Hình minh họa
1.
Tháng 7/2000.
Người thiếu
nữ hất nhanh ra sau mớ tóc vướng trên bờ vai, nhìn
tôi đăm đăm. Một thoáng bối rối hiện qua các ngón tay đan vào
nhau, nhịp nhẹ lên bàn. Cô có dáng cao, thanh tú, mặt trái
xoan, đôi mắt to đen, và nhất là nước da trắng hồng
-đặc điểm của con gái xứ dừa Bồng Sơn, Tam Quan
mà tôi đã gặp những lần hành quân qua các thôn ấp. Sau khi
tự giới thiệu, cô vào đề ngay, vắn tắt kể về đời
cô, với giọng đặc Nha Trang, quê tôi. Và mỉm cười, nói :
- Trước đây, đã lâu, cháu được bà dì ruột cho
biết đầy đủ, nhưng cháu không tin. Sau đó, tình cờ một
người quen, bác Thắng, cũng thuật lại, y như thế, khiến cháu thêm thắc
mắc. Bác ấy còn cho cháu xem hình chú mặc Quân phục, chụp chung
với đơn vị.
Rồi đột ngột hỏi :
- Hôm nay đường đột đến gặp chú, do bác Thắng chỉ dẫn, cháu muốn
xin chú xác nhận về câu chuyện theo
họ đã kể có thật như vậy không ?
Thì ra thế, tôi lẩm bẩm, cố nén tiếng thở dài, chưa trả lời
ngay. Người dì và Thắng có trí nhớ phi thường, tôi
thầm phục, sau hơn ba mươi năm, không sót một chi tiết nào.
Cô nhắc lại câu hỏi, chờ đợi. Hồi lâu, tôi mới chậm rãi nói :
- Thật hay không thật là tùy ở cô, và không
thay đổi được gì, khi mọi người,
và có lẽ cả cô nữa, cũng biết rằng trong xã hội
này lằn ranh giữa sự thật và dối trá là rất mỏng manh.
Vả lại, bây giờ câu hỏi ấy còn cần thiết nữa chăng sau bao năm
cô đã sống rất yên ổn, rất tự hào với tin tưởng,
hay ảo tưởng, là mọi sự đều tốt, đều vĩ đại, đều ưu
việt...
Thiếu nữ ngắt lời :
- Chú đừng hiểu lầm cháu. Cháu chỉ muốn biết, một lần, để tâm
hồn thoát cơn dằn vặt từ khi bất ngờ được nghe câu chuyện rất quan
trong đó. Ba mươi năm, cả cuộc đời cháu, nhưng
chỉ là một mảnh thời gian lãng phai, nhỏ nhoi đối với
chú - người đã trải qua bao nhiêu thử thách của định
mệnh, đã cho cháu, ngay phút gặp gỡ đầu tiên, cái nhìn thiện cảm
hơn về phía đối nghịch mà từ nhỏ cháu được dạy
phải căm thù. Cháu mong được nghe chú kể, nếu chú không ngại...
2.
Mùa xuân 1969. Một năm sau Tết Mậu Thân. Quân đoàn mở chiến dịch
bình định phát triển. Địch cũng gia tăng quấy rối, xâm nhập
trở lại các làng xã phía Bắc Bình Định. Tôi được lệnh dẫn
hơn nửa đại đội Chiến Tranh Chính Trị (CTCT) tháp tùng đoàn
xe của Bộ chỉ huy Sư đoàn 22 Bộ Binh từ Bà Gi ra
căn cứ Trung đoàn 40, làm công tác dân
sự vụ ở những địa điểm hành quân quanh vùng
Hoài Ân, Hoài Nhơn, Tam Quan : đưa đồng bào đến nơi an
toàn, cung cấp các nhu cầu tạm cư tối thiểu, đồng thời tuyên truyền,
giải nọc độc của Việt Cộng.
Mặt trời đứng bóng. Đoàn xe khá dài di chuyển chậm rì trên
quốc lộ, chờ đơn vị tiền sát bứng các chốt du kích bắn sẻ. Tôi mệt
rã rời, duỗi thẳng chân và ngả lưng vào nệm ghế xe Jeep. Trong
xe, ngoài tài xế Bình, còn có Hạ sĩ truyền tin Hai, hỗn
danh Hai Lưu Đạn (Vì lúc nào cũng đeo lủng lẳng trên người sáu
quả lựu đạn), và Trung sĩ Thắng y tá Đại đội.
Cả ba im lặng, vẻ căng thẳng, không tán dóc như mọi bữa.
Tôi lim dim mắt, hình ảnh Trầm Uyên hiện về, chập chờn. Đêm trước,
ngồi với nàng trên bãi biển Qui Nhơn dưới ánh trăng vàng úa, tôi muốn
có câu trả lời dứt khoát về cuộc tình không lối thoát. Nàng khóc,
tấm tức như trẻ thơ. Mẹ vẫn không chấp nhận anh, còn giận
anh đã cãi lý với mẹ. Em thương mẹ lắm. Nhưng sống thiếu
anh bên đời, ôi... Hãy mang em đi tới mọi chân trời góc biển,
ngay đêm nay. Tôi ôm nàng, vỗ về. Anh như cánh chim,
vô định. Trốn theo anh, biết bao gian truân đợi chờ, em hỡi, rồi
có chắc em sẽ không hối tiếc, một ngày, khi môi
hồng đã nhạt, hương xưa đã phai, khi thực
tế phũ phàng giết chết mộng mơ ?
Mẹ em có lý khi cố tạo cho em một thứ hạnh phúc
bảo đảm bên ông giáo sư được hoãn dịch đó. Nàng lại khóc,
to hơn. Nói chi những lời cay đắng làm tan nát lòng em ? Em yêu anh, anh
biết mà. Yêu cả tánh ngang tàng, kiêu hãnh của anh. Yêu mùi phong sương
lãng đãng trên áo, trên tóc, trên môi mỗi lần anh đến, hôn em.
Lúc đưa nàng về, tôi biết từ đây sẽ mất nhau, vĩnh viễn,
dù vẫn câm nín lời biệt ly...
3.
Bỗng có tiếng bom chụp xuống từ lưng trời, như sét đánh,
tiếp theo là một loạt tiếng nổ phụ vang rền, làm rung chuyển
mặt đất. Tôi choàng tỉnh, chụp nón sắt và cây M 16. Đằng trước,
khói bốc mịt mờ kéo thành một vệt trắng dài, cách một khoảng xa,
về phía ngọn đồi chùa Tam Quan. Bom gì giống B 52,
chắc đụng ở đâu, Hai Lựu Đạn nói, và mở máy PRC
25, chờ lệnh. Tôi gọi Phòng 3 Sư đoàn, và được biết Không Quân
Việt và Mỹ đang tiêu diệt các ổ súng lớn
và tụ điểm của Việt Cộng. Từng đợt oanh tạc cơ nhào lộn trên
mây trút bom xuống và từng cột lửa tung lên như những chùm pháo bông
khổng lồ. Nhiều tiếng súng đì đòm vọng lại, liên tục. Dân làng hốt
hoảng túa ra rất đông dọc quốc lộ. Trẻ con lếch thếch vừa chạy vừa
khóc.
Chiếc Jeep của tôi nhích lên từng thước đường, cách đoàn xe
khá xa. Một người đàn bà bỗng từ trong hớt hải
lao đến, la lên :
- Có người chuyển bụng sanh. Nẩu (ông) chở đi nhà thương giùm.
Tôi chưa kịp trả lời thì Thắng đã nhanh nhẩu nói :
- Nhà thương Quận năm ngoái bị Việt Cộng pháo kích sập rồi. Bọn
tôi đang hành quân, đâu có xe. Mấy bà đỡ giùm cho
người ta cũng được chớ sao. Mà ai đâu vậy ?
Theo hướng tay bà chỉ, tôi thấy một cô, khoảng hăm ba hăm bốn, ôm
bụng bầu khá lớn, vẻ đau đớn, ngồi sụp trên cỏ. Thắng
thò đầu ra khỏi xe, để nhìn cho rõ. Có tiếng
từ trong đám đông xúm quanh thiếu phụ :
- Ủa, chú Thắng cũng ở đây. Chú cứu giùm con Hương...
Thắng nói với tôi :
- Một người bà con bên vợ tôi. Thẩm quyền cho tôi đi xem thử.
Tôi bảo Bình tắp xe vô lề. Thắng nhảy xuống. Một lát sau, trở lại báo
:
- Nước ối ra rồi, máu chảy nhiều. Mình có thể làm được
gì không, chứ để như vầy, cô ta sẽ chết mất ?
Tôi hỏi Thắng :
- Anh đỡ được không ?
Hai Lưu Đạn trả lời thay :
- Được chứ, Trung úy. Ảnh một vợ, bốn con, kính nghiệm đầy mình
mà.
Tôi xuống xe, trao cho Bình cây M 16 và dặn canh chừng Việt Cộng
trà trộn, rồi cùng với Thắng đến chỗ cô ta. Mọi người dãn
ra tránh lối. Cùng lúc có tiếng trẻ sơ sinh khóc ngất. Ra rồi,
ai đó reo lên, ra rồi, mau dữ. Con gái. Máu loang đỏ trong
chiếc Poncho đã được lót cho cô. Cô cắn môi, rên hừ hừ, mặt
nhăn nhó. Da cô vốn trắng, bấy giờ trông tái nhợt.
Mồ hôi đẫm ướt trán.
Thắng mở túi cứu thương cá nhân, moi ra được một cái kéo vừa
nhỏ vừa cùn. Thắng cắt nhau. Không đứt. Hỏi đám đông, không
ai có sẵn dao. Gấp quá, tôi bèn rút lưỡi lê đeo bên hông, lau qua bằng
cồn, rồi đưa cho anh ta. Với sự trợ giúp của người em gái cô,
chúng tôi, cuối cùng, cũng cắt được cuống nhau. Nhưng máu ra nhiều quá,
bao nhiêu băng trên xe lấy dùng đã hết, vẫn thiếu. Cô nằm
bất động, như chết. Thắng tiêm cho cô một mũi thuốc mà anh ta
bảo để cầm máu và hồi lực.
Tôi hỏi trống không :
- Chồng chị ta đâu rồi ?
Im lặng. Một lúc lâu, có người nói, anh ta đi làm xa rồi.
Trở lại xe, tôi gọi Thiếu tá CTCT Trung đoàn 40, nhưng lại gặp
Trung tá Trung đoàn phó, rất khó tính. Tôi trình bày vắn tắt
sự việc, rồi hỏi có thể xin trực thăng tải thương Mỹ được
không.
Ông gắt um lên :
- Đỡ đẻ đâu phải nhiệm vụ của Trung úy. Tải thương bây
giờ ưu tiên cho lính, ông biết không...
Thất vọng, tôi tính cúp máy thì ông nói tiếp, vẫn lớn tiếng :
- Thôi được, để tôi hỏi cố vấn CTCT Moore xem sao. Chờ đấy
!
Tôi thở phào, mừng rỡ. Đại úy Rob Moore, người bạn
thường đi công tác chung năm nào, còn đấy sao ? Vài phút sau, máy lại
rè rè, và tiếng ông phó, lần này nghe dịu lại :
- Moore OK. Ông ta nói có quen biết Trung úy. Năm phút nữa,
sẽ có trực thăng của lst Cav (Sư đoàn I Không kỵ). Trung úy
cho lính làm an ninh bãi đáp đi.
- Cám ơn Trung tá. Trung tá cho tôi gửi lời chào
và cám ơn Đại úy Moore.
Chiếc GMC chở một toán lính CTCT của tôi từ phía sau vừa lên
tới. Đúng lúc, may quá. Tất cả xuống xe, súng cầm tay. Bãi đáp
là một thửa ruộng khô, bỏ phế, sát Quốc lộ. Một chiếc trực thăng
Mỹ xuất hiện từ hướng Bắc, bay đến gần, lượn vòng. Hai
Lựu Đạn thảy một trái khói, trong khi Thắng lục túi áo lấy ra một mẩu
giấy và hỏi người dì của đứa bé :
- Hòa đặt tên gì cho bé, để bệnh viện Mỹ làm khai sanh ?
Cô trả lời, tùy các anh. Thắng quay qua tôi :
- Thẩm quyền đặt giùm tên ?
Tôi khoát tay :
- Thì cứ đặt đại đi, tên gì cũng được !
Rồi bỗng dưng, như từ đáy sâu thẳm của tiềm thức, tôi buột miệng nói
khẽ :
- An. Bình An.
Trực thăng đáp, cánh quạt tung gió và bụi mờ vào đám
người đứng đợi. Hai mẹ con được lính Mỹ đưa lên bằng
cáng. Tôi xin cho Hòa lên theo. Ngước mắt tìm Moore, không thấy. Phi công vẫy tay
chào tôi.
4.
Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến Bộ chỉ huy Trung đoàn.
Trình diện xong, đại đội CTCT bắt đầu chia thành toán
nhỏ lội theo các cánh quân. Lần này còn phối hợp với toán dân
sự vụ Hoa Kỳ luân phiên theo trực thăng Sư đoàn I Không
kỵ bay vào các ấp xa, hẻo lánh, và nguy hiểm nhất - có khi
chở về Bệnh xá Dã chiến chi khu, hoặc trạm Quân y
Trung đoàn, những cụ già, em bé, và phụ nữ bị thương
do mìn, chông, lựu đạn Việt Cộng gài, dành cho chúng tôi.
Bận rộn với công tác, đối diện cái chết thường trực, chứng kiến thảm cảnh
từng ngày của dân chúng kẹt giữa hai lằn đạn, tôi quên bẵng người thiếu
phụ sinh non, cũng không biết, mà hỏi cũng chẳng ai biết, về tình trạng
hai mẹ con ra sao. Quên cả Qui Nhơn cùng những ngày vui, và Trầm
Uyên.
Nửa năm sau, một Sĩ quan ra thay thế, tôi trở về hậu
cứ Bà Gi. Một mình, trong canh khuya, thấy lòng nhớ nhung quay
quắt, nhưng vẫn cố không đi tìm nàng. Hỡi em, cùng một thành phố,
mà sao cách trở muôn trùng.
Giá mẹ và chị em đừng tỏ thái độ kênh
kiệu. Giá anh bớt tự ái, biết chiều mọi người. Giá đêm đó,
em cứ trốn theo mặc anh ngăn cản. Bây giờ, tất cả đã muộn màng.
Tôi la cà qua các quán Bar với bạn bè, suốt con đường Võ Tánh,
uống rất nhiều rượu, để chôn vùi trong đáy cốc tình chết
một đêm xưa. Ngỡ ôm em và nỗi muộn phiền, qua những vòng tay
và hình bóng khác.
Cuối năm 1970, tôi đổi về Đại đội CTCT Nha Trang, gần nhà, rồi
lên trường Đại học CTCT Đà Lạt. Cũng là dịp
may để trốn kỷ niệm. Năm 1974, tình cờ gặp lại Trung
sĩ Thắng, lúc ấy phục vụ tại Tiểu khu Khánh Hòa. Thắng kể :
- Hai má con Hương được Mỹ cấp cứu, rồi mấy hôm sau xuất viện. Bình
An sAnh thiếu tháng, nhưng khỏe mạnh, phát triển bình thường. Hai năm sau,
1971, cha nó lén về gài Lựu đạn tại trụ sở Xã, bất cẩn để nổ banh
xác. Cuối năm ấy, Hương ra ruộng đạp mìn của du kích bị thương
nặng, hai bữa sau thì chết. Bình An được người dì - tên Hòa,
người phụ mình cắt nhau, chắc Đại úy còn nhớ - nhận nuôi
Hòa theo chồng về Nha Trang sinh sống, mang theo Bình An, nay được năm
tuổi. Hòa còn giữ một cái xắc da Mỹ tặng, nhưng làm mất tờ khai
sanh của con bé. Đại úy muốn gặp không ?
Tôi nói, bận quá, thôi để dịp khác.
5.
Người thiếu nữ - Bình An - từ nãy giờ ngồi im, thỉnh thoảng lấy
giấy thấm nước mắt, nghe tôi kể một cách rành mạch, từ tốn, cẩn trọng
từng lời.
Tôi
nói thêm :
- Dịp khác đó, đã phải mất gần ba mươi năm mới có.
Cô nhỉ ! Hôm nay, tôi cố gắng, lần đầu tiên, kể hết
sự việc đã xảy ra, đuổi theo ký ức hao
mòn đã trốn chạy cùng với mọi chứng tích. Vả lại, tôi đâu
muốn thuyết phục cô, và cô cũng chẳng phải mang ơn ai,
vì đối với tôi cứu người là bổn phận.
Cô lắc đầu :
- Không, cháu không nghĩ thế. Theo cháu, đó là một chọn lựa, một
quyết định cá nhân, một đánh giá về sự cao
cả giữa những con người với nhau.
Rồi, chờ cho lệ vơi bớt, cô lên tiếng, nửa như phân trần,
nửa như tự hối :
- Ba người kể y hệt, vì chỉ có một sự thật. Vậy
mà ở quê cháu, còn say men chiến thắng và ngụt lửa hận thù,
họ bảo rằng lính Mỹ và toán CTCT của chú đến bố ráp
dân làng, và chở má cháu đi, lúc mới sanh cháu, tiêm thuốc cho chết
dần chết mòn, rằng cháu bị bỏ đói mấy ngày, rằng cha cháu
bị bắt, tra tấn, xẻo tai, móc mắt, rồi đem đi bắn. Lúc ấy,
tuổi mới lớn, còn bồng bột, cháu tin ngay. Mãi sau này, khi chính sách cởi
mở đôi chút, dì Hòa, bác Thắng, và một vài người trong
số rất đông nhân chứng mới dám kể ngược lại. Bây giờ...
Tôi tiếp lời :
- Bây giờ thì cô hiểu rồi. Thực ra, không ai ngạc nhiên
về những lời dối trá trên. Cũng vậy, sau 1975, khi đi
tù cải tạo ra Bắc, Sĩ quan chúng tôi bị dân
ngoài đó ném đá, chửi rủa thậm tệ, gọi
là kẻ thù của Nhân dân, hãm hiếp phụ nữ, chặt đầu con
nít, giết người không gớm tay. Dần dần tiếp xúc với chúng tôi, họ thấy
rõ sự thật, thay đổi hẳn thái độ. Tất cả cũng do tuyên
truyền độc hại đã được nhồi vào đầu óc, nhập vào xương
tủy của nhiều thế hệ. Quả vậy, để tồn tại,
chế độ phải bám vào sự lừa dối cũng như phải dùng các
thủ đoạn khủng bố, gây khiếp sợ triền miên, khiến không ai dám nói
thật.
Từ khởi thủy đến hôm nay. Từ một hang động tối tăm trong
rừng Việt Bắc đến các đường phố Hà Nội. Từ anh bần
cố nông thất học đến đám văn thi nô và tập đoàn
lãnh đạo. Tôi nói lên điều này bởi tin rằng một thiếu nữ thông minh
và xinh đẹp như cô, một thiếu nữ còn biết suy tư, dằn vặt
về quá khứ, về sự thật đời mình, như cô,
thì không thể nào là Cộng sản. Cộng sản đồng nghĩa với gian
manh, xấu xí. Họ không có tim, không có óc, không biết gì nữa
ngoài mớ lý thuyết cũ mèm phải lặp đi lặp lại
như những con vẹt ngu ngốc.
Ngừng một chút để dò phản ứng, và thấy cô vẫn
bình tĩnh nghe, tôi tiếp :
- Tôi nói lên điều này, bởi trước mắt,
quá khứ mà cô đang đánh thức từ một giấc
ngủ nào buồn bã, trở về trọn vẹn, với chiến tranh tàn khốc
và đoàn người chạy loạn bất hạnh. Với hình ảnh của
má cô ngất xỉu trong cơn đau, của chính cô khóc oe oe, mình
mẩy tím ngắt bọc trong chiếc khăn xanh nhà binh của tôi. Với lưỡi
lê sáng loáng tôi rút ra khỏi vỏ, nhưng lần ấy không
phải để đâm vào ngực kẻ thù. Với những người lính VNCH
và Quân nhân Mỹ xa lạ đã vì tình nhân loại...
Đến đây, Binh An bật đứng dậy, khóc thành tiếng :
- Thôi, chú đừng nói nữa. Đừng nói gì nữa. Cháu hiểu hết rồi. Suốt
thời gian qua, cháu bị mê hoặc bởi vài quyền lợi nhỏ nhặt, bởi
tấm bằng con Liệt sĩ, và những lời tâng bốc thậm xưng, dối trá.
Có lúc cháu cũng nghi ngờ, cũng đặt dấu hỏi, cũng biết chứ,
như hàng triệu người dân hiện nay, nhưng biết mà không làm
gì được, biết mà phải im miệng, để được yên thân. Cháu
sẽ an phận và có thể tự hào - như chú nói -
sống trong xã hội này, nếu cháu không có cá tính nhậy cảm,
phản ứng tự vệ mạnh mẽ của một đứa con mồ côi
bị ném vào đời quá sớm, nếu cháu không biết ưu tư, trăn
trở, không khắc khoải mơ tìm hạnh phúc và bình an cho tâm hồn
và ánh sáng mịt mờ của chân lý. Và nhất là nếu cháu không
có cơ may được gặp chú, nhân vật chính, đưọc nghe tiếng nói của
lương tri. Cháu cũng biết chú không phải là người đặt chuyện,
bởi đặt chuyện để được lợi lộc gì nơi cháu ? Ngay
thời ấv, chú đã không màng một lời cám ơn, không đi
gặp dì Hòa, huống chi bây giờ. Cháu tin chú.
Mấy hôm sau, Bình An trở lại với bó hoa và giỏ cam, xin vào
phòng chào mẹ tôi. Cùng đến có Hòa, và cựu Trung
sĩ Thắng. Thắng bây giờ tóc bạc, lưng khòm, hành nghề Y
tá tư, chích theo toa Bác sĩ. Anh ta ôm chật lấy tôi, huyên thuyên chuyện
cũ :
- Trời ơi, thẩm quyền, ông thầy, sau bao nhiêu năm còn
sống để được gặp lại nhau, mừng quá là mừng ! Ông thầy
vẫn phong độ như xưa. Do tình cờ biết ông thầy
về Nha Trang thăm bác gái bị bệnh, tôi đã giục Bình
An đến gặp trước để hỏi cho ra lẽ, chứ cô ta không tin
tôi, cứ ấm ức, thắc mắc mãi.
Bình An cười giòn tan :
- Hết ấm ức rồi, bác ơi !
Còn Hòa cầm tay tôi, giữ thật lâu, và thổn thức :
- Anh biết không, từ ngày đó, em mong gặp anh lắm. Anh Thắng cho biết
anh đã đổi đi nơi khác. Chị Hương em lúc hấp hối
có nói chị nhớ anh, bảo em đi tìm anh, và xin anh sau
này, nếu số phận dun rủi cho anh gặp Bình An, hãy coi nó như con
gái anh vậy.
6.
Hai ngày trước khi trở lại Mỹ, tôi được Hòa và Bình An
mời đến thăm nhà và dùng cơm. Nhà cũ ở Xóm Mới,
tương đối rộng, được ngăn đôi, một nửa làm tiệm may, sửa
quần áo. Vinh, chồng Hòa, trước kia là Trung đội trưởng Địa
phương quân, nay chạy tắc xi. Bắt chước Thắng, anh ta gọi tôi là "ông
thầy" luôn miệng. Trong bữa ăn, Bình An không nói nhiều, vẻ trầm
ngâm, nghĩ ngợi điều gì lung lắm. Một lúc nào đó,
cô hỏi về ông Trung tá phó, về Moore, về Hai
Lựu Đạn và những người lính tôi có nhắc đến trong chuyện kể.
Tôi đáp :
- Đại úy Moore vài tháng sau đó giẫm phải mìn chông, nát một bàn
chân. Tài xế Bình và ba đồng đội, trong một chuyến công
tác, bị phục kích, xác văng xuống ao, cạnh đường rầy xe lửa giữa Tam
Quan và Bồng Sơn, nơi tôi cũng đã một lần bị bắn
sẻ, đạn xuyên qua áo giáp. Ông Trung tá, sau 75, đi cải tạo
ngoài Bắc với tôi, và chết trong tù. Còn Hai Lựu Đạn và những
anh em khác, tôi không biết trôi dạt về đâu.
Bình An ôm mặt, cúi đầu, thở dài :
- Tội nghiệp quá. Họ rất tốt. Ít nhiều cũng là ân nhân của cháu.
Sao trời bắt họ khổ như vậy ?
- Không phải trời, mà người, tôi sửa lại. Thảm họa và bi
kịch đều do nơi người.
Cô hiểu ý, khẽ gật đầu. Rồi đưa tôi ra xem vườn.
Khu vườn nhỏ, xinh xắn, được chăm sóc kỹ. Gió lồng lộng, từ biển
thổí vào, mát rượi. Vài cánh bướm vờn bay trên các luống hoa. Những trái
măng cụt, vú sữa, mãng cầu vừa chín tới, trên cành nặng trĩu. Những giọt
nắng cuối ngày nhảy múa trên vòm lá biếc, như những hạt kim cương
lóng lánh.
- Giang sơn của cháu đấy, Bình An dịu dàng nói. Những lúc buồn tủi, chán
chường, cháu ra đây để khóc một mình. Chú ngồi đây với
cháu đi.
Ngồi xuống chiếc băng gỗ cũ, loang lổ màu sơn, bên cạnh Bình An, tôi
thấy lòng dâng mối cảm thương. Nét buồn u uẩn không rời đôi mắt cô.
Cả hai im lặng, để hồn chìm theo bóng chiều nhẹ rơi.
Cô nhìn phía trước, đăm chiêu. Và bất thần quay lại, hỏi :
- Sao chú đặt tên cháu là Bình An ?
Câu hỏi đột ngột làm tôi giật mình, lúng túng. Và ngậm ngùi,
tôi đáp :
- Tên đó người yêu tôi đã chọn, nếu sau này chúng tôi sinh con
gái đầu lòng. Có lẽ nàng mơ một ngày thôi hết chiến
tranh. Đêm nào cũng cầu nguyện cho tôi trở về bình an. Nhưng rồi
duyên nợ không thành. Ngày cô sinh ra là ngày chúng tôi chia tay
trong nước mắt, âm thầm. Khi Thắng hỏi đặt tên gì cho cô, tôi
sực nhớ đến.
Bình An xin tôi kể thêm, chăm chú nghe, và hỏi dồn :
- Cô ấy bây giờ ra sao, hở chú ? Chú đã gặp lại
lần nào ? Có lấy ông giáo sư gì đó không ?
- Không bao giờ gặp lại, tôi nói, cũng không biết tin tức. Nhưng
như thế càng hay, bởi mộng lúc nào cũng đẹp hơn thực. Không gặp
lại, để dung nhan còn mãi yêu kiều.
Rồi lặng thinh, mỗi người lại đuổi theo ý nghĩ riêng. Chung
quanh, tiếng muỗi vo ve, tiếng côn trùng rả rích. Một lúc sau,
cô đứng lên, nắm lấy tay tôi, dẫn đến bên những khóm hoa
đủ loại đang khoe sắc thắm, tỏa hương ngạt ngào. Cô cười bảo :
- Trước kia, vườn mọc đầy rau lang, rau muống, theo kế hoạch
nhà nước. Dì Hòa tính nuôi heo nữa, cháu phản đối dữ lắm,
mới thôi. Cháu lén trồng hoa mấy năm sau này. Dì cứ chọc ghẹo cháu,
không ngờ con Liệt sĩ, Cán bộ lại có máu tiểu tư sản, lãng
mạn. Cháu yêu hoa vì tự ví mình với hoa, như câu
thơ gì trong truyện Kiều...
- Hoa trôi man mác biết là về đâu...
- Đúng rồi, cám ơn chú. Đời hoa và đời cháu đâu khác
gì nhau, chú nhỉ !
Nói xong, cô bâng khuâng nhìn theo đôi bướm nhởn nhơ trên đóa mai
vàng lộng lẫy, và thì thầm :
- Cuộc đời sao buồn quá, phải không chú. Ai cũng mang riêng những mối sầu,
kể cả chú, một Sĩ quan mà nhìn dáng dấp cháu tưởng ngày xưa
phải rất may mắn, hạnh phúc. Nói chi cháu là đứa con mồ côi, không biết
mặt cha lẫn mẹ. Cái hào quang người ta ngụy tạo cho cháu không sao khỏa lấp nỗi buồn đau chất chứa trong
hồn. Mỗi khi cô đơn, như chiều nay, cháu thấy thèm tình thương, thèm
một mái ấm gia đình, thèm một lời trìu mến, mơ có một người
mẹ, một người cha...
Ngập ngừng giây lâu,
cô tiếp :
- Chú từ nơi xa
xôi đến, không quen biết, một ngày trên đường hành
quân, đã dừng lại cứu hai má con cháu. Chiếc lưỡi
lê dùng để giết hại, gây chết chóc,
ngày đó đã biến thành vũ khí kỳ diệu của sự sống, của
tình người. Sau khi cùng với chú đi tìm, và gặp lại, thời gian ngút
ngàn đã mất, cháu suy nghĩ nhiều lắm về chú, về phong
cách trượng phu, lời nói chân tình, nét đẹp hào hùng trong
chú và những Quân nhân Cộng Hòa khác, cũng như đã suy nghĩ bao
năm về cuộc đời cháu, về quá khứ mà người ta
cố tình viết sai, về sự thật mà người ta muốn hủy diệt...
Và ngước nhìn tôi,
cô nói nhanh, một hơi, như đã chuẩn bị từ lâu :
- Cháu muốn lột bỏ con
người cũ. Cháu muốn thuộc về chú, thuộc về gia đình chú,
từ nay, như lời má cháu trăng trối với dì Hòa. Cháu
ao ước được chú nhận làm con gái của chú - thay cho người
con gái có tên Bình An của chú và cô Trầm Uyên...
Tôi ngạc nhiên đến
sững sờ. Nhìn sâu vào đôi mắt cô long lanh ngấn lệ, đầy
vẻ chân thành. Cổ họng tôi tắc nghẹn, lâu lắm, không thốt nên lời,
trước một tình huống trớ trêu, khó tin. Không ngờ kết cuộc lại
như thế, tốt đẹp và có hậu như trong những truyện thần
tiên. Tự nhiên nước mắt tuôn trào, không ngăn được. Tôi giơ hai
tay, chờ đón. Cô ngã vào lòng tôi, gọi nhỏ, chú..., ba ơi.
Tôi nghẹn ngào :
- Còn hạnh phúc nào hơn cho
tôi... cho ba khi bóng đời đã xế, hỡi con, hỡi Bình An của ba !
7.
Bình An của tôi.
Và của Trầm Uyên. Ôi, giấc mơ một ngày xưa cũ. Tôi nhắm mắt cho
xúc động lắng xuống, cho vô vàn kỷ niệm khói sương từ đâu
kéo về, ẩn hiện, bềnh bồng trên dòng sông dĩ vãng. Những con đường
làng ngai ngái mùi rơm rạ và cỏ dại. Những đồng ruộng
khô cằn, nứt nẻ. Những cụm lục bình tím nhạt trôi theo xác người. Những
giao thông hào, hố chiến đấu, lầy lội nước mưa. Những ngày hành quân
qua các thôn ấp điêu tàn. Những trẻ em thân mình đầy máu
vì mìn và pháo kích. Bãi biển Qui Nhơn và ánh trăng úa vàng
như những phong thư tình hờ hững, như lời
thề đã lỡ. Đêm chia ly, ngọt đắng môi hôn. Bóng Trầm Uyên
mờ khuất sau rèm. Bóng thiếu phụ ôm bụng bầu, ngồi sụp trên
cỏ. Đoàn người chạy trên Quốc lộ. Tiếng khóc sơ sinh. Lưỡi
lê và cuống nhau. Trực thăng tải thương...
- Ba đang tỉnh hay
mê đấy con ? Thôi nhé, từ đây có ba, con sẽ không
còn đơn độc nữa đâu. Khổ đau, tủi hờn, ưu tư của
những tháng ngày qua, con hãy quên. Hãy quên. Hãy để tất cả tàn
lụn, như đêm đen. Giờ chỉ còn tương lai. Hãy bắt đầu
lại, từ đầu, từ hôm nay.
Bình An cười rạng rỡ, qua
màn lệ. Rồi nép vào ngực tôi, tỉ tê :
- Ba đã
bỏ con, đi biền biệt, suốt ba mươi năm. Phép lạ tái sinh, con
mơ không những hôm nay, mà đã từ lâu rồi, có ba,
từ lúc ba ngừng xe bên đường, bước xuống bồng con vào đời, đặt
tên con là Bình An. Ở một nơi nào đó, má con chắc vui
và mãn nguyện lắm. Cũng như cô Trầm Uyên. Con thương ba, hãnh
diện về ba. Ba hứa đừng bao giờ bỏ con nữa, ba nhé !
Tôi nhìn lên cao.
Cám ơn Thượng Đế về tình thương thanh khiết, nhiệm
mầu. Đêm xanh mênh mông, và sao trời bắt đầu mọc, lấp lánh ./.
Tặng Loan
Tháng 4/200
Kim Thanh
No comments:
Post a Comment