Thursday, April 24, 2025

Trải Đời Càng Lâu Càng Thấm


1. Khi còn khỏe mạnh, ai cũng nghĩ rằng ngày tháng còn dài, cơ hội gặp lại nhau không thiếu. Nhưng ai biết chăng đời người nguyên là một phép trừ, gặp nhau một lần cũng chính là trừ bớt đi một lần. 

2. Khi còn nghèo khổ, đừng ở nhà mà ra ngoài nhiều hơn. Đến khi giàu sang rồi lại nên ở nhà nhiều hơn ở bên ngoài. Đây chính là nghệ thuật của cuộc sống.

3. Khi tức giận thì đừng buông lời tổn thương người khác. Cũng đừng vội đánh giá người khác chỉ qua vẻ bề ngoài.

4. Lúc nghèo khổ càng nhất định phải phóng khoáng. Nghèo đừng oán trách, giàu cũng đừng khoe khoang. Sống đơn giản hơn, bình lặng nhưng thiết thực, làm việc thiện nhiều hơn tâm sẽ tự bình yên.

5. Cơ hội ít khi xuất hiện hai lần cũng như không ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông. Có những chuyện một khi trôi qua là trôi mãi, chẳng có lần sau. Có những điều không nói ra sẽ mãi mãi là bí mật, sống để dạ chết mang đi. Hãy thành thực, hồn hậu sống tùy duyên, không lo ngày mưa, chẳng sợ ngày nắng, ung dung như cơn gió phiêu bồng. 

6. Tha thứ cho người nào đó nhưng trong tâm vẫn không thể vui vẻ lên, vẫn còn oán hận. Đó là vì bạn đã quên mất một điều: Tha thứ cho chính mình.

7. Tuổi trẻ là tài sản lớn nhất vậy nên hãy biết trân quý thời gian. Nghèo khổ không phải là bi kịch, mất đi lòng yêu sự sống mới là thất bại lớn nhất đời người.

8. Những thứ không cần đến dù có tốt đến mấy cũng chỉ là thừa thãi.

9. Một ngày kia bạn sẽ hiểu được rằng, lương thiện khó đạt được hơn thông minh. Thông minh là trời phú, còn lương thiện là một loại chọn lựa. Ở đời, đối đãi ta chọn thiện lương, xử sự ta chọn chân thành, đối với người thì khoan dung, đối với mình thì nghiêm cẩn. Được thế chẳng phải đã được sống một đời ung dung, tự tại nhất đó rồi sao?

10. Quen biết bao nhiêu người không nói lên được bạn tài giỏi bao nhiêu. Chính là trong lúc hoạn nạn, khó khăn có được bao nhiêu người “quen biết” bạn?

11. Trên đời có những việc không cần giải thích, có những điều hôm qua còn là tranh chấp thiệt hơn ngày mai đã thành mây thành khói. Nếu không làm sai, bạn không cần giải thích, biện minh. Nếu đã làm sai, giải thích cỡ nào cũng chẳng ai tin bạn.

12. Lúc người nghèo khổ chớ so đo, miệt thị. Người nghèo nhưng chí không nghèo, hãy đối đãi với họ bằng cả tấm lòng thiện lành, trân quý. Khi người giàu có cũng chớ cầu cạnh, nịnh hót xun xoe. Giàu tiền không bằng giàu đức, nhà rộng ba gian không bằng lòng người rộng rãi.

13. Trên đời, chuyện không như ý thường chiếm đến 8, 9 phần. Có một số việc, đến lúc cần chấm dứt thì hãy chấm dứt. Có một số người, đến lúc phải quên thì hãy quên đi.

14. Chuyến phiêu lưu của đời là học hỏi. Mục đích của đời là trưởng thành. Bản tính của đời là thay đổi. Thách thức của đời là vượt qua. Tinh túy của đời là quan tâm. Cơ hội của đời là phụng sự. Bí mật của đời là dám làm. Hương vị của đời là giúp đỡ. Vẻ đẹp của đời là cho đi.


Sưu tầm

Quá Đúng !


 

Lượm trên mạng

Lễ Phục Sinh Và Bài Tình Thơ Tháng Ba - Sương Lam

Chiều nay Thứ Hai 21 tháng 4 năm 2025, cô hàng xóm dễ thương Maria bưng qua cho vợ chồng chúng tôi 2 dĩa thức ăn và 1 dĩa bánh ngọt ngon lành. Cô Maria nói rằng hôm nay cậu con trai của cô về sum họp gia đình để ăn mừng Lễ Easter nên cô nấu ăn cho "công tử" nhà cô và chia sẻ với tôi buổi cơm tối hôm nay.


Cô Maria là cô hàng xóm  Romanian rất dễ thương, tốt bụng, luôn giúp đỡ chúng tôi và  thường đem qua nhà tôi thức ăn buổi chiều cô nấu  để cho 2 vị cao niên khỏi nấu buổi cơm chiều ngày đó.  Chúng tôi thật hữu phúc có cô hàng xóm dễ thương như thế. 

Tôi đã thực hiện youtube dưói đây tặng cô Maria để cảm ơn  lòng tốt của cô Maria.  Mời quý bạn cùng vui với tôi.  

Youtube Thanks Maria for the yummy Easter dinner food 4-21-25

https://www.youtube.com/watch?v=uUgFESA8t8E 


Tôi là Phật tử nhưng tôi có nhiều bạn hữu thuộc nhiều tôn giáo khác như Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Cao Đài,  Hoà Hảo v...v.. Chúng tôi đến với nhau và  quý mến nhau thật tình, không bao giờ tranh luận về các vấn đề tôn giáo vì chúng tôi tôn trọng niềm tin, đời sống tâm linh của chúng tôi vì Chúa Hay Phật đều dạy chúng ta sống trong Tình Thương với Từ Bi Hỷ Xả.

Hôm nay tôi lại có dịp tìm hiểu thêm về Lễ Phục Sinh để mở mang kiến thức. Hy vọng Bạn cũng đồng ý với tôi về quan điểm này.

Thế là bài tâm tình cho mục Một Cõi Thiền Nhàn hôm nay của tôi là tìm hiểu một vài chi tiết liên quan đến ngày Lễ Phục Sinh, Bạn nhé. 


Lễ Phục sinh là gì?

 

Lễ Phục Sinh là kỷ niệm ngày vị ngôn sứ (Chúa Jesus) đã bị xử tử và sống lại của toàn thể tín đồ Thiên Chúa giáo. Vị ngôn sứ này được kinh thánh của đạo cho biết là con của đấng tối cao tạo nên muôn loài. Và cái chết thê thảm của ngài là trả nợ cho tội lỗi của loài người. Đồng thời, lễ này cũng kỷ niệm việc giao ước mới giữa loài người và đấng tối cao.

Lễ Phục sinh (Easter) được xem là một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người theo Kitô giáo (Công giáo, Chính thống giáo, Tin lành, Anh giáo). Thời xa xưa người ta gọi lễ hội mùa xuân (Frühlingsfest / spring festival) hay "Ostarum" người Đức gọi là "Ostara" và danh từ "Ostern/ Easter" nguồn gốc từ chữ "Ost/ East" hướng về phương đông mùa xuân mặt trời sắp lên.

Người Do Thái gọi ngày lễ này là "Paschafest" Người Ai Cập (Ägypter) gọi là "Osterlamm/ paschal lamb)" cũng nhằm ngày rằm đầu tiên mùa xuân họ giết cừu ăn mừng được giải phóng khỏi sự đàn áp, thoát khỏi thân phận nô lệ.


Nguồn gốc của Lễ Phục sinh 

Lễ Phục sinh thường diễn ra vào một ngày Chủ nhật bất kì khoảng cuối tháng 3 và đầu tháng 4 để tưởng niệm sự kiện chúa Jesus hồi sinh từ cõi chết sau khi bị đóng đinh trên Thánh giá. Lễ Phục sinh không có ngày cố định mà người dân thường tính lễ Phục sinh diễn ra vào Chủ nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn đầu tiên hoặc sau ngày Xuân phân. Do vậy, lễ Phục sinh còn được coi như lễ hội mùa xuân, mừng đất trời chuyển mùa với rất nhiều màu sắc rực rỡ.


Ý nghĩa của Lễ Phục sinh

Phục Sinh là trọng tâm của niềm tin trong Thiên Chúa Giáo. Người theo đạo Thiên Chúa tin rằng Chúa Jesus chết trên thập tự giá nhưng sau đó, từ cõi chết, Ngài đã sống lại và trở lên Thiên quốc trong khải hoàn ca. Do Chúa Jesus vượt qua được sự chết, và phục sinh nên tín đồ Thiên Chúa Giáo cho rằng chỉ Ngài mới có quyền năng đem lại cho họ đời sống vĩnh cửu. Và niềm tin đó là điều mà người theo Thiên Chúa Giáo cất tiếng xướng lên hằng năm trong lễ Phục Sinh, cũng như hằng tuần trong ngày Chúa Nhật.


Phục Sinh cũng là lễ của niềm hy vọng vì nhằm thời điểm mùa Xuân trở lại với muôn loài. Tạo Hóa thật là kỳ diệu, cây cành trơ trụi suốt mùa Đông lạnh lẽo vậy mà chỉ sau một buổi nắng ấm do nàng Xuân mang lại, các nụ con con, hay lá non đã nhu nhú trên nhành cây…….

(Nguồn: Tìm hiểu về lễ Phục Sinh


https://khoahoc.tv/nguon-goc-va-y-nghia-cua-le-phuc-sinh-91496 - mcetoc_1e3j635q70)


Tôi lại thấy 2 đứa con nhà hàng xóm  đối diện lăng xăng đi lượm những quả trứng mà mẹ chúng ra công dấu ở gốc cây bụi cỏ quanh  nhà. Vui thật! 

Hèn chi  tôi thấy các cửa hàng trưng bày những quả trứng bằng nhựa đủ màu rất đẹp trên kệ hàng để ba mẹ hay các đoàn thể mua về mừng Lễ Easter.  

Tôi lại nhớ đến bài viết về trứng  của một anh bạn dược sĩ mới gửi đến tôi tuần rồi. Tôi đã đọc và thấy có nhiều chi tiết về Trứng mà tôi không biết rất hay và hữu ích. Tôi xin cảm ơn Dược Sĩ Trần Việt Hưng và xin phép được chuyển tiếp đến các bạn hữu mục MCTN  của tôi nhé. Xin mời quý bạn vào đọc bài viết dưới đây:


Trứng nào cũng là trứng-Lý sự cùn

https://tranlyquang.wordpress.com/2025/04/21/chuyen-lan-than-trung-nao-cung-la-trung-ly-su-cun/


Bây giờ là mùa Xuân, hoa Daffodil, hoa tulip, hoa đào, hoa lê vườn nhà tôi nở hoa rất đẹp. Giữa hoa đẹp và người yêu hoa hình như có sự cảm thông. Tôi cũng thường ra vườn sau sân trước nhà tôi thì thầm với hoa và hình như hoa cũng nghe và hiểu  nên khoe sắc thắm cho tôi nhìn ngắm.


Mời bạn đọc tâm tình của tôi vào Tháng Ba mùa Xuân dưới đây nhé. Tôi xin cảm ơn.


 

Bài Tình Thơ Tháng Ba

 

Tháng Ba đến mùa Xuân nơi xứ Mỹ

Hoa trong vườn trổ nụ đón Xuân sang

Daffodil rực rỡ một màu vàng

Hoa lê trắng, hoa đào hồng tươi thắm

 

Bạn có biết Xuân xứ người đẹp lắm

Nụ hoa kia ẩn náu suốt mùa Đông

Trong âm thầm hoa kết nụ trong lòng

Thân cây bị cỗi cằn vì sương tuyết

 

Bạn có biết đời người! Ôi! Diễm tuyệt!

Được tạo nên bằng duyên nghiệp, quả, nhân

Đã âm thầm đưa ta đến cõi trần

Để thọ lảnh đau buồn hay sung sướng

 

Duyên nghiệp ấy không ảnh hình sắc tướng

Nhưng là mầm tạo tác kiếp nhân sinh

Thiện ác, buồn vui, lục dục, thất tình

Tùy duyên nghiệp mà phát sinh hình tướng

 

Làm việc thiện thì duyên lành tăng trưởng

Sẽ sống vui, an lạc:  trí, thân, tâm

Kẻ gian tà phạm ác tội, lỗi lầm

Luật pháp lẫn lương tâm trừng phạt họ

 

Hãy nhìn lại hoa đang khoe sắc đó

Hoa lá kia cũng biết trổ màu xinh

Cho nhân gian thưởng ngoạn nét hữu tình

Con người há chẳng bằng loài hoa nọ

 

Xin dừng lại đừng gây thêm sóng gió

Đem tình thương, vui vẻ đến muôn nơi

Đem nụ cười, hy vọng đến cuộc đời

Hoa Xuân đẹp và Tình Người cũng đẹp

 

Sương Lam 

Chúc quý bạn có nhiều sức khỏe, thân tâm an lạc, sống vui từng ngày trong hiện tại với duyên nghiệp của mình nhé. 

 Người giữ vườn Một Cõi Thiền Nhàn

Sương Lam

(Tài liệu và hình ảnh sưu tầm trên mạng lưới internet, qua điện thư bạn gửi MCTN 758-ORTB 1189-4-22-25)

Sương Lam

Website: www.suonglamportland.wordpress.com

http://www.youtube.com/user/suonglam

https://www.pinterest.com/suonglamt/

Súp Bột Báng Hột Gà, Món Súp Nhẹ Thích Hợp Cho Người Cao Niên


Hôm nào cảm thấy chán ăn, tôi thường hay nấu cháo hoặc súp ăn cho nhẹ bụng dễ tiêu. Không siêng thì nấu cháo trắng ăn với thịt chà bông hay trứng muối hoặc cải mặn.  Còn siêng thì bày ra nấu súp. Món súp này do tôi tự chế, rất đơn giản dễ làm nhưng không kém phần hấp dẫn, vừa ngon lại vừa đầy đủ dinh dưỡng cho người già. Nguyên liệu chính là bột báng và trứng. 

Vật liệu :
- Nửa cup bột báng
- 2 cái trứng
- 300 grs thịt ức gà
- 1 củ cà rốt nhỏ xắt hột lựu 
- Hành ngò 
  


Bột báng ngâm nước chừng mười phút trước khi nấu

Ức gà luộc xé tơi

Trứng đánh tan

Cà rốt xắt hột lựu 

Cách làm :

Cho một lít rưởi nước vào nồi nấu sôi. 

Luộc gà vừa chín tới, đừng để quá chín thịt khô đi. 

Vớt ra để nguội xé tơi. 

Cho cà rốt vào nước gà nấu vài phút cho mềm. 

Bột báng đổ ra rổ cho ráo nước rồi thả vào nồi nấu cho tới khi viên bột trong.  

Đổ trứng từng chút vào, vừa đổ vừa khuấy bằng đũa cho tơi thành sợi.
Sau đó cho thịt gà vào, nêm nếm muối, bột ngọt sao cho vừa khẩu vị rồi tắt lò. 

Vậy là xong, Khi múc ra ăn, rải hành ngò lên mặt tô. Ai thích ăn tiêu thì rắc tiêu vô.

Dễ quá phải không các bạn?


Bon appétit !


 





Người Phương Nam

Wednesday, April 23, 2025

Tiếng Hú Giữa Đêm Khuya - BS. Trần Quý Trâm


(Kính tặng các bạn tù tại trại giam AN ĐIỀM -Quảng Nam.)

Bác sĩ Trần Quý Trâm


Một buổi tối mùa đông cách đây vừa đúng 31 năm. Lúc đó tôi đang bị “cải tạo” tại trại giam An Điềm, cách thành phố Đà Nẵng khoảng 50 cây số theo đường chim bay… Tôi còn nhớ rất rõ, đêm đó trời mưa, mưa tầm tã, ngoài trời tối đen, tiếng gió thỉnh thoảng rít lên từng hồi, len vào hai lỗ tai của chúng tôi như tiếng ma quỷ kêu khóc ngoài khu nghĩa địa bên kia sườn đồi. 

Chúng tôi: anh Thương -Trung úy Cảnh sát đặc biệt, anh Lưỡng -đoàn trưởng xây dựng nông thôn, anh Kỷ -phó quận trưởng, và tôi vừa mới bị giải giao về đây từ trại giam chợ Cồn, Đà-Nẵng.


Ngoài tôi ra, các anh kia tôi không rõ các anh sở trường về loại gì, riêng anh Lưỡng lúc bị bắt, khai là làm nghề Y tá. Tôi chẳng thấy anh biết gì về chuyên môn, mà cứ hễ một bệnh nhân nặng sắp chết là anh trình báo với công an xin một con gà còn sống, xé làm đôi đang còn máu me, đắp lên bụng. Kết quả bệnh nhân vẫn chết. Anh còn nói: Tôi chữa bằng cách này cứu sống rất nhiều người”. Công an tin nên để anh làm ở trạm xá với chúng tôi. Tính từ khi tôi nhập trại đến nay đã ba tháng, có 5 người chết: 3 bị chết vì sốt rét ác tính, hai người chết vì kiệt sức.


Tính ra anh đã mổ cả thẩy 5 (năm) con gà để lo chữa bệnh cho những người xấu số kia, nhưng kết quả như quý vị đã biết, chẳng ai còn sống. Tất cả năm người đều theo nhau sang bên kia sườn đồi. 

Chúng tôi không dám ăn mấy con gà đã chết. Anh Lưỡng thản nhiên rô-ti mấy miếng thịt gà béo ngậy trên lò bếp bằng than mà chúng tôi dùng để nấu nước luộc kim tiêm. Anh đã ăn những miếng thịt gà nướng ấy thật ngon lành… 

Tôi kể sơ một chút về trạm Y- tế: kể cả tôi là bốn người. Tôi, là người kế nghiệp anh Nguyễn Diệu hiện đang ở Úc. Thuốc men kim chỉ đều do tôi đem lên và chỉ có một ít của trạm xá, nhưng phần nhiều là thuốc nam như Xuyên Tâm Liên (chữa Cảm cúm). Một lần uống 10 viên, cả ngày 30 viên, uống xong no luôn. Đau bụng thì có viên Rửa. Nó giống như Alixir Paregorique, uống độ 3 hay 4 viên thì cả tuần sau mới đi restroom được. Loại thuốc này có chất gây nghiện nên số tù hình sự nghiện xì ke thường hay tới khai bệnh đau bụng tiêu chảy để xin thuốc uống cho dịu cơn nghiện. 

Trạm trưởng là chị Năm công an, trình độ văn hóa lớp I. Thuốc tây chị chỉ biết Tetracycline 250mg mà thôi. Do đó, người tù nào mà công an kêu là nợ máu nhiều với nhân dân thì dù vết thương có bị nhiễm trùng nặng mấy đi nữa, chị năm cũng nói với tôi: Anh chỉ cho anh X một viên Tetracyline 250mg/ngày mà thôi”. 

Có trường hợp anh Y, chi khu trưởng quận Duy Xuyên, cấp bậc Trung tá, đi lao động bị gạch đè dập mấy ngón tay, để lâu vết thương lở loét, nhiễm trùng nặng vì không có thuốc, chỉ được băng bó bằng lá. Chị Năm “ra lệnh” cho tôi: “Tên này nợ máu nặng, anh chỉ cho hắn 2 viên Tetracycline 250mg/ ngày thôi”. 

Buổi tối họp “giao ban”, tôi đề nghị các anh ở trạm xá cho anh Y 4 viên Tetracycline vì vết thương, làm độc đã quá nặng, và cũng đừng cho chị Năm biết. Thế mà sáng sớm hôm sau, công an đã kêu tôi lên gặp chị Năm gấp. Vừa nhìn thấy tôi, chị quát: Tôi đã bảo anh cho tetracycline 250mg hai viên một ngày thôi, tại sao anh cãi lệnh tôi hả?”. 

Sau đó là hàng chuỗi những chữ nghĩa thốt ra: nào là cố tình dung dưỡng cho thành phần có nợ máu với cách mạng, với nhân dân… 

Tôi chỉ còn cách duy nhất và cũng là cách mà anh em tù “cải tạo” chúng tôi thường áp dụng để cho qua cầu đó là nhận khuyết điểm và hứa sẽ rút kinh nghiệm cũng như sẽ không vi phạm ở những lần sau nữa.

Trên đường trở lại phòng, tôi thấy nỗi chán nản, vô duyên nhói đau vào tâm não. Nỗi xót xa thương cảm cho các bạn tù của chúng tôi nếu chẳng may bị tai nạn hay bị vướng một thứ bệnh gì đó dù chỉ là cảm mạo hay kiết sức là thấy con đường đi về phía bên kia sườn đồi (nghĩa địa) đã chờ đón bước chân, vì bất cứ ai cũng sẽ là nợ máu…

Bên cạnh trạm xá là phòng cách ly dành riêng cho số người bị lao phổi nặng nằm chữa bệnh. 


Lúc tôi mới tới, bệnh phổi của họ đã ở vào thời kỳ thứ ba; bệnh xá không có thuốc chữa. Thỉnh thoảng thân nhân họ thăm nuôi, kiếm được vài lọ streptomycine 1g. Họ đem qua nhờ trạm xá chích, vẻ mặt ai nấy đều hân hoan như vừa có được thuốc tiên… Đêm tôi nằm nghe nghe họ nằm ở phòng cách ly sát bên trạm xá ho húng hắng, khạc nhổ bừa bãi thấy cũng ghê quá. 

Thấy vậy, tôi đề nghị anh em mỗi người mang khẩu trang để giữ vệ sinh, phòng lây sang người khác. Nhờ vậy, tôi cũng thấy yên tâm, đỡ ngán phần nào. Nhưng niềm vui, hy vọng của họ cũng chỉ là ánh sáng của con đom đóm, vì dễ gì thân nhân của họ kiếm ra thuốc và lên thăm họ thường xuyên được.  

Hy vọng, niềm vui lụi tàn dần theo từng cơn ho và sư suy kiệt dần mòn của cơ thể. Tôi chưa hề thấy ai ra khỏi khu nhà cách ly để trở về nhập vào khối anh em lao động như lúc họ mới đến trại. Tất cả những bệnh nhân lao phổi đều lần lượt được anh em bạn tù bó chặt thân xác bằng chiếc chiếu để mang đến bên kia sườn đồi, để ngủ ở đó với những người đã đến trước. 


Trong số những người bệnh ở cách ly có anh Nguyễn Văn Năm bị Hemoptysis. Trong cơ thể anh bị mất máu rất nặng và không còn sức sống. Một đêm anh bị đau hố chậu bên phải. Đó là trường hợp bị “Viêm ruột thừa cấp”. Tôi lên báo cáo công an và chị Năm, trưởng trạm xá: “Ngày mai có xe về Đà Nẵng, xin cho đem anh Nguyễn văn Năm về, nhập viện để mổ, thì mới cứu được”. Nhưng tất cả họ đều lắc đầu và cho là: Tên này có nợ máu nặng với cách mạng, với nhân dân, anh chữa không được thì để cho nó chết”. 

Về phần tôi, bao nhiêu kim chỉ, tôi đem theo lên năm ngoái lúc bị bắt, đều đã dùng hết. Do đó tôi không thể mổ được. Vả lại bệnh nhân bị huyết áp hạ nặng, sẽ bị choáng và tử vong. Nếu mình liều lĩnh mổ mà không có một chút xíu phương tiện chống choáng nào trong tay. Mấy ngày sau bụng anh Nguyễn văn Năm co cứng, càng ngày càng phình to. Anh thở không nổi, tôi phải dùng syringe rút bớt nước ra, thế nhưng qua ngày hôm sau, bụng anh Năm lại trướng lên, có phần to hơn. Đúng là ruột thừa đã bị vỡ mủ, và là Peritonite aigue. Tôi lại lên năn nỉ từ công an quản giáo rồi lại đến chị Năm (trưởng trạm xá), nhưng tất cả họ đều thẳng thừng từ chối và còn nói với tôi: “Đó là tên có nợ máu nặng với cách mạng với nhân dân. Cứ để cho nó chết” 

Tôi vô cùng thất vọng và trở về, ghé chỗ anh Năm để thăm bệnh. Anh níu tay tôi, thì thào: “Bác sĩ cứu tôi với, tôi còn vợ trẻ và 5 đứa con còn nhỏ dại, đừng để tôi phải chết ở nơi này bác sĩ ơi”. Tôi an ủi anh: “Anh yên tâm, tôi sẽ cố gắng xin với công an quản giáo và trưởng trạm để cho anh được chuyển về bệnh viện Đà Nẵng chữa trị”. 

Tôi xin đựơc của anh em mấy chai serum, mấy lọ trụ sinh và mấy ống valium 10mg. Tôi đã dùng hết cho anh. Tôi nghe tiếng anh hét lên đau đớn mà lòng buồn vô hạn. Nhưng cũng đành bó tay, không làm gì để giúp cho anh được. Không còn một thứ thuốc gì để lo cứu anh nữa.

Những ngày sau đó anh Nguyễn Văn Năm yếu dần. Anh được đưa về nằm hấp hối trong một phòng kỷ luật đặc biệt dành cho những người “có nhiều nợ máu”. Căn phòng hôi hám không thể nào tưởng tượng được. Mỗi lần tôi đến khám bệnh, ruồi bay lên từng đàn.  

Tiếng vo vo tưởng như bày ong. Người bệnh nằm lẫn với phân và nước tiểu, khai thối đến ói mửa. Đã trải qua nhiều ngày đêm, anh năm rên la thảm thiết. Bụng anh càng trướng to hơn, tôi chỉ làm pontion lấy nước và cho anh uống thuốc ngủ. Nhưng khi hết thuốc, anh càng kêu la thống thiết: “Bác sĩ ơi, cứu tôi với. Tôi còn vợ dại và 5 con thơ”.


Đêm nay là đêm 30 tết. Chúng tôi ngồi trầm ngâm buồn tủi bên cạnh lò than. Tiếng nổ lách tách của viên than hồng lóe sáng, soi rõ mấy bộ mặt tang thương của chúng tôi. Tôi đang hình dung ngày mồng Một tết, vợ chồng và các con đi chùa, hái lộc đầu năm.  

Rồi tôi sẽ lì xì cho các con tôi những đồng tiền mới, nói với vợ tôi những lời chúc hạnh phúc gia đình và cho riêng nàng- Chao ơi là hạnh phúc.


Một tiếng sấm nổ to chát chúa làm tôi tỉnh giấc mơ đẹp. Lẫn trong gió mưa, một tiếng hú thê lương vang lên: “Bác sĩ ơi! Cứu tôi với. Tôi đau quá,.. Chết mất, cứu tôi, Bác sĩ ơi…” Tôi nói với mấy anh bên cạnh: “Có lẽ đêm nay anh Năm sẽ đi”. Chiều hôm qua tôi tới thăm bệnh thấy anh nằm thoi thóp, hấp hối. Đôi mắt mở to, anh nhìn tôi cố gắng thều thào: “Bác sĩ cứu tôi, chết…” Tôi đã ứa nước mắt, khóc thầm vì tuyệt vọng không còn cách gì cứu được mạng anh…  

Mấy ngày nay, anh đã được nuôi bằng dịch chuyền. Khi bụng anh căng cứng quá, tôi làm pontion, lấy ra từng lít nước, với hy vọng mong manh kéo dài hơi thở cho anh được lúc nào hay lúc đó… 

Và rồi, nửa đêm về sáng, mỗi lúc tiếng kêu của anh yếu dần đi chỉ còn là những thanh âm ngắt quãng thê thiết. Anh Nguyễn Văn Năm đã ra đi, bỏ lại vợ con. Mọi người cho trần ai khốn khổ. Anh Năm đã chết vì sự cố tình của những người cộng sản coi trại tù, những con người cũng là người, nhưng dường như họ không có trái tim, không có những rung động xúc cảm của con người. Hận thù tàn ác vô nhân đã chiếm ngự từng ngõ nghách tâm hồn -Những con người gỗ- Có lẽ sự tàn độc cũng chỉ đến thế, không còn gì để vượt lên trên được cách giết người này nữa. Quả thật cộng sản giết người trong lạnh lùng, vô nhân. Đúng là siêu việt. 

Người Quốc gia chưa thể và không thể nào so sánh được với cộng sản về sự tàn ác, bất nhân.


Sáng mồng Một tết, cơn bão nhiệt đới ngày hôm qua đã dịu bớt, bầu trời xám xịt. Từng hàng cây đổ xiêu vẹo, ngổn ngang xung quanh trạm xá. Tôi cảm thấy mệt mỏi, thẫn thờ vì cả đêm không ngủ được, vì nhớ nhà, và cũng vì tiếng kêu rên thê lương của anh Nguyễn Văn Năm. 


Qua khung cửa sổ được rào bằng những sợi kẽm gai đan xéo, chằng chịt, tôi nhìn thấy một đám tang đi qua. Thân xác anh Năm được bó trong một chiếc chiếu, có vẻ đã hơi cũ, được ràng buộc rất kỹ. Hai người (bạn tù) khiêng hai đầu bằng một đòn tre. Họ lội lõm bõm trong nước bùn làm văng tung tóe những vệt bùn nhầy nhụa lên con đường trước sân. Họ đang khiêng một xác chết. 

Đám tang cô đơn, không có tiếng khóc. Họ yên lặng khiêng anh Nguyễn Văn Năm về nghĩa địa dành cho những người tù xấu số bên kia đồi. Nơi đây, một huyệt đạo đã được người ta đào sẵn từ mấy ngày trước. Thôi, đã xong một kiếp người. 

Vĩnh Biệt Anh Năm.


BS BĐQ Trần Quý Trâm

Y sĩ trưởng LĐ 11 BĐQ

#455 - Tác Hại Và Cách Khắc Phục Khi Nhai Một Bên | TIM ĐỖ NHA KHOA

Những Vị Tướng Quân Lực VNCH Bị "Tù Khổ Sai" Trên 17 Năm (1975-1992)


1– Thiếu Tướng Trần Bá Di, Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung.

Thiếu Tướng Trần Bá Di là một trong 4 vị Tướng sau cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mà Cộng Sản Việt Nam đã thả sau 17 năm giam cầm trong lao tù. Nói đến Thiếu Tướng Trần Bá Di, những người đã từng biết ông, ai cũng thương mến và ca ngợi đức tánh xuề xòa, chân thật, bình dị, hết lòng với anh em nhưng rất kiên cường, bất khuất trước địch quân của ông.

Xuất thân trường Võ Bị Đà Lạt khoá 5, ông làm Tỉnh Trưởng Cần Thơ từ năm 1962 đến 1964.

Sau đó, ông đi tu nghiệp tại Huê Kỳ và trở về làm Phó Tư Lịnh Sư Đoàn 9.

Sau Tết Mậu Thân, ông được vinh thăng làm Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn IV. Năm1970, ông lại trở về Sư Đoàn 9 với chức vụ Tư Lịnh Sư Đoàn.

Cho đến năm 1974, trước khi đổi về Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung và làm Chỉ Huy Trưởng đến ngày mất nước, ông phụ trách Tư Lịnh Phó Quân Đoàn 4/ Quân khu 4.

Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, Thiếu Tướng Trần Bá Di trong chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Ông ở lại tử thủ đơn vị, chống lại xâm nhập của Cộng Quân từ Hậu Nghĩa cho đến giây phút cuối cùng.

Trong lao tù Cộng Sản, Thiếu Tướng Trần Bá Di nổi tiếng là một tù nhân không khuất phục Cộng Sản, xứng danh là Tư lịnh của Sư Đoàn 9 Mũi Tên Thép.

Ông chống đối lao động cải tạo, không nói chuyện với quản giáo, quản chế.

Nếu muốn nói chuyện với ông phải từ cấp Trưởng Trại trở lên. Ông tuyệt đối không ca hát nhạc Việt Cộng dù bị bắt buộc.

Ông đã giữ đúng tư cách một vị tướng anh hùng của Quân Lực VNCH.

Nhắc đến Thiếu Tướng Trần Bá Di, không ai không cảm mến con người rất mộc mạc, bình dị, hòa đồng với thuộc cấp, chân thật với đồng đội như ông.

Thiếu Tướng Trần Bá Di là một trong các vị Tướng trong sạch, đáng kính mến của miền Nam Việt Nam, là niềm hãnh diện cao quý của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.

Thiếu Tướng Trần Bá Di từ trần ngày 23 tháng 3 năm 2018 tại TP Orlando, Tiểu bang FLORIDA. Hưởng thọ 88 tuổi.

**********

2- Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, Tư Lịnh Sư Đoàn 18 BB.

Người hùng chiến trường Xuân Lộc: “I will hold Long Khánh. I will knock them down here even if they bring two divisions or 3 divisions”. (Tôi sẽ giữ Long Khánh. Tôi sẽ đánh tan họ dù thậm chí họ có 2 hoặc 3 Sư đoàn).

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo, tốt nghiệp Khóa 10 Trường Võ Vị Quốc Gia Đà Lạt khi ông vừa đúng hai mươi tuổi. Là một chiến sĩ rất dũng cảm, chẳng mấy chốc mà số lượng huy chương tưởng thưởng cho ông đã đầy hết ngực áo. Nhưng với bản tính khiêm tốn, hiếm khi người ta thấy ông đeo những chiếc huy chương đó. Thiếu Tướng Đảo là một trong những vị tướng đi lên chức vụ của mình bằng những chiến công ngoài chiến trường. Ông đã từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong quân đội, từng làm Tỉnh Trưởng Chương Thiện và Định Tường. Đỉnh cao nhất trong đời quân ngũ của ông khi ông làm Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh từ tháng 4.1972, vinh thăng Chuẩn Tướng tháng 11 năm 1972.

Ngày 23.4.1975, Tổng Thống Trần Văn Hương gắn Đệ Tam Đẳng Bảo Quốc Huân Chương và vinh thăng ông lên Thiếu Tướng. Thiếu Tướng Đảo nổi tiếng là một vị Tướng thanh liêm, cần mẫn, năng động, kiên quyết và trí dũng song toàn. Sĩ quan và binh sĩ dưới quyền rất thương mến vị Tư Lịnh của họ, vì Thiếu Tướng Đảo luôn quan tâm chăm sóc đời sống thuộc cấp và gia đình họ. Ông luôn có mặt ở những vị trí tiền tuyến của sư đoàn để nâng cao tinh thần chiến binh. Nguyên tắc làm việc của ông mà ông đòi hỏi các cộng sự viên phải tuân thủ là liên lạc xuống dưới ít nhứt hai cấp. Thí dụ, một Trung Đoàn Trưởng phải nắm được tình hình tận cấp Đại Đội, hay thấp hơn nữa. Với hệ thống làm việc sát cánh này, tinh thần binh sĩ lên rất cao, vì lúc nào họ cũng nghe thấy cấp trên đang có mặt bên cạnh. Họ đền đáp sự quan tâm ấy bằng những chiến thắng vang dội và lòng trung thành tuyệt đối.

Biến cố trưa ngày 30-04-75 … Sau khi nhận được lịnh đầu hàng, ông ra lệnh giải tán đơn vị và tìm cách về Cần Thơ rồi lại quay về Sài Gòn. Đến ngày 9 tháng 5 năm 1975, ông ra trình diện Chính quyền mới và phải đi học tập cải tạo, do tỏ thái độ bất hợp tác nên ông bị giam tới 17 năm, lâu nhất trong các tướng VNCH. Mãi đến ngày 5 tháng 5 năm 1992, ông mới được trả tự do.

Tháng 4 năm 1993, ông được xuất cảnh sang Huê Kỳ theo diện H.O và định cư cùng gia đình tại Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ. Sau khi ổn định cuộc sống tại Huê Kỳ, ông tham gia và tích cực tổ chức các hoạt động trong giới cựu sĩ quan và binh sĩ Việt Nam Cộng hòa. Tháng 9 năm 2003, ông là một trong những đồng sáng lập tổ chức “Tập thể Chiến sĩ Việt Nam Cộng hòa” và giữ chức Chủ tịch Trung tâm Điều hợp Trung ương.

Thiếu Tướng Lê Minh Đảo cựu Tư Lịnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH đã mệnh chung vào lúc 1:45 pm Ngày 19 tháng 3 năm 2020 tại tiểu bang Connecticut Huê Kỳ hưởng thọ 87 tuổi.

*****************

3- Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai, Chỉ Huy Trưởng Binh chủng Biệt Động Quân.

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai nguyên là một tướng lĩnh gốc Nhảy dù của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên ở trường Võ bị Quốc gia Việt Nam trong giai đoạn Quân đội Liên hiệp Pháp. Sau này, ông được chuyển sang lĩnh vực Tham mưu và Chỉ huy các đơn vị Bộ binh. Sau cùng, ông đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Binh chủng Biệt động quân.

Thiếu tướng Đỗ Kế Giai sinh năm 1929 tại Bến Tre, trong một gia đình điền chủ. Ông theo học khóa 5 Hoàng Diệu tại trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, ra trường vào tháng 4, 1952. Đơn vị đầu tiên của ông là Tiểu Đoàn 3 Nhảy Dù.

Lần lượt ông đã giữ các chức vụ Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, Tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, Chiến đoàn trưởng Chiến Đoàn 2 Nhảy Dù (1962), Tham mưu trưởng Sư Đoàn 25 Bộ Binh, Tư lịnh Sư Đoàn 10 Bộ Binh (Tiền thân của Sư đoàn 18 Bộ Binh).

Năm 1967 ông mang cấp bậc Chuẩn tướng. Năm 1972, ông là Chỉ huy trưởng binh chủng Biệt Động Quân và được vinh thăng Thiếu tướng vào tháng 4/1974.

Ngày 28 tháng 4/1975, tướng Times bên Tòa Đại Sứ Huê Kỳ ngỏ lời sẵn sàng giúp đưa cả gia đình ông đi Mỹ, nhưng ông quyết định ở lại vì trách nhiệm của một tướng lãnh.

Ngày 15 tháng 5/1975, Cộng sản đến nhà mời ông đi họp và đưa thẳng vào khám Chí Hòa, sau đó đưa ông cùng với các vị tướng lãnh khác ra Bắc Việt.

Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai bị Việt Cộng giam tù lâu hơn cả các Trung tướng Tư lịnh Quân đoàn, tổng cộng 17 năm. Nghe nói rằng Việt Cộng trả thù ông vì khi Dương Văn Minh mời ông cộng tác, ông nói rằng tôi cầm quân không phải để đầu hàng.

Đến ngày 5 tháng 5/1992, sau 17 năm lao tù, ông mới được trả tự do. Ông là một trong 4 vị cấp tướng cuối cùng ra trại đó là Thiếu tướng Trần Bá Di, Thiếu tướng Lê Minh Đảo và Chuẩn tướng Lê Văn Thân.

Ông và gia đình được xếp vào danh sách H.O. cuối cùng đến Mỹ vào tháng 11 năm 1994 và định cư tại thành phố Garland, tiểu bang Texas.

Cựu Thiếu Tướng Đỗ Kế Giai qua đời ngày 21.2.2016 tại Bịnh viện Baylor Dallas, Texas, sau 4 năm sống tại viện dưỡng lão Pleasant Valley Health Care Center.

*************

4- Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi, Tư Lịnh Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh.

Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi là vị tướng thiết giáp tài giỏi nhất trong Quân Lực VNCH.

Ông là một vị tướng oai hùng, chính trực, tài giỏi, chỉ huy tận tụy và cũng là vị chỉ huy Lữ đoàn duy nhất trong 4 Lữ đoàn của Binh Chủng Thiết Giáp và trong tất cả các Lữ đoàn của QLVNCH được thăng cấp chuẩn tướng. Ông còn chỉ huy Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III.

Cựu Chuẩn Tướng Trần Quang Khôi sinh ngày 24 tháng 1 năm 1930 tại quê ngoại Mỏ Cầy, Bến Tre. Năm 1951, Ông gia nhập Quân Đội Quốc Gia, ra trường với cấp bậc thiếu úy hiện dịch và ông chọn Binh Chủng Thiết Giáp. Kể từ đó ông gắn bó với binh chủng này cho đến ngày 30 tháng 4 năm 1975.

Ông từng theo học các trường thiết giáp danh tiếng thế giới là Trường Thiết Giáp Saumur năm 1955 tại Pháp. Trường Thiết Giáp Fort Knox năm 1959 và Trường Đại học Chỉ Huy và Tham Mưu Lục Quân Fort Leavenworth 1973 tại Huê Kỳ.

Trong cuộc đời binh nghiệp, ông được thăng cấp khá chậm, nhưng qua đó cho thấy ông trưởng thành trong khói lửa chiến tranh thật sự và hoàn toàn xứng đáng chứ không phải là may mắn… 1954 – Trung úy, 1955 – Đại úy, 1960 – Thiếu tá, 1965 – Trung tá, 1969 – Đại tá và 1974 – Chuẩn tướng.

Các cấp chỉ huy của ông đều đánh giá cao thực tài của ông và danh tiếng cũng như những chiến công của họ cũng được chính ông góp phần. Ngay các cố vấn và giới quân sự Huê Kỳ cũng hết sức khâm phục và không tiếc lời khen ngợi ông.

Thời đánh qua Chiến trường Cao Miên 1970-1971 để tìm và diệt quân cộng sản Bắc Việt CSBV, ông chỉ huy Chiến Đoàn 318 là một Chiến đoàn trưởng xuất sắc.

Có thể nói Ông là vị tướng thiết giáp xông xáo, táo bạo nhưng có tính toán. Ông phát huy tối đa tính cơ động và tận dụng hỏa lực để tạo những cú sốc chấn động, bất ngờ cho cộng quân. Ông tổ chức Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III (LLXKQĐ3) theo mô hình khá sáng tạo và linh động cho phù hợp với chiến trường và khả năng của QLVNCH. Ông cũng là người kết hợp nhuần nhuyễn nhị thức thiết giáp – bộ binh một các tài tình.

Lực Lượng Xung Kích Quân Đoàn III do ông chỉ huy đã giải vây Căn Cứ biên phòng Đức Huệ của TĐ83 BĐQ và đánh bại Công Trường 5 (SĐ 5) CSBV chỉ trong vòng 5 ngày. Ông cũng góp phần cho chiến thắng Xuân Lộc năm 1975. Sau khi rút về phòng thủ Biên Hòa, LLXKQĐ3 đã đánh bại SĐ341 CSBV.

Ông cùng một số ít tướng lãnh VNCH bị đòn thù CSBV đến 17 năm giam cầm. Ông qua định cư tại Virginia – Huê Kỳ diện HO. Ông đã tốt nghiệp văn bằng thạc sĩ văn chương Pháp tại đại học George Mason năm 1998.

Chuẩn tướng Trần Quang Khôi tạ thế ngày 1 tháng 4 năm 2023 tại tiểu bang Virginia, hưởng thọ 93 tuổi .

************

5- Chuẩn Tướng Phạm Ngoc Sang, Tư Lịnh Sư đoàn 6 Không Quân.

Chuẩn Tướng Phạm Ngọc Sang nguyên là một tướng lĩnh Không Quân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông xuất thân từ một trường chuyên đào tạo sĩ quan trừ bị cho ngành Bộ binh do Quân đội Quốc gia thành lập dưới sự hỗ trợ của Quân đội Pháp. Tuy nhiên, sau đó trúng tuyển chuyến sang Không quân. Ông đã phục vụ ở Quân chủng này cho đến ngày cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp của mình.

Ngày 15 tháng 3, được lệnh di tản chiến thuật Sư đoàn 6 Không quân từ Pleiku xuống Phan Rang.

Trưa ngày 16 tháng 4, ông bị quân Cộng sản Bắc việt bắt cùng với Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi bị tạm giam tại Cam Lâm, Khánh Hòa rồi Đà Nẵng, cuối cùng bị đưa ra Bắc qua các trại giam: Sơn Tây, Hoàng Liên Sơn, Hà Sơn Bình, Nam Hà. Sau đó, ngày 30 tháng 11 năm 1988 được đưa về miền Nam giam giữ ở trại Z.30D Hàm Tân, Bình Thuận. Cho đến ngày 11 tháng 2 năm 1992 ông mới được trả tự do.

Ngày 22 tháng 2 năm 1992, ông cùng với gia đình xuất cảnh theo chương trình diện H.O. Sau đó định cư tại Garden Grove, Tiểu bang California, Huê Kỳ.

Trước khi mất ông dồn sức cố viết một hồi ức về trận đánh Phan Rang và làm một điều chẳng ai bắt ông phải làm là tỏ lời cáo lỗi cùng đồng bào qua mấy dòng bi tráng, “Tôi cảm nhận rất có tội với đồng bào, vì làm tướng mà không giữ được thành.”

Ngày 30 tháng 11 năm 2002, ông từ trần tại nơi định cư. Hưởng thọ 71 tuổi.

****************

6- Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, Chỉ Huy Trưởng Biệt Động Quân Quân Khu 2.

Chuẩn tướng Phạm Duy Tất sanh 1933, nguyên là một tướng lĩnh Bộ binh, sau chuyển sang Binh chủng Lực lượng Đặc biệt của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông xuất thân từ những khóa học ở giai đoạn đầu tiên ở trường Sĩ quan Trừ bị do Chính phủ Quốc gia Việt Nam mở ra tại miền Nam Việt Nam. Năm 1970, khi Binh chủng Lực lượng Đặc biệt giải tán, ông chuyển sang Binh chủng Biệt động quân.

Đầu năm 1975, kiêm chức vụ Tư lịnh Chiến trường Kon-Tum. Ngày 14 tháng 3 1975, ông được thăng cấp Chuẩn tướng tại nhiệm. Hai ngày sau (16 tháng 3), ông nhận chức vụ Tư lệnh cuộc hành quân triệt thoái Quân đoàn II khỏi Cao nguyên trên tỉnh lộ 7, được đặt dưới quyền giám sát của Chuẩn tướng Trần Văn Cẩm (đương nhiệm chức vụ Phụ tá hành quân Quân đoàn II).

Sau ngày 30 tháng 4 1975, ông ra trình diện và bị chính quyền mới đưa đi tù cải tạo từ Nam ra Bắc cho tới ngày 11 tháng 2 năm 1992 mới được trả tự do. Cũng trong năm 1992, sau 17 năm trong lao tù cộng sản ông cùng với phu nhân và 2 người con xuất cảnh theo diện H.O được cứu xét trường hợp đặc biệt do Chính phủ Hoa Kỳ bảo lãnh đi định cư tại Amadale, Tiểu bang Virginia, Huê kỳ.

Cựu Chuẩn Tướng Phạm Duy Tất, qua đời 11/12/2019 tại bịnh viện Inova Fairfax Hospital, Falls Church, Virginia, hưởng thọ 85 tuổi.

*************

7- Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, Tư Lịnh phó Quân khu II

Chuẩn tướng Lê Văn Thân (1932-2005), nguyên là một tướng lĩnh gốc Pháo binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên tại trường Võ bị Quốc gia sau khi chuyển từ Huế về Nam Cao nguyên Trung phần. Ông đã phục vụ ở ngành chuyên môn của mình một thời gian dài, sau ông được chuyển sang lĩnh vực Chỉ huy và Tham mưu và đã từng giữ chức vụ Chỉ huy một đơn vị Bộ binh cấp Sư đoàn. Sau cùng là Tư lịnh phó của một Quân đoàn.

Đầu năm 1960, ông được thăng cấp Thiếu tá và được cử làm Chỉ huy trưởng Pháo binh Sư đoàn 1 Bộ binh. Đầu tháng 2 năm 1964, sau cuộc Chỉnh lý nội bộ ngày 30 tháng 1 của tướng Nguyễn Khánh, ông được cử đi du học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại trường Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth, thuộc Tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ. Tháng 8 cùng năm mãn khóa học về nước, ông được thăng cấp Trung tá. Sau đó ông được chuyển về Bộ Tổng tham mưu giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Hành quân. Ngày Quốc khánh Đệ nhị Cộng hòa 1 tháng 11 năm 1967, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm.

Tháng 3 năm 1968, ông được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng và Tiểu khu trưởng tỉnh Thừa Thiên kiêm Thị trưởng thị xã Huế thay thế Đại tá Phan Văn Khoa.

Cuối tháng 1 năm 1972, ông nhận lệnh bàn giao tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế lại cho Đại tá Nguyễn Hữu Duệ. Ngay sau đó, ông được bổ nhiệm làm Tư lịnh phó Sư đoàn 7 Bộ binh do Chuẩn tướng Nguyễn Khoa Nam làm Tư lệnh. Đầu tháng 5, trở lại Quân khu 1 ông được cử làm Phụ tá cho Tư lệnh Quân đoàn I, Đặc trách hành quân kiêm Trưởng ban kế hoạch tái chiếm Quảng Trị. Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 cùng năm, ông được thăng cấp Chuẩn tướng và được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh, thay thế Thiếu tướng Phạm Văn Phú.

Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 năm 1973, ông nhận lệnh bàn giao Sư đoàn 1 Bộ binh lại cho Đại tá Nguyễn Văn Điềm (nguyên Tư lệnh phó Sư đoàn). Cùng ngày ông được chuyển về Quân khu 2 giữ chức vụ Chỉ huy phó trường Võ bị Quốc gia Việt Nam, thay thế Đại tá Phạm Tất Thông đi làm Tham mưu trưởng Tổng cục Quân huấn. Cuối năm 1974, ông được chuyển về Bộ tư lịnh Quân đoàn II giữ chức vụ Tư lịnh phó lãnh thổ Quân khu 2 do Thiếu tướng Phạm Văn Phú làm Tư lịnh.

Sau ngày 30 tháng 4, ông ra trình diện Ủy ban Quân quản Thành phố Sài Gòn, bị bắt đi tù lưu đày cho tới ngày 5 tháng 5 năm 1992 mới được trả tự do.

Năm 1993, ông cùng gia đình xuất cảnh theo chương trình diện H.O, do Chánh phủ Huê Kỳ bảo lãnh, sau đó định cư tại Westminster, Tiểu bang California, Huê kỳ.

Ngày 26 tháng 9 năm 2005, ông từ trần tại nơi định cư. Hưởng thọ 73 tuổi.

**************

8- Chuẩn Tướng Mạch văn Trường, Tư Lịnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh.

Chuẩn tướng Mạch Văn Trường (sinh 1936), xuất thân Khoá 12 VBQGVN, nguyên là một tướng lĩnh Bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng hòa. Ông xuất thân từ trường Võ bị Liên quân vào thời kỳ Quân đội Việt Nam Cộng hòa hình thành (1955). Trong thời gian tại ngũ, ngoài chuyên môn là một sĩ quan chỉ huy đơn vị Bộ binh, ông cũng được giao phó chức vụ chỉ huy về lãnh vực Hành chính Quân sự.

Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1965, ông được thăng cấp Thiếu tá và được cử giữ chức vụ Trưởng phòng 2 tại Bộ tư lệnh Sư đoàn 21 bộ binh do Chuẩn tướng Phạm Quốc Thuần làm Tư lệnh. Qua đầu năm 1967, ông chuyển đi làm Phó Tỉnh trưởng Nội an kiêm Tiểu khu phó Bạc Liêu.

Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1968, ông được thăng cấp Trung tá tại nhiệm, sau đó chuyển về Thủ đô giữ chức Tham mưu trưởng Tòa Tổng trấn Sài Gòn-Gia Định.

Giữa năm 1969, ông được chỉ định vào chức vụ Đặc khu trưởng Đặc khu Thủ Đức. Giữa năm 1970, được cử đi học và tốt nghiệp khóa Chỉ huy Tham mưu cao cấp ở trường Chỉ huy và Tham mưu tại Đà Lạt.

Đầu năm 1971 mãn khóa học, ông được cử làm Trung đoàn phó Trung đoàn 8, Sư đoàn 5 Bộ binh do Đại tá Bùi Trạch Dần làm Trung đoàn trưởng. Tháng 7 cùng năm ông được lên giữ chức vụ Trung đoàn trưởng thay thế Đại tá Dần dưới quyền Đại tá Lê Văn Hưng Tư lịnh Sư đoàn.

Tháng 3 năm 1972, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Tháng 7 cùng năm, ông được chỉ định vào chức vụ Tư lịnh phó Sư đoàn 5 Bộ binh vẫn do Chuẩn tướng Lê Văn Hưng làm Tư lệnh, sau đó Đại tá Trần Quốc Lịch thay thế làm tư lệnh Sư đoàn. Tháng 11 cuối năm, Bộ Tổng tham mưu biệt phái ông sang lĩnh vực Hành chánh Quân sự và ông được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Long Khánh.

Đầu năm 1974, rời chức vụ Tỉnh trưởng, ông được cử theo học và tốt nghiệp Thủ khoa khóa Tổng thanh tra Quân lực. Tháng 4 cùng năm, ông được chuyển trở về Quân khu 4, phục vụ tại Sư đoàn 21 Bộ binh giữ chức vụ Chánh tranh tra Sư đoàn. Tháng 11 cuối năm, ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh thay thế Chuẩn tướng Lê Văn Hưng được cử đi làm Tư lịnh phó Quân đoàn IV và Quân khu 4.

Ngày 17 tháng 5/75, ông bị bắt tại Cần Thơ và đưa đi học tập và cải tạo từ Nam ra Bắc suốt 17 năm. Ngày 11 tháng 2 năm 1992 mới được trả tự do.

Cùng năm 1992, ông được Chánh phủ Huê Kỳ bảo lãnh theo diện H.O sang Mỹ tỵ nạn và định cư tại Houston, Tiểu bang Texas, Hoa Kỳ & Đã từ trần ngày 30/6/2021 tại Houston Texas USA.


HD Lê Duy Đài

Montreal, Canada 04-2023