Saturday, January 31, 2015

Thiên Đàng Xa Xăm - Trầm Vân


Bộ Sưu Tập Đá Tiền Tỷ Của Đại Gia Đồng Nai

Cách đây 20 năm, từ vị trí phó giám đốc của công ty lên đến 600 người, ông Hùng (53 tuổi) nghỉ việc để xuôi ngược tìm đá. Có những viên được trả cả tỷ đồng nhưng ông không bán.


Ông Châu Chí Hùng (53 tuổi, ngụ phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai) đang sở hữu bộ sưu tập khổng lồ với gần 3.000 chủng loại đá và khoáng thạch. Đây là thành quả của 20 năm ông lặn lội khắp Việt Nam tìm kiếm.


Đại gia này dành hết không gian nhà, sân vườn rộng gần 2.000 m2 làm nơi trưng bày đá quý. Những viên đá đủ kích thước, màu sắc, hình dáng... được ông để trang trọng trên những kệ gỗ. "Trừ Hoàng Sa, Trường Sa là chưa đi chứ tỉnh thành nào tôi cũng đã đặt chân đến trèo đèo, lội suối tìm đá. Mọi người gọi tôi với cái tên 'Hùng khơi khơi' ý nói... hơi khùng khùng", ông nói.


Ông Hùng tốt nghiệp ngành Xây dựng ĐH Bách khoa TP HCM, từng được công ty xây dựng với quy mô 600 người trọng dụng, đề bạt lên phó giám đốc. Tuy vậy, làm việc chưa được bao lâu thì ông viết đơn xin nghỉ việc để theo đuổi niềm đam mê đá. “Năm 1994, tôi ra miền Trung để chuẩn bị xây dựng công trình. Trong một lần khảo sát địa bàn thì vấp phải hòn đá cuội, khiến ngón chân chảy máu. Tôi thấy cục đá toát lên vẻ đẹp nên mang về trưng bày. Từ đó, tôi yêu đá và quyết định nghỉ việc để lao vào cuộc sưu tầm đầy gian khổ", ông chia sẻ.


Để có thu nhập phục vụ sưu tầm đá, ông mở quán ăn. Bao nhiêu lợi nhuận, người đàn ông này đều đổ vào đá, khi thiếu thì vay mượn bạn bè. Chỉ cần biết ở đâu có đá quý, đẹp là lên đường. Trong ảnh là hòn đá quý chalcedony nặng đến 6 tấn, được mang về từ Đắk Nông năm 2002. Đây là viên đá nặng, lớn nhất trong bộ sưu tập.


Có nhiều mẫu đá để tự nhiên đã đẹp và quý nhưng khi qua khâu chế tác thì đẹp hơn như viên đá này. Vì vậy, ông mở hẳn một xưởng rộng 800 m2 để chế tác đá.  


Những viên đá ông sở hữu không chỉ quý mà còn độc đáo, có một không hai ở Việt Nam. Viên đá ông Hùng cầm trên tay nhìn rất bình thường, không có gì đặc biệt...


... Nhưng khi để vào bóng tối thì nó phát ra ánh sáng màu xanh ngọc bích rất đẹp. Ông Hùng cho biết trong một lần thăm xưởng đá vào buổi tối thì tình cờ thấy hòn đá phát sáng. Theo dõi nhiều tháng thì cường độ phát sáng của nó vẫn không đổi. Ông tìm hiểu nhiều tài liệu nhưng vẫn chưa biết nguyên nhân đá phát ra ánh sáng. "Trên thế giới, loại đá này rất hiếm và ở Việt Nam tôi chưa hề nghe nói về trường hợp này", ông nói. Có người thuyết phục ông bán viên đá 800 triệu đồng nhưng ông không đồng ý.


Viên đá hóa thạch trầm tích vẫn còn nguyên hình dáng xương cá có niên đại 100 - 180 triệu năm, được tìm thấy năm 2004 ở khu vực sông Sêrêpốk. Có người đã trả giá đến 1,2 tỷ.


Đây là viên Aragonit, một loại đá quý hiếm trên thế giới. "Đợt ấy, nghe tin ở Lào Cai có loại đá này nên tôi chạy xe từ Đồng Nai ra, vượt hàng ngàn km chỉ để kiếm mỗi viên này", vị cựu phó giám đốc cho biết.


Đây là viên đá thạch anh có cấu tạo đặc biệt. Ông Hùng quan niệm thú chơi đá là một nghệ thuật, mỗi viên có những giá trị và kỉ niệm khác nhau nên không phải ai cũng hiểu được ý nghĩa. Vì thế, dù có nhiều người trả giá cao nhưng ông không bán. Tuy nhiên nếu gặp người thực sự hiểu thì ông sẵn sàng tặng đá quý.

Một mẫu ốc hoá thạch tại nhà ông Hùng.


Còn đây là mẫu gỗ hoá thạch có niên đại hàng triệu năm. Ở tuổi 53, ông cho biết vẫn tiếp tục sắp xếp thời gian lên đường tìm kiếm đá cho thỏa chí đam mê. 

Theo_Zing News 

Cô Lành Về Quảng Nam - Phạm Thành Châu


Cô Lành ở Mỹ về Việt Nam tìm thăm bạn cũ. Xuống máy bay ở Sài Gòn, cô đón xe ra Ðà Nẵng, mấy hôm sau, cô đi Vĩnh Ðiện, một thị trấn nhỏ, cách Ðà Nẵng vài chục cây số. Thực ra, trước đó vài ngày, cô có vô Vĩnh Ðiện, hỏi han vài người ở bến xe điều gì đó rồi cô lại về Ðà Nẵng. Lần nầy, cô đi Vĩnh Ðiện sớm. Trời còn lất phất mưa nên cô Lành phải mặc áo đi mưa trước khi xuống xe. Khi xe vừa ngừng thì những người chạy xe ôm vây quanh mời mọc. Họ nhao nhao lên với cô: "Ði mô cô? Tui đưa cô về nghe! Mời lên xe". Cô Lành nói: "Tôi là khách quen của anh Hai Tí. Thấy ảnh đâu không?" Mọi người dãn ra: "Phải Tí Kế Xuyên không? Hắn ngồi quán đằng kia kìa"

Chữ "Kế Xuyên" dùng để chỉ những người nhà quê, bảo thủ, nhất là có giọng nói rặc Quảng Nam, giống như ta dùng chữ "Sịa" để chỉ dân Huế nhà quê. Tuy là Việt kiều nhưng cô Lành trông rất xập xụi. Cô mặc một bộ bà ba cũ, ngoài khoác áo đi mưa, mang đôi dép lẹp xẹp, tay cầm giỏ lác nhẹ tênh, giống các bà nội trợ, đi chợ buổi sáng về nấu ăn cho gia đình. Cô Lành theo hướng người xe thồ chỉ, đến một cái quán nhỏ, giống bất cứ quán nào ở bến xe thị trấn nghèo và vắng vẻ. Trước hiên quán là một chiếc bàn cũ với hai chiếc ghế dài. Một bình tích với bốn cái ly thủy tinh không được sạch lắm. Ngay bên trong là một cái kệ bày mấy thứ kẹo, bánh, chuối, ổi... Một người đàn ông, ngồi dựa lưng vào vách, tay cầm chiếc bánh ú, miệng nhóp nhép nhai, mắt nhìn tận đâu như đang suy nghĩ điều gì nên không thấy cô Lành bước vào.

Anh ta khoảng trên 40, người cao, ốm nhưng rắn chắc, da đen thùi, xương gò má nhô cao, hai mắt sáng trưng thụt vào hốc mắt như mắt con khỉ. Anh mặc bộ đồ nhà binh của lính Cộng Hòa cũ, đã phai thành màu xám mốc. Một chiếc xe đạp thồ tựa vào vách quán. Cô Lành hỏi: "Anh chạy xe thồ phải không?" "Dạ. Cô đi mô?" "Tôi đi nhiều chỗ lắm. Anh biết Thanh Quít không?" "Nhà tui ở đó. Răng không biết?" "Thanh Quít, nhưng vô tuốt trong xa. Anh đi nổi không?" "Ăn thua chi! Lên Di Xiên tui cũng đi tới. Cô chờ cho chút nghe. Tui en xong cái bánh ni là đi liền"

Anh xe thồ nhét phần còn lại của chiếc bánh ú vào mồm, trẹo trạo nhai rồi trợn mắt nuốt. Anh lấy cái bình tích rót một thứ nước vàng vàng vào ly, bưng uống cạn rồi lấy tay quẹt ngang miệng, coi như làm vệ sinh sau bữa ăn. Anh nói vọng vào trong quán: "Chập nữa quay lại tính tiền luôn nghe, chị Tư"

Anh đẩy xe ra, lấy chiếc áo đi mưa gài ở yên sau mặc vào. Áo đi mưa màu xám tro, dày súc, giống như áo của lính cứu hỏa. Anh mặc ngược để tránh gió lùa vào áo. Anh lấy miếng giẻ nhét dưới yên xe lau cái yên sau cho hết nước mưa. Yên sau là một miếng gỗ lớn, có bọc nệm, làm thủ công nên trông thô kịch nhưng chắc chắn. "Mời cô lên xe. Chừ đi mô đây?" Cô Lành ngồi lên yên sau: "Anh cho tôi vô chợ Vĩnh Ðiện, mua ít quà cho người quen". "Cô ngồi rứa không được mô. Phải bỏ hai chưn hai bên, ôm tui cho chẹt. Ðường đất khó chạy lắm, ngồi rứa té bể đầu, tui mang họa". "Ôm anh, vợ anh có ghen không?" "Vợ con chi tui. Mà có vợ, hén cũng không ghen được, chiện lồm en. Ghen tương, đúa trơ mỏ"

Anh xe thồ đạp ra đường cái một đoạn rồi rẽ xuống đường làng. Ðường tráng xi măng nhưng hẹp lại có người đi nên xe phải lách qua, lách lại như làm xiếc. Cô Lành thò tay vào trong áo mưa, vòng ra trước ôm bụng anh xe thồ. Chiếc xe đạp, vì bơm bánh cứng ngắt nên cứ nẩy lên từng lúc. Thỉnh thoảng xe thắng thình lình khiến ngực cô Lành ép sát vào lưng anh xe thồ. Ngực cô căng cứng. Anh xe thồ phải chạy chậm lại.

Xe ngừng ở đầu chợ. Cô Lành bước xuống: "Anh chờ tôi ít phút. Anh biết chỗ nào bán cam, sữa hộp không?" Vì bị cô Lành ép ngực vào lưng mình nên anh xe thồ cố ý nhìn mặt cô Lành, nhưng cô trùm mũ áo mưa sùm sụp, chỉ thấy được hai con mắt ướt rượt, đuôi mắt kéo dài ra, rõ ràng cô đang cười bằng mắt với anh ta. "Trong ni không có cam, quít chi mô. Sữa bò hợp ở quán tê tề"

***

Chợ Vĩnh Ðiện, gần Tết nên rộn rịp người mua, kẻ bán. Nông sản từ các làng lân cận đem đến. Khoai củ, gà vịt, rau quả. Ðặc biệt là rau và hoa, thứ hoa bình dân như vạn thọ, mào gà, phượng ta, cúc... khiến cho chợ rực rỡ, tươi mát, thơm tho. Có cả những cành mai của những nông dân đứng lóng ngóng đầu chợ, gặp ai cũng mời mua. Gà vịt cũng nhiều. Mấy chị đàn bà ngồi chò hỏ với mấy con gà, con vịt bị trói chân, nằm ngóc mỏ nhìn thiên hạ, vừa an phận vừa tuyệt vọng. Ai cũng đem hàng ra chợ để có chút tiền sắm Tết. Ðông khách nhất là mấy sạp vải, áo quần. Các bà, các cô lựa chọn, trả giá những mảnh vải nhiều màu sắc, những áo quần trẻ con đủ kiểu, lòe loẹt với hình những con thú, hoa lá... Cô Lành vào một tiệm tạp hóa mua mấy hộp sữa đặc. Cô tìm hàng cam, nho nhưng không thấy. Chợ nhà quê không có những hàng xa xỉ đó. Một lúc sau, cô Lành đi ra. Anh xe thồ đã trở đầu xe. Cô ngồi lên. "Chừ đi mô đây?" "Xong rồi. Anh đưa giùm tôi qua Thanh Quít"

Ðạp một lúc, anh xe thồ ngừng lại: "Hết mưa rồi. Ðể tui cởi áo mưa. Ðộp một chập nóng thố mồ hôi, hôi rình, cô chịu chi thấu". "Anh chở bồ, đổ mồ hôi, cô bồ có than hôi rình không?" "Bồ bịch chi mô. Chỉ có khách chịu trận thôi. Họ không núa nhưng tui biết". "Bộ thời đi học anh không chở bồ đi chơi sao? Ði ăn quà rong, đi về nhà hái ổi, hái me..." "Chiện xưa rồi cô ơi, nhớ lồm chi cho mệt óc". "Nhưng cô bồ của anh đâu có than hôi. Cô đó còn khen thơm nữa. Cô ta ngồi sau, hít hít cái lưng rồi khen, Thơm quá! Ðúng không?" "Cô tưởng tượng nghe cũng hay, giống tiểu thiết boa xu. Thôi, đi cho mau. Cô chỉ đường cho tôi". "Thì anh cứ chạy dọc bờ sông..." "Rồi tới mô?" "Gần hai chục năm, tôi cũng không nhớ rõ, nhưng trước nhà có cái máy bơm nước vô ruộng, có cái máng nước băng qua đường". "Năm bảy cái máy bơm nước, biết cái mô? Hễ thấy nhà, cô núa tui ngừng lại nghe! Cô đi thăm ai? Cô núa tên là tui biết liền. Tui sống ở đó từ nhỏ tới lớn. Ai tui không biết!" "Nói ra, sợ vừa đến là anh kêu rầm lên, Có khách đến thăm! thì đổ bể hết. Tôi muốn cho những người đó bất ngờ... cho vui"

Xe băng qua đường cái, đổ dốc, vào đường làng. Ðường đã được tráng xi măng. Một bên là sông, với hàng tre giữ bờ, một bên là đồng ruộng, đôi chỗ cất nhà, có cả nhà ngói, có quán bán lặt vặt, vừa là tiệm tạp hóa vừa làm quán ăn. Người đi đường cũng nhiều, không giống như trước đây, chỉ thấy ruộng và cây cối hoang tàn, nhà cửa xụp xệ. Chiến tranh đã chấm dứt, người dân không còn sợ bom đạn tàn phá nên đã chú tâm vào việc dựng lại nhà cửa cho khang trang. Anh Tí chăm chỉ đạp một lúc, không biết cô Lành muốn đến đâu nên nghi ngờ: "Không chỉ chỗ mô, tui đạp miết, cô phải trỏa nhiều tiền, thiệt hại cô thôi". "Ôm anh kiểu nầy, anh không thấy thích sao? Nghề của anh, khi chở các cô, coi bộ anh khoái lắm. Phải không?" "Tội nghiệp tui, cô ơi! Ðộp mệt thấy mẹ, sướng ích chi? Kiếm mấy đồng sống qua ngày". "Anh sống với ai?" "Có bòa mẹ. Mà nuôi không nổi. Bữa cơm, bữa chố!" "Anh cứ đạp từ từ. Tôi không gấp. Khi chở khách, anh có nói chuyện với khách không?" "Ðộp gần thì cũng núa mấy câu. Ði xa, thở bèng mũi, bèng miệng. Khi lên dốc phải nín thở mà độp, thố mồ hôi hột. Về nhòa chưn tay rõa rời. Có chi vui mô mà chiện trò!" "Bây giờ anh cứ tưởng tượng đang chở cô bồ sau lưng, thong thả đưa người đẹp ngắm cảnh, ăn quà rong... Anh sẽ không thấy mệt"

Anh xe thồ bỗng ngưng xe bên vệ đường, giọng nghiêm trang: "Tui chạy xe thồ kiếm mấy đồng chớ không chở bồ bịch chi hết. Chở bồ thì không lấy tiền công. Mà tui với cô có quen biết chi mô? Cô muốn bồ cô chở khỏi trả tiền thì mời cô xuống đây. Tui ăn cục núa hòn. Thà mất lòng trước được lòng sau. Ði mô cô không núa, lại ôm tui cứng ngắt, còn núa chiện bồ bịch. Lồm như tui ở không chở cô đi chơi..."

Cô Lành không giận còn đập tay lên lưng anh xe thồ một cách thân mật, cô cười mà nước mắt ứa ra, từ từ chảy xuống má. Cô móc khăn ra chùi nước mắt, khịt mũi và nói: "Tôi thuê anh từ giờ nầy đến 4 giờ chiều, anh đưa tôi ra lại bến xe về Ðà Nẵng. Anh tính bao nhiêu, tôi trả tiền trước. Anh yên tâm chưa?" Anh xe thồ dịu giọng: "Cô núa nhòa ai, tui đưa cô tới. Xin lỗi cô. Tính tui không thích núa chiện trai gái. Tui... bậy quá. Núa chộm tự ái cô"

Cô Lành ngồi im, không trả lời. Cô liếc nhìn anh xe thồ rồi ôm mặt khóc. Cô khóc ngon lành như cô bé bị mẹ mắng oan. Anh xe thồ bối rối. Anh không biết phải làm gì, đành vịn chặt chiếc xe cho cô ngồi khóc thoải mái. Cô khóc một lúc thì chùi nước mắt, giọng tỉnh rụi: "Hễ đạp gần đến nhà nào phía trước đường có cái máy bơm nước, dưới đường có máng dẫn nước vô ruộng thì anh nói tên người chủ nhà đó. Bây giờ cảnh vật thay đổi hết rồi. Ruộng nương đã thành nhà cửa... Xin lỗi anh, tôi khóc không phải vì bị anh rầy la mà tôi thương những người thân yêu của tôi quá!"

Anh xe thồ quay nhìn trộm cô Lành. Anh nhíu mày suy nghĩ rồi quả quyết: "Chừ ri. Tui chở cô đi dọc bờ sông. Ðến cuối đường, là chỗ con đường ni quẹo vô xóm trong, cua như hết con đường bờ sông, mà cô không tìm ra nhòa người thân của cô thì tui chở cô về lại bến xe để cô về Ðòa Nẻn. Tiền công thì tui tính như với người khoác. Chẻn thiệt hại tui mà cũng chẻn thiệt hại cô. Cô ngồi vịn cho chẹt nghe!" "Dọc đường anh biết được nhà ai thì nói tên chủ nhà đó. Như vậy tôi sẽ nhớ ra. Biết đâu cái máy bơm nước dời chỗ khác hoặc nhà tôi muốn tìm đã sửa sang, xây cất lại... Anh cứ đạp từ từ"

Anh xe thồ bắt đầu nói tên những nhà nào mà anh biết. Ðộ nửa giờ, khi qua một cái máy bơm nước, anh làm như không biết tên chủ nhà, đạp qua luôn. Nhưng cô Lành đã đập tay lên lưng anh xe thồ: "Anh dừng lại để tôi hỏi thăm. Nhà nầy coi bộ đúng rồi". Cô xuống xe, xăm xăm đi đến một ngôi nhà lợp tôn coi bộ nghèo khổ hơn các nhà khác. Anh xe thồ vội đạp xe chạy ngược lại, dùng chiếc xe làm rào cản, không cho cô Lành bước vào. "Cô biết nhòa ai đây mà cô dốm bước vô? Nhòa công oan. Họ bắt nhốt cô bây chừ!"

Cô Lành nhìn anh xe thồ cười: "Anh dấu em đâu có được. Em thấy là nhận ra ngay. Bộ anh không muốn em đến thăm bác sao?" Vừa lúc một người đàn bà từ trong nhà đi ra, tay cầm cái chổi, có lẽ để quét sân. Bà ta khoảng trên 60 tuổi. Cô Lành đẩy chiếc xe đạp của anh xe thồ qua một bên, bước vào sân và kêu lên: "Thưa bác. Bác còn nhớ con không?" Cô Lành kéo mũ áo đi mưa đang trùm đầu xuống, hai tay vịn lên vai người đàn bà, nhìn bà, miệng cười vui mừng và chờ đợi. Người đàn bà nhìn chăm chăm cô Lành: "Ai ri hè? Cua quen quen". "Con là con Lành đây nè. Bác nhớ ra chưa. Lâu quá! Mấy chục năm rồi..." Người đàn bà sững sờ, miệng mấp máy: "Trời đất! Lành đây hả con? Răng cua khoác quá! Nhưng boác cũng nhớ được. Con vô nhòa!" Bà ta mừng đến độ lúng túng, lập cập: "Vô nhòa, con. Trời đất ơi! Mấy chục năm mới gặp lại con. Răng, hai đứa gặp nhau ở mô mà chở nhau về đây? Ngồi đây con. Ở lại chơi, chiều về, nghe con. Hiện nay con ở mô? Chồng con ra răng? Lồm en có khá không? Núa cho boác mừng" 

Người đàn bà kéo cô Lành ngồi xuống bộ phản cũ sì, sứt mẻ, trầy trụa. Bà nói một hơi rồi nhìn cô Lành: "Choa mi! Gần hai chục năm chớ ít ỏi chi. Con ở mô mà boác bét anh Tí con roa Ðòa Nẻn tìm không thấy!" Cô Lành cúi mặt xuống, giọng giận lẫy: "Ðể đó mà ảnh tìm. Lúc nãy, gặp con ở bến xe, ảnh không thèm nhìn con. Con phải làm bộ thuê ảnh chở đi tìm người quen. Ði ngang qua nhà bác, ảnh chạy luôn. Bác nghĩ, có đáng giận ảnh không? Bác còn nhớ, lúc ảnh bị thương, nằm ở bịnh viện Duy Tân, con vô thăm ảnh, săn sóc ảnh. Vậy mà khi xuất viện về, con về đây thăm ảnh, ảnh nói đừng đến thăm nữa. Tôi sắp cưới vợ rồi. Từ đó con từ ảnh luôn, không đến đây nữa. Bác nghĩ coi. Tình nghĩa chi!"

Người đàn bà gọi "Tí! Dô biểu cua". Anh xe thồ, tên Tí, nãy giờ đứng lóng ngóng trước sân, bèn bước vô, ngồi xuống ghế, không nhìn cô Lành. "Răng con núa có vợ cho em con không đến đây nữa?" Anh Tí ngập ngừng: "Thương phế binh, nuôi cái miệng không đủ, đèo bồng vợ con cho khổ lây. Con núa rứa cho cổ không tới nữa. Mà chắc chi gioa đình cổ chấp nhận thèng thương phế binh. Phải biết thân phận mình chớ"

Cô Lành thút thít khóc: "Ảnh bỏ con đành đoạn. Trước đó ảnh viết thư nói thương con. Ảnh còn hỏi ý kiến con, bảo con thưa với ba má con, ảnh xin về phép, đưa bác ra Ðà Nẵng thăm gia đình con rồi xin làm đám hỏi, đám cưới, con có chịu không? Vậy mà chỉ mấy tháng sau, sau khi bị thương, ảnh bỏ con. Chắc có bồ rồi phản bội con. Bỏ mồi bắt bóng. Rồi bị cô bồ đá cho. Ðáng kiếp!" "Thiệt. Cái thèng! Mà xưa nay hén có bồ bịch, vợ con chi mô? Thôi bỏ qua chiện đó đi. Chừ con ở lại en cơm với gioa đình boác. Tí, ngồi núa chiện với em. Mẹ ra sau bứt mớ rau nấu miếng canh, en cho moát rụt". "Khỏi nấu nướng chi cho tốn công, bác. Lúc nãy ngang qua đằng kia, con thấy có gánh mì Quảng, nhờ anh Tí đạp xe đi mua cho tiện. Con về đây thèm mì Quảng"

Người đàn bà móc túi đưa cho anh Tí mấy tờ bạc: "Con mua boa tô, mượn luôn tô, chập nữa đem trỏa"

Cô Lành lấy mấy hộp sữa đặt trên bàn rồi đưa cái bị cói cho anh Tí đi mua mì. Mẹ anh Tí ngồi nói chuyện với cô Lành một lát thì xuống bếp nấu nước pha trà. Cô Lành ngồi ở nhà trên, vén áo mở cái túi nhỏ đeo trước bụng lấy ra một phong bì, trong đó có một xấp tiền và một lá thư. Cô đọc lá thư, ngẫm nghĩ một lúc, gạch xóa, viết thêm mấy dòng, bỏ lại vào phong bì, cô le lưỡi liếm mép phong bì, dán lại rồi đem xuống bếp, đưa cho mẹ anh Tí: "Ðây là lá thư con gửi anh Tí, khi nào con về rồi bác mới đưa cho ảnh"

Cô ôm mẹ anh Tí và khóc: "Con thấy ảnh khổ con đứt ruột. Lúc nãy ảnh chở con, con ngồi sau, ôm ảnh, thấy xương với da, lại nghe ảnh vừa đạp xe vừa thở dốc, con khóc một trận. Con biểu ảnh đạp chậm chậm, coi như chở bồ đi chơi, cho đỡ mệt, vậy mà ảnh cự con, ảnh nói chở bồ không lấy tiền công. Ảnh chạy xe thồ, chở đi thì phải trả tiền công. Không biết ảnh có nhận ra con không mà không nghe ảnh nói với con được một tiếng dịu dàng. Chắc ảnh không còn thương con, không nhìn mặt con nữa. Phải không bác?"

Mẹ anh Tí vuốt tóc cô Lành, thở dài: "Hén không thương con thì thương ai? Hén thấy mình nghèo khổ quá nên gặp boạn bè, hén cũng giỏa lơ. Con về ghé thăm gioa đình boác rứa là quí rồi. Chừ thì đường ai nấy đi. Con cũng phải lo cho gioa đình con. Con thương hén, nhưng con phải giữ cái đức hạnh của người đàn bòa, phải bổ vệ hạnh phúc gioa đình con..." "Con đâu có chồng con chi. Ðời con, chỉ thương có mình anh Tí. Nay con về tìm thăm ảnh, tưởng ảnh đã lập gia đình rồi, không ngờ ảnh chưa có chi hết, con mừng lắm. Giả dụ như ảnh không còn thương con nữa, con cũng quyết không để ảnh với bác phải khổ đâu. Con nói điều nầy, bác khoan nói cho anh Tí biết, là con hiện ở bên Mỹ, con còn độc thân, con đi làm, không gọi rằng giàu nhưng lương khá lắm. Nếu ảnh tự ái không nhận sự giúp đỡ của con thì con gửi tiền giúp bác. Trường hợp ảnh còn thương con thì nhờ bác nói giùm con với ảnh. Con không lấy chồng vì thương ảnh, nếu ảnh không chịu cưới con thì con nhất định làm gái già chứ không lập gia đình với ai hết. Nhờ bác nói giùm con nghe bác. Hay là bác nói, ảnh không thương con cũng được nhưng phải cưới con để con về phụ với ảnh săn sóc bác, bác đã lớn tuổi rồi, bác cần một người đàn bà săn sóc khi bác ốm đau, bịnh hoạn. Thỉnh thoảng bác nói một câu, lâu ngày ảnh sẽ nghĩ lại"

Mẹ anh Tí đẩy cô Lành ra, nhìn cô và trầm trồ: "Chu choa, con là Việt kiều hả? Reng en mẹc nghèo khổ rứa? Boác cũng không ngờ. Con lồm rứa là con biết ý thèng Tí. Con mà xưng Việt kiều, hén không tiếp con mô". "Bởi vậy con mới ăn mặc như thế nầy. Bác cất lá thư đi, khi con về rồi thì đưa cho ảnh nghe bác. Thấy bác còn mạnh khỏe, con mừng lắm". "Hai boác, anh chị em con, còn ai ở đây không? Hai boác có mạnh khỏe không?" "Dạ, qua hết bên Mỹ rồi. Cám ơn bác, ba mẹ con vẫn khỏe. Ba mẹ con cứ thắc mắc, tại sao, hai đứa con, con với anh Tí, tự nhiên chia tay? Con không biết trả lời sao! Bác dọ ý ảnh, khi nào ảnh xiêu lòng thì bác nói ảnh chuẩn bị cho con một số giấy tờ. Khai sinh, bản sao hộ khẩu, chứng minh nhân dân của ảnh và của bác. Qua Mỹ, con làm giấy tờ gửi về ảnh, biểu ảnh ra dịch vụ cho họ làm giấy tờ hôn thú. Bác cứ nói đại khái. Lần sau con về sẽ lo tiếp". "Nhưng con phải núa trực tiếp với hén..." "Dạ, lát nữa ảnh về con sẽ nói với ảnh"

Hai người đàn bà tâm sự với nhau một lúc thì anh Tí đem mì Quảng về. Ăn uống xong, mẹ anh Tí giành phần dọn dẹp, ra sau bếp rửa chén bát, còn lại cô Lành và anh Tí ngồi ở nhà trên. Anh Tí rót nước trà mời cô Lành: "Mời cô!" Cô Lành chống cằm nhìn anh Tí: "Anh không kêu em được hay sao? Có gì mà coi bộ anh giận em dữ lắm?" Anh Tí ngồi nhìn ra đường: "Lâu quá không gặp, thấy lọa, nên ngại, chứ chẳng có chi giận hờn". "Sao lúc chở em, anh nạt nộ em, làm em sợ anh". "Ðâu biết. Tưởng người lọa. Ðời mô tui nhìn đàn bòa, con gái"

Cô Lành mở to mắt, nhìn sát mặt anh, thì thầm hỏi: "Có phải anh bị thương rồi có chuyện gì xảy ra cho thân thể anh không mà anh không thèm nhìn đàn bà, con gái?" Anh Tí bưng ly nước uống: "Chỉ bị thương cánh tay, bất khiển dụng ở tay, chớ có chi thay đổi mô! Ai cũng thay đổi hết, chỉ mình tui. Ðời ni là rứa đó!" "Vậy là em biết tại sao anh giận em rồi. Anh tưởng em thay lòng đổi dạ. Ðã có chồng hay ít ra cũng bồ bịch tùm lum. Phải không?" "Tui đâu dốm. Ai muốn nghĩ răng thì nghĩ. Có tật giựt mình"

Cô Lành thò tay qua, đăït bàn tay mình lên cánh tay anh Tí, vừa dịu dàng vừa bạo dạn: "Em Lành của anh vẫn lành lặn như xưa. Em sẽ chứng minh cho anh thấy. Em để dành cho riêng anh thôi. Lúc nào anh muốn cũng được"

Anh Tí quay nhìn cô Lành mắt trợn lên kinh ngạc nhưng coi bộ hết giận: "En núa kiểu chi? Học mô roa?" "Bây giờ anh nói thật cho em rõ. Trước đây, vì sao anh nói anh sẽ có vợ, đừng đến nữa? Anh có biết, anh nói câu đó mà em bịnh một tháng, khóc hết nước mắt...?" "Thân trai trỏa xong nợ nước, tàn phế, nuôi thân không xong, lấy chi nuôi vợ con? Cũng may cho cô. Cô lấy tui, sau bảy lăm, làm răng nuôi chồng trong tù, nuôi con, nuôi mẹ? Ngay bây chừ, cô nhìn nhòa tui đây, trống trước, trống sau, gộ không đủ nấu. Cô ở được mấy bữa?"

Cô Lành bóp chặt cánh tay anh Tí: "Chuyện đó để em lo. Em chỉ hỏi anh. Anh còn thương em không? Mà không còn thương em, em cũng chấp nhận nữa. Miễn là anh cho em được thương anh, để em được gần anh, gần mẹ, săn sóc cho mẹ. Khi anh đi lính, em thường đến thăm mẹ. Mẹ coi em như con nên em cũng coi như mẹ ruột. Sau nầy, mẹ sẽ già yếu, anh là con trai, làm sao săn sóc cho mẹ được?" Anh Tí yên lặng, rót nước uống rồi nói: "Thôi được! Nhưng cô chờ cho tuần sau, khi tui xây lại nhòa ni thành nhòa lầu, sắm một cái TV màu, một chiếc Hon đoa mới tinh... rồi tui roa Ðòa Nẻn đón cô về". "Bộ anh hóa phép màu hay sao?" "Phép tét chi! Tui trúng độc đét, chi không có! Tuần ni không trúng thì tuần sau, tuần sau nữa. Cô cứ chờ, chớ tui đâu có phụ rảy chi cô. Chờ tới khi tui già, cô già, rồi chết là xong. Cô núa chiện trên trời! Trừ khi cô là triệu phú thì họa may. Nhưng cô giàu có, thì tui thòa chết còn hơn là nhờ cô". "Anh cũng bị tù cải tạo sao không đi diện HO?" "Tui đi tù. Bịnh sắp chết, chúng cho khiêng về chôn. Không biết răng, tự nhiên hết bịnh. Chưa đủ boa năm". "Bây giờ em lo được giấy tờ để anh và mẹ qua Mỹ. Anh nên vì em, vì mẹ mà đi Mỹ. Nghe anh!" "Lồm giấy tờ giỏa mộ chỉ có đi tù chớ đi Mỹ chi!" "Nhưng em làm giấy tờ hợp pháp, anh có đi không?" "Dại chi không đi. Nhưng tiền bọac, chi phí tính răng?" "Qua Mỹ, anh làm có tiền, trả lại em". "Nhưng có chiện chi, tui không đi tù lần nữa đâu. Tui ngán đi tù rồi". "Bảo đảm với anh không sao đâu. Miễn anh ừ một tiếng thì em lo xong ngay. Ừ đi anh!" "Tui biết cô chẻn lồm được chi mô, nhưng tui cũng ừ cho cô vui lòng". "Nhớ nghe! Hứa là phải giữ lời. Anh nhớ lúc còn đi học, mỗi khi anh và em hứa với nhau điều gì, mình thường ngoéo tay nhau. Bây giờ mình cũng ngoéo tay đi anh". "Thôi thôi, giòa đầu rồi, đừng lồm trò trẻ!"

Anh Tí lại làm nghiêm, cô Lành thì tìm cách sao cho anh ta cười. Cô biết tính anh Tí, nên không lấy đó làm buồn. Cô chợt hỏi: "Con Hạnh còn ở bên nhà không?" "Hén có đi mô! Giờ ni chéc hén về rồi. Hén lồm bánh bông loan bỏ mối ngoài chợ Vĩnh Ðiện và mấy tiệm en, quán nước. Ðể tui qua cua thử"

Khi anh Tí qua nhà cô Hạnh thì cô Lành lại kéo áo mở cái túi đeo trước bụng, móc ra một tờ trăm đô, xếp nhỏ lại bỏ vào túi. Ðây là quà cô dành cho cô bạn tên Hạnh, cũng là hàng xóm của anh Tí. Chỉ 5 phút sau, cô Hạnh theo anh Tí đi vào. Anh Tí hỏi: "Mi biết ai đây không?" Cô Hạnh nhìn cô Lành, tần ngần một lúc rồi nói: "Ai ri hè? Coi giống con Lành! Phải mi là con Lành không mi?" Cô Lành đứng lên cười cười: "Cho nói lại lần nữa. Cố nhớ coi!" Cô Hạnh la to lên: "Tổ cha mi! Mi là con Lành chớ ai vô đây?" Hai cô nhào vô, ôm nhau. Cô Hạnh ứa nước mắt: "Mấy chục năm ni mi đi mô? Tao bắt ông Tí đi tìm mi mà không biết mi đi mô?!" Rồi cô Hạnh cười: "Tính tao hay khóc. Gặp mi tao mừng quá!" "Bộ mi khóc mừng gặp lại tao không đáng mấy giọt nước mắt sao mi tiếc. Ðừng làm như ông Tí. Gặp tao không thèm nhìn, còn nạt nộ tao nữa". "Ông đó tàng tàng. Ðừng thèm để ý. Chừ mi qua nhà tao chơi. Ở lại với tao, mai về được không? Hay là sợ heo kêu, con khóc, chồng đòi tòm tem mà đòi về sớm?" "Chồng con chi tao! Cầu cho có người đòi tòm tem mà người ta không thèm"

Cô Lành nói với anh Tí: "Anh Tí chờ em qua nhà Hạnh rồi về ngay nghe. Em cần nói với anh chuyện nầy"

Cô Lành qua nhà cô Hạnh. Nhà vắng người. Hai cô ngồi trên giường. Cô Hạnh thò tay bóp bóp đùi cô Lành rồi dòm quanh người cô Lành: "Coi bộ còn năng gớm. Ngực cũng ngon, đùi, mông tròn vo. Mi chưa chồng con là đúng. Mi coi tao, chỗ nào cũng nhão nhẹt!" "Bộ không có ai ở nhà sao mi ăn nói tự do quá vậy?" "Ông xã tao đi làm, hai đứa con đi học. Khỏi lo! Cứ nói cho sướng miệng. Nhớ hồi còn đi học không? Mấy đứa con gái tụi mình, tụm năm, tụm ba ở nhà tao, ăn me, ăn ổi rồi nói tầm bậy tầm bạ... Sướng thiệt! Chừ khổ quá. Bao lâu nay, gặp được mi tao mới có dịp nói bậy". " Bộ có chồng, mi không nói bậy với chồng được hay sao?" "Có nói chớ, nhưng nói chuyện khác. Chờ ổng nói trước, mình nói theo. Mi lấy chồng thì biết liền. Ủa, trước giờ mi đi đâu mà chưa chồng con chi cả? Mi lấy ông Tí đi, ổng cũng còn độc thân. Ngó rứa chớ ổng còn thương mi lắm. Mà mi chịu ổng không? Già rồi mi ơi. Tối ngủ ôm cái gối, sướng ích chi!" "Năm bảy tư, gia đình tao từ Vĩnh Ðiện dời ra Ðà Nẵng, năm bảy lăm, bỏ Ðà Nẵng đi luôn. Tao cũng thương ảnh lắm chớ! Nhưng không biết ảnh nghĩ sao? Ảnh lầm lì với tao từ sáng tới giờ". "Mi biết tính ổng rồi. Ổng cố chấp lắm. Giọng Kế Xuyên quê đặc mà ổng đâu chịu sửa. Ổng muốn làm mặt lạ vì ổng mặc cảm mình đạp xe thồ, mặc cảm nhà nghèo. Mi thấy đó, Tết nhứt đến nơi mà nhà ổng có sắm sửa, chuẩn bị chi đâu! Ổng nghĩ như thời xưa, lấy vợ là phải nuôi vợ con, ổng sợ thêm miệng ăn nữa thì chết! Hơn nữa tao nghĩ, có lẽø ổng nghi mi đã lấy chồng hay bồ bịch gì đó, ổng tức mà không biết nói răng. Nhưng tao biết, ổng thương mi lắm. Mi còn nhớ, khi ổng bị thương về nhà, mi ghé thăm, không biết mi với ổng có chuyện chi mà ổng qua nhà tao ngồi khóc ngon lành. Ổng nói mi bỏ ổng rồi. Coi bộ cứng rắn, lạnh lùng chớ ổng cũng mít ướt như tụi mình chớ chẳng hơn chi". "Mi cố nói giùm tao, sao cho ảnh chịu lấy tao, thì mi có cái đầu heo". "Mi yên tâm, để tao lo chuyện đó, ổng là của mi, chắc ăn như lấy đồ trong túi. Ngó rứa chớ tao nói là ổng nghe lời liền. Ổng coi tao như bạn thân, có gì cũng kể cho tao nghe". "Có khi nào ảnh nhắc đến tao không?" "Tao có hỏi còn nhớ Lành không? Ổng nói. Không nhớ Lành thì nhớ ai? Có lẽ bây chừ Lành đã có chồng, có con rồi"

Cô Lành móc túi lấy tờ bạc đã xếp nhỏ, bỏ vào túi cô Hạnh: "Tao gửi mấy đồng cho hai cháu. Bây giờ tao phải về". Cô Hạnh nghĩ rằng bạn cho mình tờ một tờ bạc Việt Nam nên chỉ nói cám ơn mà không quan tâm". "Ủa. Mi nói sẽ ở lại với tao mà? Ở lại, tối nay nằm nói chuyện với nhau cho đã". "Rồi chồng mi nằm đâu?" "Ðừng lo chuyện đó. Tao tống ổng ra ngoài phản. Hay là mi qua nằm với ông Tí, tâm sự trắng đêm, cho đã thèm bấy lâu nay". "Ðồ quỉ sứ, nói chuyện bậy bạ. Ðể tao về. Ở lại đây, đêm hôm, giấy tờ, trình thưa, tao không muốn phiền mi"

Hai người qua nhà anh Tí. Cô Lành xuống bếp ôm mẹ anh Tí, thì thầm: "Bác nói giùm con, nghe bác. Tuần sau con về lại đây. Bác nhớ lo cho ảnh ăn uống, ảnh ốm quá, con thương ảnh quá!" "Choa mi! Tao cũng đưa xương mà mi chỉ nghĩ đến hén, bét tao lo cho hén"

Cô Lành cười chống chế: "Thì bác cũng thương ảnh, thương con. Bác muốn con với ảnh yên tâm thì bác cũng phải ăn uống cho đầy đủ. Thôi, con về nghe bác"
Cô tựa đầu vào vai bà như cô bé làm nũng với mẹ: "Con muốn kêu bác bằng mẹ mà sợ anh Tí rầy con". "Hén quyền chi mà rầy con?"

***

Anh Tí đã đưa xe đạp ra sân, ý muốn cô Lành về sớm. Cô Lành qua chào từ giã cô Hạnh rồi bước ra, ngồi sau xe, vòng tay ôm bụng anh Tí và nói với cô Hạnh: "Mi thấy, ai đi xe thồ cũng ôm eo ảnh. Tao ôm thì ảnh cự, nói sao ôm cứng ngắc". "Ổng cự mặc kệ ổng. Cứ ôm chặt cho tao. Ôm ngày ôm đêm, ổng cự riết rồi khoái chí, bắt mi ôm nữa". "Con quỉ nói trây! Tao về nghe!" Cô Hạnh vui vẻ la to lên: "Không về thì đứng xuống, khó chi! Ê! Có phải hai anh chị hẹn hò, đưa nhau vô phòng ngủ không?" Hai cô lại cười như bị thọt lét. Cô Lành ngoái cổ lại nói "Mi thành nái xề rồi mi ơi! Nói trây không biết mắc cỡ!"

Anh Tí làm thinh, đạp xe ra đường. Cô Lành ngồi sau, ôm eo, tựa đầu vào lưng anh ta. Anh Tí bực mình: "Ðừng lồm rứa, người ta thấy tề!" "Thời đi học, anh chở em đi chơi, em cũng ôm như thế nầy, sao anh không la em?" "Ði học khoác, đi xe thồ khoác. Hồi trước là quê hương, đất nước mình, lồm chi không được. Chừ, lồm thân mất nước, vui thú chi"

Cô Lành không ôm anh Tí nữa, sụt sùi khóc: "Sao anh khó với em vậy?" Anh Tí yên lặng một lúc rồi thở dài: "Xin lỗi. Tui buồn quá! Mất nước rồi. Buồn suốt đời. Biết ngày nồ mới vui được? Tôi chỉ sống qua ngày để nuôi mẹ giòa, sướng ích chi mà nghĩ đến vợ con. Con cái ngụy lớn lên cũng chỉ để chúng ngồi lên đầu, hành họa, coi như trâu ngựa. Ði học chúng cũng không cho, đi lồm chúng cũng không cho". Cô Lành lại vòng hai tay, ôm bụng anh Tí: "Bây giờ có em, em phụ với anh nuôi mẹ. Anh hãy quên chuyện nước nhà, mà nghĩ đến em. Anh có suy nghĩ, buồn phiền bao nhiêu cũng không làm được gì. Vận nước nó như vậy nhưng cũng sẽ đến ngày tươi sáng. Anh đã chiến đấu, đã bị thương thì coi như nợ nước anh đã trả rồi, nay anh có quyền nghĩ đến tình nhà. Bây giờ em về đây tìm anh. Anh và em, trước đây, có biết bao kỷ niệm. Anh có biết khi anh bảo em về, đừng đến anh nữa vì anh sắp lấy vợ, em khóc hết nước mắt. Em giận anh nhưng quyết làm gái già chứ không thèm để mắt đến ai cả. Anh có thương em không?"

Anh Tí yên lặng, đặt bàn tay trái, bàn tay bất khiển dụng của anh lên hai tay cô Lành đang ôm bụng anh. Anh bóp tay cô Lành, nhưng bàn tay thương tật nên chỉ mấy ngón tay là cử động nhẹ. Cô Lành ép hai bàn tay mình lên bàn tay anh Tí, dụi đầu vào lưng anh Tí: "Bây giờ còn sớm, mình dừng ở quán nước đằng kia. Em nói chuyện nầy anh nghe"

Phạm Thành Châu

17 Điều Chứng Tỏ Bạn Không Hạnh Phúc


Nếu thường xuyên có những hành động, suy nghĩ sau đây, chứng tỏ bạn là người không mấy hạnh phúc trong cuộc sống.

1. Lo lắng về những điều mình không thể thay đổi
Nhiều khi chúng ta thường cảm thấy tội lỗi về những thứ mình đã chọn hoặc về những việc mình đã làm nhưng có phần khác biệt với những người khác.

Thế nhưng, trong hầu hết các lần, họ lại thường xuyên lặp đi lặp lại cụm từ "Giá mà", "Đáng lẽ tôi..."... Tuy nhiên, việc lo lắng và hối hận về những thứ đã rồi thực sự chẳng giải quyết được gì. Thay vì ngồi đó và than vãn, hãy rút kinh nghiệm từ những sai lầm để có thể hoàn chỉnh bản thân trong thời gian tiếp theo. 

2. Từ bỏ khi gặp khó khăn
Những người không hạnh phúc thường chùn bước khi phải đối mặt với khó khăn. Tuy nhiên việc từ bỏ chỉ khiến bạn cảm thấy mình là kẻ thất bại.

3. Quá gay gắt với bản thân mình
Những người không hạnh phúc thường khó tính với chính bản thân mình. Nếu bạn có thể thả lỏng mình hơn, cuộc sống sẽ trở nên thật thoải mái và vui vẻ.

4. Không bao giờ luyện tập thể thao
Càng tập luyện thể thao nhiều, bạn càng cảm thấy đời sống của mình lành mạnh.

5. Đặt ra những mục tiêu không thể đạt được
Ai cũng biết việc đặt ra mục tiêu trong cuộc sống của mình là điều vô cùng quan trọng. Đó cũng là cách duy nhất để mọi kế hoạch của bạn được hoàn thành. Thế nhưng, vấn đề là khi bạn đặt ra những mục tiêu viển vông, khó có thể đạt được, bạn sẽ càng thêm chán nản và buồn phiền. 

Hãy đặt ra từng mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn. Như vậy, bạn mới có thể hoàn thành mọi chỉ tiêu trong tâm trạng phấn chấn.

6. Thường xuyên ăn đồ có hại cho sức khỏe
Những người thường xuyên ăn đồ không tốt cho sức khỏe sẽ thường cảm thấy mệt mỏi, chán nản bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, cuộc sống của bạn. 

7. Không ngủ đủ giấc
Ngủ là việc quan trọng! Thời gian ngủ sẽ quyết định tới việc bạn có vui vẻ, khỏe mạnh trong ngày hôm sau. Bạn luôn cố gắng làm thêm hay thức xem phim, bóng đá? Điều đó sẽ khiến bạn mệt mỏi vào ngày hôm sau.

8. Thường nghĩ về khuyết điểm của bản thân
Ai trong chúng ta cũng đều có những điểm yếu, tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải biết phô trương điểm mạnh, năng lực của bản thân chứ không phải lúc nào cũng lo sợ vì những điểm yếu. 

9. Dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội
Ngày nay, nhiều người chỉ chìm đắm trong thế giới ảo mà quên đi những mối quan hệ ngoài đời thực. Tuy nhiên, việc tắt máy tính và hòa mình vào những cuộc vui chơi với bạn bè sẽ giúp bạn hạnh phúc hơn rất nhiều.

10. Sống trong vỏ bọc của bản thân
Luôn luôn ẩn mình trong khu vực an toàn - nơi mà bạn cảm thấy yên tâm và không phải đối mặt với những nguy hại. Đó là dấu hiệu của những người kém hạnh phúc. 
Đơn giản, sự nhàm chán là 1 gia vị thiết yếu khiến con người cảm thấy không hạnh phúc. 
Vì vậy, hãy rũ bỏ mọi sự sợ hãi để thử cảm giác mạnh của những trò chơi mạo hiểm hay dấn thân vào một công việc kinh doanh nào đó đi. Đảm bảo bạn sẽ cảm thấy cuộc sống thật nhiều màu sắc.

11. Luôn lo lắng về những gì người khác nghĩ
Những người hay suy nghĩ quá nhiều về điều người khác nghĩ thường có tâm trạng u ám, chán nản.

12. Hay nói xấu người khác
Những người không hạnh phúc thường cố gắng tìm ra điểm yếu của người khác để suy xét và nói xấu. Thế nhưng, hành động này chẳng thể khiến bạn vui vẻ hơn.

13. Làm việc quá nhiều
Làm việc quá nhiều khiến bạn không có thời gian quan tâm đến nhu cầu của bản thân. Bởi vậy, hãy đứng dậy và tụ tập cùng bạn bè hoặc đi spa hay du lịch nếu có thời gian rỗi.

14. Tách biệt với những người xung quanh
Dành thời gian bên gia đình, bạn bè những lúc bạn cảm thấy không vui là cách hiệu quả nhất giúp bạn thư thái tâm hồn.

15. Bạn dễ dàng thỏa hiệp
Thường không có chính kiến và dễ dàng thỏa hiệp với bất cứ sự sắp đặt nào khiến cuộc sống của bạn trở nên tù túng. Những người hạnh phúc thường tự sắp xếp cuộc sống theo ý muốn của họ: Họ có thể dễ dàng kết thúc một mối quan hệ khiến họ không vui hay thay đổi công việc nếu chưa cảm thấy hài lòng.

16. Khó tha thứ
Tha thứ cho những sai phạm của người khác cũng chính là chìa khóa giúp bạn vui vẻ.

17. Chỉ nghĩ đến bản thân mình
Giúp đỡ người khác giúp tâm hồn bạn trở nên thanh cao và thư thái.

(Nguồn: Businessinsider)

Friday, January 30, 2015

NỤ CƯỜI THIỀN VỊ - Minh Lương TMS - Marian Tran

Mong rằng youtube này sẽ đem đến cho quý vị vài giây phút thanh thản bình an.

Nét Đẹp Mùa Xuân - Đỗ Công Luận


Đôi Lời Tâm Sự - Trầm Vân


PEOPLE ARE AWESOME 2014

Mời xem tổng hợp những màn biểu diễn phi thường trong năm 2014!  

Người Việt “Năm bờ oan” - Chu Tất Tiến


Thật đấy, nói “Người Việt Năm Bờ Oăn” không sai tí nào! Hồi Tư tôi còn ở quê, đọc thư bạn bè, bà con từ Mỹ gửi về, cứ tả oán là “Câm, Què, Đui, Điếc”, không biết nói tiếng Anh là câm, không biết đi xe là què, không biết chữ là đui, không nghe được gì là điếc. Mỹ gọi thì chỉ biết “Dét, Sơ”, lâu lâu nói lộn thành “Nô, Sơ!”, ngoài ra thì vất vả, cực khổ lắm.

Thế nhưng khi qua Mỹ theo diện “hát ô”, thì Tư tôi tá hỏa tam tinh, vì thấy hoàn toàn ngược lại những gì mình nghe khi trước. Người Việt mình, sau 15 năm tái định cư, đã trở thành Năm Bờ Oăn hết rồi! Cứ đi chợ thì biết liền, các bà vô chợ lục tung tất cả trái cây, rau củ của người ta lên mà lựa tan nát, coi cuộc đời cứ như củ khoai ấy. Có những thùng Lê ngon, giá cao, đã để trong hộp đàng hoàng, và dán chữ “Xin đừng lựa”, các ông bà Năm Bờ Oăn cứ tỉnh bơ, nhặt trong chồng hộp ấy, quả nào to nhất, ngon nhất thì cho vào hộp mình, rồi tàn tàn ra tính tiền, để mặc đống quả kém kém chút chút kia nằm tụm năm, tụm ba, ngơ ngác. Túi cam cũng thế, mặc dù tính tiền theo túi, các bà cũng tháo giây cột miệng túi ra, lựa cho đã rồi cột dây lại, coi như không có gì xẩy ra. Lại còn chỉ cho nhau mánh lựa cam ngon nữa chứ! Lựa trái làm rớt lỏng chỏng dưới đất, thi lấy chân đá vào gậm, đôi khi cũng chả thèm đá cho bẩn chân. Mấy vị mua cá nhờ chợ làm giùm cũng ít khi nói lời cảm ơn với người đã giúp gọt vẩy, rửa ruột. Vài vị khác thì lựa cho đã, đưa người làm rồi bỏ đi luôn, không thèm trở lại. Ra tới quầy tính tiền, thì chả toàn thấy những bộ mặt đưa đám. Không thấy có nụ cười nào cả. Người tính tiền cứ lầm lầm lì lì làm việc, khiến người mua cũng tiếc một lời cám ơn. Chả ai cám ơn ai! Ai cũng Năm bờ Oăn mà!

Bữa hổm, Tư tôi đến chợ Mỹ, đang đứng chờ một chiếc xe ra để đậu xe mình vào, khi chiếc xe trong de ra ngoài rồi, mừng húm đang tính gài số quẹo vô, chợt một chiếc xe khác phóng vèo tới, quẹo gắt một cái, thắng cái két. Tư tôi tức quá, tính “sổ nho chùm” cho bõ ghét, thì thấy cửa xe mở, một bà Năm Bờ Oăn bước xuống, mặc đồ bộ trắng muốt, nhìn thấy rõ đồ đạc bên trong, tay lại cắp cái nón lá! Tư tôi ngồi như trời trồng luôn. Thiệt! Coi nước Mỹ này y hệt cái củ khoai tây..Mặc áo ngủ đi chợ Mỹ! Lại cắp nón lá đặc trưng của người Việt nữa chứ! Hết biết luôn! Lúc ấy, nếu có ai hỏi tôi là người giống gì, chắc Tư tôi sẽ nói tôi là người Nhật! Không dám nhận cùng giòng giống Tiên Rồng nữa..Hồi mới sang, Tư tôi còn bị tá hỏa tam tinh khi đang rề rề xe vào chỗ quẹo trái ở Bolsa, thì vù một cái, một chiếc xe cù lũ sỉ ào qua mặt, thắng cái rét trước mặt mình ngay tại chỗ quẹo. Hết hồn hết vía, Tư tôi thắng gấp, bẻ tay lái đâm vào con lươn “ình” một cái, miệng rủa thầm “thằng nào chết bầm” chơi mình, tí nữa thì đụng đít nó, là bảo hiểm tăng.. Sau này, hỏi ra, mới biết đó là trò của mấy trự Năm Bờ Oăn, cứ đi xe cà là tàng, rồi tìm cách cho xe khác đụng đít để ăn tiền bảo hiểm. Vụ này xẩy ra nhiều lắm, làm các hãng bảo hiểm cứ thấy dân Mít bị đụng, nhất là thấy trên xe có mấy trự choai choai, thì điều tra rất kỹ. Nhưng nghe nói, trời không dung cái trò gian lận này, một Tổ Sư chuyên dàn xếp cho bị đụng đã bị một cú quá cỡ thợ mộc, chiếc xe dúm lại như đàn accordion, mấy mạng trên xe về chầu trời hết, nên từ đó, bớt các vụ dàn dựng.

Người ta nói cộng đồng Việt hải ngoại là nơi “gió tanh, mưa máu” đúng thiệt. Cũng vì ai cũng cho mình là nhất thiên hạ, nên mỗi lần bầu bán chức chưởng gì đó, ở bất cứ tiểu bang nào,  là các thứ vũ khí độc hại bay đầy trời. Từ truyền đơn, đến đài phát thanh, đến báo lá cải.. Mấy tên tay sai cộng sản nằm vùng cũng có báo tuần, lợi dụng cơ hội, là nhấy vô ăn có, thế là không gian bị nhiễm độc, người người nhức đầu, mệt mỏi, lánh xa mấy công tác cứu dân, cứu nước. Ai cũng sợ bị dính loại thuốc độc vô hình này, nên các hoạt động cộng đồng dần dần bị thu hẹp ở những nơi làm việc, nhưng điều tréo cẳng ngỗng là các hoạt động ấy lại nở ra tại các phòng tập thể dục gọi là “spa” ở gần Thủ Đô Tị Nạn. Tại các hồ nước nóng, trong các phòng xông hơi, xông nước, các trự phê bình chính trị cứ ào ào tuôn ra hàng tràng lý luận, gọi mọi người đều là “thằng, con” hết. Vì tiếng Việt bị vặn “volume” hết cỡ, nên người Mỹ từ từ lảng đi, dần dần trong mấy cái “spa” gần Bolsa chỉ thấy các vị Năm Bờ Oăn chiếm đóng. Nhất là tại chỗ máy chạy bộ, người ta đang lẳng lặng đứng chờ tới phiên, thì khi một  cái máy vừa trống, một vị nữ lưu phe ta, vèo một cái phóng vô chiếm ngay, rồi nhét nút tai bằng hai cái máy nghe, tỉnh bơ đạp đạp trước mắt tức tối của những người khác. Đã có lần, Tư tôi thấy hai vị cãi lộn, rồi vị đứng dưới kéo giật vị đứng trên té sấp mặt xuống đất. Security phải mời cả hai vị ra ngoài. Mắc cở quá xá chừng! Nghe nói là trong phòng thay đồ, mấy nữ lưu Năm Bờ Oăn cứ tỉnh bơ để đồ thiên nhiên chạy qua chạy lại, í a, í ới và hát ông ổng “Đời tôi cô đơn nên yêu bao nhiêu cũng cô đơn..” làm Mỹ gái chạy tóe khói.

Thời buổi thay đổi, “Lady first”, nên quý bà bây giờ bạo dạn quá. Trong các chương trình khám bệnh sản khoa trên “la-dô”, các bà cứ tưng tửng đưa chuyên phòng the, chuyện… mình ra mà hỏi những câu thật ớn lạnh. Và các bác sĩ cũng phải tỉnh bơ mà cho toa.. nghe rùng mình. Tưởng tượng các chàng trai sồn sồn chưa có vợ, mà nghe đối thoại qua lại về những căn bệnh phụ nữ thế thì chắc.. thà chết già còn hơn lấy vợ. Hãi quá! Không còn “bàn tay năm ngón kiêu sa…dáng huyền tha thướt trong gió chiều…” mà chỉ có hình ảnh người phụ nữ với đủ thứ bệnh đáng sợ! Nhất là lại gặp các bà trong các tiệm bán quần áo, đồ phụ nữ, nghe các bà “Nổ” kinh hoàng. “Tui mà hát thì người ta cứ tưởng Thanh Lan đấy!”, “Giọng tui nghe giống Lệ Thu không, mấy bạn?” Trời đất! Những Thanh Lan, Lệ Thu này, những người có thể mắng chồng trước mặt bạn bè, mà khi đi ăn nhà hàng thì nhồm nhoàm như người đói bẩy ngày, gắp lấy gắp để. Đĩa tôm hùm vừa mang ra, là bà lấy đũa của mình ra khoắng, lật tung đĩa lên mà tìm miếng nạc. Tiệc cưới chưa xong, đã vội kêu “Tu gô đi!” rồi mang về lủng lẳng hai tay mấy gói. Tư tôi đã chứng kiến môt buổi ra mắt sách đau khổ. Tác giả mua sẵn những hộp nhựa, mỗi hộp là một phần cơm nhẹ để trên bàn dài gần cửa. Chương trình chưa xong, tác giả chưa ký sách, thì các vị Năm bờ Oăn đã ẵm nhẹ hết bàn ăn rồi tửng tửng ra xe, trên tay ba bốn bịch.. làm tác giả đứng chới với, vừa cười vừa khóc.

Về nhà hàng cũng đặc biệt hơn người. Có chủ nhà hàng ở gần khu Thủ Đô Tị Nạn thu hết tiền Tip của nhân viên, là những người tị nạn kém may mắn. Có ông chủ nhà hàng tiếp khách bằng khuôn mặt lạnh như tiền, giống như nhà vừa có đám ma, ai hỏi thêm chút rau, chút giá thì tỏ vẻ khó chịu, y hệt mấy tiệm “phở chửi ở Hà Nội”. Đặc biệt nữa là thịt gà trong phở gà ở đây, thay vì để miếng chặt vừa phải như các tiệm khác, lại thái nhỏ, xắt lát như thái thịt bò, trông thấy chán, vậy mà người mình cũng cứ nhẫn nhục đến ăn. Kỳ thiệt đó! Có lẽ ông chủ ở đây cũng là một Năm Bờ Oăn, ai thích ăn đồ của ông thì cứ lại, không cần chiều khách.
Nói về thái độ thân thiện, Tư tôi mới thấy người mình Nhất đủ thứ, coi trời bằng vung thiệt. Có những vị nổi tiếng không thích bắt tay thiên hạ, mà chỉ đưa ra năm trái chuối mềm nhũn, sắp thối cho mình nắm trong khi lại đưa mắt nhìn ra xa, suy tư, không cần nhìn mặt người bắt tay mình…Tư tôi khâm phục quá! Thế mới đúng là Dân Việt Thành Công chứ! Phải có bộ dạng thế mới là Năm Bờ Oăn! Chứ còn bắt tay chặt chẽ thì xuống giá mất!

Chả thế mà trên diễn đàn, đa số các vị gửi bài lên Net, đều coi thiên hạ là những củ khoai ngu ngốc cả. Tha hồ mà bình loạn! Tha hồ mà gọi những vị đã từng lãnh đạo đất nước ngày trước, những nhà văn, nhà thơ khác, những chính trị gia đang tranh đấu cho dân tộc, những sĩ quan cao cấp cũ là “thằng này, thằng nọ”. Ngay cả Tổng Thống Mỹ cũng không thoát khỏi bị goi là “thằng”! Không cần kính trọng ai! Cứ chửi tá lả! Rồi phê bình lịch sử dưới cặp mắt của những anh chị Cầu Ông Lãnh, nghĩa là muốn áp đặt ý kiến của mình vào bất cứ giai đoạn nào, bất cứ nhân vật nào cũng được, ai viết khác ý là đập tơi bời, bằng cả tiếng Đan Mạch nữa!

Thiệt đáng nể cho dân Việt ta trên mọi phương diện! Nhớ lại trong thập niên trước, cả Bolsa tưng bừng cảnh sát đi bố ráp một loạt những ông làm luật, những Lương Y bán thuốc, khám bệnh mà gian lận tiền bảo hiểm, tiền Medical… Có điều là chính phủ vì sợ dân Việt nên vẫn bỏ qua các vị chuyên viên nắn bóp, châm cứu mà tự xưng là Bác Sĩ, dụ ngon dỗ ngọt thiên hạ mua cao đơn hoàn tán, trị bá bệnh luôn! Chỉ mấy viên bột tròn tròn, pha trộn thuốc Tây, mà chữa đủ thứ, từ ung thư đến bao tử, từ cao mỡ đến cao máu, đến đau nhức phong thấp, tim mạch và cả làm đẹp ra nữa. Gần đây, sau vụ Sữa Ong Chúa bị bể, lại có vụ bán “tế bào gốc” để làm đẹp! Rẻ hề! Tuy người nghe đôi khi thắc mắc là lấy đâu ra tế bào gốc nhiều thế và rẻ thế, nhưng có lẽ vì tin rằng người mình luôn Năm Bờ Oăn, nên lại tin theo. Nhất là lại nghe nói chắc chắn rằng “Thuốc này đã được FDA chấp thuận”, nên mua ào ào làm giầu cho mấy Vị Bác Sĩ mà Hải Thượng Lãn Ông cũng có lẽ phải gọi bằng Sư Phụ!
Thôi, thì được thế thì cũng mừng cho dân tộc ta, tiến nhanh, tiến mạnh hơn các sắc dân khác cũng ngụ cư trên đất Mỹ này. Sang sau mà khá hơn người cũ thì đó là điềm tốt. Chúc mừng! Chúc mừng! Chỉ xin một điều là đừng có tiến nhanh lên giai cấp lừa đảo, lưu manh, gạt gẫm đồng hương, gà què ăn quẩn cối xay, thì xấu hổ lây cho cả cộng đồng Việt trên toàn thế giới.


Chu Tất Tiến

Nụ Cười Cuối Năm - Đỗ Công Luận


Tiếu Lâm Tình Đời


Thư t hôn

Vợ cũ yêu-quý của anh,
Thư nầy gởi cho em để báo tin cho em rõ là anh sẽ rời xa em vĩnh-viễn. Anh đã là chồng tốt của em mấy năm qua và nay anh không còn luyến tiếc gì nữa cả.
Hai tuần qua anh đã sống như trong hỏa ngục, quá chán-chường! Lại thêm xếp của em vừa gọi điện-thoại báo tin cho anh biết em sẽ thôi việc ngay tức khắc và không luyến tiếc.
Độ rày anh thấy em không còn niềm nở với anh từ khi em gái em là Phương-Dung dọn về ở với chúng ta.
Tuần vừa qua, anh đã đi hớt-tóc kiểu em thích mà em chả quan tâm đến. Anh mặc cái quần thể-thao hàng ngoại giá đến 50 đô-la Mỹ em cũng chẳng thèm khen. Anh đã cố gắng nấu những món ăn em thích như bún bò Huế... mà em cũng chẳng màng...
Đi làm về, em ăn qua loa năm ba phút rồi chạy tuốt vào phòng nằm xem Paris By Night, rồi ngủ đến sáng chẳng màng nhắc đến chuyện ái-ân!... Chắc em không còn yêu anh nữa, hoặc đã ngoại tình với ai ?!
Nhưng thôi đủ rồi, dù sao đi nữa thì anh cũng dứt khoát ra đi với Phương Dung, thế thôi...
Chồng cũ của em,

T.B.: Anh và Phương-Dung s đi xây t m mi nơi x Đo Thn Tiên nào đó như H-Uy-Di là đim anh đã chn. Đng tìm anh vô ích c email vngoaitinh@tolomo.com

-------------

Vừa đặt chân vào Phòng Hotel ở Honolulu, anh chồng lấy cái laptop mở ngay ra để xem email. Quả có ngay lời phúc đáp của vợ cũ. Thư rằng:

Đức lang-quân cũ yêu quý của em ơi,

Không gì lay chuyển tâm-tư em khi đọc thư từ-hôn của anh. Đúng sự thật anh là chồng tốt sau bao nhiêu năm chung sống. Em khóc trong sung-sướng đây.
Đi làm về em xem DVD để nguôi-ngoai tâm hồn nhưng được đâu. 
Có chứ, em có để ý đến mái tóc của anh, sao mà nó giống kiểu tóc “garconière” xưa quá.
Ngày xưa Mẹ em thường bảo đừng để ý tỉ-mỉ đến ai làm gì. Em cũng thấy anh mặc chiếc quần thể-thao hàng ngoại đó chứ từ khi con Phương-Dung vay em 50 đô-la Mỹ trước ngày đó (chắc là nó mua tặng anh). Anh lại cứ nấu bún bò Huế là cái món mà con P. Dung thích và quên rằng Bác-Sĩ đã khuyên em kiêng ăn thịt heo hơn một năm qua rồi.
Em yên-lặng cố quên mọi sự vì em vẫn còn yêu anh tha-thiết. Em tin rồi mọi việc sẽ êm xuôi, nên em mua vé số cầu may.
Sáng nay em dò số và đã trúng Độc Đắc gần 10 triệu Mỹ Kim. Em đã đặt mua 2 vé phi-cơ đi Hawaii, sắp xếp làm Passport cho cả hai chúng ta để xuất cảnh và sẽ sống một đời thoải-mái hơn. Em đã vào gặp Ông Chủ Sở xin thôi việc ngay hôm nay.
Khi về đến nhà, nhận được thư anh mới biết anh đã cao bay xa chạy rồi!...
Em liền tìm ngay một luật sư danh-tiếng và ông ấy bảo với một bức thư từ hôn thế nầy anh sẽ không thừa-hưởng của em được xu nào cả. Ráng mà lo thân nghe anh. Bảo trọng...
Ký tên: Vợ cũ của anh
Vừa giàu sang lại được tự do...

TÁI BÚT:  À, có một chuyện mà từ ngày con Phương Dung về ở với chúng ta, em quên, chưa kip nói cho anh biết,
Mẹ em sinh nó ra là một đứa bé trai dễ thương, đặt tên là Hùng Dũng, lớn lên nó đẹp trai lắm đấy! Sau khi đi Thái Lan đi giống, nó đổi tên là Phương Dung, và dọn về ở với chúng ta đó. Mong rằng sẽ không có vấn đề gì xảy đến cho anh sau này.
Thân chào.

Thật Thà
Lão nghĩ thế nào mà rước con bé chưa đầy 20 tuổi qua đây làm vợ?       - Nó rất là thật thà, nên tui mới rước nó qua Mỹ !
      - Làm sao lão biết là nó thật thà ?
     - Thì trước khi lấy nó, tui có hỏi: "Tại sao em chỉ bắng tuổi cháu nội tui, mà em lại chịu lấy tui?" Nó nói tại vì gia đình nó nghèo quá nên mới lấy tui cho thoát khỏi cảnh nghèo.
     - Chỉ vì nó than nghèo mà lão cho nó là ... thật thà?
     - Tui cũng thử lòng nó thêm. Tui hỏi nó: "Lúc đưa em sang Mỹ, em bỏ tui đi lấy mấy thằng trẻ cỡ tuổi em thì sao?
Nó mới trả lời: "Em đợi được, vì sức ông cũng chỉ sống tối đa 7 năm là cùng!".
Tui gặn hỏi nó thêm: "Lỡ 5 năm sau em vào được quốc tịch Mỹ.  Em không chịu đợi, bỏ tui sớm hơn thì sao?"
Nó suy nghĩ một lát rồi trả lời: "Nói ông đừng giận, sức ông sống một mình thì kéo dài được 7 năm. Chứ sống chung với em, thì em nghĩ ông thọ được 1 năm là cũng mừng lắm rồi!"... 

Sưu tầm

Ăn Mày Cửa Phật


Trong cuộc sống, ai cũng mong mình sẽ được điều này, được điều khác. 
Người giàu thì mong sẽ giàu hơn, người nghèo thì mong mình được như người giàu… để rồi họ tìm về chốn tâm linh để cầu xin.
Sự cầu xin này cũng như là ăn mày với các đấng thần linh, mà họ không hiểu các đấng thần linh này có giúp cho họ được không?

Chuyện kể về một bác nông phu, kéo xe chở hàng rất nặng nhọc. Vào một ngày, bác kéo xe quá nặng nên bị đổ ra đường. Buồn rầu, bác ngồi xuống và nhìn thầy dòng người đi xe hơi tìm đến cửa chùa làm lễ.
Bác ngồi nghĩ: Ông trời thật không công bằng, người thì sinh ra đã có tất cả, còn kẻ làm lụng vất vả thì chẳng có gì. Sau đó có một bà đến nói: “Ông đã đến cửa Phật sao ông không vào thành tâm kêu cầu mà ngồi đây than thân trách phận”.

Ông lão liền đi vào chùa, ông thấy người ta cầu khấn rất đông, người lớn người nhỏ, kẻ già người trẻ…
Lúc đó ông nghe thầy trụ trì hỏi: “Thí chủ lần đầu đến đây phải không? Ông đáp: “Vâng! Lần đầu con đến cửa Phật nên không biết kêu cầu thế nào, ra làm sao? Mong thầy chỉ dạy.”.
Thầy trụ trì hỏi: “Thí chủ thỉnh cầu điều gì?".
Ông đáp: “Con cầu xin đức Phật ban phát sự công bằng. Con sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, bần hàn, không được học hành tử tế. Từ bé đã phải tự mưu sinh. Lớn lên lấy một người vợ nghèo và nai lưng làm lụng như trâu bò để nuôi một bầy con nheo nhóc.
Cuộc đời khốn khổ cơ hàn cứ theo con đằng đẵng trong khi có biết bao người khác sinh ra trong 1 gia đình giàu sang, chẳng cần cố gắng mà vẫn sống suốt đời trong nhung lụa. Như vậy là không công bằng, nếu đức Phật linh thiêng xin người hãy ban phát cho con một chút may mắn của những người kia”.

Thầy trụ trì hỏi: “Những người kia ư!”.
Ông đáp: “Vâng! Chỉ cần nhìn họ là đủ biết họ giàu sang quý phái cỡ nào. Những người nghèo khổ như con không thể hiểu nổi họ làm gì mà giàu sang như vậy”.
Thầy trụ trì đáp: “Cái đó ta không biết, nhưng khi đã tới đây họ cũng chỉ là ăn mày cả thôi”.
Ông ngạc nhiên hỏi: “Ăn mày ư thưa thầy!”.
Thầy trụ trì trả lời: “Đúng! Ăn mày cửa Phật…”
Ông vội hỏi: “Nhưng nhìn họ giàu sang quý phái, có thiếu gì đâu mà phải đi ăn mày”.
Thầy trụ trì chầm chậm trả lời: “Sống trên cõi đời này, mấy ai thỏa mãn với những điều mình đang có, không tin thí chủ cứ lại gần họ mà xem”.
Khi ông lão vào thì nghe người này xin đừng bị phá sản, người xin khỏi bệnh, người xin có người yêu…
Ông bước ra và nói: “Họ cầu xin rất nhiều điều, hóa ra họ toàn là ăn mày thật, con cứ tưởng trên đời này ai cũng hạnh phúc hơn con. Biết đâu được họ cũng có nhiều nỗi khổ đau đến thế, ngẫm ra con còn nhiều điều hơn họ, như sức khỏe, vô tư chẳng hạn.".
Thầy trụ trì trả lời: “Đúng vậy, cuộc đời công bằng với tất cả mọi người, an phận với thực tại và cố gắng hết mình để tự mình hóa giải những khó khăn trong cuộc sống, đó mới là một cuộc đời hoàn mỹ”.
Nhiều người cho rằng cứ có việc khổ, đau... thì tìm đến cửa Phật để cầu xin.
Qua câu chuyện, chúng ta có thể thấy rằng: Cuộc đời này ai cũng muốn cầu xin những điều mà mình không có. Họ không thỏa mãn được điều đã có, luôn tìm kiếm những cái cao hơn, ngon hơn… Đôi khi họ cứ nghĩ các đấng thần linh có thể ban phát mà không hiểu rằng, phải cố gắng và làm lụng thì mới có kết quả. Đừng có quá tâm linh mà quên mất thực tại của mình.

Chính ngay trong quá trình tu tập, đức Phật cũng không hề nói: "Ta sẽ cho con cái này, ta sẽ ban cho con cái khác..." mà giáo lý Ngài luôn dạy: "Hãy tự thắp đuốc mà đi!".
Ngài đã tìm ra con đường chân lý, giải thoát đến được cõi an vui tự tại. Ai muốn được như Ngài thì hãy làm theo điều Thế Tôn chỉ dẫn thì sẽ đạt được. Ngài không ép phải làm mà hãy tự biết để làm. Đây là chân lý đức Phật đưa ra cho các hàng đệ tử của Ngài.


Nguồn: Hoa Vô Ưu