Mỗi tối, hắn vẫn ngồi một mình, trong
căn phòng vắng, hút thuốc và hút thuốc. Cuộc đời hắn không có gì nổi bật lắm,
cũng bình thường như hàng trăm ngàn người trai Việt Nam lỡ thời tị nạn mà thôi.
Nhưng nếu hắn là một người Mỹ chẳng hạn, hắn có thể buồn tình, tà tà xách súng
bắn người, vào một ngày thật buồn cô đơn nào đó, rồi đổ hết cho rằng hắn bị bịnh
tâm thần, vì cái quá khứ đầy máu lửa, khổ đau, oan trái ở Việt Nam của hắn.
Hắn theo gia đình di cư vào Nam khi vừa
tròn ba tuổi. Quê hương miền Bắc xa xăm hắn nào nhớ được gì. Nhà nghèo, nhưng hắn
vẫn được sống trọn vẹn trong vòng tay yêu thương của ba mẹ. Rồi miền Nam lại dậy
lửa binh đao, cuộc chiến ngày càng lan rộng. Ba hắn phải hành quân liên miên,
không còn thường được về nhà chơi với mẹ con hắn nữa.
Một ngày kia, có một người lính lạ, đen
đủi đến thăm, ông nhìn hắn rất lâu, rồi nhỏ nhẹ, nghẹn ngào trao cho mẹ hắn sợi
giây và tấm thẻ bài mà ba hắn vẫn thường đeo ở cổ. Mẹ hắn bật khóc thảm thiết,
hắn thấy mẹ khóc, không hiểu gì, nhưng cũng khóc theo. Người lính nói thêm mấy
câu gì nữa, rồi đứng dậy, vuốt tóc, ôm chặt hắn vào lòng, lặng lẽ cáo từ. Hắn vẫn
còn nhớ rõ trên khuôn mặt đen sạm, phong sương của ông ta, hai mắt cũng long lanh
ngấn lệ.
Mẹ hắn thôi khóc, thay cho hắn bộ quần
áo mới, hấp tấp dắt hắn đi. Hắn hỏi chuyện gì? Mẹ hắn lại khóc, nói "Ba hắn
chết rồi". Chết có nghĩa là không bao giờ về thăm mẹ con hắn nữa, không
bao giờ về chở mẹ con hắn đi chơi nữa đâu. Hắn đau đớn không thể nào hiểu nổi,
ba hắn hiền lắm, tại sao lại chết? Tại sao lại bị người ta bắn chết? Những truyện
cổ tích mà hắn thường được nghe kể, bao giờ cũng chỉ có kẻ gian ác mới bị chết
thôi mà.
Nghĩa Trang Quân Đội, hôm đó, mưa phùn
lành lạnh. Trong nhà đèn nến sáng choang, ba hắn được đặt nằm trong một hòm gỗ
đóng kín, trên có phủ một tấm vải vàng ba sọc đỏ. Hai người lính thế nghiêm cứng
ngắc, bồng súng đứng chào hai bên. Đằng sau có hàng chữ: Tổ Quốc Ghi Ơn, mà hắn
đã đánh vần đọc được.
Hôm sau, trời mưa tầm tã suốt đêm hôm kế
sau, mưa vừa dứt, lễ hạ huyệt ba hắn được cử hành. Bà con thân thuộc, bạn bè,
hàng xóm, cùng những người lính câm lặng cúi đầu, bài Hồn Tử Sĩ ai oán, uất nghẹn
vang lên. Mẹ hắn mặc áo đại tang, đầu phủ khăn trắng, ôm chặt hắn vào lòng, quì
sụp ngay trước huyệt mộ ba hắn mà khóc không thành tiếng. Huyệt mộ ngập nước,
chiếc quan tài của ba hắn chòng chành, như muốn nổi lên, chắc chắn ba hắn không
đành lòng bỏ lại vợ trẻ, con thơ mà ra đi như vậy.
Từ đó mẹ hắn buồn lắm, biếng nói, biếng
cười. Có đêm hắn giật mình thức giấc, vẫn thấy mẹ hắn chưa ngủ, ngồi khóc hàng
giờ bên bàn thờ ba hắn, nhiều khi mẹ hắn còn nói thầm thì, to nhỏ điều gì với
ba hắn nữa...
Năm đầu tiên hắn đi thi Đệ Thất trường
công, hắn rớt. Tuy hắn rất chăm học, nhưng khó quá, hắn lại không có ai kèm cặp,
chỉ bảo thêm. Hắn buồn, mẹ hắn ôm hắn vào lòng, khuyên hắn thi lại năm sau, có
công mài sắt có ngày nên kim, nhà nghèo, làm sao có tiền cho hắn học Đệ Thất
trường tư.
Từ đó, buổi tối hắn thường ngồi học bài,
mẹ hắn thì lo sửa soạn gánh xôi để bán ngày mai. Gần nhà, có ông Tư thợ mộc,
goá vợ. Tối tối, sau khi cơm nước chiều xong, ông thường hay qua nhà, lăng xăng
giúp đỡ mẹ con hắn. Ông Tư thiệt tốt, thường tự nguyện sửa chữa lặt vặt nhà cửa
cho mẹ con hắn, đi làm ông còn cóp nhặt gỗ vụn đóng thành cả một cái bàn học
cho hắn. Chỉ ghét ông một cái, ông hay tìm cách ngồi gần mẹ hắn, nói đủ thứ
chuyện gì đâu, hắn không hiểu. Lúc đó, giọng ông xuống "tông" rất trầm,
nhẹ nhàng, tha thiết, khác hẳn cái giọng ồm ồm thường lệ, mắt ông chớp chớp
nhìn mẹ dịu dàng, trìu mến, mặt mũi ông cực kỳ thành khẩn.
Một chiều thứ Bẩy, ông qua sớm, mặc đồ bảnh
tỏn, áo sơ mi trắng ngắn tay bỏ vào quần tây cũng màu trắng, lại thắt dây nịt
đen, cho hợp với tấm thân hộ pháp, đen đúa của ông, nên trông ông rất... nổi.
Ông vui vẻ hứa hẹn với hắn là sẽ dắt hắn đi ăn tối, và có thể còn đi coi hát
bóng nữa. Rồi ông lại ngồi rù rì nói chuyện với mẹ thật lâu, mẹ cứ lắc đầu
hoài, lúc chỉ lên bàn thờ ba hắn, lúc chỉ về hắn đang ngồi học gần đó mà từ chối
lòng tốt của ông.
Cuối cùng, ông đứng dậy, mặt ông buồn
xo, tiến lại xoa đầu hắn, nói với hắn rằng: "Ráng học lên con, có công mài
sắt có ngày... chai tay". Rồi ông lắc lắc đầu, cười cười buồn bã bỏ về.
Sau này, hắn mới hiểu, câu nói của ông
Tư nhiều khi cũng đúng, nhất là trong trường hợp của ông Tư. Nếu ông dại dột,
lì lợm mà "mài" nữa, thì không những chai tay, mà mặt ông cũng chai
luôn nữa.
Năm sau, hắn thi đậu Đệ Thất trường Chu
Văn An, một trường trung học công lập danh tiếng ở Sài Gòn. Mẹ hắn mừng lắm, lần
đầu tiên sau ngày ba mất, mẹ hắn cười nhiều, nói nhiều. Mẹ bỏ cả một buổi bán
xôi, đưa hắn đi chơi sở thú, vào tiệm ăn phở, tối còn dám dắt hắn đi coi cải
lương của đoàn Kim Chung nữa.
Ngày tháng qua mau, nhờ tình thương của
mẹ, nhờ vào sự cần cù, nhẫn nại, chịu khó, chăm học của bản thân, hắn đã đậu
liên tiếp hai kỳ thi Tú Tài và được vào Đại Học. Cánh cửa tương lai đời hắn đã
hé mở. Cùng một lúc, con tim hắn đã bắt đầu thổn thức, rung động trước đôi mắt
to, đen láy, tóc thề, da trắng, mũm mĩm, dễ thương của cô bé hàng xóm, mà ngày
xưa, không biết bao nhiêu lần đã từng cởi truồng tắm mưa chung với hắn.
Mùa hè đỏ lửa 1972 bùng nổ. Bắc quân
cùng một lúc mở ba mặt trận lớn đánh thốc vào miền Nam thân yêu. Tổ Quốc lâm
nguy, lệnh tổng động viên tăng thêm một tuổi được ban ra. Mẹ hắn lại gạt nước mắt
tiễn đưa đứa con yêu quí nhất đời của mình lên đường nhập ngũ. Ngày ra đi, cô
bé hàng xóm cũng tiễn đưa, nước mắt rưng rưng, đôi mắt to, đen láy giờ cũng đỏ
hoe.
Ngày xưa, học giờ Việt Văn ở trung học,
hay đọc tiểu thuyết, hắn cứ lãng mạn nghĩ rằng con gái khi khóc thường đẹp lắm,
vì biết bao nhiêu anh hùng thân bại danh liệt cũng vì nước mắt của mỹ nhân. Vậy
mà khi cô khóc, hắn thấy không đẹp thêm tí nào. Có lẽ, tại vì ngay cả lúc bình
thường cô cũng không đẹp lắm. Nhưng, con tim có những lý lẽ riêng của nó, hắn
đã lỡ dại thương rồi, thì nhất quyết không bao giờ thay đổi. Hắn không buồn cho
số phận của mình, nhưng thương cho mẹ và nhớ cô bé hàng xóm rất nhiều. Hắn biết,
nếu hắn có gan rủ, chắc cô bé cũng sẵn sàng tắm mưa với hắn một lần nữa, để cho
hắn có chút gì gọi là kỷ niệm... làm hành trang cho người vào cuộc chiến.
Đời sống quân ngũ rồi cũng quen đi. Hắn
dạn dầy trong sương gió, hiểm nguy. Đời lính với mưa rừng gió núi, nắng sớm
sương chiều, gian nan cực khổ nào có xá gì. Chỉ thương cho mẹ hắn, sức yếu, cô
đơn thui thủi một mình, không ai săn sóc những khi trái gió trở trời.
Ngày hắn được lên lon Thiếu Uý, cũng là
dịp để hắn về Sàigòn thăm mẹ, thăm cô bé hàng xóm. Thật sự thì mẹ và cô bé hàng
xóm thăm hắn thì đúng hơn, bởi vì hắn còn sức đâu mà về thăm. Hắn đụng trận, bị
thương, người hắn đầy máu, nằm trong rừng hơn một ngày mới được đơn vị bạn giải
toả, trực thăng vừa đáp là hắn được đưa ngay vào Tổng Y Viện Cộng Hoà nằm chờ cấp
cứu. Gặp mẹ, mẹ lại khóc, đời mẹ cũng như cái đất nước Việt Nam chiến tranh
này, chỉ toàn là nước mắt. Hắn nhịn đau, cố cười cho mẹ vui. Được lên lon mà
không phải vào nằm trong Nghĩa Trang Quân Đội như ba hắn kể ra cũng là hên lắm
rồi.
Miền Nam sụp đổ. Hắn may mắn thoát chết
trở về. Mẹ con sum họp, hàn huyên chưa được bao lâu, hắn lại phải lên đường.
Ngày đi trình diện “cải tạo” hắn không muốn mẹ hắn tiễn đưa, hắn cũng không cần
cô bé hàng xóm nữa. Cô giờ đây có ông bố là du kích về làm Chủ Tịch Phường. Cô
cũng làm Chủ Tịch Hội Phụ Nữ, cô bây giờ lúc nào cũng chỉ mặc bộ đồ bà ba đen,
luôn luôn bận rộn họp hành. Đôi mắt to, đen láy ngày nào, giờ chỉ thích quắc
lên, miệng xổ ra hàng lô từ ngữ chính trị lạ hoắc. Cô còn bắt chước ông bố một
điểm nữa là... ở dơ kinh khủng, cho có vẻ ta đây là cách mạng, giai cấp lao động
tiên tiến, phục vụ nhân dân hết mình đến quên cả... tắm giặt. Có lần, người ta
đang “họp tổ dân phố”, cô đi đâu ngang đó, thấy vậy, cũng xông vào. Trưa hè nắng
gắt, lưng áo bà ba đen "truyền thống" của cô ướt sũng mồ hôi, không đợi
ai mời, cô cũng tự động phát biểu ý kiến, đề nghị hướng dẫn thảo luận để cùng
nhau tìm ra chân lý. Cô nói say sưa, hai vòng tròn đẫm ướt từ hai bên nách áo
cô, nhảy múa nhịp điệu, khi ẩn khi hiện theo hai cánh tay giơ lên giơ xuống của
cô. Cũng từ đó, mùi hương của người chiến sĩ cách mạng ngào ngạt bay ra, làm bà
con dân phố ai nấy đều phải nghiêng mình nín thở. Nói thật, bây giờ cô có cho hắn
tắm chung, hắn cũng không dám.
Một mình với một túi hành trang hắn lặng
lẽ trình diện người thắng trận. Thần tượng trong tim đổ vỡ, sự nhục nhã bại trận
giờ hắn mới thấm đòn. Hắn thật không ngờ, những người tự vỗ ngực xưng là cách mạng,
giải phóng, là lương tâm của thời đại, là trái tim của nhân loại đã vận dụng
sáng tạo, tài tình cho những tù binh bại trận như bọn hắn được học tập cải tạo
như thế này! Hắn và đồng đội phải làm việc vất vả, ăn không đủ no, nhưng ghê rợn
hơn hết là bọn hắn thường xuyên bị sỉ nhục, phải soi mói chỉ điểm anh em, phải
ca tụng kẻ thù, phải nguyền rủa chính mình v.v...
Hắn đã phải đóng kịch, giả dại nín thở
qua sông, ngu đần, câm điếc nên mới có ngày về.
Ba năm trời sau ngày được trả tự do, làm
đủ thứ nghề để kiếm sống, hắn lại ra đi. Mẹ hắn đã đem hết tất cả những gì gọi
là tài sản của mình, chất chứa suốt một đời cơ cực đưa cho người ta để hắn vượt
biển.
Hắn không thể gần mẹ nữa, cái lý lịch bản
thân lính ngụy, cải tạo đen xì như hắn không thể giúp ích được ai, ngay cả hắn,
ở lại chỉ làm khổ mẹ hắn thêm thôi...
***
Hôm nay, lại sắp thêm một tết Việt Nam
trên đất Mỹ. Hắn vẫn đi làm, ngày ngày, dũa dũa, khoan khoan, ngồi "rờ"
máy bay cho hết tám tiếng rồi về. Công việc nhàm chán mà hắn vẫn vui. Bởi vì,
không hiểu tại sao, đã lâu lắm rồi mà cái cảm giác lạc lõng, bơ vơ của những
ngày đầu đến Mỹ vẫn còn nguyên vẹn. Cái hồi hộp, lo sợ của thất nghiệp hãy còn
ám ảnh hắn. Cái nhục nhã, bất tài vì nghĩ lại hắn vẫn chưa có cái gì gọi là khả
năng chuyên môn ở xứ Mỹ này. Cái hoang mang, thiếu tự tin vẫn lởn vởn trong đầu
hắn, nhất là lúc thất nghiệp vừa gửi đơn, vừa đi xin việc làm khắp nơi đều bị
người ta từ chối. Cái thất vọng vì hoàn cảnh và tuổi tác đã không còn cho phép
hắn trở lại học đường để kiếm chút cái "Danh gì với núi sông" vẫn làm
hắn buồn hoài. Còn nữa, cái mảnh pháo 120 ly xuyên phá của Bắc quân, vẫn còn nằm
đâu đó trên vai hắn, hành hạ hắn những dịp Đông về, tàn Thu chớm lạnh. Bấy
nhiêu "cái" "cái" đó ... Hắn biết đổ đỡ lên đầu ai bây giờ?
Nhiều người cho hắn không thực tế vì hắn
chỉ thích nói chuyện, và không sao quên đuợc cái quá khứ máu lửa, tù tội của
mình ở Việt Nam, mà di luỵ của nó còn kéo dài đến ngày hôm nay. Hắn cứ day dứt,
nhắc hoài đến thân phận của một quốc gia nhược tiểu, bị người ta bỏ rơi, làm
con chốt thí trên bàn cờ thế giới. Hắn cứ nghĩ hoài đến Thiện-Ác, Chính-Tà,
Thành-Bại,Vinh-Nhục, Rủi-May hay cái số mệnh không thể nào biết trước được của
một con người.
Một lần nữa, xuân lại về với mọi người,
đất trời, cây cỏ. Lại một cát tết Việt Nam đến với người Việt tị nạn trên quê
hương mới. Một cái tết không có chiến tranh, máu lửa, chỉ có thái bình, an lạc,
nhưng sao hắn vẫn cảm thấy ngao ngán, chua chát lạ kỳ. Hắn không dám ra chỗ chợ
Việt Nam, vì không muốn nhìn thiên hạ, đua chen, vui chơi, sắm tết.
Hắn sợ đám đông, hội họp, bạn bè, hắn sợ
phải nghe nghững ganh tị, dèm pha, sau lưng người vắng mặt, hắn sợ phải nghe những
khoe khoang, chúc tụng lẫn nhau về tiền tài, danh vọng, nhà mới, xe mới, nhạc hội
chỗ này, du lịch chỗ kia.
Hắn sợ phải giao thiệp với mọi người,
nhưng hắn lại rất cần người tâm sự. Nhiều khi buồn và cô đơn quá, hắn cũng muốn
có đuợc một người yêu, hiểu hắn, thương hắn chân thành, để hắn có thể cưới làm
vợ, sống với nhau trọn vẹn cuộc đời còn lại. Đàn bà, con gái Việt Nam bây giờ ở
Mỹ cũng không phải thiếu, nhưng những cô gái đôi mươi, xuân thì tươi thắm thì gọi
hắn bằng chú, bác mất rồi. Bạn bè, trạc tuổi hắn thì ai nấy đều đã yên bề gia
thất từ lâu, con cháu một đống đùm đề. Chỉ có cái đám sồn sồn goá chồng hay ly
dị là còn có hy vọng, nhưng chỉ mới giao thiệp, chưa tán tỉnh, tìm hiểu gì nhiều,
thì đã bị người ta "hiểu" là bất bình thường, mát dây, tửng tửng mất
rồi, tiến gần, tiến xa, tiến luôn làm gì nữa. Còn về Việt Nam kiếm vợ như bao
nhiêu người khác thì hắn lại sợ.
Những lần về Việt Nam thăm mẹ, hắn đều
được giới thiệu cô này, cô kia. Kiếm một người hiểu và thương hắn thật lòng thì
không thể trong một vài tuần về thăm, điện thoại, thư từ thăm hỏi, tìm hiểu vì
đằng sau những lời yêu thương, nhớ nhung nồng cháy, chót lưỡi đầu môi, làm sao
hắn có thể đủ thời gian gần gũi để phát giác ra những toan tính lọc lừa. Hắn sợ
phải thua ở Việt Nam một lần nữa.
Hắn là một người Việt Nam tị nạn ở Mỹ, tự
lập, đi làm, đóng thuế cho nước Mỹ, nhưng không thích ứng hội nhập được với đời
sống Mỹ, hắn cũng không thể trở về Việt Nam làm ăn sinh sống, vì quá dị ứng với
quá khứ của mình ở Việt Nam.
Tối nay, ngồi một mình trong căn phòng vắng,
hắn nhớ đến mẹ, hắn nhớ đến ba, hắn nhớ đến những ngày xuân xa xưa của thời thơ
ấu, thật hạnh phúc, hồn nhiên trong vòng tay yêu thương của ba mẹ.
Hắn gọi điện thoại về thăm mẹ, không
gian xa cách, tiếng mẹ hiền nay tóc đã bạc trắng, già nua, lãng tai, nghễnh
ngãng vang lên, cứ thúc giục hắn: "Lấy vợ đi để mẹ yên lòng nhắm mắt".
Tết nhất, phải có cái gì làm vui lòng mẹ.
Hắn gào lên trong máy để mẹ nghe cho rõ: "Thưa mẹ, con báo cho mẹ một tin
mừng. Con... sắp... lấy vợ rồi.”
Hắn nuốt xuống, tiếng mẹ cười hiu hắt từ
bên kia trái đất. Sắp... có nghĩa là nhà trai và chú rể đã sẵn sàng rồi, chỉ
còn đào đâu cho ra được cô dâu nữa... là con có vợ... Mẹ ơi!!!"
PHẠM GIA NAM
Share Lại Người Lính Già TQLC
No comments:
Post a Comment