhớ. Hắn chỉ dặn một việc: tương lai của ba đứa con hắn.
Thằng đầu Phan Nhất Việt đang học Đại học Nông nghiệp, phải trở thành nhà nông học giỏi, về nhà cưới vợ, chăm sóc ông và ba mẹ, hương khói cho ông bà nhưng quan trọng là phải biến vườn ông thành một nhà vườn kiểu mẫu theo phương pháp hiện đại.
Thằng em Phan Hậu Việt, đang còn học phổ thông trung học, phải vào Đại học Kinh tế, chuyên ngành quản lý du lịch, cưới vợ học du lịch càng tốt, xây khách sạn trên miếng đất Hội An, phải làm cho khách sạn mình thành khách sạn nổi tiếng ở phố cổ.
Bé út Phan Mỹ Duyên đang học phổ thông cơ sở, phải học giỏi để vào ngành sinh hóa ở Đại học Bách khoa, sẽ được sang Mỹ học cao hơn nữa để nghiên cứu chế tạo mỹ phẩm bằng cây cỏ Việt Nam và tiếp quản cơ ngơi của ba, xây dựng thành một mỹ viện ở Houston.
Và... - Kim đột ngột dừng lại như đang có vật gì vướng trong cổ, một lúc sau mới tiếp - Câu cuối cùng trong cả ba di chúc đều ghi thế này:

“Nếu tôi chết hãy đưa tôi về nằm ở quê ngoại tôi”.

Phạm Phát

Hạ Chờ - Trầm Vân

Quả Thật Có Nhiều Danh Hài Lãnh Đạo Nước Mỹ - Đinh Tấn Khương


Không biết có bao nhiêu danh hài trên thế giới đã trở thành những nhân vật lãnh đạo quốc gia. Người viết chỉ biết duy nhất có một người đó là Tổng Thống đương nhiệm của Ukraine.

Chẳng biết có phải sự thành công của vị tổng thống nầy là nhờ vào biệt tài hài hước hay không mà hiện tại có nhiều chính trị gia Mỹ đang noi theo nhằm nuôi hy vọng sẽ là cơ hội mang lại thành công trong mùa tranh cử năm nay tại một đất nước được đánh giá là văn minh và vĩ đại nhất thế giới. Trong số những người nầy có cả cựu phó tổng thống, cũng là ứng cử viên tổng thống 2020 Joe Biden và bà Nancy Pelosi, đương kim chủ tịch Hạ Viện cũng như các đồng đảng của bà.

Mọi người đều biết rằng ông George Floyd đã chết không phải hy sinh cho lý tưởng đấu tranh nhằm đòi hỏi công bằng cho người da đen. Trong suốt quảng đời của George Floyd,không ai nghe thấy ông đã tham gia sinh hoạt trong bất kỳ một tổ chức nào nhằm đòi hỏi quyền lợi cho những người da màu. Trái lại, Geoge Floyd là một người đã từng phạm tội nhiều lần, từng là diễn viên trong các bộ phim XXX, đã chết sau khi bị một viên cảnh sát da trắng chèn cổ bằng đầu gối trong vòng hơn 8 phút vì tình nghi đã dùng tiền giả với mệnh giá 20 dollars. Thế thì tại sao người ta lại coi ông như một vị anh hùng?

Lên án hành động bạo lực của vị cảnh sát là điều hoàn toàn đúng đắn và cần phải xét xử công bằng nhằm đem lại công lý cho nạn nhân. Nhưng, xem cái chết của George Floyd như là một vị anh hùng thì quả thật có gì ẩn chứa bên trong hậu trường!

Lợi dụng cái chết của một người để kích động dẫn tới bạo loạn, cướp bóc của cải cũng như nhiều mạng người vô tội khác nhằm đem lại quyền lợi cho một cá nhân hay một tổ chức chính trị thì đó là điều cần phải bị lên án!

Dĩ nhiên trong các cuộc tranh cử thì có nhiều cách để lấy lòng cử tri nhằm tranh thủ lá phiếu của họ. Người tài đức thì thuyết phục bằng cách đưa ra những đường hướng hoạt động nhằm mang lại lợi ích cho quốc dân. Người thiếu tài kém đức thì thường dùng mánh lới để lừa gạt những cử tri nhẹ dạ và thiếu hiểu biết.

Những năm trước 1975 người viết đã từng tham dự vào những cuộc vận động tranh cử cho ứng viên Hội đồng tỉnh và Dân biểu quốc hội. Người viết đã ghi nhận nhiều cách tranh thủ lá phiếu của những ứng cử viên thời đó. Ngoài các buổi tranh luận được tổ chức công khai nhằm đưa ra tôn chỉ hoạt động cũng như phản bác những đường hướng hoạt động của các ứng viên khác hầu thuyết phục cử tri. Ứng vên còn phải tranh thủ đến gặp và nhờ sự ủng hộ từ các vị chức sắc tôn giáo và các đoàn thể xã hội. Có khi người phối ngẫu của ứng viên đến gõ cửa từng nhà để vận động xin phiếu, nhưng tuyệt nhiên các ứng viên chân chính ít khi hạ mình vì cần phải giữ thể diện của một người dân cử.

Nhớ lại trong thời Tổng Thống Obama tại vị, một vị tướng quân đội Hoa Kỳ đã hy sinh tại chiến trường Afghanistan và được đưa về an táng tại Mỹ. Tang lễ đã được tổ chức với sự thiếu vắng của các vị lãnh đạo nhà trắng, Tổng Thống Obama và Phó Tổng Thống Biden đã không tham dự. Thế mà trong tang lễ của George Floyd, ông Obama đã đến viếng và rơi đôi dòng lệ, không ai biết những giọt lệ đó là dành để thương tiếc cho George Floyd hay là những giọt lệ mừng vui do cái chết nầy đã tạo nên một cơ hội ngàn vàng cho đảng dân chủ trong những ngày bầu cử sắp tới. 

Và trong buổi tang lễ, ông Joe Biden cũng đã quỳ gối trước quan tài George Floyd. Không ai biết ông đang nghĩ gì, hạ mình quỳ gối đề tỏ lòng tiếc thương một người đã chết không phải vì một lý tưởng nào cả hay chỉ là để lấy lòng những người da đen nhằm kiếm phiếu cho ngày 3/11 tới đây? 

Nếu gởi hình ảnh này tham dự kỳ thi Thách Thức Danh Hài Online, chắc chắn hai danh hài Trấn Thành và Trường Giang sẽ đặc cách cho Joe Biden được vào tham dự đêm Gala mà không hề do dự. 

Còn hình ảnh bà Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và các đồng đảng mang những chiếc khăn quàng cổ cùng quỳ gối gần 9 phút để mặc niệm George Floyd. Điều hài nhất đó là, những chiếc khăn nầy được một số bộ tộc tại châu Phi dùng quàng cổ trong những buổi tiệc cưới! Nếu hình ảnh nầy cũng được gởi để tham dự kỳ thi Thách Thức Danh Hài Online, bảo đảm hai vị giám khảo sẽ không thể thở được (cannot breathe) vì sặc cười.

Còn nhiều hình ảnh khác nữa, như hình ảnh Thị Trưởng Minneapolis khóc nức nở trước quan tài George Floyd, hình ảnh cảnh sát và người da trắng quỳ xuống rửa chân những nhà tổ chức đấu tranh cho người da màu lan tràn trên các mạng xã hội đã khiến cho nhiều người vừa tức vừa cười!

Có người thắc mắc, ông Obama không có cơ hội làm lãnh tụ một lần nào nữa thì tại sao lại quan tâm đến tình hình chính trị của đảng dân chủ?

Không, ông Obama không phải quan tâm đến tình hình chính trị của đảng dân chủ mà là quan tâm đến chính bản thân và gia đình của ông cho nên đã ra mặt ủng hộ và vận động cho ông Biden.

Bởi, nếu ông Biden đắc cử trở thành tổng thống thì chắc chắn quyền hành sẽ nằm trong tay ông Obama vì ông Biden sẽ cần sự hổ trợ đắc lực từ ông, như một đàn anh trước kia. 

Không những muốn nắm quyền lãnh đạo thông qua ông Biden mà thôi, ông Obama còn có tham vọng lớn lao đó là đưa bà Michelle Obama trở thành nữ tống thống đàu tiên của nước Mỹ. Nếu đúng như dự đoán của người viết, ông Biden mà chọn bà Obama đứng chung liên danh thì quả thật đó là những gì mà ông Obama đang mưu tính.


Bởi, biết rằng bà Obama không thể tranh cử thành công với những ứng viên khác trong cùng đảng dân chủ để chính thức trở thành ứng viên tổng thống. Cho nên ông Obama đã quyết định chọn đi con đường tắt, đó là chọn “đàn em” của mình là Joe Biden để dễ bề sai khiến, nắm quyền lãnh đạo và tạo cơ hội cho bà Obama.

Nhiều người nhận ra rằng, ông Biden có vẻ như “nhớ trước quên sau”. Vâng, đó là mấu chốt để ông Obama khuynh loát và chờ dịp để đưa bà Obama lên ghế tổng thống giữa kỳ, thay thế ông Biden vì lý do sức khỏe. Nhiệm kỳ kế tiếp thì bà Obama chắc chắn sẽ được đảng chọn ra tranh cử tổng thống, và một lần nữa ông Obama lại tiếp tục lãnh đạo nước Mỹ.

Người ta thường nói “người tính không bằng trời tính”, nhưng chuyện nầy thì chắc chắn sẽ tùy thuộc vào quyết định của đảng dân chủ, các cử tri cũng như tùy thuộc vào vận mệnh của nước Mỹ! 


Để kết thúc bài viết, xin được gởi đến quý độc giả hai bức ảnh sau đây để góp vui mà người viết đã chụp lại trên mạng xã hội và nghĩ rằng không cần chú giải vì bức ảnh đã nói lên tất cả.


Đinh Tấn Khương


Dăm Phút Rong Chơi - Đỗ Công Luận

Saturday, June 27, 2020

COVID-19: Lòng Vị Tha Và Nhân Ái - BS Hồ Ngọc Minh

Một cô gái đang tập yoga tại nhà ở England theo hướng dẫn trên tivi của huấn luyện viên Nick Higgins, người thành lập chương trình dạy yoga trực tuyến nhiều nơi trên thế giới với mục tiêu sẽ gây quỹ được số tiền 125,000 Bảng Anh nhằm giúp những người trong tuyến đầu chống đại dịch COVID-19. (Hình: Clive Mason/Getty Images)

Trong thời điểm này, dường như chúng ta đang sống trong một cơn ác mộng giữa ban ngày. Trên toàn cầu, xấp xỉ hai triệu người bị nhiễm coronavirus, với trên 120,000 ca tử vong, trong đó trên 22,000 ở nước Mỹ. Trong số những nạn nhân này cũng có những người quen, người thân yêu của chính ta, mà cũng là những người xa lạ. Tất cả chỉ là những con số thống kê nhảy vọt từng ngày. Trong khi ấy, tất cả những gì mỗi cá nhân có thể làm được và đóng góp được, là… ở nhà, để giúp ngăn chận sự lây lan của virus.

Trong khi thực thi biện pháp “cách ly xã hội”, chúng ta theo dõi tin tức về sự bành trướng dường như không ngừng của COVID-19, về những thương tâm của các ca tử vong tiêu biểu, và về những nhân viên y tế đã bất chấp những hiểm nguy, hy sinh cứu giúp người lâm bệnh. Rồi thì, không khác mấy một cuộc chiến tranh, có người đã nhiễm bệnh và gục ngã. Những chuyện nầy có làm cho ta động lòng trắc ẩn hay không?

Người ta ở nhà, đọc sách, rồi nghe nhạc, rồi sáng tác nghệ thuật, rồi chơi games, rồi học nấu ăn, học khiêu vũ…. Một số khác dành thì giờ để thiền định, để nhìn vào nội tâm, để cầu nguyện. Hết đi ra đi vào, rồi lại đi vào đi ra! Đi lanh quanh cũng về chốn cũ, gặp lại chính hình bóng của mình  trên bốn vách tường, và tự hỏi:
“Có thể làm được những gì khác hơn, có thể giúp được những gì trong lúc nầy?”

Đó là lúc mà lòng vị tha sẽ tìm đến. Lòng vị tha, ở đây, nằm trên cả lòng trắc ẩn. Khác với lòng trắc ẩn chỉ bao gồm thái độ đồng cảm với người khác, lòng vị tha bao gồm cả lòng trắc ẩn, cộng với một quyết chí hành động để cứu giúp người khác đang bị hoạn nạn.

Ông Tạ Đức Trí, Thị trưởng thành phố Westminster, cùng trụ trì và Phật tử chùa Điều Ngự, mang thực phẩm giúp đồng hương khó khăn trong đại dịch COVID-19. (Hình: Lý Trí Anh)

Thế thì, sự thách thức ở đây là, biết ai sẽ cần đến mình, và nếu có thì phải làm những gì? Thêm vào đó, nhiều người trong chúng ta cũng đã cạn kiệt từ thể lực cũng như trí lực, chưa kể đến cả tài lực.
Không phải ai cũng có lòng vị tha và nhân ái, mà có khi phải tự học hỏi và đánh động lương tâm. Lòng vị tha và nhân ái có thể đến dưới nhiều hình thức khác nhau. Ví dụ, cầu nguyện lên một đấng tin, ban phước lành cho người hoạn nạn, thật ra không phải là chuyện tiêu cực. Có một số người diễu cợt, trong khi COVID-19 đang hoành hành mà giới lãnh đạo lại kêu gọi cầu xin Thiên Chúa? Khi nói đến chuyện tâm linh thì không ai có thể giải thích được, và, cầu nguyện cũng tốn thì giờ và năng lực!

Tuân thủ ở nhà, cũng là một đóng góp tích cực để giảm thiểu sự lây lan của COVID-19. Bước đầu tiên là hãy tự thương lấy chính mình. Đây không phải là điều ích kỷ. Chúng ta phải đạt được sự cân bằng giữa tâm hồn, trí tuệ và thể lực, để rồi mới có khả năng đi giúp người khác. Tương tự như, trên máy bay, tự mang mặt nạ dưỡng khí cho chính mình, trước khi giúp đỡ người bên cạnh.

Bước tiếp theo, muốn giúp người thì có rất nhiều cách thể hiện, một khi ta đã có lòng nhân ái. Một khi đã có tấm lòng nhân ái thì hành động sẽ đến tự nhiên, không tự ép buộc.  Gần nhất là giúp người thân, bạn bè, hàng xóm, rồi mới đến giúp… thiên hạ dưới nhiều hình thức khác nhau. Tối thiểu là nên tránh chê bai chỉ trích, mà nên khuyến khích nhau với tinh thần lạc quan.

Giúp đỡ người khác là tự giúp đỡ lấy chính mình; trước tiên là người được hàm ân, và chính kẻ thi ân cũng được hạnh phúc. Mối tương quan hai chiều có cơ sở khoa học của nó. Nhiều nghiên cứu cho thấy, khi làm được một điều gì đó cho người khác, và mình cảm thấy vui, hormone “vui sướng” – dopamine, cũng như hormone “liên kết xã hội” – oxytocin, tăng cao hơn. Dưới sự điều khiển của hai loại hormone nầy, những hành động thi ân về sau sẽ trở thành một phản xạ. Đến lúc ấy, chúng ta không còn mặc cả với chính mình, nên làm điều thiện hay điều ác, nên cách ly hay nên liên kết?

Con người là một sinh vật xã hội, sống phải có gia đình, tập thể và đất nước, không thể bị “cách ly” mãi được. Tuy bị “cách ly xã hội”, nhưng với lòng tha nhân, ta lại nối kết xã hội nhiều hơn và giúp đỡ chính mình lẫn mọi người thoát khỏi tình thế bị cô lập.

Trong thời điểm đại dịch toàn cầu, nên lợi dụng thời gian và không gian để phát triển lòng vị tha bác ái, và biến nó thành một sự lây lan tốt. Chúng ta không nhất thiết là người sùng đạo mới biết đến vị tha và nhân ái. Xin kết luận với lời Đức Dalai Lama: “Từ bi không phải là hành vi tôn giáo, mà là hành vi của con người, không phải là một thứ xa xỉ, mà rất cần thiết cho hòa bình và sự ổn định tinh thần của chúng ta, cũng như rất cần thiết cho sự sống còn của con người”. 

BS. Hồ Ngọc Minh 
nguoi-viet.com