Hồi đó khu vực Chợ Cũ đường Hàm Nghi Q1 có nhiều quán cà phê, hủ tíu của người Tàu, có cả tiệm ăn cao lầu và từng nổi danh với thương hiệu “Cao lầu Chợ Cũ”. Nhưng đặc điểm trở thành dấu ấn đối với kỷ niệm một thời tuổi thơ của tôi là những quán cà phê, hủ tíu khu Chợ Cũ có hình ảnh ông chủ quán người Tàu mặc áo thun trắng ngả màu cháo lòng ngồi sau cái quầy gỗ ánh lên màu thời gian với bàn tính khua lạch cạch để tính tiền và ông “Phổ ky” tức phục vụ bàn cũng áo thun màu cháo lòng, quần tây xắn ống thấp, ống cao vai vắt cái khăn lau bàn lăn xăn chạy tới chạy lui phục vụ khách.
Mỗi khi có khách bước vào, ông “Phổ ky”
xăn cái chạy tới, việc đầu tiên là rút cái khăn cáu bẩn trên vai xuống, lau sơ
mặt bàn vốn đã thấm ướt dầu mỡ như là một thủ tục đầu tiên, sau đó mới hỏi
khách dùng gì bằng thứ tiếng việt lơ lớ.
Khách vào quán cà phê khu vực Chợ Cũ hầu hết là công chức, thợ thuyền, người đạp xích lô, bác đánh xe ngựa. Ông “phổ ky” cứ nhìn trang phục, tác phong của khách mà xưng hô, đặc biệt với khách công chức ông ta thường gọi bằng “thầy hai, thầy ba”với vẻ trân trọng. Còn khách uống cà phê sáng hồi đó thích uống cà phê dĩa, cà phê dĩa là một ly “xây chừng” nóng, bốc khói được pha bằng vợt, hay vớ khi mang ra cà phê vẫn đựng trong ly “xây chừng” đặt trên một cái dĩa nhỏ, nhưng sau đó khách đổ cà phê ra dĩa và sì sụp húp nên trở thành… cà phê dĩa.
Thuở nhỏ đi học, hôm nào trong túi rủng rỉnh tiền tôi mới vào quán cà phê, hủ tíu khu Chợ Cũ để ăn hủ tíu hoặc bánh mì xíu mại, còn cà phê thì không biết uống, nhưng tôi lại thích ngồi nhìn mấy ông khách “bình dân” ngồi rút hai chân trên ghế theo kiểu “nước lụt”, sì sụp thổi, húp cà phê trong dĩa trông thật “ngon mắt” và mùi cà phê nóng bay thơm lựng trong không gian ngôi quán luôn ồn ào đủ mọi thứ chuyện trên trời dưới đất của các ông thực khách đủ mọi thành phần.
Dân cố cựu ở Sài Gòn đều biết khu Chợ Cũ và chắc chắn đều đã từng tới uống cà phê đĩa, ăn hủ tíu, bánh mì xíu mại ở đây. Ngoài cà phê dĩa, bánh mì xíu mại, bánh bao ở đây cũng rất ngon, nhất là món xíu mại có mùi vị rất đặc trưng, cục xíu mại tròn tròn màu trắng gợn, lẩn với những viên thịt heo bầm màu hồng nhạt, chỉ to bằng mấy ngón tay chụm lại được đựng trong cái dĩa bằng sành màu gan gà nhỏ xíu ăn với bánh mì hoặc cho thêm vào tô hủ tíu… ngon tuyệt cho tới bây giờ tôi vẫn chưa thấy có món xíu mại nào thay thế được món xíu mại Chơ Cũ.
Đối với dân vãng lai, từ miền Nam kỳ Lục tỉnh lên hay từ miền Trung vào thì lại thích món cao lầu Chợ Cũ hoặc cơm thố Chợ Cũ. Tôi còn nhớ quán cơm thố Chuyên Ký nổi tiếng khu Chợ Cũ nằm chếch ở góc ngã ba Hàm Nghi-Tôn Thất Đạm trong khu Chợ Cũ, đó là một ngôi nhà hai tầng lầu cũ kỹ giống y như những ngôi nhà lầu khác nằm trong phố có nhiều người Tàu này. Quán lúc nào cũng đông khách, những cái thổ bằng sành có hoa văn màu xanh, trong lèn chặt cơm dẻo, nóng bốc khói và bay mùi thơm hấp dẫn ăn với canh cải bẹ xanh, cá kho khô…
Sau năm 1975 quán cơm thố này vẫn còn bán một thời gian, bẵng một lúc không tới khu Chợ Cũ, một hôm tôi đi ngang không còn thấy quán cơm thố ấy nữa. Ông chủ quán cơm thố ấy đi về đâu, hay đổi nghề, không ai biết. Hoặc đã truyền nghề lại cho thế hệ con, cháu tiếp tục bán tại địa chỉ cũ mà do vội quá tôi không thấy rõ hay do hôm đó nhằm ngày nghỉ nên quán đóng cửa?
Sài Gòn là thành phố tập trung dân tứ xứ đổ về do nhu cầu mưu sinh và được ví như miền đất hứa. Sự thay da đổi thịt của Sài Gòn diễn ra từng khoảnh khắc nên một ngày qua đi đã trở thành nỗi hoài niệm không chỉ đối với người tứ xứ mà cho cả người định cư lâu đời được gọi là dân bản địa cố cựu. Từ hẻm sâu, ngõ tắt, đường ngang ra tới phố phường thoáng chốc đã thấy sự thay đổi nên trong hình ảnh của cái mới, sự việc mới, câu chuyện mới đã có bóng dáng của ngày cũ. Đường Hàm Nghi ngay trung tâm Q1 Sài Gòn từ lâu đã có khu gọi là Chợ Cũ trong khi chung quanh đẽ thay đổi nhiều cái mới. Huống chi một quán cơm thố đã lặng lẽ đi vào kỷ niệm của đời người.
Biết
vậy, và đó là quy luật của cuộc sống, nhưng không hiểu sao tôi lại buồn khi có
dịp trở lại khu vực này, dọc suốt con đường rộng lớn mang tên một vị vua có nhiều
thứ quen thuộc đã lùi vào dĩ vãng.
No comments:
Post a Comment