Tiếng
nhạc xập xình phát ra từ những cái loa to treo trên tường trong căn phòng mờ ảo
với ánh đèn màu xanh đỏ, khó thấy rõ mặt nhau, chỉ khi nào đến nhìn sát thì mới
nhận ra.
Hôm
nay là ngày sinh nhật của cô bạn Dung nên tôi được mời đến tham dự, nhà cô dùng
basement làm party chỗ đãi bạn bè, nơi đây rộng rãi nên mọi người ngồi từng cụm,
cách xa nhau, nhưng rất ấm cúng.
Tôi
đến hơi trễ vì công chuyện, nên bước vào phòng thì đèn đã tắt, ca sĩ hát thật
to theo tiếng đàn vặn hết cỡ, người cứ nhẩy, mọi người vẫn cứ nói chuyện, tâm sự
cười đùa cũng thật to từ góc nhà vang ra như thi đua cùng tiếng nhạc mạnh:
-
Uống cho thật say nha! …chúc mừng mày đã
tìm được người yêu mới! …uống để mừng cho mày đó!
Lại
một tiếng nói nữa thêm vào, hét chứ không phải nói, cho át đi tiếng nhạc vang dội
để cho người bạn ngồi ở đầu bàn nghe được:
-
Kỳ này mày phải bao tụi tao một chầu đó
nhe, ổng thiếu gì tiền, mày xài đến cuối đời cũng không hết, số hưởng nhé!
-
Không những là một két tiền mà còn là bác
sĩ nữa…nhưng tiếc một cái là …hơi già so với mày!
-
Mỗi người có một số phận mày ơi, tao cũng
phải “chủ động” mới có được ngày hôm nay chứ bộ, ngồi yên chờ xung thì hổng bao
giờ xung rụng đâu!...đã có mục đích thì chơi tới cùng…Còn già thì chuyện nhỏ,
tiền mới là quan trọng…hahaha…
Tiếng
cười vang, tiếng ly chạm vào nhau, tiếng vỗ tay vui như pháo ở góc phòng, không
nể nang gì những người trên sân khấu; trước mặt tôi là những cặp tình nhân ôm
nhau nhảy chật kín, lâu lâu lại ngoái đầu về phía chiếc bàn trong cùng ấy để
nghe lỏm, hay vì bị phiền phức vì làm mất đi sự lãng mạn của họ?!
Tôi
tự hỏi tiếng nói của cô gái « chủ quan » phát ra ban nãy nghe rất
quen, không biết cô gái ấy là ai!
Tôi
cố nhìn trong bóng đêm chỉ thấy được một cô gái mặc áo đầm hở ngực với cái đuôi
áo sau dài chấm đất, đêm tối tôi chịu không thể nhận ra được, với lại cô ấy lại
ngồi quay lưng lại với tôi!
Tiếng
cô MC vang trên sân khấu:
-
Xin lỗi có người nhà của bác sĩ Luyến vừa
phone đến muốn nói chuyện với bác sĩ gấp, người ấy nói là phone mãi vào phone
tay của bác sĩ mà không ai bắt, chắc là ở đây ồn ào quá nên không nghe được.
Tất
cả mọi người bỗng nhiên ngưng mọi hoạt động và đưa mắt nhìn nhau, tìm bác sĩ
Luyến để nhận phone gấp như theo lời yêu cầu của cô MC. Tiếng nói cười vẫn tiếp
tục oang oang trong góc phòng, hình như họ đang reo vui, đang say, đang chúc mừng
nhau mà không nghe gì lời kêu gọi của cô MC trên sân khấu.
Những
người ngồi xung quanh tôi to nhỏ với nhau:
-
Bác sĩ Luyến bị lãng tai mà, có hét to
cách mấy chắc ổng cũng không nghe! Trừ khi có người đến vỗ vào vai ông ta mà
nói thẳng vào tai ổng thì mới được!
Tiếng
chủ nhà rõ mồn một, gọi thêm một lần nữa:
-
Bác sĩ Luyến! bác sĩ Luyến có trong này
không ạ?
Đèn
bỗng bật sáng lên, cả phòng dồn cả mấy chục con mắt vào cuối phòng, bác sĩ Luyến
đang ngà ngà say, miệng vẫn cười không ngớt, tay phải cầm ly rượu, tay trái
quàng ngang vai cô mặc chiếc áo đầm hồng, cặp mắt lim dim, nụ cười hạnh phúc,
mái tóc bồng bềnh uốn quăn điệu nghệ.
&&&
Chúng
tôi ai cũng biết bác sĩ Luyến từ rất lâu năm, ông bà rất yêu văn nghệ, tuần nào
cũng tổ chức party hát live với vài tay keyboard ở dưới basement nhà ông bà. Cả
hai đều rất thích nhảy, enjoy cuộc sống khi về hưu ở tuổi 65, mới đầu ông chỉ
đàn cho bà hát, sau mời vài cặp đến nhà ăn uống, ông đàn cho vài cặp, rồi quen tay,
ông có thể đàn đến ba bốn chục bài trong một đêm; ông ghiền văn nghệ lắm, tuần
nào mà không họp nhau lại thì ông buồn rười rượi, ngáp ngắn ngáp dài như người
thiếu xì ke! Nhưng tiếc một điều là ông bị nặng tai, tuổi tác càng lớn ông nghe
rất khó, nên ai hát với ông thì thường hay phải làm dấu hiệu khi họ hết bài để
ông dừng đánh. Mọi người nói chuyện ông cũng không nghe rõ, nên muốn nói gì với
ông thì phải qua bà, để bà có cách nói lại cho ông hiểu, nên mọi người gọi bà
là máy “trợ thính” của ông.
Còn
bà thì rất thích nhẩy, dáng bà xinh xắn, thanh nhỏ, khi nhẩy hình như cả người
bà nhập hòa với tiếng đàn, như một giòng nước chảy, nhẹ nhàng và đầy nghệ thuật.
Bà biết cách đối xử nên ai cũng quý mến.
Cái
basement của ông bà mới được sửa sang lại, làm cho rộng rãi hơn, có thể chứa được
50-70 người, có hai phòng toilettes khang trang sạch sẽ, sàn bằng gạch ceramic
với họa tiết vân gỗ, góc phòng trang trí thêm một lò sưởi tí tách trông thật ấm
cúng, trên tường những bức tranh vẽ ca sĩ cầm micro, kèn saxo của thời 1960 thật
điệu nghệ.
Bà
Luyến là một người phụ nữ dễ gần gũi, thông cảm mọi hoàn cảnh, bà xuất thân ở một
tầng lớp trung lưu, bà may mắn gặp được người chồng yêu thương bà hết lòng và
làm bác sĩ, nên bà cũng muốn giúp đỡ những người kém may mắn. Bà tưởng xung
quanh bà ai cũng thật lòng như chồng đối với bà, bà chẳng hề đề phòng một ai,
cuộc sống thật nhẹ nhàng; bà thường hay đùa vui, đưa ra những lời khuyên thực tế
với nhóm trẻ chúng tôi khi ngồi ăn chung:
-
Chị Luyến nhảy đẹp ghê, trông chị như con
hạc trắng bay nhẩy vậy.
-
Hưởng được thì mình cứ hưởng đi, sau này hết
sức rồi thì sẽ không tiếc!
-
Người thích đi chơi là chồng em chứ không
phải em chị ơi, em chỉ là người cùng đi với ổng vì chiều ổng thôi.
-
Ôi dào! Đi chơi thì cả hai cùng vui, chứ
có phải riêng một ai đâu… mà các em coi chừng đấy, mình mà không đi bên cạnh,
không canh thì có ngày mất chồng như không.
Cả
đám lại lao xao lên chống đỡ :
-
Chị ơi, nhiều khi em bận và mệt quá, muốn ở
nhà, bảo ổng đi một mình đi, ổng không muốn, lúc nào cũng muốn em đi cùng. Em
nghĩ em mà bệnh hay bị gì thì chắc ổng sẽ không bao giờ bỏ em đi chơi một mình
đâu.
-
Đừng nói vậy nhe, đàn bà mình mà nằm xuống
đau ốm hay bị gì thì hắn sẽ bỏ mình nằm đó mà đi chơi và cặp ngay con khác đó,
đừng có ngây thơ mà nghĩ là chúng chung thủy một lòng đâu đấy.
-
Chị nói đúng đó, em có người bạn bị bệnh
còn nằm trong bệnh viện, mà ở ngoài này chồng nó đã cặp bồ ngay với một cô chân
dài mới mẻ đi chơi ngon lành!
-
Bởi vậy chị đã nói với mấy em rồi, hãy hưởng
những gì mình đang có đi, lỡ sau này có gì thì không còn hối tiếc.
-
Mà em nghĩ nếu mình bị bệnh gì đó, bắt chồng
mình phải bỏ cuộc chơi, ngồi u sầu, khổ sở thì cũng chả thay đổi được gì, em
…cho phép ổng đi chơi cho khuây khỏa, vui để sống mấy chị ơi.
Mỗi
người một ý, nhưng chung quy cũng chỉ là muốn cuộc sống có chất lượng, có niềm
vui để bám vào vươn lên cho hết kiếp người thôi.
Mỗi
tuần ông bà Luyến đều gọi chúng tôi đến ăn, ca hát và nhảy từ 6 giờ chiều đến
12 :00 đêm. Ông Luyến là bác sĩ gia đình của tôi, vì nể và cũng muốn làm
thân để lỡ có ốm đau thì nhờ ông cũng dễ không phải xếp hàng chờ đợi ngoài
phòng mạch.
Lúc
đầu bà Luyến tự tay làm các món ăn đãi bạn bè, sau này mệt quá nên cầu cứu mỗi
cặp đem một món góp gạo thổi cơm chung. Nhờ thế bà biết ai nấu giỏi món gì, ai
là người bà có thể nhờ vả mỗi khi làm party.
Trong
số khách mời, bà thấy cô Thúy Liễu là người làm món ăn rất vừa miệng, trình bày
đẹp mắt, ăn ai cũng khen, nên từ đó mỗi lần mời khách bà không cần làm phiền họ
đem một món nữa mà chỉ cần đóng tiền tượng trưng vài ba chục đồng một cặp và
đưa cả cho cô Thúy Liễu lo liệu, rất tiện.
Thúy
Liễu thấy gia đình bác sĩ tin cẩn, giao cho nàng làm đầu bếp mỗi lần tiệc tùng,
nàng cố gắng làm cho tốt, ngon và đặc biệt hơn nữa để lấy lòng ông bà; khi niềm
tin đã đâm chồi nầy lộc trong lòng bà Luyến, thì Thúy Liễu bắt đầu có những giấc
mơ « đổi đời », mọi chuyện riêng tư lớn nhỏ trong nhà ông bà Luyến
nàng đều để tai và muốn giúp đỡ chị chủ nhà.
Nàng
tự cho mình là một thành viên thân cận trong gia đình ông bà Luyến, nàng ngang
nhiên bắt phone mỗi khi có khách phone lại nhà hỏi thăm ông bà. Khi vui thì
nàng chuyển phone, khi hết hứng nàng dấu nhẹm luôn người khách muốn nói chuyện
với ông bà. Rảnh rảnh, nàng ra sau nhà nằm phơi nắng với bộ bikini hớ hênh khi chỉ
có một mình ông Luyến ở nhà.
Tiếng
đồn đến những chủ tiệc muốn làm party ở basement đều nhờ một tay nàng Thúy Liễu,
sắp xếp những món ăn sao cho hợp theo từng sở thích của gia chủ. Lúc đầu còn rẻ,
nhưng thấy ai cũng cần mình nên ngày càng lên giá, chủ nhà mới làm lần đầu cũng
phải cắn răng chịu vì một mình gia chủ không sao kham nổi.
Nơi
đâu có party, nơi đó có mặt Thúy Liễu. Dáng người đẫy đà, nàng sở hữu một giọng
ca trầm, đầy nội lực và luyến láy làm mê lòng người; nàng có một gia đình hạnh
phúc bên chồng con. Nhưng chồng cô làm cả ngày lẫn đêm 2,3 jobs vẫn không đủ tiền
chi tiêu cho cả gia đình, con trai đến tuổi ăn tuổi học, căn nhà mới mua chưa
bao lâu, nợ ngút đầu, rồi hai cái xe mới mua trả góp, vợ một cái, chồng một
cái, sợ bị nhà băng tịch thu nếu không trả đúng ngày, gia cảnh càng thêm khó
khăn. Chồng nàng ráng làm thêm đầu này, chắt chiu đầu kia vẫn không sao thắt lại
mọi chi tiêu của gia đình. Mỗi lần gặp nhau là vợ chồng to tiếng vì tiền bạc,
gây nên bao mâu thuẫn. Thúy Liễu thấy chán cái đời sống thiếu thốn này, chán
ông chồng học dở không bằng cấp của mình, ăn nói lắp ba lắp bắp không ra được một
câu cho nở mày nở mặt vợ con mà lúc nào cũng chỉ biết làm việc, không có kết quả.
Nàng
muốn đổi đời, thực sự muốn bỏ hẳn cuộc đời gian truân bên cạnh ông chồng thật
thà nhà quê của mình, nàng rắp tâm sẽ tìm một người chồng thứ hai giàu có hơn gấp
mười lần ông chồng hiện tại để đời nàng đừng bị khổ và phiền hà như bây giờ.
Nàng
thường tâm sự với chị Luyến ngầm cho chị hiểu tâm tư của nàng là nàng đang muốn
soán ngôi của chị Luyến, nhưng chị ấy vẫn vô tư không hề mảy may nghi ngờ:
-
Tại sao em phải chịu khổ vì thằng chồng
không bằng cấp, không tiền bạc này chứ? Đời em đã trả nợ cho nó quá đủ rồi, em
đã cho nó một thằng con trai thông minh học giỏi, ngoan ngoãn rồi, thế là đủ,
em không muốn hy sinh gì thêm nữa! người đâu mà dốt quá, làm hai ba việc cũng
không bằng em làm một chỗ, mà em không muốn xài tiền em vì phải còn để dành, lỡ
sa cơ thất thế em còn dùng nữa chứ!
-
Hum… vợ chồng phải chia sẻ đùm bọc với
nhau chứ, nếu nói như em thì chị đây cũng không biết làm gì hết, chỉ biết làm bếp
thôi, mà làm bếp cũng không giỏi nữa, chả lẽ anh Luyến bỏ chị sao, lấy nhau ban
đầu vì tình yêu, sau vì nghĩa em ạ!
-
Bao nhiêu người may mắn có được chồng giỏi
địa vị cao, tại sao em lại phải làm vợ một người không tài cán gì mà còn nghèo
rớt mồng tơi. Nói thiệt, em cũng bằng lòng làm bé người ta để có cuộc sống giàu
và sướng hơn …
-
Đừng nói vậy em à, chồng em rất hiền lành,
nó lại là người bảo lãnh em qua, nếu không có nó làm sao em có ngày hôm nay…
Làm bé người ta không hạnh phúc đâu, phải trốn tránh bà lớn, phải nịnh bợ người
ta, bị người đời khinh khi, ruồng bỏ…Em đừng có ý nghĩ như vậy nhe! Với lại thiếu
gì người mà phải đi làm bé ai?!
Từ
một người con gái hiền lành, ngây thơ thuở nào được chồng ở Canada bảo lãnh từ
Rạch Giá -Việt Nam qua, 20 năm sau Thúy Liễu trở thành người phụ nữ hung dữ, mắng
chồng chửi con, mắng luôn cả bạn bè người quen, nếu ai làm trái ý nàng cũng không
hề nể nang. Nàng tự cho mình là người quan trọng, ai làm party cũng phải gọi đến
nàng, phải nịnh nàng để được nàng cho giá tốt và cho thực đơn ngon, ngày càng bạo
mồm bạo miệng coi bạn bè không ra gì.
Đã
có một lần chúng tôi đến nhà ai đó, chỉ đứng ngoài sân đã nghe tiếng Thúy Liễu
lanh lảnh bên trong với chủ nhà:
-
Chị nói với chị Luyến là tui sẽ lo liệu hết
đêm nay, chị không nói là chỉ lo phần ăn thôi, nên tui tưởng làm luôn phần
dessert, tui đã làm mấy món chè và bánh rau câu… Bây giờ chị nói chỉ lấy phần mặn
thôi, còn dessert tui đem về đổ đi hay sao? …Mấy người nhà giàu, là bác sĩ mà
sao muốn nói gì thì nói, muốn nói ngang nói ngược cũng được, đúng là lưỡi không
xương!...Nè tui nói cho biết nếu không lấy mấy món dessert này thì tui đem về hết
luôn, thà đổ cho chó ăn còn hơn…
-
Nè nè cô Thúy Liễu, tôi nghe bà Luyến giới
thiệu cô cho tôi, lần đầu làm việc với cô, tôi chưa biết là cô bao trọn hết như
vậy, thôi cô thông cảm nhe, tôi đã lỡ làm rất nhiều chè và bánh rồi, nếu lấy
luôn tất cả những thứ dessert này của cô thì không biết phải để ở đâu, tủ lạnh
chật quá chừng, tôi xin lỗi nghe, lần sau tôi sẽ order rõ ràng hơn!... Bây giờ
tôi trả tiền cô phần đồ ăn này thôi nhé.
-
Không! tui không bán và cũng không nói
chuyện với người không hiểu chuyện như bà nữa! đã nói là tui đem chè này về
không biết ai ăn! Con và chồng tui không thích ăn ngọt! nếu bà không lấy thì
tui đem hết luôn đồ ăn mặn về, từ nay cũng chừa cái tên tui ra đừng có gọi nhờ
vả gì nữa nhe! …thiệt là…bác sĩ gì mà….
-
Ok …Thôi cô đừng giận, để lại cho tôi vậy!
Tôi
thấy Thúy Liễu bước từ trong nhà ra mặt hậm hực, liếc ngang liếc xéo, vừa đi vừa
lẩm bẩm:
-
Tưởng có tiền muốn làm gì thì làm sao! Con
này không phải vừa…
Chúng
tôi nhìn nhau ngao ngán và bữa đó cũng được chị chủ nhà cho take out về một mớ
chè vì vừa ăn vừa bơi!
Ở
Montreal này người đặt đồ ăn ngon thật hiếm, chỉ đếm trên đầu ngón tay, nên những
người như Thúy Liễu được nước béo cò, lên chân lên tay, giá cả từ từ tăng vọt
mà những người đi chơi ngày càng lắc đầu và đề nghị với chủ nhà trở lại với
công thức xưa là mỗi người một món cho đỡ rắc rối cuộc đời.
Tiếng
đồn không tốt về nàng ngày càng tràn lan trong giới văn nghệ của chúng tôi,
Thúy Liễu bị mất khách rất nhiều. Nàng giận cá chém thớt, quay qua mặt nặng mày
nhẹ với gia đình, dần dần đưa đến ông chồng không chịu nổi cô vợ hay quát tháo,
chửi bới mỗi khi đút đầu về nhà, sanh ra uống rượu cho quên cảnh chán chường
này. Sau đó chúng tôi nghe tin hai người đã ly dị và thằng con trai vừa tròn 18
cũng dọn ra riêng.
Thúy
Liễu buồn đời, nàng ra ngoài, mua vui qua club dancing vào những buổi tối cuối
tuần, nàng tự do ăn mặc hở hang, lơi lả như cánh bướm đêm, mồi chài những người
đàn ông giàu có, địa vị, và mang tâm trạng chán “cơm nhà”.
Lẽ
ra nàng cũng là một người phụ nữ có nhân phầm, ngoài tài ca hát điêu luyện,
nàng có nghề gia chánh khó ai sánh bằng, nàng cũng không xấu, nhưng chung quy
chỉ tại cái miệng mà nàng khó tìm bạn; ai làm gì không đúng ý, nàng sẵn sàng
phone đến nhà họ, chửi mắng bằng những lời lẽ khó nghe không tiếc lời; còn hơn
thế nữa, ra ngoài đường khi gặp người đó nàng liếc, nguýt không chào hỏi, sấn tới
người ấy như muốn ăn tươi nuốt sống! Nàng rất thích uống rượu, uống đến say
mèm, rồi ói mửa, nói bậy không khác gì phái mày râu. Nên những người đàng hoàng
không muốn giao du với nàng.
Bỗng
một hôm, đang sửa soạn bữa cơm chiều, tôi nghe tiếng phone reng, tiếng cô bạn
thân hay đi chơi cùng với tôi:
-
Mi biết chuyện gì chưa? Trời ơi bây giờ
không biết chị ấy ra sao nữa! thứ bẩy này chắc không có party nhà chị ấy rồi!
-
Chuyện gì? Nói ta nghe từ đầu đến đuôi coi
nào, chả hiểu gì hết!
-
Chị Luyến đó… chị ấy mới bị stroke! Bây giờ
đang nằm trong nhà thương…
-
Hồi nào? Có sao không? sao mi biết?
-
Ta cũng nghe nói thôi, sáng nay chị dậy đi
bộ sáng sớm ở ngoài nhà rồi người ta thấy chị ấy té bên đường nên gọi xe cấp cứu
đưa vào nhà thương. Khi ảnh đến thì bác sĩ nói là chị té xuống đường lâu quá mới
gọi xe cấp cứu nên không kịp nữa, não đã bị chết rồi! Chị đã ra đi!
-
Trời ơi! Sao tội vậy!
tụi mình mới gặp nhau đây tuần vừa rồi ở nhà anh chị Thịnh mà, thấy chị Luyến
còn mạnh khỏe, nói cười ngon lành, chị còn làm món tôm chiên tầm bột bữa đó,
sao giờ ra nông nỗi này!
-
Mi thấy chưa đời
người ngắn ngủi lắm! bữa đó ta thấy ảnh hát bài 60 năm cuộc đời, chị nhẩy bên cạnh,
hai người còn nắm tay nhau hát chung bài “it’s now or never…” Bây giờ chị đã ra
người thiên cổ.
-
Ta không thể nào
tưởng tượng được, thương quá! Bao giờ tụi mình vào nhà thương thăm chị ấy mi hả?
-
Không được đâu!
Bác sĩ nói không nên vào đông quá bây giờ, chỉ những người thân trong gia đình
thôi, vì cũng không làm gì được nữa!
-
Chắc ảnh khóc hết
nước mắt mi nhỉ!
-
Dĩ nhiên rồi, nghe
nói ảnh khóc như đứa con nít, khóc đến nỗi ngồi dậy không nổi!
-
Tội ghê! Đời…thật
vô thường quá!
&&&
Hai tháng sau
-
Mi ơi, chiều nay
có làm gì không? tụi mình đến chơi ăn uống nhà bác sĩ Luyến nhe!
-
Ủa mà bác sĩ Luyến
đang có đại tang mà…
-
Trời ơi, giờ này
mà đại tang gì nữa! mấy anh chị lớn nói với ta là ảnh phải sống, phải vui tươi
lại, tụi mình đứa nào cũng tránh xa ảnh, để ảnh cô đơn bơ vơ trong căn nhà to đầy
ắp kỷ niệm của vợ, ngày nào ảnh cũng khóc, cũng khổ, không ăn uống gì hết làm
sao sống? nên chị Thành nói với ta là chiều nay tụi mình làm cơm mỗi đứa một
món rồi đem tới ngồi ăn cơm với ảnh cho vui, nói chuyện cho ảnh khuây khỏa.
-
Ok được chứ, vậy
mi làm món gì?
-
Món gì cũng được
mà, chủ yếu ngồi nói chuyện với ảnh thôi, chứ chắc ảnh cũng chưa ăn uống gì nổi
đâu.
-
Hẹn mi lúc 5:00
chiều nay nhe!
Khi chúng tôi vào nhà anh, tất cả mọi thứ vẫn nguyên như
ngày xưa, hình của anh chị hồi đi chơi đầy rẫy cả một gian phòng, làm sao anh
có thể quên, có thể không nhìn thấy kỷ niệm xa xưa gợi về?! Những tấm hình chị
đang cầm micro hát, hai mắt nhắm lại thật say mê, có nhiều tấm chị được các bạn
tặng hoa khi chị đang hát, nụ cười thật tươi, thật cuốn hút…Tất cả đã là dĩ
vãng. Càng nhìn càng thấy xót xa cho một kiếp người! chị đã sớm từ giã cuộc đời
ở thời đẹp nhất của tuổi hưu, thời vàng son khi chẳng còn gì vướng bận, con cái
lớn, sự nghiệp xong, tiền bạc đầy đủ, thế mà…
Anh Luyến thấy tôi đứng yên giữa gian phòng mà xung
quanh toàn hình chị chụp chung với mọi người được rọi lớn treo trên tường, anh
ngậm ngùi:
-
Định mệnh của mỗi
con người đã được ông Trời định đoạt từ khi lọt lòng rồi, chúng ta phải chấp nhận
thôi…Nhưng anh vẫn…thấy đau quá, không quên nổi!
Anh lại đứng khóc ngon lành như chuyện xảy ra mới hôm
qua, tôi tiến lại nắm tay anh:
-
Thôi, anh đừng buồn
nữa, thấy anh cứ khóc hoài như vậy, chị làm sao siêu thoát được, anh em mình ra
ngoài sân cùng ăn với mọi người nhe.
Anh để yên tôi dắt tay ra ngoài sân sau như một cậu học
trò ngoan ngoãn.
Chị Thành mặt nghiêm trang lo lắng, nói với chúng tôi:
-
Chắc mình phải nhờ
lại cô Thúy Liễu thôi…
-
Nhờ làm cơm hả chị?
-
Phải rồi, nhờ cô
ta đem cơm lại cho anh Luyến mỗi tuần hay hai ba ngày một lần gì đó, chứ ảnh
đang buồn vậy làm sao nấu cơm được!
Chúng tôi nhìn anh Luyến dò hỏi:
-
Anh có muốn cô
Thúy Liễu làm cơm đem đến cho anh cỡ hai ba ngày một lần, rồi khi nào anh cần
ăn nữa thì nhờ cổ được không ạ?
-
Thôi, anh …không cảm
thấy đói mà ăn gì!
-
Không thấy đói
cũng phải ăn, chứ không thì anh sẽ không sống nổi đâu, sẽ sanh bệnh, anh biết
đó, lớn tuổi nếu bị cancer hay gì nữa thì khổ lắm.
-
Để em sẽ nói chuyện
với cổ, có gì thì cuối tuần này cổ sẽ đem cơm đến anh nhe.
-
Cổ có tự động đến
đây, làm cơm cho anh, nhưng anh… từ chối… Bụng dạ đâu nữa mà ăn, anh không còn
thấy ngon miệng nữa!
-
Nhưng anh phải
ráng, anh phải sống vì các cháu nữa chứ!
-
Không biết anh có
làm chạm tự ái cổ không, vì hôm nọ cổ tự đến đây, vào bếp nấu soup và mấy món
ngày xưa anh thích, nhưng anh không thể nào nuốt vô nổi nên đã…đuổi cổ về, chắc
anh làm cổ buồn, cổ sẽ không đến nữa đâu.
&&&
Ba tháng sau
Cho môi khô nụ cười
Quên tiếng hát yêu người
Cho đôi mắt tủi hờn rơi
Để lệ cuốn mất câu thề (bài không tên số 3- Vũ Thành An)
Khi cô bạn thân Dung lên nói trên micro là có người
nhà bác sĩ Luyến muốn nói chuyện gấp, bác sĩ Luyến vội vàng đứng lên nghiêng ngả,
chuếnh choáng vì men rượu, tôi nhận ra anh đã thay đổi rất nhiều sau ba tháng
không gặp.
Mái tóc đã được uốn xấy tỉ mỉ, bộ đồ complet anh mặc
phẳng phiu thật đẹp như những ngày chị Luyến còn sống, anh không còn gầy choắt
như hồi xưa mà khuôn mặt hồng hào, có da thịt lên một chút, anh vừa cười vừa
nói với chủ nhà:
-
Nhà anh bây giờ có
ai đâu mà bảo là người nhà anh gọi, chắc ai lộn số không?
Rồi quay qua người con gái với chiếc áo đầm dài ngồi
quay lưng lại phía tôi, anh gọi:
-
Em ơi, lúc nãy ra
khỏi nhà đã tắt bếp, tắt nước chưa?
Cô gái quay người lại, đi về phía anh.
Tôi giật mình nhận ra Thúy Liễu. Nàng thay đổi diện mạo
làm cho ai cũng ngạc nhiên.
Chiếc áo đầm ren hồng dài phủ chân, rộng cổ khoe cả
khuôn ngực tràn đầy sức sống, bó chẽn ở vòng eo, thân áo dài có phần trước ngắn
đến mắt cá, nhưng phần đuôi sau lưng dài phết đất như phải được mặc ở những nơi
dạ hội đại tiệc chứ không phải ở basement này. Cổ tay đeo toàn những vòng kim
cương chiếu sáng lấp lánh giả, những chiếc hoa tai cũng đầy kim cương lóng lánh
dài đến cổ. Đôi môi son đỏ chóet, cặp mắt với hai mí phấn xanh. Nàng mập ra nhiều
so với hồi chúng tôi đặt đồ ăn, khuôn mặt tròn đầy, nụ cười giả tạo:
-
Dạ em xin chào các
anh chị, lúc nãy em vô trễ nên chưa chào ….
Anh Luyến cắt ngang, nói với nàng:
-
Em! Trước khi ra
khỏi nhà em đã check hết chưa? Bà bác bên cạnh nhà nói là có nghe tiếng nước chảy…
-
Oh thôi chết rồi…em
quên mất! về về đi anh!
Hai người quýnh quáng chạy vội ra khỏi nhà không nói một
câu chào chủ nhà!
Lên non cất giọng cười khan..
Hóa ra.. mình tự buộc ràng đấy thôi!!
Trăm năm cười khóc, khổ vui..
Thành cộng, thất bại.. nước trôi qua cầu..
Cuộc đời chẳng có khổ đau!
Chằng qua lầm tưởng.. bạc đầu nhân sinh..
Montreal,
Sỏi Ngọc July’23
Cám ơn chị Tố Kim post một truyện hay của đời thường qua ngòi bút của tác giả Sỏi Ngọc.
ReplyDeleteHồng Thúy
Tks chị đã xem và ủng hộ ga nhà nhé
DeleteThương mến, emNH