Đến hôm nay mới đọc bài báo “Sốc vì Việt Nam vào tốp 20
nơi đáng sống nhất thế giới!” Nếu chỉ xem qua cái kết quả bình bầu và
đối chiếu tình trạng môi trường xuống dốc thê thảm hiện nay thì đúng là sốc thật.
Nhưng thật ra, nếu xem kĩ nguồn thông tin (2) thì cũng không đến nổi sốc đâu.
Nguồn thông tin là ” The 20 Best Places To
Live Overseas” (Hai mươi nơi tốt nhất để sống ở nước ngoài” trên
BusinessInsider (2). Tại sao “nước ngoài”? Tại vì đây là một cuộc điều tra xã
hội mà đối tượng tham gia là những thương gia làm việc cho các tập đoàn đa quốc
gia. Những người này được công ti gửi đi khắp thế giới để làm ăn, nên họ có cơ
hội trải nghiệm và so sánh. Nhóm thực hiện là ngân hàng HSBC. Họ hỏi đối tượng
tham gia về trải nghiệm cuộc sống, tình hình kinh tế, nuôi con cái ở nước
ngoài. Dựa vào các tiêu chí này, Việt Nam được bình bầu là một trong 20 nước
tốt nhất để sống ở nước ngoài.
Đọc xong bản tin này tôi thử tưởng tượng mình
là một doanh nhân (hạng “executive”) đang sống ở Sài Gòn. Và, tôi sẽ bầu VN vào
một trong 10 nước tốt nhất để sống như là một doanh nhân nước ngoài. Lương của
tôi là khoảng 200K USD một năm, và tôi sống trong một nước mà thu nhập bình
quân ~2K một năm thì dĩ nhiên là tôi thấy thoải mái quá đi chứ.
Này nhé, tôi đâu có sống ở những nơi chật
chội trong nội thành như đám dân đen kia; tôi sống ở Phú Mĩ Hưng hay những
khu đô thị mới, thoáng mát và có nhiều cây xanh.
Tôi đi làm đâu phải bằng xe Honda để phải chật vật với “triều cường” như đám dân địa phương; tôi đi làm bằng xe hơi, “four-wheel car” cao ngông nghênh trên đường phố được thiết kế cho xe ngựa là chính.
Tôi không cần lái xe như bọn Việt Nam; công ti mướn tài xế lo cho tôi từng bước đi, thậm chí đi ăn trưa và uống cà phê! Đến văn phòng thì máy lanh đã bậc xong, tôi không biết cái nóng hừng hực bên ngoài là gì. Thật ra, sống ở VN chứ tôi có biết cái nóng nhiệt đới là gì đâu, vì dù ở nhà hay office tôi đều có máy lạnh.
Vợ tôi không bận bịu với con cái như đám nữ nhân viên của tôi; tôi có đã oshin người Việt lo đưa đón con tôi đi học.
Con tôi cũng cảm thấy thích đất nước này, vì
chúng không chung đụng với đám học trò Việt Nam đầy cạnh tranh kia.
Oshin Việt Nam thì rẻ bèo, chỉ 200 USD/tháng
là có một cô gốc miền Tây phục vụ cực kì tốt, kể cả nấu ăn ngon.
Chúng tôi chẳng cần sợ bọn Tàu đầu độc với
những thực phẩm độc hại, vì oshin chúng tôi toàn mua cá sống, gạo hảo hạng,
bánh mì nhập từ Singapore, bơ sữa nhâp từ Pháp, Úc, Mĩ.
Chúng tôi không cần nấu ăn, vì oshin lo.
Chúng tôi không biết đến mấy quán nhậu bầy hầy mà đám dân địa phương lui tới, vì chúng tôi đã quen với buffet ở Caravelle, New World, Pullman, InterContinental, Sheraton, Sofitel, Nikko. Rex? Ồ, đó là khách sạn của Nhà nước, tồi lắm.
Chúng tôi không phải lo chuyện lau nhà hàng
tuần, bởi vì hàng ngày đã có oshin làm việc đó.
Vui vui, chúng tôi đi ăn ở
ngoài quán, và dĩ nhiên, chúng tôi đâu có dám léo hánh đến mấy chỗ vớ vẩn và
mất vệ sinh ở trong hẽm. Xe four-wheel của tôi làm sao vào được mấy cái hẽm
đó?! Lương 200K USD/năm thì việc đi ăn tối ở hàng quán up-market ở VN chỉ là
chuyện nhỏ. Mà, món ăn VN lại cực kì ngon, chắc chắn ngon hơn tất cả những nước
như Mĩ, Úc, Canada, Ý, Saudi Arabia, v.v.
Tôi cũng chẳng quan tâm gì đến mấy chuyện
quyền con người này nọ; chuyện đó chẳng dính dáng gì đến tôi, vì đó là chuyện
của đám oshin và anh tài xế của tôi.
Tôi đâu có lo VN sẽ lệ thuộc hay mất vào tay
của Tàu ở phương Bắc, vì đối với tôi, chỗ nào cũng là kinh doanh, kiếm lời.
Tôi đâu có hiểu mấy chương trình văn nghệ và những bản tin tức tuyên truyền vớ vẩn đó; tôi xem đài BBC, NBC, CNN. Trong khi đám dân đen đó chẳng biết gì tình hình đằng sau chính trường VN, tôi biết khá tốt! Vì thế, chẳng ai làm phiền tôi, và tôi thấy thoải mái về tinh thần.
Ngày cuối tuần, chúng tôi bay ra Đà Nẵng chơi, xuống Hội An tắm biển, bay về Hà Tiên làm một chuyến du ngoạn sang Kampuchea, bay ra Hà Nội thưởng thức tô phở 800 ngàn đồng (chuyện nhỏ), và bay về sân golf ở Tân Sơn Nhất đánh một phát với mấy đồng nghiệp nước ngoài đang chờ.
Buồn buồn, tôi đổi không khí bằng cách bay
qua Singapore mua đồ điện tử, và dĩ nhiên tôi đời nào để ý đến cái Sim Lim
Square chết tiệt đó. Tôi cũng chẳng cần chen lấn, vì tôi đi máy bay hạng
1 của Singapore Airlines, chứ Vietnam Airlines, thì xin lỗi, tồi quá. Nhìn như
thế, tôi đang sống một cuộc sống vương giả, một cuộc sống mà nếu tôi ở Mĩ có mơ
cũng không có được.
Ôi, tôi yêu cái đất nước Việt Nam này quá.
Tôi thấy mình như anh thực dân Tây ngày xưa ở Sài Gòn. Thật ra, tôi còn hơn mấy
anh Tây ngày xưa, vì ngày nay tôi có tất cả tiện nghi mà mấy ảnh không có trước
kia. Mấy anh ấy thời đó còn bị xua đuổi liên miên, còn chúng tôi thời nay thì
được chào đón nồng nhiệt.
Môi trường làm ăn ở VN có phần khó khăn vì nạn tham nhũng ư? Ồ, chúng tôi chỉ cần áp dụng triết lí dùng tiền của Năm Cam, một người vĩ đại trong nhóm những triết gia vĩ đại. Có tiền là cái gì cũng có ở VN, và hàng rào nào cũng sẽ vượt qua dễ dàng. Bọn Bio-Rad còn chỉ 2.5 triệu USD, thì việc các tập đoàn Nhật chi 10 lần con số đó cũng chỉ là “bỏ con tôm bắt con cá” thôi.
VN có câu “nhất thân, nhì thế, tam quyền, tứ chế”,
và tất cả 4 yếu tố đều có thể mua bằng tiền. Chúng tôi cũng áy náy khi dùng
tiền cho mục tiêu như thế, nhưng thử hỏi, ở cái nơi này mà người ta có câu
“rừng nào cọp nấy” thì chúng tôi cũng phải chơi theo luật chơi địa phương thôi.
Ngày xưa, Graham Greene ngồi uống cà phê ở Tự
Do viết “Người Mĩ trầm lặng”, ngày nay tôi viết những chương sách huy hoàng cho
Samsung, LG, Hyundai, Kumho, Mercedes-Benz, BMW, Ford, Volvo, Toyota,
Mitsubishi, Novartis, Merck, Pfizer, sanofi, novo nordisk, HSBC, Deutsche Bank,
Huawei, IBM, v.v. Vinh quang thay, đội doanh nhân nước ngoài ở VN. Chúng tôi
xứng đáng có một bài tráng ca! Có lẽ phải mướn một tay nhạc sĩ nghèo VN sáng
tác thôi.
OK, tôi đã đóng vai doanh nhân nước ngoài ở
VN, bây giờ tôi quay về tôi: một người Việt Nam. Tôi nghĩ với quan điểm của
những doanh nhân nước ngoài sống ở VN, thì VN đúng là một trong những nơi sống
rất thoải mái nhất. Do đó, cái kết quả survey của BusinessInsider không hề sốc
chút nào.
Tuy nhiên, thay vì kết quả đó nói Việt Nam là
nơi tốt nhất để sống, tôi đề nghị nên hiểu một cách khác:
Việt Nam là một trong những môi trường lí
tưởng nhất cho doanh nhân nước ngoài, vì họ có thể khai thác con người Việt Nam
hữu hiệu nhất.
G. S. Tuấn
No comments:
Post a Comment