Tôi
nhớ mãi buổi làm việc cuối cùng ở phòng mạch, đường Tổng Đốc Phương ở Chợ Lớn,
vào chiều thứ sáu 25 tháng 4 năm 1975. Bệnh nhân hôm đó đông hẳn lên. Hỏi
ra mới biết các phòng mạch chung quanh đều đóng cửa, các bác sĩ đi hết. Cô Bảy,
cô y tá người Việt gốc Hoa, lo lắng hỏi tôi:
-Ông có tính đi không?
-Tôi có một, hai đường dây nhưng chưa quyết định đi. Chờ xem tình hình ra sao
đã.
Tôi nói cho cô Bảy an lòng, nhưng tôi có linh cảm đây là buổi làm việc chung
cuối cùng. Chiều nay trước khi đến phòng mạch tôi đã khám bệnh từ 5 đến 6
giờ ở trạm y tế của Tổng Liên Đoàn Lao Công Việt Nam, còn được gọi là Nhà
Kiếng, của ông Trần Quốc Bửu. Địch đã về đến Long Khánh. Ông Nguyễn Bá Cẩn, người của ông Bửu, vừa lên làm Thủ Tướng. Hôm ấy người đến chờ xin được
ông Bửu tiếp đứng chật ra cả sân sau. Ông Bửu vừa từ Hoa Kỳ trở về.Tôi lo lắng
muốn biết tình hình ra sao, liền gọi cô Linh, cô y tá của trạm y tế nói
riêng:
-Tôi muốn gặp “ anh Tám”, nhờ cô lên hỏi anh có cần tôi lên đo áp huyết không.
Cô Linh đi độ 5 phút rồi trở về với một người cận vệ của ông Bửu. Anh này nói:
-Bác sĩ theo em, đi cửa riêng, anh Tám chờ bác sĩ.
Tôi theo chân người cận vệ của ông Bửu lên lầu trên, đi dọc theo một hành lang.
Ngang qua hai phòng khách, tôi liếc thấy nhiều ông bận đồ lớn ngồi chờ.
Tôi được đưa vào phòng riêng của ông Bửu. Tôi thấy ông đang lặng lẽ đứng
xé từng xấp giấy vất xuống một thùng cạc tông lớn để dưới chân. Hình như ông không
biết đến những người khách đang chờ xin gặp ông . Nhìn thấy tôi ông nở một nụ
cười. Nụ cười của ông Bửu lúc nào cũng điềm đạm.
-Em đó à, đo giùm áp huyết cho anh đi.
Tôi biết bệnh của ông Bửu rất rõ. Ông đã đưa cho tôi xem bản sao hồ sơ bệnh lý
của ông được thực hiện ở bệnh viện Walter Reed lúc ông sang Hoa Kỳ. Tôi cứ dựa
vào đó mà theo dõi . Đo áp huyết cho ông Bửu xong, tôi hỏi ngay:
-Tình hình ra sao anh Tám. Có hy vọng gì không?
Ông Bửu tiếp tục xé giấy vất xuống thùng. Gần cả phút nặng nề trôi qua. Lần đầu
tiên tôi thấy tình hình thật sự đen tối.
-Người Mỹ họ không ủng hộ mình nữa. Chắc phải liên hiệp. Em nên đi ra nước
ngoài.Nếu chưa có đường đi thì nên liên lạc thường xuyên với gia đình anh
, chừng nào anh đi thì đi cùng.
Tôi tin lời ông Bửu nói. Trên đường đi đến phòng mạch tôi như người mất hồn.
Tôi cảm thấy ân hận đã bỏ lỡ dịp ra đi bằng máy bay tuần trước. Sắp đến
giờ đóng cửa cô Bảy hỏi tôi:
-Thứ hai ông có đến làm việc không?
-Có chứ, trừ phi tình hình thay đổi
-Nếu ông đi thì phòng mạch này ai trông coi?
Tôi sực nhớ đã trả tiền mướn địa điểm cho nguyên năm. Tôi liền viết giấy ủy
quyền cho cô Bảy trông coi phòng mạch cho đến hết hạn và cho cô tất cả đồ
đạc trong phòng mạch. Tôi đưa cô Bảy về nhà cô. Ngồi trên xe cô Bảy khóc.
Đã mấy mươi năm trôi qua, mỗi lần nhớ lại ngày cuối cùng làm phòng mạch ở đường Tổng Đốc Phương, tôi vẫn hình dung ra được những giọt nước mắt của người
nữ y tá trung thành và tận tụy.
Trên đường về, tôi ghé cư xá sĩ quan Chí Hòa. Tôi muốn gặp ông Chỉ Huy Trưởng
Trường Quân Y để báo tin. Ông hay tâm sự với tôi ông có đường đi nhưng vì
trách nhiệm ông chưa thể đi. Ông nói có lẽ ông sẽ để gia đình ông đi
trước. Tôi đến nhà ông Chỉ Huy Trưởng lúc 8 giờ tối. Chừng nửa giờ sau thì ông
về.Tôi lập lại với ông những lời ông Bửu nói với tôi và góp ý:
-Nếu đi thì anh nên đi luôn với gia đình. Tình hình này chần chờ người trước
người sau có khi kẹt.
Sau này liên lạc lại được với ông ở hải ngoại ông cám ơn tôi đã đến cho tin,
giúp ông có một quyết định kịp thời.
Nhưng tôi không có dịp đi cùng ông Bửu. Tôi nghe nói sáng 30 tháng 4 ông Bửu
mới rời Sàigòn trên một chiếc xà lan do tàu Đại Hàn kéo.
Đêm 28 tháng 4 địch pháo dữ dội phi trường Tân Sơn Nhất. Sáng ngày 29 tháng 4
là một sáng bàng hoàng cho dân Sàigòn. Yên chí mình có đường dây đi với ông Bửu
tôi bình tĩnh lái xe vào Trường Quân Y xem tình hình. Cổng vẫn có lính
gác. Tôi đến văn phòng tôi. Chẳng có văn thư nào để đọc hay ký cả. Lệnh cấm
trại 100% của Cục Quân Y vẫn hiệu lực. Đến giờ này tôi biết một số bác sĩ của
Trường đã ra đi, đi trước cả ông Chỉ Huy Trưởng. Tôi đứng ở cửa văn phòng
mình một lúc thì gặp trung tá Tá, sĩ quan hành chánh. Ông hỏi tôi, giọng đầy lo
lắng:
-Tình hình có sao không hả bác sĩ?
Tôi trả lời ông như một người am hiểu tình hình:
- Chắc là phải liên hiệp nhưng rồi cũng mất, trung tá ạ. Trung tá có đường đi
nên đi.
-Tôi nghe ông Chỉ Huy Trưởng đi rồi thì phải.
Tôi gật đầu. Tôi khuyên trung tá Tá cũng như tôi đã khuyên ông Chỉ Huy Trưởng
những gì ông Bửu đã khuyên tôi. Tôi thổ lộ điều tôi biết cho trung tá Tá
vì hai lẽ: ông là người có nhiều huy chương nhất Trường Quân Y vì ông đã
từng phục vụ lâu năm trong quân đội Pháp trước khi sang quân đội VNCH và vì ông
có một người con trai đang là sinh viên quân y ngành dược. Qua ông và rồi qua
con ông, một số sinh viên quân y đang bị cấm trại có thể tìm cách ra khỏi
Trường để tìm đường đi. Với chức vụ Trưởng Khối Tâm Lý Chiến của Trường
tôi không thể công khai nói với mọi người nên tìm đường đi ra nước ngoài.
Cho một tin như thế tôi có thể bị truy tố. Tôi rời văn phòng về nhà lúc 12 giờ
trưa. Về đến nhà thì vợ tôi vừa hốt hoảng vừa trách tôi:
-Làm thế nào bây giờ anh? Phải đi chứ không thể ở lại được. Đáng lẽ để em và
con đi tuần trước cho rồi, cứ cản mãi..
Tôi trấn an vợ tôi:
-Em yên tâm, có đường dây đi rồi, đi với ông Bửu.
-Chừng nào?
-Để xem tình hình sao đã.
-Coi chừng để trể ông đi mất là hết đường.
Tôi cho thêm mình một chữ nếu nữa.Nếu đêm nay tình hình không yên tỉnh thì sáng
mai sẽ lên nhà ông Bửu. Vừa lúc ấy một chiếc xe hoa kỳ màu đen, bảng trước có
gắn một sao hải quân đỗ ngay trước nhà.
Xe của phó đề đốc Thăng, ông anh cột chèo với anh tôi. Vợ chồng anh Thăng đang
ở Cần Thơ, nhưng chị Thăng gọi điện thoại lên cho vợ anh tôi, cho biết có
một đoàn tàu của hải quân sẽ rời hải quân công xưởng và khuyên nên vào ở
nhà chị, đối diện với cổng vào hải quân công xưởng, để khi có cơ hội là đi.
Cũng vừa lúc ấy anh Thành, thiếu tá không quân,phi công trực thăng, anh cột
chèo với tôi, chở vợ và hai con trên chiếc vespa đến tôi hỏi đường đi. Anh
Thành nói:
-Anh định vào Tân Sơn Nhất nhưng không vào được. Có đường nào cho tụi này đi
cùng.
Vợ tôi giục tôi:
-Đi với anh chị Trang cho rồi, anh!
Tôi trả lời buông xuôi:
-Ừ, đi thì đi.
Đằng nào cũng đi, vậy thì đi với ai cũng vậy. Gia đình ông anh tôi 5 người, gia
đình tôi 4 người, gia đình anh Thành 4 người, phía bên ông cụ tôi và bà kế
mẫu 8 người. Ngoài chiếc xe của phó đề đốc Thăng, còn có chiếc Fiat của
tôi, chiếc Toyota của anh tôi. Tất cả 21 người chen chúc nhau trên 3 chiếc xe
đó. Sàigòn ở khu bến tàu lúc bấy giờ vẫn yên tĩnh.Lính gác ở Bộ Tư Lệnh
Hải Quân mở hàng rào chắn cho đoàn xe chúng tôi vào. Chúng tôi tạm trú
trong nhà phó đề đốc Thăng và chờ đợi. Không biết lúc nào thì có lệnh cho qua
cổng hải quân công xưởng để xuống tàu. Bốn giờ chiều vẫn không có tin tức gì
thêm. Ông cụ tôi sốt ruột muốn về. Ông nói:
-Hôm qua chúng nó pháo Tân Sơn Nhất, tối nay có thể chúng pháo vào hải quân
công xưởng. Nếu không đi được, qua đêm ở đây nguy hiểm lắm.
Tôi nói với ông cụ tôi:
-Ba ráng chờ, con nghĩ thế nào cũng có tàu đi.
Ông cụ tôi bỏ vào nhà trong. Tôi bước ra ngoài, lang thang trên một đoạn đường
Lê Thánh Tôn. Bất ngờ gặp tướng Tôn Thất Xứng. Ông bận đồ xi-vin. Tướng
Xứng vồn vã hỏi:
-Ba có đi cùng không cháu?
-Dạ có, ông đang ở trong nhà anh Thăng. Chờ lâu quá ông có ý định muốn về nhà.
Tướng Xứng la lên:
-Chết! Chết! Nói ba đừng về. Cứ ở đây. Tình hình tuyệt vọng rồi, chú biết.
-Để cháu vào nói ba cháu ra gặp chú.
-Ừ, mau lên nghe cháu.
Khi tôi đưa được ông cụ tôi ra chỗ tôi vừa gặp tướng Xứng thì ông không còn ở
đó nữa. Ông cụ tôi lặng lẽ trở vào nhà. Chừng nửa giờ sau anh tôi gặp tôi
và nói :
-Ba mợ và mấy em về nhà rồi. Phải nhờ tài xế lái xe anh Thăng đưa ra, lính gác
mới mở cổng. Bây giờ ở cổng Bộ Tư Lệnh Hải Quân có lệnh nội bất xuất,
ngoại bất nhập.
Tôi cũng tự hỏi mình có nên liều mạng nằm đây chờ không. Tư hỏi rồi tự trả
lời :Nằm đây thì còn hy vọng đi, về nhà là kẹt chắc. Ông anh tôi,
cảnh sát; tôi, gốc nhảy dù ở lại chắc khó sống lắm. Ba tôi, tuy là tướng,nhưng
ông về hưu lâu rồi, chắc không sao.
Đúng 5 giờ chiều, trên không xuất hiện hai chiếc phản lực hình cá thu, bay lượn
quanh tòa đại sứ Mỹ.
Chừng mười lăm phút sau, tiếng trực thăng nghe mỗi lúc một gần. Rồi đoàn trực
thăng từng chiếc, từng chiếc bay qua đầu chúng tôi, sà xuống trên nóc tòa
đại sứ Mỹ. Mọi người nhốn nháo :
-Mỹ di tản toà đại sứ!
Hai chiếc phản lực nhào xuống thấp, xé gió nghe quặn cả ruột! Một tràng M16 nổ
dòn ở cổng Bạch Đằng rồi một tràng M16 khác nghe phía cổng Cường Để.
-Ai bắn vậy?
-Lính mình bắn vào trực thăng di tản à?
-Không phải đâu, chắc dân chúng tính tràn vào, lính hải quân bắn cảnh cáo.
Tôi hỏi khẻ anh tôi :
-Anh có súng không?
-Tao chỉ có một khẩu rouleau nhỏ phòng thân.
Tôi nghĩ đến cảnh hỗn loạn trong các cuộc di tản tại miền Trung trước đây. Tôi
nghĩ điều gì sẽ xảy ra nếu lính gác hải quân không cản nổi làn sóng người
tràn vào. Tôi chỉ nghĩ thoáng đến đó mà không dám nghĩ gì thêm.
Vào khoảng sau 6 giờ chiều cổng hải quân công xưởng mở. Anh tôi quýnh quáng :
-Có lệnh cho xuống tàu! Gọi điện thoại cho ba mợ hay, hỏi ông bà có muốn đi trở
lại không.
Anh tôi nói và làm . Giọng anh run run :
-Có lệnh cho xuống tàu rồi. Ba mợ có đi không, tụi con chờ để nhờ người đưa
vào.
Anh tôi nghe một lúc rồi gác máy:
-Cậu Kế sẽ lấy chiếc Fiat của chú đưa ba mợ và mấy em đến cổng Bạch Đằng. Tôi
sẽ nhờ chú tài xế của anh Thăng ra đón và năn nỉ lính gác. Nếu cần tặng họ
chiếc Fiat của chú. Chiếc Toyota của chị còn đây cũng tặng họ luôn. Cô chú
có con dại vào trước đi.
-Xuống cầu tàu nào và đi chiếc nào vậy anh?
- Thì thấy người ta lên chiếc nào mình lên chiếc đó.
Hôm ấy là hôm tôi gặp mặt ông cụ tôi lần cuối cùng. Về sau anh tôi kể lại: Xe
đưa ông cụ tôi bị kẹt lại trên đường Hai Bà Trưng, gần hảng nước đá. Cậu
tôi gọi điện thoại vào cho anh tôi. Anh tôi nói phải cố đến gần cổng mới đón
vào được. Tình hình bây giờ gần như hỗn loạn, lính gác đã bắn ngang chứ không còn bắn chỉ thiên nữa. Ba mợ và mấy em tôi phải quay về. 14 năm sau những người
trong gia đình tôi đã lần lượt đoàn tụ, trừ ba tôi. Chúng tôi nhận được
điện tín ngày ông lên đường đoàn tụ và ngày ông mất cách nhau 48 tiếng!
Không biết ông cụ tôi không có duyên đoàn tụ với con cái hay có cái gì níu kéo
ông lại, không muốn ông gởi xác nơi xứ người.
Gia đình tôi theo làn sóng người tràn vào hải quân công xưởng. Đi một quãng
chúng tôi đứng lại chờ. Gia đình anh Thành vào kế tiếp, có thêm chị
Thoa,chị vợ thứ hai của tôi, với 3 đứa con cùng đi với vợ chồng trung tá
Nam. Chúng tôi họp lại thành một nhóm. Chờ thêm môt lúc không thấy gia đình anh
tôi đâu. Tôi chưa bao giờ vào hải quân công xưởng nên không biết có bao nhiêu
cầu tàu và con đường nào dẫn xuống cầu tàu nào.Chúng tôi đi trên con đường
nhỏ một đoạn khá xa và gặp một nhóm người bồng bế nhau đi ngược trở ra.Tôi
hỏi ngay một người đàn ông, dáng bơ phờ,tay nách một em bé gái chừng 2 tuổi đang
dãy dụa khóc:
-Không thấy tàu hay sao mà trở ra?
-Có một chiếc nhưng đông nghẹt. Chỉ có nước dẫm lên nhau mà chết. Kinh nghiệm ở
Đà Nẵng một lần rồi. Sợ lắm! Chúng tôi đi về đây.
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau. Nhưng tất cả lòng muốn đi mạnh hơn ý muốn ở lại
hiện rỏ trong các ánh mắt.Chúng tôi cứ đi lần theo theo hướng của những
người đang lẻ tẻ đi ngược trở ra. Đến cuối đường chúng tôi thấy một con
tàu lớn với hàng trăm người đang chen lấn trên bờ.Tôi lo thầm trong bụng: đông thế này làm sao lên liền cho được. Nếu tàu nhổ neo ngay thì mình còn xa cả mấy
chục thước! Tôi nói với mọi người trong nhóm:
-Mỗi gia đình lo lấy cho nhau. Ai lên trước được sẽ giúp người sau. Coi chừng
trẻ con khi lên tàu.
Trên không hai chiếc phản lực vẫn vần vũ. Từng đoàn trực thăng chốc chốc lại
bay qua đầu chúng tôi. Sài Gòn bây giờ là một vùng tiếng động khốc liệt.
Tôi đã từng hồi hộp trong vài cuộc đổ quân gặp sự chống trả của địch,
nhưng hôm nay trong tiếng gầm thét của hai chiếc phản lực nhào lộn, tiếng tình
tịch của cánh quạt trực thăng, tôi không mang tâm trạng căng thẳng của
cuộc đổ quân, mà là một tâm trạng rã rời, uất ức, cô đơn đến ghê rợn, của
một cuộc tháo chạy, tháo chạy ngay từ thủ đô của đất nước mình, để dấn thân
vào một vùng đất lạ nào tôi chưa được rõ.
Chúng tôi nhích từng chút về hướng chiếc tàu. Khoảng cách còn chừng 5 thước. Số
người thối chí bỏ ra về khá nhiều cho tôi hy vọng có thể lên được tàu
trước khi tàu rời bến.Tôi ẵm đứa con trai đầu lòng, bé Ngọc, mới 3 tháng,
trong vòng tay phải; cái túi xách đeo ở vai phải; tay trái tôi sẽ dùng để nắm
dây bước lên tàu. Hai cái xách còn lại, vợ tôi, một cái đeo vai, một cái
cầm ở tay phải. Vợ tôi bám sát lưng tôi.Tàu đậu cách bến chừng một thước.
Một thanh gỗ vuông rộng chừng hai mươi phân được bắc ngang làm cầu. Một
sợi dây thừng, to bằng ngón chân cái, được căng từ lan can tàu xuống cái khoen
sắt để buộc dây tàu nằm trên bờ. Chiếc cầu khỉ ngắn ngủn này là nơi tôi
chứng kiến một thảm cảnh: Khi tôi men lại được gần thanh gỗ, thì trước
tôi, một người đàn bà, vai mang một một em bé gái nhỏ trên lưng, tay phải dẫn một đứa bé trai chừng bốn, năm tuổi bước lên thanh gỗ. Nói là đi nhưng thật
ra chúng tôi bị khối người phía sau đẩy tới. Lúc đứa bé nắm tay mẹ tiến
lên thì trên tàu bỗng dưng có một người đàn ông chen lấn đi ngược xuống.
Thanh gỗ nhầy nhụa bùn đất trở nên trơn trượt. Thằng bé, không biết hụt chân hay trượt chân, vuột khỏi tay mẹ nó, rơi tõm xuống sông. Nó chìm nghỉm.
Tiếng bà mẹ thất thanh:
-Cứu con tôi với! Cứu con tôi với!
Không một ai đáp ứng lời kêu cứu. Tôi nghe lạnh cả người, mồ hôi toát ra đầy
trán. Tay phải tôi siết chặt bé Ngọc, nó dãy lên khóc vì nghẹt thở. Tôi biết
lúc này không cẩn thận là ngã xuống sông tức khắc.
Người đàn bà không chịu bước, nhìn xuống mặt sông, tiếp tục la cầu cứu. Tôi hét
lớn:
-Đi lên tàu rồi tính! Cứ đứng lại, bị đàng sau dồn, rớt xuống sông chết cả đám
bây giờ!
Tôi tiến sát người đàn bà, dung đầu gối phải thúc bà đi tới. Tôi bước lên được
tàu. Người đàn bà, hai tay nắm chặt lan can tàu, nhìn xuống mặt sông khóc thảm
thiết. Tôi nới tay siết bé Ngọc, nó thở được, nín khóc. Sờ nắn xương sườn
nó, thấy nguyên vẹn, tôi yên tâm.
Cả nhóm chúng tôi lên tàu an toàn. Khoảng 7 giờ tối thì dứt tiếng phản lực lẫn
tiếng trực thăng. Yên lặng và bóng tối mờ mờ bao trùm cảnh vật. Đến 9 giờ
tối, tàu không còn ai lên nữa.Tôi thấy thương cho người đàn bà có đứa con
rớt xuống sông ban nãy. Giá biết đến giờ này tàu vẫn chưa đi hà tất phải chen lấn nhau và đứa bé khỏi mất mạng một cách thê thảm. Một nguồn tin truyền miệng
đến tai tôi rằng tàu này hư máy có thể không đi được làm cả nhóm lo lắng.
Tôi len lỏi trong đám đông kiếm các sĩ quan hải quân hỏi tin tức. Tôi gặp
hai người: trung tá Minh, chồng của nhà văn Điệp Mỹ Linh, và trung úy Lý, sĩ quan cơ khí, anh của dược sĩ Vỹ, trước đây cũng ở Dù với tôi. Minh cho tôi hay
anh nghe Bộ Tư Lệnh Hải Quân có tổ chức một đoàn tàu đi sang Phi Luật Tân,
nhưng anh không biết chiếc này có nằm trong đoàn tàu ấy hay không. Lý cho
tôi biết tin đích xác hơn về con tàu: Tàu đang ở thời tu chỉnh đại kỳ, nhưng ông hạm trưởng, thiếu tá Tánh, trong thời gian qua có đốc thúc sửa chữa.
Giờ này đang ráp máy thứ nhất. Tàu sẽ chạy một máy. Lý nói thêm:
-Tôi đang phụ sức vào đây. Tàu sẽ chạy rất chậm vì chạy có một máy và vì người
quá đông. Hy vọng 12 giờ đêm máy sẽ ráp xong.
Tàu rời hải quân công xưởng lúc 1 giờ 30 sáng ngày 30 tháng 4. Gặp lại trung úy
Lý, mồ hôi nhễ nhại nhưng nụ cười thỏa mãn:
-Ráp máy xong tôi sợ nó trục trặc không chạy thì khốn. Mình đi trên sông Lòng
Tảo. Hải trình này an ninh hơn nhưng ngại ở điểm lòng sông có chỗ cạn. Mắc
cạn là nằm chịu chết vì tàu một máy lại chở quá nặng nên không cách gì lui
được. Khoảng trưa mai mình sẽ ra tới Vũng Tàu.
Đúng 2 giờ sáng địch tấn công Nhà Bè. Những bồn xăng trúng đạn bốc cháy dữ dội.
Giờ hấp hối của Sài Gòn bắt đầu. Tôi thương vô hạn những người lính Cộng
Hòa giờ này còn ở vị trí chiến đấu.Chống trả mà biết là vô vọng thì đau
khổ dường nào! Tôi úp mặt khóc một mình. Bao nhiêu năm chiến đấu để rồi vào giờ
phút này mới biết số phận đất nước mình chỉ là số phận một con tốt thí trên bàn
cờ quốc tế! 13 năm sau, cũng ngày 30 tháng 4 này, khoảng 5 giờ chiều, tôi
đang ngồi trực ở phòng lái của chiếc tàu Mary’S Kingstown được hội Y Sĩ
Thế Giới gởi đi vớt thuyền nhân, thì thuyền trưởng Francois, tay cầm ống
nhòm, leo lên đứng cạnh tôi. Tàu đang chạy sát lằn ranh hải phận Việt Nam. Ông
đưa ống nhòm lên quan sát một lúc rồi nói với tôi:
-Ông hướng ống nhòm về hướng tôi chỉ, nhìn cho kỹ, sẽ thấy Côn Đảo.
Tôi hướng ống nhòm về phía bờ biển Việt Nam, điều chỉnh cho hình ảnh thật rõ
thì quả thật thấy Côn Đảo hiện ra mờ mờ như bóng mây. Tôi nghe lòng mình
xôn xao. Hình ảnh con tàu năm nào đã đưa tôi rời khỏi nước lại hiện trở
về. Con tàu đã đi thâu đêm trên sông Lòng Tảo, xa dần Sài Gòn đang bị địch
siết chặt vòng vây. Tôi đã thầm cầu nguyện tàu đừng hỏng máy bất chừng, đừng
mắc cạn và nhất là đừng gặp địch.
10 giờ sáng ngày 30 tháng 4, qua máy thu thanh trên tàu, chúng tôi bàng hoàng
nghe tướng Dương Văn Minh đọc lời kêu gọi buông súng. Bài hát Nối Vòng Tay
Lớn ra rả không ngừng. Nghe bài hát tôi không thấy vòng tay mình lớn ra mà
chỉ nghe tim mình thắt lại. Cái hy vọng mong manh về một chính phủ liên hiệp,
sau lời kêu gọi của tướng Dương Văn Minh, bây giờ với tất cả mọi người thật sự
là mây khói. Riêng chúng tôi, những người trên tàu, còn một hy vọng: thoát
ra khỏi nước. 2 giờ chiều, tàu ra đến cửa biển Vũng Tàu. Mọi người vừa
mừng vừa hội hộp.Bờ biển Vũng Tàu bây giờ như một cảnh chợ chiều.Cả trăm
chiếc thuyền, ghe lớn ghe nhỏ lêu bêu đầy mặt nước. Có chiếc ghe gắn máy
đuôi tôm, không người lái, cứ lạch tạch chạy vòng vòng trên biển như chiếc ghe
ma. Tàu tiếp tục chạy. 4 giờ chiều tàu ra tới hải phận quốc tế. Mọi người
trên tàu vỗ tay mừng thoát nạn. Câu hỏi được đặt ra là bây giờ đi đâu? Ý
định ban đầu của hạm trưởng Tánh là đi Tân Gia Ba. Nhưng với tình trạng tàu chạy
một máy hiện nay cộng với cả ngàn người trên tàu, thực phẩm và nước ngọt ít oi
thì không thể nào thực hiện cuộc vượt trùng dương được.Trung tá Minh nói:
-Họp ở Bộ Tư Lệnh Hải Quân tôi nghe tin có một đoàn tàu hải quân sẽ đến một
điển hẹn ở ngoài khơi Côn Đảo. Ở đó sẽ có hải quân Hoa Kỳ hộ tống đoàn tàu Việt
Nam qua Phi Luật Tân. Đoàn tàu của hải quân Việt Nam sẽ được giao lại cho
hải quân Hoa Kỳ.
Tàu hướng về Côn Đảo với vận tốc 4 hải lý một giờ. Trên đoạn đường ra Côn Đảo
tôi chứng kiến thêm một cái chết thứ hai: Cái chết của phi công lái chiếc
phi cơ trinh sát. Anh liên lạc với tàu cho biết trên phi cơ có hai người. Tàu
cho biết trên tàu có một toán người nhái sẵn sàng vớt họ sau khi nhảy ra khỏi
phi cơ. Phi công cho biết phi cơ sẽ hạ thấp vòng đầu cho người hạ sĩ quan cơ khí
nhảy, vòng thứ nhì anh sẽ nhảy. Vòng đầu máy bay bay rất thấp, là là mặt
nước. Một người nhảy ra.Muơi giây sau một cái đầu nhoi lên khỏi mặt nước. Chúng
tôi trên tàu vỗ tay reo hò. Hai người nhái phóng xuống biển vớt anh lên một cách
thông thạo. Ở vòng nhì máy bay không hạ thấp như lần trước. Khi máy bay ở thế
song song với tàu người phi công nhảy ra. Anh không rơi thẳng mà rơi lộn
vòng. Mọi người im lặng chờ đợi. Một số người la hoảng:
-Trồi đầu lên! Trồi đầu lên!
Mặt biển vẫn im lìm. Tôi nghĩ người phi công đã bất tỉnh sau khi va chạm mạnh
vào mặt nước. Cái chết ở thời điểm này được chứng kiến không nước mắt và
được quên đi rất nhanh.
Trưa ngày 1 tháng 5 tàu ra đến Côn Đảo. Nhìn lên đảo thấy người đứng lố nhố và
cờ đỏ sao vàng trên đỉnh cột cờ . Tàu chạy thẳng ra khơi. Khoảng 4 giờ
chiều, những tiếng la gần như đồng loạt vang lên trên tàu:
-Hạm đội Mỹ! Hạm đội Mỹ!
Tin của trung tá Minh chính xác. Đoàn tàu chiến Mỹ, trắng xóa, trải kín cả chân
trời. Tàu đánh điện xin tiếp tế lương thực, nước uống và thuốc men. Trên
tàu lúc bây giờ đếm ra có 10 bác sĩ. Chúng tôi họp nhau thẩm định tình
trạng sức khỏe của đồng bào. Tiêu chảy và viêm mắt khá nhiều. Một người đàn bà mang
thai đến ngày sinh cần chuyển gấp sang tàu Mỹ. Chúng tôi cũng cần sữa cho trẻ
con. Tôi được giao phó báo cáo tình trạng sức khoẻ và nhu cầu thuốc men.
Tàu tiến dần về một khu trục hạm rồi tắt máy nằm song song với chiếc tàu Mỹ.
Thủy thủ, sĩ quan Mỹ đứng kín cả boong tàu nhìn chúng tôi. Họ cười với
chúng tôi; chúng tôi cười với họ. Tôi cố tìm mà không hiểu nỗi nghĩa nụ
cười của đôi bên. Tôi nghe có chút gì cay đắng trong lòng. Tôi không biết phải
coi họ là gì của mình bây giờ? Những người bạn đồng mình hôm qua! Đúng rồi
hôm qua, hôm qua !
Sáng hôm sau mười mấy chiếc tàu của hải quân Việt Nam được sắp lại thành đoàn.
Chiếc tàu của chúng tôi vì đông người, vì chạy có một máy, nên được một
chiếc tàu khác của hải quân Việt Nam cột giây kéo cho đi nhanh thêm và
được ưu tiên sắp đi đầu. Theo lục lệ của hải quân, hai chiếc phản lực, cất cánh
từ một hàng không mẫu hạm nào đó, lượn mấy vòng, rồi đoàn tàu bắt đầu di
chuyển đi Subic Base của Phi Luật Tân.
Sau 13 ngày trên biển, tàu đến hải cảng Subic Base của Phi Luật Tân. Có lệnh
phải hạ lá cờ vàng ba sọc đỏ xuống trước khi cập bến vì Phi Luật Tân đã thừa
nhận thể chế mới ở Việt Nam. Chúng tôi làm lễ hạ cờ và hát quốc ca. Có lẽ
đây là buổi chào hạ cờ duy nhất mà mọi người hiện diện, già trẻ, lớn bé, dân sự
lẫn quân sự, đều nước mắt chan hòa. Tôi có làm một bài thơ chỉ có 4 câu:Tôi
đứng trên boong tàu/ Chào quê hương lần cuối/ Nước mắt bỗng tuôn dâng/ Khi màu
cờ hạ xuống.
Chúng tôi được chuyển từ chiếc HQ 400 sang một chiếc tàu buôn của Mỹ. Đi thêm 2
ngày thì tới đảo Guam. Tối hôm đó tôi ngồi thao thức rất khuya trước lều.
Tôi nghĩ đến những ngày sắp tới. Tôi thấy mình đang trắng tay. Gia tài còn lại
là 20 mỹ kim, đổi được từ tháng lương cuối cùng trước khi rời nước.
Bây giờ làm thân tị nạn, tôi sẽ phải đi đâu, xin định cư xứ nào? Xin đi Pháp
thì có thể tôi sẽ dễ dàng lấy lại bằng hành nghề nhưng nghe nói đời sống kinh
tế bên đó khó khăn. Ở Canada nghe có tỉnh bang Québec nơi đó người ta nói cả
tiếng Pháp lẫn tiếng Anh, khí hậu lạnh nhưng đời sống dễ chịu. Lúc đó tôi không hề nghĩ đến chọn nước Mỹ. Không biết có phải vì vốn liếng Anh ngữ của tôi
không dồi dào bằng vốn liếng Pháp ngữ hay còn có một lý do thầm kín nào khác
thì tôi không rõ.
Chẳng biết câu châm ngôn thời đi Hướng Đạo:’’ Hướng đạo sinh vui tươi trong lúc
khó khăn’’ có giúp tôi giữ được vui tươi trong những lúc khó khăn hay không ,
nhưng câu châm ngôn ngắn gọn mà giản dị của thời đội Mũ Đỏ:’’ Nhảy Dù! Cố
Gắng!’’quả thật đã giúp tôi rất nhiều. Cố gắng bình tỉnh, cố gắng nhẫn nại, cố
gắng hy vọng. Tôi đã cố gắng bình tỉnh trả lời ông sở di trú ở đảo Guam khi tôi
đến xin định cư ở Québec, Canada. Ông nhìn hồ sơ của tôi rồi nói:
-Đất nước chúng tôi không ưu tiên cho thành phần ở trong Quân Đội.
Tôi nhớ tôi đã trả lời ông:
- Tôi ở một nước đang có chiến tranh, ngoại trừ trẻ em và người cao niên, đàn ông
thuộc thành phần còn lại đều phải ở trong quân ngũ.
Ông ta bồi thêm câu thứ hai:
-Tỉnh bang Québec hiện đang thừa bác sĩ. Rất có thể qua đó ông không hành nghề
trở lại được.
Tôi cũng đã bình tỉnh trả lời:
-Tôi sẽ hết sức cố gắng để trở lại nghề. Nhưng nếu không được ít ra tôi và gia
đình tôi cũng được sống trong một xứ có tự do.
Bốn ngày sau gia đình tôi cùng với khoảng 200 tị nạn người Việt đầu tiên được
bốc từ đảo Guam sang thành phố Montréal của tỉnh bang Québec. Sau hai tuần
nhận được trợ cấp, tôi được ông di trú thúc đi kiếm việc làm. Tôi được
giới thiệu đi làm bán thời gian ở một bệnh viện tâm thần. Tôi làm ca đêm, thuộc
‘’équipe volante’’, trại nào thiếu người tôi được gởi đến. Tuy chức vụ chỉ là
phụ y công, với đồng luơng cao hơn đồng lương tối thiểu 40 xu, tôi cũng phải
qua một khóa huấn luyện một tuần để biết cách làm giường, cách thay quần
áo cho bệnh nhân,cách đỡ bệnh nhân ngồi dậy v..v.. Nếu có những ca đêm rơi đúng
vào các trại bệnh nhân ổn định, gặp các bà y công tốt bụng, biết tôi là bác sĩ
tị nạn chưa hành nghề lại được, họ làm hết mọi việc, tôi chỉ ngồi ôm sách
học. Nhưng nếu ca đêm nào rơi đúng vào trại bệnh tâm thần nặng, tôi phải
ngồi canh ở một chiếc ghế đặt giữa hành lang, dưới ánh đèn mờ mờ. Bệnh nhân ở
trại này mỗi người được giữ trong một phòng riêng, có khóa bên ngoài.Trong
phòng không có vật dụng nào ngoài cái bô vệ sinh. Cái giường ngủ cũng làm
bằng xi măng. Tôi không rõ họ được nuôi ăn như thế nào. Làm ca đêm ở trại
này tôi không những không học được mà còn hầu như không ngủ được vì những tiếng
hú, tiếng hét chốc chốc lại vang lên trong đêm khuya. Một kỷ niệm từng khiến
tôi ‘’lạnh người’’ làm tôi nhớ mãi. Ở trại này, buổi sáng trước khi chấm
dứt ca trực của mình, người y công chính giao tôi nhiệm vụ mở khóa phòng từng bệnh nhân, lấy cái bô vệ sinh của họ đem
đi đổ. Một buổi sáng, mở khóa cửa phòng của một bệnh nhân, bước vào trong
tôi không thấy anh ta đâu. Tôi hết hồn vì nếu bệnh nhân đã thoát ra khỏi phòng
thì tôi sẽ gặp rắc rối.
-Bonjour!
Tôi giật mình quay người lại thì thấy người vừa chào tôi, trần truồng như
nhộng, lông lá đầy mình, đứng núp sau cánh cửa, hai tay chéo nhau như cố
che kín hạ bộ của mình, nhìn tôi với cặp mắt dò xét.Tôi vội vàng khom
người với tay kéo cái bô vệ sinh, mắt vẫn không rời người bệnh kèm thêm một nụ
cười cầu thân. Xong, tôi rút nhanh ra khỏi phòng và khóa cửa.
Tôi đã sống với nghề phụ y công trong 10 tháng. Cho đến khi thi đậu nội trú.Y
Sĩ Đoàn Québec vào đầu năm 1976 mở một khóa huấn luyện 3 tháng nói là để
trình bày về nền y khoa ở Québec cho nhóm bác sĩ Việt Nam , lúc đó có
khoảng 80 người. Sau khóa huấn luyện, Y Sĩ Đoàn Québec mở một khoa thi đặc biệt
dành cho các bác sĩ Việt Nam. Có 40 người được chấm đậu. Tôi may mắn có tên
trong số người này. Tiếp đó Y Sĩ Đoàn Québec thông báo 4 Đại Học Y Khoa ở
Québec cho biết chỗ nội trú dành cho các bác sĩ Việt Nam niên khóa 1976-1977
là 20 chỗ. Tôi lại may mắn có tên trong số người được chọn. Tôi được gởi đi
làm nội trú cùng 3 bác sĩ Việt Nam khác ở Đại Học Y Khoa Sherbrooke, cách
Montréal chừng 100 cây số. Tại đây có thêm 5 bác sĩ ngoại quốc, 4 ở Nam Mỹ, 1 ở
Bắc Phi, sang tu nghiệp vừa nội trú vừa thường trú. Chúng tôi họp thành
một nhóm mà chúng tôi gọi đùa là ‘’ Peloton des Légionnaires’’ ( Tiểu Đội Lê Dương
). Nội trú người bản xứ được thi lấy bằng hành nghề vào năm thứ tư. Vì thế khi
làm nội trú họ không phải lo thi cử gì cả. Các nội trú hay thường trú gốc Nam Mỹ hay Bắc Phi
họ cũng thi lấy bằng hành nghề. Nhưng đậu thì cũng tốt, không đậu cũng
chẳng sao. Đằng nào trước khi trở về nước họ cũng được cấp chứng chỉ đã tu
nghiệp ở Canada. Riêng với nhóm nội trú Việt Nam thì chuyện thi lấy bằng hành nghề
là một vấn đề sinh tử. Cho nên ngoài trực gác, chăm sóc bệnh nhân, phụ mổ,
chúng tôi còn phải lo học thi. Đêm nào tôi cũng phải thức đến một hai giờ
sáng để học. Và may mắn đã đến cho 3 trong 4 nội trú Việt Nam chúng tôi
năm đó. Kể từ tháng 9 năm 1977 tôi chính thức trở lại nghề trên quê hương thứ hai
của mình.
Mới đó mà đã gần nửa thế kỷ xa quê hương! Chừng nào tôi mới về thăm? Có lẽ phải
chờ cái ngày mà miền Bắc chân thật nhìn nhận, vào thời điểm 30 tháng tư
năm 1975, họ cũng chỉ là một con tốt trên bàn cờ quốc tế, chỉ khác hơn
miền Nam một chút, họ được chọn làm con tốt sang sông, thế thôi.
TRANG CHÂU
Bài viết của tác giã gợi lại vết thương lòng của tôi 49 năm về trước. Gần nữa thế kỷ rồi còn gì. Vậy mà những kỷ niệm đau thương của những ngày trước và sau 30/04/75 vẫn còn rất rỏ trong trí. Khi đọc bài, những cảm xúc bật sống trở lại và tôi đã chảy nước mắt.
ReplyDeleteXin gởi lời cám ơn đến tác giã.