Tuesday, August 29, 2023

Thuở Hàn Vi - Người Phương Nam

Quan Âm miếu

Hôm nay nhân ngày rằm, cô Loan cùng chồng đi viếng Quan Âm miếu, luôn tiện  mua môt ít đồ chay của nhà chùa để lát nữa mang qua nhà ba má cô ở gần đó cho ông bà ăn trưa. Gọi là ‘’miếu’’ chớ thật ra đây là một ngôi chùa tàu khang trang bề thế được nhiều khách thập phương vãng lai cúng bái, nhứt là vào ngày rằm và mùng một âm lịch. Đó là hai ngày chánh mà đa số người theo Phật giáo có thông lệ đi chùa lạy Phật, tụng kinh sám hối và ăn chay tránh sát sanh diệt dục để mong giảm bớt nghiệp chướng tội lỗi mà họ đã vô tình hay cố ý tạo ra trong đời. Từ xa ngòai cổng, cô đã thấy xe cộ nườm nượp, chiếc ra chiếc vào lượn tới lượn lui tìm chỗ đậu, Phật đài trước chánh điện nghi ngút khói nhang, mùi trầm hương tỏa lan thơm nứt cả một khỏang không gian, quang cảnh nhộn nhịp náo nức như một ngày lễ hội.


Sau khi thắp nhang bái tượng Phật Bà Quan Âm, cô đi vòng ra hậu viện mua đồ chay ủng hộ gây quỹ nhà chùa. Lúc đó chưa đến giờ ngọ, chỉ mới khỏang 11 giờ trưa nhưng hậu viện đã đông đảo rộn ràng, lớp thì đứng sắp hàng chờ lãnh phần ăn do nhà chùa bố thí, lớp thì mua đem về. Nào là chả giò, đậu kho, cơm trắng, rau luộc, nào là bún xào, mì xào, cơm chiên. Tòan là rau củ thực vật, không có miếng thịt miếng cá con tôm con tép nào hết nhưng trông cũng đậm đà ngon mắt, lại có thể an tâm ăn không sợ mập phì. Đó cũng là một lý do xứng đáng khiến thiên hạ thời nay chạy theo phong trào ăn chay trường để giảm bớt bệnh tật vào thân. Nhưng thiết nghĩ, một khi đã tự nguyện ăn chay thì tất nhiên phải chấp nhận hãm mình từ trong tâm ra tới cái miệng, cớ sao cái miệng nói ăn chay mà cái đầu cứ tơ tưởng đến đồ mặn, bày đặt giả vịt quay, heo sữa, gà tiềm, bò bảy món hay hải sâm bào ngư vi cá tự gạt mình để ăn cho ngon miệng thì còn chi là lòng thành, Phật trời nào chứng giám.

Sau khi mua xong một mớ chả giò và hai hộp đậu kho, cô Loan rủ ông xã dạo chơi vòng quanh ngắm cảnh chùa. Từ hậu viên ra tới sân trước, dọc theo hông chùa, dưới những tàng cây râm mát, thực khách đã ngồi đầy bên những chiếc bàn dài, vừa ăn vừa chuyện trò vui vẻ, người nào cũng có vẻ thư thái an nhiên. Dường như một khi đã bước vào cửa Phật thì mọi ân óan buồn phiền đều tiêu tan bay bổng hoặc vả được tạm thời gác lại, chỉ còn lại nơi đây cái tâm an lạc nhẹ nhàng và cảm giác được cứu độ bao dung. Càng khoan khóai hơn nữa khi nghĩ rằng mình được ăn…chùa (free), chẳng những khỏi tốn tiền mà còn được thêm bonus phước đức của nhà chùa.

Quan Âm miếu tọa lạc trên một cuộc đất khá cao xa khuất  lộ cái, bốn bề yên tịnh, mặt tiền nhìn ra một tiểu lộ nên  thơ  với hai hàng dương liễu rủ mình thướt tha trên thảm cỏ xanh mượt an bình dài mút mắt. Cô đi lần xuống mấy bực tam cấp, đạp lên đám cỏ cao nương theo lối mòn tiến về phía  con lộ nhỏ bên dưới. Trong đám cỏ dại, cô chợt phát hiện ra vài  lọai rau ăn được mọc hoang chen lẩn nhau như cải trời, rau sam và một ít rau dền. Rau dền là một lọai rau dân giả  được nhiều người ưa chuộng thường dùng làm món canh hoặc xào hay luộc chấm nước tương trong bữa cơm đạm bạc qua ngày mà cô đã cũng đã nhiều lần ăn qua.  

Tiểu lộ sau chùa

Đã lâu lắm rồi, từ lúc ông xã cô cho tráng ciment cả vườn sau vì bị dị ứng nặng với cỏ, cô không còn thấy lại lọai rau hoang dã này nữa, có chăng là lọai dền được nuôi trồng chăm sóc bón phân rất sởn sơ tươi tốt, cọng nào cọng nấy thật dài được bó lại từng bó to bán ngòai shop ngòai chợ. Bây giờ mỗi khi muốn ăn thì cứ đi thẳng ra shop mua về, vừa rẻ lại vừa nhiều chớ không như ngày xưa phải lục lạo chắt mót tìm trong đám cỏ dại cả buổi trời mới được loe hoe vài cọng không đủ cho một tô canh (rau dền mọc hoang màu xanh lợt, lá nhỏ hình bầu dục nhọn đầu, còn lọai trồng bán thì lá to tròn, dún dún, có màu tía xen kẻ, khi nấu chín sẽ cho ra màu nước  tím hồng đẹp như chiều tím).

Rau dền hoang

Rau dền chợ 


Cô ngắt một đọt rau đưa lên mũi hít một hơi dài, mùi nhựa rau quen thuộc kích thích thần kinh  khứu giác xông lên đầu, khơi ký ức sống dậy một niềm thân ái xa xưa của một thuở hàn vi xa lơ xa lắc khiến cô bất giác bồi hồi. Cái thuở xa lơ xa lắc đó là ba mươi lăm năm về trước, cái thuở mới nhập cư tới xứ người, mọi sự đều bắt đầu chập chững, cái gì cũng lạ lẫm bỡ ngỡ hoang mang. Thuở đó ai cũng trắng tay, ai cũng nghèo, nghèo rớt mồng tơi. Một căn nhà hai phòng đáng lẽ là tiêu chuẩn cho một cặp vợ chồng và hai đứa con nhỏ nhưng gặp dân tị nạn tới mướn thì bất kể luật lệ quy tắc, cứ bừa ‘’tưới hột sen’’, cứ xúm nhau ở xả láng cả chục mạng để tiết kiệm tiền thuê nhà. Ai cũng nghĩ, ăn mới nhiều chớ ở mà bao nhiêu, chịu khó lúc đầu chật chội một chút thì mới có dư, mới có ngày thỏai mái huy hòang nhà cao cửa rộng.

Thuở đó, có lẽ không có ai là không trải qua giai đọan làm đệ tử Cái bang bao bị gậy đi ‘’ăn xin’’, xin đồ giáo hội và xin tiền trợ cấp thất nghiệp của chính phủ. Phần lớn các vật dụng trong nhà từ cái giường cái tủ, cái bàn cái ghế tới nồi niêu chén bát dao nĩa đều phát xuất từ các hội từ thiện  Vincent de Paul hay Smith family. Vì vậy, thuở đó mục đích đi shop là chỉ mua đồ ăn và những gì tối cần thôi chớ tuyệt đối không mấy ai dám rớ tới một thứ gì xa xí khác nữa, có chăng là window shopping ngắm nghía để đó rồi về nhà mơ ước hẹn một ngày mai đẹp trời.

Cô còn nhớ có lần đi ngang qua một  gian hàng bày bán kim chỉ, cô muốn dừng lại  mua để về sửa  mấy bộ đồ của giáo hội cho nhưng ông xã còn không cho bởi vì tiền dằn túi quá ít ỏi phải để phòng hờ. Mà phải mắc mỏ gì cho cam, chỉ có vài ba đồng thôi cũng không được mua. Cô ấm ức tức mình cự nự với ông xã, nói thấy trước mắt mà không cho mua, mai mốt làm sao nhớ chỗ này để trở lại. Phải chi xài hoang xài phí, không cho thì phải, đàng này là mua kim chỉ may vá cho cả nhà, thiết thực biết bao nhiêu, tiết kiệm gì không đúng chỗ, vô lý gì đâu. Bực tức nhứt thời thì nói vậy chớ sau này nghĩ lại cũng nhờ tính cần kiệm của ông xã mà về sau khi mua nhà, hai vợ chồng cô đã nhanh chóng trả dứt nợ ngân hàng chớ không để cù cưa kéo dài lãi mẹ đẻ lãi con thêm đau đầu mệt óc.

Thuở đó người Việt tị nạn còn rất thưa thớt, ra đường gặp được một người đồng hương mừng còn hơn bắt được vàng, bởi vậy một khi đã quen ai thì tình cảm đối với nhau rất thắm thiết chân thành. Lúc đó chưa mấy người có việc làm vững chắc, chỉ làm tàm tạm nay chỗ này mai chỗ kia được ngày nào hay ngày nấy, hầu như ai cũng phải đi học vài khóa ESL (English as second language) để có một số vốn tiếng Anh trước khi đi xin việc. 

Tuy là thầy dạy Anh văn ở xứ mình, nhưng ông xã cô Loan cũng không ngọai lệ, cũng phải dợt lại một khóa intensive English for migrants and refugees ở đại học NSW cho vững bụng trước khi "ra quân". Tại đây ông đã gặp và học chung với một ông bác sĩ ra trường trước ngày mất nước đổi đời. Ông bác sĩ không cam lòng xuống cấp, mai một chức nghiệp của mình nên cố gắng học lại để lấy bằng hành nghề ở xứ người, còn ông thầy giáo cũng quyết không rời cây viết, hy vọng tìm được một công việc bàn giấy thay vì lao động tay chân. Chí lớn gặp nhau thành bạn khiến hai bà vợ cũng tương đắc chơi thân với nhau như đã từng là bạn lâu đời.

Nhà ông Vĩnh (tên ông bác sĩ) ở vùng Newtown gần city, còn gia đình cô Loan thì ở tuốt ngòai Bondi beach, vậy mà mùa hè, cuối tuần nào ông Vĩnh cũng chở vợ và hai đứa con ra biển chơi, ghé vô nhà cô Loan ăn trưa và có khi ăn chiều luôn rồi mới về. Chị Trang, vợ ông Vĩnh là dân bắc kỳ, lúc mới gặp, cô Loan tưởng là người bắc khách sáo khó thân thiện lắm, ai dè nói chuyện vài lần thấy chị cũng rất dễ thương, cởi mở và chân tình không giống như lời đồn đãi của một số người mang thành kiến kỳ thị nào là bắc kỳ giữ kẽ, keo kiệt, xảo trá điêu ngoa, màu mè, tới nhà họ gặp bữa ăn thì chớ nên nghe mời tưởng thiệt nhào vô ăn là sẽ bị chưởi tơi bời sau lưng. Thật ra dân nào cũng có người vầy người khác, kẻ dữ người hiền, có quy luật nào đề ra khẳng định ai xấu ai tốt cho mình quơ đũa cả nắm đâu. Nam kỳ nhiều tên cũng ma le quỹ quyệt bán trời hổng mời thiên lôi chớ có tử tế vừa gì.

Chị là sinh viên y khoa sắp ra trường thì Việt cộng vô, bố chị di cư hồi 54, đã quá rõ bộ mặt gian hùng của cộng sản nên bảo vợ chồng chị phải chạy thật xa, xa hẳn cái đám bắc kỳ 75 vô nhân vô luật vừa mới ùa vào xâm chiếm cướp của miền nam thì mới có hy vọng học nốt cái bằng bác sĩ dang dở nửa chừng. Do đó như bao nhiêu người tị nạn khác, chị đã chạy tới đây, một nơi đất lành chim đậu có nhiều cơ hội để vươn lên và tương lai tươi sáng đang đón chờ, không những cho  đời chị thôi mà còn cho thế hệ con cái về sau, sau nữa. Đặt chân lên nước Úc không bao lâu, chị đã lập kế họach tương lai cho chị, vừa ghi tên đi học, vừa đi làm bất cứ việc  gì, từ làm thông dịch viên part time cho tới phụ bán chợ trời cuối tuần, chưa kể chị còn có bổn phận làm mẹ phải chăm sóc dạy dỗ hai đứa con mới lên bốn lên năm. Thấy chị xông xáo tháo vát mà cô thầm thán phục trong lòng, nghĩ lại mình thấy vô dụng bất tài làm sao. Quen với chị, cô đã học hỏi được nhiều điều hữu ích để có thể bớt thụ động và sáng mắt tỉnh dậy khôn ra, ra khỏi cái lớp chăn êm ấm đã mải mê ngủ vùi, thói quen được cha mẹ nuông chìu bảo bọc từ nhỏ để từ đây biết có trách nhiệm với bản thân mình và người thân.   

Thuở nhỏ quen sống cha mẹ lo
Đến khi xuất giá được chồng phò
Tới ngày mất nước đi tị nạn
Một mình bốn mạng mới biết lo

Thích nhứt là khi chị dẫn cho đi chợ trời Rockdale mua đồ second hand rẻ mạt, cần cái gì cũng có mà không  tốn bao nhiêu tiền, nhứt là không còn bị nightmare không có kim chỉ sửa quần sửa áo như trước nữa. Có lần, sau khi đi chợ trời xong, chị rủ  về nhà chị ăn phở. Công thức nấu phở của chị rất đơn giản dễ dàng. Cho một con gà già vô nồi slow cooker (second hand) cùng với một ít quế cây, đinh hương thảo quả, củ hành nướng vào chung rồi cắm điện để đó đi ngủ. Sáng hôm sau đi chợ về là có phở gà ăn trưa cho hai gia đình, bốn người lớn và bốn trẻ em, chỉ tốn có khỏang tám chín đồng thôi. ‘’Bà’’ gà già 2 đồng. Gia vị nấu phở chừng đồng bạc. Ba gói bánh phở khô chưa tới 2 dollars. Một gói giá 40cents, cộng thêm một đồng tương ớt (thuở đó chưa ai trồng rau quế và ngò gai, chỉ có rau húng cây của Úc ăn với phở rất vô duyên dị òm nên chẳng ai ưa), thịt thì đã sẵn từ con gà già xé ra để trên mặt tô chớ không có tái nạm gầu sách fancy gì cả. Mà muốn cũng làm gì có. Vậy mà ai cũng vui vẻ ăn ngon lành húp cạn tô sạch bách. Đã nói là thuở hàn vi mà.      
  
Nhớ khi mới tới thuở hàn vi
Kiếm được cái ăn đã mệt khì
Có đủ no lòng là phước đức
Dám đâu mơ ước miếng cầu kỳ

Một dịp khác cũng ăn trưa nhà chị. Hôm đó cũng đi chợ trời về hơi trưa, chị bảo thôi ghé nhà chị ăn, có gì ăn nấy, chớ về tới Bondi beach phải mất thêm cả tiếng đồng hồ chắc đói meo. Chị nói chị có sẵn miếng thịt kho, nấu thêm chút canh rau cho dễ nuốt. Trong khi chị vo gạo bắc nồi cơm, cô hỏi:
- Chị tính nấu canh gì, cải trong tủ lạnh hả? Lấy ra để tôi lặt rửa cho.
Chị cười bảo:
- Không có trong tủ lạnh đâu. Ở ngòai hè ngòai sân cỏ chung quanh khu chung cư ấy. Tôi với chị đi hái nhé.
Cô ngẩn người nghĩ thầm trong bụng ngòai đó tòan là cỏ chớ đâu có thứ gì ăn được, thôi cứ đi theo chị coi sao.
Chị lấy một cải rổ và một con dao nhỏ rồi mở cửa ra ngòai. Cô đi theo mà cứ thắc mắc nhìn quanh. Thấy đám cỏ nào xum xuê chị cũng ngồi xề xuống tìm kiếm. Khi thấy một vài ngọn rau dền chị chỉ cho cô nói:
- Rau này đây, chị cứ đi coi hễ thấy nó là cứ ngắt cho tôi. Lọai này mùa đông hơi hiếm chớ mùa hè mưa vài đám là nó mọc đầy, tôi thường nấu canh cho tụi nhỏ ăn rất tốt, vừa có nhiều chất sắt bổ máu lại vừa có công hiệu nhuận trường. Có lần mấy bà di dân đi ngang thấy tôi đang lui cui hái, mấy bà hỏi làm gì, bộ ăn được sao. Tôi nói được chứ. Đơn giản là cứ luộc lên rồi cho một muỗng dầu olive và tí muối trộn đều là xong. Còn mình thì nấu canh. Rau hoang chứ nấu canh với tôm khô và nêm tí mắm ruốc vào ngon lắm đấy.    

Thì ra là rau dền, người miền nam gọi là rau dền hoang để phân biệt với rau dền rẩy được gieo hột trồng bán ở chợ hằng ngày. Cô vừa hái vừa nhớ lại hồi còn ở trại tị nạn Pulau Bidong, sau hai tháng ăn đồ hộp supply khô khan quá, cô phải bán chiếc nhẩn cưới để mua rau muống ăn kèm trong mỗi bữa ăn. Quen cái thói hồi còn ở nhà, chưa một ngày bị đói, khi lặt rau cô chỉ lấy đọt non ở phần ngọn, còn đọan già thì bỏ đi. Lặt xong tom góp lại định vứt thì một chị hàng xóm người bắc kế bên bước qua hỏi xin về ăn. Cô ái ngại nói chỗ rau này già dai lắm, ăn không được đâu chị à. Chị hàng xóm bảo không sao, tôi đem về làm dưa cho dòn lên là nhai rau ráu tất tật thôi. 

Lúc đó cô đã nghe mủi lòng và thấy mình còn may mắn hơn rất nhiều người, chưa đến nỗi phải xin mót miếng ăn. Ai ngờ bây giờ hòan cảnh mình cũng gần giống chị hàng xóm khi xưa vậy. Cô nghĩ thầm trong bụng thì ra khi người khi ta, không ngờ mình cũng có ngày lâm cảnh tha phương cầu thực, phải đi mót từng cọng rau và xài thì xài đồ ‘’cũ người mới ta’’. Lúc xưa khi còn ở nhà, tuy ba má cô không thuộc lọai giàu có sang cả gì nhưng từ nhỏ tới lớn, cô chưa một ngày ăn uống kham khổ chắt mót, chưa từng biết mua hàng ‘’lặc son’’ (đồ sold nửa sạt). Sông có khúc, người có lúc là vậy sao. Cũng là một bài học hay, bài học biết thích nghi với thời vận thăng trầm.    

Sau khi hái được một rổ rau đầy, hai đứa mang vào nhà rửa sạch. Chị bắc soong nước khỏang lít rưởi nấu sôi, bỏ tôm khô vào nấu chừng  5 phút. Cho rau dền vô, nêm tí bột ngọt, một thìa mắm ruốc, nửa muỗng đường rồi tắt lò trong lúc rau còn xanh tươi ngon mắt thấy bắt thèm.


Đó là bữa cơm đạm bạc đơn sơ nhưng đậm đà nhân nghĩa, đầy ắp chân tình của những kẻ tha hương đồng cảnh thiếu thốn cơ hàn như nhau. Tô canh rau hôm đó mỗi người chỉ húp được vài muỗng nhưng sao thấy ấm áp đủ đầy và ngon ngọt lạ thường, ngon hơn cả bây giờ được ăn cao lương mỹ vị, phải chăng vì trong đó đã hàm chứa sự đùm bọc sớt chia tương thân tương trợ thuở hàn vi đói nghèo. 

Một thuở hàn vi thân ái bên nhau


Nhưng tiếc thay ở đời không có gì tồn tại mãi, chuyện gì cũng chỉ một thời rồi thôi. Cuộc đời như một dòng nước mà con người là chiếc lá bất hạnh chẳng may rơi xuống bị cuốn hút trôi đi, trôi mãi không ngừng. Mỗi người một hòan cảnh, một hướng đi, một  cuộc sống riêng, đâu ai trách được ai bạc bẽo vô tình khi mà dòng đời đã thản nhiên đưa đẩy. Một thời gian sau ai cũng bận việc riêng của mình, bù đầu với cuộc sống cho nên:

Từ đó như lá trôi theo dòng
Qua đèo qua suối lại ra sông
Như con tuấn mã hằng dong ruổi
Có được bao lần ngoảnh  lại trông

Lá trôi muôn nẻo, bèo hợp rồi tan, cái duyên bằng hữu đến một lúc nào đó cũng nhạt phai dần rồi chấm dứt. Vả chăng, thói đời một khi đã công thành danh tọai, giàu sang phú quý thì không mấy ai muốn hồi tưởng đến quá khứ  nghèo khổ ban sơ của mình. ‘’Giàu đổi bạn sang đổi vợ’’ là vậy. Giờ đây với địa vị và công việc bận rộn hằng ngày, người bạn thuở hàn vi của cô dù có muốn ‘’ngỏanh lại trông’’ chắc cũng không có giờ nấu lại tô canh ngày cũ và cũng không hơi sức đâu mà vớ va vớ vẩn ngắt đọt rau hoang ngày nào để rồi bồi hồi nhớ lại một thuở hàn vi với những người bạn thân ái buổi ban đầu.

Tuy không còn cơ hội gặp gỡ nhau nhưng trong lòng cô, chị Trang mãi mãi là một hình tượng đẹp, một người bạn đáng mến đã cùng chia sẻ với cô bao nỗi khó khăn bỡ ngỡ trong những ngày đầu tiên mới tới mà suốt kiếp sẽ không quên cũng như chuyện cây kim sợi chỉ vẫn còn nhớ mãi bởi vì ấn tượng đầu tiên là ấn tượng muôn đời, ngọai trừ không may mắc bệnh Alzheimer làm mất đi ký ức.

Nhớ thuở hàn vi thật cay chua
Cây kim sợi chỉ chẳng tiền mua
 Giờ đây có thể mua mọi thứ
Thì đã chán chường chẳng thiết mua

Tới tuổi này, đã biết cuộc đời là vô thường thì còn gì nữa mà ham muốn với thiết tha! 

    Người Phương Nam

10 comments:

  1. Bài viết hay! Bỏ nước ra đi buổi đầu đến miền đất lạ ai cũng khổ, phải quyết tâm phấn đấu ! Nhất là mùa đông giá rét phải lái xe đi thật xa tới sở thật khổ!
    Bây giờ hưu trí mùa đông ở nhà nhìn tuyết rơi , nhớ lại thật sợ
    Cây dền hoang ở xứ tôi Đức Hòa ( Long an ) gọi là dền cơm, luộc chấm chao hay nước cá kho tiêu ngon lắm ! Cám ơn tác giả ^^ nhân vật trong bài là Tốkim phải không ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn anh Hàn Thiên Lương. Vạn sự khởi đầu nan, ai cũng vất vả khổ cực lúc ban đầu nơi xứ lạ. Nhưng với tính cần cù chịu khó của người Việt mình thì rồi ai cũng có nhà có cửa thênh thang.
      Bên Úc chưa lạnh đủ để có tuyết, em sợ nhứt là mùa hè nắng gắt, nóng chảy mỡ, đi làm thật mệt.
      TK


      Delete
  2. Chị viết hay và rất thật. Chúc gia đình chị luôn vui khỏe.
    Phạm Doanh Môn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh chị qua Úc theo diện bảo lãnh chắc không lâm cảnh hàn vi như chúng tôi lúc ban đầu.
      Cám ơn anh Môn.
      TK

      Delete
  3. Tố Kim ơi, nhiều khi nhớ lại thuở hàn vi mới nhận ra rằng, thà là tình đơn sơ mộc mạc mà vui. Bây giờ tụi mình đang ở dốc đồi đi xuống thì cứ buông thả là hạnh phúc và Về Đây Nghe Em: "Rồi kể chuyện tình bằng lời ca dao, bằng hạt lúa mới, bằng nồi ngô khoai...".
    H Yến (TMG)

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đồng ý với Hoàng Yến. Tới tuổi này, mặc kệ tình đời ấm lạnh. Ai rồi cũng chỉ còn lại một nắm tro tàn. Một nắm tro tàn ai thấp cao!?
      Cám ơn Hoàng Yến luôn cheer up mình.
      TK

      Delete
  4. Rất đồng cảm với chị Tố Kim một thời hàn vi lúc còn tay trắng lập nghiệp thuở đầu với biết bao hỷ nộ ái ố. Hình gia đình chị đẹp và quá. Kính chúc anh chị luôn mãi hạnh phúc trong từng sát na trong cõi vô thường này ạ
    Hồng Thúy

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hồng Thúy ơi, thuở hàn vi, ăn được bát phở gà già xuềnh xoàng không giá không quế cũng thấy quý thấy ngon, nhưng giờ đây ăn tô phở tái nạm gầu, bò viên, rau giá đầy đủ mà vẫn không cảm được cái ngon như lúc đói nghèo. Có phải tại bây giờ mình quá thừa mứa nên coi thường dửng dưng.
      Cám ơn Hồng Thúy.
      TK

      Delete
  5. Thuở hàn vi thật nhớ đời chị nhỉ! Hầu hết người tị nạn nào cũng trải qua giai đoạn đầy gian khổ và bờ ngở nầy, nhưng dù nghèo mà được tự do thoải mái là sung sướng quá rồi! Chúng mình là những người may mắn được định cư ở một nước thứ ba, được tự do hạnh phúc là nhất rồi, nếu kẹt lại với bọn cs máu lạnh thì ko biết cuộc đời sẽ ra sao?!
    Good Night & Sweet Dreams chi!🌹❤️

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng đó Ngàn Thu. Chúng mình may mắn được định cư ở một đất nước tự do, dù nghèo khổ lúc ban đầu nhưng vẫn có cơ hội vươn lên thực hiện những ước mơ của mình, chớ nếu như còn kẹt lại bên nhà, dưới chế độ cộng sản khắc nghiệt, không biết chúng mình sẽ ra sao, có trở mình được không hay mãi mãi ngóc đầu lên không nổi.
      Cám ơn Ngàn Thu.
      TK

      Delete