“…. Nhưng không phải “trí
thức” nào cũng biết thẹn. Đâu cần phải “diện bích” cả chục năm như ai đó mới ngộ
ra một chủ nghĩa sai hay đúng, hiện thực hay mụ mị. Mẹ tôi, một người đàn bà mù
chữ (nghĩa đen), thấy người ta đấu tố nhau trong cải cách ruộng đất, con tố
cha, vợ tố chồng… bà hãi, hãi cho đến chết vẫn còn hãi… Với bà, nghèo chịu được,
khổ chịu được, đói chịu được, nhưng đảo lộn luân thường đạo lý như thế thì
không… Liệu cứu cánh có biện minh cho phương tiện được chăng? Mà cứu cánh gì?
Là ấm no hay quyền lực? Ngay cả về mặt kinh tế, trong thời chiến tranh lạnh người
ta cũng đã thấy cái “ưu việt” của làm chủ tập thể và hưởng theo nhu cầu rồi.
Vũ Thế Thành
Hoài bão hay lựa chọn của con người, nhiều khi khởi đầu bằng cảm xúc hơn là lý trí. Lý trí đến sau đó để hợp lý hoá hậu quả của cảm xúc. Nhưng lý trí cũng giúp con người phản tỉnh để nhận ra mình đã làm đúng hay sai. Sai lầm là thuộc tính của con người. Trí thức là người biết sai, biết thẹn để sửa sai.
Nhưng nhiều người tuyên bố, nếu được làm lại từ đầu, họ vẫn lựa
chọn như cũ. Thật đẹp và lãng mạn! Thế ra, phản tỉnh chỉ bộc phát khi hậu quả của
cảm xúc bị thiệt thòi thôi sao? Chọn cái xấu, đập cho chết cái ít xấu hơn là
đúng, là đẹp?
Nhưng chiến tranh, đau thương, mất mát, độc lập (thật sự), đói
nghèo…, số phận của cả một dân tộc đâu phải là chuyện lãng mạn. Cuộc chiến kết thúc
đã hơn bốn mươi năm, nhưng lịch sử chỉ đang bắt đầu viết lại. Những phóng viên
trẻ thời chiến W. Burchett, Stanley Karnow, Neil Sheehan, David Halberstam… và
vòng nguyệt quế Pulitzer chạy theo thời cuộc đã tạo ra góc quét gần 360 độ của
cái gọi là quan điểm “chính thống” về chiến tranh Việt Nam, không thể đảo ngược.
Một khi những cây đa cây đề đã xem đó là chân lý lịch sử, đụng vào quan điểm
chính thống, họ sẽ nghiền nát.
Thế hệ trẻ sau này, với
nhiều tài liệu được giải mật hơn, với phương pháp sử học chặt chẽ hơn, đã dám lật
ngược “chính thống”. Sự thật đang hé dần, từ lật ngược đến lật tẩy chẳng còn
bao xa, Mark Moyar với Triumph Forsaken chẳng
hạn. Nghe nói có một bạn trẻ gốc Việt ở nước ngoài đang làm luận án về truyền
thông trong chiến tranh Việt Nam. Lịch sử sớm muộn sẽ tung cú đấm vào sự trí
trá, xảo quyệt của ngôn ngữ và hình ảnh được chọn lọc của giới truyền thông có
ý đồ trong thời chiến.
Sách đấy, tài liệu mới đấy.
Đọc đi, hơn là cứ rù rì, tự an ủi mình và an ủi nhau với cái gọi là oral history cũ kỹ, nôm na là hóng chuyện không kiểm
chứng, rồi cứ thế truyền miệng. Dù tránh né cách này hay cách khác, thì mọi mỹ
từ, mọi lý luận, lý lẽ và cả lý sự đều là sự tiếp cận với ngụy biện. Nói êm ái
hơn, đó là một cách xoa dịu nỗi đau “lạc đường”. Hào quang có được từ chút tự
do của một chế độ, đã buộc phải tắt ngúm ở chế độ kế tiếp. Tiếc nuối làm gì!
Ông Nguyễn Đổng Chi chỉ viết một bài phê phán Phan Khôi không đúng mà ray rứt,
ân hận cho đến chết. Biết thẹn vẫn là yếu tính của trí thức.
Một bậc đàn anh đồng môn của tôi, trước đây phụ trách vài mục âm
nhạc, văn hóa cho đài phát thanh, mà cũng là tay sừng sỏ trong giới xuất bản.
Sau 1975, khốn đốn cực kỳ, nhưng cương quyết đoạn tuyệt hẳn với nghề viết lách,
làm chân lon ton, chạy vặt cho một nhà xuất bản. Vài năm trước, gặp giám đốc mới
có mắt nhìn người, cất nhắc cho làm biên tập sách. Ông huynh trưởng của tôi mắc
bệnh “muội đèn” của Cao Bá Quát, thấy đoạn văn hay nhưng phạm húy, tiếc, không
nỡ cắt. Ông anh không cắt, thì đời cắt ông anh. Ông lại tiếp tục làm chân lon
ton! Thân già bốn mươi ký lô, tính luôn giày dép và quần áo, đã bền bỉ chọn một
thái độ sống như thế. Người ta có thể không cho viết, nhưng không thể bắt mình
viết theo ý người ta. Ngòi bút có máu, báo chí sách vở còn lưu giữ cả đấy,
không chơi bài ba lá với lịch sử được đâu.
Cô bạn tặng tôi quyển
sách của E. M. Remarque là dân… “gia công”, một từ lóng để chỉ con cái của những
người tập kết ra Bắc hồi năm 54. Bọn trẻ sinh ra ở Bắc và trở về Nam sau 75.
Tôi hỏi đùa, Thế em là dân Sài Gòn hay người Hà Nội? – Là
dân Sài Gòn chứ! Hà Nội chỉ là nơi cha mẹ “gia công” ra em thôi… Em lớn
lên ở Sài Gòn, học tiểu học ở Sài Gòn, bạn bè Sài Gòn…
Tội nghiệp! Sài Gòn khi đấy đã là thành phố buồn hiu, dè dặt và
nhẫn nhục, một thành phố trầm cảm với dăm ba người mất trí nghêu ngao hát bên
hè phố, hay những người một thời cầm bút cầm phấn, bây giờ đạp xích lô, vá xe đầu
đường, bơm mực bút bi…
Cô bạn trẻ của tôi, Sài Gòn có gì để em tự hào về gốc gác? Cha mẹ
em là cán bộ trí thức, nên nhà nhiều sách “ngụy” (để tham khảo) hơn là máy móc
tiện nghi… Em đọc lén. Khổ thân em! Những gì em đọc khác với những gì em học ở
trường. Đó là chưa kể họ hàng em nội ngoại, bên thua, bên thắng (cuộc)… Trong lớp
học, em phải viết ra những điều không phải em nghĩ. Nói và làm, đúng và sai, khẩu
hiệu và thực tế cứ lộn tùng phèo trong đầu. Những thực tế tréo ngoe làm em có
đôi chút phá rào, cảm nhận đúng sai. Em tự hỏi, nhưng ai trả lời?
Làm việc ở nước ngoài gần hai mươi năm, ngày trở về, em thấy một
Sài Gòn hào nhoáng hiện đại, nhìn đâu cũng building, cầu vượt… nhô lên từ những
bãi nhà tôn, ổ chuột. Có những người giàu nhanh quá, siêu nhanh giữa bầu không
khí ô nhiễm (đen lẫn bóng). Hàng rong bị săn đuổi giữa những hàng xe hơi lộng lẫy.
Em đứng tần ngần ở quán cà phê đường Huỳnh Tịnh Của, ngắm nghía căn nhà cũ kỹ gần
sáu bảy chục năm. Đẹp quá! Chẳng còn là bao những căn nhà xưa như thế này, cũng
không còn những con phố yên tĩnh. Mọi thứ ồn ào và tương phản đến lạ lẫm. Em thở
dài, Sài Gòn bây giờ như bức tranh lập thể siêu thực. Sài Gòn không còn là Sài
Gòn của em nữa…
Sài Gòn muộn màng của em cũng không còn, thì Sài Gòn một thời của
tôi ở đâu?”
Vũ Thế Thành
(Trích đoạn “Sài Gòn muộn màng của em cũng không còn” trong tập
tùy bút “ Sài gòn, một góc ký ức và bây giờ”, tái bản 2021)
No comments:
Post a Comment