Hồi ở Việt Nam, xứ mình, gặp nhau, mình thoải mái hỏi như: “Mấy
tuổi (để kêu anh hay chú), nhà ở đâu (để huỡn tới nhậu), số mobile (để kêu),
lương khá không (để mượn tiền lúc kẹt), có vợ chưa, con bao lớn (tính làm sui)?
Nhưng Úc nó nói đời tư của nó.
Còn chuyện hỏi vợ? Nhiều thằng Úc cầu hôn trong cảnh riêng tư,
như trong một bữa ăn tối lãng mạn hai đứa, anh mình móc xỉa, hao! Tui cũng vậy.
Ủa tui đâu phải là Úc. Tui là Mít mà! Chắc chí lớn gặp chí mén.
Nhưng Úc khùng (người khác nói chớ không phải tui nhe) “Cầu hôn,
nghi lễ rườm rà hoa lá cành, rất cải lương Út Bạch Lan Thành Được! Mấy anh mình
phải chuẩn bị chớ không phải a thần phù nhào vô táp, xực. Anh mình phải lựa chọn
thời điểm và địa điểm, nhiều điểm lãng mạn, thường là ở một nơi đặc biệt có ý
nghĩa. Chớ không chọn chợ cá Footscray bao giờ.
Phải chuẩn bị chu đáo để tạo bất ngờ công khai trước bạn bè và
gia đình tại lễ hội, buổi hòa nhạc, hoặc thậm chí trên sân khấu làm cho khoảnh
khắc trở nên đặc biệt.
Úc xài vợ hao lắm, lần nào cũng phải đủ thứ chọn mệt quá!
Rồi trình cho em chiếc nhẫn đính hôn kim cương 3 ly 2, hao quá! Thấy kim cương, em khoái gần chết thì cần chi phải hỏi: “Will you marry me?” (Em có chịu lấy anh không?)
Úc khùng nầy còn đỡ! Có Mít còn khùng hơn: “Anh nghèo nên chẳng
nhẫn kim cương. Thì đây anh đan nhẫn cỏ. Lòng anh chắc em đã biết.” Biết gì? Biết
anh mạt, biết anh nghèo rớt mùng tơi. Nghèo mà chơi trèo đi hỏi vợ. Em ‘no’ là
cái chắc!
Khi cầu hôn, anh mình phải quỳ gối trước mặt em yêu.
Tui không hiểu tại sao lại quỳ gối? Hồi xưa đi học bị thầy cô bắt
quỳ gối trước mặt bọn quỷ sứ cùng lớp, tui coi hành vi của thầy, cô nhằm sỉ nhục
tui trước mặt bàn dân thiên hạ. Giờ tui muốn nó lấy tui; tại sao tui phải quỳ
trước mặt nó? Lấy về, nó đẻ ra con tui, nó làm má của con tui; chớ nó đâu có
làm má của tui mà bắt tui phải quỳ chớ?
Như kép cải lương phải thuộc tuồng để nói: “Anh rất yêu em; anh
không thể tưởng tượng cuộc sống của mình mà thiếu em. Em có đồng ý làm vợ của
anh không?” “Uý trời! Rồi bấy lâu không có em; mình không có sống, mình ngáp
ngáp chết ngắc rồi sao? thầy cô lại muốn anh nói ra những lời xạo ke, dóc tổ vậy
chớ?”
Cái vụ cầu hôn này là do con nữ nó xúi; vì nó ốm nghén. Vậy mà
còn làm kịch sĩ Kim Cương, đào Bạch Tuyết vẻ ngạc nhiên, nhiều xúc động. Nếu đồng
ý, em đồng ý là cái chắc, nắm đầu được nó rồi thì nắm cho nó chắc. Nắm lơi lơi
coi chừng nó chạy mất. Thì em trong vai Chúc Anh Đài, người được cầu hôn, sẽ trả
lời bằng một câu như: “Có, em đồng ý” Còn em chảnh; em ra vẻ ta đây lá ngọc
cành vàng thì ỏn ẻn em cần thêm thời gian vì em ngờ nó là một “gold digger”, một
thằng đào mỏ.
Tóm lại, Úc phải quỳ cầu hôn bắt chước thời Trung Cổ ở Châu Âu
thể hiện lòng tôn trọng đối phương, người mà ta sẽ cãi lộn suốt cả quãng đời
còn lại.
“Tổ cha nó! Chưa cưới mà mấy thằng Úc đã giương cờ trắng đầu
hàng vô điều kiện con vợ tương lai của nó rồi hè? Thờ bà thủng thẳng mình thờ
chớ!”
Nhiều đứa con của ông Út Trà Ôn sau đó vẫn còn óc cải lương, Úc
có óc ‘opera’ vẫn ngoan cố chọn quỳ gối. Tuy nhiên, may mắn thay trong thời ‘hiện
đại’, để khỏi ‘hại điện’ bây giờ rể Mít không phải quỳ gối lạy ai hết ráo.
Tui nhớ cầu hôn má thằng Tèo bây giờ cách đây 50 năm, tức nửa thế
kỷ, tui buộc phải theo truyền thống cuới vợ của Mít mình. Nhưng tía má tui đi
trước kẻ thù của con mình một bước, đã biết điều cúng cái đầu heo luộc chấm mắm
nêm, cho ông mai dò la trước. Tía má em nhậu khoái tỉ, châm chước lễ vấn danh,
chạm ngõ cho làm ngay đám hỏi vì bụng em ngày càng lúp lúp. Trong lễ hỏi, tía
má tui mang lễ vật đến nhà con vợ tương lai của tui để chính thức xin cưới nó về
để nắm đầu tui. Lễ vật có trầu cau, trà, rượu, bánh kẹo … Em ăn ngọt mà tui
toàn cay đắng. Hai gia đình sẽ thảo luận đến lễ cưới: như ngày cưới, sính lễ và
các thủ tục râu ria khác với nhiều nghi thức truyền thống và lễ nghi cho giống
với thiên hạ.
Quỳ cầu hôn trên đường phố ở Hải Phòng
Ngày rước dâu, tui toan cuốc, thụp xuống trồi lên 3 cái thì ông
trưởng tộc bên đàng gái khoát tay: “Miễn! Miễn!” Giờ nghĩ lại tiếc nhe!
Nghe tía má tui hỏi cưới nó cho tui, nó híp mắt cười ha hả rồi gật đầu cái cụp.
Thôi rồi Lượm ơi! Thân tui như cây quế giữa rừng để cho con mán, con mường nó
leo! Hu hu! Phải chi hồi đó nó chê không chịu ưng, không ‘OK Salem’ thì đời tui
đâu có bị ‘lem luốc’ huốt quá cỡ tới mức nầy!
Thằng bạn nhậu của tui thì khác. Đường vào tình yêu của nó có
trăm lần vui, có vạn lần buồn. Khi làm phép hôn phối, Cha xứ kêu nó lặp lại lời
Cha: “Anh là Tèo nhận em Bông làm vợ và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em, khi
thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu
thương và tôn trọng em mọi ngày suốt đời anh”.
Tèo trả lời Cha xứ: “Con sẽ ráng”.
Cha xứ không chịu: “Tèo? Không nói con sẽ ráng! Phải nói con sẽ
làm!”
Cưới xong, vợ chồng
Tèo nằm với nhau chưa nát một chiếc chiếu thì VC vô. Tụi nó đem Tèo cất vô hộp.
Em Bông ở ngoài vượt biên qua Mỹ rồi lấy chồng khác. Tèo tù ra, vượt biên tới
đảo Kuku thuộc Indo, Cao uỷ tị nạn hỏi đi Mỹ không? Tèo hận tình em, Tèo đi Úc
và ở vậy. Mấy thằng bạn nhậu hỏi tại sao? Tèo nói cưới vợ phải cầu hôn; phải
quỳ mà đầu gối của tao lỏng bạc đạn rồi, mệt lắm. Đi chơi nhỏng nhỏng sướng
hơn. Đời tao ngu một lần thôi. Hổng lẽ ngu thêm lần nữa sao mấy cha?
Đoàn Xuân Thu
Ong nay viet truyen teu nhung thuc te, nhut la cau Tèo trả lời Cha xứ: “Con sẽ ráng”.
ReplyDelete