Friday, May 17, 2013

Một Cuộc Trùng Phùng - Người Phương Nam

Thương tặng hai má con Du Du

Từ khi mất nước, sau mấy năm dài ngậm đắng nuốt cay sống nhẫn nhục dưới chế độ cộng sản chờ thời, họ hàng thân thuộc cật ruột bà con nhà cô Kiều đã lần lượt tản mác khắp bốn phương trời đi tìm tự do cơm no áo ấm. 

Gia đình cô Kiều nổi trôi tới Úc, anh chị em bên chồng, người thì định cư ở Mỹ, kẻ thì Canada. Bà dì cô Kiều và mấy đứa con còn lại được người con gái lớn bảo lãnh qua Pháp làm lại cuộc đời. Đất khách quê người, thời gian đầu ai cũng lo đi làm, tất bật vì sinh kế, không mấy khi có dịp thư từ liên lạc với nhau. Có khi cả năm trời,  nhân dịp Giáng Sinh hay tết nhứt, họ mới gởi cho nhau  tấm thiệp chúc lành  kèm theo đôi ba lời thăm hỏi coi mạnh khỏe buồn vui thế nào. Nhưng sau hơn hai  mươi năm thì  mọi sự đều đã ổn định, nhà cửa không  còn nợ nần, con cái  khôn lớn thành tài họặc đã yên bề gia thất, cuộc sống không còn phải bận rộn lo toan cho nên giờ đây là lúc mọi người rảnh rang tâm trí nghĩ tới thân bằng quyến thuộc xưa rồi tính chuyện đi thăm viếng để  gặp lại nhau ít ra một lần trước khi vĩnh viễn nằm xuống.

Người bà con thân nhứt với Kiều là Vân, chị em bạn dì ruột (má Vân là chị của má Kiều) hơn kém nhau một tuổi. Thuở nhỏ hai đứa đi học chung đến hết  tiểu học chương trình Pháp, đã có với nhau rất nhiều kỷ niệm gắn bó khó quên dưới mái trường dòng nữ tu áo trắng. Hai đứa tính khí trái ngược nhau, Vân thì bộc trực nóng nảy nên thường bị người cậu bà con chọc ghẹo là “la chằng méchante et gourmande” (bà chằng dữ và háu ăn) mặc dù Vân có khuôn mặt trái soan trắng hồng thật đẹp và đuôi tóc dài cột nhỏng thắt nơ kiểu queue de cheval (đuôi ngựa) trông rất mignonne (dễ thương). Còn Kiều thì nhỏ nhẹ rụt rè như  con mèo ướt, lúc nào cũng sợ đụng chạm phật lòng người chung quanh. Vậy mà không biết sao hai đứa lại hợp, chơi thân với nhau không hề gây gổ cự lộn mới là lạ.

Mỗi dịp bãi trường, học trò ở thành đô thị tứ thường chuộng  về quê nội quê ngọai ở  các miền thôn quê lục tỉnh để vui thú thiên nhiên, tắm sông câu cá hay trèo cây hái trái ăn thả dàn, còn hai đứa thì lại thích lên chốn phồn hoa đô hội để ngày ngày được bát phố dạo  chợ Bến Thành suốt bốn cửa đông tây nam bắc, nhìn ngắm hết gian hàng này tới gian hàng nọ đến chán chê no mắt hoặc đi chơi sở thú, vườn tao đàn đến rả cặp giò mới chịu kêu xích lô chở về. Thuở ấy, sáng  sáng sau khi ăn lót lòng tô mì ở một con hẻm đường Nguyễn Công Trứ xong là hai đứa  bắt đầu thả bộ tà tà ra chợ. Mỗi khi thấy Kiều nhìn mê mệt món gì như muốn thôi miên, Vân đều căn dặn hăm he:
            - Chợ này họ bán đồ nói thách lắm, muốn mua cái gì cũng phải trả giá không thôi lầm chết đi, nhứt là người ta thấy cái mặt khờ ịch  của mầy đó.
Kiều nhăn nhó e dè nói:
            - Trả giá lạng quạng người ta chưởi chết, dân ở đây đâu có hiền như ở tỉnh mình . Vậy thôi tao chỉ coi chơi cho đỡ ghiền,  khỏi mua đâu.
Vân làm tài lanh:
            - Vậy thì muốn mua cái gì nói với tao, tao trả giá cho, tội gì không mua, người ta chưởi mình thì mình chưởi lại, sợ thằng tây nào, nhát như mầy để thiên hạ ăn giựt hết sao.

Ngày nào cũng rảo tới rảo lui mấy gian hàng như vậy, mấy bà bán hàng quen mặt đặt tên là “nhỏ mập nhỏ ốm”. Thấy hai đứa từ xa đi tới là họ đon đả gọi mời “em mập, em ốm bữa nay muốn mua gì đây, tui bán rẻ cho, quen rồi không có nói thách nữa đâu”. Mặc cho ai muốn kêu mập ốm lùn cao gì cũng được, hai đứa vẫn cười vô tư miễn  sao mua được món đồ ưng ý giá phải chăng mà không bị...chưởi. Rồi niên thiếu qua đi, lớn lên nhỏ  ốm Kiều sớm có bồ, trong thời gian hẹn hò đi chơi với bồ để tìm hiểu nhau, nhỏ mập được người nhà “biệt phái” đi theo làm kỳ đà cản mũi. Nhỏ ốm bực bội lắm, hai năm sau làm đám cưới với bồ cho nhỏ mập “ra rìa’. Nhỏ mập chưa kịp gặp người lý tưởng thì Việt cộng vô, ba chân bốn cẳng mạnh ai nấy chạy. Nhỏ mập qua tới Pháp một thời gian mấy năm sau mới lập gia đình, sanh con  vào tuổi ba mươi sáu.

Bây giờ thì hai đứa đã luống tuổi bạc đầu, không còn là petite filles nhỏ mập nhỏ ốm nhí  nhảnh xảnh xẹ ngày xưa nữa mà đã thành hai bà già quá tuổi menopause. Bà ốm đã là grande-mère (grandma) của hai thằng cháu ngọai năm và sáu tuổi. Bà mập thì cũng có con lớn sắp ra trường. Khi cậu em trai bà ốm chở hai má con bà mập từ phi trường về, tưởng găp lại nhau hai bà sẽ mừng rỡ cười vui tưng bừng, ai dè hai bà nhìn sững nhau  nghèn nghẹn rồi   bỗng dưng òa khóc làm nhỏ cháu con bà mập cũng rưng rưng nước mắt theo tuy mới lần đầu tiên găp mặt Ý Kiều (dì Kiều). Xin nói rõ đây là một gia tộc mà ông bà họ là “Người đến từ Triều Châu” cho nên những danh từ xưng hô trong suốt câu chuyện đều được âm theo tiếng tiều.

Qua phút giây xúc động, bà ốm thở dài bùi ngùi nói lên một lời như than thở nuối tiếc:
           - Già hết rồi hả mậy?
Bà mập hít hit mũi nói xuôi theo:
          - Ừ, mấy chục năm rồi  còn gì , tưởng không còn gặp lại nhau nữa chớ.
- Gia Như đây hả con? Bao nhiêu tuổi rồi? Dễ thương quá há, cũng khuôn mặt  thon thon Chúc  Anh Đài giống maman hồi xưa vậy.
Bà ốm nhìn cô cháu ngắm nghía. Gia Như tươi cười nói, cách phát âm không Việt không tây mà cũng không tàu, nghe là lạ  hay hay:
          - Lần đầu tiên con nghe có người nói má con giống tài tử ciné. Con sanh sau đẻ muộn, mới hai chục tuổi thôi nhưng  cũng đã  coi qua phim đó. Thiệt tình cái hình má con hồi nhỏ giống Lạc Đế đóng vai Chúc Anh Đài đẹp quá.
Bà mập đã bớt xúc động, cắt ngang lời con gái xen vào, vẫn tươm tướp như xưa:
            - Vậy bây giờ hết đẹp rồi hả? Sao lại ví tui như Lạc Đế chớ? Tui là tui, dù không bằng ai nhưng tui có cuộc đời đáng tự hào của riêng tui, cần gì phải giống ai. Lạc Đế có muốn giống tui cũng không được. Thôi đừng nói chuyện trên trời dưới đất nữa. Có chỗ cho hai má con tui ở không đây?
- Dĩ nhiên rồi. Không là khách sạn năm sao nhưng có máy lạnh máy nóng, nhà tắm toilet riêng biệt cho Ý Năm (Vân là người con thứ năm của bà dì) và bao  ăn luôn sáng trưa chiều nữa, d’accord?
Ông Tâm, ông xã bà ốm lên tiếng. Gia Như reo lên:
            - Vậy là mười sao rồi.  Khách sạn năm sao đâu có bao ăn uống. Con ham ăn lắm đó. Ở đây hai tuần chắc ăn sập nhà Ý Tỉa (dì dượng) luôn.
Bà ốm cười hiền:
- Có ở cả tháng cũng không sợ. Ở những xứ dư thừa vật chất này thì chuyện ăn uống không sợ tốn kém, chỉ sợ là không biết ăn gì thôi bởi vì ai cũng đầy đủ quá rồi, ăn cái gì cũng không thấy ngon. À, đây là ông xã và con gái của Ý. Nó tên là Dung nhưng bây giờ kêu là Agnes. Hồi nó còn nhỏ má con hay bồng ẳm nó đi chơi đầu trên xóm dưới và may đồ mới cho nó mặc hòai. Nè Dung, đây là Ý năm mà má thường nói với con đó.
Sực nhớ là nảy giờ chưa chào ông Tâm, bà mập bảo con gái:
          - Dú (tên tiếng tiều), chào Tỉa đi con. Ông thầy Pháp văn đó. Con cứ nói tiếng Pháp thỏai mái, Tỉa chắc chắn là hiểu mà, khỏi lo. Nảy giờ gặp Chế hai (bà ốm) mừng quá nên quên phứt ông thầy đi. Xin lỗi nghe. Ông thầy coi còn khỏe quá, hèn chi nghe tiếng nói trong điện thọai giống y như hồi xưa. Còn bé Dung thì khác hẳn. Nếu thình lình đụng đầu ngòai đường chắc nhìn không ra nổi. Chắc con không có ấn tượng gì về Ý Năm đâu hả? Hồi ba má con đi vượt biên, con còn nhỏ quá mà. Bây giờ có con năm sáu tuổi rồi, thay đổi là phải. Trời, hai thằng nhỏ lai tây của con đẹp quá, thấy mà mê. Con Dú của Ý năm nó cũng thích con nít như Ý vậy. Ở bên Pháp hễ rảnh rảnh là hai má con đi kiếm con hàng xóm về giữ giùm cho người ta đi chợ đi chơi. Nó cũng bập bẹ tiếng Anh được kha khá. Để chút nữa nó làm quen với hai thằng cho coi.
Ông Tâm chưa kịp nói gì thì Dung đã giành nói:
            - Con không nhớ một chút gì hết nhưng mà có nghe má con nói về bà con bạn dì. Hồi nào tới giờ con chỉ có một mình, không anh chị em, bây giờ tự nhiên “lòi” ra một đứa cousine, vui quá xá. Nè, thằng này là ông xã của con. Nó tên José, người gốc Spanish. Con nói tiếng Việt không rành đâu, Dú với Ý Năm nghe được chữ nào thì nghe, mà không được cười đó.
Và quay sang thằng chồng, bé Dung nói:
            - Hey honey, this is my Mum’s cousin. They are from Paris. They haven’t seen each other for nearly thirty years (Nè ông xã, đây là em bạn dì của má tui. Họ từ Paris tới. Họ không gặp nhau đã gần ba chục năm rồi).
José bắt tay hai má con bà mập chào xã giao:
          - Wow! That’s a long time. Hello, how are you? Nice to meet you. Welcome to Australia.
Ông Tâm thông dịch lại cho bà mập và nói thêm về thằng rể:
            - Thằng này thấy như hộ pháp vậy chớ hiền khô hà. Ba má nó di dân qua Úc từ năm 82. Tụi nó gặp nhau ở đại học, cặp bồ với nhau bảy tám năm, có công ăn việc làm hết rồi mới chịu đám cưới. Con Dung gặp thằng này cũng có phước. Nó không có bạn bè, không nhậu nhẹt, không hút thuốc, chỉ biết đi làm rồi về nhà với vợ con nó thôi.
            - Vậy thì giống ông thầy rồi. Cha vợ với con rể chắc hợp nhau lắm hả? Tui cũng chỉ có môt đứa con gái như ông thầy, hy vọng sau này  có được thằng rể mẫu mực vậy cho con  mình nó nhờ.
Nghe bà mập nói vậy Gia Như ngoe nguẩy nũng nịu nói:
           - Con không cần nhờ ai hết, chỉ cần maman thôi. Ở với maman hòai để đi làm về có sẵn cơm ăn và quần áo giặt ủi sẵn để mặc. Đâu có ai chịu lo cho con như má mà không một tiếng than phiền.  
Bé Dung cười khanh khách trêu ghẹo:
           - Ha ha ha...what a kid! You say the same thing as me before. You con nít quá đi, nói giống y tui hồi đó vậy. Bây giờ thì nói nghe ngon lắm, mai mốt gặp thằng nào rồi biết. Chừng đó cũng bỏ maman theo người ta thôi. Rồi rốt cuộc cũng đem cả đám về cho má you nuôi như tui bây giờ nè, phải không má? Má có một đứa con mà bây giờ thành bốn, nhiều bonus quá rồi còn gì. Hồi đó má thích có con trai, may nhờ con là con gái cho nên mới đẻ được hai thằng cháu trai nó quậy cho má khùng luôn.
Bà ốm lườm con gái nói:
            - Cũng may cho con là con một, chớ nếu không thì má còn phải lo mấy đứa kia nữa. Con không có sướng được vậy đâu. Nói cho mà biết không thôi cứ than là lonely không có anh chị em như người ta. Thôi phụ với Dú đem hành lý vô phòng đi, má đi hâm nóng nồi súp lại để làm cho mỗi người một tô bánh canh ăn lót lòng. Bà ngọai con chắc cũng sắp qua tới rồi.
Bé Dung khoe với nhỏ em bạn dì mới gặp:
            - My mum nấu ăn ngon lắm, lát nữa Dú ăn thử rồi biết. Cái bụng thì no mà cái miệng còn thèm, bởi vậy tui đi gym hòai mà cũng vẫn “phì lủ” , không làm sao giảm cân được . 
Bà mập nhìn bà ốm tỏ vẻ nghi ngờ:
            - Tao nhớ hồi đó có bao giờ mầy vô bếp đâu. Ý út (má bà ốm) nấu không mà, sao bây giờ lại thành “chánh tổng”(đầu bếp chánh) hay vậy?
  - Có gì khó đâu, muốn ăn thì lăn vô bếp, nấu riết thì quen chớ gì, nhứt là tao lại thích nấu ăn và biến chế món này món nọ. Mà không nấu cũng không được, ông thầy của tao ổng không có chịu ăn đồ nấu sẵn ngòai tiệm đâu, khổ vậy đó mầy ơi!

Bà mập và bà ốm vừa chuẩn bị đồ ăn vừa trò chuyện. Ông thầy thỉnh thỏang xen vô phụ họa, nhớ đâu nói đó, nhắc lại chuyện cũ từ trước khi mất nước “đứt phim”, hỏi thăm hết người này tới người nọ lung tung không có đầu đuôi lớp lang thứ tự gì hết trọi. Hai đứa con gái của hai bà và cô em dâu bà ốm cũng trao đổi với nhau đủ thứ đề tài coi bộ rất thân mật tương đắc kèm theo những tiếng cười dòn tan vui vẻ. Chỉ có thằng rể không hiểu gì nên biết thân ngồi yên coi chừng hai thằng nhỏ đang bắt đầu quậy phá tưng bừng vì boring, đồng thời nói chuyện tào lao với thằng cậu vợ. Đúng lúc ấy thì ngòai cửa có tiếng thắng xe ngừng lại và tiếng người xôn xao. Thì ra vợ chồng cô em gái bà ốm chở con cái và ba má qua thăm người cháu  từ Pháp mới sang, người cháu ruột thịt thân yêu mà đã hơn hai mươi năm cách biệt, chỉ thấy hình và thỉnh thỏang nghe tiếng nói qua đường dây điện thọai viễn liên mà thôi.

Bà mập chạy lại cửa đón bà dì, người em út còn sót lại trên đời của má mình với cặp mắt đỏ hoe chực trào ngấn lệ khi thấy Dì dượng đi từng bước chậm chạp khó khăn với cây gậy đồng hành. Hình ảnh sau cùng mà bà mập thấy  ở dì dượng là một đôi vợ chồng giữa tuổi ngũ tuần còn tráng kiện, năng động  đi đứng bình thường. Ngày ngày dì còn xách giỏ đi chợ nấu ăn, lo công việc nhà, còn dượng ngòai hai buổi đi làm công nhân viên hợp tác xã nhà nước, dượng còn về nhà đụt đẽo mài dũa làm thợ sửa chửa đồ đạc ngòai sân trong nhà như chơi. Vậy mà sau hai mươi bảy năm, thời gian đã biến dì dượng thành hai người già đầu bạc tóc trắng, chân mòn gối lỏng làm xiêu vẹo mỗi bước đi. Hai dì cháu mừng mừng tủi tủi ôm nhau khóc ròng. Bà ốm lại thêm một phen sụt sùi. Gia Như là đứa dễ xúc động mau nước mắt nên cũng có phần trong đó khiến thằng em bà ốm phải lên tiếng pha trò nói giỡn:
            - Cả nhà này xúm lại một hồi chắc lụt quá. Dung à, mầy đi lấy cho tao cái bucket để hứng nước coi. Bữa nay sum họp vui vẻ như vậy mà mấy bà khóc cái gì. Cười lên giùm cái đi để cậu chụp hình kỷ niệm. Muốn khóc thì đợi mai mốt về rồi hãy khóc. Mấy tô bánh canh đang chờ mình giải quyết kìa. Cậu cảm thấy đói bụng quá rồi bà hai ơi! Thôi mọi người hãy ngồi vào bàn dùng chút điểm tâm “tẩy trần” phủi bụi đường xa rồi từ từ mới hàn huyên tâm sự. Chế Huốn (chị Vân) còn ở đây hai tuần lận mà.   

Bà mập nghẹn ngào kể lại với dì Út:
            - Hồi má còn sống má cứ nói hòai, chờ Ý Út mầy qua Úc đòan tựu gia đình với con Kiều, má sẽ qua bển thăm nó một chuyến. Chị em sống chung nhà từ nhỏ tới lớn, gả lấy chồng vẫn ở lẩn quẩn gần nhau có chị có em, vậy mà cuối đời lại tản mác mỗi người một chỗ, thiệt là buồn. Nhưng má chờ không được, năm 88 thì má qua đời, còn Ý Út thì tới năm 91 mới qua tới Úc. Bây giờ coi như  con thay mặt má  qua thăm Ý Tỉa cho má  được  ngậm cười nơi chín suối.
Dì út chậm nước mắt nói:
            - Hồi Chế Ba (má bà mập) dẫn tụi con đi Pháp rồi, Ý Út đã đinh ninh là mình vĩnh viễn không còn  gặp lại nhau nữa. Cũng nhờ con có lòng nghĩ tới bà con qua đây thăm một chuyến chớ Ý Tỉa bây giờ đã quá già, chỉ có thể xích tới xích lui trong nhà ngòai ngỏ, làm sao lặn lội qua tới Pháp thăm tụi con cho được. Mấy chị em ở bển khỏe hết không con? Con gái con đây hả? Lớn đại rồi Lào Ý mới được thấy mặt, sắp ra trường, làm việc chưa con?
Bà mập quay sang con gái giới thiệu:
            - Dú à, đây là Lào Ý, em của bà ngọai con đó. Má dẫn con qua đây cho biết hết những người bà con thân nhứt của mình hồi xưa. Lào Ý có ba người con là Ý Kiều, Ý Lan và Xới củ (cậu út). Ý Kiều chỉ có một mình Bé Dung, Ý Lan thì được hai đứa là Tú Mẩn và Tú Mai. Bốn đứa tụi con là đời thứ ba tính từ Lào Ý xuống và là chị em bạn dì ngang vai nhau. Còn hai thằng Alex, Anthony con của bé Dung thuộc thế hệ thứ tư. Một mai lớp già này qua đời hết, tụi con còn biết  nhau để mà liên lạc giữ tình bà con. Phước đức lắm nên bốn đời mới được gặp nhau sum họp như vầy phải không Ý Út?

Nhưng cuộc vui nào rồi cũng tàn. Trong sum họp đã có mầm ly tan. Lúc chưa tới chưa gặp thì nôn nao trông đợi nhưng khi đã gặp nhau rồi thì lại thấy sắp phải  xa nhau. Đó là tâm trạng "chưa vui sum họp đã sầu chia phôi" của những kẻ mang bệnh đa cảm đa sầu. Suốt hai tuần bên nhau, cả đại gia đình luôn khắng khít không rời, cùng sống lại những ngày thân ái xa xưa và kể lể nhau chuyện đời tập hai, tập ba từ lúc bôn ba xứ người. Và cuộc trùng phùng hội ngộ đầy ấp tình thân gia đình này đã được Gia Như ghi lại từng chi tiết trong camera để làm thành một DVD lưu niệm nhớ  đời. Ngày đưa hai má con bà mập ra phi trường, không ai dằn được nước mắt khi chợt nghĩ không biết có còn tái ngộ lần sau. Bà ốm dặn dò bà mập:
            - Hè năm sau nếu qua được thì qua chơi nữa nghe. Căn phòng nhà dưới lúc nào cũng chờ hai má con mầy tới. Đừng để lâu quá sợ không còn gặp đủ mặt như lần này. Tuổi mình bây giờ như bóng đèn xài lâu đã cũ không biết đứt lúc nào. Mong manh lắm.
Gia Như cũng bịn rịn, giọng đầy quyến luyến:
          - Con đang làm thực tập trong hảng hàng không Cathay Pacific. Lần này con về bển sẽ rán xin làm luôn ở đó. Chừng đó mua vé máy bay chỉ tốn 10% thôi. Như vậy con và maman sẽ qua đây thường xuyên hơn được. Mới gặp nhau có hai tuần mà con cảm thấy thân thiết với bà con bên này như đã sống chung từ hồi đời nào rồi vậy. Con về  nhưng trái tim vẫn gởi lại nơi này. Và con hy vọng sẽ gặp lại mọi người một ngày không xa. 

Cuộc vui nào chẳng lúc tàn
Đời người tan hợp hợp tan lẽ thường
Thì thôi chớ quá bi thuơng
Còn duyên còn gặp, hết duyên cũng đành...

   
   Người Phương Nam

No comments:

Post a Comment