Quan niệm, nhận thức của con người về phước (phúc) và họa
hay may và rủi, được và mất, lợi và hại rất chủ quan. Bản chất của phước, họa
cũng như mọi điều khác trong thế giới sự vật, hiện tượng từ vật chất cho đến
tinh thần đều là duyên sinh, không có thực thể, thực tướng.
Một người đi trễ chuyến xe, tự cho
là mình rủi. Nhưng ngày hôm sau đọc báo, thấy chuyến xe mà mình đi hụt bị rơi
xuống vực sâu. Bấy giờ người ấy không còn thấy sự trễ xe hôm trước là rủi nữa,
trái lại còn cho đó là may, vì nhờ đi hụt mà còn sống sót.
Thấy một người đàn ông cưới được
cô vợ vừa đẹp lại vừa giàu sang, ai cũng trầm trồ khen ngợi, ước ao, cho rằng
anh ta có phước. Nhưng chẳng bao lâu người đàn ông nọ và vợ dắt nhau ra tòa ly
dị vì cô vợ sinh lòng lang chạ và sa đọa trong ăn chơi trụy lạc. Khi ấy người
ta lại tặc lưỡi bảo nhau: Anh này thật vô phước!
Có người trúng vé số độc đắc được
mấy tỷ đồng, ai cũng nghĩ rằng phước phần của anh ta đã đến. Không ngờ chính vì
có số tiền quá to ấy mà anh ta sinh tật: đua đòi, hưởng thụ, đam mê cờ bạc rượu
chè, đi sớm về khuya, vợ bé vợ mọn; vợ chồng anh ta vì tranh chấp tiền bạc mà
bất hòa, vì chuyện anh lăng nhăng bên ngoài mà kéo nhau ra tòa ly dị; con cái ỷ
có tiền của mà bỏ bê học hành, chỉ lo ăn chơi phóng túng. Còn nhiều trường hợp
khác vì trúng số mà anh em, bạn bè trở mặt nhau; vì trúng số mà bị giết hại do
cướp vào nhà, do người tình phản bội…
Vậy người đi hụt chuyến xe kia là
rủi hay may? Có được người vợ đẹp và giàu như anh chồng kia là họa hay phước?
Và trúng số như những người nói trên là nỗi lo hay điều đáng mừng?
Tùy theo cái thấy, sự nhìn nhận,
tùy theo duyên mà người ta cho đó là phước hay họa, nó luôn biến chuyển, thay
đổi không ngừng, phước chuyển thành họa, họa chuyển thành phước, vừa là phước
lại vừa là họa. Người xưa thường bảo: “Trong họa có phước, trong phước có họa”,
nhưng kỳ thực họa phước do duyên, có nghĩa là do điều kiện, do hoàn cảnh, do sự
nhìn nhận nó như thế nào, tùy theo duyên mà nó được xem là phước hay họa. Các
bậc cha mẹ có con mắt tinh đời khi thấy con mình ra đời lập nghiệp, tuổi còn
trẻ mà thành công quá sớm thì vừa mừng vừa lo. Mừng vì con thành công trong
cuộc sống, lo vì con thành công sớm quá sẽ sinh tâm tự phụ, kiêu căng. Tuổi còn
trẻ chưa từng trải, chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, chưa hiểu đời
nhiều, vì thế nếu thành công quá dễ dàng sẽ sinh tâm chủ quan khinh suất, như
thế sẽ dễ mắc phải sai lầm đưa đến sớm thất bại, dù buổi đầu có thành công
nhưng không thể thành công lâu dài, sự nghiệp khó bền vững. Hơn nữa vì sớm
thành công nên tâm cao khí ngạo, tự phụ kiêu căng, từ đó có thái độ, hành vi
coi thường người khác, dễ va chạm và làm mất lòng mọi người, từ đó sẽ có nhiều
người bất mãn, chống đối, đó cũng là nguyên nhân thất bại.
Có nhiều phụ nữ lấy được chồng đẹp
trai lại giàu có, về nhà chồng chỉ việc làm vợ làm mẹ, mọi thứ khỏi cần bận
tâm. Bạn bè đồng trang lứa thấy thế cho rằng họ có phước quá, ai cũng ước ao
mình được như thế. Nhưng cha mẹ của những cô gái được xem là diễm phúc kia thì
có người băn khoăn: “Chồng hào hoa, đẹp trai thì có nhiều người mến mộ. Nếu nó
có thêm tánh phong lưu bay bướm, không chung thuỷ thì con gái mình sẽ khổ”, “Ăn
ở không, được chồng nuôi chưa hẳn là có phước. Sống lệ thuộc không làm chủ được
bản thân chắc chắn sẽ chịu nhiều thiệt thòi. Thà ra ngoài làm việc để có cơ hội
khẳng định mình, có khả năng tự lập, có điều kiện rèn luyện, trau giồi bản
thân, có thêm kiến thức, kinh nghiệm, có thêm niềm vui trong cuộc sống”. Cách
nhìn về phước, họa của mỗi người mỗi khác, tùy thuộc điều kiện, hoàn cảnh, tùy
thuộc quan niệm, lối sống, kinh nghiệm, hiểu biết v.v…
Một nghệ sĩ nổi tiếng trong làng
giải trí nói trên báo Thanh Niên rằng, từ khi ông bán đi mấy chiếc xe
hơi thì thấy thanh thản, thoải mái hơn. Bây giờ mỗi khi đi đâu chỉ cần gọi taxi
hoặc xe ôm là được. Lúc còn mấy chiếc xe hơi phải thuê người lái, đi đến đâu
phải tìm chỗ đậu xe cũng mệt. Thỉnh thoảng bị tài xế làm khó dễ để vòi tiền.
Khi gặp bạn bè hay đi tiệc tùng thì lại nghe những lời bàn tán về xe, họ bình
luận, so sánh, chê khen, nào là xe này đẹp, xe kia không đẹp; xe này sang, đắt
tiền, xe kia thuộc hạng xoàng rẻ tiền; xe này sành điệu, thời thượng, xứng tầm
đại gia, xe kia lỗi thời, cổ lỗ v.v… Nghe những chuyện như thế rất mệt.
Có người nghe ông nghệ sĩ kia nói
thế thì cho rằng ông ta “giả bộ”, nói không thật bụng, có xe sướng quá mà làm
bộ than phiền. Đâu phải ai muốn có xe hơi cũng được. Người chưa từng có xe hơi
thì nghĩ có xe hơi là “ngon lành” lắm, sung sướng lắm, có phương tiện tốt để đi
lại, hãnh diện với bạn bè. Nhưng người
có rồi thì cảm thấy có xe cũng thêm nhiều phiền phức, cũng vướng bận
thêm vì phải lo có chỗ đậu mỗi khi đến đâu, phải lo giữ gìn, bảo quản, lo chiều
lòng tài xế, lo bà con, bạn bè buồn khi hỏi mượn mà mình không cho, mà cho muợn
thì không yên tâm lắm (rủi xảy ra tai nạn hoặc hư xe thì cũng khổ)...
Đối với vấn đề họa phước, người
trí bình thản, an nhiên, không để nó làm dao động tâm mình, chỉ xem nó như mây trôi,
gió thoảng. Nhìn mây trôi ngang qua trời, nghe gió thoảng qua bên tai, chỉ thấy
thế, chỉ nghe thế, biết thế thôi, không cần bận tâm, không cần nghĩ ngợi, không
vui buồn vì nó. Phải tập như thế, phải tu sao cho được như thế (dù là pháp môn
nào) thì tâm mới được tự tại, an vui, không buồn không lo, không khổ não.
Tâm bình thản, an nhiên, không
điều chi có thể làm bận lòng, như thế không phải là người vô tri, không phải là
người vô tâm, vì vẫn hay vẫn biết, vẫn thấy, vẫn sống và hành động dưới sự soi
sáng của tuệ giác nhưng tùy duyên, không miễn cưỡng, gượng ép, không vướng mắc,
không bị buộc ràng, hệ lụy.
Đức Phật chưa bao giờ cho rằng
việc Đề Bà Đạt Đa lăn đá và xua voi dữ giết hại mình là họa. Đức Phật cũng chưa
bao giờ cho rằng việc Ngài được vua Bình Sa cúng cho vườn tre Trúc Lâm, được
ông trưởng giả Cấp Cô Độc cúng khu đất để xây tinh xá Kỳ Viên, khu đất mà ông
đã mua với số tiền vàng trải đầy trên mặt đất, và được hoàng thân Kỳ Đà cúng
cho vườn cây trên mảnh đất này là phước. Tâm Phật không hề dao động trước những
điều xảy ra đó, Ngài không mừng khi được cúng dường, tán dương khen ngợi; không
lo không buồn khi bị chống đối, hãm hại, Ngài bình thản, an nhiên, tự tại.
Người trí có thể chuyển cái mà thế
gian cho là họa thành phước, và làm tăng trưởng, phát triển to lớn hơn cái mà
thế gian cho là phước đang có. Nhưng người vô trí thì biến cái mà thế gian cho
là phước thành họa. Ví dụ Đức Phật đã biến sự chống đối, dã tâm làm hại Ngài
của Đề Bà Đạt Đa thành cơ hội khảo nghiệm, thành thử thách giúp Ngài thành tựu
đạo hạnh, viên mãn công đức.
Một người con có tài trí, có nhân
phẩm, đạo đức tốt biết tận dụng tài sản do ông cha để lại (phước) để xây dựng
hạnh phúc cho mình, phát triển sự nghiệp bản thân, làm ích nước lợi nhà. Nhưng
ngược lại, người con bất tài vô trí, nhân phẩm đạo đức kém sẽ ỷ lại vào gia sản
của ông cha để lại mà ăn chơi phóng túng, sa đọa trụy lạc, kết cục anh ta biến
cái phước (có nhà cao cửa rộng, có tài sản, sự nghiệp) thành ra cái họa.
Người có tài năng, có đức độ, có
chí hướng, biết siêng năng cần mẫn, dù sinh ra trong hoàn cảnh cùng khổ, khốn
đốn (kém phước), họ vẫn vươn lên và đạt nhiều thành công trong cuộc sống. Đó là
vì họ biết tận dụng hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt để rèn luyện mình, nuôi
dưỡng chí hướng phấn đấu vươn lên. Họ đã chuyển sự không may (hoàn cảnh kém
phước) thành điều hạnh phúc. Cũng như người biết xử lý rác thải có khả năng
biến đống rác bỏ thành những vật dụng trong nhà, có thể dùng rác để tái chế ra
những sản phẩm mới. Nhưng người vô trí, không biết sử dụng thì có thể biến
những sản phẩm mới thành ra đống rác.
Họa hay phước là do chúng ta. Bản
chất của họa phước vốn không có thực, chúng là pháp duyên sinh, không có thực
thể, thực tướng. Cái phước thật sự, lớn nhất là khi làm chủ được tâm mình,
không bị những thành bại, được mất, hơn thua làm cho bận lòng, làm cho phiền
não.
Minh Hạnh Đức
Nguồn: giacngo.vn
No comments:
Post a Comment