Sau ngày 30 tháng Tư
năm 1975, nhân dân Miền Nam Việt Nam lâm vào một tâm trạng hoang mang tột độ,
mịt mù trước tương lai, lo âu cho cuộc sống hằng ngày. Tại Bệnh viện Vĩnh Long,
mặc dầu tôi đã không còn trách nhiệm gì nữa mà anh chi em nhân viên cứ bám lấy
tôi để dò hỏi, làm như tôi có phép mầu nhiệm gì để giải tỏa được những thắc mắc
đang quay cuồng trong trí óc mọi người.
Những người thay thế tôi cố sửa đổi bộ mặt của bệnh viện bằng cách cho sơn vẻ
khắp nơi những khẩu hiệu cách mạng mới, mà đắc ý nhất là câu "Lương Y như
Từ Mẫu", không biết lượm được ở đâu, mà cứ nhan nhản khắp nơi, từ ngoài
cổng, cầu thang, hành lang cho đến phòng thay áo, nhà tắm...như cố nhét vào đầu
óc mọi người để tranh thủ cái độc quyền đạo đức nhân từ mà chỉ riêng người thầy
thuốc cách mạng mới xứng đáng với hai chữ lương y.
Một hôm, tôi bước vào phòng trực y tá để thăm hỏi, thì thấy anh chị em đang
quây quần tán gẫu, lẽ tất nhiên cũng không ngoài đề tài số một là gạo cơm lương
bổng sẽ ra sao. Bên cạnh là bàn thờ tổ quốc, một thứ trang trí mới trong tất cả
các phòng, bất luận là chuyên môn hay hành chánh, bên trên vẫn là cái câu nhân
từ bất hủ đó. Một nữ hộ sinh chỉ vào khẩu hiệu, ngao ngán bảo với tôi: "
Ông Thầy biết không, chúng em bị một phen mừng hụt vì nó đấy ", rồi lấm
lét nhìn ra cửa, nói tiếp: "Chiều nay khi mấy chú cán bộ vào kẻ khẩu hiệu,
khi ngang tới chữ "Lương y như..." chúng em mừng quá reo lên vì cứ
tưởng là lương y như tháng trước, không ngờ nó lại là như...từ mẫu!".
Thế rồi vì không hiểu duyên nợ nghề nghiệp gắn liền hay đạo đức cách mạng chu
đáo lo cho chúng tôi mà các bậc từ mẫu đó, tuy khoác áo lương y nhưng lại cư xử
theo tư cách một... cai ngục, đã đeo đẳng mãi chúng tôi trên suốt đoạn đường
dài "cải tạo".
Sau những năm dài da diết trong rừng sâu Sơn La, trên biên giới Hoa Việt, cuối cùng,
vì có chiến tranh với Trung quốc, chúng tôi được áp tải về một trại giam gần Hà
Nội, một trại giam "kiểu mẫu", một thứ "cây kiểng" để chế
độ trình diễn chính sách khoan hồng nhân đạo với thế giới bên ngoài. Trong cái
tủ kính bày hàng đó, lẽ tất nhiên săn sóc sức khỏe cho tù là "ưu tư hàng
đầu" của Ban Giám thị và vị lương y phải được đóng vai kép chính.
Trại Nam Hà, cách Chùa Hương không xa, được thời cuộc nâng lên hàng danh lam
thắng cảnh để cho quan khách ngoại quốc lui tới viếng thăm, từ Hội Ân Xá Quốc
Tế, báo chí Tây phương, các nghiệp đoàn cộng sản Pháp cho tới cả "đồng
chí" Chandra Chủ tịch Hội đồng Hòa bình Thế giới v.v... Từ trại nhìn ra,
cảnh đẹp như tranh, xa xa những núi đá vôi nho nhỏ, đủ hình đủ dạng, nổi lên
trên một mặt nước phẳng lì thơ mộng trông như Vịnh Hạ Long. Cái mặt nước phẳng
lì hiền hòa đó, không ai ngờ là một thứ hàng rào thiên nhiên vô cùng độc hại,
là những đầm sình lầy cát lở đã nuốt sống biết bao là tù nhân trốn trại.
Bệnh xá nằm dưới chân đồi, trước sân có hòn non bộ với Lã Vọng ngồi câu, bên
dưới là bể cá vàng lừ đừ lội nhìn chúng tôi bằng cặp mắt thờ ơ chán ngán, trên mái
hiên treo đầy lồng chim đủ màu đủ loại, suốt ngày hót líu lo như để mỉa mai tâm
trạng héo hắt tơi bời của chúng tôi.
Tất cả cái thú xa xỉ trưởng giả đó đã được đánh đổi bằng xương thịt của chúng
tôi qua sự cắt xén tiền thực phẩm vốn đã vô cùng đói rách. Cá thia vàng, chim hoàng
yến, chim họa mi tung tăng bay nhảy, đã được mấy ngàn cặp mắt tù sâu hoắc và
phờ phạt vì thiếu ăn, thèm thuồng nhìn qua giá trị của mấy chục gờ ram prôtêin
mà vô cùng tiếc rẻ, vì nó đang nằm trong tầm tay mà lại ngoài tầm... bao tử.
Cây kiểng trước sân được chăm sóc tỉ mỉ mà mỗi lần gọt tỉa là một dịp cho chúng
tôi lượm lá rụng nấu thành một bữa rau để dành giựt nhau, tuy vừa dai vừa đắng
nhưng màu đỏ của nước lá dền cũng cho chúng tôi ảo tưởng bổ dưỡng của chất sinh
tố B12. Cái quang cảnh thần tiên của bệnh xá đó đã được lên hình trên báo Liên
Xô và được tô điểm đến độ mỗi lần thuyết trình cho phái đoàn ngoại quốc, viên
giám đốc trại cũng không bao giờ quên luyện giọng một cách thành thực:
"Tôi chỉ mơ ước được sống như những trại viên (ý nói từ chúng tôi)".
Tiếc thay!!!
Đến đây tôi mới hiểu tại sao anh em tù Nam Hà gọi cán bộ bằng "Chèo"
(phường chèo), trắng trợn đến độ ban giám thị phải gọi lên chỉnh: "Cán bộ
thì có nam có nữ, cớ sao các anh lại gọi bằng "chèo đực, chèo cái",
nghe chẳng "văn hóa" tý nào".
Trại có một mật độ chuyên viên y khoa cao nhất thế giới, trong số hai ngàn
người (tù) thì có đến hai mươi bác sĩ (cũng tù). Tất cả đều phải lao động khổ
sai như nhau, đập đá, đốn củi, ngâm mình dưới nước để kéo cày thay trâu..., trong
khi trên bờ đê, cán bộ cầm cái roi dài quất qua quất lại khiến cho tù ở dưới
ruộng không hiểu là mình đang còn ở kiếp người hay đã đầu thay qua kiếp khác
làm trâu bò.
Phần điều trị được nhường lại cho những người ngoài ngành y tế được lựa chọn
theo tiêu chuẩn hạnh kiểm và mức độ hợp tác. Tuy nhiên, bất đắc dĩ bệnh xá phải
giữ lại một vài bác sĩ tù để vừa giúp đỡ trong việc chuyên môn, để đọc các tên
thuốc bằng ngoại ngữ, vừa để làm kiểng cho phái đoàn ngoại quốc xem, vừa để dạy
cho các bác sĩ (không phải y khoa) cách mang ống nghe, cách bắt mạch v.v...
Người được chọn ở lại bệnh xá là một đồng nghiệp đàn anh, từng tốt nghiệp đại học
Paris khi tôi chưa vào trường y khoa, từng giữ nhiều chức vụ điều khiển trong
ngành y tế miền Nam, nay đã lớn tuổi được anh em rất nể nang nên tôn làm
"đại ca". Đại ca còn có thêm biệt hiệu nữa là "Vua cháo heo"
vì thỉnh thoảng được anh em nuôi heo cho cán bộ, thương tình làm ngơ để cho múc
một lon cháo heo (dĩ nhiên là béo bổ hơn cơm tù ) rồi vụt chạy cho cán bộ khỏi
thấy. Thế là tối hôm đó được một đêm huy hoàng. Sau khi chiếc khóa sắt nặng nề
rột rạt khóa kín cửa chuồng lại, chúng tôi bao quanh đại ca, bên cạnh lon cháo
heo bốc khói thơm phức, vừa xem đại ca lim dim đôi mắt thưởng thức từng hạt bo
bo cháy khét mà tưởng chừng như ăn trứng caviar, vừa để đại ca kể lại cho đàn
em nghe những ngày vàng son còn du học trên đất Pháp, những đêm liên hoan trên
đường phố Montmartre Paris...
Chỉ huy bệnh xá là một bác sĩ ngành công an, luôn luôn nhìn chúng tôi bằng cặp
mắt nghi ngờ đầy mặc cảm, có lẽ đã đọc được trong phiếu lý lịch của chúng tôi
một tội danh lạ đời: "Can tội: bác sĩ". Một hôm tịch thu được hộp
dụng cụ tiểu phẫu trong đó có cây kềm Michel giống cái kéo, dùng để gỡ các móc
da, bác sĩ loay hoay mãi không biết làm sao, cuối cùng chê: "Kéo với kiết,
thế này thì làm sao cắt được, dốt thế!". Mắt bác sĩ đã quen nhìn những lọ
Pénicilline Trung quốc làm bằng một thứ chai đục ngầu, bọt lỗ đỗ, nút lọ được
khằn kín bằng sáp như thuốc "cao đơn hoàn tán", nên khi gặp một lọ Pénicilline
bào chế ở miền Nam, rất kinh ngạc vì kỹ thuật sai biệt, và khi thấy trên lọ mấy
chữ: "Laboratoires Ténamyd Thủ Đức", bèn mừng rỡ khoe với chúng tôi:
"Thuốc của Đức đấy, xã hội chủ nghĩa anh em ta đấy".
Dưới trướng của vị luơng y này là một ban chuyên môn (không phải y khoa) gồm đủ
thành phần. Một anh có hoa tay đục đẽo, chạm trỗ, biến các lon sữa Guigoz thành
những hộp thuốc lá, cái lược, cái vòng, tinh vi như những nữ trang thứ thiệt để
lương y đem về tặng thân nhân hoặc... đổi chác. Một anh ngành quân cụ lo bảo
trì chiếc xe đạp "hữu nghị" mà người cỡi cũng hãnh diện như lái chiếc
xe Mercedes vậy. Một họa sĩ có biệt tài biến hóa những gương mặt trong gia đình
lương y từ một tấm ảnh nhăn nheo vàng khè thành những chân dung sạch sẽ khôi
ngô, và lương y cũng không dấu được sự hài lòng khi thấy khoác lên ông cụ thân
sinh chiếc khăn nhiễu, cái áo gấm, trông rất "quan ", còn phu nhân và
ái nữ cũng được mặc chiếc áo dài mà ngoài đời họ chưa bao giờ sờ tới. Riêng bản
thân lương y, khi đề nghị mặc bộ âu phục cho oai thì lưỡng lự hồi lâu rồi buồn
rầu trả lời: "Chớ, không nên, nhỡ trên biết được thì khốn", nên đành
chấp nhận bộ đồng phục công an vậy.
Về phần điều trị, có lẽ Đảng đã sáng suốt thấy rõ sự lúng túng của lương y, nên
chỉ thị cho quốc doanh cung cấp dược phẩm dưới hình thức "viên" hết
sức đơn giản, hễ đau ở bộ phận nào thì đã có những viên tương ứng: viên gan,
viên dạ dày, viên phổi, viên tim, viên xương, viên khớp v.v... Ban đêm nếu có
tiếng kêu cứu từ các phòng vọng ra, thê thảm xé nát sự im lặng nặng nề của trại
tù về đêm, rồi cứ lặp đi lặp lại mãi như dội qua vách núi, cho đến khi lương y
khệnh khạng đến, cho ống nghe qua một khe nhỏ để khám bệnh nhân ở trong phòng
rồi hoặc phát cho vài "viên", hoặc bắt bệnh nhân dán mông đít vào
song cửa sắt chích cho một mũi thuốc để chờ tới sáng. Cũng trong hoàn cảnh đó,
một Thượng Nghị Sĩ nổi tiếng ở Sài gòn, bị trúng độc vì ăn sắn sống, trộm được
lúc ban chiều khi đi lao động, đã phải chờ mãi cho tới sáng hôm sau, khi được
đưa ra khỏi phòng thì đã quá trễ.
Một buổi chiều nọ, khi đi lao động về, anh em ngạc nhiên chứng kiến một hiện
tượng lạ thường: trại được sơn phết lại trắng xóa, trên vách tường lại vẽ thêm
những bông hoa màu mè sặc sỡ, có lẽ vì cây cảnh thật đã bị tù bứt lá bẻ hoa
không đủ đem lại vẻ vui tươi cho nhà tù. Giữa sân lại có cảnh nhóm chợ trời,
cán bộ bày bán thịt tươi, rau sống cho anh em tù nào còn dấu đút được chút tiền
còm tung ra mua ăn bồi dưỡng. Những người giàu tưởng tượng cho truyền ngay một
câu sấm, không biết có phải của Trạng Trình không:
"Bao giờ tường đá nở hoa,
Nhà tù nhóm chợ thì ta...ra về"
Về đâu chẳng thấy nhưng truớc mắt là phải ráo riết chuẩn bị doanh trại để đón
tiếp một phái đoàn ngoại quốc quan trọng, một công tác làm đảo lộn hẳn nếp sống
hằng ngày, để được đền bù bằng một chút an ủi mơ hồ là còn được người đời biết
tới.
Ngay tối hôm đó, một số nhạc cụ kể cả cây dương cầm nặng nề được hì hục chở về
từ Hà Nội để cho ban nhạc tha hồ tập dượt mãi tới khuya . Tiếng nhạc vang lên
từ một góc núi làm khuây khỏa trong chốc lát những u uẩn của tù nhân. Thỉnh
thoảng một vài bản "nhạc vàng" được chơi lén, tiếng réo rắc của "Diễm
Xưa", "Nắng chiều" gợi lên một nỗi nhớ nhà vô biên, mà lỡ cán bộ
có hỏi tới thì anh em đã sẵn câu trả lời: "Nhạc Cuba đấy", thế là
yên.
Căn phòng chật chội hôi hám trong đó hằng mấy trăm mạng người chen lấn giành
giựt từng ly, từng phân trên cái tiêu chuẩn hai bàn tay cho mỗi người, nay được
thu dọn thành ba mươi chỗ nằm rộng rãi tươm tất, với chiếu hoa mới toanh, chăn
len thơm phức, sắp xếp thẳng tắp như trong một quân trường.
Từ mờ sáng, ngoài thành phần ở lại để trình diễn, còn tất cả phải lũ lượt kéo
nhau thành từng đàn qua các đường mòn khúc khuỷu để vào trốn sâu trong núi. Các
anh em bệnh nặng thì được cõng, gánh hoặc khấp khểnh lết đi thật xa để khuất
khỏi tầm mắt trong sáng của người ngoại quốc cái hình ảnh vẩn đục thê thảm đó.
Bệnh xá này nhường lại cho những con bệnh mới, không có bệnh nhưng có một thể
xác chưa tàn tạ nhờ có thăm nuôi, lúng túng học thuộc lòng những căn bệnh thời
đại do "tàn dư Mỹ Ngụy để lại": sơ gan vì rượu chè, lên máu vì nhậu
nhẹt, nghẽn mạch máu vì xì ke, ma túy... Gọn gàng sạch sẽ trong những bộ đồ ngủ
mới toanh, trên mỗi đầu giường có chưng thêm một hộp sữa cũng "kiểng"
như bệnh nhân, nghĩa là sẽ được thu hồi ngay sau khi phái đoàn ra về.
Ban thể thao, bóng chuyền, bóng bàn, trong đồng phục gọn ghẽ vui mắt, ra sức tranh
thủ để được bồi dưỡng thêm mấy củ khoai. Từ sáng sớm ban nhạc đã inh ỏi trổi
lên những bản nhạc hùng khối cộng sản, gây không khí vui nhộn làm cho quan
khách có cảm giác là đi chơi chợ phiên hơn là đi thăm nhà tù.
Không hiểu là một phần thưởng hay là một cực hình tủi nhục cho những ai được
chọn để ngồi ăn một bữa cơm "xoàng" mà trong suốt cuộc hành trình cải
tạo họ chưa bao giờ được nếm. Thực đơn, được dán ở cửa, gồm có cơm trắng (một
hiếm hoi trên đất Bắc) và thịt lợn, rau muống (một điều lạ trong nhà tù). Bữa
cỗ được diễn tiến theo một lịch trình khắt khe: ngồi vào bàn khi phái đoàn rời
Hà Nội (8 giờ sáng), cầm đũa khi họ đến cổng trại (10 giờ sáng) để cho bao tử
cồn cào tiết chất chua, nước mắt nước mũi chảy dài vì ngỡ ngàng trước mấy món
ăn thơm phức béo bổ, cứ thế mà chịu đựng cái cực hình sinh lý đó suốt mấy tiếng
đồng hồ, hai tay thì cứ tuyệt vọng vùng vẫy trong một thứ còng vô hình cho đến khi
bóng dáng của phái đoàn cứu tinh xuất hiện ở ngưỡng cửa mới được lệnh cho thức
ăn vào miệng (1 hoặc 2 giờ trưa).
Phần trình diễn của bệnh xá được mở màn khi phái đoàn đặt chân vào trại. Bác sĩ
trưởng, trong bộ áo bờ lu lụng thụng, chiếc nón vải che khuất chân mày, trịnh trọng
đặt ống nghe vào bệnh nhân ngồi trước mặt, rồi cứ giữ tư thế đó như một pho
tượng sáp cho tới khi phái đoàn đi qua. Lẽ cố nhiên "đại ca" của
chúng tôi cũng có mặt tại bệnh xá với một chỉ thị nghiêm khắc: không được nói
tiếng ngoại ngữ và cố tránh mặt phái đoàn chừng nào hay chừng đó. Một nhà báo
Pháp hỏi đại ca: "Anh biết tiếng Pháp không?". Vì đã được dặn trước,
đại ca phải chờ cho thông dịch viên Bộ Nội vụ dịch xong để chứng tỏ rằng mình
không hiểu được câu hỏi, rồi mới trả lời "Không". Nhà báo hỏi tiếp:
"Anh tốt nghiệp ở đâu?". Câu hỏi bất ngờ này không được ban giám thị
cho học tập trước, nhưng cũng vẫn chờ được dịch xong như thường lệ, đại ca mới
trả lời: "Y khoa Đại học Paris". Nhà báo bàng hoàng, ngạc nhiên như
khám phá được một điều gì bí ẩn, một cái gì bất thường, tò mò hỏi tiếp thì được
biết vợ anh là người Pháp, hiện sinh sống ở Paris, nên mừng rỡ chụp cho một tấm
hình rồi ân cần thêm: "Tuần sau vợ con anh sẽ nhận được", lòng hân
hoan phấn khởi vì vừa làm được một nghĩa cử trọng đại.
Chưa kịp mừng thì tai họa đến ngay. Sau khi phái đoàn ra về, thì ông bạn già
của chúng ta, nạn nhân của lòng vị tha nhân đạo kiểu Tây phương, bị bác sĩ
trưởng bệnh xá và ban giám thị gọi lên mắng nhiếc thậm tệ, bắt kiểm điểm lên
kiểm điểm xuống, để rồi, bắt đầu từ hôm sau, hằng ngày phải ra lao động, đập
đá, kéo cày, ngâm mình dưới ruộng như hàng ngàn, hàng vạn anh em tù khác. Ngày
tôi về, đại ca còn ở lại, tiễn đưa tôi bằng cặp mắt đã hết nước mắt và hẹn tôi
ở... kiếp sau!
Dư âm nặng nề của cuộc viếng thăm và vì tấn tuồng đóng vụng, làm cho cơn
lôi đình của lương y đã trút hết lên đầu chúng tôi, nay không còn khoác áo Từ
Mẫu nữa mà lại đội lốt... Ác Mẫu.
Phương Vũ Võ Tam Anh
Thật đau xót cho kiếp người mất nước bị kèm kẹp trong tay quỹ d ỏ !!!
ReplyDeleteCám ơn tác giả