Saturday, August 19, 2023

Cù Lao Tới Pulau! – Đoàn Xuân Thu

Thuyền nhân Việt Nam trên đảo Pulau Bidong ngày 1/8/1979 


Trong 5 châu: Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi, Úc là Châu Ðại Dương, được Thái Bình Dương, Ấn Ðộ Dương bao lại. Rộng mênh mông tới 7,688,000 km². Gần bằng 4/5 nước Mỹ về diện tích nên có rất nhiều chỗ đi du hí; đi cả đời chưa giáp.

Hai tuần lễ nghỉ Ðông của học trò Úc bắt đầu vào ngày 26 tháng 6 tới mùng 7 tháng 7 năm 2023, mấy chú Kangaroo lại dắt mấy con ‘Joey’ đi Pulau Bali của Indonesia.

Tại sao vậy? Dân Úc không yêu nước Úc, không thèm xài hàng ‘Australian Made’ hay sao?  Nói nào ngay yêu nước thì dân Úc hổng thua ai. Nhưng chỗ nào rẻ là tui tới chơi hè. Ðồng tiền nó liền khúc ruột phải không nè?

Úc thòi lòi đi Pulau Bali vì nó gần xịt. Cách Melbourne, nơi tui ở, chỉ 4400 cây số chưa tới 6 giờ bay. Tiền vé máy bay 435 đô, khoảng 30 tô phở tái, nạm gầu, thêm chút hành trần và nước béo.

Vật giá ở Pulau Bali rẻ. Chơi thì bờ biển Pulau Bali cát trắng phau. Pulau Bali có rừng nhiệt đới, có núi lửa, có ruộng bậc thang. Dân Pulau Bali hiếu khách, thân thiện, nồng hậu. Giá cả dịch vụ phải chăng, không chặt chém bậy bạ. Mặc dầu năm 2002, một tay khủng bố Hồi giáo cực đoan đánh bom giết chết tới 88 người Úc.

Dân Indonesia theo Hồi giáo đông nhứt thế giới cấm rượu. Nhưng dân Pulau Bali theo Ấn giáo nên bợm nhậu, cứ tự nhiên như chó điên, uống thả cửa. Tửu nhập tâm như cẩu cuồng tọa thị. Mới đây nè một chú Úc khùng, mới 23 tuổi, xỉn quắc cần câu, ở truồng nhong nhỏng, rượt đánh người. Trong số nạn nhân có một ngư dân phải khâu tới 50 mũi. Bị nhốt tới 6 tuần lễ chua quá, chú xin tía má móc xỉa 25 ngàn đô Úc để chuộc chú ra. Có đô Úc, vợ nạn nhân cúng một con dê, (vì Ấn giáo không cho ăn thịt bò) mừng tai qua nạn khỏi. Ðược thả ra, chú bay về Sunshine Coast, tiểu bang Queensland. Chưa tởn, mùa Thu lá bay năm sau, chú sẽ gặp lại Pulau Bali để trượt sóng. Quậy tưng bừng nữa thì chắc không; vì hao xu quá mạng.


Ðất nước Indonesia là quần đảo có hơn 17 ngàn Pulau lớn nhỏ. Lớn như Pulau Sumatra, Pulau Borneo, Pulau Java. Nhỏ như Pulau Kuku mà ông bạn văn của tui hồi tháng Sáu năm 1982, với một thuyền vượt biên chút tẳn đã tới. Ở rừng dừa (Pulau là đảo. Kuku là chú Ba Tàu) sáu tháng, ông bạn được chuyển tới Pulau Galang đi Mỹ định cư. Nhưng hổng phải chỉ Indonesia ngàn vạn đảo mới có Pulau Kuku, Pulau Galang. Ở Malaysia cũng có Pulau Bidong.


Những con người bị CS truy bức, hết đường sống, phải ùa ra biển mặc phần số rủi, may. Xui, Má nuôi con hoặc con nuôi cá; phước đức ông bà để lại là con nuôi Má. Tối 21, tháng Tư, năm 1981, Công an bận ăn nhậu sau những ngày mệt nhọc canh chừng phản động phá hoại bầu cử Quốc hội bù nhìn. Từ Cửa Ðại, Bến Tre, sau 7 ngày đêm lênh đênh trên biển, thằng em của tui đã đến được nơi giữa biển có cột lửa phun lên trời. Mấy thằng da trắng mũi lõ khoan dầu chỉ hướng Pulau Bidong thuộc tiểu bang Terengganu của Malaysia. Bà con mình gọi là: Hòn Rắn vì nó có nhiều rắn quá hay chăng?

Pulau Bidong là: ‘Hòn đảo địa ngục’. Từ mùng 8 tháng 8 năm 1978, đến 30 tháng 10 năm 1991, hơn 250,000 thuyền nhân tơi tả đó sống chen chúc trong những túp lều tạm bợ, cao hai và ba tầng, làm bằng gỗ trục vớt từ những chiếc thuyền bị đắm. Mái lợp bằng tấm nhựa, tấm tôn. Giếng nước không đủ phải chở từ đất liền ra. Mỗi ngày, mỗi người một ‘gallon’ nước. Thuốc men thì thiếu thốn. Những trận bão mùa miền nhiệt đới thổi tới; những dòng nước bẩn thỉu tràn qua trại. Vệ sinh gần như không tồn tại. Hậu quả là bệnh viêm gan siêu vi tràn lan.

Hàng trăm nghìn người chạy trốn khỏi sự áp bức của CS chạy ra biển. Bi kịch tận cùng, thây nổi Biển Ðông. Nhưng Trời không hại người ngay! Tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ, Jimmy Carter, lương tâm của nước Mỹ xúc động chìa tay ra cứu vớt. Ông ra lệnh cho tàu Mỹ vớt thuyền nhân. Ông tăng gấp đôi số người tị nạn từ 7,000 lên 14,000. Hành động nầy có thể khiến ông thất cử nhiệm kỳ hai; vì có tới 62% dân Mỹ lúc đó chống đối. Nhưng ông Jimmy Carter đã quả cảm làm theo mệnh lệnh của trái tim mình.

Đền thờ Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh tại Cù lao Ông Chưởng

Jimmy Carter, tổng thống thứ 39 của Hoa Kỳ đang được chăm sóc cuối đời. Trước sau gì ông cũng sẽ ra đi trong thanh thản. Xin cầu nguyện cho ông!

Mãi sau nầy, tui mới biết bà con mình đến Pulau Bidong, Pulau Kuku, Pulau Galang thì Pulau đã đến nước ta hồi năm nẳm. Pulau thành Cù lao. Như Cù lao Chàm Hội An, Quảng Nam vốn là đảo nhỏ do cát ven bờ biển nổi lên. Cù lao trong sông do phù sa bồi đắp, nổi lên giữa dòng, rồi nằm lại trong ca dao: “Bao phen quạ nói với diều. Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”. Ông Chưởng là ông nào? Năm 1699, Nặc Thu, vua Chân Lạp đem quân đánh Ðại Việt. Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh trấn thủ dinh Bình Khang (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa) được Chúa Nguyễn cử làm Thống binh đi đánh dẹp giặc để an dân. Ðầu năm Canh Thìn 1700, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về Sầm Giang Mỹ Tho thì mất. Ông hưởng dương 51 tuổi. Dân thương tiếc lập đền thờ. Trước thế kỷ XVIII, Cù lao Cây Sao, giờ dân đổi tên thành Cù lao Ông Chưởng, gọi theo chức ‘Chưởng cơ’ của ông.

Nói hổng dám giấu gì bà con: hơn 50 năm trước, lúc đi học tại Cần Thơ, tui có thầm thương trộm nhớ một em ‘xẩm lai’ mười hai cái đẹp. Em đẹp cỡ tài tử Hong Kong bên hông Chợ Lớn Miêu Khả Tú để tui tưởng tui là Lý Tiểu Long, Em quê quán Cù lao ông Chưởng, Chợ Mới thời Trung tá Khiêu ngồi quận. “Chợ Mới quê hương, nơi tôi có một người thương chiều chiều nàng ra bờ sông giặt áo”.

Năm 75, mất Miền Nam, tình đôi vừa mới chớm đành bèo dạt góc biển chân mây. Ðêm quê người, chớm Ðông, trời rất lạnh. Cạn ly đầy, đầy ly cạn, viết Pulau Bidong, Pulau Kuku và Cù lao Ông Chưởng, viết về Chợ Mới quê mình để nhớ thương hoài quê cũ tình ta!


Đoàn Xuân Thu

June 22nd, 2023


No comments:

Post a Comment