Dịp gần đây, có khá nhiều người bạn cả trên mạng lẫn ngoài đời hỏi
tôi câu trên. Có lẽ bởi nhiều người biết tôi là dược sỹ, lại có thời gian khá dài
làm việc ở miền núi, cũng từng hành nghề nấu cao khá nhiều năm. Nhưng trả lời
câu hỏi này qua một vài tin nhắn, không hết lẽ. Còn ngồi nói chuyện cả buổi thì
cùng không có thời gian. Nên tôi dành thời gian viết một bài, về cao hổ cốt nói
riêng và cao xương các loại động vật nói chung, hy vọng cung cấp thông tin cho
mọi người.
Con
hổ, tên khoa học: Panthera tigris, họ mèo: Felidae. Là một loại động vật có vú,
ăn thịt. Dân gian nước ta gọi là cọp, hùm, ông ba mươi…
Ở
góc độ thức ăn và vị thuốc, toàn thân con hổ giá trị nhất là bộ xương, để đem nấu
cao. Xương hổ được làm sạch, đập nhỏ, nạo bỏ tủy, phơi sấy sao tẩm rồi đem đi
đun nấu, rút lấy dịch chiết, cô đặc thành cao hổ. Một bộ xương hổ trưởng thành
thường nặng từ 5 đến 15 kg, tùy theo. Tỷ lệ cao thu được khoảng 20% trên trọng
lượng xương. Bộ xương hổ có các đặc điểm định tính không thể trộn lẫn với xương
các loài động vật khác, như ở xương bả vai của nó có một lỗ nhỏ, gọi là lỗ
thông thiên. Và tỷ lệ các bộ phận trong cả bộ xương hổ trưởng thành rất ổn định:
Xương đầu đủ răng chiếm 15%, xương 4 chân là 52%, xương sống chiếm 14%, xương
sườn là 5,5%, xương chậu 5,5%, xương bả vai chiếm 4%, xương đuôi 2,2%, và 2
xương bánh chè chiếm 0,45%.
Thành phần hóa học trong xương hổ đã được nghiên cứu kỹ: có nhiều collagen, các muối can xi như canxi phôt phát, can xi cac bon nat, mỡ, và một số muối khoáng khác…
Collagen
là thành phần chính của xương hổ. Trong collagen xương hổ, lượng acid amine khi
thủy phân thu được sau quá trình nấu cao rất lớn, gấp nhiều lần xương các loài
động vật khác. Nhưng sau khi thành ra sản phẩm là cao động vật có thể sử dụng
thì lượng acid amin trong cao hổ cũng lại gần giống như cao của các loài khác
như cao gấu, cao khỉ, cao ban long, cao xương động vật hỗn hợp… Nó đều dao động
trong khoảng 14,39% - 16,66%. Như vậy bạn sử dụng cao hổ hay cao xương động vật
hỗn hợp như ngựa, trâu, bò…thực chất là đang đưa vào cơ thể một lượng acid amin
mà thôi. Bởi như đã từng nói, cấu trúc collagen làm nên hình thể và sự vững chắc
của bộ xương các loài có thể khác nhau. Thế nhưng tất cả các collagen kia, sau
quá trình thủy phân dưới tác động của nhiệt độ, thời gian, đều trở thành các
acid amin thiết yếu, không có gì khác nhau. Đến lúc này, cao hổ cũng xêm xêm
như một loại cao xương động vật nào đó, không hơn không kém.
Trong
y học cổ truyền cao hổ thường được dùng làm thuốc bổ dương, vì có nhiều đạm.
Ngoài ra nó còn được dùng làm thuốc giảm đau, mạnh gân cốt, trừ tê thấp. Nhưng
những tác dụng này mang tính truyền thuyết nhiều hơn là thực chứng.
Còn y học hiện đại, hầu như không có một công trình nào
nói về tác dụng của cao hổ! Với y học hiện đại, cao hổ cũng như cao xương các loại
động vật khác, thường không được xếp loại là thuốc, mà chỉ là thực phẩm chức
năng, có tác dụng cung cấp acid amin cho cơ thể. Nhưng xin hỏi bạn, trong thời
đại hiện nay, chúng ta có thiếu thốn nguồn cung cấp acid amin không? Khi mà thức
ăn hàng ngày của đa số hiện tại đang không thiếu thịt, cá, tôm, cua…các loại,
nguồn cung cấp acid amin tươi ngon bổ rẻ, lại nhanh. Sao phải đợi đi săn hổ nấu
cao cầu kỳ vậy? Còn với người ốm yếu suy kiệt do không ăn được, hiện đã có sẵn
các loại dung dịch tiêm truyền acid amin để truyền nhỏ giọt thẳng vào máu, đảm
bảo an toàn và hấp thu tuyệt đối, người bệnh sẽ rất nhanh hồi phục.
Quy trình nấu cao hổ cũng gần như quy trình
nấu cao xương một loại động vật nào đó. Đều bắt đầu từ làm sạch xương, sao tẩm,
đưa vào nấu, rút dịch chiết ra cô đặc, đóng bánh, xong. Thế nhưng với cao hổ, vì
là xương của ngài chúa rừng xanh nên người ta thường vẽ thêm những nghi thức thần
bí, để tăng thêm cái sự oai linh quý báu, thực chất ngày nay ta gọi là PR, để
tăng giá trị của sản phẩm, thế thôi. Còn thực tế thì cao hổ hiện nay bị làm giả,
bị pha chế thêm cao khác khá nhiều. Dân nấu cao hổ chuyên nghiệp từng có câu
“phi sơn dương bất thành cao hổ”! Xương của loài dê núi rất được các tay nấu
cao hay pha trộn vào. Nhưng như thế còn khá tử tế, bởi rất nhiều tay nấu cao
còn rỉ tai nhau một bí quyết “gia truyền” là, khi sắp thành cao, họ pha thêm một
lượng cao thuốc phiện cô đặc vào. Nên khi uống cao hổ, người ta thấy khỏe mạnh,
hưng phấn, mọi đau đớn tiêu tan tức khắc: tác dụng của morphine (ma túy) có
trong thuốc phiện! Thật là nguy hiểm và không chừng có thể dẫn đến nghiện ngập.
Nhưng thật may, với giá thành đến mấy chục triệu đồng một lạng (100 gram) nên
hình như cũng ít người đủ tiền mua dùng hàng ngày để mà có thể thành con nghiện
ma túy một cách vô tình như thế. Một kiểu pha chế đơn giản rẻ tiền nữa họ cũng
hay dùng đó là cho thêm một lượng lớn thuốc dexamethasone, một thứ thuốc giảm
đau xương cốt mình mẩy cực kỳ hiệu quả vào. Và kết quả là các bạn, đang đau
mình mẩy, uống lạng cao hổ đắt tiền cứ tưởng là thần kỳ, biết đâu đó chỉ là tác
dụng của những viên dexamethasone vốn vô cùng phổ biến, rẻ tiền bán đầy ở các
nhà thuốc.
Ở
nước ta hổ hầu như đã tuyệt chủng. Trên thế giới, nhiều nơi còn hổ tự nhiên. Thế
nhưng hiện nay hổ đã được đưa vào danh sách đỏ, cấm săn bắt và buôn bán. Thế
nhưng cao hổ vẫn được âm thầm lưu hành, buôn bán khá nhiều. Thậm chí có lúc có
chỗ còn khá công khai. Nguồn này ở đâu ra vậy? Xin thưa là hiện trên thế giới
có khá nhiều trang trại nuôi hổ như ở Thái Lan, miền nam Trung Quốc và đặc biệt
ở Nam Phi, nơi họ có những trang trại rộng mênh mông, chăn thả rất nhiều động vật
hoang dã từ hổ, sư tử…để bán giấy phép săn bắn. Rồi từ đó những sản phẩm cao hổ
được tung ra thị trường cho những người vẫn còn mê muội tin dùng.
Hy
vọng sau khi đọc bài này, các bạn không còn mối quan tâm gì nữa về loại sản phẩm
“thần kỳ” của một thời u tối nữa!
# DS
TRẦN THANH CẢNH
No comments:
Post a Comment