Đại úy Hòa và ký giả Thanh Tùng mỗi người nằm một
phòng khác nhau. Ông Hòa bên phòng một, cách tấm vách bằng gạch theo kiểu mẫu của
trại gia binh hồi xưa. Đặc biệt hai ông nói rất to, tôi nằm phòng chín cùng một
dãy mà đôi khi vẫn nghe loáng thoáng dù không phân biệt được nội dung.
Đại úy Hòa khoảng trên dưới bốn mươi , người thấp
lùn, da xạm . Giọng miền Nam sệt với cách phát âm “gồi “thay
vì “rồi “ của đại đa số thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ông có gương mặt
của một nông dân truyền thống hơn là sĩ quan trung cấp trong quân đội. Chưa bao
giờ tôi nói chuyện với ông nhưng mọi dữ liệu chi tiết tôi biết được nhờ vào lời
kể của đám tù cùng phòng. Hóa ra ông là đại úy của giáo phái Hòa Hảo, sau 30/4
kéo theo hơn chục anh em vào bưng, cuối cùng bị bắt vì lọt ổ phục kích.
Lên trại này ông vẫn không được ra lao động như anh em, chỉ ở nhà ngồi trước
hiên đập đá với cặp chân nằm trong cùm hai mươi bốn giờ một ngày. (ông
Thiệu đã sai lầm lớn khi giải giới quan đội giáo phái lúc kề cận ngày mất nước )
Ký giả Thanh Tùng cũng vậy. Hôm đầu lên trại đến nay vẫn
bị cùm trong phòng thỉnh thoảng mới cho ra ngoài . Ông khoảng gần năm
mươi, da trắng xanh màu người chết có lẽ vì bị giam trong phòng lâu quá thiếu
ánh nắng mặt trời. Nghe đám cùng phòng nói ông xưng mình là ký giả, bút hiệu
Thanh Tùng nhưng ký giả của báo nào thì tôi không nhớ. Thỉnh thoảng hai ông được
cho ra ngồi trước hiên phòng, mỗi người có một cục đá lớn trước mặt làm cái bể
đập cùng cây bù lon nặng và bự như cây búa. Năng xuất được tính bằng đống đá đập
vụn trước mặt nhưng hầu như bao giờ đống của hai ông nếu gộp lại cũng chỉ bằng
một phần ba thành tích của người khác
Năng xuất thì như thế nhưng ngược lại không ông nào
chịu thua ông nào về cái khoảng nói. Đại úy Hoa kể chuyện bắt cá bắt cua ,
chuột đồng , rắn rùa ba ba đặc biệt của những nông dân miền Tây. Giọng kể
không hấp dẫn, chuyện cũng nhạt nhẽo chẳng ai muốn nghe nên thường bị đám cùng
cùm chung cắt ngang :
- Im đi ông nội ! lo đập đá
đi , làm biếng quá mai bị cắt ba mươi phần trăm nói sao xui !
Ký giả Thanh Tùng văn vẽ hơn. Chuyện thi thoảng được dặm
mắm dặm muối về những ngày còn tự do đi uống cà phê có chút đường chút sữa.
Dù sao cũng chỉ là tầm phào, tào lao thiên đế nên tưởng
chừng không bị ăn ten báo cáo hay bị ai phiền hà gì.
Cả hai đều không ngờ phạm phải một lỗi lầm bất khả tha thứ
trong trại lao động VC. Ở xã hội tù càng nói ít càng tốt . Tôi đã chứng kiến
ông đại úy Hòa bị đem ra trước sân phơi lúa đánh hội đồng do những thằng tù có
chức phận (hướng dẫn, trường phó khu….) Bọn nầy muốn lấy điểm với quản
giáo nên rất tận tình tra tấn và khủng bố đám còn lại. Thành phần này thường đa
số là hình sự và chúng tưởng rằng càng hung dữ với tù chính trị càng dễ được cứu
xét cho về sớm, cũng như được cho thêm nhiều quyền lợi .
Ông Thanh Tùng có lần bị quăng vô “ nhà kho “ (
biệt giam ) hai tuần chỉ vì câu chuyện liên quan đến Sàigòn trước ngày
30/4 rất vô thưởng vô phạt “ Mầy nhớ tụi Ngụy Quyền hả mậy?” một thằng đá vào bộ
xương sườn ông hét lớn.
Cha đại úy Hòa bị hội đồng chỉ vì đã đọc một câu kinh Hòa
Hảo và dám cung kính xưng tụng Giáo chủ Hoà Hào là “ Đức Huỳnh Giáo Chủ “
Tôi không biết các ông tù bao lâu trước khi bị chuyển lên
đây, nhưng kinh nghiệm sống còn riêng tôi học được là phải dán băng keo cái miệng
mình lại nếu muốn được trở về nhà. Bắt lao động thì lao động bắt khiêng vác (
đá ) thi khiêng vác , bắt học nội quy thì học nội quy. Không chống
đối, không cãi cọ bởi vì ở những nơi như thế nầy mạng sống của tù còn thua con
sâu cái kiến. Thời gian đó nơi tôi ở không có anh hùng, không có chống đối và
chỉ một người dám trốn trại bị bắn chết .
Sống “ biết điều “ như thế mà VC còn “ âu yếm “ cắt mất một
ngón tay của tôi kèm theo vết sẹo ( cháy ) trên ngón cái bàn chân phải
huống hồ gì hai cái “ loa “ của ông Thanh Tùng và ông Đ.U Hòa . Mặc dù
không thấy hai ông thường xuyên, những ngày còn nghe giọng nói tông cao miền Bắc
của ông Tùng và những tiếng nhà quê đặc sệt của ông Hòa phát ra từ cánh cửa sổ (
bị nhốt trong phòng ) thì tôi biết họ vẫn còn sống.
Từ cửa vào trại bên phía tay phải có một xưởng cưa
máy nhỏ thường được dùng để đóng bàn ghế cho cán bộ. Xưởng hoạt động hàng ngày,
tuy nhiên thỉnh thoảng khi đi lao động về chúng tôi lại không nghe máy chạy ầm ầm
mà thay vào đó vang lên tiếng búa đóng đinh buồn thảm. Buồn là phải bởi vì
chúng tôi biết tù xưởng cưa đang làm quan tài cho một anh em nào đã chết hoặc sắp
sửa chết mà chưa biết là ai. Xác sau đó sẽ được đem đi chôn ở mảnh đất phía sau
trại trước kia vắng vẽ bây giờ đã khá đông đúc.
Hễ cứ khoảng vài tuần-có khi vài tháng-lại nghe đinh búa
om xòm từ xưởng cưa tôi lại ngước mắt lên trời thầm nghĩ chừng nào đến phiên
mình.
Hôm đó đi ngang qua cửa phòng ông Thanh Tùng tôi liếc mắt
nhìn vào thấy ông mặc quần đùi, hai chân vẫn ở trong cùm như thường lệ. Cả bộ
xương sườn trần trụi có thể đếm được từng cái một . Đặc biệt lần này bụng
ông õng lên như bụng bà bầu ở vào tháng thứ sáu. Tôi gật đầu chào ông :
-
Khỏe không bác ?
Ông mỉm cười khoe hàm răng cái còn cái mất (
vì tuổi già hay vì những cú đấm ?)
-
Vâng tôi khỏe, cảm ơn cậu
Tôi không tin ông khỏe nhưng cũng chẳng nói gì vì xem ra
ông rất yêu đời. Bị bụng báng như thế này chả mấy chốc lại làm phiền đến đám tù
xưởng cưa.
Điều kỳ lạ là ông Đ.U Hòa cũng cùng một bệnh. Cũng cái bụng
chang bang như đàn bà chửa vào tháng thứ bẩy trên thân thể ốm nhom tong teo đếm
được từng mẫu xương sườn. Hình ảnh dội ngược giữa phần bụng bự như cái thúng úp
với thân thể ốm đói của tù thiếu thăm nuôi lâu năm trông thật vừa thảm hại vừa
buồn cười. Chẳng cần phải làm bác sĩ tôi biết hai ông sẽ sớm chuyển hộ khẩu ra
phía sau trại.
Chỉ khoảng vừa tháng , chiều trở về từ lao động bên
khu B tôi nghe tiếng đóng hòm. Sáng hôm sau mấy thằng chung phòng xác nhận
trong cùng đêm cả hai người ông Ký Giả và ông Đ.U lần lượt lìa đời trên trạm
xá. Thời buổi đó đi tù và chết trong tù VC là chuyện thường ngày chẳng ai
bận tâm. Chỉ tội nghiệp thân nhân ở quê nhà không biết chuyện gì xảy ra để ít
nhất cũng đốt được nén hương tưởng nhớ .
Hồi tôi bị giật điện cháy ngón tay cũng có hai nhân vật
khác chịu cùng kiểu tra tấn : Tr. Tá Ng. Trọng T., tùng là nhân viên của Uỷ
Ban Liên Hợp Quân Sự Bốn Bên miền Tây và Diệp.Lầu.D. kháng chiến quân (trong
rừng bị bắt). Chỉ duy nhất ba chúng tôi trong cả trại cùng bị mất ngón tay út
và ngón chân nào đó vì điện giật.
Khi ngón tay bị nhiễm trùng nặng tôi được phép chuyển
lên trạm xá để tháo khớp. Nằm kế bên tôi là một ông già hom hem coi bộ đi đứng
không muốn nỗi tên Trần. Ng. Q. Suốt thời gian kề cận ông không nói với tôi một
tiếng nào. Ông không bị còng chân chiếc túi đặt giữa chân là quà thăm nuôi vẫn
còn căng cứng. Thỉnh thoảng ông tuồn cho tôi vài trái chôm chôm. (Tôi
phát giác ra hạt chôm chôm trị được bệnh đói-đói quá nhai luôn hạt mà không chết -
).
Hai hôm sau anh trưởng trạm ( trợ y VNCH) đem kéo xuống
tháo khớp ngón tay. Anh mổ sống ( nghĩa là không thuốc mê thuốc giảm đau
gì hết). Cứ đưa tay lên trời, quay mặt đi chỗ khác mặc kệ anh muốn làm gì thì
làm Ngón tay chết rồi và cũng chẳng dính với bàn tay được bao nhiêu da nên ít
đau.
Mổ xong anh băng bó lại rồi thôi. Không thuốc kháng sinh
kháng trùng gì hết. Cũng may thịt lành nên mau hồi phục Tôi xin anh ngón tay vừa
tháo , anh trợn mắt :
-
Mày muốn vô biệt giam hả?
Thành ra tôi không giữ được phần xương thịt của mình làm
kỷ niệm.
Vài tuần sau trại ăn mừng trúng mùa hay gì đó. Mỗi “ trại
viên “ được vài lát thịt và khoảng nữa ca nhôm chè đậu. Người nhà bếp lên chia
chè cho tôi và ông già Q. Tôi thuộc loại nguy hiểm nên ai cũng tránh xa, có
thương cũng chỉ để trong lòng,Thế mà chuyện lạ đã xảy ra : người nhà bếp
hôm đó là anh Th. chia cho hai chúng tôi mỗi người một vá . Sau đó
chẳng biết nghĩ gì anh ngó trước ngó sau rồi đổ hết phần chè còn lại vào ca nhựa
của tôi trong khi ông già Q. ngoảnh mặt đi làm như không thấy. Chuyện này
rất nguy hiểm : lỡ có ai báo cáo lại anh Th. sẽ bị đòn, bị biệt
giam vì tiếp tế cho “ Trại viên “ đang trong chế độ kỷ luật. Ông già Qu. cũng sẽ
bị cùm và cúp thăm nuôi nếu vụ cho tôi mấy trái chôm chôm bị đổ bể!! (sau
này tôi không biết những ân nhân đó có may mắn trở về hay phải bỏ thây nơi ngục
tù? Cho tới nay tôi vẫn cầu xin hàng ngày những người có trái tim lớn hơn sự sợ
hãi này. )
**************
Trước đó lúc chưa bị giật diện tôi đã từng nếm mùi nhà
kho . Thời gian tôi bị biệt giam ở nhà kho tuần lễ đầu chỉ có một mình. Về sau
đông dần lên cuối cùng tổng cộng đến hơn mười lăm mạng cùng bị xỏ sâu cùm xuyên
qua cây sắt . Tôi nằm sát bên ông Tài mới thấy sự kín tiếng của ổng. Không
thể không nói chuyện ( ở biệt giam thời gian rất dài làm gì cho hết?) thế
mà phải mất mấy tháng tôi mới biết ông Tài đã từng đi Mỹ. Lần đầu tiên tôi nghe
nói tới Mc Donald, Dunkin Donut….
Tù biệt giam tay nào cũng thành đầu bếp nổi tiếng với
bao nhiêu món ăn hàm thụ. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ, trừ thời gian ngủ, phần
còn lại dành cho nấu nướng. “ Má tao nấu món này, chị tao làm món kia, vợ tao
chiên chả giò dòn rum…” ngày nào cũng nghe mà chưa bao giờ chán!
Cách chỗ tôi năm người là thằng Phước Lùn (hay
Phước Lồi cũng được vì nó có cả hai thứ) . Cao khoảng một thước năm mươi
lăm nhưng người rất chắc chắn, mỗi lần nói chuyện với ai cặp mắt lồi lên
rất dễ sợ. Khi nó trổ tài nấu nướng thì không ai biết đó là món gì. Tuy nhiên
thằng nầy khôn, bao giờ cũng bắt đầu bằng câu “ Hồi đó má tao( hay chị tao )…”
để lỡ nói gì sai ( hay tin không nỗi) thì còn có người mà đổ thừa , bởi
hầu hết những sản phẩm cách thức nấu nướng là do nó tưởng tượng ra bắt nguồn từ
cái đói triền miên ám ảnh.
Phần ăn biệt giam mỗi ngày được hai cục cơm cỡ nắm tay
con nít, kèm theo vài cọng rau muống lều bều trong hai giá nước luộc. Tất cả (lâu
nhất là tôi, gần một năm) đều có cùng khẩu phần như thế nên rất thèm khát về ăn
uống , lúc nào cũng tưởng đến những món mà gia đình ( nhất là má) vẫn
nấu cho ăn. Nhiều lần nhớ đến tô cá kho, chén rau luộc mà nước mắt cứ chảy vì hồi
xưa đã không biết trân trọng thức ăn từ bàn tay nêm nếm ngọt ngào của má.
Có lần tôi hỏi thằng Phước:
-
Nếu mày được về nhà mày sẽ ăn cái gì trước nhất?
-
Một trăm hột vịt lộn!!
-
Giỡn nhột mày! Vừa phải thôi Phước Lùn, bụng đâu mà chứa mậy?
- Thiệt
mà, tao còn làm thêm tô canh chưa cá lóc nữa!
Ai tôi không biết chứ Th.Úy B Đ Q Phước Lùn dám lắm à! cứ
coi cái bụng phệ của nó thì biết!
Tội nghiệp ông Tr. Tá T. , ông rất ít “ tham gia “
chương trình nấu nướng “ . Mơ ước duy nhất là được ăn một tô bún chả giò
và sau đó làm một ly cà phê sữa cối kèm theo gói Salem the the
Sau khi ra biệt giam tôi không còn gặp ông nữa nhưng nghe
kể lại ông đã thực hiện được một phần ba giấc mơ đó : ăn tô bún chả giò được
gia đình thăm nuôi , xong ra bệnh xá nằm hai ngày rồi chết vì bộ tiêu hóa
không chịu làm việc: ăn cái gì ở trên ra nguyên con ở dưới sau một thời gian bị
hành hạ bỏ đói quá lâu.
(Khi tôi đang kể chuyện này thì ông T. vẫn còn khỏe, thỉnh
thoảng vẫn tâm sự ( nho nhỏ ) với tôi về chuyện gia đình. về chuyện
du học Mỹ Lúc đó cả hai chúng tôi đều chưa bị mất ngón tay.)
Khẩu phần như vậy nên tù biệt giam không có phân để đi cầu
hàng ngày. Tối thiểu cũng phải cả tuần mới thấy cồm cộm khi lấy tay rờ phần bụng.
Rồi lại phải dùng tay lần theo “ nó “ mà đẩy ra ngoài. Tiếng cục phân rơi xuống
cái thùng nghe như cục gạch ngói khô khốc. Ở VN thời VC duy chỉ có tù biệt giam
là đi cầu không hôi hám.
(Đây là câu chuyện “ nhà kho “ , hồi đó
chỉ giữ một tù : có con chuột nhắc chui vào bị bắt . Đói quá và thiếu
chất tươi lâu ngày tù mổ bụng chuột bằng răng chỉ vất ruột còn mọi thứ bỏ lại
vào bụng chuột, rồi bộc ngược chuột lại để phần lông nằm vô trong phần thịt
tươi lộ bên ngoài rồi xiên que phơi qua cái lổ vào buổi trưa nắng gắt cho dốt dốt
hai buổi xong đem vô ăn sống (dĩ nhiên ăn luôn cả lông)!! Ai tin được thì
tin!!
Trong nhà kho ban đêm rất lạnh. Tuy nhiên nhờ nằm
sát bên nhau và nhờ cái chăn mỏng nhà thăm nuôi nên cũng chịu được. Đến trưa trời
nóng như lò bánh mì, mười sáu thằng tù trần truồng cố gắng giải nhiệt bằng
cách nhúng khăn ( xé ra từ quần áo ) vào một phần tư lon guigoz nước (
phần nước phát để uống mỗi ngày) rồi cứ thế lau khắp người. Lau xong lại vắt
nước để dành, có khi dùng rửa chén, có khi để “ giặt đồ “. Rơi vào hoàn cảnh
không còn lựa chọn nào khác con người có thể làm được mọi thứ kể cả “ giặt đồ “
với phần tư lon gô nước.
“ Thay quần dài “ cũng là cả một nghệ thuật bởi vì hai cổ
chân của tù bị cùm suốt ngày .(nhiều người thối , khuyết cổ chân vì
kim loại ăn vào ), nếu không được “truyền thủ võ công “ làm thế nào
tù có thể thay đồ sau khi tắm?
***************
Thời gian cùng chung với một tù khác về bộ phận nuôi thỏ,
tôi học được một chuyện mà sau này mỗi lần kể đến vợ tôi lại rùng mình :
thằng bạn tù trong lúc dọn dẹp bắt được ổ chuột con mới đẻ còn đỏ hỏn , bụng
căng đầy sữa khoảng hơn chục con. Nó nói với tôi :
- Chuột
con tốt lắm, chữa được bệnh đau cột sống. Tao chia cho mày mấy con. Cầm lấy !!
- Thiệt
giỡn cha nội?
- Thì
cứ thử đi, tao bảo đảm mày không chết đâu mà sợ!!
Thấy tôi ngần ngừ, nó chắt lưỡi:
-
DM dân Saigon tụi bây chết nhát, coi tao nè
Rồi nó ngước mặt lên trời hả họng, bỏ từng con chuột con
vào miệng nuốt ực. Coi bọ nó nuốt ngon lành lắm như thế đang ăn “ đặc sản “
ngàn vàng. Hồi đó tôi chưa biết chuyện bà Từ Hi Thái hậu khoản đãi đám quan
khách ngoại giao Tây Phương món “ chuột hạ nàm nuôi bằng sâm “ nhưng thằng bạn
tôi rõ ràng cho thấy chuột con nuốt sống cũng không có gì đáng sợ nên tôi chận
nó lại:
-
Chừa cho tao mấy
con tao thử coi
-
Để lại mầy bốn con
đó
Tôi nhắm mắt nhắm mũi nuốt . Bởi vì tôi không nhai
nên cũng chẳng thấy “ hương vị “ như thế nào. Tôi cũng không cảm giác nhờn nhờn
hay ói mửa gì cả. Còn chuyện chuột hà nàm chữa được bệnh đau lưng ( xương
sống ) thì không biết bởi vì trước và sau khi nuốt ( cho tới
bây giờ) tôi chưa từng bị đau lưng. Tôi cũng đã ăn thịt rắn nấu cháo đậu xanh
mà theo ý riêng cũng chẳng ngon lành hay đặc biệt gì, tuy nhiên ở hoàn cảnh suy
dinh dưỡng trường kì như chúng tôi thì hễ cứ bỏ được vào miệng là đều
ngon như nem công chã phụng!!
“ Cái gì gọi là con và nhúc nhích được thì … ăn được !!
“ triết lý sáng ngời của tù nếu đem so sánh với triết lý của chúa đảng VC Tám
Keo ( Không có gì quý hơn …) thi chính xác đến một trăm
phần trăm . Tù it thăm nuôi mà sống sót được đến bây giờ là nhờ mấy thứ
nhúc nhích trên mặt đất. Chỉ thứ duy nhất răng không nhai được là con bù lon
thì chừa ra. Nếu nhai được chắc tù cũng không tha!!
Một chuyện có thật : buổi sáng được thả về khoảng
trên dưới ba chục mạng. Sau khi làm xong mọi thủ tục tù lần lượt trình diện
giấy ra trại ở cổng và mặt tay nào cũng rạng ngời sương khói. Đi xa khoảng
ba trăm mét có thằng định chạy , lại có thằng tính quỳ xuống lạy với vào cổng
trại. Anh em phải ngăn tụi nó lại, chửi :
- Tụi bây đừng có điên. Nó ngứa mắt nó lôi ở lại thêm ba
năm nữa thì chết cả đám !!
nguoiviettudo
No comments:
Post a Comment