Thursday, November 24, 2016

"Hãy Thích Nghi Hoặc Rời Bỏ Nơi Đây!” - Tạp Ghi Huy Phương


Vào  lúc 11:05 tối (giờ địa phương) ngày 12 tháng 10-2002, một vụ đánh bom đã xảy ra tại Kuta, một địa điểm du lịch nổi tiếng trên đảo Bali, Indonesia, giết chết 202 người, trong đó có 88 người Úc. 

Sau vụ tấn công này của tổ chức Hồi Giáo Jemaah Islamiyah, lòng yêu nước của người Úc đã bùng phát một cách mãnh liệt. Và chỉ hơn hai tháng trước khi rời chức vụ Thủ Tướng nước Úc, ông John Howard, ngày 27 tháng 9-2007 đã giận dữ trả lời một số dư luận của một số người Úc Hồi Giáo cho rằng ông đã ủng hộ những cơ quan tình báo theo dõi những Nhà Thờ Hồi Giáo Quốc Gia (The Nation’s Mosques) trên đất Úc. Ông nói rằng những người Hồi Giáo hoặc những người không phải là người Úc, hoặc phải thích nghi với nước Úc, hoặc hãy rời khỏi Úc.

Ông John Howard cũng đã nói thẳng:
Nền văn hóa của đất nước này đã phát triển qua hai thế kỷ do hàng triệu nam nữ đi tìm tự do, đấu tranh, mở mang và chiến thắng. Chúng tôi nói tiếng Anh là chính, không tiếng Tây Ban Nha, tiếng Lebanon, tiếng Ả Rập, tiếng Trung Hoa, tiếng Nhật, tiếng Liên Xô hay bất cứ tiếng nào khác. Do đó, nếu quý vị muốn trở thành những thành viên của xã hội chúng tôi hãy học sinh ngữ này.”
“Hầu hết người Úc tin vào Chúa Trời. Ðây không phải chỉ là một số tín đồ Cơ Ðốc, bảo thủ, khuynh hướng chính trị, nhưng thực tế, vì những người Cơ Ðốc nam và nữ, vì những nguyên lý đạo đức Cơ Ðốc Giáo, đã tạo dựng nên xứ này và cũng đã được ghi lại rất rõ ràng. Chắc chắn những điều thích hợp này đã được ghi lại trên những bức tường của trường học chúng tôi.”

“Chúng tôi sẽ chấp nhận lòng tin của quý vị, và sẽ không hỏi tại sao. Ðiều mà chúng tôi đòi hỏi quý vị là quý vị chấp nhận lòng tin của chúng tôi, sống hòa hợp và  yên hưởng thái bình cùng chúng tôi. Ðây là quê hương của chúng tôi, đất nước của chúng tôi, và là lối sống của chúng tôi, và chúng tôi sẽ cho phép quý vị  mọi cơ hội tận hưởng tất cả những thứ này. Nhưng một khi quý vị than phiền, phàn nàn, và liên tục xúc phạm về Quốc Kỳ, về Lời Nguyện, về lòng tin Cơ Ðốc Giáo, hay về lối sống của chúng tôi, tôi thành khẩn mong quý vị hãy nắm lấy cơ hội tự do của người Úc, đó là quyền “bỏ đi.”

“Chúng tôi đã không ép quý vị  tới đây. Quý vị xin được tới đây… Do đó hãy chấp nhận quê hương quý vị đã chấp nhận, hay là “cút đi”. (Get Out of Our Country!!)

Sau khi bài phát biểu này được đưa lên “net”, nhiều người Mỹ đã phát biểu ý kiến cho rằng họ cũng muốn Tổng Thống của họ sẽ nói lên những điều như thế để trả lời những điều đòi hỏi và chê trách nước Mỹ.

Ông Donald Trump, ứng cử viên Tổng Thống Mỹ đã  từng hô hào ngưng tiếp nhận di dân Hồi Giáo sau vụ nổ súng tàn sát tại San Bernardino vào tháng 12-2015.
Người ta chửi Mỹ nhưng vẫn ùn ùn vào Mỹ!
Nhiều luận điệu “chê” nước Mỹ như sau:

– Hệ thống giáo dục của Mỹ không phải là tốt nhất thế giới: Chỉ có 97% người Mỹ có thể đọc hay viết. Mỹ đứng hàng thứ 69 trên thế giới về khả năng này. Trẻ em trong những gia đình nghèo như Mỹ gốc Phi Châu và Latinh… chỉ biết đọc chút ít và không biết viết. Hầu hết trẻ em Mỹ không biết đọc sách, chúng chỉ xem TV từ 5 đến 8 tiếng mỗi ngày. 45% trẻ em không đọc được tên của các Châu lục địa. 54% trẻ em không biết đến Ðệ I Thế Chiến là gì. 24% trẻ em không biết cộng trừ nhân chia, nếu không có máy tính.
(Kết quả theo thống kê của Viện Giáo dục Quốc Tế năm 2007, đã có 582,984 du học sinh ngoại quốc theo học trong các Ðại Học và Cao Ðẳng tại Hoa Kỳ. Du học Mỹ phải chăng là giấc mơ của tuổi trẻ sinh viên trên thế giới?
Các thành phần ma cô, đĩ điếm, chạy theo chân đế quốc để kiếm bơ thừa sữa cặn, nhờ vào nền giáo dục của Mỹ, đã được trải thảm đỏ khi trở lại Việt Nam.)
Ở Trung Quốc, có con du học Mỹ là niềm hãnh diện của giới thượng lưu, cũng như trong nhà sắm được một chiếc BMW.

– Mỹ lợi dụng giáo dục để diễn tiến hoà bình: Bản “Ðề Cương Tuyên Truyền” được Ban Tuyên Giáo Trung Ương Việt Cộng ban hành ngày 25 tháng Sáu – 2009 “Ðề Cương Tuyên Truyền,” còn có một tên là “Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí Thư về tăng cường cuộc đấu tranh chống âm mưu, hoạt động ‘diễn biến hòa bình’ trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.”

Mỹ đã bộc lộ rõ ý đồ lợi dụng hợp tác giáo dục, đào tạo để chuyển hóa Việt Nam. Ðến nay chỉ riêng Mỹ đã có 15 chương trình, dự án lớn có liên quan đến lĩnh vực giáo dục – đào tạo đang khai triển ở Việt Nam. Ngân sách của chính phủ Mỹ dành cho các chương trình Fulbright Việt Nam tăng lên 4 triệu USD/ năm, còn ‘Quỹ Giáo Dục Việt Nam’ mỗi năm dành 5 triệu USD cấp cho 100 sinh viên Việt Nam học tại Mỹ, Ðại Sứ Quán Mỹ ráo riết khai triển dự án ‘Góc Hoa Kỳ’ nhằm quảng bá với lớp trẻ hình ảnh nước Mỹ, lối sống Mỹ.
(Kết quả: Tuy vậy, du học sinh từ nước Cộng Sản đang bị diễn tiến hòa bình này đến Mỹ lên cao nhất trong 20 quốc gia: tăng 46.2% trong niên khoá vừa qua 2008-2009.)

– Nước Mỹ cần di dân để nuôi sống nước Mỹ chứ không phải di dân cần đến Mỹ:
Nước Mỹ đã cấp nhập cảnh cho các bác sĩ, kỹ sư, kinh tế gia, thảo trình viên vì nước Mỹ dốt không đào tạo đủ các chuyên viên này. Mỹ là những chủ nhân ông sử dụng di dân. Các công ty Microsoft, Intel, Compaq sử dụng rất nhiều di dân. Nước Mỹ có rất nhiều “đầy tớ” di dân thu nhặt từ các nước nghèo để phục vụ trong các hệ thống khách sạn, văn phòng, bệnh viện, cửa hiệu, chợ búa. Người Mỹ không thể lao động tay chân, không có di dân, người Mỹ không thể sinh tồn. Nước Mỹ sẽ không làm gì được nếu không có thành phần di dân. Nhiều người trở thành công dân Mỹ nhưng cũng có nhiều người phải quy cố hương! Nếu nước Mỹ đóng cửa biên giới, bế môn tỏa cảng, nước Mỹ sẽ chết!
(Kết quả: Di dân không cần đến Mỹ nhưng tính từ năm 2000, mỗi năm có 850,000 di dân lậu tràn vào Mỹ. Hiện nay có khoảng 12 triệu di dân lậu sống và làm việc tại Mỹ: 17% văn phòng, 14% trong ngành xây cất và 12% phục vụ trong các tiệm ăn.

Số di dân hợp pháp được đến Mỹ trong năm 2007 là 946,142 người, con số này mỗi ngày mỗi tăng. Hằng ngày trên thế giới tại các toà Ðại Sứ Mỹ, thiên hạ chen chúc xếp hàng xin visa vào đất Mỹ. Hằng năm nước Mỹ còn tổ chức xổ số lấy 50,000 visa miễn phí (lottery visa). Ðối với dân các nước nghèo, trúng xổ số này coi như lên Thiên Ðàng.)

– Nước Mỹ thiếu văn hoá: Văn hoá Mỹ pha trộn văn hoá Anh, Pháp, Ái Nhĩ Lan, Ðức. Nước Mỹ không có kịch nghệ. Dân Mỹ không hiểu nghệ thuật sân khấu. Nước Mỹ không có nhà văn vĩ đại, nước Mỹ chỉ có những tác giả có bestseller. Phim Hollywood  không bằng phim của Pháp, Anh, Nhật, Tây Ban Nha, chỉ có bạo lực, anh hùng rơm, sex, tiền, cowboy và quái dị. Người ta dẫn chứng câu nói của Tom Cruise trả lời một cuộc phỏng vấn: “Tôi sẽ để con tôi ở ngoài nước Mỹ vì tôi sợ con tôi sẽ bị giết ở đây!”
(Kết quả: Tom Cruise chê xã hội Mỹ nhưng lại đóng phim bạo lực. Tài tử này dẫn đầu số thu 100 triệu cho một loạt 5 cuốn phim ăn khách. Văn hoá Mỹ quả thật không có gì cao, không có đến bốn nghìn năm văn hiến, nhưng quần Jean, Starbuck, Coca Cola, nhạc Rock, Disneyland, phim Hollywood… cả thế giới mê như điên.)

– Nước Mỹ không tôn trọng nhân quyền: Cảnh sát đánh du học sinh Hồ Phương tàn bạo vào ngày 3 tháng 9-2009 khiến nhiều luật sư, dân cử can thiệp, Toà Ðại Sứ Việt Cộng lên tiếng “chỉ đạo Tòa Tổng Lãnh Sự… xác minh vụ việc và tiến hành các biện pháp bảo hộ lãnh sự cần thiết cho công dân Hồ Phương”, nhiều giọt nước mắt thương cảm cho “em”, nhà chỉ đủ ăn, chật vật lắm mới có tiền cho con du học, sinh viên giỏi, nhiều ước vọng, nhìn về nước Mỹ như một thần tượng (!), được cả nhà và cả họ, cùng vun đắp tiền bạc cho em đi du học để mong có một tương lai rạng rỡ hơn…”
Nhưng sự thật, ở bên ta: “Ðã còng rồi còn bị đánh, bị bắn súng điện…”
Bên Mỹ này: “Anh ta chống trả và bất tuân…”

Trước khi rời chức vụ Thủ Tướng nước Úc, ông John Howard đã nói một câu để đời, có thể xếp vào hạng danh ngôn: “Chúng tôi đã không ép quý vị  tới đây. Quý vị xin được tới đây. Do đó hãy chấp nhận quê hương quý vị đã chấp nhận, hay là “cút đi”. (Get out of our country!!)
Tôi cũng như nhiều người ở đây cũng muốn Tổng Thống Mỹ, nếu có dịp cũng nên nói lên những điều như thế.

Huy Phương

No comments:

Post a Comment