Saturday, May 10, 2025

Thư Số 163 Gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam - Phạm Bá Hoa


Tôi là người Việt Nam. Chào đời năm 1930 tại làng Đại Ngãi, quận Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Phục vụ quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 12/5/1954 đến Giờ Thứ 25 ngày 30/4/1975. Sau ngày tang thương này, nhóm cầm quyền Việt Cộng đẩy tôi -và đồng đội của tôi- vào trại tập trung Long Giao tỉnh Long Khánh ngày 14/6/1975, chuyển đến trại tập trung Suối Máu tỉnh Biên Hòa tháng 10/1975 trên đất Nam, chuyển đến trại tập trung Yên Bái tỉnh Hoàng Liên Sơn trên đất Bắc ngày 16/6/1976, chuyển xuống trại tập trung Nam Hà tỉnh Hà Nam Ninh tháng 4/1978, ra khỏi trại tập trung ngày 9/9/1987 về đến nhà ở Sài Gòn chiều ngày 12/9/1987. Rời khỏi Việt Nam ngày 29/3/1991 trong đợt HO5 sang Thái Lan làm thủ tục, và chiều ngày 5/4/1991 đặt chân đến Hoa Kỳ tị nạn Việt Cộng. Tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam khi Việt Cộng độc tài còn cai trị quê hương tôi.

Tuy tên Quốc Gia và Quân Lực mà tôi phục vụ không còn nữa, nhưng linh hồn trong quốc kỳ nền vàng ba sọc đỏ vẫn nguyên vẹn trong tôi, và tôi không bao giờ quên chuỗi tội ác mà các nhóm cầm quyền Việt Cộng gây ra cho Dân Tộc và Tổ Quốc Việt Nam từ ngày 2/9/1945 đến nay.

          Ước mơ của tôi là được trở về Việt Nam sống trên quê hương cội nguồn của mình dưới chế độ dân chủ tự do. Vì vậy mà ước mơ đó luôn thúc đẩy tôi chọn lọc các tin tức và đưa vào nội dung này, giúp Các Anh và những thành phần yêu chuộng dân chủ tự do có nét nhìn rộng hơn và rõ hơn, về chế độ độc tài + gian trá + tự cao + tham nhũng, về những sự kiện trên thế giới liên quan trực tiếp lẫn gián tiếp đến mục tiêu ngăn chận tham vọng thống trị thế giới của Trung Cộng, mà Hoa Kỳ và một số quốc gia phát triển đang thực hiện.

          Khi nhóm cầm quyền Việt Cộng suy yếu đến hỗn loạn, hoặc Trung Cộng suy yếu đến mức mà nhóm cầm quyền Việt Cộng không thể dựa được nữa, đó là cơ hội cho Các Anh và toàn dân đứng lên giành lại Quyền Làm Người của mình, nối tiếp dòng lịch sử oai hùng của dân tộc từ ngàn năm trước.

          Hãy nhớ, Các Anh là Người Lính trong quân đội gắn liền với hai chữ “Nhân Dân”, phải hiểu là Các Anh có trách nhiệm bảo vệ Nhân Dân, bảo vệ Tổ Quốc, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào độc tài mà cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử. Ngay cả Cộng Sản Quốc Tế là Liên Xô như đang chờ nắm quyền thống trị thế giới vô sản, đã phải sụp đổ từ đầu năm 1991 vì bản chất độc tài độc ác của cộng sản. Cộng sản Liên Xô sụp đổ, kéo theo nhóm quốc gia cộng sản vùng Đông Châu Âu cùng sụp đổ. Cuối năm 2024 vừa qua, quốc gia Syria độc tài đã bị người dân nổi dậy lật đổ, Tổng Thống độc tài xứ này cùng gia đình bay sang Nga tị nạn. Các quốc gia độc tài -nhất là cộng sản- còn sót lại nói chung, và cộng sản Việt Nam nói riêng, cũng trong quy luật đó.

          Chưa hết, Các Anh hãy nhớ lại vào nửa thế kỷ trước đó, phát xít Đức bắt đầu chiến tranh xâm lăng Ba Lan từ tháng 10/1939 và chiếm gần hết Châu Âu, trong khi phát xít Nhật bắt đầu chiến tranh với Hoa Kỳ từ tháng 12/1941 và chiếm gần hết các quốc gia vùng Đông Nam Châu Á, nhưng đến nữa cuối năm 1945 thì cả Đức lẫn Nhật phải gục ngã -vì họ là chế độ độc tài với tham vọng thống trị thế giới, không thể tồn tại dài lâu- trước thế giới tự do do Hoa Kỳ dẫn đầu. Và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.

          Xin nói thêm cho rõ. Với những bài văn bài thơ của các tác giả ở trong nước, tôi xin sử dụng chữ viết truyền thống thay thế chữ viết thời Việt Cộng, ngoại trừ những nhóm chữ thời Việt Cộng mà tôi không hiểu nghĩa. 

          Với lá thư này, tôi tóm lược những bài viết liên quan đến tội ác của Việt Cộng:

          1. Đày đọa khoảng 800.000 người trong hơn 200 trại tập trung.

         2. “Biệt giam” hơn 16.000 tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi dưới mộ”. 

          3. Phi cơ chở 16 tấn vàng từ Sài Gòn về Hà Nội rồi biến mất.

          4. Thiêu hủy văn hoá truyền thống Việt Nam.

***

1. Đày đọa khoảng 800.000 người trong hơn 200 trại tập trung.(source: Wikipedia).

          Chế độ đày đọa “bên thua cuôc” rập theo khuôn mẫu của Trung Cộng đã áp dụng tại Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa từ năm 1954 với tội phạm, tù binh, và tù nhân, bị kết án chống đối nhà cầm quyền. 

Sau ngày 30/4/1975, nhóm chữ “học tập cải tạo" nói đến chương trình tập trung của nhà cầm quyền Việt Cộng đối với những người phục vụ trong quân đội và trong ngành hành chánh Việt Nam Cộng Hòa cũ. Hệ thống trại tập trung này theo tên gọi là “trại cải tạo lao động” mà Liên Xô đã sử dụng.

          Tháng 6/1975, nhóm cầm quyền Việt Cộng ra thông cáo bắt buộc Tướng Lãnh và Sĩ Quan quân đội và viên chức thuộc chế độ Việt Nam Cộng Hòa đi học tập cải tạo. Khoảng 800.000 người thuộc diện phải trình diện trong các ngày 13, 14, và 15/6/1975. Riêng Sài Gòn có 443.360 người trong số đó, và trong số này có những cấp bậc như sau:

          28 Tướng Lãnh.

          362 Đại Tá. (tôi là một trong số này)

          1.806 Trung Tá.

          3.978 Thiếu Tá.

          39.304 Sĩ Quan cấp uý.

          35.564 Cảnh Sát.

          1.932 nhân viên tình báo.

          1.469 viên chức cao cấp.

          Và 9.306 người trong các đảng phái chính trị. 

          Giữa đêm 15 rạng ngày 16/6/1975, Việt Cộng đưa cấp Tướng và cấp Tá lên trại Long Giao tỉnh Long Khánh. Đến tháng 10/1975 chuyển xuống trại Suối Máu tỉnh Biên Hòa. 

          Sau 1 năm giam giữ trong các trại tập trung trên phần lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa cũ, nhóm cầm quyền Việt Cộng chuyển phần lớn ra các trại mới lập tại các khu rừng già vùng Tây Bắc và phía Bắc Hà Nội, do Bộ Quốc Phòng Việt Cộng giam giữ. Tôi, trong số 362 cấp Đại Tá bị giam trong trại AH 2 và AH 3 tại xã Việt Cường huyện Trấn Yên tỉnh Hoàng Liên Sơn, do Đoàn 776 của quân đội Việt Cộng cai quản.  Từ đó, danh từ “tù chính trị” được sử dụng để chỉ quân đội + nhân dân + cán bộ + viên chức hành chánh Việt Nam Cộng Hòa cũ trong các trại tập trung tù chính trị mà Việt Cộng gọi là trại cải tạo.

          Riêng Đoàn 776 trú đóng tại Yên Bái, cai quản 82 trại tù chính trị đánh số từ AH1 đến AH82 rải rác tại Yên Bái và các tỉnh chung quanh. Trên toàn quốc -theo lời kể của những bạn đồng  tù- ít nhất cũng hơn 200 trại tập trung tù chính trị từ Mũi Cà Mau cực Nam, đến trại Cổng Trời cực Bắc Việt Nam.

Trước khi quân Trung Cộng tấn công 6 tỉnh dọc biên giới phía Bắc hồi tháng 2/1979, nhóm cầm quyền Việt Cộng chuyển “tù chính trị chúng tôi” xuống các trại tập trung vùng đồng bằng Sông Hồng do Công An giam giữ. Tôi trong số tù chính trị chuyển xuống trại tập trung Nam Hà thuộc tỉnh Hà Nam Ninh hồi tháng 4/1978.

          Năm 1980,Thủ Tướng Việt Cộng Phạm Văn Đồng nói rằng: ”Hiện còn 26.000 người trong các trại cải tạo”. Tuy nhiên, một số báo chí ngoại quốc ước tính khoảng 100.000 đến 300.000 vẫn đang bị giam giữ trong các trại tập trung. Trong khi Hoa Kỳ ước tính khoảng 165.000 người đã chết trong các trại tập trung trong 5 năm qua.

          Trong những năm đầu của thập niên 1980, Việt Cộng lần lượt chuyển tù chính trị từ các trại tập trung vùng Tây Bắc và phía Bắc Hà Nội về trại Nam Hà. Sau khi họ chọn lọc mà họ gọi là “thành phần tội nhẹ”, và chuyển trở lại các trại tập trung trong Nam. Đến năm 1985,chỉ còn lại trại tù chính trị duy nhất là Trại Nam Hà với khoảng 500 tù chính trị, -tôi trong số này- bị Việt Cộng xếp vào thành phần tội nặng nhất. Thỉnh thoảng có những đợt ra trại, nhưng mỗi lần ra trại chỉ vài chục bạn tù.

          Cứ mỗi 3 năm, nhóm cầm quyền Việt Cộng ký lệnh gia hạn giam giữ thêm 3 năm nữa. 


Và cứ liên tục như vậy tại tất cả các trại giam dù trong Nam hay ngoài Bắc. Riêng với tôi là sau 3 năm đầu -giữa 1975-1978- là gia hạn 4 lần. 

          Và trường hợp nào mà quân nhân viên chức Việt Nam Cộng Hòa cũ được ra khỏi trại tập trung, và cùng gia đình sang Hoa Kỳ định cư?

          Trong lúc tôi bị giam trong buồng giam số 1, Trại Nam Hà A, tỉnh Hà Nam Ninh, vào buổi tối ngày 5/8/1987 sau khi cửa buồng giam số 1 do tên Công An đóng lại nghe cái rầm, thanh sắt kéo ngang nghe réc-réc, và tiếng crắc của ống khóa bóp lại, là tôi đọc báo. Tôi đọc ngay bản tin ngắn trên tờ Nhân Dân của Việt Cộng mà hằng tuần họ cho chúng tôi 2 lần. Đọc xong, tôi phải ngưng lại, vì anh em chúng tôi bàn luận rất ồn ào.

 Bản tin nói gì mà ồn ào vậy? Bản tin như sau:

          “Ngày 2 và 3 tháng 8 năm 1987, Tướng hồi hưu John W.  Vessey, với tư cách Đặc Sứ của Tổng Thống Hoa Kỳ Ronald Reagan sang Việt Nam, gặp Bộ Trưởng Ngoại Giao Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch. Hai bên thỏa thuận điểm đầu tiên về hợp tác đẩy mạnh công cuộc tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, và điểm 2 là vấn đề trả tự do cho những người học tập cải tạo để cùng gia đình được xuất ngoại sang Hoa Kỳ theo nguyện vọng”.

          Từ ngày 12/8/1987, 3 toán Công An từ Hà Nội đến trại này -đây là trại tập trung duy nhất còn lại trên đất Bắc- để phỏng vấn khoảng 200 trong số hơn 400 anh em chúng tôi đang bị giam tại đây. Họ làm việc trong 2 tuần lễ. Đến ngày 5/9/1987, toán Công An khác cũng từ Hà Nội xuống đọc lệnh ra trại, và đây là đợt ra trại đầu tiên. Tôi trong số này.

          Ngày 9/9/1987, 91 tù chính trị chúng tôi được đưa xuống Nam Định, lên xe lửa và rời nhà ga này lúc 5 giờ chiều cùng ngày. Sau 3 ngày 3 đêm về đến Sài Gòn lúc 6 giờ chiều ngày 12/9/1987. Những ngày sau đó, anh em chúng tôi gặp nhau tại các cơ quan Công An khi đến đó làm giấy tờ tùy thân, mới biết là cùng về với anh em chúng tôi ngoài Bắc, có rất nhiều anh em bị giam trong các trại tập trung trong Nam cũng được về.    

          Ngày 5/4//1991, vợ chồng tôi đến Hoa Kỳ, đoàn tụ với các con chúng tôi đã vượt biển trong năm 1980 và 1981.

          Năm 1997, tôi được đọc lá thư ngày 10/6/1997 bằng Anh ngữ của cựu Đại Tướng John W. Vessey, gởi anh Hội Trưởng Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị Minnesota khi ông được mời tham dự đại hội H.O. tại địa phương ông cư ngụ. Sở dĩ có lá thư vì ông không đến được, nên ông viết thư và muốn anh Hội Trưởng đọc trong buổi họp mặt để mọi người tham dự vừa nghe tâm sự của ông, và vừa hiểu được hai chữ H.O.. 

          Người dịch sang Việt ngữ là Ông hay Bà Nguyễn T. Ngọc Châu. Xin trích 3 đoạn:

          “..... Năm 1987, khi đang hồi hưu, tôi được Tổng Thống Ronald Reagan cử tôi làm Đặc Phái Viên đi Hà Nội thương thuyết. Một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu mà tôi được Tổng Thống giao phó là phải tìm cách giải thoát những cựu chiến hữu Việt Nam đang bị giam giữ trong những cái gọi là “trại cải tạo”. Tôi cũng được quyền bảo đảm với chánh phủ Hà Nội rằng, Hoa Kỳ sẳn sàng chấp nhận và đón tiếp những người tù cải tạo cùng gia đình họ sang Hoa Kỳ”.

          “Trong những cuộc thương thuyết sơ khởi, chúng tôi không hy vọng hai bên sẽ có ngay những giải pháp chính trị, cho nên tất cả những hành động mở đường cho những thỏa ước tương lai đều mang danh “chiến dịch nhân đạo” -Humanitarian Operations- gọi tắt Anh ngữ là H.O. Do vậy mà danh từ H.O. được Cộng Đồng Việt - Mỹ sử dụng, để nói về những cựu tù nhân chính trị Việt Nam đang sống trên đất Hoa Kỳ.  

          “Riêng với tôi, H.O. là biểu tượng của lòng dũng cảm, tinh thần phục vụ, và lòng hy sinh.Tất cả những ai được gọi là H.O. đều là những anh hùng thật sự trong thời đại chúng ta”. (hết trích)

          Tôi đưa lá thư của cựu Đại Tướng John W. Vessey vào đây, để Các Anh thấy rõ sự dối trá của nhóm cầm quyền Việt Cộng khi họ huênh hoang rằng: “Với chính sách khoan hồng nhân đạo, lãnh đạo đảng vànhà nước trả tự do cho ngụy quân ngụy quyền về với gia đình, sau khi họ học tập cải tạo tốt” (đoạn này trích trong Wikipedia).

          Trong khi chính xác là nhóm cầm quyền Việt Cộng, sử dụng tù chính trị chúng tôi trao đổi với chánh phủ Hoa Kỳ để mong được thiết lập bang giao, và hy vọng được Hoa Kỳ giúp đỡ nền kinh tế Việt Nam đang trên đà suy sụp.       

          Tóm tắt.Vì rập khuôn hệ thống trại tập trung của Liên Xô -cộng sản quốc tế- nên giam giữ mà không cần tòa tuyên án hằng 800.000ngàn tù chính trị, như thể thế giới này không có ngành tư pháp trong hệ thống công quyền. Đến tháng 4/1992, hơn trăm người tù cuối cùng mới ra khỏi trại tập trung. Đúng là bản chất hận thù và dối trácủa cộng sản Việt Nam mà tôi gọi làViệt Cộng.

2. “Biệt giam hơn 16.000 anh hùng tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa dưới mộ”.

          Năm 1965,Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa được xây dựng theo mô hình Con Ong, trên diện tích 125 mẫu tây. Các công trình xây dựng trên mô hình Con Ong, như sau:

         (1) Trên lưng Con Ong là Nghĩa Dũng Đài, cao 43 thước. Phần dưới là Vành Khăn Tang. Từ Vành Khăn Tang nhìn xuống triền đồi thoai thoải, sẽ là những ngôi mộ ngay hàng thẳng lối, và tất cả đều giống nhau.

          (2) Chung quanh thân mà phần đuôi dài ra trông như hình quả trứng, chia làm 8 Khu theo hình nan quạt, đủ chỗ cho khoảng 30.000 ngôi mộ, là nơi an nghỉ những anh hùng tử sĩ của dân tộc.

          (3) Giữa đầu Con Ong là Đền Tử Sĩ, với ngôi mộ Chiến Sĩ Vô Danh.

          (4) Trước đầu Con Ong là Cổng Tam Quan. Trước Cổng Tam Quan là con đường, biểu tượng cho Cây Kim của Con Ong thẳng ra xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa.

          (5) Ngay đầu cây kim tại xa lộ, là Tượng Đài Thương Tiếc cao 5 thước, biểu tượng Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, trong tư thế ngồi nghỉ trên bệ đá cao 3 thước, vẫn túi hành quân trên lưng, hai tay trên cây súng gác ngang bắp chân, với đôi mắt u buồn, nhìn xa xa phía trước ... Tượng đài do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu phác thảo và thực hiện, sau khi được Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu -Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia- chấp thuận.

          Năm 1975,sau khi chiếm Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi, nhóm cầm quyền Việt Cộng tàn phá Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, họ đập phá Tượng Thương Tiếc, cắt 1/3 phần trên Nghĩa Dũng Đài mà họ nói là làm trạm gác. Họ lấn chiếm những khoảng đất trống của nghĩa trang, bằng cách xây dựng những cơ sở trên đó. Khoảng 50% trong số 16.000 ngôi mộ bị họ đập phá mộ bia, nhất là tên và ảnh người nằm dưới mộ. 

                   (hình bên phải là quân Việt Cộng phá sập)

          Ngày 1/5/1975,nhà cầm quyền Việt Cộng ra lệnh “quẵng ra đường” hằng chục ngàn Thương Phế Binh Quân Lực VIệt Nam Cộng Hòa từ trong hệ thống Quân Y Viện -nhất là tại Tổng Y Viện Cộng Hòa- và Họ phải lê lết về quê nhà với sự giúp đỡ của người dân!

          Hơn 16.000 đồng đội chúng tôi đã an nghĩ trong Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, bị nhóm cầm quyền Việt Cộng "biệt giam" một cách nghiêm ngặt, không nén nhang hương khói! Một hàng rào kẻm gai bao bọc, với tấm bảng "khu quân sự, cấm lai vãng, cấm chụp hình".

          Những người thân của người nằm dưới mộ muốn vào thăm mộ, phải làm thủ tục giống hệt như những người thân đến thăm tù chính trị chúng tôi bị đày đọa tại các trại tập trung vậy.

Ngày 27/11/2006, Thủ Tướng Việt Cộng Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định 1568/QĐ bàn giao khu đất Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa, với tên gọi là Nghĩa Địa Bình An cho tỉnh Bình Dương. Lúc ấy diện tích chỉ còn 58 mẫu tây, vì Việt Cộng cướp đất của người dưới mộ để xây cất nhiều cơ sở lấn vào nghĩa trang, thậm chí vào sát chân Nghĩa Dũng Đài.

          Việt Cộng rất tàn nhẫn khi ra lệnh trồng rất nhiều Cây Sao, Cây Hắc Hương, Cây Muồng, chen lẫn giữa các ngôi mộ, để khi lớn lên thì rễ của nó sẽ vào bên trong các ngôi mộ để giết người trong mộ thêm lần nữa!

          Các Anh có biết tại sao nhóm cầm quyền của Các Anh độc ác như vậy không? Tại vìhọ là người cộng sản. Mà người cộng sản chỉ biết có đảng cộng sản, còn dân tộc với tổ quốc không có nghĩa gì với họ cả. Mở miệng ra là họ nói đến đạo đức, nhưng đạo đức của họ là thứ đạo đức cộng sản, chỉ biết có đảng cộng sản. Trong khi đao đức của người tự do là đạo đức truyền thống của dân tộc với tình người, với lòng nhân ái trong giao tiếp giữa người với người.   

     Năm 2010, Hội Việt - Mỹ (Vietnamese American Foundation) về Việt Nam cố gắng vận động nhà cầm quyền Việt Cộng trong công tác tu bổ nghĩa trang, nhưng thất bại.

          Năm 2013, theo lời mời của ông Lê Thành Ân-Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn- mời Hội Việt - Mỹ về Việt Nam, rồi cùng lên Bình Dương, yêu cầu địa phương xây những bậc thang lên Nghĩa Dũng Đài, tráng xi măng lối đi, và xây bàn thờ tại Nghĩa Dũng Đài, để những thân nhân người dưới mộ muốn cầu nguyện thì có chỗ để lễ vật, và có lư hương cắm nhang.

          Trong khi thực hiện lời yêu cầu, thì Việt Cộng lại tung tin là nghĩa địa này sẽ bị giải tỏa. Điều đáng quan tâm, là ngôi mộ nào đã bốc hài cốt đi thì nhà cầm quyền tách khu đất đó ra khỏi nghĩa trang, vì vậy mà khi có khoảng 3.000 ngôi mộ do thân nhân đưa về quê cải táng, thì diện tích nghĩa trang đến cuối năm 2015 chỉ còn lại khoảng 29 mẫu tây!(khởi thủy là 125 mẫu tây)

          Liệu, bao nhiêu năm nữa thì họ sẽ công bố giải tán khu "Nghĩa Địa Nhân Dân Bình An" với lý do không còn ngôi mộ nào cả để triệt tiêu chứng tích tội ác của họ xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa, nhuộm đỏ toàn cõi Việt Nam theo lệnh của cộng sản quốc tế?


3. Phi cơ Việt Cộng chở 16 tấn vàng từ Sài Gòn về Hà Nội.(source: Tác giả Huỳnh Bửu Sơn).

          Ngay sau khi chiếm Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi ngày 30/4/1975, nhóm cầm quyền Việt Cộng tịch thu toàn bộ tài sản quốc gia, lúc ấy trong ngân hàng quốc gia còn khối tiền mặt trị giá hơn 1.000 tỷ đồng, và 16 tấn vàng thoi.

          Bài viết nhan đề “Câu chuyện 16 tấn vàng trong ngân hàng quốc gia Việt Nam Cộng Hòa sau ngày 30/4/1975”, do người giữ chìa khóa kho vàng của ngân hàng quốc gia là ông Huỳnh Bửu Sơn kể lại:

          “...Những ngày đầu tháng 5/1975, tôi vào trình diện tại Ngân hàng Quốc gia ở số 17 Bến Chương Dương, thủ đô Sài Gòn, cùng các đồng nghiệp khác, chỉ thiếu vắng một vài người. Chúng tôi được lệnh của Ban Quân Quản Ngân Hàng Quốc Gia là chờ phân công tác. Trong khi chờ đợi, mỗi ngày mọi người đều phải có mặt tại Ngân Hàng. Tôi được giao công tác tại Vụ Phát Hành và Kho Quỹ. Những ngày tiếp theo, Ban Quân quản tổ chức học tập tại chỗ ba ngày cho các viên chức ở lại, và cấp giấy chứng nhận học tập cải tạo. Lúc đó, giấy chứng nhận này chính là một lá bùa hộ mệnh....

          Đầu tháng 6/1975, tôi được lệnh của Ban Quân quản Ngân Hàng Quốc Gia kiểm kê kho tiền và vàng của chế độ cũ, các kho tiền và vàng thuộc quyền quản trị của Nha Phát Hành, nơi tôi làm việc trong ban lãnh đạo từ năm 1970 với tư cách là kiểm soát viên. Anh Giám Đốc Nha Phát Hành đã đi cải tạo tập trung, trong số người còn lại chỉ có tôi là người giữ chìa khóa, và anh Lê Minh Kiêm -chánh sự vụ- là người giữ mã số của các hầm bạc.

          Việc kiểm kê kho tiền và vàng là việc chúng tôi làm thường xuyên hằng tháng, hằng năm nên không có gì đặc biệt. Chỉ có một điều là tôi biết lần kiểm kê này chắc chắn là lần kiểm kê cuối cùng đối với tôi, kho tiền và vàng sẽ được bàn giao cho nhà cầm quyền mới. 

          Trong những ngày hỗn loạn, các hầm bạc của Ngân hàng Quốc gia vẫn được chúng tôi quản trị một cách an toàn. Cần nói thêm là các hầm bạc được xây rất kiên cố với hai lớp tường dày, mỗi lớp gần nửa thước, các cửa hầm bằng thép có hai ổ khóa và mật mã riêng, được thay đổi định kỳ, mỗi cánh cửa nặng trên 1.000 kí lô.

          Đại diện Ban Quân Quản là một người khoảng 50 tuổi, kiểm kê là một anh bộ đội còn rất trẻ và khá thân thiện. Anh hay nắm tay tôi trò chuyện, sau này tôi mới biết tên anh là Hoàng Minh Duyệt, chỉ huy phó đơn vị tiếp quản Ngân Hàng Quốc Gia.

 Số vàng đúc lưu giữ tại kho của Ngân Hàng Quốc Gia vào lúc ấy gồm vàng thoi, và các loại tiền vàng nguyên chất. Có ba loại vàng thoi:

          (1) Vàng thoi mua của Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED).

          (2) Vàng thoi mua của một công ty đúc vàng ở Nam Phi là Công ty Montagu.

          (3) Vàng thoi được đúc tại Việt Nam, do tiệm vàng Kim Thành đúc từ số vàng do quan thuế tịch thu từ những người buôn lậu qua biên giới, phần lớn từ Lào.

          Tất cả 1.234 thoi vàng nguyên chất, mỗi thoi nặng 12 đến 14 kí lô = 16.000 kí lô = 16 tấn.  Trên mỗi thoi đều có khắc số hiệu và tuổi vàng (thường là 9997, 9998). Các thoi vàng được cất trong những tủ sắt có hai lớp khóa và được đặt trên những kệ bằng thép, mỗi kệ được xếp khoảng năm, sáu thoi vàng. Nhưng qua năm tháng, bị nặng trĩu trước sức nặng của vàng, các kệ thép cũng bị vênh đi ít nhiều.

          Các đồng tiền vàng được giữ trong những hộp gỗ đặt trong tủ sắt. Đó là những đồng tiền vàng cổ có nhiều loại, được đúc và phát hành từ thế kỷ 18, 19, từ nhiều quốc gia khác nhau... Ngoài giá trị của vàng nguyên chất, các đồng tiền này còn được tính theo giá trị tiền cổ, gấp nhiều lần giá trị vàng nội tại của nó. Tất cả thoi vàng và tiền vàng cổ đều được ghi chi tiết từng đơn vị, số hiệu, tuổi vàng, số lượng ghi trong một sổ kiểm kê do bộ phận điện toán (computer) của ngân hàng theo dõi định kỳ hằng tháng, hằng năm, hoặc bất cứ khi nào có thay đổi xuất nhập.

          Công tác kiểm kê trong hai ngày liền. Số giấy bạc dự trữ trong các thùng bằng gỗ thông được niền bằng đai sắt và niêm chì, mỗi thùng ghi rõ mệnh giá, loại giấy bạc, số lượng. Do đó chỉ cần kiểm kê số lượng thùng bạc, các chi tiết tương ứng và đối chiếu với sổ sách được điện toán hóa. Lúc đó, loại giấy bạc mệnh giá cao nhất chỉ có 1.000 đồng, thuộc loại mới phát hành, có in hình các con thú hoang trong rừng rậm Việt Nam. Ngoài ra vẫn còn tồn kho và tiếp tục phát hành loại giấy bạc nổi tiếng có in hình danh tướng Trần Hưng Đạo với mệnh giá 500 đồng. Tổng giá trị giấy bạc dự trữ trong kho lúc đó -nếu tôi nhớ không lầm- là hơn 1.000 tỷ đồng, gần gấp đôi số lượng tiền lưu hành tại Việt Nam Cộng Hòa đến ngày 30/4/1975.

          Chỉ trong một buổi sáng, chúng tôi đã kiểm kê xong số lượng giấy bạc dự trữ. Việc kiểm kê số vàng chiếm nhiều thời gian hơn vì phải kiểm kê từng thoi vàng một để xem trọng lượng, tuổi vàng và số hiệu có đúng với sổ sách hay không. Cuộc kiểm kê kết thúc, ai nấy đều vui vẻ thấy số lượng tiền và vàng kiểm kê đều đúng với sổ sách điện toán từng chi tiết nhỏ. Tôi ký vào biên bản kiểm kê, lòng cảm thấy nhẹ nhõm. Việc bàn giao tài sản quốc gia cho nhà cầm quyền mới đã hoàn tất. Sau chiến tranh, ít nhất đất nước cũng còn lại một chút gì, dù khiêm tốn, để bắt đầu xây dựng lại. Về phía chúng tôi, điều này cũng chứng minh một cung cách quản trị đúng đắn minh bạch của những người đã từng làm việc tại Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa.”(hết bài của Huỳnh Bửu Sơn)

          Năm 2010cựu Đại Tá Việt Cộng Bùi Tín, tổng biên tập báo Nhân Dân của Việt Cộng, có bài viết liên quan đến 16 tấn vàng nói trên. Trích một đoạn: “... Năm 1987, tôi gặp ông Trường Chinh trong hội nghị tại Đà Lạt, tôi kể lại chuyện 16 tấn vàng thì Tổng Bí ThưTrường Chinh cho biết:  Trong mấy năm khó khăn, cấu véo hết tấn này đến tấn khác để mua lương thực, nguyên liệu, nay còn gì nữa đâu”.

          Trích một đọan khác của ông Bùi Tín: “Đây là câu duy nhất mà tôi nghe được về số phận của 16 tấn vàng năm 1975, từ miệng của một nhà lãnh đạo”.

          Ông Bùi Tín cho biết thêm: “Trong các phiên họp của chính phủ cũng như của Quốc Hội sau ngày  30/4/1975, và đặc biệt là tháng 4/2012 Bộ Quốc Phòng họp để viết về ngày 30/4/1975, nhưng không một chi tiết nào, cũng không một vị nào hỏi, hay nói đến vụ 16 tấn vàng lấy trong ngân hàng của chế độ cũ tại Sài Gòn hồi tháng 6/1975, mà đảng đã sử dụng phi cơ chở tất cả ra Hà Nội”.

          Tóm tắt. Chở 16 tấn vàng thoi về Hà Nội, khi được hỏi thì nhà cầm quyền Việt Cộng là Trường Chinh trả lời, làm cho người nghe tưởng như ông vừa đi chợ về vậy. Đã lấy số vàng đó mà những người trong nhóm cầm quyền  trung ương, cũng như những đại biểu nào trong Quốc Hội không ai biết đến, nhưng nhóm cầm quyền Việt Cộng vu khống cho Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa chở ra ngoại quốc trước ngày 30/4/1975. Đúng là bản chất vừa cướp đoạt vừa nói láo của nhóm cầm quyền Việt Cộng.     


4. Thiêu hủy văn hóa phẩm truyền thống(source: Wikipedia).

          Việt Nam vốn tự hào là quốc gia có hơn 4.000 năm văn hiến, nhưng sách vở của người xưa để lại thì rất ít. Nguyên nhân chính làhồi thế kỷ 18, khi quân nhà Minh bên Tàu chiếm được Việt Nam là ra lệnh thiêu hủy toàn bộ sách vở ngay trong những ngày đầu đô hộ nước ta.

          Vào thế kỷ 20.

          Năm 1954, ngay sau Hiệp Định Geneve, ông hồ chí minh ra lệnh đóng cửa các nhà in, các tiệm sách, các tòa báo, tịch thu và thiêu hủy toàn bộ sách báo trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

          Năm 1975, sau khi chiếm Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi, nhà cầm quyền Việt Cộng ra lệnh đóng cửa mọi hoạt động văn hóa, gồm: “Rạp hát, rạp chiếu phim, nhà xuất bản, nhà in, các nhà sách Khai Trí, Sống Mới, Độc Lập, Đồng Nai, Nam Cường, Trí Đăng, ... tất cả báo chí phải ngưng hoạt động và chờ lệnh. Thêm nữa, tất cả tác phẩm của 800 tác giả trong đội ngũ những người cầm bút Việt Nam Cộng Hòa, gồm nhiều lãnh vực sinh hoạt đều bị tịch thu và thiêu hủy. Dưới đây là các tác giả:

          Về triết học phương Tây,  có: Lê Tôn Nghiêm. Trần Văn Toàn. Trần Thái Đỉnh. Nguyễn Văn Trung. Trần Bích Lan.

          Triết học phương Đông, có: Nguyễn Đăng Thục. Nghiêm Xuân Hồng. Nguyễn Duy Cần. Nguyễn Khắc Kham. Nghiêm Toản. Kim Định. Nhất Hạnh…

          Vê biên khảo, có: Nguyễn Hiến Lê. Giản Chi. Lê Ngọc Trụ. Lê Văn Đức. Lê Văn Lý. Trương Văn Chinh. Đào Văn Tập. Phạm Thế Ngũ. Vương Hồng Sển. Thanh Lãng. Nguyễn Ngu Í. Nguyễn Văn Xuân. Lê Tuyên. Đoàn Thêm. Hoàng Văn Chí. Nguyễn Bạt Tụy. Phan Khoang. Phạm Văn Sơn. Nguyễn Thế Anh. Nguyễn Khắc Ngữ. Nguyễn Văn Sâm…

        Về thi ca có Nguyên Sa. Quách Thoại. Thanh Tâm Tuyền. Cung Trầm Tưởng. Tô Thùy Yên. Đinh Hùng. Bùi Giáng. Viên Linh. Hoàng Trúc Ly. Nhã Ca. Trần Dạ Từ. Phạm Thiên Thư. Nguyễn Đức Sơn. Du Tử Lê….

          Phê bình văn học, có: Tam Ích. Cao Huy Khanh. Lê Huy Oanh. Đỗ Long Vân. Đặng Tiến. Uyên Thao. Huỳnh Phan Anh…

          Về văn chương là đông nhất, với: Võ Phiến. Mai Thảo. Vũ Khắc Khoan. Doãn Quốc Sỹ. Thanh Tâm Tuyền. Dương Nghiễm Mậu. Bình Nguyên Lộc. Mặc Thu. Mặc Đỗ. Thanh Nam. Nhật Tiến. Nguyễn Thị Vinh. Phan Du. Đỗ Tấn. Nguyễn Mạnh Côn. Sơn Nam. Võ Hồng. Túy Hồng. Nhã Ca. Nguyễn Thị Hoàng. Nguyễn Thị Thụy Vũ. Minh Đức Hoài Trinh. Nguyễn Đình Toàn. Chu Tử. Viên Linh. Duyên Anh. Phan Nhật Nam. Nguyên Vũ. Vũ Hạnh. Y Uyên. Cung Tích Biền. Duy Lam. Thế Uyên. Lê Tất Điều. Hoàng Hải Thủy. Văn Quang. Nguyễn Thụy Long. Phan Lạc Tiếp. Thế Nguyên. Thế Phong. Diễm Châu. Thảo Trường. Nguyễn Xuân Hoàng. Nguyễn Mộng Giác. Ngô Thế Vinh...

          Nhóm cầm quyền Việt Cộng công bố chính sách: “Tất cả phương tiện truyền thông ở Việt Nam đều là tiếng nói của đảng cộng sản Việt Nam, với nhiệm vụ chánh là tuyên truyền quảng đường lối và chính sách của đảng, truyền đạt tin tức là phụ”.

          Ngày 20/8/1975, Bộ Thông Tin Văn Hóa ra thông tri 218/CT75, ra lệnh cấm lưu hành các loại sách phản động. 

          Tháng 9/1975, họ qui định danh mục sách bị cấm lưu hành, buộc các nhà bán sách báo và các nhà xuất bản thời chế độ cũ phải đem đốt tất cả. 

 Tháng 5/1977, Việt Cộng Sài Gòn ra thông tri 1230/STTVH/XB, bắt dân chúng phải thiêu hủy hoặc mang nộp toàn bộ các ấn phẩm văn hóa thời Việt Nam Cộng Hòa, trong khi Công An mở chiến dịch càn quét truy lùng sách báo cũ, chặn bắt người mua bán, thậm chí họ còn được lệnh vào nhà dân lục soát tịch thu bất cứ lúc nào họ muốn.

          Tháng 6/1981, trong cuộc truy lùng càn quét của Công An, đã tịch thu khoảng 3.000.000 (3 triệu) ấn phẩm sách và báo. Riêng tại Sài Gòn, tịch thu được 60 tấn sách các loại theo tường trình của tạp chí cộng sản. 

          Tất cả có năm chiến dịch ở Miền Nam vào cuối 1975, đầu 1976, giữa 1977, giữa 1981, và giữa 1985. Ai lưu trữ ấn phẩm thời Việt Nam Cộng Hòa đều bị truy tố theo điều luật 82, trong đó ghi rằng: “Việc làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống chế chế độ xã hội chủ nghĩa là "trọng tội", có thể bị tù từ 10 năm đến 20 năm”.

          Ngoài ra, còn có những trường hợp thiêu hủy sách một cách vô cớ như vụ đốt sách ở Trung Tâm Nghiên Cứu Văn Hóa Chăm ở Phan Rang năm 1978, do Giám Đốc Thư Viện tỉnh ra lệnh. Hàng trăm tấn sách biến thành đống tro. Một số học giả cố vớt vát nhưng chẳng được bao nhiêu.

          Các văn nghệ sĩ Miền Nam cũng bị bắt. Tính đến năm 1980, đã có 200 nhà văn, nhà thơ, nhà soạn nhạc, trước năm 1975 đã bị đẩy vào các trại tập trung cải tạo.

 Lệnh của Bộ Văn Hoá Thông Tin Việt Cộng buộc mọi người phải thiêu hủy toàn bộ văn hoá phẩm thời Việt Nam Cộng Hòa mà họ gọi là văn hóa phẩm đồi trụy và phản động. Họ mở chiến dịch truy lùng bắt giữ những ai tàng trữ, buôn bán, bắt giữ, và truy tố ra “tòa án nhân dân”. Chính sách này giống chính sách của vua Tần Thỉ Hoàng thời Trung Hoa phong kiến, và thời Mao Trạch Đông cộng sản trong Cách Mạng Văn Hóa vậy.

          Từ cuối thập niên 1980, sau cuộc "cởi trói" văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm được phép xuất bản nhưng ngay sau đó bị thu hồi. Trước tiên là cuốn tiểu thuyết Ly Thân của Trần Mạnh Hảo. Sách vừa in ra thì có lệnh cấm ngay. Tiếp theo là sách của Dương Thu Hương với tác phẩm Những Thiên Đường Mù, tác phẩm Bên Kia Bờ Ảo Vọng, và Tiểu Thuyết Vô Đề. Bà Dương Thu Hương mạnh mẽ phản đối chính sách kiểm duyệt tại Đại Hội Nhà Văn Việt Nam năm 1982. Kết quả là lãnh đạo Việt Cộng ra lệnh cấm mọi tác phẩm của bà không được in hay bán trong nước. Năm 1989 bà bị đuổi khỏi đảng, và bị bắt giam năm 1991. Năm 2006, nhà văn Dương Thu Hương lưu vong tại Pháp.

          Năm 2001, có lệnh tịch thu và tiêu hủy tác phẩm Chuyện Kể Năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn

          Năm 2002 Bộ Thông tin Văn hóa Việt Nam ra lệnh tịch thu và thiêu hủy những tác phẩm:

          1. “Suy tư và ước vọng của Nguyễn Thanh Giang. 

          2. “Đối thoại năm 2000  Đối thoại năm 2001 của Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân

          3. “Gửi lại trước khi về cõi” của Vũ Cao Quận.

          4. “Nhật ký rồng rắn: của Trung Tướng Trần Độ.

          Năm 2006 cuốn “Tranh luận để đồng thuận của nhà xuất bản Tri thức, có in lại bài bình luận của Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, và Nguyễn Đức Bình, nhưng vì có nội dung chỉ trích chánh phủ nên có lệnh cấm phát hành.

          Ngay cả sách giáo khoa càng siết chặt hơn. Trong chiến tranh chống Trung Cộng dọc biên giới Việt – Trung hồi tháng 2/1979, theo Giáo Sư sử học Vũ Dương Ninhphụ trách biên soạn sách giáo khoa sử học lớp 12, đã thu gọn trong 4 trang, cũng bị cắt bỏ chỉ còn vỏn vẹn 11 dòng. Năm 2016, tình trạng mất một số Đảo và Đá Ngầm trên Biển Đông cũng không có một trang nào, thậm chí không có một dòng nào trong sách giáo khoa môn sử cả. Theo blogger Phạm Viết Đào, giới sử học chỉ được viết môn sử trong bản thảo sách giáo khoa, còn xuất bản như thế nào là quyền của Ban Tuyên Giáo trung ương và nhà xuất bản.


Kết luận.

          Các Anh đọc xong rồi, Các Anh suy nghĩ gì? Nội dung trong thư này tôi chỉ tóm lược những bài viết rất thật từ trong nước, dù mới chỉ là những góc cạnh của sự thật trong cuộc sống. Nếu Các Anh chưa chấp nhận sự thật này, tôi nghĩ là Các Anh hãy đọc lại lần nữa, và đọc bằng cả tâm hồn của Các Anh, chớ không phải đọc theo lời dạy của đảng, của đoàn.        

          Và khi Các Anh chấp nhận những sự thật đó, Các Anh hãy luôn luôn sẳn sàng, khi cơ hội chợt đến là lập tức đứng lên, toàn dân sẽ đứng cạnh Các Anh,  cùng Các Anh làm nên lịch sử bằng cách triệt hạ chế độ cộng sản độc đảng, độc quyền, độc tài, độc đoán, và độc ác nhất suốt dòng lịch sử Việt Nam oai hùng từ khi lập quốc hơn 4.000 năm trước. Và hãy nhớ, không quốc gia nào hành động thay cho Việt Nam mình đâu Các Anh à, mà họ chỉ sẳn sàng trợ giúp Việt Nam mình thực hiện trách nhiệm cao cả đó.

          Từ đó, người Việt Nam trong nước và người Việt Nam chúng tôi tị nạn cộng sản tại hải ngoại, cùng nhau vá lại mảnh giang sơn đã "rách loang lỗ" bởi những Hiệp Ước của Việt Cộng giao đất giao biển cho Trung Cộng, xóa tan những “vệt da beo trên da thịt quê hương” mà hiện nay là những làng mạc có công nhân hay quân lính Trung Cộng sinh sống mà người Việt bị cấm vào. Cùng nhau khôi phục lại nền văn hoá “NHân Bản – Dân Tộc – Khai Phóng”, dù phải trải qua hai ba thế hệ mới thành công, và cùng nhau phát triển một xã hội dân chủ pháp trị mà mọi người được hưởng một cách tự nhiên những quyền căn bản của mình.

          Tôi là Người Lính Già, nói cho đúng là “Người Lính Già Quá”, không hề có tham vọng gì về chính trị khi tìm tài liệu để viết những lá Thư này, chỉ vì tôi tự thấy trách nhiệm của Người Lính chưa tròn, nên cố gắng tiếp tục trách nhiệm thích hợp với hoàn cảnh và quan điểm sống của “Người Lính Quá Già” này, đang sống xa quê hương đến nửa vòng trái đất. Chỉ có vậy thôi Các Anh à.

          Hãy nhớ, “Tự do, không phải là điều đáng sợ, mà là nền tảng cho sự thịnh vượng của đất nước. Không có dân chủ, không thể có sự trỗi dậy và phát triển bền vững. Muốn được sống trong Tự Do Dân Chủ, chính chúng ta phải tranh đấu, vì Tự Do Dân Chủ không phải là quà tặng./


Texas, ngày 1 tháng 5 năm 2025

Phạm Bá Hoa 

*****

Các Anh hãy đọc bài thơ “Cảm Tạ Miền Nam”, của tác giả Đại Tá Phan Huy trong Quân Đội Nhân Dân Việt Nam cùng Các Anh. Đọc để thấu hiểu một sĩ quan cao cấp trong quân đội xâm lăng Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi, và khi được sống với người dân gốc Việt Nam Cộng Hòa, tác giả mới nhận ra tâm hồn của ông được trong sáng, từ đó tác giả thấu hiểu sự khác biệt giữa đen với trắng, giữa sai với đúng, giữa xấu với tốt, giữa dối trá với sự thật, giữa độc tài với tự do.

Và xin vào bài 

Đã từ lâu, tôi có điều muốn nói

Với Miền  Nam, miền đất mới thân quen

Lời cảm ơn, rất tha thiết chân tình

Của Miền Bắc, xứ ngàn năm văn vật.


Tôi còn nhớ, sau cái ngày "thống nhất"

Tôi đã vào, một xứ sở thần tiên

Nếp sống văn minh, dân khí dịu hiền

Cơm áo no lành, con người hạnh phúc.


Tôi đã ngạc nhiên, với lòng thán phục

Mở mắt to, nhìn nửa nước anh em

Mà đảng bảo, đã bị lũ nguỵ quyền

Áp bức, đọa đày, đói ăn, khát uống.


Trước mắt tôi, một Miền  Nam sinh động

Đất nước con người, dân chủ tự do

Tôi đã khóc ròng, khi đứng giữa thủ đô

Giận đảng giận đoàn, bao năm phỉnh gạt.


Sinh ra lớn lên, sau bức màn sắt

Tôi chẳng biết gì, ngoài bác đảng "kính yêu"

Xã hội sơ khai, tẩy não một chiều

Con người nói năng, như là chim vẹt.


Mở miệng ra là "nhờ ơn bác đảng

Chế độ ta, ưu việt nhất hành tinh

Đuốc soi đường, chủ nghĩa Mac Lenin

Tiến nhanh tiến mạnh, lên thiên đường vô sản."


Hai mươi mốt năm, trên đường cách mạng

Xã hội thụt lùi, người kéo (cày) thay trâu

Cuộc sống xuống thang, tính bằng tem phiếu

Nhân phẩm con người, chẳng khác bèo dâu.


Cảm tạ Miền  Nam, phá màn u tối

Để tôi được nhìn, ánh sáng văn minh

Biết được nhân quyền, tự do dân chủ

Mà đảng đã từ lâu, bưng bít dân mình.


Cảm tạ Miền  Nam,  khai đường chỉ lối

Đưa tôi trở về, với tổ quốc thiêng liêng

Của Hùng Vương, quốc tổ giống Rồng Tiên

Chớ không là, Cac Mac và Lê nin ngoại tộc.


Cảm tạ Miền Nam, mở lòng khai sáng

Đưa tôi hội nhập, cùng thế giới năm châu

Mà trước đây, tôi có biết gì đâu

Ngoài Trung quốc, và Liên xô vĩđại


Cảm tạ Miền  Nam, đã một thời làm chiến sĩ

Chống lại Cộng nô, cuồng vọng xâm lăng

Hầu giúp cả nước, thoát bầy ác quỷ

Dù không thành công, cũng đã thành nhân./..


Phan Huy

Tháng Tư Ngồi Viết - Đỗ Công Luận

Định Nghĩa Bao Cao Su

 

Ở Nga có cuộc thăm dò dư luận. Câu hỏi được đặt ra để thăm dò là "Bạn nghĩ bao cao su là cái gì?"

Các đấng mày râu mọi độ tuổi đều được thăm dò ý kiến. Kết quả thống kê cho biết như sau:

Chú bé 5 tuổi: "Quả bóng bay xịn nhất, dai và tha hồ thổi to mà không sợ vỡ".

Cậu choai choai 15 tuổi: "Trời, dùng nó thì xấu hổ chết. Chưa kịp đeo vào thì đã ướt đầm ướt đìa rồi còn đâu nữa".

Thanh niên 20 tuổi: "Tình dục an toàn".

Chàng trai 25 tuổi: "Phương tiện tránh thai hiệu quả".

Bác trung niên 45 tuổi: "Ôi giời, không có thì thiếu, có thì thừa. Mua vào chỉ tốn tiền vô ích thôi".

Cụ già 70 tuổi: "Nhà vệ sinh di động nhỏ nhất thế giới".


Lượm trên mạng

"Gõ" Đầu Trẻ - Sài Gòn Cô Nương



Nghề “Gõ đầu trẻ” đúng như danh xưng của nó, nếu không “gõ” vào học sinh thì không phải nghề dạy học!

Vì thế cô giáo tròn mắt:

– Không đánh thì tụi nó leo lên đầu mình ngồi sao! Học sinh phần lớn lơ đãng, ham chơi. Nếu không đánh… chút để giữ kỷ luật nề nếp thì loạn ngay. Đố đứa nào học hành đàng hoàng nổi.      

 Cô lắc đầu chán nản:

– Ôi mệt lắm. Giáo viên trông nom một lớp độ bốn chục học sinh. Làm sao để không những mỗi năm chúng lên lớp đều đều, điểm cao, thi đâu đậu đó, học thật giỏi và tính tình thật ngoan ngoãn. Phụ huynh cứ ném con cái vào trường là khoán trắng việc dạy dỗ, uốn nắn trẻ cho giáo viên. Tốt không sao vì đó là công việc của giáo viên. Không tốt thì giáo viên lãnh đủ, nhận mọi chỉ trích…

Chẳng phải giáo viên chỉ tập trung mỗi việc dạy học đâu mà còn đủ thứ giáo án, phong trào, thi đua… tối mắt tối mũi. Lũ học sinh đang tuổi hiếu động, đâu có ngoan ngoãn vâng lời cho công việc học hành trong trường lớp được mau mắn trôi chảy. Cho nên nếu không viện đến câu “Thương cho roi cho vọt” vẫn đúng ở mọi thời, ngay cả thời nay, thì khó làm nghề dạy học được!

Khi kết quả học tập không khá, con cái không vâng lời, phụ huynh luôn luôn đổ thừa hết cho giáo viên. Đủ thứ áp lực dồn lên đầu nên đôi khi họ khó giữ bình tĩnh để đối xử với học sinh theo đúng phương pháp sư phạm. Khi đó giáo viên quay sang trút bực bội lên đầu lũ trẻ dưới quyền. Có đủ thứ chuyện để “gõ” học sinh là vậy.

Các bé ở trường mầm non, mẫu giáo bị phạt khi ăn chậm, khi không chú ý làm theo hướng dẫn của giáo viên… Có bé bị tát vào má, đánh vào mông. 


Hiện nay nhiều trường nhà trẻ mẫu giáo có gắn camera nhưng không phải vì thế mà tránh được bạo hành. Cô giáo ở trường mầm non quận 3 túm đầu trẻ, tát trẻ ngã dúi dụi. Cô đút rất nhanh, khi bé ói, cô túm đầu cho bé ói vào tô thức ăn rồi đút tiếp. Chắc là khẩu phần đã chia có giới hạn nên không có dư bù cho phần bé ói ra!

Một cô giáo ở Ninh Bình đánh trẻ mầm non tới tấp, kéo lê dưới nền gạch. Cô khác ở Đồng nai tát trẻ 2 tuổi 31 cái. Mặc dù học phí tư thục mầm non khá mắc: 20 triệu/tháng nhưng cô vẫn đẩy, kéo, nhốt bé mầm non vào tủ quần áo…

Khang, sinh viên năm thứ ba cho biết vẫn không thể nào quên thuở nhỏ cảm giác khi đi nhà trẻ thường bị cô dọa treo lên quạt trần hay cho ông kẹ bắt. Cứ nhìn lên chiếc quạt chạy vù vù trên trần nhà là các em bé đủ khiếp hãi, cả ông kẹ không rõ mặt mũi vẫn luôn là hung thần trong thế giới bé thơ. Dọa nạt cũng là một cách “đánh” học sinh, một hình thức bạo lực tinh thần vậy.

Dễ bị phạt nhất là học sinh ở bậc tiểu học.

Có rất nhiều vi phạm để bị “gõ”. Ví dụ không cắt móng tay. Mỗi học sinh xòe hai bàn tay đặt trên bàn để cô kiểm tra. Ai để móng tay dài một khẻ, con trai tóc để đuôi rùa tức là tóc hớt bình thường nhưng chừa lại một cái đuôi dài nhỏ xíu đàng sau nhìn rất “ăn chơi” cũng bị một khẻ, làm bể bình bông, giờ ra chơi chạy ngang qua phòng hiệu trưởng chửi thề… đều ăn khẻ cả, hoặc là giờ vào học, vừa đi vừa nói chuyện trên cầu thang… Theo nội quy, khi xếp hàng, học sinh phải tuyệt đối im lặng. Nếu chuyện trò dẫn đến đùa giỡn khiến hàng lối không giữ được ngay ngắn, nhìn không nghiêm trang, đẹp mắt… Ăn khẻ luôn… 

Có giáo viên khẻ nhè nhẹ nhưng cũng có người giáng thẳng cánh khiến lòng bàn tay học sinh bị đánh đỏ ửng hồi lâu. Dù sao khi tan học về nhà thì chỗ tay đó hết nổi lằn rồi, phụ huynh kiểm tra khó thấy chứng cớ để đi kiện.

Khẻ tay là hình phạt phổ biến trong trường học. Hồi đó đa số giáo viên đều sở hữu một cây thước kẻ kè kè bên mình. Ai từng đi học mà không biết đến cây thước ngàn đời này. Ngày xửa ngày xưa chính là cây thước gỗ sơn hai hoặc ba màu, vuông bốn cạnh, trên thước có vạch số dài 30cm cả giáo viên và học sinh đều dùng. 

Ngày nay, học sinh dùng dùng thước mica vì thước gỗ không tiện lợi, dùng lâu ngày sẽ bị phai số, dễ bám bẩn và tùy thời tiết, gỗ xấu có thể cong, gạch không còn thẳng hàng. 

Thước gỗ rất tiện lợi vì ngoài công dụng gạch hàng, số đo kẻ hàng, giáo viên còn dùng để chỉ bảng, đập mạnh để nhắc nhở sự chú ý của học sinh và khi cần thì khẻ tay. 

Thật ra cây thước gỗ ấy từ lâu đã bị đào thải, không còn trong cặp giáo viên, giống như cây roi mây, từ lâu chẳng ai dùng mặc dù ở hàng bán chổi vẫn thấy bày bó roi mây. 

Thước gỗ nhìn xưa quá, bây giờ người ta thích dùng cây ăng ten chỉ bài trên bảng hơn, có thể kéo dài hay thu lại cất gọn trong cặp, nhìn màu trắng, sáng loáng đẹp mắt hơn thước gỗ ngắn ngủn và mau xuống màu.

Vả lại, thước gỗ dần hiếm, không còn ai bán nên vài thầy cô dùng một cây thước gỗ bản rộng hẳn nguồn gôc là thước may dùng để đo vải cắt quần áo. Thứ này quất đau lắm nên thường chỉ dùng đập mạnh lên bảng hay bàn tạo nên tiếng động chan chát rất to đầy vẻ thị uy.


Cách đây mấy chục năm, giáo viên vẫn bắt học sinh nằm úp trên bục đánh lên mông, kế thừa cách mấy ông già xưa buộc con cháu nằm dài trên phản quất roi dạy dỗ. Cho nên mới có chuyện vui cậu bé sợ bị cha đánh đã láu lỉnh độn mo cau vào quần để tránh đòn đau. Hình phạt ấy “xưa” rồi, xưa như cây roi mây hay thước gỗ. Nay có nhiều cách phạt, không có con nít nào chịu nằm yên cho người lớn đánh cả. 

Chuyện gì cũng bị phạt. Giờ thủ công bỏ quên kéo, nói chuyện trong lớp… nhất là không thuộc bài và không làm bài.

Cô giáo lại than thở: 

– Nếu không đánh thì mình làm gì có thời giờ đi năn nỉ từng đứa? 

Một lớp mấy chục học sinh khó mà theo sát từng em để giải quyết từng trường hợp vi phạm nội quy nho nhỏ.

Thật ra giáo viên cũng không thường đánh học sinh. Có nhiều cách phạt phổ biến hơn như thụt dầu, chép phạt…

Những hình thức này cũng có khi bị lạm dụng, giáo viên quá tay gây hậu quả nặng nề.Thay vì thụt dầu chừng năm, mười cái có tính nhắc nhở thì một cô giáo ở Bến Tre bắt học sinh thụt đến lần thứ 250 khiến em liệt cả chân. Chở vào bệnh viên mới hay học sinh chấn thương cơ đùi và dây chằng cột sống. 


Giáo viên khác ở Thái Nguyên bắt học viên chạy 200 lần quanh sân, mỗi vòng gần 400mét. Nếu chính thầy cô ra tay xem chừng tội lỗi quá nên một giáo viên lớp 4 ở tỉnh Thái Bình cho cả lớp, 33 học sinh tát vào mặt một bạn về tội để quên cuốn sổ thi đua ở nhà. Kết quả em học sinh nạn nhân cũng phải nằm bệnh viện mười ngày. Hình phạt khác không thuộc bài chép phạt một trăm lần. Chép cứng cả tay mà bài vẫn không hiểu, miệt mài chép phạt nên không có thời giờ học bài mới. Thế là lại tiếp tục chép phạt triền miên.

Đó vẫn là những hình phạt nhẹ nhàng. Một học sinh lớp 5 ở Đồng Tháp vì bị nghi lấy bốn mươi tám ngàn đồng tiền quỹ mà bị ép cung đến rối loạn tâm thần, em lớp trường ở Hà Tây bị thầy tát đến vỡ mặt đồng hồ và bắt quỳ…, một học sinh ở trường Đà Lạt bị thầy đánh rạn xương mũi và chấn thương ổ bụng. Nhẹ hơn chút, học sinh lớp 1 mang đồ chơi  vào lớp chơi trong giờ toán khiến cô giáo xoắn tai và vỗ đầu, vỗ lưng gây bầm tím… 

Lên đến trung học, có vẻ giáo viên hầu như không đánh nữa vì sẽ vấp phải sự phản ứng của học sinh đã lớn tuổi.

Trường nào có giám thị đông đảo thì giáo viên nhường quyền trừng phạt qua cho giám thị, như vậy đỡ mang tiếng hành hạ học sinh. Những trường kỷ luật nghiêm khắc không đánh học sinh mà thường đuổi học và mời phụ huynh đến nói chuyện. Phụ huynh phải đi làm bận bịu, lui tới trường hoài thật mất thời giờ phiền toái nên cách phạt này tuy khá hiệu nghiệm nhưng lại rất mất công cho cả hai bên.

Thật ra ngày nay số giáo viên đánh học sinh rất ít. Do bị khống chế ở sự kiểm điểm, ở phong trào thi đua quy ra mức thưởng, tăng lương, các biện pháp kỷ luật. Không kể học sinh phản ứng mạnh hoặc phụ huynh làm dữ nên giáo viên không dám ra tay.

Cô giáo đánh bầm xước một bé gái lớp mầm ở Bình Tân, phụ huynh đòi phạt 10 triệu đồng nhưng sau nhiều cuộc thương lượng, số tiền “bồi thường tổn thất tinh thần” được đẩy lên 100 triệu đồng

Tuy nhiên theo thói quen giáo dục Á Đông xưa, nhiều người lớn vẫn cảm thấy có quyền đét con nít. Nhiều khi đưa tới kết quả bất ngờ.  Hôm qua, một giáo viên tiểu học về nhà kể câu chuyện nóng hổi:

– Nghe học sinh chửi thề, mình khẻ nhẹ liền một thước giải quyết cho xong chứ thời giờ đâu bắt làm bản kiểm điểm này nọ. Ai dè nó lên phòng Hiệu Trưởng mách liền. Hiệu trưởng đập cho mình một trận tơi bời, hăm cắt lao động tiên tiến. Mà mất tiên tiến là mất thưởng, kéo dài thời gian tăng bậc lương… Thay vì nó viết kiểm điểm, té ra mình viết một kiểm điểm nhận lỗi, hứa không tái phạm…

Cô khổ sở phân bua:

– Con nít thật rắn mắt. Mình nói rã miệng tụi nó đâu có nghe. Chương trình học thì nặng nề. Học sinh không học thì giáo viên lãnh hậu quả. Cứ trông vào kết quả học tập và mức độ vi phạm kỷ luật của học sinh mà giáo viên bị đánh giá, bị phê bình… 

Nói cho đúng, giáo dục hiện nay đâu phải thời ông đồ dạy học chi, hồ, giả, dã nữa. Ngày xưa vốn trọng vị trí Quân Sư Phụ. Thầy đứng cao hơn cả cha mẹ. Nay đạo lý Khổng mạnh không còn, học sinh được tôn trọng ngang như người lớn. Có cả một bộ luật Quyền Trẻ Em được đưa vào chương trình của tiểu học. Chỉ có điều ý thức về quyền đó như thế nào là vấn đề còn nhiều bàn cãi. 

Thành thử giáo viên dĩ nhiên không được phép đánh học sinh nhưng ngược lại, rất nhiều trường hợp học sinh đánh giáo viên. Nóng nảy chốc lát phạt học sinh coi chừng bị trả đũa ngay lập tức. 

Ngày xưa, học sinh “trả thù” giáo viên thường thấy nhất bằng cách lén xì lốp xe của thày cô, viết bậy lên tường, vẩy mực vào tà áo dài của cô giáo… Những cách đó dần dần trở nên quá hiền, chẳng học sinh nào làm. Lũ học trò không tìm những trò tinh nghịch mà thiên về bạo lực. Bây giờ thì nặng rồi. Đánh học trò coi chừng tính mạng đấy. Coi thi bắt tại trận học sinh cóp- pi, ra về coi chừng nó lụi cho một dao, hoặc kêu cả nhà ra xin thầy cô… tí huyết. Nhất là khi phụ huynh của học sinh là chức sắc. Rất nhiều trường hợp khi nghe học sinh về nhà kể chuyện bị phạt trong trường, phụ huynh đã kéo cả nhà đến tận trường hành hung giáo viên. 

Đó là trường hợp lớp nhỏ, còn học sinh ở các lớp lớn hơn thường rủ bạn bè, thậm chí tự mình đón đường đánh giáo viên. Giáo viên môn Hóa học ở Phan Rang bị một học sinh lớp 11chặn đường đánh thương tích chỉ vì trong giờ học nhắc nhở em này làm bài.

Trước kia, các trường học thường treo câu “tiên học lễ, hậu học văn” ngay trên tường. Một thời gian dài, câu ấy bị xóa đi. Nay, vấn đề đạo đức trường học được nêu ra nên thấy xuất hiện lại trong một số trường. 

Không kể nhiều trường học phí cao. Quảng cáo dữ lắm mới chiêu sinh đủ sĩ số. “Khách hàng là thượng đế” nên nhà trường phải tìm đủ mọi cách giữ học sinh. Vì vậy cũng sinh ra tình trạng học sinh đâm lờn, coi thường thày cô. Chỉ cần học sinh hay phụ huynh kêu ca, than phiền là giáo viên bị đuổi việc ngay.

Thành thử nhiều giáo viên cũng tự nhủ thôi thôi thời buổi “tự do bình đẳng” nhịn cho lành!


Saigon Cô Nương