Thursday, June 22, 2017

Chị Hai Việt Kiều - Phan Ngọc Vinh

Chị Hai Việt kiều làm trong quán ăn Tàu lúc mới tới

Chị Hai qua Mỹ theo diện HO, trước năm 75 chị quen anh,  lúc ấy tình cảm chưa gì sâu đậm, nhưng chị cảm thấy không thể quên anh mà đi lấy chồng, chị chờ anh 9 năm cho tới khi anh đi "cải tạo" về. 
Hiểu rõ gia cảnh anh, Bố thì già, Mẹ mất sớm, lúc đi tù thì nguời chị cả đi thăm nuôi, nên lúc anh về ba má của chị không đòi hỏi gì cả, chỉ làm một tiệc nhỏ để ra mắt bà con. Và rồi hai anh chị tự ra riêng  kiếm sống, năm ấy anh 44 tuổi, chị thì 34.

Hồi ở Việt Nam chị là cô giáo,  có dành dụm ít tiền thời con gái, nhưng một lần trước khi anh về khoảng một, hai năm, má chị biểu đưa cho má để lo đám cưới cho thằng em kế, chứ chờ bồ của con đi tù về, thì  biết đến bao giờ mới đuợc trở về mà con để dành lo cưới hỏi, khi nào nó dìa thì má kiếm tiền lo cho tụi bây. 

Chi nghe cũng bùi tai, nên bằng lòng chi ra mọi thứ để lo dám cuới cho nó, thế là một cuộc tảo thanh bắt đầu......thằng em nó về quê, nhà ở quê mà chị đang giữ có nuôi bầy gà vài chục con, nó về hốt trọn 10 con gà mái đang sắp sửa đẻ, nó  đem về thành phố làm tiệc cuới, má chị thì gom tiền của chị để làm tiệc đãi cuới, với lời hứa khi đám xong sẽ lấy tiền khách mừng hồi lại cho chị, số tiền nầy là tiền dành làm vốn bán Căn tin ở trường chị đang dạy, chị là người đi lấy bánh trái ở Chợ Lớn về đếm lại cho Giáo viên bán ở Căn tin. 

Chị có dư vài chỉ vàng dành dụm cũng đưa cho má luôn để đổi ra dây chuyền, bông tai, nhẫn cho cô dâu, tiền thì để làm tiệc, rương tráp, áo dài cuới, mùng mền thì chị cũng đã mua từ từ để dành cho ngày hôn lễ khi anh về, chị cũng đưa cho má luôn, thế là những gì dành dụm để làm lễ cưới cho mình, chị đều giao hết cho má để lo đám cuới cho thằng em kế , chị trở thành vô sản. Qua hôm sau đám cưới, nó về quê rượt mấy con gà giò, rượt bắt không đuợc, nó chọi cho què cẳng không chạy được nữa rồi bắt sạch sành sanh, đem về trên thành phố nhậu tiếp, một cuộc " thanh trừng càn quét " đám gà mà chị đã chăm sóc, chờ anh về để làm một cái đám cưới cho ra hồn đãi bà con lối xóm, bạn bè, sau những  tháng năm dài chờ đợi mỏi mòn.

Sau đám cưới vài hôm, chị thấy hai nguời làm thinh, tảng lờ, không nói gì đến số tiền muợn của chi, chị mới hỏi lại má, thì bà cụ trả lời ......" thôi con cho nó đi để nó làm vốn mở tiệm sửa xe " , thôi rồi, chị trúng kế má của chị,  chi quên là từ nhỏ má chị lúc nào cũng dành mọi sự ưu tiên cho thằng con yêu quý của bà !

Nghe thế, chị làm thinh lòng đau như cắt, anh về thì còn gì nữa đâu, bao nhiêu năm dành dụm mọi thứ để chờ ngày anh về, bỗng chốc chỉ có vài hôm mà mọi  dự tính đã tan thành mây khói, chị là người biết lo xa, biết bên gia đình anh đã gồng mình nuôi anh trong trại tù, thì chị không thể chờ đợi họ sẽ lo cưới vợ cho anh, cứ nhớ những lời hứa hẹn của anh rằng "ông lão chèo thuyền sẽ đưa em đi suốt cuộc đời" nên chị tiện tặn để dành mọi thứ mà lo cho cái đám cưới của hai đứa khi anh trở về. Ôi giấc mộng thật bình thường, nhưng nay đã không thể nào thực hiện được nữa, vì càng lúc làm ăn lại càng khó khăn.

Khi đám cưới xong rồi, đuợc lịnh của má, nó dắt vợ về dưới quê chiếm cái nhà lá chị đang ở, kiếm chuyện mắng nhiếc đuổi chị đi, chị đã ở đấy đi dạy học 8 năm rồi từ sau miền Nam rơi vào tay CS, chi nuôi 4 đứa em, nhờ cái căn tin ở trường chị dạy, chi vừa bỏ bánh trái sỉ cho các giáo viên, vừa cho các em trực bán căn tin, chuyện xảy ra như vầy ngoài dự tính, chị  không còn vốn để đi lấy bánh, mà lại bị đuổi đi, phải vô truờng ở nhà tập thể, mấy đứa em thì chị trả về cho má chị ở thành phố, vì nhà cửa bị chiếm, nó hoành hành kiếm chuyện không đứa nào ở đuợc với nó, khi đem vợ về nó mở tiệm sửa xe, một thời gian không khá rồi cũng phải ra đi....... chi lại trở về tiếp tục nuôi mấy đứa em, chờ anh đi mãn tù.....Và rồi 9 năm sau anh  về, má chị cũng không làm gì có tiền lo đám cuới cho chị,  bên anh thì nguời chị đã nuôi anh lúc anh bị đi tù, nên anh không đành lòng đòi hỏi gì nữa.

Thế là sau cái tiệc như cái đám giỗ nhà nghèo, mời vài nguời bà con, vài nguời bạn chứng kiến, chẳng có xe hoa đưa đón, chẳng có pháo cuới rộn ràng, chẳng có thiệp mời hôn lễ, anh chị dọn nhà ra muớn ở riêng, anh làm đủ mọi nghề bằng tay chân, sau 9 năm tù thì sức khỏe chẳng còn được bao nhiêu, chị thì sau giờ dạy chính về nhà phải làm thêm đủ thứ nghề như bán thuốc lá, bán bánh mì vào buổi tối..... sống quá ư cực khổ trước khi đi Mỹ, anh chị tự lực cánh sinh không nhờ bên chồng hay bên vợ....

Sau những năm bôn ba làm lụng cực khổ nơi quê nhà, chương trình HO đã cứu anh chị ra khỏi cảnh đời đen tối, đưa anh chị và hai con đến Mỹ làm lại cuộc đời.........
                   
---------------------

Qua Mỹ độ một tuần, chị viết thư về cho gia đình, cho ba má biết địa chỉ bên Mỹ,  lúc nầy nhờ chủ nhà share phòng chỉ cho chị làm công cho môt Tiệm ăn nguời Tàu, mỗi ngày đi bộ độ khoảng một giờ đến tiệm, vừa bưng đồ ăn, vừa gói đồ khách order, vốn liếng tiếng Anh thuở còn đi học lâu quá mới đuợc đem ra xử dụng, không còn nhớ được bao nhiêu, nhưng nhờ học hỏi với đồng nghiệp, với khách, sau vài tháng cũng tạm ổn, lương đuợc trả 150 đô một tuần cộng típ, nhưng Tiệm ăn nầy là food to go nên típ ít lắm, chỉ vài chục mỗi tuần, lúc nầy là mùa đông, đường đầy tuyết, đi không khéo sẽ bị trượt chúi nhũi, buổi tối thì ông chủ chở nhân viên về từng nhà cũng quanh quanh khu đấy, nhưng đuờng tuyết nên ông lái rất khó khăn, cả bọn trên xe đều hồi hộp, cứ sợ cả nguời, cả xe bay xuống ruộng trồng bắp.

Khoảng hai tháng sau, chị nhận được thư từ quê nhà gửi sang. Mở thư ra, thoạt đầu thấy những dòng chữ nguệch ngọac, sai lỗi chính tả của má, chị nhớ má vô cùng. Cả một quá khứ hiện về, hình ảnh những ngày chị còn đi học được má đưa đón, có những hôm mùa đông trời mau tối, lúc trống trường đánh thùng thùng tan học, học sinh bung ra cổng như bầy ong vỡ tổ, chị thấy má  ngồi trên xe đạp, chân chống dưới đường, mưa rơi lất phất, chị chạy đến,  ngồi yên sau, chui vào cái áo mưa rộng thùng thình, rồi nghe má hỏi "con có muốn đi ăn phở không", thật không mơ ước nào hơn là bụng đang đói mà có ngay tô phở, chị liền trả lời "Dạ muốn", thế là má chị đạp xe chở ngay ra đường Phan Đình Phùng, ngang chỗ Toà Đại Sứ Cao Miên có tiệm phở bình dân nơi ấy, hai mẹ con ăn no rồi má chở chị về, cho đến bây giờ, có ăn cao lương mỹ vị cũng thấy không ngon bằng tô phở bình dân hôm ấy, chị càng nghĩ, nước mắt càng rơi.

Má viết : "Con của má, má gửi lời thăm con và chồng, cùng hai đứa nhỏ được mạnh khỏe, má không đủ chữ để viết nhiều, má chỉ muốn xin con 500 đô để má mua một bộ ván gõ, và mấy tấm liễn để trên bàn thờ ông bà, có nguời túng tiền bán rẻ, con ráng giúp cho má, má thương con nhiều lắm. Má ngừng viết ".

Trời ơi, chị muốn xỉu luôn, anh chồng của chị là người tự trọng, không bao giờ anh mở bóp hay mở thư chị ra đọc, chị cũng vậy, ít bao giờ lục lọi đồ đạc của riêng anh, đọc thư xong chị xé ra từng mảnh vụn, sợ anh đọc thấy thì gia đình không yên vui, hạnh phúc, cứ nghi kỵ lẫn nhau.  Và chị đã không trả lời lá thư của má tuy đôi lần đã đặt tay xuống, định viết nhưng lại thôi. Chị không muốn dùng những lời lẽ phũ phàng hỗn láo, hoặc phân trần, vì ở quê nhà khoảng năm 1994, tin tức gửi về không nhiều như thời đại internet hiện nay, nên phần đông ai cũng tưởng kiếm tiền bên Mỹ dễ lắm, làm như tiền có sẵn ngoài đường, chỉ cần ra hốt là có.......hay rình rình đi cướp nhà băng .....hoặc làm gan thấy "thằng" Mỹ nào khờ khờ cứ chạy tới .........bóp cổ cho nó xỉu, rồi  lục bóp lấy tiền về xài. Họ đâu có biết dân Mỹ xài thẻ không hà !

Chị buồn quá, nín thinh luôn dù chị biết nơi quê nhà má chị đang hồi hộp trông đợi thư con gái, và tiền gửi về. Thôi đành mang tội bất hiếu, vì tiền đâu mà gửi, con thì còn nhỏ, hai vợ chồng sang đây mới chưa đầy hai tháng, đi làm rất cực vì không có bằng cấp chuyên môn thì làm sao hái ra nhiều tiền đuợc. Hơn nữa, cứ suy đi nghĩ lại.....má chị đâu có ăn xài bao nhiêu, chắc bà chỉ muốn mượn cớ để xin cho thằng con tiểu yêu của bà.

Rồi thì lần lượt trong nhiều năm, tin tức từ quê nhà  đưa sang, đứa cháu nầy sắp lấy vợ mà không có đủ tiền đi cưới, đứa kia lên đại học bố nó không có tiền nuôi, thằng em có cục bướu trong đầu không có tiền mỗ nên mỗi khi cục bướu di chuyển lại làm cho nó quay mòng mòng, thằng em khác muốn mua cái xe máy cày có gắn cái "rờ- mọt" phía sau, con em lấy chồng muốn ra riêng mở một tiệm cho thuê đồ cưới, cần tiền để sang tiệm và mua đồ đạc để cho thuê, thằng cháu bị xe đụng vỡ cái trán một bên, má nó xin tiền để trả viện phí vì lỡ mượn tiền bị lời nhiều quá, nếu không trả sớm thì lời càng tăng, một thằng em khác mỗ tim, vì van tim không đóng lại khi máu vào tim.............Ôi thôi, không thể nào kể cho hết ra đây, bà con cứ tưởng chị như là vị  "cứu tinh của dân tộc", họ  cứ nghĩ càng ở lâu bên Mỹ là càng giàu, ....giàu mà xấu, ích kỷ, không chịu giúp bà con nghèo khổ túng thiếu nơi quê nhà.
Trời ơi là trời, chị lặng lẽ không trả lời, quê nhà càng ngày càng gửi thư qua tới tấp.......

Thế rồi 20 năm sau, một cái điện tín đánh từ Viêt Nam gửi sang, đại ý "Má bệnh nặng sợ không qua khỏi, chị nên về gấp". Thế là chị bỏ hết công việc nơi đây, mua vé máy bay khẩn cấp bay về VN......... Và, không thể tưởng tượng, má chị có bệnh nhưng chưa đến đổi nào, và khi buớc vào đã có sẵn một nhà .....bà con anh em xa gần, cháu chít khoảng gần 50 người đến chúc mừng chị về sau 20 năm. Đến lúc nầy, chạy đàng trời cũng không thoát, chị đành phải mở cái .....ruột tượng, lên tiệm vàng gần đó đổi đô la ra tiền Việt mà cho bà con cô bác (chứ không thể nào mà cho tiền đô cho phỉ sức, vì cá mập vây quanh đông quá !), kèm với một món mà ai cũng thích đó là ...chai dầu gió xanh !   
Ôi Việt Kiều.....nghèo!

Viết lại để kỷ niệm một lần về thăm quê hương.
Pennsylvania, 2017.
Phan Ngoc Vinh 

10 comments:

  1. Hi hi Cám ơn chị Tố Kim, chúc chị vui và mạnh khỏe.

    ReplyDelete
  2. Bạn hiền ơi! đọc mà muốn khóc vì ai mới qua xứ này đều khổ cực, vất vả. Rất phục bạn giờ đã an cư lạc nghiệp, con cái công thành danh toại mà vẫn nhớ lại những ngày đầu bơ vơ trên đất Mỹ không như 1 số người họ chỉ khoe và dấu hết...Rồi thì...là...thân nhân bên VN tưởng qua Mỹ hái ra bạc, khạc ra tiền nên nhiều yêu cầu trợ cấp muốn té xỉu. Mình hãnh diên ông bà cụ mình không bao giờ đòi hỏi gì cả, chỉ luôn luôn nhắc nhở phải trông nom dạy dỗ các cháu của cụ vào nề nếp và giữ gìn tiếng Việt cho các cháu, vì vậy khi ông bà sang đoàn tụ nói chuyện với các cháu thoải mái. Thông cảm và rất quý, rất thích được đọc những bài của bạn. Chị NguoiPhuongNam dễ mến và nhìn hình chị chân thật đáng kính lắm bạn nhỉ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cám ơn T đã comt, hai con của bạn cũng quá thành công, đó là phần thưởng không có chi sánh bằng. Chúc bạn và gia đình mạnh khỏe, bình an.

      Delete
  3. Vinh viết nhẹ nhàng mà cảm động lắm
    ĐTMS

    ReplyDelete
  4. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  5. Khổ ơi là khổ ......chuyện dài VN, nhưng trường hợp của chi đỡ hơn gia đình em nhiều, ba má em không hỏi tiền, nhưng chị của em gửi thư muốn em cho chỉ 30 ngàn để chỉ gửi nhà bank suốt đời lấy lời ra xài từ từ không phải đi làm cực khổ. Em làm thinh thì chỉ giận em.
    T T

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tại chị không biết thực trạng ở đây, chứ biết rõ chỉ sẽ Thoòng cảm mình hơn. Cám ơn em . Chúc em vui vẻ, hạnh phúc .

      Delete
  6. Cam on Vinh da viet dung thuc trang cua nguoi Viet o trong nuoc,luc nao ho cung tuong o My tien day duong nen xin cai nay ,cai kia neu khong dap ung duoc thi gian doi cho minh la nguoi bun xin hep hoi.... Thoi danh mang tieng vay./.

    ReplyDelete
  7. Cám ơn NN đã comt, đôi khi V muốn bày tỏ cho bà con mình ở trong nuớc hiểu thêm về những cảnh ngộ của những người ở nuớc ngoài mang tiếng Việt Kiều, nhưng sợ đụng chạm tới những nguời bà con có tư cách, thật tình quý người phương xa trở về thăm quê huơng chứ khg phải tất cả đều như vậy, V thật tình yêu quý các em, các cháu, nếu thật sự khó khăn V sẵn sàng giúp và V quý những tấm chân tình của bà con, anh em, họ hàng xa gần mà có khi mấy mươi năm chưa hề gặp mặt. Chú NN vui và mạnh khỏe.

    ReplyDelete