Chúa nhật, hai đứa nhỏ đi lên chalet với bạn dám tới tối mới về. Trung đi đánh golf từ sớm, Hạnh chưa biết làm gì cho hết buổi sáng thì Liên gọi phôn rủ đi thăm bà cô. Hạnh nghe bạn hay nhắc tới người cô tên Hiền nhưng chưa bao giờ gặp. Nghe đâu bà qua hai đời chồng nhưng không có con. Trước bảy lăm, ông từng là một chính khách tiếng tăm ở miền Nam. Bà là em ruột của ba Liên. Trước ngày mất miền Nam ông bà đã đem vợ chồng Liên qua Canada. Ông mất đã năm năm nay. Bà tiếp tục ở lại căn nhà nho nhỏ mà hai người đã mua từ lúc mới qua định cư nơi xứ tuyết này. Đến một hôm bị té gãy xương chậu phải nằm nhà thương, bà mới quyết định bán nhà rồi xin vào viện dưỡng lão. Liên năn nỉ cô về ở chung nhưng bà không chịu, ngại làm phiền cháu. Hơn nữa Liên bận đi làm, trong khi ở viện dưỡng lão bà được nhân viên săn sóc chu đáo bất cứ lúc nào. Liên vào thăm cô hàng tuần. Khi có dịp đặc biệt như sinh nhựt, Giáng Sinh hay Tết ta nàng đón bà về chung vui với gia đình.
Viện dưỡng lão là một tòa nhà năm tầng. Kiến trúc khá đồ sộ và dĩ nhiên dành cho những người có phương tiện tài chánh rộng rãi. Bao xung quanh là một khu vườn khá rộng, có nhiều cây đại thụ. Dưới tàn lá xum xuê xòe rộng có đặt băng đá cho các cụ ngồi hóng mát vào mùa hè. Nhưng bây giờ đã vào mùa thu. Lũ cây phong như rất hài lòng với những chiếc áo mới thay, lấp lánh màu sắc sặc sỡ, đang cùng nhau nhảy múa reo vui trong nắng vàng và gió thu dìu dịu. Hạnh theo Liên lên lầu năm, dọc theo hành lang có trải thảm, đẹp và sang như trong một khách sạn là tới phòng bà cô. Liên gõ nhè nhẹ rồi xô cửa bước vào. Cách bài trí theo kiểu Á đông của căn phòng không làm Hạnh ngạc nhiên bằng người chủ . Nghe Liên nói bà Hiền đã tám mươi, Hạnh yên trí sẽ gặp một bà lão tóc bạc lưng còng, mặt mũi nhăn nheo. Nhưng người đàn bà lớn tuổi, mặc bộ đồ bằng lụa màu xám ngọc trai, ngồi nơi chiếc ghế bành bọc nhung đỏ sậm kia, nếu không biết trước, Hạnh đoán bà chỉ độ sáu mấy bảy mươi. Mái tóc bạc trắng như bông được bới gọn trên đỉnh đầu, bồng lên như vầng hào quang bao quanh một khuôn mặt thật phúc hậu. Đôi mắt bà ánh lên những tia vui khi thấy hai người bước vào. Liên có báo trước sẽ dẫn cô bạn tới thăm, nên bà Hiền không có vẻ gì ngạc nhiên, chỉ nở nụ cười thật tươi, mời Hạnh ngồi xuống ghế trước mặt bà. Sau khi giới thiệu xong, Liên đi sắp mấy thứ nàng mua cho bà cô vào tủ lạnh. Hạnh ngượng ngùng xin phép được gọi bà là cô Ba giống như Liên. Bà cười vui:
– Phải đó. Ở đây không có nhiều
bà con ruột thịt. Được cháu kêu như vậy cô rất vui. Giọng cười sảng khoái của
bà khiến Hạnh cảm thấy thoải mái. Nàng kín đáo quan sát căn phòng. Ngoài bộ
salon nhỏ nhắn bọc nhung màu rượu chát, một bộ bàn ăn cũng nhỏ cho bốn người,
trên phủ tấm khăn trải bàn thêu tay các loại hoa mai lan cúc trúc thật sắc sảo.
Cái tủ lạnh cũng nhỏ. Tóm lại nơi đây thứ gì cũng nhỏ nhắn xinh xắn! Sát tường,
đối diện cửa sổ là một chiếc tủ bằng gỗ quý, đánh vẹc- ni bóng ngời. Có hình một
ông già rất đẹp lão đặt phía sau bát hương. Một pho tượng Phật Bà Quan Âm bằng
cẩm thạch trắng tuyệt đẹp, cao độ ba tấc đứng trên cái đế bằng gỗ chạm công
phu, đang đưa cặp mắt hiền từ nhìn xuống. Hạnh buột miệng khen:
– Tượng Phật Bà đẹp quá.
Bà Hiền nhìn bức tượng giọng ngậm
ngùi:
– Tượng này cô thỉnh cách đây
đúng ba mươi năm, nhân dịp tháp tùng một phái đoàn đi công du Đài Loan. Cũng là
vật duy nhứt cô đem theo khi leo lên máy bay di tản năm bảy lăm. Từ đó, ở đâu
cô cũng đem theo. Cô nghiệm thấy khi nào có chuyện buồn, chỉ cần chiêm ngưỡng
thần thái ung dung hiền hòa của Phật Bà, rồi thành tâm cầu nguyện là bao nhiêu
muộn phiền gì cũng tiêu tan hết.
Hạnh lịch sự hỏi thăm bà ở đây
có thoải mái không thì bà Hiền thở dài:
– Nói cho ngay chỗ này không có
gì để phàn nàn. Có cái cô già quá rồi. Đã đi đứng khó khăn, mắt lại yếu nên
hàng ngày chỉ coi ti vi, đọc sách chút đỉnh. Ăn uống cũng qua loa thôi, cái bao
tử mệt mỏi cứ kiếm chuyện làm reo. Bạn bè cô đâu còn được mấy người. Thỉnh thoảng
cầm phôn thăm hỏi nhau vài câu. Tuổi già xứ này khổ quá phải không cháu? May mà
cô còn có gia đình con Liên , nếu không còn cô đơn tới bực nào!
Hạnh cười:
– Thưa cô nếu Liên không nói
trước, cháu nghĩ cô Ba chỉ mới bảy mươi là cùng. Tóc tuy bạc nhưng da cô còn thẳng
ran. Cặp mắt không mờ chút nào. Còn nụ cười thì tươi hết biết. Thú thật cháu
chưa thấy cụ bà nào bằng tuổi, mà còn đẹp như cô Ba đâu.
Nghe Hạnh ba hoa chích chòe một
hơi, bà Hiền cười ngất:
– Nghe nói mà cô nở từng khúc
ruột. Còn hơn được uống mấy thang thuốc mát!
Liên cũng cười:
– Cô biết hôn, nhỏ này được bạn
bè phong cho chức Tổng Trưởng bộ Ngoại Giao đó. Thường thường con trừ bớt năm
chục phần trăm những gì nó nói, phải hôn nhỏ?
Hạnh nhéo Liên một cái nhảy nhổm:
– Cho chừa cái tật nói xấu ta!
Liên vừa xoa chỗ đau vừa nói:
– Thôi thôi chịu thua. Cô tao
còn đẹp…lão lắm. Mi biết hôn, cô Ba là một trong những người đẹp nổi tiếng của
trường Gia Long áo tím thời xưa. Má tao kể hồi đó có biết là bao nhiêu anh hùng
hào kiệt đã từng quỳ sắp lớp dưới chân cổ. Phải hôn cô Ba?
Bà Hiền nhìn đôi bạn, miệng cười
tủm tỉm không trả lời. Hạnh chỉ bức sơn mài treo trên tường, giọng cảm xúc:
– Nhìn mái nhà tranh bên cạnh
dòng sông. Mấy cây dừa nghiêng nghiêng tỏa bóng mát làm cháu nhớ quê nội quá chừng.
Sau nhà ông bà nội cháu hồi xưa có một vườn dừa cả mấy trăm gốc.
Bà Hiền hỏi:
– Quê nội cháu chắc ở Bến Tre?
– Dạ không. Nội cháu ở Cao
Lãnh.
Hạnh vừa dứt tiếng bà Hiền bỗng
hỏi dồn:
– Cao Lãnh mà khúc nào?
Hơi ngạc nhiên nhưng Hạnh cũng
trả lời:
– Dạ làng Tân An. Cách chợ Cao
Lãnh bảy cây số.
Đột nhiên Hạnh có cảm tưởng bà
Hiền giống như một con cá thiếu nước, thở hơi dồn dập. Bà nhìn Hạnh chăm chú
hơn và có vẻ suy nghĩ điều gì đó. Hạnh vẫn vô tình kể lể:
– Tuy ba má cháu ở Sài Gòn,
nhưng hầu như hè nào anh chị em tụi cháu cũng về quê thăm ông bà nội. Có khi ở
chơi cả tháng. Cháu còn giữ nhiều kỷ niệm thật vui như được đi câu cá, đi hái
sen, uống nước dừa tươi …
Rồi chợt nhớ ra Hạnh reo lên :
-Í cháu quên là quê của cô Ba
cũng ở Cao Lãnh. Liên nói với cháu quê nội ở dưới đó nhưng nó ít khi về chơi.
Bà Hiền như vừa mới ra khỏi một
cơn mộng, gật đầu:
-Phải, gia đình cô ở tại chợ
Cao Lãnh. Người chị bà con chú bác ruột của cô là dâu ông bà Cả Lương ở Tân An.
Hạnh không dấu được sự kinh ngạc:
-Trời đất, ông Cả Lương chính
là ông nội của cháu!
Nghe vậy Liên cười hì hì:
-Té ra tụi mình có bà con…ngang
hông. Từ đây mi phải kêu ta bằng chị . Ta lớn hơn mi tới…ba tháng lận!
Hạnh trề môi:
– Xời, nghèo mà ham. Dạ, chị họ
cô lấy người nào trong gia đình cháu vậy cô Ba?
-Anh rể cô tên Trí.
-Vậy là bác Tư . Ba cháu thứ
năm.
Bà Hiền gật đầu:
– Cô biết ba má cháu. Ba cháu
là anh Năm Lực. Bây giờ ba má cháu còn mạnh không? Biết mấy chục năm rồi không
gặp…
– Dạ ba cháu mất từ năm sáu
mươi tư. Má cháu mới mất năm ngoái. Bịnh tiểu đường làm tim, thận gì cũng hư hết
trơn. Rồi bịnh cao máu, cặp mắt cũng mờ luôn!
– Ừ, cô may mắn không bị vướng
vô căn bịnh này. À…– bà Hiền ngập ngừng – còn anh Sáu Tiến… giờ ra sao?
– Dạ, chú Sáu của cháu cũng
khá. Có một lúc chú bị xuất huyết bao tử. Sau đó mổ thành công nên mạnh trở lại.
Nhờ có mấy em ở ngoại quốc gởi tiền về nên chú sống rất thoải mái. Đứa con trai
lớn của chú cũng ở Montréal này đó cô.
Hạnh hình dung lại ông chú kém
ba nàng đúng một tuổi. Chú đẹp trai lắm. Cao lớn nhưng không thô. Cặp mắt sâu,
chiếc mũi cao thẳng tắp. Mái tóc quăn tự nhiên và cái miệng hơi rộng lúc nào
cũng cười. Tánh hòa nhã lại rất tếu nên ai cũng thích. Hạnh nói với bà Hiền:
– Trong mấy chú mấy bác, cháu
thương chú Sáu nhứt. Chỉ tội cả đời chú khổ vì thiếm của cháu. Nhưng bây giờ
chú khỏe rồi, thiếm Sáu của cháu đã qua đời cách đây ba năm.
Bà Hiền cố nén tiếng thở dài:
-Không ai có thể ngờ trước được
số mạng của mình cháu à. Đường đời, mình muốn nó thẳng nhưng ông Trời đã định
nó cong, thì có cựa quậy cách nào nó cũng không thẳng nổi. – Bà bỗng hạ thấp giọng
như nói với chính mình, – chỉ có chịu chấp nhận thì trong lòng mới được bình
an…phải không cháu?
Bị hỏi thình lình, Hạnh không
biết trả lời sao đành dạ dạ cho qua, chớ cô nàng có biết tình đau là cái chi
chi??? Cuộc đời ái tình và sự nghiệp của nàng tuy không đựơc thẳng cánh cò bay,
nhưng cũng chẳng có gì rối rắm. Từ khi quen nhau, thương nhau rồi lấy nhau tới
giờ đã hai chục năm lẻ, Trung và nàng sống thật bình thường. Cả hai đi cày năm
ngày một tuần để thanh toán đủ thứ nợ. Nhưng cũng không mong ước gì hơn. Trong
thời buổi người ta mất việc rần rần, vợ chồng nàng còn việc làm là may mắn lắm
rồi. Hạnh vẫn cám ơn Trời Phật đã cho gia đình nàng ra đi đúng lúc và nơi xứ lạ
quê người có được một cuộc sống thoải mái, bình yên.
Đang nghĩ lan man thì Liên nhìn
đồng hồ rồi kêu lên :
– Cô ơi, con phải đi đón cháu
Đoan ở sân tennis. Cô có cần gì cứ dặn tuần tới con đem vô. Nếu cô muốn đi chùa
con nói nhà con tới…
Liên chưa dứt câu bà Hiền đã ngắt
ngang:
– Cô không cần gì đâu. Mấy cuốn
sách con đem tuần rồi cô coi còn chưa hết. Mùa này lạnh cô cũng ngại ra ngoài.
Cần gì cô phôn cho con.
Lúc hai người chào từ giã, bà
Hiền nhìn Hạnh, cặp mắt đong đầy niềm lưu luyến. Trên đường về, Hạnh biết thêm
vài chi tiết về cuộc đời của bà khiến nàng liên tưởng đến người yêu cũ của người
chú thứ sáu mà mẹ nàng đã từng nhắc tới nhiều lần. Hạnh tự hứa sẽ hỏi cho ra
chuyện này.
…Thiếm Sáu của Hạnh là một người
đàn bà rất đẹp. Nhưng tiền bạc vô tay bà giống như gió vào nhà trống. Suốt đời
bà chỉ biết xài tiền và xem đồng tiền mà ông chồng cực khổ làm ra như mớ giấy lộn.
Bà khiến chú Sáu của Hạnh tán gia bại sản rất nhiều lần. Đôi khi nhìn thấy đám
con nheo nhóc chú đã nhỏ những giọt lệ thương đau.
Nhiều lần bực quá mẹ Hạnh không
kềm được, cằn nhằn:
-Phải chi chú cưới cô Hiền thì
đâu có khổ như vầy. Hồi đó ai cũng tưởng sắp đám cưới tới nơi…Hai nhà thân quá,
cũng tại chú cố chấp…
Chú Sáu âu sầu nhìn chị dâu:
– Thôi nhắc chi chuyện đã qua.
Không hiểu kiếp trước em có làm nghề đâm heo thuốc chó gì không, mà kiếp này phải
trả một cách tàn tệ như vậy. Em sợ còn phải trả cái nợ đời này cho tới khi nhắm
mắt mới xong chị Năm ơi!
Mẹ Hạnh chắt lưỡi, cau mày:
-Cứ nói tầm xàm. Mà cũng tại
chú. Chìu thiếm quá mới ra nông nỗi.
Chú Sáu nhăn nhó:
-Chị biết em quá mà. Mỗi lần bị
em rầy, bả cứ khóc lóc, thề thốt, hứa hẹn đủ điều là em lại mềm lòng bỏ qua. Hết
lần này tới lần khác. Thét rồi em mặc kệ bả muốn làm gì thì làm. Chỉ tội mấy đứa
nhỏ xui xẻo có bà mẹ vừa ích kỷ vừa vô trách nhiệm!
Mẹ Hạnh thở dài, ngập ngừng:
-Chú đã vậy, cô Hiền cũng long
đong. Khi không đi ưng một người mình chẳng thương yêu gì hết. Nghe chị Tư nói
sau khi ly dị cậu Ân, cổ ưng luôn ông thầy kiện lo việc ly dị cho hai người.
Thôi thì cũng mừng cho cổ. Chị Tư nói mỗi lần gặp, cổ đều có hỏi thăm tới chú…
Nghe tới đây chú Sáu chớp chớp
mắt, quay mặt nhìn chỗ khác để giấu niềm cảm xúc !
Cuộc đời chú cứ vậy. Lên lên xuống
xuống như nước triều dâng. Chú vẫn nai lưng làm việc cực khổ như con trâu và
thiếm vẫn phè cánh nhạn ra xài tiền. Đàn con cũng nhọc nhằn lớn lên với thời
gian. Mấy đứa con gái chụp cơ hội đầu tiên là lật đật lên xe hoa, thoát ly cái
gia đình mà bà mẹ chỉ biết có mỗi một chuyện là gào tiền để thỏa mãn cái miệng
của mình! Con gái lớn của chú, Mỹ Linh đã khóc với Hạnh: Em chán tới cổ rồi, bất
cứ người nào tới hỏi em cũng ưng liền. Miễn sao ra khỏi cái gia đình này là em
cám ơn Trời Phật. Chỉ tội cho ba em, kiếm bao nhiêu cũng không đủ cho bả xài!
Chắc ông Trời còn thương xót
chú, nên một hôm trời mưa tầm tã, Mỹ Linh đạp xe từ sở về nhà. Tới góc đường
Hai Bà Trưng, vừa quẹo trái qua Yên Đổ thì bị chiếc xe hơi trờ tới đụng vô bánh
sau ngã lăn cù. Bị té đau điếng, may nhờ cái áo mưa dầy nên chỉ bị trầy xát sơ
sơ. Nhưng chiếc xe đạp thì không được may mắn như vậy. Cái ghi đông và cái bánh
sau đều bị vẹo. Lúc cô lồm cồm đứng lên thì từ trên xe một thanh niên ăn mặc rất
lịch sự bảnh bao hấp tấp bước xuống. Anh ta cuống quít chạy tới đỡ, miệng hỏi dồn
dập:
-Cô có sao không. Có thấy đau ở
chỗ nào không? Thiệt xin lỗi. Mưa lớn quá nên tôi nhìn không rõ.
Lấy lại bình tĩnh, Mỹ Linh trả
lời chắc không sao. Chỉ hai bàn tay bị trầy.
Lúc thấy tình trạng chiếc xe đạp
anh ta nói:
-Tôi đề nghị cô lên xe tôi. Chiếc
xe đạp sẽ để đằng sau thùng xe. Sau đó đưa cô tới phòng mạch của người quen ở gần
đây nhờ anh ấy khám kỹ xem cô còn bị thương chỗ nào không. Cô bằng lòng nhé?
Té ra là một anh Bắc kỳ. Mỹ
Linh nhủ thầm. Cô hơi ngần ngại, nhưng bây giờ xe đạp hư, không lẽ đứng dầm mưa
hoài. Ngay cả cái anh chàng chưa biết tên này cũng đang bị ướt như chuột
lội. Hơn nữa nhìn cái mặt không có vẻ gian lắm nên Mỹ Linh bằng lòng lên xe.
Trên đường đi anh chàng tự giới thiệu tên Minh, làm ở bộ Kinh Tế và cũng đang
trên đường về nhà thì bất cẩn đụng phải Mỹ Linh. Bước vô phòng mạch Bác Sĩ Tài,
Linh cởi áo mưa máng lên móc áo. Nhờ có nón nhựa nên tóc cô không bị ướt chút
nào. Anh chàng Bắc Kỳ khi nhìn thấy dung nhan của Mỹ Linh lồ lộ dưới ánh đèn
thì ngẩn tò te. Trời ơi anh chàng không ngờ “nạn nhân” của mình là một cô gái
xinh đẹp như vậy. Trong chiếc áo dài tơ sống màu ngà, thân hình Mỹ Linh mảnh
mai nhưng cân đối. Tuy không son phấn mà làn da vẫn trắng mịn màng . Cô có cặp
mắt sâu, đen long lanh với hàng mi cong của cha. Nhưng chiếc miệng với cặp môi
hồng tươi, hơi móm duyên của mẹ. Mái tóc đen huyền óng ả đổ xuống ngang lưng. Cả
người cô toát ra một sức quyến rũ, thu hút đến nỗi Minh phải vất vả lắm mới đưa
được cặp mắt ngó ra chỗ khác!
Mỹ Linh cũng kín đáo quan sát đối
phương. Cô công nhận anh chàng không tệ chút nào. Cao hơn nàng gần một cái đầu.
Chắc chơi thể thao nhiều nên có vẻ rắn chắc với làn da rám nắng. Chiếc mũi cao
hơi gồ ở giữa. Cặp mắt sáng đầy vẻ thông minh và tia nhìn không gian trá. Bộ
veston, cà vạt khiến anh chàng thêm chững chạc.
Sau khi khám xong, Minh hỏi đường
để đưa Mỹ Linh về nhà. Nàng từ chối, nhưng Minh viện cớ trời đang mưa. Hơn nữa
cậu phải biết địa chỉ để sau khi xe đạp sửa xong cậu đem tới nhà trả cho cô. Nghĩ
tới căn nhà không mấy khang trang của mình tuốt trong đường Bắc Hải, Mỹ Linh rất
ngại. Nhìn bề ngoài của Minh, có mù mới không đoán được cậu ta là một công tử
con nhà giàu. Thấy người đẹp có vẻ ngần ngại, Minh càng ra sức thuyết phục. Sau
cùng Mỹ Linh nghĩ thầm sau này đường ai nấy đi. Biết còn gặp lại nữa không mà
lo…Tới nhà, trước khi bước xuống Mỹ Linh còn dặn xe sửa xong Minh cứ đem tới
giao cho bất cứ người nào trong nhà cũng được. Mỹ Vân, con em gái đang ngồi học
bài gần cửa sổ, thấy chị về bằng xe hơi thì há hốc miệng ra nhìn. Sau khi nghe
hết chuyện, con nhỏ ré lên:
-Rồi chị có bắt thằng chả đền
tiền không?
Mỹ Linh cau mày:
– Tao có bị gì đâu mà bắt người
ta đền?
Con em xí xọn trợn mắt:
-Không có thì mình làm cho có.
Ví dụ như chị giả bộ đi cà nhắc, mặt mày nhăn nhó ra vẻ đau đớn…
Mỹ Linh xì một tiếng, ngắt
ngang:
-Thôi đi. Bộ ai cũng ham tiền
như mày hả?!
Nói rồi đi thẳng lên gác thay
quần áo. Sáng hôm sau nàng định đi bộ ra đầu đường Lê văn Duyệt đón xe lam đi
làm, nhưng kinh ngạc vô cùng khi thấy xe của Minh đậu lù lù xéo bên kia đường.
Thấy Mỹ Linh chàng xuống xe tiến lại gần, tươi cười mời cô lên xe, viện cớ chuộc
cái lỗi chiều hôm qua. Thật ra cả đêm cu cậu cứ thao thức vì hình bóng của Mỹ
Linh ám ảnh hoài. Trong đời, gần ba mươi tuổi đầu, tuy đã gặp không ít những cô
con gái vừa đẹp vừa giàu sang, đài các. Cho tới chiều hôm qua, cuộc gặp gỡ tuy
không được bình thường, nhưng Mỹ Linh là người con gái đầu tiên khiến cho Minh
có một ấn tượng thật sâu sắc khó quên. Chàng mong mau sáng để kiếm cơ hội gặp lại
nàng. Còn gì danh chánh ngôn thuận hơn là chàng có “bổn phận” phải đưa nàng đi
làm trong khi chiếc xe đạp chưa sửa xong? Nàng viện cớ từ chối? Chàng kiếm đủ
cách thuyết phục… Cuối cùng cái miệng Bắc Kỳ dẻo quẹo vẫn thắng. Rồi sau đó
thay vì chiếc xe cũ, một chiếc xe đạp hiệu Peugeot mới cắt chỉ được chở tới
nhà. Mỹ Linh từ chối cách nào cũng không xong. Minh nói chiếc xe cũ bị hư rất
trầm trọng, sửa cách nào cũng không được như xưa. Tốt nhất nên đi xe mới. Mỹ
Linh đòi hoàn tiền lại chàng không nhận. Mỹ Vân thì dài giọng:
-Anh chàng cũng biết điều. Chuộc
lỗi kiểu này có thể nói là hào phóng! Nhưng chị phải coi chừng. Tụi bạn em nói
con trai Bắc Kỳ xạo lắm. Mai mốt có chuyện gì đừng đổ thừa con em này không cảnh
cáo trước!
Rồi không hiểu vì lý do nào, xe
đạp đã đền xong mà chiếc xe hơi láng cóng của Minh vẫn tiếp tục tới lui đường Bắc
Hải mỗi ngày, trước những cặp mắt tò mò của các bà hàng xóm! Mới đầu Mỹ Linh
còn ngại khi biết bố của Minh là một nhà xuất nhập cảng tên tuổi ở Sài Gòn.
Minh đã từng đi du học bên Úc. Ngày nay là chàng một công chức khá trong bộ
Kinh Tế. Nhưng trước mối chân tình của Minh, cộng thêm sự ước muốn thoát khỏi
gia đình quá mãnh liệt, nàng đã bằng lòng lấy Minh. Tuổi tác có chênh lệch chút
đỉnh cũng không sao. Năm đó Mỹ Linh vừa tròn mười chín và Minh hăm tám.
Dĩ nhiên chú Sáu của Hạnh rất mừng
vì biết con gái có chỗ nương tựa xứng đáng. Sau đó lần lượt những đứa khác cũng
lập gia đình. Như bàn tay có ngón dài ngón vắn. Thằng Út Hào được thiếm cưng
chiều quá, theo đám bạn hư hỏng hút xì ke. Có bao nhiêu tiền thiếm cũng lòn cho
nó. Khi không đủ để thỏa mãn cơn ghiền, nó theo đám này đi bậy, bị vô tù ra
khám nhiều lần. Anh chị em khuyên hoài không được nên cũng bỏ mặc. Vậy mà như một
phép lạ. Sau bảy lăm, trên đường đi cải tạo về, nó ghé nhà người bà con ở Cần
Thơ định xin tá túc ít hôm. Nhưng trước sự đón tiếp không lấy gì làm ân cần lắm
của người này, Hào ta buồn tình, ăn cơm tối xong bèn thả bộ xuống bến Ninh Kiều
chơi cho khuây khỏa. Nó đi dọc theo bờ sông, đi mãi, lòng ngổn ngang trăm mối,
không biết sẽ làm gì để sống. Tới một khúc vắng đèn mờ, nó ngồi xuống nghỉ
chân. Hai tay ôm gối, đưa mắt nhìn mặt nước tối đen lấp lánh ánh sao đêm, Hào
thấy đời mình cũng không sáng sủa gì hơn, nên chỉ muốn nhảy xuống sông chết cho
rồi. Không chừng còn mát tấm thân hơn! Đầu óc chứa đầy những tư tưởng tối đen
như vậy, nó tủi thân gục đầu xuống gối khóc . Không biết bao nhiêu lâu…Có tiếng
xì xào nho nhỏ gần đó khiến Hào giựt mình ngẩng đầu lên. Cách đó độ mươi thước
lố nhố nhiều bóng người. Ban đầu nó hết hồn tưởng công an, nhưng khi định thần
nhìn kỹ thấy ngoài đàn ông, đàn bà còn có con nít. Hào nghi là đám vượt biên
nhưng vẫn thu mình ngồi yên. Nhờ mặc bộ đồ màu sậm nên không bị phát hiện. Tới
lúc thấy có chiếc ghe bầu từ ngoài tiến vào cặp bến, nó bỗng có một quyết định
chớp nhoáng. Hào đứng lên, từ từ tiến lại gần đám người này. Có tiếng hỏi, tuy
nhỏ nhưng không kém phần cứng rắn:
-Ai?
Hào cũng đáp nhỏ:
-Mấy người đừng sợ. Tôi chỉ
tình cờ có mặt ở đây thôi. Rồi nó đổi giọng van nài, tôi vừa ở trại cải tạo ra
xin mấy người thương tình cho tôi theo với. Tôi hứa xuống tàu sẽ hết sức phụ
làm việc. Cực mấy tôi cũng chịu.
Có tiếng phản đối:
-Nhưng ở đây ai cũng phải trả mỗi
đầu người tám cây.
Nhờ ông bà phù hộ, thằng Hào bỗng
dưng nhớ tới vợ chồng Hạnh ở Canada, nó nói:
-Tôi có anh chị ở Canada. Tới
nơi tôi sẽ viết thơ xin tiền họ. Mấy người ráng giúp tôi đi. Nếu không…
Nghe có mùi đe dọa trong cái sự
bỏ lửng lơ con cá vàng này nên đám vượt biên hơi rét. Dưới ghe có tiếng thúc dục,
nên cuối cùng họ đành cho Hào lên luôn. Chuyến đi không gặp trở ngại gì cả. Tới
Mã Lai rồi mà Hào còn tưởng nó đang mơ! Trong thời gian nằm khàn trong trại tị
nạn, Hào có cơ hội nằm gác tay lên trán suy gẫm lại cuộc đời đã qua và nhận thấy
cái cơ hội ngàn năm một thuở này không phải ai cũng có được. Vì vậy nó quyết định
tẩy chay xì-ke, ma túy để trở thành một người mới! Một thằng Hào hữu ích cho xã
hội, hay ít nhứt cũng giúp đỡ được gia đình. Đúng lúc nước Úc đang cần nhiều
thanh niên trẻ, điều kiện dễ dàng, Hào ghi tên liền. Chỉ hai tháng sau là nó đặt
chân lên cái xứ đất rộng người thưa này. Hào làm việc bất kể ngày đêm. Hai năm
đầu không biết ngày nghỉ là cái quái gì. Ngày mười hai tiếng, tuần lễ bảy ngày.
Gom đủ tiền Hào sang một cái tiệm ăn nho nhỏ. Rồi tiệm nhỏ đẻ ra tiệm lớn. Bây
giờ Hào nghiễm nhiên là chủ nhân của một tiệm ăn Á châu lớn nhất nhì ở thành phố
đó. Từ lúc mới kiếm được những đồng tiền đầu tiên là Hào đã gởi về cho gia
đình. Chú thiếm Sáu mừng lắm. Những lúc túng tiền, thiếm chỉ cần nói với chủ nợ:
-Cứ cho mượn đi, con trai tui
bên Úc sẽ gởi về trả không thiếu một đồng.
Mà thiệt, lần nào thằng Hào
cũng gởi về trả sòng phẳng, dù với tiền lời cắt cổ hai mươi phân một tháng. Ngu
gì hổng cho mượn?
Sau này con trai lớn chú thiếm
vượt biên qua đảo Galang, liên lạc nhờ vợ chồng Hạnh bảo lãnh qua định cư ở
Montréal. Mỹ Linh theo gia đình chồng qua Pháp. Chỉ có Mỹ Vân còn ở lại Sài Gòn
với chú thiếm Sáu. Con nhỏ giận vị hôn phu lén vượt biên một mình nên thề độc
suốt đời không dính líu tới cái giống đàn ông bạc như vôi này. Nhờ tiền các con
tiếp tế, thiếm Sáu vẫn hăng hái tiếp tục cái sự nghiệp…ẩm thực lừng lẫy của
mình! Tiệm nào, chợ nào có tuyệt chiêu gì thiếm thuộc nằm lòng. Có điều lạ là
chưa ai nghe thiếm than van là đau bao tử. Một hôm, sau một chầu nghêu sò ốc hến,
chè đậu đỏ bánh lọt nước dừa, tráng miệng luôn một ly nước mía… Thiếm về tới
nhà thì bắt đầu đau bụng. Rồi trên thổ dưới tả. Mỹ Vân cạo gió xong, nấu nước gừng
cho uống cũng không bớt bao nhiêu. Đêm đó thiếm đi ngoài cả chục lần. Sáng hôm
sau bết quá phải chở vô nhà thương. Thấy tình trạng mất nước nặng, họ đề nghị vô
nước biển. Nhưng chắc số thiếm đã tận nên nhà thương chỉ còn loại nước biển do
người anh em Liên Sô bào chế. Thiếm bị sốc cứu không kịp. Vì mất đột ngột nên mấy
người con ở ngoại quốc không về. Đám tang chỉ có chú Sáu, Mỹ Vân và mấy người
bà con ở Sài Gòn. Sau đó đưa về quê chôn. Đám chủ nợ tiếc hùi hụi vì mất mối sộp!
Từ đây chú Sáu của Hạnh sống một
mình với Mỹ Vân. Tiền bạc rủng rỉnh mà đầu óc cũng thảnh thơi hơn xưa. Chú
không thích sống ở ngoại quốc, nên mới đây thằng con lớn làm đơn xin cho chú
qua du lịch Canada thăm con cháu. Chú nói độ tháng năm năm tới sẽ qua chơi, cuối
thu về lại Việt Nam. Không nơi nào bằng quê nhà, chú tuyên bố vậy.
… Chúa Nhật sau, chính Hạnh
phôn cho Ái Liên xin đi thăm bà Hiền. Bị bạn tra mãi nhưng Hạnh nhứt định dấu
kín lý do, chỉ nói rảnh quá muốn đi chơi mà thôi. Nàng mang biếu bà một chậu
cúc đại đóa màu vàng lộng lẫy. Gặp lại Hạnh, bà Hiền vui ra mặt. Chuyện vãn một
hồi, Hạnh lấy hết can đảm, ngập ngừng hỏi:
-Thưa cô Ba, cháu biết là đường
đột, nhưng có chuyện này…Chuyện này…
Thấy Hạnh ấp úng mãi, bà Hiền mỉm
cười, giọng từ tốn:
-Cháu có chuyện gì thắc mắc cứ
hỏi đi đừng ngại.
Được lời như cởi tấc lòng. Mặt
Hạnh tươi lên:
-Thưa cô Ba, nếu được cô Ba cho
phép cháu xin hỏi thẳng. Có phải hồi xưa cô Ba với chú sáu của cháu…thương
nhau?
Đã đoán trước, nhưng câu hỏi của
Hạnh cũng khiến bà Hiền hơi choáng váng. Bà nhắm mắt, hít vào rồi thở ra một
hơi dài như muốn xua bớt niềm cảm xúc trong lòng. Bà trả lời Hạnh, nhưng cặp mắt
như nhìn về cõi mù sương nào trong quá khứ:
-Phải. Anh Tiến là mối tình đầu
của cô. Tiếc là…– Bà lại buông tiếng thở dài. – Tiếc là cô với ảnh có duyên mà
không nợ!
Hạnh hỏi tiếp:
-Cháu nghe má kể hồi đó chú Sáu
thương cô Ba dữ lắm. Ai cũng tưởng sắp đám cưới tới nơi. Ngay cả lễ vật cũng đã
chuẩn bị rồi. Vậy không hiểu tại sao chú Sáu đi lấy vợ và cô Ba cũng đi lấy chồng.
Chú Sáu không bao giờ giải thích với bất cứ người nào. Không biết cô Ba có thể…bật
mí cái lý do đó không?
Bà Hiền chớp chớp cặp mắt, cười
buồn:
-Đó là cái điều mà cô rất cảm
phục nơi anh Tiến. Tuy chia tay là lỗi của cô mà ảnh không bao giờ đi nói xấu nửa
lời. Cháu biết không, cô đã trải qua biết bao nhiêu ngày, bao nhiêu đêm đớn
đau, ray rứt vì hối hận. Sống mà như chết rồi!
Bà chắt lưỡi, lắc lắc cái đầu
có mái tóc bạc phơ, mặt hằn vẻ xúc động. Thấy vậy Hạnh đâm ái ngại, rụt rè nói:
-Cháu xin lỗi đã gợi lại cho cô
những kỷ niệm không vui. Nếu thấy bất tiện cô Ba đừng tiếp tục.
Bà Hiền xua tay:
-Không sao. Chuyện qua mấy mươi
năm rồi. Cô ôm ấp nó trong lòng cũng đã quá lâu. Nhiều khi ngồi một mình nhớ lại
chuyện cũ, cô thấy nao nao trong dạ.
Ái Liên bưng một dĩa cam mới cắt
tới đặt xuống bàn, cười cười:
-Trời đất, cô Ba có một đoạn
tình “ác liệt” như vậy mà con không hay. Thôi cô dùng vài miếng cam thấm giọng
rồi kể hết cho tụi con nghe đi. Biết ngay mà. Một người có sắc đẹp chim sa cá lặn
như cô Ba của ta mà không có vài mối tình lâm ly bi đát thì không có lý chút
nào, phải không Hạnh?
Hạnh chưa kịp trả lời thì bà Hiền
đã ngắt ngang:
– Nói có Trời làm chứng. mới có
một mối tình đầu với ông Tiến thôi mà cô đã ngất ngư, nói gì tới mấy mối. Nếu
nhiều như vậy, giờ này chắc cô đang ở dưới mộ sâu!
Liên ngạc nhiên hỏi lại:
-Ủa, con tưởng ngoài chú của nhỏ
Hạnh, cô còn hai người nữa?
-Phải, tuy cô lập gia đình hai
lần nhưng anh Tiến mới là người cô thương. Sở dĩ cô lấy ông Ân là để trả thù
anh Tiến. Còn dượng Ba của con đây, vừa nói bà vừa chỉ tay lên bức hình ông chồng
quá cố trên bàn thờ, nói xin ông tha lỗi, chớ lúc đó tinh thần cô suy sụp quá,
được ổng an ủi, săn sóc tận tình cô rất cảm động. Ổng lại đẹp trai, học thức
cao, khéo ăn nói nên cô xiêu lòng đâu có gì là lạ. Thiệt tình trong sự bất hạnh,
cô đã rất may mắn gặp được dượng Ba của cháu.
Ái Liên nhăn nhó:
-Cô Ba à, hồi nào tới giờ, con
thấy cô dượng rất hạnh phúc, tâm đầu ý hợp nên không thắc mắc gì hết về cái quá
khứ xa lắc xa lơ của cô. Bỗng dưng bữa nay con mới hay cô còn rất nhiều chuyện
ly kỳ mà con không được biết. Tuy cháu của cô thông minh lắm lắm, nhưng cũng
chưa đạt tới mức…hiểu mình ên những gì người ta chưa kể!
Bà Hiền đổi thế ngồi cho thoải
mái rồi vừa cười vừa mắng yêu:
-Con nhỏ này thiệt nhiều chuyện.
Thôi được để cô kể từ đầu cho hai đứa nghe. Như cô đã nói hôm trước, thiếm Tư
Trí của cháu Hạnh là chị bà con chú bác ruột với cô. Ở nhà chỉ thứ Hai. Ba cô
là ông Cai tổng Châu dưới chợ Cao Lãnh. Nhà cô chỉ có một trai một gái nên được
nuông chìu hết sức. Ba của con Liên đây hơn cô tới sáu tuổi. Lúc ảnh đậu bằng
brevet rồi về quê trông coi ruộng đất tiếp ông nội, cô mới lên ở nội trú trường
áo tím. Thời gian này anh chị Trí ở Thị Nghè. Anh Trí có xưởng gỗ lớn. Chị Hai
của cô sướng lắm, ở nhà lo chợ búa cơm nước, săn sóc mấy đứa nhỏ. Thỉnh thoảng
xòe tứ sắc với mấy bà bạn. Chú Sáu của cháu ở đây đi học ngoài trường
Chasseloup. Ảnh hơn cô hai tuổi nên học trên hai lớp. Thứ bảy nào chị Hai cũng
cô đón về nhà chơi, cho ăn uống phủ phê để bù lại mấy ngày ăn cực khổ trong trường.
Cô với anh Tiến có thể nói quen nhau từ thời còn ngây thơ trong trắng. Bài vở
gì trong tuần không hiểu, cô đem về nhờ ảnh giảng. Ảnh hiền và nhẫn nại lắm. Cô
quen thói được cưng như trứng mỏng nên cứ ăn hiếp ảnh hoài. Vậy mà chưa bao giờ
ảnh lớn tiếng với cô. Mới đầu cô coi ảnh như người anh thôi. Cho tới một hôm,
cô còn nhớ là năm đệ tam niên. Chiều Chúa Nhựt chị Hai bận xoè với mấy bà bạn
nên nhờ anh Tiến đèo xe đạp chở cô vô trường. Tới trước cổng không ngờ gặp một
đám bạn học cũng vừa mới tới. Thấy anh Tiến đứa nào cũng dòm muốn rớt con mắt. Ảnh
đẹp trai lắm. Ai cũng tưởng là tây lai. Thấy tụi con gái dòm mình lom lom như vậy,
chẳng những ảnh không mắc cở mà còn nheo mắt cười duyên. Cũng kỳ, tự nhiên cô
thấy hơi sùng sùng trong bụng, hối ảnh đi cho lẹ. Mấy đứa bạn hỏi ai, cô nói
anh tui rồi quày quả vô trường. Tuần sau, cô trở vô trường với chị hai, tụi bạn
hỏi sao anh bồ không đưa, cô trả lời tại ảnh mắc đi chơi với vị hôn thê. Vậy là
mấy con nhỏ xí xọn hết hỏi này nọ… Cô đâu có biết mình đã thương ảnh từ hồi nào
rồi.
… Mùa hè năm đó, mặc dầu đã hơn
mười sáu mà cô còn khờ lắm. Anh Tiến về quê đã đành mà chị Hai của cô cũng đem
mấy đứa nhỏ về thăm nội ngoại. Nhân dịp này cô đạp xe lên Tân An chơi thường.
Anh Tiến dẫn cô với mấy đứa nhỏ đi câu cá. Ảnh thiệt rành, giảng nghĩa cho cô
biết cá gì thì phải câu với mồi gì. Mồi gì cũng được nhưng mồi trùn thì cô đầu
hàng! Khoẻ nhứt là câu ba con cá chốt, cá lòng tong, cá mại. Chỉ cần lấy cám trộn
nhuyễn với cơm nguội rồi vo từng viên nhỏ móc vô lưỡi câu là giựt mệt thôi. Mấy
thứ cá vụn này kho tiêu với tóp mỡ, ăn kèm với dưa leo là ngon hết biết. Một
hôm, cơm trưa xong, mấy đứa nhỏ đi ngủ hết, anh Tiến rủ cô ra vườn, nói sẽ cho
cô coi cái này hay lắm. Cô tò mò đi theo. Vừa đi anh Tiến vừa nói:
-Sáng nay anh khám phá ra một ổ
sáo. Có mấy con sáo con vừa mọc lông cánh dễ thương lắm. Để anh trèo lên bắt một
con cho em nuôi. Nếu khéo dạy nó biết nói chuyện cũng vui.
Nói rồi ảnh leo lên cây quít.
Nhưng ổ chim hơi xa nên ảnh phải cố nhích ra ngoài. Vừa bắt được con sáo con
thì nghe cái rắc. Cành cây dưới chưn gãy lìa. Ảnh chới với vì còn có một tay,
tay kia mắc cầm con sáo. Cô la lên biểu ảnh liệng con sáo đi nhưng không kịp đã
té cái đụi xuống đất. Con sáo văng ra xa kêu inh ỏi. Thấy ảnh không ngồi dậy,
cô lật đật chạy tới quỳ xuống hỏi ảnh có sao không? Cô thất kinh hồn vía khi thấy
ảnh nằm im, mắt nhắm nghiền, hơi thở yếu ớt, nên vừa lay vừa khóc sướt mướt, miệng
kêu anh Tiến ơi anh Tiến hỡi đừng có chết !. Đột nhiên cô thấy mình bị hai cánh
tay ôm ghì kéo xuống. Bất ngờ quá, cô té ập lên người ảnh, rồi có tiếng thì
thào bên tai:
– Đừng sợ. Anh còn sống y
nguyên đây nè. Anh không muốn chết bỏ em lại một mình đâu.
Nghe mấy lời này cô giựt mình
nín khóc lập tức. Chợt thấy mình đang nằm úp mặt trên ngực anh Tiến, cô mắc cỡ
quá định ngồi dậy, nhưng vùng vẫy cách nào cũng không thoát khỏi hai cánh tay cứng
như sắt của ảnh. Và một chuyện kinh khủng đã xẩy ra…
Nói tới đây bà Hiền bỗng ngưng
ngang, cặp mắt lộ vẻ mơ màng, nụ cười chúm chím như đang sống lại những phút
giây huyền diệu của ngày xưa thân ái! Hạnh và Liên đưa mắt nhìn nhau nhưng
không cô nào dám phá tan cái yên lặng thần thánh của bà. Rồi như sực tỉnh trước
hai cặp mắt đang lom lom nhìn bà đầy vẻ chờ đợi, Bà Hiền thoáng bối rối:
-Chết, cô lẩm cẩm quá rồi!
-Không sao, cô Ba cứ từ từ kể
cho tụi cháu nghe cái chuyện…kinh khủng đã xẩy ra hôm đó. Bà Hiền cười:
-Thiệt ra chuyện này ghê gớm
vào thời của cô, chớ bây giờ chắc là thường thôi…Cô định vùng ra để đứng dậy,
nhưng hai cánh tay kia vẫn ôm siết. Rồi anh Tiến lăn một vòng, cô bị lật nằm xuống
dưới và bị hôn tới tấp lên mặt. Mới đầu cô còn né tránh, nhưng sau đó…sau đó…
Hạnh cười tiếp lời:
– Sau đó thì cô quàng hai cánh
tay ngà ngọc qua cổ chú Sáu của cháu, kéo đầu ổng xuống…hôn trả!
Bà Hiền lắc đầu cười ngượng nghịu:
-Thiệt tình. Rành quá há!…À, tới
hôm đó cô mới biết là mình đã thương anh Tiến từ lâu. Cô hạnh phúc lắm. Người cứ
lâng lâng như ở trên mây. Suốt ngày líu lo ca hát. Hai gia đình rất môn đăng hộ
đối nên không có trở ngại gì hết. Chỉ bên gia đình cô rất “tây”. Trai gái đều
quý như nhau. Nhưng bà nội cháu Hạnh lại quá cổ! Bà đã từng nói xa nói gần, chỉ
trích cái tánh mà bà cho là quá sức “đầm” của cô. Chẳng hạn như tụi cô thường
dùng tiếng Pháp khi nói chuyện với nhau. Hoặc khi nhà có đám tiệc, cô không
thích xuống bếp như các bà các cô trong gia tộc. Cô không biết têm trầu mời bà,
không biết rót nước mời ông. Bởi vì những chuyện lặt vặt đó bên nhà cô đều do
người giúp việc làm. Cô đâu phải người ở. Cô là con gái rượu của ông Cai Tổng
Châu mà! Lúc đó cô còn quá trẻ, được mọi người yêu chiều nên không biết sợ trời
sợ đất gì hết. Cô cứ tưởng mọi người có bổn phận phải thỏa mãn tất cả ước muốn
của mình.
Tới năm anh Tiến được hai mươi,
cô lên mười tám thì hai nhà bàn đến chuyện hôn nhân. Cô tá hỏa khi nghe má anh
Tiến muốn cô về làm dâu. Tức là phải ở hẳn làng Tân An. Lúc đó ba má cháu Hạnh
bị đổi lên Ty Kiểm Lâm trên Nam Vang. Anh chị Ba, anh chị Tư đều có cơ nghiệp ở
Sài Gòn . Vậy chỉ còn anh Tiến phải về giúp cha trông nom ruộng đất. Đang bất
mãn vì chuyện này, chú của Hạnh lại bồi thêm một tin động trời: nữ trang bên
đàng trai sắp đưa qua làm sính lễ rặt bằng vàng y. Neo vàng, xuyến vàng, dây
chuyền vàng, cả đôi bông tai cũng bằng vàng!!! Trời ơi, cả đời cô chỉ thấy má
và bà chị dâu diện cẩm thạch xanh rờn, hay hột xoàn lấp lánh. Vàng y để dành
cho mấy bà nhà quê đeo. Không dằn được sự bực tức cô òa lên khóc. Anh Tiến
quýnh quáng dỗ dành. Càng dỗ cô càng khóc dữ, nói toạc móng heo là cô không muốn
về ở làng Tân An quê mùa, khỉ ho cò gáy(!). Còn nữ trang cô không chịu vàng y.
Phải sắm hột xoàn cô mới nhận. Dỗ hoài không được, anh Tiến đâm bực mình lớn giọng:
-Em sao ngang như cua. Tân An với
chợ Cao Lãnh cách nhau có mấy cây số mà nói là khỉ ho cò gáy. Làm như em bị đày
vô miệt Ba Sao, Cần Lố không bằng. Còn nữ trang thì bằng vàng hay hột xoàn có
gì khác nhau? Cũng là nữ trang thôi!
Lần đầu tiên bị anh Tiến “xài xể”
cô giận điên lên. Mà thói thường no mất ngon, giận mất khôn. Cô la lên:
– Phải, em ngang như cua rồi
sao? Em nói cho anh biết, em thà chết chớ không về làm dâu bà má quê mùa hủ lậu
của anh đâu! Chưa làm dâu mà bả đã háy đã nguýt. Mai mốt bả còn hành hạ em tới
bực nào nữa? Anh không thấy mấy bà chị dâu của anh, có bà nào ở được với má anh
đâu?
Trong cơn giận cô quên mất là
anh Tiến rất thương mẹ. Hồi nhỏ ảnh đau ốm liên miên, bà già phải nuôi nấng rất
cực khổ. Lúc thấy ánh mắt ảnh nhìn cô, cô biết là mình đã đi quá xa, đã phạm
vào điều cấm kỵ. Thiệt tình nếu mà nuốt lại được những lời đã lỡ nói ra thì hay
biết mấy! Anh Tiến chỉ nói “Được, đó là do em tự chọn” rồi quay lưng bước đi.
Cô đứng như trời trồng, không mở miệng nổi để kêu ảnh lại. Sau đó cô khóc như
mưa. Nhưng vẫn hy vọng anh Tiến giận xong, rồi cũng sẽ trở lại như những lần
trước. Ảnh đã không trở lại. Chỉ cho người đem cho cô một bức thơ. Nội dung nói
ảnh không thể chấp nhận một người vợ, chưa chi trong đầu đã có tư tưởng khinh
khi má ảnh. Đối với anh, dù bà có quê mùa dốt nát tới đâu cũng là đấng sanh
thành. Trong đời ảnh chỉ có một người mẹ mà thôi và khuyên cô nên quên ảnh đi.
Cô bỏ ăn bỏ ngủ, khóc tới cặp mắt sưng húp. Không gặp mặt được vì ảnh cứ tránh,
cô phải viết thơ xin lỗi, hứa mọi chuyện sẽ chìu theo ý ảnh. Cô sẽ cố gắng làm
một con dâu tốt. Nhưng thơ đi mà không bao giờ có hồi âm. Cô năn nỉ chị Hai cô
khuyên dùm cũng vô hiệu. Tới một lúc tự ái của cô lại đùng đùng nổi lên, cô
không thèm nhắc tới tên Tiến nữa. Trong đời cô đâu phải chỉ có một mình ảnh
theo đuổi. Bằng chứng là vừa mới nghe cô với anh Tiến chấm dứt, ông Ân, người
chồng đầu tiên của cô sau này, nhảy vô liền. Ông này là con một vị đại điền chủ
bên Sa Đéc. Con em ở nội trú với cô trên Sài Gòn, nên đã từng gặp mặt ông ta
nhiều lần. Tuy là con nhà giàu nhưng ông chơi nhiều hơn học. Tiêu xài rất phung
phí. Tướng mạo lại thua anh Tiến xa, nên trước đó cô đâu thèm để ý. Một hôm đẹp
trời, bỗng thấy hai anh em bên Sa Đéc lò dò qua thăm cô. Đang buồn gặp lại bạn
cũ cô mừng lắm tiếp đãi rất niềm nở. Từ đó về sau họ qua chơi thường và cô cũng
có qua nhà bên đó. Trước sau cô chỉ coi ông Ân như một người anh lớn. Ông bà
già muốn có cháu nội để nối giòng nên hối thúc mãi, ổng bèn ngỏ ý muốn lập gia
đình với cô. Cô không nhận lời, cũng không từ chối. Nói để suy nghĩ cho chín chắn.
Tới hôm nghe chị Hai cô nói anh Tiến đi coi vợ bên Long Xuyên thì cô quyết định
ưng ông Ân, với điều kiện là làm đám cưới càng sớm càng tốt. Và đám cưới của cô
cử hành sớm hơn đám cưới anh Tiến hai tháng. Cô làm cho đã nư mà không nghĩ tới
cái hậu quả thảm khốc về sau.
Kể tới đây giọng bà Hiền chùng
xuống như đẫm đầy nước mắt: Cô chỉ biết ông Ân có tiếng ăn chơi, nhưng không ngờ
là một người cực kỳ thô lỗ trong chuyện gối chăn. Ngay đêm đầu tiên ổng đã khiến
cô ghê tởm. Mỗi khi màn đêm buông xuống là cô phập phồng lo sợ. Ổng như một con
dã thú, dầy vò thân xác cô đủ cách mà vẫn không bao giờ thỏa mãn. Có khi một
đêm cô chỉ ngủ được vài giờ. Cô lại mắc cỡ không dám thố lộ với ai nên càng
ngày càng tiều tụy, ốm o. Nhiều khi ngồi một mình trong phòng, cô khóc mùi vì
thương thân, vì hối hận đã ngu dại muốn trả thù người mình yêu, lại báo hại
chính đời mình tơi tả! Tuy giận anh Tiến nhưng cô vẫn còn giữ tấm hình hai đứa
chụp trong vườn bách thảo. Lâu lâu lấy ra ngắm. Nhìn nét mặt đẹp trai, hiền hậu
của anh Tiến, nhớ tới những cử chỉ vuốt ve nhẹ nhàng, những nụ hôn đằm thắm của
ảnh cô càng tan nát ruột gan. Cô cứ lấy cớ trong người không khỏe để về nhà mẹ.
Có khi ở cả tháng mới về lại nhà chồng. Đúng ra ba má chồng cô rất tốt. Nếu
không có sự đòi hỏi quá đáng của ông Ân thì cô cũng xin an phận một đời. Vậy mà
gần một năm sau cô mang thai. Gia đình chồng mừng lắm. Nói nào ngay từ khi cô
có bầu, ông Ân cũng bớt đòi hỏi … chuyện đó. Cô rất mừng vì được yên thân.
Nhưng xui xẻo, lúc bào thai được
hơn bốn tháng, một hôm cô đang ngồi trong phòng đọc cuốn Tố Tâm mới gởi mua
trên Sài Gòn, thì ông Ân bước vào. Ổng mới đi Vĩnh Long về, biết cô thích ăn
bánh Biscuit Lu nên mua cả chục hộp. Cô để cuốn sách xuống bàn, đem bánh cất vô
tủ. Không ngờ ông Ân tò mò cầm cuốn sách lên coi. Mới lật mấy trang chợt một tấm
ảnh rớt xuống đất. Ông vừa cúi xuống lượm vừa hỏi hình gì đây. Cô không quay lại
nhưng thầm kêu Trời. Bởi vì đó là tấm hình chụp cô với anh Tiến trong vườn Bách
Thảo. Cô không dám quay lại, ráng kéo dài cái giây phút ngặt nghèo này càng lâu
càng tốt! Cái im lặng của ông Ân khi nhìn thấy tấm hình như báo trước cơn giông
tố sắp tới! Thật vậy, khi cô lấy hết can đảm quay lại thì ổng đưa tấm hình tới
trước mặt cô, mắt tóe lửa, gằn giọng:
-Em giải thích sao về tấm hình
này?
Cô ráng lấy giọng ôn hòa:
– Có gì đâu. Chỉ là tấm hình
cũ. Em với ảnh dứt từ lâu. Anh biết mà.
-Phải, tới giờ này anh mới hiểu rõ cái câu dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng!… Nếu không, tại sao về làm vợ anh rồi mà em còn đem hình thằng Tiến theo? Nếu em nói không có gì anh xé tấm hình này cho khuất mắt.
Khi nghe ông Ân kêu anh Tiến bằng thằng này thằng nọ, cô đã nổi sùng. Giờ thấy ổng đưa tấm hình lên định xé thì cô không dằn được, xông tới chụp tấm hình miệng nói trả lại em. Thấy vậy ông ta càng tức, quyết xé cho bằng được. Hai bên dằng co, cô sơ ý bị ổng đẩy té ngửa ra sau. Cô đau quá hét lên một tiếng lớn. Lúc đó ổng như tỉnh cơn điên, vội vàng đỡ cô dậy, đặt lên giường. Cả nhà nghe tiếng la cũng vội vã chạy vô. Sau đó cô nghe đau râm ran trong bụng. Cho tới tối thì bắt đầu xuất huyết. Lúc xuống tới nhà thương Vĩnh Long, Bác Sĩ khám xong nói cái thai không giữ được. Má chồng cô khóc sướt mướt, ông già chửi ông Ân một trận kinh hồn. Lúc đó cô lại lạnh như băng. Không thèm nhỏ một giọt nước mắt. Có người báo tin nên hôm sau mẹ cô qua tận nhà thương nuôi cô. Rồi bà viện cớ một lần xẩy bằng bảy lần sanh để đón cô về Cao Lãnh săn sóc. Bây giờ cô mới kể hết cho mẹ và chị dâu biết sự chịu đựng nhọc nhằn của cô với người chồng, chẳng những ham mê nhục dục mà tính tình còn hung bạo. Cô quyết định xin ly dị mặc cho ông Ân và gia đình chồng năn nỉ hết sức. Ba má cô cũng phản đối, sợ thiên hạ dị nghị. Một lần không thành, thêm một lần ly dị, cô biết mình làm mất mặt mẹ cha. Nhưng nghĩ tới những chuỗi ngày đã qua cô rùng mình sởn ốc. Những giọt nước mắt của cô cuối cùng cũng làm mềm lòng ông bà.
Kể tới đây, Hạnh và Liên mới thấy
lại nụ cười của bà Hiền. Bà lại hướng mắt nhìn lên bàn thờ, giọng reo vui:
-Cái câu Trời không bỏ ai bao giờ thiệt đúng hai cháu à. Người Luật Sư lo vụ ly dị cho cô chính là dượng Ba của mấy cháu đó. Vợ mất vì tai nạn xe hơi đã hai năm rồi mà ổng vẫn chưa tục huyền. Dượng hơn cô gần chục tuổi nên rất sành đời. Ông nói bị cái nhan sắc “liêu trai” của cô hớp hồn.– Bà cười dòn khi nhắc tới câu này.– Không liêu trai sao được, lúc đó cô rầu muốn chết. Cuộc đời nhìn đâu cũng thấy toàn màu đen. Không tự tử là may lắm rồi! Vì vậy gương mặt lúc nào cũng u sầu, thân hình ốm nhom gió thổi muốn bay. Cô chỉ thích mặc màu đen, như để tang cho đứa con bất hạnh không chào đời. Cái buồn bã, cái yếu ớt càng khiến cho dượng ba của cháu muốn ra tay bảo vệ!
Vụ ly dị đã kết thúc mà ngài Luật Sư vẫn tiếp tục quan tâm tới người khách hàng trẻ đẹp này. Một năm sau cô về làm vợ ổng. Có lẽ ảnh hưởng lần hư thai trước, sau này cô bị hư luôn hai lần nữa rồi ngưng luôn. Rất may là dượng Ba cháu đã có một đứa con trai với đời vợ trước.
Hạnh lên tiếng:
-Cô Ba à, cháu thấy chuyện đời
cô không khác trong tiểu thuyết chút nào. Nhưng được cái tiền hung hậu kiết.
Còn chú Sáu của cháu thì thảm thương hơn nhiều. Tiền đã hung mà hậu thì kiết…lỵ
luôn!!!
Bà Hiền cười nhưng đôi mắt vẫn
buồn vời vợi:
-Tất cả đều do cái tánh bướng bỉnh
của cô mà ra. Ở đời cái gì vừa vừa phải phải là tốt nhứt. Thấy được chìu rồi cứ
lấn tới, một lúc nào đó tức nước phải vỡ bờ. Hối hận không còn kịp! Hai cháu
nên nhìn gương cô, đừng có ỷ được cưng rồi muốn trèo lên đầu lên cổ của chồng nghe
không.
Hai cô đưa mắt nhìn nhau, le lưỡi
ra chiều sợ hãi. Rồi chợt nhớ ra một chuyện, mắt Hạnh sáng lên:
– Ý, có chuyện quan trọng cháu
xém quên. Tháng năm tới đây chú Sáu của cháu sẽ qua Montréal chơi vài tháng. Em
họ cháu đã làm bảo lãnh.
Nghe tin này, mặt bà Hiền đang
buồn rười rượi chợt tươi lên:
-Vậy sao. Để coi…Sau lần chia
tay, cô có gặp lại ảnh đâu hai ba lần gì đó rồi bặt tin luôn. Không biết bây giờ
ảnh ra sao. Gặp lại có còn nhìn ra hay không đây?
Hạnh hóm hỉnh:
-Theo bức hình cuối cùng nhận
được cách đây hai tháng, thì chú Sáu của cháu vẫn còn bảnh…ông già dữ lắm. Mái
tóc bạc vẫn dợn sóng. Cặp mắt vẫn sáng trưng và cái miệng cười vẫn còn tươi
rói. Bảo đảm lúc gặp lại cô sẽ không thất vọng!
Bà Hiền đột nhiên cảm thấy hơi
lo lo:
-Cô chỉ sợ…ảnh không nhận ra cô
đó chớ. Cô già xọm như vầy…
Hạnh cười thầm. Đàn bà, ở bất cứ
tuổi nào cũng lo tấm nhan sắc của mình bị phai tàn. Mà càng có tiếng là người đẹp
lại càng lo nhiều mới khổ!
Nàng trấn an:
-Cô Ba đừng lo. Cháu thấy hai
người…xứng đôi lắm!
Bà Hiền cười tươi, chớp chớp cặp
mắt lộ vẻ xúc động. Lúc hai cô từ giã, bà còn dặn Hạnh có tin tức gì mới của
chú Sáu nhớ cho bà hay.
Trên đường về, Liên cười nói với
Hạnh:
-Thiệt tình. Từ hồi dượng Ba mất
tới giờ, bữa nay tao mới thấy bà cô vui như vậy. Thiệt cám ơn ông chú của mi hết
sức.
Hạnh nói:
– Tao sẽ viết thơ báo cho chú
tao biết “cố nhân” của ổng đang ở nơi này. Trời ơi, tưởng tượng lúc hai người đối
diện nhau chắc sẽ cảm động ghê lắm. Liên nè, ta nghĩ trong đời cô Ba, đây là
mùa xuân mà cổ chờ đợi nhứt. Ờ rồi biết đâu sau đó ông chú thân mến của ta sẽ
làm đơn xin nhận nơi này làm quê hương thứ hai.
Liên phụ họa:
-Ừ, được vậy còn gì bằng. Tụi
mình sẽ đạo diễn cái màn “châu về hợp phố”. Đồng ý? Ôkê liền!
Cả hai cười sung sướng trước
cái viễn ảnh ”mùa xuân tới” đầy hứa hẹn này…
No comments:
Post a Comment