Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Huế
Năm 1993, khi mới đến Mỹ, gia đình chúng tôi đến văn phòng Hội USCC San Diego để làm một số giấy tờ của người mới định cư. Trong khi đang chờ đợi bỗng có một nhân viên ở đó đưa cho tôi tờ nhắn tin như sau:
“Quí vị nào biết gia
đình ông Bửu Uyển ở đâu, xin liên lạc với:
Lê Văn Thành, điện
thoại số 2514468353
Địa chỉ 428 E Church
St., Atmore, AL 36502
Tôi vô cùng ngỡ ngàng
và cảm động vì Thành là bạn thân của tôi từ lúc chúng tôi còn nhỏ.
Khi hoàn tất các giấy
tờ ở Hội USCC, tôi vội vàng trở về nhà, gọi điện thoại ngay cho Thành. Ở đầu
dây bên kia, giọng Thành cảm động:
-Cậu đó hả! Tạ ơn
Chúa, tạ ơn Đức Mẹ, cuối cùng mình cũng gặp lại nhau. Mình tìm kiếm cậu
khắp nơi từ bao lâu nay. Thế gia đình cậu qua Mỹ lúc nào vậy?
-Mình mới qua được 5
ngày.
-Được rồi, đọc lại số
điện thoại của cậu và cho mình địa chỉ, vợ chồng mình sẽ qua thăm cậu.
Một tuần sau, vợ chồng
Thành qua San Diego thăm chúng tôi. Thành ôm chầm lấy tôi, xúc động nói:
-Thật vui mừng được
gặp lại cậu, Trông chờ mãi, lắm lúc mình nghĩ có lẽ không bao giờ gặp lại
nhau. Cậu ốm qua, nhưng không sao, qua Mỹ một thời gian sẽ mập ra thôi.
Thành quay ra giới
thiệu: “Đây là Thoa, vợ mình.”
Tôi hơi ngạc nhiên,
Thành nói ngay:
-Đây là vợ sau của
mình. Câu chuyện dài dòng lắm, để lát nữa mình sẽ kể cho cậu nghe.
Tôi trò chuyện với
Thành, còn Thoa vui vẻ chỉ dẫn cho vợ tôi một vài kinh nghiệm sống ở Mỹ. Mới
gặp nhau lần đầu nhưng Thoa và vợ tôi thân mật như đôi bạn quen nhau từ lâu.
Thành kéo tay tôi: “Để
cho hai bà nói chuyện áo quần, bếp núc. Tụi mình đi kiếm gì ăn, rồi mua
về cho mấy cháu.”
Ngồi trong một tiệm ăn
Việt Nam, khi chờ thức ăn mang lên, Thành nhìn qua cửa sổ, trầm buồn nói với
tôi:
-“Anh nhớ không, từ nhỏ, tụi mình thân nhau như an hem ruột; cùng sinh hoạt Hùng Tâm, Dũng Chí ở Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ở Huế, cùng giúp lễ cho cha Đài, cha Ngà, cha Nghiễm, cha Phục. Năm 1964, tôi bị động viên vào Thũ Đức, ra chuẩn úy, về phục vụ Sư đoàn 1. Năm 1968, tôi lập gia đình với Chi. Hai năm sau, chúng tôi có con gái đầu long, là bé Oanh. Sau đó chúng tôi có thêm một cháu trai và một cháu gái nữa,
Ngày 30-4-1975 ập đến,
như một cơn lốc cuồng loạn, thổi phăng hạnh phúc của gia đình chúng tôi.
Tôi quyết định không trình
diện cải tạo, ở lang thang nay đây mai đó trong thành phố Đà Nẵng, hành nghề xe
đạp ôm để phụ với vợ nuôi con. Còn Chi thì mua bán áo quần cũ ở Chợ Cồn.
Vì cuộc sống vất vả, ăn uống thiếu thốn, lại lo buồn cho chồng, cho con, một
năm sau, Chi nhuốm bệnh.
Không được bồi dưỡng,
không thuốc thang, nên năm 1978, Chi qua đời. Đám tang của Chi là một đám
tang nghèo nàn, tẻ nhạt và cô đơn hơn tất cả những đám tang trên thế gian
này. Chồng của Chi là tôi, đi theo sau quan tài của vợ mà phải đi xa xa, sợ
công an phát hiện. Nhìn 3 đứa con với vành khăn tang trên đầu, khóc lóc đi sau
quan tài của mẹ, tôi muốn đi lên.”
Thành quá xúc động,
lấy khăn tay lau nước mắt, rồi anh kể tiếp:
- Sau đó, 3 đứa con tôi
được các Soeurs dòng Thánh Phao Lồ đem về nuôi như những trẻ mồ côi khác.
Buồn khổ quá, tôi thất
thểu đạp xe vào nhà thờ Đà Nẵng, đi đến trước hang đá. Tôi ngước lên nhìn
tượng Đức Mẹ, bỗng nhiên nước mắt tôi chảy ra ràn rụa, tôi khóc; khóc thành
tiếng, mặc cho người chung quanh nhìn tôi, tho co nôi thấy lòng vơi bớt sầu khổ.
Tôi lại nhìn lên tượng Đức Mẹ. Tôi nghe như Đức Mẹ an ủi tôi: “Hởi con, hãy can
đảm lên, phấn đấu để sống cho con và các con của con; chúng rất cần sự yêu
thương của con. Con hãy trông cậy vào Chúa. Chúa không bỏ con
đâu".
Tôi như bừng tỉnh. Tôi
tạ ơn Đức Mẹ.
Cuộc sống của tôi thật
vô cùng khốn khổ nhưng ngày nào tôi cũng đến viếng Đức Mẹ và càu xin Đức Mẹ từ
bi nhơn hậu phù hộ, cứu giúp cho cha con chúng tôi.
Bỗng một hôm, mẹ vợ
của tôi đến gặp tôi khi tôi đang đón khách ở chợ Cồn. Bà hốt hoảng bảo
tôi: Con nên rời khỏi đây ngay, họ đã biết có con ở đây. Mấy hôm nay họ
đã lùng sục ở mấy nhà quen rồi, hiện nhà mình bị canh chừng kỹ lắm. Con
nên đi vô Nam, trong đó đất rộng, người đông, không ai biết ai, dễ sống. Ba đứa
nhỏ đã có các Soeurts và mẹ lo, con cứ yên tâm đi đi.
Tôi về ngay nhà trọ,
lấy vội cặp áo quần cũ với vài vật dụng linh tinh, cho vào một giỏ đệm, treo
lên ghi đông xe đạp, rồi đạp xe đi về hướng Nam. Nghĩ lại, thật nực cười
cho tôi vì tôi tính đi vào Sài Gòn bằng chiếc xe đạp cũ kỹ của mình.
Nhưng ngày qua ngày.
Tôi đến Tam Kỳ, rồi Quảng Ngãi. Đi đến đâu, hành nghề xe đạp ôm đến đó để sống.
Tôi đi lần vào Nam.
Hơn một tháng sau, tôi đến thị trấn Tam Quan, tình cờ khi tôi đang lân la ở bến
xe để đón khách, tôi xin một xe chở hàng cho tôi đi quá giang vào Nha Trang.
Xe đến Nha Trang lúc 7,8 giờ tối gì đó.
Tôi mua một ổ
bánh mì, ăn vội, rồi lửng thửng đạp xe đi trong một thành phố hoàn toàn xa lạ
đối với tôi. Khi đi ngang qua một nhà thờ, tôi ghé vào nhưng nhà thờ đã
đóng cửa, tôi đi ra hang đá ở cuối nhà thờ, quì xuống. Tôi lại khóc. Không
hiểu sao cứ mỗi lần nhìn tượng Đức Mẹ và cầu nguyện với Đức Mẹ là tôi khóc,
khóc sướt mướt như một đứa trẻ làm nũng với Mẹ vậy.
Trong hoàn cảnh
tuyệt vọng của tôi, nếu không có trông cậy vào Đức Mẹ, chắc tôi không sống nỗi.
Rời hang đá
trong gia đình của những người con Đức Mẹ,tôi tiếp tục đạp xe đi lang thang
trong thành phố Nha Trang đã lên đèn.
Quá mệt mõi và chán
nản, tôi dừng xe trước một căn nhà đã đóng cửa đi ngủ. Nhà ấy có
một mái hiên khá kín đáo, có thể giúp tôi ngủ qua đêm được. Dựng xe đạp
vào vách tường, tôi nằm lăn ra ngủ. Đến quá nửa đêm , tôi giật mình thức
giấc vì người trong nhà ấy đã thức dậy. Tôi ngạc nhiên vì trời còn
tối (có lẽ khoảng 3,4 giờ sáng gì đó), họ thức dậy làm gì mà sớm vậy! Nhưng chỉ
một lát sau, khi nhìn những túi xách nhỏ, gọn gang của họ; nhìn những gương mặt
ngơ ngác, lo lắng, sợ sệt của những người trong gia đình …tôi hiểu ngay: họ
đang chuẩn bị vượt biên. Một người đàn ông ra mở cửa để đi, họ thấy tôi
ngồi đó, ai cũng ngỡ ngàng , pha chút bối rối. Tôi đánh bạo nói: Các bác
đi đâu cho tôi theo với.
Người đàn ông quay nhìn vợ, ngần ngừ một lát rồi ông ta quyết định:
- Được rồi! Anh muốn
đi, tôi cho đi, cùng sống cùng chết với nhau.
Ngay lúc đó, một
chiếc xe Lam 3 bánh dừng lại trước nhà, đưa gia đình ấy và tôi đến một
bãi biển khá xa thành phố. Mọi người lên một ghe nhỏ, chèo tay, đưa ra một ghe
lớn đậu tít ngoài khơi. Trước lúc trời sáng, ghe nổ máy ra đi.
Người đàn ông chủ ghe tên Đông, giao cho tôi nhiệm vụ tát nước, khi dưới khoang
thuyền có nước. Khoảng 15 phút sau, ghe chạy đều đều trên biển, tôi làm
dấu thánh giá và đọc kinh, tạ ơn Đức Mẹ. Tôi biết, tôi tin, chỉ có Đức mẹ mới
sắp xếp được cho tôi một chuyến vượt biên kỳ lạ như vậy.
Sau nhiều ngày
lênh đênh trên biển, chúng tôi được tàu kéo đến trạ Palawan bình yên. Ỡ
trại một thời gian, tôi được IOM cho đi định cư ở Mỹ. Vì tôi không có thân nhân
ở Mỹ nên Hội USCC đã nhờ Linh mục Michael ở Alabama bảo trợ cho
tôi. Cha Michael là cha xứ của Họ đạo "Our Lady of Perpetual Help
Church" ở thành phố Atmore. Cha Michael cho tôi làm công việc
chăm sóc cây cảnh, vườn cỏ của giáo xứ với mức lương tôi không dám mơ ước: 600
đô la một tháng! Mỗi tháng, tôi gởi một ít tiền về cho cơ sở Dòng Thánh
Phao Lồ ở Đà Nẵng để quí Soeurs lo cho các trẻ mồ côi, trong đó có 3 con của
tôi. Trong những ngày chăm sóc cây cảnh cho giáo xứ, tôi thấy một bé gái
khoảng 9,10 tuổi thường đến xem tôi làm việc. Thấy cháu bé có nét mặt
người Việt Nam, tôi tò mò hỏi: cháu tên gì? Em bé ngạc nhiên, vui mừng nhìn tôi
và hỏi lại : Bác là người Viêt Nam hả? Từ đó tôi có một người bạn nhỏ và duy
nhất vì trong giáo xứ toàn người Mỹ. Tên của cháu bé là Kathrine.
Giáo xứ có một
nhà kho khá rộng, cha Michael sơn quét sạch sẽ rồi cho tôi làm chỗ ở. Mùa đông
1981 tôi bị cảm cúm nặng, nằm liệt giường. Một hôm, tôi thấy bé Kathrine
đi thơ thẩn ngoài vườn hoa của giáo xứ, có lẽ cháu đi tìm tôi. Tôi cố
gắng ngồi dậy, mở cửa gọi cháu. Kathrine chạy đến, thấy tôi tiều tụy xanh xao,
bé ôm lấy tôi và khóc rưng rức. Tôi kể cho bé Kathrine, tôi bị cảm cúm mấy hôm
nay, nhưng không biết nhờ ai đi bác sĩ. Bé Kathrine chạy vội về nhà, một lát
sau trở lại với một bà đứng tuổi, tôi đoán là mẹ của cháu. Vừa gặp tôi, bà ấy
nói ngay: Bác là bác Thành phải không? Tôi thường nghe con gái tôi nói về bác,
cháu nó mến bác lắm. Cháu vừa cho biết bác bị cảm cúm mà không ai đưa đi bác
sĩ. Tôi là người đồng hương với bác, để tôi giúp bác.
Từ đó, tôi có thêm một
người bạn, ngoài cháu Kathrine. Bà ấy tên là Thoa. Năm 1969, bà ấy kết hôn với
một sĩ quan Không quân Mỹ ở Biên Hòa. Năm 1971, bà theo chồng về Mỹ. Không
may cho gia đình ấy, năm 1976, chồng bà qua đời vì một tai nạn xe cộ.
Ngừng một lát, Thành
kể tiếp:
Biết được hoàn
cảnh của cha con tôi, bà ấy thường gởi tiền vè nuôi các con của tôi. trước
các dịp lễ lớn, như Noel, Tết…, bà gởi về cho các con tôi những thùng quà
rất giá trị . Quí Soeurs ở Việt Nam thường gởi thư qua cảm ơn vì quà của bà gởi
về, ngoài 3 con của tôi đươc hưởng, Soeurs còn phân phát cho các em khác nữa.
Tôi mang ơn bà ấy. Tôi còn nhớ, trong một party của giáo xứ nhân ngày đầu năm,
Cha Michael gặp chúng tôi, nửa đùa nửa thật, cha nói với chúng tôi: Có gì ngăn
trở đâu, sao ông bà không kết hôn với nhau?! Tôi nhìn bà ấy, bà mỉm cười.
Sau khi chúng tôi kết hôn với nhau, Thoa làm đơn bảo lãnh 3 con của tôi qua Mỹ.
Vì Thoa có quốc tịch Mỹ, lại có đầy đủ tài chánh nên chỉ một thời gian ngắn, cả
3 con của tôi đã đoàn tụ với tôi ở Mỹ. Việc đoàn tụ một cách lạ lùng của 3 cha
con chúng tôi làm cho tôi tin rằng: Không có việc gì mà Đức Mẹ không làm được,
nếu ta thành khẩn kêu xin.
Tôi nhớ lại ngày xưa,
Cha Ngà (Dòng Chúa Cứu Thế) thường giảng rằng; Đau khổ là một mầu nhiệm.
Lúc ấy, tôi không hiểu Ngài muốn dạy điều gì. Nhưng sau mấy chục năm gian
khổ của cuộc sống, với ơn Chúa giúp, với sự phù hộ của Đức Mẹ, tôi đã có thể
chịu đựng và vượt qua mọi đau khổ, nhờ vậy, tôi thấy mình lớn lên trong đức
tin, bền đỗ trong đức cậy và dạt dào lòng yêu mến Chúa.
Tôi cũng bắt đầu cảm
nhận rằng: Lòng Mẹ Maria yêu thương tôi không những chỉ là những hồng ân tốt
đẹp mà Mẹ đã ban cho tôi, mà ngay cả những đau khổ, khốn khó tôi đã gánh chịu,
cũng nói lên lòng Đức Mẹ yêu thương tôi biết dường nào!
“Xin tạ ơn Chúa, tạ ơn
Đức Mẹ.”
Bửu Uyển
Toi cung da tung "khoc nhu mot dua con nit, khi cau xin cung Duc Me" Toi nghi la toi cung hieu duoc tam trang cua ong
ReplyDelete