Tuesday, August 1, 2023

Quay Về Với Cuộc Sống Thực - Huy Lâm

 

Thời đại của điện thoại thông minh và cuộc sống trực tuyến đã đạt đỉnh điểm trong thời gian đại dịch. Nay, một số thanh thiếu niên và phụ huynh đang tìm cách quay về với cuộc sống hoàn toàn trong thế giới thực.

Trận đại dịch đã buộc tất cả mọi hoạt động liên quan đến trường lớp và xã hội của hầu hết các học sinh khắp nơi phải lên trực tuyến, điều này đã khiến nhiều nhà giáo dục và xã hội học một lần nữa không khỏi không quan tâm đến tác động của truyền thông xã hội lên các trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Nhiều học sinh bắt đầu bước vào bậc trung học với chiếc điện thoại dính chặt vào lòng bàn tay không rời. Và tỷ lệ của các học sinh mắc chứng trầm cảm và lo lắng, đặc biệt là ở các em nữ, đã tăng vọt kể từ năm 2010.

Đối với nhiều người, các thiết bị kỹ thuật là một phần quan trọng trong đời sống của họ và khó có thể hoàn toàn tách rời hai thực thể đó. Người lớn đã vậy thì các em học sinh cũng không thể ngoại lệ.

Tháng 5 vừa qua, vị tổng y sĩ của chính phủ Hoa Kỳ đã đưa ra lời cảnh báo cho dân chúng về những rủi ro do mạng xã hội gây ra đối với sức khoẻ tâm thần của các thanh thiếu niên. Và ngày 14 tháng 6, Thống đốc Texas Greg Abbott ký một đạo luật cấm bất kỳ ai dưới 18 tuổi sử dụng phương tiện truyền thông xã hội mà không có sự đồng ý rõ ràng từ cha mẹ. Hạ viện tiểu bang Louisiana thông qua một dự luật tương tự cũng vào đầu tháng 6, và nhiều tiểu bang khác, trong đó có Connecticut, Minnesota và Ohio, hiện đang xem xét luật buộc phải có sự đồng ý từ phụ huynh. 

Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy hầu hết người Mỹ, không phân biệt tuổi tác, muốn quay trở lại thời kỳ mà xã hội chưa được kết nối với internet.

Một số cuộc thử nghiệm về việc tự nguyện không sử dụng điện thoại di động ở trường học đã thu hút được sự chú ý tích cực từ nhiều nơi trên thế giới. Nhiều nhà giáo dục nói rằng họ cũng muốn thử áp dụng biện pháp tương tự nói trên tại trường học của họ, mặc dù trước đây họ không nghĩ rằng đó là điều khả thi.

Trong thời gian gần đây đã có nhiều trường học ở Hoa Kỳ đã cho thực hiện biện pháp cấm điện thoại di động trong trường để nhằm hạn chế việc sử dụng điện thoại của các em học sinh. Các biện pháp thực hiện theo nhiều cách khác nhau, từ việc cho phép các em mang điện thoại vào trong trường nhưng không được sử dụng đến việc yêu cầu các em cất điện thoại vào trong túi khoá lại trong giờ học. Trường trung học Buxton, một trường nội trú tư thục nằm ở khu vực tây bắc tiểu bang Massachusetts, năm ngoái đã cấm các em học sinh sử dụng điện thoại di động trong suốt một học kỳ. Tuy nhiên, trường Buxton vẫn cho phép các em được sử dụng loại điện thoại đơn giản hơn – được gọi là Light Phone – có thể nhắn tin, gọi điện thoại và cung cấp một số chức năng căn bản khác như máy tính chẳng hạn, nhưng không có khả năng gửi email hoặc truy cập internet.

Sau một năm học, kết quả cuộc thử nghiệm cho thấy là rất thành công. Và theo ý kiến của vị phó hiệu trưởng trường này là ông John Kalapos cho biết, các sinh hoạt qua màn hình của thiết bị trong thời gian đại dịch là điều cần thiết nhưng chỉ nên là tạm thời. Nay các hoạt động tương tác trực tiếp người với người đã trở lại thì thiết bị kỹ thuật chỉ nên được sử dụng như một công cụ và sự lệ thuộc vào điện thoại thông minh nên được giảm thiểu tối đa.

Các em học sinh nói rằng họ muốn sử dụng điện thoại ít đi, mặc dù không hẳn tất cả các em đều thích chính sách không cho sử dụng điện thoại thông minh của nhà trường Buxton. Chính sách này được xem xét lần đầu tiên là vào đầu năm 2021 và đã bị bác bỏ. Nhưng dần dà các giới chức nhà trường bắt đầu nhận thấy các sinh hoạt mang tính cách cộng đồng trong nhà trường có phần lỏng lẻo mà nguyên do là vì chiếc điện thoại thông minh.

Theo ý kiến của một em học sinh lớp 10 sau một thời gian thử nghiệm cho biết, không có chiếc điện thoại kể ra cũng có phần bất tiện và đôi khi khó chịu, chẳng hạn như khi muốn coi video nhưng lại không thể. Tuy nhiên, dần dà em đã quen với việc không phải lúc nào cũng dán mắt vào màn hình. Và điều thú vị là khi thấy các bạn học sinh khác đi dạo quanh khuôn viên trường mà mắt không nhìn xuống điện thoại của họ như trước đây nữa.

Một nữ sinh lớp 12 khác thì nói rằng em cảm thấy nhẹ nhõm. Giờ đây em có thể đi dạo thảnh thơi trong sân trường hay học bài mà không bị quấy rối bởi các thông báo từ điện thoại và áp lực phải trả lời tin nhắn được gửi tới từ các bạn khác.

Các giáo viên nói rằng họ cũng phải điều chỉnh lại thói quen của họ. Có người trước đây quen để chiếc điện thoại thông minh trên bàn khi đang dạy học, và đôi khi lại ghé mắt nhìn và xem thử coi có điều gì đang xảy ra ở thế giới ngoài kia không. Nay thì người giáo viên đó chú tâm hơn trong việc giảng dạy và không còn bị chia trí bởi những gì đang xảy ra ở bên ngoài lớp học.

Không có hay không sử dụng điện thoại thông minh có thể nói là đi ngược lại xu hướng của xã hội và là một thử thách lớn đối với hầu hết mọi người. Để giảm bớt việc sử dụng hay lệ thuộc vào các thiết bị kỹ thuật hiện nay đòi hỏi ý chí và nỗ lực của mỗi cá nhân.

Nỗi lo sợ không nắm rõ những sự việc đang xảy ra quanh mình là điều khiến cho nhiều người còn lưỡng lự không muốn rời bỏ chiếc điện thoại thông minh. Tuy nhiên, cũng theo ý kiến từ vị phó hiệu trưởng trường Buxton là ông Kalapos thì một khi rời bỏ được rồi người ta mới nhận ra rằng chiếc điện thoại thông minh cũng không hẳn là vật bất ly thân hay không thể không có như nhiều người nghĩ.

Cô bé Cara Saks, 12 tuổi, ở Massachusetts, là người cuối cùng trong nhóm bạn của cô vừa nhận được chiếc điện thoại iPhone đầu tiên trong đời. Cô cũng là người duy nhất phải viết ra một bản hợp đồng để nhận được sự cho phép sử dụng của cha mẹ. Sau đó cha mẹ cô tự chỉnh sửa lại hợp đồng theo ý của họ. Một số quy định trong hợp đồng: Điện thoại của cô phải được sạc trong phòng ngủ của cha mẹ cô vào ban đêm và các trương mục mạng xã hội của cô là ở dạng riêng tư – nghĩa là không phải ai cũng vào được. Và mặc dù mối quan tâm của họ về ảnh hưởng tiêu cực của các thiết bị kỹ thuật đối với thanh thiếu niên vẫn không giảm, họ đã quyết định tặng cô con gái Cara chiếc iPhone làm quà trong dịp lễ Hanukkah vừa qua.

Ngoài những lo ngại chung về nội dung trên mạng xã hội mà cô con gái của họ có thể tiếp xúc, ông bố Andy và bà mẹ Deb còn gặp phải khó khăn để theo kịp tốc độ phát triển và tiến hoá của mạng xã hội và thiết bị kỹ thuật. Đây là tình trạng chung của nhiều bậc cha mẹ.

Tuy nhiên, đó là điều không thể tránh khỏi. Cũng theo ý kiến của ông bố Andy, việc đặt ra ranh giới rõ ràng và nói chuyện trực tiếp về các tình huống có thể xảy ra là cách an toàn nhất khi quyết định cho phép cô con gái được tiếp cận với mạng xã hội.

Trong khi các nhà nghiên cứu, nhà giáo dục và giới chức chính phủ đang kiểm tra lại các dữ liệu từ các cuộc nghiên cứu, thì nhiều em học sinh như cô bé Cara tập trung vào nỗ lực tự nhận thức chính mình. Và mặc dù các em nhận thức được sự hiện diện của mạng xã hội ảnh hưởng đến sinh hoạt cuộc sống như thế nào, các em cũng nhận thấy được những lợi ích khi có mạng xã hội, chẳng hạn như sự giao tiếp và gắn kết với xã hội bên ngoài gia đình. Và đó cũng là những điều không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay.


Huy Lâm

No comments:

Post a Comment