Tôi mất trinh năm mười sáu tuổi. Có lẽ trước hết cần xác định
trường hợp của tôi là “ được “ hay “ bị “. Bởi “ được “, dĩ nhiên tôi phải yêu
người tôi yêu và dâng hiến cho người đó. Nhưng “ bị “ cũng không phải. Vì tôi
đã được biết trước mọi việc, đã được hướng dẫn những điều cần thiết. Nhưng tôi
hoàn toàn không yêu, cũng không hề biết gì về người đàn ông sẽ làm cho tôi mất
cái quý giá nhất của một người con gái. Tôi chỉ được Mẹ tôi cho xem ảnh của người
đó và được biết rằng đó là một người Hoa. Ông ta gấp ba lần tuổi tôi, bị
tật một chân nên đi khập khiễng , tóc xoăn và mặt mũi hiền lành. Tôi mất trinh
trong chính căn nhà của mình - đúng hơn, nhà của Mẹ tôi – trong một hoàn cảnh
mà tôi được biết trước, biết cả thời điểm và cả không gian được làm cho lãng mạn
hơn do chính mẹ tôi dàn dựng. Khi Lầu A Dưỡng - ông người Hoa - tập tễnh bước
vào nhà, mẹ tôi đã chuẩn bị sẵn một tiệc rượu nhỏ dành cho hai người. Bà vắng mặt
trong suốt buổi chúng tôi ở với nhau sau khi đã dặn dò tôi kỹ lưỡng những việc
tôi cần phải làm. Và rồi mọi việc đều tốt đẹp theo đúng ý của Mẹ tôi, tôi đã trở
thành một người đàn bà, đau đớn chút chút nhưng lại vô cùng nồng nhiệt với cái
việc tôi chưa từng làm bao giờ : Ngủ với đàn ông. Cảm giác đau xé khi gần gũi với
đàn ông lần đầu tiên trong đời hoàn toàn không bằng sự chuyếnh choáng và trạng
thái bừng bừng, rần rật trong máu và “ thèm “ đàn ông một cách kỳ lạ - cảm giác
tôi chưa từng có bao giờ trước đó - sau khi uống một viên thuốc nhỏ màu hồng mà
Mẹ tôi đưa cho tôi trước khi Lầu A Dưỡng tới. Bà quyết định mọi việc trong đời
tôi - tất cả mọi việc - vì tôi không có Cha.
Tôi biết mình đẹp. Rất đẹp. Cha tôi là một người da trắng. Mẹ tôi, trong quá khứ
xa xôi và chằng chịt của bà, bà cũng có nguồn gốc từ một người da trắng. Tôi tự
ý thức về nhan sắc của mình khi so sánh với rất nhiều cô gái cùng tuổi như tôi
và những người đàn bà khác chung quanh. Tôi là con lai nên da trắng, mũi cao ,
vóc dáng cao ráo và màu mắt, màu tóc cũng khác với những người Việt bản xứ. Mẹ
tôi cũng thế nhưng dáng người to ngang, tay chân thô tháp và có dáng vẻ của một
người xuất thân từ tầng lớp lao động. Những lúc hiếm hoi khi bà kể lại về quá
khứ xa xăm của bà thì ông Cố ông Tằng của tôi cũng là một người Âu người Mỹ gì
đấy. Bà luôn tự hào về dòng dõi của bà dù trong chiến tranh bà chỉ là một nhân
viên bình thường, làm việc cho một câu lạc bộ Sĩ Quan Không Quân trú đóng ở
Biên Hòa.
Qua lời kể lại của bà, cha tôi là một sĩ quan Pilot Mỹ. Ông trẻ hơn
bà khá nhiều tuổi, từng tham chiến ở VN vào khoảng thập niên 60. Trong một phi
vụ tác chiến ở thung lũng A Shau xa xôi nào đó ở Việt Nam, máy bay của ông bị bắn
nhưng may mắn ông đã đưa được chiếc trực thăng lỗ chỗ đầy vết đạn bay chuyệnh
choạng như một kẻ say rượu về căn cứ. Chuyến bay hạ cánh an toàn nhưng chỉ còn
hai người sống sót : Ông và một người lính Dù rất trẻ bị thương. Mẹ tôi kể rằng
trong một phi vụ tiếp tế và tải thương cho một trận đánh lớn, chiếc trực thăng
Cha tôi lái vừa đáp xuống thì đã hứng một cơn mưa đạn đủ loại bắn trúng. Người
Co – Pilot cùng bay với ông trúng đạn chết ngay lúc máy bay vừa hạ cánh.
Khi chiếc máy bay chất đầy các thương binh vừa hối hả bốc lên, người xạ thủ đại
liên sống sót còn lại trúng một viên đạn giữa trán chết tại chỗ, xác đổ vật ra
sàn tàu. Người lính Dù vừa được tải thương lên tàu nhào tới chỗ khẩu đại liên,
cả thân người còn ướt đẫm máu nhưng vẫn cố gắng chúc nòng khẩu súng xuống đất
ria từng loạt đạn vào những bóng người ôm súng đang lố nhố chạy tới. Mẹ tôi kể
lại rằng Cha tôi đã cứu thoát người lính đó nhưng cũng chính người lính đó cũng
cứu thoát cha tôi và anh đã ngất đi sau khi bắn hết những viên đạn cuối cùng.
Vì nếu anh ta không kịp dùng khẩu đại liên đó để bắn trả thì chiếc trực thăng
chắc chắn đã bị bắn rơi và sẽ chết hết. Nhưng rồi tất cả những thương binh bị
thương đang nằm ngổn ngang trong lòng chiếc máy bay đều tử trận, có thể vì mất
máu quá nhiều hay vì lại trúng đạn một lần nữa khi chiếc máy bay bốc lên khỏi mặt
đất. Chỉ còn lại hai người, Cha tôi và người lính còn trẻ đã may mắn thoát chết
tuy đã bị nhiều thương tích trầm trọng. Cha tôi được ra khỏi quân đội, được trở
về Mỹ và rất lâu sau này ông mới biết là ông đã có một đứa con rơi ở VN. Bằng một
cách thức kỳ diệu nào đó, Mẹ tôi đã liên lạc được với ông sau khi chiến tranh
chấm dứt. Mẹ tôi là người luôn làm được những điều kỳ diệu. Khi ông nhận được tấm
ảnh của tôi do Mẹ tôi gửi qua, ông biết ngay tôi là con của ông vì chúng tôi rất
giống nhau. Nhưng để bảo lãnh Mẹ con tôi qua với ông vào thời điểm đó thì không
thể. Vì giữa cha mẹ tôi hoàn toàn không có gì chính thức để chứng minh nhưng
quan trọng hơn cả, vì cha tôi biết rõ rằng ông chỉ là một trong nhiều sĩ quan Mỹ
khác trong căn cứ Không Quân ở Biên Hòa mà Mẹ có mối liên hệ thân thiết khi Mẹ
tôi làm việc ở đó.
Từ đó, Cha tôi gửi cho Mẹ tôi một số tiền khá lớn hàng
tháng đủ để sống với lời hứa hẹn khá mơ hồ về việc bảo lãnh chúng tôi qua Mỹ.
Nhưng cũng không sao, Mẹ tôi luôn là một người đàn bà kỳ diệu. Những người bạn
của bà hiện nay – cũng như cha tôi – luôn mở rộng hầu bao với bà. Vì một lý do
nào đó chỉ riêng bà biết, bà luôn giữ tôi trong nhà, trừ lúc còn nhỏ tôi đi học,
nhưng chỉ học tới lớp Mười Một bà đã cho tôi nghỉ. Tôi sống trong sự bảo bọc của
bà, trong cả sự kiểm soát gắt gao và chặt chẽ một cách kín đáo. Bà luôn luôn có
mặt bên tôi khi có việc phải đi ra ngoài. Đôi mắt sắc lẽm của bà nhìn thấy hết,
hiểu hết. Bà ngăn ngừa mọi điều có thể xảy ra với tôi, ngờ vực mọi mối quan hệ
của tôi với bên ngoài cho đến khi, qua một trung gian bí ẩn nào đó mà chỉ có bà
mới biết, Lầu A Dưỡng bước chân vào nhà tôi và biến tôi từ một cô gái trong trắng
và ngốc nghếch chưa tròn mười sáu tuổi trở thành đàn bà.
Như đã nói, Mẹ tôi luôn là một người đàn bà kỳ diệu. Sau khi tôi ngủ với ông Lầu
A Dưỡng, Mẹ tôi hình như đẹp hơn. Ngoài những lúc đi chơi bài tứ sắc với bạn
thì bà đi Mỹ Viện, chăm chút cho nhan sắc của bà và số bạn của bà cũng nhiều
hơn xưa. Những tiện nghi trong nhà của chúng tôi cũng bắt đầu “ cao cấp “ hơn
trước. Vào lúc đó, Mẹ tôi đã mua được một căn nhà nhỏ trong một khu dân cư bình
dân, không giàu nhưng cũng chẳng quá nghèo. Họ cũng tạm đủ ăn và như hầu hết những
khu dân cư ở miền Nam V.N, chẳng ai chú ý đến ai, chẳng ai cần biết đến ai. Những
lần Lầu A Dưỡng đến ở với tôi vài tiếng đồng hồ, lúc ông ta ra về, đôi mắt sắc
lẽm của Mẹ tôi lại đảo quanh một vòng. Nhưng cư dân trong khu vực đó cũng chẳng
ai quan tâm tới người đàn ông lớn tuổi đang khập khiễng bước chân ra khỏi nhà
tôi, ngoài đường đã có một chiếc xe với tài xế riêng đang chờ ông ta. Ông ta bước
đi, khập khiễng nhưng dáng rất tự tin, rất kẻ cả. Cơ hồ như ông có khả năng giải
quyết được tất cả mọi rắc rối nếu có bằng tiền bạc của mình. Phong cách của ông
cũng có phần giống như Mẹ tôi, Mẹ tôi cũng rất tự tin theo cách của riêng mình.
Có lẽ bà cũng có phần đúng, bà ung dung sống, nhẹ nhàng sống, thoải mái sống
theo ý mình và chi phối được mọi người, dĩ nhiên kể cả tôi. Và cứ thế, khi thì
một tháng, khi hai ba tháng, Lầu A Dưỡng lại đến với tôi nhiều giờ hoặc một
đêm. Ông Lầu tỏ vẻ ân cần với tôi bằng sự ân cần với một món đồ mà đối với người
xử dụng vẫn còn nhiều giá trị. Ông ta lại ra về sáng nay. Khác với mọi lúc, lần
này tôi tiễn ông ra về. Ông ta lại bước đi, khập khiễng nhưng tự tin và bình thản.
Khu xóm nhỏ đã bắt đầu rộn ràng vào một buổi sáng bình thường. Vẫn không ai chú
ý đến ai, vẫn không ai biết. Trừ anh.
… Tự dưng tôi có cảm giác bất an sau khi ông Lầu ra về. Lúc tôi quay vào nhà định
đóng cổng, tôi chợt nhìn thấy anh đứng trên balcon của một căn nhà nhỏ gần đó
nhìn xuống. Anh nhìn thẳng vào tôi và ánh mắt của chúng tôi gặp nhau. Tôi sững
người trong một phút, toàn thân tê dại. Tôi nóng bừng cả người khi bắt gặp đôi
mắt của anh và đột nhiên, bằng một thứ trực giác kỳ lạ, tôi hiểu rằng anh đã biết
hết mọi chuyện. Xâu chìa khóa đang cầm trên tay tôi rơi xuống nền xi măng kêu
xoảng một tiếng như tiếng súng nổ. Tôi bỏ mặc cánh cổng còn chưa kịp đóng quay
lưng chạy vào nhà. Như một thói quen, tôi vươn tay đóng cánh của sắt sau lưng.
Cánh cửa đóng sầm lại, rít lên một tiếng lạnh lẽo.
…Tôi không hề biết anh cũng là cư dân ở nơi này. Có lẽ những buổi sáng khi gần
9 giờ tôi mới thức dậy thì anh đã đi. Chiều tối anh về thì nhà tôi đã đóng cửa.
Luôn luôn đóng như thế trừ lúc mở cửa cho ông Lầu A Dưỡng vào nhà rồi đóng cửa
trở lại. Khi trả lại chỗ ở trọ, Mẹ tôi đã mua lại căn nhà này và chúng tôi
không còn ở trong con ngõ nhỏ mà một buổi chiều mưa gió tôi bị ngã trên đường,
ướt đẫm từ đầu đến chân anh đã đưa tôi về. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, một
cánh tay đàn ông đã nắm tay tôi trong cơn mưa.
***
Mẹ tôi nhìn thẳng vào mắt tôi:
“ Sao ? Sao con lại không muốn ở đây nữa ? Mẹ không thấy có gì trở ngại khi ở
đây cả. Có chuyện gì vậy ? “ Không. Không có chuyện gì cả. Chỉ là con không muốn
ở đây nữa. Thế thôi. “
Chưa bao giờ tôi dám làm trái ý bà từ khi tôi còn nhỏ. Ở Mẹ tôi luôn luôn có một
thứ uy lực lạ lùng nào đó mà tôi bắt buộc phải tuân theo. Cả cuộc đời của tôi
cho đến nay mọi thứ đều do bà quyết định. Mọi thứ. Mọi chuyện. Tôi không hề có
mối quan hệ xã hội nào, kể cả bạn bè vì không thể. Sau khi nghỉ học, bà không
cho phép tôi tiếp tục gặp gỡ những người bạn học cũ. Và như một thứ tập quán,
tôi lại mặc nhiên tuân theo ý muốn của bà. Đây là lần đầu tiên tôi dám bày tỏ ý
kiến của riêng tôi với bà.
Mặt Mẹ tôi hơi tái đi. Đó là dấu hiệu của sự giận dữ và tôi đã thu mình trong sự
sợ hãi của mình từ rất nhiều năm. Giọng bà vẫn từ tốn, ngọt ngào nhưng cái nhìn
thì dữ dội:
“ Mẹ muốn biết tại sao. Con đã gặp ai rồi ? Ai đó đã nói điều gì với con phải
không ? “
“ Con không gặp ai cả, cũng không dám quen ai cả như Mẹ đã biết, như Mẹ đã muốn
“
Giọng nói của tôi đột nhiên có chút gì cay đắng nhưng ngay cả điều nhỏ nhoi đó
vẫn không thoát khỏi ánh mắt tinh tế của bà.
“ Con biết là lâu nay nhiều người đã để ý việc ông Lầu lui tới đây. Mẹ đừng
nghĩ là không ai biết. Nhiều khi ra trước hiên nhà tưới cây con đã nghe mấy bà
trong xóm này xì xào. Họ nói bóng gió với nhau rằng cả con lẫn Mẹ chỉ cần nằm
ngửa cũng có tiền. “
Mẹ tôi rít lên một tiếng, mặt bà bây giờ đã tái hẳn đi.
“ Con đĩ ngựa nào nói vậy hả ? “
“ Con không biết. Thậm chí còn không nhìn mặt họ nữa. Mẹ đã dạy con như thế mà
? Không giao du bè bạn với ai hết, không cần để ý tới ai hết, mọi chuyện đã có
Mẹ lo. Con đã làm đúng mọi thứ Mẹ muốn. Kể cả chuyện ông Lầu. Mẹ có hề hỏi là
con đồng ý hay không đâu ? “
Mẹ tôi đứng bật dậy, mặt tái xanh như một tàu lá. Bà bước vào trong mở tủ và lấy
ra xâu chuỗi ngọc mà ông Lầu tặng cho tôi vào dịp đầu tiên ông tới đây.
Bà dí sát xâu chuỗi vào mặt tôi, dằn từng tiếng nói qua kẽ răng.
“ Thế thì cái gì đây ? Thứ này là thứ vứt đi à ? “
Nước mắt tôi chảy tràn trên mặt.
“ Mẹ cứ giữ lấy. Con đâu cần thứ này làm gì ? Ngay khi ông Lầu ra về con đã đưa
cho Mẹ. Mọi thứ khác con đều đưa cho Mẹ. Đây là lần thứ hai con nhìn thấy nó.”
Giọng tôi nghẹn lại. Nước mắt từ đâu không biết cứ tuôn ròng ròng trên má. Mẹ
tôi lùi lại rồi ngồi phịch xuống ghế và lần đầu tiên tôi thấy bà như già hơn
trước.
Bà nói với tôi mà cứ như đang lẩm bẩm một mình.
“ Rồi làm sao đây ? Còn tiền nhà tiền cửa…còn hàng trăm thứ khác. Mà hai mẹ con
thì không biết phải làm gì… Rồi làm sao mà sống ? “
Bà nói đúng. Chúng tôi đã quen ăn sung mặc sướng nhiều năm nay so với người
khác mà không phải làm việc. Vẫn bằng một cách tính toán kỳ lạ và bí ẩn nào đó,
bà vẫn có tiền, cộng thêm với số tiền hàng tháng mà người Cha tôi chưa từng biết
mặt gửi cho. Không nhiều nhưng cũng đủ cho hai mẹ con tôi sống thong dong.
Nhưng có điều là từ khi tôi bắt đầu lớn lên, bà không bao giờ để tôi ra ngoài một
mình mà không có bà kế bên. Tôi cũng không hiểu Mẹ tôi còn có lý do kín đáo nào
khác trong việc này không nhưng bà nói rằng tôi còn dại dột và bà không muốn
tôi giao du hay gặp gỡ những kẻ xấu. Có lẽ đúng như thế vì trong cái xã hội mà
chúng tôi đang sống, người ta xâu xé nhau vì đồng tiền. Giữa vợ chồng, giữa anh
em ruột rà, giữa cha mẹ và con cái. Khu xóm nhỏ tôi ở không mấy khi yên tĩnh vì
những chuyện đó. Người ta ném vào mặt nhau những ngôn từ bẩn thĩu nhất, tục tằn
nhất. Bọn đàn ông chúi đầu vào rượu vì họ không còn biết làm gì khác sau một
ngày làm việc mệt nhọc. Những đồng tiền ít ỏi còn lại trong túi không đủ cho họ
làm thứ gì khác trừ việc nhậu. Dưới mắt Mẹ tôi, tôi hiểu bà tự xem mình như
một giai cấp khác, hơn hẳn so với những người lao động trong xóm. Bà giữ
một khoảng cách vừa đủ để không ai ghét nhưng cũng vừa đủ để tạo ra sự ngần ngại
cho những người muốn làm thân.
Đột nhiên trong lòng tôi tràn ngập một nỗi thương xót đối với bà. Tôi bước lại
ôm bà trong tay tôi. Tôi có một thứ cảm giác kỳ lạ như chính tôi mới là chỗ dựa
cho bà, mới là người bảo bọc và che chở bà.
“ Con không quen ai mà cũng không muốn làm cho Mẹ buồn. Nhưng con nghĩ là con
đã bắt đầu hiểu được nhiều thứ và con cần nhiều thứ khác. Con chỉ xin Mẹ là
mình chuyển đi chỗ khác ở. Thế thôi “
… Nhưng rồi việc chuyển đi nơi khác cũng không cần thiết nữa. Mấy ngày sau,
trong một cái khe nhỏ kín đáo sau cánh cửa sắt, tôi đã nhìn thấy anh – vẫn một
mình – lủi thủi và lặng lẽ chuyển đồ đạc lên chiếc xe tải nhỏ đậu trước nhà để
dọn đi nơi khác. Hình như anh ở trọ nơi căn gác đó, căn gác khuất sau những đám
cây xanh mà tôi đã vô tâm không để ý tới. Khi xe nổ máy chuyển bánh, anh ngồi
bên cạnh tài xế và ánh mắt anh nhìn đăm đăm vào cánh cửa sắt đóng kín nơi có
tôi đang đứng nép phía sau nhìn ra, đôi mắt u ẩn và buồn rầu. Tôi bất giác lùi
lại và đột nhiên nhận biết hai dòng nước mắt mình đang lặng lẽ chảy xuống.
… Thời gian về sau này Mẹ tôi ít nói, ít đi đánh bài với bạn của bà và ở nhà
nhiều hơn. Tôi có cảm giác như bà quan tâm đến tôi hơn trước, cách nói chuyện của
bà đối với tôi cũng nhẹ nhàng và ân cần hơn xưa. Có lẽ bà cũng ý thức được rằng
tôi đã là một cô gái trưởng thành, có những tâm tư riêng mà ngay cả với bà tôi
cũng không thể và không muốn thổ lộ. Tôi xin bà cho tôi đi học tiếng Anh ở một
trung tâm ngoại ngữ gần nhà, đắn đo mãi rồi bà cũng đồng ý nhưng vẫn đưa tôi đi
học và đón tôi về. Ông Lầu vẫn đến nhưng thưa dần. Ông hiểu – dĩ nhiên ông phải
hiểu – rằng ông có thể mua tôi nhưng không sở hữu được tôi. Tôi biết Mẹ
tôi và ông đang bàn bạc một chuyện gì đó quan trọng có liên quan đến tôi. Cuối
cùng dường như giữa họ đã đi đến một thỏa thuận nào đó. Ông Lầu vẫn tỏ vẻ ân cần
với tôi, trừ những lúc ông hổn hển trên người tôi với đôi mắt đục ngầu dục
tình.
Một đêm Mẹ tôi cho biết rằng chúng tôi sẽ đi Canada, chính thức xuất cảnh dưới
sự bảo trợ về tài chính từ A đến Z của ông Lầu. Ở Canada Mẹ tôi có một người cô
góa chồng đã lớn tuổi mà con cái bà làm việc ở xa nên không mấy khi về nhà. Bà
cô của tôi sẵn sàng bảo lãnh cho chúng tôi qua đó ở với bà cho đến khi nào Mẹ
tôi tìm được việc làm. Dẫu gì tôi cũng biết ơn ông Lầu. Ông có tiền, rất nhiều
tiền. Ông đã bỏ tiền ra mua thứ ông muốn có nhưng đã xử sự với món đồ ông đã
mua một cách có hậu, có lẽ cũng nhờ phần lớn vào sự sắp xếp khéo léo của Mẹ
tôi.
Một lần đón tôi đi học tiếng Anh ở trung tâm ngoại ngữ về, Mẹ tôi đã nhìn thấy
tôi khi tôi từ trong lớp đi ra và đang trò chuyện vui vẻ với một cô bạn cùng lớp
mà không hề biết bà đang chăm chú nhìn mình. Khi tôi ra đến cổng trường gặp bà,
tôi có cảm giác như bà nhìn tôi bằng một ánh mắt rất lạ.Trên chiếc xe gắn máy
chở tôi về đêm đó, bà đột nhiên đưa tay ra sau nắm lấy tay tôi.
“ Con lớn quá rồi. Lớn thật rồi.”
Và tôi nghe tiếng bà lặng lẽ thở dài.
***
…Tôi không nói dối với Mẹ tôi vì tôi không hề biết anh trước đó. Trước khi mua
căn nhà này, - căn nhà mà ông Lầu thường lui tới - tôi và Mẹ ở trọ gần một
khu chợ nhỏ nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa của quận Bình Thạnh, nơi tôi đang học
lớp Mười. Đó là một khu chợ trời láo nháo, mua bán những thứ phụ tùng xe gắn
máy cũ và những thứ linh tinh khác. Vào những năm 80, rất nhiều người đã phải
ra vĩa hè kiếm sống. Ở đó có lần Mẹ tôi gặp lại một người quen cũ, một ông Đại
Úy lái máy bay trực thăng trong cùng căn cứ Không Quân mà Cha tôi đã từng làm
việc trước đây. Bà đã đi cùng tôi qua con đường đó nhiều lần và lần nào cũng ngờ
ngợ nhìn người đàn ông lam lũ, áo quần dính đầy dầu mỡ đang hí hoáy làm việc,
ông Đại Úy phi công hào hoa từng bay lượn trên bầu trời những năm xưa. Sau cùng
thì họ cũng đã nhìn ra nhau. Ông mời chúng tôi vào “ gian hàng “ của ông, cái
gian hàng tội nghiệp đầy những thứ linh tinh cũ kỹ. Họ cùng nhau ôn lại kỷ niệm
về những năm xưa, về những người quen cũ và về Jack – tên của Cha tôi - về những
ngày trong căn cứ Không Quân Biên Hòa. Ông Sự – tên ông Đại Úy hồi trước – kể
cho Mẹ tôi nghe rằng ông và rất nhiều người đang mua bán kiếm sống tạm bợ ở đây
hầu hết đều là những sĩ quan đi tù về, toàn là những người có học. Trừ một số
láo nháo khác làm bất cứ nghề gì để kiếm sống, số sĩ quan còn lại chỉ giao hảo
với nhau mà không kết thân với ai. Họ có lòng tự trọng của mình và ai cũng chuẩn
bị cho một ngày ra đi, nếu không đủ điều kiện đi theo diện H.O. thì cũng
âm thầm tìm cách vượt biên.
Hôm đó ông Sự giới thiệu với Mẹ tôi hai người
bạn của ông, một ông khá già cũng ở tù ra như ông và một thanh niên khác, có lẽ
lớn hơn tôi chỉ mươi tuổi. Anh tên là Quân, ngày xưa cũng từng ở trong quân đội
và cũng đã từng tác chiến, bị thương hư mất một con mắt. Con mắt giả bằng nhựa
của anh làm anh có vẻ hơi dữ và khi bước vào chào chúng tôi, anh cứ ngẩn người
ra nhìn tôi, nhìn mãi không chớp mắt. Mẹ tôi có lẽ khó chịu với cách nhìn của
anh nên chỉ hỏi han anh một cách lạnh nhạt, có vẻ như bà đang có điều gì đó làm
cho bà e dè và thận trọng. Tôi bối rối với tia nhìn của anh nhưng không hiểu
sao lại thích ánh mắt ấm áp có đôi chút tò mò của anh trong con mắt trong veo
còn lại, tia nhìn hiền lành và ngay thẳng của những người lương thiện và giàu
lòng tự trọng. Ông Sự cười ha hả nói đùa với Mẹ tôi rằng người bạn trẻ của ông
– anh Quân – mới gặp tôi đã bị sét đánh. Mẹ tôi nghiêm nét mặt lại, không nhìn
Quân nhưng cách nói đã có vẻ không còn thân mật với anh như trước. Bà luôn dè dặt
và đề phòng tất cả nếu điều đó có chút dính dáng đến tôi.
Mẹ tôi chuyển qua chuyện khác:
“ Anh mua bán thế này rồi…sống được không ? “
“ Ôi tạm thôi chị. Lây lất tìm cách đi hay chờ ngày đi thôi. Chúng tôi mua bán
vớ vẩn ở đây nhưng vẫn phải đóng thuế. Tiền hoa chi hàng ngày trả cho phường
nhưng thỉnh thoảng Công An vẫn đến “ hốt “ sạch sẽ , họ bảo rằng đây là đồ gian
không rõ nguồn gốc. Nguồn gốc quái gì mấy thứ vớ vẩn này ? Đói khổ quá, ai có
cái quạt máy thì đem bán cái quạt, ai còn Radio thì đem bán Radio. Kiếm gạo qua
ngày thôi. Ông bán đồ điện linh tinh bên kia đường là Thiếu Tá Thiết Giáp đó chị,
ở tù về ra vĩa hè kiếm sống, vợ con không biết phiêu dạt nơi nào. Ở đây anh em
tù chúng tôi giúp đỡ lẫn nhau tạm qua ngày thôi. Chúng tôi đứa đi phụ hồ, đứa đạp
xích lô, đứa sửa xe đạp. Đủ cả .”
Mẹ tôi thở dài đứng lên:
“ Thôi tôi về. Anh cố gắng cho qua thời buổi này đã rồi tính sau. Tôi … tôi
cũng không khá giả gì để giúp được cho anh. Chắc anh hiểu. Tôi chỉ có một con
bé này mà nuôi nó cũng đã mệt rồi “
Khi chúng tôi ra về, ông Sự ngần ngừ rất lâu rồi mới hỏi nhỏ Mẹ tôi:
“ Xin chị bỏ qua vì câu hỏi của tôi có chút riêng tư và nếu chị không muốn trả
lời thì thôi vậy. Trước đây tôi cũng từng nhiều lần bay chung với Jack. Cháu bé
con chị có phải là con của Jack không ? Cháu bé giống Jack lắm, như đúc từ một
khuôn vậy . “
Đến lượt Mẹ tôi cũng ngần ngừ rất lâu. Bà nhìn thẳng vào mặt ông Sự và chậm rãi
trả lời :
“ Đúng vậy. Nhưng sau khi Jack về Mỹ chúng tôi không còn liên lạc với nhau nữa.
Xin anh giữ kín chuyện này. Có lẽ chúng tôi cũng tìm cách ra đi thôi. “
“ Chị vẫn ở một mình ? “
Mẹ tôi bối rối một thoáng :
“ Vẫn một mình… Đôi khi như thế “
***
Tôi gặp lại anh nhiều lần sau. Những lần đi ngang qua đường Bùi Hữu Nghĩa với Mẹ,
tôi thường cố ý đi chậm lại để tìm Quân. Chúng tôi mĩm cười kín đáo gật đầu
chào nhau nhưng Mẹ tôi không hề hay biết. Khi làm như tình cờ ngoảnh lại, tôi vẫn
thấy anh nhìn theo tôi rất lâu. Con mắt trong veo còn lại của anh làm tôi bối rối,
những bước chân đi cứ xoắn lại với nhau như sắp vấp ngã. Giữa tôi và Quân có một
bí mật mà chỉ có tôi và anh biết, một bí mật làm tôi thích thú và giữ kín trong
lòng.
Hôm ấy cũng là một ngày trời mưa lớn. Mẹ tôi bị sốt đã mấy ngày và tôi phải đi
ra một tiệm thuốc tây ở cuối đường Bùi Hữu Nghĩa để mua thuốc cho bà. Trên đường
về, cơn mưa ào tới rất đột ngột. Tôi ướt từ đầu đến chân và trượt chân ngã ở một
chỗ đầy bùn đỏ trên đường, mấy hộp thuốc cầm trên tay văng tung tóe. Một cánh
tay đàn ông vững chải đã đỡ tôi đứng lên và khi ngước khuôn mặt nhòe nhoẹt nước
mưa của mình lên tôi nhận ra Quân. Anh đẩy tôi vào một mái hiên khuất bên đường
để trú mưa và khi đang lúi húi nhặt lại những hộp thuốc tôi đã đánh rơi, đột
nhiên anh la lên một tiếng hoảng hốt. Tôi sợ hãi hỏi anh:
“ Có chuyện gì vậy anh ? “
Anh vẫn đang đưa tay sờ soạng trên mặt đường ngập nước mưa đang cuồn cuộn chảy
nhưng hình như đã không tìm lại được thứ anh đang tìm. Một lúc sau khi anh bước
vào, tôi lo âu hỏi :
“ Anh đánh rơi cái gì thế ? “
“ À…không có gì. Tôi sơ ý làm rơi con mắt giả khi đang lúi húi nhặt những hộp
thuốc cho cô. Nhưng có lẽ nước chảy mạnh quá nên nó bị trôi đi đâu mất không
tìm được nữa. Thôi không sao. Tôi sẽ tìm mua con mắt khác. Không có nó thì cũng
phiền lắm “.
Tôi áy náy nhìn anh. Do tôi cả, nếu anh không lao ra đường trong cơn mưa để đỡ
lấy tôi khi tôi ngã, giúp tôi nhặt lại những thứ đã đánh rơi thì anh đã không mất
con mắt giả đó. Trong lòng tôi đột nhiên dấy lên một niềm thương cảm. Anh đang
đeo một đôi kính trắng ướt nhòa nước mưa nên tôi chẳng thể nhìn thấy con mắt
thương tật của anh. Tôi đang định xin lỗi anh thì anh đã nói, giọng dịu dàng và
ấm áp :
“ Tôi đã đợi em nhiều ngày nay…Tôi đã nhìn thấy em đi qua nhưng không ngờ chiều
nay lại mưa bất ngờ và lớn như thế. Em đợi tôi lấy cái áo mưa “.
Tiếng anh nói với tôi loáng thoáng trong tiếng mưa đang đổ sầm sập trên
đường, vẫn là giọng nói hồn nhiên, trong vắt như chưa có gì rắc rối vừa xảy ra.
Khi anh choàng chiếc áo mưa lên người tôi, tay anh lại chạm vào vai tôi.
“ Em cứ mặc cho đỡ lạnh. Cùng khoác chung một cái áo mưa sợ…không tiện cho em.
Tôi chịu ướt quen rồi. Để tôi đưa em về “
Giọng nói của anh có gì đó rất tự nhiên làm tôi tin tưởng. Chỉ đi cùng nhau một
đoạn đường ngắn mà tôi như người đang say. Cũng không nhớ nổi tôi đã nói cùng
anh những gì, chỉ loáng thoáng nghe rằng anh đã chờ đợi tôi nhiều ngày chỉ để
được nhìn thấy tôi. Phần tôi, tôi bối rối đến nỗi chẳng trả lời anh được một
câu cho ra hồn. Khi đến gần ngõ nhà tôi thì cơn mưa đã ngớt. Anh đứng lại :
“ Thôi em vào đi. Có lẽ không nên để cho bà biết là tôi đã đưa em về “
Tôi ngập ngừng cảm ơn anh và bước vào trong ngõ sau khi đã cởi chiếc áo mưa trả
lại anh. Chỉ đến lúc ấy tôi mới thấy tiếc đã nói chuyện cùng anh quá ít và
quãng đường mà chúng tôi cùng đi với nhau cũng quá ngắn.
“ Em… cảm ơn anh nhiều “
“ Tôi…tôi… cảm ơn em mới đúng. Tôi sẽ không bao giờ quên buổi chiều mưa hôm nay
“. Anh thì thầm với tôi, khuôn mặt trắng nhợt vì lạnh.
Tôi quay người đi vào trong hẻm không nhìn lại, không dám nhìn lại nhưng vẫn có
cảm giác nóng ran sau gáy. Vì tôi biết chắc chắn anh vẫn đứng đó, quần áo ướt đẫm
dưới những hạt mưa còn lất phất bay và nhìn theo cho đến khi khuất bóng tôi.
Sau đó một thời gian tôi không còn cơ hội để gặp lại anh nữa vì lúc đó Mẹ
tôi đã mua được nhà, không phải là căn nhà trọ mà anh đã từng biết hôm anh đưa
tôi về. Tôi không còn gặp anh mà cũng không thể gặp vì anh đã dọn đi nơi khác
sau buổi sáng anh nhìn thấy ông Lầu bước ra khỏi nhà tôi. Có lẽ anh đã nhiều lần
nhìn thấy như thế dù tôi hoàn toàn không biết. Hai năm trôi qua nhưng
chúng tôi không còn gặp lại nhau lần nào. Tôi đã tìm lại nơi anh đã làm
việc ở đường Bùi Hữu Nghĩa, nơi mà một buổi chiều vì giúp tôi trong cơn mưa mà
anh đã đánh mất con mắt bằng nhựa của mình nhưng anh đã không còn ở đó. Khi tìm
gặp ông Sự - người quen trước đây nơi tôi đã gặp anh – ông Sự chỉ biết rằng
anh đã đi ra miền Trung, không còn sống ở SaiGon nữa. Tôi không một lần nào còn
nhìn thấy anh cho đến khi Mẹ tôi và tôi lên máy bay qua Canada. Khi máy bay cất
cánh, tôi nhìn ra khung cửa sổ, nhìn lại mảnh đất mà tôi đã ở gần hai mươi năm
và nghẹn ngào trong lòng. Tôi thầm thì với mình và nước mắt lặng lẽ chảy dài
trên má. Em đi đây…em đi đây Quân. Quân ở lại nhé…Vĩnh biệt Quân. Em yêu anh…
Em yêu anh…
***
Đến Canada được một tháng thì Cha tôi tìm gặp chúng tôi. Có lẽ tôi sẽ không bao
giờ quên được lúc đó. Ông bước vào nhà, gật đầu chào bà cô tôi, chào Mẹ tôi rồi
ôm choàng lấy tôi. Rất tự nhiên, không hề có chút nghi ngại nào như ông đã ở với
tôi nhiều năm và như giữa chúng tôi chưa từng xa cách bao giờ. Tôi cũng vậy, có
điều gì đó không thể giải thích được trong sự tương quan về huyết thống làm tôi
tin tưởng vào người mà bây giờ tôi đang gọi bằng Cha, người mà tôi chưa từng gặp
mặt từ lúc sinh ra đời. Bằng cái vốn tiếng Anh kha khá của mình, vài hôm sau
tôi cũng dần dần hiểu được những điều ông nói. Cha tôi ở khách sạn những ngày
ông đến Canada thăm chúng tôi. Ông muốn tôi về Mỹ ở với ông và đã xin phép Mẹ
tôi về việc này. Bà hỏi ý tôi và tôi đã bằng lòng.
Tôi thực sự muốn quên hết quá khứ ảm đạm của mình và tôi hiểu rằng Mẹ tôi cũng
muốn như vậy, nhưng có lẽ khó lòng mà quên được nếu Mẹ tôi và tôi vẫn còn ở
chung với nhau. Khi nói chuyện với Cha tôi, bà luôn tránh né những câu hỏi của
Cha tôi về những ngày sống ở Việt Nam và dĩ nhiên về chuyện ông Lầu.
Trong đời người, có lẽ chúng ta cần quên đi những điều không cần phải nhớ
tới, cũng không làm cho ai hạnh phúc. Một tháng sau Cha tôi đưa tôi qua Mỹ.
Ngày đưa tôi ra phi trường, Mẹ tôi nắm chặt tay tôi. Bà thầm thì rất nhỏ với
tôi lúc tôi chuẩn bị lên máy bay :
“ Mẹ xin lỗi con về những việc đã xảy ra. Con tha lỗi cho Mẹ “
Mẹ tôi có lỗi với tôi không ? Tôi không biết và cũng không thể tự trả lời mình
về câu hỏi này. Lòng tôi trống rỗng kể từ ngày tôi trở thành một người đàn bà,
từ ngày không còn gặp lại Quân, người thanh niên trẻ trung đã đưa tôi về nhà trọ
trong cơn mưa sau khi đánh rơi mất con mắt bằng nhựa của mình. Nhưng con mắt thật
với tia nhìn ấm áp của anh thì vẫn còn lại trong tôi, vẫn ấm áp cho đến tận bây
giờ.
***
Cuộc sống của tôi đã dần dần ổn định sau ngày tôi về sống với Cha tôi. Vợ của
ông - dì Helen - đang làm việc trong một thư viện là một người đàn bà cởi
mở và dễ tính. Bà và Jim, em trai cùng Cha khác Mẹ của tôi chấp nhận tôi như một
thành viên mới trong gia đình một cách dễ dàng, thân thiện như một điều tự nhiên.
Tôi bắt đầu cuộc sống của riêng mình như một cô gái đã trưởng thành, tôi được sống
cho mình, cho những ước mơ của riêng mình. Những ký ức trong quá khứ ảm đạm của
tôi cũng dần dần phai nhạt. Tôi nghĩ rằng nếu vẫn ở V.N có lẽ tôi cũng sẽ có một
cuộc đời giống như Mẹ tôi, chẳng thể hơn gì. Tôi quá phụ thuộc vào những quyết
định của Mẹ, điều đó như một thứ tập quán vì khi tôi sinh ra cho đến năm 16 tuổi
tôi không có Cha. Đến bây giờ, tôi đã hiểu rõ rằng mối tương quan giữa tôi và
ông Lầu là do mẹ tôi tính toán từ trước. Bằng tất cả mọi cách, Bà giữ cho tôi
nguyên vẹn để trao vào tay ông Lầu và để đổi lại, Bà có thêm một số tiền lớn –
khá lớn - để Bà và cả tôi có một cuộc sống ung dung mà không cần phải
làm gì. Nhan sắc và tuổi trẻ của tôi bảo đảm cho chúng tôi điều đó, ít nhất là
cho đến khi ông Lầu chán chê tôi và muốn tìm một cô gái khác trẻ đẹp hơn . Đó
là điều chắc chắn sẽ xảy ra và đến lúc đó, hẳn Mẹ tôi lại tìm một người đàn ông
khác cho tôi. Và lần này, “ cái giá “ của tôi sẽ thấp hơn nhiều.
Cha tôi không biết gì về quá khứ của tôi và tôi nghĩ rằng tốt hơn là ông
không nên biết. Điều đó chắc chắn sẽ làm cho ông bị shock và sẽ làm tổn hại đến
mối quan hệ còn lại giữa ông và Mẹ tôi. Như một cách thức để bù đắp cho tôi
trong những ngày tôi được sinh ra và lớn lên mà không có ông, Cha tôi quan tâm
đến tôi nhiều và hay trò chuyện cùng tôi. Ông xem tôi như một người bạn nhỏ và
ông kể nhiều chuyện cho tôi nghe về những ngày chiến tranh khi ông còn ở VN,
cho tôi xem những tấm hình cũ kỹ ông cất giữ đã mấy mươi năm về căn cứ Không
Quân ở Biên Hòa, nơi mà Cha tôi sống trước đây khi ông còn trẻ.
Những khi một mình, tôi vẫn thường tự hỏi bên kia nửa vòng địa cầu Quân đang ở
đâu và đang làm gì để sống ? Tôi hoàn toàn không biết. Tôi mất liên lạc với anh
kể từ ngày anh bỏ cái xóm nhỏ nghèo nàn đó ra đi khi nhìn thấy nhiều lần ông Lầu
đi ra từ nhà tôi vào những sáng sớm. Những lúc đêm về còn lại một mình trong
phòng ngủ tôi da diết nhớ anh. Nhớ con đường Bùi Hữu Nghĩa lầy lội nước buổi
chiều anh đưa tôi về dưới cơn mưa. Nhớ đôi mắt anh nhìn tôi, cái nhìn đau đớn
khi biết câu chuyện của tôi.
… Anh ạ, em còn quá nhỏ, quá khờ dại và quá yếu đuối để có thể chống cự với cuộc
đời. Em đã bị xô đẩy vào cái dòng thác nhầy nhụa và đen tối đó, bất lực nhìn thấy
mình chìm sâu xuống đáy không ngoi lên được. Tôi ngủ thiếp đi với những giọt nước
mắt đầm đìa trên má…
***
Cuộc đời tôi bây giờ đã hoàn toàn đổi khác. Tôi ghi danh đi học lại ở một trường
Trung Học địa phương và trông coi sổ sách cho Cha tôi, ông là chủ một doanh nghiệp
nhỏ chuyên về cung ứng đồ gia dụng. Cha tôi muốn làm mọi thứ để bù đắp lại cho
tôi còn dì Helen và Jim giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc học. Tôi biết ơn mọi
người, kể cả Cha tôi và đã dần dần thích nghi với cuộc sống mới.
... Tôi gặp lại Quân như một phép lạ. Tôi gặp anh trong chính căn nhà của Cha
tôi – căn nhà của chúng tôi – khi Jim, cậu em cùng cha khác Mẹ của tôi lái xe
đưa tôi về. Hôm ấy là một ngày cuối tuần và Cha tôi đang trò chuyện với những
người bạn của ông trong phòng khách, trong số đó có Quân. Anh nghe tiếng bánh
xe nghiến trên những hòn sỏi kêu lạo xạo trên sân khi đang ngồi nói chuyện với
Cha tôi và quay mặt ra ngoài. Tôi bước vào và tái nhợt đi khi nhìn thấy
anh. Cái sắc trên tay tôi rơi xuống và cả hai cùng “ ủa “ một tiếng rồi sững sờ
nhìn nhau. Hình như một thế kỷ đã trôi qua khi hai chúng tôi lao đến ôm chầm lấy
nhau. Những giọt nước mắt tràn trề trên má tôi khi chúng tôi cùng run rẩy và cứ
lắp bắp những câu không đầu không đũa. Quân thở hổn hển bên tai tôi:
“ Em… anh thương nhớ em biết bao nhiêu… ! “
Tôi ôm chặt Quân, cổ họng nghẹn ứ không nói được tiếng nào.
Cha tôi, Jim và những người bạn của ông kinh ngạc ngẩn người ra khi nhìn
chúng tôi ôm nhau, vừa khóc vừa cười. Rồi Cha tôi là người đầu tiên cất tiếng
cười ha hả, ông có vẻ rất vui và rất bất ngờ khi biết rằng tôi và Quân là những
người quen cũ và… hơn cả như thế nhiều lần.
… Một năm sau khi tôi nằm trong vòng tay Quân trong tuần trăng mật của
chúng tôi ở Hawaii, chồng tôi mới kể cho tôi nghe tất cả những chi tiết mà tôi
còn chưa biết tới. Quân chính là người lính bị thương mà Cha tôi đã cứu thoát
trong trận chiến mấy mươi năm trước ở Việt Nam, anh là người lính sống sót duy
nhất trong chiếc trực thăng lỗ chỗ đầy vết đạn mà Cha tôi đã cố gắng bay về căn
cứ. Và anh cũng là người cứu thoát Cha tôi, khi anh đang đầm đìa máu từ những vết
thương trong chiến trận nhưng bằng chút sức tàn còn lại, anh vẫn cố gắng lao tới
khẩu súng của người xạ thủ phi hành đã tử trận và bắn những loạt đạn sinh tử cuối
cùng. Một mảnh vụn sắt thép nào đó từ chiếc máy bay đang bị trúng đạn đã bắn
vào mắt anh và khi chiếc trực thăng lết về được căn cứ, một người phóng viên
chiến trường đã kịp chụp lại mấy tấm hình của anh và Cha tôi khi ông đang dìu
anh bước ra khỏi chiếc trực thăng, một bên mặt của anh lúc đó đang đầm đìa máu.
Lúc đó Cha tôi vẫn còn chưa biết là Quân sẽ bị hỏng mất một con mắt vì không kịp
cứu chữa. Cha tôi đã kể lại cho tôi nghe chuyện này và tôi cũng đã được Cha tôi
cho xem mấy tấm hình nhưng không thể nào nhận ra được Quân chính là người lính
đó. Bức ảnh ố vàng từ mấy mươi năm trước lưu giữ hình ảnh hai người, Cha tôi mặc
đồ bay và người kia, một người lính rằn ri áo quần tơi tả, một bên mặt đẫm máu
đang dìu nhau đi. Họ đã gặp lại nhau trên đất Mỹ, cũng tình cờ như đã cứu sống
nhau trong chiến trận. Tình bạn trong cơn sống chết cùng nhau mấy mươi năm trước
làm hai người đàn ông nhanh chóng thân thiết với nhau dù Cha tôi lớn tuổi
hơn Quân rất nhiều. Con mắt bị thương của Quân bây giờ là một con mắt bằng nhựa.
Quân kể cho tôi nghe anh đã tìm đủ mọi cách để vượt biên sau khi nhìn thấy ông
Lầu ra khỏi nhà tôi nhiều lần vào buổi sáng sớm khi còn ở Việt Nam.
Rồi anh thầm thì với tôi khi vẫn ôm tôi trong tay :
“ Ngay từ lúc anh gặp em lần đầu tiên ở chỗ ông Sự, anh cứ ngờ ngợ như anh đã từng
gặp em ở đâu rồi nhưng không tài nào nhớ được. Anh cứ chăm chú nhìn em là vì thế.
Khi gặp lại em trong nhà của Cha anh mới nhớ ra vì em rất giống Cha. Nhưng lúc
anh bị thương rồi được Cha cứu đưa anh bay về căn cứ, một mắt anh đầy máu nên
khuôn mặt của ông cứ lòa nhòa không nhìn rõ được. Khi nằm viện để chữa vết
thương Cha có đến thăm anh và chỉ khi đó anh mới nhìn rõ mặt ông. Mà cũng gần
hai mươi năm rồi. Sau khi dọn đi khỏi căn xóm nhỏ ngày đó thì anh ra miền Trung
rồi vượt biên cùng với gia đình một người bạn cũ trong quân đội hồi trước. May
mà đi thoát. À, mà trước ngày đi Canada em vẫn còn ở chỗ cũ chứ ? Cái chỗ mà
anh nhìn thấy…”
Tôi vội vã ngắt lời anh.
“ Đúng vậy anh. Em vẫn ở đó. “
“ …Mà thôi, anh cũng không cần biết thêm làm gì. Hỏi em chuyện cũ một lần thôi.
Quan trọng nhất bây giờ là mối ân tình giữa anh với Cha em. Dĩ nhiên cả anh và
em nữa. Thế thôi “
“ Thế thôi “.
Chỉ ngắn gọn có vậy. Anh không hề hỏi thêm tôi lấy nửa câu về những lần
anh nhìn thấy ông Lầu len lén ra khỏi nhà tôi ở VN vào những lúc sáng sớm.
“ Thế thôi “.
Giọng anh vẫn trong veo và vẫn giản dị như có lần trong một buổi chiều mưa lớn
anh đã kịp nắm tay tôi khi tôi trượt ngã. Rồi sau cú ngã nặng nề nhất trong đời,
số mệnh lại cho chúng tôi tìm lại được nhau và anh vẫn kịp nắm tay tôi cho đến
tận bây giờ. Anh đã mất một con mắt giả vì tôi trong cơn mưa nhưng bây giờ anh
lại có cả đôi mắt thật : Đôi mắt của tôi. Và cả tôi nữa, tôi cũng đã tìm lại được
người đàn ông của đời mình, người đàn ông có một con mắt bằng nhựa.
Nhu Khong
No comments:
Post a Comment