Bà Mai đưa mắt ngắm cô
dâu, chú rể. Cô dâu 36 tuổi, chú rể 27 tuổi. Trông cũng xứng ấy chứ. Nhất là
đối với người con gái Việt đứng bên cạnh 1 chàng trai Thụy Sĩ. Đã vậy, Trang,
tên của cô dâu, vốn dĩ xuất thân từ 1 gia đình khá giả. Thân phụ nàng từng giữ
chức vụ cao trong chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Mẹ có 1 cửa hàng buôn.
Trong đời sống ăn sung
mặc sướng không lo nghĩ tiền bạc mặc dù sau năm 1975 gia đình có sa sút, Trang
vẫn giữ được nét trẻ của ngày nào. Với dáng dấp mảnh mai, Trang đứng bên Heinz
cao lớn với bộ râu xồm xoàm, cái mức tuổi chênh lệch dường như không thấy nữa.
Đối với người Âu, Úc cũng như châu Mỹ nói chung và người Thụy Sĩ nói riêng, khó
mà họ định được tuổi tác của dân Việt. Hầu như cái nhìn của họ đều thấy dân Á
châu trẻ đi, có lẽ vì dáng người Á châu nhỏ nhắn hay tại không bươn chải ra đời
sớm nên còn nét ngây thơ.
Như bà chẳng hạn, khi
tới Thụy Sĩ, lúc đó đã 32 tuổi, một lần bà mua vé xe bus, người tài xế nghiễm
nhiên bán cho bà vé nửa giá dành cho người dưới 16 tuổi. Lần khác mua vé xe lửa
đi chơi xa, quầy vé hỏi bà đã tới 16 tuổi chưa để bán nửa giá dành cho trẻ em.
Cũng chính vì điểm này, lúc giới thiệu người phối ngẫu cho Trang, khi bí cùng,
bà mới tìm cho nàng 1 người chồng trẻ tuổi.
Bà Mai nhìn lại cô dâu, chú rể. Tuy cả 2 đã xứng cặp nhưng trong thâm tâm bà vẫn chưa hài lòng. Đối với bà, 1 người con gái Việt lấy chồng ngoại quốc, bà cảm thấy như mất mát cái gì, bà làm như tổ quốc Việt Nam thân yêu của bà vừa mất một người con. Tự nhiên bà buồn vu vơ rồi chợt thở dài.
Trước khi làm mai cho
Trang với Heinz, thật ra đâu phải bà không nhớ câu “Ta về ta tắm ao ta...” Vốn
không muốn con gái Việt lấy chồng ngoại quốc, lẽ đương nhiên bà phải nghĩ đến
cái “ao nhà”. Tiếc rằng cái ao nhà của bà không những đục mà còn cạn không có
một tí nước. Ao cạn thì làm sao mà tắm đây?! Người Việt vốn ở hải ngoại không
mấy đông, có hơn vài triệu rải khắp trên thế giới.
Thụy Sĩ là một nước
nhỏ, diện tích khoảng 41,300 cây số vuông, nhiều đồi núi, số lượng người Việt
càng ít ỏi hơn. Đôi khi bà nhìn đám dân Việt của bà ở Thụy Sĩ có khác nào dân
thiểu số miền rừng núi. Tuy vậy, trước khi tìm cho Trang 1 tấm chồng, bà cũng
đã suy nghĩ nát óc, lùng trong trí nhớ rồi ngồi liệt kê lập thành danh sách
những chàng trai... ế vợ trong thành phố, vùng phụ cận, kể cả các nước láng
giềng Áo, Đức, Pháp, Ý…
Người thứ nhất bà nghĩ
đến là Trần Sinh Thụ. Thụ 45 tuổi, làm nhà máy in. Hồi còn ở Việt Nam nghe nói
Thụ đã tốt nghiệp đại học. Cũng chỉ nghe nói, bà không rõ có đúng hay không. Vì
đa số người Việt Nam ra hải ngoại, ai cũng phác họa cho mình một quá khứ vàng
son. Dù ở Việt Nam có đi gánh nước, chữ nghĩa i tờ, ra nước ngoài cũng khoe
mình từng là giáo viên tiểu học rồi tự đánh bóng bằng cái dáng vẻ bề ngoài,ăn
nói uốn nắn hơn, quần áo trau chuốt hơn nên cũng chả ai biết rõ được. Thôi thì,
ai nói sao bà cứ nghe vậy. Tin hay không còn tùy ở nhận xét của mỗi người.
Riêng Thụ thì bà tạm
tin như vây. Chỉ tạm thôi, vì con người anh rất khó hiểu. Bình thường anh thâm
trầm ít nói. Nhưng khi nói cũng đĩnh đạc có trình độ. Chỉ lâu lâu không rõ đùa
hay nói thật, anh phát biểu một vài ý kiến rất khó nghe: “Tôi xưa nay không
biết đi tán gái. Cô nào yêu tôi cứ việc đến tỏ tình!” Có người cho anh “mát” và
vì lẽ đó anh ế vợ hay tại cái dáng người nhỏ thó không mấy đẹp của anh?!
Một lần trong bữa tiệc
tất niên có tính cách thân mật gia đình, mọi người mang anh ra làm đề tài trêu
chọc. Có người hỏi:
- Tiêu chuẩn người vợ
tương lai của anh phải thế nào, hở anh Thụ?
- Phải lo tính đi chứ.
Cũng nên kén vừa vừa thôi.
Thụ điềm nhiên từ tốn
đáp:
- Tôi có kén gì đâu.
Người vợ của tôi, tôi không cần đẹp lắm, chỉ ưa nhìn và dễ thương thôi. Nhưng
phải có dáng dấp thành phố và trình độ học vấn tối thiểu.
- Nếu vậy thì anh nên
ghé mắt đến “ngũ long công chúa” nhà họ Đinh. Ở đấy có 5 cô đều đang tuổi cập
kê, rất vừa lứa với anh và hợp tiêu chuẩn của anh.
Thụ ngẫm nghĩ hồi lâu
rồi lắc đầu:
- Đàn bà con gái không
nên nghiêm chỉnh, khô khan quá. Tôi không thích. Phải cô nào đã một lần yêu rồi
đổ vỡ trông mới chững chạc, lãng mạn và ướt át hơn.
Mọi người lại nhao
nhao lên:
- Không ngờ anh Thụ
bấy lâu chỉ nhắm cặp nào “đổ” rồi anh Thụ tới “hốt”.
- Anh Thụ nhà ta chỉ
thích gà mái dầu chứ không thích gà mái tơ bà con ơi!
Người khác lại lên
tiếng:
- Nếu thế tôi giới
thiệu cho anh Thụ cô Hoa, em cậu Thắng còn một tuần nữa đám cưới nhưng đã hồi
hôn rồi.
Thụ vẫn lắc đầu:
- Đổ vỡ nhưng phải còn
“dzin” mới được!
Mọi người phá ra
cười.Ở thời đại ngày nay trong 1 xã hội mới, chữ trinh của người đàn bà không
được đánh giá ngàn vàng như ngày xưa ở Việt Nam nữa. Chuyện chăn gối của nam và
nữ người ta quan niệm thông thường như miếng ăn, thức uống, giấc ngủ hàng ngày.
Người ta coi đó như một điều hết sức tự nhiên, không thể tránh được. Ngay tại
trường học, trẻ em từ 13 tuổi cũng được giáo dục sinh lý, cách ngừa thai.
Và thanh thiếu niên từ
18 tuổi được tự do luyến ái mà cha mẹ không còn quyền hạn can thiệp vào đời
sống riêng tư, cá nhân của chúng. Cô cậu nào thích nhau cứ việc thuê nhà sống
chung, không cần sự đồng ý của cha mẹ hoặc đánh dấu bằng một tờ giá thú hay đám
cưới. Đôi khi chỉ cần qua vài ba câu chuyện, uống với nhau tách cà phê cũng có
thể trao đổi sinh lý với nhau rồi. Trước lối sống phóng khoáng buông thả đó,
người Việt chúng ta không khỏi bỡ ngỡ ngạc nhiên.
Khi mới đặt chân đến
Thụy Sĩ, bà Mai cũng như các phụ nữ khác từ 18 tuổi trở lên dù độc thân hay đã
lập gia đình được nhân viên hữu trách trại tị nạn triệu tập tại văn phòng để
phổ biến y tế thường thức mà đặc biệt là phương pháp ngừa thai. Người ta giới
thiệu loại thuốc ngừa thai hữu hiệu nhất và phân phát mỗi người một số dùng
thử! Ai nấy tủm tỉm cười, nhất là mấy cô gái độc thân hay các bà góa hoặc xa chồng đều lắc đầu không nhận. Có người lên tiếng:
- Chồng tôi chết đã lâu
rồi mà tôi cũng 50 tuổi, tôi đâu cần dùng thuốc này.
Nhân viên hữu trách
thản nhiên:
- Bà cứ việc nhận lấy
rồi có lúc sẽ dùng đến!
Thật vậy, với quan
niệm sống dễ dãi đó, cộng với sự trợ giúp với các phim ảnh sex được trình chiếu
công khai hàng tuần trên tivi, thử hỏi, nam nữ yêu nhau dù xuất thân trong một
gia đình nền nếp có giáo dục căn bản vững chắc hay lỏng lẻo làm sao cưỡng chống
lại được sự cám dỗ của tình yêu, cho nên, trước ý tưởng ngộ nghĩnh của Thụ
không ai nén được nụ cười.
Và từ đó đến nay có lẽ
chưa tìm được cặp nào “đổ” để “hốt” mà hốt còn nguyên vẹn và cũng chưa có cô
nào đến tỏ tình, Thụ vẫn phòng không chiếc bóng. Bà Mai phone đến Thụ nhiều lần
để giới thiệu Trang, nhưng Thụ luôn vắng nhà. Thăm dò bạn bè, bà Mai mới biết
Thụ đã dọn sang tỉnh khác và mọi người không biết hiện giờ anh ở đâu.
Người thứ hai bà nghĩ
đến là Hoàng Ngọc Ẩn. Ẩn năm nay 43 tuổi. Từ 10 năm trước, người ta đã thấy anh
thui thủi một mình, chả cặp với cô nào kể cả người Thụy Sĩ. Anh tốt nghiệp
ngành điện toán, lương khá cao nhưng quần áo lúc nào cũng lùi xùi như cả tháng
không giặt. Tóc tai bù xù, râu ria lại rậm rạp.
Thân hình vừa ốm, vừa
cao. Ánh mắt lạnh lùng, khi đi chỉ cúi gằm mặt xuống hoặc nhìn thẳng chẳng liếc
ngó ai. Với bộ dạng đó, lại thêm trong tay lúc nào cũng cầm theo 1 cuốn sách,
nên người trong tỉnh thường gọi anh là triết gia. Anh cũng trầm lặng ít nói,
sống cô lập, dường như chẳng muốn giao du tiếp xúc ai. Khi tình cờ có người hỏi
anh sao mãi đến nay vẫn chưa lập gia đình, anh lạnh lùng phán một câu:
- Vợ con làm gì cho
mệt. Đàn bà con gái qua đây phách lối, khó chiều. Ở một mình cho khoẻ!
Biết được anh như vậy,
bà Mai cũng không muốn quấy rầy anh. Vả lại từ bấy đến giờ anh mai danh ẩn
tích, bà Mai không biết anh ở đâu mà tìm.
Người thứ ba là Hồ
Trọng Cương, 40 tuổi. Cương đến Thụy Sĩ với 5 người em. Gia đình anh kể ra nền
nếp trên dưới thuận hòa nhờ tài điều khiển dẫn dắt của anh. Tất cả đều có nghề
nghiệp vững chắc. Cương tốt nghiệp thư ký văn phòng. Thư ký ở đâu bị coi thường
chứ với Thụy Sĩ là một nghề có hạng, phải học từ 2 đến 4 năm, đôi khi tùy
ngạch, còn đòi hỏi thông thạo 2 sinh ngữ.
Còn các em của anh tuy
chỉ là cán sự thông thường xuất thân từ lớp 9 rồi theo ngành nghề chuyên môn,
kẻ thì y tá, người làm nhân viên ngân hàng, điện toán, sửa máy, hàng không..
nhưng xem ra anh hãnh diện về họ lắm. Tất cả đều đã lập gia đình, trừ anh. Phải
nói anh thật xứng đáng vai trò quyền huynh thế phụ lo lắng cho đàn em chu đáo.
Có điều không ai ngờ được rằng chính vì đàn em của anh mà anh phải ế vợ. Thoạt
nghe ai cũng tưởng các em của anh dữ, chằn, khó tính, khó chiều khiến các cô
gái khác né anh chăng?
Không. Không phải vậy.
Chỉ bởi tại anh đặt họ cao quá. Cao đến nỗi làm như các em của anh là nhân tài
khó kiếm trong thiên hạ. Vì thế, để có vợ, anh muốn kén người vợ, ngoài tiêu
chuẩn trẻ đẹp, biết chiều chuộng anh và đàn em của anh, cô gái đó còn phải đủ
trình độ kiến thức chuyên môn của các ngành nghề các em anh học để trò chuyện
với chúng. Anh không muốn đám em của mình coi thường chị dâu khi vợ anh không
có khả năng, chỉ ấm ớ rồi lạc lõng trong gia đình anh. Có người khuyên anh tìm
cô nào có kiến thức tổng quát cũng đủ rồi. Anh cao giọng thản nhiên:
- Vậy con bé Tịnh nhà
tôi bàn về vấn đề ngân hàng thì làm sao cô ta biết!
Nghĩ đến điều này, bà
Mai ngao ngán lắc đầu.
Người thứ tư ế vợ là
Đỗ Mạnh Tùng. Tùng năm nay 38 tuổi. Thân hình anh thấp bé, nhỏ con. Khuôn mặt
anh choắt lại. Thường những người như thế vốn đã rất tinh khôn huống gì đầu óc
ấy còn được đào tạo từ trường đại học thương mại. Với anh, làm việc gì anh cũng
tính toán cân nhắc cẩn thận. Hôn nhân là chuyện hệ trọng cả đời, lẽ đương
nhiên, anh càng tính kỹ hơn. Anh tính kỹ đến nỗi anh đem cân tiểu ly để cân
nhắc đo lường sự lợi hại. Anh thường nói: “Tôi đâu dại dọn cỗ sẵn cho nàng đến
xơi!”
Nên người vợ anh kén
phải là người tốt nghiệp đại học như anh, mà không được cùng ngành với anh. Có
2 lý do: Thứ nhất, có tốt nghiệp đại học, mức lương của vợ anh mới cao. Thứ
hai, có khác ngành, phòng khi kinh tế suy thoái anh bị thất nghiệp thì ngành vợ
anh còn vớt vát được. Đã thế anh còn đòi hỏi vợ anh không thể là người vợ già,
vợ xấu. Công anh ăn học bấy lâu, anh phải được đền bù, anh phải cưới vợ trẻ, vợ
đẹp để xứng đáng với cái bằng của anh.
Tiếc thay, số sinh viên
Việt Nam tại Thụy Sĩ đếm trên đầu ngón tay, nữ sinh viên càng ít ỏi hơn. Mà
thông thường ở đời, mấy cô đẹp bận tô son điểm phấn ít cô nào học giỏi đến nơi
đến chốn. Cho dù người đẹp có lọt vào tới đại học, những đêm dài thức trắng
miệt mài với sách đèn cũng làm các cô héo mòn, già, xấu đi.
Nội bấy nhiêu tiêu
chuẩn cũng đủ khiến anh ế vợ. Anh còn đòi hỏi thêm nhiều điều kiện khác. Gia
đình vợ anh không được ở quanh anh. Ở càng xa càng tốt để khỏi xía vào chuyện
của vợ chồng anh hoặc xúi giục vợ anh làm những điều anh không thích. Nhưng nếu
gia đình cô ta còn kẹt ở Việt Nam thì càng không nên nữa. Vợ anh sẽ rỉa hết
tiền trong băng của anh để gởi về xây nhà dựng cửa cho cha mẹ.
Điều đó càng tai hại
vô cùng. Đắn đo cân nhắc mãi, anh quyết dùng 4 tuần hè hằng năm đi du lịch đây
đó, nhất là 2 nước láng giềng Pháp-Đức (2 nước này dùng ngôn ngữ như Thụy Sĩ)
để lùng vợ như ước muốn, nhưng đến nay, anh đã qua 38 cái xuân xanh, người
trong mộng vẫn chưa xuất hiện.
Nghĩ cho cùng, sự suy
tính của anh cũng không phải là sai, cũng không xa thực tế. Vì nhan nhản trong
cuộc sống quanh anh thường xảy ra những điều đáng tiếc đã khiến anh băn khoăn
nhìn đời bằng lăng kính phức tạp. Tuy vậy khách quan mà nói, cái nhìn của anh
có hơi phiến diện. Đâu phải nhà vợ nào cũng đáng chê, đáng trách, cần phải e dè
xa lánh. Đã biết bao chàng rể nhờ nhà vợ mà no cơm, ấm áo, công thành danh
toại, như ngày xưa có Đào Duy Từ, từ 1 người chăn trâu nghèo khó nhờ nhà vợ mà
có cơ hội phát triển tài năng lập nên sự nghiệp lưu danh muôn thuở.
Bên Trung Hoa có Tưởng
Giới Thạch được sự hỗ trợ của gia đình Tống Mỹ Linh mà danh tiếng lẫy lừng. Vấn
đề là duyên phận của mỗi người có may mắn lọt vào những gia đình hiểu biết, có
cách cư xử khéo léo tế nhị hay không mà thôi. Ai bảo thân trai không 12 bến
nước, trong nhờ, đục chịu? Chả thế mà sau năm 1975, thời bĩ cực của đất nước,
bên cạnh những người đàn bà tác tệ hại chồng hại con, vẫn có những người vợ,
gia đình vợ tử tế hết lòng tiếp tế thăm nuôi lo lắng cho chàng rể lúc sa cơ chu
đáo.
Còn chuyện tiền bạc
giữa 2 vợ chồng, sao Tùng không đặt suy nghĩ của mình vào tâm trạng của những
phụ nữ Việt Nam sống ở xứ người để có cái nhìn đứng đắn đại lượng hơn. Đâu phải
ở bên này đàn ông nào cũng hiền bị các bà, các cô đè nén. Trên thực tế không
thiếu những người đàn ông hẹp hòi, ích kỷ chỉ biết nghĩ đến mình và gia đình
mình: “Em chỉ được phép giúp đỡ cha mẹ và gia đình em trong nửa số lương của
em” hoặc “Đàn bà lấy chồng chỉ biết phục vụ chồng và gia đình chồng” hay “Lấy
chồng phải thuộc nhà chồng, không được liên hệ nhà mình. Nếu còn cha mẹ, chỉ
được phép thăm viếng một lần là đủ”.
Những câu nói thoáng
nghe đã gợi cho ta hình ảnh những ông chồng độc đoán, độc tài chuyên lấn lướt
và hà hiếp vợ. Đàn bà cũng là con người, nhất lại xưa nay vẫn được mệnh danh là
phái yếu, qua bên đây, ngoài việc chợ búa nấu nướng lo toan chăm sóc chồng con
nhà cửa, họ còn đi làm cực nhọc ngày 8,9 tiếng miệt mài nơi hãng xưởng như đàn
ông, còn người chồng thì, sau công việc ở sở, về nhà chia sẻ được gì giúp vợ?
Họa lắm chỉ rửa vài cái chén, tắm cho con, lâu lâu hút bụi một lần thì kêu ca
nỗi gì?
Sau 1975, đất nước lâm
vào cảnh lầm than, mọi nhà đều đói khổ chỉ còn mong sự giúp đỡ của thân nhân ở
nước ngoài. Trong khi đó: “Em chỉ được phép giúp đỡ cha mẹ và gia đình em trong
nửa số lương của em” và “em chỉ phải biết phục vụ anh và gia đình anh” vậy còn
gia đình em thì giao cho ai đây, nếu không có người con trai nơi xứ người, thử
hỏi có phải là ức hiếp đàn bà lắm không? Và nếu trong hoàn cảnh đó, lấy được
người vợ chỉ biết có chồng rồi phó mặc sự sống chết của cha mẹ ruột thì đó là
một người vợ tốt ư?! Có điều vấn đề gì cũng có chừng mực giới hạn của nó. Sao
không thông cảm hoàn cảnh chung để có những phương cách giải quyết hợp tình hợp
lý?
Riêng Tùng, anh vốn là
người cẩn thận, anh không muốn lâm vào những tình trạng rắc rối “phòng bệnh hơn
chữa bệnh” nên anh quyết ở vậy chờ thời dù phải ngắm thời gian và tuổi đời vùn
vụt trôi qua.
Đấy là tiêu biểu của
vài cái “ao nhà”, không kể những ao cạn không ai có thể tắm được, ngay cả những
ao đục người ta cũng dùng kẽm gai rào lại, khóa kỹ rồi kén chọn người
vô. Đó là bà Mai chưa nói đến còn những ao nhà nước trong veo chủ nhân xây
tường xung quanh, chạm trổ chỉ đợi... tiên xuống tắm. Người phàm tục không được
phép bén mảng. Như trường hợp của Trần Thanh, 36 tuổi. Anh là luật sư, nhờ hội đủ
các ưu điểm: đẹp trai, con nhà giàu,học giỏi nên anh tự treo giá ngọc.
Người vợ anh kén phải
thùy mị đoan trang, trẻ đẹp, hiền lành, biết nấu ăn, ngoại giao giỏi, biết đánh
đàn (đàn tranh hoặc piano), phải thông minh, tốt nghiệp đại học, phải đứng đắn
nhưng tâm hồn hơi lãng mạn ướt át một chút để thưởng thức văn thơ dù là văn thơ
con cóc của anh:“Nếm chút men tình chếnh choáng say. Tình không là ớt tại sao
cay?” và đặc biệt nữa, người vợ đó phải xuất thân con nhà giàu sang quyền quý,
giá chót cũng là con của sĩ quan cấp đại úy trở lên. Và thân mẫu
cô ta là người mẹ hiểu biết, để các con anh về sau, nếu không giống cha, giống
mẹ, nó sẽ không giống ông bà ngoại dở hơi của nó.
Ngoài ra cũng còn
những ao nhà trong veo nhưng các bà, các cô vào tắm làm vẩn đục khiến chủ nhân
rào lại rồi bế quan tỏa cảng. Đó là trường hợp của bác sĩ Thông cũng 36 tuổi,
anh làm việc miệt mài, một tuần 8, 9 chục tiếng tại bệnh viện không kể ngày đêm
và thứ bảy, chủ nhật.Mải mê với công việc anh bỏ quên mất cô vợ trẻ đêm đêm mòn
mỏi rồi với thời gian, sừng trên đầu anh cứ từ từ nhú lần lên. Đến một lúc nào
đó anh khám phá sừng của anh đã khá dài, nhất là cái sừng do vợ anh rút từ đầu
người bạn thân của anh để cắm lên đầu anh, anh đau khổ chán chường, mất niềm
tin trong cuộc sống rồi từ đó không tha thiết vợ con gì nữa.
Những “ao nhà” như
vậy, bà Mai không còn sự lựa chọn nào khác đành ghé mắt nhìn qua các “ao
người”. Ao người tuy vẩn đục nhưng họ biết đánh phèn cho trong lại rồi cẩn thận
chọn người tắm. Bà Mai liền nghĩ đến Heinz. Heinz lui tới nhà bà với tư cách
thầy giáo kèm tiếng Đức. Thời gian đi lại thường xuyên mỗi 2 tiếng trong tuần
và những bữa ăn thân mật bà Mai đích tay nấu nướng mời Heinz, từ món chả giò,
bún riêu, phở, mì hoành thánh, thịt bò nhúng dấm mắm nêm đến cả những bát canh
mồng tơi mướp riêu cua ăn với cà pháo chấm mắm tôm, rồi tiết canh nữa. Lúc ăn
Heinz thường bảo mọi người giống Dracula. Vịt lộn đã khiến tình thân giữa Heinz
và gia đình bà thắm thiết hơn.
Từ đó tâm tình cởi mở,
bà hiểu rõ nếp sống của người ThụySĩ và ngược lại Heinz cũng rất thích thú nếp
sống gia đình ấm cúng của người Á Châu. Trước đây hơn năm, Heinz sống chung với
Erika, cô bạn gái người Thụy Sĩ. Cả 2 thuê 1 gian nhà 3 phòng (ở Thụy Sĩ phòng
khách được kể như một phòng) sắm sửa đầy đủ tiện nghi giường tủ chén bát bàn
ghế tivi..như 1 cặp vợ chồng mới cưới. Cái lối sống thử một thời gian để tìm
hiểu nhau trước khi chính thức kết hôn, hợp thì sống luôn,không hợp thì chia
tay, vẫn là chuyện thông thường đối với người Thụy Sĩ.
Tiếc thay, chỉ mới nửa
năm, giữa Heinz và Arika có những dấu hiệu “cơm không lành, canh không ngọt”.Cả
2 thường cãi vã nhau vì Heinz là người sành ăn mà Arika lại là người không
thích nấu. Chẳng những không thích bếp núc, Arika còn có những cố tật làm biếng
ham chơi, hoàn toàn thiếu trách nhiệm, bổn phận.Không chỉ bổn phận của người
đàn bà mà bổn phận của người đối với người sống chung một nhà. Hằng ngày, Arika không chia sẻ giúp Heinz được việc
gì.
Thỉnh thoảng có rửa
vài nồi niêu bát đĩa – sau khi Heinz phụ trách nấu ăn – nàng cũng tỏ vẻ uể oải
mệt nhọc. Căn phòng nhỏ dành làm việc lặt vặt trong nhà không bao giờ được nàng
quét dọn. Nàng biến nó như là phòng chứa đồ cũ, xả bừa bãi còn thua phòng chơi
của trẻ em. Chỗ này tập ảnh, chỗ kia cây đàn, quần áo giày dép, bàn máy may, ghế
lớn ghế nhỏ, thùng, rổ, sách báo... la liệt không còn lối đi. Tủ lạnh chứa đồ
ăn thức uống cho hai người thường trống trơn nếu Heinz không để ý chợ búa. Nói
chung, mọi việc nhà dường như Heinz thầu hết. Gần đây Arika còn đi chơi khuya
mịt mới về. Có hôm ngủ qua đêm ở đâu đó.
Những lúc như vậy,
nàng thản nhiên gọi phone về cho Heinz, bảo Heinz cứ an tâm, nàng chẳng đi chơi
với ai xa lạ ngoài Peter, bạn của Heinz! Sau 1 năm, sức chịu đựng của con người
có hạn, Heinz thật sự mệt mỏi chán chường, anh quyết định trả lại nhà và bàn
với Arika thanh toán đồ đạc, cái nào không dùng, 2 người đem ra chợ trời bán
tống bán tháo rồi cả 2 chia tay, ai nấy trở về ở tạm nhà cha mẹ.
So với con người
Arika, Heinz thấy bà Mai khác hẳn. Dường như trong bà tuy thể chất bé nhỏ nhưng
chất chứa sức chịu đựng gian khổ và lòng hy sinh cho chồng con vô bờ bến. Nhiều
khi Heinz nhìn thấy niềm hạnh phúc tràn ngập trong bà qua những lúc bà chăm sóc
chồng con từng miếng ăn thức uống.
Bà quả là một người
đảm đang. Ngoài việc hãng, về nhà bà quán xuyến mọi việc, từ nhỏ đến lớn một
cách tài tình thật xứng đáng những điều tốt đẹp mà từ lâu anh thường nghe nói
về phụ nữ Á Châu, mặc dù nhiều lần bà Mai đính chính phụ nữ Á Châu ngày nay đã
không còn như xưa nữa. Nhưng trong Heinz, cái không khí ấm cúng cởi mở vui tươi
của gia đình bà Mai vẫn lôi cuốn anh và tạo trong anh nhiều ấn tượng đẹp về phụ
nữ Việt Nam.
Bà Mai cũng thường kể
với anh:
- Đàn ông Việt Nam lúc
còn ở quê nhà như một ông vua, anh ạ. Dù được vợ chăm sóc tử tế, họ vẫn chưa
hài lòng còn kiếm thêm nhiều vợ khác nữa. Ở xứ tôi “trai năm thê bảy thiếp,gái
chính chuyên chỉ một chồng”, nên các ông lên mặt lắm.
Ông Huân, chồng bà Mai
cười ha hả:
- Riêng anh chỉ có
mình em thôi, thế mà qua đây cũng cảm thấy bị.. hạ giá đôi chút.
Bà Mai nguýt chồng:
- Thì cũng là luật bù
trừ còn kêu ca nỗi gì!
Heinz cũng chen vào
pha trò:
- Tôi rất muốn được
làm “ông vua” Việt Nam. Ông bà nghĩ sao?
Nói chơi vậy mà sau đó
Heinz làm thật. Từ ngày chia tay với Erika, anh có ý muốn kết bạn với 1 thiếu
nữ Việt Nam và trung gian, lẽ đương nhiên phải qua bà Mai, người Việt Nam đầu
tiên và duy nhất anh quen biết. Bà Mai không chê Heinz, vì anh là người đàng
hoàng tốt bụng, nhưng nếp sống và cách suy nghĩ giữa người Á và Âu có nhiều
khác biệt quá, lại nữa bà vẫn quý cái “ao nhà” nên bà cứ e dè ái ngại.
Đùng một cái, Trang
xuất hiện. Trang là em gái của Hân, người bạn thân thiết trong hội.. ăn uống
với bà Mai. Hân và bà Mai cả hai đều rất thích nấu ăn. Thỉnh thoảng cuối tuần 2
gia đình thường qua lại bày vẽ nấu nướng, tâm tình nên tình thân càng ngày càng
đậm đà gắn bó. Tuy không nói ra nhưng đôi bên cảm thấy gần nhau, lo lắng giúp
đỡ nhau để chia sẻ những ưu tư vui buồn trong cuộc sống.
Trang đến Thụy Sĩ với
tư cách du lịch. Ngoài mục đích thăm chị còn mục đích quan trọng khác: Kiếm
chồng để ở lại Thụy Sĩ. Đây là phong trào bộc phát mạnh từ vài
năm nay, 1 phương cách trốn tránh chế độ cộng sản Việt Nam một cách an lành,
hữu hiệu nhất. Tuy nhiên, thời gian được phép du lịch chỉ trong vòng 3 tháng,
thật ngắn ngủi để kiếm một tấm chồng vừa ý, các bà các cô đành đánh đổi cái giá
tự do bằng chính hạnh phúc trăm năm của đời mình.
Có những cô gái trinh
nguyên ép mình kết hôn với người đàn ông góa 5 con, hoặc một cô 19 bằng lòng
lấy người chồng 45, đáng tuổi cha mình. Thương thay, họ không còn quyền lựa
chọn người mình yêu thích mà chỉ biết nhắm mắt chấp nhận người nào chịu lấy
mình. Và trường hợp Trang cũng là một trong những hoàn cảnh đáng thương đó.
Sau khi Hân và bà Mai
đôn đáo bằng nhiều cách để làm mai cho Trang, vì thời gian gấp rút, phần Trang
lớn tuổi, những người đồng hương cùng trang lứa thì đóng chặt cửa lòng. Cuối
cùng,Trang đành nhận lời kết hôn với Heinz, 1 người Thụy Sĩ nhỏ tuổi mà Trang chưa hề có 1 chữ Đức để nói chuyện. Điều
đó đối với Heinz không thành vấn đề vì anh là 1 nhà giáo. Nay mai anh dạy và
tập cho Trang nói, chả sao. Hiềm nỗi ban đầu 2 người gặp nhau để tâm tình trò
chuyện luôn có bà Mai hoặc Hân đi theo để thông dịch.
- “Nó” nói gì vậy chị?
Trang hỏi.
- À, anh ta bảo Trang
dễ thương.
Bà Mai trả lời.
- Cô ta nghĩ gì về
tôi, thưa bà?
- Trang nói anh dễ
mến.
Rồi Trang học tiếng
Đức. Đến ngày đám cưới thì nàng đã bập bẹ được những chuyện thông dụng trong
gia đình. Còn Heinz chỉ nói nhuyễn 3 chữ tiếng Việt “Anh yêu em”. Tình yêu đến
với Heinz quá nhanh không đắn đo suy tính khiến bà Mai và cả Hân không khỏi
phập phồng lo ngại..
Hôm nay ngày đám cưới
của Trang và Heinz. Cả 2 súng sính trong chiếc áo dài cưới có những đốm tròn
hình chữ hỉ. Áo Heinz màu xanh, khăn đóng cũng xanh. Áo Trang màu đỏ kèm bên
ngoài là chiếc áo khoác màu vàng có những đường viền kim tuyến lấp lánh cùng
màu với khăn vành mà Hân đã đặt may cho họ từ Paris.
Bộ quần áo cổ truyền
Việt Nam tuy hơi tương phản với cặp mắt xanh, bộ râu quai nón xồm xoàm và mái
tóc vàng óng của Heinz nhưng vẫn không lấp được khuôn mặt rạng rỡ pha lẫn nét
ngộ nghĩnh hiền lành của anh. Anh đứng sát bên Trang, khoành một cánh tay để
cho Trang khoác vào. Cả 2 niềm nở tươi cười nép bên cửa ra vào đón mừng quan
khách. Khách được mời không đông. Tuy vậy buổi lễ cũng khá trang trọng, vui
nhộn.
Đối với người Thụy Sĩ, khách dự cưới, kể cả 2 họ, thông lệ là trên dưới 50 người.
Thường họ mời bà con gần và vài người bạn thân nhất. Nhờ ít, sự tổ chức được
gọn gàng, ấm cúng thân mật hơn. Từ buổi trưa, sau khi làm lễ theo nghi thức tôn
giáo, họ bao xe bus cùng khách khứa đưa nhau đến 1 nhà hàng tĩnh mịch giữa vùng
đồi núi phong cảnh thân mật hữu tình quanh năm có khói sương lãng đãng bên cạnh
1 dòng sông hay trên 1 cánh đồng lúa mì có rừng cây bao bọc.
Ở đây họ dùng qua loa
một ít thịt nguội, trà, nước cà phê, vui chơi trò chuyện ngắm cảnh, đợi chạng
vạng lại kéo nhau về nhà hàng thành phố dự bữa chính thức. Tiệc cưới của người Thụy Sĩ khá đơn giản gần như ngày thường. 1 chén súp, 1 đĩa salat và
sau cùng gọn gàng với 1 đĩa gồm thịt chiên, ít mì nuôi hay khoai tây chiên hoặc
khoai tây nghiền kèm với ít rau luộc. Khác với đám cưới của dân ta ăn uống rình
rang, đông đảo đến 4-5 trăm người, rồi rượu vào lời ra không kiểm soát được
hành động lời nói, đôi khi gây ra nhiều điều đáng tiếc…
Bà Mai được mời trong
danh sách họ nhà gái, vì Trang, ngoài người chị và một số bạn bè của chị, nàng
không còn người thân nào khác. Giờ đây nơi xứ lạ, bà coi Trang như người nhà.
Tìm được cho nàng 1 tấm chồng để ở lại Thụy Sĩ bà cảm thấy lâng lâng vuimừng
như vừa cứu thoát 1 kẻ ra khỏi vòng tù tội.
Tuy nhiên, cái cảm
giác đó không được trọn vẹn khi bà chợt nghĩ đến cái “ao người”. Qua đó không
biết có giúp cho Heinz và Trang tắm mát suốt đời, hay chỉ là giai đoạn của kẻ
đắm tàu mong vớ được phao?! Dù gì mọi chuyện cũng đã an bài, bà chỉ cầu mong
cho cả 2 tươi đẹp hạnh phúc mãi mãi như ngày hôm nay mà chính bà cũng có phần
trách nhiệm vì đã dại dột làm ngược điều ca dao vẫn thường răn đe: “Ở đời có 4 cái ngu: Làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu”…
Trần Thị Nhật Hưng
Rất khâm phục tác giả, không phải riêng tác giả bài nầy mà hầu như tất cả các tác giả khác trong nhóm "Người Phương Nam" đều là những cây viết xuất sắc, tuyệt vời.
ReplyDelete