Phở Kobé House USA. Nguồn: Phở Kobe House USA
Ghé tiệm Phở Kobé House USA
Đang nói chuyện với ông chủ tiệm Phở có một bà bước vô. Bà đi cùng cô con gái trạc 20. Cả hai người đều ăn mặc hàng hiệu rất sang. Từ xa có thể đọc rõ nhãn hiệu trên váy, trên áo, trên mắt kính và cả trên chiếc túi xách bà đang đeo trên vai …
Bà nói với ông chủ:
“Thịt tươi Kobe(*) ở đây ngon. Ông có thể nào đóng gói ướp lạnh để tôi mang đi được không?”
Ông chủ chỉ trả lời “Được“, ra chừng biết bà mang đi đâu, nhưng tôi thì lại tò mò mà hỏi:
“Đi xa không bà?”
“Về Việt Nam.”
“Ủa mang được hả?” Tôi hỏi câu này với ý rằng ‘Thịt ướp lên máy bay không hư sao?’’ Nhưng bà trả lời:
“Sao không được? Mấy anh thì chìa cho tụi nó năm mười đô, còn tôi thấy mặt là nó … xách giỏ dùm.”
“Thiệt vậy hả?”
“Sao không thiệt?” Bà chỉ cô con gái đang ngồi ăn tô bún bò Huế Kobe mà nói thêm:
“Con gái tôi đi học bên này, tôi qua thăm nó như đi chợ… nhẵn cả cái mặt với Hải Quan và Công An cửa khẩu.”
“Chơi qua đường ra đi không ràng buộc”
Gặp thằng bạn cũ, dân chơi ngoài quán cà phê Coffee Factory …
Nghe tin nó mới lấy vợ từ Việt Nam qua. Tôi hỏi:
“Mầy tôn thờ chủ nghĩa độc thân để ăn chơi. Sao bây giờ …”
“Thì tao đã nói với em rồi. Tao về chơi qua đường. Em kết quá, níu kéo 2 năm nay không gỡ được. Nó sẵn sàng có con với tao khi còn ở Việt Nam mà không cần ràng buộc gì hết.”
“Thôi cũng được. Tìm đâu ra được “kẻ si tình” khi mặt trời đã quá ngọ hả mậy? Thế bây giờ em chắc chuẩn bị sanh con rồi.”
“Không! Khi qua đây trong vòng hai tháng em lấy bằng lái, bằng nail, bán bảo hiểm rồi hông muốn có con. Mỗi lần tao nhắc lại chuyện em đòi có con thì em nhắc lại câu tao nói “Chơi qua đường ra đi không ràng buộc.”
Đái bậy
Bạn hẹn ở nhà hàng Hồng Mai. Tôi đi lộn đường ra cửa sau … gặp xe cảnh sát hụ còi, quay đèn inh ỏi …
Anh cảnh sát Việt Nam mở cửa xe rượt theo một người đàn ông. Lát sau không rượt được, anh cảnh sát quay về, đi ngang tôi hỏi:
“Vụ gì vậy ông?”
“Đái bậy ông ơi.”
“Ở đây bây giờ có ‘đái bậy’ nữa hả?”
“Bắt đầu nhiều rồi. Dân gọi cảnh sát thì chúng tôi phải tới.”
Đến trước tiệm Hồng Mai thì gặp vài người ‘ăn xin’ đến xin tiền. Người xin tiền Việt Nam chưa bao giờ tôi gặp ở nơi tôi sống. Nhưng ở Santa Ana những ngày này lại nhiều. Tôi hỏi thằng bạn thì nó trả lời:
“Bây giờ dân Việt trong nước mới sang… mang qua nhiều thứ cứ giống y như ở Việt Nam.”
Cà phê mát
Ăn xong tụi tui bước qua bên đường ăn kem
Snow Monster, tôi hỏi cho có chuyện:
“Ê mậy, lúc này ba cái cà phê Lú, Dĩ Vãng
gì đó còn bikini như trước không?”
“Cũng vẫn vậy.”
“Bà con coi hai mảnh hoài không chán à?”
Nó cười:
“Bây giờ có nhiều cái mới rồi mầy ơi?
“Mới sao?”
“Bây giờ mấy em vẫn mặt hai mảnh như giấy
phép kinh doanh. Nhưng khi nó đến bàn thì nó vén một bên đưa “bác hồ” ra mà rót
trà, hay kéo xuống đưa hai bình sữa ra mà quậy cà phê sữa. Rót trà pha sữa xong
thì tụi nó kéo che lại … rồi quay đi …như khi mới đến.
Đài Cali
Lái xe đi về khách sạn, tôi nghe giọng Quốc-Thái,
Mai-Phương, Thúy-Anh đối đáp trên radio:
“Cali là the best, không có nơi nào bằng.
Anh (Quốc-Thái) đã sống nhiều tiểu bang và dừng chân nơi này vì không có đâu có
không khí Việt Nam như ở đây.”
“Thúy-Anh dời từ Florida về đây thưa quý vị.
Tuy cuộc sống chưa như ý nhưng phải cộng nhận không nơi nào bằng nơi nầy.”
“Mình nói thế thì các quý vị ở tiểu bang
xa đến đây “ăn Tết“ sẽ cảm thấy mình tâng bốc thiên vị Cali quá thì sao?”
“Mai-Phương nói cũng đúng. Nhưng anh vẫn
không ngần ngại mà nói rằng Cali ngày càng ấm cúng và Việt Nam nhiều hơn bao giờ
hết.”
Tôi ngẫm lại những chuyện vừa tai nghe mắt
thấy cũng phải đồng ý với anh Quốc Thái. Và hơn thế nữa …
Nếu làn sóng “đại gia“ và “đa dại” tiếp tục
tràn qua Santa Ana và gia tăng hơn hiện nay, thì không khéo người Việt trong nước
phải kéo qua Quận Cam để ăn Tết cho nó sang mà không phải bận tâm phải biết tiếng
Anh khi ra ngoại quốc.
Vì Sài Gòn Nhỏ dần dà không khác gì Sài
Gòn Lớn với đủ mùi vị cao sang, dung tục và cả … đái đường.
Một góc ở Sài Gòn nhỏ. California, USA. Ảnh TTL
Nguồn: Những đoản khúc Sài Gòn nhỏ. Facebook Trương Thanh Liêm, 23/01/2015. DCVOnlin đề tựa, chú thích và minh họa.
(*) Thịt bò Kobe thật từ giống bò Wagyu chỉ có ở tỉnh Hyogo, nơi thương hiệu thịt bò “Kobe” đã đăng ký tại Nhật Bản. Kobe là thủ phủ của khu vực phía Bắc Nhật Bản này. Cũng như rượu Champagne thật của Pháp làm bằng nho vùng Champagne, và những loại rượu tương tự như Champagne nhưng làm ở những nơi khác trên thế giới được gọi là rượu vang lấp lánh.
Nhưng không giống như Champagne, thương hiệu Kobe hiếm khi được bảo vệ. Vì thế có nhiều nhà hàng và cửa hàng thịt bò ở nhiều nơi trên thế giới đã tự do dùng thuật ngữ bò Kobe mặc dù nó không phải là thị bò ở Hyogo. Cũng như Teriyaki, truyền thống là một món cá của Nhật Bản nhưng nay ở khắp nơi, các tiệm ăn “Nhật” đều có món bò Teriyaki
Hanh Van sưu tầm
No comments:
Post a Comment