Công cha như núi Thái Sơn…
Vợ mất khi hai đứa con ông còn nhỏ dại. Thằng
anh chỉ mới chín tuổi và con em chỉ vừa lên bảy. Cảnh gà trống nuôi con thật chật
vật, khó khăn trăm bề. Nhưng ông không muốn đi bước nữa, phần nhớ thương người
vợ đã khuất, phần nữa, sợ
Mấy đời bánh đúc có xương. Các con đã sớm mồ côi mẹ, ông không muốn chúng chịu thêm nỗi bất hạnh nào nữa.
Ông đi dạy ở trường. Trưa ông về nấu cơm nước cho con ăn, đưa con đi học rồi nhờ hàng xóm đón về. Xong, ông lại tất bật chạy trở lại trường cho kịp giờ chiều. Tội nghiệp hai đứa con, tụi nó sớm biết lo, chỉ một vài năm sau là có thể tự đi học , nấu cơm nấu nước nên ông cũng đỡ nhọc nhằn.
Lúc thằng anh mười bốn tuổi, gia đình bên vợ
tổ chức vượt biên, có báo cho ông hay. Mang tiếng là người trong nhà, nhưng
cũng phải sòng phẳng, nghĩa là 2 cây cho một đầu người. Lương nhà giáo như ông,
kiếm đâu ra cho đủ vàng để nạp? Nhà chỉ có cái ti vi và chiếc xe Honda là
đáng giá, ông đem đi bán và vay mượn thêm bạn bè được cả thảy gần 2 cây. Phải
năn nỉ đến gãy lưỡi, cậu Hai mới đồng ý cho hai đứa nhỏ đi cùng. Vì tương lai của
các con, ông đành rứt ruột xa chúng. May ra chúng được học hành đến nơi đến chốn,
được sống đời tự do.
Nhờ trời thương, chuyến đi của con ông thuận buồm xuôi gió. Đến đảo vài năm, chúng được nhập cư vào Mỹ. Ông đạp chiếc xe cọc cạch đi dạy. Về nhà, ông lủi thủi ra vô một bóng. Buồn hay khổ có nhằm nhò gì đâu, miễn là hai đứa con ông có cuộc sống tốt.
Lúc đầu thư đi thư về đều đặn, ông gửi niềm thương nhớ vào những trang thư. Sau rồi thỉnh thoảng ông mới nhận được tin con. Nhưng ông tự an ủi là con bận học hành, làm thêm … Có biết bao nhiêu khó khăn trong đời tha phương.
Có ở trong chăn mới biết chăn có rận. Ông bà mình nói thật không sai. Nghề giáo bề ngoài thì đạo mạo, nhưng cái ung nhọt thối tha bên trong thì cũng không kém cạnh những nghề khác. Trường có hai phe nhóm rõ rệt. Hiệu trưởng được bổ nhiệm từ miền Bắc vào. Nên không lạ gì khi những thầy cô giáo không có “gốc gác” như ông lần lượt bị “triệt tiêu”.
Cũng may ông có người bạn dạy ở trung tâm Anh ngữ giới thiệu ông vào đó. Số giờ dạy ở trung tâm không nhiều, nhưng nhờ uy tín trung tâm, ông có thêm một số học sinh để dạy thêm ở nhà. Đất nước bắt đầu “mở cửa”, nên việc học ngoại ngữ đã thành một nhu cầu của xã hội.
Cuộc sống ông đang tạm bình ổn thì được tin thằng Hiếu đưa gia đình về thăm quê hương. Khỏi nói cũng biết ông vui đến chừng nào. Ông lui cui dọn dẹp nhà cửa, lau chùi bàn ghế. Trần nhà cao, nên ông phải sang nhà bên cạnh mượn cây thang.
- Lấy cây thang làm gì vậy thầy? Anh Bảy ngạc nhiên hỏi.
Chỉ chờ có thế, ông hí hửng khoe:
- Tui quét ba cái màng nhện, dọn dẹp nhà cửa đón thằng hai với vợ con nó về chơi đó mà.
Anh Bảy nhiệt tình:
- Chà, lần này gia đình thằng Hiếu về chắc là thầy vui dữ à. Thôi, thầy để đó, chút tui kêu thằng con đem thang qua quét dọn giúp cho. Thầy có tuổi rồi, đừng trèo leo.
- Cảm ơn anh Bảy nghe. Ông cảm động.
- Có gì đâu, hàng xóm mà thầy.
Tin thằng con Việt kiều của ông thầy về thăm cha lan nhanh khắp xóm. Ai gặp ông cũng chúc mừng làm ông càng thêm nô nức.
- Ba bán nhà rồi qua ở với con. Nhà cửa Saigon giờ có giá lắm. Tiền đó con gởi ngân hàng cho ba dưỡng già, khỏi lo gì hết.
Ông suy nghĩ lung lắm lời đề nghị của thằng Hiếu. Tính đi tính lại, cuối cùng ông cũng xuội theo ý con. Thôi thì qua đó có cha có con, chẳng phải hơn sao. Xóm nhỏ lại một lần nữa xôn xao. Thủ tục giấy tờ tiến hành thuận lợi. Thoắt đó mà mọi thứ cũng xong. Hôm tiễn ông đi, anh Bảy ngồi trầm ngâm bên tách trà:
- Ông thầy qua đó với con tui cũng vui lây. Chỉ lo thầy buồn khi sống ở xứ người . Với lại…
Anh Bảy bỏ lửng câu nói. Nhưng ông hiểu ý anh bạn già:
- Hổng sao đâu anh, con mình, mình hiểu tánh ý mà. Tiền bán nhà cũng còn đó cho tôi dưỡng già.
Vậy là ông khăn gói lên đường. Số tiền bán nhà, ông đã chuyển trước phần lớn cho thằng Hiếu theo cách nó hướng dẫn. Số ít còn lại, đúng quy định của nhà nước, ông mang theo người, định cho con gái. Nhưng Hiếu không chịu:
- Ba là ba sống với vợ chồng con, chứ đâu có ở với con Út mà đưa cho nó.
- Ba nghĩ con nào cũng là con. Cho nó một chút cho nó vui. Ông phân trần.
Vợ Hiếu chen vào:
- Tiền tụi con giữ đây cũng là giữ cho ba mà, chứ có cho tụi con đâu.
Đến nước này, ông đành thôi, để cho vui cửa vui nhà. Mà, cửa nhà cũng chỉ vui được khoảng một tháng đầu. Sau đó thì thằng con bắt đầu bóng gió về tiền bill. Nó tắt hết máy sưởi khi đi làm. Mùa đông nhà lạnh lắm, có bữa không chịu nổi, ông bật máy sưởi lên, thì lúc về nó càm ràm suốt tối. Ông thôi không dám bật máy sưởi lần nào nữa, chỉ ráng mặc thêm áo ấm, mang thêm vớ và bao tay.
Rồi đến vợ Hiếu nhăn nhó về tiền chợ. Ông buồn lòng lắm. Già rồi, ông ăn uống có bao nhiêu. Miếng cơm ngậm trong miệng chỉ chực nghẹn lại. Buổi sáng trước khi rời nhà, vợ Hiếu kêu ông, dặn:
- Đồ trong tủ lạnh con để nấu ăn trong tuần. Ba đừng lấy ăn nghe.
Ông chưa kịp nói gì thì nó đã bước ra cửa. Buổi
trưa, khi mở tủ lạnh định kiếm đồ ăn trưa, ông thấy từng chiếc hộp đựng thức
ăn, dán giấy ghi rõ từng ngày: Thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Sáu, thứ Bảy. Ông
đành nhịn đói, chờ đến chiều con dâu về nấu ăn cho cả nhà.
Một ngày cuối tuần, Hiếu kêu ông chuẩn bị đồ sang nhà con Út chơi vài bữa. Hiếu đưa ông đến nhà con Út và bảo:
- Mày để ba ở đây vài bữa, nhường phòng ổng cho ông bà già vợ tao sang chơi nghe.
Vậy là ông ở nhà con Út. Nói nào ngay, ở đây ông được ăn uống đủ bữa hơn, và có máy sưởi ban ngày ấm áp. Nhưng đến ngày thứ chín thì con Út chở ông về lại nhà anh. Vừa nhác thấy bóng ông, vợ Hiếu mát mẻ:
- Chà, con gái hiếu thảo ghê. Chăm cha được mấy bữa đó….
Con Út sừng sộ trả đũa:
- Ai ăn tiền của ba thì ráng trả nợ ba đi.
Tui đâu có giữ cắc nào mà phải nuôi ổng.
Nghe hoàn cảnh ông, ông Nhân, một trong những người bạn già của ông đề nghị:
- Tui bàn với bà xã rồi. Nếu ông muốn thì qua ở với hai vợ chồng tui, rồi mùa hè thì cắt cỏ, mùa đông thì xúc tuyết mướn đắp đổi qua ngày như tui vậy.
Thì ông muốn quá đi chớ. Vì còn cách nào nữa đâu. Khi chở ông sang tiểu bang Michigan, Hiếu nói:
- Là ba đòi đi chứ hổng có ai đuổi ba hết nghe. Mà ba đi rồi thì đừng về lại, vợ con nó hổng vui đâu.
- Ừ, thì ba cũng có muốn làm phiền con cái đâu. Ông trả lời xuôi xị.
Người ta sống được thì mình sống được. Ông nghĩ vậy. Nhưng cả đời ông chỉ quen cầm cục phấn cây viết, chứ có làm việc chân tay bao giờ đâu. Hơn nữa, ông mới vừa sang đây, già cả rồi làm sao thích ứng được khí hậu khắc nghiệt của mùa đông nơi xứ sở băng giá này.
Ngày đầu tiên làm việc, ông dậy sớm cùng với ông Nhân. Cũng mang ủng, quàng khăn. Cũng áo khoác, găng tay. Chân ông thọc sâu vào lớp tuyết dày. Gió thổi mạnh tốc theo từng cơn buốt tận xương tủy. Trong khi ông Nhân xúc tuyết một cách thành thạo, thì ông lóng ngóng tay chân, đầu óc quay cuồng theo cái rét. Ngày đầu tiên qua đi. Ông tưởng chừng xương cốt mình rệu rã.
Cố đến ngày thứ ba, thì ông ngã bệnh. Cái lạnh kinh khủng của mùa đông nơi này đã làm chứng bệnh suyễn kinh niên của ông được dịp bộc phát. Hơi thở ông khò khè như ai kéo ống. Những cơn ho liên tục làm ông gập cong người. Nhưng ông không có bảo hiểm sức khoẻ, cũng không có tiền đi bác sĩ.
Ông Nhân chạy ra CVS mua thuốc cho ông uống tạm. Bà Nhân hí húi nấu cháo cho ông ăn lấy sức. Hai vợ chồng tận tình chăm sóc ông như người thân. Nhưng họ càng tốt với mình, ông càng thấy áy náy. Ông không muốn mình trở thành gánh nặng của bạn. Họ cũng khó khăn, chứ nào dư dả gì.
Cuối cùng, ông quyết định trở về nước. May ra
còn có đường sống. Chứ xứ lạ quê người, con cái cũng không trông mong được gì…
Ông Nhân gọi cho bạn bè, quyên góp được một chút tiền, để ông mua vé máy bay và
dằn túi phòng thân.
Ông trở về xóm cũ. Không nhà không cửa. Tứ cố vô thân. May nhờ anh Bảy nghĩ tình cho ở nhờ.
- Thôi, ông thầy cứ tạm ở đây. Rồi từ từ tính tiếp.
Trước mắt là vậy. Nhưng chỗ dạy ở trung tâm thì đã có người thay thế. Thời buổi khó khăn, kiếm việc làm đâu dễ. Huống chi ông đã già rồi. Số tiền dành dụm cứ vơi dần đi. Lòng ông như có lửa đốt.
Buổi tối ông ngồi ngoài hiên nhìn qua căn nhà cũ, ánh mắt rưng rưng. Anh Bảy đến bên cạnh lúc nào ông cũng không hay. Mãi đến khi anh ấy cất lời, ông mới giật mình lấy tay lau vội mắt.
- Thôi, đừng buồn nữa ông thầy. Trời cao có mắt mà.
Trời có mắt hay không, ông không biết. Ông chỉ thấy trời cao quá và lòng người đổi thay nhiều quá. Nên dẫu là đứa con mình sinh thành dưỡng dục, cũng không làm sao lường hết được lòng.
Mà có lẽ trời có mắt thật. Như những
câu chuyện cổ tích, mỗi khi nghe tiếng khóc, thì bụt lại hiện ra và giúp đỡ người
hiền. Khi hốc mắt của ông tưởng chừng khô cạn, thì ông Nhân lại gọi điện về báo
tin vui. Số là có ông bạn đồng môn qua Mỹ đã lâu theo diện HO. Ông ấy có đứa
con làm giám đốc một phân xưởng may mặc. Phân xưởng này hiện đang cần người giữ
kho. Công việc thì nhàn, nhưng buồn bởi suốt ngày phải ở trong kho, và kho nằm
nơi xa xôi hẻo lánh. Trời ơi, có được chỗ làm nhàn nhã là quý lắm rồi. Còn
buồn thì… có gì buồn hơn cuộc đời ông.
Vé máy bay được công ty ứng tiền mua cho ông. Vậy là ông từ giã anh Bảy và lại khăn gói lên đường sang Mỹ. Lần này thì ông có công việc làm đàng hoàng, có bảo hiểm sức khỏe. Ban ngày, cũng có người làm việc với ông trong kho. Họ thay phiên nấu nướng, ăn uống, trò chuyện cùng ông. Máy sưởi được mở suốt mùa đông. Ông thật sự hội nhập vào đời sống Mỹ.
Nói chung là kết cuộc có hậu. Nhưng sao
đọc câu chuyện viết về cuộc đời mình, ông không cười vui mà lại rưng rưng
nước mắt?
Biển Cát
Bài học cho tất cả người lớn tuổi. Tiền là cái cửa thoát hiểm, là người bạn trung thành nhất.
ReplyDelete