LTS: Người tị nạn Việt khi đặt chân tới đất nước nổi tiếng là nhiều cơ hội này, bất kể kinh nghiệm trước đó, đã phải làm đủ các thứ nghề để sinh sống. Có người còn làm tới mấy nghề khác nhau một lúc, vì nhu cầu một phần nhưng cũng vì việc sẵn đấy, muốn là xin được, không phải như tại nhiều nước khác, kiếm được một việc làm là điều may mắn. Nhưng có lẽ không ai hay ít có người làm nghề mà tác giả Đào Nguyên Hà sẽ kể với độc giả trong bài viết dưới đây. Chính tác giả ban đầu cũng không ngờ là mình đã sinh sống bằng nghề này sau khi đã thử qua các nghề khác, như mở tiệm bakery sau khi đi học làm bánh, rồi họa viên công chánh, chưa kể nghề thường xuyên là… nội trợ và nuôi một bầy con nhỏ ba đứa.
Trong số báo này, chúng tôi hân hạnh giới thiệu bài viết về cái nghề khá độc
đáo của chị Đào Nguyên Hà, một thân hữu của Tôi Yêu Tiếng Nước Tôi. Chị về hưu
đã mấy năm nay, hiện sống ở tiểu bang Washington và dành thì giờ đi du lịch các
nơi. Một nơi chị và phu quân, anh Hà Quốc Bảo, không năm nào mà không về thăm
vào mỗi cuối năm là Sài Gòn, để sum họp với “các con”— những người con này là
các sinh viên hiếu học mà anh chị đã tài trợ từ nhiều năm qua, hiện còn đang
theo học y khoa hay đã ra trường và đang hành nghề bác sĩ. (TYTNT)
—————–
Hồi nhỏ, tôi sống bình dị ở phố núi hiền
hoà Đà Lạt. Giấc mơ của cô gái nhỏ cũng đơn sơ như vùng đất mình ở vậy. Tôi mơ
lớn lên làm cô giáo, mơ gặp được người mình thương và thương lại mình, mơ làm đủ
tiền để gửi con đi học ngoại quốc để khi nó ra trường thì mình có dịp đi ngoại
quốc dự lễ tốt nghiệp của con rồi du lịch cho biết đó biết đây.
Rồi những mơ mộng dần dần thay đổi theo năm tháng. Từ nghề cô giáo thành nghề
thầy thuốc, rồi có lúc tôi lại chỉ muốn làm nội trợ. Người thương minh thì có gặp
đôi lần mà người mình thương lại thì chưa thấy… Nhưng kệ, tôi cứ mơ để có động
lực thúc đẩy mà nổi trôi với cuộc đời.
Rồi cuộc đổi đời năm 1975 đem lại những điều tôi chẳng thể ngờ tới. Nay đã qua
tuổi 70, ngồi duyệt lại những thăng trầm trong cuộc đời, tôi mới hiểu có mơ ước
thế nào thì cũng không qua khỏi số. Có bao giờ tôi tưởng tượng nổi là tôi đã vật
lộn với một đống rác khổng lồ trong gần 40 năm trên đất Mỹ. Tôi đã dọn rồi hốt,
hốt xong đem cất, rồi lại dọn, lại hốt, lại cất… Cứ vậy mà 40 năm chạy qua cái
vù.
Bây giờ tôi sẽ kể về xuất xứ của đống rác và tại sao tôi lại có cái nghiệp dính
vào nó nhé.
Khoảng năm 1940 khi thế chiến thứ hai bắt đầu, chính phủ Mỹ ráo riết muốn sản
xuất ra vũ khí nguyên tử trước nước Đức, nên mới có dự án Manhattan. Dự án này
là tìm phương pháp tách plutonium là nhiên liệu làm vũ khí nguyên tử từ
uranium, đồng thời thiết kế và xây cơ sở để sản xuất nhiên liệu này.
Để hoàn thành, dự án đã quy tụ khoảng 130,000 người kể cả khoa học gia, kỹ thuật
gia, nhân viên bàn giấy và thợ thuyền. Kinh phí khoảng 2 tỉ đồng Mỹ kim hồi đó,
tương đương với 24 tỉ đồng ngày nay. Dự án nghiên cứu, thiết kế nguyên thủy từ
Chicago, nhưng xây cất nhà máy sản xuất chính là tại khu Hanford ngoại ô thành
phố Richland, tiểu bang Washington.
Vì dự án lúc bấy giờ được xếp vào loại bí mật quốc phòng, nên địa điểm xây nhà
máy cũng được chọn lựa kỹ càng, để giữ sự biệt lập và không gian phải đủ điều
kiện để đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của dự án về phương diện kỹ thuật. Hanford là
vùng đất khoảng 1,000 dặm vuông, nằm cạnh dòng sông Columbia, là một địa điểm
lý tưởng cho việc xây dựng lò nguyên tử. Thứ nhất là cô lập, cách xa khu đông
dân cư, thứ hai là gần nguồn nước để làm nguội nhà máy điện. Khi quyết định được
chấp thuận thì trong vòng một tháng, khoảng 1,500 cư dân đã được bí mật di tản
ra khỏi vùng đất này, với khoản tiền bồi thường rất nhỏ.
Khu sản xuất này dự trù được hoàn thành
trong vòng 30 tháng, gồm một lò điện nguyên tử và khoảng 530 cơ sở lớn nhỏ.
Công trình lúc đầu tuyển mộ khoảng 16,000 nhân viên, bao gồm chuyên viên kỹ thuật,
thợ thuyền, nhân viên y tế và bếp núc.
Nhân viên ở đây có đời sống và sinh hoạt như trong trại lính. Được chu cấp chỗ
ăn, và ngủ trong những barracks lớn. Đồng thời chuyện giao tiếp cá nhân cũng bị
hạn chế gắt gao bởi nhiều quy luật được đặt ra để bảo vệ tuyệt đối sự bí mật của
dự án.
Năm 1943 công trình xây cất bắt đầu, và hơn một năm sau lò nguyên tử kích động
Uranium thành plutonium-235, plutonium-239 được hoàn thành (B-Reactor) với tầm
thước lớn nhất thế giới lúc bấy giờ, cùng với một số nhà máy chế biến, dùng chất
hóa học để tách plutonium ra khỏi uranium được tạo ra từ lò nguyên tử.
Năm 1945, Hanford sản xuất mẻ plutonium đầu tiên, và được dùng để chế quả bom
nguyên tử thả xuống Hiroshima và Narasaki ở Nhật vào tháng 8 cùng năm. Hai
quả bom này đã làm Nhật nhanh chóng đầu hàng, chấm dứt thế chiến thứ Hai.
Sau đó, với sự căng thẳng giữa Mỹ và Nga, thế giới chiến tranh lạnh được thành
hình, và dự án Mahattan đã bành trướng để tiếp tục sản xuất nguyên liệu cho cuộc
chạy đua vũ khí nguyên tử, kết quả là với một lò nguyên tử đầu tiên năm 1944, đến
năm 1953 đã có 9 lò nguyên tử tại Hanford.
Từ khi bắt đầu xây cất đến khi hoàn thành, chính phủ Hoa Kỳ đã mướn khoảng
51,000 nhân công. Vì dự án quá lớn và cần bảo mật quốc phòng, nên nhân công làm
việc ở khu Hanford bị cô lập tối đa, và họ chỉ biết hoàn thành công việc của
mình, trong phạm vi nhỏ hẹp. Sự tiếp xúc với nhân viên khác và công việc lân cận
bị giới hạn triệt để, nên không ai biết tổng thể dự án, và cũng không biết mình
đang xây một công trình của khu chế xuất nhiên liệu cho vũ khí hạt nhân.
Công việc sản xuất plutonium đã để lại một đống rác khổng lồ vừa thể lỏng, vừa
thể rắn, và tất cả đã bị phóng xạ hoá, rất nguy hiểm cho người tiếp xúc. Cả môi
trường chung quanh từ đất đai, mạch nước và không khí cũng bị ô nhiễm. Việc giải
quyết đống rác này rất phức tạp và tốn kém rất nhiều, vì loại rác này vẫn âm ỉ
phóng xạ cả trăm năm hay cả ngàn năm, không ai biết được.
Đến năm 1973 toàn khu chế xuất đóng cửa hoàn toàn và Bộ Năng Lượng (Department
of Energy) chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc giải quyết đống rác này. Bộ Năng
Lượng ký hiệp ước sẽ dọn dẹp, cất giữ và trả lại cho tiểu bang cùng người da đỏ
mảnh đất lành mạnh như trước.
“Rác” dạng lỏng là hoá chất thải ra trong quá trình tách plutonium-235 ra khỏi
uranium, và dạng rắn là dụng cụ, thùng chứa, hầm chứa, ống kim loại chuyển rác
lỏng, xác các lò nguyên tử, tàu ngầm và vùng đất đã nhiễm phóng xạ
Lan man giới thiệu lịch sử của đống rác, mà
số mệnh của tôi đã đưa đẩy tôi gắn chặt vào hơn 35 năm. Chắc tử vi trong cung
quan lộc phán là lớn lên làm “nghề hốt rác” nên chạy đi đâu cũng không khỏi số.
Định mệnh đã an bài, đành nhắm mắt đưa chân với hy vọng ông trời dành cho chút
đỉnh ân sủng mà thôi.
Đặt chân đến xứ Mỹ vào tháng 3 năm 1979 tại Fremont, California, trong vòng hai
tuần, thì nhà tôi được phỏng vấn, và đi làm ở thành phố Richland, tiểu bang
Washington. Mẹ con chúng tôi vẫn còn nấn ná ở lại Cali với nhà bảo trợ đến
tháng Năm, vì phải đợi nhà tôi có lương, mới đi tìm thuê chỗ ở được. Hai tháng ở
lại Cali tiếp xúc với hội viên của nhà thờ bảo trợ, với những người thân, và những
người bạn mới, tôi bịn rịn không muốn ra khỏi Cali, không muốn rời xa môi trường
mà tôi thấy bắt đầu được thoải mái sau bao biến cố từ thay đổi chế độ, đến lăn
lộn kiếm sống, và cuộc hành trình vượt biển gian khổ.
Mẹ con tôi đến Richland vào cuối Đông, cây cỏ hoàn toàn xám, cây không lá, cỏ
úa vàng, không bóng dáng của một nụ hoa, lòng tôi hơi chùng lại, nhưng phải tự
an ủi rằng, số trời đã định ơn trên đã run rủi cho đến được chốn bình yên, là
quý rồi.
Lòng tự nhủ, mình phải làm lại cuộc đời, nhưng không biết khởi sự từ đâu, tiền
bạc không có, nghề ngỗng thì từ ngày tốt nghiệp chẳng đụng đến kiến thức học được
để tìm kế mưu sinh. Vốn liếng Anh ngữ là sinh ngữ thứ hai ở trung học, và hai
năm học hội Việt Mỹ cứ tưởng có chút đỉnh dằn túi, nhưng thực tế thật phũ phàng
ngay từ lúc đặt chân đến bờ tự do. Tiếp xúc với nhà bảo trợ, hội viên nhà thờ,
đi chợ búa hoàn toàn không hiểu và không nghe được một chút gì, lúc ấy tôi thật
hụt hẫng, hoảng hốt và mất tự tin.
Ngày xưa đi học thì ráng học cho giỏi, để cô thầy yêu quý để ý tới, ngày nay
không còn lựa chọn, phải ráng học để kiếm miếng cơm cho gia đình, và tìm một chỗ
đứng trong môi trường mới. Học nghe, học nói, học gói, học mở, học chữ, học lái
xe, học cắt tóc, học nấu ăn, học cái hay lẫn cái dở của người bên cạnh. Gặp gì
học nấy, học tuốt luốt, ai dè cũng được việc, khả năng sinh tồn của con người
thật kỳ diệu.
Công việc đầu tiên của tôi trên đất Mỹ là làm họa viên cho một công ty xây cất
nhà máy điện nguyên tử (lò xả rác). Xin được việc cũng nhờ ông chồng làm
việc cũng khá uy tín nên giới thiệu là họ nhận ngay. Resume thì cũng vẽ vời tí
ti, dựa hơi làm việc tại văn phòng thiết kế và xây cất ở Việt Nam, nhờ đó quen
thuộc với công việc vẽ vời và tính toán bê tông cốt sắt chút đỉnh, nên viết vào
resume cho xôm tụ. Nghề này thực sự không đòi hỏi sinh ngữ nhiều, chỉ có
chút khái niệm về hình học không gian, biết sử dụng thước vẽ, học vài từ về kỹ
thuật là an toàn, may mắn hơn nữa ông chồng là xếp của mình nên ngôn ngữ bất đồng
không thành vấn đề nữa. Chồng thiết kế, vợ vẽ, tưởng là lý tưởng, nhưng than ôi
thật là “bé cái nhầm”, ông xếp tôi khó tánh quá, không một bản vẽ nào trình lên
mà không bị quẹt đỏ, mình phàn nàn thì ông ấy bảo phải có tự ái dân tộc,
bản vẽ phải hoàn hảo, tính toán phải chính xác, thì người ta không coi thường
dân nhược tiểu được.
Năm 1981, thấy mấy ông bạn của chồng lục tục đi thi Engineer in Training (EIT),
tôi lo nấu cơm cho mấy ông ấy ăn, ngày nào cũng nghe các ông nói về chủ đề này.
Nghe mãi thành quen, lại nghe nói có chứng chỉ này thì tìm việc dễ hơn và lương
khá hơn, nên tôi nảy ra ý định thử thời vận xem sao. Bên cạnh có thầy, có tài
liệu sẵn thì sao không chụp lấy cơ hội, thế là lều chõng đi thi. Chắc tử vi có
Cơ, Nguyệt, Đồng, Lương đắc địa nên thi cử xuôi rót, vồ mảnh bằng EIT được liền.
Nhìn trước mắt lòng phấn chấn cứ tưởng quan lộ mở ra thênh thang nên nhắm mắt đổi
job liền, đâu biết mình đang đi vào “khổ lộ”. May mắn làm sao số có “quới
nhân” phù trợ, học bài “moments distribution” thật kỹ, vô phỏng vấn trúng tủ,
thế là tìm được việc cùng làm với các bậc tiền bối như các anh bạn của chồng (một
dạo trọ ở nhà tôi và được tôi nấu cơm cho ăn). Tôi đi làm “quan tắt” khá dễ
dàng, vì có gì không biết, thì đã có các anh cố vấn kỹ thuật đỡ đần. Ở Việt Nam
tôi học Hóa Hữu Cơ mà giờ nhảy ngang vào ngành thiết kế sắt và bê tông cốt sắt,
quả thật là gan cùng mình.
Ngày còn bé tôi lớn lên trong môi trường con trai được chuộng hơn con gái, ba
tôi thỉnh thoảng vô tình nói ước gì mình có con trai đầu lòng để giúp được những
việc mà chỉ con trai làm được thôi. Ít hay nhiều, những lời nói không cố ý của
ba tôi cũng ảnh hưởng đến suy nghĩ của tôi. Lúc nào tôi cũng nghĩ để khỏi bị
khinh rẻ mình phải làm được những gì mà con trai làm. Do đó những việc như vá
bánh xe đạp, thay cầu chì, sửa ống nước rò rỉ, sửa đồ điện, đồ mộc, tôi làm được
hết. Đến khi lên đại học, tôi cũng chọn theo học chứng chỉ Toán Lý Hóa làm khởi
đầu (thực sự là vì văn kém và lười học bài nên chọn Toán Lý Hoá). Má tôi hoảng
hồn, chỉ sợ tôi bị ế vì con gái mà tính tình giống con trai, lại đi học toán
thì ai mà dám rớ.
Nhưng nghiệm lại, có tránh cũng không được. Số phận tôi là phải sống trong môi
trường chung quanh toàn nam giới. Ở Đại Học Khoa Học trong lớp có hơn 100 mạng
thì chỉ có 3 “thị mẹt”. Lấy chồng mở văn phòng thì chung quanh chỉ toàn nhân
viên phái nam. Qua Mỹ nhảy vô làm cho công ty thiết kế và xây cất có khoảng hơn
80 kỹ sư, thì cũng chỉ có ba bà.
Công việc đầu tiên của tôi là làm trong bộ phận xây nhà máy điện nguyên tử. Hồi
đó, trong ngành kỹ sư ở Mỹ, đàn bà vẫn chưa có chỗ đứng. Muốn được chấp nhận,
thì mình phải làm việc gấp đôi và chứng minh rằng mình có đủ khả năng kỹ thuật
để đáp ứng cho công việc.
Đã quen sống trong xã hội trọng nam khinh nữ, nên khả năng phấn
đấu của tôi rất cao. Tôi tình nguyện đi công trường, công việc cực nhọc, nhưng
mấy ông làm được thì mình cũng ráng làm theo. Ngày đó chưa có máy tính hay
AutoCad, Mathcad, cái gì cũng làm bằng tay. Đi công trường, đo đạc, leo trèo,
giải quyết vấn đề khi thi công, tôi xông xáo như một bà cai chính hiệu.
Trong khoảng thời gian này, tôi tiếp xúc và làm quen với mấy ông thợ ngoài công
trường và khám phá rằng mấy ông thợ sắt, thợ hàn, thợ đổ bê tông là những ông
thầy tốt nhất cho nghề nghiệp của tôi. Càng ngày tôi càng thu thập được nhiều
kinh nghiệm sống trong thế giới mày râu để “moi” những bài học thực tế mà không
có sách nào ghi chép lại. Những kinh nghiệm học hỏi này đã giúp tôi thiết kế giỏi
hơn, và thực hiện đồ án dễ dàng hơn, giảm bớt vấn đề khi thi công.
Sau khi nhà máy điện nguyên tử hoàn tất, tôi lại xin được việc làm cho một công
ty chuyên bảo trì các hầm và thùng chứa rác nguyên tử ở vùng Hanford. Vùng này
nằm ngay cạnh nhà máy nguyên tử vừa mới xây xong. Tôi làm với công ty này từ
1984 tới 2000, công việc đầu tiên của tôi là làm trong nhóm thiết kế hệ thống dẫn
nước và làm nguội cho một công trình trạm điện nguyên tử trong không gian.
Hồi tôi làm ở nhà máy điện nguyên tử trong thập niên 1970, kỹ nghệ computer còn
sơ khai, tính toán bằng tay, giỏi lắm thì cũng chỉ dùng “punched card” để có
người cho vào máy, chứ mình đâu được rớ tới máy điện tính. Thế mà năm 1983, kỹ
sư trong sở tôi đã được làm quen với PC-286 rồi đến PC-386, nhờ vậy, công việc
của tôi cũng nhàn hơn, vì thị trường đã bán những phần mềm về thiết kế, mình chỉ
việc mang về cho máy chạy thôi. Nói vậy chứ để được tin cậy và giao việc mình
cũng phải cập nhật kiến thức và kỹ thuật mới để lúc trình kết quả không lòi cái
dốt của mình thì anh em mới nể được. Vì sở trả tiền cho đi học, nên tôi lại
khăn gói ghi danh đi học buổi tối. Nào là concrete design, finite element, sức
bền vật liệu, steel design, heat transfer, solid modeling, solid mechanics,
computer programming, time history analysis, hoisting, rigging, vân vân, chung
quy thì thấy hiểu được tận tường “MC/I” là xong hết.
Làm dược hai năm thì dự án trạm không gian bị hủy bỏ, tôi được thuyên chuyển về
làm công trình bảo quản các hầm chứa rác của nhà máy nguyên tử, thế là đời tôi
thực sự dính vào “đống rác” từ đó.
Khu chứa rác nguyên tử này gồm rác tích lũy
trong 177 thùng chứa ngầm dưới đất, với dung tích 500,000 gallons mỗi thùng, và
hai hầm chứa 2,100 tấn những thanh uranium đã bị phân hạch trở thành một chất
phóng xạ rất nguy hiểm. Rác này thường được đưa tới hầm chứa và được ngâm
trong nước để chặn các tia phóng xạ. Ngoài số rác thể lỏng trong các thùng chứa,
còn có xác của những nhà máy điện hạt nhân và khu chế xuất nguyên liệu của vũ
khí nguyên tử cũng như rác từ các tàu ngầm nguyên tử và nhiên liệu thải từ các
nhà máy điện nguyên tử khác trên đất Mỹ.
Vì khu vực này được cô lập từ vị thế đến an ninh, nên chính phủ tiếp tục đem những
rác nguyên tử bị phóng xạ về nơi này để chứa và xử lý. Rác lại sinh ra rác, cho
nên vấn đề phân định, chứa rác, hốt rác thật là thiên hình vạn trạng. Rác để
trong thùng lâu ngày rò rỉ ra đất, ra mạch nước, nên phải xây thùng/hầm mới.
Càng nhận định, phân tích, phân loại các thứ rác tồn trữ ở đây, càng thấy vấn đề
thật phức tạp và nan giải.
Công việc nhiều vô số kể, từ nghiên cứu kỹ thuật mới để giải quyết rác đến xây
thùng/hầm chứa mới và bảo trì những hầm chứa cũ để rác không làm ô nhiễm môi
trường. Ngày ngày tụi tôi thắng bộ đồ ngăn phóng xạ bước vào các hầm chứa rác để
đo đạc, sửa chữa, kiểm tra nên được đặt tên là nhóm toả hào quang (glow in the
dark). Tuy nhiên chúng tôi được bảo vệ an toàn quy định bởi cơ quan liên
bang Nuclear Regulatory Commission giới hạn nhiễm xạ tối đa là 5 rem mỗi năm,
và suốt thời gian làm việc ở đây tôi chưa bao giờ bị nhiễm tới giới hạn đó.
Công trình cuối cùng tôi tham dự vào năm 2001 là xây nhà máy phân loại rác và
chuyển rác từ thế lỏng qua thể rắn dạng thủy tinh. Dự án này dự trù 7 năm thì
hoàn tất với kinh phí 8 tỉ Mỹ kim. Đến nay đã 23 năm, phí tổn đã lên hơn 30 tỉ
nhưng vẫn chưa hoàn tất. Rác vẫn còn đó, nhưng một người hốt rác, là tôi, đã dứt
nghiệp, về nhà nghỉ hưu. Mong rằng thế hệ sau tiếp tục đảm nhận công việc xử lý
đống rác một cách tốt đẹp để trả lại môi trường xanh cho mảnh đất này.
Tuy cái tên “hốt rác” không mấy đẹp đẽ và chỗ đứng cho nghề này gần như nằm cuối
trong danh sách các ngành nghề, nhưng tôi rất hãnh diện với nghề của mình.
Sau hơn 30 năm lăn lộn với các hầm rác ở Hanford, tôi đã học được bao nhiêu thứ,
từ kỹ thuật, lịch sử cho đến nghệ thuật quản lý và, nhất là, tình người. Ngoài
tiền lương, tôi đã thu được những lợi ích vô giá về tinh thần.
Những giọt mồ hôi đổ ra trên đống rác đã giúp tôi tin rằng, mai đây, khi rời bỏ
cõi tạm, tôi sẽ không hối tiếc. Tôi sẽ thong dong ra đi với đầu ngẩng cao, tự
hào mình là kẻ tị nạn đã góp tay làm sạch nước Mỹ, đã trả ơn được phần nào cái
ơn to lớn từ đất nước đã cưu mang mình.
Đào Nguyên Hà
No comments:
Post a Comment