Tôi gặp chị trong buổi họp mặt của các anh Khóa 17 Võ Bị Đà Lạt, được tổ chức tại một nhà hàng ở thành phố Westminster, Nam Cali, nhằm kỹ niệm 55 năm ngày mãn khóa. Vợ chồng tôi có chút cơ duyên được xếp ngồi cùng bàn với chị. Qua đôi lời chào hỏi đầu tiên, chúng tôi biết chị từ Việt Nam mới sang theo lời mời của Ban Tổ Chức, muốn dành cho chị một ân tình đặc biệt để có cơ hội gặp lại những người bạn cùng khóa Lê Lai với phu quân của chị, Cố SVSQ Đoàn Đình Thiệu.
Sau nghi thức chào quốc kỳ là một lễ tưởng niệm những vị đồng môn đã hy
sinh trong không khí rất trang trọng, cảm động và mang nhiều ý nghĩa. Trên bàn
thờ, phía sau những ngọn nến lung linh là hình phóng lớn của tấm bia đá tưởng
niệm có khắc đậm tên 79 vị sĩ quan Khóa 17 đã lẫm liệt hy sinh trong cuộc chiến.
Tấm bia này là một kỳ công được các cựu SVSQ Khóa 17 thực hiện và dựng tại Công
viên Victor Memorial Veterans Park, thuộc Thành phố Greer, Tiểu Bang South
Carolina, Hoa Kỳ từ tháng 6 năm 2008.
Khi chị Thiệu cùng một số cô nhi quả phụ khác của Khóa 17 được mời lên
thắp hương trước bàn thờ tử sĩ và nhận món quà lưu niệm của Khóa, qua lời giới
thiệu của người điều khiển chương trình, chúng tôi được biết nhiều hơn về chị.
Và trong số những cô nhi quả phụ cùng đứng chung với chị chúng tôi còn nhận ra
cháu Võ Hải, trưởng nam của Đại Tá Võ Toàn, vị đại tá duy nhất của Khóa, đã hy
sinh cũng vào giờ thứ 25 khi Quân Đoàn I di tản, đến bây giờ chưa biết thân xác
nằm ở nơi đâu; và phu nhân của Trung Tá Võ Vàng, một cấp chỉ huy nổi tiếng
trong Binh chủng Biệt Động Quân, đã bị kẻ thù sát hại dã man tại trại tù Kỳ Sơn
– Quảng Nam, sau 1975.
Thiếu Tá Đoàn Đình Thiệu tử trận tại Phú Lâm vào khoảng 12giờ 30 trưa ngày 30.4.75, hơn một giờ sau lệnh “buông súng” của Tướng Dương Văn Minh. Khi ấy anh là Tiểu Đoàn Phó của Tiểu Đoàn 86 BĐQ mà Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Trần Tiễn San, một niên đệ Khóa 19 Võ Bị của anh.
Trước khi ra đơn vị này, Thiếu tá Thiệu phục vụ nhiều năm tại TTHL Biệt
Động Quân Dục Mỹ với chức vụ Trưởng Khối Yểm Trợ. Do quyết định của Tướng Đỗ Kế
Giai, Chỉ Huy Trưởng Binh chủng Biệt Động Quân, một số sĩ quan phục vụ lâu năm
tại quân trường hay giữ những phần hành tham mưu được điều động hoán chuyển ra
các đơn vị tác chiến. Cuối năm 1974, đúng vào lúc Thiếu Tá Thiệu nhận lệnh hoán
chuyển, tại TTHL/BĐQ đang có Liên Đoàn 8/BĐQ vừa mới được thành lập với đa phần
quân số từ các Tiểu Đoàn 7, 9, 11 Quân Cảnh giải tán bổ sung cho Binh chủng Biệt
Động Quân, nên nhân tiện, ông xin ra phục vụ ở đơn vị tân lập này. Vì ở quân
trường và đảm trách một phần hành tham mưu khá lâu, nên khi ra đơn vị tác chiến,
ông không thể đảm nhận một chức vụ chỉ huy ngay trong thời gian ban đầu, do đó
ông tìm gặp Thiếu Tá Trần Tiễn San, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 86 và ngỏ ý muốn được về
làm Tiểu Đoàn Phó cho Thiếu Tá San, một niên đệ Khóa 19, mà lúc còn trong trường
Võ Bị Đà Lạt, ông có trách nhiệm hướng dẫn, dạy dỗ với tư cách niên trưởng. Biết
ông là niên trưởng lại có thâm niên cấp bậc hơn mình, Thiếu Tá San muốn giúp đỡ,
nhưng rất e ngại nên đề nghị ông phải làm đơn gởi lên Thiếu Tướng CHT/BĐQ để
trình bày nguyện vọng của mình. Cuối cùng ông được toại nguyện. Để nhận Thiếu
Tá Thiệu về làm Tiểu Đoàn Phó cho mình, Thiếu Tá Trần Tiễn San còn phải giải
quyết một vài khó khăn tế nhị khác. Vì lúc ấy Tiểu Đoàn đã có Tiểu Đoàn Phó là
Đại Úy Phan Trí Viễn. Thiếu Tá San đã năn nỉ Đại Úy Viễn sang làm Trưởng Ban 3
Tiểu Đoàn và xin Liên Đoàn nhận anh Đại Úy Trưởng Ban 3 cũ về giữ một chức vụ tại
BCH/ Liên Đoàn. Thông cảm cho anh, tất cả đều vui vẻ chấp nhận sự sắp xếp của
anh.
Kính nể một niên trưởng có tư cách, Thiếu Tá San đã dành cho vị Tiểu Đoàn Phó nhiều ưu ái đặc biệt. Có điều đúng vào thời điểm Thiếu Tá Thiệu ra đơn vị, cuộc chiến đang ở giai đoạn khốc liệt nhất. Sau khi Mỹ bất chấp những phản đối của VNCH, đã tự cho mình ngồi ngang hàng với Cộng Sản Bắc Việt và đơn phương nhượng bộ quá nhiều điều trong Hiệp Định Paris ký kết ngày 27.1.1973, chứng tỏ ý định sớm bỏ rơi đồng minh, phủi tay cuộc chiến. Lợi dụng điều này, Cộng quân đã ồ ạt tung nhiều sư đoàn với lực lượng chiến xa, từ miền Bắc và Lào, theo đường mòn Hồ Chí Minh xâm nhập Nam Việt Nam, đồng loạt mở các cuộc tấn công qui mô vào các đơn vị phòng thủ của ta. Phước Long là tỉnh đầu tiên bị thất thủ vào ngày 6 tháng 1/1975 nhưng không có bất cứ dấu hiệu nào từ phía Hoa Kỳ can thiệp hay phản đối CSBV vi phạm hiệp định,. Điều này đã báo hiệu cho số phận của VNCH.
Liên Đoàn 8 BĐQ ban đầu đặt dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Vũ Phi Hùng, với
ba vị tiểu đoàn trưởng đều là niên đệ Võ Bị của Thiếu Tá Đoàn Đình Thiệu. Thiếu
Tá Nguyễn Văn Nam (K.20) TĐT/TĐ 84, Thiếu Tá Trần Tiễn San (K.19) TĐT/TĐ 86, và
Thiếu Tá Nguyễn Hữu Mạnh (K.20) TĐT/TĐ 87. Thiếu Tá Thiệu chọn về làm Tiểu Đoàn
Phó cho một niên đệ Khóa 19, là khóa đàn em có nhiều gắn bó và xem như học trò của
Khóa 17 thời họ còn là những sinh viên sĩ quan.
Dù chưa được trang bị và huấn luyện đầy đủ, Liên Đoàn nhận lệnh của Bộ
TTM di chuyển về Sài gòn để giữ an ninh trong dịp Tết nguyên đán. Liên Đoàn đặc
trách phòng thủ khu vực từ QL 1 đến QL 4, ngoại trừ TĐ 84 đặc trách một khu vực
kế cận. Vào những ngày đầu tháng 4/75, Liên Đoàn 8 BĐQ thường phối họp cùng Lữ
Đoàn 4 Nhảy Dù tân lập mở các cuộc hành quân vào Mật khu Lý Văn Mạnh và đã phát
giác có sự hiện diện của nhiều đơn vị chính quy Bắc Việt đang hoạt động, ém
quân tại đây.
Để đề phòng cho trường hợp bị tấn công bởi các đại đơn vị này của địch,
Đại tá Vũ Phi Hùng, Liên Đoàn Trưởng bàn bạc với các Tiểu Đoàn Trưởng, vạch ra
một kế hoạch ứng phó khi tình hình trở nên nguy ngập, được gọi là kế hoạch
“Bravo”: Các tiểu đoàn tự rút về Giáo xứ Tân Phú của Linh Mục Đinh Xuân Hải để
tái phối trí và tiếp tục chiến đấu tại đây.
Khoảng hai tuần lễ sau đó, Sư Đoàn 106 BĐQ được thành lập, với vị Tư Lệnh
là Đại Tá Nguyễn Văn Lộc. Đại Tá Vũ Phi Hùng, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 8 BĐQ
được chỉ định giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng, và bàn giao Liên Đoàn cho Trung Tá
Chung Thanh Tòng từ BĐQ Vùng I di tản.
Ngày 27/4/75 Cộng quân mở các cuộc tấn công liên tục vào tuyến phòng thủ
của Tiểu Đoàn 84 và 87. Hai vị Tiểu Đoàn Trưởng xuất sắc cùng xuất thân Khóa 20
VB đã anh dũng điều quân chiến đấu, yểm trợ cho nhau để giữ vững phòng tuyến. Lực
lượng địch quá đông và có chiến xa T 54 hỗ trợ, trong khi bên ta đã có nhiều
binh sĩ thương vong, đạn dược cạn dần. Đến tối ngày 29/4/75 tình trạng trở nên
tồi tệ hơn nên các đơn vị đề nghị thực hiện kế hoạch “Bravo”, rút về Giáo xứ
Tân Phú lập tuyến phòng thủ mới như đã dự trù. Nhưng Đại Tá Vũ Phi Hùng từ
BTL/SĐ 106 cho biết kế hoạch này không thể thực hiện được nữa, vì nhiều đơn vị
Cộng quân đã thâm nhập vào Sài gòn từ các hướng khác.
Trong tình huống này, vẫn không có cách nào khác hơn, sáng sớm ngày 30/4
Liên Đoàn ra lệnh bằng mọi giá phải mở đường máu lui binh về hướng Sài gòn. Tiểu
Đoàn 84 của Thiếu Tá Nguyễn Văn Nam lúc ấy đang bố trí dọc theo xa lộ Đại Hàn,
bị áp lực nặng nề nhất do nhiều chiến xa của địch bao vây tấn công liên tục. Tiểu
Đoàn 87 của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Mạnh rút ra từ Mật Khu Lý Văn Mạnh, mở đường
cho BCH/ Liên Đoàn và Tiểu Đoàn 86 của Thiếu Tá Trần Tiễn San vừa rút ra sau
cùng, vừa làm lực lượng án ngữ bọc hậu. Cuộc lui binh rất khó khăn trong lúc bị
địch quân bao vây, tấn công từ mọi phía.
Thiếu Tá San ra lệnh cho Tiểu Đoàn Phó Đoàn Đình Thiệu thu nhặt hết số
súng thặng dư bỏ vào ụ súng cối 81 ly để thiêu hủy. Pháo Đội Pháo Binh trong
căn cứ BCH/ Liên Đoàn có bốn khẩu đại bác 105 ly, nhưng mỗi khẩu chỉ còn một quả
đạn trong nòng. Thiếu Tá San cho lệnh bắn trực xạ vào những điểm địch quân tấn
công mạnh nhất, sau đó phá hủy súng, và yêu cầu Pháo Đội rút theo BCH/ Liên
Đoàn. Tiểu Đoàn phải mở đường máu để có thể thoát ra khỏi vòng vây của địch,
nên tất cả thương binh đành phải bỏ lại phía sau. Trong lúc vừa điều quân vừa
chiến đấu, Thiếu tá San bị thương ở mặt, phải bò đến một mô đất tạm ẩn nấp để tự
băng bó. Đúng lúc ấy, Trung Úy Đoàn Ngọc Lợi (K.26VB), Đại Đội Trưởng ĐĐCH chạy
đến báo cáo là Niên trưởng Đoàn Đình Thiệu vừa mới hy sinh bên bờ ruộng. Ông bị
bắn đứt động mạch ở chân. Mấy người lính trung thành ngỏ ý cõng ông theo, nhưng
ông khoác tay, bảo “chạy gấp đi, anh không thể sống được!” Trung Úy Lợi còn cho
biết, trước khi nhắm mắt ông hỏi Lợi: “Moa chết rồi ai sẽ nuôi vợ con đây?” Lúc
ấy khoảng 12 giờ 30 trưa ngày 30/4, sau đúng một giờ Tướng Dương Văn Minh tuyên
bố đầu hàng!
Sau đó Thiếu Tá San cùng nhiều cấp chỉ huy khác bị bắt đưa vào làng. Vì
bị thương ở đầu, máu ra nhiều, nên anh được cho về, gia đình đưa vào điều trị tại
Bệnh viện Triều Châu. Một ông chú nghe tin vào thăm, biếu anh 30.000 đồng. Anh
cho người nhà tìm gặp gia đình Thiếu Tá Đoàn Đình Thiệu báo tin về cái chết của
người niên trưởng. Chị Thiệu tìm đến thăm anh và hỏi kỹ địa điểm anh Thiệu đang
nằm để đi tìm. Anh San chỉ dẫn, chia buồn và biếu chị Thiệu 30.000 đồng mà ông
chú vừa mới cho anh.
Theo lời kể của chị Thiệu, vì tình hình lúc ấy rất hỗn loạn, tiếng súng
vẫn còn nổ khắp nơi, nhiều đơn vị của ta không chịu buông súng và vẫn tiếp chiến
đấu, nên chị không dám đi tìm anh Thiệu, hơn nữa chị cũng không rành đường sá ở
đây, đành phải nhờ cậu em trai, dùng xe Honda len lỏi tìm đến vị trí mà Thiếu
Tá San chỉ dẫn. Cậu em tìm được xác anh Thiệu, nhưng không thể tìm được bất cứ
một phương tiện nào để chuyên chở, và cũng không biết sẽ chở về đâu, trong tình
thế lúc này. Cuối cùng, rất may mắn, một anh tài xế xe rác nặng tấm lòng với
QLVNCH, đã vui vẻ nhận lời giúp đỡ. Sau khi đổ hết rác trên xe xuống vệ đường,
theo sự hướng dẫn của cậu em chị Thiệu, nhưng cũng rất nhiều khó khăn, anh tài
xế mới đưa xe đến được vị trí, nơi anh Thiệu nằm. Sau một lúc thảo luận, cuối
cùng hai anh chở xác Thiếu Tá Thiệu đến Nhà Thờ Bùi Phát để nhờ giúp đỡ. Và
cũng rất may mắn, đã gặp đúng một vị linh mục nhân từ. Cha Trần Quốc Phú vui vẻ
nhận lời, đứng ra tẩm liệm và chôn cất Thiếu tá Thiệu ngay trong khu đất của
nhà thờ.
Chị Thiệu thường xuyên đưa các con đến đây thăm viếng và xây lại ngôi mộ
cho chồng. Mấy năm sau, chị xin hỏa táng, và mang tro cốt anh về thờ tại tư gia
ở Mỹ Tho. Lúc Thiếu Tá Thiệu mất, anh chị có ba con, hai trai 9 và 7 tuổi, cô
con gái út chưa tròn 12 tháng. Sau này, cháu trai lớn mất, cháu gái định cư ở
Úc. Hiện nay chị sống với cậu con trai thứ tại Mỹ Tho, quê hương của chị. Điều
đáng ngưỡng mộ hơn, khi chồng hy sinh, chị còn khá trẻ, nổi tiếng có nhan sắc,
nhưng không hề bước thêm một bước nào nữa, ở vậy nuôi dạy các con trong hoàn cảnh
vô cùng khó khăn, nghiệt ngã. Cả hai cháu đều nên người, thành đạt, hiếu thảo
và luôn sống với niềm tự hào về người cha Võ Bị, từng sống rất tư cách và chết
hiên ngang.
Cuộc chiến Việt Nam đã gây ra biết bao đau thương tang tóc. Vào giờ thứ
25 của cuộc chiến có biết bao nhiêu người đàn bà trở thành góa phụ, biết bao đứa
con thơ trở thành cô nhi, nhiều cháu chưa hề biết mặt cha mình. Không những
không được hưởng bất cứ một ân sũng nào của quôc gia khi chồng, cha hy sinh cho
Tổ Quốc mà họ còn bị kẻ thù phân biệt đối xử, nhục mạ và phải đương đầu với
muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Những người như chị Đoàn Đình Thiệu rất xứng
đáng để chúng ta biết ơn và ngợi ca. Sự hy sinh nào của những người lính, hay vợ
con của lính, cũng đều tiềm ẩn những ý nghĩa cao quý, cho dù những cái chết vô
danh, không được truy thăng hay chôn cất theo lễ nghi quân cách. Với Tổ Quốc và
lịch sử dân tộc, những hy sinh dù trong âm thầm, vẫn mãi mãi là điều bất diệt.
Viết những dòng này, xin được thay bó hoa hồng tươi thắm nhất, gởi đến
Chị Đoàn Đình Thiệu và các cháu cũng như những cô nhi quả phụ khác của giờ thứ
25, lòng tri ân và ngưỡng mộ của những người một thời từng là đồng đội, là
huynh đệ của phu quân các chị, người cha đáng kính của các cháu. Và xin cầu
chúc những điều tốt đẹp nhất cho những người đã sẵn sàng chấp nhận những số phận
nghiệt ngã, hy sinh, nhưng vẫn luôn hãnh diện có chồng, cha là lính chiến VNCH,
đã dám chết cho quê hương, dân tộc.
Phạm Tín An Ninh
No comments:
Post a Comment