Monday, October 22, 2018

(Chuyện Được Viết Từ Nhật- Ký) Trong Nghiệt Ngã Của Đời, Người Vẫn Ngự Trong Tim! - Nguyễn-Đại-Thuật


Hôm nay thứ bảy, tháng tư ở Pháp, thời tiềt ấm lại. Tôi lấy xe lửa đi Bordeaux thăm người em họ và đồng thời tìm chút thư giản sau những công việc căng thẳng ở Paris.

Bước lên xe vừa lúc cửa tàu đóng lại...khởi hành. Ghế ngồi mang số của tôi đã được một bé trai ngồi sẵn.

Thằng bé thật bướng bĩnh, mặc dầu người đàn bà đồng hành với nó đã năn nĩ yêu cầu hoàn trả chỗ ngồi cho tôi, nó vẫn không chịu nghe lời. Thằng bé viện lý do nó sẽ nôn ra khi phải bị ngồi ghế ngược chiều hướng xe chạy. Người đàn bà có lẽ là mẹ cuả nó xin lỗi tôi, đề nghị tôi ngồi vào ghế mang số của nó. Tàu khởi hành vào giờ cao điểm ngày thứ bảy nên không còn ghế trống nào khác. Để tránh khó xử cho người đàn bà, tôi chấp nhận ngồi vào ghế cuả đứa bé.  Thằng bé nhìn tôi rồi cười thắng cuộc. Tôi có dịp quan sát kỹ nó, tóc vàng, mắt xanh, mũi hếch, đúng là thằng Tây con chính hiệu! Còn người đàn bà đồng hành với nó?Mẹ nó hay là một nữ nhân viên xã hội có nhiệm vụ tháp tùng trẻ con vị thành niên khi di chuyển một mình bằng phương tiện công cộng? Bà ta ước chừng không qúa bốn mươi tuổi, tóc đen, mắt đen, khuôn mặt được trang điểm thanh tú. Tôi tự hỏi bà là dân Á rập, Trung quốc, Lào, Thái lan hay Việt nam? Rồi cũng tự nói với mình: Ôi! người nước nào thì có liên quan gì đến minh!

Tàu bắt đầu tăng vận tốc, tôi mở sách ra đọc.

Thằng bé lại trở chứng, nó nói với tôi: Ông ơi, ông đổi lại ghế ngồi cho tôi được không?

Tôi nhìn vào mắt nó, vẻ mặt nó năn nỉ. Tôi bảo cho biết  lý do? Thằng bé không trả lời, đưa mắt lén nhìn người đàn ông da màu ngồi bên cạnh nó. Người đàn ông to qúa khổ, đầu tựa vào lưng ghế xe ngủ, mồm hả lớn tiếng ngáy ồ ồ!

Cảm nhận được sự không thích thú và dường như sợ hãi cuả thằng bé, tôi nháy mắt ra hiệu chấp thuận. Thằng bé đổi chỗ không quên lời cám ơn.

Sau khi thằng bé đổi chỗ, người đàn bà nói với nó:

- Pascal, mẹ sẽ tường thuật chuyện nầy cho ba con biết, con sẽ bị phạt trong tuần lễ Phục sinh nầy. Thằng bé  cúi đầu im lặng..

Bằng lời mắng yêu, người đàn bà tự xác nhận là mẹ cuả đứa bé.

Pascal hỏi mẹ:

- Còn bao lâu nữa con sẽ gặp được bà ngoại?

- Đến Lộ Đức con sẽ gặp đươc bà ngoại.

Rồi, Như vậy mẹ cuả Pascal là người Việt nam. Hai người trao đổi với nhau bằng tiếng  Pháp, nhưng hai tiếng “ bà ngoại” được phát bằng âm hưởng Việtnam.

-Pascal, em phát âm hai tiếng "bà ngoạỉ " như vậy em nói được tiếng Việt và em là người Việt nam?

Người mẹ trả lời thay cho con:

-Tôi là người Việt nam, ba cuả cháu là người Pháp gốc đảo Corse, cháu không nói được tiếng Việt.

Hai tiếng "bà ngoại" là do mẹ tôi dạy cho cháu, để hai bà cháu xưng hô với nhau, cháu còn biết nói hai tiếng "cám ơn"bằng tiếng Việt nữa!

Bắt đầu từ lúc nầy, mẹ Pascal nói chuyện với tôi bằng tiếng Việt.

Bà kể:

- Mẹ của tôi được vợ chồng tôi bảo lãnh qua Pháp gần một năm nay, chờ vài tháng nữa sẽ được giải phẫu hai mắt. Mắt bà bị mù do bếp lò bằng dầu nổ khi nấu ăn. Lửa làm phỏng cả mặt, ảnh hưởng đến hai mắt. Bà từ chối sống bên Pháp với chúng tôi, viện nhiều lý do. Bà chỉ đồng ý qua Pháp để được chữa trị hai mắt, có kết quả hay không bà cũng sẽ về lại Việt nam. Hiện nay mẹ tôi đang đi hành hương ở Lộ Đức, tôi và cháu Pascal xuống thăm bà và đón bà về lại Paris. Bác sĩ Jean Baptiste Renier, chuyên khoa nỗi tiếng về mắt tại bịnh viện Gonesse, đảm trách giải phẫu cho mẹ tôi, ông là chú cuả chồng tôi.

-Thưa bà, tôi rất hân hạnh được nghe nói chồng bà có họ hàng với bác sĩ Jean Baptiste Renier, ông là bác sĩ tài ba, được nhiều đồng nghiệp nể phục. Tôi cũng được hân hạnh đang làm việc trong phòng mổ của ông. Tôi là y tá phụ giúp cho bác sĩ trong tất cả mọi trường hợp làm phẫu thuật.

Tàu ngừng ở ga Bordeaux, tôi bắt tay chào Pascal. Thằng bé hôn hai má tôi. Không rõ có phải nó có cảm tình với tôi do hai lần thay đổi chỗ ngồi chăng?Tôi khẽ đập vào trán nó, như nhắc nó đừng quên:

-Pascal, hãy gọi tôi là Huỳnh Denis.

Người đàn bà bắt tay tôi:

- Pascal và Cécile Renier chào tonton Denis, chúc cuối tuần vui vẻ ở thành phố rượu nho.

-Chúc hành trình tốt đẹp đến Lộ Đức.

XXX

Người đàn bà ngôì đối diện tôi có khuôn mặt đầy những mãng sần sùi bởi những vết bỏng, phồng lên như cái bánh tráng nướng. Mí trên và mí dưới cuả hai mắt dính liền nhau không cử động. Tôi không hình dung được lúc chưa bị phỏng mặt bà xấu đẹp như thế nào. Tôi ái ngại cho bà, tai nạn oái ăm và qúa tàn nhẫn, sao không để đón chịu trên một phần nào cuả thân thể, ngoài khuôn mặt của một người!

Tôi hỏi bà vài chi tiết cần thiết ghi trên phiếu nhập viện rồi đưa vào phòng cách ly chờ giám định sức khoẻ lần sau cùng trước khi được giải phẫu.

- Bà Huỳnh thị Hương Trà, phòng hậu giải phẩu 210.

Người đồng nghiệp y tá báo cho tôi, tôi sẽ đưa bà về đây sau khi được giải phẫu.

- Sau hai lần được giải phẩu, kềt quả vượt quá sự mong đợi, bác sĩ J.B.Renier nói:

- Trước khi phẫu thuật, hy vọng chỉ giải quyết được mắt trái, mắt phải chỉ hy vọng được một nửa, nay mọi việc đều tốt đẹp, sự chịu đựng cuả bệnh nhân thật phi thường.

Đây là lời nói sau cùng cuả bác sĩ chưã trị trước khi chào bịnh nhân và đi ra khỏi phòng.

Cécile mời tôi đến nhà sáu tuần lễ sau khi ra viện của mẹ. Cécile nói qua máy điện thoại:

- Mẹ làm mâm cơm tạ trời đất, mắt của mẹ đã nhìn thấy trở lại. Ông Huỳnh đừng từ chối, mẹ tôi luôn nhắc đến sự chu đáo cuả ông dành cho bà khi còn nằm ở bịnh viện. Ngoài mâm cơm tạ ơn, mẹ sẽ trổ tài nấu nướng để đãi ông.

- Được cho ăn thì tôi không dại gì từ chối. Lâu qúa tự biên tự diễn, nay có người chuẩn bị sẵn mời...thì thật tuyệt vời!

Bữa ăn được tổ chức vào buổi tối, sau giờ tạ ơn. Ngoài chả giò tôm cua, gỏi đu đủ bò khô, phần ăn chính là món mì Quảng. Từ khi rời quê hương, đây là lần đầu tiên tôi thưởng thức lại món quốc hồn quốc túy địa phương. Sợi mì màu vàng ánh lên chen lẫn những con tôm màu đỏ gạch, vuông thịt ba chỉ lấm tấm ớt bột màu đỏ, chen lẫn với rau thơm là những lát vỏ chanh thật mỏng hình tăm, nhắc tôi lại thời còn đi học ở quê nhà, hai mẹ con người hàng xóm cho ăn mì Quảng cũng có những lát vỏ chanh trong bát mì!

Cécile nói:

-Ông biết không, mẹ tôi đã dùng bột nghệ nhuộm vàng những bánh phở để làm thành sợi mì vàng như thế nầy. Mẹ nói sợi mì màu vàng làm tô mì nhìn hấp dẫn, khi ăn sẽ đậm đà hơn. Vỏ chanh làm thơm bát mì, dễ tiêu, ăn không bị ngán với thịt ba chỉ.

- Cho tôi xin thêm bát mì thứ hai, tôi thoáng thấy người đàn bà mỉm cười. Cặp kính mát màu đen không cho tôi nhìn thấy ánh mắt của bà lúc đó, chắc đã long lanh thích thú khi người khách đã chịu món mì do mình nấu?

Tôi nói:

- Không phải lời khen tặng, tôi cảm ơn bà, bát mì đã đưa tôi về với tuổi thơ, những ngày còn đi học.

Đã xa lắm rồi, đã không còn dịp trở về, đã mất hết rồi, nay chỉ còn một dư vang. Ớt trong bát mì không đủ cay làm chảy nước mắt, nhưng mắt tôi lại cay.

XXX

Đêm nay không ngủ được, bát mì Quảng với những lát vỏ chanh mỏng hình tăm cứ ám ảnh trong đầu tôi. Tôi nhớ đến Lý, cô con gái bà hàng xóm tên Xuân, hai mẹ con có gánh mì Quảng, nhà kế cận nhà gia đình tôi. Lâu lắm rồi, cuộc chiến khốc liệt đã qua đi, ba mươi năm hơn rồi, bà Xuân chắc là không còn nữa? Thời đó chắc bà cũng trên năm mươi? Tôi cũng chẳng có cơ hội trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình! Đà nẵng cuả tôi dường như đã mất dần chỗ đứng trong hồn tôi! Chốn cũ xa xưa đã vào cõi tịch dương như lời thơ của bà Huyện Thanh Quan. Lý của tôi không biết trôi giạt nơi nào ở quê hương?

Trường Trung học Phan chu Trinh cuả thành phố đã nuôi dưỡng tôi thành người có kiến thức, là nơi tôi có tình bạn, là nơi tôi khám phá ra rằng mình đã có được một tình yêu đầu đời. Cũng chính nơi đây, tình bạn của tôi đã mất, tình yêu cuả tôi cất cánh bay xa. Tất cả đều bất ngờ, tất cả đều đột ngột, không còn để lại cho tôi một vết tích. 

Thời gian 45 năm trước đây, thỉnh thoảng tôi có ăn những bát mì Quảng có vỏ chanh hình tăm cuả gánh mì bà Xuân hàng xóm, đêm nay 45 năm sau, ăn một bát mì Quảng có vỏ chanh hình tăm, hương vị cuả mì còn đó, nhưng bà Xuân và con gái ở đâu bây giờ? Ngưởi đàn bà mù mắt vừa được đem lại ánh sáng sau thời kỳ phẫu thuật đã nấu những bát mì nầy chắc chắn không phải bà Xuân, nếu là bà, thì năm nay ít ra bà cũng trên dưới một trăm tuổi!

Bà Xuân có gánh mì Quảng bán rong trong thành phố và ở tại hai chợ: chợ Hàn và chợ Cồn. Tôi thấy bà không có vẻ gì vất vả trong công việc buôn bán cuả bà, bà lúc nào cũng vui vẻ, ngày nào bà bán cũng hết hàng, có lẽ đó là niềm vui cuả bà? Tôi biết được điều đó, thường những chiều không có giờ học ở trường, thấy bà Xuân mang gánh trở về ngang qua cửa nhà tôi, tôi thường gọi mua mì cuả bà thì chỉ nghe bà trả lời:

- Bữa ni tôi bán hết mì rồi cậu ơi, thôi mai đi hỉ!

Tôi lại mất công đạp xe đi mua bánh mì thịt ở Ngã năm. Cái tuổi 17, 18, ăn xong lúc nào cũng thấy đói!

Tôi chưa lần nào thấy mặt chồng bà Xuân, chẳng bao giờ hỏi, chẳng bao giờ thắc mắc. Bà và con gái làm hàng xóm với gia đình tôi từ sau kỳ nghỉ hè chuẩn bị năm học lớp đệ nhất cuả tôi.

Buổi trưa, đang thiu thiu ngủ trong chiếc võng sau nhà, tôi nghe có tiếng gõ cưả, cưả mở: một người đàn bà, theo sau là một cô gái. Bà chào tôi, nói liền: chào cậu, tui và con gái vưà dọn nhà đến ở gần đây. Bà chỉ tay về phiá ngôi nhà kế cận nhà tôi. Cậu cho tôi mượn cái búa, đóng mấy cái đinh để treo áo quần. Xong, con gái tôi sẽ đem trả lại cho cậu.

Buổi tối ngồi nghe tin tức từ máy phát thanh với ba tôi nơi phòng khách, mẹ tôi vào nói nhỏ nơi tai tôi:

- Con gái bà hàng xóm đem trả lại cái búa rồi, hai mẹ con họ từ quê ra, tội nghiệp, bỏ nhà cưả ruộng vườn chạy tránh chiến tranh...

Bản tin tôi đang nghe có đoạn nói: “một xe đò chở khách đã bị trúng mìn, gây thương tích cho mười người, ba người chết trong đó có một trẻ em hai tuổi....một trạm cảnh sát đã bị tấn công....nhiều dân làng bị dẫn đi mầt tích!”

Mấy hôm sau, đang lúc giờ cơm tối, mẹ nói với ba:

- Không biết ai đã cho bà hàng xóm mới dọn tới biết ông làm giáo sư ở trường Phan chu Trinh. Sáng nay gặp bà ta ngoài cưả, bà chào, nhờ tôi nói với ông giúp cho con gái của bà được vào học ở đó.

Không nghe ba trả lời, mẹ nói như năn nỉ:

- Ông xem, nếu giúp được thì giúp, họ chỉ có hai mẹ con, họ chạy giặc mà ông! Đừng để họ mong.

Ba nói:

- Bà để tôi xem lại, khoan nói gì hết với bà ta.

Buổi cơm tối hôm sau, mẹ nói với ba:

- Hai bữa nay bà hàng xóm thường qua lại trước nhà, mặt mày tỏ ra lo lắng lắm, bà ấy chào tôi vẻ bôí rối, dường như muốn nhắc việc xin nhập học cho con gái mà không dám nói.

Một chút bất nhẫn trong lòng, tôi buộc miệng than:

- Mấy năm nay, ai ở đâu nhờ ba đều giúp hết, nay người ta hàng xóm với mình, ba không giúp thì thì tội nghiệp người ta mà ba!

Mẹ lại nói:

- Ông vưà làm Tổng giám thị, vừa là giáo sư cuả trường, ông nói với thầy Hiệu trưởng một tiếng chắc không khó lắm.

Ba trả lời mẹ:

- Bà không biết, thủ tục phải nộp đơn xin nhập học để được cứu xét bắt đầu từ kỳ nghỉ hè trong năm, nay chỉ còn vài hôm nữa nhập học, trễ quá. Thời buổi chiến tranh đang leo thang, học trò các quận huyện ven thành phố không còn trường để học nên phải vào thành phố. Hôm rồi nghe bà nói, hôm sau vào trường xem lại, số lượng học sinh trong phòng lớp, tất cả đều qúa số lượng học sinh được cho phép. Mà bà có biết con gái bà ta xin vào học lớp mấy không?

-Lớp đệ tứ, mẹ nói.

Lúc uống trà sau bữa cơm tối, tôi đứng lau khô chén bát giúp mẹ. Tôi năn nỉ mẹ:

-Mẹ nói ba tìm cách giúp người ta, con thấy dạo nầy ba có vẻ như khó khăn. Mẹ thúc cùi chỏ vào tôi:

-Con năn nỉ ba để lấy điểm với người ta, gớm! Mẹ thấy con nhỏ chừng bấy nhiêu tuổi mà xinh lắm đấy. Con cuả mẹ chịu đèn rồi phải không? Đúng tim đen rồi! Đi năn nỉ đi!

Mặt nóng bừng lên, tôi bóp vai mẹ:

- Mẹ nói bậy rồi, con còn con nít mà mẹ!

Mẹ nheo mắt nhìn tôi, biũ môi:

- Chà, năm tới làm ông tú hai mà còn con nít.!

Tôi chợt nghĩ đến cô gái hàng xóm..ờ.., cũng xinh chẳng kém mấy đưá con gái trong trường. Mẹ nói đúng...Một chút xấu hổ tản mạn đâu đó trong toàn thân.

XXX

Ba bảo mẹ:

- Bà pha thêm trà, chuẩn bị thêm tách, bảo thằng Huỳnh sang mời bà hàng xóm cùng con gái qua gặp tôi.

Không rõ mẹ có nhắc tôi lời ba vưà nói? Khi tôi đưa bà hàng xóm cùng con gái vào nhà gặp ba, tôi vẫn chưa nghe mẹ nhắc tới lời cuả ba.

Tôi không biết mọi người đã nói những gì với nhau...Vừa lúc tôi mở cửa phòng ra ngoài, ba nói:

- Thằng Huỳnh, thứ hai nầy nhập học, con đến trường sớm một chút, chở dùm con bà nầy đến trường, đưa em vào phòng giám thị gặp ba. Ba nói với tôi nhưng mắt hướng về bà hàng xóm và đứa con gái.

Tôi trả lời ngay, không suy nghĩ, nói chống chế, không hiểu tại sao tôi phải nói như vậy? Nói không đúng sự thật, khi không có gì bắt buộc tôi phải nói như thế. Xấu hổ vì phải chở đứa con gái đầu tiên trong đời đến trường học, sẽ bị bạn cùng trường châm chọc bằng nhiều câu hỏi, sẽ không biết làm sao trả lời?

- Cái porte bagage xe đạp cuả con bị hư rồi ba, làm sao chở được?

Mẹ nhìn tôi nheo mắt. Tôi nhớ sáng nay đã chở mẹ đi thăm bạn của mẹ bằng xe đạp của tôi, cái nheo mắt cuả mẹ, mẹ đã hiểu tôi nói láo. Mẹ nói nhỏ nhẹ:

- Còn hai hôm nữa mới nhập học, con có thời giờ để sửa xe, nếu sửa không được, con đem qua tiệm sưả xe trước nhà mình....

Tôi thầm càm ơn mẹ, nếu mẹ nói: “sáng nay con còn chở mẹ đi thăm bạn làm sao xe con hư được?” Chắc tôi sẽ xấu hổ vô cùng! Thật qúa đúng, chẳng ai hiểu con bằng mẹ.

Lời mẹ như một sự đồng loã. Bà hàng xóm tiếp theo lời mẹ:

- Cậu gắng giúp giùm con gái tôi, em nó chưa biết rành đường sá và trường học ở đâu.

Giờ ngủ, mẹ mở hé cửa phòng trêu tôi:

- Có gì đâu mà mắc cỡ, xem mọi chuyện đều bình thường. Cám ơn ba đi con, ba con đã bắt cái cầu cho con rồi đó.

Trời đất! sao bình thường được? Mẹ đâu biết, bọn qủy cùng lớp sẽ đổn ầm lên thằng Huỳnh con cuả mẹ có bồ. Dầu có giải thích trung thực bao nhiêu bọn chúng cũng chẳng bao giờ tin. Trường hợp anh Bi, lớp đệ nhất A.1 cuả năm học vừa rồi, chở dùm cô bạn cuả em gái, lúc tan trường, guốc cô bị đứt quai, em gái anh năn nỉ anh chở dùm bạn về nhà, chỉ có một lần duy nhất như vậy mà lũ qủy sứ đồn ầm lên hai người bồ bịch nhau. Bạn gái của người em xấu hổ không dám đến trường; Anh Bi đã phải " thanh minh Thanh Nga " hết lời với bạn gái anh thương, tưởng là mất nhau.

XXX

Đêm hơi khó ngủ không rõ tại sao? Buổi sáng dậy sớm hơn mọi ngày. Mẹ vẫn còn ngủ. Đèn đường còn thắp sáng. Bước ra sân nhìn chiếc xe đạp được lau chùi kỹ ngày hôm trước. Ngồi nhún thử porte bagage, nếu chở hai thằng bạn cùng lúc chắc gì đã gãy!

Mẹ dục ăn điểm tâm. Mẹ nhắc đừng quên đưa cô bé đến trường. Lòng thích thú, không dùng hết bữa điểm tâm. Mẹ bảo phải ăn cho hết phần điểm tâm. Làm như không nghe lời mẹ. Vào phòng thay áo quần. Soi gương, vuốt nhẹ mấy sợi tóc xỏa trước trán. Thấy mặt có vẻ hơi khác trước; Nhìn vào gương một lần nữa, mấy hạt mụn dưới cằm hình như lớn ra. Chiều tối sẽ nhắc mẹ mua kem trị mụn.

Dắt xe ra đến cổng, mẹ nhắc:

- Chở người ta cẩn thận.

Chưa kịp trả lời mẹ, ba trong phòng nói vọng ra:

- Cậu tú 2 nay mai rồi, bà khỏi nhắc, đương nhiên là phải cẩn thận.

Cám ơn ba.

Đứa con gái đã có mặt trước nhà, áo quần dài trắng, cặp vở màu nâu ôm trước ngực, gục đầu chào, miệng lí nhí nói gì không nghe rõ.

Nói trổng:

- Ngồi lên, nhớ nắm kỹ hai vạt áo dài để khỏi bị cuốn vào tăm xe.

Đạp xe được nửa đường, mấy lần ngoái cổ lại nhìn .. không biết tay vịn vào đâu? Có bảo đảm không? Nói thầm: Đừng té, đừng té. Lần đầu tiên chở mẹ, mẹ vịn tay vào yên xe? Một lúc mẹ nói: mẹ sợ té. Mẹ quàng tay ôm eo lưng....

Mấy thằng qủy bạn đạp xe vượt qua mặt quay đầu lại nhìn, đứa huýt sáo, đứa nói: lạ qúa chưa từng thấy lần nào.

Đứa bảo: hãy ôm eo nó không thì bị té...

Rủa thầm, thích thú: Mấy thằng trời đánh!

Khóa xe ngoài bãi đậu, nói trổng:

-Theo tôi vào phòng giám thị...

Đi dọc theo hành lang...tiếng huýt gío, tiếng gọi tên: Huỳnh..Huỳnh..Huỳnh! Dững dưng như không có chuyện gì.

Nói trổng:

- trước khi có lớp, chờ ở đây, ba tôi sẽ đến...

Người ta nhìn tôi bối rối, lí nhí cám ơn. Đôi mắt to, đen chớp chớp liên hồi, ẩn chứa một lo lắng nào đó...Nhớ lại lời ba nói với mẹ hôm trước, trường vừa báo cho biết có ba học sinh lớp đệ tứ, hai học sinh lớp đệ lục làm đơn xin di chuyển theo gia đình, hy vọng có chỗ trống cho con bà Xuân hàng xóm...

Nói trổng, quả quyết:

- Đừng lo không có lớp để học. Tan trường, chờ trước cổng để chở về cho quen đường.

Vào lớp, lũ qủy lại lao nhao:

ê..ê..tìm em đâu ra vậy? Giữ kỹ qúa nay mới mở lồng?..

- Em gái họ mới theo gia đình đổi đến...

Tại sao nói dối...? chẳng biết!...Đang giờ học tiếng Pháp, thầy gọi tên bảo lặp lại nghĩa danh từ ‘La confession’, đâu có chú ý lời giảng đâu mà lặp lại. Có tiếng nhắc đến từ nhiều phía, không nghe rõ.. có nghe rõ cũng không dám lặp lại, lũ qủy đang có dịp nhắc bậy, dịp làm trò cười...im lặng...chịu thua.

Vào học non hai tháng, buổi chiều từ trường về, mẹ đang ở bếp, mẹ bảo:

- Con ông ba Lía sẽ ra ở nhà mình để đi học. Con liệu thu xếp lại phòng cuả con, kê thêm cái giường vải bố cho thằng Hương ngủ. Con còn nhớ thằng Hương không?

- Dạ, con còn nhớ, làm sao quên được. Lâu quá, hai đứa con không có gặp nhau.

Những năm trước đây, mùa nghỉ hè, để tránh cái nóng oi bức cuả Đà nẵng, ba mẹ thường cho tôi về quê ở với gia đình ông bà nội, tôi có dịp chơi đuà với Hương. Ông ba Lía có họ hàng xa bên bà nội, hai gia đình ở cùng xóm. Mùa hè hai đứa thường gặp nhau. Hương và tôi bằng tuổi nhau, nhưng vai vế trong tộc như thế nào đó, tôi gọi Hương bằng anh. Hương hay đưa tôi đi tắm sông. Hương dạy tôi bơi. Hương cho tôi ăn dái mít với muối cay phồng môi, chát không hể nào nuốt được.

Hương còn đưa tôi ra ruộng tập tôi cỡi mấy con bò cuả các gia đình trong xóm. Những ngày có mưa rào buổi trưa, hai đứa tắm mưa xong vào bếp đốt lửa nướng khoai lang, tránh lạnh, mùi thơm khoai nướng dường như còn lãng vãng đâu đây làm nước miếng ứa ra...Hương hay dành củ khoai nướng lớn nhất cho tôi, Hương nói: ăn cho mập, mi ốm qúa, ăn khoai lang mau mập lắm..mi ăn đi, tối còn lội qua bên kia sông bẻ bắp trộm cuà ông chủ tịch xã...

Năm tôi thi vào học lớp đệ thất trường Trung học Phan chu Trinh Đà nẵng thì cùng năm đó Hương thi đỗ vào lớp đệ thất trường trung học Trần qúy Cáp Hội An. Lên trung học, hai đứa không còn gặp nhau vào những tháng nghỉ hè như trước đây, chỉ thỉnh thoảng gặp nhau vào những  ngày tết hay giỗ chạp trong tộc. Ba không còn cho nghỉ hè nhiều, ba bảo phải tìm thầy học thêm những môn học còn yếu để không thua bạn bè.

Ba nói với mẹ lúc đang ăn cơm tối: Anh Lía gởi thằng Hương ở đây ăn học, anh ấy gởi tiền cơm tháng, tôi đã từ chối. Chỗ bà con với nhau, tôi nói với anh ấy, đừng nghĩ đến chuỵện đó. Trước đây năm nào thằng Huỳnh nhà tôi cũng về trong quê nghỉ hè, nói là về với ông bà nội, nhưng thật ra cả mấy tháng hè nó ở nhà anh, anh lo cho nó, tôi chưa có dịp nói lời cám ơn. Nay anh cứ để cháu ở đây cho thằng Huỳnh có bạn. Ba thở dài, vẻ suy tư, ba nói:

- Thằng Hương vừa đậu tù tài 1 xong, nó nộp đơn thi vào trường Cao Đẳng Sư Phạm Huế nhưng không có kết quả. Ở Hội An không có lớp Đệ nhất nên phải ra Đà nẵng học để tiếp tục thi Tú tài 2. Hỏng thi vào sư phạm nó chán, không muốn đi học tiếp. Nó nộp đơn nhiều nơi xin việc làm, chưa có nơi nào trả lời.

Nó ở lại trong quê chờ việc, có ý định giúp anh Lía một tay làm ruộng nhưng anh ấy lo. Trong quê lúc nầy bất an, đêm du kích xuất hiện thu thuế, xách động dân biểu tình chống chính quyền xã ấp. Dân không đóng thuế nông hội, không chịu đi biểu tình đả đảo chính quyền xã ấp thì bị du kích dẫn đi mất tích; Ban ngày thì lính Việt Nam Cọng Hòa trên đồn xuống, thanh niên từ 18 tuổi trở lên không đi học, không làm việc sẽ bị bắt vào lính. Anh Liá quyết định cho thằng Hương ra đây học, vợ chồng mình ráng giúp vợ chồng anh ấy trong giai đoạn khó khăn nầy. Thằng Huỳnh nhà mình lại có bạn.

Ba than, bà con mình trong quê lần lượt bỏ ra thành phố hết. Đất, vườn bỏ hoang, chẳng còn ai canh tác. May mắn vợ chồng mình đã dọn ra đây những năm trước, nếu không, bây giờ tìm nhà thuê không phải dễ.

Hương học ban B toán, tuy vào học trễ non hai tháng nhưng chịu khó, thông minh sẵn có, mượn bài vỡ bạn cùng lớp, được ba hướng dẫn thêm những bài chưa được nghe ở lớp, Hương theo kịp chương trình mà còn chứng tỏ vượt hơn các bạn. Hương cao lớn, khỏe mạnh hơn tôi nhiều, một thanh niên toàn dịện tuổi đang có. Mẹ thường nói:

- Mày trói gà không chặt nên mẹ ít muốn nhờ giúp mẹ việc gì.

Nhờ những tình cảm đã có từ ấu thơ, hai đứa tôi dễ dàng thân thiết lại với nhau, cảm nhận như chưa hề xa nhau. Chiếc giường vải bố dành cho Hương cũng được đem vào kho. Phòng học và ngủ được rộng rãi trở lại. Đêm đầu tiên hai đứa nằm cùng giường, Hương nhắc đến một kỹ niệm khó quên. Muà hè năm nào đó, cả hai chẳng nhớ chính xác năm nào, một cơn mưa lớn bỗng nhiên đổ xuống, sấm sét vang trời, bầu trời phủ đầy mây đen, hai đứa nhìn thấy nhau nhờ những tia chớp. Nước lênh láng ngoài sân, mấp mé nền nhà, ếch nhái bắt đầu lên tiếng. Hai đứa không biết làm gì, buồn quá,nằm ngủ. Một vật gì ươn ướt, lành lạnh cọ quậy trong ống quần làm tôi tỉnh dậy. Mặt trời  đã chiếu sáng trở lại, mưa đã tạnh. Cái cảm giác là lạ khiến tôi bật dậy, bỏ hai chân xuống đất. Trời ơi, một con rắn từ trong ống quần tôi phóng ra ngoài, mất dạng. Sợ hãi, tôi nhảy trở lại giường, cùng lúc Hương ngồi dậy, tôi ôm chặt Hương. Tôi khóc thật to, tôi gọi mẹ liên hồi, quần tôi ướt đẫm nước tiểu. Hương hoảng hốt nhìn tôi, mắt mở to dò hỏi. Tôi thét: Con rắn, con rắn...tay đập đập vaò trước quần.. nó chạy ra rồi! Hai đứa ôm nhau thật lâu rồi Hương lấy quần cuả Hương đưa tôi thay. Hương cho tôi một miếng đường đen, tôi cảm nhận như một an ủi, dỗ dành...tôi vừa ăn đường vừa ấm ức. Buổi tối nghe được câu chuỵện, chú Lía đưa tay xoa đầu tôi, vưà đùa vừa an ủi:

- Trời mưa lớn, nước làm đầy hang, rắn phải tìm nơi cao ráo để trốn, chắc gặp rắn hiền, nếu không, nguy hiểm vô cùng. Chú kéo tôi vào lòng, đưa tay xoa xoa bụng dưới cuả tôi, bỗng nhiên chú cười lớn tiếng:

- May cho cha mi, gặp rắn độc, nó cắn vào "chim" cuả mi thì thằng cha mi mất thưà tự.

XXX

Tình cảm của tôi cho Lý lớn dần một cách nhẹ nhàng. Một ngày không gặp được Lý, lòng cảm thấy thiếu vắng hay mất mác một cái gì đó. Không rõ Lý có cảm nhận được điều nầy?Tôi vẫn nhìn thấy trong mắt Lý những thoáng bối rối khi hai đứa gặp nhau.

Tôi thổ lộ tình cảm cuả tôi đối với Lý cho Hương biết. Hương trâm ngâm đôi chút mới nói:

- Lý đang học đệ tứ, còn nhỏ qúa, mi thì còn cả một tương lai trước mắt, nhất là không thể đánh mất cái bằng tú tài 2...phải vào đại học, còn không thì khăn gói vào trường Bộ Binh Thủ Đức.

Mi hãy tự lựa chọn cho mi, tương lai của mi thì mi chọn lấy, không ai chọn cho mi đươc đâu!

Tôi nghĩ, Hương nói đúng, rất thành thật. Hương cũng thường nói:

- Sớm vướng vào tình cảm chỉ làm khổ mình thôi.

Tôi đùa với Hương:

- Mi nói giống bà Tùng Long trong mục ‘gỡ rối tơ lòng’ cuả tuần báo ‘Phụ nữ Diễn dàn’ Hai đứa cùng cười.

Hương thường tâm sự:

- Sau khi bị hỏng thi Cao Đẳng Sư Phạm Huế, tau quyết ở nhà giúp ông già làm ruộng, làm vườn, bị ông chửi..mày biết nhà tau không khá giả gì, cưộc sống chỉ trông vào thu hoạch từ ruộng đất mang lại. Ông buộc tau phài tiếp tục học, không muốn tau ở lại quê. Người dân hiện nay ở vủng xôi đậu như quê mình rất bất ổn. Ngày thì sợ chính quyền Quốc gia hành quân lục soát tìm Việt Cọng, lạc đạn. Đêm thì mấy ông Mặt trận trong rừng, trong núi ra, bắt dân chúng tập trung học chính trị, xuí dân biểu tình chống chính quyền Quốc gia, lính trên đồn bắn xuông, dân chết. Ai phản đối, bị các ông trên núi bắn tại chỗ hoặc bị dẫn đi biệt tích. Thanh thiếu niên 14,15 tuồi trở lên, cơm chiều xong, ôm mùng mền ra ngủ nhờ nhà bà con chung quanh quận. Tau có nhiều cái lo sợ, lo mấy đứa em còn nhỏ ở lại trong quê, không biết tương lai sẽ ra sao khi chiến tranh ác liệt vào làng. Ông bà già tau không biết có đủ sức làm ruộng nuôi chúng nó không..nuôi cả tau nữa. Tau tự thấy có phần trách nhiệm với lũ em...Sợ, vì bom đạn không chừa một ai.

XXX

Mì Quảng của bà Xuân được dân chúng khu chợ Hàn và chợ Cồn ủng hộ trở nên nôỉ tiếng. Bà Xuân nhờ Hương dạy kèm Toán Lý Hoá cho Lý vào buổi tối. Cuối tuần hay ngày lễ, Hương phụ bà Xuân bán mì ở hai chợ. Lý cũng giúp mẹ nhưng việc học còn yếu, được mẹ cho ở nhà ôn bài vở. Nhờ hai công việc nầy Hương có tiền mua sách vỡ, tiền tiêu vặt. Cuối tuần hai đứa lại đươc bà Xuân đãi mì tại nhà.

Cuối năm học, tôi và Hương qua được tú tài 2. Hương trúng tuyển vào Dại học Sư Phạm toán ở Huế hệ ba năm. Được trợ cấp học bổng, Hương yên tâm trong việc học. Lý trúng tuyển Trung học Đệ nhất cấp và trường Sư Phạm tiểu học Huế hệ một năm. Tôi được vào trường kỹ sư địện Phú thọ Saìgòn.

Ngày rời Đà nẵng, mọi người thân quen đều lên phi trường để tiễn đưa tôi. Lần đầu tiên ba ôm tôi siết chặt vào lòng, tôi cảm thấy đường như tất cả tình yêu thương của ba cuồn cuộn truyền qua tim tôi. Ba nói lời thật ngắn:

- Ráng học, đừng đánh mất cơ hội tốt cho tương lai.

Nhưng giọng nói của ba khác mọi ngày, một chuyên chở niềm xúc động như cố ngăn lại không cho trào ra khỏi cổ. Mẹ chỉ đứng nhìn tôi, khuôn mặt buồn tôi chưa một lần nhìn thấy, hai mắt mẹ mọng nước mắt. Rồi mẹ cầm tay tôi, hai vai mẹ run run, mẹ nói:

- Con nghe lời ba con vưà nói, mọi công việc nhà có ba và mẹ lo hết, con đừng bận tâm. Học là ưu tiên.

Lý đứng sau lưng mẹ tôi, hai tay vân vê vạt áo, mắt đỏ hoe. Tối hôm trước qua từ giả hai mẹ con Lý, lần đầu tiên hai đứa nắm tay nhau, Lý khóc....Từ cái ngày đầu tiên chở Lý đến trường buổi sáng khai giảng cho đến giờ phút đó, hai đưá gặp nhau chỉ cười, chỉ nói bâng quơ, giữ nhau từng lời nói, cử chỉ. Lòng thật vui khi được nhìn, được nghe, được nói với Lý, một chút hạnh phúc đâu đó đong đầy cho đến những ngày hôm sau, len lõi trước những dòng chữ cuả bài vở đang học, cho đến chìm sâu trong giấc ngủ. Chưa một lần nói tiếng yêu thương, một cái gì đó vẫn vương vấn trong lòng. Giờ đây nắm hai bàn tay Lý thật sung sướng và cũng thật đau đớn...phải chờ đến bao lâu nưã để có lại như lúc nầy. Hai đưá không nói với nhau một lời nào, nhưng trong cái nắm cuả đôi bàn tay, tự nó đã truyền cho nhau điều muốn nói.

Những lời chào đưa tiễn của bạn bè, những nụ cười thật sự trong niềm vui và trong nỗi buồn.

Hương, người sau cùng trong buổi tiễn đưa. Hai đưá để tay trên vai nhau, mặt Hương thật rạng rỡ, hai mắt reo cười nhưng thoáng một u ẩn, mất mác, lạc lõng. Hai đưá siết chặt vai nhau, Hương nói vào tai tôi:

- Mày là thằng hạnh phúc, Lý yêu mày, mày có biết không?Tình cờ trong một buổi kèm toán cho Lý tau nhìn thấy trong sách toán có kẹp một trang giấy học trò được viết đầy tên cuả mày...

Tôi nhìn lại lần cuối những người tiễn đưa, mọi người đều vẫy tay chào, chỉ có Lý lặng im như một bức tượng.

Chiếc máy bay DC.6 cuả hãng Hàng không Dân dụng Việt Nam rời phi đạo, đang chở tôi vào nơi tìm kiếm tương lai, thì nơi chiếc máy bay nầy vưà cất cánh, Đà nẵng yêu dấu cuả tôi, nơi tôi đã sống, đã lớn lên, người thân yêu của tôi, bạn bè tôi, kỹ niệm cuả tôi đã giữ hồn tôi lại, đã giữ trái tim chan chưá vui buồn nồng thắm...và trái tim của tôi đang trôi theo trong thân con tàu nầy đã vỡ tan ngàn mảnh.

Thỉnh thoảng tôi vẫn nhận được thư của Hương, thư viết: “thường cuối tuần, tau có ghé cư xá nữ giáo viên sư phạm, Lý vẫn nhắc đến mày, lo cho cuộc sống xa gia đình cuả mày. Lý nói: “thường con trai một trong gia đình khi sống xa cha mẹ thường hay bị hụt hẫng, giao động”. Hay hỏi mỗi khi gặp tau: “lâu nay anh có tin tức gì của anh Huỳnh không?”, hoặc yêu cầu, “khi nào anh viết thư cho anh Huỳnh, cho em gởi lời hỏi thăm.” Tau nói như thúc dục: “sao Lý không viết cho Huỳnh, cứ gởi lời hỏi thăm Huỳnh qua thư tôi nặng lắm, thư dễ bị lạc, Lý nói: “chừng nào em thật rảnh sẽ viết cho anh ấy, anh biết em học dở nên cần có thời gian"gạo" bài để theo kịp mấy đưá trong lớp, nếu  không, cuối khóa bị hỏng, phải về lại Đà nẵng bán mì với bà già.”

Hương lại viết: “hôm tau đem thư mày gởi Lý, Lý ép chặt thư trong hai tay, mặt vô cùng rạng rỡ. Tuần lễ sau gặp lại Lý, nét vui trên mặt trong ngày nhận thư vẫn còn nguyên không thay đổi.

Hương dục tôi viết cho Lý, Hương nói: “mầy không viết mầy sẽ mất, lúc đó sẽ hối hận ...và tôi  đã viết. Viết những lời thăm hỏi vu vơ, về sức khỏe, sự học của Lý, giống những bài tập luận văn viết cho bạn bè những năm mới vào trung học. Rồi sự níu kéo, sự chừng mực, sự che đậy cuả thổn thức trong trái tim non không còn phong kín được nữa...nó đã tuông ra lai láng:...”Lý biết không, hình ảnh Lý đã in vào trong thịt, trong máu, trong xương của Huỳnh từ ngày đầu chở Lý đến trường.. Bây giờ tự hỏi, sao những ngày còn gần nhau không tỏ những tình cảm đó ra? Sự rụt rè đã thống trị sự say mê? Đã khống chế sự thật cuả trái tim yêu non dại? Bao nhiêu cơ hội nắm tay Lý để truyền đi tiếng nói cuả lòng nhưng tại sao không làm được?”

Lá thư đầu tiên Lý hồi âm: “thời gian trước đây không có thư của anh, qua anh Hương em biết được nhiều tin tức,học hành, sức khoẻ, đời sống của anh, cũng qua anh Hương, Lý đã chuyển lời thăm hỏi đến anh và chắc anh cũng đã được biết ít nhiều cuộc sống cuả Lý ngòai nầy. Qua thư nầy, Lý trân trọng tình cảm yêu qúy anh dành cho Lý. Hiện tại Lý xem anh và anh Hương như hai người anh trong gia đình của Lý. Riêng tình cảm đặc biệt của anh, anh hãy giữ cũng như em sẽ giữ cho thời gian sau nầy. Hiện tại, trước mắt, em chỉ là đứa con gái mới lớn, chưa có hành trang cho cuộc sống, đang cần tạo lập một tương lai ổn định. Anh còn trẻ, phải chờ sau vài năm nữa có chỗ đứng trong xã hội. Trước mắt anh, anh còn thời gian khá dài để bước đến đích. Tương lai của anh cũng như của Lý sẽ cho phép quyết định tình cảm đang có...và Lý lúc nào cũng vẫn là người của anh thương yêu”.

XXX

Năm 1966, giưã mùa hè, ra trường với mảnh bằng sư phạm giáo viên tiểu học, Lý được bổ nhiệm dạy trường tiểu học Đông giang, quận ba thành phố Đà nẵng; Lý viết cho tôi: “em được trở về sống gần mẹ em, mẹ vẫn tiếp tục nghề cũ, có thuê thêm một người giúp việc. Em đi dạy đã được hai tuần, hàng ngày qua phà sông Hàn, vẫn nhìn thấy căn nhà thuê của gia đình em dứng im lìm bên cạnh nhà anh. Cây phuợng vĩ sau nhà, cao thêm một chút, hoa đã tàn, lá xanh bắt đầu trổ, che khuất tầm nhìn căn gác cuả anh. Nhớ ngày đầu mới đến thành phố, phượng bắt đầu tàn, nhưng tiếng ve sầu vẫn rền rĩ như thương tiếc muà hè đã đi qua làm em nhớ về quê em không tả được. Mỗi khi mẹ bảo quét sân, em cứ chần chờ để mẹ phải nhắc nhiều lần, rất miễn cưỡng,em thích nhìn những hoa phượng loang lổ trên sân, gợi nhớ sân trường học quê em, rất nhiều phượng, muà hè đỏ rực, che phủ mái trường, phượng rơi phủ đầy sân, lũ học trò chúng em dẫm lên hoa, vô tư, nô đùa thích thú, át cả tiếng ve kêu. Chiến cuộc, trường em bị đóng cửa, bạn bè theo gia đình, ly tán khắp nơi; có đứa ở lại quê vì gia đình không biết đi đâu. Em chẳng có tin tức bạn cũ nào! Anh còn nhớ, cuối muà hè năm ngoái, anh, Hương, em và mẹ em cùng ăn mì Quảng giữa sân nhà em? Một cánh hoa phượng rơi vào bát mì cuả anh, anh nhặt cánh hoa để một bên góc bàn, tự nhiên lúc đó cả bốn chúng ta đều nhìn nhau, im lặng, một báo hiệu nào chăng? Sau nầy, lúc ở Huế, Hương kể lại cho em, hôm đó anh đem hoa phượng về nhà ép dưới tấm kính lót tay trên bàn học cuả anh, anh Hương còn nói thêm: anh viết trên mẫu giấy nhỏ: ‘mùa hè đã qua, tuổi thơ đã hết?’. Mẫu giấy được lồng cạnh cánh phượng. Bây giờ em đã là cô giáo, em còn nhiều thời gian hoà mình với phuợng trong các sân trường, được nghe ve sầu thả hồn trong lời ca, nhưng chắc chắn em không còn cảm giác được nhìn hoa phượng, được nghe tiếng ve sầu của thuở còn tung tăng cùng sách vỡ, thay vào bằng tiếc nhớ, bâng khuâng, thiếu vắng cái gì không tên, không hình ảnh, có phải là tuổi thơ chăng?”

Chẳng hiểu tại sao hôm đó tôi nhặt cánh phượng rơi trong bát mì đem về nhà ép dưới kiếng để bàn và viết những hàng chữ như vậy thay vì vứt cánh phượng xuống đất một cách thường tình như mọi người? Ôi, một cơn gíó mong manh người ta không cảm nhận được đã làm rơi một cánh hoa, một con sóng lăng tăng làm bồng bềnh một con tàu, một hơi thở làm sóng sánh tách nước trà, chẳng khác những lực sống vô hình đưa đẩy con người trôi cuốn theo dòng định mệnh. Những định hướng trong một tương lai còn mơ hồ chưa nắm bắt được, bị thúc đẩy bằng một lực vô hình, đưa con người cuốn đi từ một ly tán. Trong mơ hồ, tôi đã hình thành sự không còn nữa; những đêm trước giờ ngủ, mẹ mở nhẹ cửa vào phòng, đứng sau lưng hỏi vài câu bâng quơ, được lập đi lập lại như một điệp khúc một bản nhạc, đôi khi làm bực bội, sẽ không còn nưã. Những sau bữa cơm tối, không còn ngồi với ba nơi phòng khách, như một thông lệ, ba hỏi về học hành, sinh họat trong lớp, điệp khúc được lập đi lập lại, đôi lúc làm bực bội, không muốn trả lời! Không còn nữa, kỹ niệm buồn vui tuổi học trò, bạn bè yêu thương, ghét bỏ, thầy cô tôn kính, hàng xóm  không hoà nhã hay thân tình. Không còn nưã. Cơn gíó nào sẽ đẩy tôi cách xa, tách xa những chứng tích đầy ấp trong tôi. Có khác gì cánh phượng hồng rơi vào bát mì của tôi, rời xa cành của nó!

Giữa năm học thứ hai, Lý viết: “hôm trước tết âm lịch, anh Hương ghé qua trường em đang dạy, anh nói mẹ của anh ấy nhắn, nhân dịp nghỉ tết phải về trong quê thăm gia đình, anh ấy lâu lắm chưa trở về. Anh bảo mùng năm tết sẽ trở ra Huế. Đến hôm nay,không rõ anh ấy đã trở laị Huế chưa? Em không có tin tức nào khác.”

XXX

Những thư sau nầy tôi viết cho Lý không còn được hồi âm. Sự im lặng bao phủ, tôi như nằm trong một hầm tối. Tâm trí bị chi phối trong hoài nghi về thái độ của Lý, không biết cách giải thích.

Thuốc lá, rượu bia bắt đầu đi vào cuộc sống như dược liệu giải nỗi đau đớn, trống vắng trong người. Những giờ dạy thêm về toán, lý tại các trường tư thục, đã bị bỏ ngang. Phiền trách, khiếu nại về các giao ước với các trường không cưỡng chế được trách nhiệm của tôi.

Thư của mẹ viết: “Hôm cuối năm Hương có ghé thăm ba mẹ, nói chú Ba Lía bảo Hương về quê ăn tết. Ba có ý ngăn Hương, ba giải thích tình hình ở quê đang thời buổi không tiện cho thanh niên ở thành phố trở về. Hương nói cũng suy nghĩ nhiều lắm, nhưng mẹ Hương bảo bằng mọi giá phải về trong dịp tết nầy. Đến nay đã trên ba tháng, ba mẹ không có tin tức gì cuả Hương. Ba con cứ than thở, tội nghiệp cho thằng Hương, không biết chuyện gì đã xâỷ ra. Mẹ không gặp được ai quen biết từ trong quê ra để hỏi thăm.”

Mẹ lại viết: “Mấy tháng nay mẹ không thấy tăm hơi hai mẹ con bà Xuân. Thỉnh thoảng đi qua chợ Hàn, nơi bán mì Quảng được thay thế bằng một xe bán mía ép. Bà chủ nhà cuả bà Xuân nói với mẹ hai mẹ con bà Xuân đã trả nhà, cho biết dọn đi Quảng Ngãi. Con Lý không còn dạy bên Đông giang nữa..Ba thường thắc mắc với mẹ: “cũng lạ, khó hiểu, ít ra mẹ con họ cũng qua chào gia đình mình trước khi đi?”

Tết Mậu Thân, năm 1968, tổ chức tự xưng Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam đánh chiếm cố đô Huế, tấn công tòa đại sứ Mỹ ở Sài gòn và hầu như trên khắp lãnh thổ VNCH. Thời gian nầy tôi đang ở Đà nẵng. Không có một tin tức nào của Hương và Lý, đau đớn cùng thất vọng. Ba mẹ chia xẽ nỗi buồn cuả đứa con. Nhiều gỉa thuyết, nhiều lý giải về trường hợp của Hương và Lý, tất cả không tìm được đáp số.

Tháng 9 năm 1968, sau khi có kết quả trường kỹ sư điện Phú Thọ, theo yêu cầu của ba, người chú đang dạy trường Đại học Bách khoa Paris bảo lãnh tôi qua Pháp. Mẹ khóc là chuyện bình thường, lần đầu tiên nhìn thấy ba cũng khóc..hai chân tôi như bị giữ chặt dưới sân bay. Thương ba vô cùng. Thương mẹ vô cùng. Lòng chẳng muốn rời xa. Giọt nước mắt của ba, ánh mắt của ba, hai bàn tay của ba bóp chặt trên hai vai, ba chưa nói lời nào...nhưng những tác động lúc đó cuả ba đã chuyền qua cơ thể lời cuả ba: “Con nên đi, mặc dầu ba không bao giờ muốn xa con của ba.”

Quê hương xa cách, cuộc sống cô đơn và độc thoại, nhưng cưộc sống vẫn tiếp diễn; những khó khăn của ngôn ngữ, những thích nghi mới trong xạ hội lạ làm xa lần nỗi nhớ quê xa.

XXX

Cécile gọi điện thoại giữa tuần mời dự sinh nhật cùa Pascal: “Mấy ngày nay cháu cứ nhắc đến ông, cứ nhắc phải mời tonton Denis Huỳnh, cháu nói: Tonton Denis Huỳnh đã không giận và ghét con khi trước đây con dành ghế trên xe lưả.” Tôi nhận lời, hỏi đùa, chắc lại có dịp ăn mì Quảng nưã phải không? Cécile cười trong máy: “Không có đâu ông ơi, kỳ nầy có mấy cha mẹ của bạn Pascal dự và chỉ có bánh ngọt, cà phê và trà thôi. Nếu ông thích mì Quảng, ráng đợi  sinh nhật của tôi sắp tới.”

Chiều thứ bảy, sinh nhật Pascal, không có sự hiện diện bà ngoại Pascal. Nhân lúc trao qùa, tôi hỏi Pascal: “Hôm nay không thấy bà ngoại dự sinh nhật cháu?”Thằng nhỏ chưa trả lời, đưa mắt nhìn mẹ. Cécile trả lời thế con: “Bà ngoại của cháu không được khỏe nên cần nghỉ ngơi. Lần khám nghiệm sau cùng, bác sĩ cho biết hai mắt của ngoại cháu đã ổn định, cần nghỉ ngơi trong vài tuần sẽ trở lại bình thường. Từ khi biết được tin tức này, bà ngoại cháu đòi trở về nước ngay. Vợ chồng tôi đã năn nỉ bà cụ ở lại với chúng tôi, chúng tôi còn phải đưa bà cụ đi giải phẫu những vết bỏng nơi mặt, bà luôn luôn khước từ, bà viện cớ đã già, không cần quan tâm đến sắc diện. Hai mắt nay đã có lại ánh sáng là điều qúy giá rồi, chuyện còn lại không cần thiết. Gần đây bà hay khóc một mình. Vợ chồng tôi tìm hiểu lý do, bà trả lời nhớ Việt Nam nên muốn về nước. Lòng bà cháu đã quyết như vậy vợ chồng tôi đành chịu, để bà toại nguyện..”

Sinh nhật của Cécile được mời dự nhưng không được đãi ăn mì Quảng như được hứa trước đây. Mẹ của Cécile đã trở về Việt Nam trước ngày sinh nhật. Ngày hôm sau khi tiễn mẹ về nước, Cécile khóc ở đầu giây điện thoại bảo cho biết, ngày tiễn mẹ lên máy bay chỉ có hai vợ chồng và Pascal. Mẹ khước từ luôn cả ông bà nội Pascal muốn đưa tiễn ngày hôm đó. Chúng tôi rất đau lòng chấp thuận để bà về bên đó. Bà con gần chẳng còn ai. Chúng tôi phải mang nỗi lo lắng vào người....

Lòng tôi se lại khi nghĩ đến đoàn tụ, chia ly của gia đình Cécile. Tôi lại nhớ đến ba mẹ sống những ngày khổ sở sau biến cố ngày 30 tháng 4 năm 1975. Bỏ thành phố Đà nẵng, theo đoàn người di tản vô Nam bỏ lại tất cả một phần đời người gây dụng. Tháng ngày lây lất ở Sài gòn, như những kẻ vô gia cư, rôì bị đưa đi vùng kinh tế mới. Khắc nghiệt của con người, con người bị hạ nhục do một chính sách ngu xuẩn, ba vĩnh viễn ra đi giữa mùa đông giá lạnh chưa từng có năm 1978. Mẹ trốn khỏi vùng kinh tế mới về lại Sài gòn, tiếp tục cuộc sống lang thang vô định. Sự việc ba mẹ bị đầy đọa bởi lý do có thân nhân ở nước ngoài.

Tôi đã trở về gặp mẹ sau những khó khăn vận động bên bộ Ngoại giao Pháp. Sài gòn không còn linh hoạt của một thành phố mà trong lúc chiến tranh vẫn được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông. Cảnh vật tiêu điều, xơ xác. Tôi tìm đến được nơi mẹ ở là một mái che ở hiên sau nhà của vợ người học trò cuả ba. Người học trò nầy là Đại úy quân lực VNCH, phục vụ trong một đơn vị bộ binh vùng Cao nguyên. Anh là sĩ quan Võ bị Dà lạt. Ông Dương văn Minh đầu hàng, người sĩ quan này bị tù tập trung tại miền Bắc Việt Nam. Căn nhà mái tôn vách ván qúa nhỏ, không đủ chứa bà mẹ, hai con nhỏ cùng gia đình cha mẹ hai bên không dưới mười người. Lòng tốt của vợ người học trò cũ cuả ba có thừa, nhưng  căn nhà qúa hạn hẹp, nên đành để bà vợ của người thầy cũ của chồng tạm trú dưới mái hiên sau nhà.

Tôi đến địa chỉ căn nhà đó, đứng trước mẹ mà không nhìn ra mẹ, mẹ nhìn ra tôi. Mẹ là một bộ xương di động, tóc mẹ toàn một màu trắng, lưng mẹ khòm xuống, quần đen của mẹ không còn là một màu đen, một màu xám loang lỗ những tấm vá, ống cao, ống thấp...áo mẹ không biết gọi là gì, được kết lại bằng những mảnh bao cát làm hầm trú ẩn tránh đạn. Trước mắt là một người ăn xin...Mẹ đi về phía tôi bơ phờ, mệt mỏi, rụt rè...Một tay mẹ đưa ra hướng về phía trước như đứa bé tập đi, tìm một chỗ tựa, sợ bị ngã. Mẹ mấp máy, run run, mẹ hỏi: “thằng Huỳnh, thằng Huỳnh con cuả mẹ đã về đó hả?”Tôi bước nhanh về phía mẹ, tôi ôm mẹ, ôm bộ xương. Tôi khóc. Mẹ khóc. Trời đất quanh tôi là sương mù, hai chân như không có điểm tựa...Mẹ ơi, con có lỗi với mẹ, con có lỗi với ba. Con là đứa con bất hiếu cuả ba mẹ. Mẹ quàng tay lên sau cổ tôi, mẹ kéo người tôi xuống, mẹ run run hai tay xoa đầu tôi, rờ mặt tôi. Mẹ nói: “thằng Huỳnh của mẹ chẳng có gì thay đổi hết.” Tôi lau nước mắt cho mẹ, mẹ nhìn tôi hiu hắt rồi nấc lên: “Ba con đi sớm quá, sao ông không ráng chờ ngày hôm nay. Thằng Huỳnh nó đã về thăm ông và thăm tôi đây, ông có thấy không, ông có biết không...rôì mẹ cười trong tiếng nấc nghẹn ngào.

Qua sự giúp đỡ của hội chữ Thập đỏ Pháp, mẹ được cho qua Pháp chưã  bệnh tim mạch rồi được định cư luôn ở Pháp theo chương trình đoàn tụ gia đình vì lý do nhân đạo.

Mẹ thúc dục tôi lập gia đình, mẹ nghi ngờ Lý và Hương đã bỏ Đà nẵng để sống với nhau tại một nơi nào đó. "Tụi nó, lời mẹ: muốn tránh gia đình mình và bà con quen biết trong thành phố vì xấu hổ; mẹ hay thở dài, gia đình mình đã hết lòng giúp đỡ tụi nó, vậy mà...”Tôi thường cản mẹ những phát biểu đầy nghi vấn như vậy, nhưng ít nhiều lời mẹ cũng khơi lòng tôi đau buốt. Không biết tôi có quyền nghĩ những điều như mẹ nói không? Tôi và Lý có thương nhau nhưng chưa có ràng buộc đạo lý giưã hai gia đình; Còn Hương, không lẽ nào bỏ ngang chương trình đại học sư phạm để xây dựng tổ uyên ương cùng Lý? Nếu muốn, Hương đâu cần phải vội vàng, không chờ sau khi tốt nghịệp! Mẹ bảo: “Lũ bội tình, phản anh em, bạn bè như chúng nó không nên nghĩ đến làm gì, để trí não yên tĩnh, thanh thản. Con phải cưới vợ, không cần phải là người Việt Nam. Mấy đứa bạn gái Tây của con, mẹ thấy cũng được lắm. Miễn sao vợ chồng thương yêu để có hạnh phúc gia đình”. Tôi trả lời cho mẹ vui: “Mẹ yên tâm, con sẽ cưới vợ, mẹ sẽ có cháu tóc vàng, mắt xanh để hủ hỉ với nhau.”

Biết được Stéphanie, bạn gái thân thiết của tôi, mẹ tự xem cô ta như là vợ sắp cưới của tôi. Lúc nào mẹ cũng khen Stéphanie, nói những lời tốt nhất về nàng. Mẹ mua vải may áo dài khăn đóng cho tôi và Stéphanie, mẹ bảo: “Đám cưới của tôi sẽ được tổ chức theo nghi thức cổ truyền Việt.” Nhưng rồi, khi những khuy nút áo dài cuối cùng của con dâu tương lai mà mẹ tự chọn hoàn thành chưa có sự đồng ý của tôi, cũng là lúc mẹ gục đầu trên chiếc áo đó khi cơn đau tim tái phát.

Hài cốt mẹ được hỏa thiêu, được đưa về nằm chung với ba theo yêu cầu của mẹ lúc còn sống. Sự vĩnh viễn ra đi cuả mẹ để lại trong tôi cô đơn trống vắng tận cùng. Tôi bỏ công ty điện lực, tình nguyện gia nhập hội chữ thập đỏ Pháp, làm việc ngoài nước Pháp: Ấn độ,Tích lan, Côte d'ivoir...làm việc dưới sự điều động của bác sĩ nhãn khoa Jean Baptiste Renier hai năm. Theo đề nghị cũng như khuyến khích của vị bác sĩ đáng kính nầy, tôi trở về Pháp theo học chuyên ngành cơ bản y tá một năm...rồi từ đó tôi theo chân người bác sĩ nầy di chuyển khắp nơi theo nhu cầu của hội, cho đến một ngày trong nước có nhu cầu, bác sĩ J.B.Renier được triệu hồi làm việc tại bịnh viện Gonesse, ngoại thành Paris, tôi lại theo chân người....

xxx

Đang nghĩ lễ Phục sinh ở Aix en Provence, Cécile điện thoại cho biềt mẹ đã qua đời. Hai vợ chồng phải về Việt nam trong chuyến bay gần nhất để làm tang cho mẹ. Cécile nhờ tôi trở về trông nom dùm Pascal sau kỳ nghĩ lễ Phục sinh tập thể do trường tổ chức. Tôi nhận lời và không quên tỏ bày sự an ủi và chia buồn cùng vợ chồng đương sự.

Tôi đi đón Pascal sau kỳ nghỉ phục sinh do trường tổ chức. Tôi tạt vào siêu thị mua vài thứ cần thiết làm cơm tối cho thằng bé. Sau bữa cơm nơi phòng khách, thằng bé kể huyên thuyên những chuyện trong kỳ nghỉ với bạn bè.. đến một lúc dường như không còn gì để kể,thằng bé thu mình trong chiếc ghế bành, mặt buồn thiu, nhớ cha mẹ nó, hơn mười ngày nghĩ lễ xa cha mẹ, nay trờ về cha mẹ đi xa...Thằng bé nói buồn ngủ rôì đi vào phòng. Tôi mở báo đọc. Không lâu sau,thằng bé từ phòng ngủ trở ra, trên tay ôm mấy khuông hình, nó mếu máo nói nhớ cha mẹ, đến ngồi bên tôi, lần lượt xem những hình trong khuông...vưà xem vừa chỉ cho tôi cùng xem: “đây là bạn cùng lớp mẫu giáo; đây là hình đám cưới ba mẹ; đây là hình sinh nhật; đây là hình ông bà nội và đây là hình bà ngoại cùng hai bác...bà ngoại nói hai bác đã chết, bà ngoại không nói tên..”.Tôi sửng sốt nín thở, nhìn ba tấm hình xếp ngang nhau...Trời ơi,tôi có mơ không?Tôi giật khuông hình từ tay Pascal. Thời gian như dừng lại, Pascal mở lớn hai mắt nhìn tôi ngạc nhiên, miệng chu lại. Phản ứng cuả tôi quá mạnh, quá đột ngột làm thằng bé sửng sốt..Lý đây sao?Tôi đây sao?Hương đây sao?Tại sao, tại sao những tấm hình nầy ở đây? Đau đớn, xúc động, tim tôi thắt lại.Tôi lặng người.

“Tonton tonton, có sao không?”

Pascal hoảng hốt gọi tôi...”Cám ơn Pascal, tonton hơi chóng mặt một chút, sẽ hết ngay. Phòng khách trở lại yên tĩnh ..thằng nhỏ nằm dài trên salon ngủ vô tư.

Càng nhìn ba tấm hình, đầu óc tôi càng căng ra, những tấm hình được chụp làm thẻ học sinh mấy mươi năm trước, khuôn mặt hiền hậu, đôi mắt to, u buồn cuả Lý. Mái tóc thật bồng trên khuôn mặt thanh của Hương. Khuôn mặt tròn trịa, tóc húi cua của tôi thường được Hương gọi là trái dừa khô nhiều chất xám. Mấy mươi năm nhìn lại hình ảnh chính mình và của những người mình thương yêu.

Tôi nhìn tôi thay đổi nhiều qúa: Mặt dài ra, lấm tấm đồi mồi. Tóc hầu như trắng hẳn ra. Nếu tôi không là tôi bây giờ thì không hẳn nhìn được hình tôi của ngày xưa. Như vậy,làm sao tôi nhận lại được Hương, Lý những lúc tình cờ gặp nhau giưã dòng đời,nếu không một ai đó tự nhắc lại...

Họ ra sao bây giờ? Họ ở chân trời góc biển nào? Lý trong hình là bà ngoại Pascal, là mẹ của Cécile, là người đàn bà bị hỏng hai mắt vì bếp dầu nổ, hủy hoại cả dung nhan...người đã nấu những bát mì Quảng ngọt ngào thêm những sơị vỏ chanh là Lý, con cuả bà Xuân, người đàn bà duy nhất có tô mì với hương vị đặc biệt nầy? Người đã vừa vĩnh viễn ra đi về cõi vĩnh hằng! Gặp nhau mà không nhìn ra nhau?...Không,...Lý đã nhận ra tôi? Nếu không nhận ra, làm sao nàng nấu đãi tôi món mì Quảng fait à la maison? Nàng đã nhận ra tôi..chắc chắn nàng đã nhận ra tôi,nhưng tại sao nàng giữ thái độ xa lạ với tôi?Tôi không hiểu nổi. Nàng đã có chồng, chồng nàng là ai?Nàng là mẹ của Cécile, còn ai là cha của Cécile? Nàng tàn nhẫn quá, bao nhiêu năm đau khổ, bao nhiêu năm tìm kiếm, mong chờ, thế mà trước mặt nhau, nàng tỏ ra không biết tôi. Nàng đã chết, những điều bí mật nàng đã mang theo. Cay đắng đong đầy thân xác tôi. Lửa trong người tôi. Hy vọng từ Việt Nam trở về, Cécile mới có thể cho tôi biết những gì đang muốn biết. Tôi tự hận chính tôi, sao đã không nhìn được ra nàng?

Mấy ngày sau lên phi trường đón vợ chồng Cécile, trong xe trên đường về nhà, Cécile kể sơ về mẹ từ lúc ở Pháp về lại Việt Nam. Hai năm đầu bà sống ở Đà nẵng nhờ vào trợ cấp hàng tháng cuả vợ chồng nàng, sau đó bà về Hội An sống trong chùa Sư nữ một thời gian ngắn rồi xuống tóc tu tại đây.

Bà chết vì đột qụy. Cécile ấm ức khóc, mẹ chết nay không còn ai thân thích. Không biết ba ở đâu.

Ba có biết mẹ chết không? Ba còn sống hay cũng đã chết? Chừng nầy tuổi, con vẫn chưa thấy mặt ba!

Hòa cùng tiếng nấc của Cécile, nước mắt tôi ứa ra, lòng tôi cũng đang tan ra từng mảng.

Tới nhà, tôi vội kiếu từ, tôn trọng sự đau khổ cuả gia đình Cécile, những dự tính đã nung nấu dịnh hỏi Cécile những ngày trước đó, tôi đã kèm hảm được.

Ngày làm tuần 49 ngày cho mẹ, Cécile mời tôi. Khuông hình có tôi, Huơng và Lý được bày trên bàn thờ. Thắc mắc dồn dập trong đầu, tôi không hiểu nỗi sự kỳ lạ nầy. Tại sao Cécile không lấy hình mẹ để riêng ra, lồng trong một khuông hình khác để thờ?...Sau buổi lễ, mấy sư đã ra về, thấy tôi vẫn khoanh tay nhìn bất động lên bàn thờ, dường như hiểu ý tôi, Cécile nâng khuôn hình lên đem đến trước mặt tôi, vừa chỉ vào từng tấm hình một vưà nói: “Đây là hình của mẹ Cécile thời còn học trung học. Đây là ba của Cécile..Cécile chỉ vào hình của Hương, mẹ nói lúc mang thai, ba công tác xa, chiến tranh đang ác liệt, nên hai người không còn gặp lại nhau, mẹ không có tin tức ba từ ngày đó, mẹ nói có thể ba đã chết ở một nơi nào rồi. Và đây là bạn của ba và cũng là bạn của mẹ,

Cécile chỉ vào hình của tôi, mẹ chưa bao giờ nói tên bạn của ba và mẹ. Khuông hình này mẹ tặng tôi sau khi tôi lấy chồng và trước lúc đi Pháp. Mẹ nói:”gia tài của mẹ duy nhất là khuông hình nầy, sẽ không tìm đâu ra lỡ bị mất đi, không bao giờ tách rời ba tấm hình riêng rẽ. Nếu sau nầy mẹ chết, phải thờ chung nhau, ngày kỵ cơm của mẹ cũng là ngày kỵ cơm của cả ba người. Lúc mẹ được giải phẫu mắt xong, suốt ngày mẹ ngồi yên lặng trước khuông hình nầy. Mẹ lẩm bẩm: “không biết làm sao cho anh hiểu em?Nói sự thật chắc là anh không bao giờ tin, em không có lỗi lầm nào, chiến tranh tàn nhẫn đã tạo ra. Mong một ngày nào đó anh sẽ biết sự thật, anh sẽ không khinh em, dầu anh có khinh, em vẫn chấp nhận, em tự biết hoàn cảnh đã đưa đẩy. Mẹ khóc, mẹ nói mẹ muốn hai mắt mẹ mù trở lại, mẹ không muốn nhìn thấy đời sống chung quanh. Mẹ đã có lần tháo băng bảo vệ mắt...Tôi năn nỉ, Pascal năn nỉ, tôi khóc, Pascal khóc, mẹ khóc...mẹ không giải thích lý do mẹ đã nói những lời như vậy. Nước mắt tôi chảy theo từ lời của Cécile...một khối mù vô tận.

U uất mỗi ngày một nặng nơi tôi. Lý đã đi rồi, mọi trăn trở, ưu tư, ngờ vực, khúc mắc được mang vào lòng đất lạnh. Tôi tự an ủi, tự cầu xin cho mọi sự được quên lãng..Nhưng...một ngày cuối tuần không xa sau đó, Cécile mời tôi đến uống trà? Chồng Cécile đưa Pascal đi xem chiếu bóng, thưởng thằng bé có hạng cao trong tháng của năm học. Giữa buổi trà, Cécile đi vào phòng, trở ra với một gói giấy nhỏ trên tay, ngồi đối diện với tôi, mặt nghiêm nghị, hằn lên nét buồn. Nàng nhìn chăm chú vào mặt tôi, khác hơn thường lệ, nàng gật đầu nhè nhẹ như đồng ý những suy nghĩ đang diễn ra trong đầu mình. Cécile nói:
 - Khi mẹ rời Pháp về lại Việt nam, hôm trước khi đi, mẹ có để lại hai bao thơ, một ghi tên tôi, một không ghi tên người nhận, mẹ nói: con sẽ biết thư không ghi tên người nhận là của ai sau khi đọc thơ của con. Con chỉ được mở thơ ra đọc sau khi mẹ không còn sống. Thời gian cũng khá lâu từ khi mẹ rời Pháp, tôi đã không nhớ đến hai lá thư nầy. Cách đây hai hôm, do sự nghịch ngợm, Pascal làm ngã kệ sách gia đình, khi sắp xếp sách, tôi thấy hai lá thơ cuả mẹ để lại. Trong thư mẹ viết: một ngày nào đó, mẹ không còn nữa, lúc con đọc những dòng nầy, con sẽ biết lá thư không đề tên người nhận mẹ viết cho ai.Con sẽ gặp người đàn ông nầy; Mẹ tin rằng mẹ hằng cầu nguyện cho người đàn ông nầy sẽ hiểu được mẹ và sẽ phải không bao giờ chết trước mẹ...

Bỗng nhiên Cécile đứng lên đến cạnh tôi, nâng tay trái tôi lên, nhìn chăm chú vào lưng bàn tay tôi. Cécile nói tiếp:

- Người đàn ông nầy đã đến gia đình con như một định mệnh được sắp sẵn. Sơị giây vô hình nào đó đã kết chặt giưã ông và Pascal, cháu của mẹ. Con sẽ nhìn thấy người đàn ông trên móng tay út bàn tay trái có một vết chàm bẩm sinh màu đỏ tía chiếm trọn vẹn móng của ngón út nầy, như hình một trái tim. Lá thư không đề tên người nhận là thư của người đó, và người đàn ông nầy chính là người thanh niên trong khuông hình ba người: mẹ, ba của con, và Huỳnh, Denis Huỳnh.

Tôi nhận bao thư từ tay Cécile. Cécile trở về chỗ ngồi. Cả hai cùng im lặng,có thể nghe được  tiếng tim đập của nhau. Tôi như bị xoáy trong khoảng không, thân hình như bị kéo xuồng hố sâu hun hút. Rồi Cécile đứng lên, hai tay để trên vai tôi bóp nhẹ, tiến ra cửa, tiếng Cécile vọng lại từ xa:  “Bác ngồi lại bình tĩnh đọc thư, đã tới giờ cháu đi đón cha con Pascal”.

XXX

Paris tháng 10 năm 2006.

Anh Huỳnh,

Em một lần nữa có lỗi với anh, đã tìm thấy được anh, đã nhìn ra anh, anh đã đứng trước em bằng xương bằng thịt mà em tưởng như anh đã không còn trên thế gian nầy sau mấy mươi năm cách biệt, tìm hỏi tin tức anh, em không đủ can đảm lên tiếng gọi tên anh, nắm tay anh hay ôm anh để bày tỏ thương yêu. Em đã nhìn thấy anh, đã nhận ra anh vào ngày đầu tiên chính anh đã mở băng mắt cho em, nếu không có cái vết chàm đỏ trên móng út bàn tay trái của anh thì chẳng cách nào em biết anh là anh Huỳnh của em. Từ cái móng tay nầy, em nhìn kỹ anh trong ánh sáng mờ ảo của hai mắt vừa có được, em nhận ra anh. Nếu như một sự tình cờ, gặp anh,chẳng có cách nào biết được.

Thời gian đã hủy hoại hết thanh xuân, sắc diện của con người. Mấy mươi năm rồi còn gi?Em biết anh cũng không nhận ra em, ngoài đau khổ, gian nan trong cuộc sống đã làm em thay đổi kèm thêm tai nạn đã để lại những vết sẹo ghê sợ trên mặt anh không nhận ra, chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Buổi tiếp đãi mì Quảng tại nhà Cécile là muốn đưa anh về kỹ niệm ngày xa xưa còn đi học, giữa anh và em, giưã chúng ta và anh Hương, đồng thời muốn biết anh có nhận ra em không, đứa em anh yêu qúy, đứa em cứ nghĩ tưởng là vợ tương lai của anh ngày trước. Đau buồn thay, hương vị của bát mì có thể đã làm anh nhớ lại ngày xa xưa đó ở Đà nẵng một thoáng qua mà thôi, chắc anh nghĩ rằng bà Xuân ngày xưa không còn nữa để nấu lại những bát mì có hương vị đặc biệt đó, có những lát vỏ chanh mỏng, nhất là bà Xuân nếu còn sống thì không phải là người đang nấu những bát mì nầy. Và làm thế nào bà có thể đến Paris được...ít nhất bà ấy cũng đã ngoài chín mươi tuổi! Sự bình thản của anh hôm đó em vui trong lòng, nghĩ rằng anh đã quên qúa khứ,điều em vẫn cầu mong...nếu anh còn nghĩ đến qúa khứ, anh đang còn hận em. Em đã bình tâm, anh đã không nhận ra em là ai. Dự tính của em, sau khi được chữa lành mắt, em sẽ sống những ngày còn lại cùng con gái em, nhưng em đột ngột thay đổi dự tính, em thất hứa cùng vợ chồng Cécile, đòi trở về Việt nam, em không còn muốn tiếp tục sống ở Pháp. Em từ chối luôn chương trình giải phẫu những vết sẹo trên mật do vết bỏng để lại, bởi vì em biết, nếu em không rời nước Pháp, một ngày không xa, anh sẽ nhận ra em, một ngưới đã phản bội tình yêu cuả anh. Vết thương lòng của anh trở lại có lợi ích gì? Cả hai cùng đau khổ.

Giờ đây mong anh bình tĩnh đọc những sự thật giữa chúng ta, em nghĩ, một ngày nào đó anh cần phải biết để giải phần nào oan trái. Những gì em sẽ ghi lại đây trung thực bằng cả khối óc và con tim.

Anh còn nhớ, sau khi em tốt nghiệp sư phạm tiểu học Huế, em về Đà nẵng dạy được một thời gian, một hôm lúc cơm tối, mẹ trao em một lá thư do ba em viết, theo lời mẹ nói thư do một người liên lạc trong mật khu đem đến. Em còn nhớ,lúc em còn học tiểu học ở quê, ba và mẹ, hai người có một quán may nhỏ. Sau đó ba đi đâu không còn may chung với mẹ. Mẹ thường trả lời ba đi làm ăn xa, mỗi khi em nhắc, hỏi. Từ đó không bao giờ thấy ba trở về nhà. Mẹ lần lượt  thay đôỉ nhiều chổ ở, em phải thay đổi trường luôn. Cuối cùng mẹ dời đến Đà nẵng. Lúc nầy em đã lớn, hiểu chuyện,mẹ nói riêng với em:mẹ phải thay đổi nơi cư trú,không muốn liên lạc với ai quen biết trong quê,hầu tránh không cho biết mẹ ở đâu, mẹ không muốn gặp những liên lạc của ba từ mật khu ra,mẹ muốn hai mẹ con không bị xáo trộn cuộc sống, để con an tâm học hành...Đôi lúc mẹ tiết lộ: ba đã thoát ly, đã ra Bắc, sau đó trở vô Nam. Ba theo tổ chức Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam Việt Nam. Mẹ hay phàn nàn sau mỗi khi có người lạ đến và ra về: ba con muốn hại mẹ con mình, cứ cho liên lạc đến luôn, có ngày hai mẹ con sẽ bị tù! Thời gian em bắt đầu đi dạy, mẹ nhận được nhiều thư của ba,thư nào ba cũng thúc mẹ bảo em trả lời thư của ba, gặp liên lạc nhận công tác do tổ chức của Mặt trận giao. Mẹ đã không giao những thư nầy cho em, mẹ từ chối không cho liên lạc tiềp xúc với em...Nội dung một thư viết: những thư trước ba viết cho hai mẹ con, không một ai trả lời.Liên lạc trực tiếp giao công tác của Mặt trận, không một ai chịu gặp liên lạc.Nay Mặt trận buộc tội ba thiếu tinh thần cách mạng, không giáo dục,không thuyết phục, không động viên thành viên trong gia đình phục vụ công tác Mặt trận giao, như vậy lập trường tư tưởng thiếu dứt khoát, còn bao che, thiếu khả năng lãnh đạo trong chức vụ được giao. Mặt Trận quyết định hạ tầng công tác của ba,bị đặt dưới quyền quản lý của tỉnh đội. Kèm theo thư của ba, một thư khác của một ai đã viết:”Mặt trận báo tin cho gia đình bà biết, bọn phản động Mỹ ngụy đã cho máy bay đánh phá vùng tự do cuả Mặt trận, quân dân ta đã chống trả kịch liệt nhưng không tránh ít nhiều tổn thất, đồng chí chồng bà đã bị thương nặng, đang được cán bộ các cấp của Mặt trận tận tình săn sóc chữa trị tại bịnh xá. Mặt trận sẽ tạo điều kiện cho gia đính, nếu muốn thăm viếng, an ủi người thân...Hai tin không vui đến cùng một lúc, mẹ phân vân,suy tính, cuối cùng mẹ quyết định đi thăm ba. Bao nhiêu lo âu, sợ hãi đã đến với em kể từ lúc mẹ theo người liên lạc rời nhà. Không biết chuyện gì sẽ đến với mẹ từ hai bên: mẹ đi vào phía bên kia, tránh sao bom đạn vô tình, trên đường về phía bên nầy làm sao tránh được tai mắt của an ninh, tình báo Quốc gia?

Hai tuần sau không thấy mẹ trở về, em lo lắng vô cùng..Buổi chiều, sau giờ tan trường,em vừa ra  khỏi lớp, bà liên lạc đã đứng chờ sẵn ngoài cổng. Bà ra dấu, em theo bà đến một quán nước nhỏ cạnh trường. Bà nói với em: mẹ cô đã gặp được ba cô. Hôm trước khi mẹ cô trở về thành phố, quân Mỹ Ngụy đi càn lớn, tỉnh đội Quảng Đà phải chuỷên sâu vào vùng an toàn, mẹ cô buộc phải đi theo. Vì chưa quen gian khổ cũng như sinh hoạt trong khu, mẹ cô ngã bịnh nên phải ở lại điều trị do đó chưa về thành được. Tỉnh ủy đề nghị cô vào trong đó để săn sóc bà, khi bà khoẻ cô sẽ đưa bà về.Thời gian thụân tịện nhất để khởi hành là tôi ngày hôm sau, mùa đông, trời tối sớm, trăng lên trễ, nên an toàn được bảo vệ. Nghe tin mẹ bịnh, không người săn sóc, đang ở trong vùng hiểm nghèo,em không có suy nghỉ nào khác là phải đi gặp mẹ, săn sóc bịnh cho mẹ rồi đưa mẹ về. Viện lý do gỉa tạo, ngày hôm sau em xin phép trường nghỉ vài hôm. Chiều hôm đó, tại điểm hẹn, người liên lạc đưa đến bến xe đò...kể từ giây phút em bước lên xe cũng là lúc cuộc đời em vào oan trái.

Người gặp em đầu tiên trong vùng "giải phóng" là ba và mẹ em. Cả hai đều tỏ ra hoan hỷ khi gặp em. Mẹ không có vẻ gì bịnh hoạn như người liên lạc cho biết. Căn nhà tranh thu gọn trong khu vuờn cây trái rậm rạp, ba ngồi nơi một cái bàn nhỏ,trên vách phên bằng tre đan trét đất sét trộn rơm có một lá cờ hai màu xanh,đỏ, chen giưả có ngôi sao vàng,một súng ngắn được để trên bàn...Một người đang bị quản chế, tức là tù giam lỏng mà được xử dụng súng tự vệ,loại súng chỉ được cấp phát cho những người đang thừa hành công vụ, có cấp bậc cao? Trước cảnh tượng ấy, linh cảm bị lừa chợt đến, em khuỵu người nức nở khóc, ấm ức không nói được.Tại sao phải lừa phỉnh em? Một đứa con gái hai mươi tuổi đời! Sự thật trước mắt em, không chối cãi được,ngoại trừ em là đứa mất trí. Em hận ba em,chỉ có ông mới sắp đạt mưu kế nầy. Ông muốn đưa em vào đường chết. Cả ngày hôm đó, em không còn nước mắt để khóc, em co người, ôm đầu ngồi dưới đất,trong góc nhà. Em nghe tiếng ba em nói,tiếng ba em gọi, âm thanh đến với em như đến từ một hố sâu, từ địa ngục ma qủy. Thời gian trôi qua chẳng biết bao lâu,em mơ hồ nghe mẹ nói:”Mẹ biết con đã hiểu chuyện, ngày đầu tiên mẹ cũng có thái độ như con khi biết mình bị lừa dối. Không còn cách nào khác, phải chấp nhận chuyện đã đến, cá nhân đã bị một guồng máy định đoạt, tính mạng mẹ sẽ không an toàn,mẹ phải đóng tròn vai của mẹ để bảo tồn mạng sống. Nhưng  đây, vai trò nầy không còn phải che đậy nữa, vô ích. Lỗi do ba của con,ông nằm trong âm mưu vừa là đồng lõa. Mẹ không  ngờ ông đã bán mất linh hồn, đã dẫn dắt con vào chốn nầy, mẹ đau lòng vô cùng. Mẹ hận ông ấy suốt đời. Mẹ có lỗi với con, nếu ngày đó mẹ không rời thành phố thì đâu có cảnh hôm nay! Mẹ không bảo vệ được an toàn cho con, mẹ cũng chỉ là đàn bà yếu ớt...bất lực trước âm mưu, thủ đọan đê hèn...Con hãy chịu đựng, hãy cố gắng vượt qua những gian khổ trong những ngày tới, mẹ cầu mong con sẽ vượt qua được, mẹ có lỗi, con tha lỗi cho mẹ. Rồi em nghe tiếng súng nổ, em mở to mắt, cả thân hình mẹ em nằm dài trên nền đất, óc và máu loang lổ khắp nơi. Tột cùng của đau thương, em như tượng đá. Tại sao tiếng súng nầy, cái chết nầy không phải là của người chồng, nguời cha của đứa con gái bất hạnh? Mẹ vưà mới nói xong, mẹ chỉ là người đàn bà yếu đuối.. Không, trăm lần không, mẹ không yếu đuối, mẹ là  người đàn bà can đảm nhất.

Em được di chuyển đến một căn nhà, nền được đào sâu trong lòng đất,chung quanh rào cọc tre. Nhà xử dụng như hầm trú ẩn bom đạn và cũng là nhà ở và nhà tù. Có vài thiếu niên đeo súng gác bên ngoài rào. Một vài người đàn bà bị nhốt chung với em. Họ bị đưa vào đây có nhiều lý do khác nhau. Một bà đi buôn bán vùng Quốc gia không chịu nộp thuế nông hội. Một người có con và chồng đi học, làm việc cho chính quyền Quốc gia, không tuân theo yêu cầu của Mặt trận quay về hợp tác với chính quyền cách mạng. Một người nói xấu chính quyền cách mạng...ca ngợi Mỹ, ngụy..

Mấy ngày sau ba đến gặp em.Theo sau ông có vài người lính "giải phóng"mang súng bảo vệ. Em được áp tải ra ngồi dưới một tàng cây, những người lính được yêu cầu rời ra xa, ba nói: “Con phải biết, ở đây là phải chấp hành lịnh từ mặt trận chỉ đạo,không ai có quyền kháng cự hoặc từ chối. Mặt trận tỉnh vừa ban quyết định: để tránh sự liên hệ gia đình qúa gần gũi giửa cha và con làm xuống cấp, suy yếu tinh thần cách mạng trong công tác điều hành nhân sự và công tác của cách mạng giao phó, nay con được điều về khu ủy một thời gian trong công tác sản xuất lương thực, học kinh nghiệm trong lao động, có cơ hội học tập, tìm hiểu để thông qua Cương lĩnh cuả Mặt trận, để sớm giác ngộ,trở thành cán bộ Mặt trận...Em chưa kịp có phản ứng, ba đứng lên bỏ đi. Ngay sau đó,hai người lính áp tải em đi.Trời đất ngừng lại trước mắt em, tại sao một người cha có thể tàn nhẫn như vậy?Tính "đảng" đã làm mất tính "người cuả ông? Em như đi vào vô tận của trời đất, cô đơn giưã bầu trời mênh mông....

Em lao động sản xuất non ba tháng, ban chính trị Mặt trận tỉnh ban lệnh:Thường vụ trung ương mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt nam xét thấy, đồng chí Tư Nghĩa (ba em) là cán bộ Mặt trận tỉnh có nhiều thành tích đấu tranh cách mạng, biết hy sinh gia đình, biết dâng hiến vợ, con cho sự nghiệp cách mạng, con gái đã nhanh chóng giác ngộ (?)cách mạng, quán triệt đường lối của  Mặt trận, nên đã nhất trí thông qua, bình chọn con gái của đồng chí Tư Nghiã làm đại diện cho Thanh nữ Mặt trận Quảng Đà ra thủ đô Hà nội thăm viếng Chủ tịch Hồ chí Minh, chúc mừng sinh nhật của  Người. Kể từ hôm nay, những người trong đoàn đại biểu tạm ngừng công tác sản xuất, được hưởng chế độ bồi dưỡng và nghỉ ngơi trước ngày lên đường. Còn hai ngày nữa đoàn đại biểu sẽ lên đường, chờ ngày trăng lên thì tối hôm đó đạn pháo bắn tới tấp vào mật khu, trời vừa hừng sáng, máy bay VNCH và Mỹ ném bom liên tục. Người ta báo cho nhau biết Mỹ, Ngụy sắp tấn công vào mật khu, người ta vội vã sơ tán vào sâu trong rừng núi Trường Sơn, qua biên giới Lào. Người ta cho biết, việc sơ tán bất thường, ảnh hưởng chuyến đi Bắc mừng sinh nhật Hồ chí Minh, đoàn đại biểu tạm ngưng chờ lệnh mới. Tại đây, tình cờ em gặp Hương.

Một thời gian dài quanh em toàn những người xa lạ, lúc nào cũng kín đáo dò xét nhau, nghi ngờ nhau. Nay gặp lại Hương,nỗi cô đơn sợ hãi lo âu giờ nhường lại chút ấm cúng, chút tin tưởng, chút thương yêu nào đó đang đến, một sức sống tiềm ẩn bắt đầu khơi dậy. Em xúc động, cả hai cùng xúc động, không ngờ gặp nhau nơi rừng núi nầy. Giữa những đồng chủng nhưng xa lạ, gặp nhau trong bất hạnh của nhau. Cả hai muốn khóc mà không khóc nỗi, cả hai cùng muốn khóc để được cuốn trôi những bất hạnh,để tìm lại chút thương yêu!

Hương kể:”Trước tết năm đó, Hương từ Huế vào Đà Nẵng để về quê ăn tết,thăm gia đình. Lúc bấy giờ Hương chưa biết ba bị Mặt trận địa phương bắt. Nhiều lần cán bộ địa phương thuyết phục ba Hương kêu gọi Hương hoạt động bí mật ở thành phố, ba Hương không muốn, tìm cách tránh né, cuối cùng ba Hương bị bắt. Bọn cán bộ địa phương lại tìm cách thuyết phục mẹ Hương, gọi Hương về nhận công tác thì ba Hương sẽ được thả. Mẹ Hương không dám nói sự thật cho con biết, chỉ viết thư gọi Hương về ăn tết. Khi về địa phương Hương bị quản thúc.Được tin con trai đã trở về và đang bị quản thúc, ông phản đối quyết liệt. Ông hăm dọa con, nếu Hương chấp nhận cộng tác với họ, ông sẽ tự tử. Mấy ngày sau, người dân địa phương thấy xác ông Lía trôi tấp vào bến sông.

Hương không được thả, tiếp tục bị quản thúc, nhờ có văn hóa, Hương được đưa về công tác trong ban binh vận thành ủy Đà nẵng. Công việc cuả Hương là viết những lá thư do một người khác đọc, nội dung tuyên truyền, kêu gọi những đối tượng quân đội VNCH, cảnh sát Quốc gia,công nhân viên nhà nước VNCH cộng tác hoạt động cho họ.

Mùa xuân năm 1968, Mặt trận mở chiến dịch quy mô tấn công vào các thành phố lớn ở miền Nam Việt Nam, bị thất bại, thua lớn. Các cơ sở nội thành Quảng nam, Đà nẵng bị lộ diện và bị bắt, các đường giây giao liên bị phá vỡ, mọi sinh hoạt mật trong thành phố bị gián đoạn, em và Hương tạm được điều về phục vụ bệnh xá Quảng Đà, khẩn trương giải quyết số thương bệnh binh quá tải. Tuy cả hai không biết gì công việc cuả một y tá,nhưng hai đưá cũng có thể làm được công việc tối thiểu như ghi sổ sách thương bệnh binh, săn sóc cho ăn uống hay băng bó vết thương nhẹ theo hướng dẫn.

Giữa hoang vu của núi rừng, những rên la của người bị thương, đau đớn của họ vì không có thuốc chữa trị, căn cứ luôn luôn bị phát hiện, bị ném bom, bị pháo kích, đói khổ chen lẫn sợ hải vô tận cuả cô đơn, cùng tận thân phận con người, lạc lõng, em và Hương đã đến với nhau, cùng chia sẻ thương yêu trong vô tận cuả cùng cực. Sự mơ ước trở về thành phố là không tưởng. Cái chết trong giây phút trước mắt vô chừng. Hai đứa bấu víu nhau, che chở nhau bằng cảm nhận đang ở trong sự chết, nếu không nghe được tiếng thở của nhau, nghe được sự rã rời của cơ thể.

Tháng mười năm đó, người ta bắt đầu chuẩn bị lại chương trình đưa đại diện thanh nữ đi Bắc mừng sinh nhật Hồ chí Minh. Được tin, Hương bàn tính hai đưá cùng trốn, mặc dầu biết đây là chuyện vô cùng nguy hiểm, tìm cơ hội sống, giải thóat trong hy sinh mạng sống. Hương nói: Hương đã từng gặp cô gái trước đây được đưa ra Bắc, viếng thăm chủ tịch Hồ chí Minh. Người Hà nội thường nói: "Hồ chủ Tịch đã hy sinh cưộc đời cho cách mạng, sự hy sinh dâng hiến cưộc đời con gái cho Người xem như là một nghĩa vụ của tinh thần cách mạng cao qúy đối với con gái miền Nam. Người rất yêu qúy con gái miền Nam...” Người bạn gái cùng học mẫu giáo với Hương ở địa phương đã trở về sau một chuyến đi gian khổ gặp Bác, đã mất trọn đời con gái. Không chỉ những với Bác mà còn trải qua những ngày khác với những người làm việc tại phủ chủ tịch. Người bạn gái đó may mắn được trở về vì đã chấp nhận sự việc như một thoả thuận...gặp lại cha mẹ nói lời tạ lỗi, nói với làng xóm, láng giềng, bè bạn lời giả biệt...và rồi, một buổi sáng,người ta thấy xác người con gái nổi giữa dòng Thu Bồn.

Kế hoạch hai đứa bỏ trốn không thành. Rừng núi chập chùng, không định được phương hướng. Đường mòn Hồ chí Minh bị máy bay B.52 cày nát, thời tiết đang vào mùa mưa, không tìm được lối thóat, đành buông trôi cho định mệnh. Rồi ngày đi Bắc của em đến. Biết chuyến đi sẽ không chắc có ngày trở lại, như một tạ từ, trước những ngày lên đường hai đứa em đã tự hiến dâng cho nhau tích tụ cuả đất trời đã tạo dựng nên hình hài nầy.

Đoàn đi đến địa phận Vinh thì có tin HCM chết, đoàn quay trở lại Nam...Hai đứa làm đơn xin phép cưới nhau. Đơn được chuyển qua an ninh tỉnh xét. Đơn bị giữ lại với lý do chờ ý kiến lãnh đạo địa phương. Em biết đây là lời giải thích trì hoãn. Bởi lẽ, tỉnh ủy viên đặc trách an ninh đã muốn cưới em trước đây, nhưng vì em được đề cử trong đoàn đại biểu thanh nữ đi Bắc nên y đã dẹp ý định nầy. Nay  chuyến đi Bắc bị hủy vì HCM chết, nên y trở lại ý muốn ban đầu, bị em khước từ. Vì ghen nên có lẽ y đặt kế hoạch trả thù. Hương đã bị bắt với lý do là cơ sở tình báo địch, được cài vào đánh phá cách mạng. Người ta đã đưa Hương đi đâu, em không còn tin tức. Cho đến ngày hôm nay, viết những dòng nầy đến anh, em vẫn không có tin tức của Hương.

Em đã tiếp tục sống vì cái bào thai...Em đã sống vì đứa con gái em sinh ra...

Năm 1975,chiến tranh chấm dứt, em đưa con về lại quê một thời gian làm hợp tác xã nông nghiệp.

Tình cờ gặp lại người nữ liên lạc trước đây đang làm trưởng ban phụ nữ một phường tại Đà nẵng. Bà biết rõ em, bà đề nghị em ra Đà nẵng làm với bà, giúp bà công việc trong ban phụ nữ phường. Biết đây là cơ hội tốt rời làng quê buồn chán, tránh xa bọn cán bộ dốt nát, đè đầu cưỡi cổ dân đen...cũng là dịp, hy vọng tìm được tin tức của Hương và của anh. Thời gian làm việc ban phụ nữ phường, hàng ngày đi qua nhà của anh, nguời chủ là một người xa lạ. Em lạc lõng giữa Đà nẵng, như chưa từng sống ở đây. Một năm sau, bà truởng ban phụ nữ phường được bổ nhiệm làm việc trên quận, bà yêu cầu em theo giúp bà nhưng bên quận từ chối. Biết công việc trước đây của em là giáo viên tiểu học, bà đã đề nghị lên quận và em được chấp thuận cho đi dạy trở lại. Cái tên Huỳnh thị Hương Trà là em đổi lại khi còn làm việc ban phụ nữ phuờng. Tất cả dĩ vãng của em được gói trọn trong cái tên nầy. Kỷ niệm, uất ức, đau thương. Cái tên được ghép lại, sống cũng được mang theo mà chết cũng được mang theo. Cái tên Lý của anh đã chết, được thay bằng tên Trà. Cái tên của người con gái nào đó trong thế gian nầy có thể được gọi, để được phân biệt. Huỳnh, tên của người anh yêu qúy của em, người chồng không bao giờ cưới, đầy trân trọng. Hương, người bạn cũng là người chồng định mạng, đau thương trong cuộc sống, một an bày nghiệt ngã.

Năm con gái em 20 tuổi, cháu đậu tú tài, theo học đại học khoa văn. Em nghỉ dạy, em mở một quán nhỏ bán hàng lưu niệm. Con gái em giúp em trông nom cửa hàng sau giờ học. Cháu có dịp quen biết một du khách Pháp, hiện nay đang là chồng của cháu. Đám cưới của cháu được tổ chức sau khi tốt nghiệp khoa văn. Ngày gặp anh tại Pháp, xúc động bao phủ thân em. Em muốn gọi thật lớn tên của anh, em muốn ôm anh, để được khóc..nói một lời tạ lỗi với anh, nhưng em đã kìm chế được. Sự bình thản cuả anh trước người đàn bà nhan sắc bị phá hủy vì bị cháy phỏng..chỉ còn đôi mắt vừa được chưã khỏi. Em nhìn ra anh, em nhận ra anh, người anh,người tình yêu qúy của em, anh còn đó, anh đang hiện hưũ mà em đã tuởng anh chết từ lâu. Rồi em tự hiểu, bao nhiêu oan trái quá khứ bỗng nhiên trở lại làm trái tim tan nát của em kịp kìm chế lại; Anh còn có gia đình của anh, em không có quyền gợi lại quá khứ để hủy hoại hạnh phúc gia đình anh. Hãy để mọi lãng quên cùng lãng quên. Biết đâu sự không nhận ra em là một may mắn cho anh, cho em hay cho ai đây. Em  hiểu anh là người  có một tâm hồn cao thượng, anh sẽ tha thứ cho em...kẻ đã phản bội anh. Em không còn đủ can đảm nói cho anh biết sự thật. Rồi anh sẽ nghĩ thế nào với Hương? người cùng anh chia sẻ ngọt bùi thuở còn ôm sách đến trường từ quê ra tỉnh?...Phút chốc,em cảm nhận được sự im lặng là đáng trân trọng nhất. Bữa ăn mì Quảng làm đãi anh, đó là vịệc làm thiếu suy nghĩ của em. Giưã sự đau đớn cuả em, người nhận ra anh mà anh không có dấu hiệu nào nhận ra em. Giả thử lúc ăn mì, anh nhận ra em thì em sẻ hành xử như thế nào đây? Một lần nưã em nhìn kỹ gương soi, một phần cằm của em bị da non kéo lại một bên, hai môi em lệch qua bên trái. Mũi em đã không còn hai cánh phập phồng theo hơi thở. Những vết bỏng điểm từng mảng bên hai má, trên trán, em đã không nhìn ra em dưới hình dạng nầy bao lần trước gương soi lúc mắt được sáng trở lại...Mặt em chẳng khác gì mặt mụ phù thủy gớm ghiếc trong chuyện Bạch Tuyết và bảy chú Lùn, lúc còn thơ ấu không ai trong chúng ta không đọc? Rôì em bình tâm. Anh của em không nhận ra em là điều may mắn. Ích lợi gì?Mang trở lại đau thương vào người! Đau thương thật sự hay chỉ là thương hại? Sự sợ hãi anh nhận ra em chợt đến, em sẽ sống như thế  cho những ngày còn lại, một ngày nào đó anh sẽ nhận ra em. Giữa hai chúng ta sẽ đối xử với nhau như thế nào? Đóm lửa cần nhóm lại không? Em đã quyết định rời Pháp trở lại quê nhà, mang theo đóm lửa tàn cho cho đến ngày vĩnh viễn lụi tàn.

XXX

Mùa đông năm 2010,buổi sáng, bản tin của đài phát thanh Á châu Tự do (RFA) phát đi từ Hoa kỳ, thông tin về một người tù lâu năm nhất Việt Nam, lâu nhất thế kỹ vưà được trả tự do khỏi nhà tù A.20 Xuân Phước thuộc tỉnh Phú Khánh, miền nam trung bộ. Người tù thế kỷ trả lời phỏng vấn cuả phóng viên đài RFA cho biết: Ông không phải là người tù bị giam giữ lâu năm nhất của chế độ Cộng Việt Nam, Ông chỉ bị giam giữ từ năm 1975. Có một người tù bị Cộng sản Việt Nam bắt giam từ năm I969, anh tên Trần Duy Hương, nguyên là sinh viên trường Đại học sư phạm Huế. Gia đình anh bị áp bức của Cộng sàn, ép anh hoạt động cho chúng. Anh có người bạn gái bị cha là cán bộ cộng sản dụ vào rừng, áp lực làm việc cho chúng gần giống trường hợp cuả anh. Hai người thương nhau trong mật khu, xin phép cưới nhau. Đơn của hai người không được ban an ninh tỉnh ủy Quảng Nam chấp thuận, vì lẽ tên cán bộ đặc trách hồ sơ đơn xin nầy đã phải lòng bạn gái của anh, nó đã muốn cưới cô nầy nhưng bị cô nầy từ chối. Ghen vì biết hai người nầy sắp có con với nhau, y đã đặt chuyện tố cáo anh Hương làm tình báo cho Mỹ, nên anh nầy bị bắt. Lúc đó còn chiến tranh, anh Hương bị giải về Hà nội, đến năm 1987, anh Hương lại bị chuyển vào Nam, giam tại trại tù A.20. Từ ngày bị bắt đưa ra Bắc, rồi đưa vô Nam, anh không có tin tức gia đình, vợ anh. Anh cho biết vợ anh tên Lê mai Lý, anh có một bạn thân, có bà con trong tộc tên Huỳnh. Anh Hương đã chết vì sự khắc nghiệt trong tù 42 năm. Người tù nói tiếp: “Tôi nhờ đài loan báo tin tức nầy để người thân của Hương, nếu nghe được, có thể lo cải táng mộ của anh, thăm viếng, nhang khói cho anh ấy.”

Nước mắt tôi trào ra, tim thắt lại theo từng lời nói của người tù. Tôi bất động trong hụt hẫng.

Tiếng chuông điện thoại của một ai đó gọi đến...trái tim khô cằn của một người bảy mươi tuổi hồi tỉnh. Hương ơi, đời mày sao bất hạnh qúa vậy! Con gái mày cũng đang yên ổn trong lòng một sự bất hạnh! Ôi,chiến tranh đã hủy hoại tất cả, hủy hoại ngay lúc còn đang cuộc chiến, hủy hoại còn tiếp tục sau cuộc chiến, mãi mãi và maĩ maĩ...

XXX

Hương,

Tau đã đưa hài cốt mày về đây. Ngôi chùa nầy, một thời hai đứa mình đã từng chơi đùa ở đây. Một thời phá phách đánh lén vào chuông, âm thanh vang lên giữa trưa hè tỉnh mịch, chen lẫn tiếng gà gáy não nuột, đã bị sư trù trì cấm cửa không cho vào những ngày sau đó. Mày hãy yên nghỉ nơi đây. Linh hồn mày thanh thản, không còn ràng buộc với nợ trần gian.

Mày cho tau khóc, mừng mày được trở về. Lần nầy, ở quê hương nầy, mày sẽ tìm lại được người thân của mày đã lưu lạc, tha hương trong cuộc chiến. Ngày cùng tận rồi cũng trở về đây để thấy nhau. Mầy là đứa con của xứ sở nầy. Ở đây, dầu không là họ hàng, nhưng mọi ngưòi biết mày. Mày sẽ được chia sẻ, hưởng một làn hương thơm và ấm cuả những ngươì ở đây mỗi khi viếng chùa. Mày sẽ được nhìn thấy trẻ em ở đây lớn lên, thấy lại tuổi thơ cuả hai đứa mình.

Mày hãy cho tau khóc. Tau không biết có nên kể lại cho con gái mày chuyện của chúng mình không? Tau không đủ can đảm. Mày có giúp tau được sự can đảm để kể hết cho con gái mầy không?

Hương ơi, mày hãy để tau khóc, rồi đây không biết có còn đủ sức trở về đây thắp cho mầy một nén nhang nữa không?

Kết:

Tôi đã lấy được sự can đảm...dường như đây là nghị lực cuối cùng.Tôi đã không dấu Cécile.

Hài cốt của Lý cũng đã được đưa về an nghỉ bên Hương.

Nguyễn-Đại-Thuật

2 comments:

  1. Hay quá Tố Kim ơi, tối nay mình nhất đinh phải dđọc cho hết bài nầy, ôi , chiến tranh sao tàn bạo và nghiệt ngã quá. Cám ơn TK sưu tầm những bài quá hay cho blog của mình.
    Thân.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn chị Kim P.
      Lúc đầu mình cũng đọc lơ tơ mơ, nhưng càng đọc càng xúc động thương cho số mệnh nghiệt ngã éo le oan trái của ba người trong cuộc. Thật đúng là trời đày không cho họ một lối thoát nào cả. từ khổ tới khổ, khổ cả một đời.
      TK

      Delete