Trước khi đề cập tới nước Mỹ, tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện của
một gia đình người Nhật, ở tại nước Nhật. Đây là câu chuyện hết sức đau
lòng về cụ Shigezo, một tư chức về hưu đã 20 năm, goá vợ và ở chung với
gia đình con trai tên Nobutoshi, con dâu Akiko và cháu nội trai
Satoshi.
Con dâu Akiko vừa đi làm, vừa lo việc nội trơ, lại vừa
chăm sóc đứa con trai còn học trung học. Ông cụ Shigezo, 85 tuổi đang
tiến dần đến tình trạng suy nhược của tuổi già, là một gánh nặng hết sức
to lớn mà Akiko phải gánh vác, một cuộc sống hết sức căng thẳng mà
Akiko phải lãnh đủ, không có một sự cảm thông nào của chồng, dù chồng cô
là con trai trưởng của cụ Shigezo.
Ông cụ đang từ từ quay về
tuổi ấu thơ, Akiko phải xem cụ như à một đứa trẻ mà cô phải bảo vệ và
chăm sóc bằng những cố gắng phi thường.
Cụ Shigezo bị bệnh lãng
trí của người già ngay từ khi cụ bà còn sống. Rất nhiều lần cụ đã đi ra
ngoài và không nhớ đường về nhà, có lần cảnh sát chở về hộ. Ông cụ lẫn
đến nỗi lúc bà vợ bị té nằm chết trong nhà, có thểà là do bị stroke
thình lình, ông cũng không hề biết, lại bỏ đi ra ngoài. Akiko đi làm về
thấy bố chồng đứng ngoài trời lạnh không áo khoác, cô đưa ông về nhà
mới phát giác bà mẹ chồng đã nằm bất động từ lúc nào và, thảm kịch bắt
đầu từ đây….
Sau khi vợ mất, bệnh lãng trí của cụ Shigezo càng
trở nặng, Akiko phải chăm sóc cho cụ mọi việc, đến nỗi buổi tối cô phải
ngủ cạnh để canh chừng. Nhiều lần trong đêm ông đã ra ngoài lúc trời có
trăng sáng, vừa đứng tiểu tiện vừa nhìn trăng Akiko đi tìm gặp đưa ông
vào nhà. Chính vì Akiko gần gũi chăm sóc cho cụ Shigezo nên trong gia
đình cụ chỉ quen mặt và nhớ tên một mình Akiko thôi, sự kiện nầy đã
khiến một đôi lần chồng và cô em chồng đã có vẻ ganh tị với Akiko, vì họ
cho họ là con ruột lại không được bố nhớ mặt nhớ tên, trong khi Akiko
là con dâu lại khiến cụ Shigezo nghe lời và còn luôn gọi tên cô nữa.
Người
ta không biết rằng người bị bệnh lãng trí thì mọi việc đối với họ như
một thói quen, một sự lập đi lập lại nhiều lần, y hệt như một đứa trẻ
lúc nào cũng ở gần bên mẹ, mẹ cho ăn chăm sóc lo lắng đủ điều thì việc
đứa trẻ quen thuộc với mẹ hơn với bố là lẽ thường thôi. Thoạt đầu Akiko
rất khó chịu, phiền hà khi phải chăm sóc cho bố chồng, cô không còn
chút thì giờ nào cho riêng mình, cả ngày đi làm; chiều về đến nhà thì cả
trăm công ngàn việc đang chờ cô; tối đi ngủ cũng chẳng yên giấc lại
phải trông chừng ông cụ. Theo thời gian qua, bệnh tình của cụ Shigezo
càng nặng hơn, đến nỗi cụ ăn rất nhiều mà chẳng biết ngừng nếu không có
ai thấy mà cản ngăn. Trong đám tang của vợ, cụ ông vào bếp ăn cả nồi súp
nấu cho khoảng chục người ở lại đêm trong tang lễ dùng. Tai hại kinh
khiếp hơn là trong một đêm Akiko tỉnh giấc , cô rất đỗi kinh hoàng khi
thấy bình tro cốt của mẹ chồng từ lâu vẫn đặt trên bàn thờ lại nằm dưới
đất, nắp bình mở ra và trên hai tay cụ Shigezo cầm một vật mà Akiko nhìn
như là mảnh xương lấy từ trong bình. Thật là khiếp đảm không thể tưởng
tượng nỗi! Akiko nghĩ không biết ông cụ đã có ăn miếng xương nào của vợ
chưa ? Cuối cùng một sự kiện không tưởng nữa là cụ Shigezo đi vệ sinh
trong tả, cụ cởi tả rồi bóc phân quẹt đầy tường, đầy thảm trong phòng.
Thế là Akiko một phen vất vả tắm rửa cho bố chồng, vừa phải dọn dẹp,
tẩy uế phòng. Akiko không chịu đựng nổi nữa, cô đề nghị với chồng phải
gửi cụ vào nhà dưỡng lão.
Vấn đề chưa được giải quyết thì cụ
Shigezo đã trở bệnh nặng, dường như lúc nào bệnh có những biểu hiện kỳ
lạ chính là dấu hiệu những ngày cuối cùng của bệnh, và sau một lần rời
nhà đi lạc được tìm về, cụ bị cảm nặng nằm liệt mấy ngày rồi trút hơi
thở cuối cùng sau đó không lâu.
Akiko trong đêm khuya, ngồi một
mình bên thi hài của cụ Shigezo chưa tẩm liệm, tay cô ôm chặt chiếc lồng
nhốt con chim mà lúc sinh thời cụ Shigezo rất ưa thích, cô chợt thấy
một nỗi trống vắng cô độc vô cùng. Lúc nầy cô mới cảm thấy bố chồng đã
là một hình ảnh rất thân thuộc với cô; nhưng khi cô cảm nhận được điều
nầy thì hình ảnh thân quen đó từ nay đã xa rời cô mãi mãi, bất giác cô
bật khóc nức nở. Cô khóc vì thương cụ Shigezo, khóc vì hối hận những lần
cô đối xử không tốt với cụ, hay cô khóc cho chính số phận mình không
biết ngày sau sẽ ra sao?!
Câu chuyện kể trên dựa theo bản dịch
tiếng Việt từ nguyên tác bằng tiếng Pháp “Les années du crépuscule” của
nhà xuất bản Stock, Paris 1986 (tiếng Mỹ tựa là The Twilight Years), một
trong những tiểu thuyết bán chạy nhất của Nhật. Ngay năm 1972 là năm
đầu tiên tác phẩm đã bán trên một triệu bản. Tác phẩm đề cập dến một vấn
đề xã hội nóng bỏng ở Nhật, cũng như ở nhiều nước khác trên thế giới đó
là cuộc sống của người già, vị trí xã hội và quyền lợi mà họ xứng đáng
được hưởng sau nhiều năm cống hiến công sức làm việc của mình cho cộng
đồng xã hội.
Tác giả của quyển truyện nổi tiếng trên là nữ văn sĩ Nhật Sawako Ariyoshi, sinh năm 1931, mất năm 1984 ở Tokyo.
Thảm
kịch trong câu chuyện trên không chỉ xảy ra ở nước Nhật, mà chính là
một thảm trạng chung của nhân loại. Các trường hợp mất trí nhớ trên toàn
thế giới sẽ gia tăng gấp 3 lần vào năm 2050 với 135 triệu người bệnh
theo phúc trình mới nhất của Alzheimer’ s Disease International, được
công bố trong cuộc họp G8 về bệnh Alzheimer’ s tại London.
Riêng
tại Hoa kỳ được báo động hơn 5 triệu người Mỹ đang mắc bênh nầy, người
ta ước đoán trong năm 2013 ở Hoa kỳ có 450,000 người chết vì bệnh trên
(theo tài liệu của Alzheimer’ s Association Hoa kỳ ). Các thống kê chính
thức về bệnh lãng trí Alzheimer’ s cho thấy bệnh nầy là nguyên nhân làm
chết người nhiều thứ 6 tại Hoa kỳ, với khoảng 83,000 người chết mỗi
năm. Nhưng nghiên cứu mới nhất cho thấy con số thật có thể nhiều gấp 6
lần, theo tin CNN.
Cuộc nghiên cứu đăng trên tạp chí Neurology
ước tính rằng bệnh lãng trí Alzheimer’s làm chết 503,000 người mỗi năm,
và con số nầy là nguyên nhân làm chết người nhiều thứ 3 tại Mỹ, chỉ sau
bệnh tim (600,000), và bệnh ung thư (575,000). Các nhà nghiên cứu hướng
dẫn bởi Bryan James, giáo sư dịch tể học tại Alzheimer’s Disease Center ở
Chicago nói rằng giấy chứng tử báo cáo thiếu sót về bệnh lãng trí
Alzheimer’ s thường ghi nguyên nhân chết vì bệnh trực tiếp hơn, như là
bệnh hoại huyết (pneumonia). Cuộc nghiên cứu kéo dài 8 năm về người tuổi
65 trở lên, những người đồng ý cho thử nghiệm về bệnh mất trí nhớ và đã
tặng não bộ để nghiên cứu khi chết.
Bệnh Alzheimer’ s là một căn
bệnh của tuổi già, là hình thức phổ biến nhất của chứng bệnh mất trí
nhớ mà nhân loại đang đối diện, bệnh phá huỷ tế bào não và chức năng của
não bộ rồi làm người bệnh thiệt mạng. Căn bệnh nầy được đặt tên theo
Bác Sĩ Tâm Thần và Thần Kinh Học người Đức tên Alois Alzheimer khi ông
đã nghiên cứu và xác định căn bệnh bất trị nầy
Bệnh có những dấu hiệu như sau:
- Trí nhớ sụt giảm, ảnh hưởng đến công việc hàng ngày.
- Mất định hướng về thời gian và không gian.
- Có vấn đề với cách dùng ngôn ngữ như xáo trộn từ ngữ thông thường.
- Để lạc đồ đạc và mất khả năng nhớ lại.
- Thay đổ tính tình hay tâm trạng.
Rồi dần dần bệnh nhân không còn biết tự kiểm soát mình nữa, đến nằm liệt và chết dần.
Từ
trước đến nay y khoa vẫn chưa tìm ra phương pháp chữa trị dứt bệnh
ngoài những khuyến cáo nên làm đối với người mới nhuốm bệnh, như tập thể
dục, chữa mất ngủ, chữa bớt quên sót. Giới y khoa chỉ biết là bệnh liên
quan đến việc thoái hóa những mảng xám của thần kinh não (neocortex),
nơi điều hành những suy nghĩ và lý luận của con người.
Từ sự
thoái hóa nầy, bệnh Alzheimer’ s sẽ đem đến một cái chết khổ sở, kéo
dài, và đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần cho cả người bệnh và thân
nhân…
Theo tin AP, ở Decatur, Alabama ( AP), có một cụ bà mắc
bệnh Alzeimer’s đã sống cạnh xác của ông chồng suốt một tháng sau khi
ông qua đời mà không biết việc gì đã xảy ra.
Ngày 10 tháng 3 năm
2014, thi thể cụ ông Jesse Kirby, 76 tuổi, được tìm thấy trưa ngày thứ
sáu tuần trước trên giường, sau khi cảnh sát đến nhà để xem xét tình
trạng của hai vợ chồng.
Cùng sống trong nhà là bà vợ, Doris
Kirby, 78 tuổi, được đưa vào bệnh viện sau đó. Ông chồng có nhiều căn
bệnh khác nhau, kể cả bệnh tim, và có vẻ đã chết trong khi ngủ khoảng 4
tuần trước đó, theo giám đốc văn phòng giảo nghiệm tử thi, ông Jeff
Chunn. Ông Chunn cho hay cánh cửa dẫn vào phòng ngủ của người chồng đã
đóng; và người vợ tiếp tục sống trong phía khác của căn nhà và vẫn có đồ
ăn đầy đủ.
Ông Chunn cho biết hai vợ chồng có hai người con đều
trưởng thành, sống ở vùng Decatur, nhưng không ai biết chuyện gì vì ông
bà Kirby sống rất khép kín.
Bệnh Alzheimer’s cũng từ lâu không
còn xa lạ với cộng đồng Việt tại hải ngoại. Theo báo chí Việt ngữ tại
miền Nam Cali, trước đây có hai vợ chồng Giáo Sư Bác Sĩ Lương Vinh Quốc
Khanh và Nguyễn Hoàng Lan, đã nghiên cứu dùng sinh tố D (loại bắt buộc
có toa bác sĩ chứ không phải loại tự do bán ngoài thị trường) để chữa
trị bệnh Alzheimer’s. Tạp chí Y Khoa chính thức của giới Y Sĩ Hoa Kỳ
“American Journal of Alzheimer’ s Disease & Other Dimentias “,
Volume 26(7): 510, đã cho đăng bài khảo cứu nầy.
Bác sĩ Khanh
là cựu Giáo Sư Bác Sĩ Y Khoa tại University of Southern California
(USC), Keck Medical School, Los Angeles, California. Ông còn là Chủ Tịch
sáng lập VAMA (Vietnamese American Medical Research Foundation).
Nhưng
thật trời không chìu lòng người, số phận vô cùng trớ trêu vì Bác Sĩ
Khanh, người đã từng đạt danh hiệu “Khoa Học Gia Thế Giới Hàng Năm”
(International Scientist of the Year) đã đột ngột từ trần ngày 02 tháng
10 năm 2013, trong khi công trình nghiên cứu về cách chữa trị bệnh
Alzheimer’s của Ông đang tiến triển.
*
Theo
mẹ tôi kể về ông cố, mới đầu ông ở dưới quê đi ra khỏi nhà mấy lần rồi
quên đường về nhà. Lúc bà ngoại mất trước 75 vì bệnh, bà cô tôi (em ông
ngoại) đưa ông cố từ dưới quê lên Sài gòn dự tang lễ, ông cố cứ ngồi kế
bên quan tài con dâu, đốt hết cây nhang nầy đến cây nhang khác.
Sau
ngày 30/4/75 ông cố lên Sai gòn ở nhà người con trai lớn là ông ngoại
tôi; Sau đó, người em ruôt của ông ngoại tôi đi theo miền Bắc từ năm
1954, gọi theo tiếng miền bắc là “đi tập kết” trở về. Ông chú ‘’cách
mạng” này khẳng định bố mình mất trí như người điên, nên đưa ông vào
bệnh viện tâm thần Biên hòa. Ông cụ bị nhốt chung phòng với những người
điên thật sự, chỉ thời gian ngắn ngủi sau, tinh thần cụ bị khủng hoảng
sa sút trầm trọng, cụ bỏ cả ăn uống kiệt sức dần dần. Ông ngoại tôi hay
tin đến xin đón cụ về nhà, cụ nằm mê man, chỉ môt ngày sau là qua đời,
có thể vì kiệt sức cả về tinh thần lẫn thể xác.
Sau nầy ở Hoa kỳ,
lúc tôi còn nhỏ học tiểu học, bà nội của tôi cũng mất vì bệnh nầy năm
2004. Lúc ấy bà nội về ở chung nhà với bố mẹ và tôi, tôi chỉ nhớ bố hay
bảo tôi lại gần nói chuyện, rồi ôm bà cho bà thấy vui; mà nào tôi có
thấy bà cười đâu. Cô út tôi có hai con gái rất xinh, ba mẹ con cô đến
thăm bà cuối tuần rồi ở lại nhà tôi chơi mấy ngày. Tôi và hai đứa em họ
cứ vây quanh bà, đứa nắm tay, đứa hôn má bà, rồi lại làm trò hề cố chọc
bà cười, vậy mà sao thấy bà vẫn dửõng dưng, ánh mắt bà như ngó tận đâu
đâu xa vắng. Lúc đó tôi mới học lớp 2, nên cũng chẳng biết gì về bệnh
của bà, bố tôi chỉ nói bà lớn tuổi rồi nên mắc bệnh hay quên của người
già. Sau đó tôi chỉ nhớ mơ hồ bà không ở nhà tôi nữa, mẹ nói bà bệnh
nhiều nên phải vào bệnh viện để chữa bệnh. Rồi một hôm đi học về tôi
thấy nhà tôi có các bác, anh chị của bố từ các tiểu bang xa về, mẹ khóc
nói với tôi bà mất rồi, con sẽ không bao giờ thấy được bà nữa đâu.
Mẹ
tôi không phải là một bác sĩ, cũøng không phải là một chuyên gia nghiên
cứu y khoa; nhưng bà hay để ý tìm hiểu và đọc những tài liệu nói về
bệnh Alzheimer’s, bà cũng là một thành viên của nhóm hổ trợ người bệnh
và người nuôi bệnh (Alzheimer’s Vietnamese Caregiver Support Group). Bà
sinh hoạt hàng tháng với nhóm nầy vào mỗi ngày thứ năm trong tuần lễ thứ
nhì.
Công việc của mẹ tôi cũng có gần 4 năm săn sóc cho một bà
cụ bị bệnh lú lẫn. Lúc đầu mới tiếp xúc với bà, mẹ gặp rất nhiều khó
khăn do phản ứng lần đầu tiên gặp người lạ, bà la lối, xua đuổi, có khi
còn mắng, còn nói nặng lời với mẹ.
Mẹ nói thời gian đầu nầy mẹ bị
rất nhiều stress, có lúc mẹ tưởng phải bỏ việc ngang, nhưng rồi mẹ hiểu
là bà cụ bị ảnh hưởng của căn bệnh Alzheimer’ s; không hề ý thức được
việc làm của mình, cũng giống như ông cố hồi đó hay giống như bà nội của
tôi lúc bệnh, và cũng giống y như ông cụ Shigezo trong truyện Nhật kể
trên.
Mẹ nói mẹ rất buồn vì phải chứng kiến bệnh bà cụ ngày một
nặng thêm. Cuối cùng, bà cụ đã từ trần sau mấy ngày hôn. Vậy là chỉ tới
khi chết, bà cụ đã được giải thoát khỏi căn bệnh Alzheimer’ s quái ác
Cũng
như mẹ, tôi không có ý định thành một bác sĩ, hay một nhà nghiên cứu y
khoa, nhưng lớn lên trong gia đình có ông cố, bà ngoại là bệnh nhân
Alzheimer’s, tôi muốn theo gương mẹ góp một phần nhỏ vào việc vận động
mọi người mở lòng nhân ái, đóng góp chút công sức và vật chất vào những
buổi đi bộ gây quỹ của hội Alzheimer’s.
Cùng với các bạn học,
tôi đã nhiều lần tham gia vào những buổi đi bộ gây quỹ của Hội. Khi nắm
tay nhau trong những cuộc đi bộ, chúng tôi cùng quyết tâm thực hiện như
lời kêu gọi của Ông Jim McAleer, President/CEO của Hội Alzheimer’s,
“Cùng nhau, chúng ta hy vọng ở một thế giới không còn bệnh Alzheimer’s.”
Còn nhớ, mỗi lần đi bộ, tôi lại được phát một áo T-shirt màu
tím có chữ trắng tên của Hội. Tôi từng nói với mẹ, “Sao Hội lại chọn màu
tím buồn quá vậy!” Mẹ nói màu tím giống như buổi hoàng hôn của tuổi
già, buồn như căn bệnh Alzheimer’s thời kỳ cuối cùng. Mẹ nói mẹ cũng cố
gắng tham gia sinh hoạt Hội mỗi tháng, góp mặt đi bộ mỗi năm theo hội,
thường vào tháng 10 hay 11, đó cũng là chút thiện chí nhỏ cuả mẹ.
Mẹ
kể trong mỗi kỳ sinh hoạt hội mỗi tháng, mẹ đã tận mắt chứng kiến hay
tận tai nghe kể những câu chuyện thật cảm động, thương tâm: có ông đã
kiên nhẫn nuôi vợ bệnh ở nhà gần chục năm; có bà cũng đã kề cận ông
chồng bệnh trên mười năm, tưởng đã có lúc kiệt sức chết trước người bệnh
rồi…
Trong câu truyện về cụ Shigezo lú lẫn, có đoạn kể là
Nobutoshi, cháu nội của cụ đã thốt ra trong một lúc bực dọc chán nản
khi cuộc sống bình thường của gia đình bị xáo trộn vì hệ lụy do ông nội
bị bệnh gây ra, đã nói “Bố mẹ đừng bao giờ sống già như thế!”
Tôi
cầu mong các nhà nghiên cứu về Y Khoa trên thế giới sớm tìm ra thuốc
khống chế được căn bệnh Alzheimer’ s quái ác, để con cháu không bao giờ
phải không phải bật lên câu nói bất hiếu đau lòng, để rồi phải ân
hận, như Nobutoshi cuối cùng nói lời hối tiếc muộn màng với mẹ Akiko
“Giá mà ông nội sống thêm vài năm nữa!”
(Bài viết từng được phổ biến hạn chế, ký tên Phạm Duy An. Đây là một bút hiệu khác của Thái Anh/QNA).
Thái Anh/QNA
vietbao.com
No comments:
Post a Comment