Câu chuyện hi hữu sau đây xảy ra vào cuối năm 1975, lúc các trường tư thục (trong đó nhiều trường của các giáo hội), vì lý do này hay lý do nọ, chưa kịp làm thủ tục hiến cho nhà nước. Tại Trường thánh Giuse, linh mục hiệu trưởng vừa thấy cộng sản vô, thất kinh giao hết chìa khóa cho bác gác gian, rồi trốn biệt lên vùng kinh tế mới. Trường không có người nằm vùng, nên các giáo viên bình bầu một nữ tu dạy Anh văn - Đoan Nhã - làm hiệu trưởng lâm thời. Ủy ban Quân quản đang cần theo dõi tài sản và nhân sự nhà trường nên chấp thuận lối giải quyết dân chủ của giáo viên.
Một kỳ lương, Đoan Nhã theo giờ hẹn đạp xe đến phòng giáo dục, cửa
văn phòng đã đóng. Nàng bấm chuông đến lần thứ ba, mới thấy Ba Thơm lững thững
đi xuống. Đôi chân hơi ngắn của hắn bước hêu hêu trên những bậc thang đá mài
trơn bóng, nhưng tay hắn lại không vịn lan can, mà đưa lên vuốt mớ tóc lưa thưa
mới gội, như thể điểm tựa nằm ở trên đầu. Được cái bộ kaki Nam Định lùng thùng
xông mùi xà bông Viso được nắng khiến hắn có cảm giác tự tin hơn. Khuôn mặt
vuông, nhẵn nhụn, phải gọi là bảnh bao, làm bộ sáng lên vì ngạc nhiên. Hắn đi một
đường cải lương... Tây:
"Ô kìa! Cơn gió nào đưa đồng chí hiệu trưởng nhà ta tới đây
giờ này thế?”
"Chào anh Ba. Tôi tới lãnh lương. Hồi trưa tôi đã tới, mà
anh Phượng nói quĩ hết tiền, hẹn sáu giờ trở lại."
"À, tôi nhớ ra rồi. Đồng chí Phượng có dặn: nếu gặp đồng
chí hiệu trưởng thì bảo lên tầng hai nói chuyện và lấy tiền."
Người nữ tu mặt mũi và tâm hồn không vương một hạt bụi trần,
theo Ba Thơm lên lầu hai, nhà ở của cán bộ giáo dục. Tới phòng khách nàng thấy
Tám Phượng và Tư Quá đang ngồi thưỡn trên ghế sa-lông, phun khói thuốc mù mịt.
Không ai thèm chào khách. Ba Thơm tự chọn một chiếc ghế bành, gieo người xuống,
và chỉ vào cái ghế trống cuối cùng cho Đoan Nhã, nói cộc lốc:
"Ngồi đi!”
Nhưng Đoan Nhã bị ngộp khói, chỉ đứng mấp mé ngoài cửa nói vào:
"Chào các Anh. Xin anh Phượng làm ơn phát lương để tôi còn
về, có mấy anh chị em giờ này còn ở trong trường chờ lương."
Tám Phượng, tướng gà tồ, mặt no đủ, luôn luôn muốn chứng tỏ mình
nhỏ tuổi đời và tuổi đảng nhưng không non kém, dụi điếu thuốc bằng một điệu bộ rất
sành sỏi, nói trong hơi khói:
"Vội vàng thế, người đẹp?”
Đôi mắt to của người nữ tu, chỉ thấy toàn tròng đen, với một khoảng
trắng trong nhỏ xung quanh, giận dữ cũng khó làm ai sợ, ráng trừng lên, rồi dịu
lại ngay. Nàng đẹp như bông mai trắng, nhưng từ ngày đi tu chưa bao giờ nàng bị
ai kêu là 'người đẹp' một cách sống sượng như lúc này. Có lẽ cũng nhờ cái áo
dòng. Bây giờ nữ tu đi dạy học không được phép mặc áo dòng, mà thời buổi này mặc
có ích gì? Nàng làm như không nghe câu nói của Tám Phượng, nghiêm nghị nhắc lại:
"Xin lỗi các anh, tôi đã phải trở lại lần thứ hai để lấy tiền
lương. Các anh chị em giáo viên trong trường rất trông lương."
Tư Quá, cái mặt dài quá khổ và chằng chịt nếp nhăn, có lẽ do những
đăm chiêu kinh niên của một bí thư chi bộ, lúc này vẫn mơ màng nhìn làn khói thuốc
lá thơm, làm như trong đó có nhiều đại sự hơn sự hiện diện của Đoan Nhã. Hắn tiếp
tục im lặng, trong khi Tám Phượng đã tìm được lời đối đáp tự cho là rất có
duyên:
"Còn chúng tôi cũng dài cổ trông đồng chí đây mờ."
Ba tên đàn ông phá ra cười hô hố. Ba Thơm nín cười trước, làm mặt
nghiêm, can thiệp:
"Thôi, các đồng chí đừng trêu đồng chí Đoan Nhã nữa. Đồng
chí Phượng đưa tiền cho đồng chí ấy đi."
Phượng hất hàm về phía cái bàn giấy kê cuối phòng:
"Thì đấy, tiền để trong ngăn kéo bàn kia kìa, còn sổ cũng ở
đó. Đồng chí đếm tiền, ký nhận đi.”
Muốn lấy tiền, người nữ tu khốn khổ phải đi len giữa hai tên đàn
ông Tám Phượng và Tư Quá, và ít nhất phải bước qua cái cẳng đểu cáng của Tám Phượng.
Đoan Nhã thấy từ nãy đến giờ chỉ có Ba Thơm phát ra một câu nghe được, hắn lại
là trưởng phòng, bèn đưa mắt cầu cứu hắn. Ba Thơm chỉ chờ có thế, đủng đỉnh:
"Hai đồng chí xuống văn phòng giải quyết nốt hộ mấy việc dở
dang. Để tôi chiêu đãi đồng chí Đoan Nhã cho."
Tư Quá và Tám Phượng khệnh khạng đứng dậy. Bước ra rồi, hai cái
mặt còn thò vào, một trên một dưới, giữa khuôn cửa khép hờ, nháy Ba Thơm, một tên
nháy mắt trái, một tên nháy mắt phải, như hai tên hề diễn một trò nhuần nhuyễn.
Ba Thơm mặc dầu quyền hành dưới bí thư chi bộ đảng Tư Quá, nhưng vì "trình
độ" khá nhất đám, và nhất là thành tích đầy mình trong thời hoạt động đặc
công Sài Gòn Chợ Lớn, hắn được nể vì. Trong những vụ "bắt mòng" nữ
giáo viên ngụy, hắn tương đối ít năng nổ hơn các đồng chí khác. Vì thế khi hắn
vừa tỏ vẻ si mê Đoan Nhã là Tư Quá và Tám Phượng lên kế hoạch giàn cảnh cho hắn
liền.
Chờ hai bạn đi rồi, Ba Thơm vội đóng cửa lại, lắc đầu thở dài
phân bua với khách:
"Các đồng chí ấy nhớn đầu rồi mà cứ đùa nghịch như trẻ con
vậy thây, đồng chí hiệu trưởng đừng chấp nhá."
Rồi hắn lại bàn giấy, kéo hộc ra lấy tiền và cuốn sổ lương, đưa
đặt trên bàn sa-lông:
"Đồng chí đếm tiền ngay, hay là mình uống chén nước trà xấp
giọng trước?”
Đoan Nhã linh cảm thấy có điều bất thường, trả lời xẵng:
"Tôi đếm tiền bằng tay, chứ có phải nói gì nhiều đâu mà cần
xấp giọng!”
Và nàng lật đật đếm tiền cho nhanh để về. Chiều xuống mau, hắn bật
đèn và ngồi lại chỗ cũ, tay chống cằm chăm chú theo dõi.
Từ ngày cách mạng tiếp thu thành phố, các nữ tu không mặc áo
dòng khi ra ngoài. Đoan Nhã mặc cái áo bà ba nâu, quần lãnh đen, tóc chải ngược
gọn gàng như một thiếu nữ ngoài đời. Hai bàn tay, móng cắt ngắn, ngón dài trắng
muốt như ngọc, thoăn thoắt lật qua những tờ giấy bạc cáu bẩn. Gương mặt thanh
thoát hơi cúi xuống. Ba Thơm đã nghe đồn về người nữ tu xinh đẹp này, và đã vài
lần gặp mặt trong các cuộc họp hiệu trưởng toàn quận. Nhưng chưa bao giờ hắn được
một mình ung dung ngắm nàng trong khoảng cách gần, dưới ánh đèn néon, như chiều
nay. Dưới ánh đèn, mặt nàng như tỏa hào quang huyền ảo. Hắn nuốt nước miếng cái
ực, bất ngờ:
"Đồng chí đẹp như tiên sa thế kia, sao nỡ đi tu cho phí của?"
Mười ngón tay nàng bắt đầu lúng túng. Đôi môi hồng mấp máy,
không biết đang đếm, đang đọc kinh, hay run. Ba Thơm hết nuốt nước miếng, lại hắng
giọng, mấy lần mới nói tiếp được:
"Đồng chí có trình độ, nếu gia nhập Đảng sẽ có tương lai tốt
lắm đí. Gì chứ cái chức hiệu trưởng này đồng chí có thể ngồi vĩnh viễn được. Nếu
đồng chí bằng lòng, tôi sẵn sàng đề bạt. Mà tôi đã đề bạt là xong ngay. Coi!
Cái 'có kia, vận bộ đại cán vào nền ra phết đấy nhá.”
Nàng vẫn im lặng, hối hận vì hồi nãy đã không rủ một cô giáo đi
theo như mọi khi, và thầm trách lối làm việc kỳ cục của "cách mạng," hiệu
trưởng phải gánh bao nhiêu việc bá vơ, kể cả việc đi đếm tiền, phát lương. Nàng
đếm bừa, chẳng biết thiếu đủ ra sao, xong, ký nhận, gói tiền vào tờ Sài Gòn Giải
Phóng và nhét vào bị. Nàng đứng lên toan về, thì Ba Thơm cũng đứng lên, giọng đục:
"Đồng chí Đoan Nhã, đi đâu mà vội mà vàng thế? Đồng chí có
nghe tôi nói từ nãy đến giờ không nào? Cái co này... chà, chà, phải vận bộ đại
cán vào mới oai... Ấy, tôi đã dành sẵn một bộ kia, để tôi lấy cho đồng chí mặc thử."
Hắn mở tủ lấy bộ đồ, nói tiếp:
"Nhưng trước hết để tôi giúp đồng chí lột quách bộ quần áo
tầm thường này ra đã.”
Đoan Nhã bước về phía cửa ra vào, nhưng Ba Thơm đã nhanh chân chặn
cửa. Giọng hắn lạc và khàn:
"Để anh... giải... phóng em nhé.
Hắn miệng nói tay làm, giật bung hàng nút bấm trên ngực người nữ
tu.
"Giêsu! Maria!”
Người con gái kêu thất thanh. Và không biết sức mạnh từ đâu,
nàng bỗng trỗi dậy như một con ngỗng bị cắt tiết, một tay ghì vạt áo, tay kia gạt
phăng tên đàn ông sang một bên. Bịch tiền rơi xuống sàn. Nàng chiếm vị trí chận
cửa, tay gài nút áo, tay lần ra đằng sau xoay quả đấm, nhưng cửa đã bị khóa
trái từ bao giờ. Nàng chỉ còn biết quay mặt lại ôm ngực đề phòng.
Đoan Nhã nhìn bàn tay Ba Thơm quờ quạo một cách vô vọng trong
không khí, bèn đập vào một cái, nói bằng giọng uy quyền:
"Cái bàn tay dơ bẩn này!”
Cái đập tay đó khiến cả hai người sực nhớ lại một chuyện xưa...
*****
Năm hai đứa trẻ bắt đầu lên lớp ba trường Ninh Bình, Bắc Việt.
Ngày đầu tiên đứng trước cửa lớp, thầy khám tay, đứa nào có bàn tay dơ thày
không khẻ thước như cô giáo cũ, mà bắt đứng ra hàng riêng. Tới Nụ thầy khựng lại,
nhìn chằm chằm, nó sợ hết hồn. Nụ lật qua lật lại hai bàn tay xem có hạt bụi hoặc
vết mực nào chăng? Không. Thầy đi qua, Nụ thở phào. Thầy không đánh mấy đứa tay
dơ, Nụ tưởng giờ phán xét kết thúc và thày ban ân xá nhân ngày khai giảng, nào
ngờ thầy trỏ tay vào Nụ hỏi đột ngột:
"Tên gì?”
"Thưa thầy, con tên là Nụ”.
Nó run rảy trả lời, với một câu đủ cả chủ từ túc từ, để may ra
có tội lỗi gì còn được giảm khinh. Nhưng thầy hướng về cả lớp nói:
"Các em nhìn bàn tay em Nụ sạch sẽ như thế này... Giơ tay
lên... Đáng làm gương cho cả lớp”.
Nụ hú hồn, giơ tay như đầu hàng, không chịu buông xuống. Run lên
vì hãnh diện. Thầy nói tiếp:
"Bây giờ thầy để em Nụ thay thầy phạt các em tay dơ."
Thầy đưa cho Nụ cái thước vuông đen bóng, bảo đi khẻ các bàn tay
dơ. Nụ không dám đánh mạnh. Một thằng con trai trong bọn tay dơ thấy vậy cười khẩy.
Thầy quay phắt lại:
"Thằng này! Mày cười gì?”
"Đánh như đuổi ruồi”.
Cả lớp nín thở chờ cơn lôi đình của thầy. Thầy chưa giận ngay,
chờ tới phiên nó, thầy lại gần:
"Hượm đã. Nhớ: đánh trâu đánh bò, chớ không phải đuổi ruồi."
Nụ hiểu ý thầy, nhưng không dám đánh đau hơn mức độ mà nó nghĩ
chính nó có thể chịu đựng được. Mà nó thì nhát đòn lắm. Thầy cười gằn:
"Hừ! Thế là gãi ruồi, chớ cũng chưa phải là đuổi. Đánh lại!"
Nụ nhíu mày đánh lần thứ nhì, hơi mạnh tay hơn lần trước một
chút, và cảm thấy da thịt mình bỏng rát. Thế mà mặt thằng con trai vẫn trân
trân, khiến thầy càng giận. Thầy giận lây sang Nụ:
"Cái con này, tay sạch mà bị rút gân rồi. Để tao đánh mày
cho mày biết thế nào là đánh trâu đánh bò, nhá?"
Nụ vừa sợ thầy, vừa giận thằng con trai không biết sợ cái "chính
nghĩa" mà Nụ đang nắm trong tay, vừa lo chính mình bị đòn. Nụ dồn tất cả
cái sợ, cái giận và cái lo vào cái thước kẻ, và quất thật mạnh xuống bàn tay thằng
bé, rồi trả thước cho thầy, òa khóc chạy về chỗ trong hàng. Hai bàn tay chắp
trên ngực xoắn lại với nhau như đang đau đớn.
Ba Thơm nhìn bàn tay đang vặn vẹo trước ngực của Đoan Nhã. Bàn
tay cực đẹp. Và đôi mắt to sợ hãi. Óc hắn lòa sáng. Từng mảng thời gian tróc
rơi xuống, hình ảnh con bạn học lớp ba hiện ra, Ba Thơm thốt lên:
"Cái... cái Nụ đây, phải không?”
Lần đó, cái Nụ, sau khi đánh thước lim vào tay bạn, tới giờ ra
chơi, Nụ ra đầu hiên, ngồi đếm những cái lỗ nước mưa khô xếp hàng dọc trên mặt
đất, không dám ra sân chơi, sợ chạm mặt thằng Lì. Nhưng khi sắp tới giờ vào lớp,
Nụ đi hái rau má, tìm nó ở bể nước. Nụ thấy bàn tay nó hằn lươn. Nụ xin nó để
cho mình đắp rau má đền. Nó không cho, Nụ khóc, nó ngạc nhiên, chùi tay vào quần,
rồi cầm bàn tay Nụ, thoa thoa, nắn nắn, nói 'Trắng ghê. Mềm ghê. Xinh ghê.' Mân
mê chán, nó lật qua lật lại coi, nói "Hai mặt trắng bóc như nhau”.
Rồi cuộc chia đôi đất nước năm 1954, kẻ ở người đi.
Giọt nước mắt sợ hãi gần khô, bỗng lớn lên, mọng những tủi hổ của
quá khứ lẫn hiện tại. Nàng nói:
"Nụ đây. Đi tu, nhà dòng đặt cho tên mới là Đoan Nhã. Còn
anh là thằng... Lì đây?”
"Chứ còn ai nữa. Vào Đảng, Đảng cho cái tên Ba Thơm."
Cái tên "Ba Thơm" kéo hắn trở về hiện tại, cúi xuống
lượm túi tiền đưa cho Đoan Nhã, bẽn lẽn nói:
"Xin lỗi Nụ nhá”.
Đoan Nhã phủi lại áo sống, lắc đầu như không muốn nhận lời xin lỗi,
cố nói giọng Bắc đặc nhưng vẫn lai Nam:
"Thôi huề. Xí xóa cho tôi cái khẻ tay ngày xưa?"
Người nữ tu, vốn không quen oán hận, bây giờ càng không có gì để
oán hận Ba Thơm. Nàng chỉ hơi bàng hoàng về sự tái ngộ trớ trêu. Nhớ lại bao
năm nay nàng vẫn hổ thẹn về cái cảm giác hãnh diện và sung sướng được thay thầy
phạt các bạn. Dù nàng đã lấy rau má đắp cho cu Lì và mặc dầu sau đó hai đứa
thành bạn thân, nàng vẫn nghĩ nàng đã quá tay. Nàng càng lớn lên "con
lươn" trên mu bàn tay thằng Lì càng hằn sâu trong lương tâm quá trong sạch
của nàng. Nàng đau đớn nghĩ rằng nếu bị cám dỗ hoặc ép buộc, nàng rất dễ thành
người ác. Đó là lý do con Nụ trở thành Đoan Nhã, với hy vọng bức tường tu viện
ngăn cản tính ác trong mình. Hôm nay, sau khi suýt bị xúc phạm và sau khi đã
tha thứ, vết thương trong lòng nàng mới lành lại. Nàng cảm tạ Thượng Đế vì cuộc
gặp gỡ éo le. Nàng cảm tạ Thượng Đế đã quan phòng cho nàng sống trong một hoàn
cảnh hiền hòa của tu viện, ít nhất là tới bây giờ. Nếu không, trong một môi trường
khác, biết đâu đứa con gái lớp ba, có lúc dám đánh bạn bằng cái thước nặng chịch
bóng láng đã chẳng trở thành kẻ tra tấn người bằng cực hình hay nữ đặc công đặt
mìn xe đò, rạp hát. Bàn tay mình chẳng phải mình giữ mà sạch được?
Tâm Thanh
No comments:
Post a Comment