(Hình: Taberd.org, tác giả
cung cấp)
Trường tôi, thầy tôi, cô tôi, cây đa cũ, bến
đò xưa!
“Thuở trời đất nổi cơn gió bụi…” (Đặng Trần Côn)
Một buổi trưa hè năm 1981, hắn đạp xe cà rịch
cà tang, lang thang qua các con phố của Saigon rồi chạy chầm chậm tới con đường
Nguyễn Du một cách vô thức tự lúc nào chẳng hay sau gần hai mươi tám tháng từ rừng
rú trở về thành phố! Khung cảnh quen thuộc, con đường ngập lá me bay không quên
ngày nào, đập vào mắt hắn. Ngôi trường Lasan Taberd thân thương thuở nhỏ hiện
ra trước mặt hắn làm hắn bất giác dừng lại như một quán tính.
Ngồi yên trên xe, một chân chống trên lề đường,
chân kia vẫn để trên cái “pédale” của chiếc xe đạp cà tàng, hắn nhìn con đường
Hai Bà Trưng xa xa ở đằng kia. Con đường giờ này im ắng, ít người qua lại quá!
Đoạn hắn chăm chú ngó cái cổng trường bên trong.
Đột nhiên hắn bước xuống và leo lên lề, dắt chiếc xe đạp cũ rích từ từ tiến đến gần cổng trường hơn. Qua những cái lỗ của hai cánh cổng sắt to lớn, hắn “dòm” vào trong thấy sân danh dự ngày nào giờ vắng lặng chẳng một bóng người. Hắn bước qua, cố đứng sát sang cánh cửa phụ nhỏ bên trái để ngó xéo sang phía phải của sân. Không còn bức tượng Thánh Gioan đâu nữa! Dãy lầu cổ kính ngày xưa hắn hay chạy lên nô đùa trên hành lang cùng lũ bạn vào giờ ra chơi với những cái vòm to tròn do người Pháp xây theo lối kiến trúc Gothique vẫn còn đó nhưng cũ kỹ hơn.
Cái lớp 10DP1 mà hắn học vào năm cuối sau 30
tháng 04 năm 1975 ở tầng trệt được cài kín bằng hai cánh cửa cây lá sách cũng nằm
trơ ra đó với màu sơn đã bạc phếch. Hắn ngậm ngùi tự nhủ lấy mình, thầy xưa bạn
cũ đã “bất từ mà biệt” hết rồi! Hình ảnh “cái miệng” hơi mím lại khi nói của Frère
hiệu trưởng, Félicien Huỳnh Công Lương, lúc dạy bọn hắn môn Pháp Văn khi Ngài bị
Sở Giáo Dục Thành Phố Hồ Chí Minh bắt đi ra dạy như những thầy cô khác vẫn còn
in đậm trong tâm trí hắn. Sáu năm trôi qua rồi mà hắn ngỡ như mới hôm nào!
Đứng nhìn mãi ngôi trường thân thương suốt thời
niên thiếu mà giờ không được phép vào trong và đã như xa lạ chỉ khiến hắn thêm
buồn, chán xen lẫn bùi ngùi. Hắn quay người, thẫn thờ dẫn chiếc xe đạp đi dài
dài trên vỉa hè về hướng Bộ Xã Hội ngày xưa, mắt dán chặt xuống mặt đường, cố
tìm kiếm lại chút kỷ niệm của tuổi hoa niên; những viên gạch lát đường mà nhiều
bữa trưa về, tụi hắn đã vẽ để chơi ca-rô trong lúc chờ người nhà đến rước vẫn nằm
đó như các phận người đã bị giẫm đạp qua bao năm tháng!
Đoạn hắn đẩy xe xuống đường, leo lên ngồi rồi
mà vẫn chưa muốn rời đi. Hắn ngó tới ngó lui một lúc lâu rồi cuối cùng thở dài
một tiếng và lầm lũi đạp qua hướng Nhà Thờ Đức Bà, tới Bưu Điện Saigon với các
kỷ niệm yêu thương khác của tuổi học trò. Nhớ “kiosque” bán bánh mì Hương Lan,
nhớ tiếng gáy râm ran của mấy con dế ở trong những cái thùng đựng dế của mấy
ông bán dế trước bưu điện ngày nào mà nghe cả một cõi…tàn phai!
…Sau ba năm làm thủy lợi, móc sình, khiêng TV 20 inches “đã đời ông Địa,” ở miền Tây xong, hắn cầm mảnh giấy vàng ố như giấy “đi cầu” mà hắn quý hơn vàng kia về trình cho công an địa phương để xin nhập hộ khẩu lần nữa do lại đi “bậy bạ” đâu đó, rồi mang tới chỗ ép plastic tại chợ Bà Chiểu bọc nhựa hẳn hoi cho khỏi bị hư rách và cẩn thận bỏ túi làm bùa hộ mệnh để đi đường mỗi khi bị công an xét giấy tờ tùy thân.
Chiều nay, mưa vừa dứt, mặt đường còn sủng nước
nhưng hắn vẫn dẫn xe ra khỏi hàng hiên đang đứng trú mưa bởi không muốn nhìn thằng
nhỏ bán đậu phộng dạo ướt át, đang run rẩy trước mắt mình. Gần mười năm Saigon “được”
giải phóng, đâu đâu hắn cũng nhìn thấy cả một trời tang thương!
Trời đã tạnh, nhưng con đường Trương Định vẫn vắng vì còn giông tố. Cây cối hai bên đường rung rinh, nghiêng ngả khi gió thổi mạnh. Các nhánh cây gãy cùng mấy chiếc lá rụng rơi thi nhau chạy trên mặt đường kêu xào xạc tạo nên một thứ âm thanh sắc lạnh đến tàn nhẫn trong một buổi chiều mưa ảm đạm!
Một tấm bảng quảng cáo thật to của một trung
tâm dạy ngoại ngữ bên đường bỗng đập vào mắt hắn khiến hắn dừng lại khi thấy
tên của vị giáo sư, Nguyễn Văn T., dạy Pháp Văn thật là quen. Hắn ngẫm nghĩ
không biết thầy T. này có phải là vị thầy dạy tiếng Pháp nổi tiếng của bọn hắn ở
Taberd ngày xưa không hay tên lại trùng tên? Rồi hắn lại đưa mắt nhìn cái trung
tâm đang đóng cửa im ỉm vì hôm nay là ngày chủ nhật! Đó là căn biệt thự có tường
cao rào kín với tàng cây cổ thụ to đang đong đưa bên trong khiến hắn nhủ thầm
có lẽ căn biệt thự này rất lớn và là nhà của vị tướng tá ngày xưa nào đây? Rồi
hắn tự hứa ngày mai sẽ trở lại xem thầy T. này là ai? Nếu đúng là thầy của hắn
hồi trước thì hắn sẽ ghi danh đi học lại vì hiện hắn cũng chẳng có gì để làm!
Ngày hôm sau, hắn dựng xe đạp vào nơi để xe rồi
mau mắn bước lên thềm, lòng mừng khấp khởi vì thấy vị thầy quen thuộc của bọn hắn
hồi xưa đang ngồi đằng xa, trên chiếc ghế đặt trước cửa văn phòng và hút thuốc một
cách thư thả như ngày nào!
Hắn bồi hồi tiến lại gần, giở chiếc nón Jeans
ra và kính cẩn cúi đầu chào:
-Dạ, em chào thầy. Thầy vẫn khỏe hả thầy?
Hơi bất ngờ và ngạc nhiên trước thái độ đầy
kính trọng của người thanh niên trước mặt. Thầy T. hạ điếu thuốc đang cầm trên
tay xuống thấp một tí, ngó anh ta qua cặp kính cận trắng, gọng vàng một thoáng
và nói trong sự ngờ ngợ:
-Khỏe, cám ơn. Em là…
Thấy thầy nói lấp lửng hắn biết là thầy không
nhớ rõ mình, hắn nhắc:
-Dạ, N., em là N. của 9/8 ở Taberd hồi xưa nè
thầy. Chắc thầy quên em rồi!
-Ô, trời ơi! N. nổi tiếng phá phách của 9/8
ngày xưa đây mà, làm sao thầy quên được chứ?
Nghe thầy nhắc lại thành tích của hắn ngày
xưa một cách vui vẻ, hắn cảm thấy mừng vì vậy là thầy nhớ hắn rồi! Nhìn gói thuốc
Saigon xanh thầy để trên bàn hắn nhớ hồi đó thầy luôn hút thuốc lá hiệu
“President” với một phong thái vô cùng sang trọng và thầy chỉ hút nửa điếu là bỏ
nhưng hôm nay thì thầy lại hút Saigon xanh và không còn nửa điếu là quăng như
trước nữa. Tuy nhiên giữa thời buổi khó khăn này mà thầy còn hút Saigon xanh là
quá bảnh, và phong cách thì vẫn như dân Parisien ngày nào, muôn đời sang cả!
-Sao hôm nay đi đâu đây? Thầy hỏi chân thành.
-Dạ, tính đi học Pháp Văn lại!
Hắn nhanh nhảu trả lời không nghĩ ngợi nhiều.
Tiếng thầy T. reo vui:
-Trời ơi, giờ nghe N. đi học thầy mừng quá.
Sao giấy tờ tới đâu rồi?
-Giấy tờ gì thầy? Hắn hỏi lại.
Thầy T. ngạc nhiên.
-Giấy tờ bảo lãnh chứ giấy tờ gì?
-Dạ, em đâu có giấy tờ bảo lãnh gì đâu!
Nghe hắn trả lời thầy chưng hửng:
-Ủa, hổng có giấy tờ gì hết thì tới đây làm
chi?
-Dạ, thấy thầy dạy ở đây, em muốn đến học lại
Pháp Văn thôi.
Thầy im lặng một lúc lâu như cố đè nén sự xúc
động xuống, ít phút sau thầy lên tiếng giọng có phần hơi lạc đi và có vẻ cảm
khái khi hắn nói thế. Thầy chắt lưỡi:
-Nghe em nói thầy rất vui! N. mà bây giờ đi học
tiếng Pháp thì quý vô cùng, bởi vì hiện nay hiếm có ai còn có lòng đi học chỉ để
mở mang kiến thức tiếng Pháp lắm nếu không có diện định cư nào. Thế… em đang
làm gì?
-Dạ, mới “ủ tờ” về có làm gì đâu thầy!
Đến lúc ấy thì thầy đã hiểu mọi chuyện. Thầy
chép miệng nhìn hắn cảm thông, đưa điếu thuốc hờ hững lên môi thầy rít một hơi
dài và thở ra nhè nhẹ. Ngước lên cao trông khói thuốc trắng lặng lờ bay vô định
trong không gian rồi tan biến một cách âm thầm vào hư vô như đời sống này bây giờ
thầy hạ giọng nói nho nhỏ như vừa đủ cho hắn nghe:
-Tui “một lần” tởn tới già! Tây có câu
“Vouloir c’est pouvoir,” nhưng tui muốn mà có được đâu!
Vậy là kể từ đó mỗi chiều thứ hai, thứ tư, thứ
sáu, hắn đến đây học Pháp Văn và học được rất nhiều các áng văn chương tuyệt
tác của các đại văn hào Pháp như Alphonse Daudet, Anatole France…nơi thầy. Hắn
thích nhất cái câu “Si j’étais riche, j’aurais à moi une maison rustique..” của
Jean Jacques Rousseau lúc thầy mượn dạy làm ví dụ để giảng về thì “điều kiện
cách” trong quá khứ quá. Nhờ sự phân tích sâu sắc chữ “à moi” của thầy T., hắn
thấy đại thi hào đã dùng chữ một cách thần kỳ! Hắn nhìn nhận thầy là người đã
truyền cảm hứng, đam mê viết lách cho hắn sau này.
Ngoài ra, để cho tiện lợi cũng như muốn dành
lại số thời gian quý báu mà hắn đã đánh mất trong tháng ngày bị cưỡng bức cuốc
đất trồng khoai, móc sình đắp đê vừa qua, hắn ghi tên học tiếng Anh luôn với thầy
Tùng trong mấy ngày còn lại, bởi hắn biết thầy Tùng này cũng rất nổi tiếng vì cũng
đã từng du học ở Mỹ về!
Trưa một hôm hắn đến rạp Quốc Tế (Thái Bình
cũ) trên đường Phạm Ngũ Lão để xem phim “La Mélodie du bonheur” mà trước 1975
người ta dịch sang tiếng Việt theo nội dung của cuốn phim là “Lụy tình chưa dứt”
nhưng sau 1975 lại gọi là “Giai điệu hạnh phúc.” Tuy nhiên dù dịch thế nào thì đây
vẫn là một trong các phim hay mà hắn thích bởi đã từng coi hồi nhỏ ở “Trung Tâm
Văn Hóa Pháp (Centre Culturel Française)” rồi!
Có một điều khó hiểu là rạp xi nê này từ mấy
năm nay hay chiếu những phim ngoại quốc giá trị ngày xưa dưới chiêu bài là phim
“tư liệu.” Ban quản lý rạp hát sử dụng chữ “tư liệu” có lẽ để tránh sự chỉ
trích của công luận đối với một chính quyền đã từng hô hào việc bài trừ “văn
hóa đồi trụy” trước đây hay nhằm tránh sự kiểm duyệt? Và họ là ai mà có được cái
đặc quyền đó? Không ai biết được tuy nhiên dù sao thì cũng nhờ vậy mà dân
Saigon mới có cơ hội được xem lại những phim một thời họ yêu thích!
Xem xong ra khỏi rạp, ngó đồng hồ chỉ mới gần
hai giờ chiều! Lòng vẫn còn bồi hồi vì nội dung của cuốn phim, hắn đạp xe lang
thang qua phố phường, ghé tới Trung Tâm Văn Hóa Pháp nơi có rạp hát Alliance
Francaise bên trong mà hồi đi học hắn xem phim này ở đây coi nó ra sao thì vẫn thấy
mấy tòa nhà cổ xưa ấy nằm buồn tênh theo tháng ngày nhưng cảnh học sinh tấp nập
nay đã vắng xa. Sẵn trớn hắn men theo con đường Gia Long ngập đầy lá me bay với
những bông hoa nắng li ti đang nhảy múa trên áo, trên vai hắn để tới cổng sau
trường Taberd gần đấy nhìn một cái luôn. Bất chợt thấy có một đoàn người gồm cả
đàn ông và đàn bà đang dắt xe đạp và xe gắn máy tiến vào trong. Một ý tưởng nảy
ra trong đầu, hắn tấp vô nối đuôi theo đoàn người nọ.
Vừa đẩy xe qua khỏi cánh cửa sắt cao, to, nặng
nề thì cái sân cát ở mé bên phải mà bọn hắn từng tập nhảy xa trong giờ thể dục
hồi nhỏ đập ngay vào mắt hắn khiến hắn khựng lại mấy giây như gặp lại cố nhân!
Khi đã ở hẳn bên trong rồi, giữa lúc thiên hạ lo gửi xe, tíu tít cười nói thì hắn cũng làm theo nhưng gióng tai nghe ngóng. Hóa ra đây là đoàn cán bộ đi họp. Đợi cho họ đi hết, hắn bước thư thả loanh quanh sân trường, ngó mọi nơi, ngắm mọi thứ!
Đến gần cây me tây già cỗi theo năm tháng hắn
đưa mắt nhìn bâng quơ rồi dừng lại ở cái bệ xi măng bằng đá rửa vẫn còn đó của
tiệm bán hàng Pa Tí Xệ (Patisserie) sát góc cổng ra vào đường Hai Bà Trưng mà
ngày nhỏ bọn học sinh của hắn vẫn leo trèo hay đu lên đấy để chen lấn mua kẹo Nougat
hoặc gào thét mua bánh, giành giật mua các chai xí muội nhỏ với bao hình ảnh tuổi
thơ tràn về. Rồi hắn đưa mắt xuống bên dưới tới dãy nhà rộng lớn đặt đầy các
bàn banh bàn mà lúc sắp tới giờ ra chơi là bọn hắn đứng ngồi không yên, thấp thỏm
đợi chuông vừa reo là phóng ra khỏi lớp, nhảy xuống lầu, chạy bán sống bán chết
qua cái sân trường thật to, nhào vô đây tìm bàn ngon, bỏ trái banh vô chỗ đựng
banh để “xí” bàn đến đổi nhiều khi cãi cọ, uýnh lộn nhau tới độ đứt cả nút áo
hoặc nắm xé, giật sút cả túi áo trên mà khi sắp hàng trở vô lại lớp thì thấy nó
treo lủng lẳng như lá cờ rủ sau trận ẩu đả của đám học trò quỷ ma ấy!
Chợt hắn lần bước tới cột bóng rổ, đưa tay sờ
lấy cây cột xi măng, sơn trắng, mát lạnh với nhiều bồi hồi. Dưới chân cái cột
này hắn thường bỏ “cartable” mỗi khi ra về và chạy lăng quăng theo thằng Chương
để được nó dạy thảy banh, chơi bóng rổ đây mà!
Suy tư một lúc và từ nơi vô thức, hắn leo lên
các nấc thang tới khán đài, ngồi xuống ở một góc đưa tay thoa nhè nhẹ cái sàn bằng
đá rửa láng bóng như mân mê lấy những kỷ niệm mà lúc bé bọn hắn hay tụ tập lên
đây la lối hoặc tụm đầu vô chơi vít hình chờ giờ vào lớp hôm nào!
Đoạn hắn bước xuống từ mấy bực xi măng ở phía
bên kia đi lần tới phía dưới của dãy nhà hắn học thời trung học, nơi cũng có một
cái căn tin nhỏ ở đây trước khu nhà vệ sinh rồi tà tà đến dưới chân cầu thang dẫn
lên các lầu trên và dừng lại. Hắn nhìn cái góc cầu thang phía trên rất lầu bởi
nơi này là hình ảnh thằng Trí “con” bị thầy Cà-ri Hòa nắm đầu lôi ra khỏi hàng
đấm đá, bợp tai tới tấp do nó cứ say sưa kể chuyện vừa đọc về Cẩu Tạp Chủng
trong Hiệp Khách Hành mà quên thầy Cà-ri đang rình mấy đứa nói chuyện trong
hàng khi lên lớp làm cho mấy thằng học trò khác “thất kinh hồn vía!”
Và dãy lầu bên này cũng là nơi bọn hắn học
năm lớp tám, lớp chín với nhiều cô nhiều thầy rất ấn tượng mà đến giờ nó vẫn
chưa quên như cô Cao Thị T., dạy Lý-Hóa, đẹp như tây lai nhưng lạnh lùng vô độ
hay Frère Bosco B., chủ nhiệm lớp hắn năm lớp chín, chẳng hạn. Frère dạy toán
và rất đẹp trai lại trẻ măng vì mới ra trường nên vô cùng năng nổ. Ngày ấy Frère
đã đem bầu nhiệt huyết của người thanh niên trong các sinh hoạt thể thao, văn
hóa học đường, hoạt động xã hội, ước mơ dấn thân phục vụ, phụng sự đất nước, quốc
gia tới cho bọn hắn. Sự say mê, tha thiết này của Frère đã ảnh hưởng rất nhiều
đến đám học trò nhỏ của mình. Hắn không phủ nhận là ngày nay ý chí, tính cách của
hắn bị ảnh hưởng nhiều từ sự hun đúc ngày trước ấy của Frère!
(Hình: Taberd.org, tác giả cung cấp)
Mải mê suy nghĩ vớ vẩn, hắn lần bước tới dãy
phòng của mấy lớp Onzième, phòng dạy nhạc, cửa lên thính đường lúc nào không
hay… trong niềm xúc động miên man!
Cuối cùng hắn đi trở ra đến giữa sân cờ, mắt
dáo dác nhìn quanh tìm kiếm chỗ mà năm lớp Tám mỗi ngày bọn hắn được thầy thể dục,
được Frère Giám Hiệu Martial Lê Văn Trí dẫn ra tập thể dục “đồng diễn” để chuẩn
bị cho Đệ Bách Chu Niên, chuẩn bị múa với mấy em nữ học sinh duyên dáng của Saint
Paul, Thiên Phước khiến bọn hắn lúc nào cũng chộn rộn, đếm từng ngày, mong
ngóng từng giờ để được gặp mấy em hơn là lo tập!
Đang khi còn bần thần với “những ngày xưa
thân ái” thì bỗng có một tiếng nói phát ra sau lưng làm hắn giật mình:
-Anh ơi, anh đến đây làm gì thế?
Hắn xoay lại, trước mặt hắn là một anh thanh
niên mà hắn đoán tuổi mới chừng mười tám đôi mươi mặc bộ đồ của “Thanh Niên
Xung Phong” mang dép nhựa làm từ vỏ xe, nhìn hắn lom lom ít thiện cảm. Hắn đáp
tỉnh bơ:
-Tui vô thăm trường cũ, em!
-Anh có xin phép vô chưa? Ai cho anh vô?
Hắn nói trớ đi:
-A, lúc tui tới cổng thấy không có ai để xin
phép hết em!
-Anh nói sao ấy chứ? Tui ngồi đó trực cả buổi
mà sao anh bảo là không có?
Rồi hắn hậm hực, giơ tay khoác và sẵng giọng:
-Thôi yêu cầu anh ra đi!
-Anh là học trò cũ của trường này hồi trước.
Em cho phép anh thăm một chút được không?
Hắn xuống nước năn nỉ, nhưng tên bảo vệ vẫn lạnh
lùng:
-Không được anh ơi, chỗ này đâu phải là chỗ
thăm viếng. Vã lại hiện đang có cuộc họp giáo chức ở đây, đâu phải giờ tham
quan đâu chứ. Thôi mời anh ra ngoài ngay cho!
Thế là sau khi lấy xe đạp, hắn được tên bảo vệ
“hộ tống” ra tới khỏi cổng như đuổi tà làm hắn không khỏi bẽ bàng. Leo lên xe đạp
rồi mà hắn chưa vội chạy mà còn đứng suy nghĩ vẩn vơ “mình tới thăm trường xưa
chứ có làm gì đâu mà nó xua đuổi mình như ăn trộm không bằng? Nó ăn cướp thì
không sao!
…
“Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai”
…
Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian, kiếm chính mình
(Tô Thùy Yên- Ta về!)
Cuối năm 1988 hắn lại “ra khơi” vì bị đẩy ra
khỏi xã hội, bước đi bên cạnh cuộc đời “đá vàng!” Sau hai mươi bảy ngày đêm
lênh đênh trên biển vì ghe chết máy và một người qua đời, cuối cùng ghe hắn bị
đội Lưới Quàng Khơi; gồm ba chiếc ghe gỗ to, mỗi chiếc có năm tên công an được trang
bị súng M16, M79 và đại liên M60 của một tỉnh ở miền Tây bắt lại lúc còn cách
giàn khoan Tây Đức trong hải phận Mã Lai 3 giờ đồng hồ!
Đội Lưới Quàng Khơi này vừa đi đánh cá vừa có
nhiệm vụ bảo vệ lãnh hải. Điều đáng nói là tuy không muốn ghe thuyền của nước
khác xâm phạm lãnh hải mình nhưng trớ trêu thay, chúng lại đi vào vùng biển của
nước khác để đánh bắt và gặp ghe hắn. Thời điểm ấy cộng sản Việt Nam có chính sách
là sẽ thưởng 20% trên giá trị của “chiến lợi phẩm” mà chúng mang về do đó mà bọn
chúng mới hăng hái là vậy.
Vì thế khi bắt được ghe hắn là chúng vội vàng
tháo sợi dây “cu roa (belt)” và lôi thêm suốt sáu ngày đêm về VN! Lúc này cộng
sản không còn quy kết kẻ vượt biên vào tội chính trị nữa vì quốc tế đã quyết định
đóng cửa các đảo vào đầu năm 1989 nên sau vài tháng bị giam và đóng phạt vi cảnh
hai trăm ngàn đồng hắn được thả về. Một hôm hắn trở lại trung tâm dạy sinh ngữ
Trương Định thì trường đã dẹp từ lâu mà không rõ nguyên nhân?
Rồi vì hai chữ tự do hắn lại ra đi bất chấp tất
cả mọi rủi ro, kể cả tính mạng vào tháng 06 năm 1989. Lần này hắn thoát khỏi Việt
Nam đến được trại tị nạn Phi Luật Tân! Nhưng do tới sau ngày đóng cửa đảo nên hắn
“chết dấp” nơi này và “trôi theo dòng đời” suốt gần mười một năm! Và như dòng
sông không trở lại (La rivière sans retour,) trong thời gian ở đây, hắn chỉ có
ăn và lo biểu tình chống thanh lọc bất công, chống cưỡng bức hồi hương mà thôi.
“Rather die than return!”
Nhưng may mắn là số phận hắn thuộc vào cái loại
“tiền hung hậu kiết” nên hắn được định cư cuối mùa; tới được Mỹ dù muộn màng nhờ
sự giúp đỡ của mấy cộng đồng người Việt ở khắp nơi, của tổ chức BPSOS, của luật
sư Trịnh Hội…! Tuy nhiên như ông bà ta thường nói “trâu chậm uống nước đục” vì
thế hắn vô cùng vất vả, làm lụng nhiều nghề trong các mùa đông bão tuyết ở
Minnesota, Virginia..để có tiền về Việt Nam thăm cha mẹ già đang lâm trọng bệnh!
Năm 2001, hắn trở lại. Quê hương còn đó và
thay đổi khá nhiều sau thời mở cửa, nên đời sống dân chúng khá giả hơn. Tháng
ngày ở đây ngoài việc sum họp vui vầy bên gia đình thì hắn cũng có đi thăm cô
thầy cũ.
Trưa một bữa, hắn cùng thằng bạn học bên trường
Trần Quốc Tuấn (tức Lasan Đức Minh cũ) bây giờ là bác sĩ rất nổi tiếng không chỉ
ở trong nước mà còn cả ở nước ngoài nữa cùng với Tuấn; anh họ cô T., cũng là bạn
học cũ của hắn thời ở Taberd đến thăm cô.
Nhà của cô vẫn ở chỗ cũ, sau lưng quán bánh
cuốn Tây Hồ; tiếng tăm ở Dakao dạo nào. Đứng trước căn nhà lầu đúc mới xây lại
chưa lâu, có rào và cổng sắt hẳn hoi, một ý nghĩ trêu đùa thoáng qua đầu, hắn bảo
hai người bạn chạy ra xa núp chỉ để mình hắn ở lại và hắn bắt đầu lắc cửa cổng
kêu inh ỏi.
Ít phút sau cô từ trên lầu đi xuống, dừng lại
nơi cầu thang và nói vọng ra khi thấy một người đầu đội nón lụp xụp đứng bên
ngoài mà cô nghĩ là dân buôn bán dạo:
-Không mua vé số!
Nhìn bóng dáng cô, hăn bồi hồi bởi cô nay đã
lớn tuổi và gầy gò theo thời gian. Trong lòng đang suy nghĩ vậy nhưng tay hắn vẫn
lắc lắc cánh cửa kêu rổn rảng liên tục. Cô đứng yên bên trong một lúc, có lẽ vì
ngạc nhiên trước thái độ kỳ lạ của người mà cô cho là bán vé số, rồi cô tức mình
vì thái độ ngoan cố mà cô cho là muốn chọc ghẹo cô của kẻ bán dạo cô bước mau
ra, tới gần cửa cô giơ tay chỉ mặt, trợn mắt nói to:
-Đã bảo ở đây không có mua vé số mà sao lì…
Cử chỉ ấy của cô làm hắn nhớ lại cung cách mạnh
mẽ của cô ngày xưa trên bục giảng khi trị đám học trò cứng đầu như hắn khiến hắn
cứ đứng nghệt mặt ra cười hề hề. Cảm thấy có điều kỳ lạ, cô đi ra khỏi cửa nhìn
kỷ lấy hắn một đổi rồi la lên:
-Ủa, N. hả? Về hồi nào vậy em? Chờ cô lấy
chìa khóa cổng cái nha. Đoạn cô rảo bước trở vô trong khi hắn quay ra ngoài ngoắc
hai thằng kia lại. Khi trở ra cô ngạc nhiên thấy ba thằng học trò cũ ngày xưa đứng
đợi, cô cảm động lắm, hối thúc:
-Vào, vào đi mấy đứa!
Và cô quay sang Tuấn:
-Cậu vẫn khỏe hả anh?
-Dạ, khỏe. Tuấn gật đầu cười toe toét.
Khi tất cả đã vào nhà và ngồi yên đâu đó rồi.
Cô T. ra sau bếp lấy nước cho ba đứa, lúc mang lên cô nói :
-Uống đi mấy em! Sao tính khỉ khọt mấy chục
năm vẫn không bỏ vậy N.? Cô quay sang hỏi hắn.
-Dạ, xấu xa thường là bản chất nên khó bỏ cô!
Cô T. trợn tròn mắt trước câu trả lời nhiều ý
nghĩa của hắn. Hắn cười hền hệt, đáp tỉnh bơ vờ như không biết gì đoạn hỏi lại:
-Cô khỏe hả cô?
-Khỏe!
Cô ngó hắn một lúc đoạn nhìn thằng bác sĩ và
Tuấn ngồi bên cạnh cười. Vẫn nụ cười ngày xưa nhưng bây giờ thì bao dung và độ
lượng nhiều:
-Thằng này đi cực khổ quá tụi em. Coi, nó qua
Mỹ rồi mà còn đen mun hà!
-Nó không chết là may rồi đó cô!
Thằng bác sĩ cười khà khà đỡ lời. Tuấn chen
vô:
-N. mang nắng Phi về cho mình, cô!
Cô T. gật đầu, pha trò:
-Ừ, hèn chi mấy hôm nay nắng nóng quá! Em đi
gì mà ở tù thấy ớn luôn. Mỗi khi hỏi tới lại nghe đang ở tù! Lần cuối em gặp cô
là hình như năm 1987 phải hông N.?
-Dạ đầu năm 1989, cô. Em nhớ rõ vì lúc ấy em
mới được thả về, vài tháng sau thì đi đến Phi!
Cô liếc xéo hắn, mắt đầy thương hại:
-À, mà em ở trại tị nạn bên Phi bao lâu vậy
N.?
-Dạ, gần mười một năm, cô!
Cô há mồm trợn mắt, như không tin nổi. Cuối
cùng cô nhìn Tuấn, đánh tiếng như ngầm muốn Tuấn xác nhận lời mình sắp nói :
-Hồi ở Taberd nó nhỏ con, ốm yếu nhưng phá lắm
tụi em. Không ngờ trông vậy mà ý chí mạnh dữ. Mà cũng phải thôi, chứ em ở lại
đây cũng khó làm gì được!
Rồi cô quay sang hắn:
-À, mà em về hôm nào vậy?
-Dạ, được một tuần rồi là tới thăm cô liền
đây.
Cô cảm động đôi phút, bỗng đưa tay lên cao,
phân bua:
-Mấy em biết không? Hồi đó cô hỏi bài nó, nó
không thuộc, cô ký đầu nó hoài. Vậy mà sao không ghét cô N.?
-Dạ, vì bị ký đầu đau nên nhớ cô hoài !
Tuấn và thằng bác sĩ ngồi kế bên bật cười ha
hả, cô cũng cười trước câu nói hóm hỉnh của hắn, ngừng lại một chặp, cô lại lên
tiếng:
-Rồi bây giờ bên đó em làm gì?
Hắn chợt nghiêm mặt:
-Hồi đi học em nhớ mãi câu cô nói “sau này
khi lớn lên, cái nghề mà các anh sẽ làm thường lại không phải là cái nghề các
anh ước mơ lúc này đâu. Bởi vì cuộc đời nó kỳ lạ lắm! Nếu ngày sau ai mà làm được
đúng cái công việc lúc nhỏ còn đang ngồi trên ghế nhà trường mà mình mong muốn thì
người đó rất may mắn…!”
Mọi người im lặng, suy nghĩ mông lung. Cô T.
vô cùng bất ngờ trước điều hắn vừa thốt ra. Cô ngó thẳng mặt hắn chăm chăm một
đổi như muốn tìm gì đó trên gương mặt hắn thật lâu, cuối cùng cô quay sang Tuấn
và thằng bác sĩ giục mà tay còn chỉ hắn:
-Uống nước đi mấy đứa! Thằng này “nhớ dai”
ghê!
Bọn hắn ra về sau buổi thầy trò hàn huyên
thân mật trong niềm lưu luyến và hắn vẫn giữ mối liên lạc ấy cho đến hôm
nay.
Cuộc sống tại Mỹ có nhiều biến động khi nạn
suy thoái nghiêm trọng xảy ra từ vụ 9/11 khiến những kẻ vừa đến vùng đất hứa
như hắn lao đao. Năm 2008, hắn phải đi New Orleans, Louisiana lo công việc. Nhờ
có địa chỉ email của lớp 8/8 do Phạm Xuân Chữ lập ra, hắn đã liên lạc được với các
bạn cùng lớp và biết Frère Bosco cũng đang ở trong một nhà dòng của Lasan gần đấy,
nên gọi điện thoại và hẹn thăm Frère khi tới đó.
Ngày đi, hắn háo hức gặp lại Frère khi ông
nói sẽ đón hắn tại phi trường nhưng Frère rất là thản nhiên ngồi trong xe đợi hắn
lúc hắn ra, bình thường như chỉ mới chưa gặp ngày hôm qua!
Khi hắn ngỏ ý nhờ ông chở tới một nhà hàng Việt
nào nấu ăn ngon để mời Frère ăn trưa thì ông đưa hắn tới “Mcdonald!” Ăn xong,
Frère chạy xe ra bờ sông gần đó hóng mát.
-Frère vẫn ở trong dòng tu thôi hả Frère? Hắn
đánh tiếng.
Frère vẫn lái xe, mắt nhìn về phía trước nói
chậm rãi như cách nói của ông ngày nào:
-Ừ, thì là vẫn tu, rồi có dạy toán thêm cho
con em mấy người Việt Nam ở đây bởi họ bận đi đánh cá kiếm sống không ai kèm cặp
tụi nó. Tiền dạy được bao nhiêu Frère về đưa cho nhà dòng hết vì nhà dòng nuôi
mình mà! Mấy Frère già cho lại vài chục đổ xăng thôi vì ngoài dạy ra Frère còn phụ
trách chở mấy vị ấy đi khám bệnh, bác sĩ…
Hắn gật gù và chẳng mấy chốc cả hai đã đến bờ
sông. Trời có vẻ yên ắng và vắng lặng vì là ngày đi làm. Tại đây ông tặng cho hắn
một mớ đồ như một ly uống nước, một laptop và dụng cụ sạc điện cho laptop từ xe
hơi với một memory stick, một cái áo lạnh rất dày và đặc biệt là có một cây đàn
Organ điện tử cho con trai bốn tuổi của hắn…rồi bảo:
-Trong các học trò của Frère thì N. là người
tới Mỹ muộn nhất! Đây là những vật dụng tuy đã cũ nhưng còn xài được và tốt,
Frère đi tu nên không có tiền do vậy Frère chia cho em đồ của Frère đang dùng
hàng ngày như cha chia gia tài cho con! Đứa con út khổ và cực nhất…
Frère nói nhiều lắm mà hắn không còn nghe được
nên giờ đây không nhớ để viết lại vì quá xúc động trước các lời lẽ chân tình của
Frère. Đến chừng ấy hắn chợt hiểu lý do tại sao hồi nãy Frère không đưa hắn tới
nhà hàng bởi…ông không muốn hắn tốn tiền!
Đó là kỷ niệm đầu tiên thầy trò hắn gặp lại
sau gần bốn mươi năm xa cách mà hắn còn nhớ mãi! Và tất cả đồ Frère tặng kia hắn
vẫn còn giữ đến hôm nay như để trân quý tình nghĩa thầy trò!
…Năm 1974, hắn có may mắn tham dự đại hội Đệ
Bách Chu Niên của Lasan Taberd!
Bây giờ trường lại kỷ niệm một trăm năm mươi
năm thành lập!
Thế là hắn đã xa trường, năm hắn mười sáu tuổi,
khi vừa biết mộng mơ! Năm mươi năm lạnh lùng đi qua như một giấc mơ, tâm tư bùi
ngùi, hắn nghĩ ngợi!
“Taberd trăm năm trước vẫn còn đó. Năm mươi
năm sau sẽ ra sao?”
Nhưng cho dù như thế nào thì hình bóng Taberd
vẫn cứ như bến đò xưa, trong lòng hắn. Thầy, cô xưa mãi vẫn như cây đa cũ trong
tim đứa học trò mà giờ đây đã như con đò nhỏ, ra khơi…trôi xa bến đợi chờ!
Taberd ơi! Biết bao giờ trở lại? Gặp nhau để
nói nhỏ mấy câu? Tinh thần Lasan bất diệt!
Triều Phong
(Ohio, 24 Tháng 08 năm 2024)
https://saigonnhonews.com/van-hoa-van-nghe/tan-man/truong-toi-thay-toi-co-toi-cay-da-cu-ben-do-xua/
No comments:
Post a Comment