“Cuộc sống” bây giờ rất lạ. Hồi xưa còn có ngày và đêm, còn có làm việc 8 tiếng ở cơ quan , sở làm, còn lại là thì giờ “của mình” để “tùy nghi”. Xưa hơn nữa – thời con trâu đi trước cái cày theo sau- thì người “trai cày” dậy sớm, ăn no rồi vác cày dẫn trâu ra ruộng, hết buổi cày, phe phẩy quạt mo quay về hoặc ngủ thẳng cẳng dưới bóng mát cây đa…!
Bây giờ thì hết. Không thể vậy nữa. Điện thoại thông minh sẵn sàng
réo gọi bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu. Không có sáng trưa chiều tối gì cả. Không
có ở nhà ở sở gì cả. Không có nghỉ hè nghỉ lễ gì cả. Thế giới trong lòng tay.
Tin thiệt tin giả hằm bà lằng. Đó là thời kỳ “Siêu hiện đại” (Metamodernism) khi
đã có cái smartphone, cái laptop bên cạnh. Đêm là ngày. Quán càphê, quán nhậu
là chỗ làm việc. Bãi biển là văn phòng… Thế là đầu tắt mặt tối. Thế là đỏ mặt
tía tai. Thế là bầm gan tím ruột…
Có dịp qua Nhật, thấy người ta làm việc trối chết. Vợ ở nhà mà thấy chồng về sớm
trước 11 giờ đêm tức là chồng kém, phải làm thêm job đến sau 11 giờ mới tốt. Thỉnh
thoảng nghe ở Nhật, ở Hàn có một diễn viên xinh đẹp, ca sĩ nổi tiếng, rất giàu
có, bỗng nhiên tự vẫn chết chẳng biết vì sao.
Bây giờ không còn là thời của “Buồn nôn” (La Nausée, Jean Paul Sartre) sáng vác
ô đi tối vác về nữa, mà quay cuồng, mà chóng mặt, là thời của hậu-hậu hiện đại,
siêu hiện đại rồi. Đó là thời của chuyển động không ngừng, của xáo trộn, của
nháo nhào (oscillation), giữa giễu nhại và trân trọng, giữa ngây thơ và uyên
bác, giữa lạc quan và hoài nghi, giữa mẫu mực và phá cách…, có thể gọi là thời
của “đảo điên mộng tưởng”, đưa đến những bệnh thời đại như SAD (stress căng thẳng,
anxiety lo âu sợ hãi và depression trầm cảm). Cho nên ta không lạ khi ngày càng
có nhiều người rời phố thị tìm về những vùng hoang vắng, sống nơi không wifi,
không điện, không máy tính. Cũng không lạ khi du khách nước ngoài đến Hội An chỉ
thích cưỡi trâu, đội nón lá, vác cày ra ruộng và phe phẩy quạt mo “nắm xôi bờm cười”!
Gần đây những từ mới như workaholic, nghiện, say mê công việc, workmaniac, điên
vì công việc, một dạng tâm thần ngày càng nhiều. Những người mắc chứng này dễ dẫn
đến tự tử. Họ có rất nhiều tiền nhưng sẵn sàng tìm cái chết để giải thoát. Từ
karoshi ở Nhật – chết khi đang làm việc – đã trở nên phổ biến. Hằng năm có cả
chục ngàn ca như vậy.
Tôi vẫn thường nhận được những câu hỏi nhờ tư vấn, nói chỗ làm lương thì cao mà
căng thẳng quá, chắc là phải đi tìm chỗ khác, không thể sống như vậy được nữa vì
không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống, không có thời gian cho bản thân, cho bạn
bè, gia đình; áp lực công việc, áp lực deadline, đối tác… Có người nói thấy đầu
óc như đang ở trên mây, không nhớ điều gì cả, trí óc quên đủ thứ và cuộc sống của
họ bây giờ nó lôi thôi lắm, như Alzheimer dù tuổi hãy còn rất trẻ!
Lâu nay ta cứ nghĩ mình không có bệnh là mình khỏe nhưng điều đó là sai. Sức khỏe
là tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well-being) về cả ba mặt thể chất, tâm thần
và xã hội chớ không chỉ là không có bệnh hay tật. Nhiều khi ta trông thấy một
người có thể chất rất chuẩn, đẹp trai, cao ráo nhưng anh ta có thể đang mắc bệnh
tâm thần. Sức khỏe về mặt xã hội càng quan trọng: kẹt xe, ngập nước sao khỏe được.
Các mối quan hệ xã hội, môi trường sống không an toàn, không an ninh, sao khỏe
được.
Khi nghĩ rằng sức khỏe là chuyện của y tế là sai. Y tế chỉ có nghĩa “cứu tế về
y khoa”, giúp đỡ những lúc ta ốm đau, bệnh hoạn còn sức khỏe là chuyện khác, sức
khỏe là chuyện của mình. Có người nói rất đúng: “bác sĩ tốt nhất là chính
mình”.
Một công ty quan tâm đến sức khỏe nhân viên không chỉ mở một phòng y tế, chờ
khi nhân viên đau ốm thì vào cấp cứu, thuốc men. Trường học cũng vậy. Nhiều trường
học hãnh diện có một phòng y tế trang bị thuốc men đầy đủ, có bác sĩ cho học
sinh mỗi khi đau ốm hay tai nạn, nhưng rất thiếu sót. Bởi sức khỏe của học sinh
chủ yếu là tâm sinh lý tuổi mới lớn, tuổi dậy thì, nên vấn đề của y tế học đường
là tham vấn sức khỏe, giải quyết xung đột… Ngày nay nhiều trường đã tổ chức các
lớp thiền, yoga cho học sinh. Anh quốc còn có chương trình đưa Thiền chánh niệm
vào trường học: Mindfulness in School Project (MiSP) có hiệu quả tốt.
Phương pháp đơn giản để “Cân bằng cuộc sống” (Work-Life Balance) là vẽ một biểu
đồ phân tích tình trạng sinh hoạt của mình để thấy chỗ nào đang bị lệch lạc như
về công việc, tài chánh, học tập, giải trí, gia đình, bạn bè… Theo dõi biểu đồ
đó từng thời gian, có thể thấy mình đang bị lệch về hướng nào, cần điều chỉnh
ra sao.
Có một vài phương pháp cụ thể hơn để giải stress, ví dụ như yoga, thiền quán,
thở bụng… Phương pháp thở bụng (Diaphragmatic breathing hay Abdominal
breathing) đơn giản mà hiệu quả. Các bác sĩ nổi tiếng hiện nay như Dean Ornish
hay Deepak Chopra (Mỹ) đang phát triển phương pháp này để chữa bệnh. Họ nghiên
cứu trên hai nhóm bệnh nhân tim mạch, một nhóm uống thuốc bình thường, nhóm còn
lại kết hợp thêm thở bụng thì thấy rõ ràng nhóm có thở bụng đạt kết quả tốt hơn
(thống kê y học).
Gần đây Tây phương nghiên cứu nhiều về thiền, ứng dụng thiền vào cuộc sống. Họ
mời các nhà sư Tây Tạng tham gia, dùng nhiều kỹ thuật đo đạc hoạt động của não
bộ như EEG, fMRI, PET… để xem xét coi có sự chuyển biến trong não bộ thế nào
trong lúc hành thiền và đã phát hiện ra nhiều điều lý thú rồi ứng dụng để chữa
nhiều bệnh trong đó có bệnh tâm thần, mất ngủ, nghiện, tim mạch… Các phương
pháptâm lý trị liệu như MBSR (Midfulness-Based Stress Reduction) hay MBCT
(Midfulness-Based Cognitive Therapy) chủ yếu cũng dựa trên thiền Chánh niệm để
giải quyết vấn đề stress, trầm cảm thường gặp trong đời sống hiện đại.
Ta biết khi stress kéo dài thì tuyến Pituitary ở não sẽ không tiết hormone tăng
trưởng nên những trẻ bị căng thẳng quá trong học tập sẽ không lớn nổi. Stress
làm Tuyến tụy tiết ra Glucagon làm giảm Insulin gây tiểu đường. Tuyến sinh dục
cũng không phát triển được, không tiết DHEA bình thường. Đó là lý dotại sao đời
sống tình dục ngày càng có vẻ yếu đi, yếu đến nỗi người ta phải dùng thuốc cường
dương các thứ …
Một dấu hiệu quan trọng của stress nữa là giảm sút trí nhớ, luôn do dự, khó tập
trung, suy nghĩ không logic, phán đoán sai, chỉ thấy mặt tiêu cực, mất định hướng,
hoang mang, sợ hãi… hoặc buồn rầu, cô đơn, tâm tính bất thường…
Những dấu hiệu của stress về thể chất như nhức đầu, đau lưng, đau cột sống cổ…
Đi bác sĩ đau đâu chích đó, hoặc can thiệp bằng mổ xẻ cũng không dứt hẳn. Vì gốc
bệnh là do stress hoặc do tư thế ngồi làm việc, phải điều chỉnh.
Cần có một chế độ để nghỉ ngơi hợp lý. Nghỉ và ngơi là hai từ khác nhau. Ngơi
là ngưng, ngưng hẳn. Nhiều khi nghỉ mà không ngơi. Cho nên, cần có nghỉ và ngơi
thực sự. Chương trình đưa Thiền chánh niệm vào trường học (MiSP) nói trên có đề
ra một công thức khá hay, mà tôi gọi là “Lá Bùa”, có thể dán bất cứ ở đâu để nhắc
nhở mình. Đó là (.b).
Chấm (.) có nghĩa là Ngưng, Thôi, Dừng lại. Còn (b) là breath (thở chánh niệm)
và hiện diện “ở đây và bây giờ”. Thực hiện được đã là rất tốt.
Nên tìm kiếm niềm vui trong những việc sáng tạo: học múa, học nhảy, ca hát, vẽ
vời… Cũng nên có một vài “nghề” tay trái. Nghề “tay trái” nhiều khi mang đến
nhiều hạnh phúc cho ta hơn là nghề “tay mặt”, dù ai cũng biết nhất nghệ tinh nhất
thân vinh.
Giao tiếp rất quan trọng trong đời sống. Giao tiếp giữa người với người mà thành
công sẽ tạo một môi trường lành mạnh cho sự phát triển cảm xúc và trí tuệ. Có 3
nguyên tắc chính: tôn trọng, chân thành và thấu cảm. Trong Bồ-tát thập hạnh, hạnh
thứ 6 là “Thiện hiện”, đây chính là sự thấu cảm; hạnh thứ 8 là Tôn trọng và hạnh
thứ 10 là chân thực. Nếu thực hành được ba hạnh này thì giao tiếp chắc chắn
thành công.
Để có cuộc sống an lạc, tự tại, thì ta phải “từ bi” với mình, đừng cao vọng đòi
hỏi xa xôi quá để bị hút vào, bị cuốn đi. Nhưng như vậy không có nghĩa là không
phấn đấu để trở thành người hoàn thiện hơn. Trong thời đại người ta nói nhiều đến
Siêu hiện đại như hiện nay, càng thấy rõ lời Phật dạy từ 2600 năm trước: vô thường,
khổ, vô ngã… Phải vượt qua ái dục, chấp trước, phải “ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ
tâm”…, “viễn ly điên đảo mộng tưởng” thì mới có được cuộc sống an lạc, hạnh
phúc.
BS. Đỗ Hồng Ngọc
Những lời chỉ bảo của BS Đổ Hồng Ngọc cũng giống như một đơn thuốc, giúp chửa lành được nhiều vấn đề tâm lý, v.v Chỉ tiếc là BS dùng nhiều từ phật học hán việt nên nếu không có quen với kinh sách hoặc không có trình độ hán việt thì không tiếp thu được trọn vẹn. Cám ơn Bác Sĩ.
ReplyDelete