Monday, November 4, 2024

Những Anh Hùng Vô Danh - Biển Cát


Trung Úy Nguyễn Thanh Long, đã hy sinh 1972 ở Núi Dài, Châu Đốc. Anh tốt nghiệp Sĩ Quan Võ Bị Đà Lạt. Cùng khóa của anh nhiều người cũng đã hy sinh trong cuộc chiến tranh khốc liệt.

Và còn nữa, những khóa sau, như khóa 28 và 29. Ngay sau Lễ Mãn khóa, các Tân Sĩ Quan đã lên thẳng xe chờ sẵn trước cổng trường để về ngay các đơn vị nhận nhiệm vụ. Họ đã ra thẳng chiến trường vào những giờ phút hấp hối của Miền Nam tự do.

Ai trong số những người trẻ tuổi ấy đã vĩnh viễn nằm xuống? Ngày 30/4/75 đã qua lâu rồi. Nhưng ngày ấy đã mãi mãi trở thành một cột mốc lịch sử. Xin được một lần nữa cúi đầu trước các anh, những Anh Hùng Vô Danh đã viết lên những trang sử bi hùng.

***

Năm cuối cấp thật áp lực đối với các nam sinh. Không mơ tưởng đến Bách Khoa, Y Khoa, họ chỉ có hai con đường để lựa chọn. Một là học tàng tàng để chờ cuối năm vào Trung Tâm Huấn Luyện Thủ Đức. Hai là đỗ Tú Tài để được vào binh chủng mình thích.

Trở thành Sĩ quan trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, là ước muốn của Long bao lâu nay. Nên từ đầu năm, anh đã chuyên tâm vào việc học.

Hôm qua, để giải xong đề thi vừa mượn được, Long đã thức suốt đêm. Buổi học sáng nay, dù cố chong mắt nhìn lên bảng, nhưng lời thầy giảng cứ trầm trầm, lơ mơ bên tai Long. Đến tiết cuối thì Long hết gắng gượng nổi. Đôi mắt cứ chực díp đi.

Long đứng đợi ở bãi xe, mỉm cười vẫy Chi. Chi cũng mỉm cười thật tươi bước tới. Nhưng ơ kìa, Chi không dừng lại bên Long, mà tiến về phía thằng lớp trưởng A2.

Long đứng bật dậy, hét lớn:

— Chi, Chi ơi!

Tiếng la của Long làm cả lớp giật mình quay lại. Đôi mắt Long đỏ ké vì giấc ngủ chập chờn. Nhưng có lẽ mặt Long còn đỏ hơn.

Cả lớp vỡ ầm tiếng cười. Mọi người hết nhìn Long, lại quay sang nhìn Chi. Ở bàn đầu, Chi đang cúi gằm xuống, mặt đỏ như gấc. Thầy vờ làm nghiêm, gõ gõ cây thước lên bảng:

— Trật tự nào. Còn Long, ra ngoài rửa mặt. Cuối giờ lên văn phòng gặp tôi.

Một ngày cuối tuần cấm túc không là gì đối với Long. Nhưng bị Chi giận, lại là chuyện nghiêm trọng. Nhà Long xa hơn nhà Chi một quãng, nhưng cùng đường, nên khi tan trường, hai đứa hay thong dong đạp xe về và huyên thuyên đủ chuyện trường lớp. Vậy mà mấy hôm nay, Long chỉ dám đạp xe lẽo đẽo theo sau Chi. Con đường quen thuộc hằng ngày bỗng dưng buồn đến lạ.

Trưa nay khi tan học, trời đổ mưa lất phất. Biết Chi thường hay quên áo mưa, Long lấy chiếc áo mưa từ trong cặp, chạy đuổi theo.

— Chi mặc vào đi.

— Kệ tui. Ông đừng theo tui, người ta thấy kỳ lắm.

Nghe Chi xưng ông, tui là biết Chi giận lắm, vì bình thường Chi luôn nhỏ nhẹ mà.

Long kiên nhẫn nằn nì:

— Chi mặc áo mưa vào đi kẻo bị ướt đó.

Chi đẩy tay Long ra. Chiếc xe bỗng lảo đảo khiến áo rơi xuống đất.

Long lầm lì cúi xuống nhặt chiếc áo lên. Hai chiếc xe vẫn chạy song song, nhưng không ai nói với ai lời nào. Đến nhà, Chi lặng lẽ mở cổng đẩy xe vào, chẳng chào Long như mọi khi. Long cũng dừng xe lại, chống chân xuống bên gốc me trước nhà Chi. Mưa chợt đổ ào. Gió thổi mạnh khua rung cành lá, làm mưa rào rào trút xuống như thác lũ. Người Long ướt sũng, mà cảm giác tức tối, giận dỗi cứ bừng bừng lên. Mười phút. Mười lăm phút trôi qua. Cánh cổng bật mở. Chi cầm dù bước ra:

— Long về đi.

Mặt Long vẫn lầm lầm. Về hay ở thì có liên quan gì đến Chi chứ.

— Long…

Giọng Chi sũng nước làm cơn bực tức trong lòng Long bỗng dưng xìu xuống.

— Chi … Chi đừng giận Long nữa nha.

Chi cúi đầu, lí nhí:

— Ừ…

Chỉ cần có thế, Long tươi ngay nét mặt, dấn mạnh bàn đạp về phía trước:

— Long về đây. Chi vào nhà đi.

Trong màn mưa mờ mịt, có một anh chàng đang gò lưng giạt gió và một cô gái đang cầm dù mỉm cười nhìn theo.

Ngày … tháng… năm 1971.

Chi thương yêu,

Chỉ còn hai tháng nữa là mãn khóa. Ngày ấy anh sẽ chính thức tốt nghiệp với quân hàm Thiếu Úy Võ Bị Đà Lạt. Niềm mơ ước và tự hào của khóa sinh các anh sắp trở thành hiện thực rồi.

Và em biết không, anh còn có một ước mơ từ lâu, rất lâu… Trường anh nằm trên ngọn đồi cao. Chung quanh là cỏ xanh và những hàng cây mimosa vàng rực rỡ. Sau những giờ tập luyện, anh thường nhìn ra khoảng không gian mênh mông quanh trường, và ước gì có em ngay lúc đó. Mình sẽ đi chầm chậm qua những lối mòn. Áo em cũng vàng như màu hoa và vờn quanh bước chân anh theo gió thoảng. Còn hạnh phúc nào hơn khi có em trong đời?

Người ta vẫn hay ví von, “Tiểu đăng khoa rồi đại đăng khoa “. Hình ảnh chàng trai vinh quy bái tổ về làng, rồi đưa nàng về dinh với “võng anh đi trước võng nàng theo sau…”, trong thơ ca ngày xưa, lãng mạn quá phải không em?

Anh không có võng lọng để đón đưa em, cũng không thể cho em những vinh hoa phú quý. Nhưng anh yêu em và muốn được bên em, cùng em đi đến cuối cuộc đời.

Em có thể suy nghĩ thật kỹ rồi trả lời cho anh. Vì, đó là một quyết định không dễ dàng gì. Đồng ý làm vợ một người lính trong vận nước điêu linh như thế này, em sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi trong cuộc sống.

Và cho dù câu trả lời của em như thế nào, anh cũng mãi mãi yêu em…..

Lễ Truy Điệu Chiến Sĩ Trận Vong đã cử hành vào đêm hôm trước. Hôm nay là Lễ Mãn Khoá gắn cấp bậc cho các Sĩ Quan. Long và các bạn trịnh trọng trong quân phục trắng, chính thức nhận quân hàm Thiếu Úy. Tân Sĩ Quan Thủ Khoa thực hiện hai nghi thức quan trọng nhất của buổi lễ, là Lễ Khai Cung và Lễ Trao Kiếm Chỉ Huy. Lá cờ tổ quốc bay phất phới trên lễ đài. Đôi mắt của những người trẻ tuổi ánh lên niềm tự hào, tràn đầy nhiệt huyết.

Chi chờ anh ở phòng khách sau buổi lễ. Khi nhìn thấy anh xuất hiện ở ngưỡng cửa, trái tim cô đã thắt lại một thoáng. Trong bộ quân phục với quân hàm sáng lóa, anh trông thật trưởng thành và oai hùng. Chàng trai trẻ từ phút giây này không chỉ là của riêng cô. Anh còn nhiệm vụ cao cả của Tổ quốc oằn nặng trên vai.

Long tiến đến nắm lấy tay cô. Nỗi xúc động khiến cô gần như nghẹt thở. Cô nói thật dịu dàng, nhưng rõ từng câu, từng chữ:

— Em đến để trả lời câu hỏi của anh. Em yêu anh. Em sẵn sàng chấp nhận tất cả để được làm vợ anh. Chúng ta sẽ cử hành lễ cưới ngay trong kỳ nghỉ phép này của anh… Trước khi anh lên đường ra trận.

Gương mặt cô tái nhợt, nhưng ánh mắt thật long lanh. Long cũng xúc động đến nghẹn lời. Anh vòng tay ghì chặt cô vào lòng trong hạnh phúc lẫn đớn đau.

Ngày….tháng…năm 1971

Chồng yêu thương của em,

Vậy là anh đã thực sự bước vào cuộc chiến. Bàn tay chỉ biết cầm bút ngày nào, bây giờ sẽ chai sần vì súng đạn. Từ lúc này, lòng em không còn một giây phút bình yên.

Chúng mình sinh nhầm thời đại, nên tuổi trẻ chúng mình buồn quá phải không anh?

Ba ngày phép của anh là những ngày hạnh phúc vô cùng của hai vợ chồng ngâu. 24 tiếng đồng hồ một ngày không đủ cho những người yêu nhau. Anh chở cô đi vòng vòng thành phố. Những con đường như mòn vẹt cả vết xe. Cô nấu cho anh những món anh ưa thích, rồi ngồi nhìn anh ngấu nghiến ăn. Cô hát líu lo, cười nói tíu tít. Anh thức giấc nửa đêm, chống tay ngắm nhìn cô say giấc. Thời khắc bình yên này anh đã từng ao ước biết bao nhiêu, trong những đêm lạnh giá nơi đồn xa, hay những lần chạm vào tử địa. Còn bao lâu nữa họ mới lại được gặp nhau?

Ngày… tháng …năm 1972

Anh— hạnh phúc của đời em,

Hình như trong em đang hình thành một sinh linh mới. Là con của chúng mình đó. Anh có vui không? Em đang ngộp trong niềm vui khi được làm mẹ của con anh. Con sẽ giống anh từng ánh mắt, nụ cười, để mỗi khi nhìn thấy con, em tưởng chừng như đang có anh bên cạnh.

— Làm gì mà cười hoài, mậy?

Long đưa bức thư cho Vũ. Gương mặt anh rạng ngời.

— Vậy là mày sắp lên chức bố rồi, thằng ông nội. Vũ vừa nói vừa đấm mạnh vào vai anh.

Long nhăn mặt xuýt xoa. Nếu lúc khác, có lẽ anh đã đấm trả cho thằng bạn một phát rồi.

— Không biết là con trai hay con gái nhỉ?

— Ừ, tao cũng không biết nữa.

— Hay là cứ sinh đôi, cho có đủ cả trai lẫn gái đi.

Long ngần ngừ:

— Nhưng mà chỉ có mỗi mình Chi ở nhà, lại mang nặng đẻ đau. Tội lắm.

Vũ cũng chợt chùng giọng:

— Không biết cuộc chiến này bao giờ mới chấm dứt.

Cả hai lặng người nhìn ra bên ngoài. Tiếng súng pháo đì đùng vang lên từng lúc như nhắc nhở đất nước này chẳng có cuộc sống bình yên.

Ngày…tháng…năm 1972

Long ơi,

Em không nhận được tin tức gì của anh. Những lá thư em gửi đi cũng bị trả lại. Đơn vị anh di chuyển liên tục. Em lo lắng lắm, anh biết không?

Mỗi ngày em hết xem báo lại nghe tin tức trên đài phát thanh, trên truyền hình. Chiến sự đang căng thẳng vô cùng. Những địa danh chưa một lần em đến, giờ không còn xa lạ, khi nghe nhắc đến từng ngày.

Cầu xin ơn trên cho anh chân cứng đá mềm, bình an trước làn tên mũi đạn.

Ngày…tháng…năm 1972

Chồng yêu thương của em,

Chị bạn đồng nghiệp em vừa đi nhận xác chồng về. Hôm qua khi đưa đám, nhìn chị ấy rũ rượi khóc ngất bên quan tài, không ai cầm được nước mắt.

Em vừa căm thù cuộc chiến này đến tận xương tủy, lại vừa sợ hãi nó, Long ơi.

Một tia chớp lóe sáng kèm theo một tiếng nổ long trời hất tung người anh lên cao, rồi quăng anh ngã sõng soài trên sườn núi lởm chởm đất đá. Máu từ ngực trái Long đẫm ướt cả bức thư của Chi. Mơ hồ, anh thấy nụ cười Chi rạng rỡ, lúc gần lúc xa như ánh sao đêm chấp chới.

“…Hình như trong em đang hình thành một sinh linh mới. Là con của chúng ta đó. Anh có vui không? “

Có, anh vui lắm, Chi à. Anh không hề cảm nhận đau đớn dù máu loang lổ từ lồng ngực vỡ toang. Chỉ có niềm vui ngập tràn…. “Chi ơi, con ơi!...”

Mẹ chồng vẫn nhắc nhở Chi đừng nghĩ ngợi lung tung. Hãy cố bình tâm và ăn uống tẩm bổ cho con được khỏe mạnh. Nhưng làm sao cô an lòng cho được. Cô không nhận được hồi âm nào của anh. Mỗi ngày qua, bao khắc khoải càng thêm chồng chất. Giấc ngủ cô chập chờn trong ánh hỏa châu rơi.

Tiếng hát từ radio bên hàng xóm vọng trong đêm vắng những lời ca não nuột: “….Anh không chết đâu anh, anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua. Em thấy mắt anh trong ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ. Trong khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân. Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh, cho anh…” (Trần Thiện Thanh)

Cô bịt hai tai lại, nhưng tiếng hát vẫn ong ong trong đầu cô như nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Hôm nay lòng cô bỗng dưng có lửa. Giữa bữa cơm, cô chống đũa, thẫn thờ nhìn vào khoảng không.

Mẹ chồng lo lắng hỏi:

— Chi à, con có sao không?

Cô giật mình lắc đầu:

— Dạ, không. Không có gì đâu mẹ.

Đã khuya lắm rồi mà cô vẫn trằn trọc mãi. Sợ mẹ lại lo lắng, cô không dám bật đèn, chỉ chong mắt nhìn vào bóng đêm. Cô xoa bụng nhè nhẹ, thì thầm với con mà như thể trấn an mình:

— Ba sẽ chóng về với mẹ con mình, con nhé.

Mãi, cô mới mòn mỏi thiếp đi. Mơ màng, cô thấy người anh đẫm đầy máu. Cô hoảng hốt bật dậy, hét thật to. Tiếng hét của cô làm mẹ chồng tỉnh giấc. Bà xô cửa phòng cô, bật sáng đèn:

— Có chuyện gì vậy con?

Cô thở dốc, thất thần nhìn quanh. Không có gì cả. Chỉ là giấc mơ thôi mà. Đừng làm mẹ sợ.

Cô lắp bắp bịa một lý do:

— Con… mơ thấy ăn trộm thôi mẹ.

Mẹ chồng đỡ cô nằm xuống:

— Con mệt nên mơ linh tinh đó mà. Cố dỗ giấc ngủ lại đi con.

Khi mẹ chồng với tay tắt đèn và bước ra, cô thoáng nghe tiếng bà thở dài. Cô vùi đầu vào gối. Nhưng vừa nhắm mắt lại, cô có cảm giác như Long đang đứng bên giường. Máu từ ngực anh chảy xuống ấm nóng tay cô. Cô choàng dậy ôm chầm lấy anh. Tay cô chỉ chạm vào khoảng không. Cô ngồi tựa lưng vào tường lạnh, nước mắt tuôn tràn. Run run, cô mấp máy môi cầu nguyện, cố bám víu vào niềm tin siêu nhiên khi thực tại đầy ắp những bất an.

Từ ban-công nhìn ra, Chi có thể thấy hai hàng cây rợp bóng chạy suốt con đường. Nắng trải vàng một vạt thênh thang trong chiều hiu hắt. Thành phố nhỏ quẩn quanh vài góc phố, thân thuộc đến nhắm mắt vẫn hình dung được. Vậy mà vắng một người sao thấy trống vắng đến mênh mông. Những hoa nắng nằm yên không reo vui rộn rã như ngày xưa khi mình đón đưa nhau. Gió chỉ lao xao lời buồn khi không có anh bên cạnh. Anh ở đâu bây giờ hở Long? Anh có biết em nhớ anh quay quắt từng phút giây không?

Một người mặc quân phục chợt dừng trước cửa nhà. Là anh, là anh đó phải không Long? Niềm vui òa vỡ làm người cô tê cứng. Phải mất một lúc định hình, cô mới quýnh quáng chạy ra cầu thang. Bước chân cô bỗng khựng lại lưng chừng khi nghe tiếng mẹ la lên thảng thốt rồi khuỵu xuống:

— Trời ơi, con tôi…

Người lạ vội đỡ lấy mẹ.

Một dự cảm chẳng lành làm cô chới với. Cô như rơi vào chân không. Lảo đảo, cô lăn dài trên những nấc thang.

Cô gái có mái tóc xõa dài, gương mặt buồn rười rượi, hay đi chân trần qua những con đường rợp bóng cây, trong những buổi chiều hiu hắt gió. Trên tay cô ôm con búp bê, miệng nghêu ngao hát câu ru hời:

“À ơi con ngủ cho ngoan, Cha còn nợ nước đa đoan chưa về”.

Cô thường ngước lên nhìn những chiếc lá trên cao xao xác, thầm thì với một ai đó ở thế giới của mình.

“Long ơi, anh đi lâu quá chưa về. Em nhớ anh lắm,anh biết không?” Đôi lúc, cô chợt nhìn đăm đăm về phía trước, như bất chợt trông thấy người quen, rồi vụt kêu gào đuổi theo chiếc bóng vô hình:

“Long ơi, chờ em với…”

Thành phố nhỏ, nên nhiều người biết chuyện và quen mặt cô. Nhưng dẫu có nhìn thấy cô từng chiều, họ vẫn chạnh lòng với hình ảnh một cô phụ lang thang trong ánh tà dương lịm dần vào tối. Có những ánh mắt xót xa kèm theo tiếng thở dài:

— Tội nghiệp, cô ấy còn trẻ quá.

Vâng, cô vẫn còn trẻ lắm. Cũng như anh. Anh còn trẻ lắm. Chỉ có ngọn núi kia là già cỗi mà thôi. Rồi thời gian trôi qua. Những lớp bụi thời gian phủ mờ ký ức. Mấy ai còn nhớ nơi đó đã một lần anh nằm xuống.

***

Năm 2015, lần đầu tiên tôi trở lại Việt Nam cùng con. Lần dò hỏi thăm dân địa phương, tôi tìm được vườn nhà ngoại ngày xưa. Cảnh vật thay đổi đến ngỡ ngàng. Ngôi nhà năm gian thênh thang của ngoại đã mục nát, đã giở đi. Không còn dấu vết gì của khu vườn thơ ấu.

Cây cối cằn cỗi, cỏ dại mọc tràn lan khắp lối. Tôi phải vẹt cỏ và những cành cây chằng chịt để vào khu mộ thắp hương. Đây là khu đất hương hỏa để chôn cất những người đã mất. Nhưng ngoại không còn, con cháu tứ tán khắp nơi. Không ai chăm sóc mộ phần. Người bà con xa đang sống nơi này chỉ sơn mộ và dãy cỏ một lần vào cuối năm khi ai đó gửi tiền về.

Từng nén hương thắp cắm bên mộ. Khói trầm hương quyện trong gió sao nghe cay xè mắt.

— Mộ của ông cố, của bà cố… Còn mộ này của ai mà chết trẻ quá vậy mẹ?

Tôi ngước nhìn. Hàng chữ Nguyễn Thanh Long gợi nhớ những kỷ niệm xa xưa.

— Mộ của anh họ mẹ. Anh ấy chết khi chỉ vừa 24 tuổi.

Con tôi trầm ngâm:

— Tội nghiệp quá. Ông ấy bị bệnh hả mẹ?

— Không. Vì chiến tranh con à.

Đôi mắt con đầy vẻ ngạc nhiên. Trong cuộc sống bình yên nơi đất nước Mỹ, con không bao giờ nghĩ đến những thảm họa kinh hoàng của chiến tranh, những mạng sống bị hủy hoại một cách tàn nhẫn.

30/4/1975 đã trôi qua gần nửa thế kỷ rồi. Dòng đời đã cuốn chúng ta đi. Có những điều mình muốn quên, thật sự muốn quên đi. Nhưng cũng có những điều vô tình bị xóa mờ theo năm tháng.

Tôi đã dành một buổi nói chuyện với các con. Thế hệ các con trưởng thành nơi đất Mỹ, nhưng các con vẫn mang trong người dòng máu Việt Nam. Các con cần biết và có quyền được biết về đất nước Việt Nam. Để tự hào dân tộc. Để sống thật tốt, thật xứng đáng… Sống tiếp cuộc sống của những người lính trẻ đã hy sinh bảo vệ tự do và bảo cuộc sống cho chúng ta hôm nay.


Biển Cát

1 comment:

  1. VNCH không dùng chử quân hàm chỉ vc mới dùng .ngừơi víêt là vc hay QG?

    ReplyDelete