Saturday, June 22, 2013

Philippo, Ông Hàng Xóm - Người Phương Nam


Khu town house nhà ông Nam có chín units nằm trên một con đường rộng rãi, mát mẻ và  yên tịnh gần một ngôi trường tiểu học công lập.  Đó là những căn nhà phố hai tầng lọai trung bình, khá khang trang vừa mới xây xong đang lên list bán trên mạng. Trừ hai căn mà hai anh em người chủ đất chiếm lên trước để ở, Ông Nam là người thứ ba tới coi nhà và chọn căn số bảy,  một unit chót nhứt  ở dãy phía sau mà muốn  vào  tới thì  phải  chạy đến hết cái driveway của complex.  Tuy  nằm trong  tận cùng nhưng  nhà ông Nam lại ở địa điểm ‘’ngon’’ nhứt trong chín căn với double garage, hành lang bên hông nhà và sân sau biệt lập khá lớn đối với một cái town house  standard.  

Sau khi ông Nam dọn vào không bao lâu,  mấy căn  còn lại cũng dần dần có người chiếu cố mua hết, đăc biệt là ai cũng mua để ở chớ không phải cho mướn đầu tư.  Duy chỉ còn lại căn số 6, vì nó nằm sát ngay cái cua quẹo trên driveway và phòng ốc trên lầu quá chật hẹp nên  ai tới coi cũng đều lắc đầu đi luôn không  trả giá. Cuối cùng, gần cả năm trời sau, bỗng đâu có một ông già người Ý xuất hiện, xem sơ qua một  lần rồi deposit, không biết có phải vì bị băng đảng Mafia  ruợt đuổi hay không hay là vì  chủ nhà để lâu quá bán không được đã hạ giá tối đa nên ông  chụp cơ hội mua ngay không cần so đo cân nhắc.    

Đó là ông Philippo, một ông già độc thủ tuổi bảy mươi nhưng trông còn rất  ‘’ngầu’’ và lanh lợi họat bát. Cánh tay phải của ông vì một lý do nào đó  đã bỏ lại ở quê hương Ý Đại Lợi vùng  Sicily, cái nôi đầu đời của trùm Mafia khét tiếng thế giới. Thuở còn trai tráng chắc ông cũng tung hòanh ngang dọc một thời nhưng  giờ đây ở tuổi thất thập gần đất xa trời với một cánh tay trái còn lại, muốn ‘’quậy’’ cũng không ‘’tới bến’’ theo ý mình nên đành rút khỏi giang hồ gác kiếm an phận về hưu.

Ông có bà vợ chấp nối người  Philippine tên Maria, vừa già vừa cục mịch lam lủ  không mấy xứng với ông  (hình như đa số đàn ông Âu châu nào lấy vợ Á châu mắt cũng đều có vấn đề, thấy Thị Nở ra Hằng Nga hay sao). Nói vậy chớ duyện nợ do trời, biết sao mà tránh, dù có là ‘’bố già’’ cũng chạy trời không khỏi. Vợ thì vậy nhưng đồ đạc giuờng tủ bàn ghế trong nhà, Philippo rất chịu chơi, sắm tòan là đồ xịn, nguyên series từ bên Ý nhập cảng qua tốn hết năm chục ngàn bày biện đầy căn nhà mới ông mới mãn nguyện hài lòng (mục này thì ông có thể chọn lựa theo ý mình đựơc).  Căn town house của ông cũng hai tầng như tất cả những căn kia nhưng ông chỉ xử dụng có tầng  dưới bởi vì gia đình ông chỉ có hai vợ chồng, nội tầng dưới cũng đã đầy đủ tiện nghi như một căn nhà trệt gồm có nhà bếp, nhà giặt, nhà tắm, phòng khách phòng ngủ, garage. Hèn gì mà ông không care phòng trên  lớn nhỏ, rộng hẹp ra sao.  

Đầu tiên khi mới dọn vô, Philippo biết thân mình là ma mới, là kẻ đến sau lại không giống ai nên lân la đi khắp xóm chào hỏi làm quen với mọi người  khiến ai cũng nảy sinh thiện cảm  niềm nỡ welcome ông.  Sau đó ông tổ chức barbecue party mời hết cả xóm tới nhà ông dự, trước là ăn tân gia, sau là để tỏ tình thân thiện lối xóm có nhau.  Cái hôm làm barbecue, bà con bên vợ của ông tới rất đông, đông hơn cả xóm gọp lại, mỗi người đem một món, ông thì nướng đủ lọai thịt, cung cấp bia rượu nước ngọt, champagne, ai thích gì dùng nấy, thức ăn la liệt, rượu thịt ê hề hơn cả hòang triều La Mã xa xưa làm cả xóm vui vẻ hả hê nể mặt ông độc thủ vô cùng, nhứt là  khi thấy tòan bộ furniture made in Italy sang trọng chóang ngộp phòng khách phòng ăn.

Tuy chỉ có một cánh tay trái nhưng Philippo rất năng động. Ông cũng lái xe nhuyễn nhừ chạy phon phon ngòai đường như ai và cũng đi làm lai rai  nếu cần. Nghề tự do của ông là thợ sơn, thỉnh thỏang ông cũng hợp tác với một người bạn lãnh sơn nhà cho thiên hạ cho vui chớ tuổi của ông lãnh trợ cấp tiền pension và disability  cũng dư ăn dư xài. Từ khi dọn về khu town house này, ông thường tìm coi có việc gì giúp được cho bà con hàng xóm thì đều tình nguyện làm giúp, chẳng hạn như mé những nhánh cây mọc de ra chóang driveway, thay bóng đèn chết hay quét lá chung quanh common area  những khi chưa tới ngày có người tới dọn dẹp. Và mỗi tuần tới ngày council lấy rác thì ông kéo thùng rác và thùng recycle ra lề đường giùm cho những ai trong xóm bận đi làm.

Philippo thích và nể nhứt là ông Nam vì ông Nam là công chức về hưu, con người rất có nguyên tắc, đâu ra đó nhưng tính tình hiền lương ngay thẳng tốt bụng, lại thuộc hạng lão làng cho nên mặc nhiên ai cũng coi ông Nam như là tổ trưởng  trong complex . Có chuyện gì cần thỏa hiệp hay thắc mắc về điều lệ strata, ai cũng tín nhiệm gỏ cửa nhà ông Nam nhờ giải quyết phân xử . Họặc có ai mua đồ tới ngày giao mà không thể ở nhà chờ thì gởi chìa khóa cho ông Nam nhờ ký nhận. Nhứt nhứt chuyện gì cũng kiếm ông Nam. Do đó Philippo rất ‘’kết’’ ông Nam, thường tìm ông Nam trò chuyện, mời ông Nam qua nhà uống cà phê và thỉnh thỏang biếu chai rượu nhẹ ngọt ngon ‘’Verdi’’  để nhờ lấy thơ và coi chừng nhà giùm khi ông đi holiday một hai tuần hay một hai tháng.

Philippo ở yên trong khu nhà chín căn đó được hai năm thì hai vợ chồng ông xảy ra chuyện bất hòa đưa đến ly dị. Mỗi người đều cho phần phải về mình. Ông thì nói ông đã giúp đỡ gia đình bên vợ ở Philippine rất nhiều nhưng bà cứ tìm cách bòn tiền ông mãi, đến chừng không được nữa thì miệt thị ông là đồ tàn tật phế thải. Còn bà thì cho là ông bủn xỉn keo kiệt không biết nghĩ tới công lao bà đã theo săn sóc phụng dưỡng  ông bấy lâu. Thôi thì hết duyên hết nợ đường ai nấy đi, ai phải ai quấy cũng không thể nào hàn gắn lại cuộc vợ chồng chấp nối tạm bợ mà trong đó đồng tiền được coi trọng hơn tình nghĩa. Vậy rồi bà dọn đi, căn nhà chỉ còn lại một mình Philippo.

Nhưng số Philippo đào hoa có thừa, cho dù  là độc thủ nhưng là ‘’độc thủ phong lưu khách’’ nên dù không rủ mấy bà cũng tới. Chỉ khỏang hơn tháng sau là ông Nam nghe người trong xóm gossip với nhau rằng Philippo có new girl friend (bồ mới) rồi.  Bà này là người cùng xứ sở với ông, dáng dấp cao sang hơn bà Maria  nhiều, lại có sẵn nhà cửa sau nhiều năm cùng chồng trước gầy dựng.  Vậy là một lần nữa ông ‘’sang ngang’’ tục huyền theo bà thứ ba về dinh bỏ trống căn nhà với mớ bàn tủ còn mới tinh chưa tì vết. Trước khi đi, ông đến từ giã  ông Nam và nhờ ông Nam lấy thơ cất  giữ giùm, ông sẽ đi đi về về chờ coi tình hình ăn ở với bà  ba này ra sao rồi mới giải quyết  căn nhà, hoặc bán hoặc cho mướn hay về ở tiếp trở lại.

Philippo dọn đi khỏang hai tháng thì một hôm ông và thằng con trai con bà vợ đầu tiên (không rõ bà  vợ lớn của ông đi ‘’bán muối’’ hay ly dị) trở về  với một chiếc xe truck removal. Ông chạy qua kiếm ông Nam nói:
-Bây giờ tôi chở đồ đạc về bên nhà vợ ba, còn căn nhà này thì tôi  sẽ  kêu agent cho mướn. Ông qua coi có muốn mua lại bộ dining table hay lounge gì không, tôi để lại với giá rẻ cho. Đồ rất tốt.

Từ đầu khi qua nhà Philippo uống cà phê trò chuyện, ông Nam đã ưng ý  bộ bàn  ăn của Philippo lắm rồi nhưng vì ông cũng mới mua tòan bộ furniture  khi dọn về đây, tuy không xuất sắc đắt tiền gì cho lắm nhưng món nào món nấy xứng đào xứng kép với nhau. Vì vậy ông Nam nói:
-Tôi rất thích bộ bàn ăn của ông, rất đẹp rất sang, màu sắc lại phù hợp với màu sơn nhà nhưng  tôi đã sắm đủ hết rồi, bây giờ đem về cũng không biết để đâu. Thôi ông chở nó theo ông đi. Những  đồ đạc này ông ưa thích lắm mà.

Thế là từ đó Philippo đi luôn, thỉnh thỏang lắm mới tình cờ gặp ông và bà ba đi shopping. Căn nhà để trống khỏang ba tháng sau  thì có người vô mướn. Philippo chưa muốn bán có lẽ vì lo xa biết đâu một ngày nào đó lại chia tay bà vợ thứ ba thì phải có chỗ để về. ‘’Que sera sera!’’ Chuyện đời làm sao mà lường trước cho được, tốt nhứt là phải thủ cho mình kẻo  một khi sa cơ thất thế bị đá ra thì không có nơi trú ẩn. Vợ chồng đồng cam cộng khổ con cái đùm đề còn chưa chắc ăn đời ở kiếp với nhau huống chi nhân tình nhân ngãi, tình nghĩa như con chuồn chuồn, khi vui thì đậu khi buồn thì bay.    

Sau hai năm để nhà cho mướn, hết người này dọn đến người kia dọn đi, một ngày nọ Philippo thình lình trở về với thân xác xanh xao, tiều tụy bệnh họan thấy rõ. Ông  qua kiếm ông Nam cho biết:
                - Có thể tôi sẽ trở về căn nhà này để sống những ngày còn lại. Hiện tôi đang bị ung thư thời kỳ thứ ba. Vài hôm nữa, con tôi sẽ giúp tôi chở hết đồ đạc trở về.
Ông Nam nhìn Philippo bùi ngùi thương xót:
                - Lâu quá không gặp ông. Ông khám phá ra bệnh tình từ hồi nào vậy? Lần trước gặp ông ngòai shop thấy ông vẫn khỏe mà. Ông về đây ở một mình hay với ai? Có ai chăm sóc cho ông không? Hiện giờ ông vẫn còn đang chữa trị hả?
Philippo gật đầu đáp với giọng chán chường tuyệt vọng :
                - Có chữa cũng không dứt hẳn đâu, bệnh này trước sau gì cũng chết. Tôi đã trải qua hết mọi vinh nhục thăng trầm của một kiếp người, giờ cũng không còn tiếc rẽ gì nữa, chết cũng mãn nguyện. Chỉ thấy cay đắng tình đời là phút cuối không có người vợ nào  bên cạnh. Chẳng những vậy mà còn muốn chia chác tài sản. Nhưng tôi dứt khóat làm di chúc để lại cho các con ruột của tôi với người vợ đầu tiên.
Ông Nam xúc động ái ngại nói:
                - Không ngờ ông mắc phải chứng bệnh quái ác này. Vậy thì ông ở một mình sao được? Con cái ông có bổn phận phải lo cho ông chớ. Nếu không trực tiếp bên ông hằng ngày thì cũng phải sắp xếp cho có người ở với ông mới phải.
Philippo lắc đầu bảo:
                - Cả một đời tôi hoang đàng phung phí, chỉ nghĩ nhiều đến bản thân mình hơn cho người thân thì  giờ đây bị kết cuộc như vậy cũng đáng. Tôi không hề  than trách ai cả. Tôi đến thăm ông và báo cho ông biết là tôi sắp trở về đây sống những ngày còn lại với xóm giềng. Thời gian vui nhứt của tôi là ở nơi này. Xưa nay tôi ở nhà riêng, không cảm nhận được tình lối xóm, từ khi dọn về đây tôi có người trò chuyện chào hỏi nhau hằng ngày thấy rất ấm lòng.    

Nhưng Philippo vĩnh viễn không còn cơ hội trở về xóm cũ với láng giềng xưa. Lần gặp gỡ đó là lần sau cùng ông Nam còn nhìn thấy Philippo và những lời tâm sự đó của Philippo cũng là tâm sự cuối cùng của một đời người.  Hai hôm sau, người con trai lớn của ông, Lenny chở đồ đạc của ông về nhà đặt vào chỗ cũ nhưng còn ông thì trở bệnh nặng phải vô nhà thương cấp cứu và  sau đó về ở tạm nhà ông em để có người săn sóc trông chừng. Không bao lâu sau thì được tin ông qua đời...

Bàng hòang xúc động bỗng trào dâng
Thương người mới đó đã lìa trần
Hình ảnh hôm nào còn trước mắt
Mà người như sương khói biến tan

Philippo chết đi rồi thì các con ông phải bán tài sản để chia của. Lúc còn sinh tiền nghe ông nói ông còn có cái holiday house cạnh một bờ biển và một bất động sản gì ở đâu nữa. Căn town house được đăng bán trước vì  nhu cầu mua nhà của làn sóng di dân ngày cao điểm. Nhưng sau mấy tháng trời, nhà Philippo vẫn không bán được vì như đã nói ở trên là phòng trên lầu quá hẹp mà lại không có tủ âm, chỉ có thể đặt được một cái giường chiếc và cái tủ đựng quần áo nhỏ mà thôi.  Cho nên  sau đó agent phải cho đấu giá.  Căn nhà được open for inspection  hai tiếng đồng hồ, có một số người tới coi nhưng không ai kêu giá. Cuối cùng có một người Việt Nam ra một cái giá tương xứng nên người chủ hiện thời là Lenny con ông Philippo đồng ý ‘’gả’’ đi cho xong một mối. 

Bán nhà xong, một hôm, Lenny và người chú, em Philippo tới mở cửa nhà coi lại đồ đạc nhằm lúc ông Nam đi đâu về. Ông Nam ngừng xe lại chào hỏi:
- Hi Lenny and Paul! Hai chú cháu ông tới đây làm gì? Nhà bán được rồi phải không? Chủ mới chừng nào dọn vô vậy?  
Lenny chào đáp lễ và nói:
- Chúng tôi tới đây để chụp hình đồ đạc trong nhà đưa lên internet bán. Tôi không hiểu sao ba tôi ham thích những thứ đắt tiền này chi cho mệt, mua thì mắc mà bán lại không dễ gì được giá vì đã thuộc về đồ second hand . Tôi cứ phải chở tới chở lui cho ổng mấy bận rồi. Lần này thì phải bán hết chớ gia đình chúng tôi ai cũng có đủ bộ, đem về không biết làm gì nữa.  Khi ổng biết bị bệnh nan y, ổng bảo tôi đem hết  về đây cất chờ bán chớ không muốn cho  bà ba giữ làm của. Bà nào cũng ham tiền của ba tôi chớ không tình nghĩa gì cả.  Ông có cần bộ lounge  hay bộ dining table gì không? Dù ba tôi mua đã bảy năm nhưng đồ nào cũng còn nguyên như mới, cứ chưng bày vậy thôi chớ không  mấy khi đụng tới.

Nói rồi Lenny đi vào trong làm phận sự. Ông Nam xem xét lại bộ bàn ăn mà từ lúc đầu khi qua nhà Philippo uống cà phê, ông đã có ‘’cảm tình’’ trong bụng và nói với ông Paul:
- Quả thật y như đồ mới, không có chỗ nào chê được nhưng tôi phải hỏi lại bà xã tôi chớ hiện giờ nhà đang có đồ xài, mua về biết để đâu. Với lại tôi cũng phải biết giá khỏang bao nhiêu nữa để nói với bà xã.
Ông Paul vốn cũng quen biết ông Nam, đã gặp mấy lần trước kia khi tới thăm anh mình bỗng bật miệng gợi ý:
-Thì ông cứ trả đại nó 1000 dollars đi. Thế nào nó cũng bán. Nó muốn bán quách cho rồi cho rảnh nợ đó mà.

Bà xã ông Nam, cô Phương tự nãy giờ đứng trên lầu nghe tiếng ông chồng lóang thóang bên nhà số 6 đã chạy lại đứng bên cửa sổ ‘’địa’’’’xuống coi chuyện gì. Nghe xong tự sự, cô vội chạy xuống, ông Nam chưa kịp vô ‘’tấu trình’’ thì cô đã nhào ra ‘’ăn cơm hớt’’. Cô nói:
                - Biết hết rồi khỏi nói. Để em qua coi lại cho chắc ăn rồi tính.
Ông Nam bày tỏ ý mình để  thuyết phục cô Phương:           
                - Anh cảm thấy hình như Philippo xui khiến mình mua bộ bàn ăn của ổng. Lúc trước sắp dọn đi theo bà ba, ổng đã có dọ hỏi anh coi muốn mua  không nhưng lúc đó mình ngại giá hơi cao. Bây giờ ổng đã mất, tự dưng hôm nay gặp thằng con tới đòi bán, lại cũng hỏi mình muốn mua không, the same story  như ông già nó lúc còn sống, anh thấy hơi lạ, có lẽ bộ dining table này có duyên với mình hay nói đúng hơn là ông Philippo ổng muốn ở lại cái xóm này như ước nguyện của ổng trước khi qua đời. Em thấy sao?
Cô Phương gật đầu tán đồng:
                - Có lẽ vậy. Nhưng nếu mua thì bộ bàn của mình tính sao? Để từ từ bán lại hay cho ai đây? Thôi bây giờ như vầy. Anh thử trả chín trăm, không phải mình muốn bóc lột ép giá người ta nhưng em muốn thử xác nhận một điều. Nếu quả thật nó có duyên với mình thì thằng con ổng sẽ chịu bán, chừng nó giao hàng xong mình vẫn trả nó một ngàn, còn nó không chịu thì dẹp đi. Cái gì thuộc về mình thì dù mình không muốn, nó cũng tự động tới với mình, còn không là của mình, van cầu cách mấy cũng ngòai tầm tay.

Nghe vợ đề nghị có lý, Ông Nam chạy qua nói chuyện lại với Lenny:
- Chú của anh bảo tôi trả một ngàn cho bộ dining table này nhưng bà xã muốn xin bớt một trăm tức là chín trăm, nếu anh đồng ý thì chúng tôi mua vì cũng muốn giữ lại chút kỷ niệm của ba anh với chúng tôi chớ thật ra bộ bàn ăn nhà chúng tôi còn rất mới, không cần phải đổi.
Lenny  tình thật nói:
- Ba tôi có nhắc với tôi về ông, ổng rất thích ông. Nếu đồ này của riêng tôi thì tôi sẽ đồng ý  ngay nhưng kẹt cái là có phần chị tôi trong này nữa nên tôi phải hỏi lại bả coi chịu không. Ông cho tôi số phone của ông đi. Tôi hỏi chị tôi rồi sẽ trả lời ông sau. Bả đang du lịch ở Âu châu. Dù sao thì tạm thời đồ đạc này vẫn để ở đây cho tới khi nào chủ mới sắp dọn vào, tôi mới dời chúng đi.

Lenny ra về sau khi hai  bên trao đổi số phone với nhau. Rồi tuần qua tuần vẫn không nghe Lenny gọi lại nói gì, khi ông Nam  sắp quên đi chuyện bộ bàn ăn thì bỗng dưng một buổi sáng sớm, mới tám giờ đã nghe điện thọai mobile reo. Ông Nam bữa nay vì không nhằm ngày chở cháu đi học nên dậy hơi muộn, còn chuyển chệ chưa kịp cạo râu rửa mặt. Nghe phone reo ông còn tưởng là con gái kêu ông có chuyện gì nhưng bên kia đầu dây, tiếng người đàn ông rất lạ tự giới thiệu là Lenny, hỏi ông Nam còn ý định mua bộ bàn ăn không, 10 phút nữa anh ta sẽ tới khiêng qua cho ông Nam. Ông Nam nói OK và  hỏi bây giờ anh đang ở đâu. Lenny nói là đang đứng trước nhà. Ông Nam vội mở cửa ra gặp Lenny thì anh ta cho biết:
- Người mua nhà tuần sau sẽ dọn vô. Hôm nay tôi mướn xe truck lại chở tất cả đồ đạc về để giao nhà cho người ta. Tôi giữ lời bán cho ông bộ bàn ăn này. Ba tôi chắc sẽ vui lắm khi được ở lại xóm nhỏ này, làm bạn với ông như lúc còn sống.

Ông Nam vừa mừng vừa xúc động nhớ lại ông hàng xóm cụt tay, người thì đã chết nhưng cái duyên vẫn còn lưu luyến trên đời. Sau khi Lenny giao hàng xong, ông Nam đưa trả Lenny một ngàn đồng và nói:
                - Tôi trả giá chín trăm là muốn thử coi có thật là tôi có duyên với bộ bàn ăn này của ba anh  hay không. Nếu anh không chịu bán  tức là tôi không có phần mua nó. Nhưng hôm nay anh gọi tôi để bán có nghĩa là ba anh muốn về đây với chúng tôi. Tôi vẫn trả anh một ngàn như chú anh đã đề nghị với tôi hôm trước vậy.
Lenny rất cảm kích trước sự rộng rãi của ông Nam, trước khi từ giã ra về Lenny còn nói:
- Cám ơn ông đã cho ba tôi có cơ hội ở lại đây dù chỉ là linh hồn. Cầu xin Chúa  ban phúc lành cho gia đình ông. Mãi mãi nhớ ông, một người bạn tốt của ba tôi.

Câu chuyện trên đây đã chứng minh rằng từ lòai người có cảm xúc cho tới món đồ vật vô tri, phải chăng tất cả mọi sự trên đời đều  có duyên số, một sự ngẫu nhiên tình cờ kỳ diệu do bàn tay vô hình của thượng đế sắp đặt mà không ai có thể tiên liệu được. Cái gì của mình thì tự động nó sẽ đến với mình, nếu không thì hãy cam lòng, đừng mất công tìm kiếm chỉ chuốc khổ vào thân. Điều này đồng nghĩa với câu ‘’If you love something, set it free, if it comes back, it’s yours; if it doesn’t  it never was’’.   

  Người Phương Nam

1 comment:

  1. Tình nghĩa hàng xóm người Việt Nam hay thiệt.

    ReplyDelete