Sunday, November 6, 2016

Những Người Khách Già Và Mẹ - Phan Ngọc Vinh

Trước mặt tiệm móng của tôi là một cơ sở chuyên môn giới thiệu việc làm cho các cô các bà Aid Nurse, tức là họ đứng trung gian ăn tiền cò giữa người già và người Aid Nurse. Khi người già cần người đến nhà chăm sóc, tắm rửa, chở đi shop, đi ăn,… thì cứ gọi cho cơ sở này, họ sẽ cho người tới chăm sóc, người già ấy sẽ trả tiền cho cơ sở và cô aid nurse sẽ nhận lương từ cơ sở.
Ở VN nghe đến chữ “làm cò”, mọi người nghe nó làm sao, làm như có gì “mánh mung”, nhưng ở bên Mỹ có công ty hẳn hoi, và xem đó là một công việc hợp pháp, giúp đỡ cho mọi người khỏi phải tự làm, tự lo mọi chuyện, vừa mất thời giờ, vừa không biết chuyện mình cần nó đi tới đâu.

Bà Mỹ này 95 tuổi rồi, diện như đàn bà tuổi trung niên. (Hình: tác giả cung cấp)

Tôi không hiểu từ bao giờ tiệm móng tay của tôi toàn lọc lại những người già, khi mở tiệm cách đây 15 năm, toàn vùng CW này đếm trên đầu ngón tay chỉ có 5 tiệm nail, bây giờ mở cuốn niên giám, tôi nhẩm đếm là 35 tiệm! Một con số khủng khiếp, thời “cực thịnh” kể cả chủ là 5 người, bây giờ rớt từ từ chỉ còn 1 thầy, 1 thợ, và 1 cô part time cuối tuần.
Vì ở gần cơ sở này nên bên ấy cần chăm sóc móng tay cho khách hàng già của họ, họ đều réo tôi sang nhận “job”!
Từ cái cảm nhận đầu tiên khi tôi đến nhà một lão bà với muôn vàn ý nghĩ, những năm ấy ông xã tôi đi làm ngày CN, ngày này rảnh không biết làm gì thì nhận việc cho vui, vừa có được ít tiền, vừa tiếp xúc thêm những gia đình của người Mỹ để nghĩ là mình sẽ lãnh hội thêm văn hóa, nếp sống của người Mỹ, và một việc khác quan trọng hơn nữa đó là: “Từ hồi lập gia đình đến nay đã gần 20 năm tôi đã không ở gần má tôi để mà chăm sóc bà, vì vậy mỗi lần làm móng tay cho bà Mỹ già nào, tôi đều liên tưởng đến má tôi và nghĩ rằng tôi đang làm móng cho má tôi, có khi nhớ má tôi quá, tôi vừa làm vừa khóc.”
Lần đầu tiên nhận đến nhà một bà Mỹ, khoảng 9 giờ sáng Chủ Nhật, tôi lái vòng vòng trên đường để kiếm địa điểm, khu này nằm trong một vùng đất rộng lớn tiếp giáp 4 mặt đường, có rào bằng tường che phủ, muốn vào thì phải lại cổng bấm 4 số mật mã, nơi cái máy nhỏ đó phát ra giọng chủ nhà mà mình muốn gặp, họ sẽ hỏi tìm ai, nếu đúng như người cần gặp họ sẽ chỉ đường mình lái vô nhà trong khu đó, và cây chận cổng sẽ bật lên cho mình chạy qua.
 Cổng vào khu cư xá của các gia đình giàu có. (Hình: tác giả cung cấp)
Hôm ấy tìm được nhà xong rồi, tôi bấm chuông, có ông già Mỹ ra mở cửa, ông dắt tôi vào một căn phòng lớn, nghe tiếng nói chuyện, nhìn vào thì thấy trước mắt một khung cảnh xa hoa lộng lẫy, nệm dày cao cả 2 tấc, toàn bộ chăn gối chung quanh bà đều cùng một màu xanh phơn phớt, một bà Mỹ già ốm yếu bệnh hoạn, mặt mày xanh mét như thiếu ánh nắng mặt trời, nhưng vẫn còn phảng phất những nét đài các,  sang trọng, đang vừa nằm vừa gác chân trên cái gối ôm, xung quanh bà toàn gối là gối, có một cô aid nurse ngồi kề, họ chờ tôi đến cắt móng tay và móng chân xong rồi cô nurse này sẽ giúp bà đi tắm. Bà muốn chân thì chỉ cắt, giũa và “móp” cho không bị xước, nhưng tay thì phải làm đúng trình tự như bà đã từng đến tiệm nail lúc còn khỏe mạnh. Hôm ấy lần đầu tiên tôi làm cho bà, vừa làm mà mặt tôi đẫm nước mắt, vì nghĩ đến má tôi, có bao giờ má tôi được tôi làm như vậy! Và bà có bao giờ được nằm nệm cả 2, 3 tấc dày mo như thế, dù 12 đứa con, đứa giàu cũng có, đứa nghèo cũng có, chỉ đủ ăn như tôi cũng có nhưng cứ bị cuốn hút công việc ở đây nên có khi nào tôi nghĩ rằng sẽ về thăm má.
Hôm ấy trên đường lái xe về nhà, tôi cảm thấy buồn thê thảm.
Tôi có một nguoi khách tên là Barbra, bà đã theo tôi từ hồi mới mở tiệm, cách đây 15 năm, bà đến mang theo coupon, được bớt 20%, nhưng khi bà cho tip lại nhiều hơn tiền bớt, bà lái xe vù vù, mỗi lần đến thấy bà quẹo vào parking nhanh và thắng gấp ngay cửa tiệm, không có chồng, con bà ở Florida, nghỉ hè bà có thể lái xuống dưới mười mấy tiếng để thăm con. Cách đây 5 năm bà bị ung thư ngay cổ họng, cứ bị cắt dần vì nó lan ra, bây giờ cô con gái phải về đây ở với bà để chăm sóc, mỗi lần bà tới tôi thấy cái chết như từ từ đến với bà, nhưng tôi thấy ở bà một sự chống chọi mãnh liệt với bệnh tật, bà vẫn yêu đời mặc dù ngay cổ họng vẫn gắn cái “bộ phận “như cái nút, cứ 5 hay 10 phút thấy bà gỡ ra chùi vì đờm dãi làm bà nghẹt thở, mỗi lần bà tới rồi về, tôi ôm bà và nói: “Tôi hy vọng lần sau vẫn gặp lại bà, chúc bà mạnh khỏe,” dù biết rằng tử thần sẽ gõ cửa nhà bà một ngày không xa…
Bà Bababra đã theo tôi từ hồi mới mở tiệm, bà phải gắn cái nút ngay cổ để thở. (Hình: tác giả cung cấp)

Một bà khác, mấy năm trước mỗi lần đến có cô y tá lái xe đưa đến, trước mũi xe SUV, có gắn con ngựa bằng bạc ngay mũi xe, cổ bà hay đeo một xâu được kết bằng mấy con ngựa bằng đồng, tôi nghĩ chắc là nặng cổ lắm, nghe cô y tá kể lại: “Lúc còn trẻ bà được cha mẹ để lại cái Farm, bà rất yêu ngựa, rất mê cưỡi ngựa, bà có một thằng con trai cũng lớn tuổi, nhưng thằng con không có cha, và nó không chịu nhận cái mảnh đất vài mẫu mà bà muốn để lại, một ngày nọ cách đây 20 năm con ngựa trở chứng, quật bà té xuống, xương sống bị gẫy làm 3 khúc, gẫy cổ, bà sống nhưng chịu tàn tật suốt đời, phải ngồi xe lăn,” nhưng vẫn muốn làm nail mỗi tuần dù ngồi một chỗ, ăn uống một chỗ, tiêu tiểu trong tã lót. Vậy mà bà vẫn thích chưng diện, đầu tóc tươm tất, đến tiệm nail mỗi tuần. Vì vậy, tôi mới có việc để làm.
Có một bà khách đã 80 tuổi rồi, tóc trắng xóa, nhưng diện như Lis Taylor, lái xe như con gái, tay đeo đủ 10 ngón 10 loại nhẫn, cổ tay mang cả chục thứ vòng, bà mới thay xương hông và 2 năm về trước thay đầu gối, bà già quá rồi, nhưng cười vẫn tươi như hoa, đố ai biết bà có bị bịnh gì không nhỉ!…
Bà khách đã 80 tuổi rồi, tóc trắng xóa, nhưng diện như Lis Taylor. (Hình: tác giả cung cấp)

Và thưa quý vị, một vị khách đặc biệt mà 19 năm rồi tôi chưa gặp mặt, bà này không phóng xe vù vù như con gái, 80 tuổi vẫn rình rình lấy xe đạp đi chợ ở Ngã Ba làng để mua thức ăn về nấu cho các cháu, các con, không phấn son lòe loẹt, người mà tôi ao ước được ngồi kế dưới chân để cắt móng tay cho bà, để được thủ thỉ với bà 19 năm qua nơi xứ người tôi đã làm gì mà không một lần về thăm quê mẹ, để được một lần đút cơm, đút cháo. Vị khách kính yêu ấy là… Má tôi.!
Tháng Ba vừa rồi, liên tiếp những cú phone từ quê nhà gọi sang, những cú “text” của các em gởi chị, “Chị về đi, má nói là má sợ chết mà không gặp chị!” Một vé máy bay khứ hồi tức tốc được mua và má tôi vẫn còn chút xíu nhận thức để nhận ra tôi khi tôi hỏi: “Má có biết đứa nào đây không?” Bà có thể trả lời như chờ đợi tôi từ lâu lắm: “Con V ,” tôi thấy hai dòng nước mắt từ từ rơi ra nơi khóe mắt, bà có vẻ mãn nguyện là đã được trông thấy tôi, và tôi cũng mãn nguyện là được cắt móng tay cho bà!
Nhớ đến bà khách bệnh nằm giữa đóng mền gối, nệm cao gần 2 tấc, tôi hỏi các em sao không mua nệm cao cho má, nó trả lời má nói má không quen, nằm nệm nóng nực làm má thấy khó chịu lắm, phòng má có gắn máy lạnh, nhưng mỗi lần mở lên bà bị sổ mũi, nhức đầu, bà thích xài cái quạt bằng tay phe phảy mà thôi.
Má tôi cả một đời vì con vì cháu, nhịn ăn cho con những khi nhà túng quẫn, nhịn mặc để con được se sua chút đỉnh với bạn bè. Tôi không dám post hình của má tôi lên đây vì trông thê thảm lắm. Người bệnh sắp chết thì đâu có gì đẹp đâu! Vạn vật vô thường, tiệm tôi năm nay có vài bà Mỹ rũ áo ra đi về bên kia thế giới, mỗi lần cách vài tuần không thấy một bà tới, hỏi lần ra thì biết Chúa đã rước đi rồi. Vậy mà có bà lại nói: “You” đừng bán tiệm bỏ “me” nhe!
Phan Ngoc Vinh

1 comment:

  1. Cám ơn chi NPN , thân chúc chi luôn mạnh khỏe, bình an, gia đình vui vầy hạnh phúc.
    Kim Phan

    ReplyDelete